Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) được hiểu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào hoặc trước đó tuy đã phạm tội nhưng đã được xóa án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội này cũng được coi là phạm tội lần đầu.
Tuy nhiên cần lưu ý là chỉ áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 khi có đủ 02 tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Điều luật tham khảo:
Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Chúng ta cùng xem xét một vụ án sau:
Ngày 19/5/2015, Tòa án nhân dân huyện A áp dụng Khoản 1 Điều 202/BLHS năm 1999 tuyên bố Hoàng Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thông đường bộ” và xử phạt 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng kể từ ngày 19/5/2015. Đến ngày 24/9/2019, Hoàng Văn B dùng dao chém anh Nguyễn Văn C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 03%. Khi xem xét, định tội danh đối với Hoàng Văn B đã có những những quan điểm giải quyết khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất thống nhất với giải đáp tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ (Công văn giải đáp số 01/2017), nghĩa là “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”. Do đó, B không thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” nên không được hưởng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 51/BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng “phạm tội lần đầu” phải được hiểu như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018, tức là “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trước đó chưa phạm tội lần nào; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”. Do đó, B thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” và được hưởng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 51/BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ ba cho rằng Nghị quyết số 01/2018 có phạm vi điều chỉnh là tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên không thể nhận thức và áp dụng cụm từ “phạm tội lần đầu” để điều chỉnh tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 51/BLHS 2015.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, Công văn giải đáp số 01/2017 là giải đáp tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điểm h Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Do trong Bộ luật hình sự này chưa có quy định về các trường hợp không được coi là có án tích nên Công văn giải đáp số 01 không xem xét các trường hợp không được coi là có án tích thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” là phù hợp.
Thứ hai, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực cao hơn Công văn của Tòa án nhân dân tối cao, nên từ khi Nghị quyết 01/2018 có hiệu lực thì các hướng dẫn tại Công văn giải đáp số 01/2017 trái với Nghị quyết này phải được bãi bỏ.
Thứ ba, tuy Nghị quyết số 01/2018 có phạm vi điều chỉnh là tha tù trước thời hạn có điều kiện nhưng cụm từ “phạm tội lần đầu” quy định trong các Điều luật của Bộ luật hình sự có nội hàm và tính chất giống nhau; không thể nhận thức rằng bị can (bị cáo) đặt trong trường hợp này không phải là “phạm tội lần đầu”, còn người chấp hành án phạt tù cũng đặt trong trường hợp này lại được xem là “phạm tội lần đầu”. Như vậy, là không đảm bảo nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” quy định tại Điều 16 Hiến pháp 2013
Mặt khác, trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử thì việc áp dụng các hướng dẫn của Thông tư liên tịch, Nghị quyết không thuộc phạm vi điều chỉnh vào các quy định tương tự trong Bộ luật hình sự cũng thường được thực hiện. Điển hình như hướng dẫn tình tiết định khung “Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp đụng một số quy định tại Chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 được sử dụng để làm tình tiết định tội, tình tiết định khung của một số tội danh khác không phải là các tội xâm phạm sở hữu.
Trên đây là nội dung trao đổi về áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, rất mong các đồng nghiệp và độc giả đóng góp ý kiến để việc nhận thức và áp dụng tình tiết này được thống nhất./.
Luật sư bào chữa hình sự – Công ty luật Dragon Hà Nội
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai