Công an được nổ súng khi thi hành nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự; ngăn chặn cái ác; cứu mạng…
Sau vụ việc thiếu tá công an Lê Minh Chánh bắn chết một đối tượng nguy hiểm xảy ra tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nhiều bạn đọc cần biết người thi hành công vụ nổ súng trong trường hợp nào là đúng quy định.
Ngăn chặn hành vi nguy hiểm
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP HCM, điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh 07/2013/UBTVQH13 ngày 12-7-2013 thì việc nổ súng khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của cán bộ công an phải tuân theo các nguyên tắc nghiêm ngặt.
Trước tiên, phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng. Lực lượng chức năng chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Kế đến, không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Trong vụ việc ở Phú Quốc, đối tượng đã nắm 2 chân cháu bé nhúng vào bồn nước. Hành vi này đe dọa trực tiếp đến tính mạng cháu bé, nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể sẽ khiến cháu bé mất mạng. Do đó, nổ súng trong trường hợp này hoặc những trường hợp tương tự là hành động kịp thời.
Hiện trường vụ nổ súng bắn chết đối tượng đe dọa tính mạng cháu bé tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Phù hợp với pháp luật
Đồng tình với quan điểm của luật sư Hậu, một điều tra viên Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng việc thiếu tá Chánh bắn hạ đối tượng nguy hiểm là phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế lúc bấy giờ. Bởi trước khi bắn hạ đối tượng, thiếu tá Chánh đã thuyết phục, bắn chỉ thiên và đối tượng đã sử dụng chất kích thích, đang đe dọa tính mạng cháu nhỏ. Trong tình huống này, để bảo vệ tính mạng người dân, người thực thi nhiệm vụ phải dùng biện pháp loại bỏ mối đe dọa.
Trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp cảnh sát bắn những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây được xem là quyền tự vệ của cảnh sát. Ví dụ vụ Darren Wilson thuộc Sở Cảnh sát Ferguson (Mỹ) đã bắn thanh niên da màu Michael Brown, 18 tuổi, sau một vụ ẩu đả trên phố diễn ra vào năm 2014. Viên cảnh sát này sau đó không bị buộc tội. Hay gần đây là vụ cảnh sát phải bắn vào chiếc xe hơi chở 4 người cố lao qua hàng rào an ninh trên đại lộ Champs-Élysée của nước Pháp.
Theo một thạc sĩ đang giảng dạy tại Trường ĐH Luật TP HCM, pháp luật các nước cũng quy định rất cụ thể về hành vi trên. Tại Mỹ, cảnh sát được dùng “vũ lực chết người” nếu nghi can là mối đe dọa nguy hiểm với những người xung quanh hoặc với chính cảnh sát đó. Cảnh sát Ý “được sử dụng vũ lực chết người khi đặc biệt cần thiết để ngăn chặn bạo lực hay tội ác nghiêm trọng”. Còn cảnh sát Anh “chỉ có thể dùng “vũ lực chết người” khi hết sức cần thiết để tự vệ hoặc bảo vệ tính mạng người khác trước mối đe dọa dẫn đến chết người hoặc thương tích nghiêm trọng”…
Những vụ nổ súng cần thiết
Ngày 24-5, sau khi đi thực tế nắm tình hình về một nhóm cưỡng đoạt tài sản tại KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, TP Hải Phòng, đại úy Lương Văn Phong, Phó Đội trưởng Đội CSGT – Trật tự – Cơ động Công an huyện An Dương, bị hơn 10 đối tượng do Bùi Đức Ngọc cầm đầu đuổi chém. Trong lúc chạy về xe của mình, đại úy Phong bị Ngọc chém 11 nhát. Vừa lấy được súng trong xe, đại úy Phong lên đạn thì súng nổ, làm Ngọc bị thương nặng, sau đó tử vong. Vào ngày 26-11-2014, tổ trinh sát của Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1, TP HCM đang tuần tra thì phát hiện Trần Ngọc Cường điều khiển xe máy chở Trần Trọng Long giật điện thoại của một Việt kiều. Khi bị các đối tượng này tấn công, trinh sát đã nổ súng trúng đùi trái của Long, xuyên qua mông của Cường làm cả 2 bị thương. Ngày 29-5-2013, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện Võ Hoàng Điệp – một đối tượng chuyên cướp ô tô, xe chở tiền, lừa đảo, có 5 lệnh truy nã – đang ở nhà một người dân. Khi bị công an vây bắt, Điệp bắt cóc một phụ nữ làm con tin và bắn vào lực lượng công an. Lực lượng công an bắn 2 phát súng tiêu diệt Điệp. |
Trường Hoàng
Theo Báo Người Lao động
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai