Tung tin giả mạo sai sự thật trên mạng có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Thông tin gây hoang mang dư luận, cản trở người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự. Quy định pháp luật đã đủ sức làm “sạch” không gian mạng?
Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng.
Liều thuốc “dã tật”
Nghị định mới cùng với Luật an ninh mạng sẽ góp phần giúp ngăn ngừa hiệu quả thông tin sai sự thật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và của chính mỗi người dân.
Luật an ninh mạng, điều 8, điểm d cấm hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”. Luật có hiệu lực 13 tháng qua nhưng những vụ việc gần đây cho thấy nhiều người thờ ơ, bất chấp. Vụ truy bắt Tuấn “khỉ” là một ví dụ. Sự hiếu kỳ của đám đông và những người live stream kiếm view bất chấp hậu quả có thể gây nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho những người thi hành công vụ.
Gần đây cũng nổi lên nhiều vụ người nổi tiếng chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh corona. Chỉ nghe lời đồn, thậm chí tự bịa đặt thông tin để phát tán, gieo rắc hoang mang dư luận. Đã có bao nhiêu người nhẹ dạ, cả tin tiếp tay cho cái sai để nỗi hoang mang lan xa? Số ít người được xử lý nhưng vẫn còn số đông những người tiếp tục phát tán thông tin vì những mục đích riêng. Xã hội tiếp tục bị “tấn công” bởi tin giả, tin sai nhiễu loạn giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh.
Những ngày qua, một tài khoản Facebook với hơn 70.000 người theo dõi đưa thông tin được cho là không đúng sự thật về tỏi Lý Sơn. Ngay lập tức đã gây tranh cãi, bức xúc ồn ào dư luận mạng. Thông tin chưa xác thực, việc tung tin không có căn cứ có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả kinh doanh sản phẩm tỏi nổi tiếng.
Rõ ràng mạng không ảo, phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật. Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác, tiêu cực lan truyền có thể gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội (nhất là người có ảnh hưởng đến cộng đồng).
Rất cần có quy định chặt chẽ, mạnh mẽ và sự kiên quyết thực thi nghiêm để làm sạch không gian mạng. Bất kể là ai cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, có trách nhiệm hơn về những kiểu phát ngôn, đưa tin của mình.
Nghị định 15 với mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội hi vọng là liều thuốc “dã tật” ngăn ngừa loại thông tin này. Việc ban hành thời điểm này càng đúng lúc để mọi người dân từ đây nghiêm túc, có ý thức hơn mỗi lần chạm bàn phím chia sẻ thông tin.
Tôi nghĩ đa số người dân, người sử dụng mạng lành mạnh, nghiêm túc đều đồng tình với mức xử phạt này. Thông tin trên mạng như món ăn hằng ngày, ai cũng mong “ăn sạch”, ai gây ô nhiễm không gian mạng phải bị xử lý đến nơi đến chốn.
Trật tự trên mạng
Giữa dòng thông tin về dịch corona, tôi thật sự bất bình về nạn tung tin giả về dịch bệnh này. Xử phạt nặng các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật sẽ là cách kiểm soát tin giả, lập lại trật tự thông tin trên mạng thời gian tới.
Ai cũng có thể tạo ra thông tin chỉ với một chiếc điện thoại được kết nối Internet. Và mọi thứ trên mạng được trộn lẫn theo kiểu “lẩu thập cẩm” với đủ loại tin tức. Trong đó, nguy hại nhất là những tin tức được “cố ý” tạo lập, sắp xếp nhằm dẫn dắt dư luận vì một mục đích không tốt đẹp nào đó.
Chúng ta đã thấy nhiều nạn nhân của những trò vu khống trên mạng. Từ chuyện một cô hoa hậu cho đến những doanh nhân, thầy giáo nổi tiếng đến những người bình thường bỗng một ngày thành “tâm bão”, bị “ném đá” không thương tiếc cả trên mạng lẫn ngoài đời. Trong những ngày cả cộng đồng nóng lòng vì dịch bệnh, một gia đình ở Bạc Liêu khốn đốn vì bị tung tin thất thiệt. Biết bao người đã hoang mang càng hoang mang hơn vì đọc và tin tưởng vào status của những nghệ sĩ nổi tiếng…
Dường như mỗi lần có thời sự “nóng” là trên mạng xã hội lại xuất hiện những tin giả được… chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau đó, đám đông trên mạng sẵn những hòn đá vô hình để mạt sát người khác dưới vỏ bọc “đòi công bằng” hay “quyền phản biện”. Việc thể hiện cái đúng trên mạng xã hội dường như rất khó khăn, khi ở đó có quá nhiều người thích a dua, gây hấn, luôn tỏ ra mình rất hiểu, rất mạnh và rất đúng. Việc “đòi công bằng” trên không gian này cũng bất chấp đúng sai.
Mạng xã hội mang đến nhiều thông tin nhanh, đa dạng góc cạnh hơn, nhưng mặt trái của nó là thao túng ta bằng những tin giả được tạo như tin thật. Mức phạt 10-20 triệu đồng có thể là một con số lớn, nhưng tôi xem đó là một bước đi cần thiết để tạo ra một không gian sạch trên mạng. Ở đó, không ai có thể giấu mình để nói xấu hay vì một mục đích nào đó để làm hại đến người khác dù trực tiếp hay gián tiếp.
170 cá nhân tung tin sai lệch về corona
Luật an ninh mạng cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang cộng đồng, thiệt hại xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (điều 8). Người có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (điều 9).
Thông tin từ Bộ Công an, 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch corona đã bị triệu tập, xử lý, thông tin sai bị đề nghị gỡ bỏ. 41 trường hợp không hợp tác hoặc không thực hiện sẽ để xử lý hình sự khi đủ điều kiện.