Trong giải quyết án hình sự, việc định tội danh có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để phân hóa trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt. Định tội danh chính xác giúp giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, tránh được oan, sai; góp phần giải quyết vụ án hình sự một cách công bằng, chính xác, đồng thời làm cơ sở cho việc áp dụng hình phạt và các biện pháp ngăn chặn, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh, đặc biệt đối với những vụ án mà hành vi phạm tội của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu khách quan của hai hay nhiều tội phạm. Đối với những vụ án thuộc những trường hợp này, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng trong định tội, phải dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích, tổng hợp từng yếu tố của vụ án, áp dụng các văn bản pháp luật liên quan một cách chính xác thì mới định tội danh đúng. Dưới đây là vụ án cụ thể:
Chu Văn C có cơ ở sản xuất hương nhãn hiệu ĐT và ĐS tại thôn L (nhãn hiệu hương ĐT, ĐS đều không đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ). Khoảng cuối tháng 11/2019, C tìm hiểu thị trường thấy các loại hương gồm: Nhãn hiệu GN (loại 100 que hương/01thẻ) của Cơ sở sản xuất hương trầm GN; nhãn hiệu TH (loại hương trầm đặc biệt) của Cơ sở sản xuất hương TH và nhãn hiệu NH (loại hương thơm cuốn tàn) của Cơ sở sản xuất hương NH được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá bán cao hơn hương nhãn hiệu ĐT, ĐS của C. C nảy sinh ý định mua bao bì giả nhãn mác của 03 nhãn hiệu hương nêu trên rồi sử dụng hương của C sản xuất cho vào các bao bì giả đóng gói để bán ra thị trường nhằm tăng lợi nhuận kinh doanh. C thỏa thuận với Nguyễn Văn S là sẽ sản xuất giả 03 loại hương nhãn hiệu GN, TH và NH, S mua đem đi bán thì C sẽ lấy giá rẻ: Hương nhãn hiệu GN là 7.700đ/thẻ; hương nhãn hiệu TH và hương nhãn hiệu NH đều 3.800đ/thẻ. Trong tháng 12/2019, C đã sản xuất rồi bán cho S 900 thẻ hương giả nhãn hiệu TH (loại hương trầm đặc biệt), 900 thẻ hương giả nhãn hiệu NH (loại hương thơm cuốn tàn) và 680 thẻ hương giả nhãn hiệu GN (loại 100 que hương/01thẻ) với tổng số tiền là 12.076.000 đồng. Sau đó, S đã đem số hương giả trên đến bán ở khu vực huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sáng ngày 12/01/2010, C bán cho S 6.800 thẻ hương giả nhãn hiệu GN với giá là 52.360.000 đồng, cùng ngày S thuê xe ô tô tải vận chuyển 6.800 thẻ hương giả nhãn hiệu GN đến khu danh thắng T để bán thì bị Công an tỉnh V kiểm tra, phát hiện thu giữ.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh V tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, địa điểm là xưởng sản xuất hương và nhà ở của C thu giữ: 55 thẻ (bó) hương nhãn hiệu GN; 200 thẻ (bó) hương nhãn hiệu NH; 2.950 thẻ (bó) hương nhãn hiệu TH; 1.100 thẻ (bó) hương nhãn hiệu TH. Tổng giá trị của 6.864 thẻ hương giả nhãn hiệu GN, 2.961 thẻ hương giả nhãn hiệu TH và 200 thẻ hương giả nhãn hiệu NH thu giữ của C và S theo kết luận định giá là 104.395.000 đồng.
Ngày 06/02/2020, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh V ra Quyết định trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định xác định các thẻ hương nhãn hiệu GN, TH, NH thu giữ của S và C. Ngày 12/02/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an từ chối giám định, lý do: Không có các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu hóa học, vật lý) nên không đủ điều kiện giám định (hiện Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành tiêu chuẩn việt nam về hương nên trên bao bì đều không thể hiện chỉ tiêu chất lượng, sản phẩm). Tại Kết luận giám định số NH041- 20TC.TP/KLGĐ ngày 25/02/2020 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học và công nghệ kết luận: Sản phẩm hương gắn dấu hiệu GN, TH, NH là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm hương thắp của các hộ kinh doanh GN, TH, NH.
Quá trình giải quyết tin báo, có hai quan điểm khác nhau về định tội danh đối với Chu Văn C và Nguyễn Văn S như sau:
Ý kiến thứ nhất: Chu Văn C và Nguyễn Văn S có dấu hiệu phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, quy định tại điểm a, khoản 1, điều 192 Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định:
Người nào sản xuất, buôn bán … hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây … thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000đ hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng…”
Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được hiểu như sau:
Hành vi sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác để làm ra hàng giả.
Hành vi buôn bán hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả là:
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, cụ thể: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Tem, nhãn, bao bì giả (Theo Khoản 9, Điều 3, NĐ 185/NĐ-CP thì “tem, nhãn, bao bì giả’ gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng… của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác).
Chu Văn C không được sự ủy quyền hay cho phép của các cơ sở sản xuất hương chính hãng nhãn hiệu GN, TH, NH (các cơ sở này đều được nhà nước bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hương của mình) sản xuất, đóng gói sản phẩm của mình. Chỉ vì hám lợi, Chu Văn C đã chủ động mua vỏ bao bì in sẵn nhãn hiệu, biểu tượng giả các nhãn hiệu hương GN, TH, NH sau đó cho hương của cơ sở mình sản xuất vào các bao bì này để đóng gói thành 10.025 thẻ hương thành phẩm giả nhãn hiệu GN, TH, NH trị giá 104.395.000 đồng để bán ra thị trường nhằm thu lời bất chính, nên hành vi của C cấu thành tội “Sản xuất hàng giả”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Văn S dù biết rõ Chu Văn C sản xuất hương giả các nhãn hiệu GN, TH, NH nhưng vì hám lợi nên đã mua 6.809 thẻ hương giả nhãn hiệu GN và 11 thẻ hương giả nhãn hiệu TH của C với trị giá 81.785.000 đồng đem đi chào hàng và bán lại cho người tiêu dùng để thu lợi bất chính, nên hành vi của S cấu thành tội “Buôn bán hàng giả”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự.
Ý kiến thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Hành vi của Chu Văn C có dấu hiệu phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình Sự. Điều luật quy định:
Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn đại lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Chu Văn C không được các cơ sở sản xuất hương GN của hộ kinh doanh Vũ Cao G đã được nhà nước bảo hộ theo theo GCNĐKNH số 267922; hương TH của hộ kinh doanh Bùi Thị H theo GCNĐKNH số 193850 và hương NH của hộ kinh doanh NH theo GCNĐKNH số 245718 ủy quyền hay cho phép để sản xuất hương bán ra thị trường nhưng C đã sử dụng trái phép các nhãn hiệu hương được bảo hộ nêu trên nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các nhãn hiệu này để tăng lợi nhuận kinh doanh và không xác định được chất lượng hương do C sản xuất với chất lượng hương của 03 nhãn hiệu hương GN, TH, NH sản xuất nên không có căn cứ xác định quyền lợi của người tiêu dùng có ảnh hưởng hay không mà chỉ xác định được hành vi của C đã làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp. Do vậy, hành vi của C thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội xâm phạm sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 226 BLHS. Trị giá số hương C sản xuất giả 03 nhãn hiệu GN, TH, NH là 104.395.000 đồng và thu lợi bất chính dưới 100.000.000đ nên hành vi của C chưa đủ định lượng cấu thành tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 226 BLHS. Nguyễn Văn S mặc dù biết rõ hương các nhãn hiệu GN, TH, NH do C sản xuất là giả nhãn hiệu của các cơ sở hương chính hiệu nhưng S vẫn mua rồi đem bán để thu lợi bất chính. Hành vi của S không xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hương GN, TH, NH được nhà nước bảo hộ nên không cấu thành tội phạm.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Cao Thị Thanh Huyền, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc
Bàn về định tội danh trong án hình sự
Xác định tội danh là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc truy tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự của Kiểm sát viên, nên nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm trong thực tiễn là rất cần thiết nhằm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Để xác định đúng tội danh trong vụ án hình sự, trước tiên chúng ta phải nắm chắc các khái niệm như:
Tội danh: là một danh từ dùng để chỉ hành vi phạm pháp đã được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS).
Tội phạm: là danh từ dùng để chỉ hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS.
Như vậy, mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS đều phải xác định đúng tên của hành vi phạm tội gọi là tội danh.
Để duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nên Quốc hội đã thông qua BLHS để điều chỉnh và trừng trị mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với pháp nhân và cá nhân phạm tội.
Mỗi hành vi nguy hiểm cho xã hội khi hội tụ đủ các yếu tố về mặt khách thể của tội phạm; mặt khách quan của tội phạm; chủ thể của tội phạm; mặt chủ quan của tội phạm thì đủ yếu tố cấu thành một tội phạm. Nếu các hành vi nguy hiểm cho xã hội đó đan xen, nối tiếp nhau trong một vụ án hình sự thì có thể cấu thành một tội phạm hay các tội phạm độc lập tương ứng với hành vi nguy hiểm mà người phạm tội đã gây ra.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể thực hiện trực tiếp (tội phạm) và cũng có thể thực hiện gián tiếp gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội (đồng phạm).
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của mỗi tội phạm mà BLHS quy định một hình phạt tương ứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm đó. Do đó, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà điều luật chia thành các khoản 1, 2, 3… để quy định về hình phạt cho phù hợp.
Như vậy, căn cứ vào đâu để định tội danh đối với hành vi phạm tội cho chính xác?
Thông thường, căn cứ vào 4 yếu tố, đó là: Khách thể của tội phạm; Mặt khách quan của tội phạm; chủ thể của tội phạm; Mặt chủ quan của tội phạm để xác định tội phạm. Thế nhưng, căn cứ về mặt khách quan của tội phạm để xác định tội danh thường hay có sự nhầm lẫn, vì có những hành vi na ná giống nhau, khó phân biệt nhưng căn cứ theo cấu thành cơ bản của tội phạm (khoản 1 điều luật) để xác định tội danh thì dễ hơn và chính xác hơn, vì mỗi cấu thành cơ bản của điều luật quy định có một đặc điểm riêng biệt (động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại).
Theo BLHS, một điều luật quy định một hành vi phạm tội, song cũng có một số trường hợp một điều luật lại quy định nhiều hành vi phạm tội nhưng đối với những tội phạm được quy định trong một điều luật lại có cấu thành cơ bản giống nhau.
Ví dụ: Điều 253 BLHS quy định 4 tội danh, đó là: Tội tàng trữ, tội vận chuyển, tội mua bán hoặc tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
Tương tự, Điều 134 BLHS quy định 2 tội danh, đó là: Tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo đó, cấu thành cơ bản của tội danh (nhóm tội danh) được quy định tại khoản 1 của mỗi điều trong BLHS.
Để xác định đúng tội danh nhằm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì chúng ta nên căn cứ vào cấu thành cơ bản của điều luật để xác định tội danh, vì mỗi cấu thành cơ bản của tội phạm thể hiện một đặc điểm (yếu tố) riêng của tội phạm. Căn cứ vào đặc điểm riêng đó mà chúng ta xác định được tội danh của từng hành vi phạm tội. Chính nhờ đặc điểm riêng đó mà chúng ta tránh được sự nhầm lẫn giữa tội phạm này và tội phạm khác.
Ví dụ: Ngày 01/02/2018, A đi làm ngoài đồng về thì phát hiện 9 chỉ vàng 24K của A cất trong tủ đứng ở phòng buồng bị mất. Hành vi của kẻ gian chiếm đoạt tài sản của A là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xác định tội danh đó là tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản… quy định tại các Điều 173, 168, 172 BLHS. Như vậy, để xác định tội danh của kẻ gian trong vụ chiếm đoạt 9 chỉ vàng 24 K của A là tội danh gì chúng ta nên căn cứ vào đặc điểm riêng của nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu để xác định tội danh. Chẳng hạn, xác định hành vi đó phạm tội trộm cắp tài sản, vì tội trộm cắp tài sản là có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, mức thiệt hại có giá trị định lượng là 2.000.000 đồng trở lên (dưới 2 triệu đồng phải có điều kiện khác) nên nếu không có hành vi lén lút, không đủ định lượng thì không cấu thành tội trộm cắp tài sản mà có thể phạm tội khác. Trước tiên, cần xác định hành vi của kẻ gian phạm tội trộm cắp tài sản. Vậy tội trộm cắp tài sản có đặc điểm riêng như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta phân tích từ “Trộm cắp” để tìm ra đặc điểm riêng, từ đó xác định tội danh cho chính xác. Trộm cắp là động từ, có ý nghĩa dùng để chỉ hành vi lấy tài sản của người khác một cách lén lút, nhân lúc đêm hôm hoặc lúc vắng người. Nói cách khác, trộm cắp là chiếm đoạt tài sản một cách lén lút. Do đó, căn cứ vào cấu thành cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” để xác định hành vi của “người nào” (chủ thể phạm tội) có lén lút chiếm đoạt tài sản của “người khác” (A) hay công khai chiếm đoạt. Trước tiên, xác định A đi làm có ai trông coi nhà hay không?. Nếu không có ai trông coi nhà thì “người nào” (chủ thể phạm tội) sẽ có hành vi lén lút chiếm đoạt 9 chỉ vàng 24K của A, nên đã phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS.
Sở dĩ, cấu thành cơ bản của Điều 173 BLHS không nêu rõ “người nào lén lút trộm cắp tài sản của người khác” mà chỉ quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác” là vì nghĩa của từ “trộm cắp” đã chứa đựng hành vi lén lút rồi, nếu thêm từ “lén lút trộm cắp” thì sẽ dư từ, trùng nghĩa, chẳng khác gì nói: Chúc đôi bạn trăm năm bách niên giai lão” (trăm năm đồng nghĩa với bách niên). Do đó, tội trộm cắp tài sản là phải có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đủ định lượng thì mới cấu thành tội trộm cắp tài sản. Nếu “người nào” không có hành vi lén lút mà chiếm đoạt tài sản của “người khác” thì hành vi đó không cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS mà có thể phạm tội khác như tộic công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 BLHS…..
Tương tự, cấu thành cơ bản của tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” thì đặc điểm riêng của tội này là “người nào” có hành vi tác động vào cơ thể của “người khác” với mục đích gây thương tích cho người đó như đánh, chém, đâm, tông, bắn… và phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể đủ định lượng thì mới cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS. Nhưng nếu “người nào” có hành vi tác động vào cơ thể người khác với mục đích tước đoạt sinh mạng của người đó như đánh, chém, đâm, tông, bắn… và có tỷ lệ tổn thương cơ thể hoặc không có tỷ lệ tổn thương cơ thể thì vẫn không cấu thành tội phạm theo Điều 134 BLHS mà cấu thành tội phạm giết người theo Điều 123 BLHS: “Người nào giết người… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:…”, vì ý chí của chủ thể phạm tội có hành vi tác động vào người khác với mục đích nhằm tước đoạt mạng sống chứ không phải ý chí của chủ thể phạm tội tác động vào người khác nhằm gây thương tích. Trong trường hợp này tổn thương cơ thể hay không tổn thương cơ thể là ngoài ý chí chủ quan của chủ thể phạm tội.
Mặt khác, cũng có trường hợp tội phạm chuyển hóa từ tội danh này sang tội danh khác là do tội phạm đã thay đổi đặc điểm riêng đó. Chẳng hạn, A lén lút đột nhập vào nhà B lấy 10 triệu đồng bỏ vào túi, đang lúc đi trở ra thì bị B phát hiện và tung hô, sợ bị bắt giữ nên A dùng cây đánh B bị thương tích rồi nhanh chóng tẩu thoát. Như vậy, ban đầu hành vi của A có đặc điểm riêng là “lén lút chiếm đoạt 10 triệu đồng” nên hành vi của A phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS nhưng sau đó hành vi của A đã có sự chuyển hóa từ đặc điểm riêng là “lén lút” sang đặc điểm riêng là “dùng vũ lực làm cho B lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản” và nhanh chóng tẩu thoát, nên hành vi của A đã chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS thành tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.
Cũng có trường hợp các hành vi nguy hiểm đan xen, liên tiếp nhau trong cùng một vụ án sẽ cấu thành tội phạm độc lập (riêng) nhưng có hành vi nguy hiểm cho xã hội đan xen, liên tiếp nhau nhưng không cấu thành tội độc lập.
Ví dụ: Ngày 01/02/2018, A dùng dao đứng ở Đèo C, khi B đi xe máy qua đèo thì A chặn lại, dùng dao khống chế lấy của B số tiền 1.000.000 đồng. Do B cố giữ tài sản không cho A chiếm đoạt nên A đã chém B bị thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể 15%. Hành vi của A phạm tội cướp tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%”. Sở dĩ, A không phạm 2 tội độc lập là: tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS và tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS là vì trong Điều 168 BLHS đã có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt là có tình tiết gây thương tích nên không thể tách hành vi A cố ý gây thương tích cho B, tỷ lệ tổn thương cơ thể 15% thành tội độc lập. Nếu trong Điều 168 BLHS không quy định tình tiết định khung tăng nặng là có thương tích từ 11% đến 30% thì hành vi của A cấu thành 2 tội độc lập theo Điều 168 và Điều 134 BLHS.
Ngược lại, nếu thương tích của B có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% (cộng thêm các tình tiết theo quy định) thì A phạm 2 tội độc lập theo Điều 134 BLHS và Điều 168 BLHS, vì thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% không phải là tình tiết định khung tăng nặng trong tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.
Tương tự, Ngày 01/3/2018, B đi làm không có người trông coi nhà nên A cạy cửa sau, đột nhập vào nhà lấy trộm 3.000.000 đồng B cất giấu trong tủ đứng ở trong phòng buồng. Khi B về phát hiện A đang trong nhà đi ra nên B tung hô, la “trộm, trộm” thì A lấy cây đánh B bị thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể 14%. Như vậy, hành vi của A đã phạm 2 tội độc lập theo khoản 2 Điều 134 và khoản 1 Điều 173 BLHS. Sở dĩ, A phạm 2 tội độc lập là vì Điều 173 BLHS chỉ quy định hành vi trộm cắp tài sản còn tình tiết gây thương tích không cấu thành định khung tăng nặng trong Điều 173 BLHS.
Từ những yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên, chúng ta rút ra kinh nghiệm xác định tội danh trong vụ án hình sự như sau:
– Xác định tội danh của tội phạm nên căn cứ vào đặc điểm riêng của hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành vi phạm tội). Đặc điểm riêng đó được thể hiện trong cấu thành cơ bản của tội phạm được quy định tại khoản 1 của điều luật trong BLHS.
– Xác định các hành vi phạm tội đan xen, liên tiếp nhau trong một vụ án có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt trong cùng một điều luật hay không, nếu các hành vi phạm tội đó đã cấu thành tội phạm và các hành vi đó đã có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt trong cùng điều luật thì các hành vi đó chỉ cấu thành một tội phạm theo điều luật mà BLHS đã quy định đối với tội danh đó. Nếu các hành vi phạm tội đan xen, liên tiếp nhau trong một vụ án đã cấu thành tội phạm và các hành vi khác không có cấu thành định khung tăng nặng hình phạt trong cùng một điều luật thì các hành vi đó sẽ cấu thành các tội độc lập nhau tương ứng với điều luật mà BLHS đã quy định đối với tội danh đó.
Xác định đúng tội danh là trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố trong kiểm sát điều tra, kiểm sát truy tố và kiểm sát xét xử nhằm bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.
Dương Phúc Trường- Phòng 9
Kỹ năng xác định tội danh trong vụ án hình sự
Hoàng Văn Thành (TAND huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội)
Xác định tội danh, vấn đề lý luận và thực tiễn mà chúng tôi đề cập trong bài viết này không phải là mới, nhưng đối với người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng hình sự lại là vấn đề thời sự được quan tâm hàng ngày. Vì có xác định tội danh đúng thì mới áp dụng pháp luật hình sự đúng, ra bản án mới đúng pháp luật, người phạm tội mới chấp nhận bản án, cúi đầu nhận tội và mới đạt được yêu cầu của việc xử án là xét xử đúng người, đúng tội.
Bài viết này tập trung trao đổi về kỹ năng, quy trình (các bước) xác định tội danh và một số vấn đề trong thực tiễn hoạt động xác định tội danh.
