VÍ TRÍ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA LUẬN CỨ BÀO CHỮA
1. Luận cứ bào chữa:
Theo Từ điển Tiếng Việt do Viện ngôn ngữ xuất bản năm 2001, thì luận cứ là: “những phán đoán dùng để chứng minh cho luận đề; là những căn cứ (thường là sự thật) của lập luận”.
Bào chữa là việc: “dùng lý lẽ và chứng cứ để bênh vực cho một đương sự nào đó thuộc một vụ án hình sự hay dân sự trước toà án, hoặc cho việc nào đó đang bị lên án”.
Như vậy, có thể nói rằng luận cứ bào chữa là những tiên đề, phán đoán, lập luận có căn cứ pháp lý xuất phát từ sự thật khách quan mà người bào chữa nghiên cứu tập hợp theo một trình tự, logic nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trước toà án trong một vụ án hình sự hoặc dân sự.
2. Vị trí:
Được xem là văn bản đánh dấu một quá trình nghiên cứu, suy nghĩ tìm hiểu sự thật vụ án và áp dụng pháp luật của luật sư đối với vụ án đó.
Đây là một công trình, kết quả nghiên cứu, tìm tòi của luật sư, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hồ sơ, các tình tiết có liên quan. Là văn bản thể hiện quan điểm của luật sư trong việc bảo vệ cho thân chủ.
Những thông tin, tài liệu, chứng cứ làm cơ sở cho việc xác định sự thật của vụ án mà có lợi cho thân chủ có thể không nhiều, nhưng nó lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ cho bị can, bị cáo. Do đó, với vai trò là luật sư bào chữa cho bị cáo, việc nghiên cứu, tìm tòi, phân tích, đánh giá tính hợp pháp, tính có căn cứ tìm ra các luận điểm để đưa ra các những ý kiến, kiến nghị phù hợp với luật định.
Những sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không được phát hiện kịp thời thì có thể sẽ dẫn đến những kết tội oan sai, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của thân chủ.
3. Tầm quan trọng:
– Phản ánh nguyện vọng của thân chủ đối với việc giải quyết vụ án mà luật sư có nhiệm vụ thực hiện.
– Cũng là văn bản giúp luật sư có điều kiện phân tích đánh giá tất cả tình tiết của vụ án nhằm mục đích tốt nhất. Được xem là những cơ sở cần thiết, quan trọng trong bào chữa (nếu không có bài bào chữa, tại phiên toà luật sư có thể quên một số điểm quan trọng cần tập trung nhấn mạnh)
– Bài bào chữa có những luận điểm, luận chứng, chứng cứ xắp xếp theo trật tự logic, từ những tiền đề nêu ra và những luận điểm củng cố cho tiền đề để khẳng định những tình tiết, sự thật khách quan có lợi cho thân chủ.
4. Yêu cầu:
– Luận cứ bào chữa phải có nội dung sâu sắc, phản ánh toàn bộ quan điểm của luật sư, có lý lẽ để thuyết phục Hội đồng xét xử.
– Luận cứ bào chữa không phải là việc xin xỏ Hội đồng xét xử cho bị cáo mà là thuyết phục Hội đồng xét xử có tình có lý đi vào lòng người, trên cơ sở lập luận, chứng cứ xác đáng mà pháp luật cho phép.
– Các tài liệu đề cập trong bản bào chữa phải có căn cứ, tính chính xác, đảm bảo độ tin cậy và có giá trị chứng minh cao, trích dẫn những Điều được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật, luật, Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn… thu thập các tài liệu đó.
– Việc viễn dẫn phải chính xác từng Điểm, Khoản, Điều, ngày tháng năm, cơ quan ban hành, tên đầy đủ của văn bản, nếu các chứng cứ, tình tiết trong hồ sơ thì phải nêu rõ số bút lục, như vậy mới có căn cứ chắc chắn (nói có sách, mách có chứng) chứ không nói chung chung, không viện dẫn chính xác, làm người nghe (người xem) không thấy được tính căn cứ pháp lý và tính tin cậy của việc trích dẫn.
– Các tài liệu do đương sự cung cấp thì phải chú ý đến nguồn gốc tài liệu đó. Phải bằng con đường hợp pháp, phải chứng minh vì sao lại có. Ví dụ: bị can, bị cáo có huân huy chương, bằng sáng chế phát minh, thành tích đặc biệt… Không thể chỉ nghe đương sự nói mà tin ngay, luật sư phải khẳng định rõ là đã được xem rõ tận mắt, đưa ra bằng chứng xác thực (số ký hiệu, ngày tháng năm, cấp có thẩm quyền cấp, người được cấp, được công nhận, nội dung…
– Quan điểm của luật sư trong bài bào chữa phải rõ ràng, không thể nước đôi, không được để Toà hiểu thế nào cũng được, hoặc quá chung chung như đề nghị toà xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, xét xử công minh, cầm cân nảy mực… mà đi thẳng vào vấn đề từng luận điểm một. Cần phải lưu ý rằng chỉ có, những lập luận sắc bén, logic dựa trên những bằng chứng cụ thể phản ánh sự thật khách quan cảu vụ án, có căn cứ pháp lý thì mới có thể thuyết phục được Hội đồng xét xử.
– Luận cứ bào chữa không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác:
Luận cứ bào chữa nhằm đạt mục đích bảo vệ cho thân chủ, nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Không nói trái với sự thật khách quan. Nhưng nếu là quyền lợi bất hợp pháp của người khác thì luật sư vẫn được tiến hành theo đúng mục đích và pháp luật cho phép. Trong vụ án đồng phạm, đổ lỗi cho nhau?
– Hình thức bài bào chữa: Ngắn gọn, rõ ràng, xúc tích, bố cục chặt chẽ theo từng phần có luận cứ, luận chứng, chứng minh tăng tính thuyết phục.
5. Những thuộc tính cơ bản của luận cứ:
– Tính hợp pháp:
Yêu cầu đầu tiên của bất cứ luận cứ bào chữa nào là phải hợp pháp: cả về nội dung lẫn hình thức. Từ cách thức, lý do thu thập các tài liệu, tình tiết có liên quan cho đến nội dung của nó (sự thật khách quan).
– Tính có căn cứ:
+ Căn cứ vào các quy định của pháp luật
+ Căn cứ vào các tài liệu thu thập một cách hợp pháp
+ Các tài liệu, chứng cứ, dẫn chiếu được sử dụng phải rõ ràng, chính xác, tin cậy.
– Tính thuyết phục:
Kỹ năng, kỹ xảo của luật sư, thể hiện ở cách trình bày, bố cục, lựa chọn từng từ ngữ, câu cú sao cho “đắt” nhất. Việc này đòi hỏi luật sư về tư duy logic, phong phú và nhuần nhuyễn về cách sử dụng tiếng Việt.
– Phân chia, giải quyết theo từng luận điểm:
Luận điểm phải có bố cục chặt chẽ, logic, ngắn gọn, súc tích theo từng luận điểm. Các luận điểm phải xắp xếp theo trình tự từng vấn đề mà Viện Kiểm sát buộc tội và Toà án đưa ra xét xử.
Các quan điểm phải ngắn gọn, rõ ràng, không mập mờ, nước đôi, “được chăng hay chớ” không đổ lỗi, tránh tội cho người khác (trong vụ án đồng phạm)
Công ty luật Dragon