Căn cứ pháp lý
- Thông tư 10/2021/TT-BTP;
- Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012.
Nội dung tư vấn
Điều kiện tập sự hành nghề luật sư
Căn cứ Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BTP quy định về người tập sự hành nghề luật sư. Cụ thể như sau:
– Người đáp ứng các điều kiện sau đây thì được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:
- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có Bằng cử nhân luật hoặc Bằng thạc sỹ luật;
- Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc Quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng thuộc trường hợp phải tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Luật sư.
– Người đang tập sự hành nghề luật sư mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì phải chấm dứt tập sự và không được công nhận thời gian đã tập sự. Người đã hoàn thành thời gian tập sự mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì không được công nhận thời gian đã tập sự.
Như vậy, để được tập sự hành nghề luật sư thì trước tiên phải là công dân Việt Nam tuân thủ Hiến pháp, có đạo đức tốt và trung thành với đất nước; có bằng cử nhân luật trở lên; phải hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư và đã được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sự tại Việt Nam.
Luật sư tập sự có được tham gia tố tụng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 10/2021/TT-BTP có quy định về quyền của người tập sự hành nghề luật sư như sau:
– Người tập sự có các quyền sau đây:
- Thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng lao động với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự;
- Được hướng dẫn về các nội dung tập sự, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tập sự;
- Giúp luật sư hướng dẫn thực hiện các công việc quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư;
- Được tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự và luật sư hướng dẫn tạo điều kiện trong quá trình tập sự;
- Đề nghị thay đổi luật sư hướng dẫn và nơi tập sự trong các trường hợp quy định tại Thông tư này;
- Đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
- Các quyền khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006 thi người tập sự được giúp luật sư hướng dẫn thực hiện các công việc sau:
- Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
- Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
- Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản này.
Như vậy, người tập sự được phép luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn nếu được khách hành đồng ý. Người tập sự cũng được đi theo luật sư gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,….và cũng chỉ được phép nếu được người đó đồng ý.
Tuy nhiên, người tập sự hành nghề luật sư không được tham gia tố tụng ở các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nhất là tham gia tại các phiên toà để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Kết quả tập sự hành nghề luật sự không đạt yêu cầu thì có phải tập sự lại từ đầu không?
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Thông tư 10/2021/TT-BTP quy định về thời gian tập sự hành nghề luật sư như sau:
– Thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng, kể từ ngày Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư đăng ký tập sự; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là 04 tháng; người được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư thì thời gian tập sự hành nghề luật sư là 06 tháng.
– Người tập sự được Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư gia hạn tập sự hành nghề luật sư khi không đạt yêu cầu tập sự theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị gia hạn của người tập sự, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư ra quyết định gia hạn tập sự hành nghề luật sư.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định gia hạn tập sự hành nghề luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư gửi văn bản thông báo cho tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, người tập sự, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Sở Tư pháp nơi có trụ sở của Đoàn Luật sư.
Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên cho thấy, nếu sau thời gian 12 tháng sự hoặc thời gian 04 và 06 tháng tập sự đối với trường hợp được giảm thời gian tập sự mà không đạt yêu cầu thì Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư gia hạn tập sự hành nghề luật sư theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.