Điều 167: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

168

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) đã có bước tiến bộ hơn so với Bộ luật hình sự trước đó khi quy định thêm về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

Điều 167 Bộ luật Hình sự quy định về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân như sau:“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. – 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: (a) Có tổ chức; (b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. – 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, đây là một tội ghép, bao gồm 04 tội danh được thiết kế trong một điều luật với các khung hình phạt tương ứng nhau là: tội xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận; tội xâm phạm quyền tự do báo chí; tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin và tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân. Tội phạm này có các dấu hiệu pháp lý như sau:

1. Khách thể của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

Tội phạm này xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin và quyền biểu tình của công dân. Đây là các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

2. Chủ thể của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo khung hình phạt quy định tại Điều luật thì chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

3. Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần có hành vi xâm phạm các quyền trên là đã đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác làm cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin và quyền biểu tình của công dân. Như vậy, hành vi ở đây có thể diễn ra dưới dạng hành động (dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực) hoặc có thể diễn ra dưới những thủ đoạn khác, có thể là không hành động.

Thủ đoạn khác có thể là việc cố tình chậm trễ trong việc công bố thông tin, không tạo điều kiện cho người khác thực hiện các quyền nêu trên….

Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng điều kiện: đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm.

Hậu quả của hành vi phạm tội có thể đã xảy ra hoặc chưa xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, hậu quả không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc đối với hành vi này.

4. Mặt chủ quan của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, đó có thể là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội hiểu rõ hậu quả của việc cản trở và cố tình thực hiện mọi hành vi để cản trở; hoặc có thể là cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức được hậu quả nhưng để mặc hậu quả xảy ra. Bởi việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm ngăn cản người khác thực hiện các quyền công dân xuất phát hoàn toàn từ sự định đoạt từ ý chí chủ quan của người phạm tội.

Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai