Luật sư bào chữa – Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số hướng dẫn về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Theo đó, người bào chữa có quan hệ thân thích với người đang tiến hành tố tụng trong vụ án thì bị từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Nghị quyết 03 03/2004/NQ-HĐTP ra ngày 2/10 quy định, ngay sau khi thụ lý vụ án hình sự cần phải kiểm tra xem xét trong các giai đoạn tố tụng trước đó bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ đã nhờ người bào chữa hay chưa mà thực hiện như sau:
(1) Nếu bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ chưa nhờ người bào chữa, nay mới nhờ người bào chữa hoặc tuy đã có nhờ người bào chữa nhưng nay nhờ người bào chữa khác thì cần phải xem xét người được nhờ bào chữa đó có quan hệ thân thích với người nào đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án hay không. Nếu có quan hệ thân thích với người nào đó đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án thì căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 56 của Bộ luật Tố tụng hình sự từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho người được nhờ bào chữa đó. Việc từ chối cấp giấy chứng nhận phải được làm thành văn bản, trong đó cần nêu rõ lý do của việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
(2) Trong trường hợp trong các giai đoạn tố tụng trước đó, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ đã có nhờ người bào chữa và nay vẫn tiếp tục nhờ người đó bào chữa thì cần phải xem xét người đó có quan hệ thân thích với người nào (thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án) được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án hay không. Nếu có quan hệ thân thích với người nào đó được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án, thì cần phân công người khác không có quan hệ thân thích với người được nhờ bào chữa thay thế tiến hành tố tụng và cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho người được nhờ bào chữa đó.
Theo khoản 1 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo được lựa chọn người bào chữa cho bị can, bị cáo. Để thi hành đúng quy định này cần phân biệt:
(1) với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì họ và người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền được lựa chọn người bào chữa; (2) với bị can, bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa. Do đó, trong trường hợp người thân thích của họ hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ thì cần theo hướng dẫn sau: Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa đã có sự đồng ý (hoặc sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa chưa có sự đồng ý (hoặc không có sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì tòa án yêu cầu người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người khác thực hiện việc lựa chọn người bào chữa phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo. Tòa án cũng có thể thông báo cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam biết việc người thân thích của họ hoặc người khác đã lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ và hỏi họ có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để người bào chữa thực hiện việc bào chữa.
Các cơ quan tố tụng yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, khi bị can, bị cáo là người chưa thành niên, trong trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, VKS hoặc tòa án phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Vì vậy, trường hợp khi phạm tội, người phạm tội là người chưa thành niên, nhưng khi khởi tố, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi thì họ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57.
Trường hợp bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa và theo yêu cầu của tòa án, văn phòng luật sư đã cử người bào chữa cho họ hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận đã cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho thành viên của tổ chức mình thì tòa án phải thông báo cho bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chất biết. Việc thông báo có thể bằng văn bản riêng, có thể được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trước khi mở phiên tòa, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì người có yêu cầu phải làm văn bản trong đó cần ghi rõ lý do yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp họ trực tiếp đến tòa án yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản ghi rõ lý do của yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa và người có yêu cầu phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.
Văn bản về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được giải quyết như sau: (1) trường hợp yêu cầu thay đổi người bào chữa thì thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa căn cứ vào khoản 25 và khoản 3 Điều 56 của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Mục 1 để xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết trong đó cần nêu rõ căn cứ của việc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người khác bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân khác bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. (2) trường hợp yêu cầu từ chối người bào chữa, thì vẫn tiến hành triệu lập người bào chữa đã được cử tham gia phiên tòa theo thủ tục chung. Nếu tại phiên tòa họ vẫn tiếp tục có yêu cầu từ chối người bào chữa thì hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo hướng dẫn tại điểm d Mục 3.
Tại phiên tòa, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải ghi vào biên bản phiên tòa. Về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được giải quyết như sau:
(1) trường hợp yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì HĐXX thảo luận và thông qua lại phòng xử án. Căn cứ vào khoản 2 và khoản 3 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự, hướng dẫn lại Mục 1 để xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì thông báo cho người yêu cầu biết và nói rõ căn cứ của việc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì phải hoãn phiên tòa và thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người khác bào chữa cho bị cáo hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân khác bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Quyết định của HĐXX về chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thay đổi người bào chữa không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa. (2) Trường hợp yêu cầu từ chối người bào chữa (kể cả trường hợp đã có yêu cầu từ chối người bào chữa trước khi mở phiên tòa), thì HĐXX cần phải giải thích cho họ biết người bào chữa sẽ giúp bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo và chi phí cho người bào chữa do tòa án thanh toán.
Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến từ chối người bào chữa thì cần phải ghi vào biên bản phiên tòa và tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung mà không có sự tham gia của người bào chữa đã được cử. Nếu chỉ có bị cáo từ chối người bào chữa, còn người đại diện hợp pháp của bị cáo không từ chối người bào chữa hoặc chỉ có người đại diện hợp pháp của bị cáo từ chối người bào chữa, còn bị cáo không từ chối người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử.
(Theo Pháp Luật)
Công ty luật Dragon