Thủ tục giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, lao động
KỸ NĂNG CHUNG VỀ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
KINH DOANH THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG
———————
BÀI 1:
KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN KINH DOANH,
THƯƠNG MẠI
I. KHỞI KIỆN VÀ THỤ LÝ VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1. Khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại
1.1. Đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại
Đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại phải được làm (theo mẫu) đúng theo quy định tại Điều 164 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 2 và Điều 5 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP).
1.2. Tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại
Theo quy định tại Điều 164 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP thì: Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.
Các tài liệu, chứng cứ đương sự phải nộp kèm theo đơn khởi kiện phụ thuộc vào yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Ví dụ: Người khởi kiện (nguyên đơn) khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền hàng chưa thanh toán (nợ gốc và lãi phát sinh do chậm thanh toán) theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì những tài liệu, chứng cứ mà đương sự phải nộp kèm theo đơn khởi kiện gồm: Hợp đồng, Phụ lục hợp đồng (nếu có), các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giao, nhận hàng, thanh toán tiền hàng (nếu có)…; nếu họ chưa thể gửi đủ các tài liệu, chứng cứ này, thì cùng với đơn khởi kiện họ phải gửi bản sao hợp đồng.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đương sự nộp kèm theo đơn khởi kiện Thẩm phán xem xét, đánh giá tính đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ đương sự nộp kèm theo đơn khởi kiện; yêu cầu người khởi kiện nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có).
1.3. Thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại
Việc nhận đơn khởi kiện phải theo đúng thủ tục được quy định tại Điều 167 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 7 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP. Cụ thể:
– Toà án phải có sổ nhận đơn để ghi ngày, tháng, năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện. Ngày khởi kiện được xác định là ngày người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Toà án; hoặc là ngày có dấu bưu điện nơi gửi (trường hợp đương sự gửi đơn đến Toà án qua bưu điện). Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì, thì Toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là “không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện”. Trong trường hợp này, ngày khởi kiện được xác định là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến.
– Việc giao nhận chứng cứ do đương sự nộp hoặc gửi kèm theo đơn khởi kiện được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP).
– Sau khi nhận đơn khởi kiện, Toà án phải cấp giấy báo nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện; nếu Toà án nhận đơn khởi kiện gửi qua bưu điện, thì Toà án gửi giấy báo nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết.
– Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, việc phân công người xem xét đơn khởi kiện được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 11 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
– Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải có một trong các quyết định sau đây:
a) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo quy định tại Điều 171 của BLTTDS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 10 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
b) Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết. Thủ tục chuyển đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP).
c) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 168 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP. Việc trả lại đơn khởi kiện phải được Toà án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp biết; trong đó cần ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 168 của BLTTDS.
Lưu ý: Khoản 1 Điều 168 của BLTTDS đã bỏ căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Vì vậy, Toà án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp trước đây, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại, thì Toà án thụ lý vụ việc và đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí nếu không thuộc diện được miễn theo quy định pháp luật. Trường hợp đã có bản án, quyết định của Toà án bác yêu cầu hoặc đình chỉ vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, thì Toà án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 168 của BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện và giải thích cho họ biết họ có quyền làm đơn đề nghị xem xét vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên.
– Xử lý tình huống phát sinh khi tiếp nhận đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện (ủy quyền khởi kiện; khởi kiện bằng văn bản hoặc bằng miệng; có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài…).
2. Thụ lý vụ án kinh doanh thương mại
2.1. Kiểm tra đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện
2.1.1. Xem xét đơn khởi kiện
– Nội dung và hình thức đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 164 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011):
+ Về nội dung đơn khởi kiện phải thể hiện rõ nội dung tranh chấp và yêu cầu khởi kiện. Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thường phức tạp và liên quan tới nhiều chủ thể nên đơn kiện phải trình bày rõ được quan hệ tranh chấp, quá trình thương lượng, hòa giải, khiếu nại giữa các bên. Yêu cầu khởi kiện phải cụ thể, rõ ràng.
+ Về hình thức đơn khởi kiện: người ký đơn khởi kiện phải là người đại diện hợp pháp của đương sự; Đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức về nguyên tắc phải được đóng dấu của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
– Những điểm đặc thù trong việc xem xét đơn khởi kiện một tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện: Thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP. Cụ thể:
1. Khi nhận đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTDS, thì tuỳ theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Toà án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong một thời hạn do Toà án ấn định, nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày người khởi kiện nhận được văn bản của Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Trong trường hợp đặc biệt, Toà án có thể gia hạn thêm, nhưng không quá mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn do Toà án ấn định nêu trên.
2. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện phải được làm bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện biết để họ thực hiện.
3. Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngày khởi kiện vẫn được xác định là ngày nộp đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện nộp trực tiếp tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi, nếu đơn khởi kiện được gửi qua bưu điện.
4. Sau khi người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án tiếp tục việc thụ lý vụ án theo thủ tục chung quy định tại Điều 171 của BLTTDS. Nếu hết thời hạn do Toà án ấn định mà người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.
5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.
6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ, cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, hướng dẫn tại Điều 5 và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc tìm địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
2.1.2. Xem xét các tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn khởi kiện
– Nhận xét các tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn khởi kiện của hồ sơ tình huống về tính đầy đủ, tính hợp pháp.
– Xác định ý nghĩa của từng loại tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ khởi kiện?
– Những điểm đặc thù của hồ sơ khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại so với các vụ án dân sự khác.
2.2. Xác định các điều kiện thụ lý vụ án kinh doanh, thương mại
2.2.1. Xác định tư cách khởi kiện của người khởi kiện
– Người khởi kiện có tư cách chủ thể khởi kiện không? Xác định năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Lưu ý các đặc thù trong vụ án kinh doanh, thương mại khi đương sự là các tổ chức kinh tế.
– Người khởi kiện có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm không?
– Người khởi kiện có bị mất quyền khởi kiện không? Đối với một số tranh chấp yêu cầu phải thực hiện việc khiếu nại trước khi khởi kiện.
Lưu ý: Khi xem xét về quyền khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại cần lưu ý đối với vụ việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định quyền khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại thì áp dụng quy định tại Điều 161, khoản 3 Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự về quyền khởi kiện; còn đối với vụ việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định quyền khởi kiện thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Sau đây là một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định về quyền khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại:
+ Điểm g khoản 1 Điều 29 (thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền khởi kiện Giám đốc (Tổng giám đốc) tại Toà án khi Giám đốc (Tổng giám đốc) không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại đến lợi ích của thành viên đó); Điều 79 (Yêu cầu huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông) Luật Doanh nghiệp năm 1999; hoặc điểm g khoản 1 Điều 41 (thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền khởi kiện Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc…); Khoản 3 Điều 50 (Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên sở hữu trên 25% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ Công ty quy định…, hoặc trường hợp Công ty có một thành viên sở hữu trên 75% vốn điều lệ…, thì thành viên, nhóm thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên… ; đồng thời, có quyền nhân danh mình hoặc nhân danh Công ty khởi kiện Chủ tịch Hội đồng thành viên về việc không thực hiện đúng nghĩa vụ quản lý, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của họ); Điều 107 (…Cổ đông, Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông…) Luật Doanh nghiệp năm 2005; Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp năm 2005 (Điều 19: Quyền khởi kiện (trách nhiệm dân sự) của Thành viên Công ty TNHH đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) Công ty; Điều 25: Quyền khởi kiện (trách nhiệm dân sự) của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời gian 6 tháng đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) Công ty cổ phần).
+ Điều 259 (Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải: …thương lượng, thoả thuận hoặc khởi kiện tại Trọng tài hoặc Toà án có thẩm quyền), Điều 260 (Giải quyết tranh chấp hàng hải có ít nhất một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài) Bộ luật hàng hải năm 2005.
+ Điểm d Khoản 1 Điều 84: Quyền (khởi kiện công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát hoặc tổ chức liên quan nếu tổ chức này vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình) của nhà đầu tư tham gia vào quỹ đầu tư chứng khoán; Điều 131: Giải quyết tranh chấp (Thông qua Trọng tài hoặc Toà án) Luật chứng khoán năm 2006.
2.2.2. Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại của Tòa án
*Xác định thẩm quyền theo vụ việc:
+ Xác định tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật nào?
+ Xác định tranh chấp phát sinh có phải là loại việc kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định tại Điều 29 BLTTDS?
+ Xác định tranh chấp phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay của Trọng tài thương mại?
*Xác định thẩm quyền theo cấp xét xử:
Tranh chấp phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp nào (Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh) ?
*Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ:
+ Xác định nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu là cá nhân), hoặc có trụ sở (nếu là pháp nhân).
+ Các bên có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể trong hợp đồng không? Thỏa thuận đó có hợp pháp không?.
+ Lưu ý các trường hợp thẩm quyền giải quyết vụ án theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
*Những điểm đặc thù trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại:
– Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải xem xét, xác định vụ án thuộc loại tranh chấp cụ thể nào trong số những loại tranh chấp được quy định tại Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự để áp dụng đúng luật chuyên ngành điều chỉnh loại quan hệ pháp luật đó.
Để xác định việc khởi kiện (yêu cầu khởi kiện) của đương sự có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án kinh doanh, thương mại không cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 29 BLTTDS và hướng dẫn tại điểm b và d khoản 1 Điều 2Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì ngoài nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Toà Kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì “…Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc dân sự mới phát hiện được vụ việc dân sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách khác, thì Toà chuyên trách đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung, nhưng cần ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định theo đúng hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này” (Về việc ghi ký hiệu: Đối với bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm thì ghi ký hiệu: KDTM-ST; ví dụ: Số 20/2013/KDTM-ST; Đối với bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm, thì ghi ký hiệu: KDTM-PT, ví dụ: Số 10/2013/DS-PT. Về việc ghi trích yếu: Cần xác định tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại khoản nào tương ứng của Điều 29 của BLTTDS, để ghi vào phần trích yếu của bản án, quyết định. Trong trường hợp tại khoản tương ứng của Điều 29 của BLTTDS quy định nhóm tranh chấp thì cần ghi cụ thể tranh chấp được giải quyết).
– Để xác định vụ án kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án cấp nào (cấp huyện hay cấp tỉnh) cần phải căn cứ vào điểm b khoản 1 và khoản 3 điều 33 và Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về khoản 3 Điều 33 BLTTDS tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP).
Lưu ý: Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì: “a) Đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS; được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
b) Đối với vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 và điểm b khoản 1 Điều 34 BLTTDS, Toà án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 BLTTDS.
– Để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại của Toà án theo lãnh thổ cần phải căn cứ quy định tại khoản 1 và các điểm d, đ, e, o khoản 2 Điều 35 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
– Để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn cần phải căn cứ quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i khoản 1 Điều 36 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Lưu ý: Khi xem xét các vấn đề về thẩm quyền nêu trên của Toà án, cần lưu ý hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (về quy định tại Điều 35 và khoản 1 Điều 36 của BLTTDS) tại Điều 8 và Điều 9 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP. Cụ thể :
“1. Về nguyên tắc chung thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.
2. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản thì có quyền yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết. Việc thỏa thuận đó không được trái với quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS.
Ví dụ: Trong vụ án, nguyên đơn A cư trú tại huyện M của tỉnh N và bị đơn B cư trú tại huyện X của tỉnh Y. Theo nguyên tắc Tòa án huyện X tỉnh Y nơi bị đơn B cư trú có thẩm quyền. Nếu các bên thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn A cư trú thì phải bảo đảm thẩm quyền của cấp Tòa án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện thì thỏa thuận chỉ được chấp nhận khi các đương sự thỏa thuận Tòa án huyện M của tỉnh N giải quyết. Nếu các đương sự thỏa thuận Tòa án tỉnh N giải quyết thì thỏa thuận đó không được chấp nhận.
……
5. Việc xác định nơi cư trú, làm việc, nơi có trụ sở quy định tại Điều 35 của BLTTDS được xác định tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự” (Điều 8 Nghị quyết).
“1. Khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, thì ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS về thẩm quyền của các cấp Tòa án, cần phân biệt như sau:
a) Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự phải có điều kiện, thì Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khi điều kiện đó xảy ra.
Ví dụ: Điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy định: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Như vậy, chỉ trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn mới có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
b) Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không cần bất cứ điều kiện nào, thì Tòa án chấp nhận yêu cầu đó…trong trường hợp này việc yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự không đòi hỏi phải có bất kỳ điều kiện nào, nên nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
2. Trong trường hợp nguyên đơn, người yêu cầu được quyền lựa chọn nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự (ví dụ: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS), thì khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án phải giải thích cho họ biết là chỉ có một Tòa án trong các Tòa án được Điều luật quy định mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự để họ lựa chọn. Cho nên người khởi kiện, người yêu cầu phải cam kết trong đơn khởi kiện hoặc trong đơn yêu cầu là không khởi kiện hoặc không yêu cầu tại các Tòa án khác.
Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu nộp đơn khởi kiện, nộp đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau được Điều luật quy định, thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Các Tòa án khác, nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; nếu đã thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 và điểm i khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, xoá tên vụ việc dân sự đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự.
Nếu đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án căn cứ vào khoản 3 Điều 193 của BLTTDS trả lại tiền tạm ứng án phí cho người đã nộp”.
– Khi xét thấy vụ án đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp, thì Tòa án đã thụ lý vụ án ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Trong trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án không phải trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự mà tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Quyết định chuyển hồ sơ vụ án do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ký tên và đóng dấu của Tòa án. Quyết định này phải được gửi ngay cho đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tòa án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ án và hồ sơ vụ án phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ án đó theo quy định chung.
2.2.3. Xác định thời hiệu khởi kiện
Để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại đã hết hay chưa, thì Toà án phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ pháp luật cụ thể đó. Trường hợp pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại thì việc xác định thời hiệu khởi kiện phải căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại các Điều 23 và 24 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP (Về thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 159 của BLTTDS). Cụ thể :
“1. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.
Ví dụ 1: Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp…
3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), thì giải quyết như sau:
a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.
Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm.
b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện…
4. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Điều 111 Luật Đường sắt quy định “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại”.
5. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
a) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm.
b) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra xâm phạm.
c) Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này.
d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày bị xâm phạm…
e) Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng.
g) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 5 Điều này nếu các bên có thoả thuận khác về thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được xác định theo thoả thuận của các bên.
6. Theo quy định tại Điều 160 của BLTTDS thì các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự; do đó, việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện,… được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005”.
Sau đây là một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại:
+ Điều 242 Luật thương mại năm 1997 (2 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền khiếu nại) hoặc Điều 319 Luật thương mại năm 2005 (2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 Luật này (Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics).
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 241 Luật thương mại năm 1997, nếu đương sự không khiếu nại trong thời hạn do pháp luật quy định hoặc do các bên thoả thuận trong hợp đồng thì bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện; nhưng Điều 318 Luật thương mại năm 2005 không còn quy định này; theo quy định tại Điều 242 Luật thương mại năm 1997 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm phát sinh quyền khiếu nại, còn theo quy định tại Điều 319 Luật thương mại năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm;
+ Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 1999 hoặc Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005 (90 ngày, kể từ ngày (quyết định được thông qua – Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 1999) hoặc kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông… – Điều 107 Luật Doanh nghiệp năm 2005);
+ Điều 97: Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hoá (01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng…), Điều 118: Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến (02 năm, kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm), Điều 137: Thời hiệu khởi kiện về vận chuyển hành khách và hành lý (02 năm, tính từ ngày hành khách rời tàu hoặc lẽ ra hành khách rời tàu…), Điều 142: Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng thuê tàu (02 năm, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng), Điều 164: Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển (02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp), Điều 168: Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng môi giới hàng hải (02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp), Điều 183: Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển (02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp), Điều 195: Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải (02 năm, kể từ ngày kết thúc hành động cứu hộ), Điều 211: Thời hiệu khởi kiện về tai nạn đâm va (02 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn), thời hiệu khởi kiện về đòi hoàn trả số tiền quá mức quy định… là 01 năm, kể từ ngày trả tiền bồi thường); Điều 218: Thời hiệu khởi kiện về tổn thất chung (02 năm, kể từ ngày xẩy ra tổn thất chung); Điều 257: Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải (02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp) Bộ luật hàng hải năm 2005.
– Xác định vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa.
– Vụ việc đã được giải quyết bởi Trọng tài thương mại.
2.2.4. Xác định mức tạm ứng án phí
– Xác định mức tạm ứng án phí theo các yêu cầu trong đơn khởi kiện.
– Cách xác định mức tạm ứng án phí vụ án kinh doanh, thương mại.
– Thông báo nộp tạm ứng án phí.
+ Khi dự tính số tiền tạm ứng án phí kinh doanh, thương mại (khoản 2 Điều 171 BLTTDS), Toà án cần phải thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án về mức tạm ứng án phí phải nộp.
+ Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 10 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, trong Giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí Tòa án phải ấn định cho người khởi kiện trong thời hạn bảy ngày, sau khi hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này người khởi kiện mới nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, thì giải quyết như sau:
a) Trường hợp chưa trả lại đơn khởi kiện, thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án;
b) Trường hợp đã trả lại đơn khởi kiện mà người khởi kiện chứng minh được là họ đã nộp tiền tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định, nhưng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên họ nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Toà án không đúng hạn, thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
c) Trường hợp sau khi Toà án trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Toà án, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì được coi là nộp đơn khởi kiện lại, Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý lại vụ án theo thủ tục chung.
Hết thời hạn trên mà người khởi kiện không nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, thì Toà án thông báo cho họ biết về việc không thụ lý vụ án với lý do là họ không nộp tiền tạm ứng án phí.
2.2.5. Thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại
– Các đối tượng cần thông báo thụ lý vụ án.
– Thủ tục thông báo thụ lý vụ án.
– Xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình quá trình thụ lý vụ án.
Thông báo về việc thụ lý vụ án thực hiện theo đúng quy định tại Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự.
Lưu ý về việc niêm yết công khai văn bản tố tụng:
+ Chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp (khoản 1 Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự);
+ Niêm yết bản chính tại trụ sở Toà án, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo; Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo (điểm a+b khoản 2 Điều 154 BLTTDS).
II. KỸ NĂNG XÂY DỰNG HỒ SƠ VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1. Kiểm tra hồ sơ khởi kiện (đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện)
– Kiểm tra đơn khởi kiện và các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn khởi kiện. Phát hiện những sai sót trong giai đoạn thụ lý và hướng khắc phục.
– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp.
– Ý nghĩa của việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong việc xây dựng hồ sơ vụ án.
– Phương pháp xác định quan hệ pháp luật tranh chấp (Căn cứ đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện và quy định tại điều 29 BLTTDS).
2. Xây dựng hồ sơ vụ án
2.1. Xác định các tài liệu, chứng cứ làm rõ vấn đề về tố tụng và các tài liệu, chứng cứ giải quyết nội dung vụ án
2.1.1. Các tài liệu để xác định các vấn đề về tố tụng
+ Tư cách đương sự và người tham gia tố tụng: Các tài liệu để chứng minh tư cách chủ thể của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
+ Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án: Các tài liệu để xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên? Những giấy tờ, tài liệu nhằm xác nhận căn cứ pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ mà các bên đang tranh chấp như hợp đồng, phụ lục hợp đồng, biên bản thanh lý; tài liệu xác định địa chỉ của bị đơn?
+ Xác định thời hiệu khởi kiện: Tài liệu, chứng cứ nào xác định thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ, nội dung cụ thể?
+ Nêu những đặc thù về chứng cứ trong vụ án kinh doanh, thương mại để xác định các vấn đề tố tụng?
+ Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định các vấn đề tố tụng đã đầy đủ chưa? Có phải yêu cầu đương sự xuất trình bổ sung không?
2.1.2. Chứng cứ để giải quyết vụ án về mặt nội dung
– Xác định yêu cầu của đương sự.
+ Nguyên đơn: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn căn cứ vào nội dung đơn khởi kiện và yêu cầu bổ sung (nếu có).
+ Bị đơn: Yêu cầu của bị đơn căn cứ vào đơn phản tố (nếu có) hoặc ý kiến phản bác.
+ Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có): Yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan căn cứ vào yêu cầu độc lập của họ.
– Xác định các vấn đề cần chứng minh, nghĩa vụ chứng minh của đương sự và các chứng cứ để chứng minh.
– Xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ tranh chấp.
+ Đối với nguyên đơn: Những vấn đề nguyên đơn phải chứng minh; Chứng cứ mà nguyên đ�n xuất trình để chứng minh cho những yêu cầu của mình; Chứng cứ nguyên đơn cung cấp có ý nghĩa cho việc chứng minh (giá trị của chứng cứ); Theo hồ sơ vụ án, chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp đã đầy đủ chưa?
+ Đối với bị đơn: Những vấn đề bị đơn phải chứng minh; Những tài liệu, chứng cứ bị đơn đã xuất trình được; Những chứng cứ bị đơn cung cấp có ý nghĩa cho việc chứng minh theo yêu cầu của mình; Theo hồ sơ vụ án, chứng cứ mà bị đơn cung cấp đã đầy đủ chưa?
+ Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có): Tương tự như đối với nguyên đơn và bị đơn.
2.2. Hướng dẫn đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ để thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình
Theo hồ sơ vụ án, xác định các tài liệu, chứng cứ cần thu thập bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để từ đó, yêu cầu đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ?
2.3. Các hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán
Các hoạt động thu thập chứng cứ mà Tòa án cần tiến hành. Trên cơ sở các vấn đề cần chứng minh và các chứng cứ chứng minh mà các bên đương sự đã nộp cho Tòa án, Thẩm phán cần xác định các chứng cứ cần thu thập bổ sung để làm rõ các vấn đề có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án mà đương sự không thể cung cấp và yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập. Gồm có các kỹ năng sau:
+ Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất;
+ Xem xét, thẩm định tại chỗ;
+ Trưng cầu giám định;
+ Định giá tài sản;
+ Ủy thác thu thập chứng cứ;
+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ
Thẩm phán phải tiến hành một số biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ nếu thấy đương sự đã cung cấp và bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án (Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Chỉ khi đương sự có yêu cầu (yêu cầu này có thể được thể hiện bằng văn bản riêng, có thể ghi trong bản khai, ghi trong biên bản ghi lời khai, biên bản đối chất và nếu đương sự trực tiếp đến Toà án yêu cầu thì lập biên bản ghi rõ yêu cầu của đương sự), Thẩm phán tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ sau:
– Ghi lời khai của đương sự trong trường hợp đương sự không thể tự viết được; lấy lời khai của người làm chứng (khi xét thấy cần thiết, có thể bảo đảm cho việc giải quyết được toàn diện, chính xác, công minh, đúng pháp luật); tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau (khi xét thấy có mâu thuẫn trong các lời khai – Điều 86 và Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự);
– Thủ tục lấy lời khai phải tuân theo đúng các quy định tại Điều 86, Điều 87 và Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại các Điều 6,7,8 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
Lưu ý: Việc lấy lời khai của đương sự phải do Thẩm phán tiến hành; Thư ký Toà án chỉ có thể giúp Thẩm phán ghi lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Toà án. Trong trường hợp đương sự không thể đến Toà án được vì những lý do khách quan, chính đáng (đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, ốm đau, bệnh tật…) thì Thẩm phán có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Toà án. Khi lấy lời khai của đương sự cần lưu ý hỏi lại, làm sáng tỏ những nội dung chưa rõ ràng, hoặc có sự mâu thuẩn, dùng chứng cứ vật chất để đối chứng (ví dụ như sổ ghi chép, nội dung hợp đồng…).
– Thu thập chứng cứ do cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không tự mình thu thập được. Thẩm phán có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp chứng cứ tài liệu theo quy định tại Điều 94 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại điều 12 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
– Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung, giám định lại nếu có sự thoả thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, hoặc trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo. Thẩm phán cần giải thích cho đương sự biết về nghĩa vụ nộp tiền chi phí tương ứng (chi phí giám định, tiền tạm ứng chi phí định giá…). Thẩm phán chỉ quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung, giám định lại khi đương sự đã nộp tiền tạm ứng chi phí tương ứng, nếu thuộc trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng chi phí tương ứng.
+ Thẩm phán căn cứ vào Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại điều 10 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP, Luật giám định tư pháp để ra quyết định trưng cầu giám định.
+ Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Thẩm phán ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp nếu một hoặc các bên đương sự yêu cầu, hoặc có căn cứ cho thấy các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí.
+ Thẩm phán xem xét tài sản định giá là loại tài sản nào, có liên quan đến cơ quan chuyên môn nào, Hội đồng định giá cần phải có bao nhiêu thành viên và trong trường hợp cụ thể cần cử đại diện cơ quan nào làm Chủ tịch Hội đồng định giá. Thẩm phán gửi công văn cho các cơ quan chuyên môn đề nghị cử cán bộ làm Chủ tịch và uỷ viên Hội đồng định giá, nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với Chủ tịch, uỷ viên Hội đồng định giá và thời hạn cơ quan chuyên môn có công văn trả lời.
+ Sau khi nhận được công văn trả lời, Thẩm phán kiểm tra những người được cử có đáp ứng yêu cầu không, có ai trong số họ là người thân thích với đương sự trong vụ án không, nếu có thì đề nghị cơ quan chuyên môn cử người khác thay thế.
+ Thẩm phán cần cử một thư ký Toà án để giúp việc cho Hội đồng định giá ghi biên bản về việc tiến hành định giá.
– Thẩm phán tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ nếu thấy cần thiết. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản theo quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
+ Khi đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy việc xem xét, thẩm định tại chỗ là cần thiết cho việc giải quyết đúng vụ án, thì Thẩm phán ra quyết định tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ.
+ Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ phải được gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định kèm theo văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức cử đại diện tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Vào ngày, giờ đã định trong quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ, nếu chưa có đại diện của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức, thì Thẩm phán phải liên hệ để họ có mặt. Trong trường hợp vắng mặt đại diện của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức, thì Thẩm phán hoãn việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
+ Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ phải được giao hoặc gửi cho đương sự để họ biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Tuy nhiên, nếu có đương sự vắng mặt thì việc xem xét, thẩm định tại chỗ vẫn được tiến hành theo thủ tục chung.
+ Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Toà án ghi biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ. Biên bản phải làm đúng quy định tại khoản 2 Điều 89 của BLTTDS.
– Việc uỷ thác thu thập chứng cứ phải thực hiện đúng Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại điều 11 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
1. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu ủy thác thu thập chứng cứ, thì Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự lập hồ sơ ủy thác thu thập chứng cứ và gửi tới Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được ủy thác thu thập chứng cứ. Căn cứ nội dung yêu cầu thực hiện ủy thác, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được ủy thác xem xét, quyết định thực hiện yêu cầu ủy thác.
2. Hồ sơ ủy thác thu thập chứng cứ phải có các văn bản sau đây:
a) Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 93 của BLTTDS và theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị quyết này;
b) Bản sao các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có). Bản sao các tài liệu, chứng cứ phải có chữ ký xác nhận của Thẩm phán và đóng dấu Tòa án.
3. Thủ tục ủy thác thu thập chứng cứ và thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ được thực hiện như sau:
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác thu thập chứng cứ, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được ủy thác thu thập chứng cứ phải vào sổ thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ và tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ đó theo quy định của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
Trong quá trình thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ mà có nội dung yêu cầu thu thập chứng cứ chưa rõ, thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được ủy thác thu thập chứng cứ gửi văn bản yêu cầu Tòa án ủy thác thu thập chứng cứ bổ sung hoặc làm rõ nội dung đó. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được ủy thác thu thập chứng cứ, Tòa án ủy thác thu thập chứng cứ phải gửi văn bản bổ sung, làm rõ yêu cầu ủy thác thu thập chứng cứ.
Trường hợp Tòa án ủy thác thu thập chứng cứ không trả lời và xét thấy những nội dung yêu cầu không được làm rõ hay bổ sung cho nên việc thực hiện ủy thác sẽ không thực hiện được, thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được ủy thác thu thập chứng cứ gửi trả lại hồ sơ ủy thác thu thập chứng cứ cho Tòa án ủy thác và nêu rõ lý do không thực hiện được việc ủy thác đó.
4. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong ủy thác thu thập chứng cứ, hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 93 BLTTDS, Tòa án, cơ quan thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ gửi kết quả thực hiện ủy thác cho Tòa án ủy thác thu thập chứng cứ.
5. Trường hợp ủy thác việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì Tòa án thực hiện việc ủy thác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15-9-2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp và các quy định pháp luật có liên quan.
III. KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1. Xác định các vấn đề cần nghiên cứu theo hồ sơ vụ án
1.1. Những vấn đề về tố tụng
– Xác định tư cách pháp nhân; tư cách đương sự: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có). Đặc biệt lưu ý người đại diện của nguyên đơn và bị đơn, người được ủy quyền.
– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp.
– Thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
– Xác định thời hiệu khởi kiện. Lưu ý thời hiệu theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận khác (nếu có).
– Nhận xét các tài liệu đương sự cung cấp.
– Các hoạt động tố tụng cần tiến hành và cách thức thực hiện. Trường hợp tài liệu Tòa án cần thiết phải thu thập như: đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm cung cấp tài liệu, chứng cứ; trường hợp phải tiến hành trưng cầu giám định; xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản; ủy thác thu thập chứng cứ…
– Xác định những văn bản tố tụng đã được áp dụng và những văn bản cần phải bổ sung.
– Các quyết định tố tụng cần phải áp dụng (quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; quyết định đưa vụ án ra xét xử…).
1.2. Những vấn đề về nội dung
– Xác định yêu cầu của các đương sự;
– Nội dung tài liệu, chứng cứ chứng minh của các đương sự;
– Xác định lỗi của các đương sự;
– Xác định thiệt hại, chứng cứ chứng minh thiệt hại;
– Căn cứ ra quyết định theo nội dung vụ án;
– Kỹ thuật soạn thảo các quyết định;
– Hậu quả pháp lý của quyết định đối với quá trình giải quyết vụ án.
2. Thẩm phán tiến hành xác định chứng cứ theo đúng hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP
1. Theo quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì một trong những điều kiện của chứng cứ là phải được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định; do đó, việc giao nộp chứng cứ và việc thu thập chứng cứ phải thực hiện theo đúng quy định tại các điều luật tương ứng của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Để được coi là chứng cứ quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng cứ cụ thể như sau:
a) Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao.
b) Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.
c) Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc dân sự; nếu không phải là hiện vật gốc hoặc không liên quan đến vụ việc thì không phải là chứng cứ trong vụ việc dân sự đó.
d) Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình và được xuất trình theo đúng thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 83 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên toà.
đ) Kết luận giám định, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục quy định của Luật Giám định tư pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết này.
e) Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, nếu việc thẩm định tại chỗ được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại Điều 89 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 9 của Nghị quyết này.
g) Tập quán, nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận.
Cộng đồng là tập thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội tại nơi có tập quán.
Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng.
Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại;
Tập quán thương mại quốc tế là thông lệ, cách làm lặp đi, lặp lại nhiều lần trong buôn bán quốc tế và được các tổ chức quốc tế có liên quan thừa nhận;
Chỉ chấp nhận tập quán không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đối với những vấn đề mà đương sự viện dẫn tập quán nhưng đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định, thì Toà án phải áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết mà không áp dụng tập quán.
h) Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản nếu việc định giá tài sản được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại Điều 92 của BLTTDS.
3. Đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trong trường hợp đương sự chưa dịch chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp, thì Toà án không nhận chứng cứ đó. Toà án giải thích cho đương sự biết là họ phải tiến hành việc dịch chứng cứ sang tiếng Việt và làm thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xác minh, thu thập từ nhiều nguồn: Do các đương sự (Nguyên đơn, Bị đơn, Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) cung cấp; do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp hoặc do Toà án xác minh, thu thập theo thủ tục do pháp luật quy định. Ngoài ra, còn có các tài liệu là các văn bản tố tụng của Toà án. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác phải nghiên cứu tất cả các tài liệu này. Mỗi một loại tài liệu, chứng cứ nói trên đều có nội dung và giá trị pháp lý nhất định đối với việc giải quyết vụ án. Vì vậy, đòi hỏi Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác phải xác định được những vấn đề cần nghiên cứu, phải nắm vững được nội dung và giá trị pháp lý của từng tài liệu, chứng cứ.
– Các tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn
Theo quy định tại Điều 58, Điều 59 và Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự thì kèm theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đây là các tài liệu, chứng cứ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ án. Vì vậy, việc nghiên cứu phải được chú trọng ngay từ đầu khi tiếp cận hồ sơ vụ án.
– Các tài liệu, chứng cứ của bị đơn
Theo quy định tại Điều 58 và Điều 60 Bộ luật tố tụng dân sự thì bị đơn có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các tài liệu, chứng cứ của bị đơn có vai trò rất lớn trong việc giải quyết vụ án, là một trong các căn cứ quan trọng để Toà án xem xét và ra phán quyết về việc giải quyết vụ án.
– Các tài liệu, chứng cứ của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Đối với các vụ án kinh doanh, thương mại có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng thì việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do họ cung cấp cũng có ý nghĩa không kém phần quan trọng đối với việc giải quyết vụ án. Theo quy định tại Điều 58 và Điều 61 Bộ luật tố tụng dân sự thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thông qua việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cung cấp, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác nắm vững hơn nội dung vụ việc đang được giải quyết, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cần phải được giải quyết trong vụ án.
– Các tài liệu, chứng cứ do cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc do Toà án xác minh, thu thập theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Toà án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Đây là những tài liệu, chứng cứ có vai trò không kém phần quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Các tài liệu, chứng cứ do cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân cung cấp giúp cho Toà án có đủ tài liệu, chứng cứ cần thiết và có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật.
Các tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập theo quy định của pháp luật nhằm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ vụ án và làm sáng tỏ thêm các tình tiết còn có những vấn đề chưa được rõ ràng hoặc có sự mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Ngoài các tài liệu, chứng cứ nêu trên, trong hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại có thể còn có một số loại tài liệu, chứng cứ khác như tài liệu giám định, định giá, tài liệu dịch thuật… Các tài liệu, chứng cứ loại này cũng góp phần không nhỏ vào việc giải quyết vụ án.
Việc nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các loại tài liệu, chứng cứ nêu trên sẽ giúp cho Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác giải quyết vụ án được đúng pháp luật.
Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại được thể hiện ở khả năng (của Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác) nghiên cứu, xem xét, phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; xác định đúng, chính xác nội dung và những vấn đề cần phải giải quyết của vụ án, những tình tiết đã được chứng minh, những chứng cứ, căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án…
Như đã nêu trên, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại được xác minh, thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và nội dung của mỗi một loại tài liệu, chứng cứ nói trên đều có ý nghĩa và giá trị pháp lý nhất định đối với việc giải quyết vụ án. Vì vậy, để nắm vững được nội dung và giá trị pháp lý của từng tài liệu, chứng cứ đựơc dùng làm căn cứ giải quyết vụ án, đòi hỏi Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác phải xác định được những vấn đề cần phải giải quyết của vụ án. Muốn vậy, họ phải xác định được loại tài liệu, chứng cứ nào cần phải tập trung nghiên cứu và phải nghiên cứu tài liệu, chứng cứ nào trước, tài liệu, chứng cứ nào sau; cách thức nghiên cứu như thế nào, những vấn đề rút ra từ các tài liệu đó…
Nghiên cứu hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
– Nghiên cứu hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được bắt đầu từ việc nghiên cứu đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ khác do nguyên đơn cung cấp cho Toà án; ví dụ như đối với vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng thì các tài liệu cần tập trung nghiên cứu gồm: hợp đồng; phụ lục hợp đồng (nếu có); các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hợp đồng, phụ lục hợp đồng và quá trình thực hiện hợp đồng…; tài liệu hoà giải, giải quyết tranh chấp trước khi khởi kiện ra Toà án (nếu có); lời trình bày của nguyên đơn…
– Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác cần chú ý xem xét kỹ và phải xác định được những vấn đề cơ bản sau:
+ Đơn khởi kiện có được làm trong thời hiệu khởi kiện, đúng thủ tục và có đầy đủ các nội dung chính phải có theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không?
+ Quan hệ pháp luật tranh chấp (đó là loại tranh chấp hay yêu cầu về kinh doanh, thương mại nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án được quy định tại Điều 29 và Điều 30 BLTTDS)?
+ Tư cách nguyên đơn? Bị đơn? Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan?
+ Việc khởi kiện có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án không? (Thẩm quyền về loại việc; Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ; vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án hay của Cơ quan Trọng tài thương mại);
+ Yêu cầu của người khởi kiện? Căn cứ đưa ra các yêu cầu?
Các yêu cầu khởi kiện và căn cứ đưa ra các yêu cầu này của nguyên đơn thường được đề cập trong đơn khởi kiện, trong các lời trình bày bằng văn bản hoặc tại phiên toà. Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác phải nghiên cứu kỹ, nắm vững nội dung các yêu cầu và các căn cứ đưa ra các yêu cầu đó vì đây là những căn cứ để giải quyết vụ án được đúng pháp luật.
+ Nội dung và giá trị pháp lý đối với việc giải quyết vụ án của các tài liệu, chứng cứ của phía nguyên đơn (bao gồm các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp và các tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập theo yêu cầu của nguyên đơn).
– Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của phía nguyên đơn thì chuyển sang nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp cho Toà án. Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của bị đơn, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác cần chú ý xem xét kỹ và phải xác định được những vấn đề cơ bản sau:
+ Quan điểm của bị đơn đối với các yêu cầu của nguyên đơn cũng như của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án (nếu có)?;
+ Yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có)? Căn cứ đưa ra các yêu cầu phản tố?
+ Nội dung và giá trị pháp lý đối với việc giải quyết vụ án của các tài liệu, chứng cứ của bị đơn (bao gồm các tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp và các tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập theo yêu cầu của bị đơn).
– Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp. Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác cần chú ý xem xét kỹ và phải xác định được những vấn đề cơ bản sau:
+ Quan điểm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với các yêu cầu của phía nguyên đơn và của bị đơn?
+ Yêu cầu phản tố của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)? Căn cứ đưa ra các yêu cầu phản tố?
+ Nội dung và giá trị pháp lý đối với việc giải quyết vụ án của các tài liệu, chứng cứ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bao gồm các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp và các tài liệu, chứng cứ do Toà án xác minh, thu thập theo yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).
– Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc do Toà án xác minh, thu thập theo quy định của pháp luật.
Đối với các tài liệu, chứng cứ thuộc loại này, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác có thể kết hợp nghiên cứu đồng thời với việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn, của bị đơn hoặc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của từng tài liệu, chứng cứ.
Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các vấn đề cơ bản nêu trên, Thẩm phán cũng như những người tiến hành tố tụng khác phải đưa ra được kết luận bước đầu về:
+ Có hay không trường hợp phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án được quy định tại Điều 189 hoặc 192 Bộ luật tố tụng dân sự?
+ Có phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không?
+ Đã có đủ các điều kiện để đưa vụ án ra xét xử hay chưa?
+ Căn cứ xác định sự thật khách quan của vụ việc;
+ Căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án…
IV. KỸ NĂNG HÒA GIẢI VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
Thẩm phán phải tiến hành hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.
– Những vụ án không được hòa giải (Điều 181 BLTTDS) gồm:
+ Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;
+ Những vụ án kinh doanh, thương mại phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
Lưu ý: Theo hướng dẫn tại Điều 15 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP thì khi thi hành quy định tại khoản 1 Điều 181 của BLTTDS cần phân biệt:
a) Trường hợp tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Toà án không được hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
b) Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Toà án tiến hành hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
2. Toà án không được hoà giải vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) hoặc trái đạo đức xã hội, nếu việc hoà giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch đó. Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đó.
– Những vụ án kinh doanh, thương mại không tiến hành hoà giải được (khoản 1+2 Điều 182 BLTTDS):
+ Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
+ Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.
Lưu ý: Trong trường hợp bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố t́nh vắng mặt, th́ Toà án lập biên bản về việc không tiến hành hoà giải được do bị đơn vắng mặt và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Trong trường hợp tại phiên toà bị đơn có yêu cầu Toà án hoãn phiên toà để tiến hành hoà giải, thì Toà án không chấp nhận, nhưng cần tạo điều kiện cho các bên thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (xem Điều 16 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP).
– Thành phần phiên hòa giải
1. Toà án phải triệu tập tất cả những người có liên quan đến việc giải quyết vụ án quy định tại khoản 3 Điều 64 và Điều 184 của BLTTDS tham dự phiên hoà giải.
2. Nếu việc hoà giải vụ án có liên quan đến tất cả các đương sự trong vụ án mà có đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải để mở lại phiên hoà giải khác có mặt tất cả các đương sự. Thẩm phán thông báo hoãn phiên hòa giải theo Mẫu số 06b ban hành kèm theo Nghị quyết này.
3. Nếu trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật mà quan hệ pháp luật này liên quan đến đương sự này, quan hệ pháp luật kia liên quan đến đương sự khác và việc giải quyết quan hệ pháp luật đó chỉ liên quan đến các đương sự có mặt, không liên quan đến các đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán tiến hành hoà giải những vấn đề có liên quan đến các đương sự có mặt.
Trường hợp nêu trên mà các đương sự có mặt thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì thoả thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thoả thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt, thì thoả thuận này chỉ có giá trị nếu đương sự vắng mặt tại phiên hoà giải đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp trước khi tiến hành hòa giải đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản nhưng sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, thì Tòa án phải lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải về thỏa thuận của các đương sự tại phiên hòa giải. Thủ tục và thời hạn lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự đồng ý với kết quả hoà giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.
(Xem Điều 17 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP)
– Nội dung hòa giải vu án kinh doanh, thương mại
1. Toà án xem xét các yêu cầu cụ thể của đương sự trong vụ án phải giải quyết để tiến hành hoà giải từng yêu cầu theo thứ tự hợp lý.
2. Khi tiến hành hoà giải, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 184 của BLTTDS, tùy theo các quan hệ pháp luật Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình mà tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành cho các đương sự biết (như mối quan hệ giữa các đương sự, việc chịu án phí,…). Thẩm phán không được nói trước với các đương sự ai sai, ai đúng ở chỗ nào hoặc nếu các đương sự không thoả thuận được, thì hướng xét xử của Toà án như thế nào.
(Xem Điều 18 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP)
– Trình tự hòa giải vụ án kinh doanh, thương mại
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án tiến hành việc hòa giải theo trình tự như sau:
1. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải khai mạc phiên hòa giải như sau: “Hôm nay, ngày, tháng, năm, Toà án nhân dân… tiến hành tổ chức hòa giải vụ án về…, tôi tuyên bố khai mạc phiên hòa giải”.
2. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác tham gia phiên hòa giải (nếu có).
3. Thư ký Toà án báo cáo với Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và lý do vắng mặt. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải kiểm tra lại sự có mặt và kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án (quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 184 của BLTTDS).
4. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải phải phổ biến đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại điều luật tương ứng của BLTTDS.
Ví dụ: Đối với nguyên đơn phải giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 58 và Điều 59 của BLTTDS,… Đối với người phiên dịch, Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên, thì yêu cầu họ cam đoan khai báo trung thực.
7. Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải theo nội dung hoà giải quy định tại Điều 185 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 18 của Nghị quyết này.
8. Phiên hòa giải phải được ghi biên bản theo quy định tại Điều 186 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 20 của Nghị quyết này, trước khi kết thúc phiên hòa giải Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải xem xét (lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành…) về việc giải quyết vụ án tại phiên hòa giải.
(Xem Điều 19 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP)
– Biên bản hòa giải vụ án kinh doanh, thương mại
1. Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 186, có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người quy định tại khoản 2 Điều 186 của BLTTDS và theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án, thì Thẩm phán hoặc Thư ký Toà án lập biên bản hoà giải thành. Biên bản hoà giải thành phải ghi cụ thể nội dung thoả thuận của các đương sự theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải ký tên và đóng dấu của Toà án vào biên bản. Các đương sự tham gia phiên hoà giải phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản hoà giải thành. Biên bản hoà giải thành phải được gửi ngay cho các đương sự tham gia hoà giải.
Đối với các đương sự vắng mặt mà việc hoà giải thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của BLTTDS, thì Toà án phải gửi ngay biên bản hoà giải thành cho các đương sự vắng mặt.
3. Trong biên bản hoà giải thành cần ghi: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải, nếu đương sự nào có thay đổi ý kiến về sự thoả thuận, thì phải làm thành văn bản gửi cho Toà án”. Trong trường hợp đương sự trực tiếp đến Toà án xin thay đổi thoả thuận, thì Thẩm phán phải lập biên bản ghi ý kiến thay đổi thoả thuận của họ. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự và lưu vào hồ sơ vụ án. Việc thay đổi ý kiến về sự thoả thuận này phải được Toà án thông báo cho các đương sự khác có liên quan đến thoả thuận đó.
(Xem Điều 20 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP)
– Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
1. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó, thì về nguyên tắc chung Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Nếu vì trở ngại khách quan mà Thẩm phán không ra quyết định được, thì Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán khác ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (các quan hệ pháp luật, các yêu cầu của các đương sự trong vụ án) và cả về án phí. Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nhưng không thoả thuận được với nhau về trách nhiệm phải chịu án phí hoặc mức án phí, thì Toà án không công nhận sự thoả thuận của các đương sự mà tiến hành mở phiên toà để xét xử vụ án.
3. Trong trường hợp các đương sự chỉ thoả thuận được với nhau về việc giải quyết một phần vụ án, còn phần khác không thoả thuận được, thì Toà án ghi những vấn đề mà các đương sự thoả thuận được và những vấn đề không thoả thuận được vào biên bản hoà giải theo quy định tại khoản 1 Điều 186 của BLTTDS và tiến hành ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.
(Xem Điều 21 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP)
V. KỸ NĂNG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1. Kỹ năng giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tại Tòa án cấp sơ thẩm1.1. Thủ tục hỏi tại phiên tòa
– Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Điều 34 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP thì:
1. Trước khi chuyển sang phần hỏi, Hội đồng xét xử cần giải thích cho các đương sự biết nội dung quy định tại Điều 220 của BLTTDS, hỏi họ có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không; nếu có thì hỏi họ có hoàn toàn tự nguyện hay không, có bị ép buộc hay không và xem xét thoả thuận đó có trái pháp luật, đạo đức xã hội hay không và cho họ biết hậu quả của việc Toà án ra quyết định công nhận thoả thuận đó, thì các đương sự không được kháng cáo, Viện kiểm sát không được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; quyết định của Toà án công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật.
2. Sự thoả thuận của các đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà. Theo quy định tại Điều 210 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử thảo luận và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án tại phòng xử án.
1.2. Hỏi các đương sự về yêu cầu của họ
– Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại các Điều 32 và 33 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP thì Hội đồng xét xử phải hỏi các đương sự về các yêu cầu (khởi kiện, phản tố) của họ; có ai rút yêu cầu, thay đổi, bổ sung yêu cầu (khởi kiện, phản tố) không?
– Trường hợp tại phiên toà có đương sự rút yêu cầu, thì tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:
1. Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 219 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử:
a) Ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 của BLTTDS.
b) Công bố việc thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự. Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình trở thành nguyên đơn; nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu của mình trở thành bị đơn.
2. Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 219 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử:
a) Ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, của bị đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 của BLTTDS.
b) Công bố công khai tại phiên toà việc thay đổi địa vị tố tụng tùy theo mối quan hệ giữa các đương sự liên quan đến yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3. Việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà và phải được ghi trong bản án.
4. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
5. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà. Trong trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu thay đổi, bổ sung của đương sự, thì phải ghi trong bản án.
6. Trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu trước và tại phiên tòa, thì Tòa án ghi vào phần nhận định và quyết định trong bản án, quyết định về việc rút yêu cầu đó của đương sự.
1.3. Nghe lời trình bày của các đương sự
Chủ toạ phiên tòa hỏi nguyên đơn trước, sau đó là bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập về việc có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (đối với nguyên đơn), yêu cầu phản tố (đối với bị đơn), yêu cầu độc lập (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) hay không.
Nghe lời trình bày của các đương sự về các yêu cầu của họ theo trình tự quy định tại các Điều 221, 223, 224, 225, 226 Bộ luật tố tụng dân sự.
Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án, nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình hoặc có thể cùng với các đương sự đến xem tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà được trong các trường hợp quy định tại các Điều 227, 228, 229 Bộ luật tố tụng dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự.
Chủ toạ phiên toà yêu cầu người giám định trình bày kết luận về vấn đề được giao giám định. Trong trường hợp người giám định không có mặt tại phiên toà thì Chủ toạ phiên toà công bố kết luận giám định.
Chủ toạ phiên toà hỏi người làm chứng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng dân sự.
Kết thúc việc hỏi tại phiên toà nếu thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ, sau khi Chủ toạ phiên toà hỏi Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác mà họ không có yêu cầu hỏi gì thêm. Nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì Chủ toạ tiếp tục việc hỏi.
1.4. Hỏi từng đương sự, từng vấn đề
Chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và những người tham gia tố tụng khác; trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự.
Trường hợp có nhiều nguyên đơn thì hỏi riêng từng nguyên đơn; chỉ hỏi những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc nguyên đơn trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai trước đó.
1.5. Tranh luận tại phiên tòa
Chủ tọa không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần phải xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi, khi hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
1.6. Nghị án
Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến đó bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
Khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả hỏi tại phiên toà và xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên.
Khi nghị án phải có biên bản ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản này phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, đòi hỏi thời gian nghị án dài, Hội đồng xét xử quyết định thời gian nghị án nhưng không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên toà.
Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên toà và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà biết ngày, giờ và địa điểm tuyên án; nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành tuyên án.
Khi ra bản án, quyết định, Toà án… phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án (Điều 26 Luật thi hành án dân sự).
1.7. Công việc sau phiên toà
Sau khi tuyên án xong không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện lỗi về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung này phải tuân theo đúng quy định tại Điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên toà, Toà án cấp trích lục bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Toà án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
Nếu đương sự có kháng cáo theo đúng quy định tại Điều 245, khoản 1 Điều 244 và Toà án đã kiểm tra đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 246 của Bộ luật này; hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 250, 251, 252 của Bộ luật này, Toà án phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo.
Hết thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 248 của Bộ luật này, người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hoặc người kháng cáo nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm.
2. Kỹ năng giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tại Tòa án cấp phúc thẩm
2.1. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà phải xem xét để ra một trong những quyết định tố tụng sau:
+ Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm;
+ Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hai tháng được tính từ ngày Toà án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp hoặc những lý do khách quan thì Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà phải báo cáo Chánh án Toà án cấp phúc thẩm hoặc Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao để xem xét quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử. Thời hạn kéo dài này tối đa không được quá một tháng.
Khi ra quyết định tạm đình chỉ, Thẩm phán không xoá tên vụ án, cần ghi chú vào Sổ thụ lý và theo dõi, sẽ tiếp tục giải quyết khi điều kiện tạm đình chỉ không còn.
Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án cấp phúc thẩm phải mở phiên toà; nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Thẩm phán phải xem xét đảm bảo cho người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị bất kể lúc nào trong giai đoạn phúc thẩm. Thẩm phán chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu nếu chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phải hỏi ý kiến bị đơn. Nếu bị đơn không đồng ý thì Hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Nếu bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, ra quyết định huỷ án sơ thẩm và đình chỉ xét xử vụ án. Khi Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn khởi kiện tại phiên toà thì các đương sự phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của bản án sơ thẩm và chịu một nửa án phí phúc thẩm.
Toà án chỉ chấp nhận xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà nếu được làm bằng văn bản và gửi đến Toà án cấp phúc thẩm.
Khi nhận được văn bản về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị, Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà phải thông báo cho đương sự khác, Viện kiểm sát biết.
Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà phúc thẩm, thì Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án đó và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo tại phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà. Nếu người kháng cáo, kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án đó và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Mọi quyết định trước khi mở phiên toà do Thẩm phán được phân công Chủ toạ phiên toà quyết định; tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định.
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải yêu cầu bộ phận chức năng gửi giấy triệu tập những người tham gia phiên tòa phúc thẩm bao gồm các đương sự và những người khác nếu xét thấy cần thiết, cho Viện kiểm sát nếu Viện kiểm sát kháng nghị hoặc Viện kiểm sát đã tham gia phiên tòa sơ thẩm. Việc xác định những người tham gia phiên toà cũng như thủ tục gửi giấy triệu tập được tiến hành như tại Tòa án cấp sơ thẩm.Tòa án chỉ gửi giấy báo để Viện kiểm sát tham gia phiên toà phúc thẩm trong những trường hợp: Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm hoặc Viện kiểm sát đã tham gia phiên toà sơ thẩm.
2.2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án kinh doanh, thương mại ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Do tính chất của phúc thẩm là việc xét xử lại những bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị; bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, cho nên việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm giữ một vị trí quan trọng. Công tác chuẩn bị càng chu đáo, thận trọng, đầy đủ thì càng tạo điều kiện cho việc xét xử phúc thẩm đạt kết quả tốt.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo luật định, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải nghiên cứu hồ sơ vụ án và làm sáng tỏ những vấn đề sau đây:
+ Kiểm tra việc kháng cáo, kháng nghị có đúng quy định của pháp luật về thời hạn, thẩm quyền, thủ tục hay không. Nếu kháng cáo, kháng nghị quá hạn thì phải kiểm tra xem đã có xác minh của Toà án cấp sơ thẩm về lý do kháng cáo, kháng nghị quá hạn chưa;
+ Nội dung của kháng cáo, kháng nghị đề cập đến vấn đề nào của bản án, quyết định sơ thẩm, từ đó xác định phạm vi xét xử phúc thẩm;
+ Kiểm tra xem việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng của Toà án cấp sơ thẩm có đúng không, có bỏ sót người tham gia tố tụng không;
+ Kiểm tra các tài liệu, chứng cứ của vụ án. Khi có những chứng cứ mới được bổ sung, có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự tiến hành hoặc uỷ thác cho Toà án khác tiến hành xác minh chứng cứ mới được bổ sung;
+ Xem xét có hay không trường hợp phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án được quy định tại Điều 189 hoặc 192 Bộ luật tố tụng dân sự; Có phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không.
Khi đã có đủ các điều kiện để đưa vụ án ra xét xử thì Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà cho tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc mở phiên toà như ấn định ngày xét xử, triệu tập những người cần có mặt tại phiên toà và làm các công việc cần thiết khác để mở phiên toà.
+ Yêu cầu kháng cáo của đương sự có căn cứ hay không?
+ Việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm đã đúng pháp luật hay chưa?
+ Định hướng cơ bản về việc giải quyết vụ án?
2.3. Phiên toà phúc thẩm và những quyết định tố tụng
Phiên toà phúc thẩm được khai mạc và bắt đầu như phiên toà sơ thẩm. Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử chỉ xem xét phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
Trước khi bắt đầu thủ tục hỏi tại phiên toà phúc thẩm, một thành viên Hội đồng xét xử (thông thường là Chủ toạ phiên toà) tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Hỏi nguyên đơn có rút đơn khởi kiện không; những người kháng cáo, kháng nghị có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị không; các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.
Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì xử lý theo quy định tại Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trường hợp các bên thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì Hội đồng xét xử ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận thoả thuận của các đương sự (Điều 270 BLTTDS).
Khi các bên đương sự cũng như Viện kiểm sát vẫn giữ kháng cáo, kháng nghị, thì tiếp tục phiên toà theo quy định tại các điều 271; 272; 273 và 274 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong mọi trường hợp người kháng cáo, người bị kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn phiên toà.
Trường hợp người kháng cáo vắng mặt lần thứ hai thì đình chỉ xét xử phúc thẩm phần liên quan đến kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt, không phụ thuộc vào nguyên nhân vắng mặt.
Trường hợp người bị kháng cáo vắng mặt lần thứ hai thì Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt, không phụ thuộc vào nguyên nhân vắng mặt.
2.4. Trình tự trình bày và tranh luận tại phiên toà phúc thẩm
Trình tự trình bày tại phiên toà phúc thẩm được tiến hành như sau:
Trường hợp chỉ có một bên đương sự kháng cáo thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó trình bày, sau đó đương sự bổ sung.
Trường hợp cả hai bên đương sự kháng cáo thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày trước, sau đó nguyên đơn bổ sung. Tiếp đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày, sau đó bị đơn trình bày bổ sung.
Trường hợp có cả kháng cáo và kháng nghị thì những người kháng cáo trình bày trước theo trình tự trên đây; sau đó, đại diện Viện kiểm sát trình bày kháng nghị.
Trường hợp chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị.
Trình tự tranh luận cũng tiến hành tương tự như trình tự trình bày trên đây.
2.5. Ra bản án, quyết định phúc thẩm
Nghị án được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm.
Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm nếu Toà án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật khi chứng cứ chứng minh đã được Toà án cấp sơ thẩm thu thập đầy đủ hoặc chưa thật đầy đủ nhưng đã được bổ sung đầy đủ tại Toà án cấp phúc thẩm.
Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại khi chứng cứ do Toà án cấp sơ thẩm thu thập không theo đúng quyết định tại chương VII Bộ luật tố tụng dân sự hoặc chưa thật đầy đủ, nhưng tại Toà án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
Có những vi phạm về tố tụng như Hội đồng xét xử không đúng thành phần; không triệu tập đầy đủ những người phải tham gia phiên toà sơ thẩm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của họ…
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp, cho Toà án đã xử sơ thẩm và những người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
BÀI 2:
KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG
I. TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
1. Khái niệm, đặc điểm của tranh chấp lao động
1.1. Khái niệm, đặc điểm, phân loại tranh chấp lao động
Tranh chấp lao động là một loại quan hệ tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực đặc thù của đời sống dân sự, lĩnh vực thuê mướn, sử dụng lao động.
Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động quy định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động”.
Cũng như trong các quan hệ dân sự thông thường, khi tham gia quan hệ lao động, các bên nhằm hướng tới một lợi ích nhất định thông qua việc xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ. Quan hệ lao động là quan hệ xã hội được xác lập giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động, thông qua việc giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, các quy chế, thỏa thuận khác giữa các bên.
So với các quan hệ tranh chấp khác trong dân sự, kinh doanh thương mại, thì tranh chấp lao động có những đặc điểm riêng cả về chủ thể, khách thể và nội dung tranh chấp.
Về chủ thể: Một bên trong quan hệ tranh chấp bao giờ cũng là người lao động, hoặc tập thể lao động và một bên là người sử dụng lao động hoặc tổ chức khác có liên quan đến quan hệ lao động, như cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về khách thể: Khách thể của quan hệ lao động là lợi ích có được từ việc sử dụng sức lao động; do đó, trong quan hệ tranh chấp lao động, điều mà các bên tranh chấp mong muốn đạt được cũng chính là lợi ích của quá trình thực hiện quan hệ lao động.
Về nội dung tranh chấp: Tranh chấp về lao động là tranh chấp về các quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được thể hiện ở các quy định của pháp luật, hoặc những cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế hoặc thỏa thuận đã ký giữa các bên.
Tranh chấp lao động được phân loại thành tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động; tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp giữa tập thể lao động, do tổ chức công đoàn đại diện với người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động tập thể lại được phân chia thành hai loại là tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Bộ luật lao động, tranh chấp lao động tập thể về quyền: “là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác”.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích “là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động”.
1.2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động
1.2.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động
Theo quy định của Điều 200 và Điều 203 BLLĐ 2012
– Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm: Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền gồm: Hòa giải viên lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) và Tòa án nhân dân;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gồm: Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động.
1.2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động
– Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Theo quy định tại Điều 201 BLLĐ, các tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Trừ một số loại việc tranh chấp, không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải, tức là các bên có quyền khởi kiện ngay sau khi xảy ra tranh chấp, các loại việc tranh chấp này bao gồm:
1. Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
2. Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
3. Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
4. Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
5. Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.
Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại (05 ngày làm việc), mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà các bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà các bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
– Đối với tranh chấp lao động tập thể: Theo quy định tại các điều từ Điều 204 đến Điều 206 BLLĐ, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể như sau:
Tranh chấp lao động tập thể phải thông qua hòa giải của hòa giải viên lao động. Trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện như trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân; biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp lao động tập thể về quyền hay tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết, nếu là tranh chấp lao động tập thể về quyền, hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết, nếu là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Trong trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định (05 ngày), mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp về quyền hoặc lợi ích.
Trường hợp việc tranh chấp là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết vụ việc tranh chấp.
Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.
Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Nếu xác định việc tranh chấp là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn ngay các bên yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.
Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.
Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét.
Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
2. Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp lao động
2.1. Quy định chung về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Toà án nhân dân
2.1.1. Đối với tranh chấp lao động cá nhân
Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định.
BLLĐ 2012 không quy định thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Do đó, căn cứ vào quy định của Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Tòa án sẽ áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau, là BLLĐ năm 2012. Theo đó, nếu hòa giải viên lao động hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định và một trong các bên có đơn khởi kiện, thì Tòa án thụ lý giải quyết.
Điều 31 BLTTDS cũng quy định: đối với một số loại việc tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, mà không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở, đó là các loại việc được nêu tại điểm b, tiểu mục 1.2 (thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động).
2.1.2. Đối với tranh chấp lao động tập thể
Khoản 2 Điều 31 BLTTDS quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.
Ngoài các loại việc tranh chấp lao động cá nhân và các loại việc tranh chấp lao động tập thể nêu trên, tại khoản 3 của Điều 31 BLTTDS còn có quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định. Do đó, nếu trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định cụ thể việc tranh chấp khác về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thì Tòa án mới thụ lý giải quyết.
2.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của mỗi cấp Tòa án
2.2.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của TAND cấp huyện
Theo quy định tại Điều 33 BLTTDS, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân, trừ những tranh chấp lao động mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
2.2.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của TAND cấp tỉnh
Theo quy định tại Điều 34 BLTTDS, TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động sau đây:
– Tranh chấp lao động tập thể về quyền, sau khi đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.
– Các tranh chấp lao động mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài.
Các trường hợp được coi là đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài đã được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
– Các tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện mà TAND cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.
2.3. Thẩm quyền theo lãnh thổ, theo sự lựa chọn của nguyên đơn
2.3.1. Thẩm quyền theo lãnh thổ
Theo quy định tại Điều 35 BLTTDS, Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp lao động là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức.
Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động.
2.3.2. Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn:
Theo quy định tại Điều 36 BLTTDS, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp lao động trong các trường hợp sau đây:
– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
– Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết.
II. KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG
1. Kỹ năng chung trong giải quyết vụ án lao động
1.1. Xác định các tình tiết của vụ án
Xác định các tình tiết của vụ án lao động là cơ sở để xây dựng hồ sơ vụ án, tiến hành các biện pháp thu thập, xác minh chứng cứ, xây dựng phương án hòa giải, xác định những nội dung cần làm rõ tại phiên tòa và soạn thảo bản án, quyết định về vụ án. Đối với hầu hết các vụ tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động, các tình tiết chủ yếu của vụ án thường bao gồm các nhóm sau:
– Các tình tiết làm căn cứ xác định quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động;
– Các tình tiết về nội dung tranh chấp;
– Các tình tiết làm căn cứ xác định diễn biến quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có).
Mỗi nhóm tình tiết nêu trên có thể có một hoặc nhiều tình tiết cụ thể và các tình tiết đó thường có liên quan với nhau. Ví dụ: các tình tiết làm căn cứ xác định quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động có thể chỉ có một tình tiết là việc giao kết hợp đồng lao đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, các bên có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, giao kết hợp đồng lao động mới.v.v… thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, việc giao kết hợp đồng lao động mới là những tình tiết liên quan đến quan hệ lao động.
Mỗi vụ án lao động có phạm vi và nội dung các tình tiết khác nhau. Việc xác định các tình tiết trong vụ án lao động phải căn cứ vào loại quan hệ tranh chấp và nội dung tranh chấp cụ thể.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp về tiền lương, thì các tình tiết chủ yếu thể hiện nội dung tranh chấp là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động; diễn biến quá trình thực hiện công việc theo hợp đồng lao động của người lao động và việc trả công của người sử dụng lao động. Trong vụ án về kỷ luật sa thải, các tình tiết chủ yếu thể hiện nội dung tranh chấp, thường bao gồm các tình tiết làm căn cứ xác định hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động, tính chất, mức độ vi phạm; quá trình xem xét, xử lý kỷ luật sa thải người lao động của người sử dụng lao động.
Cùng trong một quan hệ pháp luật tranh chấp, nếu nội dung tranh chấp khác nhau, thì phạm vi và nội dung các tình tiết cũng khác nhau. Ví dụ: Các tình tiết trong vụ tranh chấp về kỷ luật sa thải khác với các tình tiết trong vụ án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng một loại tranh chấp, nếu nội dung tranh chấp khác nhau, thì phạm vi và nội dung của các tình tiết cũng khác nhau.
1.2. Xác minh thu thập, đánh giá chứng cứ
1.2.1. Chứng cứ, nguồn chứng cứ trong vụ án lao động
Cũng như trong các vụ án dân sự khác, chứng cứ trong vụ án lao động là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Trong vụ án lao động, chứng cứ được thu thập chủ yếu từ các nguồn chứng cứ là: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng. Trong đó, các tài liệu đọc được, nghe được hầu hết là các tài liệu do người sử dụng lao động lập, nắm giữ trong quá trình quản lý, sử dụng lao động; lời khai của người làm chứng là rất quan trọng, nhưng việc sử dụng, đánh giá chứng cứ là khá phức tạp, vì người sử dụng lao động thường sử dụng những người làm chứng có mối quan hệ lệ thuộc trong công việc để làm chứng có lợi cho họ, còn người lao động thì vì sợ mất việc nên từ chối làm chứng hoặc khai báo không đúng sự thật.
1.2.2. Xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ trong vụ án lao động
Trong vụ án lao động, ngoài việc yêu cầu đương sự giao nộp chứng cứ, thì các biện pháp thu thập, xác minh chứng cứ được áp dụng phổ biến là: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng và đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng.
Người sử dụng lao động là người thực hiện quyền tổ chức, phân công, quản lý toàn bộ quá trình thực hiện hợp đồng lao động; chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh chấp đều do người sử dụng lao động nắm giữ. Do đó, trên cơ sở xác định đầy đủ các tình tiết liên quan trong vụ án, trước hết Tòa án cần yêu cầu người sử dụng lao động giao nộp chứng cứ.
Với đặc điểm của chứng cứ và nguồn chứng cứ trong vụ án lao động như nêu trên, đòi hỏi việc đánh giá chứng cứ phải hết sức khách quan; đánh giá toàn diện, đầy đủ các tình tiết liên quan, các vấn đề cần phải chứng minh.
1.3. Hòa giải và chuẩn bị xét xử
1.3.1. Hòa giải vụ án lao động
Trong giải quyết tranh chấp lao động nói chung, hòa giải là một thủ tục có ý nghĩa thực tiễn to lớn, vì không chỉ nhằm mục đích giúp các bên giải quyết vụ việc thông qua thương lượng, mà còn giúp cho người sử dụng lao động nhanh chóng ổn định sản xuất, giúp cho người lao động ổn định việc làm và đời sống. Chính vì vậy, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cần tạo mọi cơ hội cho các bên thương lượng với nhau thông qua các phiên hòa giải do Tòa án tổ chức và thông qua sự hỗ trợ về thông tin, về các quy định của pháp luật để các bên tự thương lượng với nhau.
Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định đầy đủ nội dung tranh chấp và những vấn đề mà Tòa án phải giải quyết trong vụ án để yêu cầu các bên thương lượng với nhau. Chỉ khi các bên thỏa thuận được với nhau về tất cả các nội dung tranh chấp, Tòa án mới lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Sau khi lập biên bản hòa giải thành, Tòa án phải gửi bản sao biên bản hòa giải thành cho các đương sự; Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận sau khi đã gửi cho các bên đương sự bản sao biên bản hòa giải thành và hết thời hạn quy định mà các bên không có thay đổi ý kiến.
1.3.2. Chuẩn bị xét xử vụ án
Mặc dù BLTTDS quy định thời hạn chuẩn bị xét xử là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án và thời hạn mở phiên tòa là một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, để giúp các bên nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, thì việc tiến hành các công tác chuẩn bị cho việc mở phiên tòa càng nhanh, càng tốt.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án cần nhanh chóng yêu cầu các bên đương sự giao nộp chứng cứ, thu thập chứng cứ nêu thấy cần thiết; tổ chức việc hòa giải và nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ vụ án. Nếu các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không có căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, thì mở phiên tòa để xét xử vụ án.
1.4. Xét xử vụ án tại phiên tòa
1.4.1. Điều khiển phiên tòa trong vụ án lao động
Thủ tục tố tụng tại phiên tòa trong vụ án lao động được thực hiện theo quy định của BLTTDS, hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP và cũng như đối với các vụ án dân sự khác. Trong vụ án lao động, do các bên đương sự có địa vị kinh tế xã hội không ngang nhau (quan hệ chủ – thợ), do đó việc điều khiển phiên tòa của Hội đồng xét xử cần phải bảo đảm thật sự dân chủ, khách quan.
Trong phần nghe đương sự trình bày, nếu đương sự là người lao động có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thì sau phần trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Hội đồng xét xử cần gợi ư, hướng dẫn để người lao động trình bày ý kiến bổ sung nhằm làm rõ yêu cầu, căn cứ khởi kiện.
Việc hỏi để làm rõ các tình tiết liên quan trong vụ án cần được tiến hành một cách khoa học, hợp lý. Thông thường, Hội đồng xét xử nên hỏi về từng vấn đề, hoặc nhóm vấn đề; kết hợp linh hoạt việc đối chất giữa các bên trong quá trình hỏi; chỉ công bố lời khai của người làm chứng, đặc biệt là đối với lời khai của người làm chứng về phía người lao động, trong trường hợp thật sự cần thiết.
Trong phần tranh luận, đối đáp, Hội đồng xét xử phải bảo đảm để các bên đương sự trình bày và lắng nghe đầy đủ các ý kiến, quan điểm của họ. Đối với một số vấn đề và trong những trường hợp cần thiết, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có thể gợi ý, yêu cầu đương sự trình bày quan điểm, ý kiến cụ thể để có đủ cơ sở vững chắc cho việc quyết định chấp nhận, hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Ví dụ: trường hợp người lao động có yêu cầu được nhận trở lại làm việc, nhưng vị trí công việc theo hợp đồng lao động không còn và người sử dụng lao động đồng ý bố trí công việc khác, thì Hội đồng xét xử cần phải yêu cầu người lao động trình bày ý kiến của họ là có chấp nhận hay không, lý do và yêu cầu cụ thể nếu họ không chấp nhận làm công việc khác.
1.4.2. Xác định đúng, đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm các tình tiết cần làm rõ tại phiên tòa
Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của phiên xét xử vụ án lao động, trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải dự kiến được đầy đủ những vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa, xác định được những vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với việc quyết định về vụ án.
Các tình tiết cần làm rõ tại phiên tòa và những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong vụ án được xác định dựa trên cơ sở quan hệ pháp luật tranh chấp và nội dung tranh chấp trong từng vụ án cụ thể. Ví dụ: Trong vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 của BLLĐ, thì những tình tiết cơ bản cần làm rõ là: công việc người lao động phải làm theo hợp đồng lao động đã ký là gì; quá trình thực hiện hợp đồng lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động như thế nào. Trong đó, trọng tâm là các tình tiết thể hiện mức độ hoàn thành công việc của người lao động (như khối lượng sản phẩm, chất lượng công việc đã đạt được và quá trình đánh giá của người sử dụng lao động về kết quả thực hiện công việc của người lao động).
1.4.3. Bản án lao động
Việc soạn thảo bản án lao động sơ thẩm thực hiện theo quy định của Điều 238 BLTTDS và theo mẫu bản án dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP (Mẫu số 01); bản án phúc thẩm soạn thảo theo quy định tại Điều 279 BLTTDS và mẫu bản án phúc thẩm (Mẫu số 22) ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc phúc thẩm” của BLTTDS (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP).
Đối với vụ án lao động, do đặc điểm về nội dung của quan hệ tranh chấp mà ở mỗi phần của bản án sơ thẩm có những yêu cầu đòi hỏi Thẩm phán phải lưu ý:
Phần tóm tắt nội dung vụ án: Trong vụ án lao động, những nội dung cơ bản cần tóm tắt là diễn biến quan hệ lao động, từ khi giao kết hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp, sự kiện pháp lý, hành vi vi phạm dẫn đến việc khởi kiện, yêu cầu và các căn cứ khởi kiện, yêu cầu và căn cứ phản tố (nếu có). Cần hết sức tránh viết phần tóm tắt theo trình bày của các bên đương sự.
Phần nhận định: Cần tập trung đi thẳng vào việc nhận định về nội dung tranh chấp, yêu cầu kiện tụng của các bên. Đối với các tình tiết có liên quan đến diễn biến của quan hệ lao động, thì chỉ nhận định những tình tiết nào mà chứng cứ, hoặc lời trình bày của các bên có mâu thuẫn và khi phải sử dụng tình tiết đó làm cơ sở quyết định nội dung tranh chấp. Ví dụ: Về mức lương, theo nguyên đơn thì tiền lương khi vào làm việc là 800.000 đồng/tháng, còn theo bị đơn là 600.000 đồng/tháng. Trong phần tóm tắt, Thẩm phán căn cứ vào chứng cứ đã được thẩm tra để nêu mức tiền lương chính thức. Trong phần nhận định, chỉ khi tính toán khoản tiền lương phải trả, hoặc lấy mức tiền lương làm căn cứ tính các khoản trợ cấp, khoản bồi thường…, thì Thẩm phán mới nhận định trên cơ sở các chứng cứ để quyết định chấp nhận mức lương nào. Không nhận định lại toàn bộ diễn biến của quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp.
Phần quyết định của bản án: Cũng giống như trong các vụ án dân sự khác, quyết định trong bản án lao động phải đầy đủ các nội dung, như: các căn cứ pháp luật; quyết định của Tòa án chấp nhận hoặc không chấp nhận, hoặc chấp nhận một phần, hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố (nếu có); quyết định về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên tranh chấp; quyền, nghĩa vụ về mặt tố tụng (như quyền kháng cáo; nghĩa vụ chịu án phí và trách nhiệm thi hành án).
Các vụ án về kỷ luật sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đòi bồi thường phí đào tạo, v.v… thường có nhiều nội dung tranh chấp; các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên cũng đa dạng, được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật; liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, nội dung các quyết định phải được chuẩn bị hết sức chu đáo từ trước khi mở phiên tòa, để sau khi tranh tụng tại phiên tòa, Thẩm phán Chủ tọa căn cứ vào kết quả tranh tụng, bổ sung vào những nội dung mà Hội đồng xét xử phải thảo luận và quyết định khi nghị án.
2. Giải quyết vụ án lao động tại Tòa án cấp sơ thẩm
2.1. Thụ lý vụ án lao động
2.1.1. Xem xét việc thụ lý vụ án
Thụ lý vụ án là cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng giải quyết vụ tranh chấp. Để quyết định thụ lý hay không thụ lý vụ án, Tòa án phải kiểm tra các điều kiện khởi kiện và thụ lý vụ án; các điều kiện đó bao gồm:
– Quyền khởi kiện: Theo quy định tại Điều 161 BLTTDS, người có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp lao động bao gồm:
Người sử dụng lao động: Là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân thì ít nhất phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động.
Cơ quan, tổ chức không phải là người sử dụng lao động nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quan hệ lao động. Ví dụ: Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động khởi kiện đòi bồi thường do người lao động vi phạm hợp đồng xuất khẩu lao động.
Người lao động: Phải từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình khởi kiện vụ án về tranh chấp lao động cá nhân. Người lao động dưới 15 tuổi thực hiện quyền khởi kiện vụ án lao động thông qua người đại diện là cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Tập thể lao động: Có quyền khởi kiện vụ án về tranh chấp lao động tập thể; việc khởi kiện thông qua đại diện là Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Theo quy định của khoản 3 Điều 188 BLLĐ, ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, thì Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền khởi kiện vụ án tranh chấp lao động tập thể để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể lao động.
– Toà án có thẩm quyền: Trên cơ sở xác định được việc kiện là tranh chấp hoặc tranh chấp liên quan đến quan hệ lao động mà BLLĐ quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Tòa án phải căn cứ các quy định của BLTTDS để xác định chính xác và đầy đủ các yếu tố về thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp, theo quy định của pháp luật tố tụng; gồm: thẩm quyền chung (thẩm quyền theo vụ việc), điều kiện có thẩm quyền, thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
– Thủ tục hoà giải trước khi khởi kiện: Theo quy định của BLLĐ, một số loại tranh chấp bắt buộc phải qua hoà giải tại hoà giải viên của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện. Nếu hoà giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện, thực hiện không đúng nội dung đã hòa giải thành, hoặc hết thời hạn quy định mà hòa giải viên không tiến hành việc hoà giải thì các bên mới có quyền khởi kiện ra Tòa án.
Tòa án cần kiểm tra nội dung đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện, như: bản sao biên bản hòa giải không thành, hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh việc họ đã nộp đơn yêu cầu hòa giải mà vụ việc không được đưa ra hòa giải. Trường hợp đã hòa giải thành, nhưng một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã hòa giải thành, thì Tòa án xem xét nội dung của biên bản hòa giải thành và trình bày của người khởi kiện trong đơn kiện, các tài liệu thể hiện quá trình thực hiện những nội dung đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Sau khi xem xét đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo, nếu thấy cần phải sửa chữa, bổ sung đơn kiện, thì Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 169 BLTTDS để yêu cầu người khởi kiện sửa chữa, bổ sung đơn kiện. Nếu thấy việc kiện thuộc một trong các trường hợp phải trả lại đơn kiện, thì Tòa án căn cứ vào các quy định tại Điều 168 BLTTDS để ra thông báo trả lại đơn kiện cho người khởi kiện.
Sau khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện khiếu nại, vì cho rằng việc trả lại đơn kiện không có căn cứ pháp luật, thì Tòa án có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 170 của BLTTDS.
2.1.2. Tiến hành các thủ tục thụ lý vụ án
Qua xem xét đơn kiện và các tài liệu mà người khởi kiện gửi kèm theo đơn kiện, nếu có đủ các điều kiện thụ lý và theo quy định của Pháp lệnh về Án phí, lệ phí Tòa án, nếu người khởi kiện thuộc trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án tiến hành thụ lý vụ án ngay. Trường hợp người khởi kiện thuộc đối tượng phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án thông báo cho họ đến Tòa án để làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án tiến hành thụ lý vụ án khi người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
2.2. Thu thập, xác minh chứng cứ, xây dựng hồ sơ vụ án
Việc thu thập, xác minh chứng cứ trong vụ án lao động thực hiện theo đúng các quy định của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP; và về cơ bản, cũng như đối với các vụ án dân sự khác.
Sau khi được phân công giải quyết vụ án, Thẩm phán cần tiến hành ngay việc nghiên cứu đơn kiện, các tài liệu gửi kèm theo để xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, những chứng cứ cần được thu thập, xác minh. Trên cơ sở đó, khi soạn thảo Thông báo về việc thụ lý vụ án theo quy định của Điều 174 BLTTDS, Thẩm phán cần chỉ rõ những tài liệu, chứng cứ mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải cung cấp cho Tòa án, đồng thời ấn định thời gian hợp lý để người được yêu cầu giao nộp chứng cứ.
BLTTDS quy định Tòa án chỉ tiến hành các biện pháp thu thập, xác minh chứng cứ khi xét thấy cần thiết. Do đó, để việc thu thập, xác minh chứng cứ đạt được hiệu quả, Thẩm phán cần nghiên cứu kỹ nội dung đơn khởi kiện, các tài liệu mà người khởi kiện nộp kèm theo để xác định biện pháp thu thập chứng cứ cho phù hợp.
Các biện pháp thu thập chứng cứ được áp dụng phổ biến trong giải quyết các tranh chấp lao động chủ yếu là yêu cầu đương sự giao nộp chứng cứ, lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng. Trong các vụ tranh chấp liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại về tài sản, bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động, liên quan đến công tác quản lý tài chính của doanh nghiệp, thì trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ, hoặc trưng cầu giám định. Khi tiến hành các biện pháp thu thập, xác minh chứng cứ, Tòa án cần phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
2.3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án
Nghiên cứu hồ sơ vụ án là công việc được tiến hành thường xuyên, gắn liền với quá trình xây dựng hồ sơ vụ án. Tùy thuộc vào điều kiện về thời gian, về mức độ phức tạp của vụ án và kinh nghiệm cá nhân, mà mỗi Thẩm phán có phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án khác nhau. Tại cấp sơ thẩm, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án cần phải tiến hành cả hai bước là nghiên cứu thường xuyên và nghiên cứu tổng hợp.
Từ sau khi thụ lý vụ án, hồ sơ vụ án thường xuyên được bổ sung tài liệu, chứng cứ do Tòa án tự thu thập, xác minh hoặc do đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp cho Tòa án. Hồ sơ vụ án được xây dựng đến đâu, Thẩm phán cần nghiên cứu đến đó, để vừa bổ sung, hoàn chỉnh tài liệu tổng hợp nội dung nghiên cứu, đồng thời xác định được nội dung, yêu cầu của hoạt động tố tụng tiếp theo.
Khi xét thấy hồ sơ vụ án đã được xây dựng về cơ bản, để tiến hành việc hòa giải lần cuối hoặc chuẩn bị cho việc mở phiên tòa trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán tiến hành nghiên cứu tổng hợp toàn bộ hồ sơ vụ án. Những tài liệu, chứng cứ đã được nghiên cứu trước đó, cũng cần phải được kiểm tra lại, đồng thời đánh giá tổng hợp với các chứng cứ mới thu thập được để hoàn chỉnh kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu tổng hợp hồ sơ vụ án là cơ sở để xây dựng phương án hòa giải hoặc để xây dựng kế hoạch điều khiển phiên tòa, chuẩn bị dự thảo bản án. Do đó, kết quả nghiên cứu tổng hợp phải được ghi chép đầy đủ. Phương pháp tổng hợp và cách ghi chép của mỗi Thẩm phán có thể có khác nhau, nhưng về nội dung, kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án phải thể hiện được chính xác và đầy đủ: loại quan hệ tranh chấp, diễn biến nội dung tranh chấp, yêu cầu kiện tụng; những vấn đề đã có đủ cơ sở để kết luận, và những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa. Đối với những vấn đề đã có đủ cơ sở để kết luận, thì phải chỉ ra được là kết luận dựa trên những chứng cứ và căn cứ pháp lý nào. Những vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ là gì, biện pháp thực hiện là gì (bằng việc yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ, hay yêu cầu cơ quan, cá nhân tổ chức cung cấp chứng cứ, hay thông qua tranh tụng tại phiên tòa).
2.4. Hòa giải vụ án
Mục đích lớn nhất của hoà giải trong vụ án dân sự là nhằm giúp các bên thương lượng để có thể thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Trong vụ án lao động, việc hoà giải thành còn có ý nghĩa hết sức to lớn, giúp người lao động và người sử dụng lao động cải thiện hoặc duy trì được quan hệ lao động. Về pháp lý, hoà giải thành dẫn đến hậu quả là chấm dứt các hoạt động tố tụng của Toà án đối với vụ án đó. Do đó, quá trình giải quyết vụ án lao động, Thẩm phán cần tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các bên tiếp cận yêu cầu của nhau và thương lượng với nhau.
Việc hòa giải có thể được tổ chức một hoặc nhiều lần, tùy thuộc vào nội dung tranh chấp, yêu cầu về thời hạn giải quyết vụ án và khả năng thực tế các bên đương sự có thể thỏa thuận được với nhau hay không. Đối với tranh chấp lao động nói chung, việc hòa giải nhằm mục đích lớn nhất là để các bên có thể thương lượng được với nhau về việc giải quyết vụ việc tranh chấp. Do đó, Thẩm phán cần phải căn cứ vào nội dung và tính chất của từng vụ tranh chấp cụ thể để tổ chức các phiên hòa giải và tiến hành việc hòa giải cho phù hợp. Cụ thể là: đối với tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến việc chấm dứt quan hệ lao động, thì có thể không nhất thiết phải tiến hành hòa giải nhiều lần, nhưng đối với các vụ tranh chấp lao động tập thể, thì luôn có khả năng phải tiến hành hòa giải nhiều lần, kể cả đối với một nội dung tranh chấp, vì Ban chấp hành công đoàn phải đưa nội dung thương lượng ra lấy ý kiến của tập thể lao động, rồi mới có thể quyết định chấp nhận hay không chấp nhận thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Về thủ tục, trước khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phải thực hiện việc thông báo cho các bên về nội dung hòa giải theo quy định của Điều 283 BLTTDS, để các bên chủ động chuẩn bị phương án hòa giải. Nếu các bên thương lượng được với nhau và Tòa án lập biên bản hòa giải thành thì nhất thiết phải gửi biên bản hòa giải thành cho đương sự và chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sau khi đã hết thời hạn theo quy định mà không có bên nào thay đổi ý kiến và không có kiến nghị của Viện kiểm sát.
Trong mỗi phiên hòa giải, Thẩm phán phải nắm vững nội dung các tình tiết của vụ tranh chấp và các quy định của pháp luật lao động được áp dụng, đồng thời phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý. Quá trình hòa giải, Thẩm phán cần tiến hành hòa giải các nội dung tranh chấp theo thứ tự phù hợp. Trường hợp các bên thương lượng được với nhau về một nội dung nào đó, Thẩm phán phải hướng dẫn để các bên thỏa thuận với nhau đầy đủ những vấn đề liên quan đến nội dung thỏa thuận đó.
Ví dụ: Các bên thoả thuận rằng người sử dụng lao động sẽ trả cho người lao động tiền lương, hoặc tiền bồi thường, thì Thẩm phán phải yêu cầu các bên thoả thuận với nhau về thời hạn và phýõng thức trả. Hoặc trýờng hợp ngýời sử dụng lao ðộng ðộng cam kết nhận ngýời lao ðộng trở lại làm việc, Thẩm phán phải yêu cầu các bên thoả thuận cụ thể về công việc ngýời lao ðộng ðýợc bố trí làm, thời ðiểm thực hiện.
2.5. Phiên tòa lao động sơ thẩm, bản án lao động sơ thẩm
Thủ tục tố tụng tại phiên toà lao động sơ thẩm cũng giống như thủ tục phiên toà dân sự sơ thẩm nói chung.
Nội dung tranh tụng tại phiên tòa là yếu tố căn bản thể hiện sự khác biệt giữa vụ án lao động với các vụ án dân sự khác. Để bảo đảm chất lượng của phiên tòa sơ thẩm trong vụ án lao động, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải thực hiện tốt những yêu cầu sau đây:
Một là: Phải xác định đầy đủ những vấn đề mà Tòa án phải xem xét trong vụ án, đồng thời xác định được những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa.
Trong hầu hết các vụ án lao động mà các bên tranh chấp là người lao động với người sử dụng lao động, Tòa án phải xem xét những vấn đề sau đây:
– Quan hệ hợp đồng lao động và diễn biến quá trình thực hiện hợp đồng lao động;
– Sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp, thời điểm phát sinh tranh chấp và nội dung tranh chấp;
– Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có).
Hai là: Xác định đúng những tình tiết, chứng cứ cần phải tập trung làm rõ tại phiên tòa.
– Ba là: Phải linh hoạt trong điều khiển phiên tòa.
Việc thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên vừa là bảo đảm để Thẩm phán chủ động trong điều khiển phiên tòa và đồng thời cũng là giải pháp căn bản để tiếp cận với đường lối xét xử đúng đắn.
Khi nghe các bên đương sự trình bày, Thẩm phán chủ động nắm bắt diễn biến vụ việc, tình tiết mà các đương sự nêu ra, đối chiếu với các chứng cứ như lời khai và các tài liệu chứng cứ khác để phát hiện ra những vấn đề đương sự chưa trình bày, trình bày chưa rõ hoặc có mâu thuẫn, để có thể yêu cầu đương sự trình bày bổ sung hoặc để hỏi trong phần thủ tục hỏi.
Trong phần thủ tục hỏi: Trên cơ sở những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa đã được xác định từ trước, tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán cần hỏi từng vấn đề một cách hợp lý; thông thường là lần lượt làm rõ từng vấn đề; tiến hành hỏi cả các bên, đối chiếu lời khai, cho đối chất để làm sảng tỏ dứt điểm từng vấn đề.
Trong phần tranh luận tại phiên toà: Do đặc thù của quá trình sử dụng lao động, nên việc xác định hành vi ứng xử của các bên, để thông qua đó đánh giá tính chất, mức độ, và thậm chí là cả nội dung tranh chấp trong nhiều trường hợp là khá khó khăn. Tranh luận, đối đáp tại phiên toà là cơ hội hết sức quan trọng giúp cho các bên bộc lộ mâu thuẫn thực sự và mục đích mà họ cần đạt được, đồng thời cũng thông qua đó, để Hội đồng xét xử nắm được đúng bản chất của vụ việc.
Đối với tranh chấp lao động, để có thể quyết định đúng về vụ án, Hội đồng xét xử phải nắm được một cách toàn diện cả về diễn biến, nguyên nhân, nội dung, tính chất mức độ của tranh chấp; nắm được đầy đủ các vấn đề, các tình tiết, các chứng cứ. Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án lao động, nếu dựa trên đầy đủ những thông tin khách quan, chính xác của vụ việc, thì mới có khả năng thi hành và mới có tác dụng thực sự đối với quan hệ lao động.
Để đạt được mục đích nêu trên, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải có thái độ đúng đắn, thực sự có trách nhiệm trong quá trình điều khiển phần thủ tục tranh luận. Về nguyên tắc chung, Hội đồng xét xử không được hạn chế việc trình bày của các đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Cần hướng dẫn, khuyến khích các bên đương sự trình bày đầy đủ những vấn đề cần tranh luận, đặc biệt là trong các vụ án mà đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Chủ động đặt vấn đề và đề nghị các bên phát biểu ý kiến, quan điểm của họ; cả các quan điểm về việc xác định các tình tiết, đánh giá chứng cứ và quan điểm áp dụng pháp luật.
Bản án lao động sơ thẩm phản ánh toàn bộ diễn biến của vụ việc tranh chấp, kết quả tiến hành tố tụng và chất lượng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm.
Bố cục và nội dung của bản án lao động sơ thẩm, cũng giống như bản án dân sự sơ thẩm; đã được quy định tại Điều 238 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
Về nội dung, bản án lao động sơ thẩm phải bảo đảm các nội dung và yêu cầu chủ yếu sau đây:
– Phần tóm tắt nội dung vụ án: Nội dung tóm tắt phải mô tả được loại, nội dung chủ yếu của quan hệ hợp đồng lao động; thời điểm phát sinh tranh chấp, quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án đang giải quyết, nội dung tranh chấp; các tình tiết, chứng cứ, căn cứ pháp luật; yêu cầu và quan điểm của các bên tranh chấp.
– Phần nhận định: Nội dung cốt lõi của phần nhận định trong bản án lao động cũng là đánh giá các tình tiết liên quan đến quan hệ tranh chấp và nội dung tranh chấp; các chứng cứ làm căn cứ xác định tính hợp pháp của hành vi, yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố (nếu có) và điều, khoản luật được áp dụng. Tuy nhiên, vì nội dung tranh chấp trong hầu hết các vụ án lao động thường có liên quan chặt chẽ với nhau, ràng buộc nhau về mặt trật tự và hệ quả. Do đó, bố cục của phần nhận định phải bảo đảm tính lôgic, thống nhất.
Ví dụ: trong vụ án về sa thải và thuộc trường hợp sa thải trái pháp luật, thì bắt buộc phải nhận định và kết luận việc sa thải là trái pháp luật trước. Sau khi kết luận về hậu quả pháp lý do việc sa thải trái pháp luật, Hội đồng xét xử mới căn cứ vào yêu cầu của người lao động có muốn trở lại làm việc hay không; người sử dụng lao động có muốn nhận người lao động trở lại làm việc hay không, khả năng thực tế để bố trí công việc cho người lao động như thế nào; để nhận định có chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người lao động. Và cuối cùng, mới nhận định về việc giải quyết quyền lợi về vật chất, như tiền lương, tiền bồi thường, trợ cấp, v.v…
– Phần quyết định của bản án lao động phải bảo đảm yêu cầu chung là đầy đủ cả các căn cứ pháp lý và quyết định về quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp; nội dung các quyết định phải rõ ràng.
Phần các quyết định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên phải căn cứ vào nội dung cụ thể của các điều, khoản luật và yêu cầu khởi kiện. Ví dụ: Trường hợp chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người lao động, buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, thì nhất thiết phải tuyên cụ thể là nhận lại làm việc kể từ ngày nào, làm công việc gì (nếu các bên có thoả thuận tại phiên toà về công việc mới), hoặc nhận lại làm công việc cũ theo hợp đồng lao động đã giao kết. Trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc, thì sau khi tuyên bố việc sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, hậu quả pháp lý của việc sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, mới tuyên nội dung: ghi nhận hợp đồng lao động chấm dứt do người lao động tự nguyện không trở lại làm việc.
Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người lao động đòi huỷ quyết định kỷ luật sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động thì: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của …, đòi huỷ Quyết định …”, hoặc “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của …, đối với … về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”.
3. Giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm
Về thủ tục tố tụng, giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ án lao động không có gì khác so với các vụ án dân sự; và thủ tục giải quyết vụ án lao động tại Tòa án cấp phúc thẩm, về cơ bản cũng giống như tại Tòa án cấp sơ thẩm.
Do tính đặc thù của quan hệ người lao động nên việc giải quyết vụ án lao động tại Tòa án cấp phúc thẩm có một số điểm cần lưu ý, đó là:
– Về phạm vi xét xử phúc thẩm.
Điều 263 BLTTDS quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”.
Nội dung tranh chấp trong các vụ án lao động là tương đối phức tạp; trong một vụ án, thông thường có nhiều nội dung tranh chấp; các nội dung tranh chấp có thể độc lập với nhau, nhưng cũng có thể liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, để xác định đúng phạm vi xét xử phúc thẩm, thì Tòa án phải căn cứ vào nội dung tranh chấp, yêu cầu khởi kiện trong từng vụ án cụ thể để làm rõ mối quan hệ giữa các nội dung tranh chấp trong vụ án.
Tại Điều 9 của Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn về hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị như sau:
“Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị và được thi hành khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Độc lập với những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị;
b) Việc xét kháng cáo, kháng nghị đối với những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị không có liên quan đến những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, tại cấp phúc thẩm, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải nắm vững và có hệ thống các quy định của pháp luật lao động được áp dụng, đồng thời nghiên cứu nội dung kháng cáo kháng nghị để xác định chính xác những vấn đề cần phải được xem xét tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Nếu nội dung phần quyết định của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là một nội dung tranh chấp, hoặc một yêu cầu độc lập, thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét giải quyết nội dung phần quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Ngược lại, nếu nội dung phần quyết định bị kháng cáo, kháng nghị là hậu quả pháp lý của của đối tượng bị khởi kiện, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào từng trường hợp tranh chấp cụ thể.
Ví dụ 1: Trong vụ tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội. Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiền lương là căn cứ để tính mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động; do đó, nếu nội dung tranh chấp về bảo hiểm xã hội mà liên quan đến mức đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, và mặc dù đương sự chỉ kháng cáo phần quyết định về tiền lương hoặc về bảo hiểm xã hội, thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét cả hai nội dung là tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Ngược lại, nếu nội dung tranh chấp về tiền lương mà không phải là về mức tiền lương phải trả hoặc nội dung tranh chấp về bảo hiểm xã hội mà chỉ là tranh chấp về thời gian đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét phần nội dung tranh chấp có kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ 2: Trong vụ tranh chấp về kỷ luật sa thải, có nội dung tranh chấp về tiền lương, thì nhìn chung là những nội dung tranh chấp đó độc lập với nhau. Tuy nhiên, nếu nội dung tranh chấp về tiền lương là tranh chấp về mức tiền lương mà người sử dụng lao động phải trả, thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét vấn đề tiền lương để làm căn cứ giải quyết các quyền lợi của người lao động.
– Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Khoản 3 Điều 275 BLTTDS quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:
“Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”.
Hủy một phần bản án sơ thẩm là một quy định mới, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2011. Để áp dụng đúng quy định này trong giải quyết vụ án lao động, Tòa án cấp phúc thẩm cũng phải làm rõ mối quan hệ giữa các nội dung tranh chấp trong vụ án. Ngoài ra, đối với các vụ tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Tòa án cấp phúc thẩm cần lưu ý thêm một số điểm sau:
Trong các vụ tranh chấp về kỷ luật sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, có hai vấn đề cơ bản, quan trọng nhất mà Tòa án phải giải quyết là xác định tính hợp pháp của việc sa thải, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Dù việc sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là đúng pháp luật hay trái pháp luật, thì Tòa án cũng phải giải quyết các quyền lợi của người lao động. Cụ thể là: nếu sa thải, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thì ngoài việc phải hủy quyết định sa thải, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của Điều 42 BLLĐ. Nếu chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, và sa thải thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 126 BLLĐ “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng”, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khoản tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ (Thông tư số 21 ngày 22/9/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động).
Như vậy, trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện về việc bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật mà Tòa cấp phúc thẩm thấy có căn cứ để chấp nhận yêu cầu; hoặc trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm thấy có căn cứ để bác yêu cầu, thì Hội đồng xét xử chỉ nên sửa bản án sơ thẩm khi tất cả các tình tiết, chứng cứ làm căn cứ giải quyết quyền lợi cho người lao động đã đầy đủ và đã được làm sáng tỏ.
Ngược lại, trong trường hợp đương sự chỉ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát chỉ kháng nghị phần giải quyết quyền lợi của người lao động, như: thanh toán các khoản bồi thường khi sa thải, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hoặc thanh toán trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, và tại cấp phúc thẩm, chưa có đủ căn cứ để sửa bản án sơ thẩm về phần này thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy một phần của bản án sơ thẩm – phần quyết định liên quan đến việc giải quyết quyền lợi của người lao động.
– Phiên tòa phúc thẩm:
Thủ tục tố tụng chung tại phiên tòa phúc thẩm trong vụ án lao động không có sự khác biệt so với các vụ án dân sự và so với giải quyết vụ án lao động tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, tính chất, đặc điểm và yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp lao động đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo, phù hợp các quy định về thủ tục tố tụng trong quá trình điều khiển phiên tòa của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử không tiến hành hòa giải. Điều 268 BLTTDS quy định trong phần thủ tục hỏi, Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau hay không, thì kết quả có thể ở cả hai khả năng là các bên đồng ý thỏa thuận với nhau hoặc không thỏa thuận được với nhau. Đối với vụ án lao động, tùy thuộc vào diễn biến thực tế, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa cần lưu ý một số điểm sau đây:
+ Trường hợp các bên đồng ý thỏa thuận với nhau: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa cần tạo điều kiện, hỗ trợ các bên để sớm đạt được thỏa thuận, bằng việc nêu từng vấn đề để các bên trình bày ý kiến; nếu các bên chấp nhận yêu cầu của nhau, thì Thẩm phán phải kết luận, tóm tắt nội dung vấn đề mà các bên đã thỏa thuận được. Trường hợp các bên có bất đồng với nhau khi thương lượng về một nội dung cụ thể nào đó, thì Thẩm phán Chủ tọa cần kiên trì, mềm dẻo trong việc giải thích pháp luật, hướng dẫn cho các bên để đạt được sự thỏa thuận.
Ví dụ: Trường hợp người sử dụng lao động đồng ý bồi thường cho người lao động tiền lương trong thời gian nghỉ việc, đồng ý nhận người lao động trở lại làm việc, nhưng không thể bố trí cho người lao động đảm nhiệm công việc cũ, mà bố trí cho người lao động làm công việc khác vì lý do nhân sự đã được sắp xếp lại, chức danh hoặc công việc cũ không còn. Với tình huống đó, Thẩm phán có thể yêu cầu các bên trình bày cụ thể về yêu cầu của mỗi bên, lý do, mục đích mà họ nhằm đạt được với yêu cầu đã đưa ra; để thông qua đó, giúp các bên có thể thương lượng được với nhau về việc người lao động chấp nhận làm công việc khác, với mức lương tương ứng, hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau: Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án và ra bản án, quyết định. Tuy nhiên, đối với việc giải quyết tranh chấp lao động, vụ án càng phải kéo dài và qua nhiều cấp xét xử, thì mâu thuẫn giữa các bên không những không giảm, mà có thể tăng lên, khoản tiền mà người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động cũng tăng lên; sau khi xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật, thì việc thi hành án sẽ có khó khăn do người sử dụng lao động không tự nguyện thi hành án, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Đặc điểm đó đòi hỏi Hội đồng xét xử phúc thẩm phải linh hoạt, nhạy bén trong quá trình điều khiển phần thủ tục hỏi và tranh luận.
