Bài luận cứ (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Kịch)
Kính thưa hội đồng xét xử,
Kính thưa Vị đại diện Viện kiểm sát
Thừa uỷ quyền của Bà Nguyễn Thị Kịch, được sự giới thiệu của đoàn Luật sư Thành phố Hà nội, tôi, luật sư Vương Cẩm Vân, sử dụng các quyền được pháp luật qui định xin làm rõ một số tình tiết và đưa ra các ý kiến để hội đồng xét xử xem xét quyết định đưa ra các phán quyết công minh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của tôi, Bà Vũ Thị Vịnh
Nội dung sự vụ xin được tóm tắt như sau:
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 28.4.2001, anh Triệu Văn Kết và anh Nguyễn Văn Một cùng với anh Nguyễn Văn Bá (con trai bà Kịch) và anh Ngô Văn Tùng (con rể bà Kịch) đào đất làm nhà kho cho gia đình bà Nguyễn Thị Kịch (tại ấp Tây, xã Nhị Bình, Châu Thành, Tiền Giang). Trong quá trình đào nền nhà kho, anh Kết phát hiện một hũ thuỷ tinh gói trong bọc ni lông liền gọi anh Một đến xem, anh Một mở ra thấy bên trong có 3 gói vàng. Gia đình bà Kịch khi biết đó là hũ vàng thì cất luôn đi và cho anh Kết và anh Một mỗi người 200.000 đồng đề thưởng công tìm ra hũ vàng nhưng các anh này không nhận.
– Ngày 30.4.2001, bà Kịch gọi anh Kết đến đưa cho anh Kết 1 chỉ vàng nhưng ngày hôm sau vợ anh Kết lại đem trả lại chỉ vàng đó và yêu cầu bà Kịch chia cho anh Kết một phần trong số vàng đào được, bà Kịch không đồng ý.
– Ngày 30.9.2001, anh Kết làm đơn khởi kiện bà Kịch tại Toà án nhân dân huyện Châu Thành – Tiền Giang vì lý do đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Anh Kết yêu cầu mình là người phát hiện ra số vàng phải được chia một nửa số vàng đó.
– Ngày 19.12.2001, Toà án nhân dân huyện Châu Thành tiến hành hoà giải giữa anh Kết và bà Kịch nhưng không thành.
– Ngày 17.4.2002, Toà án nhân dân huyện Châu Thành mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “đòi quyền sở hữu tài sản” giữa nguyên đơn Triệu Văn Kết và bị đơn Nguyễn Thị Kịch.
Trong vụ này, lời khai của những người liên quan có sự mâu thuẫn nhau đó là:
– Anh Kết và anh Một khai số vàng đào được là 30 lượng vàng 9999 gói thành 3 gói, mỗi gói 10 lượng, đựng trong một lọ thủy tinh hiệu MiLo. Hũ vàng nặng khoảng hơn 1 kg. Anh Kết, anh Một cho rằng số vàng này là của ai đó chôn giấu ở gần khu vực nhà bà Kịch rồi bị thất lạc.
– Bà Kịch, anh Bá, anh Tùng khai 3 gói vàng mỗi gói chỉ có 1 lượng vàng 9999, tổng số là 3 lượng đựng trong lọ thủy tinh hiệu MiLo. Hũ vàng nặng khoảng 2-3 lạng. Gia đình bà Kịch cho rằng số vàng này là của ông Ba (chồng bà Kịch) chôn dấu, sau đó bị tai nạn mất trí nhớ nên quên không đào lên.
Kính thưa hội đồng xét xử
Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu có trong vụ án và qua phần thẩm vấn công khai tại phiên toà hôm nay, tôi xin trình bày quan điểm của mình về vụ án trên như sau:
Tôi là Vương Cẩm Vân, Luật sư của Văn phòng luật sư Ageless thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Hôm nay, trên cơ sở đề nghị của gia đình bị đơn và sự chấp thuận của quý Toà, tôi tham gia phiên toà với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tôi là bị đơn Nguyễn Thị Kịch.
Kính thưa Hội đồng xét xử!
Qua nghiên cứu các chứng cứ có trong hồ sơ, kết hợp với các chứng cứ đã được thẩm định thông qua việc xét hỏi tại phiên toà hôm nay, căn cứ vào những quy định của Pháp luật hiện hành, tôi cho rằng: yêu cầu của nguyên đơn Triệu Văn Kết đòi chia một nửa số vàng tìm được vì lý do mình là người phát hiện và số vàng này là vàng vô chủ do người khác chôn dấu trên đất gia đình bà Kịch là không có căn cứ.
Bởi vì: số vàng tìm được là do ông Nguyễn Văn Ba, chồng bà Kịch, chôn dấu từ trước khi ông Ba bị tai nạn rồi mất trí nhớ năm 1998 nên không tìm lại được. Do đây không phải là vật vô chủ nên anh Kết không thể được chia một nửa số vàng này với tư cách là người tìm thấy vật theo căn cứ tại điều 248 Bộ luật dân sự.
Sau đây, tôi xin chứng minh rằng số vàng tìm được đúng là số vàng của gia đình bà Kịch bị thất lạc nay mới tình cờ tìm lại được.
Trước hết, ta xét đến địa điểm nơi vàng chôn dấu được phát hiện. Nơi anh Kết đào được hũ vàng là chân cột ở giữa gian nhà bếp trên đất của gia đình nhà bà Kịch. Do đất nhà bà Kịch là đất thổ cư, gia đình bà đã sinh sống ở đây từ lâu, nên theo tôi có thể nói là không thể có chuyện một ai đó khác mang vàng vào chôn trong bếp nhà bà Kịch trong thời gian gia đình bà đang sinh sống tại đây được.
Trong bút lục số 4, anh Kết cũng công nhận rằng gia đình bà Kịch đã về đây ở từ lâu, tuy nhiên, trước đó là dân tản cư ở. Tôi xin chứng minh rằng vàng tìm được không thể là của những người dân tản cư chôn dấu rồi thất lạc. Theo lời khai của anh Kết và anh Một và cùng thống nhất với lời khai của gia đình bà Kịch, số vàng tìm được là những lượng vàng 9999 được đựng trong lọ thuỷ tinh hiệu MiLo có niên hạn sử dụng là 040597 (BL số 14). Thông thường, một lọ Milo có thời hạn sử dụng khoảng 3 năm. Vàng 9999 chỉ có ở Việt Nam từ năm 1989. Như vậy, từ các thông tin này, ta có thể kết luận vàng có thể được chôn dấu trong thời gian sớm nhất là từ năm 1994 (năm sản xuất của lọ Milo đựng vàng). Thời gian này trùng với thời gian gia đình bà Kịch sử dụng liên tục khu đất có chứa vàng bị chôn dấu. Do đó, vàng này không thể là vàng do những người tản cư trước đây chôn dấu rồi bị thất lạc được.
Kết hợp các chứng cứ được phân tích nêu trên với lời khai của gia đình bà Kịch về việc ông Ba chôn dấu vàng nhưng không cho mọi người trong gia đình biết và sau đó ông bị tai nạn mất trí nhớ nên quên không đào lên, có thể thấy rằng nguồn gốc số vàng được tìm thấy là vàng thuộc sở hữu của gia đình bà Kịch bị thất lạc là hoàn toàn hợp lý và có căn cứ. Hay nói cách khác, không có đủ căn cứ để xác định số vàng được tìm thấy trên nền đất nhà bà Kịch là vàng vô chủ bị thất lạc.
Kính thưa Hội đồng xét xử!
Từ sự phân tích nêu trên, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xác định số vàng được tìm thấy là vàng thuộc sở hữu của gia đình bà Kịch và bác đơn yêu cầu chia tài sản tìm thấy của anh Triệu Văn Kết.
Thay mặt cho thân chủ và nhân danh cá nhân, tôi xin trân trọng cám ơn!