Hồ sơ cấp mới giấy phép hoạt động phòng khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 1. Anh Nguyễn Hoàng Ân là giám đốc doanh nghiệp A. Doanh nghiệp A có kế hoạch mở phòng khám bệnh, chữa bệnh tại phường B, thành phố H. Anh Ân muốn hỏi hồ sơ cấp mới giấy phép hoạt động phòng khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
– Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động như sau:
1. Đơn theo Mẫu 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
2. Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
3. Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
4. Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
5. Bản kê khai cơ sở vật chất, danh mục thiết bị y tế, danh sách nhân sự đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động tương ứng với từng hình thức tổ chức theo Mẫu 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và các giấy tờ chứng minh, xác nhận các kê khai đó;
6. Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại cơ sở đó theo Mẫu 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
7. Văn bản do cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bệnh viện của nhà nước hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện tư nhân theo Mẫu 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
8. Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
9. Trường hợp đề nghị cấp lần đầu giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận thì phải có tài liệu chứng minh nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận.
Như vậy, hồ sơ cấp mới giấy phép hoạt động phòng khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các giấy tờ, tài liệu nêu trên.
Thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động của phòng khám đối với trường hợp bổ sung, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 2. Phòng khám đa khoa An Bình muốn bổ sung thêm 03 danh mục kỹ thuật vào danh mục khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám hiện tại đã đăng ký theo quy định. Giám đốc của phòng khám An Bình muốn hỏi về thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động của phòng khám trong trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 66 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với trường hợp bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và nộp phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động.
2. Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho cơ sở đề nghị.
3. Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản gửi cơ sở đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép hoạt động có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, cơ sở đề nghị phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, cơ sở đề nghị không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.
4. Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp giấy phép hoạt động trả cho cơ sở đề nghị phiếu tiếp nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung:
Trường hợp hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng yêu cầu, cơ quan cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản thông báo cho cơ sở đề nghị theo quy định tại khoản 3 nêu trên.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép hoạt động có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, cơ sở đề nghị phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu.
Sau thời hạn trên, cơ sở đề nghị không sửa đổi, bổ sung hoặc sau 12 tháng, kể từ ngày nộp hồ sơ lần đầu mà hồ sơ bổ sung không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.
5. Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc hồ sơ đã được hoàn thiện theo quy định tại khoản 3, 4 nêu trên, cơ quan cấp giấy phép hoạt động:
a) Ban hành văn bản cho phép thay đổi quy mô hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ nếu thuộc trường hợp không phải tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở;
b) Cơ quan cấp giấy phép hoạt động tổ chức thẩm định tại cơ sở đề nghị và lập biên bản thẩm định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ đối với trường hợp phải tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở, biên bản thẩm định phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).
6. Sau khi thẩm định thực tế tại cơ sở, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm:
a) Ban hành văn bản cho phép thay đổi quy mô hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định đối với trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
b) Ban hành văn bản thông báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định đối với trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép hoạt động có văn bản thông báo về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung mà cơ sở đề nghị không hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.
7. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung của cơ sở đề nghị, cơ quan cấp giấy phép hoạt động:
a) Ban hành văn bản cho phép thay đổi quy mô hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật đối với trường hợp không cần kiểm tra thực tế việc sửa đổi, bổ sung của cơ sở đề nghị.
b) Tiến hành kiểm tra thực tế việc sửa đổi, bổ sung của cơ sở đề nghị trong trường hợp phải kiểm tra thực tế:
– Ban hành văn bản cho phép thay đổi quy mô hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật đối với trường hợp cơ sở đề nghị đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung;
– Có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không cho phép thay đổi quy mô hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật nếu cơ sở đề nghị đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung.
8. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cho phép bổ sung danh mục kỹ thuật, cơ quan cấp giấy phép hoạt động công bố, cập nhật trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của mình và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh các thông tin liên quan đến nội dung điều chỉnh.
9. Văn bản cho phép bổ sung danh mục kỹ thuật được lập thành 02 bản: 01 bản cấp cho cơ sở đề nghị và 01 bản lưu tại cơ quan cấp phép hoạt động trừ trường hợp đã trả kết quả trên môi trường điện tử.