Nếu là vụ tranh chấp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động (như tranh chấp về kỷ luật sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động); khi có căn cứ cho thấy việc sa thải, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật, người lao động vẫn muốn trở lại làm việc, mà tại phiên tòa phúc thẩm, các bên vẫn không có thiện chí thương lượng với nhau, thì nội dung hỏi cần hướng trọng tâm vào việc làm rõ khả năng thực tế để người sử dụng lao động phải nhận và bố trí cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đã ký. Nếu người lao động không muốn trở lại làm việc, thì trọng tâm hỏi cần hướng vào việc giải quyết các quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngược lại, nếu có căn cứ cho thấy việc sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động là có căn cứ, nhưng người lao động không chấp nhận thương lượng, thì nội dung hỏi và tranh luận cần hướng trọng tâm vào việc xem xét, làm rõ tính có căn cứ của việc sa thải, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
– Bản án phúc thẩm:
Bản án lao động phúc thẩm được soạn thảo theo mẫu bản án dân sự phúc thẩm (Mẫu số 22) ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP.
Về nội dung của bản án lao động phúc thẩm có một số điểm cần lưu ý như sau:
+ Phần tóm tắt nội dung vụ án: Ngoài những nội dung và yêu cầu tóm tắt diễn biến, nội dung tranh chấp, các tình tiết, chứng cứ, yêu cầu của các bên như trong trong bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm tóm tắt phần quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo kháng nghị. Trong đó, phần nêu tóm tắt nội dung đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị phải đầy đủ, chính xác để làm căn cứ xác định phạm vi xét xử phúc thẩm.
+ Phần nhận định: Trọng tâm của phần nhận định trong bản án lao động phúc thẩm cũng là nhận định về nội dung kháng cáo, kháng nghị, để làm cơ sở quyết định chấp nhận hay không chấp nhận, chấp nhận ở mức độ nào yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, như phần trên đã đề cập, trong hầu hết các vụ tranh chấp lao động, nội dung tranh chấp thường có liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, trước khi nhận định các tình tiết, chứng cứ trong từng nội dung kháng cáo, kháng nghị cụ thể, bản án phúc thẩm phải xác định rõ những vấn đề mà Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét, vì có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ: trong vụ tranh chấp về đòi bồi thường chi phí đào tạo: theo quy định của pháp luật lao động, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải bồi thường chi phí đào tạo nghề nếu có. Như vậy, trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và nguyên đơn kháng cáo, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét toàn bộ nội dung tranh chấp (cả tính hợp pháp của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và cả vấn đề bồi thường chi phí đào tạo). Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện và bị đơn kháng cáo, thì tùy thuộc vào nội dung kháng cáo để xác định phạm vi xét xử phúc thẩm. Cụ thể là: Nếu bị đơn chỉ kháng cáo về mức và phương thức thực hiện việc bồi thường, thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét vấn đề mức bồi thường và phương thức bồi thường. Ngược lại, nếu bị đơn kháng cáo không chấp nhận việc bồi thường, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét toàn bộ các nội dung tranh chấp.
Đối với từng yêu cầu kháng cáo cụ thể, bản án phúc thẩm phải nhận định đánh giá cả các tình tiết, chứng cứ và đánh giá cả về tính có căn cứ trong nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm về vấn đề đó.
Ví dụ: Các tài liệu, chứng cứ thu thập được vùng với kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện: sau khi hợp đồng lao động hết hạn, người lao động vẫn làm việc và vẫn được người sử dụng lao động trả lương. Sau một thời gian, người sử dụng lao động ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do hợp đồng lao động hết hạn. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định việc chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là đúng pháp luật. Trường hợp này, bản án phúc thẩm phải căn cứ vào nội dung quy định tại khoản 2 Điều 22 của BLLĐ 2012 để nhận định: sau khi hợp đồng lao động hết hạn nhưng người lao động vẫn làm việc, thì quan hệ lao động theo hợp đồng lao động mới đã phát sinh, người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tiến hành việc ký kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật. Việc người sử dụng lao động ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động sau một thời gian người lao động đã làm việc là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động không có căn cứ pháp luật, vì không thuộc một trong các trường hợp đã được quy định tại Điều 38 BLLĐ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định việc chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đúng pháp luật, là không có căn cứ.
+ Phần quyết định:
Phạm vi, nội dung và yêu cầu của phần quyết định trong bản án lao động phúc thẩm, về cơ bản cũng giống như đối với bản án lao động sơ thẩm. Nội dung các quyết định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên trong phần quyết định của bản án phúc thẩm cũng phải căn cứ vào tính đặc thù của tranh chấp lao động, là giữa các nội dung tranh chấp có liên quan với nhau.
Trường hợp có đủ căn cứ để hủy một phần bản án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm cần lưu ý xác định chính xác phạm vi, nội dung các quyết định phải hủy hoặc sửa. Tức là ngoài phần quyết định của bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị và nội dung kháng cáo, kháng nghị đó được chấp nhận, thì Hội đồng xét xử phải xem xét và quyết định hủy, hoặc sửa phần quyết định khác tuy không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị, hoặc là hậu quả phát sinh từ việc giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ: Trong vụ án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động là nguyên đơn khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, bồi thường tiền lương trong những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; đồng thời buộc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian không được làm việc. Sau khi xử sơ thẩm, bị đơn là người sử dụng lao động kháng cáo cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động là đúng pháp luật. Trường hợp này, nếu Tòa án cấp phúc thẩm thấy yêu cầu kháng cáo là có căn cứ, nhưng phải hủy bản án sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại, thì phần quyết định của bản án phải tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Trường hợp có đủ căn cứ để sửa bản án sơ thẩm, thì ngoài nội dung tuyên chấp nhận kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người lao động về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bản án phúc thẩm phải bỏ phần quyết định về giải quyết các quyền lợi của người lao động, trong đó có phần quyết định về quyền lợi bảo hiểm xã hội.
PHẦN II: PHẦN CHUYÊN SÂU
————–
BÀI 3:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP
QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ GIỮA CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỚI NHAU
VÀ ĐỀU CÓ MỤC ĐÍCH LỢI NHUẬN
Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia. Đối với Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 29/11/2005, tại kỳ họp thứ 8 khóa XI, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006. Như vậy, cùng với việc ban hành Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng của sở hữu trí tuệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn. Trong bối cảnh như vậy, việc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tranh chấp sở hữu trí tuệ là một loại tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp thương mại cụ thể. Bởi vậy, việc giải quyết loại tranh chấp này dựa trên cơ sở nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định chung trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đây là loại tranh chấp đặc thù xuất phát từ tính chất vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ; hơn nữa, đây lại là loại tranh chấp còn tương đối mới mẻ. Thực tiễn cũng chỉ ra rằng, việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ gặp rất nhiều khó khăn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu tổng quan về quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại về quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ tại Toà án.
I. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
1. Sơ lược về quyền sở hữu trí tuệ
Theo Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) được ký tại Stockholm vào ngày 14/7/1967 thì: “Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan tới các tác phẩm khoa học, nghệ thuật và văn học, chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ biểu diễn, các bản ghi âm và chương trình phát thanh, truyền hình, sáng chế trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, các phát minh khoa học, kiểu giáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, các chỉ dẫn và tên thương mại, bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh, và tất cả những quyền khác là kết quả của hoạt động trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học hoặc nghệ thuật” (Khoản viii Điều 2 Công ước).
Theo quy định tại Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì các đối tượng sở hữu trí tuệ được nhà nước bảo hộ bao gồm:
+ Các quyền tác giả: Đó là các quyền được công nhận đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Các quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm các quyền dành cho các chương trình biểu diễn, các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
+ Các quyền sở hữu công nghiệp: bao gồm các quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
+ Các quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
1.1. Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
1.1.1. Quyền tác giả
Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật sở hữu trí tuệ. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo Điều 8 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 26/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số quy định của Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 100/2006/NĐ-CP) thì tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học bao gồm:
– Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
– Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
– Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;
– Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.
Ngoài ra, xuất phát từ định nghĩa về tác phẩm phái sinh (khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ) thì những người dưới đây cũng được công nhận là tác giả như người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác được coi là tác giả tác phẩm dịch; người phóng tác từ tác phẩm đã có, người cải biên, chuyển thể tác phẩm từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình khác được coi là tác giả của tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể; người biên soạn, chú giải, tuyển chọn tác phẩm của người khác thành tác phẩm có tính sáng tạo được coi là tác giả biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Tác phẩm còn có thể thể hiện bằng các ký hiệu thay cho chữ viết như chữ nổi, ký hiệu tốc ký, ký hiệu tương tự khác mà có thể sao chép bằng nhiều hình thức khác nhau (Điều 9 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là:
“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác…”.
Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả cũng hướng dẫn chi tiết về các loại hình tác phẩm được bảo hộ nói trên.
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.
1.1.2. Quyền liên quan đến quyền tác giả
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.
1.1.3.Chủ sở hữu tác phẩm
Tác giả là chủ sở hữu toàn bộ hoặc một phần tác phẩm do mình sáng tạo, trừ trường hợp tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng.
Các đồng tác giả là chủ sở hữu chung tác phẩm do họ cùng sáng tạo, trừ trường hợp tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng.
Các cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả là chủ sở hữu toàn bộ hoặc một phần tác phẩm do tác giả tạo ra theo nhiệm vụ mà cơ quan hoặc tổ chức giao.
Cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả là chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ tác phẩm do tác giả sáng tạo theo hợp đồng.
Người thừa kế hợp pháp của tác giả là chủ sở hữu tác phẩm được thừa kế trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm đó.
Những người được chủ sở hữu tác phẩm chuyển giao các quyền của mình theo hợp đồng thì những người này là chủ sở hữu quyền được chuyển giao.
Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh tại thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ (Điều 36 đến Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.1.4. Nội dung quyền tác giả
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo.
– Quyền nhân thân gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân đối với tác phẩm mà mình sáng tạo gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm.
Chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền nhân thân đối với tác phẩm gồm: công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thảo thuận khác; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp giữa tác giả và chủ sở hữu có thoả thuận khác (Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ, Điều 22 Nghị định 100/106/NĐ-CP).
– Quyền tài sản bao gồm:
Đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, truyển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.
Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả gồm: được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.
Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê (Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
1.1.5. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Các hành vi sau đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả và nếu có mục đích lợi nhuận thì có thể bị kiện ra Toà án yêu cầu giải quyết bằng vụ án kinh doanh, thương mại, đó là:
+ Làm tác phẩm phái sinh nhưng không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền (trừ trường hợp có quy định khác).
+ Sử dụng tác phẩm mà không dược phép của chủ thể quyền, không trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (trừ trường hợp có quy định khác).
+ Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
+ Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông hoặc các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
+ Xuất bản tác phẩm không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
+ Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình.
+ Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
+ Xuất khẩu, nhập khẩu bản sao tác phẩm mà không được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép (Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.2. Quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sử hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:
– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.
– Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
– Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp (khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.2.1. Sáng chế
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các yêu cầu sau: có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế (nhỏ) được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau: có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp (khoản 12 Điều 4, Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.2.2. Giải pháp hữu ích
Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật và giải pháp đó được công nhận là có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới khi:
– Giải pháp kỹ thuật không trùng với giải pháp kỹ thuật đã được mô tả và đã nộp cho cơ quan cấp bằng độc quyền về sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trước đó.
– Trước đó giải pháp kỹ thuật này chưa bộc lộ công khai ở trong hay ngoài nước dưới hình thức sử dụng hay mô tả trong bất kỳ nguồn thông tin nào mà căn cứ vào đó người có trình độ trung bình có thể thực hiện giải pháp kỹ thuật đó.
Giải pháp kỹ thuật được công nhận có trình độ sáng tạo nếu giải pháp đó là bước tiến sáng tạo và cho đến ngày ưu tiên của đơn so với trình độ kỹ thuật trong và ngoài nước, giải pháp đó không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Giải pháp kỹ thuật được công nhận có khả năng áp dụng nếu căn cứ vào bản chất của giải pháp kỹ thuật được mô tả trong sáng chế, giải pháp hữu ích, có thể thực hiện được giải pháp đó trong việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm, hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và đạt được kết quả ổn định (Điều 60, Điều 61, Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.2.3. Kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó.
Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm, tái tạo bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp (vì vậy nên gọi là kiểu dáng công nghiệp). Nếu không có yếu tố này thì không phải là kiểu dáng công nghiệp mà là sự sáng tạo nghệ thuật (thuộc bản quyền tác giả). Kiểu dáng công nghiệp có chức năng thẩm mỹ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng bằng nét độc đáo, vẽ đẹp và nâng cao tính tiện ích của sản phẩm.
Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được thể hiện và công nhận khi kiểu dáng đó đảm bảo: khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong và ngoài nước trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên (trong trường hợp được hưởng quyền ưu tiên) và chưa được bộc lộ công khai ở trong và ngoài nước.
Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được thừa nhận nếu so với các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức văn bản, hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong hay ngoài nước thì kiểu dáng đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp là khả năng có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài giống hệt nhau bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp (Điều 63, 65, 66, 67 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.2.4. Mạch tích hợp bán dẫn
Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử (với ít nhất một phần từ tích cực) và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn để nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với thuật ngữ “IC”, “chíp”, “mạch vi điện tử”.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và các mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn (khoản15 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Thiết kế bố trí mạch tích hợp được bảo hộ khi có tính nguyên gốc và tính mới thương mại.
Tính nguyên gốc được thể hiện: Thứ nhất, là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả thiết kế bố trí; thứ hai, tại thời điểm được tạo ra thiết kế đó chưa được biết đến rộng rãi trong giới sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn.
Tính mới thương mại: Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký (Điều 70, Điều 71 Luật Sở hữu trí tuệ).
Tổ chức, cá nhân là tác giả tạo ra thiết kế bố trí, hoặc người đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả tạo ra thiết kế bố trí dưới hình thức giao việc, thuê việc (nếu trong hợp đồng không có quy định liên quan đến quyền tác giả thiết kế) có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ.
Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện khi tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều đồng ý. Trường hợp có sự đầu tư kinh phí của nhà nước thì quyền đăng ký của nhà nước đối với việc tạo ra kiểu dáng công nghiệp tương ứng như đối với sáng chế (Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
Quyền sở hữu thiết kế bố trí mạch tích hợp được xác lập theo Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ).
*Những hành vi dưới đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
– Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội.
– Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mặc dù đã được chủ sở hữu thông báo bằng văn bản, yêu cầu chấm dứt,
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu công nghiệp hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này,
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này (khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ).
Điều 10 Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (trước đây là Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006) đã quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí là việc thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm mục đích kinh doanh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho xã hội hoặc không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu, đó là:
– Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích;
– Khai thác công dụng sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích;
– Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích; Khai thác công dụng sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích.
– Sản xuất bao gồm: thiết kế, xây dựng, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói sản phẩm, hàng hóa xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí; Áp dụng quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích; Nhập khẩu sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích; Hoặc đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện những hành vi sản xuất như nêu trên.
– Quảng cáo sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích.
1.2.5. Nhãn hiệu
Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đồng thời đáp ứng hai điều kiện:
– Dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được, có thể là dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
– Dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Nhãn hiệu phải đăng ký và được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ sở hữu có toàn quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Nhãn hiệu liên kết là nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau, dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, hoặc tương tự với nhau hoặc có liên quan với nhau.
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập theo văn bằng bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
*Khi nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ):
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đã được đăng ký theo nhãn hiệu;
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng định nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Khi xác định hành vi vi phạm trong trường hợp thứ nhất nêu trên, cần lưu ý là đối với các vụ việc xâm phạm về nhãn hiệu liên quan đến yếu tố dấu hiệu tương tự hoặc cho các hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc có liên quan, bên thực thi quyền cần cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu và lập luận rằng việc sử dụng các dấu hiệu trong trường hợp này có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
Khi xem xét “hành vi sử dụng nhãn hiệu” bị coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu, khoản 5 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
– Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; hoặc
– Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ; hoặc
– Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
1.2.6. Tên thương mại
Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh, dùng để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực.
Tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa.
Tên thương mại bao gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt.
Phần mô tả là một tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh.
Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Phần mô tả là phần không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau). Ví dụ: Với tên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Yên Bái. Phần mô tả là “Công ty cổ phần xuất nhập khẩu”, phần phân biệt là “Yên Bái”, để phân biệt với Công ty khác là “Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Nam”.
Ví dụ: “Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông” không có khả năng phân biệt vì trong đó “Tổng công ty” là để mô tả loại hình công ty, “xây dựng công trình giao thông” là để mô tả lĩnh vực hoạt động, do đó không có khả năng phân biệt. Vì vậy tên thương mại phải thêm dấu hiệu phân biệt khác, chẳng hạn như là “8” là tên giao dịch “Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8”, để phân biệt với các Tổng Công ty khác cùng loại…
Tên thương mại thường là tên doanh nghiệp.
*Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại:
Khoản 2 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ quy định mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Mặc dù không có quy định dẫn chiếu trực tiếp, chỉ dẫn thương mại có thể được hiểu là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa (khoản 2 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ).
Điều 11 Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (trước đây là Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006) cũng có quy định chi tiết những hành vi dưới đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại, đó là:
Thực hiện một trong các hành vi dưới đây đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội hoặc không chấm dứt hành vi vi phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu:
– Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp.
– Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp.
– Sản xuất bao gồm: thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
– Gắn bao gồm: in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại lên hàng hóa;
– Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp.
– Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi sản xuất, gắn bao, nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp như nêu trên.
– Sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp trong quảng cáo hoặc thể hiện dấu hiệu đó trên giấy tờ giao dịch kinh doanh, biển hiệu, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, phương tiện quảng cáo.
1.2.7. Chỉ dẫn địa lý
Theo quy định tại Điều 79 Luật sở hữu trí tuệ thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh hổ hay quốc gia cụ thể.
– Chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo diều kiện sau thì được bảo hộ:
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng.
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do diều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Một số sản phẩm đã được mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng…
*Tuy nhiên, cần lưu ý, các đối tượng sau không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý:
– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam.
– Chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài mà tại đó, chỉ dẫn địa lý này không được bảo hộ, đã bị chấm dứt, hoặc không còn được sử dụng.
– Chỉ dẫn địa lý tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ trong trường hợp nếu sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.
– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó (Điều 80 Luật sở hữu trí tuệ).
*Những cơ quan sau đây có quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý:
– Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý được công nhận thuộc phạm vi một tỉnh.
– Uỷ ban nhân dân một tỉnh, được Uỷ ban nhân dân tỉnh khác uỷ quyền khi khu vực địa lý được công nhận thuộc nhiều địa phương.
– Cơ quan, tổ chức được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức này đại diện cho quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (khoản 4 Điều 121 Luật sở hữu trí tuệ, khoản 1 Điều 18 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).
Mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đó với điều kiện hàng hoá do tổ chức, cá nhân đó sản xuất phải đảm bảo uy tín hoặc danh tiếng vốn có của hàng hoá này.
Khi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì họ có quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá này.
*Luật sở hữu trí tuệ quy định các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:
– Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
– Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
– Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
– Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đ�, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
1.2.8. Bí mật kinh doanh
Theo quy định tại Điều 84 Luật sở hữu trí tuệ thì bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Không phải là hiểu biết thông thường.
Khi sử dụng trong kinh doanh tạo cho người nắm giữ thông tin có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.
Được chủ thông tin bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Sở hữu bí mật kinh doanh tự động xác lập khi có đủ các điều kiện trên.
*Những hành vi dưới đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với bí mật kinh doanh:
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh.
– Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.
– Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm bộc lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh.
– Tiếp cận, thu thập các thông thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này đệ trình theo thủ tục xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh, hoặc xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm (đặc biệt là dược phẩm và sản phẩm hoá nông), bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của các cơ quan có thẩm quyền.
– Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu đuợc bằng một trong các hành vi xâm phạm quyền bí mật kinh doanh.
– Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm theo quy định tại điều 128 của Luật sở hữu trí tuệ (khoản 1 Điều 127 Luật sở hữu trí tuệ).
1.3. Giống cây trồng mới
Theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ thì giống cây trồng mới là một quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết bằng sự biểu hiện của các tính trạng do các kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Giống cây trồng mới được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bao gồm: hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm, rong tảo và vi tảo.
Các đối tượng được bảo hộ là giống cây trồng mới đồng thời thoả mãn các điều kiện gồm:
– Có trong danh mục loài cây trồng được nhà nước bảo hộ.
– Có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định.
– Có tính mới của giống cây trồng về mặt thương mại.
– Có tên phù hợp quy định gồm: mỗi giống cây trồng mới chỉ được đặt một tên phù hợp, khi công nhận thì tên đó trở thành tên chính thức, duy nhất dùng trong cac hoạt động liên quan đến giống cây trồng đó. Tên giống phải dễ dàng phân biệt với tên của các giống cây trồng khác cùng loài (Điều 158 Luật sở hữu trí tuệ).
2. Chuyển giao công nghệ
2.1. Khái niệm
Theo quy định tại Điều 3 Luật chuyển giao công nghệ thì:
Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
Chuyển giao công nghệ tại Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam.
Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc tổ chức, cá nhân hoạt động ở nước ngoài chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam.
Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc tổ chức, cá nhân hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân hoạt động ở nước ngoài.
Hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm chuyển giao công nghệ và dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Dịch vụ chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ quá trình tìm kiếm, giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Trong hoạt động chuyển giao công nghệ thì Môi giới chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ bên có công nghệ, bên cần công nghệ trong việc tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ các bên trong việc lựa chọn công nghệ, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Ươm tạo công nghệ là hoạt động hỗ trợ nhằm tạo ra và hoàn thiện công nghệ có triển vọng ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa từ ý tưởng công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là hoạt động hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoàn thiện công nghệ, huy động vốn đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, thực hiện thủ tục pháp lý và các dịch vụ cần thiết khác để thành lập doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới được tạo ra.
Xúc tiến chuyển giao công nghệ là hoạt động thúc đẩy, tạo và tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ.
Ngoài ra, đối với chuyển giao công nghệ, cần nắm vững các khái niệm đó là:
Bí quyết kỹ thuật là thông tin được tích luỹ, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của chủ sở hữu công nghệ có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ.
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao; có khả năng hình thành các ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
Công nghệ mới là công nghệ lần đầu tiên được tạo ra tại Việt Nam.
Công nghệ tiên tiến là công nghệ hàng đầu, có trình độ công nghệ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có.
Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ, hỗ trợ cần thiết để ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.
Chợ công nghệ, hội chợ công nghệ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ là nơi trưng bày, giới thiệu, mua bán công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ và cung cấp các dịch vụ khác về chuyển giao công nghệ.
Đánh giá công nghệ là hoạt động xác định trình độ, giá trị, hiệu quả kinh tế và tác động kinh tế – xã hội, môi trường của công nghệ.
Định giá công nghệ là hoạt động xác định giá của công nghệ.
Giám định công nghệ là hoạt động kiểm tra, xác định các chỉ tiêu của công nghệ đã được chuyển giao so với các chỉ tiêu của công nghệ được quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
2.2. Quyền chuyển giao công nghệ
Theo quy định tại Điều 8 Luật chuyển giao công nghệ, chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ. Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao quyền sử dụng công nghệ có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó. Tổ chức, cá nhân có công nghệ là đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.
2.3. Hình thức chuyển giao công nghệ
Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
– Hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập;
– Phần chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng sau đây:
+ Dự án đầu tư;
+ Hợp đồng nhượng quyền thương mại;
+ Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
+ Hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ;
Và hình thức chuyển giao công nghệ khác theo quy định của pháp luật (Điều 12 Luật chuyển giao công nghệ).
2.4. Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ
Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 18 của Luật này.
Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (Điều 16 Luật chuyển giao công nghệ).
2.5. Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ
Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 8 của Luật này cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 18 của Luật này.
2.6. Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ
Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận có thể bao gồm:
– Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;
– Được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng công nghệ cho bên thứ ba;
– Lĩnh vực sử dụng công nghệ;
– Quyền được cải tiến công nghệ, quyền được nhận thông tin cải tiến công nghệ;
– Độc quyền hoặc không độc quyền phân phối, bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra;
– Phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra;
– Các quyền khác liên quan đến công nghệ được chuyển giao.
Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (Điều 17 Luật chuyển giao công nghệ).
2.7. Phương thức chuyển giao công nghệ
Khi chuyển giao công nghệ, các bên có thể tiến hành theo các phương thức:
– Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
– Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ theo thời hạn quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
– Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào sản xuất với chất lượng công nghệ và chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu và tiến độ quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Hoặc các phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận (Điều 18 Luật chuyển giao công nghệ).
2.8. Dịch vụ chuyển giao công nghệ
Các dịch vụ chuyển giao công nghệ bao gồm:
– Môi giới chuyển giao công nghệ;
– Tư vấn chuyển giao công nghệ;
– Đánh giá công nghệ;
– Định giá công nghệ;
– Giám định công nghệ;
– Xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ (Điều 28 Luật chuyển giao công nghệ).
3. Hệ thống các quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam
3.1. Luật quốc gia
Hệ thống pháp luật quốc gia của Việt Nam về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ được quy định ở trong các văn bản pháp luật hiện hành như: Bộ luật dân sự (phần sở hữu trí tuệ), Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật cạnh tranh, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật công nghệ thông tin… và các văn bản hướng dẫn các luật trên, như:
– Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan;
– Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
– Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
– Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Nghị định 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan;
– Nghị định 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ hướng dẫn Luật chuyển giao công nghệ;
– Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh…
3.2. Luật quốc tế
Cùng với quy định của pháp luật quốc gia, các điều ước quốc tế đa phương, song phương và khu vực là một nguồn luật không thể thiếu khi xem xét việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Vì vậy, trong hoạt động thực thi và bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan có thẩm quyền phải viện dẫn đến các công ước quốc tế sau đây về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên như:
– Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883;
– Công ước Sockholm về thành lập WIPO;
– Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá.
– Hiệp ước PCT về sáng chế.
– Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây mới (Công ước UPOV).
– Công ước Bern (tác phẩm văn học và nghệ thuật).
– Công ước Rome (phát sóng),
– Công ước Giơnevơ (bản ghi âm),
– Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs);
– Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ;
– Kế hoạch của Cộng đồng kinh tế Asean (Asean Economy Community Blueprint);
– Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Asean – Nhật Bản;
– Hiệp định phi thương mại Asean – New Zealand – Australia (phần sở hữu trí tuệ);
– Hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ;
– Hiệp định hợp tác khoa học giữa Việt Nam – Hoa Kỳ (phần sở hữu trí tuệ);
– Hiệp định Việt Nam – Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ;
– Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (phần sở hữu trí tuệ).
II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ; CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TẠI TÒA ÁN
1. Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ
1.1. Phân biệt giữa tranh chấp kinh doanh, thương mại và tranh chấp dân sự (thẩm quyền theo loại việc)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung, thì tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận là một trong những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì mục đích lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại đó.
Đối với các tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 29 của BLTTDS thì không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại; nếu chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có mục đích lợi nhuận, thì tranh chấp đó là tranh chấp về dân sự được quy định tại khoản 4 Điều 25 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
Với các quy định nêu trên cho thấy tiêu chí “đều có mục đính lợi nhuận” là dấu hiệu đặc trưng bắt buộc để phân biệt vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại với vụ án tranh chấp về dân sự.
1.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo cấp của Toà án
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 BLTTDS thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được quy định tại khoản 2 Điều 29 của BLTTDS.
1.3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo lãnh thổ
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp kinh doanh, thương mại về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
1.4. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo thỏa thuận của các đương sự
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp.
Và theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 BLTTDS thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự; trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật.
Trong trường hợp này các đương sự tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 2 Điều 29 BLTTDS, nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 34 BLTTDS, thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh; do vậy, các đương sự thỏa thuận với nhau trong hợp đồng về việc chọn Tòa án nhân dân tỉnh giải quyết khi có tranh chấp xảy ra chỉ phù hợp với quy định của BLTTDS nêu trên, nếu nguyên đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu không thì nguyên đơn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS) hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi hợp đồng được thực hiện (theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 BLTTDS) giải quyết.
Trường hợp, các đương sự thỏa thuận với nhau về việc chọn Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết khi có tranh chấp xảy ra là không phù hợp với quy định của BLTTDS nêu trên, nên không được chấp nhận.
1.5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn
Điều 36 BLTTDS quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu như sau: Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong các trường hợp sau đây:
– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết (điểm a khoản 1);
– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết (điểm b khoản 1);
– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết (điểm c khoản 1);
– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết (điểm d khoản 1);
– Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết (điểm g khoản 1);
– Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết (điểm h khoản 1).
2. Về áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ (khi nào sử dụng Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ… và tập quán quốc tế)
Theo quy định tại Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện như sau:
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Việc áp dụng Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và tập quán quốc tế…được quy định cụ thể như sau:
– Bộ luật dân sự quy định chung về các quan hệ dân sự và việc áp dụng được quy định cụ thể tại Điều 2, Điều 3. Trong đó, Điều 2 quy định:
“2. Bộ luật dân sự được áp dụng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Bộ luật dân sự được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác ”.
Theo Điều 3 Bộ luật dân sự về áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật thì: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”.
– Luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Tại Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Điều 4 Luật chuyển giao công nghệ quy định: Hoạt động chuyển giao công nghệ phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật; trường hợp hoạt động chuyển giao công nghệ đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Trường hợp hoạt động chuyển giao công nghệ có yếu tố nước ngoài thì các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế, nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
– Luật cạnh tranh năm 2004 quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Tại Điều 5 Luật cạnh tranh quy định: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của Luật này; Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
– Điều 4, Điều 5 Luật thương mại 2005 cũng có quy định tương tự về áp dụng Luật thương mại và pháp luật có liên quan, áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế.
Như vậy, theo các quy định của pháp luật nêu trên thì:
– Áp dụng luật chuyên ngành (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật thương mại, Luật chuyển giao công nghệ…) để giải quyết, nếu luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết;
– Nếu Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật thương mại, Luật chuyển giao công nghệ, Luật cạnh tranh… thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó để giải quyết.
3. Những vấn đề cần lưu ý khi giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
3.1. Quyền khởi kiện
Khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là việc cá nhân, cơ quan tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người khởi kiện phải có đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung quy định tại Điều 164 BLTTDS. Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đơn khởi kiện được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện. Khi nhận được đơn, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây: tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; chuuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết, nếu vụ án đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
3.2. Người có quyền khởi kiện
3.2.1. Các chủ thể quyền sau đây có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan
– Tác giả;
– Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
– Người thừa kế hợp pháp của tác giả hoặc của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
– Cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
– Cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng;
– Người biểu diễn;
– Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình;
– Tổ chức phát sóng;
– Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được uỷ thác quyền;
– Các chủ thể quyền khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (theo quy định tại Điều 44 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006).
3.2.2. Các chủ thể quyền sau đây có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp:
Căn cứ vào định nghĩa những người có quyền đăng ký quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì thấy những người có quyền đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, cũng là người có quyền trực tiếp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác bằng văn bản quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp của mình, đó là:
– Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước thì tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền khởi kiện.
– Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước thì tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền khởi kiện.
– Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
– Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cũng là những người có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
– Tổ chức cá nhân có quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 18 Nghị định 103/2006/NĐ-CP là những người có quyền khởi kiện tranh chấp về sở hữu chỉ dẫn địa lý.
– Ngoài ra, tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, nhưng bị thiệt hại hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền chỉ có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp thoả mãn hai điều kiện: Thứ nhất, hàng hoá bị xâm phạm quyền thuộc các nhóm sản phẩm, hàng hoá là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dành cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường, vật nuôi, thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội; Thứ hai, cung cấp được chứng cứ là có thiệt hại (khoản 2 Điều198 Luật sở hữu trí tuệ, Điều 23 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
3.2.3. Các chủ thể quyền sau đây có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp
– Chủ sở hữu công nghệ ;
– Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao quyền sử dụng công nghệ có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.
3.3. Những tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
3.3.1. Những tranh chấp về quyền tác giả thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sử dụng tác phẩm;
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả;
– Tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn);
– Tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với những người có quyền kề cận (quyền liên quan đến quyền tác giả) là người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
– Tranh chấp giữa những tổ chức, cá nhân có quyền liên quan đến quyền tác giả, bao gồm: người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và những người khác có hành vi vi phạm quyền của họ;
– Tranh chấp giữa tác giả, đồng tác giả với những người có liên quan nhưng không phải là tác giả, bao gồm: người sưu tầm tài liệu cho tác giả, người cung cấp tài chính và phương tiện vật chất khác.
3.3.2. Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hưũ công nghiệp (còn gọi là hợp đồng li-xăng);
– Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
3.3.3. Tranh chấp về chuyển giao công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập;
– Tranh chấp phần chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng trong dự án đầu tư;
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng nhượng quyền thương mại;
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
– Tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ;
– Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển giao công nghệ khác theo quy định của pháp luật.
3.4. Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm
Để có thể kết luận một hành vi có phải là xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hay không phải căn cứ vào các điều kiện đó là hành vi bị xem xét có bị coi là hành vi xâm phạm quyền không phải ứng đáp ứng đồng thời:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
– Có các yếu tố xâm phạm quyền trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện không phải là chủ thể quyền.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Như vậy một trong các điều kiện phải xem xét là yếu tố xâm phạm quyền trong đối tượng nghi ngờ xâm phạm quyền (Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ thì: “Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 của BLTTDS và theo quy định tại Điều này” (khoản 1 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy, một trong những quyền và nghĩa vụ đầu tiên của chủ sở hữu quyền và của người vi phạm quyền là quyền và nghĩa vụ chứng minh đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự: “đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp” (khoản 1 Điều 79 BLTTDS).
*Đối với nguyên đơn: theo quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật Sở hữu trí tuệ, để chứng minh là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, nguyên đơn phải đưa ra một trong các chứng cứ sau đây:
– Văn bằng bảo hộ,
– Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp,
– Chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng;
– Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.
Ngoài ra nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh (khoản 3 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ).
Theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP thì các tài liệu, hiện vật sau được coi là chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là:
– Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tài liệu mô tả, mẫu vật, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ;
– Vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị xem xét;
– Bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ;
– Biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.
*Đối với bị đơn: theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh” (khoản 2 Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự). Trường hợp một bên trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có căn cứ khẳng định được chứng cứ thích hợp để chứng minh cho yêu cầu của mình do bên kia nắm giữ nên không thể tiếp cận được và không thể cung cấp cho Toà án thì có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nắm giữ chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó”.
Đây là việc nội luật hóa quy định trong Hiệp định TRIPs: cách thu thập chứng cứ đang nằm trong sự kiểm soát của phía bên kia rằng khi một bên trong vụ kiện đã đưa ra những chứng cứ có thể có được một cách hợp lý đủ để làm căn cứ cho yêu cầu của mình đang do phía bên kia kiểm soát, thì cơ quan xét xử phải có quyền bắt buộc phía bên kia đưa ra những chứng cứ đó (khoản 1 Điều 43 Hiệp định TRIPs).
*Đối với các tranh chấp về chuyển giao công nghệ, thì ngoài hợp đồng, các chứng từ hoá đơn cần thiết, các đương sự còn phải cung cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ…
Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 81 cũng đã quy định về điều kiện của chứng cứ, theo đó một trong những điều kiện của chứng cứ là phải được đương sự và cá nhân, cơ quan tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định. Trong vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ có mục đích lợi nhuận, cần phải xác định quan hệ pháp luật và đối tượng tranh chấp trên cơ sở đơn khởi kiện và yêu cầu của đương sự, từ đó mới có định hướng về thu thập chứng cứ có liên quan, nếu thu thập chứng cứ không đúng trọng tâm sẽ gây mất thời gian, công sức và gây phiền phức cho đương sự và Tòa án.
BÀI 4:
THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG – MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Hợp đồng tín dụng là loại hợp đồng mang tính rủi ro cao, khi xảy ra tranh chấp thì vấn đề phải giải quyết mà thường gặp nhiều khó khăn và phức tạp nhất là việc xử lý tài sản bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Để bảo vệ lợi ích của mình, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu người đi vay phải có tài sản bảo đảm. Hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản, tổ chức tín dụng cho vay luôn có quyền ưu tiên trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Quyền này của các tổ chức tín dụng được xác lập trên cơ sở giao dịch bảo đảm giữa tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) với khách hàng vay (bên bảo đảm – bên thế chấp) hoặc với khách hàng vay (bên được bảo đảm) và người thứ ba (bên bảo đảm – người bảo lãnh). Với tư cách là một chủ nợ có bảo đảm, khi đến hạn mà khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng này được quyền ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản bảo đảm trước các chủ nợ không có bảo đảm bằng tài sản đó.
I. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TÀI SẢN
Bộ luật dân sự năm 2005 có 77 điều (từ Điều 318 đến Điều 387 và từ Điều 715 đến Điều 721) quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, có 16 điều (từ Điều 342 đến Điều 357) quy định về “Thế chấp tài sản”; 11 điều (từ Điều 361 đến Điều 371) quy định về “Bảo lãnh”; 07 điều quy định về “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất”). Từ những quy định này cho thấy “Thế chấp tài sản”, “Bảo lãnh” là hai trong số những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Về “Thế chấp tài sản”, tại Điều 342 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Còn về “bảo lãnh”, theo quy định tại Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.
Bộ luật dân sự năm 2005 không có quy định về “Hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất” mà chỉ có quy định về “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất” (Điều 715).
Tại Điều 715 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp”.
Luật đất đai năm 2003 có nhiều quy định liên quan đến thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (khoản 1 Điều 61; khoản 2 Điều 107; khoản 2 và 3 Điều 109; điểm d khoản 1 Điều 110; điểm b khoản 1 Điều 111; khoản 7 Điều 113; điểm c khoản 1 Điều 114; khoản 2 Điều 117 điểm b khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 119; điểm b, c khoản 2 Điều 120 và Điều 130).
Luật công chứng cũng chỉ có quy định về thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản (Điều 46, 47).
Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật liên quan đến các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và quy định rõ về trình tự thủ tục thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thu hồi nợ. Cụ thể:
Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006) quy định về trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, đăng ký xóa thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (Điều 153, 154); trình tự, thủ tục đăng ký nhận quyền sử dụng đất do xử lý hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 157); trình tự, thủ tục mua bán, cho thuê, thừa kế, tặng cho tài sản gắn liền với đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất (Điều 158); chứng nhận của công chứng nhà nước, chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với hợp đồng hoặc văn bản khi người sử dụng đất thực hiện các quyền (Điều 119).
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2012) của Chính phủ về giao dịch bảo đảm có 9 điều quy định về thế chấp tài sản (từ Điều 20 đến điều 28); 8 điều về bảo lãnh tài sản (từ Điều 41 đến Điều 48).
Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; trong đó, quy định về đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 3); hồ sơ thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Điều 28); hồ sơ, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã đăng ký (Điều 29); hồ sơ, thủ tục đăng ký văn bản thông bảo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Điều 30); hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Điều 31); Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 47).
Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (Điều 31).
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; trong đó, có 28 điều (từ Điều 22 đến Điều 49) quy định về bán đấu giá tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và trình tự thủ tục thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cụ thể:
Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên và môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền sử dụng đất.
Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21/5/2007 của hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở.
Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên và môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (thay thế Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 và Thông tư số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006) của Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên và môi trường trong đó hoàn toàn không còn quy định nào liên quan đến bảo lãnh nữa.
II. MỘT SỐ SAI SÓT CẦN RÚT KINH NGHIỆM TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG THÔNG QUA CÔNG TÁC GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Thực tiễn cho thấy, phần lớn các vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ngoài lý do thụ lý, giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền; xác định người tham gia tố tụng không đúng hoặc không đầy đủ; xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ; xem xét chứng cứ chưa toàn diện, chính xác; thì sai sót mà các Tòa án thường mắc phải đó là quyết định về thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán không đúng, xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản vay theo hợp đồng tín dụng không đúng pháp luật…, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sau đây là một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng.
1. Xử lý tài sản bảo đảm đối với khoản vay của hợp đồng tín dụng
Thực tế giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm cho thấy, nhiều Tòa án đã bỏ sót người tham gia tố tụng. Phần lớn các trường hợp này là tài sản bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng đã được chủ sử dụng (quyền sử dụng đất) hoặc chủ sở hữu (nhà ở, công trình, vật kiến trúc, tài sản khác gắn liền với đất) chuyển nhượng, bán cho người khác, nhưng người này vẫn đem thế chấp hoặc bảo lãnh để bảo đảm cho khoản vay tại hợp đồng tín dụng bằng hợp đồng thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba. Hợp đồng thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba này được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, thậm chí có trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bị làm giả để thế chấp hoặc bảo lãnh bảo đảm cho khoản vay tại hợp đồng tín dụng bằng hợp đồng thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba. Hợp đồng thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba này cũng được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự không cung cấp thông tin về các trường hợp như nêu trên cho Tòa án, Tòa án cũng không xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ các vấn đề này; hoặc có trường hợp tài sản bảo đảm đã có tranh chấp và đang được Tòa án khác thụ lý, giải quyết trước bằng vụ án dân sự, nhưng đương sự đã không cung cấp thông tin này cho Tòa án biết…Trong những trường hợp này, khi giải quyết vụ án, nếu các đương sự không cung cấp thì Tòa án phải xác minh, yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ để chứng minh ai là người đang quản lý và sử dụng tài sản đó tại thời điểm giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó mới xác định chính xác ai là người quản lý tài sản đó, đưa họ vào tham gia tố tụng để đảm bảo quyền lợi của người thứ ba này hoặc nếu xác định tài sản bảo đảm là đối tượng tranh chấp và đang được giải quyết bằng một vụ án dân sự khác thì Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của vụ án dân sự đã được thụ lý trước đó.
1.1. Trường hợp tài sản bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng đã được chủ sử dụng (quyền sử dụng đất) hoặc chủ sở hữu (nhà ở, công trình, vật kiến trúc, tài sản khác gắn liền với đất) chuyển nhượng, bán cho người khác, nhưng người này vẫn đem thế chấp hoặc bảo lãnh để bảo đảm cho khoản vay tại hợp đồng tín dụng bằng hợp đồng thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba. Hợp đồng thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba này được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cố phần kỹ thương Việt Nam
Bị đơn: Bà Phạm Nhân Thùy Dung.
Ngày 07/10/2008, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (sau đây viết tắt là Ngân hàng) có ký Hợp đồng tín dụng số 1610/HĐTD/NH-TN/TCB-AL cho bà Phạm Nhân Thùy Dung – Hộ kinh doanh cá thể vay số tiền là 480.000.000 đồng, mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh, thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay đầu tiên, lãi suất vay (còn gọi là lãi suất vay trong hạn) (lãi suất linh hoạt), lãi suất nợ quá hạn = 1,5 lần lãi suất vay trong hạn, lãi suất phạt = 1,5 lần lãi suất vay trong hạn.
Để bảo đảm số tiền vay trên, ngày 15/10/2008 giữa bà Dung với Ngân hàng đã ký Hợp đồng thế chấp số 1610/HĐTC/TCB, tài sản thế chấp là căn hộ 8.16, tầng 9, thuộc Chung cư 62 Bà Hom, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu của bà Dung theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3124 do Ủy ban nhân dân quận 6, thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 03/9/2008. Hợp đồng thế chấp này đã được Phòng công chứng số 07, phường 12, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh xác nhận ngày 15/10/2008 và đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 16/10/2008 tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6, thành phố Hồ Chí Minh .
Do bà Dung không thực hiện nghĩa vụ thanh toán trả nợ Ngân hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng, nên Ngân hàng có đơn khởi kiện.
Tại Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 2887/2009/QĐKDTM-ST ngày 24/9/2009, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Bị đơn bà Phạm Nhân Thùy Dung sẽ thanh toán cho nguyên đơn số tiền vốn vay và lãi còn thiếu tính đến ngày 16/9/2009 theo Hợp đồng tín dụng, trong đó: vốn gốc là 480.000.000 đồng, lãi 117.147.048 đồng. Ngoài ra, bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn số tiền lãi phát sinh từ ngày 17/9/2009 cho đến khi thanh toán hết số tiền vốn gốc theo mức lãi suất quá hạn 2,63%/tháng của hợp đồng tín dụng.
Thời hạn thanh toán: 03 tháng, hạn chót là ngày 16/12/2009.
Nếu hết ngày 16/12/2009, bị đơn không trả đủ số tiền trên cho nguyên đơn thì thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành phát mãi tài sản thế chấp để bảo đảm thi hành án.
Sau khi có quyết định công nhận sự thỏa thuận, bà Ngô Thị Quỳnh Lan có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đã hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên, với lý do:
Nguồn gốc căn hộ số 3, Lô A, lầu 8, địa chỉ căn hộ: 8.16 Chung cư số 62 đường Bà Hom, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh là của bà Phạm Nhân Thùy Dung. Ngày 08/3/2008, bà Dung bán căn hộ này cho bà Ngô Thị Quỳnh Lan và cam kết trong tháng 4/2008 khi Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng dịch vụ thương mại Kiến Thành giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Ngô Thị Quỳnh Lan tại Phòng công chứng. Tuy nhiên, thực tế thì thủ tục chuyển nhượng nêu trên chưa được thực hiện. Do đó, nếu giữa bà Lan và bà Dung có mua bán thực thì Hợp đồng mua bán giữa hai bên chưa hoàn thành.
Sau khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số 3124/2008/GCN ngày 03/9/2008, bà Dung không làm thủ tục chuyển nhượng nhà cho bà Lan theo thỏa thuận mà lại đem nhà đó thế chấp cho Ngân hàng bằng Hợp đồng thế chấp tài sản số 1610/HĐTC/TCB ngày 15/10/2008 để vay số tiền là 480.000.000 đồng tại Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 1610/HĐTD/NH-TN/TCB-AL ngày 07/10/2008.
Quá trình giải quyết vụ án, bà Dung không khai về việc trước khi thế chấp nhà cho Ngân hàng, bà đã bán nhà cho bà Lan. Tòa án cũng không tiến hành xem xét, xác minh thực tế, do đó đã không biết được sự việc có diễn ra như bà Lan trình bày hay không để đưa bà Lan tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nên không tiến hành lấy lời khai của bà Lan, bà Nguyễn Thị Dung (nhân viên Công ty Kiến Thành), không thu thập hợp đồng mua bán nhà giữa bà Dung với bà Lan, dẫn đến các quan hệ pháp luật liên quan chặt chẽ với vụ án đã không được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, làm cho quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khó có thể thi hành được.
Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án này cần phải lấy lời khai của bà Lan, bà Nguyễn Thị Dung (là nhân viên Công ty Kiến Thành) thu thập Hợp đồng mua bán giữa bà Dung với bà Lan; đồng thời xác minh tại địa phương (Chính quyền, cơ quan Công an, tổ dân phố…) để làm rõ về việc mua bán nhà giữa bà Phạm Nhân Thùy Dung và bà Ngô Thị Quỳnh Lan là có thật hay không? Bà Lan có thực sự vào ở căn nhà nêu trên từ ngày 15/3/2008 hay không? Nếu có việc bà Dung bán nhà, nhận tiền của bà Lan, sau đó còn đem nhà đi thế chấp vay tiền Ngân hàng, thì hành vi của bà Dung có dấu hiệu hình sự cần phải chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
1.2. Trường hợp tài sản bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng thuộc sở hữu của hộ gia đình
Bộ luật dân sự 2005 quy định từ Điều 106 đến Điều 110 về hộ gia đình. Cụ thể: Hộ gia đình (Điều 106); đại diện của hộ gia đình (Điều 107); tài sản chung của hộ gia đình (Điều 108); chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản chung của hộ gia đình (Điều 109); về trách nhiệm dân sự của hộ gia đình (Điều 110), nhưng không có quy định cụ thể xác định các thành viên của hộ gia đình là những ai dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau trên thực tiễn để đảm bảo không bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 của Bộ luật dân sự 2005 thì Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý (Điều 109 Bộ luật dân sự 2005).
Theo quy định tại Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP thì các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình “phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự”. Nghĩa là hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ hành vi dân sự (từ đủ 15 tuổi trở lên) trong hộ gia đình ký tên hoặc ủy quyền cho người khác ký.
Hộ gia đình theo quy định tại Điều 106 của Bộ luật dân sự năm 2005 là “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này…” không đồng nhất với hộ gia đình có chung hộ khẩu hay ở chung một nhà. Do vậy, không có cơ sở pháp lý để xác định được ai là những thành viên của hộ gia đình. Bên cạnh đó, pháp luật đất đai lại không quy định căn cứ xác định các thành viên của Hộ gia đình sử dụng đất, cụ thể là các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất không được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đăng ký quyền sử dụng đất, hộ gia đình không buộc phải kê khai các thành viên của Hộ gia đình và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế hiện nay, các cơ quan công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất thường căn cứ vào sổ hộ khẩu để xác định thành viên trong hộ gia đình. Tuy nhiên, căn cứ này chưa chính xác vì không có cơ sở để đảm bảo rằng chỉ có những người được ghi tên trong sổ hộ khẩu mới là thành viên hộ gia đình do việc nhập, tách hộ khẩu được thực hiện dễ dàng thông qua các thủ tục hành chính. Do đó, đã gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng thế chấp tại cơ quan công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, rủi ro trong việc bỏ sót thành viên hộ gia đình gây ra tranh chấp ảnh hưởng đến hoạt động xử lý tài sản của người nhận thế chấp. Vì vậy, ngoài việc thu thập sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cần phải xác minh, thu thập bộ hồ sơ đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác minh tại chính quyền địa phương về việc tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình có bao nhiêu thành viên và lấy lời khai của những người biết sự việc này (như các hộ xung quanh)… Trên cơ sở các tài liệu thu thập được xác định đầy đủ, chính xác các thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là những ai được hưởng quyền sử dụng đất đó để đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, để tránh những trường hợp: cháu, hoặc người thân thích, họ hàng với chủ hộ “nhờ” cho đăng ký nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của hộ gia đình (ví dụ để hợp lý hóa công tác vv…), những người này có tên trong sổ hộ khẩu gia đình sau thời điểm hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì không được coi là thành viên của hộ gia đình (theo nghĩa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), và không được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng mà bên vay hoặc bên thế chấp bảo lãnh là hộ gia đình.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng phát triển Việt Nam;
– Bị đơn: Ông Mai Trung Triều – Chủ cơ sở Mai Trung Triều;
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết và ông Đặng Tuấn Hùng.
Để bảo lãnh cho khoản vay của ông Mai Trung Triều tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Vĩnh Long (nay là Ngân hàng phát triển Việt Nam- Chi nhánh Ngân hàng phát triển Vĩnh Long), bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đem quyền sử dụng đất (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Vĩnh Long cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết) thế chấp co ngân hàng. Hợp đồng bảo lãnh này chỉ có bà Tuyết ký còn chồng bà Tuyết là ông Đặng Tấn Hùng không ký nhưng vẫn được Ủy ban nhân dân phường chứng thực. Tòa án cấp sơ thẩm xử hủy bỏ Hợp đồng bảo lãnh vì hợp đồng bảo lãnh vô hiệu, còn Tòa án cấp phúc thẩm tuyên vô hiệu một phần Hợp đồng bảo lãnh. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã bị Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao hủy với lý do:
Tại đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đăng ký cho hộ gia đình bà trong đó bao gồm: bà, chồng bà là ông Đặng Tấn Hùng và 2 con là Đặng Nhã Uyên sinh năm 1989 và Đặng Quang Thái sinh năm 1995. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết.
Như vậy nhà và đất ở này là tài sản chung của hộ gia đình bà Tuyết. Nhưng tại Hợp đồng bảo lãnh tài sản số 48/2002/HĐBL ngày 15/11/2002 bằng quyền sử dụng đất giữa bà Tuyết với Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh Vĩnh Long chỉ có bà Tuyết ký mà ông Hùng (chồng bà Tuyết) không ký và bà Tuyết cũng không được ông Hùng ủy quyền ký hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: “vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”, khoản 2 Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất , tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ư; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ư” và theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật dân sự thì: “Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung…”.
Vì vậy, Hợp đồng bảo lãnh này bị vô hiệu toàn bộ theo quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định vô hiệu một phần và buộc chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết phải có trách nhiệm thực hiện thanh toán nợ đối với số tiền nợ của ông Mai Trung Triều với giá trị ½ tài sản của chị Tuyết trong hợp đồng bảo lãnh khi ông Mai Trung Triều trả không đủ nợ hoặc không trả được nợ cho Ngân hàng mà ông Triều không còn tài sản là không đúng.
Quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của vợ và chồng, tuy nhiên trên thực tế cũng có nhiều trường hợp chỉ ghi tên một người. Do đó, đối với trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân (trong Giấy chứng nhận chỉ ghi tên mỗi cá nhân) đã phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau sau khi cá nhân đó có vợ (hoặc chồng), cụ thể là: Có cơ quan công chứng yêu cầu cả hai vợ chồng cùng ký vào hợp đồng thế chấp, có cơ quan không yêu cầu hoặc khi giải quyết tranh chấp thì có Tòa án chấp nhận, nhưng cũng có Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, có Tòa án lại tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu một phần. Hoặc cũng có trường hợp tài sản là sở hữu chung của vợ chồng nhưng chỉ đứng tên sở hữu của vợ hoặc chồng, hoặc là di sản thừa kế chưa chia, nhưng người đem tài sản đó đi thế chấp, bảo lãnh cố tình dấu không cho phía Ngân hàng biết đây là tài sản chung của vợ chồng hoặc là di sản thừa kế chưa chia, nên giữa người đó và Ngân hàng đã ký hợp đồng bảo đảm để sử dụng tài sản đó bảo đảm cho khoản vay tại hợp đồng tín dụng. Hợp đồng bảo đảm này được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, khi gặp trường hợp này thì Tòa án cần hết sức lưu ý, tránh trường hợp để xẩy ra sai sót.
1.3. Trường hợp tài sản đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng là tài sản chung của vợ chồng
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng ở tỉnh Nghệ An giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam;
– Bị đơn: Công ty cổ phần xây dựng 16-Vinaconex;
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Xí nghiệp xây dựng 4; ông Trần Quốc Toản, bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản); ông Nguyễn Ngọc Hòa.
Trong vụ án này, ông Toản đem tài sản chung của vợ chồng ông Toản, bà Nga thế chấp tại Ngân hàng để bảo lãnh cho khoản vay của Xí nghiệp xây dựng 4 (trực thuộc Công ty xây dựng số II, nay là Công ty CP xây dựng 16) nhưng bà Nga không biết việc thế chấp, bảo lãnh này. Tòa án xác định tài sản mà ông Toản đem bảo lãnh là tài sản chung của ông Toản, bà Nga nhưng lại tuyên bố hợp đồng bảo lãnh “vô hiệu phần liên quan đến bà Phạm Thị Nga (vợ ông Toản), phần còn lại vẫn có hiệu lực” là không đúng. Bởi theo quy định tại Điều 144, Điều 232, Điều 233 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là Điều 135, Điều 217, Điều 219 Bộ luật dân sự năm 2005) thì tài sản chung của vợ chồng bị vô hiệu từng phần khi “một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của giao dịch”. Trong trường hợp này, tài sản mà ông Toản đem thế chấp, bảo lãnh do bà Nga đứng tên trong giấy chứng nhận; tài sản này là tài sản chung của vợ chồng hay của riêng bà Nga chưa được Tòa án các cấp làm rõ; khối tài sản này không thể phân chia. Mặt khác, nếu xác định tài sản chung của vợ chồng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là khoản 2 Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005) “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. Nếu hợp đồng bảo lãnh chỉ có mình ông Toản ký, bà Nga không ký và không biết việc ông Toản bảo lãnh cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay tiền Ngân hàng và sau đó bà Nga không đồng ý thì hợp đồng bảo lãnh bị vô hiệu toàn bộ chứ không phải bị vô hiệu một phần như Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định, quyết định. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 10/2013/KDTM-GĐT ngày 25/4/2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
1.4. Trường hợp đương sự đã khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và được Tòa án thụ lý trước khi Ngân hàng khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng tại Tòa án
Ví dụ: Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam.
– Bị đơn: Công ty TNHH Đại Hùng Vinh.
Ngày 23/6/2009, Công ty TNHH Đại Hùng Vinh có đơn xin vay tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam – Chi nhánh Minh Phụng và được Ngân hàng đồng ý cho vay theo Hợp đồng hạn mức tín dụng số 121/07/09HM ngày 16/7/2009 với số tiền vay là 3.900.000.000 đồng. Thời hạn vay 12 tháng từ ngày 17/7/2009 đến ngày 17/7/2010, lãi suất 0,875%/tháng, lãi suất này sẽ được điều chỉnh từng thời điểm theo quy định của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam.
Để bảo đảm cho khoản vay trên, Công ty TNHH Đại Hùng Vinh thế chấp tài sản là nhà và đất tọa lạc tại 40/100F Bis Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Phương Nam theo Hợp đồng thế chấp số 111/HĐTC/KD09. Hợp đồng thế chấp đã được Phòng công chứng nhà nước số 2 TP.HCM chứng nhận theo số công chứng 027995, quyển số 07/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 16/7/2009 và được đăng ký thế chấp ngày 17/7/2009 tại Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất – Sở tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh.
Đến hạn trả nợ vay nhưng Công ty TNHH Đại Hùng Vinh đã không thanh toán số tiền lãi theo đúng nội dung hợp đồng tín dụng nên Ngân hàng khởi kiện.
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 327/2010/QĐST-KDTM ngày 25/3/2010, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo đó, Công ty TNHH Đại Hùng Vinh có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam số tiền 4.247.083.669 đồng, bao gồm vốn vayvàlãi phát sinh Chậm nhất đến ngày 17/04-2010 .
Nếu Công ty TNHH Đại Hùng Vinh vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì các bên chấp nhận việc cơ quan Thi hành án có thẩm quyền tiến hành phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 26/2013/KDTM-KN ngày 18/7/2013, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Kinh tế đã hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên với lý do:
Theo Hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở số 007611/HĐ-MBCN ngày 28/2/2008 giữa bà Lê Thị Quí với Công ty TNHH Đại Hùng Vinh thì Công ty TNHH Đại Hùng Vinh đã nhận chuyển nhượng nhà và đất ở tại số 40/100F Bis Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh của bà Lê Thị Quí từ ngày 28/02/2008 theo hợp đồng nói trên và được cơ quan có thẩm quyền đăng ký thay đổi về chủ sở hữu nhà và sử dụng đất ngày 23/6/2008.
Ngày 09/3/2009, Tòa án nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án tranh chấp nhà số 40/100F Bis Nguyễn Thông, phường 9 giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Đại Hùng Vinh với bị đơn là bà Lê Thị Quí (bà Quí cũng có đơn phản tố); dù vụ án tranh chấp nhà chưa giải quyết xong, nhưng ngày 16/7/2009, Công ty TNHH Đại Hùng Vinh dùng nhà, đất nói trên thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam – Chi nhánh Minh Phụng để vay tiền.
Như vậy, việc Công ty TNHH Đại Hùng Vinh đem tài sản (nhà, đất) đang có tranh chấp thế chấp cho Ngân hàng để vay tiền là không đúng pháp luật, vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 91 Luật nhà ở năm 2005 và điểm b khoản 1 Điều 106 Luật đất đai. Do đó, việc thế chấp này là không hợp pháp. Do Công ty TNHH Đại Hùng Vinh rút đơn khởi kiện vụ án tranh chấp nhà và Tòa án không xem xét đơn phản tố của bà Lê Thị Quí mà đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng, nên bà Lê Thị Quí đã khởi kiện Công ty TNHH Đại Hùng Vinh yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà số 40/100F Bis Nguyễn Thông, phường 9 nói trên; đến nay vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà vẫn chưa giải quyết xong.
Trong khi vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Đại Hùng Vinh với bị đơn là bà Lê Thị Quí chưa được giải quyết thì ngày 17/3/2010, Công ty TNHH Đại Hùng Vinh thỏa thuận với Ngân hàng về việc xử lý tài sản thế chấp để thanh toán nợ và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc xử lý tài sản thế chấp là nhà và đất đang có tranh chấp trước đó là không đúng quy định của pháp luật.
2.Về việc tính lãi
Đối với các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng, một số Tòa án trong phần quyết định của bản án đã tuyên: “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án” là không chính xác; trong trường hợp này, việc tính lãi suất cho vay trong hạn và lãi suất nợ quá hạn đối với các khoản vay của Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải theo đúng hợp đồng đã ký kết và kể từ khi giao dịch cho đến khi thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng theo tinh thần hướng dẫn tại mục 3 phần I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản để tuyên: Bên phải thi hành án phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi kể từ sau ngày tuyên bản án sơ thẩm đối với khoản nợ gốc cho đến khi thanh toán xong, theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng.
Ví dụ: Vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội;
– Bị đơn là Công ty TNHH sản xuất – xuất nhập khẩu Tân Đại Phát;
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Nguyễn Văn Cường, bà Trần Thị Thúy Ngọc.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 19/2013/KDTM-GĐT ngày 24/6/2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng pháp luật, trong đó có lý do: Việc Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội có đơn đề nghị thi hành án hợp pháp, Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, mà Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất – xuất nhập khẩu Tân Đại Phát không thi hành khoản tiền nợ trên thì hàng tháng phải chịu lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án” là không chính xác vì “khoản tiền nợ trên” được hiểu bao gồm cả tiền nợ gốc và tiền nợ lãi nên số tiền lãi sẽ tiếp tục bị tính lãi là không đúng. Với cách tuyên như nêu trên thì về thời điểm tiếp tục chịu lãi, mức lãi suất được tính lãi theo suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là không đúng. Đối với trường hợp này Tòa án cần phải tuyên… Công ty TNHH sản xuất – xuất nhập khẩu Tân Đại Phát phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi đối với khoản nợ gốc kể từ sau ngày tuyên bản án sơ thẩm cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này, theo mức lãi suất mà hai bên thoả thuận trong hợp đồng tín dụng”.
*Ngoài ra, cũng cần lưu ý, nếu tại hợp đồng tín dụng mà các bên thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất thì trong phần quyết định của bản án, Tòa án các cấp phải quyết định như sau: “Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam.
– Bị đơn: Công ty cổ phần dược phẩm Kaoli.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Phượng, ông Nguyễn Đăng Duyên, bà Đỗ Thị Loan.
Và vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn;
– Bị đơn: Công ty TNHH sản xuất – xuất nhập khẩu Tân Đại Phát.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” cũng là không đúng. Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.
3. Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không đúng
Ví dụ: Vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng, giữa:
– Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam;
– Bị đơn: Công ty TNHH Tùng Thư;
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Ngô Văn Dũng, bà Nguyễn Thị Tuyết.
Ngày 24/3/2009, Công ty TNHH Tùng Thư và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàng Mai ký Hợp đồng tín dụng số 136020/24/03/2009/HĐTD/NH-T.THƯ với nội dung (tóm tắt): Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (sau đây viết tắt theo tên giao dịch là Vietinbank) cho Công ty TNHH Tùng Thư (sau đây viết tắt là Công ty Tùng Thư) vay 3.000.000.000 đồng; thời hạn vay 06 tháng, kể từ ngày giải ngân đầu tiên; lãi suất cho vay trong hạn là 10.5%/năm. Khoản vay trên có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại xóm 19 (nay là xóm 6) xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 765939/QSDĐ do UBND huyện Từ Liêm cấp ngày 07/9/2007 cho bà Nguyễn Thị Mai và quyền sử dụng đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00433/QSDĐ do UBND huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cấp ngày 22/9/2003 cho bà Nguyễn Thị Tuyết. Việc bảo đảm được thể hiện tại Hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ ba số 127/HĐTC/2008/HNM ngày 9/9/2008 và Hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ ba số 125/HĐTC/2008/HNM ngày 9/9/2008, bên thế chấp là ông Hoàng Anh Quân ký theo ủy quyền của bà Tuyết, ông Ngô Văn Dũng (chồng bà Tuyết) và của bà Mai (Hợp đồng ủy quyền ngày 31/7/2008; Hợp đồng ủy quyền ngày 27/8/2008).
Do Công ty Tùng Thư vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Vietinbank khởi kiện yêu cầu Công ty Tùng Thư trả nợ gốc và lãi suất theo quy định của pháp luật.
Tại Biên bản hòa giải ngày 18/3/2011, Vietinbank trình bày: “Hiện nay Công ty TNHH Tùng Thư còn nợ Ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng số 136020/24/03/2009/HĐTD/NH-T.THƯ là 2.980.000.000 đồng nợ gốc và 636.466.250 đồng nợ lãi… Ngân hàng đề nghị Công ty TNHH Tùng Thư trả nợ toàn bộ gốc và lãi nêu trên”. Công ty Tùng Thư xác nhận số nợ Vietinbank nêu ra, đề nghị cho thanh toán nợ trong thời hạn 06 tháng (kể từ ngày 25/3/2011) và đề nghị giảm phần lãi suất. Vietinbank đã tự nguyện giảm cho Công ty Tùng Thư 136.466.250 đồng tiền lãi và đồng ý cho Công ty Tùng Thư thanh toán nợ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày 25/5/2011, mỗi tháng trả 696.000.000 đồng. Như vậy, về khoản nợ gốc và lãi hai bên không có tranh chấp, đã thỏa thuận được với nhau. Cho nên, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc Công ty Tùng Thư còn phải thanh toán trả cho Vietinbank 2.980.000.000 đồng nợ gốc và 500.000.000 đồng nợ lãi. Tổng cộng 3.480.000.000 đồng là có căn cứ.
Tuy nhiên, về việc xử lý tài sản đảm bảo thì nội dung Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 35/2011/QĐST-KDTM ngày 28/3/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không phù hợp với nội dung các đương sự thoả thuận được thể hiện tại Biên bản hoà giải và Biên bản hoà giải thành ngày 18/3/2011 và có một số nội dung thỏa thuận được ghi trong biên bản hòa giải thấy rất chung chung, không được rõ ràng. Tại Biên bản hoà giải và Biên bản hoà giải thành chỉ ghi: “Trường hợp Công ty TNHH Tùng Thư không thanh toán được nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị xử lý tài sản bảo lãnh thế chấp theo quy định của pháp luật”. Nhưng trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự lại ghi: “Khi Công ty TNHH Tùng Thư trả xong nợ gốc và lãi, Ngân hàng sẽ giải chấp và trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người bảo lãnh thế chấp. Trường hợp Công ty TNHH Tùng Thư không thanh toán được khoản nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị xử lý tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất tại địa chỉ xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00433/QSDĐ ngày 22/9/2003 do UBND thành phố Hà Nội cấp cho chủ sử dụng đất ở bà Nguyễn Thị Tuyết và quyền sử dụng đất tại địa chỉ xóm 19 (nay là xóm 6) xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã được cấp sô AB 765939/QSDĐ ngày 07/9/2007 do UBND huyện Từ Liêm cấp cho chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị Mai”. Theo Hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ ba (tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên bà Mai) số công chứng: 125/HĐTC/2008/HNM ngày 9/9/2008 thì tài sản này bảo đảm cho tổng dư nợ tối đa là 2.293.0000.000 đồng. Còn Hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ ba (tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên bà Tuyết) số công chứng: 127/HĐTC/2008/HNM ngày 9/9/2008 thì tài sản này bảo đảm cho tổng dư nợ tối đa là 1.411.0000.000 đồng. Nhưng theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì những người bảo đảm trên phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với khoản nợ của Công ty TNHH Tùng Thư là không đúng với phạm vi bảo đảm.
4. Vướng mắc về tranh chấp hợp đồng tín dụng về vàng
Ví dụ: Vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng, giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam;
Bị đơn: Ông Nguyễn Thế Cường.
Căn cứ vào nội dung của Hợp đồng tín dụng số 005/12/08/TC-20 ngày 05/12/2008; Hợp đồng thế chấp ngày 05/12/2008; Lệnh giải ngân; Phiếu giải ngân vàng; các phiếu mua vàng ngày 06/12/2008; các Phiếu thu tiền vay vàng các ngày 29/9/2009, ngày 27/10/2009, ngày 10/11/2009, ngày 4/3/2010, ngày 27/3/2010, ngày 17/5/2010; Giấy đề nghị mua vàng ngày 29/9/2009, ngày 27/10/2009, ngày 10/11/2009, ngày 04/3/2010 và các Phiếu bán vàng kèm theo; Bảng kê các loại vàng nộp vào Ngân hàng ngày 27/3/2010…; có căn cứ xác định Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Phương Nam và ông Nguyễn Văn Cường là hợp đồng vay vàng. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Cường nhận tiền đồng Việt Nam bằng cách làm thủ tục nhận 300 lượng vàng SJC; sau đó, làm thủ tục bán lại cho Ngân hàng Phương Nam theo tỷ giá vàng tại thời điểm nhận nợ là 16.500.000 đồng/lượng, tổng thành tiền là 4.950.000.000 đồng. Khi thanh toán (gốc và lãi) thì: hoặc là thanh toán bằng vàng hoặc là làm thủ tục mua vàng của Ngân hàng Phương Nam để thanh toán. Điều này phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Đây là giao dịch tự nguyện và phù hợp với quy định tại Điều 7 (“Tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động bằng vàng để cho vay bằng vàng đối với khách hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn cho sản suất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống hoặc chuyển đổi thành nguồn vốn bằng tiền để cho vay bằng Việt Nam đồng bảo đảm giá trị theo giá vàng và đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tổ chức tín dụng… bằng vàng) và Điều 8 (“Việc cho vay vốn bằng vàng, bằng Việt Nam đồng bảo đảm giá trị theo giá vàng được thực hiện theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 284/2000/QĐ- NHNN ngày 25/8/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”) của Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN ngày 03/10/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị bằng vàng của các tổ chức tín dụng và phù hợp với quy định tại tiểu mục 2 mục I Phần B Biểu lãi suất cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 885 QĐ/HĐQT.2008 ngày 26/11/2008 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam về việc ban hành biểu lãi suất cho vay dành cho khách hàng là cá nhân và tổ chức. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Đơn đề nghị vay vốn ngân hàng ngày 30/10/2008, lời trình bày của ông Cường là nhận tiền vay bằng đồng Việt Nam để xác định Hợp đồng tín dụng số 005/12/08TC-20 ngày 05/12/2008 giữa Ngân hàng Phương Nam với ông Cường là hợp đồng vay tiền chứ không phải vay vàng là không đúng bản chất của hợp đồng.
– Về số nợ gốc, nợ lãi: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ số tiền, vàng nợ lãi mà ông Cường đã thanh toán cho Ngân hàng Phương Nam là bao nhiêu. Riêng số nợ gốc đã thanh toán: Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ xác định ông Cường đã thanh toán được 20/300 lượng vàng SJC đã nhận.
– Về lãi suất: Do Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng tín dụng nêu trên là hợp đồng vay bằng VNĐ nên đã xác định lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng là lãi suất vay bằng VNĐ (không phải lãi suất vay vàng). Tuy nhiên, do xác định Hợp đồng tín dụng số 005/12/08TC-20 là hợp đồng tín dụng cho vay vàng nhưng trong hợp đồng các bên lại thỏa thuận không rõ ràng về lãi suất tính bằng tiền đồng hay là vàng (“lãi suất vay là 1,375% tháng, mức lãi suất cho vay này sẽ được tự động điều chỉnh theo quy định của Ngân hàng Phương Nam trong từng thời kỳ; tuy nhiên, mức lãi suất cho vay này không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước ban hành từng thời kỳ, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn”) nên khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cần làm rõ lại và giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bị đơn, đồng thời có văn bản hỏi ý kiến Ngân hàng Nhà nước về việc áp dụng mức lãi suất như thế nào cho đúng.
III. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
1. Vấn đề xác định địa chỉ của bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Về vấn đề này, cần thực hiện theo đúng hướng dẫn tại khoản 5 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP đó là: “Việc xác định nơi cư trú, làm việc, nơi có trụ sở quy định tại Điều 35 của BLTTDS được xác định tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự“, và tại các khoản 5, 6, 7 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đó là:
“5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.
6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc tìm địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Tuy nhiên, theo thực tiễn xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại, thường gặp một số trường hợp cụ thể, đó là nguyên đơn cho rằng đã cung cấp đầy đủ, đúng địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại thời điểm khởi kiện, nhưng khi Tòa án tiến hành tống đạt các văn bản tố tụng thì đương sự lại không còn ở tại địa chỉ mà nguyên đơn đã cung cấp dẫn đến việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không có hiệu quả, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng quy định của pháp luật về tố tụng, trước hết, Tòa án cần phải thực hiện đúng các quy định tại Chương X Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung) về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
Đối với cá nhân, trước hết phải thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho họ theo đúng quy định tại Điều 152 BLTTDS; đối với cơ quan, tổ chức, phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 153 BLTTDS. Nếu việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp không có hiệu quả thì thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 154 BLTTDS. Nếu việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo thì thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 155 BLTTDS.
Sau khi đã thực hiện đúng các thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng như đã nêu trên mà đương sự vẫn không đến Tòa án để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thì Tòa án căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại khoản 6 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
Từ thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có thể nêu nêu một ví dụ có liên quan đến việc xác minh thu thập địa chỉ của đương sự như sau:
Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và bị đơn là Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Hải Long.
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102151 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Hải Long (đăng ký lần đầu ngày 29/11/2004, đăng ký thay đổi lần thứ năm ngày 31/01/2007) thì ông Hồ Thăng Long có địa chỉ nơi cư trú (thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 01020151…) ở tổ 69, phường Nguyễn Thái Học, thị xã Yên Bái, tỉnh yên Bái, là Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2007; ông Hồ Thăng Long là người đã ký hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 1,2 tỷ đồng. Còn bà Phan Thanh Huyền là người đại diện theo pháp luật của Công ty từ năm 2007 đến nay. Bà Huyền đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu tập thể Vĩnh Tuy 2, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và ở tại số 68 ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tòa án chỉ xác minh nơi cư trú của bà Huyền tại địa chỉ nơi ở tại số nhà 68 ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (kết quả xác minh không có ai tên Phan Thanh Huyền) mà không xác minh tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bà Huyền nên không tìm được bà Huyền.
Bà Hoa Thị Mai là thành viên Công ty Hải Long (theo ông Thường khai: bà Mai là người đã giới thiệu vợ chồng ông vay tiền và làm các thủ tục bảo lãnh cho Công ty vay tiền) có địa chỉ tại số 69, phường Nguyễn Thái Học, thị xã Yên Bái, tỉnh Yên Bái (cùng địa chỉ với ông Hồ Thăng Long).
Ông Long và bà Mai là những người có liên quan đến việc vay tiền; là những người có trách nhiệm trong Công ty Hải Long nhưng Tòa án không lấy lời khai của ông Long, bà Mai về địa chỉ mới của Công ty, về quá trình hoạt động, về việc vay và trả tiền cho VIB (đặc biệt là lời khai của ông Long về việc bàn giao công nợ giữa ông Long với bà Huyền) là thiếu sót.
Đối với ông Nguyễn Đình Bang là thành viên sáng lập của Công ty Hải Long: Tòa án chỉ gửi giấy triệu tập theo địa chỉ có trong hồ sơ vụ án mà không xác minh tại chỗ nên không có hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thủy là thành viên hiện tại của Công ty Hải Long, có hai địa chỉ: Đăng ký hộ khẩu thường trú tại tập thể Diêm Đức Giang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Tòa án chỉ gửi giấy triệu tập theo địa chỉ này nhưng không có kết quả mà không xác minh trực tiếp) và ở tại: khu tập thể nhà máy A6-T22 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội nhưng Tòa án không gửi giấy triệu tập theo địa chỉ này và cũng không tiến hành xác minh bà Thủy có ở đây không, dẫn đến việc tống đạt văn bản tố tụng cho bà Thủy không có kết quả.
Như vậy, việc xác minh, thu thập chứng cứ để tìm địa chỉ của Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hải Long và những người có liên quan chưa được Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện đầy đủ, đúng quy định dẫn đến việc tống đạt các văn bản tố tụng không đạt kết quả, không hợp lệ.
Trong trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở thời điểm khởi kiện và không có căn cứ kết luận bị đơn cố tình dấu địa chỉ thì nếu đã thụ lý vụ án Tòa án phải căn cứ điểm d khoản 1 Điều 168; điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa đưa ra được chứng cứ chứng minh bị đơn cố tình dấu địa chỉ mà đã mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn là không đúng.
Hiện nay Công ty Hải Long chuyển đến địa điểm nào chưa được xác minh làm rõ. Các thành viên còn lại của Công ty Hải Long và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc vay tiền chưa được lấy lời khai; số tiền nợ gốc mà VIB yêu cầu Công ty Hải Long phải thanh toán không thống nhất: theo Thông báo chuyển nợ quá hạn là 1.182.700.000 đồng; theo Đơn khởi kiện ngày 10/11/2006 là 1.182.618.921 đồng; theo Đơn thay đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 27/3/2007 là 1.132.610.920 đồng; theo Đơn khởi kiện (thay đổi bổ sung) ngày 07/01/2008 là 1.132.602.919 đồng…) nên chưa có đủ căn cứ xác định số nợ phải trả theo yêu cầu của VIB.
2. Vấn đề giải quyết tranh chấp về thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng
Thực tiễn giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng trong thời gian qua cho thấy: Trong hợp đồng tín dụng được ký giữa Ngân hàng với khách hàng vay, ngoài các nội dung phải có theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật các tổ chức tín dụng như nọi dung về điều kiện vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn trả nợ gốc và lãi, về các loại phí khách hàng phải thanh toán, về biện pháp bảo đảm… một số Ngân hàng còn buộc khách hàng vay phải thỏa thuận (chấp nhận) chịu thêm khoản tiền phạt trên tổng số dư nợ gốc và lãi hoặc trên số tiền lãi chậm trả. Khi xảy ra tranh chấp, các bên thường thống nhất được với nhau về số tiền đã vay, về số tiền lãi trong hạn cũng như quá hạn, số tiền gốc và số tiền lãi đã trả; số tiền gốc và số tiền lãi còn nợ, nhưng thường không thống nhất được với nhau về việc phạt vi phạm hợp đồng mặc dù trong hợp đồng tín dụng đã có thỏa thuận về vấn đề này. Hiện nay, các Tòa án cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang có quan điểm khác nhau về giải quyết các vụ án có tranh chấp về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng thỏa thuận giữa Ngân hàng và khách hàng về phạt vi phạm hợp đồng là phù hợp quy định của pháp luật (Bộ luật dân sự) và nếu xảy ra tranh chấp thì Tòa án cần phải chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Quan điểm thứ hai cho rằng thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng như nêu trên là không phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng. Vì vậy, không thể chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (nếu có).
Do còn có quan điểm khác nhau về vấn đề phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng như nêu trên, nên theo đề nghị của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tổ chức họp liên ngành để bàn và cho ý kiến xử lý về vấn đề này.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tòa Kinh tế đề xuất hướng giải quyết theo một trong hai phương án sau đây:
– Khi nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng (và trong quá trình giải quyết vụ án) theo ðõn khởi kiện của Ngân hàng) mà trong ðó có yêu cầu về việc buộc khách hàng vay phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp ðồng thì nên giải thích để Ngân hàng xem xét có tiếp tục yêu cầu khách hàng vay phải chịu khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng hay không; nếu Ngân hàng không yêu cầu Tòa án xem xét yêu cầu buộc khách hàng vay chịu khoản tiền phạt nữa thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
– Nếu Ngân hàng vẫn có yêu cầu buộc khách hàng vay phải chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng tín dụng thì nên tách yêu cầu phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng để giải quyết bằng vụ án khác khi có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này.
BÀI 5:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
I. TỔNG QUAN VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
1. Khái niệm
Khái niệm hợp đồng bảo hiểm được quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật dân sự và Bộ luật hàng hải. Cụ thể:
– Theo quy định tại Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2010) thì hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Điều 567 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định: Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trong đó, sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm (hoặc người nhận thế chấp tài sản trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bị thế chấp – Điều 346 và Điều 571 Bộ luật dân sự năm 2005).
– Còn Điều 224 Bộ Luật hàng hải năm 2005 thì quy định: Hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải, theo đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo cách thức và điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng.
Rủi ro hàng hải là những rủi ro xảy ra liên quan đến hành trình đường biển, bao gồm các rủi ro của biển, cháy, nổ, chiến tranh, cướp biển, trộm cắp, kê biên, quản thúc, giam giữ, ném hàng xuống biển, trưng thu, trưng dụng, trưng mua, hành vi bất hợp pháp và các rủi ro tương tự hoặc những rủi ro khác được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm hàng hải có thể mở rộng theo những điều kiện cụ thể hoặc theo tập quán thương mại để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm đối với những tổn thất xảy ra trên đường thủy nội địa, đường bộ hoặc đường sắt thuộc cùng một hành trình đường biển.
2. Tính chất của hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm có một số tính chất chung trong khuôn khổ những quy định của luật pháp về hợp đồng dân sự; ngoài ra, nó còn có một số tính chất riêng biệt như sau:
– Hợp đồng bảo hiểm mang tính thỏa thuận: Hợp đồng bảo hiểm được thiết lập dựa trên sự chấp thuận của cả đôi bên trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự do giao kết trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội.
– Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ: Các bên ký kết đều có quyền và nghĩa vụ, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Người bảo hiểm phải đảm bảo cho các rủi ro còn người được bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm.
– Hợp đồng bảo hiểm có tính chất may rủi: Nếu không tồn tại rủi ro (sự kiện bảo hiểm) thì không có việc giao kết cũng như tồn tại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.
– Hợp đồng bảo hiểm có tính chất tin tưởng tuyệt đối: Mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và người bảo hiểm được thiết lập trong tình trạng tạo ra rủi ro cho nhau. Do đó, để tồn tại và có thể thực hiện thì hai bên phải có sự tin tưởng lẫn nhau và trung thực.
– Hợp đồng bảo hiểm có tính chất phải trả tiền: Mối quan hệ quyền và nghĩa vụ giữa hai bên thể hiện ở mối quan hệ tiền tệ. Trong hợp đồng bảo hiểm, người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm tất cả những tổn thất thiệt hại đến với đối tượng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Và ngược lại, người được bảo hiểm cam kết nộp phí bảo hiểm.
– Hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng có thể chuyển nhượng được: Người tham gia bảo hiểm có thể chuyển nhượng quyền được hưởng lợi ích trong hợp đồng mà mình đã ký với người bảo hiểm cho người khác. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có thể thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm hoặc tập quán quốc tế. Đó là: “1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 2. Việc chuển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận về việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế”.
– Hợp đồng bảo hiển có tính chất gia nhập: Hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng theo mẫu. Quy tắc bảo hiểm (nội dung chính của hợp đồng) do người bảo hiểm soạn thảo trước, bên mua bảo hiểm sau khi đọc thấy phù hợp với nhu cầu của mình thì gia nhập vào.
– Hợp đồng bảo hiểm có tính dân sự – thường mại hỗn hợp: Bên mua bảo hiểm, người bảo hiểm có thể là một thể nhân hoặc pháp nhân. Do đó, mối quan hệ giữa họ, cụ thể là hợp đồng bảo hiểm sẽ có thể có tính dân sự hay thương mại thuần túy hoặc dân sự – thương mại hỗn hợp.
3. Phân loại hợp đồng bảo hiểm
Có rất nhiều loại hợp đồng bảo hiểm tùy thuộc vào tiêu chí phân loại khác nhau.
– Căn cứ vào đối tượng của hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm được chia thành: hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Điều 568 Bộ luật dân sự năm 2005).
– Căn cứ vào sự tự nguyện của các bên trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm được chia thành hợp đồng bảo hiểm tự nguyện và hợp đồng bảo hiểm bắt buộc.
– Căn cứ vào tính phái sinh trong việc xác lập quan hệ bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm được chia thành hợp đồng bảo hiểm ban đầu và hợp đồng bảo hiểm phái sinh (tái bảo hiểm).
Ngoài ra, tùy từng loại hợp đồng bảo hiểm cụ thể mà còn có các loại bảo hiểm trùng, bảo hiểm trên giá trị, bảo hiểm dưới giá trị…
Theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
+ Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm con người; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
+ Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật hàng hải; đối với những vấn đề mà Bộ luật hàng hải không quy định thì áp dụng theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm.
+ Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.1. Hợp đồng bảo hiểm con người
Hợp đồng bảo hiểm con người là hợp đồng bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm là tuổi thọ, tính mạng, tình trạng sức khỏe và khả năng lao động của con người.
Đối với bảo hiểm con người, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm các bên không xác định được giá trị bảo hiểm, mà chỉ thỏa thuận đưa ra giới hạn trách nhiệm. Giới hạn trách nhiệm là khoản tiền cao nhất mà người bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả trong mọi trường hợp khi có sự cố bảo hiểm xảy ra. Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam gọi là số tiền bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 578 Bộ luật dân sự năm 2005 thì “Trong trường hợp bảo hiểm tính mạng thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người đại diện theo uỷ quyền của họ; nếu bên được bảo hiểm chết thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm”.
3.2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là hợp đồng bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản (Điều 40 Luật kinh doanh bảo hiểm).
Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, khi giao kết hợp đồng các bên xác định ngay được giá trị bảo hiểm của đối tượng bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm tài sản là giá trị thực tế của tài sản ở thời điểm tham gia bảo hiểm cộng với phí bảo hiểm.
Giá trị bảo hiểm tài sản là cơ sở để xác định số tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm là số tiền người được bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó và được bảo hiểm chấp nhận (Điều 41 Luật kinh doanh bảo hiểm).
Theo quy định tại Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:
1. Bên bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm theo các điều kiện đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Trong trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm được chuyển cho người khác thì chủ sở hữu mới đương nhiên thay thế chủ sở hữu cũ trong hợp đồng bảo hiểm, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản. Chủ sở hữu cũ là bên mua bảo hiểm phải báo cho chủ sở hữu mới biết về việc tài sản đã được bảo hiểm, báo kịp thời cho bên bảo hiểm về việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản.
Theo quy định tại Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:
1. Bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm trong thời hạn đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm.
2. Trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm thì phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả.
3. Trong trường hợp bên được bảo hiểm cố ý để xảy ra thiệt hại thì bên bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm; nếu do lỗi vô ý của người được bảo hiểm thì bên bảo hiểm không phải trả một phần tiền bảo hiểm tương ứng với mức độ lỗi của bên được bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:
1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng cần thiết mà mình biết để bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu đối với người thứ ba.
2. Trong trường hợp bên được bảo hiểm đã nhận số tiền bồi thường thiệt hại do người thứ ba trả, nhưng vẫn ít hơn số tiền mà bên bảo hiểm phải trả thì bên bảo hiểm chỉ phải trả phần chệnh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền mà người thứ ba đã trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu bên được bảo hiểm đã nhận tiền bảo hiểm nhưng ít hơn so với thiệt hại do người thứ ba gây ra thì bên được bảo hiểm vẫn có quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và tiền bồi thường thiệt hại.
Bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả cho bên được bảo hiểm.
– Luật kinh doanh bảo hiểm Việt nam chia hợp đồng bảo hiểm tài sản thành ba loại:
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
Theo quy định tại Điều 42 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
2. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm.
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị.
Theo quy định tại Điều 43 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm trùng.
Theo quy định tại Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
2. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản bảo hiểm.
3.3. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là hợp đồng bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật (Điều 52 Luật kinh doanh bảo hiểm).
Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.
Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 53 Luật kinh doanh bảo hiểm).
Theo quy định tại Điều 580 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:
1. Trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm hoặc cho người thứ ba theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm đối với thiệt hại mà bên mua bảo hiểm đã gây ra cho người thứ ba theo mức bảo hiểm đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người thứ ba thì có quyền yêu cầu bên bảo hiểm phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả cho người thứ ba, nhưng không vượt quá mức trả bảo hiểm mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định.
Cũng giống như bảo hiểm con người, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, người ta cũng không thể xác định được giá trị bảo hiểm. Vì vậy khi giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, các bên tham gia chỉ thỏa thuận hạn mức trách nhiệm và Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam gọi là số tiền bảo hiểm. Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, số tiền bảo hiểm chính là giới hạn trách nhiệm cao nhất của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm. Trách nhiệm của người bảo hiểm chỉ phát sinh khi người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại cho người thứ ba do lỗi của người được bảo hiểm gây nên trong thời gian bảo hiểm.
4. Hình thức và nội dung của hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm và Điều 570 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
đ) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
h) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
i) Các quy định giải quyết tranh chấp;
k) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
Ngoài những nội dung trên đây, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.
Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi nó được ký kết giữa người bảo hiểm với người người tham gia bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm (nếu không có thỏa thuận khác. Ví dụ: Thỏa thuận về thời hạn và phương thức nộp phí bảo hiểm).
5. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Theo quy định tại Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu trong các trường hợp sau:
– Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi bảo hiểm.
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại.
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
– Bên mua hoặc bên bán bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
6. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm thì ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm;
2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 24 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
1. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
2. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
3. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
4. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
7. Về thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hai năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp (Điều 257 Bộ luật hàng hải).
II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TẠI TÒA ÁN
Thông thường tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm đều xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của một hoặc cả hai bên ký kết với lỗi cố ý hoặc vô ý nên đã làm trái với các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.
Khi tranh chấp phát sinh các bên có quyền thương lượng, hòa giải, khiếu nại để giải quyết những bất đồng về việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án tuân theo các quy tắc tố tụng quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011- sau đây gọi tắt là BLTTDS).
1. Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại liên quan đến hợp đồng bảo hiểm
Để xác định việc khởi kiện (yêu cầu khởi kiện) của đương sự có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án kinh doanh, thương mại không cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 29 BLTTDS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các vụ việc dân sự và về Điều 29 BLTTDS (Điểm b và d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP).
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS, thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, trong đó bao gồm tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 29 BLTTDS.
– Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì ngoài nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, thì “Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.
Với các quy định nêu trên cho thấy tiêu chí “đều có mục đính lợi nhuận” là dấu hiệu đặc trưng bắt buộc để phân biệt vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại với vụ án tranh chấp về dân sự. Điều này phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2005: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” và khoản 1 Điều 3 Luật thương mại năm 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
– Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 BLTTDS và theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 60/2011/QH12 ngày 29/3/2011 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) thì kể từ ngày 01/01/2012, Tòa án nhận dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại liên quan đến hợp đồng bảo hiểm được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 29 BLTTDS, trừ những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS.
– Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì “…Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc dân sự mới phát hiện được vụ việc dân sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách khác, thì Toà chuyên trách đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung, nhưng cần ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định theo đúng hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này” (Về việc ghi ký hiệu: Đối với bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm thì ghi ký hiệu: KDTM-ST; ví dụ: Số 20/2013/KDTM-ST; Đối với bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm, thì ghi ký hiệu: KDTM-PT, ví dụ: Số 10/2013/DS-PT. Về việc ghi trích yếu: Cần xác định tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại khoản nào tương ứng của Điều 29 của BLTTDS, để ghi vào phần trích yếu của bản án, quyết định. Trong trường hợp tại khoản tương ứng của Điều 29 của BLTTDS quy định nhóm tranh chấp thì cần ghi cụ thể tranh chấp được giải quyết).
– Còn theo quy định tại Điều 37 BLTTDS thì “1.Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị quyết định này trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng.
2. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
3. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau hoặc giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết”.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo cấp Tòa án; theo lãnh thổ; theo sự lựa chọn của các đương sự
Để xác định vụ án kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án cấp nào (cấp huyện hay cấp tỉnh) cần phải căn cứ vào điểm b khoản 1 và khoản 3 điều 33 và Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về khoản 3 Điều 33 BLTTDS tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP).
Lưu ý: Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì: “a) Đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS; được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
b) Đối với vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 và điểm b khoản 1 Điều 34 BLTTDS, Toà án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 BLTTDS.
Để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng bảo hiểm của Toà án theo lãnh thổ cần phải căn cứ quy định tại các điểm a (Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về…kinh doanh, thương mại…quy định tại điều…29…của Bộ luật tố tụng dân sự) và b (Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về…kinh doanh, thương mại…quy định tại điều 29 của Bộ luật tố tụng dân sự) khoản 1 Điều 35 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng bảo hiểm của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn cần phải căn cứ quy định tại các điểm a (Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết); b (Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết); c (Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam… thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết); đ (Nếu tranh chấp về…bảo hiểm xã hội…thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết); g (Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết); h (Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết) khoản 1 Điều 36 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Khi xem xét các vấn đề về thẩm quyền nêu trên của Toà án, cần lưu ý hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (về quy định tại Điều 35 và khoản 1 Điều 36 của BLTTDS) tại Điều 8 và Điều 9 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP. Cụ thể :
“1. Về nguyên tắc chung thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.
2. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản thì có quyền yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết. Việc thỏa thuận đó không được trái với quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS.
Ví dụ: Trong vụ án, nguyên đơn A cư trú tại huyện M của tỉnh N và bị đơn B cư trú tại huyện X của tỉnh Y. Theo nguyên tắc Tòa án huyện X tỉnh Y nơi bị đơn B cư trú có thẩm quyền. Nếu các bên thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn A cư trú thì phải bảo đảm thẩm quyền của cấp Tòa án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện thì thỏa thuận chỉ được chấp nhận khi các đương sự thỏa thuận Tòa án huyện M của tỉnh N giải quyết. Nếu các đương sự thỏa thuận Tòa án tỉnh N giải quyết thì thỏa thuận đó không được chấp nhận”.
“1. Khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, thì ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS về thẩm quyền của các cấp Tòa án, cần phân biệt như sau:
a) Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự phải có điều kiện, thì Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khi điều kiện đó xảy ra.
Ví dụ: Điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy định: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Như vậy, chỉ trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn mới có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
b) Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không cần bất cứ điều kiện nào, thì Tòa án chấp nhận yêu cầu đó…trong trường hợp này việc yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự không đòi hỏi phải có bất kỳ điều kiện nào, nên nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
2. Trong trường hợp nguyên đơn, người yêu cầu được quyền lựa chọn nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự (ví dụ: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS), thì khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án phải giải thích cho họ biết là chỉ có một Tòa án trong các Tòa án được Điều luật quy định mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự để họ lựa chọn. Cho nên người khởi kiện, người yêu cầu phải cam kết trong đơn khởi kiện hoặc trong đơn yêu cầu là không khởi kiện hoặc không yêu cầu tại các Tòa án khác.
Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu nộp đơn khởi kiện, nộp đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau được Điều luật quy định, thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Các Tòa án khác, nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; nếu đã thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 và điểm i khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, xoá tên vụ việc dân sự đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự.
Nếu đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án căn cứ vào khoản 3 Điều 193 của BLTTDS trả lại tiền tạm ứng án phí cho người đã nộp”.
– Khi xét thấy vụ án đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp, thì Tòa án đã thụ lý vụ án ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Trong trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án không phải trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự mà tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Quyết định chuyển hồ sơ vụ án do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ký tên và đóng dấu của Tòa án. Quyết định này phải được gửi ngay cho đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tòa án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ án và hồ sơ vụ án phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ án đó theo quy định chung.
3. Về áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm (khi nào áp dụng Bộ luật dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật hàng hải… và tập quán quốc tế)
Theo quy định tại Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện như sau:
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Việc áp dụng Bộ luật dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật hàng hải… và tập quán quốc tế được quy định cụ thể như sau:
Bộ luật dân sự quy định chung về các quan hệ dân sự và việc áp dụng được quy định cụ thể tại Điều 2, Điều 3. Trong đó, Điều 2 quy định:
“2. Bộ luật dân sự được áp dụng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Bộ luật dân sự được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
Theo Điều 3 Bộ luật dân sự về áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật thì: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”.
Theo quy định tại Điều 2 Luật kinh doanh bảo hiểm thì:
“1. Tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
3. Các bên tham gia bảo hiểm có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam”.
Bộ luật hàng hải quy định về hoạt động hàng hải và việc áp dụng được quy định tại khoản 2 Điều 1: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải thì áp dụng quy định của Bộ luật này” và tại khoản 2 Điều 2 quy định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
Khoản 2 Điều 3 Luật tương trợ tư pháp quy định: “Việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Như vậy, theo các quy định của pháp luật nêu trên thì:
– Áp dụng luật chuyên ngành (Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật hàng hải…) để giải quyết tranh chấp, nếu luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết;
– Nếu Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật hàng hải thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó để giải quyết.
– Các bên tham gia bảo hiểm có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.
– Việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
1. Xác định sai thẩm quyền và giải quyết vụ án không đúng pháp luật
Ví dụ: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là bà Đặng Thị Ái Hoa – Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại vận tải và dịch vụ Trung Hiếu bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội.
Ngày 25/6/2009, Doanh nghiệp tư nhân thương mại vận tải và dịch vụ Trung Hiếu (sau đây gọi tắt là DNTN Trung Hiếu) và Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội – Chi nhánh Gia Lai ký kết Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 22/2009/HĐ.1.3-XG.2/GL-PKT. Ngày 02/7/2009, Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội – Chi nhánh Gia Lai cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới số 00017402/XG.2 và Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô số 09100768/GX.2 cho DNTN Trung Hiếu. Đối tượng bảo hiểm là xe ô tô mang biểm kiểm soát số 82K-4719 và số 82K-4736 của DNTN Trung Hiếu. DNTN Trung Hiếu đã thanh toán đủ phí bảo hiểm theo hợp đồng.
– Ngày 19/3/2010, xe ô tô mang biển kiểm so�t số 82K-4736 bị tai nạn tại đèo Lò Xo thuộc huyện Đăkglei, tỉnh Kon Tum làm hỏng toàn bộ xe, làm chết lái xe, phụ xe, một phụ xe khác bị thương.
– Do Công ty cổ phẩn bảo hiểm Quân đội từ chối bồi thường bảo hiểm nên bà Đặng Thị Ái Hoa – Chủ DNTN Trung Hiếu khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum buộc Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội bồi thương bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Sau khi nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum, Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội đã có văn bản phản đối việc Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum thụ lý vụ án vì việc giải quyết vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum và không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà Đặng Thị Ái Hoa – Chủ DNTN Trung Hiếu.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2011/KDTM-ST ngày 12/01/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định:
“Căn cứ vào Điều 29; Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự. Áp dụng Điều 14; điểm c khoản 2 Điều 17; Điều 18; Điều 29; Điều 40; Điều 46; điểm c khoản 1 Điều 47; Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Chấp nhận đơn khởi kiện của bà Đặng Thị Ái Hoa – Chủ DNTN Trung Hiếu.
Buộc Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội phải bồi thường cho bà Đặng Thị Ái Hoa – Chủ DNTNT Trung Hiếu tổng số tiền 1.254.871.943đ trừ 20 triệu tiền đã tạm ứng. Do đó, Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội còn phải bồi thường tiếp 1.234.871.943đ.
Công ty cổ phẩn bảo hiểm quân đội được quyền thu hồi lại tài sản bị thiệt hại là chiếc xe 82K-4736 đang được gửi giữ tại Công ty cổ phần ô tô Trường hải tại Đà Nẵng”.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 38/2011/KDTM-PT ngày 28/4/2011, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2013/KDTM-GĐT ngày 09/01/2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xử hủy bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm và bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum giải quyết lại theo quy định của pháp luật với lý do:
Việc Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ án là không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật. Bởi vì: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (là nơi bị đơn – Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội có trụ sở) hoặc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai (nơi bị đơn có Chi nhánh) nếu nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, nguyên đơn không khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mà lại khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum và Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum căn cứ điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm để thụ lý và giải quyết vụ án là không đúng. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum (là nơi có trụ sở của nguyên đơn – DNTN Trung Hiếu) có thẩm quyền giải quyết vụ án nếu các đương sự có thỏa thuận bằng văn bản chọn Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối với vụ án này, các đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản chọn Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum giải quyết tranh chấp; ngược lại, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum thụ lý vụ án, Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội đã có văn bản phản đối về việc Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum thụ lý vụ án vì không đúng thẩm quyền. Tai nạn xảy ra tại địa bàn tỉnh Kon Tum, chứ hợp đồng không được thực hiện tại Kon Tum. Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về giám định tổn thất chứ không phải quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.
Đối với trường hợp này, lẽ ra Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum phải hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền (nếu chưa thụ lý vụ án) hoặc chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền và xóa sổ thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự (nếu đã thụ lý).
Tòa án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội về vấn đề này là không đúng.
Mặt khác, nếu việc Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền thì việc giải quyết vụ án này của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều chưa đủ căn cứ, không đúng pháp luật.
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Bản kết thúc điều tra số 02/KTĐT-PC14 ngày 13/5/2010 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum, lời khai ban đầu của bà Đinh Thị Thanh Hòa, của ông Nguyễn Sỹ Khoa và các tài liệu, chứng cứ do bà Đặng Thị Ái Hoa cung cấp để xác định khối lượng gỗ chở trên xe ô tô mang biển kiểm soát số 82K-4736 tại thời điểm xảy ra tai nạn là 10,257m3; từ đó buộc Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội phải bồi thường cho bà Đặng Thị Ái Hoa – Chủ Doanh nghiệp tư nhân thương mại vận tải và dịch vụ Trung Hiếu tổng số tiền 1.254.871.943 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội cung cấp một số tài liệu, chứng cứ mới gồm có:
+ Biên bản ghi lời khai của ông Nguyễn Sỹ Khoa và bà Đinh Thị Thanh Hòa khẳng định số gỗ chở trên xe ô tô mang biển kiểm soát số 82K-4736 khi xảy ra tai nạn là 20,257m3. Ông Khoa xác nhận có gọi 02 xe đến bốc gỗ tại hiện trường, trong đó có xe của ông Tô Hữu Hậu.
Ông Tô Hữu Hậu người điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát số 82K-2708 cũng có lời khai, ông được ông Khoa gọi đến hiện trường vụ tai nạn để bốc khoảng 10m3 gỗ từ xe bị tai nạn lên xe ô tô do ông điều khiển và số gỗ còn lại cũng khoảng 10m3, xe nào chở đi ông không biết.
+ Bản kết thúc điều tra bổ sung số 04/KTĐT-PC45 ngày 14/01/2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã kết luận: số gỗ chở trên xe ô tô mang biển kiểm soát số 82K-4736 khi xảy ra tai nạn là 20,257m3, không phải là 10,257m3 như kết luận ban đầu tại Bản kết thúc điều tra số 02/KTĐT-PC14 ngày 13/5/2010, và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum có công văn đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng cử cán bộ liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum để sao chép và bàn giao các tài liệu mới.
Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm không tiến hành thu thập tài liệu nói trên và không triệu tập ông Khoa, bà Hòa, ông Hậu để xác định chính xác khối lượng gỗ (20,257m3 gỗ nhóm I và nhóm IIA) nêu trong Bản kết thúc điều tra bổ sung số 04/KTĐT-PC45 ngày 14/01/2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum mà chỉ căn cứ vào các tài liệu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, từ đó không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm là chưa có căn cứ.
Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, buộc Công ty cổ phần bảo hiểm quân đội bồi thường tiền bảo hiểm 02 người chết là 60.000.000 đồng, trong khi hợp đồng bảo hiểm giữa các bên và tại Giấy chứng nhận bảo hiểm số 00017402/x0.2 xác định mức trách nhiệm bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe và người ngồi trên xe là 20 triệu đồng/người/vụ. Quyết định này là không đúng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cũng chưa làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, có phải do nguyên nhân trực tiếp từ việc chở quá tải trọng cho phép hay là còn do nguyên nhân khác, để làm cơ sở xác định trách nhiệm và phạm vi bồi thường của Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội.
2. Xác định tư cách đương sự trong vụ án tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm
Trong các vụ án có các đương sự là pháp nhân, phải xác định nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là pháp nhân; còn Chi nhánh chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân chứ không phải là pháp nhân nên không thể tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Ngoài ra, một trong những sai lầm mà Tòa án các cấp thường mắc phải đó là việc xác định tư cách đương sự trong trường hợp có sự chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm cho người khác.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty bảo hiểm Quảng Trị với bị đơn là Công ty cổ phần xây dựng 78 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần gỗ MDF GERUCO.
Ngày 30/9/2005, Công ty xây dựng và sản xuất gỗ MDF COSEVCO (gọi tắt là Công ty COSEVCO) có Giấy yêu cầu Công ty bảo hiểm Quảng Trị bảo hiểm cho tài sản của Công ty là Nhà máy gỗ MDF, nên cùng ngày, hai bên đã ký Hợp đồng bảo hiểm tài sản số 01/BHTS-2005 trong đó quy định thời hạn bảo hiểm cho Nhà máy gỗ MDF là từ 7h00 ngày 30/9/2005 đến 16h00 ngày 30/9/2006; Công ty COSEVCO sẽ thanh toán phí bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị làm 3 đợt (đợt 1 là 45 ngày sau (kể từ ngày ký hợp đồng).
Đến hạn thu phí bảo hiểm đợt 1, ngày 11/11/2005, Công ty bảo hiểm Quảng Trị đã có Thông báo thu phí, yêu cầu Công ty COSEVCO nộp phí bảo hiểm; nhưng sau đó, vào ngày 12/11/2005, hai bên lại ký Biên bản thỏa thuận: Công ty bảo hiểm Quảng Trị chấp nhận cho Công ty COSEVCO nợ phí bảo hiểm và đồng ý tiếp tục bảo hiểm cho Nhà máy gỗ MDF theo hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm tài sản số 01/BHTS-2005.
Trong giai đoạn thu phí bảo hiểm đợt 1 đã có những sự kiện liên quan xảy ra. Đó là: vào ngày 25/10/2005, 4 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty cao su Việt Nam, Công ty cao su Tân Biên, Công ty cao su Quảng Trị và Công ty COSEVCO họp Đại hội đồng cổ đông và quyết định thành lập Công ty cổ phần gỗ MDF GERUCO (gọi tắt là Công ty GERUCO), thông qua Điều lệ Công ty và yêu cầu Công ty COSEVCO hoàn tất thủ tục chuyển giao Nhà máy gỗ MDF cho Công ty GERUCO. Ngày 28/10/2005, Công ty GERUCO được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngày 24/11/2005, Công ty COSEVCO đã bàn giao nguyên trạng Nhà máy gỗ MDF cho Công ty GERUCO bao gồm tài sản Nhà máy gỗ MDF COSEVCO; toàn bộ vật tư, nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng thay thế và các sản phẩm gỗ MDF đến ngày 24/11/2005; riêng phần nợ các tổ chức tín dụng, nợ các nhà thầu sẽ thực hiện theo Điều 6.3 của Điều lệ Công ty cổ phần… Theo Biên bản này, thì từ 00 giờ ngày 24/11/2005, trách nhiệm pháp lý và việc tổ chức quản lý, điều hành Nhà máy gỗ MDF do Công ty GERUCO thực hiện.
Ngày 30/12/2005, Bộ xây dựng có Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty COSEVCO với tên mới là Công ty cổ phần xây dựng 78 (ngày 12/4/2007 Công ty cổ phần xây dựng 78 được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Ngày 10/3/2006, Công ty bảo hiểm Quảng Trị có Thông báo thu phí bảo hiểm đợt 1 và đợt 2 gửi Công ty COSEVCO yêu cầu nộp phí bảo hiểm. Sau đó, vào ngày 30/3/2006, đại diện các bên gồm: Công ty bảo hiểm Quảng Trị, Công ty COSEVCO, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Quảng Trị và Công ty GERUCO họp bàn về việc thực hiện Hợp đồng bảo hiểm tài sản số 01/BHTS-2005. Tuy các bên tham gia có ý kiến khác nhau nhưng đều thống nhất là chưa thanh lý hợp đồng, Công ty COSEVCO có trách nhiệm làm việc với Hội đồng quản trị Công ty GERUCO để chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản đã ký hoặc ký hợp đồng bảo hiểm mới, đồng thời tìm nguồn để thanh toán phí bảo hiểm.
Hết hạn hợp đồng bảo hiểm, ngày 25/10/2006, Công ty bảo hiểm Quảng Trị và Công ty COSEVCO ký Biên bản thanh lý hợp đồng, theo đó: Công ty COSEVCO có trách nhiệm thanh toán cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị toàn bộ phí bảo hiểm là 754.901.000 đồng trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thanh lý hợp đồng.
Do Công ty COSEVCO không thanh toán và được cổ phần hóa thành Công ty cổ phần xây dựng 78, nên ngày 07/5/2007, Công ty bảo hiểm Quảng Trị khởi kiện Công ty cổ phần xây dựng 78 với yêu cầu buộc phải thanh toán phí bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm tài sản số 01/BHTS-2005. Tiếp đó, vào ngày 10/5/2007, Công ty bảo hiểm Quảng Trị có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu Công ty GERUCO – đơn vị sở hữu tài sản là Nhà máy gỗ MDF cùng có nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm trên.
Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 92, khoản 2 Điều 94 và khoản 2 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2005, xử buộc Công ty GERUCO phải thanh toán 754.901.000 đồng phí bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị.
Công ty GERUCO kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty GERUCO có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xử hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, vì lý do:
– Theo đơn khởi kiện, Công ty bảo hiểm Quảng Trị yêu cầu Công ty Cổ phần xây dựng 78 và Công ty GERUCO phải thanh toán phí bảo hiểm tài sản cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định Công ty Cổ phần xây dựng 78 là bị đơn; còn Công ty GERUCO là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chỉ buộc Công ty GERUCO thanh toán phí bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị là không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong trường hợp này phải xác định Công ty COSVECO (nay là Công ty Cổ phần xây dựng 78) và Công ty GERUCO là đồng bị đơn mới đúng.
– Trước khi cổ phần hóa từ Công ty COSEVCO thành Công ty cổ phần xây dựng 78 thì Nhà máy gỗ MDF là đơn vị trực thuộc Công ty COSEVCO. Theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 25/10/2005, thì Công ty COSEVCO phải chuyển giao Nhà máy gỗ MDF cho Công ty GERUCO. Ngày 24/11/2005, Công ty COSEVCO đã tiến hành bàn giao Nhà máy gỗ MDF cho Công ty GERUCO. Như vậy, kể từ ngày 24/11/2005, Công ty GERUCO mới chính thức trở thành chủ sở hữu mới của nhà máy gỗ MDF.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: “Trong trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm được chuyển cho người khác thì chủ sở hữu mới đương nhiên thay thế chủ sở hữu cũ trong hợp đồng bảo hiểm, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản. Chủ sở hữu cũ là bên mua bảo hiểm phải báo cho chủ sở hữu mới biết về việc tài sản đã được bảo hiểm, báo kịp thời cho bên bảo hiểm về việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản”. Như vậy, trong vụ án này đã có việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản là Nhà máy gỗ MDF từ chủ sở hữu cũ là Công ty COSEVCO sang Công ty GERUCO theo Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 25/10/2005. Tại Biên bản cuộc họp ngày 30/3/2006, chủ sở hữu cũ (Công ty COSEVCO) đã báo cho chủ sở hữu mới (Công ty GERUCO) biết về tài sản là Nhà máy gỗ MDF đã được bảo hiểm. Đồng thời tại Biên bản này, chủ sở hữu cũ cũng đã báo cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị về việc đã bàn giao tài sản bảo hiểm là Nhà máy gỗ MDF cho Công ty GERUCO. Như vậy, đã có đủ căn cứ để khẳng định Công ty GERUCO đương nhiên kế thừa, thay thế Công ty COSEVCO trong hợp đồng bảo hiểm, kể từ ngày chuyển quyền sở hữu tài sản (ngày 24/11/2005). Vì vậy, Công ty GERUCO phải có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm tài sản từ thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản (24/11/2005) đến ngày hết hạn hợp đồng bảo hiểm; còn Công ty COSEVCO có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm tài sản từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực pháp luật (30/9/2005) đến ngày chuyển giao tài sản (ngày 24/11/2005). Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty GERUCO phải thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm tài sản cho Công ty bảo hiểm Quảng Trị là không đúng pháp luật.
3. Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp không đúng
Ví dụ: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt với bị đơn là Công ty TNHH Nghĩa Hải và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Bến Thành.
Ngày 25/8/2006, Xí nghiệp than Hậu Giang (thuộc Công ty cổ phần than miền Nam) ký hợp đồng với Chi nhánh Công ty TNHH Nghĩa Hải tại Cần Thơ, để vận chuyển lô hàng 1.275 tấn than từ Quảng Ninh về Cần Thơ.
Ngày 28/8/2006, Công ty Nghĩa Hải đã ký hợp đồng thuê Công ty Bến Thành vận chuyển lô hàng trên.
Ngày 30/8/2006, Công ty cổ phần than miền Nam đã mua bảo hiểm lô hàng 1.275 tấn than tại Công ty bảo hiểm Quảng Trị (thuộc Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt theo Đơn bảo hiểm số SG06/ND207.
Ngày 05/9/2006, lô hàng 1.275 tấn được xếp lên tàu Bến Thành 06 và Thuyền trưởng đã cấp phiếu vận chuyển với tổng số hàng là 1.170 tấn.
Vào hồi 12 giờ 45 phút ngày 05/9/2006, tàu Bến thành 06 đã va chạm với tàu HD1213 thuộc Công ty vận tải Hà Thanh dẫn đến tàu bị thủng và chìm toàn bộ hàng hóa.
Công ty bảo hiểm Quảng Trị đã thanh toán tiền bồi thường tổn thất lô hàng trên cho Công ty cổ phần than Miền Nam với tổng số tiền 1.210.072.500 đồng. Công ty cổ phần than miền Nam đã ký giấy biên nhận và thế quyền ngày 28/3/2007 cho Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt. Nên Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt khởi kiện yêu cầu Công ty Nghĩa Hải, Công ty Bến Thành và Công ty Hà Thanh phải có nghĩa vụ bồi thường đối với tổn thất của lô hàng than, tức là phải hoàn trả số tiền mà Công ty bảo hiểm Quảng Trị đã bồi thường cho Công ty cổ phần than miền Nam là 1.210.072.500 đồng và lãi suất chậm trả.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt đã rút yêu cầu khởi kiện đối với Công ty Bến Thành và Công ty Hà Thanh.
Công ty Nghĩa Hải không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì lý do: Công ty Bến Thành phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền theo yêu cầu của nguyên đơn vì theo Điều 8 Hợp đồng số 28-08A/HĐVC thì hàng hóa mà bị tổn thất do lỗi của chủ tàu thì chủ tàu chịu trách nhiệm. Công ty Bến Thành mới là chủ tàu đích thực của tàu Bến Thành 06.
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định buộc Công ty Nghĩa Hải bồi thường cho Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt là 1.210.072.500 đồng. Tách yêu cầu giải quyết giữa Công ty Nghĩa Hải với Công ty Bến Thành bằng vụ án khác khi có yêu cầu.
Công ty Nghĩa Hải có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều có sai lầm như sau:
Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Nghĩa Hải (Bị đơn) cùng Công ty Bến Thành và Công ty Hà Thanh (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) phải hoàn trả khoản tiền mà Công ty Bảo hiểm Quảng Trị đã trả (theo hợp đồng bảo hiểm) cho Công ty cổ phần than miền Nam với tổng số tiền 1.210.072.500 đồng.
Nên căn cứ Điều 247 Bộ luật hàng hải; điểm e Khoản 1 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm; khoản 4 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì đây là quan hệ đòi bồi hoàn tiền bảo hiểm. Tòa án cấp sơ thẩm xác định là tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là đúng. Tòa án cấp phúc thẩm xác định là tranh chấp hợp đồng vận chuyển là không đúng.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty Hà Thanh tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót và tách yêu cầu giải quyết (tranh chấp về trách nhiệm hoàn trả số tiền 1.210.072.500 đồng) giữa Công ty Nghĩa Hải với Công ty Bến Thành bằng vụ án khác khi có yêu cầu là giải quyết vụ án không triệt để, không toàn diện và không đúng.
4. Giải quyết tranh chấp đối với trường hợp nộp phí bảo hiểm không đúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và vận tải Thuận An với bị đơn là Công ty bảo hiểm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam.
Ngày 23/11/2007, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và vận tải Thuận An (gọi tắt là Công ty Thuận An) đã được Công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (gọi tắt là Công ty bảo hiểm) cấp 2 Giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô tô cho các phương tiện là đầu kéo mang biển kiểm soát số 30F-3030 và rơ mooc mang biển kiểm soát số 29R-1311 khi Công ty Thuận An chưa nộp phí bảo hiểm cho hai phương tiện này.
Ngày 03/01/2008, trên đường vận chuyển 15.000 kg ngô từ Sơn La về Hà Nội, đầu kéo 30F-3030 và rơ mooc 29R-1311 gặp tai nạn; đầu kéo và rơ mooc bị hư hỏng nặng, hàng hóa chở trên xe bị tổn thất.
Ngay khi tai nạn xảy ra, Công ty Thuận An đã thông báo tình hình tai nạn cho Công ty bảo hiểm và chỉ định giám định tổn thất.
Ngày 30/01/2008 (sau khi xảy ra tai nạn), Công ty Thuận An mới nộp đủ phí bảo hiểm cho hai Giấy chứng nhận bảo hiểm nêu trên.
Ngày 25/3/2008 và ngày 23/4/2008, Công ty bảo hiểm đã có công văn từ chối bồi thường bảo hiểm cho Công ty Thuận An với lý do vào thời điểm xảy ra tổn thất Công ty Thuận An chưa nộp phí bảo hiểm nên chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm theo Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm.
Ngày 10/11/2008, Công ty Thuận An có đơn khởi kiện yêu cầu Công ty bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm.
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định bác yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm của Công ty Thuận An vì lý do tại thời điểm xảy ra tổn thất, Công ty Thuận An chưa nộp phí bảo hiểm.
Công ty Thuận An có đơn kháng cáo với lý do: Tòa án đã bỏ qua không xem xét đến các tình tiết đặc biệt quan trọng của vụ việc là sau khi tổn thất xảy ra, Công ty bảo hiểm đã chấp nhận việc nộp phí chậm; việc thông báo thu phí của Công ty bảo hiểm, phía Công ty Thuận An hoàn toàn không biết.
Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Công ty Thuận An, quyết định: sửa toàn bộ án sơ thẩm theo hướng xử buộc Công ty bảo hiểm phải bồi thường cho Công ty Thuận An các khoản như: Chi phí sửa đầu kéo và rơ mooc; chi phí thiệt hại tài sản; chi phí lưu phương tiện.
Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty bảo hiểm có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, với lý do: Việc ký kết hợp đồng bảo hiểm không đồng nghĩa với việc trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp sẽ phát sinh ngay tại thời điểm ký kết hoặc theo thời hạn ghi trong hợp đồng bảo hiểm, mà trách nhiệm bảo hiểm chỉ phát sinh khi có đủ hai điều kiện thuộc một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi: Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm.
Trường hợp 2: Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi: Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng về việc giao kết hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và có thỏa thuận khác về việc cho bên mua bảo hiểm nộp chậm phí.
Sau khi xem xét đơn của Công ty bảo hiểm, Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm, trong trường hợp này Công ty bảo hiểm phải bồi thường bảo hiểm là đúng pháp luật. Bởi lẽ:
– Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định”.
– Mục 3 trong Giấy chứng nhận bảo hiểm cũng quy định “Giấy chứng nhận bảo hiểm này là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe và Công ty bảo hiểm…”. Như vậy, Giấy chứng nhận bảo hiểm nói trên được coi là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Thuận An và Công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm cho rằng Giấy chứng nhận bảo hiểm trong trường hợp này không thể coi là hợp đồng bảo hiểm là không có căn cứ.
– Điều 5 (Phần A) Quy tắc kết hợp về bảo hiểm xe cơ giới của Công ty bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định: “Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo quy định ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm (trừ khi có thỏa thuận bằng văn bản khác)”. Như vậy, theo Quy tắc kết hợp về bảo hiểm xe cơ giới thì Công ty bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khi Công ty Thuận An đã nộp đủ phí bảo hiểm. Nhưng ở đây, khi Công ty Thuận An chưa nộp phí bảo hiểm mà vẫn được Công ty bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm nên được coi là thuộc trường hợp có thỏa thuận khác, đó là thỏa thuận các bên tự chấp nhận cho phía mua bảo hiểm được nộp phí bảo hiểm sau, cấp giấy chứng nhận trước. Điều này cũng đã được Công ty bảo hiểm thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm là vẫn cho người mua bảo hiểm được chậm nộp phí bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm không quy định thời hạn nộp phí bảo hiểm. Chính vì vậy, sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, gần một tháng sau, Công ty Thuận An mới nộp phí bảo hiểm và vẫn được Công ty bảo hiểm chấp nhận thu.
– Công ty bảo hiểm cho rằng đã có Thông báo ngày 26/11/2007 yêu cầu nộp phí bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát hành thông báo nhưng không cung cấp được bằng chứng về việc đã phát hành Thông báo này và Công ty Thuận An không thừa nhận đã nhận được Thông báo nộp phí bảo hiểm (đây là nghĩa vụ chứng minh của đương sự).
– Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Do đó, trong trường hợp này, trách nhiệm bảo hiểm đã phát sinh vì đủ hai điều kiện “hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết” và “bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm”, nên trong trường hợp này, Công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Thuận An là đúng.
Ví dụ 2: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Hoàng Phát với bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex.
Ngày 05/4/2006, Chi nhánh Công ty bảo hiểm Petrolimex Bình Định (gọi tắt là Công ty bảo hiểm) ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn với Công ty TNHH Hoàng Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Phát). Theo đó, Công ty Bảo hiểm nhận bảo hiểm rủi ro (cháy, sét, nổ, giông, bão, lũ lụt…) tài sản và hàng hóa cho Công ty Hoàng Phát theo Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày 01/05/2006 đến 16 giờ ngày 01/5/2007; phí bảo hiểm phải nộp vào ngày 05/5/2006, quá kỳ hạn trên 10 ngày nếu không nộp phí, hợp đồng này đương nhiên không còn hiệu lực.
Cùng ngày 05/4/2006, Công ty bảo hiểm đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt cho Công ty Hoàng Phát. Tại Giấy chứng nhận bảo hiểm cũng thể hiện nội dung: “Giấy chứng nhận bảo hiểm này có hiệu lực với điều kiện Người được bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm PIJCO”.
Ngày 31/5/2006, Công ty bảo hiểm xuất hóa đơn thu tiền phí bảo hiểm của Công ty Hoàng Phát với số tiền 22.463.100 đồng, nhưng thực tế chưa thu tiền (tài liệu này do Công ty Hoàng Phát cung cấp).
Vào khoảng 3 giờ – 4 giờ chiều ngày 25/7/2006, Công ty Hoàng Phát mới đóng phí bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm theo ủy nhiệm chi tại Ngân hàng ngoại thương Phú Tài.
Sau khi Công ty Hoàng Phát ủy nhiệm chi đóng phí bảo hiểm từ 3 giờ – 4 giờ chiều ngày 25/7/2006 thì đến 0 giờ 15 phút ngày 26/7/2006 xảy ra vụ cháy tại kho gỗ của Công ty Hoàng Phát. Cũng tại thời điểm này trong tài khoản của Công ty bảo hiểm chưa nhận được số tiền phí bảo hiểm do Công ty Hoàng Phát nộp mà đến 08 giờ 09 phút ngày 26/7/2006, Ngân hàng mới làm thủ tục chuyển tiền phí bảo hiểm và đến 15 giờ 13 phút ngày 26/7/2006 số tiền phí bảo hiểm của Công ty Hoàng Phát mới nhập vào tài khoản của Công ty bảo hiểm; đến ngày 28/7/2006 Công ty bảo hiểm đã chuyển trả Công ty Hoàng Phát số tiền phí bảo hiểm nêu trên và ra thông báo từ chối bồi thường. Sau khi xảy ra vụ cháy, ngày 26/7/2006, đại diện Công ty bảo hiểm và Công an tỉnh Bình Định đến hiện trường lập Biên bản hiện trường và khám nghiệm hiện trường. Ngày 13/9/2006, Công An tỉnh Bình Định có Thông báo số 158/PC23 về Kết luận giám định của vụ cháy xảy ra vào hồi 0 giờ 30 phút ngày 26/7/2006 tại kho chứa gỗ của Công ty Hoàng Phát, nguyên nhân là do sơ xuất.
Sau khi xảy ra hỏa hoạn, Công ty Hoàng Phát nhiều lần khiếu nại và đề nghị Công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại nhưng đều bị Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường, nên Công ty Hoàng Phát có đơn khởi kiện.
Tòa án cấp sơ thẩm xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Phát, buộc Công ty bảo hiểm Petrolimex phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Hoàng Phát; buộc Công ty Hoàng Phát hoàn trả cho Công ty bảo hiểm Petrolimex số tiền phí bảo hiểm.
Ngày 04/9/2008, Công ty bảo hiểm kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Phát có nội dung buộc Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex phải bồi thường cho Công ty Hoàng Phát 6.730.610.488 đồng tiền bảo hiểm hỏa hoạn.
Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Bởi vì:
– Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.
– Khoản 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi: “Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”; khoản 3 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm cũng quy định: “Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.
– Tại Điều 4 của Hợp đồng bảo hiểm các bên thỏa thuận: “Bên A chấp nhận bảo hiểm… của bên B bằng việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm trong thời hạn 12 tháng, có hiệu lực kể từ 16 giờ ngày 01/5/2006 đến 16 giờ ngày 01/5/2007 và theo Điều 5 của hợp đồng”.
– Tại Điều 5 của Hợp đồng bảo hiểm các bên còn thỏa thuận: “Phí bảo hiểm được thanh toán làm 01 kỳ bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt vào ngày 05/5/2006. Quá kỳ hạn trên 10 ngày nếu không nộp phí, hợp đồng này đương nhiên không còn hiệu lực”.
– Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên không có thỏa thuận khác về thời hạn nộp phí bảo hiểm cũng không có gia hạn thời hạn nộp phí bảo hiểm.
– Công ty Hoàng Phát không nộp phí bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đến ngày 25/7/2006, Công ty Hoàng Phát mới có ủy nhiệm chi yêu cầu Ngân hàng ngoại thương Quy Nhơn – Chi nhánh Phú Tài chuyển tiền phí bảo hiểm 22.643.000 đồng vào tài khoản của Chi nhánh Công ty bảo hiểm Bình Định tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Chi nhánh Phú Tài; đến 8 giờ 9 phút ngày 26/7/2006 Ngân hàng ngoại thương – Chi nhánh Phú Tài mới chuyển tiền phí bảo hiểm vào tài khoản của Công ty bảo hiểm và đến 15 giờ 13’33’’ ngày 26/7/2006 trên tài khoản của Công ty bảo hiểm mới có số tiền phí này.
Như vậy, Công ty Hoàng Phát đã không nộp phí bảo hiểm theo đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng; Công ty bảo hiểm chỉ nhận được phí bảo hiểm (qua ủy nhiệm chi) sau khi đã xảy ra hỏa hoạn và đã hoàn trả số tiền này cho Công ty Hoàng Phát. Vì vậy, căn cứ vào Điều 5 của Hợp đồng bảo hiểm; Điều 15, khoản 2 và khoản 3 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm thì Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn không còn hiệu lực. Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Hoàng Phát là có căn cứ, đúng pháp luật.
5. Giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm khi bên được bảo hiểm cũng có lỗi
Do nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng phát sinh không đồng thời nhau, hơn nữa lợi ích của các bên trong quan hệ hợp đồng trái ngược nhau. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm trước, nghĩa vụ trả tiền hoặc bồi thường bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh khi có sự kiện bảo hiểm. Nếu không có sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không trả tiền hoặc bồi thường bảo hiểm. Số phí mà bên mua bảo hiểm đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thuộc về bên bảo hiểm. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả hoặc bồi thường là rất lớn, lớn hơn nhiều số phí mà người mua bảo hiểm nộp. Do lợi ích của hai bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm là đối lập nhau vì vậy thường phát sinh xung đột, mâu thuẫn.
– Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm thường diễn ra khi sự kiện bảo hiểm đã xuất hiện, vì đối tượng bảo hiểm có thể không tồn tại hoặc không còn nguyên vẹn, nên khó xác định chính xác nguyên nhân và mức độ tổn thất, thường bị yếu tố chủ quan chi phối. Bởi vậy, các bên luôn có xu hướng tìm ra các chứng lý để bao biện và bảo vệ lợi ích của mình. Vì vậy, tranh chấp sẽ phát sinh và khó có thể giải quyết để đảm bảo cho các bên cảm thấy quyền lợi của mình đã giải quyết một cách thỏa đáng.
Đặc biệt là vấn đề xác định lỗi và mức độ lỗi đối với hành vi vi phạm hợp đồng để từ đó có cách giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho các bên tranh chấp. Trong khi đó, những quy định về vấn đề xác định lỗi trong Luật kinh doanh bảo hiểm chỉ dừng lại ở một mức khái quát nên khi áp dụng vào tình huống cụ thể rất khó khăn. Việc xác định lỗi trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm không chỉ đơn giản là việc xác định lỗi đối với hành vi vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm mà thậm chí còn phải xác định cả lỗi đối với hành vi phát sinh ngoài hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn lỗi của người thứ ba có liên quan đến quyền lợi của các bên trong tranh chấp hợp đồng bảo hiểm. Việc xác định lỗi trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có một ý nghĩa rất lớn liên quan trực tiếp đến lợi ích của các bên. Việc xác định đúng hình thức lỗi thì tương ứng sẽ có cách xử lý đúng đắn quyền lợi cho các bên. Có những trường hợp lỗi không có ý nghĩa xác định trách nhiệm nhưng việc đánh giá lỗi vẫn cần thiết vì thông qua đây có thể đánh giá và xác định được đúng mức độ bồi thường chi trả và xác định trách nhiệm liên đới của chủ thể có liên quan. Sau đây là một số ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty TNHH vận tải biển Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn với bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex
Ngày 22/12/2003, Công ty TNHH vận tải biển Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) và Công ty cho thuê tài chính I – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Công ty cho thuê tài chính I) ký Hợp đồng cho thuê tài chính số 411/2003/ALCL; theo đó, Công ty Trung Dũng thuê tàu “Trung Dũng 17” của Công ty cho thuê tài chính I trong thời hạn 7 năm và các bên có thỏa thuận về việc mua bảo hiểm đối với tài sản cho thuê.
Ngày 19/10/2004, Công ty Trung Dũng (bên mua bảo hiểm), Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (“Công ty PIJCO”) và Công ty cho thuê tài chính I (bên được bảo hiểm) đã ký Hợp đồng bảo hiểm tàu số 04/HNO/KV5/1211/0010, theo điều kiện “mọi rủi ro thân tàu” cho tàu Trung Dũng 17 theo quy tắc bảo hiểm thân tàu, thuyển, bảo hiểm rủi ro chiến tranh và trách nhiệm dân sự chủ tàu đối với tàu, thuyền hoạt động trên sông hồ, vùng nội thủy và vùng biển Việt Nam – PIJCO; thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ ngày 20/10/2004 đến 00 giờ ngày 20/10/2007 (36 tháng); trong mọi trường hợp khi có tổn thất xảy ra với tàu Trung Dũng 17 thì người thụ hưởng duy nhất là Chủ sở hữu tàu – Công ty cho thuê tài chính I.
Ngày 20/10/2004, Công ty PIJCO cấp giấy chứng nhận bảo hiểm về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu; theo đó, người mua bảo hiểm là Công ty cho thuê tài chính I, đối tượng bảo hiểm là tàu Trung Dũng 17; thời hạn bảo hiểm là 12 tháng, từ 12 giờ (quốc tế) ngày 21/10/2004 đến 12 giờ ngày 20/10/2005 (quốc tế); giới hạn bảo hiểm là 01 tỷ đồng; phí bảo hiểm là 23.125.400 đồng…
Ngày 20/10/2004, Công ty cho thuê tài chính I nộp phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu là 23.125.400 đồng. Từ ngày 25/10/2004 đến ngày 20/10/2005, Công ty Trung Dũng nộp phí bảo hiểm thân tàu.
Ngày 19/7/2005, tàu Trung Dũng 17 rời cảng Sài Gòn theo Giấy phép rời cảng số 004507 của Cảng vụ thành phố Hồ Chí Minh với hành trình của tàu là từ cảng Sài Gòn đến cảng Hải Phòng. Khi đến vùng biển thuộc tỉnh Phú Yên, vào lúc 3 giờ 30 phút ngày 20/7/2005 thì xảy ra tai nạn đâm va giữa tàu Trung Dũng 17 với tàu Thuận Phát 16.
Ngày 19/9/2005, Cảng vụ Quy Nhơn đã có kết luận điều tra xác định nguyên nhân, lỗi của các bên gây ra tai nạn và kết luận: Nguyên nhân của vụ tai nạn: nguyên nhân trực tiếp là do hai tàu đã tổ chức cảnh giới không tốt, không xác định được nguy cơ va chạm đang tồn tại nên không hành động tránh va đúng quy tắc; nguyên nhân gián tiếp là do tàu Trung Dũng 17 bố trí sỹ quan boong trực tiếp đi ca ông Nguyễn Thanh Hương không có bằng cấp phù hợp với tàu, nên ông Hương đã tiến hành tránh va không phù hợp.
Công ty Trung Dũng có nhiều văn bản đề nghị Công ty PIJCO thực hiện việc bồi thường tổn thất theo hợp đồng bảo hiểm nhưng bị Công ty PIJCO từ chối bồi thường nên ngày 01/8/2006, Công ty Trung Dũng đã có đơn khởi kiện.
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ khoản 2 Điều 244 Bộ luật hàng hải năm 2005 quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam xử buộc Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex bồi thường bảo hiểm cho Công ty Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Công ty PIJCO kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Công ty PIJCO, sửa bản án sơ thẩm; xử: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11/2011/KDTM-GĐT ngày 17/8/2011, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm nêu trên và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật, với lý do:
Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn đâm va giữa hai tàu dẫn đến tổn thất không phải do người được bảo hiểm cố ý gây tai nạn đâm va để được bồi thường bảo hiểm, cũng không phải do hành động quá cẩu thả của người được bảo hiểm gây ra. Bên bảo hiểm cũng không có tài liệu chứng minh người được bảo hiểm đã cố ý gây tai nạn đâm va để xảy ra hậu quả, buộc bên bảo hiểm phải bồi thường tổn thất. Do đó, theo quy định tại Điều 224 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 1990 – đang có hiệu lực tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng bảo hiểm (nay là khoản 2 Điều 244 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005) thì “Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những tổn thất xảy do hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất phát sinh do sơ suất hoặc sai lầm của thuyền trưởng đồng thời cũng là người được bảo hiểm trong việc điều khiển, quản trị tàu và các tổn thất do lỗi của thuyền bộ, hoa tiêu hàng hải” và quy định tại điểm a tiểu mục A Điều 3 chương II phần I (đâm va với tàu thuyền, máy bay, phương tiện vận chuyển trên bờ hoặc dưới nước), điểm c khoản 1 Điều 3 chương II phần III (chi phí cần thiết và hợp lý trong việc ngăn ngừa và hạn chế tổn thất, trợ giúp cứu nạn) Quy tắc bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu, thuyền, hoạt động trên sông, hồ, vùng nội thủy và vùng biển Việt Nam ban hàng kèm theo Quyết định số 385/2002/TT-QLNV ngày 27/12/2002 của Tổng giám đốc Công ty PIJCO thì Công ty PIJCO phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trung Dũng, Công ty cho thuê tài chính I về việc đòi Công ty PIJCO bồi thường bảo hiểm là không có căn cứ.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn là do lỗi hỗn hợp của hai tàu gây nên, Công ty Trung Dũng cũng có lỗi. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty PIJCO phải bồi thường bảo hiểm cho hai Công ty nêu trên là phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng việc chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Trung Dũng; buộc Công ty PIJCO phải bồi thường mà không xem xét đến lỗi của Công ty Trung Dũng cũng là không đúng. Trong trường hợp này, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm thân tàu và giấy chứng nhận bảo hiểm về trách nhiệm dân sự chủ tàu thì Công ty Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I phải chịu một phần trách nhiệm đối với tổn thất đã xảy ra do lỗi của Công ty Trung Dũng như đã nêu ở trên.
Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét, đánh giá mức độ lỗi của các bên liên quan để xác định trách nhiệm cụ thể của Công ty PIJCO trong việc bồi thường cho Công ty Trung Dũng và Công ty cho thuê tài chính I, từ đó tính khoản tiền lãi phát sinh trên số tiền phải bồi thường để buộc Công ty PIJCO thanh toán cho hai Công ty nêu trên.
Ví dụ 2: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Thái Bình Minh với bị đơn là Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh.
Ngày 25/10/2007, Công ty TNHH Thái Bình Minh (gọi tắt là Công ty Thái Bình Minh (bên A) đã ký Hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển số AD0210/07B2IN24105 với Công ty Bảo Minh Bắc Ninh (thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh – gọi tắt là Bảo Minh (bên B) với nội dung: Bên B nhận bảo hiểm cho phương tiện tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) của bên A.
– Phạm vi bảo hiểm thân tàu: theo điều kiện B (Tổn thất toàn bộ) bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển ban hành theo Quyết định số 0631/2005-BM/BHHH ngày 22/3/2005 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh; tàu được bảo hiểm trong phạm vi hoạt động VRS1, mở rộng các Cảng phía Nam Trung Quốc cách bờ không quá 20 hải lý; giá trị thực tế của tàu là 3.000.000.000 đồng; giá trị tham gia bảo hiểm là 3.000.000.000 đồng; phí bảo hiểm đã bao gồm phí trục vớt là 16.500.000 đồng.
– Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm dân sự: giới hạn trách nhiệm 100.000.000 đồng/vụ, trong đó với người 10.000.000 đồng/người/vụ; phí bảo hiểm 5.632.000 đồng.
– Phạm vi bảo hiểm đối với thuyền viên: Mức trách nhiệm bảo hiểm là 20.000.000 đồng/người/ vụ; số người được bảo hiểm là 6 người; phí bảo hiểm 336.000 đồng .
Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất xảy ra bởi mọi nguyên nhân được bảo hiểm quy định tại điều 5 Quy tắc bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển số BAOMINH-CL.001-TSO và điều 4 Quy tắc bảo hiểm TNDS tàu sông, tàu ven biển số BAOMINH-CL.002-TSO.
Tổng phí bảo hiểm đã bao gồm VAT là 22.468.000 đồng.
Cùng ngày 25/10/2007, Bảo Minh đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển cho người được bảo hiểm là Công ty Thái Bình Minh trong thời gian một năm kể từ ngày 27/10/2007 đến ngày 26/10/2008.
Đầu tháng 01/2008, tàu BN0425 của Công ty Thái Bình Minh nhận hợp đồng chuyên chở 770 tấn quặng sắt của Công ty Hoàng Tiến từ bến Vát (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đến cảng Phòng Thành (Quảng Ninh, Trung Quốc), trên tàu có 7 thuyền viên.
Ngày 14/01/2008, tàu BN0425 neo đậu tại cảng Vạn Gia, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và làm các thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hàng hóa và làm các thủ tục khác theo quy định của cảng vụ, khi đầy đủ thủ tục theo quy định, cảng vụ mới cho lệnh xuất bến.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 15/01/2008, tàu BN0425 rời cảng Vạn Gia, trước khi xuất bến, thuyền trưởng tàu là anh Nguyễn Minh Hải có hỏi thời tiết qua dịch vụ của khí tượng Nha Trang, nghe nói gió cấp 5, cấp 6, anh nghe thời tiết qua điện thoại di động vì tàu không có đài, nhưng vì tiếng máy tàu và tiếng sóng nên không nghe rõ ở khu vực nào. Khi tàu BN0425 nhổ neo, thời tiết vẫn bình thường. Khoảng 7, 8 tiếng hành trình của tàu trên biển, thời tiết không có gì biến động. Đến khoảng 14 giờ khi tàu đang ở vùng biển Trung Quốc, cách phao số 0 của cảng Phòng Thành khoảng 5, 6 km thì bất ngờ có gió lớn đột xuất tăng cường, gió cấp 7, cấp 8 làm biển động rất mạnh. Tàu BN0425 bị sóng đánh mạnh, nước tràn vào khoang tàu dẫn đến tàu bị chìm, tàu BN0425 đã phát tín hiệu cấp cứu khi tàu chìm, các thủy thủ bám vào phao và được tàu Trung Quốc cứu giúp, duy nhất chỉ có một người bị mất tích. Anh Hải cho rằng tàu BN0425 bị chìm là do gió mạnh tăng cường, đột xuất trong điều kiện thời tiết không lường, bất khả kháng.
Chiều ngày 15/01/2008, nhận được thông tin về tàu bị nạn, ngay ngày 16/01/2008, Công ty Thái Bình Minh đã báo ngay cho đại diện Bảo Minh Bắc Ninh ở huyện Lương Tài biết về sự cố tàu BN0425. Ngày 23/01/2008 Công ty Thái Bình Minh đã gửi công văn đến Bảo Minh thông báo về những thiệt hại về người và tài sản. Tiếp sau sự cố, giữa Công ty Thái Bình Minh và Bảo Minh Bắc Ninh đã nhiều lần gặp gỡ bàn bạc hướng giải quyết nhưng Bảo Minh cho rằng việc bồi thường là thuộc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Vì vậy, Công ty Thái Bình Minh đã làm đơn gửi Tổng Công ty Bảo Minh tại thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm nhưng đã bị Tổng Công ty từ chối. Do đó, Công ty Thái Bình Minh khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty Bảo Minh phải bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm với tổng số tiền là 3.250.000.000 đồng.
Tại Chứng thư giám định tổn thất đắm tàu Thái Bình Minh 08 (BN0425) ngày 14/7/2008, Công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam đã đưa ra kết luận về vụ tai nạn đắm tàu Thái Bình Minh như sau:
1. Thuyền viên trên tàu Thái Bình Minh 08 không đúng với danh sách thuyền viên đã làm thủ tục xuất cảnh tại cảng Vạn Gia.
2. Bằng cấp của thuyền trưởng Nguyễn Minh Hải: Năm sinh ghi trên bằng là năm 1975 (không đúng với năm sinh ghi trên Giấy chứng minh nhân dân là năm 1980).
3. Tất cả thủy thủ trên tàu đều không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
4. Trước khi khởi hành từ cảng Vạn Gia Quảng Ninh để đi Trung Quốc, thuyền trưởng đã nghe bản tin dự báo thời tiết và biết rõ tình trạng thời tiết biển nhưng Thuyền trưởng không nắm được quy định của đăng kiểm về vùng hoạt động đối với loại tàu sông SI, cũng như điều kiện thời tiết mà tàu sông SI được phép hoạt động nên thuyền trưởng đã cho tàu hành trình trong điều kiện sóng to gió lớn (gió đông bắc cấp 6, giật trên cấp 6, biển động), tàu bị đắm là do sóng to gió lớn gây nên.
5. Tất cả thuyền viên từ Trung Quốc trở về Việt Nam không khai báo với cơ quan chức năng của Việt Nam.
Đại diện Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh tại Móng Cái trình bày: Ngày 14/01/2008, tàu BN0425 có làm thủ tục rời cảng Vạn Gia, Quảng Ninh. Sau khi làm đầy đủ thủ tục thì Cảng vụ cấp giấy phép rời cảng. Tàu rời cảng phải có đầy đủ thủ tục điều kiện (về bằng cấp, giấy tờ, thời tiết…). Những ngày đó sóng gió bình thường, không có bão, không có áp thấp. Những trường hợp tàu thuyền không được ra khơi là phải có lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong ngày 14 và 15/01/2008 không có lệnh của cơ quan Nhà nước cấm tàu thuyền ra khơi, tàu thuyền trong khu vực vẫn hoạt động bình thường. Trên thực tế thường hay có những trường hợp bất khả kháng, ngay cả việc dự báo thời tiết cũng có lúc không chính xác. Việc đảm bảo an toàn cho việc hành trình của tàu là trách nhiệm của thuyền trưởng.
Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định: Buộc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Thái Bình Minh số tiền là 3.000.000.000 đồng và bác yêu cầu về bồi thường trách nhiệm dân sự, bồi thường thuyền viên và bồi thường các chi phí khác.
Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thái Bình Minh về việc yêu cầu Tổng công ty cổ phần Bảo Minh phải thực hiện bồi thường 3.000.000.000 đồng.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số …/2013/KDTM-GĐT ngày…, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xử hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật, với lý do:
Vụ tai nạn dẫn đến tổn thất không phải do bên được bảo hiểm cố ý hoặc quá cẩu thả gây tai nạn để được bồi thường bảo hiểm, mà nguyên nhân trực tiếp làm tàu bị đắm là do sóng to, gió lớn gây nên. Bên bảo hiểm không có tài liệu chứng minh bên được bảo hiểm đã cố ý gây tai nạn chìm tàu để yêu cầu bên bảo hiểm phải bồi thường tổn thất. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật hàng hải thì: “Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những tổn thất xảy ra do hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất phát sinh do sơ suất hoặc sai lầm của thuyền trưởng đồng thời cũng là người được bảo hiểm trong việc điều khiển, quản trị tàu và các tổn thất do lỗi của thuyền bộ, hoa tiêu hàng hải” và đối chiếu quy định tại Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển số AD0210/07B2IN 24105 ngày 25/10/2007 với Điều 5 Quy tắc bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển và Điều 4 Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự tàu sông, tàu ven biển của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh thì Tổng công ty cổ phần Bảo Minh phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Thái Bình Minh.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định Tổng công ty cổ phần Bảo Minh phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Thái Bình Minh là có căn cứ. Tuy nhiên, trong Bộ luật hàng hải năm 2005 có quy định về hợp đồng bảo hiểm nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng luật chuyên ngành mà lại áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết vụ án là không đúng.
Tòa án cấp phúc thẩm cũng chỉ áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự mà không áp dụng quy định của Bộ luật hàng hải để giải quyết vụ án và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thái Bình Minh về việc đòi Tổng công ty cổ phần Bảo Minh bồi thường bảo hiểm là không đúng pháp luật.
Phía người được bảo hiểm cũng có lỗi trong việc khi nghe dự báo thời tiết là gió cấp 5, cấp 6 nhưng không kiểm tra kỹ thông tin, không nắm được loại tàu của mình là tàu có kết cấu theo tiêu chuẩn cấp S1 chỉ được phép hoạt động trong điều kiện sóng cao bằng và dưới 2 mét nên vẫn cho tàu hành trình trong điều kiện gió cấp 5, cấp 6 dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra; danh sách thuyền viên không trùng khớp với danh sách đã đăng ký để xuất cảnh tại Đồn biên phòng; các thuyền viên (ngoài thuyền trưởng và máy trưởng) đều không có chứng chỉ chuyên môn là có vi phạm. Như vậy, phía bên được bảo hiểm cũng có lỗi nên cũng phải chịu một phần tổn thất theo quy định tại khoản 3 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005.
6. Giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm khi chưa đủ tài liệu, chứng cứ, không đúng pháp luật
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Cẩn Vân (gọi tắt là Công ty Cẩn Vân) với bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng (gọi tắt là Công ty Nhà Rồng) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Phương Thảo (gọi tắt là Công ty Phương Thảo) và Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Công ty cho thuê tài chính II).
Ngày 27/11/2006, Công ty cho thuê tài chính II ký hợp đồng cho Công ty Phương Thảo thuê 24 chiếc xe ôtô, trong đó có chiếc xe ô tô khách 29 chỗ hiệu Transinco 1/5 K29 mang biển kiểm soát 53M-7538.
Ngày 29/12/2006, Công ty Nhà Rồng cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới cho chiếc xe ô tô nói trên; chủ xe là Công ty cho thuê tài chính II; hiệu lực bảo hiểm từ 8 giờ ngày 01/01/2007 đến 8 giờ ngày 01/01/2008, người được bảo hiểm là Công ty Phương Thảo.
Nhưng đến ngày 11/01/2007, Công ty Phương Thảo mới ký Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với Công ty Nhà Rồng cho những chiếc xe ô tô thuê của Công ty cho thuê tài chính II, trong đó có chiếc xe 53M-7538. Riêng đối với bảo hiểm thân xe thì Công ty cho thuê tài chính II đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO Sài Gòn).
Ngày 12/01/2007, Công ty Phương Thảo ký Bản thỏa thuận với Công Cẩn Vân chuyển giao cho Công ty Cẩn Vân 5 chiếc xe ô tô 29 chỗ hiệu Transinco 1/5 K 29 (trong đó có chiếc xe 53M-7538) mà Công ty Phương Thảo đã thuê của Công ty cho thuê tài chính II trước đó; theo thỏa thuận thì đối với bảo hiểm thân xe, Công ty Cẩn Vân sẽ được hưởng thụ tiếp tục phần còn lại do Công ty Phương Thảo đã mua trước đó.
Theo đề nghị của Công ty Phương Thảo, ngày 31/01/2007, Công ty cho thuê tài chính II đồng ý cho Công ty Cẩn Vân thuê lại 05 xe ô tô nói trên. Cùng ngày, Công ty cho thuê tài chính II ký Hợp đồng cho thuê tài chính với Công ty Cẩn Vân về việc cho thuê 5 chiếc xe ô tô, trong đó có chiếc xe 53M-7538. Hợp đồng có nội dung: Công ty cho thuê tài chính có trách nhiệm chỉ định Công ty bảo hiểm và làm thủ tục mua bảo hiểm; Công ty thuê có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm một lần trong suốt thời gian thuê”. Cũng trong ngày 31/01/2007, Công ty Phương Thảo đã tiến hành bàn giao 5 chiếc xe ô tô đó và giấy tờ kèm theo cho Công ty Cẩn Vân trước sự chứng kiến của Công ty cho thuê tài chính II. Cho nên, ngày 30/3/2007, Công ty Phương Thảo đã thông báo cho Công ty Nhà Rồng và yêu cầu Công ty Nhà Rồng điều chỉnh lại Hợp đồng bảo hiểm xe ô tô, chuyển 5 chiếc xe đó cho Công ty Cẩn Vân chịu trách nhiệm thanh toán với Công ty Nhà Rồng.
Do đó, ngày 03/4/2007, Công ty Nhà Rồng và Công ty Phương Thảo đã thống nhất hủy bỏ hiệu lực trách nhiệm dân sự, đồng thời loại bỏ khỏi hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự 5 chiếc xe ô tô, trong đó có xe 53M-7538.
Ngày 22/7/2007, xe 53M-7538 bị tai nạn làm 27 hành khách trên xe bị thương, 1 trụ điện và chiếc xe ô tô 53M-7538 bị hư hỏng. Sau khi xác minh, Công ty Nhà Rồng đã có thông báo gửi Công ty cho thuê tài chính II và Công ty Phương Thảo từ chối bồi thường bảo hiểm, với lý do xe ô tô nói trên đã bị hủy bỏ hiệu lực bảo hiểm trách nhiệm dân sự từ ngày 03/4/2007 .
Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc Công ty Nhà Rồng phải có trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm cho Công ty Cẩn Vân; tách quan hệ về nộp phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự ra giải quyết thành vụ kiện khác nếu sau này các đương sự không tự giải quyết được và các đương sự có yêu cầu.
Tòa án cấp phúc thẩm xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11/2009/KDTM-GĐT ngày 30/9/2009, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật, với lý do:
– Tòa án các cấp chưa xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ để làm rõ thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm cũng như sự việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Điều 15; khoản 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm; đoạn 1 Điều 5 Quy tắc bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được ban hành kèm theo Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (vì Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chiếc xe được cấp trước khi ký hợp đồng bảo hiểm; chủ xe cơ giới là Công ty cho thuê tài chính phải có trách nhiệm mua bảo hiểm nhưng người mua bảo hiểm lại là Công ty Phương Thảo (công ty thuê xe) là vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 của Luật kinh doanh bảo hiểm; Việc Công ty Phương Thảo đã thanh toán phí bảo hiểm cho chiếc xe 53M-7538 hay chưa cũng chưa được Tòa án các cấp đối chất; các hóa đơn, chứng từ về việc nộp phí bảo hiểm chưa được thu thập; khi bàn giao xe giữa Công ty Phương Thảo và Công ty Cẩn Vân, Công ty Phương Thảo cũng đã giao Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới của xe ô tô mang biển kiểm soát số 53M-7538 cho Công ty Cẩn Vân; mặc dù, Công ty Cẩn Vân không được thông báo về trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm cho chiếc xe trên nhưng tại Hợp đồng cho thuê tài chính giữa Công ty cho thuê tài chính và Công ty Cẩn Vân các bên thỏa thuận là Công ty Cẩn Vân phải có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm một lần trong suốt thời gian thuê xe. Nhưng việc các bên thực hiện thỏa thuận này như thế nào chưa được Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác minh làm rõ để từ đó mới có thêm căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
– Sau khi chuyển giao chiếc xe cho Công ty Cẩn Vân, Công ty Phương Thảo đã yêu cầu và được Công ty Nhà Rồng đồng ý hủy bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chiếc xe này, điều chỉnh lại hợp đồng bảo hiểm nên hiệu lực bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chiếc xe theo hợp đồng bảo hiểm với Công ty Phương Thảo không còn. Nhưng Công ty Cẩn Vân là người đang quản lý, sử dụng chiếc xe lại không được thông báo về việc này. Vì vậy, Công ty Cẩn Vân đã hiểu rằng Công ty Phương Thảo đã chuyển quyền và nghĩa vụ của hợp đồng bảo hiểm cho Công ty Cẩn Vân thể hiện bằng việc giao giấy chứng nhận bảo hiểm và thực tế Công ty Cẩn Vân tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm này trong quá trình lưu thông xe cho đến ngày xảy ra tai nạn. Tại Bản thỏa thuận ngày 12/01/2007 giữa Công ty Phương Thảo và Công ty Cẩn Vân, các bên chỉ thỏa thuận: Công ty Cẩn Vân sẽ được hưởng thụ tiếp phần bảo hiểm thân xe còn lại do Công ty Phương Thảo đã mua trước đó mà không có thỏa thuận về bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Vấn đề này chưa được Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm xem xét làm rõ. Do đó, cần phải xem xét hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hiểm khi mà hợp đồng bảo hiểm đã bị hủy bỏ theo quy đinh tại Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm; khoản 2 và 4 Điều 424, khoản 3 Điều 425 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 6 Quy tắc bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được ban hành kèm theo Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bên nhằm xác định đúng trách nhiệm và mức độ bồi thường thiệt hại.
– Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định “tách quan hệ về nộp phí bảo hiểm về bảo hiểm trách nhiệm dân sự ra giải quyết thành vụ kiện khác…” cũng là không đúng pháp luật. Nếu có đủ căn cứ xác định đến ngày xảy ra tai nạn mà Công ty Phương Thảo hoặc Công ty Cẩn Vân chưa nộp phí bảo hiểm theo thỏa thuận thì Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng sẽ không có trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ 2: Vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần thương mại Duy Linh (gọi tắt là Công ty Duy Linh) với bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng (gọi tắt là Công ty bảo hiểm Nhà Rồng).
Ngày 19/01/2006, Công ty Duy Linh ký hợp đồng với Công ty Kapha (một Công ty của Nga) để mua hai tàu Shantar và Tsikonya về để phá dỡ làm sắt vụn. Trong đó tàu Shantar thuộc sở hữu của Công ty Continent và tàu Tsikonya thuộc sở hữu của Công ty TNHH dịch vụ Kurs. Trong hợp đồng mua bán nêu rõ máy của tàu Shantar bị hỏng và tàu Tsikonya sẽ kéo tàu Shantar từ cảng Vladivostok về cảng Hải Phòng
Ngày 20/01/2006, Công ty Duy Linh có yêu cầu Công ty bảo hiểm Nhà Rồng cấp giấy bảo hiểm thân tàu cho tàu Shantar và tàu Tsikonya theo điều kiện bảo hiểm ITC 01/11/1995. Theo điều kiện bảo hiểm ITC thì Công ty bảo hiểm Nhà Rồng sẽ không bảo hiểm trong mọi trường hợp lai dắt tàu biển, trừ trường hợp có thông báo từ phía bên được bảo hiểm và được thỏa thuận trong hợp đồng, Thực hiện hợp đồng, Công ty Duy Linh đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm.
Ngày 13/02/2006, Tàu Shantar và tàu Tsikonya đã rời bến từ cảng Valdivostok về cảng Hải Phòng theo nội dung bảo hiểm hành trình một chuyến.
Ngày 02/3/2006, Công ty Duy Linh nhận được thông báo tàu Shantar bị chìm tại vùng biển đảo Hải Nam nên đã có thông báo cho Công ty bảo hiểm Nhà Rồng về sự cố chìm tàu và cung cấp tài liệu liên quan để yêu cầu bồi thường bảo hiểm, nhưng Công ty bảo hiểm Nhà Rồng không đồng ý chi trả bảo hiểm với lý do Hợp đồng bảo hiểm đã căn cứ theo tiêu chuẩn ITC trong đó không bảo hiểm cho trường hợp tàu được lai kéo, vì vậy, Công ty Duy Linh khởi kiện ra Tòa án.
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: Buộc Công ty bảo hiểm Nhà Rồng phải bồi thường thiệt hại phát sinh là tổn thất toàn bộ tàu Shantar cho Công ty Duy Linh; Công ty bảo hiểm Nhà Rồng phải hoàn lại số tiền phí bảo hiểm đã nhận cho Công ty Duy Linh.
Tòa án cấp phúc thẩm cũng không chấp nhận kháng cáo của Công ty bảo hiểm Nhà Rồng và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 02/2012/KDTM-GĐT ngày 27/3/2012, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ðã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xử hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật, với lý do:
– Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Công ty bảo hiểm Nhà Rồng phải hoàn trả tiền phí bảo hiểm cho Công ty Duy Linh là không đúng, vượt quá yêu cầu khởi kiện, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.
– Có dấu hiệu bất minh trong việc ký kết hợp đồng mua bán tàu và hợp đồng bảo hiểm nhưng chưa được Tòa án các cấp xem xét làm rõ (trong hồ sơ vụ án này có các tài liệu là bộ hợp đồng bảo hiểm cấp cho một cặp tàu tương tự do nguyên đơn cung cấp nhưng khi so sánh với bộ hồ sơ đang được Tòa án giải quyết thấy có những dấu hiệu bất minh cần phải được cơ quan điều tra xem xét làm rõ).
– Theo kháng nghị hàng hải thì việc đắm tàu Shantar là do thiên tai, nhưng theo Công văn ngày 30/5/2006 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương xác định trong suốt thời gian và khu vực hải trình của tàu thì thời tiết biển không thể hiện là có bão. Xác định của Cục hàng hải quốc tế cũng có kết quả về thời tiết tương tự. Như vậy, không có bằng chứng về việc tàu Shantar bị gặp bão trên hải trình từ cảng Vladivostok về cảng Hải Phòng; nguyên nhân việc chìm tàu Shantar chưa được Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm làm rõ, do vậy không có cơ sở thực tế để xác định tàu Shantar có bị chìm hay không .
– Không có tài liệu nào thể hiện việc Cảng vụ Vladivostok (Liên bang Nga) cho phép tàu Tsikonya kéo tàu Shantar từ cảng Vladivostok đến cảng Hải Phòng. Hồ sơ chỉ có các tài liệu thể hiện tàu Shantar được tàu Topaz lai kéo cảng đi là cảng Vladivostok và cảng đến là cảng Hải Phòng.
Như vậy, chưa có đủ căn cứ kết luận có hay không sự kiện bảo hiểm nên chưa xác định được trách nhiệm bảo hiểm của Công ty bảo hiểm Nhà Rồng.
BÀI 6:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP,
YÊU CẦU VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI CÓ ĐƯƠNG SỰ HOẶC TÀI SẢN Ở NƯỚC NGOÀI HOẶC CẦN PHẢI ỦY THÁC CHO CƠ QUAN LÃNH SỰ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI, CHO TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI
Một trong những công việc quan trọng đầu tiên khi Tòa án xem xét, giải quyết vụ việc dân sự nói chung và tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại nói riêng là xác định thẩm quyền xét xử, muốn xác định đúng thì Tòa án phải căn cứ vào đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự, bởi chính nội dung đơn sẽ là cơ sở để xác định thẩm quyền, phạm vi xét xử, giải quyết của Tòa án. Nội dung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự chính là văn bản thể hiện ý chí của họ, Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Căn cứ vào đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự, Tòa án xác định thẩm quyền giải quyết đối với quan hệ pháp luật tranh chấp trên cơ sở vận dụng quy định pháp luật có liên quan để xác định đó có phải là loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không hay thuộc thẩm quyền của cơ quan khác, tổ chức khác. Trường hợp thụ lý, giải quyết tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác cho cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì còn phải xác định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền không hay là thuộc thẩm quyền của Tòa án nước ngoài.
Xác định thẩm quyền là công việc bắt buộc của Tòa án. Cụ thể là xem xét tính hợp pháp của đơn khởi kiện hay đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ chứng minh để quyết định trả lại đơn hoặc thụ lý vụ việc. Nếu bỏ qua công việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc vì quyết định giải quyết vụ việc của Tòa án chỉ có giá trị pháp lý khi Tòa án giải quyết đúng thẩm quyền.
Xác định thẩm quyền của Tòa án là việc làm quan trọng và có tính liên tục, bởi nó được đặt ra không những ở giai đoạn thụ lý vụ án mà còn ở các giai đoạn sau như giai đoạn chuẩn bị xét xử hay xét xử tại phiên tòa. Ngoài ra, tính liên tục còn được thực hiện ở các cấp xét xử trong trường hợp vụ việc bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án luôn phải kiểm tra lại thẩm quyền giải quyết vụ việc đúng hay chưa. Trong thực tế, do chưa xác định rõ thẩm quyền nên dẫn đến vi phạm, nhiều bản án, quyết định bị kiểm tra phát hiện giải quyết, xét xử sai về thẩm quyền, nếu ngay từ đầu xác định đúng thẩm quyền thì sẽ không gây tốn kém công sức và tiền của của cơ quan nhà nước và của các đương sự…
Sau khi xác định được Tòa án giải quyết vụ việc dựa trên hai yếu tố là thẩm quyền theo loại việc và thẩm quyền theo cấp xét xử, Tòa án tiếp tục đối chiếu xem loại việc đó nằm trong trường hợp nào của qui định pháp luật về phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ hay theo sự lựa chọn của nguyên đơn để loại trừ dần các bước trong quá trình xác định thẩm quyền để đưa ra quyết định Tòa án có nhiệm vụ giải quyết vụ việc.
I. NHỮNG TRANH CHẤP, YÊU CẦU VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN
1. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo quy định tại Điều 29 BLTTDS thì những tranh chấp sau đây về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:
a) Mua bán hàng hoá;
b) Cung ứng dịch vụ;
c) Phân phối;
d) Đại diện, đại lý;
đ) Ký gửi;
e) Thuê, cho thuê, thuê mua;
g) Xây dựng;
h) Tư vấn, kỹ thuật;
i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
l) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
m) Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
n) Bảo hiểm;
o) Thăm dò, khai thác.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
4. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì: “Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết “các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.
2. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo quy định tại Điều 30 BLTTDS, những yêu cầu sau đây về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
1. Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
2. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
3. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.
4. Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
II. THẨM QUYỀN THEO CẤP TÒA ÁN
1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS.
2. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm
2.1. Theo quy định tại Điều 34 BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 2 (Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận) và khoản 3 (Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty) Điều 29 của BLTTDS (trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều 33 của BLTTDS);
b) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 của BLTTDS;
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS.
2.2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 33 của BLTTDS mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.
Như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS thì những tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đ�i diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 2 và 3 Điều 29 của BLTTDS và không có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 30 BLTTDS.
* Về các khái niệm “Đương sự ở nước ngoài”; “tài sản ở nước ngoài” hoặc “cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài” theo quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS:
– Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS thì: Đương sự ở nước ngoài bao gồm: Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
– Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
– Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật tương trợ tư pháp Việt Nam; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
* Một số lưu ý:
– Đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại khoản Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP nêu trên mà Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
– Đối với vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS và được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP nêu trên và được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ
– Tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài nghiên cứu: 1) Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài; 2) Địa vị tố tụng của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài; 3) Địa vị tố tụng của quốc gia nước ngoài và các đại diện lãnh sự và ngoại giao của quốc gia đó; 4) Vấn đề ủy thác tư pháp; và 5) Vấn đề công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
– Thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế được nghiên cứu là một bộ phận của tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm: 1) Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài; 2) Vấn đề ủy thác tư pháp; và 3) Vấn đề công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
1. Thẩm quyền của Toà án trong Tư pháp quốc tế
Ở Việt Nam, thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự được xác định dưới các góc độ là thẩm quyền theo loại vụ việc, thẩm quyền theo cấp Tòa án, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu.
Nếu căn cứ vào các góc độ trên, chúng ta thấy, thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự là quyền xem xét thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự bằng một quyết định hoặc bản án của Tòa án theo trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự.
Thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, các văn bản pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để thực thi các quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực Tư pháp quốc tế một cách hiệu quả, thì các quốc gia không thể không trao thẩm quyền cho cho Toà án. Do vậy, các quốc gia cũng phải xây dựng những quy phạm pháp luật tố tụng và tham gia hoặc ký kết các điều ước quốc tế để xác định thẩm quyền của Toà án quốc gia trong việc giải quyết các quan hệ dân sự mang tính quốc tế. Trong trường hợp giữa các quốc gia chưa ký kết hoặc gia nhập Điều ước quốc tế thì có thể xác định thẩm quyền theo nguyên tắc có đi có lại.
Và như vậy, thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế không chỉ căn cứ vào pháp luật tố tụng dân sự trong nước mà còn căn cứ vào các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
Từ những phân tích trên, thẩm quyền của Toà án trong Tư pháp quốc tế là quyền năng pháp lý của Toà án quốc gia (quyền lực tư pháp, quyền tài phán của quốc gia) được xác định theo quy định của pháp luật trong nước, trong các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại; có quyền xem xét thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài bằng một quyết định hoặc bản án của Tòa án theo trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự quốc gia.
2. Các đặc điểm chính của thẩm quyền của Toà án trong Tư pháp quốc tế
2.1. Chủ thể giải quyết các vụ việc trong Tư pháp quốc tế là Toà án của quốc gia có thẩm quyền
Dựa trên quan điểm về nguyên tắc chủ quyền quốc gia thì Tòa án nhiều nước đều có thẩm quyền xét xử đối với cùng một vụ việc do các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau. Đây là một trong những điểm khác biệt cơ bản so với giải quyết vụ việc dân sự trong nước – chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án quốc gia cụ thể, tức là chỉ xác định Tòa án cụ thể nào của quốc gia có thẩm quyền. Đối với những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì điều đầu tiên khi xác định thẩm quyền của Tòa án là xác định Tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền hay còn gọi là thẩm quyền tư pháp thuộc về quốc gia nào. Đây tưởng chừng là một việc đơn giản nhưng thực chất lại rất khó khăn và phức tạp. Việc xác định Tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phụ thuộc vào luật Tư pháp quốc tế của quốc gia đó. Tư pháp quốc tế các nước quy định thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại hai nguồn luật: pháp luật tố tụng dân sự trong nước và điều ước quốc t� mà quốc gia đó là thành viên. Việt Nam xác định thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế dựa vào pháp luật tố tụng dân sự trong nước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
Nếu như vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh liên quan tới các quốc gia có điều ước quốc tế với nhau về vấn đề xác định thẩm quyền của Tòa án, thì theo nguyên tắc về giá trị ưu tiên áp dụng của điều ước quốc tế so với pháp luật quốc gia, quy tắc xác định thẩm quyền của điều ước quốc tế đó sẽ phải được các nước tuân thủ. Trong trường hợp này, việc xung đột thẩm quyền của Tòa án vẫn có thể phát sinh, cho dù đã có sự thống nhất giữa các quốc gia có liên quan, nếu như tiêu chí để xác định thẩm quyền của Tòa án trong điều ước quốc tế đó để mở khả năng Tòa án nhiều quốc gia đều có quyền thụ lý. Trường hợp xung đột thẩm quyền xét xử kết thúc khi trong điều ước quốc tế các quốc gia xác định tiêu chí cụ thể để giải quyết, ví dụ trong hiệp định tương trợ tư pháp có quy định: Nếu Tòa án của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền cùng thụ lý một vụ kiện có cùng các bên đương sự và cùng một nội dung, thì Tòa án nào thụ lý sau sẽ phải đình chỉ tố tụng và báo cho các bên đương sự biết.
Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa các quốc gia về vấn đề xác định Tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền đối với một vụ việc có yếu tố nước ngoài, thì việc xác định thẩm quyền của Tòa án mỗi nước sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong nước. Hiện tượng xung đột thẩm quyền của Tòa án có thể xảy ra khi: 1) Pháp luật tố tụng dân sự của các quốc gia có liên quan đưa ra các tiêu chí khác nhau khi xác định thẩm quyền của Tòa án nước mình đối với một vụ việc. 2) Hoặc pháp luật tố tụng các quốc gia có liên quan đều đưa ra cùng một tiêu chí để xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia mình, nhưng do sự không đồng nhất của quan hệ xét trên tiêu chí đó làm xuất hiện xung đột thẩm quyền của Tòa án. Điều này đòi hỏi, trong giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài, Tư pháp quốc tế phải định ra tiêu chí nhất định để xác định thẩm quyền của Tòa án một quốc gia nhất định hoặc Tòa án cụ thể của một quốc gia.
Như vậy, đặc điểm cơ bản quan trọng nhất khi nghiên cứu thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế chính là giải quyết triệt để vấn đề xung đột thẩm quyền tư pháp của các quốc gia có liên quan đến vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, tức là xác định Tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền. Đây chính là việc xác định chủ thể có thẩm quyền giải quyết thuộc về quốc gia nào hay thẩm quyền tư pháp của quốc gia nào, mà cụ thể là Tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền.
2.2. Căn cứ pháp lý xác định thẩm quyền không chỉ bó hẹp trong luật quốc nội
Xuất phát từ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi giải quyết các tranh chấp, yêu cầu; xuất phát từ nguyên tắc được Nhà nước bảo vệ bằng pháp luật, khi bị thiệt hại, có thể bị thiệt hại…, cá nhân, tổ chức thường thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết…. Như vậy, cá nhân, tổ chức được yêu cầu Toà án giải quyết những vấn đề mà pháp luật không cấm và Toà án phải có nghĩa vụ tiếp nhận những yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, trong thực tế các quốc gia thường có các quy định, theo đó, Tòa án nói riêng (cơ quan nhà nước nói chung) chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, xét về hình thức thể hiện sự hạn chế phạm vi thẩm quyền của Toà án, nhưng xét về bản chất thì Nhà nước hạn chế phạm vi được bảo vệ của người dân. Ví dụ, Điều 29 BLTTDS quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Điều 30 BLTTDS quy định những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Rõ ràng, với những quy định này, tưởng như là cá nhân, tổ chức có quyền thỏa thuận để chọn Tòa án có thẩm quyền để giải quyết, và thẩm quyền của Tòa án xuất hiện do sự lựa chọn của các đương sự, nhưng pháp luật tố tụng lại chỉ quy định trường hợp nguyên đơn, người yêu cầu được chọn Tòa án. Như vậy, khi giải quyết một vụ việc dân sự thông thường, Tòa án chỉ áp dụng các quy định pháp luật tố tụng dân sự của quốc gia mình để xác định thẩm quyền. Thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế, giải quyết các vụ việc phát sinh từ các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài trước hết vẫn phải căn cứ vào những nguyên tắc nhất định của các văn bản pháp luật trong nước. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất khi xác định thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế là phải căn cứ nguyên tắc chủ quyền quốc gia để xây dựng quy phạm tố tụng – quy phạm thực chất, quy phạm đơn phương. Quy phạm này xác định trong trường hợp cụ thể, Tòa án có thẩm quyền hay không. Tức là chỉ xác định thẩm quyền của Tòa án của chính nước đã xây dựng ra quy phạm đó mà không có quyền xây dựng các quy phạm pháp luật để xác định thẩm quyền của Tòa án của quốc gia khác trong Tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, để tránh các trường hợp xung đột thẩm quyền của Tòa án giữa các quốc gia liên quan, các quốc gia cũng có thể ký kết với nhau những điều ước quốc tế để xác định thẩm quyền của Tòa án của mỗi quốc gia.
Đặc điểm này cho phép phân biệt với thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự thông thường (chỉ căn cứ vào pháp luật trong nước), phân biệt với thẩm quyền củaTòa án trong tố tụng Công pháp quốc tế (chỉ căn cứ vào các điều ước quốc tế do các quốc gia hoặc các chủ thể khác của công pháp quốc tế thỏa thuận chấp nhận hoặc xây dựng nên).
2.3. Có quyền áp dụng tập quán quốc tế và pháp luật nội dung của quốc gia khác
Việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến tập quán quốc tế và nhiều hệ thống pháp luật nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cho phép Tòa án quốc gia được áp dụng tập quán quốc tế và pháp luật nội dung của nước ngoài trong một số trường hợp nhất định. Đây không phải là nghĩa vụ pháp lý của mỗi quốc gia mà thuộc chủ quyền quốc gia. Vì nếu Tòa án chỉ áp dụng pháp luật nội dung của nước mình để điều chỉnh các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài hoặc bằng mọi cách để mở rộng hiệu lực của pháp luật nước mình mà không tính đến trường hợp cụ thể cần áp dụng pháp luật nước ngoài thì đều thủ tiêu đi tính khách quan, tính công bằng, và tất yếu sẽ khó khăn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân nước ngoài cũng như công dân, pháp nhân nước mình ở nước ngoài. Tuy nhiên, Tòa án quốc gia chỉ áp dụng tập quán quốc tế và pháp luật nội dung của nước ngoài khi được các văn bản pháp luật trong nước quy định hoặc được điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên viện dẫn hoặc được các bên thỏa thuận trong hợp đồng nếu thỏa thuận đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 BLTTDS, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Và tại khoản 3 Điều 759 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì trong trường hợp Bộ luật dân sự, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật dân sự, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi Tòa án quốc gia áp dụng pháp luật nội dung của nước ngoài thì phải tự mình giải thích, xác định nội dung pháp luật nước ngoài cần áp dụng (thông qua việc nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, thực tiễn xét xử, các tập quán cũng như các công trình khoa học pháp lý của nước hữu quan). Đồng thời, Tòa án phải tự mình thu thập và xác minh các chứng cứ liên quan đến vụ việc. Các bên đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, nhưng việc xác định chứng cứ vẫn là trách nhiệm chính của Tòa án quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp, Tòa án quốc gia đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài để áp dụng thì sẽ áp dụng pháp luật nước mình.
2.4. Có quyền công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài đã được tuyên ở nước nào thì chỉ có hiệu lực thi hành ở lãnh thổ nước đó. Bởi vậy, về nguyên tắc, bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài muốn được thi hành ở nước khác thì phải được Tòa án của nước đó ra quyết định công nhận và cho thi hành. Pháp luật các nước có những quy định khác nhau về vấn đề công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia mình. Để các bản án, quyết định của Tòa án các nước, quyết định của Trọng tài nước ngoài đều có thể được thi hành nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự và thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế, các nước đã ký kết với nhau những điều ước quốc tế về công nhận và thi hành trên lãnh thổ của nhau bản án, quyết định dân sự của Tòa án, quyết định của Trọng tài nước ngoài; hoặc bản án, quyết định dân sự của Tòa án, quyết định của Trọng tài của nước có áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam mà không đòi hỏi phải ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế; và, bản án, quyết định dân sự của Tòa án, quyết định của Trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành; Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận thì đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Toà án Việt Nam chỉ xem xét việc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam khi có đơn yêu cầu không công nhận. Việc thi hành phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về thi hành án dân sự. Khi đó, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật.
2.5. Có quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài và thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài cho Việt Nam
Thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự thông thường thì chỉ tiến hành những hành vi tố tụng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia mình. Thẩm quyền của Tòa án trong Tư pháp quốc tế đòi hỏi nếu không thực hiện một số hành vi tố tụng riêng lẻ như tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ hoặc các yêu cầu khác ở nước ngoài thì không thể giải quyết được vụ việc. Trong trường hợp đó, Tòa án phải ủy thác cho Tòa án của nước ngoài có liên quan thực hiện giúp một số hành vi tố tụng riêng lẻ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật tương trợ tư pháp của Việt Nam năm 2007 thì “Uỷ thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Trong tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Tòa án. Như vậy, nếu không có quy định của điều ước quốc tế ràng buộc thì Tòa án của nước có liên quan không có nghĩa vụ thực hiện ủy thác tư pháp. Thông thường, các nước đều quy định những điều kiện ủy thác và thực hiện ủy thác tư pháp đối với những hành vi tố tụng riêng lẻ. Các nước cũng không thể nào buộc Tòa án của nước khác thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước mình nếu pháp luật quốc gia của nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà nước liên quan đó là thành viên không quy định hoặc các nước có liên quan không áp dụng nguyên tắc có đi có lại với nhau. Tại Điều 4 của Luật tương trợ tư pháp Việt Nam quy định các nguyên tắc tương trợ tư pháp, theo đó: “Tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế”.
Việc thực hiện ủy thác tư pháp phải tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự của nước nơi ủy thác tư pháp được thực hiện. Theo khoản 1 Điều 16 Luật tương trợ tư pháp thì chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
IV. THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
1. Khái niệm “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 405 BLTTDS thì: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự có ít nhất một trong các đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc các quan hệ dân sự giữa các đương sự là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Theo định nghĩa trên thì một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi có một hoặc các yếu tố: 1) Đương sự (có ít nhất một trong các đương sự) trong vụ việc dân sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; 2) Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ dân sự giữa các đương sự là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài, và 3) Tài sản liên quan đến quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 2 Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998, người nước ngoài bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch, trong đó, công dân nước ngoài (quốc tịch nước ngoài) là công dân (quốc tịch) của một nước khác không phải là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Tại Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh.
Tại Điều 3 Luật thương mại năm 2005 quy định Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép; và Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, vụ việc dân sự có yếu tố n�ớc ngoài là những vụ việc có liên quan đến ít nhất hai nước, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền của ít nhất hai nước khác nhau có liên quan đều có thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó. Do đó, trường hợp này, pháp luật Việt Nam không thể quy định cụ thể các loại thẩm quyền của Ṭa án theo vụ việc, theo cấp hoặc theo lănh thổ mà tập trung quy định các quy tắc để giải quyết vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử giữa Tòa án Việt Nam với Tòa án nước ngoài (hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài) có liên quan đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
2. Quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài
Theo quy định tại Điều 406 BLTTDS thì “Công dân nước ngoài, người không quốc tịch, cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế (sau đây gọi chung là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài) có quyền khởi kiện đến Tòa án Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp. Khi tham gia tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài có quyền và nghĩa vụ tố tụng như công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam. Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền tố tụng dân sự tương ứng của công dân nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài mà Tòa án của nước đó đã hạn chế đối với công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam”.
3. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự nói chung (các vụ việc về kinh doanh, thương mại nói riêng) có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 410 BLTTDS thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự nói chung (các vụ việc về kinh doanh, thương mại nói riêng) được quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 BLTTDS mà các vụ việc dân sự đó có yếu tố nước ngoài, và thẩm quyền của Tòa án các cấp, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được áp dụng theo các quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 36 BLTTDS, trừ các trường hợp chương XXXV BLTTDS có quy định khác.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ dân sự có yếu tố nước, đồng thời vẫn bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia, tại khoản 2 Điều 410 BLTTDS quy định các trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam;
b) Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam; …
d) Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
đ) Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam;
e) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
Sau khi đối chiếu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 410 với các Điều từ 33 đến Điều 36 BLTTDS thì thấy: Đối với trường hợp bị đơn là tổ chức nước ngoài không có trụ sở chính và Chi nhánh tại Việt Nam nhưng lại có cơ quan quản lý, Văn phòng đại diện tại Việt Nam, việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự loại này có thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam hay không thì đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 410 BLTTDS. Tuy nhiên, Điều 410 BLTTDS mới chỉ quy định chung về thẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài chứ không quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa án cụ thể nào của Việt Nam. Để xác định thẩm quyền cụ thể là Tòa án nào có thẩm quyền thì ngay khoản 1 của Điều 410 BLTTDS đã quy định là chúng ta phải căn cứ vào các quy định tại Chương III của Bộ luật tố tụng dân sự, tức là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự được quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 BLTTDS mà các vụ việc dân sự đó có yếu tố nước ngoài, và thẩm quyền của Tòa án các cấp, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được áp dụng theo các quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 36 BLTTDS, trừ trường hợp chương XXXV của Bộ luật tố tụng dân sự có quy định khác.
Điểm a khoản 2 Điều 410 của Bộ luật tố tụng dân sự có quy định, Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có Cơ quan quản lý, Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ta thấy, quy định này phân biệt rõ khái niệm “trụ sở” với “Cơ quan quản lý, Chi nhánh, Văn phòng đại diện” tại Việt Nam.
Để quy định của pháp luật tố tụng được thống nhất, đồng bộ, tránh tình trạng thoạt nhìn qua thì thấy các quy định có vẻ đầy đủ nhưng khi xem xét kỹ thì lại không quy định thẩm quyền giải quyết một vụ việc cụ thể nào đó. Các quy định tại khoản 2 Điều 410 và Điều 411 BLTTDS xác định vụ việc dân sự đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam hay không? Các quy định tại các Điều 33 và 34 BLTTDS giúp cho ta thấy vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, còn thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh cụ thể nào thì lại phải căn cứ vào các Điều 35 và 36 BLTTDS. Đối chiếu cụ thể, ta thấy, theo quy định tại khoản 3 Điều 33 và điểm c khoản 1 Điều 34 BLTTDS thì loại vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS, nếu tranh chấp về bất động sản, thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc về Tòa án cấp tỉnh nơi có bất động sản; theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 BLTTDS, nếu tranh chấp không phải là tranh chấp về bất động sản, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc về Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở (mà cụ thể là Tòa án cấp tỉnh nơi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện); ngoài ra, tại chương III của Bộ luật tố tụng dân sự không quy định Tòa án nào khác có thẩm quyền giải quyết đối với loại tranh chấp mà bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có Văn phòng đại diện tại Việt Nam này nữa.
Từ thực tế các quy định tại chương III và chương XXXV của Bộ luật tố tụng dân sự, thấy rằng, Tòa án nơi có Văn phòng đại diện của bị đơn không có thẩm quyền giải quyết vụ án này vì: 1) Theo quy định tại các Điều 35 và 36 BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án luôn gắn nơi có trụ sở, nơi có Chi nhánh của bị đơn chứ không quy định Tòa án nơi có Cơ quan quản lý, Văn phòng đại diện của bị đơn có thẩm quyền; 2) điểm c khoản 1 Điều 36 BLTTDS có quy định trường hợp “bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam” chứ không quy định trường hợp không có trụ sở ở Việt Nam nhưng lại có Cơ quan quản lý, Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dấu hiệu Cơ quan quản lý, Văn phòng đại diện của bị đơn chỉ xác định được vụ việc đó thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam hay không mà thôi mà không xác định được Tòa án cụ thể nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.
Luật Thương mại năm 2005 quy định, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép (khoản 6 Điều 3). Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam (khoản 3 Điều 16…). Đối chiếu với các quy định được áp dụng đối với vụ việc dân sự không có yếu tố nước ngoài như đã được đề cập thì rõ ràng Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn và Tòa án nơi có Cơ quan quản lý, Văn phòng đại diện của bị đơn đều không có thẩm quyền giải quyết. Sở dĩ như vậy vì, với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 BLTTDS thì nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam. Trường hợp này, tuy bị đơn không có trụ sở tại Việt Nam nhưng lại có Cơ quan quản lý, Văn phòng đại diện tại Việt Nam, nên Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc không có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài việc quy định những trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền chung giải quyết các vụ việc dân sự nói chung (vụ việc về kinh doanh, thương mại nói riêng) có yếu tố nước ngoài, Bộ luật tố tụng dân sự quy định rõ những vụ việc dân sự (trong đó có vụ việc về kinh doanh, thương mại nói riêng) thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, tức là Tòa án Việt Nam có quyền giải quyết các vụ việc dân sự (trong đó có vụ việc về kinh doanh, thương mại nói riêng) có yếu tố nước ngoài không phụ thuộc vào Tòa án nước ngoài đã thụ lý, giải quyết; hay nói cách khác, đối với những vụ việc dân sự này, Tòa án Việt Nam không dành quyền giải quyết cho Tòa án nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 411 BLTTDS thì: “1- Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Toà án Việt Nam: a) Vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam; b) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc Chi nhánh tại Việt Nam…”.
Bên cạnh các quy định tại các Điều 410 và 411 BLTTDS, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có các quy định xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài của Tòa án.
Theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hàng hải khi có ít nhất một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài:
1) Trường hợp hợp đồng có ít nhất một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì các bên tham gia hợp đồng có thể thoả thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án ở nước ngoài;
2) Trường hợp các bên liên quan đến tranh chấp hàng hải đều là tổ chức, cá nhân nước ngoài và có thoả thuận bằng văn bản giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Việt Nam thì Trọng tài Việt Nam có quyền giải quyết đối với tranh chấp hàng hải đó, ngay cả khi nơi xảy ra tranh chấp ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tranh chấp hàng hải trong trường hợp này cũng có thể được giải quyết tại Toà án Việt Nam nếu căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ giữa các bên liên quan đến tranh chấp hàng hải theo pháp luật Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 thì Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế, đó là:
1) Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế hành khách, hành lý, hàng hoá theo lựa chọn của người khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
a- Người vận chuyển có trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam;
b- Người vận chuyển có địa điểm kinh doanh và giao kết hợp đồng vận chuyển tại Việt Nam;
c- Việt Nam là địa điểm đến của hành trình vận chuyển.
2) Hợp đồng vận chuyển quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này là hợp đồng vận chuyển mà theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, địa điểm xuất phát và địa điểm đến trên lãnh thổ của hai quốc gia hoặc trên lãnh thổ của một quốc gia nhưng có địa điểm dừng thoả thuận trên lãnh thổ của một quốc gia khác, không kể có gián đoạn trong vận chuyển hoặc chuyển tải.
3) Đối với tranh chấp về thiệt hại xảy ra trong trường hợp hành khách bị chết hoặc bị thương thì ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp hành khách có nơi cư trú chính và thường xuyên tại Việt Nam vào thời điểm xảy ra tai nạn, với điều kiện:
a- Người vận chuyển có hoạt động khai thác vận chuyển hành khách trực tiếp bằng tàu bay của mình hoặc bằng tàu bay của người vận chuyển khác theo hợp đồng giao kết giữa những người vận chuyển về việc liên danh khai thác các chuyến bay vận chuyển hành khách;
b- Người vận chuyển sử dụng trụ sở của mình hoặc trụ sở của người vận chuyển khác có hợp đồng liên danh giao kết với mình để kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tại Việt Nam.
4) Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự của Việt Nam.
Và theo quy định tại Điều 185 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 thì thẩm quyền xét xử của Toà án là Tòa án nơi xảy ra thiệt hại có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thứ ba ở mặt đất, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 12 Luật đầu tư Việt Nam năm 2005 quy định tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải, Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật.
– Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài hoặc Toà án Việt Nam.
– Tranh chấp mà một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây: Toà án Việt Nam, Trọng tài Việt Nam, Trọng tài nước ngoài, Trọng tài quốc tế, Trọng tài do các bên tranh chấp thoả thuận thành lập.
– Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài hoặc Toà án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng được ký giữa đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
V. THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI, QUYẾT ĐỊNH CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI VÀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
Trước hết Bộ luật tố tụng dân sự xác định tại Điều 342 như thế nào là bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài có thể được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Theo đó, bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài và bản án, quyết định khác của Toà án nước ngoài mà theo pháp luật của Việt Nam được coi là bản án, quyết định dân sự. Quyết định của Trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài nước ngoài do các bên thoả thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại…
Tuy nhiên, không phải tất cả các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài cứ có yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là Tòa án Việt Nam sẽ xét đơn yêu cầu, mà Tòa án phải dựa trên các nguyên tắc nhất định được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, đồng thời cũng phải xem xét bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đó có thuộc những trường hợp không được công nhận hay không.
Tại Điều 343 BLTTDS quy định 06 nguyên tắc để bản án, quyết định dân sự (trong đó có bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại) của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, đó là:
1) Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài trong các trường hợp sau đây: thứ nhất, bản án, quyết định dân sự của Toà án của nước mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này; thứ hai, bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.
2) Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trong trường hợp quyết định được tuyên tại nước hoặc của Trọng tài của nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này.
3) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng có thể được Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nýớc ðó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó.
4) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài hoặc quyết định của Trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành.
5) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận thì đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
6) Toà án Việt Nam chỉ xem xét việc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam khi có đơn yêu cầu không công nhận.
Ngoài việc quy định 06 nguyên tắc trên, Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định các trường hợp không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 356 BLTTDS thì bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau:
“1) Bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có Toà án đã ra bản án, quyết định đó.
2) Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên toà của Toà án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ.
3) Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Toà án Việt Nam.
4) Về cùng vụ án này đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam hoặc của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ án, Toà án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ án đó.
5) Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có Toà án đã ra bản án, quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật Việt Nam.
6) Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Theo quy định tại Điều 370 BLTTDS thì quyết định của Trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Các bên ký kết thoả thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thoả thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;
b) Thoả thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi quyết định đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thoả thuận đó;
c) Cá nhân, cơ quan , tổ chức phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;
d) Quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thoả thuận trọng tài. Trong trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thoả thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên, nếu thoả thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;
e) Quyết định của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;
g) Quyết định của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi quyết định đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng huỷ bỏ hoặc đình chỉ thi hành.
2) Quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, nếu Toà án Việt Nam xét thấy: a) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài; b) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
BÀI 7:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
Tình hình tranh chấp lao động mang tính tập thể xảy ra ngày càng phổ biến; có lúc có nơi rất phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự tự anh toàn xã hội. Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật lao động (viết tắt là BLLĐ), có hiệu lực từ ngày 01/5/2013 và thay thế BLLĐ 1994, được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 và 2007. So với Luật sửa đổi, bổ sung năm 2006, thì BLLĐ 2012 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng; trong đó có các quy định về tranh chấp lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, với các nội dung cơ bản như: khái niệm tranh chấp lao động tập thể; phân biệt tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể; trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án tranh chấp lao động tập thể tại Tòa án.
1. Nhận biết tranh chấp lao động tập thể
1.1. Định nghĩa tranh chấp lao động
“Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động” (Khoản 7 của Điều 3 BLLĐ 2012).
1.2. Phân loại tranh chấp lao động
Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
1.3. Đặc điểm của tranh chấp lao động tập thể
– Chủ thể: là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
“Tập thể lao động”, theo khoản 3 Điều 3 BLLĐ năm 2012 “là tập hợp có tổ chức của người lao động cùng làm việc cho một người sử dụng lao động hoặc trong một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của người sử dụng lao động”.
“Người sử dụng lao động”, theo khoản 2 Điều 3 BLLĐ năm 2012 “là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, các nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là các nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.
– Đối tượng (khách thể) trong tranh chấp lao động tập thể: là tranh chấp về các quyền, nghĩa vụ và lợi ích của tập thể lao động.
– Nội dung của tranh chấp lao động tập thể: là các quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động.
2. Các loại tranh chấp lao động tập thể
Tranh chấp lao động tập thể gồm: tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
2.1. Khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền
Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác (Khoản 8 Điều 3 BLLĐ năm 2012).
2.2. Khái niệm tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động” (khoản 9 Điều 3 BLLĐ 2012).
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể
3.1. Cơ quan, Tổ chức, các nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền gồm
– Hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Tòa án nhân dân.
(Khoản 1 Điều 203 BLLĐ năm 2012)
3.2. Cơ quan,Tổ chức, các nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gồm
– Hòa giải viên lao động;
– Hội đồng trọng tài lao động.
(Khoản 2 Điều 203 BLĐ năm 2012)
Lưu ý:
– Điểm khác biệt về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của BLLĐ 2012 so với BLLĐ 2006 là bỏ Hội đồng hòa giải lao động cơ sở.
– BLLĐ quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền, do đó tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (Điều 207 BLLĐ năm 2012). BLLĐ không quy định thời hiệu đối với yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích.
5. Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại cơ sở
5.1. Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hòa giải viên lao động (khoản 1 Điều 204 BLĐ năm 2012)
Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hòa giải viên lao động được thực hiện như thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân quy định tại Điều 201 BLLĐ 2012 cụ thể như sau:
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
– Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.
Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Nếu hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lập biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lập biên bản hoà giải không thành.
Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
– Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Lưu ý: Thẩm quyền của Hòa giải viên lao động là hòa giải cả tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hòa giải viên lao động cũng thực hiện như nêu trên.
5.2. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện
– Xác định loại tranh chấp lao động tập thể (khoản 3 Điều 204 BLLĐ năm 2012):
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp về quyền hay tranh chấp lợi ích. Nếu là tranh chấp về quyền thì tiến hành giải quyết theo quy định. Nếu là tranh chấp về lợi ích thì hướng dẫn các bên yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
– Thời hạn và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 205 BLLĐ năm 2012):
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết vụ việc.
Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.
6. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Tòa án
6.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Tòa án nhân dân
a) Thẩm quyền chung:
Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án tranh chấp lao động tập thể về quyền khi có các điều kiện sau:
– Đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết tranh chấp, mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh.
– Quá thời hạn giải quyết tranh chấp mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.
(Khoản 3 Điều 205 BLLĐ năm 2012; Khoản 2 Điều 31 BLTTDS)
b) Thẩm quyền của các cấp Tòa án:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
(Khoản 2 Điều 31, điểm a, khoản 1 Điều 34 BLTTDS).
c) Thẩm quyền theo lãnh thổ, theo sự lựa chọn của nguyên đơn:
– Việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ về nguyên tắc chung được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTS, cụ thể là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nêu bị đơn là cơ quan, tổ chức.
Các đương sự cũng có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc thỏa thuận đó không được trái với quy định tại Điều 33 và 34 BLTTDS, có nghĩa là vẫn phải bảo đảm đúng theo quy định về thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án. Ví dụ: Trong vụ án, nguyên đơn A có nơi cư trú tại huyện H tỉnh N và bị đơn B có trụ sở tại huyện Y tỉnh M. Các đương sự thỏa thuận Tòa án huyện H giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Thỏa thuận nêu trên là không được chấp nhận vì đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh.
– Việc xác định thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn (Điều 36 BLTTS) thì khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTS về thẩm quyền của các cấp Tòa án, cần lưu ý là đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết mà không cần bất cứ điều kiện nào, thì Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
Ví dụ: Điểm đ khoản 1 Điều 36 quy định: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết”. Như vậy, trong trường hợp này việc yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp không đòi hỏi phải có bất kỳ điều kiện nào, nên nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
Điểm b khoản 1 Điều 36 BLTTDS quy định: “Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết”.
“Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh” là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức có trụ sở, hoặc chi nhánh. Ví dụ: doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh A và có chi nhánh tại tỉnh B, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu TAND tỉnh A hoặc TAND tỉnh B giải quyết vụ tranh chấp.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh tại các quận, huyện khác nhau cùng trên địa bàn tỉnh A, thì trong mọi trường hợp, việc giai quyết vụ tranh chấp đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh A.
5.2. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Tòa án
5.2.1. Khởi kiện, thụ lý vụ án
Việc kiểm tra các điều kiện khởi kiện và thụ lý vụ án nói chung, thực hiện như đối với vụ án tranh chấp lao động cá nhân và các vụ án dân sự khác. Đối với vụ án tranh chấp lao động tập thể về quyền, cần lưu ý một số điểm sau đây:
– Xác định đúng thẩm quyền giải quyết:
Pháp luật hiện hành chưa quy định nội dung tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động là những loại việc tranh chấp cụ thể nào. Khi thụ lý vụ Tòa án căn cứ vào nội dung của khoản 8 Điều 3 BLLĐ năm 2012 quy định về tranh chấp lao động tập thể về quyền (Là các tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ lao động, đã được pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác của doanh nghiệp quy định); và căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 4, khoản 1, khoản 3 Điều 30 Luật công đoàn để xác định tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Căn cứ vào quy định tại các điều, khoản luật nêu trên, thì tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp về các quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh trong quan hệ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động, đã được quy định trong pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động; gồm tranh chấp về: việc làm, tiền lương, thu nhập, các điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các phúc lợi trong quan hệ lao động, về quyền gia nhập, hoạt động công đoàn, về việc thực hiện quyền của công đoàn trong quan hệ lao động, về việc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn.
Lưu ý: Nếu nội dung tranh chấp là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy, cần phải bám vào các khái niệm để phân biệt chính xác yêu cầu của nguyên đơn thuộc tranh chấp lao động tập thể về quyền hay về lợi ích.
– Quyền khởi kiện: Khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn quy định công đoàn có quyền: “Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm”.
Theo quy định của khoản 4 Điều 3 BLLĐ năm 2012, “Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở”.
Khoản 2 Điều 161 BLTTDS quy định: “Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định”.
Khoản 3 Điều 188 BLLĐ năm 2012 quy định: “Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm như quy định tại khoản 1 Điều này”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở là đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Tập thể lao động bị xâm phạm theo quy định của pháp luật. Nếu những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thì Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp.
Như vậy, Công đoàn cấp trên cơ sở chỉ thực hiện quyền khởi kiện vụ án tranh chấp lao động tập thể trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở.
– Điều kiện khởi kiện: Phải kiểm tra đã đủ điều kiện khởi kiện chưa, cụ thể là: Tranh chấp đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết, mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết. Phải có một trong các căn cứ nêu trên thì các bên mới có quyền khởi kiện tại Tòa án và Tòa mới có đủ điều kiện để thụ lý vụ án.
– Đơn kiện: Căn cứ quy định của Điều 164 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đơn kiện phải bảo đảm hình thức, nội dung như quy định tại Điều 164 BLTTDS.
Cần chú ý: Hướng dẫn đương sự làm đơn khởi kiện đúng theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết nêu trên; đơn kiện phải do người có thẩm quyền của đơn vị sử dụng lao động hoặc người có thẩm quyền của tổ chức công đoàn khởi kiện ký tên và đóng dấu của tổ chức.
Trường hợp người sử dụng lao động khởi kiện đối với tập thể lao động, thì đơn kiện phải ghi rõ bên bị kiện là tập thể lao động, do tổ chức công đoàn là người đại diện của bị đơn.
– Các tài liệu kèm theo đơn kiện: Căn cứ quy định của Điều 165 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, khi khởi kiện vụ án tranh chấp lao động tập thể, người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn kiện các tài liệu chủ yếu sau:
+ Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức khởi kiện, tư cách của người đại diện, như: Quyết định công nhận Ban chấp hành công đoàn cơ sở, giấy giới thiệu hoặc văn bản ủy quyền của Ban chấp hành công đoàn cơ sở (nếu Ban chấp hành công đoàn cơ sở khởi kiện), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, văn bản ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (nếu người sử dụng lao động khởi kiện).
+ Tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, như: Thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác giữa các bên và các tài liệu chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị xâm phạm.
+ Văn bản về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc tài liệu chứng minh vụ việc tranh chấp đã được đưa đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
– Về trả lại đơn kiện và yêu cầu sửa chữa, bổ sung đơn kiện: Khi áp dụng các quy định tại Điều 168 và Điều 169 BLTTDS, Tòa án cần lưu ý một số điểm sau đây:
+ Trường hợp khi xảy ra tranh chấp, Thanh tra lao động đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với Người sử dụng lao động; trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khác phục hậu quả theo quy định của khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, mà hậu quả phải khắc phục là nội dung mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết; và quyết định của Thanh tra đã có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 168 BLTTDS để trả lại đơn kiện.
+ Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện khi chưa có đủ điều kiện để được khởi kiện theo quy định tại Điều 205 BLLĐ năm 2012, thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 168 BLTTDS (chưa có đủ điều kiện khởi kiện) để trả lại đơn kiện.
+ Trường hợp đơn kiện có cả nội dung tranh chấp về quyền và có cả nội dung tranh chấp về lợi ích, Tòa án phải căn cứ vào Điều 169 BLTTDS để hướng dẫn cho người khởi kiện sửa chữa, bổ sung đơn kiện.
Trong thực tế, việc phân biệt giữa nội dung tranh chấp về quyền và nội dung tranh chấp về lợi ích là khá phức tạp. Do đó, trong trường hợp sau khi thụ lý đơn khởi kiện, hoặc trong quá trình giải quyết vụ án có đủ căn cứ xác định nội dung tranh chấp không phải về quyền mà là tranh chấp về lợi ích thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với phần nội dung tranh chấp về lợi ích.
5.2.2. Xác minh, thu thập chứng cứ
Cũng như trong giải quyết các vụ tranh chấp lao động nói chung, Tòa án cần xác định các tình tiết có liên quan trong vụ tranh chấp, những vấn đề cần chứng minh trong vụ tranh chấp để làm cơ sở xác định chứng cứ và các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ.
Trong các vụ tranh chấp lao động tập thể nói chung, nhiều trường hợp nội dung tranh chấp liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn; liên quan đến thỏa ước lao động tập thể ngành. Do đó, để có đủ cơ sở giải quyết nội dung tranh chấp, Tòa án cần tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn có thẩm quyền, của ngành liên quan, đồng thời yêu cầu các tổ chức này cung cấp các tài liệu cần thiết liên quan đến việc giải quyết vụ án.
5.2.3. Hòa giải và chuẩn bị xét xử
– Việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến quan hệ lao động tại đơn vị sử dụng lao động. Để nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người lao động, sau khi thụ lý và trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cần tích cực hòa giải để Người sử dụng lao động và tập thể lao động thương lượng được với nhau về việc giải quyết vụ án.
– Về áp dụng khoản 1 Điều 181 BLTTDS:
Khoản 1 Điều 181 BLTTDS quy định: Đối với vụ án về “Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” thì Tòa án không tiến hành hòa giải. Khi thi hành quy định nêu trên thì cần thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Điều 15 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP để phân biệt đúng trường hợp nào không được hòa giải, trường hợp nào được hòa giải.
Ví dụ: Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tưi của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật doanh nhgiệp, luật đầu tư mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Tòa án tiến hành hòa giải để các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Trong trường hợp qua hòa giải mà các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì để tránh sai sót như đã xảy ra trong thực tế, Tòa án phải gửi ngay biên bản hòa giải thành cho các bên, theo quy định tại khoản 2 Điều 186 BLTTDS.
5.2.4. Xét xử vụ án tại phiên tòa
Thủ tục xét xử vụ án tranh chấp lao động tập thể về quyền tại phiên tòa thực hiện theo quy định chung của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, như đối với các vụ án lao động khác.
BÀI 8:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
I. KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
1. Khái quát pháp luật về hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012
HĐLĐ là chế định trung tâm, có vị trí đặc biệt quan trọng trong Bộ luật lao động (BLLĐ).
Trong BLLĐ 2013, chế định HĐLĐ được quy định tại Chương III, gồm 44 điều (từ Điều 15 đến Điều 58), trong đó bao gồm cả 6 điều có liên quan là “Cho thuê lại lao động”. Nội dung của Chương này được chia thành các mục: Mục 1: Giao kết HĐLĐ; Mục 2: Thực hiện HĐLĐ; Mục 3: sửa đổi, bổ sung, chấm dứt HĐLĐ; Mục 4: HĐLĐ vô hiệu; Mục 5: Cho thuê lại lao động.
Nội dung cơ bản của chế định HĐLĐ:
– Định nghĩa HĐLĐ. Nội dung định nghĩa HĐLĐ tại Điều 15 được giữ nguyên như nội dung Điều 26 của BLLĐ 2002.
– Hình thức, loại, nội dung HĐLĐ:
+ Hình thức của HĐLĐ (Điều 16): BLLĐ 1994 quy định hình thức HĐLĐ là bằng văn bản và HĐLĐ miệng. BLLĐ 2012 quy định: HĐLĐ bằng văn bản và bằng lời nói.
+ Loại HĐLĐ: Các loại hợp đồng quy định tại Điều 22 BLLĐ 2012 được giữ nguyên như nội dung của khoản 1 Điều 27 của BLLĐ 2002; gồm HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và HĐLĐ theo mùa vụ, theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Việc chuyển hóa loại hợp đồng. BLLĐ 2012 vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 2 của Điều 27 BLLĐ 2002, là khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, các bên phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu ký HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn, thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Điểm mới được sửa đổi, bổ sung cần chú ý là: Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, nếu các bên không ký HĐLĐ mới, thì HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng đến 36 tháng đã ký trước đó trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ, theo một công việc nhất định đã ký trước đó trở thành HĐLĐ xác định thời hạn 24 tháng.
+ Nội dung của HĐLĐ (Điều 23). Trên cơ sở quy định của Điều 29 BLLĐ 1994 và hướng dẫn tại Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003, tại Điều 23 của BLLĐ 2012 quy định cụ thể những nội dung chủ yếu của HĐLĐ.
Ngoài ra, tại điều này có bổ sung một số nội dung mà các bên có thể thỏa thuận với nhau trong một số trường hợp cụ thể:
Một là: Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm cam kết về bảo mật.
Hai là: Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của HĐLĐ và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, thời tiết.
+ Phụ lục HĐLĐ: BLLĐ 2012 bổ sung một điều luật mới quy định về phụ lục HĐLĐ (Điều 24).
– Giao kết HĐLĐ, thực hiện HĐLĐ, sửa đổi, bổ sung HĐLĐ
Nội dung chủ yếu của các quy định về giao kết, thực hiện HĐLĐ trong BLLĐ 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002 về cơ bản vẫn được kế thừa trong BLLĐ 2012.
Hai quy định mới đáng chú ý là:
Quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc giao kết HĐLĐ cho người lao động (Điều 19);
Quy định những việc cấm đối với người sử dụng lao động khi giao kết HĐLĐ (Điều 20), như: giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ.
– Chấm dứt HĐLĐ
BLLĐ 2012 gộp các trường hợp chấm dứt HĐLĐ đã được quy định trong BLLĐ 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) và quy định trong một điều luật, có bổ sung một số điểm cụ thể tại Điều 36, gồm:
1. Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này (Đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách chưa hết nhiệm kỳ).
2. Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Căn cứ đơn phương chấm dứt HĐLĐ:
+ Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động: Nội dung cơ bản như Điều 37 của BLLĐ 2002; bổ sung tình tiết bị “quấy rối tình dục” (điểm c khoản 1 Điều 37) là căn cứ để người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
+ Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động: Nội dung cơ bản như Điều 38 của BLLĐ 2002; bổ sung trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu người lao động không đến nơi làm việc khi hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ (điểm d khoản 1 Điều 38).
Bỏ điểm đ, trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Đây được coi là trường hợp HĐLĐ đương nhiên chấm dứt và đã được quy định tại khoản 7 của Điều 36.
– Các trường hợp cấm người sử dụng lao động không được chấm dứt HĐLĐ:
Nội dung cơ bản giữ nguyên như Điều 39 BLLĐ 1994. Ngoài các trường hợp không được chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 39 của BLLĐ 2012, các bên còn phải căn cứ vào quy định tại Điều 25 Luật Công đoàn 20/6/2012: “1. Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ”.
– Về thủ tục thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ:
+ Nội dung cơ bản của quy định về thủ tục chấm dứt HĐLĐ trong BLLĐ 2012 vẫn giữ nguyên như trong BLLĐ 1994, như thủ tục báo trước của người lao động và người sử dụng lao động, thủ tục trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn của người sử dụng lao động.
+ BLLĐ 2012 bổ sung quy định về hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ tại Điều 40 là: mỗi bên có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước khi hết thời hạn báo trước, nhưng phải được bên kia đồng ý.
– Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và hậu quả pháp lý:
+ Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 41).
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này.
+ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 42).
BLLĐ 2012 giữ nguyên quy định về nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật trong BLLĐ 2002, như: Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết, trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ; trả trợ cấp thôi việc nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Hai điểm mới đáng chú ý trong BLLĐ 2012 là:
1. Quy định trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc nói trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.
2. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
+ Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 43).
Nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên như trong BLLĐ 2002 và Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ, như: Không được trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62.
+ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (Điều 44).
Kế thừa quy định của Điều 17 BLLĐ 1994 (về cho thôi việc khi thay đổi cơ cấu, công nghệ), BLLĐ 2012 đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định cũ và bổ sung căn cứ áp dụng cho phù hợp với thực tế. Cụ thể là:
Đối với trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động (quy định tại Điều 46 của BLLĐ); trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng, thay vì “đào tạo lại” ngay như trong BLLĐ 1994. Nếu không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Đối với trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động. Nếu không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
+ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều 45).
Kế thừa quy định của Điều 31 BLLĐ 1994, BLLĐ 2012 sửa đổi, bổ sung nội dung và tách thành hai trường hợp:
Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã: trong trường hợp này, người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
Nếu không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động (quy định tại Điều 46).
Trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp: trường hợp này, người sử dụng lao động trước đó phải lập phương án sử dụng lao động.
Nếu cho người lao động thôi việc theo quy định trong trường hợp này, thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
+ Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ (Điều 47).
Điều luật này kế thừa nội dung của Điều 43 trong BLLĐ 1994 về trách nhiệm thanh toán các quyền lợi cho người lao động khi HĐLĐ chấm dứt; BLLĐ 2012 quy định cụ thể hơn, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động thông báo cho người lao động về việc chấm dứt HĐLĐ trước thời điểm hết hạn HĐLĐ.
+ Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm (Điều 48, 49).
Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm trước đây được quy định tại các Điều 17, Điều 42 BLLĐ và Điều 15 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ. Nay, BLLĐ 2012 hệ thống hóa thành hai điều luật; nội dung cũng bao gồm: Trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc; thời gian tính hưởng trợ cấp, mức hưởng và tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp.
– Về HĐLĐ vô hiệu:
Trong BLLĐ 2002, HĐLĐ vô hiệu chỉ được quy định trong một khoản (khoản 4 của Điều 166). BLLĐ 2012 quy định thành một mục riêng với 3 điều (từ Điều 50 đến Điều 52). Nội dung cơ bản gồm:
+ Quy định các trường hợp HĐLĐ vô hiệu tại Điều 50; gồm: HĐLĐ vô hiệu toàn bộ và HĐLĐ vô hiệu từng phần.
Khoản 3 Điều 50 quy định: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.
+ Thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu (Điều 51).
Thanh tra lao động, TAND có quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu.
+ Xử lý HĐLĐ vô hiệu (Điều 52 BLLĐ và Mục 2 của Chương IV Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ).
– Về cho thuê lại lao động:
Cho thuê lại lao động là một chế định mới của BLLĐ và pháp luật lao động nói chung. Chế định này được quy định tại Mục 5 của Chương HĐLĐ, với 6 điều từ Điều 53 đến Điều 58. Nội dung cơ bản của chế định cho thuê lại lao động gồm:
Khái niệm “cho thuê lại lao động” (Điều 53).
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động (Điều 54).
Hợp đồng cho thuê lại lao động (Điều 55).
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động (Điều 56).
Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động (Điều 57).
Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại (Điều 58).
2. Tranh chấp về hợp đồng lao động
Tranh chấp về HĐLĐ là tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về quyền, lợi ích phát sinh từ HĐLĐ, liên quan đến việc giao kết, thực hiện HĐLĐ, sửa đổi, bổ sung HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ.
Về chủ thể: tranh chấp về HĐLĐ là tranh chấp giữa các bên trong HĐLĐ. Đối với tranh chấp phát sinh trong quan hệ cho thuê lại lao động: quá trình thực hiện nghĩa vụ lao động theo hợp đồng cho thuê lại lao động, giữa người lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động phát sinh bất đồng, thì việc giải quyết các bất đồng đó phải căn cứ vào hợp đồng cho thuê lại lao động ký giữa hai doanh nghiệp và HĐLĐ giữa người lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Như vậy, trong trường hợp này, chủ thể của quan hệ tranh chấp vẫn là người lao động với doanh nghiệp đã ký HĐLĐ với người lao động chứ không phải là tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp đang sử dụng lao động (Doanh nghiệp thuê lại lao động).
Về nội dung: tranh chấp về HĐLĐ là tranh chấp liên quan đến việc giao kết HĐLĐ, tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo HĐLĐ đã giao kết và tranh chấp về việc chấm dứt HĐLĐ.
3. Phân loại các dạng tranh chấp về hợp đồng lao động
BLLĐ và BLTTDS không phân chia các loại tranh chấp về HĐLĐ. Tuy nhiên, BLLĐ và BLTTDS lại có quy định thời hiệu và thủ tục giải quyết riêng cho việc giải quyết các tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Theo đó, ngoài tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì các tranh chấp liên quan đến việc giao kết, thực hiện HĐLĐ được coi là các tranh chấp khác về lao động và được áp dụng thủ tục riêng. Như vậy, viêc phân loại các dạng tranh chấp về HĐLĐ sẽ không chỉ là để xem xét nội dung, tính chất của các loại tranh chấp mà còn là căn cứ để áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp tương ứng.
Theo nội dung tranh chấp, thì các tranh chấp về HĐLĐ gồm:
– Tranh chấp liên quan đến việc giao kết hợp đồng lao động. Tranh chấp liên quan đến việc giao kết HĐLĐ là những tranh chấp về việc giao kết hoặc không giao kết HĐLĐ sau khi hết thời gian thử việc, khi người lao động hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo thỏa thuận, tranh chấp về việc xác lập các điều khoản cụ thể của HĐLĐ trong quá trình thương lượng giao kết HĐLĐ.
– Tranh chấp liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động
Cũng giống như các tranh chấp về việc giao kết HĐLĐ, tranh chấp về việc thực hiện HĐLĐ tuy không phổ biến, nhưng khá phức tạp, vì phát sinh trong quá trình thực hiện HĐLĐ.
– Tranh chấp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động. So với các loại tranh chấp về giao kết, thực hiện HĐLĐ, thì tranh chấp về việc chấm dứt HĐLĐ là loại tranh chấp phổ biến và phức tạp.
Theo quy định của BLLĐ, việc chấm dứt HĐLĐ có thể phát sinh từ nhiều sự kiện pháp lý khác nhau, như: khi HĐLĐ hết hạn, khi các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, khi người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc, khi người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động bằng hình thức sa thải hoặc khi một bên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, trong thực tế, khi HĐLĐ chấm dứt, dù là chấm dứt vì lý do hết hạn HĐLĐ, khi các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, hoặc khi người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc, thì đều phát sinh tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ; và hầu hết là thuộc trường hợp người lao động khởi kiện vì cho rằng người sử dụng lao động đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Riêng đối với trường hợp HĐLĐ chấm dứt vì người lao động bị xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải, thì BLLĐ đã có quy định riêng về giải quyết tranh chấp về kỷ luật sa thải.
II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
1. Trình tự tố tụng trong giải quyết các tranh chấp về hợp đồng lao động
Trình tự tố tụng trong giải quyết các tranh chấp về HĐLĐ về cơ bản cũng giống như trình tự tố tụng trong giải quyết các tranh chấp lao động nói chung. Chuyên đề này chỉ giới thiệu những nội dung mang tính đặc thù trong thủ tục giải quyết tranh chấp về HĐLĐ.
1.1. Thụ lý vụ án
1.1.1. Xem xét đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo đơn kiện để xác định quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp, loại việc kiện và điều kiện khởi kiện, thụ lý vụ án
– Về quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp: BLLĐ điều chỉnh quan hệ lao động theo HĐLĐ giữa người lao động và người sử dụng lao động, do đó khi tiếp nhận đơn khởi kiện và các tài liệu được gửi kèm theo đơn kiện, Tòa án phải xác định được việc tranh chấp có phát sinh từ quan hệ HĐLĐ hay không. Nếu tranh chấp không phát sinh từ quan hệ HĐLĐ, thì không được coi là tranh chấp lao động.
BLLĐ quy định HĐLĐ có thể được giao kết bằng văn bản hoặc lời nói. Do đó, nếu trong các tài liệu mà người khởi kiện gửi kèm theo không có bản HĐLĐ, thì Thẩm phán cần nghiên cứu nội dung đơn kiện hoặc các tài liệu khác được gửi kèm theo để có căn cứ xác định giữa các bên có tồn tại quan hệ HĐLĐ hay không (Nếu có, thì hình thức của HĐLĐ trong trường hợp này được coi là HĐLĐ giao kết bằng lời nói).
– Về loại việc kiện: Theo quy định của BLLĐ, tranh chấp về HĐLĐ bao gồm tranh chấp về thực hiện HĐLĐ và tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Mỗi loại tranh chấp có thủ tục giải quyết khác nhau, do đó, khi xem xét việc thụ lý vụ án, Tòa án phải xác định được sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp là gì; sự kiện đó có làm chấm dứt quan hệ lao động hay không.
Theo quy định của BLLĐ, HĐLĐ có thể chấm dứt trong nhiều trường hợp, trong đó có thể do một bên đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc có thể do người lao động bị xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ và kỷ luật sa thải đều dẫn đến hậu quả là chấm dứt HĐLĐ, nhưng căn cứ áp dụng và trình tự thực hiện hoàn toàn khác nhau. Trong thực tế, có nhiều trường hợp người lao động bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng họ khởi kiện về việc bị sa thải hoặc buộc thôi việc. Trong trường hợp đó, Tòa án phải căn cứ vào nội dung đơn kiện, các tài liệu gửi kèm theo để xác định hành vi pháp lý làm chấm dứt HĐLĐ là xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải hay người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
– Về điều kiện khởi kiện: Theo quy định tại Điều 201 BLLĐ, tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ là loại việc tranh chấp không bắt buộc phải qua hòa giải; nghĩa là sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án ngay. Còn đối với các tranh chấp khác về HĐLĐ, các bên phải đưa vụ việc tranh chấp ra hòa giải tại Hòa giải viên lao động. Chỉ trong trường hợp vụ tranh chấp không được đưa ra hòa giải trong thời hạn quy định (5 ngày, kể từ ngày hòa giải viên nhận được đơn yêu cầu hòa giải), hoặc hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành (khoản 4 Điều 201 BLLĐ), thì các bên mới có quyền khởi kiện ra Tòa án.
Căn cứ quy định nêu trên, khi xem xét thụ lý vụ án, Thẩm phán phải phân biệt được sự khác nhau giữa tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ với các tranh chấp khác về lao động, để xác định có đủ điều kiện thụ lý hay không. Căn cứ quy định của Điều 201 BLLĐ, Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp về HĐLĐ trong các trường hợp sau đây:
– Tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà các bên tranh chấp chưa đưa ra hòa giải tại Hòa giải viên lao động;
– Tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà các bên đã có đơn yêu cầu hòa giải, nhưng quá thời hạn quy định mà vụ việc chưa được tiến hành hòa giải;
– Tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà việc tranh chấp đã qua hòa giải nhưng không thành (có biên bản hòa giải không thành);
– Tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ đã hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành;
– Các tranh chấp khác về HĐLĐ (không phải là tranh chấp đơn phương chấm dứt HĐLĐ) mà các bên đã có đơn yêu cầu hòa giải, nhưng quá thời hạn quy định mà vụ việc chưa được tiến hành hòa giải; đã hòa giải nhưng không thành (có biên bản hòa giải không thành); hoặc đã hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
1.1.2. Thông báo về việc thụ lý vụ án
Nếu có đủ điều kiện thụ lý vụ án, thì Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý và thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án theo quy định của Điều 174 BLTTDS.
Nội dung của bản Thông báo về việc thụ lý vụ án trong vụ tranh chấp về HĐLĐ cần nêu rõ: người khởi kiện khởi kiện về việc gì; tóm tắt quan điểm của người khởi kiện và những yêu cầu của người khởi kiện; ghi đầy đủ tên loại văn bản, giấy tờ, tài liệu mà người khởi kiện gửi kèm theo đơn kiện để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Đồng thời, trên cơ sở nội dung tranh chấp đã được xác định, Tòa án cần chỉ định cụ thể những loại tài liệu, chứng cứ mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải cung cấp cho Tòa án. Ví dụ: đối với vụ tranh chấp về HĐLĐ nói chung, Tòa án yêu cầu bị đơn cung cấp các loại tài liệu chủ yếu như: HĐLĐ, phụ lục HĐLĐ (nếu có), bảng mô tả công việc hoặc bản phân công công việc, quyết định phân công, quyết định điều động người lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế quản lý lao động (nếu có), bảng chấm công, bảng thanh toán lương, v.v… Nếu là vụ tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ và thuộc trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ, thì Tòa án yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp văn bản, giấy tờ, tài liệu thể hiện mức độ hoàn thành công việc của người lao động; v.v.
1.2. Thu thập, xác minh chứng cứ
1.2.1. Phạm vi chứng minh (xác định các tình tiết cần phải làm rõ trong vụ án)
Trong vụ tranh chấp về HĐLĐ, Tòa án cần phải làm rõ những vấn đề chủ yếu sau đây:
– Quan hệ lao động giữa các bên: BLLĐ điều chỉnh quan hệ lao động theo HĐLĐ giữa người lao động và người sử dụng lao động, vì vậy, tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp về HĐLĐ nói riêng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án phải là tranh chấp phát sinh từ quan hệ HĐLĐ. Do đó, nếu trong hồ sơ khởi kiện chưa có đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc xác định quan hệ HĐLĐ, thì Tòa án phải làm rõ trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án. Nội dung cụ thể mà Tòa án cần phải làm rõ là: thời điểm các bên giao kết HĐLĐ, hình thức của HĐLĐ, loại và nội dung chủ yếu của HĐLĐ; diễn biến quá trình thực hiện HĐLĐ.
Riêng đối với các tranh chấp liên quan đến việc giao kết HĐLĐ, thì trên thực tế, quan hệ lao động đã phát sinh, nhưng tồn tại dưới hình thức là cam kết tuyển dụng, hoặc hợp đồng thử việc. Do đó, đối với các việc tranh chấp này, Tòa án cần phải làm rõ: quan hệ tuyển dụng, hoặc quan hệ thử việc phát sinh từ thời điểm nào, dưới hình thức pháp lý nào và nội dung là gì.
Tòa án phải xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ thể hiện toàn bộ diễn biến quá trình thực hiện HĐLĐ giữa các bên, như: việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ (nếu có); kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Nếu người lao động đã bị xử lý kỷ luật lao động, thì Tòa án phải thu thập được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định thời điểm xử lý kỷ luật, hành vi vi phạm, hình thức xử lý và việc xóa kỷ luật (nếu người lao động đã được xóa kỷ luật).
– Diễn biến, nội dung tranh chấp: Các tình tiết, chứng cứ về diễn biến, nội dung tranh chấp được xác định dựa trên cơ sở loại quan hệ tranh chấp. Đối với các tranh chấp lao động nói chung, Tòa án phải làm rõ được nội dung của sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp là gì (làm chấm dứt việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo HĐLĐ, hay không thực hiện, hay thực hiện không đúng nghĩa vụ theo HĐLĐ); làm rõ tính hợp pháp của sự kiện pháp lý đã xảy ra và hậu quả pháp lý.
+ Đối với tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Tòa án phải làm rõ những nội dung chủ yếu sau đây:
Có việc chấm dứt quan hệ lao động hay không và thuộc trường hợp chấm dứt HĐLĐ hay kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải; nếu là chấm dứt HĐLĐ thì thuộc trường hợp nào (là HĐLĐ đương nhiên chấm dứt theo Điều 36, hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 37, Điều 38 BLLĐ, hay thuộc trường hợp cho thôi việc theo Điều 44 của BLLĐ). Tùy thuộc vào trường hợp chấm dứt HĐLĐ mà Tòa án xác định hướng và nội dung chứng minh tiếp theo. Ví dụ:
Nếu HĐLĐ chấm dứt thuộc trường hợp hết hạn hợp đồng, Tòa án cần phải làm rõ: loại và thời hạn của hợp đồng ghi trong HĐLĐ, thời hạn do các bên thỏa thuận bổ sung (nếu có); việc thông báo của người sử dụng lao động cho người lao động trước khi HĐLĐ hết hạn; thời điểm người lao động nghỉ việc.
Nếu là chấm dứt HĐLĐ do các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, thì Tòa án phải làm rõ các tình tiết liên quan đến sự thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; cụ thể là Tòa án phải xác định giữa các bên có tồn tại sự thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ hay không; thỏa thuận được xác lập vào thời điểm nào; nội dung thỏa thuận cụ thể là gì.
Nếu là đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì người lao động hay người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ; lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ là gì.
Khi đã xác định được trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ (người lao động hay người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ), Tòa án phải làm rõ các tình tiết làm căn cứ xác định tính hợp pháp của việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ; cụ thể là phải làm rõ lý do (hoặc căn cứ pháp luật) của việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ và thủ tục khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Điều 37 BLLĐ 2012 quy định các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và thủ tục báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ; Điều 38 BLLĐ quy định các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thủ tục báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ và quy định các trường hợp người sử dụng lao động không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ tại Điều 39. Tòa án phải căn cứ vào nội dung các quy định nêu trên để thu thập, xác minh đầy đủ các tình tiết, chứng cứ liên quan. Ví dụ: nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điểm a, khoản 1 của Điều 38 BLLĐ (trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ), Tòa án phải thu thập, xác minh chứng cứ để làm rõ các nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, công việc người lao động phải thực hiện theo HĐLĐ đã ký là gì; công việc mà người lao động đang thực hiện tại thời điểm người sử dụng lao động cho là vi phạm là gì;
Hai là, mức độ hoàn thành công việc của người lao động (hoàn thành định mức, chỉ tiêu về số lượng, khối lượng sản phẩm, yêu cầu về quy cách, chất lượng sản phẩm) và căn cứ để xác định người lao động có hoàn thành hay không;
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ do yếu tố khách quan hay chủ quan;
Trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động có báo cho người lao động biết trước hay không; báo trước vào ngày nào.
Nếu việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ là trái pháp luật, Tòa án phải làm rõ các tình tiết làm căn cứ giải quyết hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
+ Đối với tranh chấp về thực hiện HĐLĐ, Tòa án phải làm rõ: nội dung quyền, nghĩa vụ theo HĐLĐ mà các bên tranh chấp là gì; HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, hoặc pháp luật lao động quy định về vấn đề đó như thế nào; diễn biến quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Bản chất của vụ việc tranh chấp về thực hiện HĐLĐ là người khởi kiện cho rằng quyền, nghĩa vụ theo HĐLĐ đã ký kết bị vi phạm do hành vi của phía bên kia không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng các quyền, nghĩa vụ đã cam kết trong HĐLĐ, hoặc đã được quy định trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hoặc pháp luật lao động; do đó để có cơ sở giải quyết nội dung tranh chấp, Tòa án phải xác định được hành vi, hoặc sự kiện pháp lý nào làm phát sinh tranh chấp, căn cứ để xác định hành vi đã được thực hiện là đúng pháp luật hoặc trái pháp luật và hậu quả pháp lý phát sinh từ việc thực hiện hành vi, sự kiện pháp lý đó.
– Yêu cầu khởi kiện: Nguyên tắc chung khi giải quyết các tranh chấp lao động, là Tòa án phải làm rõ yêu cầu cụ thể của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có) và cơ sở để xem xét giải quyết yêu cầu của các bên.
Đối với tranh chấp về việc thực hiện HĐLĐ, Tòa án phải làm rõ: người khởi kiện có yêu cầu tiếp tục thực hiện HĐLĐ hay không; những yêu cầu cụ thể của người khởi kiện về quyền, nghĩa vụ phải thực hiện và việc giải quyết quyền lợi của các bên (nếu có).
Đối với tranh chấp về việc chấm dứt HĐLĐ, Tòa án phải căn cứ vào việc xác định tính hợp pháp của việc chấm dứt hợp đồng lao động để xác định những vấn đề cần phải làm rõ; cụ thể như sau:
Nếu việc chấm dứt HĐLĐ là đúng pháp luật, tức là Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì không đặt ra vấn đề bố trí việc làm và giải quyết việc bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trường hợp có căn cứ xác định việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ là trái pháp luật, Tòa án cần phải làm rõ một số nội dung cụ thể sau đây:
Người lao động có yêu cầu trở lại làm việc hay không; khả năng bố trí việc làm của người sử dụng lao động;
Quyền lợi của mỗi bên theo HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, pháp luật lao động; cụ thể là: tiền lương, phụ cấp, các khoản thu nhập khác, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động; các khoản mà người lao động phải bồi thường (nếu có).
1.2.2. Áp dụng các biện pháp thu thập, xác minh chứng cứ
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện đã gửi kèm theo đơn kiện và các tài liệu, chứng cứ mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao nộp sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Thẩm phán cần nghiên cứu sơ bộ để xác định những vấn đề cần phải chứng minh và áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 85 BLTTDS để thu thập, xác minh chứng cứ.
Trong vụ án lao động nói chung, và vụ án tranh chấp về HĐLĐ nói riêng, các biện pháp thu thập xác minh chứng cứ được sử dụng phổ biến gồm: lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, với người làm chứng; trưng cầu giám định; xem xét, thẩm định tại chỗ, yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc các hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án.
– Lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng: việc lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng thực hiện theo quy định của Điều 86 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 6, Điều 7 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
Để khắc phục tình trạng lấy lời khai thiếu trọng tâm và không đầy đủ, thì trước khi tiến hành việc lấy lời khai, Thẩm phán cần nghiên cứu và chuẩn bị nội dung dự kiến sẽ lấy lời khai và những điểm cần lưu ý trong các trường hợp cụ thể; trong đó xác định nội dung cần tập trung làm rõ qua việc lấy lời khai.
Ví dụ: khi lấy lời khai của người lao động về quá trình thực hiện công việc theo HĐLĐ, Thẩm phán không nên yêu cầu một cách chung chung là: “Ông (bà) hãy trình bày về quá trình thực hiện công việc theo HĐLĐ đã ký”, mà phải yêu cầu người được lấy lời khai trình bày từng vấn đề cụ thể, như: thời điểm bắt đầu thực hiện công việc theo HĐLĐ, công việc, thời gian làm việc, địa điểm, v.v. Nếu là tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì hướng vào nội dung trọng tâm là thời điểm người lao động nghỉ việc, căn cứ hoặc lý do nghỉ việc, các quyền lợi đã được người sử dụng lao động thanh toán khi nghỉ việc, v.v.
Về nguyên tắc, việc lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng có thể được tiến hành tại trụ sở của Tòa án hoặc ở bên ngoài trụ sở (tại trụ sở của đơn vị sử dụng lao động nơi người lao động làm việc). Trong giải quyết tranh chấp lao động nói chung, Thẩm phán cần linh hoạt trong việc chọn địa điểm tiến hành lấy lời khai để bảo đảm việc lấy lời khai vừa thuận lợi cho các bên và bảo đảm tính khách quan, trung thực của lời khai. Đối với vụ việc tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà người lao động là nguyên đơn, thì Tòa án lấy lời khai tại trụ sở Tòa án, vì người lao động đã nghỉ việc; còn đối với các vụ việc tranh chấp về thực hiện HĐLĐ, thì Tòa án có thể lấy lời khai tại trụ sở Tòa án hoặc tại trụ sở của đơn vị sử dụng lao động nơi người lao động làm việc, đặc biệt là đối với các vụ án cần phải lấy lời khai của nhiều người làm chứng. Tuy nhiên, vì sợ ảnh hưởng đến việc làm nên người lao động thường né tránh, từ chối làm chứng hoặc làm chứng không trung thực. Do đó, nếu xét thấy việc lấy lời khai của người làm chứng có thể gây khó khăn cho người đó, thì Thẩm phán cần tiến hành lấy lời khai tại trụ sở của Tòa án.
– Xem xét, thẩm định tại chỗ: Biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ được áp dụng trong một số trường hợp cần thiết trong giải quyết vụ tranh chấp về HĐLĐ. Ví dụ: xem xét tình trạng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, v.v. liên quan đến việc thực hiện HĐLĐ, để xác định lý do người lao động ngừng việc, nghỉ việc, lý do người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Hoặc xem xét, thẩm định máy móc, thiết bị chuyên dùng cho công tác kiểm tra, giám sát để xác định người lao động có đến nơi làm việc hay không và những diễn biến khác xảy ra trong quá trình thực hiện công việc theo hợp đồng.
Việc xem xét, thẩm định tại chỗ được thực hiện theo quy định của Điều 89 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
– Trưng cầu giám định: Biện pháp trưng cầu giám định được áp dụng trong một số trường hợp (chủ yếu là giám định chữ viết trong các văn bản, giấy tờ, tài liệu), khi các bên thỏa thuận lựa chọn giám định hoặc theo yêu cầu của một bên tranh chấp. Ví dụ: giám định chữ viết, chữ số về ngày ký kết, ngày có hiệu lực của HĐLĐ, mức lương ghi trong HĐLĐ; chữ số, chữ viết, chữ ký trong các tài liệu kế toán, văn bản, giấy tờ giao dịch khác.
Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của Điều 90 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
1.3. Hòa giải và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
Đối với việc giải quyết các tranh chấp lao động nói chung, hòa giải có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm tạo cơ hội cho các bên giải quyết được vụ việc tranh chấp thông qua thương lượng, góp phần ổn định sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Đặc biệt là trong các vụ tranh chấp về thực hiện HĐLĐ; vì quan hệ lao động vẫn đang tồn tại, do đó, nếu vụ việc tranh chấp được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải thì không chỉ giải quyết được xung đột giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động mà còn có tác dụng tích cực đối với cả tập thể lao động.
Với ý nghĩa đó, trong quá trình giải quyết vụ án lao động, Thẩm phán cần tạo cơ hội để các bên tự thương lượng với nhau, đồng thời tích cực tiến hành việc hòa giải, hướng dẫn cho các bên thương lượng với nhau. Trường hợp hòa giải không thành, nhưng các bên đã thỏa thuận được với nhau về một hoặc một số nội dung tranh chấp, thì Tòa án cần phải ghi nhận đầy đủ nội dung mà các bên đã thỏa thuận được với nhau vào biên bản hòa giải không thành, để có cơ sở tiến hành việc hòa giải trong phiên hòa giải tiếp theo hoặc để tiến hành việc xét xử tại phiên tòa. Nếu đương sự thỏa thuận được với nhau về tất cả các nội dung tranh chấp và xét thấy sự thỏa thuận đó là hoàn toàn tự nguyện và không trái pháp luật, thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành; sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu đương sự không có ý kiến thay đổi thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong vụ án lao động nói chung, quyền, nghĩa vụ của các bên đan xen lẫn nhau và tương đối phức tạp. Do đó, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau, dù chỉ thỏa thuận được một, một số nội dung hay tất cả các nội dung tranh chấp, Thẩm phán cũng phải hướng dẫn cho các bên thỏa thuận đầy đủ các vấn đề liên quan.
Ví dụ: Trong vụ tranh chấp về thực hiện HĐLĐ, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận được với nhau là người lao động chấp nhận làm công việc tại địa điểm mới, thì Thẩm phán phải yêu cầu các bên thỏa thuận với nhau về thời điểm bắt đầu thực hiện, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã phát sinh, nếu có hoặc các quyền lợi mà người lao động được hưởng theo sự thỏa thuận mới.
Hoặc trong vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, các bên thỏa thuận là người sử dụng lao động sẽ nhận người lao động trở lại làm việc, thì Thẩm phán phải yêu cầu các bên thỏa thuận với nhau những vấn đề cụ thể như: công việc mà người sử dụng lao động bố trí cho người lao động làm khi trở lại làm việc là gì, thông qua việc ký kết HĐLĐ mới hay sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã ký; thời điểm người sử dụng lao động bố trí công việc cho người lao động; các quyền lợi mà người lao động được hưởng khi thực hiện công việc mới; trách nhiệm và phương thức thực hiện bồi thường thiệt hại (nếu có).
1.4. Xét xử vụ án tại phiên tòa, bản án sơ thẩm
1.4.1. Xét xử vụ án tại phiên tòa
Trình tự, thủ tục tố tụng phiên tòa sơ thẩm trong vụ án tranh chấp về HĐLĐ thực hiện theo quy định chung của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
Nội dung mang tính đặc thù trong xét xử vụ án về HĐLĐ thể hiện ở nội dung tranh tụng. Khi xét xử loại án này, Hội đồng xét xử, trước hết là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần dự kiến những vấn đề cần hỏi và làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm.
Căn cứ vào phạm vi những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án như đã nêu tại điểm a, tiểu mục 2.1.2 mục 2; tại phiên tòa nếu phần trình bày của các bên đương sự chưa đầy đủ hoặc chưa đủ cơ sở để giải quyết nội dung tranh chấp, thì Hội đồng xét xử cần phải hỏi để làm rõ từng vấn đề theo thứ tự hợp lý và có trọng tâm.
Trong vụ án tranh chấp về HĐLĐ, thông thường, Hội đồng xét xử làm rõ các tình tiết liên quan đến việc xác lập quan hệ HĐLĐ và diễn biến của quá trình thực hiện HĐLĐ sau đó mới làm rõ các tình tiết về nội dung tranh chấp và yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố (nếu có).
Việc xác định nội dung trọng tâm phải căn cứ vào nội dung tranh chấp trong từng vụ án cụ thể và phải được xử lý một cách linh hoạt.
Về mặt lý thuyết, các tình tiết liên quan đến nội dung tranh chấp là nội dung trọng tâm cần tập trung làm rõ tại phiên tòa. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung tranh chấp có thể phát sinh từ diễn biến của quá trình thực hiện HĐLĐ. Trong trường hợp đó, Hội đồng xét xử sẽ phải hướng trọng tâm cả vào việc hỏi và làm rõ các tình tiết về quá trình thực hiện HĐLĐ.
Ví dụ 1: HĐLĐ đã ký có nội dung: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí phương tiện đưa và đón người lao động đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc”. Do doanh nghiệp thay đổi địa điểm làm việc và không bố trí xe đưa đón, nên người lao động không đến nơi làm việc và yêu cầu Công ty thực hiện theo cam kết trong HĐLĐ. Như vậy, trọng tâm của vụ tranh chấp là việc thực hiện nghĩa vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc. Tuy nhiên, nội dung tranh chấp này phát sinh từ sự cam kết của người sử dụng lao động đưa đón người lao động đi làm việc khi các bên ký kết HĐLĐ và có sự thay đổi trong quá trình thực hiện HĐLĐ. Do đó, xét về thực chất thì nội dung trọng tâm mà Hội đồng xét xử cần làm rõ tại phiên tòa là việc xác lập thỏa thuận đưa đón người lao động và quá trình thực hiện thỏa thuận đó; thời điểm người sử dụng lao động thay đổi địa điểm làm việc là khi nào; giữa các bên có sự thỏa thuận mới về việc không có phương tiện đưa đón hay không, thỏa thuận khi nào, nội dung cụ thể mà các bên đã thỏa thuận là gì.
Ví dụ 2: Theo HĐLĐ đã ký, công việc mà ngýời lao ðộng phải làm là cắt thô (là một công ðoạn của dây chuyền cắt may). Sau một thời gian làm việc, ngýời lao ðộng ðýợc ðiều chuyển sang làm công nhân tổ hoàn thành (công ðoạn hoàn thiện sản phẩm). Vì cho rằng người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc nên người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ và người lao động khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trọng tâm của vụ tranh chấp này là đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Nhưng vì trong quá trình thực hiện HĐLĐ, người sử dụng lao động đã điều chuyển người lao động sang làm công việc khác không đúng với công việc ghi trong HĐLĐ. Do đó, trước khi xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động, Hội đồng xét xử phải làm rõ các tình tiết liên quan đến việc điều chuyển người lao động sang làm công việc khác.
1.4.2. Bản án sơ thẩm
Bản án sơ thẩm trong vụ án lao động nói chung được soạn thảo theo quy định của Điều 238 BLTTDS và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
Đối với vụ án tranh chấp về HĐLĐ, khi soạn thảo bản án, Thẩm phán cần chú ý một số vấn đề sau đây:
– Phần trích yếu của bản án: Ghi đúng loại quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án giải quyết, là “Tranh chấp về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ” hoặc “Tranh chấp về thực hiện HĐLĐ”. Không ghi chung chung là “Tranh chấp về HĐLĐ”.
– Phần “Nhận thấy”. Phần này tóm tắt nội dung, diễn biến của vụ án, gồm:
Việc xác lập quan hệ lao động (ghi rõ thời điểm phát sinh quan hệ lao động và thời điểm các bên ký HĐLĐ);
Loại, nội dung chủ yếu của HĐLĐ;
Diễn biến quá trình thực hiện HĐLĐ (việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ, (nếu có), khái quát kết quả thực hiện HĐLĐ của người lao động. Nếu người lao động đã bị xử lý kỷ luật, thì cần nêu rõ thời điểm bị xử lý, hình thức xử lý, lý do bị xử lý kỷ luật; người lao động đã được xóa kỷ luật hay chưa);
Thời điểm phát sinh tranh chấp và sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp;
Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có).
– Phần “Xét thấy”. Phần này ghi nhận định, đánh giá và kết luận của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, từng yêu cầu khởi kiện.
– Phần “Quyết định”. Phần này ghi các căn cứ pháp lý mà Tòa án áp dụng để quyết định về vụ án; các quyết định của Tòa án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án và các quyết định khác như: án phí, quyền kháng cáo, quyết định cho thi hành ngay.
Việc viện dẫn các căn cứ pháp lý phải tuyệt đối chính xác và theo đúng quy tắc, theo thứ tự từ điểm, khoản, điều, tên văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: “Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động”, hoặc: “Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động”
Nội dung các quyết định của Tòa án phải đầy đủ, rõ ràng. Vấn đề phạm vi và nội dung các quyết định của Tòa án trong giải quyết vụ án lao động nói chung là khá phức tạp và hiện tại chưa có hướng dẫn thực hiện. Về nguyên tắc, Tòa án căn cứ vào nội dung những vấn đề phải giải quyết trong vụ án để ra các quyết định. Trong các vụ án lao động, các quyết định của Tòa án gồm: quyết định liên quan trực tiếp đến nội dung, đối tượng tranh chấp và các quyết định khác liên quan.
Trong vụ án tranh chấp về thực hiện HĐLĐ: đối tượng tranh chấp trong loại vụ án này là quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động theo HĐLĐ mà một bên cho rằng bên kia không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ. Giải quyết loại tranh chấp này, Tòa án sẽ quyết định chấp nhận hay không chấp nhận, hay chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ (hoặc có trách nhiệm) thực hiện nghĩa vụ theo HĐLĐ và khắc phục hậu quả (tức bồi thường thiệt hại, nếu có).
Đối với vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì việc soạn thảo phần quyết định của bản án sơ thẩm tương đối phức tạp. Khi một bên, chấm dứt HĐLĐ và việc chấm dứt HĐLĐ đó dù là đúng pháp luật hay trái pháp luật cũng đều phát sinh những hậu quả pháp lý khác nhau, bên vi phạm phải chịu các chế tài mà BLLĐ đã quy định. Tuy người khởi kiện không nêu cụ thể các yêu cầu, nhưng Tòa án vẫn phải làm rõ và quyết định, tùy thuộc vào việc chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật hay trái pháp luật.
Trường hợp việc chấm dứt HĐLĐ là đúng pháp luật; tức là Tòa án sẽ quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, đồng thời không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Theo quy định của BLLĐ, khi HĐLĐ chấm dứt, người lao động được người sử dụng lao động thanh toán tiền trợ cấp thôi việc, (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, người lao động hưởng trợ cấp mất việc làm khi thôi việc, người lao động bị xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí). Như vậy, trong trường hợp này, Tòa án phải quyết định buộc người sử dụng lao động thanh toán cho người lao động khoản tiền trợ cấp thôi việc (nếu khi cho người lao động nghỉ việc người sử dụng lao động chưa trả trợ cấp thôi việc).
Trường hợp việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, Tòa án quyết định buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký (trừ trường hợp người lao động tự nguyện không yêu cầu trở lại làm việc); buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động tiền lương và các quyền lợi hợp pháp trong những ngày không được làm việc, cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương; nếu vi phạm thời hạn báo trước, thì người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động tiền lương tương ứng với những ngày không báo trước.
Quyết định về các quyền, nghĩa vụ liên quan: Đặc thù của quan hệ lao động so với các quan hệ dân sự thông thường là ở nội dung, tính chất của quá trình sử dụng lao động. Quá trình sử dụng lao động, ngoài các quyền, nghĩa vụ về việc làm, về trả công lao động, điều kiện, phương tiện làm việc, còn phát sinh các quyền, nghĩa vụ về bảo đảm an sinh xã hội, như quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Khi quan hệ lao động được xác lập, các bên được hưởng quyền, nghĩa vụ mà pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã quy định và khi quan hệ lao động chấm dứt, thì cũng mặc nhiên phát sinh quyền, nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Do đó, căn cứ vào nội dung của mỗi loại quan hệ lao động cụ thể, Tòa án phải xem xét và quyết định về quyền lợi bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của người lao động khi HĐLĐ chấm dứt, hoặc quyết định về trách nhiệm của người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi người lao động trở lại làm việc.
Quyết định của Tòa án phải rõ ràng. Để bản án, quyết định của Tòa án thi hành được dễ dàng, mỗi quyết định của Tòa án phải đầy đủ, chính xác về nội dung pháp lý theo quy định của pháp luật và rõ ràng về câu, từ.
Ví dụ: trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và người lao động có yêu cầu nhận trở lại làm việc, thì đối với vấn đề việc làm và bồi thường thiệt hại, nội dung quyết định của Tòa án có thể viết như sau:
Buộc bị đơn (hoặc người sử dụng lao động) phải nhận nguyên đơn (hoặc người lao động) trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký, kể từ ngày bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật (nếu các bên có thỏa thuận khác, thì ghi theo nội dung mà các bên đã thỏa thuận).
Buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động tiền lương (và các quyền lợi khác nếu có) trong những ngày không được làm việc, kể từ ngày… đến ngày…, với mức lương:…; bằng:…
Buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HĐLĐ, với mức lương…; bằng…
Nếu nguyên đơn không có yêu cầu trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, Tòa án phải quyết định buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn khoản tiền trợ cấp thôi việc (nếu nguyên đơn thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp và thời gian làm việc đủ để hưởng trợ cấp thôi việc).
Nếu nguyên đơn có yêu cầu trở lại làm việc, nhưng bị đơn không muốn nhận nguyên đơn trở lại làm việc, thì Tòa án yêu cầu các bên thỏa thuận về khoản bồi thường thêm. Nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định buộc bị đơn phải nhận nguyên đơn trở lại làm việc.
Ngoài ra, nếu việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của bị đơn có vi phạm nghĩa vụ báo trước, thì Tòa án buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn tiền lương tương ứng với những ngày không báo trước.
2. Áp dụng pháp luật trong giải quyết một số trường hợp tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ là loại tranh chấp lao động phổ biến nhất và cũng là loại tranh chấp phức tạp, có nhiều quan điểm nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau trong thực tiễn xét xử. Chuyên đề này giới thiệu những điểm cần lưu ý về thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật trong giải quyết hai trường hợp tranh chấp cụ thể, mang tính điển hình trong thực tiễn giải quyết các vụ án lao động.
2.1. Trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động vì lý do hết hạn hợp đồng; người lao động khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Để có căn cứ giải quyết nội dung tranh chấp như nêu trên, Tòa án cần phải làm rõ một số vấn đề sau đây:
– Thời hạn của HĐLĐ.
– Thời điểm người lao động nghỉ việc.
– Việc giải quyết quyền lợi của người lao động khi HĐLĐ chấm dứt.
Chứng cứ quan trọng làm căn cứ đánh giá tính hợp pháp của việc chấm dứt HĐLĐ mà Tòa án cần thu thập là những chứng thể hiện việc người sử dụng lao động có thông báo cho người lao động biết về việc chấm dứt HĐLĐ khi hợp đồng hết hạn hay không; khi HĐLĐ hết hạn, người sử dụng lao động đã giải quyết các chế độ cho người lao động khi nghỉ việc hay chưa; và sau khi HĐLĐ hết hạn, người lao động nghỉ việc hay tiếp tục làm việc.
Để làm rõ tình tiết người lao động vẫn tiếp tục làm việc sau khi HĐLĐ hết hạn, Thẩm phán phải thu thập, xác minh chứng cứ từ nhiều nguồn khác nhau và bằng nhiều biện pháp khác nhau, như: lấy lời khai của đương sự, của những người làm chứng là người lao động cùng làm việc, của các nhân viên quản lý hành chính, nhân viên quản lý chuyên môn nghiệp vụ, xem xét các tài liệu chấm công, trả lương, v.v…
Căn cứ quy định của Điều 27 Bộ luật lao động năm 1995 (sửa đổi bổ sung năm 2002), Điều 22 Bộ luật lao động 2012, sau khi HĐLĐ hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc và được trả công lao động, thì có cơ sở để có thể kết luận quan hệ lao động vẫn được tiếp tục thực hiện, thời hạn của HĐLĐ mặc nhiên được kéo dài hoặc chuyển hóa loại HĐLĐ theo quy định của BLLĐ. Do đó, người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng vì lý do HĐLĐ hết hạn là trái pháp luật.
2.2. Trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động với lý do các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; người lao động khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Trong thực tế, khi khởi kiện, người lao động cho rằng người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng người sử dụng lao động cho rằng các bên đã có thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Giải quyết các loại việc tranh chấp trong trường hợp này, Tòa án cần phải làm rõ một số vấn đề sau:
– Loại HĐLĐ và thời hạn của HĐLĐ.
– Có sự thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hay không; nếu có thì thỏa thuận vào thời điểm nào, nội dung thỏa thuận là gì.
– Khi HĐLĐ chấm dứt, người sử dụng lao động đã giải quyết các chế độ cho người lao động hay chưa, giải quyết vào thời điểm nào.
Khi đánh giá chứng cứ trong các vụ án này, Thẩm phán cần lưu ý một số điểm sau đây:
Một là, thỏa thuận giữa các bên có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Người sử dụng lao động cho rằng các bên có thỏa thuận, thì người sử dụng lao động phải cung cấp chứng cứ để chứng minh.
Hai là, thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn là thỏa thuận được xác lập tại thời điểm HĐLĐ đang có hiệu lực; các bên thỏa thuận sẽ chấm dứt HĐLĐ trong tương lai (có thể ngay sau khi thỏa thuận).
Ba là, các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, nhưng đồng thời cũng phải thỏa thuận về việc giải quyết các quyền lợi liên quan đến việc chấm dứt HĐLĐ.
Nếu có căn cứ cho thấy là các bên đã có thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt HĐLĐ và sự thỏa thuận đó là tự nguyện; sau khi đã thỏa thuận, người lao động mới nghỉ việc và nhận các khoản mà người sử dụng lao động thanh toán khi nghỉ việc thì mới có thể kết luận là các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.
2.3. Người lao động khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng người sử dụng lao động không thừa nhận việc chấm dứt HĐLĐ và cho rằng HĐLĐ chấm dứt là do người lao động tự ý nghỉ việc
Giải quyết các vụ án thuộc trường hợp này, Thẩm phán cần chú ý một số điểm sau đây:
– Làm rõ loại, thời hạn của HĐLĐ và nội dung chủ yếu của HĐLĐ đã ký.
– Người lao động nghỉ việc từ thời điểm nào; lý do nghỉ việc là gì.
Đây là loại việc tranh chấp rất phức tạp cả trong việc thu thập, xác minh và đánh giá chứng cứ. Nguyên tắc chung là: Người lao động khởi kiện cho rằng bị chấm dứt HĐLĐ, thì người lao động phải cung cấp chứng cứ để chứng minh. Tuy nhiên, trong thực tế, thường xảy ra hiện tượng người lao động không được vào nơi làm việc, không được bố trí công việc theo hợp đồng; thậm chí được thông báo cho nghỉ việc, nhưng chỉ thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi, chứ không có văn bản. Để có căn cứ giải quyết vụ án trong trường hợp này, Thẩm phán phải thu thập, xác minh chứng cứ từ nhiều nguồn khác nhau, bằng nhiều biện pháp khác nhau để xác định: yếu tố nào trực tiếp dẫn đến việc chấm dứt thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo HĐLĐ; và ai là người tạo ra những yếu tố đó.
– Tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động từ thời điểm người lao động nghỉ việc được giải quyết như thế nào.
Tính tiết này tuy không trực tiếp chứng minh việc chấm dứt HĐLĐ, nhưng được coi là chứng cứ gián tiếp, được đánh giá trong mối quan hệ với các chứng cứ khác để có đủ cơ sở kết luận người sử dụng lao động có chấm dứt HĐLĐ hay không. Ví dụ: Trong bảng thanh toán lương của doanh nghiệp, không có tên của người lao động hoặc có tên nhưng không có lương và thay vào đó là ghi lý do và thời điểm người lao động nghỉ việc. Nếu thời điểm người sử dụng lao động ngừng trả lương cho người lao động trùng với thời điểm người lao động nghỉ việc, thì có cơ sở cho thấy người sử dụng lao động chủ động cho người lao động nghỉ việc.
BÀI 9:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
KỶ LUẬT LAO ĐỘNG
I. KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TRANH CHẤP VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG
1. Khái quát pháp luật về kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là một chế định có vị trí quan trọng trong Bộ luật lao động (BLLĐ), với tên gọi là kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.
BLLĐ đầu tiên được ban hành vào năm 1994, có hiệu lực từ ngày 01/1/1995. Chế định kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất được quy định thành một chương trong BLLĐ (Chương VIII), gồm 13 điều, từ Điều 82 đến Điều 94. Sau khi BLLĐ được ban hành, ngày 06/7/1995 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của BLLĐ này về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất. Năm 2002, khi BLLĐ 1994 được sửa đổi, bổ sung thì ngày 02/4/2002, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 33/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 Hướng dẫn thi hành các quy định của Nghị định số 33/2003/NĐ-CP.
Ngày 18/6/2012 Quốc hội thông qua BLLĐ mới, có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, thay thế Bộ luật năm 1994 và các Luật sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007. BLLĐ Trong BLLĐ 2012, chế định kỷ luật lao động cũng được quy định tại Chương VIII, gồm 15 điều (từ Điều 118 đến Điều 132). Nội dung của Chương này được chia thành 2 mục: Mục 1: Kỷ luật lao động; Mục 2: Trách nhiệm vật chất.
2. Nội dung cơ bản của chế định kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất trong BLLĐ 2012
2.1. Về kỷ luật lao động
– Định nghĩa “Kỷ luật lao động” tại Điều 118 cũng giữ nguyên nội dung như Điều 82 BLLĐ 1994, “là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động”.
– Nội quy lao động: Nội quy lao động là văn bản do đơn vị sử dụng lao động xây dựng và ban hành, có giá trị pháp lý làm căn cứ để quản lý kỷ luật lao động. Điều 119 quy định ở những đơn vị sử dụng từ 10 người lao động trở lên, bắt buộc phải có nội quy lao động bằng văn bản; quy định về nội dung của nội quy lao động, trách nhiệm đăng kư nội quy lao động, hiệu lực của nội quy lao động vẫn được giữ nguyên như Điều 82 của BLLĐ 1994.
– Một số nội dung được sửa đổi, bổ sung trong BLLĐ 2012: Các quy định về kỷ luật lao động trong BLLĐ năm 2012 có một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:
Một là: Bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký nội quy lao động tại Điều 121, là ngoài các tài liệu như văn bản đề nghị đăng ký nội quy và bản nội quy lao động, người sử dụng lao động phải gửi kèm theo: Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; Biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Hai là: Bổ sung và hoàn chỉnh quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động. Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động trước đây được quy định tại Điều 88 BLLĐ 1994 và Điều 7 của Nghị định số 41/CP. Trong BLLĐ 2012 các nguyên tắc được bổ sung, luật hóa và hệ thống tại Điều 123 “Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động”.
Theo quy định của điều luật nêu trên, việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
“a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Ba là: Sửa đổi quy định về Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động (Điều 124).
Trong BLLĐ 1994, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 86 tối đa là “ba tháng kể từ ngày xảy ra vi phạm. Trường hợp đặc biệt cũng không được quá sáu tháng”. Điều 8 của Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 2/4/2003 của Chính phủ quy định: thời hiệu xử lý kỷ luật lao động “kể từ ngày xảy ra hoặc phát hiện vi phạm”. Tuy nhiên, vì không có hướng dẫn trường hợp nào tính từ ngày xảy ra vi phạm và trường hợp nào tính từ ngày phát hiện vi phạm, điều đó gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng pháp luật trong công tác xét xử các vụ án lao động.
BLLĐ 2012 quy định lại thời hiệu, cách tính thời hiệu và việc kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tại Điều 124 như sau:
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động: tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý tối đa là 12 tháng.
Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động: người sử dụng lao động được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày đối với các trường hợp sau:
a) Người lao động nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này.
(Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động).
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Cũng tại Điều 124 có một quy định mới, nội dung quan trọng được bổ sung, đó là: Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn quy định tại Điều 123 (tức là trong khoảng thời gian được xác định là thời hiệu xử lý kỷ luật lao động).
Bốn là: Sửa đổi quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động (tại Điều 125). Các hình thức xử lý kỷ luật lao động về cơ bản vẫn được giữ nguyên như quy định trong BLLĐ 1994, nhưng bỏ hình thức chuyển làm việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa 6 tháng, trước đây được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 84 BLLĐ 1994. Như vậy, nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 84 BLLĐ được quy định trong khoản 2 của Điều 125 BLLĐ 2012 là “Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức”.
Năm là: Sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ áp dụng hình thức sa thải tại Điều 126 như sau:
Bổ sung một số hành vi vi phạm đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 85 BLLĐ 1994; cụ thể là: người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
Sáu là: Bổ sung quy định về tái phạm. Trước đây, Nghị định số 41/CP quy định tại Điều 9 như sau: “Tái phạm theo Khoản 1 Điều 88 của Bộ Luật lao động là trường hợp đương sự chưa được xoá kỷ luật lao động lại phạm cùng lỗi mà trước đó đã phạm”. BLLĐ 2012 quy định tại khoản 2 của Điều 126 như sau: “Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này”.
Bảy là: Bổ sung quy định về “lý do chính đáng” khi áp dụng hình thức sa thải vì lý do người lao động tự ý bỏ việc.
Nội dung quy định tại khoản 3 của Điều 126 BLLĐ 2012 giữ nguyên như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 85 BLLĐ 1994: “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng”.
Khoản 3 Điều 126 BLLĐ 2012 bổ sung quy định “Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.
Tám là: Bổ sung quy định cấm đối với người sử dụng lao động khi xử lý kỷ luật lao động, tại Điều 128; gồm:
Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Đáng chú ý là quy định mới được bổ sung: Cấm “Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.
Ngoài các quy định nêu trên, khi xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động còn phải tuân thủ quy định tại khoản 7 Điều 192 về quyền, nghĩa vụ của Công đoàn và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xử lý kỷ luật lao động.
Khoản 7 Điều 192 quy định: “Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở.
Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định”.
2.2. Về trách nhiệm vật chất
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Nội dung các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong BLLĐ 2012 cũng được chia thành hai trường hợp như trong BLLĐ 1994, gồm: trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động và trường hợp người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
– Về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại: BLLĐ 1994 không quy định mức thiệt hại làm căn cứ xác định nghĩa vụ bồi thường, mà áp dụng quy định tại Nghị định số 41/CP ngày 6/7/1995 của Chính phủ, thiệt hại từ 5 triệu đồng trở lên được coi là thiệt hại nghiêm trọng.
BLLĐ 2012 bổ sung quy định: trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của BLLĐ.
– Về căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường: BLLĐ 1994 chỉ quy định: trong trường hợp bất khả kháng thì không phải bồi thường.
BLLĐ 2012 quy định cụ thể các trường hợp không phải bồi thường tại Điều 130, gồm: “do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”.
– Nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại: Quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 131 của BLLĐ 2012; nội dung cơ bản được giữ nguyên như quy định tại Điều 89, 90 BLLĐ 1994, đó là thực hiện theo nguyên tắc, trình tự và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Căn cứ vào các quy định nêu trên, khi người lao động có hành vi gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động, thì người sử dụng lao động phải tiến hành đầy đủ các thủ tục xem xét, ra quyết định xử lý trong thời hạn quy định; việc xem xét xử lý việc bồi thường thiệt hại vật chất phải theo các nguyên tắc quy định tại Điều 123 của Bộ luật lao động.
3. Các trường hợp tranh chấp về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và đặc điểm
Pháp luật lao động không phân loại các tranh chấp về kỷ luật lao động, mà chỉ quy định trình tự giải quyết tranh chấp về kỷ luật theo hình thức sa thải. Như vậy, tranh chấp về kỷ luật lao động bằng các hình thức khác được coi là các tranh chấp khác về lao động.
– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải: Đây là loại tranh chấp phổ biến, chỉ sau loại tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng tính chất, nội dung tranh chấp cũng khá phức tạp và phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. So với các loại tranh chấp khác trong lao động, thì tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải có đặc điểm là: phát sinh từ sự kiện, hoặc hành vi của người lao động mà người sử dụng lao động cho rằng đó là hành vi vi phạm kỷ luật lao động; việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải là đặc quyền, là hành vi đơn phương của người sử dụng lao động, làm chấm dứt quan hệ lao động.
– Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động bằng các hình thức khác: Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động cho thấy chưa có vụ việc tranh chấp nào về xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách được đưa đến Tòa án. Số lượng các vụ tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức là rất ít. Tuy ít về số vụ tranh chấp, nhưng việc giải quyết loại tranh chấp về kỷ luật bằng hình thức khác, đặc biệt là hình thức cách chức, là tương đối phức tạp, vì pháp luật lao động không quy định căn cứ áp dụng hình thức xử lý này, mà dành quyền cho người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại theo chế độ trách nhiệm vật chất: Trong thực tế, thiệt hại vật chất thường phát sinh từ hành vi vi phạm kỷ luật lao động, do đó vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng đồng thời được đặt ra khi người sử dụng lao động xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm. Khi bị xử lý, người lao động khởi kiện và yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kỷ luật lao động và bồi thường thiệt hại vật chất. Như vậy, vấn đề trách nhiệm vật chất thường chỉ là một nội dung tranh chấp trong vụ án về kỷ luật lao động.
Theo quy định của BLLĐ và BLTTDS, trong tranh chấp lao động, có một loại việc tranh chấp là “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại”, được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 201 BLLĐ và điểm b khoản 1 Điều 31 BLTTDS. Xét về bản chất của loại việc tranh chấp, thì tranh chấp về bồi thường thiệt hại vật chất cũng là tranh chấp về bồi thường thiệt hại và đều là loại việc không bắt buộc phải qua hòa giải tại Hòa giải viên lao động cấp huyện. Quá trình giải quyết vụ án, tác nghiệp của Thẩm phán nhằm làm rõ các vấn đề và quyết định về nội dung tranh chấp về cơ bản là tương tự như nhau.
Điểm khác nhau cần chú ý là ở chỗ: nguồn gốc phát sinh trách nhiệm bồi thường trong tranh chấp về bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật là từ hành vi vi phạm kỷ luật lao động và hành vi đó gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Còn trong tranh chấp về bồi thường thiệt khác, như: tranh chấp về bồi thường phí đào tạo nghề, hoặc tranh chấp về bồi thường thiệt hại vật chất theo hợp đồng trách nhiệm, thì nguồn gốc phát sinh là từ việc thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo nghề hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng trách nhiệm.
II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG
1. Trình tự tố tụng trong giải quyết các tranh chấp về kỷ luật lao động
Trình tự tố tụng trong giải quyết các tranh chấp về kỷ luật lao động về cơ bản cũng giống như trình tự tố tụng trong giải quyết các tranh chấp lao động nói chung. Chuyên đề này chỉ giới thiệu những nội dung mang tính đặc thù trong thủ tục giải quyết tranh chấp về kỷ luật lao động.
1.1. Thụ lý vụ án
1.1.1. Xem xét đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo đơn kiện để xác định quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp, loại việc kiện và điều kiện khởi kiện, thụ lý vụ án
– Về quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp: Kỷ luật lao động là một chế tài pháp lý được áp dụng đối với mọi đối tượng tham gia quan hệ lao động. Tuy nhiên, BLLĐ chỉ điều chỉnh quan hệ lao động theo HĐLĐ giữa người lao động và người sử dụng lao động, do đó khi tiếp nhận đơn khởi kiện và các tài liệu được gửi kèm theo đơn kiện, trước hết Tòa án phải xác định được việc tranh chấp có phát sinh từ quan hệ HĐLĐ hay không. Nếu tranh chấp không phát sinh từ quan hệ HĐLĐ, thì việc tranh chấp không được coi là tranh chấp lao động và không áp dụng BLLĐ để giải quyết.
BLLĐ quy định HĐLĐ có thể được giao kết bằng văn bản hoặc lời nói. Do đó, nếu trong các tài liệu mà người khởi kiện gửi kèm theo không có bản HĐLĐ, thì Thẩm phán cần nghiên cứu nội dung đơn kiện hoặc các tài liệu khác được gửi kèm theo để có căn cứ xác định giữa các bên có tồn tại quan hệ HĐLĐ hay không (Nếu có, thì hình thức của HĐLĐ trong trường hợp này được coi là HĐLĐ giao kết bằng lời nói).
Một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động được quy định trong BLLĐ là sa thải. Hình thức xử lý kỷ luật này tương ứng với hình thức buộc thôi việc, áp dụng đối với người lao động là công chức, theo quy định của pháp luật về công chức. Trong thực tế, có không ít trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, đơn vị sử dụng lao động vẫn ghi áp dụng hình thức xử lý buộc thôi việc đối với người lao động. Việc ghi không đúng tên gọi của hình thức xử lý được coi như một sai sót về mặt hình thức. Do đó, nếu có căn cứ cho thấy người lao động bị xử lý kỷ luật là người lao động làm theo HĐLĐ thì Tòa án phải xác định việc khởi kiện là tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.
– Về loại việc kiện: Tranh chấp về kỷ luật lao động là tranh chấp về việc áp dụng chế tài trong quan hệ lao động, do người sử dụng lao động áp dụng đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài kỷ luật là quyền của người sử dụng lao động, do đó trong thực tế có những trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động nhưng người sử dụng lao động không áp dụng h́nh thức xử lư kỷ luật mà chỉ chấm dứt HĐLĐ. Trong những trường hợp đó, hầu hết người lao động vẫn cho rằng mình bị sa thải, bị buộc thôi việc và khởi kiện về việc sa thải. Để xác định đúng loại việc kiện, ngoài nội dung đơn kiện, Thẩm phán phải xem xét kỹ các tài liệu kèm theo. Nếu có tài liệu, chứng cứ cho thấy người sử dụng lao động chỉ chấm dứt HĐLĐ, hoặc cho thôi việc và người lao động vẫn được trả tiền trợ cấp thôi việc, thì phải xác định việc kiện là tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 124 BLLĐ, thì quyết định xử lý kỷ luật lao động phải thể hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, có trường hợp người sử dụng lao động không ra văn bản xử lý, mà thông báo quyết định bằng lời nói. Khi người lao động khởi kiện, nhưng không có quyết định xử lý kỷ luật sa thải gửi kèm theo đơn kiện. Trường hợp này, Tòa án yêu cầu người khởi kiện trình bày rõ trong đơn kiện. Nếu đủ các điều kiện thụ lý vụ án, thì Tòa án vẫn xác định loại việc kiện là tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.
– Về điều kiện khởi kiện: Theo quy định của BLLĐ, tranh chấp về kỷ luật lao động bao gồm tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải và tranh chấp về kỷ luật lao động khác. Mỗi loại tranh chấp có thủ tục giải quyết khác nhau, do đó, khi xem xét việc thụ lý vụ án, Tòa án phải xác định được hình thức xử lý kỷ luật mà người sử dụng lao động áp dụng là hình thức gì.
Theo quy định tại Điều 201 BLLĐ, tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải là loại việc tranh chấp không bắt buộc phải qua hòa giải; nghĩa là sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu hòa giải hoặ khởi kiện ra Tòa án ngay. Còn đối với các tranh chấp khác về kỷ luật lao động, các bên phải đưa vụ việc tranh chấp ra hòa giải tại Hòa giải viên lao động. Chỉ trong trường hợp vụ tranh chấp không được đưa ra hòa giải trong thời hạn quy định (5 ngày, kể từ ngày hòa giải viên nhận được đơn yêu cầu hòa giải), hoặc hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành (khoản 4 Điều 201 BLLĐ), thì các bên mới có quyền khởi kiện ra Tòa án.
Căn cứ quy định nêu trên, Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp về kỷ luật lao động trong các trường hợp sau đây:
– Tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải mà các bên tranh chấp chưa đưa ra hòa giải tại Hòa giải viên lao động;
– Tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải mà các bên đã có đơn yêu cầu hòa giải, nhưng quá thời hạn quy định mà vụ việc chưa được tiến hành hòa giải;
– Tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải mà việc tranh chấp đã qua hòa giải nhưng không thành (có biên bản hòa giải không thành);
– Tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đã hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành;
– Các tranh chấp khác về kỷ luật lao động mà các bên đã có đơn yêu cầu hòa giải, nhưng quá thời hạn quy định mà vụ việc chưa được tiến hành hòa giải; đã hòa giải nhưng không thành (có biên bản hòa giải không thành); hoặc đã hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
1.1.2. Thông báo về việc thụ lý vụ án
Nếu có đủ điều kiện thụ lý vụ án, thì Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý và thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án theo quy định của Điều 174 BLTTDS.
Nội dung của bản Thông báo về việc thụ lý vụ án trong vụ tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải cần nêu rõ: người khởi kiện khởi kiện về việc gì; tóm tắt quan điểm của người khởi kiện và những yêu cầu của người khởi kiện; ghi ghi đầy đủ tên loại văn bản, giấy tờ, tài liệu mà người khởi kiện gửi kèm theo đơn kiện để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Đồng thời, trên cơ sở nội dung tranh chấp đã được xác định, Tòa án cần chỉ định cụ thể những loại tài liệu, chứng cứ mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải cung cấp cho Tòa án.
Ví dụ: đối với vụ tranh chấp về kỷ luật lao động nói chung, Tòa án yêu cầu bị đơn cung cấp các loại tài liệu chủ yếu như: HĐLĐ, phụ lục HĐLĐ (nếu có), bảng mô tả công việc hoặc bản phân công công việc, quyết định phân công, quyết định điều động người lao động (nếu có), thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế quản lý lao động (nếu có), quyết định xử lý kỷ luật lao động, bảng chấm công, bảng thanh toán lương, v.v. và các tài liệu thể hiện diễn biến quá trình xem xét, xử lý kỷ luật lao động của người sử dụng lao động (các biên bản vi phạm, biên bản làm việc, biên bản kiểm tra, bản kiểm điểm, tường trình (nếu có), kết luận hoặc báo cáo thanh tra, kiểm tra, hiên bản họp xem xét, xử lý kỷ luật).
Nếu là vụ tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, thì căn cứ vào lý do sa thải, Tòa án yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu liên quan để chứng minh về vi phạm.
1.2. Thu thập, xác minh chứng cứ
1.2.1. Phạm vi chứng minh (xác định các tình tiết cần phải làm rõ trong vụ án).
Trong vụ tranh chấp về kỷ luật lao động, Tòa án cần phải làm rõ những vấn đề chủ yếu sau đây:
– Quan hệ lao động giữa các bên: BLLĐ điều chỉnh quan hệ lao động theo HĐLĐ giữa người lao động và người sử dụng lao động, vì vậy, tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp về kỷ luật lao động nói riêng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án phải là tranh chấp phát sinh từ quan hệ HĐLĐ. Do đó, nếu trong hồ sơ khởi kiện chưa có đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc xác định quan hệ HĐLĐ, thì Tòa án phải làm rõ trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án. Nội dung cụ thể mà Tòa án cần phải làm rõ là: thời điểm các bên giao kết HĐLĐ, hình thức của HĐLĐ, loại và nội dung chủ yếu của HĐLĐ; diễn biến quá trình thực hiện HĐLĐ.
Tòa án phải xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ thể hiện toàn bộ diễn biến quá trình thực hiện HĐLĐ giữa các bên, như: việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ (nếu có); kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; người lao động đã từng bị xử lý kỷ luật lao động hay chưa. Nếu người lao động đã bị xử lý kỷ luật lao động, thì Tòa án phải thu thập được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định thời điểm xử lý kỷ luật, hành vi vi phạm, hình thức xử lý và người lao động đã được xóa kỷ luật hay chưa.
– Diễn biến, nội dung tranh chấp: Các tình tiết, chứng cứ về diễn biến, nội dung tranh chấp được xác định dựa trên cơ sở loại quan hệ tranh chấp. Đối với các tranh chấp về kỷ luật lao động nói chung, Tòa án phải làm rõ được nội dung của các sự kiện pháp lý dẫn đến việc xử lý kỷ luật lao động, sự kiện pháp lý nào trực tiếp làm phát sinh tranh chấp (người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc hay áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động; nếu là xử lý kỷ luật lao động thì hình thức xử lý là gì); làm rõ tính hợp pháp của việc xử lý kỷ luật lao động đó và hậu quả pháp lý.
Để có cơ sở đánh giá tính hợp pháp của việc xử lý kỷ luật lao động, trước hết Tòa án phải xác định được việc xử lý kỷ luật có thuộc trường hợp BLLĐ cấm hay không (các trường hợp được quy định tại khoản 4, khoản 5 của Điều 123 BLLĐ). Nếu việc xử lý kỷ luật không thuộc trường hợp BLLĐ cấm, thì Tòa án tiến hành làm rõ những nội dung sau đây:
Một là, lý do hoặc căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động. Hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động là điều kiện cần để người sử dụng lao động được phép sử dụng quyền xử lý kỷ luật. Do đó, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải làm rõ được người lao động có thực hiện hành vi vi phạm nội quy lao động hay không; hành vi vi phạm đó là gì, đánh giá được tính chất, mức độ ảnh hưởng hoặc hậu quả của hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng được áp dụng theo quy định của nội quy lao động là gì.
Hai là, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Tòa án căn cứ vào loại hành vi vi phạm để áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1 của Điều 124 BLLĐ. Để xác định được việc xử lý kỷ luật lao động của người sử dụng lao động có được thực hiện trong thời hạn quy định hay không, Tòa án phải làm rõ thời điểm xảy ra vi phạm và tính thời hạn đến ngày ra quyết định xử lý kỷ luật.
Đối với các trường hợp mà BLLĐ cho phép kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động (các trường hợp được quy định tại khoản 4 của Điều 123), thì Tòa án phải xác định chính xác thời điểm hết thời hạn cấm xử lý; cụ thể như sau:
Đối với trường hợp người lao động nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động, thì căn cứ vào ngày được ghi trong Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, phiếu điều dưỡng, hoặc giấy tờ có xác nhận của người sử dụng lao động.
Đối với trường hợp người lao động đang bị tạm giữ, tạm giam, thì thời hạn 60 ngày được tính kể từ ngày tiếp theo của ngày hết thời hạn tạm giam (nếu không có quyết định gia hạn thời hạn tạm giam).
Đối với trường hợp vụ việc đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này, thì thời hạn 60 ngày được tính kể từ ngày có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với trường hợp lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, thì thời hạn 60 ngày được tính kể từ ngày tiếp theo của ngày nghỉ thai sản cuối cùng, ngày tiếp theo của ngày con nhỏ đủ 12 tháng tuổi.
Ba là, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Căn cứ vào các quy định về nguyên tắc và trình tự xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 123 BLLĐ, Tòa án cần kiểm tra, làm rõ các tình tiết về quá trình xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật lao động của người sử dụng lao động.
Lưu ý: Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động trước đây được quy định tại Nghị định số 41/CP ngày 6/7/1995, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 2/4/2003 và hướng dẫn tại Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003. Các văn bản nêu trên hướng dẫn áp dụng BLLĐ 1994 và các Luật sửa đổi, bổ sung BLLĐ 1994. BLLĐ 1994 và các Luật sửa đổi, bổ sung hết hiệu lực kể từ ngày BLLĐ 2012 có hiệu lực (01/5/2013), do đó về nguyên tắc, thì quy định tại các văn bản hướng dẫn BLLĐ 1994 cũng không được áp dụng. Tuy nhiên, có một số quy định thể hiện nguyên tắc cơ bản của quan hệ lao động và không trái với BLLĐ 2012, thì vẫn cần được vận dụng khi đánh giá, kết luận. Ví dụ: quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động, thủ tục thông báo để người lao động có mặt khi người sử dụng lao động xem xét xử lý kỷ luật, v.v.
Đối với tranh chấp về xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, thì tùy thuộc vào lý do hay căn cứ sa thải, Tòa án phải xác định đầy đủ, cụ thể những nội dung cần làm rõ; cụ thể như sau:
+ Trường hợp người lao động bị sa thải vì có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động; Tòa án phải làm rõ dấu hiệu cả về mặt khách quan và chủ quan của từng hành vi, nhóm hành vi. Ví dụ: Nếu người lao động bị sa thải vì có hành vi trộm cắp, tham ô: Tòa án phải làm rõ: tài sản là đối tượng bị trộm cắp, tham ô là tiền hay tài sản khác; giá trị tài sản bị trộm cắp, tham ô là bao nhiêu; bối cảnh và diễn biến quá trình thực hiện hành vi trộm cắp, tham ô; v.v. Nếu người lao động bị sa thải vì lý do tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh: Tòa án phải làm rõ: biểu hiện của hành vi tiết lộ bí mật, nội dung thông tin bị tiết lộ, căn cứ để xác định thông tin bị tiết lộ là bí mật công nghệ, kinh doanh thuộc trường hợp cấm tiết lộ; v.v. Nếu người lao động bị sa thải vì có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động: Tòa án phải làm rõ hành vi vi phạm là gì; xảy ra khi nào, ở đâu; tính chất, mức độ thiệt hại đã xảy ra, hoặc có khả năng xảy ra do hành vi vi phạm; v.v.
+ Trường hợp sa thải vì người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tòa án phải căn cứ vào quy định tại Điều 127 của BLLĐ để làm rõ người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương đã được xóa kỷ luật hay chưa; hành vi vi phạm của người lao động đã bị xử lý bằng hình thức cách chức có thuộc trường hợp tái phạm hay không.
+ Trường hợp sa thải vì người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Nếu việc xử lý bằng hình thức sa thải là trái pháp luật, Tòa án phải làm rõ các tình tiết làm căn cứ giải quyết hậu quả pháp lý của việc sa thải trái pháp luật.
– Yêu cầu khởi kiện: Nguyên tắc chung khi giải quyết các tranh chấp lao động, là Tòa án phải làm rõ yêu cầu cụ thể của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có) và cơ sở để xem xét giải quyết yêu cầu của các bên.
Đối với tranh chấp về kỷ luật lao động nói chung, Tòa án phải làm rõ: những yêu cầu cụ thể của người khởi kiện, về bồi thường thiệt hại (nếu có).
Đối với tranh chấp về kỷ luật bằng hình thức sa thải, Tòa án phải căn cứ vào việc xác định tính hợp pháp của việc sa thải để xác định những vấn đề cần phải làm rõ; cụ thể như sau:
Nếu việc sa thải là đúng pháp luật, tức là Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì không đặt ra vấn đề bố trí việc làm và giải quyết việc bồi thường do sa thải trái pháp luật. Trường hợp có căn cứ xác định việc sa thải là trái pháp luật, Tòa án cần phải làm rõ một số nội dung cụ thể sau đây:
Người lao động có yêu cầu trở lại làm việc hay không; khả năng bố trí việc làm của người sử dụng lao động khi người lao động trở lại làm việc;
Quyền lợi của mỗi bên theo HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, pháp luật lao động được giải quyết như thế nào; cụ thể là: tiền lương, phụ cấp, các khoản thu nhập khác, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động; các khoản mà NLĐ phải bồi thường (nếu có).
1.2.2. Áp dụng các biện pháp thu thập, xác minh chứng cứ
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện đã gửi kèm theo đơn kiện và các tài liệu, chứng cứ mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao nộp sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Thẩm phán cần nghiên cứu sơ bộ để xác định những vấn đề cần phải chứng minh và áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 85 BLTTDS để thu thập, xác minh chứng cứ.
Trong vụ án lao động nói chung, và vụ án tranh chấp về kỷ luật lao động nói riêng, các biện pháp thu thập xác minh chứng cứ được sử dụng phổ biến gồm: lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, với người làm chứng; trưng cầu giám định; xem xét, thẩm định tại chỗ, yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc các hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án.
– Lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng: việc lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng thực hiện theo quy định của Điều 86 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 6, Điều 7 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
Để khắc phục tình trạng lấy lời khai thiếu trọng tâm và không đầy đủ, thì trước khi tiến hành việc lấy lời khai, Thẩm phán cần nghiên cứu và chuẩn bị nội dung dự kiến sẽ lấy lời khai và những điểm cần lưu ý trong các trường hợp cụ thể; trong đó xác định nội dung cần tập trung làm rõ qua việc lấy lời khai.
Ví dụ: khi lấy lời khai của người lao động về diễn biến vụ việc mà người sử dụng lao động cho là vi phạm, Thẩm phán không dùng chỉ định: “Ông (Bà) hãy trình bày về việc vi phạm kỷ luật” và cũng không nêu yêu cầu một cách chung chung là: “Ông (Bà) hãy trình bày diễn biến của vụ việc đã xảy ra”, mà phải yêu cầu người được lấy lời khai trình bày từng sự kiện, diễn biến tại từng thời điểm và căn cứ vào nội dung trình bày của người được lấy lời khai, Thẩm phán mới yêu cầu họ trình bày các tình tiết liên quan.
Về nguyên tắc, việc lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng có thể được tiến hành tại trụ sở của Tòa án hoặc ở bên ngoài trụ sở (tại trụ sở của đơn vị sử dụng lao động nơi người lao động làm việc). Trong giải quyết tranh chấp lao động nói chung, Thẩm phán cần linh hoạt trong việc chọn địa điểm tiến hành lấy lời khai để bảo đảm việc lấy lời khai vừa thuận lợi cho các bên và bảo đảm tính khách quan, trung thực của lời khai. Đối với vụ việc tranh chấp về sa thải mà người lao động là nguyên đơn, thì Tòa án lấy lời khai tại trụ sở Tòa án, vì người lao động đã nghỉ việc; còn đối với các vụ việc tranh chấp về kỷ luật bằng hình thức khác, thì Tòa án có thể lấy lời khai tại trụ sở Tòa án hoặc tại trụ sở của đơn vị sử dụng lao động nơi người lao động làm việc, đặc biệt là đối với các vụ án cần phải lấy lời khai của nhiều người làm chứng. Tuy nhiên, vì sợ ảnh hưởng đến việc làm nên người lao động thường né tránh, từ chối làm chứng hoặc làm chứng không trung thực. Do đó, nếu xét thấy việc lấy lời khai của người làm chứng có thể gây khó khăn cho người đó, thì Thẩm phán cần tiến hành lấy lời khai tại trụ sở của Tòa án.
– Xem xét, thẩm định tại chỗ: Biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ được áp dụng trong một số trường hợp cần thiết trong giải quyết vụ tranh chấp về kỷ luật lao động. Ví dụ: xem xét tình trạng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, v.v. liên quan đến việc thực hiện công việc của người lao động, để xác định người lao động có vi phạm quy tắc, quy trình kỹ thuật công nghệ hay không, mức độ thiệt hại xảy ra; để xác định người lao động có đến nơi làm việc hay không và những diễn biến khác xảy ra trong quá trình thực hiện công việc theo hợp đồng.
Việc xem xét, thẩm định tại chỗ được thực hiện theo quy định của Điều 89 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
– Trưng cầu giám định: Biện pháp trưng cầu giám định được áp dụng trong một số trường hợp, (chủ yếu là giám định chữ viết trong các văn bản, giấy tờ, tài liệu), khi các bên thỏa thuận lựa chọn giám định hoặc theo yêu cầu của một bên tranh chấp. Ví dụ: giám định chữ viết, chữ số về ngày ký kết, ngày có hiệu lực của HĐLĐ, mức lương ghi trong HĐLĐ; chữ số, chữ viết, chữ ký trong các tài liệu kế toán, văn bản, giấy tờ giao dịch khác.
Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của Điều 90 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
1.3. Hòa giải, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
Đối với việc giải quyết các tranh chấp lao động nói chung, hòa giải có vai trò đặc biệt quan trọng; nhằm tạo cơ hội cho các bên giải quyết được vụ việc tranh chấp thông qua thương lượng, góp phần ổn định sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Đặc biệt là trong các vụ tranh chấp về kỷ luật lao động khác, không phải là sa thải; vì quan hệ lao động vẫn đang tồn tại, do đó, nếu vụ việc tranh chấp được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải thì không chỉ giải quyết được xung đột giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động mà còn có tác dụng tích cực đối với cả tập thể lao động.
Với ý nghĩa đó, trong quá trình giải quyết vụ án lao động, Thẩm phán cần tạo cơ hội để các bên tự thương lượng với nhau, đồng thời tích cực tiến hành việc hòa giải, hướng dẫn cho các bên thương lượng với nhau. Trường hợp hòa giải không thành, nhưng các bên đã thỏa thuận được với nhau về một hoặc một số nội dung tranh chấp, thì Tòa án cần phải ghi nhận đầy đủ nội dung mà các bên đã thỏa thuận được với nhau vào biên bản hòa giải không thành, để có cơ sở tiến hành việc hòa giải trong phiên hòa giải tiếp theo hoặc để tiến hành việc xét xử tại phiên tòa. Nếu đương sự thỏa thuận được với nhau về tất cả các nội dung tranh chấp và xét thấy sự thỏa thuận đó là hoàn toàn tự nguyện và không trái pháp luật, thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành; sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu đương sự không có ý kiến thay đổi thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong các vụ án về kỷ luật lao động, việc lựa chọn phương án hòa giải phải hết sức linh hoạt, tùy thuộc vào hình thức xử lý, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thực tế quá trình xử lý kỷ luật. Ví dụ: Nếu người lao động bị xử lý bằng hình thức sa thải, mà hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động, thì không nên hòa giải theo hướng để người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc; trừ trường hợp người lao động đã tự nguyện khắc phục hậu quả. Nếu người lao động bị xử lý bằng kỷ luật bằng hình thức khác, không phải là sa thải, nhưng là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc người sử dụng lao động cũng có một phần lỗi trong công tác quản lý, điều hành, hoặc có sai sót trong trình tự xử lý, thì có thể hòa giải theo hướng để người sử dụng lao động hạ mức xử lý kỷ luật; v.v…
Trong vụ án lao động nói chung, quyền, nghĩa vụ của các bên đan xen lẫn nhau và tương đối phức tạp. Do đó, trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau, dù chỉ thỏa thuận được một, một số nội dung hay tất cả các nội dung tranh chấp, Thẩm phán cũng phải hướng dẫn cho các bên thỏa thuận đầy đủ các vấn đề liên quan.
Ví dụ: Khi giải quyết vụ tranh chấp về sa thải, các bên thỏa thuận là người sử dụng lao động sẽ nhận người lao động trở lại làm việc, thì Thẩm phán phải yêu cầu các bên thỏa thuận với nhau những vấn đề cụ thể như: công việc mà người sử dụng lao động bố trí cho người lao động làm khi trở lại làm việc là gì, thông qua việc ký kết HĐLĐ mới hay sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã ký; thời điểm người sử dụng lao động bố trí công việc cho người lao động; các quyền lợi mà người lao động được hưởng khi thực hiện công việc mới; trách nhiệm và phương thức thực hiện bồi thường thiệt hại (nếu có).
1.4. Xét xử và ra bản án, quyết định về vụ án
1.4.1. Xét xử vụ án tại phiên tòa
Trình tự, thủ tục tố tụng phiên tòa sơ thẩm trong vụ án tranh chấp về kỷ luật lao động thực hiện theo quy định chung của BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
Nội dung mang tính đặc thù trong xét xử vụ án về kỷ luật lao động thể hiện ở nội dung tranh tụng. Khi xét xử loại án này, Hội đồng xét xử, trước hết là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần dự kiến những vấn đề cần hỏi và làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm.
Căn cứ vào phạm vi những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án như đã nêu tại điểm a, tiểu mục 2.1.2 mục 2; tại phiên tòa nếu phần trình bày của các bên đương sự chưa đầy đủ hoặc chưa đủ cơ sở để giải quyết nội dung tranh chấp, thì Hội đồng xét xử cần phải hỏi để làm rõ từng vấn đề theo thứ tự hợp lý và có trọng tâm.
Trong vụ án tranh chấp về kỷ luật lao động, thông thường, Hội đồng xét xử cũng làm rõ các tình tiết liên quan đến việc xác lập quan hệ HĐLĐ và diễn biến của quá trình thực hiện HĐLĐ sau đó mới làm rõ các tình tiết về nội dung tranh chấp và yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố (nếu có).
Việc xác định nội dung trọng tâm phải căn cứ vào nội dung tranh chấp trong từng vụ án cụ thể và phải được xử lý một cách linh hoạt.
Về mặt lý thuyết, các tình tiết liên quan đến nội dung tranh chấp là nội dung trọng tâm cần tập trung làm rõ tại phiên tòa. Ví dụ: trường hợp người lao động bị sa thải vì lý do trộm cắp, đánh bạc, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, thì việc xác định phạm vi các tình tiết và cách thức để làm rõ những tình tiết đó không quá phức tạp. Nhưng đối với một số hành vi vi phạm khác, như tham ô, cố ý gây thương tích, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, v.v. thì việc xác định phạm vi chứng minh và đối tượng chứng minh là rất phức tạp, vì có thể xảy ra trong một quá trình và thường có liên quan đến các quan hệ khác.
Ví dụ 1: Người lao động bị sa thải vì có hành vi cố ý gây thương tích. Người bị gây thương tích là một người lao động cùng làm việc với người vi phạm. Trường hợp này, việc xác định các dấu hiệu về mặt khách quan của hành vi cố ý gây thương tích là khá đơn giản (căn cứ vào biên bản vi phạm, các tài liệu liên quan đến việc cấp cứu, điều trị cho người bị gây thương tích). Tuy nhiên, trong trường hợp việc vi phạm có nguyên nhân từ sự mâu thuẫn trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp và bản thân người bị gây thương tích cũng có lỗi, thì Tòa án còn phải làm rõ những tình tiết liên quan đó, để có đủ cơ sở đánh giá việc người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý sa thải đối với người vi phạm là có thỏa đáng hay không.
Ví dụ 2: Người lao động bị sa thải vì có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người sử dụng lao động. Hành vi vi phạm của người lao động là bỏ vị trí vận hành lò hơi, dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp trị giá 2 tỷ đồng Việt Nam. Khi khởi kiện, người lao động cho rằng mình không có lỗi, vì sự cố cháy nổ lò hơi xảy ra ngoài ca làm việc của mình. Người sử dụng lao động thì cho rằng: do sự cố thiếu nhân viên kỹ thuật, Công ty đã có thông báo cho người lao động biết về việc kéo dài thời gian trực ca của bộ phận lò hơi. Như vậy, ngoài các tình tiết thể hiện người lao động không có mặt tại nơi làm việc, sự cố cháy nổ và thiệt hại đã xảy ra; Tòa án phải làm rõ các tình tiết liên quan đến quá trình tổ chức, quản lý điều hành hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; trên cơ sở đó để xác định người lao động có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với sự cố cháy nổ và thiệt hại hay không.
1.4.2. Bản án sơ thẩm
Bản án sơ thẩm trong vụ án lao động nói chung được soạn thảo theo quy định của Điều 238 BLTTDS và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.
Đối với vụ án tranh chấp về kỷ luật lao động, khi soạn thảo bản án, Thẩm phán cần chú ý một số vấn đề sau đây:
– Phần trích yếu của bản án: Ghi đúng loại quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án giải quyết, là “Tranh chấp về việc kỷ luật lao động theo hình thức (khiển trách, hoặc kéo dài thời hạn nâng lương, hoặc cách chức, hoặc sa thải)”. Không ghi chung chung là “Tranh chấp về kỷ luật lao động”.
– Phần “Nhận thấy”. Phần này tóm tắt nội dung, diễn biến của vụ án, gồm:
Việc xác lập quan hệ lao động (ghi rõ thời điểm phát sinh quan hệ lao động và thời điểm các bên ký HĐLĐ);
Loại, nội dung chủ yếu của HĐLĐ;
Diễn biến quá trình thực hiện HĐLĐ (việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ, (nếu có), khái quát kết quả thực hiện HĐLĐ của người lao động. Nếu người lao động đã bị xử lý kỷ luật, thì cần nêu rõ thời điểm bị xử lý, hình thức xử lý, lý do bị xử lý kỷ luật; người lao động đã được xóa kỷ luật hay chưa);
Thời điểm phát sinh tranh chấp và sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp. Trong vụ án về kỷ luật lao động, sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp là việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, do đó phần tóm tắt phải nêu rõ lý do người lao động bị xử lý kỷ luật, trình tự tiến hành xử lý, hình thức kỷ luật đã áp dụng và giải quyết hậu quả của việc xử lý kỷ luật.
Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có).
– Phần “Xét thấy”. Phần này ghi nhận định, đánh giá và kết luận của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, từng yêu cầu khởi kiện.
Trong vụ án về kỷ luật lao động nói chung, Tòa án phải nhận định đầy đủ, từng vấn đề, thông thường là từ lý do hay căn cứ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật, đến thời hiệu, thẩm quyền và thủ tục xử lý kỷ luật, rồi mới kết luận chung về tính hợp pháp của việc xử lý kỷ luật.
– Phần “Quyết định”. Phần này ghi các căn cứ pháp lý mà Tòa án áp dụng để quyết định về vụ án; các quyết định của Tòa án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án và các quyết định khác như: án phí, quyền kháng cáo, quyết định cho thi hành ngay.
Việc viện dẫn các căn cứ pháp lý phải tuyệt đối chính xác và theo đúng quy tắc, theo thứ tự từ điểm, khoản, điều, tên văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: “Áp dụng khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động”.
Nội dung các quyết định của Tòa án phải đầy đủ, rõ ràng. Vấn đề phạm vi và nội dung các quyết định của Tòa án trong giải quyết vụ án lao động nói chung là khá phức tạp và hiện tại chưa có hướng dẫn thực hiện. Về nguyên tắc, Tòa án căn cứ vào nội dung những vấn đề phải giải quyết trong vụ án để ra các quyết định. Trong các vụ án lao động, các quyết định của Tòa án gồm: quyết định liên quan trực tiếp đến nội dung, đối tượng tranh chấp và các quyết định khác liên quan.
Trong vụ án tranh chấp về kỷ luật lao động bằng hình thức kỷ luật khác, đối tượng tranh chấp trong loại vụ án này là việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động mà người lao động cho là trái pháp luật. Giải quyết loại tranh chấp này, Tòa án sẽ quyết định chấp nhận hay không chấp nhận, hay chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; nếu chấp nhận yêu cầu khởi kiện, Tòa án phải quyết định: hủy quyết định xử lý kỷ luật của người sử dụng lao động, buộc người sử dụng lao động không phục các quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Đối với vụ tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, thì việc soạn thảo phần quyết định của bản án sơ thẩm tương đối phức tạp. Khi người lao động bị sa thải, nếu là sa thải đúng pháp luật, Tòa án chỉ quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người lao động về việc bị kỷ luật sa thải trái pháp luật. Trường hợp việc sa thải là trái pháp luật, thì hậu quả pháp lý là người sử dụng lao động phải gánh chịu chịu nhiều chế tài pháp lý khác nhau. Khi khởi kiện, thông thường người lao động chỉ đưa ra yêu cầu chung là: yêu cầu Tòa án hủy quyết định sa thải, khôi phục các quyền lợi theo pháp luật. Mặc dù người lao động không nêu cụ thể các yêu cầu, nhưng vì đó là chế tài mà BLLĐ đã quy định, mặc nhiên phát sinh khi có hành vi vi phạm. Do đó, Tòa án vẫn phải làm rõ và quyết định trong bản án.
Những nội dung mà Tòa án phải quyết định trong trường hợp việc sa thải là trái pháp luật, gồm: hủy quyết định xử lý kỷ luật sa thải, buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký (trừ trường hợp người lao động tự nguyện không yêu cầu trở lại làm việc); buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động tiền lương và các quyền lợi hợp pháp trong những ngày không được làm việc, cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương.
Quyết định về các quyền, nghĩa vụ liên quan: Đặc thù của quan hệ lao động so với các quan hệ dân sự thông thường là ở nội dung, tính chất của quá trình sử dụng lao động. Quá trình sử dụng lao động, ngoài các quyền, nghĩa vụ về việc làm, về trả công lao động, điều kiện, phương tiện làm việc, còn phát sinh các quyền, nghĩa vụ về bảo đảm an sinh xã hội, như quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Khi quan hệ lao động được xác lập, các bên được hưởng quyền, nghĩa vụ mà pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã quy định và khi quan hệ lao động chấm dứt, thì cũng mặc nhiên phát sinh quyền, nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Do đó, căn cứ vào nội dung của mỗi loại quan hệ lao động cụ thể, Tòa án phải xem xét và quyết định về quyền lợi bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của người lao động trong khoảng thời gian người lao động bị sa thải, khi nhận người lao động trở lại làm việc hoặc quyết định về trách nhiệm của người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi sa thải đúng pháp luật (khi HĐLĐ chấm dứt), hoặc khi sa thải trái pháp luật, nhưng người lao động không trở lại làm việc.
Quyết định của Tòa án phải rõ ràng. Để bản án, quyết định của Tòa án thi hành được dễ dàng, mỗi quyết định của Tòa án phải đầy đủ, chính xác về nội dung pháp lý theo quy định của pháp luật và rõ ràng về câu, từ.
Ví dụ: trường hợp người sử dụng lao động sa thải trái pháp luật và người lao động có yêu cầu nhận trở lại làm việc, thì đối với vấn đề việc làm và bồi thường thiệt hại, nội dung quyết định của Tòa án có thể viết như sau:
Buộc bị đơn (hoặc người sử dụng lao động) phải nhận nguyên đơn (hoặc người lao động) trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký, kể từ ngày bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật (nếu các bên có thỏa thuận khác, thì ghi theo nội dung mà các bên đã thỏa thuận).
Buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động tiền lương (và các quyền lợi khác nếu có) trong những ngày không được làm việc, kể từ ngày… đến ngày, với mức lương:… ; bằng:…
Buộc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HĐLĐ, với mức lương…; bằng…
Nếu nguyên đơn không có yêu cầu trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, Tòa án phải quyết định buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn khoản tiền trợ cấp thôi việc (nếu nguyên đơn thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp và thời gian làm việc đủ để hưởng trợ cấp thôi việc).
Nếu nguyên đơn có yêu cầu trở lại làm việc, nhưng bị đơn không muốn nhận nguyên đơn trở lại làm việc, th́ Ṭa án yêu cầu các bên thỏa thuận về khoản bồi thường thêm. Nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định buộc bị đơn phải nhận nguyên đơn trở lại làm việc.
2. Áp dụng pháp luật trong giải quyết một số trường hợp tranh chấp về kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải
Tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải tuy xét về số lượng, thì ít hơn so với loại việc tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án về kỷ luật lao động, đặc biệt là kỷ luật theo hình thức sa thải, thì tương đối nhiều. Chuyên đề này giới thiệu những điểm cần lưu ý về thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật trong giải quyết hai trường hợp tranh chấp cụ thể, mang tính điển hình trong thực tiễn giải quyết các vụ án lao động.
2.1. Đánh giá hành vi trộm cắp trong vụ án mà người sử dụng lao động xử lý kỷ luật sa thải người lao động vì lý do trộm cắp
Để có căn cứ giải quyết nội dung tranh chấp, Tòa án cần phải làm rõ một số vấn đề sau đây:
– Làm rõ hành vi vi phạm của người lao động. Người sử dụng lao động cho rằng người lao động có hành vi trộm cắp, thì về nguyên tắc, người sử dụng lao động phải cung cấp chứng cứ để chứng minh. Tuy nhiên, Tòa án phải xác minh, thu thập đầy đủ các chứng cứ và đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện để kết luận người lao động có hành vi trộm cắp hay không.
Hành vi trộm cắp xảy ra trong quan hệ lao động khá đa dạng và rất khác so với các hành vi trộm cắp thông thường xảy ra trong đời sống dân sự. Thẩm phán phải dựa trên cơ sở các chứng cứ cụ thể và quy định trong nội quy lao động hoặc quy chế của người sử dụng lao động để xác định hành vi chiếm hữu tài sản có được coi là “lén lút chiếm đoạt tài sản” của người khác hay không.
Khi đã có đủ căn cứ xác định người lao động đã có hành vi trộm cắp, thì Thẩm phán phải làm rõ: tài sản là đối tượng bị trộm cắp là gì, giá trị bao nhiêu.
– Làm rõ căn cứ áp dụng hình thức sa thải. Bộ luật lao động chỉ quy định người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức sa thải khi người lao động có hành vi trộm cắp, chứ không quy định giá trị tài sản trộm cắp là bao nhiêu. BLLĐ cũng có quy định: kỷ luật lao động là các quy định về quản lý kỷ luật lao động phải được quy định trong nội quy lao động; và người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi mà hành vi đó không được quy định trong nội quy lao động. Do đó, để có đủ căn cứ xác định tính hợp pháp của việc sa thải, Thẩm phán phải xem xét các quy định trong nội quy lao động của người sử dụng lao động. Nếu nội quy lao động có quy định việc áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động có hành vi trộm cắp, hoặc có quy định mức giá trị tài sản bị trộm cắp làm căn cứ để sa thải, thì Tòa án phải căn cứ vào các quy định đó để kết lu��n.
2.2. Đánh giá về thủ tục xử lý kỷ luật lao động
Bộ luật lao động quy định các căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật lao động và quy định nguyê tắc, trình tự tiến hành việc xử lý kỷ luật lao động. Sau khi xem xét các tình tiết liên quan đến căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật, Thẩm phán phải xem xét, đánh giá việc áp dụng nguyên tắc xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật của người sử dụng lao động. Trong các thủ tục xử lý kỷ luật, quy định về thủ tục thông báo để người lao động có mặt khi tiến hành xử lý kỷ luật có ý nghĩa rất quan trọng, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của việc xử lý kỷ luật, để người lao động được thực hiện quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích.
Điểm c khoản 1 Điều 123 BLLĐ đã quy định: Khi xử lý kỷ luật lao động, “Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật”.
Căn cứ quy định nêu trên, qua xem xét biên bản xử lý kỷ luật lao động và các tài liệu, chứng cứ khác cho thấy người lao động không có mặt khi người sử dụng lao động họp xử lý kỷ luật, thì Thẩm phán phải làm rõ một số tình tiết sau đây:
Một là, người sử dụng lao động có thông báo cho người lao động về việc xem xét, xử lý kỷ luật và yêu cầu người lao động tham dự cuộc họp xét kỷ luật hay không. Thông báo của người sử dụng lao động phải là thông báo bằng văn bản, được chuyển giao hợp lệ.
Hai là, người lao động đã nhận được thông báo hay chưa; nếu đã nhận được thông báo, nhưng không có mặt, thì phải làm rõ lý do vắng mặt.
Nếu có đủ căn cứ cho thấy người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động về việc tiến hành họp xử lý kỷ luật, thì việc xử lý kỷ luật bị coi là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục; Tòa án phải hủy quyết định xử lý kỷ luật.
Trường hợp người sử dụng lao động đã thông báo hợp lệ, người lao động đã nhận được thông báo nhưng vẫn vắng mặt và không thông báo cho người sử dụng lao động biết lý do, thì người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật vắng mặt. Nếu việc áp dụng hình thức kỷ luật là có căn cứ và không vi phạm các quy định khác của Bộ luật lao động, thì Tòa án xác định quyết định xử lý kỷ luật là hợp pháp.
Lưu ý: Trước đây, Nghị định số 41/CP ngày 6/7/1995 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động năm 1994 về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất đã có quy định là: người sử dụng lao động đã thông báo cho người lao động bằng văn bản ba lần, mà người lao động vẫn vắng mặt thì người sử dụng lao động mới được quyền xử lý vắng mặt.
Bộ luật lao động năm 1994 đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2013 (khi BLLĐ 2012 có hiệu lực). Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Điều 81 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì cho đến thời điểm này, chưa có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay thế, đình chỉ hoặc hủy bỏ Nghị định số 41/CP. Do đó, Tòa án vẫn có thể căn cứ vào quy định tại Nghị định số 41/CP để giải quyết vụ án.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai