CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA TRONG XÉT XỬ PHÚC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ
Đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo Quyền bào chữa của bị cáo phải được đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để trên thực tế. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo, giải thích cho họ biết những biện pháp do luật định và tạo mọi điều kiện để họ có thể sử dụng các quyền nêu trên. Để nâng cao hiệu quả thực hiện quyền bào chữa của bị cáo, qua đó nhằm nâng cao vai trò của Luật sư bào chữa trong Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, một số giải pháp có thể được đề cập tới, đó là:
Thứ nhất: Hoàn thiện chế định về đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo;
Thứ hai: Mở rộng những bảo đảm tố tụng cho quyền bào chữa;
Thứ ba: Mở rộng quyền hạn cho luật sư nói riêng và người bào chữa nói chung, tạo điều kiện để họ có thể bảo vệ bị cáo theo quy định của pháp luật, đấu tranh bảo vệ sự công bằng, bảo vệ lẽ phải;
Thứ tư: Đội ngũ luật sư sẽ được tăng về số lượng và chất lượng.
Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến vai trò của Luật sư bào chữa trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
Thứ nhất: Cần làm sáng tỏ về mặt lý luận vấn đề tranh tụng tại phiên toà và địa vị pháp lý của Luật sư bào chữa trong tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Chúng tôi cho rằng bản chất, nội dung của tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp ở Việt Nam là hoạt động tố tụng của các bên tham gia tố tụng nhằm xét hỏi, tranh luận làm rõ sự thật khách quan của vụ án dưới sự chỉ đạo, điều hành và quyết định của Toà án. Luật sư bào chữa cần có vị trí xứng đáng, bình đẳng với công tố viên tại phiên toà.
Thứ hai: Cần sửa đổi, bổ sung các qui định của BLTTHS hiện hành, đảm bảo nâng cao vai trò của LSBC khi tham gia tố tụng. – Cần ghi nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc của TTHS. Sự hiện diện của nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên tranh tụng được bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng tranh tụng của mình và Tòa án với chức năng xét xử là vị trọng tài vô tư, khách quan, điều khiển, quyết định kết quả của quá trình tranh tụng. – Để nâng cao vai trò của Luật sư bào chữa thì địa vị pháp lý của người bào chữa trong TTHS cũng cần được xác định đúng và khoa học. Do là chủ thể chứng minh gỡ tội tại phiên toà nên Luật sư bào chữa phải có được địa vị bình đẳng với bên buộc tội. Để có được địa vị pháp lý bình đẳng thì cần thiết phải bổ sung, quy định cụ thể một số quyền hạn của người bào chữa nói chung, của Luật sư bào chữanói riêng trong BLTTHS như sau: + Quyền được thu thập chứng cứ và xuất trình tại phiên toà. + Quyền được gặp riêng người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam
Giải pháp về tổ chức * Hoàn thiện pháp luật về tổ chức các đoàn luật sư, các văn phòng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. – Củng cố, phát triển và nâng cao vai trò tự quản của các Đoàn luật sư. – Tổ chức hành nghề luật sư là nơi luật sư hành nghê thường xuyên, vì vậy trong công tác quản lý luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các luật sư trong việc tuân theo đạo đức nghề nghiệp, giám sát chặt chẽ về quá trình tập sự hành nghề luật sư của những người tập sự; đồng thời tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các luật sư tại tổ chức mình. * Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Luật sư Trong giai đoạn hiện nay cần nâng cao chất lượng chuyên môn và đào tạo nghề của Luật sư để tương xứng với vị trí, vai trò của luật sư. Cần nhanh chóng hoàn thiện và chính quy hóa chương trình đào tạo luật sư và cấp giấy chứng chỉ hành nghề luật sư cho những người đã đủ tiêu chuẩn, xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm của Luật sư đối với bị cáo. Hiện nay, Học viện Tư pháp là cơ sở duy nhất đào tạo nghề luật sư. Trong khi đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thành lập và đang từng bước để khẳng định vị trí của mình. Vì vậy, việc đào tạo Luật sư có thể để 2 cơ sở cùng đào tạo là Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Học viện Tư pháp. Để hoạt động của Luật sư bào chữa ngày càng hiệu quả hơn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể về tổ chức và hoạt động của Luật sư như sau: – Xây dựng đội ngũ Luật sư vừa nắm vững luật pháp vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; có đạo đức nghề nghiệp, nhanh chóng xây dựng đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng… Luật sư bào chữa tại phiên toà phải được coi như một bên tranh tụng thực sự bình đẳng với cơ quan VKS. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo và rèn luyện phẩm chất đạo đức của đội ngũ Luật sư… – Việc bố trí chỗ ngồi của người bào chữa tại phiên tòa như hiện nay dường như đã tạo ra cảm giác không bình đẳng, thiếu dân chủ giữa hoạt động truy tố và hoạt động bào chữa. Trong thực tế chỗ ngồi của Luật sư tại phiên toà chưa được quy định thống nhất mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp xếp của từng Toà án. Về cơ chế chính trị xã hội, cần tạo cho Luật sư (người bào chữa nói chung) một chỗ ngồi tương xứng tại phiên toà và thống nhất đối với tất cả các phiên toà hình sự trong cả nước.
Giải pháp về con người Hiện nay, trong xã hội vẫn tồn tại những nhận thức không đúng về vị trí, vai trò của luật sư. Đó chính là rào cản lớn làm cho sự tham gia của luật sư trở nên khó khăn, trong khi bản thân bị cáo không có khả năng bào chữa hiệu quả. Do vậy, việc thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của Luật sư là cách tốt nhất để bị cáo tự bảo vệ quyền bào chữa của mình trước các cơ quan THTT. Đồng thời, giúp bị cáo trang bị những phương tiện, biện pháp giúp họ tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm các quyền tố tụng từ phía Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án và những người tiến hành tố tụng nhằm thực hiện quyền bào chữa của mình. Mặt khác, cần xoá bỏ tư tưởng hạ thấp vai trò của Luật sư trong nhận thức của những người tiến hành tố tụng, thay đổi nhận thức “việc Luật sư tham gia chỉ là sự trang trí cho phiên toà”.Tóm lại, cần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng LSBC của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư khi tham gia tố tụng.
Đổi mới mối quan hệ giữa luật sư bào chữa với cơ quan tiến hành tố tụng Mối quan hệ giữa LSBC với CQTHTT là mối quan hệ pháp lý vì nó dựa trên các điều khoản của pháp luật về tố tụng, giữa Luật sư tranh tụng với CQTHTT, NTHTT. Quan hệ này có tính chất đặc biệt ở chỗ: vừa hợp tác, vừa chế ước. Thực tiễn tố tụng trong những năm qua cho thấy, Giữa CQTHTT và Luật sư tranh tụng đã có sự phối hợp với nhau; tuy nhiên trong quá trình phối hợp vẫn còn những thiếu sót nhất định. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ hai phía, phía CQTHTT và phía LSBC. Không ít người tiến hành tố tụng”chưa tôn trọng và lắng nghe ý kiến của NBC, cá biệt có trường hợp còn coi thường vai trò của Luật sư tranh tụng tại phiên tòa, làm cho phiên tòa thiếu dân chủ”. Do vậy, cần phải chú trọng cải thiện mối quan hệ phối hợp giữa CQTHTT, người tiến hành tố tụng và Luật sư bào chữa ngày càng tốt hơn để nâng cao vai trò của Luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử nói chung và XXPT nói riêng trong TTHS.
Thuê luật sư giỏi tranh tụng vụ án hình sự, liên hệ luật sư hình sự 1900 599 979/098 301 91 09