10. Đối với trường hợp bổ sung các kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP gửi về Bộ Y tế để đề nghị xem xét khả năng thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ Bộ Y tế kiểm tra đánh giá mức độ, khả năng thực hiện các kỹ thuật loại đặc biệt này của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để xác định phải thực hiện thí điểm hay không hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện thí điểm hay không.
c) Trường hợp cần phải thực hiện thí điểm kỹ thuật loại đặc biệt cần thực hiện theo quy trình quy định tại Điều 97 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.
d) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã kết thúc triển khai thí điểm kỹ thuật loại đặc biệt và đã có báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện thí điểm trong đó đề xuất việc triển khai chính thức kỹ thuật loại đặc biệt, cần phải thực hiện các nội dung sau:
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp 01 bộ hồ sơ trong đó có báo cáo kết quả áp dụng thí điểm kỹ thuật loại đặc biệt theo quy định tại điểm c khoản này và quy trình thực hiện kỹ thuật loại đặc biệt do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất;
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Y tế tổ chức thẩm định kết quả triển khai thí điểm và quy trình kỹ thuật do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định kết quả triển khai thí điểm và quy trình kỹ thuật, Bộ Y tế quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được triển khai áp dụng chính thức kỹ thuật loại đặc biệt. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thủ tục theo quy định từ khoản 1 đến khoản 9 nêu trên để thực hiện bổ sung kỹ thuật loại đặc biệt đã được cho phép triển khai áp dụng chính thức vào phạm vi hoạt động chuyên môn.
đ) Trường hợp không cần phải thực hiện thí điểm kỹ thuật loại đặc biệt cần thực hiện các thủ tục sau:
– Trong thời gian 05 ngày làm việc Bộ Y tế có quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng chính thức kỹ thuật loại đặc biệt mà không cần phải thực hiện thí điểm. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thủ tục theo quy định từ khoản 1 đến khoản 9 nêu trên để thực hiện bổ sung kỹ thuật loại đặc biệt đã được cho phép triển khai áp dụng chính thức vào phạm vi hoạt động chuyên môn.
Như vậy, tùy danh mục kỹ thuật cần bổ sung, phòng khám An Bình tham khảo điều chỉnh giấy phép hoạt động của phòng khám theo thủ tục nêu trên.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa MH thuộc Sở Y tế tỉnh H quản lý có nhận cấp cứu bệnh nhân bị đứt lìa một cách tay, trong quá trình cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ trực đã thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu và điều trị, tuy nhiên, đã xảy ra sự cố y khoa đối với người bệnh dẫn đến tranh chấp. Đại diện theo pháp luật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa MH muốn hỏi trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 2 Điều 50 Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa như sau:
Trình tự giải quyết tranh chấp đối với trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế nhưng không phải là hình thức bệnh viện (bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là hình thức bệnh viện của các bộ, ngành, trừ cơ sở trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an):
– Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì cơ sở có văn bản đề nghị Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp;
– Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a Khoản này thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng;
– Trường hợp các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án.
Như vậy, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định nêu trên.
Cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người đang chấp hành án treo về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
Tình huống 4. Anh Trần Ngọc Mẫn là bác sĩ đang chấp hành án treo về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh QH muốn mời bác sĩ Mẫn về khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám trong thời gian bác sĩ Mẫn đang chấp hành án treo tại địa phương có được không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
2. Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
3. Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
4. Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
6. Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trong thời gian thi hành án treo bác sĩ Mẫn bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên việc mời bác sĩ Mẫn về khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám là vi phạm pháp luật.
Quyền được khám bệnh, chữa bệnh đối với người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề
Tình huống 5. Anh Trần Mạnh Huy đang đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám K. Theo tình hình hiện tại, số lượng bệnh nhân đến khám tại phòng khám rất đông, anh muốn hỏi anh có được phép khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh nhân tại phòng khám K không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;
b) Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
c) Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
d) Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
đ) Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
2. Cá nhân được khám bệnh, chữa bệnh mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:
a) Học viên, sinh viên, học sinh đang học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, người đang trong thời gian chờ cấp giấy phép hành nghề và chỉ được khám bệnh, chữa bệnh dưới sự giám sát của người hành nghề;
b) Nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hoặc nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động và sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
c) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 115 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
d) Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.
3. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
4. Người tham gia cấp cứu tại cộng đồng mà không phải là cấp cứu viên ngoại viện thì không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định viện dẫn như trên thì người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề thì được khám bệnh, chữa bệnh, do đó, nếu anh Huy đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám K để cấp giấy phép hành nghề thì được phép khám bệnh, chữa bệnh.
Điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề đối với chức danh bác sỹ
Tình huống 6. Chị Trần Như Quỳnh là bác sỹ của phòng khám T&T, tuy nhiên, tới tháng 5/2024 thì giấy phép hành nghề của bác sĩ Quỳnh sẽ bị hết hạn. Bác sĩ Quỳnh muốn hỏi giấy phép hành nghề của bác sỹ có được gia hạn hay không? Nếu được thì có cần phải đáp ứng điều kiện gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về gia hạn giấy phép hành nghề như sau:
1. Gia hạn giấy phép hành nghề áp dụng đối với trường hợp giấy phép hành nghề hết hạn.
2. Điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng và lương y bao gồm:
a) Đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định tại Điều 22 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
b) Có đủ sức khỏe để hành nghề;
c) Phải thực hiện thủ tục gia hạn ít nhất 60 ngày trước thời điểm giấy phép hành nghề hết hạn, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
d) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trường hợp giấy phép hành nghề của bác sỹ Quỳnh hết hạn sẽ được gia hạn và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 2 trên.
Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp bị xâm phạm thân thể
Tình huống 7. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh HK tiếp nhận 01 ca cấp cứu do bị máy cưa cắt đứt ngón tay cái. Trong quá trình cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, bác sỹ trực tiếp điều trị đã thực hiện đúng quy trình, chuyên môn kỹ thuật nhưng bị người nhà của bệnh nhân hành hung xâm phạm đến thân thể bác sỹ nên bác sỹ điều trị đã từ chối, không tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Việc bác sỹ từ chối, không tiếp tục điều trị cho bệnh nhân là đúng hay sai?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
1. Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
2. Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
3. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
4. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
5. Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, bác sỹ từ chối, không tiếp tục điều trị cho bệnh nhân là đúng quy định pháp luật.
Quy trình tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 8. Bệnh viện Tân Thịnh vừa tiếp nhận cấp cứu cho 01 bệnh nhân lớn tuổi bị đau tim, đi lại khó khăn không có thân nhân chăm sóc tại bệnh viện Tân Thịnh. Giám đốc bệnh viện Tân Thịnh muốn hỏi, trong trường hợp này, theo quy định pháp luật, bệnh viện Tân Thịnh cần phải xử lý như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 72 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân như sau:
1. Khi tiếp nhận, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh không có thân nhân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
2. Trong thời gian 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
a) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội.
4. Trường hợp người bệnh tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 73 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi hoàn thành thủ tục chuyển người bệnh đến cơ sở trợ giúp xã hội hoặc đến khi người bệnh tử vong.
Trên đây là quy trình tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân, Giám đốc bệnh viện Tân Thịnh tham khảo và thực hiện theo quy trình này đối với bệnh nhân đã tiếp nhận cấp cứu.
Quy định xử lý trường hợp người tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Tình huống 9. Bệnh viện Tâm An vừa tiếp nhận 01 người bị tai nạn giao thông. Các bác sỹ tại bệnh viện, thực hiện đúng quy trình, chuyên môn kỹ thuật và đã tận tình trong việc cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông nhưng do vết thương quá nặng, bệnh nhân đã tử vong tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Bệnh viện Tâm An muốn hỏi về quy định xử lý đối với trường hợp người bị tai nạn tử vong tại phòng cấp cứu của bệnh viện như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 2 Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định xử lý trường hợp tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện như sau:
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp giấy báo tử; tiến hành kiểm thảo tử vong; hoàn thiện, lưu trữ hồ sơ bệnh án của người bệnh tử vong; lấy và lưu trữ mẫu của thi thể để phục vụ việc xác định nhân thân người bệnh đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; thông báo cho thân nhân của người bệnh để tổ chức mai táng;
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở trong vòng 24 giờ kể từ khi người bệnh tử vong đối với trường hợp người bệnh tử vong mà không có người nhận hoặc từ chối tiếp nhận.
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở có trách nhiệm tiếp nhận thi thể và tổ chức mai táng trong thời gian chậm nhất là 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại nêu trên.
Trên đây là quy định về xử lý trường hợp người tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bệnh viện Tâm An nghiên cứu thực hiện theo quy định này.
Quy định về điều kiện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa
Tình huống 10. Phòng khám đa khoa Quốc Thịnh có 50 bác sỹ chuyên khoa dày dặn kinh nghiệm và đều có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Phòng khám có Kế hoạch khám bệnh từ xa cho những người có nhu cầu khám bệnh từ xa. Trong trường hợp muốn khám bệnh từ xa, phòng khám phải đáp ứng điều kiện gì và hồ sơ như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 1, 2 Điều 87 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định khám bệnh, chữa bệnh từ xa như sau:
1. Điều kiện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa:
a) Được thực hiện bởi người hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc một trong các hình thức tổ chức quy định tại Điều 39 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
b) Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung khám bệnh, chữa bệnh từ xa của cơ sở;
c) Có đủ người hành nghề theo phạm vi khám bệnh, chữa bệnh từ xa của cơ sở;
d) Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, phần mềm công nghệ thông tin phù hợp với loại hình dịch vụ cung cấp và bảo đảm việc truyền tải, hiển thị, xử lý, lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật. Bảo đảm thời gian lưu trữ, dự phòng dữ liệu đáp ứng quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa:
a) Văn bản đề nghị thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa trong đó phải nêu rõ thời gian bắt đầu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa;
b) Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở (không áp dụng đối với trường hợp giấy phép hoạt động đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
c) Danh sách đăng ký hành nghề kèm theo số giấy phép hành nghề của cơ sở đối với trường hợp giấy phép hoạt động đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Trường hợp giấy phép hoạt động chưa được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế thì phải nộp bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề của từng người hành nghề tham gia khám bệnh, chữa bệnh từ xa);
d) Danh mục các dịch vụ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa;
đ) Tài liệu minh chứng đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 nêu trên.
Trên đây là điều kiện và hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện khám bệnh từ xa, phòng khám đa khoa Quốc Thịnh tham khảo thực hiện.
Hồ sơ, thủ tục đề nghị thí điểm áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 11. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh DMH được Bộ Y tế cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải thực hiện thí điểm. Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh DMH đề nghị được tư vẫn về hồ sơ, thủ tục đề nghị thí điểm áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 2, 3 Điều 97 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định như sau:
2. Hồ sơ đề nghị thí điểm áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới hồ sơ, thủ tục đề nghị thí điểm áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh:
a) Văn bản đề nghị áp dụng thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới theo Mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.
b) Quy trình kỹ thuật để triển khai áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới.
c) Các giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị y tế và các điều kiện khác để thực hiện kỹ thuật mới, phương pháp mới, bao gồm:
– Danh sách ghi rõ họ, tên và số giấy phép hành nghề đã được cấp của những người hành nghề dự kiến tham gia thực hiện kỹ thuật mới, phương pháp mới;
– Sơ đồ mặt bằng của nơi dự kiến triển khai kỹ thuật mới, phương pháp mới;
– Danh mục thiết bị y tế thực hiện kỹ thuật mới, phương pháp mới;
– Các giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện khác.
d) Bảng dự kiến giá dịch vụ kỹ thuật kèm theo định mức kinh tế – kỹ thuật để tính giá.
3. Thủ tục đề nghị thực hiện thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới:
a) Cơ sở đề nghị thực hiện thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 nêu trên về Bộ Y tế;
b) Sau khi nhận hồ sơ, Bộ Y tế trả cho cơ sở đề nghị thực hiện thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới phiếu tiếp nhận hồ sơ;
c) Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tổ chức thẩm định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở đề nghị thực hiện thí điểm áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới;
d) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có biên bản thẩm định, Bộ Y tế ban hành văn bản cho phép thực hiện thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới, trong đó phải ghi rõ số lượng ca bệnh thực hiện thí điểm. Trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
đ) Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản gửi cơ sở đề nghị thực hiện thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung;
e) Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả cho cơ sở đề nghị áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung và thực hiện lại quy trình theo quy định tại các điểm c, d nêu trên;
g) Trường hợp hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng yêu cầu, Bộ Y tế có văn bản thông báo cho cơ sở đề nghị áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo quy định tại điểm đ nêu trên;
h) Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, cơ sở đề nghị áp dụng kỹ thuật phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, cơ sở đề nghị thực hiện thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới không sửa đổi, bổ sung hoặc sau 12 tháng, kể từ ngày nộp hồ sơ lần đầu mà hồ sơ bổ sung không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.
Trên đây là thành phần hồ sơ và thủ tục đề nghị thí điểm áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh DMH chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục theo quy định này.
Quy định về sử dụng ngôn ngữ đối với người đồng bào dân tộc thiểu số trong khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 12. Từ ngày phòng khám bệnh, chữa bệnh Gia Hào hoạt động đến nay đã tiếp nhận khám bệnh cho một số người dân tộc thiểu số, trong đó, có một số người không nói được tiếng Việt nên trong quá trình khám bệnh bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ phòng khám muốn biết quy định của pháp luật về sử dụng ngôn ngữ đối với người đồng bào dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 36 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định sử dụng ngôn ngữ đối với người nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam như sau:
1. Người nước ngoài tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh và yêu cầu về ngôn ngữ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí người hành nghề hoặc người phiên dịch có khả năng sử dụng ngôn ngữ mà người bệnh đó sử dụng.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể bố trí được thì người bệnh phải tự bố trí người phiên dịch và tự chịu trách nhiệm về nội dung phiên dịch.
2. Đối với người nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu nhưng vẫn có thể tự giao tiếp và không có người đại diện:
a) Trường hợp tại thời điểm cấp cứu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có người hành nghề sử dụng ngôn ngữ của người bệnh hoặc không có người phiên dịch mà chỉ có nhân viên có khả năng sử dụng ngôn ngữ của người bệnh thì được sử dụng nhân viên đó để hỗ trợ việc khám bệnh, chữa bệnh. Nhân viên thực hiện việc phiên dịch không phải chịu trách nhiệm về kết quả phiên dịch;
b) Trường hợp tại thời điểm cấp cứu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có người hành nghề, không có người phiên dịch hoặc không có nhân viên có khả năng sử dụng ngôn ngữ mà người bệnh sử dụng được thì việc khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
3. Đối với người nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng sử dụng tiếng Việt, người khuyết tật về ngôn ngữ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu không thể tự giao tiếp và không có người đại diện thì việc khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, việc sử dụng ngôn ngữ đối với người đồng bào dân tộc thiểu số trong khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định nêu trên.
Quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt hoạt phòng khám răng hàm mặt
Tình huống 13. Anh Nguyễn Trường là bác sĩ đã được cấp giấy phép hành nghề. Hiện nay, anh đang có nhà ở mặt tiền tại phường TD, thị xã HT, anh dự định mở phòng khám răng hàm mặt tại nhà. A muốn biết để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt hoạt của phòng khám cần phải đáp ứng những điều kiện nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 47 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám răng hàm mặt như sau:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, phòng khám răng hàm mặt phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
1. Cơ sở vật chất:
a) Phòng khám phải có nơi đón tiếp người bệnh, phòng khám bệnh có diện tích tối thiểu 10 m2;
b) Bố trí tối thiểu 01 ghế răng, diện tích cho mỗi ghế răng tối thiểu 05 m2;
c) Trường hợp thực hiện kỹ thuật cấy ghép răng (implant) thì phải có phòng riêng dành cho việc thực hiện kỹ thuật cấy ghép răng (implant) với diện tích tối thiểu 10 m2.
2. Nhân sự:
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề thuộc một trong các chức danh chuyên môn sau đây:
a) Bác sỹ với phạm vi hành nghề răng hàm mặt;
b) Bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa răng hàm mặt.
3. Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám.
Như vậy, để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt hoạt phòng khám răng hàm mặt thì phòng khám phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện được nêu ở trên, bác sĩ Trường tham khảo để mở phòng khám tại nhà.
Quy định về thu chi phí khám bệnh, chữa bệnh do sử dụng tài sản được tài trợ trong khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 14. Phòng khám phụ sản của bác sĩ Tuấn vừa được 01 tổ chức nước ngoài tài trợ 01 máy siêu âm thế hệ mới. Bác sĩ Tuấn muốn hỏi trong quá trình sử dụng máy siêu âm này để khám bệnh cho bệnh nhân thì phòng khám có được thu tiền của bệnh nhân hay không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 118 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài như sau:
1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp nhận viện trợ bằng tiền, hỗ trợ kỹ thuật và hiện vật từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp nhận các khoản tài trợ, cho biếu, tặng bằng tiền, tài sản, phương tiện và hiện vật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
3. Cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch từ tổ chức cá nhân trong nước, ngoài nước không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng. Sau khi công bố hết dịch thì xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
4. Tài sản, phương tiện và hiện vật (sau đây gọi chung là tài sản) được tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân được sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng các tài sản này được thu của người bệnh hoặc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng, dịch vụ y tế cung cấp từ các tài sản này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong quá trình sử dụng.
Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên thì phòng khám được thu tiền của người bệnh hoặc quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng máy siêu âm từ nhà tài trợ để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định về hồ sơ cấp giấy phép hành nghề do bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi
Tình huống 15. Anh Cao Minh Hoàng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng qua kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định pháp luật nên đã thu hồi giấy phép hành nghề của anh Hoàng. Anh Hoàng được biết mình thuộc đối tượng được cấp lại giấy phép hành nghề. Qua tìm hiểu anh muốn hỏi về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời gian 24 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi bao gồm những giấy tờ gì?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 3 Điều 132 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 137 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP do hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định (điểm a khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh) như sau:
a) Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ quyết định thu hồi giấy phép hành nghề (không áp dụng đối với trường hợp quyết định thu hồi giấy phép hành nghề đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
c) 02 ảnh chân dung cỡ 04 cm x 06 cm, chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề (không áp dụng đối với trường hợp người nộp hồ sơ đã đăng tải ảnh khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).
Như vậy, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 24 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi bao gồm những giấy tờ như trên.
Quy định về thời gian lưu trữ chất thải y tế tại cơ sở y tế
Tình huống 16. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ATS mới đi vào hoạt động tại thành phố H, việc bố trí cơ sở vật chất để lưu trữ chất thải y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo theo quy định. Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muốn biết thời gian lưu trữ chất thải y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật là bao lâu?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 3, 4 Điều 8 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế quy định về lưu giữ chất thải y tế như sau:
3. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm:
a) Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa không quá 07 ngày;
b) Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc xử lý tập trung, phải xử lý ngay trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày;
c) Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín.
4. Thời gian lưu giữ chất thải nguy hại không lây nhiễm: thời gian lưu giữ không quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh chất thải. Trường hợp lưu giữ quá 01 năm do chưa có phương án vận chuyển, xử lý hoặc chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì cơ sở y tế phải báo cáo bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế hằng năm của đơn vị cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 20/2021/TT-BYT và cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thời gian lưu trữ chất thải y tế được quy định cụ thể theo quy định như trên, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ATS tham khảo.
Quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân bị nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A
Tình huống 17. Bệnh viện đa khoa Thái Hà tiếp nhận bệnh nhân do bị nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A với số lượng lớn vượt quá số lượng giường bệnh tại bệnh viện hiện có. Kế toán trưởng của Bệnh viện Thái Hà muốn biết quy định của pháp luật đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện trong trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 6 Điều 110 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp do số lượng người bệnh nhập viện vượt quá quy mô giường bệnh, không đủ nhân lực thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả hoạt động thống kê chi phí, dịch vụ kỹ thuật khi người bệnh sử dụng):
a) Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa đủ điều kiện để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật thì được ký hợp đồng dịch vụ y tế với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên địa bàn có đủ điều kiện thực hiện theo quy định chuyên môn, được ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện dịch vụ;
b) Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong quá trình điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A theo phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến; người bệnh truyền nhiễm nhóm A có tham gia bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
c) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị mà người bệnh phải trả theo quy định do một trong các nguyên nhân bất khả kháng quy định tại khoản 7 Điều 110 thì được ngân sách nhà nước chi trả theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Như vậy, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân bị nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A tại bệnh viện do vượt quá quy mô giường bệnh tại bệnh viện được thực hiện theo quy định viện dẫn như trên.
Quy định các trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Tình huống 18. Bệnh viện H vừa tiếp nhận thăm khám cho một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ngoại tỉnh, không có thân nhân đang có biểu hiện trầm cảm, có hành vi muốn tự sát. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân muốn hỏi trường hợp của bệnh nhân này có thuộc trường hợp áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc không?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 1, 2 Điều 91 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau:
1. Các trường hợp bắt buộc chữa bệnh theo quy định Nghị định này bao gồm người mắc:
a) Bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (sau đây viết tắt là người bệnh truyền nhiễm nhóm A);
b) Bệnh trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát; người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản (sau đây viết tắt là người bệnh tâm thần).
2. Việc bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng vi phạm pháp luật hoặc nghi ngờ vi phạm pháp luật về hình sự mà mắc bệnh tâm thần quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án.
Như vậy, đối chiếu với quy địn viện dẫn như trên, trường hợp bệnh nhân bị bệnh trầm cảm, có hành vi tự sát thì thuộc đối tượng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Hồ sơ, thủ tục cho phép người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh
Tình huống 19. Theo thỏa thuận hợp tác, bệnh viện DMK sẽ được bệnh viện nước ngoài chuyển giao một số kỹ thuật chuyên môn và khám bệnh, chữa bệnh. Theo dự kiến, 02 tháng nữa bệnh viện nước ngoài sẽ cử 01 chuyên gia đến bệnh viện DMK để chuyển giao kỹ thuật. Giám đốc bệnh viện DMK muốn biết về hồ sơ, thủ tục cho phép người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Khoản 2, 3, 4 Điều 86 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định hồ sơ, thủ tục cho phép người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh như sau:
2. Hồ sơ đề nghị cho người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh:
a) Văn bản đề nghị cho phép người nước ngoài vào Việt Nam khám bệnh, chữa bệnh theo đợt của cơ quan, tổ chức Việt Nam nơi tiếp nhận;
b) Danh sách người nước ngoài trực tiếp thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh dự kiến vào Việt Nam có đóng dấu của cơ quan, tổ chức Việt Nam nơi tiếp nhận, trong đó phải có đủ các thông tin sau đây: họ và tên; số hộ chiếu; chức danh chuyên môn; công việc dự kiến thực hiện tại Việt Nam và cam kết về việc chịu trách nhiệm về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài kèm theo bản sao hợp lệ của cơ quan, tổ chức Việt Nam nơi tiếp nhận đối với giấy phép hành nghề của từng người nước ngoài;
c) Danh sách người thực hiện nhiệm vụ phiên dịch cho người nước ngoài vào Việt Nam khám bệnh, chữa bệnh theo đợt có xác nhận của cơ quan, tổ chức Việt Nam nơi tiếp nhận, trong đó phải có đủ các thông tin sau đây: họ và tên; số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân; văn bằng chuyên môn và cam kết về việc chịu trách nhiệm về chất lượng phiên dịch kèm theo bản sao hợp lệ của cơ quan, tổ chức Việt Nam nơi tiếp nhận đối với văn bằng chuyên môn của từng người phiên dịch;
d) Bảng kê thiết bị y tế có xác nhận của cơ quan, tổ chức Việt Nam nơi tiếp nhận (nếu có), trong đó phải có đủ các thông tin sau đây: tên thiết bị, xuất xứ và cam kết thiết bị đang trong tình trạng hoạt động tốt.
Trường hợp có kết hợp sử dụng thiết bị y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nước thì phải gửi kèm theo thỏa thuận cung cấp thiết bị y tế của cơ quan, tổ chức nơi dự kiến thực hiện khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam khám bệnh, chữa bệnh theo đợt dự kiến cho, tặng cơ quan, tổ chức của Việt Nam thiết bị y tế đã sử dụng sau khi hoàn thành việc khám bệnh, chữa bệnh theo đợt thì cơ quan, tổ chức của Việt Nam nơi dự kiến tiếp nhận thiết bị y tế phải thực hiện thủ tục tiếp nhận theo quy định của Chính phủ;
đ) Bảng kê thuốc (nếu có), trong đó phải có đủ các thông tin sau đây: tên thuốc, hoạt chất, hạn sử dụng, số lưu hành và cam kết thuốc đang được lưu hành hợp pháp tại tối thiểu một quốc gia trên thế giới;
e) Văn bản thỏa thuận giữa cơ quan, tổ chức của Việt Nam với người nước ngoài hoặc cơ quan, tổ chức nước ngoài về việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo đợt tại Việt Nam.
3. Hồ sơ đề nghị cho phép người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh gửi về:
a) Bộ Y tế đối với trường hợp người nước ngoài vào làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bộ khác, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
b) Bộ Quốc phòng đối với trường hợp người nước ngoài vào làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Bộ Công an đối với trường hợp người nước ngoài vào làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Công an;
d) Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp người nước ngoài vào làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tại địa bàn quản lý.
4. Thủ tục cho phép người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh:
Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều nêu trên có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc đồng ý cho phép người nước ngoài vào khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Trường hợp không đồng ý thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Như vậy, hồ sơ, thủ tục cho phép người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định viện dẫn như trên.
Quy định điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, thiết bị y tế và thuốc đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo
Tình huống 20. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Quốc Dũng xây dựng Kế hoạch khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại huyện miền núi H vào cuối năm 2024. Trưởng phòng Hành chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Quốc Dũng muốn biết việc khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cần phải đáp ứng điều kiện gì về cơ sở vật chất, nhân sự, thiết bị y tế và thuốc?
Trả lời: (Có tính chất tham khảo)
Điều 82 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định điều kiện tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám sức khỏe) như sau:
1. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt phải được thực hiện bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
2. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo của cá nhân phải được thực hiện bởi người hành nghề đã được cấp giấy phép hành nghề có phạm vi hành nghề phù hợp với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
3. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động phải được thực hiện bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động.
4. Điều kiện về cơ sở vật chất đối với trường hợp thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc lưu động, khám sức khỏe tại địa điểm không phải là địa điểm được ghi trong giấy phép hoạt động thì địa điểm này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có nơi tiếp đón, khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng các điều kiện:
– Kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm đủ điện, nước và các điều kiện khác phục vụ việc khám bệnh, chữa bệnh.
b) Có đủ người hành nghề, thiết bị y tế và các điều kiện khác phù hợp với quy mô và phạm vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
5. Điều kiện về nhân sự đối với trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc lưu động, khám sức khỏe theo hình thức đoàn khám bệnh, chữa bệnh:
a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn của đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, lưu động phải có giấy phép hành nghề còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hành nghề phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn mà đoàn đã đăng ký và đã có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tối thiểu 36 tháng tính đến thời điểm đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo;
b) Các thành viên khác trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi hành nghề được phân công;
c) Trường hợp có thực hiện cấp phát thuốc thì người cấp phát thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá hoặc người có giấy phép hành nghề với chức danh bác sỹ;
d) Trường hợp người khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là người nước ngoài thì phải có người phiên dịch, trừ trường hợp biết tiếng Việt thành thạo.
6. Điều kiện về nhân sự đối với trường hợp một người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo hình thức một cá nhân hành nghề độc lập phải đáp ứng quy định tại khoản 2 nêu trên. Người hành nghề thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo được kê đơn nhưng không được cấp phát thuốc.
7. Điều kiện về thiết bị y tế và thuốc:
a) Có đủ thiết bị y tế, hộp cấp cứu phản vệ, thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh;
b) Thiết bị y tế phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuốc sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và còn thời hạn sử dụng. Trường hợp thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam thì phải có văn bản cam kết thuốc đã được lưu hành hợp pháp ở nước ngoài (chỉ áp dụng đối với đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo của nước ngoài).
Như vậy, việc khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cần phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, thiết bị y tế và thuốc theo quy định tại 4, 5, 6, 7 nêu trên.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai