Theo số thống kê của Vụ bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp và từ thực tiễn hoạt động của giới luật sư ở nước ta hiện nay thì thấy có tới 70-80% số vụ việc luật sư bào chữa được mời là tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự.
Hoạt động này của luật sư bào chữa là một kênh rất quan trọng để nâng cao vị trí cũng như củng cố hình ảnh của luật sư trong xã hội. Phải nói rằng, kể từ khi có các quy định của pháp luật về điều kiện cần và đủ để trở thành luật sư trong Luật Luật sư năm 2001 và các văn bản liên quan khác (thí dụ: phải có bằng cử nhân luật hay trình độ tương đương; qua đào tạo tại Học viện Tư pháp; đỗ trong kỳ thi quốc gia sau một thời gian bắt buộc tập sự hành nghề luật sư tại một tổ chức hành nghề luật sư thì hiệu quả hoạt động của luật sư nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng được nâng cao hơn). Tuy nhiên, khách quan mà nói thì hiện nay các luật sư Việt Nam đặc biệt là các luật sư trẻ vẫn còn thiếu kiến thức về lý luận chứng cứ và yếu về kỹ năng thu thập, sử dụng chứng cứ trong chứng minh tội phạm. Điểm mặt các luạt sư thành công trong tranh tụng hình sự ở nước ta hiện nay thì thấy hầu hết trong số họ đều là những người đã qua các lớp học bồi dưỡng nâng cao kiến thức về lý luận chứng cứ trong vụ án hình sự của chương trình đào tạo thạc sĩ hay tiến sĩ luật. Trước đây Vụ Bổ trợ tư pháp cũng như hiện nay Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã giành một số tiền không nhỏ trong số tiền tài trợ của các tổ chức quốc tế để mở các khóa bồi dưỡng và các hội thảo khoa học về chứng cứ trong các vụ án hình sự. Trong bài viết này, tác giả muốn trao đổi với các đồng nghiệp về một vài nội dung nhỏ trong vấn đề lớn nêu trên.
Trong các cơ sở đào tạo cũng như các bậc học luật ở nước ta, lý luận về chứng cứ được coi là một nội dung của luật tố tụng hình sự; các kiến thức về khoa học điều tra và kỹ năng điều tra được đề cập trong giáo trình điều tra hình sự. Tôi đã tiếp cận với một số giáo trình như vậy thì thấy nội dung trong đó không khác mấy so với giáo trình luật tố tụng hình sự. Ở nước ta, lý luận về chứng cứ được dựa trên cơ sở và thành tựu của khoa học về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa và xa hơn nữa nó dựa trên phép biện chứng duy vật Mác – xít và quan hệ rất mật thiết với một số ngành khoa học khác như tội phạm học, logic học, giám định tư pháp, tâm thần tư pháp học… Lý luận khoa học về chứng cứ còn mang tính giai cấp (thí dụ, trong chế độ phong kiến tư sản, nhà làm luật cho rằng kết luận giám định là khoa học và khách quan nhất và vật chứng có giá trị chứng minh cao hơn nhân chứng hay lời khai của người thuộc giai tầng xã hội cao thì có giá trị pháp lý cao hơn…). Đã có một số quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ thừa nhận thuyết chứng cứ hình thức (thí dụ, trong luật pháp của Hoa Kỳ có quy định lời khai của nhân chứng chỉ được coi là có giá trị pháp lý khi người đó đã thề trước chúa và tuyên thệ trước tòa án). Một công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chỉ có thể bị truy cứu về tội phản bội tổ quốc khi có ít nhất hai người đàn ông là công dân Hoa Kỳ khai báo về điều này; hay một người chỉ có thể bị truy cứu về tội phạm liên quan tới ma túy khi cơ quan có thẩm quyền tìm thấy ma túy trong người, trong nhà, tại nơi làm việc. Muốn buộc tội một người phạm tội giết người bắt buộc phải chứng minh cái chết của nạn nhân là do hung khí mà kẻ thủ ác đã sử dụng gây ra (phải tìm được thi thể và hung khí gây án). Các quy định trên đây mới nhìn vào tưởng như chặt chẽ nhưng thực tế lại không phải như vậy và phản khoa học. Đả phá các trường phái phi khoa học về chứng cứ trên đây các nhà làm luật của Việt Nam đã kế thừa những tiến bộ khoa học về chứng cứ của một số quốc gia phát triển (thí dụ, ở Thụy Điển có nguyên tắc “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”). Luật của Việt Nam quy định những căn cứ cần và đủ để bắt giam một người (nếu cần bắt thì mới bắt, không cần thiết thì kiên quyết không bắt, hay như khoản 2 Điều 72 BLTTHS 2003 quy địnhh: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội”. Quy định trên đây thể hiện một học thuyết rất tiến bộ trong tố tụng hình sự ở nước ta, đó là: Để buộc tội một con người, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải có nhiều chứng cứ; ngược lại, để khẳng định một người không phạm tội có thể chỉ cần một chứng cứ. Thấm nhuần quan điểm này, luật sư sẽ có nhiều thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng (thí dụ, chỉ cần có được một chứng cứ có thể bác bỏ toàn bộ quan điểm buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng (thí dụ, có sự ngoại phạm của bị can, bị cáo như một tấm hộ chiếu hay một giấy xác nhận của cơ quan xuất nhập cảnh chứng nhận tại thời điểm tội phạm xảy ra người này đang ở nước ngoài. Giấy khai sinh chứng minh nghi can chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự… Người bào chữa chỉ cần thu thập và sau đó sử dụng một lượng không nhiều chứng cứ nhưng vẫn có thể bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội. Tham gia trong tố tụng hình sự cho dù với bất kỳ vai trò gì luật sư cũng phải đánh giá tính có căn cứ và pháp lý của tài liệu điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Luật sư sẽ không thực hiện tốt nhiệm vụ và làm hài lòng khách hàng khi không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về một số khoa học cơ bản như luật hình sự, luật tố tụng hình sự, tâm lý tội phạm…
Tội phạm là một hiện tượng xã hội tồn tại ở tất cả các lĩnh vực của đời sống và vận động, thay đổi theo thời gian. Để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác, nhà làm luật đã xây dựng cấu thành cơ bản của tội phạm; tương tự, để phân biệt giữa các tội phạm với nhau, nhà làm luật đã xây dựng các cấu thành tội phạm cụ thể trong đó có các dấu hiệu bắt buộc (thí dụ, cũng là làm thất thoát tài sản của Nhà nước nếu không có sự chiếm đoạt thì hành vi gây ra chỉ là cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và người gây ra hậu quả phải là người có chức vụ quyền hạn).
Trong tố tụng hình sự có nhiều vấn đề là đối tượng phải chứng minh. Tuỳ theo chức năng trong tố tụng hình sự mà phạm vi chứng minh là khác nhau, thí dụ, viện kiểm sát phải chứng minh tất cả các vấn đề thuộc về cấu thành tội phạm trong khi để bào chữa cho bị can, bị cáo hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì luật sư chỉ cần phản bác một trong nhiều quan điểm của viện kiểm sát hoặc bên đối lập mà thôi (thí dụ, trong vụ án bác sĩ gây ra cái chết cho khách hàng rồi phi tang thi thể nạn nhân xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường thành phố Hà Nội, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại đề nghị cơ quan điều tra và viện kiểm sát, toà án chuyển tội danh của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường từ tội “Vi phạm các quy định về pha chế và sử dụng thuốc chữa bệnh” sang tội “Giết người” hay ít ra cũng là tội “Vô ý làm chết người” hay “Cố tình không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng” với lập luận người bị hại là khách hàng của Thẩm mỹ viện chứ không phải là bệnh nhân của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (vì người ngày không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ và Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động khi không có giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp). Ngoài ra, các luật sư cũng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng buộc Nguyễn Mạnh Tường bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo các quy định của Bộ luật dân sự vì Thẩm mỹ viện Cát Tường đã cố tình không thực hiện theo nghĩa vụ trong hợp đồng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực đã được thoả thuận./.
(Phó Chủ tịch LĐLSVN)
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai