Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
—-***—-
Nhằm đảm bảo việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự điều tiết của Nhà nước trong những trường hợp cụ thể nhất định, đồng thời nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, do đó quy định tội đầu cơ trong BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 với tinh thần xử lí hình sự có giới hạn với những điều kiện cụ thể hiện nay vẫn là cần thiết.
- Khách thể của tội phạm
Hành vi đầu cơ xâm phạm đến quan hệ lưu thông hàng hóa, sự điều tiết của Nhà nước nhằm đảm bảo cơ chế thị trường nhưng định hướng XHCN và xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.
Đối tượng là những loại hành hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Ví dụ: lúa, gạo, muối, xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng,…
Đây là điểm khác biệt thể hiện sự cụ thể hóa hơn so với quy định về tội đầu cơ trong BLHS năm 1999. Đối tượng của tội đầu cơ trong Điều 160 BLHS năm 1999 chỉ đơn thuần là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Như vậy, tinh thần chung Nhà nước đã thu hẹp khả năng xử lý tội đầu cơ so với quy định trong BLHS năm 1999, đối tượng hàng hóa của tội đầu cơ theo Điều 196 BLHS năm 2015 chỉ còn các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước cần bình ổn giá hay Nhà nước định giá.
- Chủ thể của tội phạm
Hành vi đầu cơ có thể do bất kì người nào có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định. Đó là những người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 và đạt độ tuổi từ đủ 16 trở lên.
Pháp nhân thương mại có thể phải chịu TNHS về tội đầu cơ theo quy định tại khoản 5 Điều 196 BLHS năm 2015.
- Mặt khách quan của tội phạm.
– Dấu hiệu bắt buộc về hoàn cảnh phạm tội: đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa. Ví dụ: do lũ lụt, chiến tranh…dẫn đến khan hiếm lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu khác như: xăng, dầu…Tình hình này có thể được các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố xác định vùng thiên tai, vùng có chiến sự, hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cụ thể.
– Hoặc lợi dụng các hoàn cảnh nêu trên, một hoặc một số người do nắm độc quyền kinh doanh một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã cố ý tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách giữ hàng hóa không bán ra thị trường, hay một số tư thương tung tin thất thiệt…nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để trục lợi.
– Người phạm tội đã lợi dụng tình hình khan hiếm nêu trên hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo để mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.
– “Mua vét” hàng hóa được hiểu là hành vi mua với số lượng lớn hàng hóa, có thể mua một lần hoặc nhiều lần với số lượng hàng hóa nào đó vượt quá nhiều lần nhu cầu tiêu dùng của gia đình, nhu cầu dự trữ của nghề nghiệp trong điều kiện hàng hóa khan hiếm…đồng thời việc mua vét này có căn cứ chứng minh nhằm bán lại để thu lợi bất chính.
Trong quy định về tội đầu cơ tại Điều 160 BLHS năm 1999, việc mua vét hàng hóa phải đi kèm với dấu hiệu số lượng hàng hóa lớn và gây hậu quả nghiêm trọng mới bị coi là phạm tội. Trong đó: căn cứ xác định số lượng lớn còn tùy thuộc vào loại hàng hóa cụ thể mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn hoặc tùy vào sự đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng; hậu quả nghiêm trọng có thể gây rối loạn thị trường trong một khu vực nhất định, giá cả tăng đột biến gây nên sự khó khăn cho đời sống nhân dân, ảnh hướng lớn đến sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Tuy nhiên, quy định về dấu hiệu định tội đầu cơ tại Điều 196 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa dấu hiệu hàng hóa có số lượng lớn qua việc quy định giá trị hàng hóa đồng thời không quy định dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc. Theo đó, hành vi khách quan nêu trên chỉ bị coi là tội phạm nếu:
+ Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp với mục đích mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Mục đích mua vét, tích trữ hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Việc có bán được hàng hóa với giá cao để thu lợi bất chính hay không, không là dấu hiệu bắt buộc. Thực tế có thể người đầu cơ bán lỗ, bán giá thấp hơn lúc “mua vét”, điều này không làm ảnh hưởng đến vấn đề xác định tội danh.
- Hình phạt:
Quy định hình phạt đối với tội đầu cơ tại Điều 196 BLHS năm 2015 nhìn chung có một số thay đổi so với quy định tại Điều 160 BLHS năm 1999: cụ thể hóa tình tiết định khung hình phạt như lượng hóa các tình tiết định khung hình phạt hàng đầu cơ có số lượng rất lớn/đặc biệt lớn (điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 160), thu lời bất chính rất lớn/đặc biệt lớn (điểm d khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 160); bỏ tình tiết định khung hình phạt gây hậu quả rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng; giảm mức phạt tù trong khoản 1 đồng thời bổ sung hình phạt tiền là chế tài lựa chọn cùng với các hình phạt chính khác trong khoản 2, khoản 3; nâng mức phạt tiền trong khoản 4; giảm mức phạt tù trong khoản 1, 2, 3; bổ sung quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (khoản 5).
– Từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 196 BLHS năm 2015 quy định TNHS đối với cá nhân phạm tội và mức hình phạt cao nhất đến 15 năm.
Trong các tình tiết tăng nặng, tại khoản 2 Điều 196 BLHS có bổ sung tình tiết mới “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Đây là trường hợp do hành vi đầu cơ gây khan hiếm hàng hóa dẫn đến nhân dân biểu tình, hoặc nạn trộm cắp xảy ra phổ biến, giá cả tăng vọt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân trong vùng nào đó..v…v…
– Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung đối với cá nhân phạm tội: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Mức phạt tiền tại khoản 4 Điều này được nâng lên so với mức phạt từ ba đến ba mươi triệu đồng tại khoản 4 Điều 160 BLHS năm 1999.
– Khoản 5 quy định pháp nhân thương mại phạm tội thì bị xử phạt như sau:
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.