Điều 14. Chuẩn bị phạm tội theo Bộ luật hình sự sửa đổi 2017

1916

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”.

Chuẩn bị phạm tội là gì?

Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn người phạm tội tiến hành tìm kiếm công cụ phạm tội; sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho tội phạm quan sát địa điểm, điều kiện liên quan xung quanh hoàn cảnh của nạn nhân.

Các tìm kiếm liên quan đến trách nhiệm hình sự của chuẩn bị phạm tội: ví dụ về giai đoạn chuẩn bị phạm tội, ví dụ về phạm tội chưa đạt, ví dụ các giai đoạn thực hiện tội phạm,chuẩn bị phạm tội giết người, ví dụ về giai đoạn phạm tội chưa đạt, pháp nhân thương mại có phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị không, chuẩn bị phạm tội trong blhs 2015, cơ sở của việc đặt ra trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội

Về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của tội phạm cố ý là ba mức độ thực hiện tội phạm khác nhau có ba mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau theo hướng từ thấp đến cao. Chuẩn bị phạm tội bao gồm các hành vi tìm kiếm công cụ, phương tiện hoặc hành vi khác tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, những hành vi đó chưa xâm hại trực tiếp đến quan hệ xã hội là khách thể trực tiếp của tội định phạm nên so với phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành thì chuẩn bị phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp nhất. Trường hợp có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn chuẩn bị phạm tội nhưng lại thấp hơn tội phạm hoàn thành là phạm tội chưa đạt. Đó là hành vi bắt đầu thực hiện tội phạm, tuy chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm hoàn thành nhưng đã xâm hại trực tiếp đến khách thể hoặc trực tiếp đe doạ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Đối với các hành vi thực hiện tội phạm ở các mức độ khác nhau có các mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì cũng cần phải xác định cho các hành vi đó các mức độ TNHS khác nhau. Đó là cơ sở căn bản để quy định cũng như phân hoá TNHS trong luật hình sự đối với chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của một tội phạm cố ý.
Ngoài ra, các hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt của các loại tội cố ý khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Đây cũng là cơ sở để phân hoá TNHS đối với chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt không chỉ của một loại tội cố ý mà của các loại tội cố ý khác nhau.

Luật hình sự Việt Nam qua các thời kì và luật hình sự của các nước đã có những quy định khác nhau về TNHS của chuẩn bị phạm tội và về phân hoá TNHS đối với chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của các tội phạm cố ý.

2. Về TNHS của người có hành vi phạm tội chưa hoàn thành, BLHS năm 1985 đã quy định: Người chuẩn bị phạm tội tội nghiêm trọng (tội có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 5 năm tù) và người có hành vi phạm tội chưa đạt trong mọi trường hợp phải chịu TNHS. Quy định này đã thể hiện sự phân hoá trong việc quy định có TNHS hay không có TNHS đối với chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt của các tội phạm cố ý. Chỉ những người có những hành vi chuẩn bị phạm tội tội gây nguy hại lớn cho xã hội mà được luật hình sự quy định là tội nghiêm trọng mới phải chịu TNHS. Quy định trên cũng chính thức thừa nhận rằng so với phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành thì chuẩn bị phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp nhất và chuẩn bị phạm tội tội ít nghiêm trọng ít nguy hiểm hơn chuẩn bị phạm tội tội nghiêm trọng.

Tuy thừa nhận mức độ TNHS đặt ra cho chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của một loại tội cố ý không ngang bằng nhau mà phải khác nhau song BLHS năm 1985 đã không thể hiện rõ tinh thần này. Theo Điều 15 BLHS năm 1985 thì người chuẩn bị phạm tội và người phạm tội chưa đạt chịu TNHS về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật và trong cùng một phạm vi chế tài như trường hợp tội phạm hoàn thành. Điều đó cũng có nghĩa mức tối đa và mức tối thiểu của khung hình phạt và loại hình phạt có thể áp dụng cho các hành vi đó (các hành vi thực hiện tội phạm ở các mức độ khác nhau và có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau) là giống nhau. Nếu áp dụng một cách máy móc quy định trên thì vẫn có thể quyết định hình phạt cho chuẩn bị phạm tội một tội nghiêm trọng hoặc phạm tội chưa đạt ở mức cao nhất hoặc ở mức thấp nhất của khung hình phạt quy định cho tội phạm đó ở giai đoạn hoàn thành.

Quy định nêu trên về TNHS cho người có hành vi phạm tội chưa hoàn thành của BLHS năm 1985 là chưa hợp lí, chưa tạo cơ sở pháp lí đầy đủ để phân hoá TNHS đối với các hành vi thực hiện tội phạm ở các mức độ khác nhau cho tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi đó.(1) Sự phân hoá TNHS đối với chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của một loại tội cố ý chỉ có thể thực hiện được một cách triệt để nếu đảm bảo được nguyên tắc về sự tương xứng giữa mức độ TNHS cần xác định với mức độ nguy hiểm của các hành vi đó. Như vậy, để tương xứng với mức độ nguy hiểm của các hành vi thực hiện một phạm cố ý ở các mức độ khác nhau thì rõ ràng thông qua các quy định của mình luật hình sự phải thể hiện được nguyên tắc xử lí là chuẩn bị phạm tội bị xử nhẹ hơn phạm tội chưa đạt và phạm tội chưa đạt phải bị xử nhẹ hơn tội phạm hoàn thành (nếu có các tình tiết khác tương đương).(2)

Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng đối với chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt của các tội phạm cố ý, BLHS năm 1985, tuy đã thể hiện được sự phân hoá hợp lí trong quy định về xác lập TNHS nhưng vẫn chưa thể hiện được sự phân hoá hợp lí trong quy định về xác định TNHS.

3. Với mục đích khắc phục những hạn chế của BLHS năm 1985 và phân hoá cao hơn TNHS đối với các hành vi thực hiện tội phạm cố ý ở các mức độ khác nhau, BLHS năm 1999 đã có hàng loạt các quy định mới liên quan đến TNHS của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.

Theo quy định của BLHS năm 1999 thì TNHS đối với chuẩn bị phạm tội chỉ đặt ra khi đó là hành vi chuẩn bị phạm tội tội rất nghiêm trọng (tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm đến 15 năm tù) và tội đặc biệt nghiêm trọng (tội có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù). Với quy định này, BLHS năm 1999 đã thu hẹp hơn so với BLHS năm 1985 diện các hành vi chuẩn bị phạm tội phát sinh TNHS. Đó là các hành vi chuẩn bị phạm các tội có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 5 năm đến 7 năm tù. Cũng theo quy định của BLHS năm 1999 người chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chưa đạt chịu TNHS về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật như trường hợp phạm tội hoàn thành nhưng không trong cùng một phạm vi chế tài quy định cho tội phạm hoàn thành như đã được quy định trong BLHS năm 1985. Chế tài được áp dụng để xác định TNHS cho chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt tuy vẫn là chế tài quy định cho tội phạm cố ý (ở giai đoạn hoàn thành) nhưng bị giới hạn thấp hơn về hình phạt nặng nhất hoặc về mức cao nhất của khung hình phạt nặng nhất(3) (mà vẫn giữ nguyên mức thấp nhất của khung hình phạt).

Quy định trên đã xuất phát từ cơ sở lí luận là chế tài quy định trong các điều luật trong phần các tội phạm của BLHS là chế tài dành cho các tội phạm hoàn thành. Vì vậy, loại hình phạt nghiêm khắc nhất như tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp được quy định trong điều luật về tội phạm cụ thể không thể áp dụng cho chuẩn bị phạm tội tội phạm đó và chỉ có thể áp dụng cho phạm tội chưa đạt tội phạm đó trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; mức cao nhất của khung hình phạt tù quy định trong điều luật cũng không thể áp dụng cho chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt của tội phạm được quy định trong điều luật.(4)

Tuy nhiên, quy định trên cũng chưa giải quyết được triệt để vấn đề phân hoá giữa TNHS của chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của một loại tội hoặc của các tội phạm cố ý khác nhau.(5)

Dựa vào quy định của Điều 52 BLHS năm 1999 thì có thể hình thành ba khung hình phạt khác nhau cho ba mức độ thực hiện tội phạm khác nhau của một loại tội. Ba khung hình phạt đó giống nhau về mức thấp nhất và chỉ khác nhau về mức cao nhất. Cụ thể, mức cao nhất của khung hình phạt tù quy định cho chuẩn bị phạm tội không quá 1/2 mức cao nhất của khung hình phạt quy định cho tội phạm hoàn thành, còn mức cao nhất của khung hình phạt tù quy định cho phạm tội chưa đạt là không quá 3/4 mức cao nhất quy định cho tội phạm hoàn thành.(6)

Liên hệ với các quy định của BLHS năm 1999 cho thấy có nhiều bất hợp lí từ các khung hình phạt được hình thành cho chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt do áp dụng quy định của Điều 52 nêu trên. Sau đây xin nêu một số ví dụ điển hình.

Khoản 1 Điều 93 BLHS quy định chế tài áp dụng cho hành vi giết người theo khoản 1 là hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; và theo quy định của khoản 2 Điều 53 BLHS thì khung hình phạt được hình thành để áp dụng cho chuẩn bị giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS là hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đây cũng là khung hình phạt thường được áp dụng để quyết định hình phạt cho các trường hợp giết người hoàn thành được quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS. Đối với chuẩn bị phạm tội tội phạm này áp dụng cùng khung hình phạt trên với mức thấp nhất 12 năm tù là quá nghiêm khắc vì so với hành vi phạm tội hoàn thành tội phạm này thì chuẩn bị phạm tội tội phạm này có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn rất nhiều (nếu có các tình tiết khác tương đương).

Một bất hợp lí khác liên quan đến quy định về TNHS đối với chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng trong mối liên hệ với quy định về các khung hình phạt kế tiếp nhau được thể hiện phổ biến trong BLHS năm 1999. Tội phạm rất nghiêm trọng theo quy định của BLHS năm 1999 là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt tù là từ trên 7 năm đến 15 năm. Do BLHS năm 1999 quy định trong phần chế tài của các điều luật về tội phạm cụ thể thường là các khung hình phạt kế nhau về mức hình phạt nên mức khởi điểm của các khung hình phạt tù đối với tội rất nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm đến 15 năm) thường là 7 năm tù hoặc 5 năm tù hoặc trong một số ít trường hợp là 3 năm tù. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 1999 thì các hành vi chuẩn bị phạm tội những tội phạm cố ý sẽ rơi vào các tình trạng bị xử lí quá khác nhau, như hoặc không có TNHS hoặc có TNHS và bị xử lí quá nghiêm khắc (thường là với mức thấp nhất của khung hình phạt tù là 5 năm tù hoặc 7 năm tù). Hơn nữa, các khung hình phạt tù được quy định có mức thấp nhất là 7 năm thì thường có mức cao nhất là 15 năm tù mà theo quy định của khoản 3 Điều 52 BLHS thì khung hình phạt được hình thành áp dụng cho chuẩn bị phạm tội là từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù. Ví dụ, khung hình phạt tù áp dụng cho chuẩn bị phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 và tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 1 Điều 112 là từ 7 năm tù đến 7 năm 6 tháng tù. Đó không thể được gọi là một khung hình phạt và quy định này đã buộc toà án phải xử các trường hợp chuẩn bị phạm tội của các tội phạm này gần như giống nhau về mức độ TNHS cũng như không thể thực hiện được việc cá thể hoá hình phạt.

4. Từ các phân tích trên cho thấy, để tạo cơ sở pháp lí đầy đủ và triệt để cho sự phân hoá TNHS đối với chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành của loại tội cố ý thì luật hình sự phải quy định cho các loại hành vi này các khung hình phạt khác nhau tương ứng với sự khác nhau về mức độ nguy hiểm của các hành vi đó. Cụ thể, đối với một loại tội cố ý thì khung hình phạt áp dụng cho phạm tội chưa đạt phải nhẹ hơn khung hình phạt áp dụng cho tội phạm hoàn thành, khung hình phạt áp dụng cho chuẩn bị phạm tội phải nhẹ hơn khung hình phạt áp dụng cho phạm tội chưa đạt. Các khung hình phạt giảm nhẹ theo đúng nghĩa phải được quy định áp dụng cho các trường hợp phạm tội chưa hoàn thành. Khung hình phạt giảm nhẹ phải là khung hình phạt được giảm cả ở mức thấp nhất và ở mức cao nhất của khung hình phạt chứ không phải chỉ giảm ở mức cao nhất như quy định hiện nay của Điều 52 BLHS năm 1999. Điều 52 BLHS năm 1999 cần phải được sửa đổi theo hướng quy định bổ sung giảm mức thấp nhất của khung hình phạt tù tương ứng với tỉ lệ giảm mức cao nhất của khung hình phạt tù đã được quy định. Hơn nữa, Điều 52 cũng không nên chỉ quy định giảm nhẹ khung hình phạt đối với các hình phạt nặng nhất mà phải quy định giảm nhẹ tất cả các khung hình phạt của các loại hình phạt được quy định trong điều luật về tội phạm cụ thể (cho trường hợp hoàn thành) để hình thành chế tài giảm nhẹ đối với các trường hợp phạm tội chưa hoàn thành. Tất nhiên, nếu quy định theo hướng này thì mức thấp nhất của các khung hình phạt được giảm không thể xuống dưới mức thấp nhất mà luật quy định cho loại hình phạt có khung.(7)

5. Kinh nghiệm quy định theo hướng này có thể tìm thấy trong quy định của BLHS một số nước trên thế giới mà điển hình là BLHS của CHLB Đức và của CHND Trung Hoa.

Theo quy định của Điều 23 BLHS của CHLB Đức, trong các trường hợp phạm tội chưa hoàn thành thì chỉ phạm tội chưa đạt của các trường hợp sau mới phải chịu TNHS: Phạm tội chưa đạt tội nghiêm trọng phải chịu TNHS trong mọi trường hợp, phạm tội chưa đạt tội ít nghiêm trọng phải chịu TNHS nếu điều này được quy định tại điều luật về tội phạm cụ thể.(8) Do phạm tội chưa đạt được coi như tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nên mức độ TNHS của phạm tội chưa đạt được quy định thấp hơn so với tội phạm hoàn thành. Điều 49 BLHS quy định cụ thể mức độ giảm nhẹ (cả mức cao nhất và mức thấp nhất) của của khung hình phạt áp dụng cho phạm tội chưa đạt so với tội phạm hoàn thành. Theo Điều 49 thì hình phạt được giảm nhẹ cho phạm tội chưa đạt cũng như các trường hợp khác có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt như sau: Hình phạt tù chung thân được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn không dưới 3 năm; Đối với hình phạt tù có thời hạn thì mức cao nhất chỉ bằng 3/4 mức cao nhất của của khung hình phạt quy định. Số ngày lương tối đa ở hình phạt tiền cũng được tính tương tự như vậy; Mức thấp nhất của khung hình phạt tù là 10 năm hoặc 5 năm được giảm xuống còn 2 năm; Mức thấp nhất của khung hình phạt tù là 1 năm được giảm xuống còn 3 tháng.

Khác với BLHS của CHLB Đức, BLHS của CHND Trung Hoa không quy định cụ thể về mức độ giảm nhẹ của hình phạt áp dụng cho các trường hợp phạm tội chưa hoàn thành nhưng cũng đã có quy định thể hiện chuẩn bị phạm tội bị xử lí nhẹ hơn phạm tội chưa đạt và phạm tội chưa đạt bị xử lí nhẹ hơn tội phạm hoàn thành, như đã quy định mức xử lí thấp nhất cho chuẩn bị phạm tội là nhẹ nhất có thể tới miễn hình phạt và có thể quyết định hình phạt cho chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định cho tội phạm hoàn thành. Cụ thể Điều 22 và Điều 23 BLHS quy định: Đối với chuẩn bị phạm tội có thể quyết định hình phạt nhẹ hơn so với tội phạm hoàn thành hoặc quyết định một hình phạt nhẹ hoặc miễn hình phạt; Đối với phạm tội chưa đạt có thể quyết định hình phạt nhẹ hơn so với tội phạm hoàn thành hoặc quyết định một hình phạt nhẹ. Quyết định một hình phạt nhẹ theo quy định của Điều 63 BLHS là quyết định hình phạt nhẹ hơn mức tối thiểu của khung hình phạt.

Như vậy, BLHS của CHND Trung Hoa cũng coi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt cũng là các trường hợp phạm tội có tình tiết giảm nhẹ nên cũng được xử lí giảm nhẹ mức độ TNHS. ý nghĩa đích thực của mức độ giảm nhẹ TNHS đối với chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt thể hiện ở quy định có thể xử nhẹ cho các trường hợp này dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định cho tội phạm hoàn thành và riêng đối với chuẩn bị phạm tội có thể được miễn hình phạt./.

