Nghiệp vụ thi hành án
1. Vấn đề ra quyết định thi hành án
1.1. Việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định có nhiều khoản chủ động thi hành thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 173/2004/ NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, như sau:
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định.
– Đối với các khoản trả lại tài sản, hoàn trả tiền tạm ứng án phí (mặc dù thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án) thì với mỗi đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án.
– Đối với thi hành nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.
Trong trường hợp nhiều người được thi hành án đối với một tài sản (có quyền liên đới, ví dụ: nhiều người trong dòng tộc được sở hữu ngôi nhà để làm từ đường) mà chỉ một người trong số những người đó có đơn yêu cầu thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, đồng thời thông báo cho những người được thi hành khác theo bản án, quyết định đó biết và tổ chức giao tài sản đó cho người có đơn yêu cầu thi hành án.
1.2. Trong trường hợp trước đây cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu, thì cơ quan thi hành án phải có văn bản hướng dẫn cho người được thi hành làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
Trong trường hợp nêu trên, nếu người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án.
Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án không yêu cầu thi hành án, thì hết thời hạn 3 năm kể từ ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành (01/7/2004), cơ quan thi hành án căn cứ khoản 8 Điều 28 Pháp lệnh này ra quyết định đình chỉ thi hành án.
1.3. Đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu khi yêu cầu thi hành án, người được thi hành án chỉ yêu cầu thi hành số tiền gốc theo bản án, quyết định của Toà án mà chưa yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án, thì cơ quan thi hành án giải thích cho người được thi hành án biết về quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án. Nếu người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án mà cơ quan thi hành án chưa ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho số tiền gốc và lãi suất chậm thi hành án; nếu người được thi hành không yêu cầu thi hành phần lãi suất chậm thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án đối với số tiền gốc mà họ đã yêu cầu thi hành án.
Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án đối với số tiền gốc, sau đó người được thi hành án mới có đơn yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án thì nếu bản án, quyết định của Toà án còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án (áp dụng như một khoản của bản án, quyết định của Toà án). Việc tính lãi suất chậm thi hành án trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Nếu bản án, quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án quá hạn đối với khoản lãi suất chậm thi hành án đó theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
1.4. Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của người có quyền yêu cầu thi hành án mà thấy thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, thì cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án quá hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án mà xét thấy thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định huỷ quyết định thi hành án, đồng thời đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành án đó. Người có lỗi trong việc ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ.
Trong trường hợp người phải thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó họ không có điều kiện thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án căn cứ Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 ra quyết định trả lại đơn cho người phải thi hành án.
1.5. Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án đã được trả lại cho người đã yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, nhưng sau đó người phải thi hành án lại có điều kiện thi hành, thì nếu người được thi hành án (kể cả người phải thi hành) có đơn yêu cầu thi hành án trở lại, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và thụ lý việc thi hành án mới.
2. Thông báo về thi hành án
Việc thông báo về thi hành án đã được quy định tại Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan thi hành án cần lưu ý:
2.1. Trong trường hợp các thông báo về thi hành án không giao trực tiếp cho người được nhận thông báo, mà phải thực hiện việc thông báo bằng hình thức giao qua người nhận thay (Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác, cán bộ Tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sống cùng trong một gia đình của người được thông báo), thì việc xác định thời điểm người được thông báo nhận được thông báo là thời điểm người nhận thay cam kết chuyển cho người được thông báo. Ví dụ: Trong trường hợp thông báo quyết định thi hành án cho chồng là người phải thi hành án nhưng người chồng vắng mặt, ngày 03/1/2005 vợ của người đó nhận thay và cam kết sẽ chuyển quyết định thi hành án cho người phải thi hành án vào ngày 04/1/2005, thì ngày 04/1/2005 được xác định là thời điểm người phải thi hành án nhận được thông báo.
Khi thực hiện việc thông báo, cơ quan thi hành án phải lập biên bản xác định rõ trách nhiệm của người nhận thay trong việc chuyển thông báo cho người được nhận thông báo.
Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người đã cam kết nhận thay thông báo không chuyển được thông báo cho người được nhận thông báo, thì phải báo cho cơ quan thi hành án biết. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án thực hiện việc thông báo bằng hình thức niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
2.2. Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên cần ấn định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày niêm yết, người phải thi hành án phải đến cơ quan thi hành án để giải quyết việc thi hành án.
Việc ấn định thời gian bao nhiêu lâu, cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo thông báo.
2.3. Trường hợp có cơ sở xác định người được thông báo ở tại địa phương thì thông báo trên các Đài, Báo địa phương. Nếu có cơ sở xác định người đó không ở tại địa phương thì cơ quan thi hành án phải thông báo trên Đài, Báo trung ương.
3. Về vấn đề tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
3.1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và khoản 1 Điều 15 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, thì việc thi hành án bị tạm đình chỉ trong trường hợp người phải thi hành án bị Toà án ra quyết định mở thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 27 Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004, thì việc thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản phải tạm đình chỉ khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Do đó, trong trường hợp Toà án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án căn cứ Luật Phá sản 2004 ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành án, trừ việc thi hành các khoản tiền quy định các điểm a, b và c khoản 1 Điều 51 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
3.2. Trong trường hợp Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Phá sản 2004.
Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Phá sản 2004.
4. Về trường hợp đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004
Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì trong trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền lợi và lợi ích mà họ được hưởng theo bản án, quyết định thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án không phân biệt người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Khi xem xét, quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo bản án, quyết định của Toà án, các cơ quan thi hành án cần lưu ý:
4.1. Trong trường hợp khoản phải thi hành án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xoá nợ (ví dụ các khoản nợ mà Ngân hàng thương mại được Nhà nước xoá nợ để giải quyết nợ tồn đọng theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ hoặc Cục Dự trữ quốc gia, các hợp tác xã .v.v được xoá nợ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì cơ quan thi hành án yêu cầu đương sự cung cấp bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc xoá nợ để lưu vào hồ sơ thi hành án.
4.2. Khoản 3 Điều 28 cũng quy định “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” thì người được thi hành án không có quyền “từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng”. Đó là các trường hợp mà pháp luật quy định họ không được từ bỏ hoặc việc từ bỏ quyền và lợi ích đó ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc của người khác.
Ví dụ: Bản án, quyết định của Toà án tuyên thu nợ của doanh nghiệp A trả cho B để B thanh toán cho C, thì trường hợp này B không có quyền từ bỏ quyền lợi được thi hành từ A hoặc trong trường hợp đương sự vừa là người được thi hành án, vừa là người phải thi hành án, mà việc từ bỏ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác hoặc trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước gửi tại cơ quan, doanh nghiệp hoặc Nhà nước chỉ giao cho cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng (không được định đoạt) thì cơ quan, doanh nghiệp đó không được quyền từ bỏ.
5. Về xác minh điều kiện thi hành án
Trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án cần lưu ý:
5.1. Điều 8 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành của người phải thi hành án; chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật cho cơ quan thi hành án trong việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự.
Để thực hiện đúng quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án, thì cần lưu ý:
– Chấp hành viên phải trực tiếp xác minh, không uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (trừ trường hợp chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành đối với những vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng). Khi xác minh trực tiếp, Chấp hành viên phải xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế, không chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
– Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm, thì nhất thiết phải thông qua các cơ quan có chức năng đăng ký đó để xác minh.
– Thực tế rất nhiều trường hợp mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng các tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhưng các bên mua, bán đã không thực hiện quy định này nhằm trốn tránh việc thi hành án. Để có căn cứ kê biên tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục 4 Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chấp hành viên cần xác minh chính xác tài sản đó đã được mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho hợp pháp hay chưa hoặc có tranh chấp hay không. Việc xác minh căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho; thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng, như: xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán…; mặt khác, có thể thông báo rộng rãi để người có quyền, nghĩa vụ liên quan bảo vệ lợi ích của họ.
– Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp không thuộc diện được kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì Chấp hành viên phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu họ thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản khi người cầm cố, thế chấp thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp.
– Đối với người phải thi hành án là các cơ quan hoặc tổ chức, Chấp hành viên cần xác minh tài sản bằng việc trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản.v.v. và thông qua các cơ quan khác như: cơ quan quản lý vốn, tài sản hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cá nhân, tổ chức liên quan khác để xác minh điều kiện tài sản của các cơ quan, tổ chức này.
– Chấp hành viên phải giải thích cho người được thi hành án biết quyền và trách nhiệm của họ trong việc chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; phải xem xét và nếu cần thiết thì xác minh lại nội dung thông tin mà người được thi hành án đưa ra về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
– Để xác định người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Về nguyên tắc, việc xác minh điều kiện thi hành án thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên; việc xác minh phải lập biên bản ghi rõ trách nhiệm của người cung cấp thông tin. Trong trường hợp cán bộ thi hành án giúp Chấp hành viên thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, thì Chấp hành viên phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh đó.
5.2. Trên cơ sở kết quả xác minh, Chấp hành viên căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ để xác định người phải thi hành án có hay chưa có điều kiện thi hành án. Căn cứ kết quả xác minh, tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành thì Chấp hành viên giải quyết theo quy định tại Điều 26 hoặc Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
Người được thi hành án có quyền chứng minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án và yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án.
Đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án thì ít nhất mỗi quý (3 tháng) phải thục hiện một lần xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Trong trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù và họ không có tài sản, thì thời hạn xác minh này không nhất thiết phải thực hiện mỗi quý một lần theo hướng dẫn tại Công văn số 2059/VKSTC-KSTHA ngày 08/11/2001 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
6. Về thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án
Về thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án, các cơ quan thi hành án cần lưu ý:
6.1. Trong trường hợp Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 102, Điều 119 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 145, Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 55 Luật Phá sản và Điều 34 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án theo đúng nội dung quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án. Trong trường hợp phát hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án chưa rõ, có sai sót hoặc vi phạm, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải có văn bản yêu cầu Toà án giải thích, đính chính sai sót hoặc đề nghị người có thẩm quyền xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
6.2. Trường hợp trong bản án, quyết định của Toà án có tuyên nội dung duy trì quyết định khẩn cấp tạm thời hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mới thì trong quyết định thi hành án phải có nội dung này.
Trong quá trình thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 37 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 để đảm bảo thi hành án.
7. Kê biên, xử lý tài sản chung, tài sản đang cầm cố, thế chấp, bảo lãnh
Thời gian qua, một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc kê biên tài sản chung, tài sản đang cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặc biệt là tài sản của vợ chồng để thi hành nghĩa vụ của một người (vợ hoặc chồng) theo bản án, quyết định của Toà án. Một số trường hợp, khi thi hành nghĩa vụ của một người vợ hoặc chồng, Chấp hành viên đã kê biên tài sản chung của vợ chồng, nhưng sau khi bán tài sản đã chi trả hết số tiền bán tài sản để thi hành án mà không trả lại phần tài sản cho vợ hoặc chồng là người không phải thi hành án.
Vì vậy, khi kê biên tài sản cần lưu ý:
7.1. Chấp hành viên phải thực hiện đúng thứ tự kê biên tài sản theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
Trong trường hợp người phải thi hành án vừa có bất động sản là tài sản riêng vừa có phần động sản là tài sản chung với người khác mà phần tài sản trong khối tài sản chung đủ để thi hành án, thì Chấp hành viên phải giải thích để người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản nào trước đảm bảo thi hành án.
Trong trường hợp người phải thi hành án không đề nghị kê biên tài sản nào trước, thì Chấp hành viên lập biên bản về việc họ không đề nghị kê biên tài sản nào trước để tiến hành kê biên tài sản riêng của người phải thi hành án để thi hành án.
Trong trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên phần tài sản chung là động sản của họ trong khối tài sản chung với người khác thì Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản đó, nhưng phải bảo đảm quyền ưu tiên mua tài sản của người đồng sở hữu tài sản. Tuy nhiên cần lưu ý như sau:
– Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản riêng là căn nhà để ở và có tài sản chung là chiếc xe máy, mà phần tài sản chung đủ để thi hành án thì, cơ quan thi hành án kê biên chiếc xe máy để thi hành án.
– Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung là chiếc xe ô tô với người khác mà đó là phương tiện kiếm sống chủ yếu của gia đình họ, nhưng lại có một số bất động sản (như nhà ở hoặc quyền sử đất mà đó không phải là tài sản duy nhất để người phải thi hành án và gia đình ở), thì mặc dù giá trị tài sản là động sản của người phải thi hành án đủ để thi hành án, Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất) của người phải thi hành án để thi hành án.
7.2. Về kê biên tài sản chung của vợ chồng:
Theo Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình, thì vợ, chồng có thể có tài sản chung và tài sản riêng. Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung; trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ chồng trong trường hợp chia tài sản chung.
Theo các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước đây, thì tài sản chung của vợ chồng thuộc diện phải đăng ký có thể đứng tên một người vợ hoặc chồng. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng (Điều 27). Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết (Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Theo quy định tại Điều 42 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét đến công sức đóng góp của mỗi bên và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, người tàn tật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
Căn cứ các quy định trên, khi kê biên tài sản chung của vợ chồng để thi hành án, Chấp hành viên cần lưu ý:
– Nếu bản án, quyết định của Toà án tuyên buộc vợ hoặc chồng phải thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ được kê biên tài sản thuộc sở hữu riêng của người đó để thi hành án. Nếu người phải thi hành án không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành án thì kê biên phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trước khi kê biên, Chấp hành viên phải yêu cầu vợ, chồng phân chia tài sản. Trường hợp vợ, chồng không phân chia hoặc không thoả thuận được về phân chia và cũng không khởi kiện ra Toà án để phân chia tài sản, thì tuỳ theo số tiền, tài sản phải thi hành án và các yếu tố khác (như quyền, lợi ích của vợ, con chưa thành niên, người tàn tật…) để kê biên tài sản, nhưng không vượt quá 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm thi hành án. Nếu tài sản chung không thể phân chia, thì Chấp hành viên có quyền kê biên toàn bộ tài sản; Chấp hành viên giải thích cho vợ hoặc chồng quyền ưu tiên mua phần tài sản của người kia theo quy định tại điểm d khoản 3 Mục 4 của Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu vợ hoặc chồng không mua thì sau khi bán tài sản, Chấp hành viên thanh toán lại cho họ 1/2 giá trị tài sản và trích lại cho người phải thi hành án số tiền cần trợ cấp cho việc nuôi con chưa thành niên, người tàn tật hoặc những người khác mà người phải thi hành án đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).
– Nếu bản án, quyết định của Toà án tuyên buộc cả hai vợ chồng cùng có nghĩa vụ thi hành án, thì khi kê biên tài sản chung của vợ chồng để thi hành án, Chấp hành viên phải tính đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của con chưa thành niên, người tàn tật, người được cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
7.3. Trong trường hợp khối tài sản chung của người phải thi hành án với người khác (kể cả tài sản chung của vợ chồng) gồm nhiều loại tài sản thì Chấp hành viên căn cứ vào giá trị của từng tài sản để kê biên loại tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phải thi hành án và chi phí về thi hành án.
Ví dụ: Anh A và vợ là chị B có tài sản chung gồm 01 ngôi nhà trị giá 100.000.000 đồng, 01 chiếc xe môtô Dream II Thái Lan trị giá 29.000.000 đồng và 01 chiếc xe môtô YAMAHA trị giá 28.000.000 đồng. Bản án tuyên buộc anh A phải thi hành tổng số tiền là 27.000.000 đồng, thì Chấp hành viên có thể kê biên chiếc xe Dream II Thái Lan hoặc chiếc xe YAMAHA để đảm bảo thi hành án, mà không phải kê biên tất cả các loại tài sản của vợ chồng anh A.
7.4. Trong trường hợp bản án, quyết định của Toà án phân chia tài sản (chia tài sản thừa kế, tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.v.v.) xác định một bên đương sự được nhận tài sản (là hiện vật) và phải thanh toán cho người khác số tiền tương ứng với phần giá trị tài sản mà họ được nhận, thì khi thi hành án cần lưu ý:
– Trong trường hợp người được nhận tài sản tự nguyện nộp đủ số tiền phải thanh toán cho người được nhận tiền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án (kể cả trường hợp ngay sau khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, người được nhận tài sản tự nguyện nộp đủ số tiền phải thanh toán cho người được nhận tiền khi người được nhận tiền chưa yêu cầu thi hành án) thì cơ quan thi hành án xử lý số tiền đó theo hướng dẫn tại mục 10 của Công văn này, sau đó tổ chức việc thi hành giao tài sản cho người được nhận tài sản theo bản án, quyết định của Toà án nếu họ đã yêu cầu thi hành án.
– Trong trường hợp người được nhận tiền đã có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng người được nhận tài sản không tự nguyện thi hành án, thì khi thi hành án, nếu giá trị tài sản giảm thấp hơn so với thời điểm bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan thi hành án buộc người được nhận tài sản phải thanh toán số tiền theo bản án, quyết định của Toà án cho người được nhận tiền (kể cả lãi suất chậm thi hành án, nếu có).
Trường hợp giá trị tài sản tăng cao hơn nhiều so với thời điểm bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan thi hành án buộc người được nhận tài sản phải thanh toán cho người được nhận tiền theo giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án, nhưng không tính lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu người được nhận tài sản không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế, kể cả biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đó để thi hành án.
Ví dụ: Bản án của Toà án xử việc ly hôn giữa anh A và chị B quyết định chia tài sản chung là ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng cho anh A, anh A phải thanh toán cho chị B ½ giá trị ngôi nhà là 50 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, anh A không tự nguyện thanh toán cho chị B số tiền 50 triệu đồng, đến khi thi hành án thì giá trị ngôi nhà là 300 triệu đồng. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án buộc anh A phải thanh toán ½ giá trị ngôi nhà là 150 triệu đồng cho chị B; nếu anh A không tự nguyện thanh toán tiền cho chị B, thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý ngôi nhà để thi hành án.
8. Về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Toà án
Theo quy định tại khoản 6 Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì việc cưỡng chế thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất cho người được thi hành án do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tại Điều 29 Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ “Về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án” chỉ quy định cưỡng chế giao quyền sử dụng cho người trúng đấu giá hoặc người nhận quyền sử dụng đất đã kê biên, đấu giá để đảm bảo thi hành án.
Vì vậy, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Toà án, thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất theo đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án. Khi tiến hành giao đất nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được giao.
Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, thì Chấp hành viên căn cứ Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 ra quyết định cưỡng chế buộc họ phải thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất theo nội dung bản án, quyết định của Toà án.
Trường hợp trên đất có tài sản thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải giao cho người được thi hành án. Nếu họ không tự chuyển thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế chuyển tài sản của họ ra khỏi diện tích đất phải giao, trừ trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết tài sản đó. Trong trường hợp người có tài sản trên đất từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản. Nếu người có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
Trong trường hợp tài sản có trên đất trước khi có bản án, quyết định của Toà án thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 12.1 của Công văn này.
9. Vấn đề tạm thu phí thi hành án
Điều 20 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định việc thu phí thi hành án. Ngày 27/7/2004, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 135/TP-THA hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, trong đó có hướng dẫn một số nội dung về việc tạm thu phí thi hành án. Tại Chương IV của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về đối tượng chịu phí thi hành án; việc miễn, giảm phí thi hành án và khiếu nại về phí thi hành án. Quá trình triển khai thực hiện quy định và hưóng dẫn trên, một số cơ quan thi hành án đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể hơn về việc tạm thu phí thi hành án.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch về phí thi hành án. Trong khi chưa ban hành Thông tư và hướng dẫn mới, cơ quan thi hành án cần lưu ý:
9.1. Cơ quan thi hành án tạm thu 5% số tiền hoặc giá trị tài sản mà người được thi hành án thực nhận. Trường hợp đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2004, thì cơ quan thi hành án chỉ tạm thu phí thi hành nếu từ 01/7/2004 mới thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự; trường hợp cơ quan thi hành án đã thu được tiền, tài sản trước ngày 01/7/2004 mà chưa chi trả cho đương sự, thì không tạm thu phí thi hành án.
9.2. Đối tượng chịu phí thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ. Trường hợp không phải chịu phí thi hành án theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, thì không tạm thu phí thi hành án dân sự. Nếu cơ quan đã tạm thu trước khi Nghị định 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục hoàn trả.
9.3. Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người làm đơn chưa phải nộp phí thi hành án, cơ quan thi hành án chỉ thu khi chi trả tiền hoặc giao tài sản cho người được thi hành án. Số tiền, giá trị tài sản còn lại (95%), cơ quan thi hành án chi trả cho người được thi hành án. Sau khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về mức thu, cơ quan thi hành án sẽ thu tiếp phần phí còn thiếu (nếu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án cao hơn 5%) hoặc trả lại cho người được thi hành án phần thu vượt quá (nếu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án thấp hơn 5% hoặc được miễn, giảm phí thi hành án).
Nếu tài sản thực nhận là hiện vật, thì cơ quan thi hành án yêu cầu người nhận hiện vật tạm nộp phí thi hành án khi nhận hiện vật. Nếu bản án, quyết định không tuyên giá trị hoặc có tuyên nhưng hiện vật không còn phù hợp với giá thị trường, thì cơ quan thi hành án lập Hội đồng định giá để tính giá trị hiện vật, trên cơ sở đó tạm thu 5% giá trị hiện vật. Đối với những hiện vật chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi và không tính được giá trị vật chất, thì cơ quan thi hành án không tạm thu số tiền 5% nêu trên.
Trường hợp số tiền, tài sản mà người được thi hành án được nhận nhiều đợt, thì cơ quan thi hành án tạm thu phí 5% trên số tiền, giá trị tài sản đương sự thực nhận mỗi đợt.
9.4. Công văn số 135/TP-THA ngày 27/7/2004 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn xử lý đối với số tiền tạm thu phí thi hành án, theo đó cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn mang tên người được thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm thuận tiện trong việc gửi và xử lý số tiền này, thì cơ quan thi hành án lập danh sách tên từng người và từng vụ án. Căn cứ vào bản danh sách này, kế toán làm thủ tục gửi tiết kiệm theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Sổ tiết kiệm ghi tên thủ quỹ (Thủ trưởng cơ quan thi hành án làm thủ tục uỷ quyền).
9.5. Trong trường hợp người được thi hành án không tự nguyện nộp phí thi hành án, thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào tiền, khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá, phong toả tài khoản, tài sản, trừ vào thu nhập hoặc kê biên, xử lý tài sản của người đó để đảm bảo thu phí thi hành án.
9.6. Khi tạm thu phí thi hành án, cơ quan thi hành án sử dụng biên lai mẫu C27-H quy định tại Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trường hợp số tiền thu được đang trong tài khoản của cơ quan thi hành án quản lý, thì kế toán của đơn vị thực hiện thu theo hình thức kết chuyển trên tài khoản. Sau khi thực hiện, kế toán giao cho người được thi hành án 01 liên (liên giao cho người nộp tiền). Sau đó kế toán làm thủ tục xuất quỹ hoặc trích từ tài khoản số tiền 95% còn lại trả cho người được thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án nhận tài sản và nộp phí thi hành án, thì Chấp hành viên lập biên lai thu tiền theo mẫu C27-H quy định tại Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT nêu trên.
Việc hạch toán và ghi sổ kế toán thực hiện như sau:
+ Khi tạm thu, kế toán (thu phí trên giá trị tài sản) hạch toán, ghi sổ:
Nợ TK 111 hoặc 112 (kết chuyển thu phí trên tổng số tiền chi trả);
Có TK 34211 (theo dõi chi tiết mục thu của từng đối tượng ).
+ Khi chi trả số tiền còn lại cho người được thi hành án, kế toán hạch toán, ghi sổ:
Nợ TK 331.111;
Có TK 111 hoặc 112.
10. Xử lý khoản tiền người phải thi hành án tự nguyện nộp nhưng người được thi hành án không nhận
Đây là vấn đề chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ. Vì vậy, cơ quan thi hành án cần lưu ý:
10.1. Trường hợp người phải thi hành án có đơn tự nguyện thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành vụ việc. Nếu sau đó người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản người phải thi hành án đã có đơn tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án chỉ lưu đơn vào hồ sơ mà không ra quyết định thi hành án đối với khoản phải thi hành án đó nữa.
10.2. Trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày thu được số tiền, tài sản do người phải thi hành án nộp, cơ quan thi hành án thông báo cho người được thi hành án đến nhận. Hết thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm theo quy định tại Thông tư số 67/TT-THA ngày 05/7/1996 của Bộ Tư pháp, giữ tài sản tại kho của cơ quan thi hành án. Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà người được thi hành án không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục sung công số tiền, tài sản đó.
11. Việc huỷ kết quả bán đấu giá thành của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp
Một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc huỷ kết quả bán đấu giá thành của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp do có vi phạm trong quá trình kê biên, định giá hoặc có sai sót trong quá trình bán đấu giá tài sản để thi hành án.
Về vấn đề này, trong trường hợp cơ quan thi hành án ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm thì thực hiện quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Theo đó, trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp Toà án có quyết định khác.
Trong quá trình thi hành án, nếu có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyết định có liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật của cơ quan thi hành án trong việc kê biên, định giá, bảo quản tài sản.v.v hoặc do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá có vi phạm thủ tục bán đấu giá tài sản, vi phạm hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá, thì cơ quan thi hành án đề nghị Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá huỷ kết quả bán đấu giá và tổ chức lại theo quy định. Nếu Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không huỷ kết quả bán đấu giá, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc Giám đốc Sở Tư pháp huỷ kết quả bán đấu giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP nêu trên.
12. Vấn đề cưỡng chế trả nhà, nhưng nhà đã được đương sự cải tạo, sửa chữa; cưỡng chế giao đất, nhưng trên đất có bất động sản.
Trong quá trình thi hành án, một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc tổ chức thi hành cưỡng chế trả nhà, nhưng nhà đã được đương sự cải tạo, sửa chữa; cưỡng chế giao đất, nhưng trên đất có bất động sản.
Đây là những vấn đề chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, vì vậy khi thực hiện cơ quan thi hành án cần lưu ý:
12.1. Nếu việc xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa được thực hiện trước khi có bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án yêu cầu Toà án đã ra bản án giải thích rõ nội dung bản án, quyết định hoặc đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
12.2. Nếu việc xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa được thực hiện sau khi có bản án, quyết định, thì cơ quan thi hành án tổ chức cho các bên thoả thuận, nếu các bên không thỏa thuận được, thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và thực hiện theo hướng dẫn tại mục 8 của Công văn này để giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất cho người được thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án. Đối với những vụ việc phức tạp, cơ quan thi hành án cần báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan thi hành án cấp trên hoặc cơ quan thi hành án cấp tỉnh báo cáo Cục Thi hành án dân sự để có biện pháp chỉ đạo giải quyết cụ thể.
13. Thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì cơ quan thi hành án dân sự thi hành “quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về hành chính”. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, một số ít địa phương còn lúng túng trong việc xác định những cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ? Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thi hành phần nào trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ?
Về vấn đề này, theo quy định của pháp luật thì các quyết định về phần tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004. Đối với các bản án, quyết định của Toà án về hành chính, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và thụ lý thi hành đối với phần tài sản (như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, đất đai.v.v.) được tuyên rõ bản án, quyết định của Toà án. Đối với bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính mà nội dung phần quyết định chỉ tuyên bác đơn kiện hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên cụ thể các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành.
Ví dụ: Bản án Hành chính sơ thẩm số 01/HSST ngày 04/2/2004 của Toà án nhân dân huyện B tuyên: “Giữ nguyên Quyết định số 42/QĐ-UB ngày 02/5/2003 của UBND huyện B về việc ông Nguyễn Xuân An phải tháo dỡ công trình xây dựng nhà trái pháp luật. Ông An phải chịu án phí hành chính 50.000 đồng”, thì việc thi hành quyết định số 42/QĐ-UB nêu trên của Uỷ ban nhân dân huyện B do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành. Cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành khoản buộc ông An nộp 50.000 đồng án phí hành chính theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 và điểm a khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
14. Việc tính lãi suất chậm thi hành án
Cơ quan thi hành án cần lưu ý thực hiện như sau:
14.1. Theo quy định tại điểm b khoản 4 mục IV Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, thì đối với trường hợp tài sản phải thi hành án không phải là hiện vật theo bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật (15/7/1997), thì cơ quan thi hành án thi hành đúng theo quyết định của Toà án, kể cả các khoản lãi mà bên phải thi hành án phải chịu do chậm thi hành án gây ra.
14.2. Đối với khoản tiền suất lãi chậm thi hành án, theo quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, thì kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chủ động thi hành) và từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định khung lãi suất quá hạn cho các ngân hàng thương mại áp dụng (ví dụ quy định khung lãi suất quá hạn là 100% đến 150% mức lãi suất trong hạn). Mặt khác, Thông tư 01/TTLT nêu trên không quy định tiền lãi do chậm thi hành án được tính theo lãi suất của loại vay nào (có kỳ hạn hay không kỳ hạn…)
Vì vậy, để thực hiện thống nhất việc tính lãi chậm thi hành án, từ ngày 15/3/2005 trở đi, cơ quan thi hành án tính theo mức thấp nhất của khung lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định cho các Ngân hàng thương mại áp dụng theo từng thời kỳ với mức lãi suất vay trung hạn.
Ví dụ: Giả sử người phải thi hành án chậm thi hành 01 tháng và nếu lãi suất vay trung hạn là 1%/tháng và khung lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định là từ 100% đến 150% mức lãi suất trong hạn. Trong trường hợp này, lãi suất chậm thi hành án sẽ được tính:
Số tiền lãi chậm thi hành án = (Số tiền chậm thi hành án x 1%) x 100% x 01 tháng chậm thi hành).
14.3. Về việc một số địa phương phản ánh Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất quá hạn (mức trần) để các ngân hàng thương mại áp dụng. Vấn đề này Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn cụ thể.
15. Về thanh toán tiền thi hành án
Việc thực hiện thanh toán tiền thi hành án đã được quy định tại Điều 51, Điều 52 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
Tuy nhiên, khi thực hiện cơ quan thi hành án cần lưu ý:
15.1. Đối với số tiền, tài sản thi hành án thu được trước ngày 01/7/2004 mà chưa chi trả, nhưng đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2004, thì việc thanh toán vẫn thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993, kể cả việc xử lý số tiền thuộc diện chủ động thi hành án.
15.2. Nếu từ ngày 01/7/2004 đương sự mới có đơn yêu cầu thi hành án, thì thực hiện việc thanh toán theo quy định tại Điều 51, Điều 52 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, nhưng cần lưu ý:
– Nếu số tiền thi hành án thu được không phải do áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, thì thứ tự ưu tiên thanh toán không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ. Trong trường hợp này, số tiền thu được sẽ được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
– Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định của Toà án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể, thì được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm theo quy định tại Điều 52 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và khoản 3 Điều 27 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
Nếu bản án chỉ tuyên kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án (không tuyên bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể nào), thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được thanh toán cho tất cả các nghĩa vụ trong các bản án, quyết định mà người phải thi hành án phải thi hành tính đến thời điểm thanh toán theo thứ tự quy định tại Điều 51 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Điều 27 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
15.3. Trong trường hợp một bản án, quyết định có nhiều khoản phải thi hành hoặc trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều bản án, quyết định của Toà án, nhưng chỉ có một hoặc một số người làm đơn yêu cầu thi hành mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo các bản án, quyết định của Toà án, thì cơ quan thi hành án xử lý số tiền thu được theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.
16. Xử lý trường hợp đương sự tái chiếm tài sản khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc giao tài sản.
Một số cơ quan thi hành án đề nghị hướng dẫn giải quyết trường hợp đương sự tái chiếm tài sản khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế giao nhà, giao quyền sử dụng đất hoặc giao tài sản khác.
Về vấn đề này, cơ quan thi hành án thực hiện như sau:
Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án không có trách nhiệm cưỡng chế để giao lại tài sản cho người được thi hành án khi đã thực hiện xong việc cưỡng chế giao tài sản. Việc cưỡng chế giao xong tài sản thể hiện:
– Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được thi hành án;
– Người được thi hành án đã ký nhận vào biên bản giao tài sản;
– Hội đồng cưỡng chế không còn tại nơi cưỡng chế thi hành án.
Trong trường hợp tái chiếm nêu trên, nếu nhận được đơn khiếu nại của đương sự, thì cơ quan thi hành án giải thích và hướng dẫn đương sự đề nghị Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xem xét giải quyết.
17. Vấn đề xác định thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án dân sự
Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 không quy định thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án dân sự, nhưng Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định tại Điều 59 “thời hạn khiếu nại là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Trong trường hợp có trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hạn khiếu nại” và tại Điều 64 “thời hạn kháng nghị là mười lăm ngày đối với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và ba mươi ngày đối với Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp, kể từ ngày nhận được quyết định về thi hành án”.
Vì vậy, thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án được xác định như sau:
17.1. Trường hợp khiếu nại, kháng nghị đối với các quyết định, hành vi về thi hành án của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án thực hiện trước ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành, thì thời hạn khiếu nại, kháng nghị nêu trên được tính từ ngày 01/7/2004.
Trong trường hợp khiếu nại của đương sự đã được giải quyết qua hai cấp theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 thì việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp chỉ được thực hiện khi có căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 60 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
17.2. Đối với các khiếu nại, kháng nghị về thi hành án sau ngày 01/7/2004, thì thời hạn khiếu nại, kháng nghị xác định theo quy định tại Điều 59 và Điều 64 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
18. Thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân về thi hành án
Điều 10, Điều 64 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị đối với “cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì Viện Kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị đối với các quyết định và yêu cầu chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Khi nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân đối với các quyết định hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, thì cơ quan thi hành án thực hiện việc trả lời kháng nghị theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.
19. Vấn đề phối hợp thực hiện công tác đặc xá
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã có Công văn 145/TP-THA ngày 13/8/2004 và Công văn 210/TP-THA ngày 29/11/2004 hướng dẫn thực hiện công tác đặc xá. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các công tác đặc xá hàng năm theo quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương, các cơ quan thi hành án địa phương cần chủ động rà soát số hồ sơ thi hành khoản tiền phạt, án phí, truy thu tiền thu lợi bất chính, thi hành phần bồi thường dân sự trong các bản án, quyết định của Toà án về hình sự để đôn đốc người phải thi hành án và động viên thân nhân của họ thi hành. Trong trường hợp họ nộp tiền, tài sản tại trại giam, thì cơ quan thi hành án cử Chấp hành viên, cán bộ đến Trại giam để thu tiền, tài sản và cấp văn bản xác nhận họ đã thi hành phần nghĩa vụ tài sản hoặc có thể uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thi hành vụ việc.
Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư Dragon
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai