Từ “oan sai” có thể được hiểu thoáng là trong quá trình hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, người thi hành công vụ có những quyết định, hành vi sai lầm, làm thiệt hại quyền và lợi ích của người dân. Vậy khi bị oan sai, người dân có thể làm gì để tự bảo vệ mình?
Nắm rõ được rủi ro trong quá trình quản lý, cũng như mong muốn có một cơ chế rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho người bị oan sai, Quốc hội đã ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhằm điều chỉnh những vấn đề này. Theo quy định của luật này, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, sẽ được nhà nước bồi thường. Bên cạnh việc có quyền gửi đơn khiếu nại và yêu cầu nhà nước bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại còn có quyền yêu cầu khôi phục danh dự theo quy định pháp luật; yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án giải quyết và thông báo việc giải quyết bồi thường; khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng; yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu giải quyết bồi thường và phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra. Để có thể xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan nhà nước đối với từng lĩnh vực quản lý, người bị hại phải cung cấp được các căn cứ cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình. Cụ thể, đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, người bị thiệt hại phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật. Còn đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, người bị thiệt hại phải có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đối với cả hai trường hợp trên, người bị hại phải có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra cho người bị thiệt hại.
Không phải trong mọi trường hợp nhà nước đều có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Đối với những trường hợp thiệt hại thực tế là do lỗi của người bị thiệt hại gây ra, hoặc người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc, thì nhà nước sẽ không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, đối với những thiệt hại thực tế cho người bị thiệt hại là do tình thế cấp thiết, hoặc sự kiện bất khả kháng gây ra, nhà nước cũng không có nghĩa vụ bồi thường.
Trước đây, khi chưa có Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 thì các văn bản điều chỉnh về vấn đề này có Nghị quyết số 388/2003/NQ – UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra; Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo khoản 2, Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp: Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội; Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
Giảm thiểu oan sai thì việc tiến hành tố tụng phải công tâm, làm đúng quy trình và phải có trách nhiệm với sinh mệnh con người. Chúng ta thực ra đang có thói quen buộc tội, mà chưa sẵn sàng vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Nếu có thói quen cứ khởi tố rồi là phải làm sao cho có tội, đã truy tố rồi là phải xử cho có án thì tình trạng oan sai vẫn sẽ đến, càng nhiều hơn. Nhiều người nói trách nhiệm bồi thường oan sai ngày càng được đề cao có thể làm giảm thiểu những oan trái, nhưng cái gốc tự thân vẫn phải là một nền tố tụng minh bạch và thực sự vì quyền con người.
Nếu không tình trạng ép cho đến cùng người oan để họ không còn đường giải oan hòng tránh việc phải bồi thường cũng không có gì lạ. Câu chuyện cải cách tư pháp vẫn là chuyện dài, cần phải làm từ gốc rễ để có thể tạo nên một quy trình tố tụng đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật, đảm bảo quyền con người được bảo vệ, làm được điều đó có thể giảm thiểu oan sai…