(1), (2).Xem thêm: Luật hình sự Việt Nam – “Những vấn đề lí luận và thực tiễn”, Nxb. CAND, Hà Nội 1997, tr. 47, 48.

(3), (4).Xem quy định của Điều 52 BLHS năm 1999.

(5).Xem thêm ý kiến bình luận về vấn đề này trong: “Trách nhiệm hình sự và hình phạt”, Nxb. CAND, Hà Nội 2001, tr. 97, 98.

(6). Cách quy định tương tự cũng được thể hiện trong một số quy định cụ thể về TNHS của người chưa thành niên phạm tội, như trong Điều 72, 73 và 74 BLHS năm 1999.

(7). Hướng sửa đổi này, theo chúng tôi, cũng nên đặt ra đối với các quy định về TNHS của người chưa thành niên phạm tội tại các Điều từ 72 đến 74 BLHS năm 1999.

(8).Xem: “Trách nhiệm hình sự và hình phạt”, Nxb. CAND, Hà Nội 2001, tr. 160.

Luật hình sự của CHLB Đức phân tội phạm thành 2 loại: Tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng. Tội nghiêm trọng là tội có mức thấp nhất của khung hình phạt là từ 1 năm tù trở lên, tội ít nghiêm trọng là tội có mức thấp nhất của khung hình phạt là dưới 1 năm tù hoặc bị đe doạ phạt tiền.

TS. Lê Thị Sơn (Tạp chí Luật học số 4/2002 )

Tham khảo 25 hành vi dù chuẩn bị phạm tội vẫn phải lĩnh án từ ngày 1/1/2018

Việc tìm kiếm phương tiện, tham gia nhóm, tạo điều kiện cho hành vi giết người, cướp tài sản, gián điệp, khủng bố… đều sẽ bị coi là phạm tội.

Theo Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của bộ luật này phải bị xử lý hình sự…

Điều 14 định nghĩa: Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự với 25 trong số 314 tội danh thuộc năm nhóm tội: xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội xâm phạm an toàn công cộng.

VnExpress giới thiệu 25 tội mà người chuẩn bị phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự:

Điều 123: Giết người

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: giết hai người trở lên, giết người dưới 16 tuổi, giết phụ nữ mà biết là có thai, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, có tính chất côn đồ, có tổ chức… thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 168: Cướp tài sản

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3-10 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 108: Phản bội Tổ quốc

Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu người phạm tội gây án trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị phạt tù 7-15 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 109: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bị khép vào tội này. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác bị phạt tù 5-12 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 110: Gián điệp

Người nào có một trong các hành vi: hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây cơ  để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

Nếu người phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù 5-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

Điều 111: Xâm phạm an ninh lãnh thổ

Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị coi là phạm tội trên.

Cụ thể, người tổ chức, hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân. Người đồng phạm khác bị phạt tù 5-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 112: Bạo loạn

Người nào hoạt động vũ trang, dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị khép tội Bạo loạn. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng phạm bị phạt tù 5-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 113: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Phạm tội trong trường hợp: thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cá bộ, công chức hoặc người khác thì bị phạt tù 10-15 năm.

Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù 5-10 năm.

Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo Điều này. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 114: Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù 5-15 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 115: Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội

Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, thì bị phạt tù 7-15 năm. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù 3-7 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 116: Phá hoại chính sách đoàn kết

Người nào thực hiện một trong những hành vi: gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù 7-15 năm.

Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng bị phạt tù 2-7 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 117: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Người nào có một trong những hành vi: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù 5-12 năm.

Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù 10-20 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.

Điều 118: Phá rối an ninh

Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 112 của bộ luật này, thì bị phạt tù 5-15 năm.

Đồng phạm bị phạt tù 2-7 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Ngoài các tội về xâm phạm an ninh, luật sư còn phải tố giác thân chủ nếu biết rõ họ là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo định  nghĩa tại bộ luật này là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

12 tội còn lại gồm: Chống phá cơ sở giam giữ (điều 119), Tổ chức, cưỡng ép,  xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 120), Trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 121), Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134), Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169), Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (điều 207), Khủng bố (điều 299), Tài trợ khủng bố (điều 300), Bắt cóc con tin (điều 301), Cướp biển (điều 302), Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (điều 303), Rửa tiền (điều 324).

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai