Chặn bắt cướp bằng barie – ranh giới giữa công và tội
Bảo vệ khu Phú Mỹ Hưng kéo barie chặn đường, bắt cướp, được đánh giá là đáng hoan nghênh, song có thể vướng lao lý nếu không may nghi can tử vong.
Qua hệ thống camera, chiều 20/5, đội bảo vệ khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, phát hiện hai thanh niên chạy xe máy giật điện thoại người đi bộ rồi chạy ra đường Nguyễn Văn Linh. Thông tin nhận dạng hai nghi can được báo cho các bảo vệ khu vực đó, cách hiện trường khoảng 2 km. Bốn bảo vệ sau đó đã kéo barie chắn ngang giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Lương Bằng để đón lõng. Khi các nghi can chạy xe máy với tốc độ cao đến nơi, các thanh barie được kéo khép kín, chặn đường, khiến họ ngã nhào, văng xa nhiều mét. Nhóm bảo vệ chia nhau khống chế nghi can cướp, giao công an.
Trả lời VnExpress, đại diện Ban quản lý khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, hệ thống 2.800 camera an ninh đã được lắp đặt trên khắp các tuyến đường, khu dân cư nhằm sớm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật để ngăn chặn. Đội bảo vệ của khu đô thị cũng được huấn luyện để xử lý trong nhiều tình huống khẩn cấp và phải đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, việc chặn bắt cướp bằng barie là hành động bộc phát của đội bảo vệ. Các thanh barie này chỉ dùng trong mục đích phân luồng giao thông tại khu đô thị.
“Các bảo vệ kéo barie ra giữa đường nhằm mục đích làm hai nghi can phải giảm tốc độ, hoặc dừng xe. Khi họ chạy lại gần, các bảo vệ đã nhiều lần hô lớn ‘dừng lại’ nhưng họ cố tình vượt qua, tông vào barie. Đây là việc ngoài ý muốn”, đại diện Ban quản lý khu đô thị nói.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha) bắt cướp là hành động dũng cảm, rất đáng hoan nghênh và được pháp luật cho phép tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự: đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất…. Như vậy, không chỉ những người thi hành công vụ mà ngay cả người dân, trong đó có lực lượng bảo vệ, vẫn có thể phối hợp bắt người phạm tội quả tang.
Tuy nhiên, theo ông Đan Mạch, cách các bảo vệ Phú Mỹ Hưng kéo barie chặn ngang tuyến đường đông xe lưu thông để bắt cướp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nghi can, người tham gia giao thông, thậm chí cho chính các bảo vệ. Bởi qua camera các bảo vệ biết cướp đang chạy với tốc độ rất cao, phải nhận thức rằng hành vi kéo barie để cản đường tẩu thoát của những người này có thể dẫn đến tai nạn, gây thương tích nặng hoặc tử vong. Do vậy, nếu có hậu quả chết người xảy ra, những người bảo vệ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý giết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
“Người dân khi tham gia bắt cướp cần tỉnh táo, cân nhắc đưa ra các phương án tối ưu để không bị vướng vào lao lý. Bởi ranh giới giữa công và tội trong trường hợp này là rất mong manh”, ông Mạch nói.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá tinh thần bắt cướp của các bảo vệ là đáng được nhân rộng, việc dùng barie chặn đường buộc cướp phải giảm tốc độ để vây bắt là mục đích tốt. Tuy nhiên, khi tên cướp cố tình vượt qua khe hở để tẩu thoát và bảo vệ tiếp tục đẩy hai đầu barie chặn lại để tên cướp tông thẳng vào bằng lực rất mạnh và ngã văng trên đường thì rất nguy hiểm.
“Giả sử cướp tông vào barie gặp tai nạn dẫn đến thương vong thì người bảo vệ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết theo khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hình sự”, ông Trạch nêu quan điểm.
Pháp luật quy định, hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết (gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa) không phải là tội phạm, nhưng thường dành cho thiệt hại về tài sản. Còn ở trường hợp “bảo vệ kéo barie chặn đường để tên cướp tông thẳng vào” thì không phải là tình thế cấp thiết, không phải cách duy nhất để bắt giữ và bất chấp hậu quả, có thể gây tai nạn dẫn đến chết người. Nếu nghi can cướp bị tử vong thì các bảo vệ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì “thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”.
Theo Luật sư Trạch, bất kỳ công dân nào cũng có quyền bắt cướp khi phát hiện, song pháp luật không quy định cụ thể những hành vi, giới hạn nào khi bắt cướp. Do đó, người dân phải nghĩ đến sự an toàn cho chính bản thân mình và người xung quanh.
“Trước khi hành động mọi người cần cân nhắc hậu quả nào có thể diễn ra trong việc ngăn chặn tội phạm. Đừng để việc làm xuất phát từ mục đích tốt ban đầu mà bản thân bị vướng vào vòng lao lý thì thật đáng tiếc và mất đi ý nghĩa của việc đấu tranh phòng chống tội phạm”, ông Trạch nói.
Điều 111. Bắt người phạm tội quả tang
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.