1.Kỹ năng xác định tội danh
Trong đời sống xã hội có nhiều người có hành vi gây nguy hại cho xã hội, nhưng không phải tất cả các hành vi gây nguy hại cho xã hội đều là tội phạm. Trong Bộ luật Hình sự (xin viết tắt là BLHS) hiện hành có quy định, có hành vi tuy có gây nguy hại cho xã hội nhưng không phải là tội phạm như là: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự); hoặc là hành vi phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm (quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự); hoặc là hành vi trong tình thế cấp thiết vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa tới lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự). Ví dụ, một tàu thủy chuyên chở 100 tấn gạo từ miền Nam ra miền Bắc, với trọng lượng tàu biển và trọng lượng 100 tấn gạo thì tàu thủy chỉ có thể chịu đựng được gió cấp 5. Trên đường đi gặp mưa, bão gió trên cấp 5, vì muốn bảo vệ con tàu mà các thủy thủ trên tàu, thuyền trưởng nhận định nếu con tàu giảm trọng tải 15 tấn thì vượt qua được gió bão cấp 6, cấp 7, còn nếu giữ nguyên 100 tấn gạo thì có nguy cơ tàu thủy bị chìm vì gió cấp 6, cấp 7 nên thuyền trưởng quyết định, vứt bỏ 15 tấn gạo xuống biển. Kết quả là con tàu vượt qua được cơn bão có gió cấp 6, 7. Trường hợp này thiệt hại 15 tấn gạo là nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, đó là con tàu, cùng đoàn thủy thủ và 85 tấn gạo.v.v. Trong BLHS còn có quy định khác để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây nguy hại cho xã hội là tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 12 BLHS quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“1- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy, ngoài các trường hợp mà BLHS quy định không phải là tội phạm và tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà hành vi gây nguy hại cho xã hội đó là bị coi là tội phạm, thì họ phải chịu hình phạt của Nhà nước đối với hành vi gây nguy hại cho xã hội mà họ đã gây ra.
Tội phạm là gì? Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự về khái niệm tội phạm mà chúng tôi trình bày ở trên, thì chúng ta hiểu là: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà hành vi nguy hiểm cho xã hội đó xâm phạm đến một trong các quan hệ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự thi hành vi nguy hiểm đó là tội phạm.
Đã từ lâu, các nhà khoa học về tội phạm học, cùng các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã xác định được các căn cứ để xác định tội phạm hay còn gọi là các yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là các cấu thành bắt buộc của tội phạm. Các yếu tố cấu thành đó là:
Một là, mặt chủ thể của tội phạm: Là con người cụ thể, đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và là người có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hai là, mặt chủ quan của tội phạm: Là động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Và là lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý)
Ba là, mặt khách thể của tội phạm: Là quan hệ xã hội mà Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ.
Bốn là, mặt khách quan của tội phạm: Là các hành vi của chủ thể, biểu hiện ra bên ngoài trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi này, có thể là bằng hành động nhưng cũng có thể là bằng không hành động.
Phải có đủ bốn yếu tố này mới cấu thành tội phạm. Thiếu một trong bốn yếu tố này, thì không phải là tội phạm. Do đó, chúng ta thấy rằng:
+ Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm.
+ Những tội phạm được quy định trong các điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự được gọi là tội.
+ Người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định, thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bước 2: Đối chiếu hành vi của bị cáo bị truy tố với dấu hiệu cấu thành của tội bị truy tố.
Nghiên cứu nội dung các điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự, chúng ta thấy trong tổng điều luật có quy định rõ các cấu thành của tội trong điều luật đó. Các cấu thành này, tạo nên sự khác biệt giữa tội này với tội khác. Ví dụ: Tội “giết con mới đẻ” Điều 94 Bộ luật Hình sự quy định các cấu thành của tội “giết con mới đẻ” như sau:
+ Người mẹ nào
+ Do ảnh hưởng nặng nề về tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt
+ Mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó
+ Hậu quả là đứa trẻ chết
Như vậy là, tội “giết con mới đẻ” có 4 cấu thành bắt buộc, trong đó chủ thể của tội này bắt buộc phải là người mẹ sinh ra đứa trẻ đó. Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu có thể là trường hợp không có chồng mà mang thai rồi đẻ con hoặc là đẻ nhiều con gái, mà nhà chồng cho rằng đẻ con gái là đem tai họa về nhà chồng.v.v. mà người mẹ của đứa trẻ đó, không chịu đựng nổi dư luận xã hội hoặc sức ép tâm lý của nhà chồng… Hoàn cảnh khách quan đặc biệt có thể là trường hợp đứa trẻ có dị dạng… Hành vi khách quan của người mẹ là giết con hoặc vứt bỏ đứa con đó ở nơi kín đáo làm đứa con chết…
Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày tuổi (ý kiến của cơ quan y tế, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 26/11/1986).
Do đó, trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội “giết con mới đẻ” thì Thẩm phán được phân công là Chủ tọa phiên tòa phải đối chiếu bị cáo và các hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, có trùng hợp với các cấu thành của tội “giết con mới đẻ ” mà chúng tôi đã trình bày ở trên hay không. Nếu bị cáo và các hành vi bị truy tố trùng hợp với các cấu thành của tội “giết con mới đẻ ” quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự, thì chấp nhận tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo và chấp nhận điều luật áp dụng của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo. Còn nếu, có một cấu thành của tội “giết con mới đẻ” mà khác với bị cáo bị truy tố hoặc khác với một trong các hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, thì người bị truy tố không phạm vào tội “giết con mới đẻ” quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự mà là phạm vào một tội khác. Ví dụ: Bị cáo không phải là người mẹ đẻ ra đứa trẻ bị giết, hoặc bị cáo là người mẹ đẻ ra đứa trẻ bị giết những đứa trẻ bị giết đã 9 hoặc 10 ngày tuổi, thì bị cáo không phạm vào tội “giết con mới đẻ ” mà phạm vào tội “giết người” quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Tóm lại, việc xác định tội danh tiến hành theo hai bước mà chúng tôi trình bày ở trên là phù hợp với lý luận ở chỗ căn cứ vào bốn yếu tố cấu thành tội phạm và phù hợp với thực tiễn ở chỗ là đối chiếu các cấu thành của tội mà Viện kiểm sát truy tố với bị cáo và các hành vi vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát truy tố có trùng hợp với nhau hay không. Nếu trùng hợp thì chấp nhận tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, nếu không trùng hợp thì cần phải làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bị truy tố phạm vào tội nào. Có như vậy xác định tội danh mới đúng.
2. Những vấn đề trong thực tế về xác định tội danh
Căn cứ vào bốn yếu tố cấu thành tội phạm và các cấu thành của từng tội quy định tại từng điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS cũng như trong thực tế đấu tranh chống tội phạm ở nước ta cho thấy, có nhiều trường hợp mà người có hành vi vi phạm giống nhau nhưng việc xác định tội danh lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: A và B đều có hành vi để chất ma túy trong người (lượng chất ma túy đủ để truy tố), cùng tham gia giao thông, cùng bắt giữ, sau đó A bị truy tố về tội “mua bán trái phép chất ma túy ”, còn B bị truy tố về tội“vận chuyển trái phép chất ma túy”. Những trường hợp như thế này, thì căn cứ vào đâu xác định tội danh khác nhau? Chúng tôi xác định là: căn cứ vào bốn yếu tố cấu thành phạm mà chúng ta có thể nhận thấy rằng: Trường hợp, mặt chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và mặt khách thể của tội phạm là giống nhau, nhưng mặt chủ quan của tội phạm khác nhau, thì tội danh khác nhau. Trở lại ví dụ nêu ở trên, tuy A và B cùng có hành vi để chất ma túy trong người, cùng tham gia giao thông, cùng bị bắt giữ, như mục đích, động cơ (mặt chủ quan của phạm) để chất ma túy trong người của A khác với B ở chỗ: đối với A là nhằm mục đích để bán chất ma túy, còn đối với B là nhằm mục đích giao ma túy cho người khác để được trả công. Do đó, tội danh đối với A là tội “mua bán trái phép chất ma túy”, còn tội danh đối với B là tội “vận chuyển trái phép chất, túy”và như vậy là đủ bốn yếu tố cấu thành phạm của từng tội.
Do đó, đối với trường hợp mà người có hành vi vi phạm pháp luật bị truy tố trước Tòa án là giống nhau, thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại phiên tòa cần phải làm rõ động cơ, mục đích của người khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đó là để làm gì? Có như vậy mới không mắc sai lầm trong việc xác định tội danh.
Tuy nhiên, trong thực tế còn có trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giống nhau, động cơ mục đích khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giống nhau, khách thể của tội phạm cũng giống nhau, nhưng việc xác định tội danh lại khác nhau.
Ví dụ: Vụ án thứ nhất: Vụ Nguyễn Trọng T. Tòa án tỉnh H xét xử sơ thẩm tại bản án số 254/2009/HSST ngày 21/7/2009. Tóm tắt nội dung vụ án như sau: T quen biết các cháu Trần Minh Đ và Trần Thành C (người bị giết chết sinh năm 1996) và quen biết cha mẹ các cháu Đ và C. Đầu tháng 1/2009, T có ý định bắt cóc cháu Đ để tống tiền cha mẹ cháu Đ, lấy tiền tiêu Tết âm lịch Kỷ Sửu.
Chiều ngày 7/01/2009, T gặp cháu Đ đi xe đạp, T định hỏi cháu Đ xin đi nhờ xe đạp với mục đích rủ cháu Đ đến chỗ vắng để thực hiện mục đích tống tiền, nhưng xe đạp của cháu Đ không có đèo hàng phía sau nên T không thực hiện ý định phạm tội. Sau đó, T gặp C đi học về bằng xe đạp, T biết gia đình cháu C kinh tế khá giả nên T thay đổi ý định là sẽ bắt cóc cháu C.
Khoảng 17 giờ ngày 9/01/2009, T chờ sẵn ở cổng trường học của cháu C, lúc cháu C từ cổng trường đi ra, T rủ cháu C đi thả diều, cháu C đồng ý, T dùng xe đạp của cháu C chở cháu C đi ra bãi ngô bên bờ sông chơi đến hơn 19 giờ, lúc này trời chạng vạng tối, không có người qua lại, T bất ngờ bẻ quặt hai tay cháu C ra sau lưng, dúi người xuống đất, T dùng đầu gối đè lên tay cháu C sau đó T nhặt được thanh gỗ ở gần đó đập liên tiếp vào gáy cháu c, cháu C đau đớn giãy giụa và nói “mày, mày, mày…” sợ bị lộ, T bóp chặt cổ cháu C, thấy cháu Ckhông cử động, T mới bỏ tay ra rồi lục soát túi quần cháu C lấy được một điện thoại di động nhãn hiệu Motorola, sau đó ném xác cháu C xuống sông cùng thanh gỗ hung khí và chiếc ba lô đựng sách của cháu C để phi tang. T chiếm đoạt xe đạp đem bán được 540.000 đồng, dùng điện thoại di động chiếm đoạt được nhắn tin và gọi điện đến số máy di động của mẹ cháu C với nội dung như sau: Con trai là cháu C bị một đối tượng bắt cóc, phải đem 350 triệu đồng đến đặt tại một nơi do T quy định rồi đi về, thì sẽ tha cháu C, nếu không làm theo yêu cầu, thì sẽ giết cháu C (mặc dù T đã giết cháu C rồi), gia đình cháu C chấp nhận làm theo yêu cầu của T, T đứng gần điểm hẹn nhìn thấy bố cháu C để túi tiền tại nơi T quy định và đã đi xa, đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau 10/01/2009, T lấy được túi tiền thì bị bắt cùng vật chứng là 148 triệu đồng.
Tòa án tỉnh H đã kết án và xử phạt đối với Nguyễn Trọng T như sau: Tử hình về tội “Giểt người “, 4 năm tù về tội “Cướp tài sản (chiếc điện thoại di động và xe đạp), 6 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” (đối với số tiền 148 triệu đồng). Tổng hợp hình phạt đối với 3 tội mà T phải chấp hành là tử hình.
– Vụ án thứ hai: Vụ Phạm Đức B, Tòa án tỉnh N xét xử sơ thẩm tại bản án số 75/2008/HSST ngày 31/7/2008. Tóm tắt nội dung vụ án như sau: B là thanh niên trẻ tuổi (sinh ngày 20/10/1989) lười học tập, lười lao động nhưng đua đòi, ham chơi. Để có tiền tiêu, B đã có hành vi: Vào chiều ngày 09/1Ị/2007, cháu Nguyễn Tiến T (là người bị B giết chết, sinh ngày 24/11/2000) đi học về vào nhà B chơi, cùng xem phim với B, sau đó cháu T ra sân chơi với con chó con nhà B. Lúc này B thấy cháu T đang vui chơi với con chó. B đã lấy ruột dây phanh xe đạp (dây bằng kim loại) siết chặt vào cổ cháu T một lúc, làm cháu T nghẹt thở ngã xuống đất, B đưa cháu T vào trong nhà dùng dầu xoa bóp để cháu T hồi tỉnh nhưng cháu T đã chết, B lấy bông đặt gần mũi để kiểm tra xem đã chết hẳn chưa. Biết cháu T chết thật nên B lấy dây cao su buộc mũi, buộc chân, buộc tay cháu T đem dấu vào bụi chuối ở trong vườn, đến đêm khuya B buộc đá vào xác cháu T rồi vứt xuống ao để xóa dấu vết. Sáng hôm sau, ngày 10/11/2007, B gọi điện thoại cho mẹ cháu T nói là: Đến 11 giờ cùng ngày đem 50 triệu đồng đến điểm hẹn mà B quy định, thì được nhận lại cháu T (mặc dù B đã giết chết cháu T từ chiều ngày hôm trước) mẹ cháu T chấp nhận điều kiện của B. Sau đó, B lại thay đổi địa điểm không giao tiền ở điểm đã hẹn mà để 50 triệu đồng vào thùng rác, buồng vệ sinh nữ tại siêu thị thành phố V, rồi đến cửa khách sạn P để nhận cháu T, B nhờ bạn nữ của B vào buồng vệ sinh nữ lấy tiền ở thùng rác giúp B. Khi bạn nữ của B đưa tiền cho B, thì bị bắt cùng vật chứng là 50 triệu đồng.
Tòa án tỉnh N đã tuyên xử phạt đối với Phạm Đức B như sau: Tử hình về tội “Giết người”, 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đối với số tiền 50 triệu đồng). Tổng hợp hình phạt đối với 2 tội mà B phải chấp hành là tử hình.
Hai vụ án này, Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử phúc thẩm. Kết quả là Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Trọng T và đối với Phạm Đức B.
Vấn đề đặt ra trong hai vụ án này là: Sau khi giết người xong, T và B đều có hành vi là nói gian dối với cha mẹ người bị giết là các cháu C và T đều sống nhằm mục đích để cha mẹ người bị giết tin tưởng và đưa tiền theo yêu cầu của bị cáo. Tuy nhiên ở mỗi Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định tội danh khác nhau: Tòa án tỉnh H xác định tội đanh là tội “cưỡng đoạt tài sản”, còn Tòa án tỉnh N xác tội danh là tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản ” và trong hai bản án phúc thẩm đều xác định là: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng người, đúng tội. Vậy thì, trong hai tội này, tội nào được xác định là đúng với lý luận về xác định tội danh và đúng với các cấu thành của tội mà Tòa án đã kết tội.
Chúng tôi trở lại vấn đề căn bản của việc xác định tội danh để làm rõ tội nào là đúng theo trình tự sau đây:
* Xác định có tội phạm về chiếm đoạt sản sau khi giết người không?
Chúng tôi khẳng định là có tội phạm xảy ra. Cụ thể như sau:
– Về mặt chủ thể của tội phạm: Các bị cáo T và B đều là người có năng lực trách nhiệm: hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
– Về mặt chủ quan của tội phạm: Các bị cáo T và B đều có động cơ, mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản của cha, mẹ các cháu C và T.
– Về mặt khách thể của tội phạm: Các bị cáo T và B đều xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của cha mẹ các cháu C và T mà luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ
– Về mặt khách thể của tội phạm: Các bị cáo T và B đều có hành vi sau khi giết người xong, đã có lời nói gian dối với cha mẹ người bị giết chết (các cháu C và T) là các cháu C và T đều sống để cha mẹ người bị giết chết tin tuởng mà giao tài sản cho bị cáo và nhận con đem về.
* Đối chiếu các hành vi của bị cáo bị truy tố với các cấu thành của tội “Cưỡng đoạt sản” (đối với vụ án Nguyễn Trọng T).
Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự, thì tội “cưỡng đoạt tài sản” có các thành sau đây:
+ Người nào
+ Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người khác
+ Nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt..
Đối vói Nguyễn Trọng T, bị truy tố về 3 tội trong đó có tội “cưỡng đoạt tài sản “ theo điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự. Đối chiếu các hành vi phạm tội của T mà Viện kiểm tình H truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” vớicác cấu thành của tội “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên thì Nguyễn Trọng T có 2 cấu thành phù hợp với 2 cấu thành của tội quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự là:
Một là: Người nào: Người nào ở đây là chủ thể của tội phạm mà cụ thể là Nguyễn Trọng T. Đối với T đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (T sinh năm 1980, T phạm tội ngày 09/01/2009. Lúc này T đã 28 tuổi 9 ngày) và có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể là: T nhận thức được hành vi mà T phạm tội đối với người bị hại.
Hai là: Nhằm chiếm đoạt tài sản: Khi T thông báo cho cha mẹ cháu C thì T nói rõ là đem tiền đến điểm mà T quy định, thì sẽ nhận được con (cháu C)
Còn cấu thành thứ 3, quy định tại Điều 135 BLHS là “đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người khác” thì không có. Cụ thể là: nếu cháu C còn sống, bị T nhốt giữ ở một nới khác, mà T sử dụng cháu C để đe dọa, uy hiếp tinh thần đối với cha mẹ cháu C thì mới có căn cứ để xác định là T đe dọa, uy hiếp tinh thần. Nhưng trong vụ án này cháu C đã chết từ trước khi T liên hệ với cha mẹ cháu C. Trong Bản án sơ thẩm (trang số 5) cũng xác định cháu C đã chết từ trước rồi. Bản án nhận định là: “ Hậu quả cháu C bị chết đuối… Sau đó, T sử dụng chiếc điện thoại di động lấy của cháu C nhắn tin đe dọa anh Trần Văn T và chị Vũ Thị T là bố mẹ của cháu C yêu cầu phải nộp 350.000.000 đồng, thì mới thả cháu C về (mặc dù T đã giết hại cháu C). Lời nói của T lúc này với cha mẹ cháu C không phải là đe dọa mà là sự gian dối để người bị hại tin là thật. Như vậy là, về tội “cưỡng đoạt tài sản”, thì Nguyễn Trọng T không có đầy đủ 3 cấu thành mà kết án Nguyễn Trọng T về tội “cưỡng đoạt tài sản” là không đúng với tội mà Nguyễn Trọng T đã phạm phải.
* Đối chiếu các hành vi mà bị cáo bị truy tố với các cấu thành của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ( đối với vụ án Phạm Đức B).
Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự (hành vi phạm tội của B thực hiện vào ngày 09/11/2007) năm 1999 chưa sửa đổi bổ sung thì tội “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có cấu thành sau đây:
+ Người nào
+ Bằng thủ đoạn gian dối
+ Chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc… thì bị phạt
Đối với Phạm Đức B, bị truy tố về 2 tội, trong đó có tội “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự. Đối chiếu các hành vi phạm tội của B mà Viện kiểm sát tỉnh N truy tố về tội “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với các cấu thành của tội “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, thì Phạm Đức B có cấu thành phù hợp với 3 cấu thành của tội quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Một là: Người nào: Người nào ở đây là chủ thể của tội phạm, mà cụ thể là Phạm Đức B. Đối với B đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (B sinh ngày 20/10/1989, B phạm tội ngày 09/11/2007. Lúc ngày B đã 18 tuổi 20 ngày) và có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể là B nhận thức được hành vi mà B phạm tội đối với người bị hại.
Hai là: Chiếm đoạt tài sản của người khác: Cụ thể là B đã chiếm đoạt 50.000.000 đồng của cha mẹ cháu T và bị bắt ngay khi B chiếm đoạt số tiền này.
Ba là: Bằng thủ đoạn gian dối: Cụ thể là: Cháu T đã chết rồi nhưng B nói với cha mẹ cháu T là cháu T còn sống đang ở khách sạn P Thành phố V. Lời nói này là thủ đoạn gian dối của B nhằm mục đích để cha mẹ cháu T tin là: Cháu T còn sống thật, có như vậy B mới chiếm đoạt được tài sản của cha mẹ cháu T.
Như vậy, các hành vi của B bị truy tố có đầy đủ các cấu thành của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự, Tòa án tỉnh N kết án Phạm Đức B về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng tội mà B đã phạm phải. Về tội này của B trong bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân N nhận định như sau (trang 3) “B gọi điện cho chị H (mẹ cháu T) để trao đổi việc nhận tiền, B hướng dẫn cho chị H đi đến phòng vệ sinh nữ số 2 Siêu thị Intimex và bỏ tiền vào trong sọt rác. Chị H đòi gặp cháu T, nhưng B nói dối T đang ở khách sạn P tại phòng 101 không gặp được và dập máy điện thoại..”.
Cũng trong thực tế có một số tội việc xác định tội danh hay bị sai là: Tội “cố ý gây thương tích”, với tội “giết người”; tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tội “buôn lậu” với tội “vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới”; tội “cướp tài sản” với tội “ cưỡng đoạt tài sản” v.v.
Việc xác định tội danh trong vụ án hình sự, những vấn đề lý luận và thực tiễn luôn luôn được sự quan tâm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự mà trong những vụ án mà chúng tôi trình bày trên đây chỉ là ví dụ để minh họa trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, yêu cầu của công việc xét xử án hình sự là phải xét xử đúng người đúng tội, và việc xác định đúng người phạm tội, đúng tội phạm đã phạm lại là trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự. Để đạt được yêu cầu này, thì vấn đề cơ bản là phải nắm vững nguyên tắc cơ bản về xác định tội danh.