Điều 111. Tội hiếp dâm Bộ Luật Hình Sự năm 1999 quy định:
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tư vấn pháp luật trực tuyến:
“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.”
(Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013)
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân đều có thể bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Trong đó hành vi xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục bị coi là tội phạm và bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tùy từng dấu hiệu cụ thể của tội phạm như hành vi, tuổi của người bị hại, tuổi của người thực hiện hành vi,… tội phạm xâm hại tình dục được chia thành các tội danh khác nhau quy định trong Bộ luật Hình sự tại Điều 111 (Tội Hiếp dâm), Điều 112 (Tội hiếp dâm trẻ em), Điều 113 (Tội cưỡng dâm), Điều 114 (Tội cưỡng dâm trẻ em), Điều 115 (Tội giao cấu với trẻ em), Điều 116 (Tội dâm ô với trẻ em).
Thứ nhất, về việc xác định tội phạm:
Trong tình huống bạn nêu, người bạn trai (tạm gọi là A) có hành vi xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục đối với bạn gái (tạm gọi là B). A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu A đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và thuộc một trong các trường hợp sau:
– Trường hợp 1: A phạm tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:
+ B đủ 18 tuổi trở lên,
+ A có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của B hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn của B,
+ A đủ 16 tuổi trở lên (Căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 8 Bộ luật Hình sự thì tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự là tội nghiêm trọng do mức cao nhất là của khung hình phạt đến bảy năm tù. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự, A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 16 tuổi trở lên).
Người phạm tội Hiếp dâm theo khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
– Trường hợp 2: A phạm tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:
+ B là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi,
+ A có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của B hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn của B,
+ A đủ 16 tuổi trở lên.
Người phạm tội Hiếp dâm theo khoản 4 Điều 111 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ từ năm năm đến mười năm
– Trường hợp 3: A phạm tội Hiếp dâm trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:
+ B là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,
+ A có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của B hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái ý muốn của B,
+ A đủ 14 tuổi trở lên (Vì căn cứ khoản 3 điều 8 Bộ luật Hình sự thì tội Hiếp dâm trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Hình sự là tội rất nghiêm trọng do mức cao nhất là của khung hình phạt đến 15 năm tù. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 14 tuổi trở lên).
Người phạm tội Hiếp dâm trẻ em theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
– Trường hợp 4: A phạm tội Hiếp dâm trẻ em theo quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:
+ B là trẻ em dưới 13 tuổi,
+ A có hành vi giao cấu với B,
+ A đủ 14 tuổi trở lên (Vì căn cứ khoản 3 điều 8 Bộ luật Hình sự thì tội Hiếp dâm trẻ em theo quy định tại khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự là tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 14 tuổi trở lên).
Người phạm tội Hiếp dâm trẻ em theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Thứ hai, về việc khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A:
Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đối với vụ án về tội Hiếp dâm được quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Hình sự thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.
Như vậy, nếu hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 điều 111 Bộ luật Hình sự (trường hợp 1 nêu trên) thì cơ quan có thẩm quyền chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có yêu cầu của B.
Đối với trường hợp hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khác thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại.
Nếu cơ quan chức năng chưa phát hiện được hành vi phạm tội của A để xử lý thì cá nhân, tổ chức biết về hành vi trên đều có thể tố giác tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, bạn có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác theo quy định tại điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Sau khi đã tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết theo quy định tại điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự:
“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.
Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.
4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.”
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979
Website: www.vanphongluatsu.com.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon
Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.