Điều 174. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai . Bộ luật Hình sự năm 1999

1613

Điều 174.  Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai  

1.  Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn;

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Đất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Đất có diện tích đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm  năm mươi  triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Lưu ý: Sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Điều 174 Bộ luật hình sự

Hiện nay, khi nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì đất đai là một trong những hướng quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư, theo đó các hoạt động liên quan đến đất đai vô cùng sôi động, nhất là ở các khu vực ven đô.

Vì vậy, pháp luật về đất đai ngày càng cần phải hoàn thiện để đáp ứng với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến quản lý đất đai của các cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền và các chế tài đối với những người có thẩm quyền vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Bộ luật hình sự năm 1999 ngay từ khi mới ra đời đã có quy định một điều luật riêng về xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại Điều 174:

“ 1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

     a) Đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn;

     b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Tuy nhiên xét về mặt thực tế trong phạm vi cả nước số vụ án vi phạm Điều 174 Bộ luật hình sự được đưa ra xét xử rất ít. Nguyên nhân do đâu? Có thể nói nguyên nhân do cấu thành tội phạm của Điều 174 chưa chặt chẽ, là kẽ hở cho những người có thẩm quyền trong lĩnh vực “vàng” có thể tham nhũng đất đai.

Nội dung Điều luật quy định các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng trái pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là những người đã thực hiện hành vi này chỉ bị xử lý hình sự khi đã bị kỷ luật nhưng lại tiếp tục vi phạm. Thực tế thì những người có quyền thực hiện những hành vi trên là những người đứng đầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là những người sẽ ra quyết định lỷ luật đối với người vi phạm hoặc giải quyết các khiếu nại tố cáo về đất đai. Vì vậy, chắc chắn họ không hoặc chưa bao giờ bị xử lý kỷ luật về hành vi này, trong khi đó hành vi của họ thể hiện lỗi cố ý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai và gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Do đó họ có cố ý thực hiện hành vi trên nhưng khi chưa bị xử lý kỷ luật thì họ cũng có thể “yên tâm” rằng sẽ không bị xử lý hình sự.

Điều này được thể hiện rõ hơn tại Thông tư liên tịch số 01/2000 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ tư pháp – Bộ Công an hướng dẫn thi hành mục 3 Nghị quyết 32/1999 của Quốc hội: “…chỉ coi là tội phạm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174) nếu đã bị xử ký kỷ luật (kể cả xử phạt vi phạm hành chính) về hành vi này, dù thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự 1999 thì vẫn không phải là tội phạm”. Có thể kết luận rằng đây là một điều luật có lợi thật sự cho các “quan đất”. Đó cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai gây nên tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài và kéo theo nhiều nỗi bức xúc của đông đảo nhân dân cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng trong nhiều năm qua.

Qua thực tiễn 10 năm áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, trong đó có Điều 174 Bộ luật hình sự, các nhà làm luật có lẽ cũng đã nhìn thấy kẽ hở này nên tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 19/6/2009 Điều 174 Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1.Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Ðã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Ðất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Ðất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Ðất có diện tích đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”

Như vậy, Điều 174 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung đã bỏ dấu hiệu “ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” của quy định  của BLHS 1999 và bổ sung vào cấu thành của tội danh dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”“đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn” vào khoản 1 Điều này; các cấu thành tương ứng vào khoản 2 và khoản 3 để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hình sự đối với những người vi phạm mà chưa bị xử lý kỷ luật nhưng hành vi của họ lại gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù đã được sửa đổi bổ sung nhưng trong thực tiễn áp dụng để giải quyết vụ án thì vẫn có nhiều vướng mắc, cụ thể đối với dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”“đất có diện tích lớn” thì chưa có một văn bản dưới luật nào hướng dẫn một cách cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, và diện tích đất bao nhiêu thì được coi là lớn hoặc giá trị lớn.

Một số vụ việc thực tế xảy ra tại địa phương trong thời gian qua là những người có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển qua chuyển lại nhiều lần, đối với nhiều người, nhiều vụ việc nhưng không đúng quy định của pháp luật, hoặc cho thuê đất với thời hạn trái quy định của pháp luật dẫn tới người có quyền lợi bị xâm phạm khiếu nại tố cáo kéo dài, thậm chí là khiếu nại vượt cấp. Cơ quan điều tra vào cuộc, nhưng cuối cùng khi xem xét đến những hành vi đó có gây hậu quả nghiêm trọng hay không và diện tích đất được chuyển nhượng, cho thuê bất hợp pháp đó có diện tích lớn hay không thì không thể xác định được do không có văn bản hướng dẫn. Thực tế cuối cùng những hành vi phạm pháp luật, vi phạm Điều 174 Bộ luật hình sự như trên, tưởng chừng có thể xử lý hình sự sau khi điều luật đã được sửa đổi bổ sung thì nay lại “đành chịu”.

Ngoài ra tại Hải Phòng nói riêng và một số địa phương nói chung có trường hợp những người có thẩm quyền ra các quyết định về quản lý đất đai như Quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất trái quy định, hay việc những người có thẩm quyền quản lý hồ sơ về đất đai nhưng cố ý làm thất lạc gây khó khăn trong công tác giải quyết những vụ án có liên quan và xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của công dân nhưng lại không thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009. Vì, trong Điều luật đã quy định rõ chỉ có hành vi “giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật” của những người có thẩm quyền mới có thể bị coi là tội phạm vi phạm Điều 174 Bộ luật hình sự, còn những hành vi khác thì Điều luật không đề cập tới. Cho nên, nếu người có thẩm quyền thực hiện những hành vi khác vi phạm về quản lý đất đai trừ bốn trường hợp quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự thì cũng sẽ không bị xử lý về hành vi đó. Trong khi đó hành vi vi phạm quản lý đất đai bị xử lý theo quy định tại Điều 140 Luật đất đai sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật đất đai) bao gồm rất nhiều các hành vi trong đó có bốn hành vi được quy định cụ thể tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Tại Điều 140 Luật đất đai quy định cụ thể các hành vi của người quản lý vi phạm luật đất đai, có thể thấy rất rõ ràng về các hành vi vi phạm của người quản lý thường xảy ra không chỉ giới hạn là hành vi giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật mà đã còn xảy ra các hành vi khác mà Điều 140 Luật đất đai đã đề cập như: quản lý hồ sơ địa chính, nhưng Điều 174 Bộ luật hình sự đã bỏ sót. Và trong thực tế tại địa phương, cũng xảy ra nhiều trường hợp như người quản lý hồ sơ đã làm mất một loạt các hồ sơ cấp đất, khi toà án yêu cầu cung cấp thì người có thẩm quyền trả lời là đã làm mất, ngoài việc gây khó khăn trong công tác giải quyết án cho các cơ quan tiến hành tố tụng thì điều đó còn cho thấy thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của những người có thẩm quyền, phải chăng vì không có chế tài nên những người này “không sợ”.

Qua những bất cập đã phân tích ở trên, thiết nghĩ cần thiết phải xem xét, bổ sung sửa đổi kịp thời Điều 174 Bộ luật hình sự theo hướng mở rộng hành vi vi phạm tại Điều 141 Luật đất đai sẽ có thể bị xử lý hình sự và cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, diện tích lớn hoặc giá trị lớn là bao nhiêu để tháo dỡ khó khăn cho những cơ quan tiến hành tố tụng, tạo tiền đề cho việc trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm đất đai nói riêng./.

Đào Thị Lan Phương – VKSND huyện An Dương

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979

Website: www.vanphongluatsu.com.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai