Trong vụ án hình sự, việc xác định tuổi là hết sức quan trọng. Trong nhiều trường hợp, việc xác định tuổi là cơ sở để định tội, ví dụ các tội phạm được quy định tại Điều 112 BLHS (tội hiếp dâm trẻ em); Điều 114 BLHS (tội cưỡng dâm trẻ em); Điều 115 BLHS (tội giao cấu với trẻ em); Điều 148 BLHS (tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn); Điều 256 BLHS (tội mua dâm người chưa thành niên)…v.v…Bên cạnh đó, tuổi còn có vai trò xác định khung hình phạt, chẳng hạn các tội phạm quy định tại Khoản 4 Điều 111 BLHS (hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi); Khoản 2 Điều 197 BLHS (tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên); Khoản 3 Điều 197 BLHS (tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với người dưới 13 tuổi); Khoản 2 Điều 254 BLHS (chứa mại dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi); Khoản 3 Điều 254 BLHS (chứa mại dâm người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi)…v.v…Cá biệt, tuổi là cơ sở để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điểm h Khoản 1 Điều 48 BLHS – phạm tội đối với trẻ em, người già).
Việc xác định tuổi của bị cáo cũng như của người bị hại là yêu cầu có tính bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án). Đối với các tội phạm mà tuổi đóng vai trò là tình tiết định tội, định khung hoặc là tình tiết tặng nặng thì hồ sơ vụ án phải có tài liệu chứng minh tuổi của bị cáo hoặc người bị hại. Nếu thiếu cơ sở chứng minh này, hồ sơ vụ án coi như bị thiếu chứng cứ quan trọng và không thể xét xử được.
Hiện nay, tuổi của bị cáo vẫn được xác định theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, nếu không nhớ ngày sinh của bị cáo thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị cáo. Chẳng hạn, chỉ nhớ bị cáo sinh vào tháng 5 năm 1980 thì lấy ngày 31 (nếu tháng có ngày 31) tháng 5 năm 1980 làm ngày sinh của bị cáo. Trong trường hợp, không nhớ bị cáo sinh tháng nào thì lấy tháng cuối cùng của năm làm tháng sinh cho bị cáo. Ví dụ, chỉ nhớ bị cáo sinh vào ngày 10 trong tháng nhưng không nhớ tháng nào của năm 1980 thì ngày 10 tháng 12 năm 1980 là ngày sinh của bị cáo. Nếu không nhớ cả ngày và tháng mà chỉ nhớ năm sinh của bị cáo thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng năm đó tính ngày sinh của bị cáo. Ví dụ, chỉ nhớ bị cáo sinh năm 1980 thì ngày 31 tháng 12 năm 1980 là ngày sinh của bị cáo. Đây là những hướng dẫn theo hướng có lợi cho bị cáo, thể hiện tính nhân đạo một cách sâu sắc của Luật Hình sự Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng không loại trừ trường hợp không biết bị cáo sinh vào ngày tháng năm nào. Nghị quyết không hướng dẫn trường hợp này. Tuy nhiên, trên thực tế nếu trường hợp này xảy ra thì các quan tiến hành tố tụng buộc phải trưng cầu giám định để xác định năm sinh cho bị cáo.
Việc xác định tuổi cho người bị hại thì sao? Cho đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cách xác định tuổi cho người bị hại trong trường hợp không nhớ ngày tháng năm sinh. Chính vì thế, một số Tòa án gặp lúng túng khi xảy ra trường hợp không có giấy tờ hay lời xác nhận nào chứng minh tuổi của người bị hại. Chẳng hạn, năm 1998, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xét xử vụ án trong ĐÜĐÜĐÜĐÜđó Hội đồng xét xử phân vân không biết định tội danh nào đối với hành vi của bị cáo. Tóm tắt vụ án cho thấy, Lâm Thị T là trẻ em sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ngày 05/10/1997, Trần Văn H, 27 tuổi, đã dụ T ra vườn và thực hiện hành vi giao cấu. Đến khi T có thai thì cậu của T phát hiện và hỏi T mới biết rõ mọi chuyện. T bị khởi tố. Qua điều tra, cậu của T cho biết T sinh vào tháng 10/1984. Nếu xác định T sinh vào ngày 31 tháng 10 năm 1984 (theo cách xác định tuổi của bị cáo) thì khi bị giao cấu, T chưa đủ 13 tuổi và H phải bị truy cứu về “tội hiếp dâm trẻ em” (Điều 112a BLHS năm 1985, Điều 112 BLHS năm 1999). Nếu xác định theo hướng có lợi cho bị cáo, tức là lấy ngày đầu tháng để tính tuổi cho người bị hại, thì T được xác định sinh ngày 01/10/1984. Khi đó, T bị giao cấu lúc 13 tuổi 5 ngày và H bị truy cứu về “tội giao cấu với trẻ em” (Điều 114 BLHS năm 1985, Điều 115 BLHS năm 1999). Cuối cùng, các Thẩm phán đã quyết định áp dụng cách tính tuổi thứ hai và xét xử H về “tội giao cấu với trẻ em”. Tôi đồng ý với quan điểm này của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
Thực tiễn có một số ý kiến cho rằng, không nên tính tuổi theo hướng có lợi cho bị cáo trong trường hợp này. Nghĩa là, khi đã làm hết cách mà không xác định được ngày tháng sinh của người bị hại thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của năm sinh. Nếu theo cách này, trong vụ án trên, H phải bị truy cứu về “tội hiếp dâm trẻ em”, hình phạt nặng hơn rất nhiều so với “tội giao cấu với trẻ em”. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Theo nguyên tắc của tố tụng hình sư ûcũng như các văn bản có liên quan đến việc xác định tuổi của bị cáo bao giờ cũng theo hướng có lợi cho bị cáo. Điều này là hợp lý, bởi nếu ta xác định theo hướng bất lợi cho bị cáo thì quyền lợi của người bị hại vẫn không đổi. Nghĩa là, trong vụ án trên, dù bị cáo bị truy tố về “tội hiếp dâm trẻ em” hay “tội giao cấu với trẻ em” thì các thiệt hại về vật chất và tinh thần của người bị hại bị cáo cũng phải bồi thường như nhau. Thế tại sao chúng ta không làm lợi cho bị cáo. Xét ở nguyên tắc tố tụng, khi tính tuổi cho bị cáo thì theo hướng có lợi cho bị cáo, cho nên khi xác định tuổi cho người bị hại cũng phải theo hướng có lợi cho bị cáo. Chúng ta không thể chấp nhận một nguyên tắc mà khi này thì theo hướng có lợi cho bị cáo, khi khác thì theo hướng bất lợi cho bị cáo. Dù sao, vấn đề này cũng chưa được làm rõ. Theo tôi, để pháp luật được áp dụng thống nhất, việc xác định tuổi trong trường hợp không rõ ngày tháng năm sinh của người bị hại trong vụ án hình sự nên được hướng dẫn cụ thể.
Thạc sĩ Phạm Văn Beo
Giảng viên Khoa Luật Đại học Cần Thơ