Điều 191 Bộ luật Hình sự quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

3858

Chi tiết Điều 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

  1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

    b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

    c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

    d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

    e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    d) Có tính chất chuyên nghiệp;

    đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

    e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

    g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

    h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

    k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

    l) Tái phạm nguy hiểm.

  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

    b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

    c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

    d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

    đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.”;

  4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
  5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
  6. a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
  7. b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
  8. c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;”.
  9. d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

–  Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này chỉ cần là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật.

–  Mặt chủ quan của tội phạm:

người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, thấy trước được hậu quả của hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.

–  Khách thể của tội phạm:

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý đối với các loại hàng hoá mà Nhà nước cấm lưu thông (kinh doanh).

-Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

+ Về hành vi:

–  Đối với tội tàng trữ hàng cấm:

Có hành vi tàng trữ các sản phẩm hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh.

Tàng trữ hàng cấm được thể hiện qua hành vi cất giữ các loại hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh để tránh sự phát hiện, kiểm soát của các cơ quan chức năng hoặc của người khác.

–  Đối với tội vận chuyển hàng cấm:

Có hành vi đưa hàng cấm từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào. Việc vận chuyển có thể thực hiện thông qua các phương thức, thủ đoạn khác nhau như thông qua đường bộ (ôtô, tàu hoả…); thông qua đương sông (ghe, xuồng…); thông qua đường hàng không (máy bay) bằng các thủ đoạn khác nhau như: dùng vật nuôi để vận chuyển trực tiếp, lợi dụng trẻ em, thương binh… để phục vụ việc vận chuyển.

Các thủ đoạn thường thực hiện:

+Mở các cơ sở sản xuất trá hình, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để cất giấu loại hàng hóa không được phép lưu thông trên thị trường.

+Thuê các cơ sở làm ăn uy tín để tàng trữ hàng cấm,

+Dùng những chiếc xe công để che đậy quá trình vận chuyển hàng cấm.

+Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trọng việc quản lý, kiểm tra, xử lý quá trình kinh doanh để che giấu hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

+ Các dấu hiệu khác (dấu hiệu chung).

Mặc dù mỗi tội đã có các dấu hiệu riêng như nêu trên nhưng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này khi có một trong các dấu hiệu cấu thành cơ bản sau đây:

–  Hàng cấm có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn.

–  Nếu hàng cấm không bị coi là số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hoặc tại các điều sau đây:

+ Tội buôn lậu.

+ Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới

+  Tội tàng trữ, vận chuyển hàng giả.

+  Tội tàng trữ, vận chuyển hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

+ Tội kinh doanh trái phép.

+  Tội trốn thuế.

–  Hoặc đã bị kết án về các tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm (về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm).

Lưu ý:

Về đối tượng hàng cấm là hàng hoá cấm kinh doanh.

Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

–  Các chất ma tuý.

–  Một số hoá chất bảng 1 (theo công ước quốc tế).

–  Các sản phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách.

–  Các loại pháo.

– Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả các chương trình trò chơi điện tử).

– Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

–  Thực vật, động vật hoang dã (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến) thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng.

–  Thuỷ sản cấm khai thác, thuỷ sản có dư lượng chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, thuỷ sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

–   Phân bón không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

–  Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống cây trồng gây hại đến sản xuất và sức khoẻ con người, môi trường, hệ sinh thái.

–  Giống vật nuôi không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống cây gây hại cho sức khoẻ con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái.

–  Khoáng sản đặc biệt, độc hại.

–  Phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường.

–  Các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng này và y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

–  Các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

–  Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

–  Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amiibole.

Văn bản hướng dẫn:

– Hướng dẫn điểm b khoản 1 “Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao”

Công văn số: 154/TANDTC-PC ngày 25/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao V/v xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa

  1. Kể từ ngày 01-7-2015 (ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến ngày 01-01-2018 (ngày Luật số 12/2017/QH14 có hiệu lực thi hành), không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 1999):

Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01-7-2015, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 của Bộ luật Hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Khi miễn trách nhiệm hình sự, Tòa án phải ghi rõ trong bản án lý do của việc miễn trách nhiệm hình sự là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự; người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn toàn bộ hình phạt; trường hợp người đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Những người đã chấp hành xong hình phạt, được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc hình phạt còn lại thì đương nhiên được xóa án tích.

  1. Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01-7-2015 đến trước 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018, không xử lý về hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa. Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được thực hiện như sau:
  2. a) Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ, thì Tòa án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 277 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát;
  3. b) Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn (hoặc Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định của pháp luật có liên quan để ra quyết định đình chỉ vụ án;
  4. c) Trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa (nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên tòa sơ thẩm) căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định của pháp luật có liên quan để ra quyết định đình chỉ vụ án;
  5. d) Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định của pháp luật có liên quan và áp dụng khoản 2 Điều 107 và Điều 251 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng khoản 2 Điều 157, Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm rà soát, báo cáo ngay người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án theo quy định của pháp luật.

đ) Trường hợp đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và vụ án đang trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định của pháp luật có liên quan, khoản 2 Điều 107 và Điều 286 hoặc khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01-01-2018 thì áp dụng khoản 2 Điều 157 và Điều 392 hoặc khoản 3 Điều 402 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

  1. e) Việc đình chỉ vụ án đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01-7-2015 đến trước 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018 là đình chỉ về mặt trách nhiệm hình sự. Tòa án phải ghi rõ trong quyết định hoặc trong bản án lý do của việc đình chỉ là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được đình chỉ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
  2. g) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển bản án, quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
  3. Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018, việc xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

– Hướng dẫn điểm c khoản 1 “Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam”;

+ Công văn số 340/TANDTC-PC ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân tối cao

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-04-2009 của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo thì:

“3. Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.

  1. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.”

Theo hướng dẫn tại điểm a mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: “Pháo nổ” (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ”.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ có quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”, không có quy định về “pháo hoa nổ”. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hay pháo hoa.

Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc…); việc xử lý đối với trường hợp này được thực hiện như hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28-4-2017 của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa.

Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì không xác định là hàng cấm và không xử lý về tội “tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai