Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ để phân chia tội phạm thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng là căn cứ để quy định loại hình phạt, khung hình phạt.
Đòi hỏi «cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội» được xuất hiện sau khi Toà án đã xác định bị cáo có phạm tội và điều, khoản cụ thể của BLHS được áp dụng. Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội thường được thể hiện:
- Xem xét, cân nhắc lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội; phương tiện phạm tội; thủ đoạn phạm tội; thời gian và địa điểm phạm tội; khách thể xâm hại…
Ví dụ: Cùng dùng vũ khí cướp tài sản, nếu trong hai vụ án có cùng các tình tiết khác như nhau, nhưng trong vụ án thứ nhất A thực hiện hành vi cướp tài sản có chuẩn bị từ trước và thực hiện cướp tài sản giữa ban ngày, nơi có dân cư đông đúc, còn trong vụ án thứ hai B thực hiện cướp tài sản lợi dụng nơi vắng vẻ, khi thấy có người đi qua mới nẩy sinh ý định thực hiện cướp tài sản, thì tuy cùng áp dụng điều khoản như nhau, nhưng phải quyết định mức hình phạt đối với A nặng hơn đối với B. - Xem xét, cân nhắc hậu quả do hành vi phạm tội gây ra bao gồm hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Ví dụ: Cùng phạm tội trộm cắp tài sản, nếu trong hai vụ án có cùng các tình tiết khác như nhau, nhưng trong vụ án thứ nhất M trộm cắp tài sản có giá trị 55 triệu đồng, còn trong vụ án thứ hai N trộm cắp tài sản có giá trị 195 triệu đồng, thì tuy cùng áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS để xử phạt các bị cáo, song cần phải quyết định hình phạt đối với N nặng hơn M. - Nếu là có đồng phạm cần xem xét tính chất của đồng phạm có ít người hay có nhiều người tham gia; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người trong đồng phạm để cá thể hoá trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
- Nếu phạm tội có tổ chức cần xem xét, cân nhắc tính chất của tổ chức có ít người hay có nhiều người tham gia; mức độ cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người khi thực hiện tội phạm để cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được định nghĩa tại Khoản 4 Điều 9 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau: Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Từ quy định này có thể thấy, nguyên tắc để xác định tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo Bộ Luật Hình sự 2015 là dựa vào mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt. Nếu như một người phạm tội mà khung hình phạt cao nhất đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì người ấy thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Bộ Luật Hình sự 2015 còn quy định các loại tội phạm sau:
– Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.
– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù.
Như vậy, việc phân loại tội phạm trong Bộ Luật Hình sự 2015 dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và căn cứ xác định dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt trong từng Điều luật cụ thể.
Điều luật tham khảo:
Bộ Luật Hình sự 2015
Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai