Luật sư tư vấn kỹ năng giải quyết vụ án hình sự

209

Để giải quyết một vụ án hình sự thì tùy từng giai đoạn tố tụng, cán bộ Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng ở các Tòa án đều phải thực hiện nhiều công việc như: nhận và thụ lý hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, các công việc cần làm trong thời hạn chuẩn bị, chuẩn bị các công việc để mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, các công việc cần làm sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm… Ở mỗi giai đoạn tố tụng đều có những quy định, đặc điểm và tầm quan trọng riêng. Cụ thể như trong giai đoạn nhận và thụ lý hồ sơ vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bởi lẽ quá trình nhận và thụ lý vụ án hình sự được đầy đủ, chính xác, đảm bảo tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định sẽ là tiền đề để thực hiện tốt các hoạt động tố tụng ở giai đoạn tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bên cạnh đó, một yếu tố tác động không nhỏ vào kết quả xét xử được chính xác, thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật đó là việc nghiên cứu hồ sơ của Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa và các vị Hội thẩm nhân dân. Bởi vì chỉ thông qua việc nghiên cứu hồ sơ mới biết được hồ sơ vụ án đã đầy đủ các tài liệu hay chưa, nếu phạm tội thì phạm tội gì được quy định trong Bộ luật hình sự, bản án hoặc quyết định của Tòa án các cấp có đúng pháp luật hay không, trên cơ sở nghiên cứu mới có căn cứ để có quyết định đưa vụ án ra xét xử hay không, trả lời đơn khiếu nại, tố cáo để hướng dẫn Tòa án cấp dưới áp dụng pháp luật, để kháng nghị hoặc trình Ủy ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán về kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm…

  1. THỤ LÝ VỤ ÁN HÌNH SỰ
  2. Nhận hồ sơ vụ án
VBQPPL:

– BLTTHS (khoản 1 và 3 Điều 166)

– Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP (tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I)

– Khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án, Thư ký cần kiểm tra số bút lục có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu bản kê tài liệu so với các tài liệu có trong hồ sơ xem đã đầy đủ hay chưa. Nếu chưa đầy đủ thì không nhận hồ sơ vụ án.

– Kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 166 của BLTTHS hay chưa. Nếu bản cáo trạng chưa được giao cho bị can thì không nhận hồ sơ vụ án.

– Trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đầy đủ so với bản kê tài liệu và bản cáo trạng đã được giao cho bị can thì căn cứ vào hướng dẫn tại điểm A tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP quy định:

“1.1. Nhận hồ sơ vụ án và thụ lý vụ án.

Khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê tài liệu và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem đã đầy đủ hay chưa; kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 166 BLTTHS hay chưa và xử lý như sau:

  1. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ so với bản kê tài liệu hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can, thì không nhận hồ sơ vụ án vì chưa đúng quy định của BLTTHS”.

Theo đó, Thư ký tiến hành nhận hồ sơ vụ án, lập biên bản giao nhận hồ sơ vụ án và lưu vào hồ sơ. Biên bản giao nhận hồ sơ vụ án cần có các nội dung chính sau: Thời gian giao nhận hồ sơ, địa điểm giao nhận, những người tiến hành giao nhận, thực hiện việc tiến hành giao nhận hồ sơ vụ án: tên bị can – loại hồ sơ vụ án (nếu có đồng phạm thì ghi thêm “và đồng phạm” sau tên của bị can đầu vụ), số bút lục có trong hồ sơ, lý do giao nhận hồ sơ, ngày giờ kết thúc việc giao nhận…

Lưu ý, khi kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ, Thư ký cần chú ý trong bản kê tài liệu thể hiện có các bản tài liệu gốc hay chỉ là các bản sao tài liệu để khi lập biên bản giao nhận hồ sơ vụ án cần ghi chú bản gốc cho chính xác.

Ví dụ: Trong hồ sơ vụ án tai nạn giao thông thường có bản chính giấy phép lái xe của bị can hoặc có khi chỉ là bản sao chụp giấy phép lái xe, thư ký cần lưu ý kiểm tra nếu là bản chính thì phải ghi rõ trong biên bản giao nhận hồ sơ vụ án là bản chính giấy phép lái xe của bị can.

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án hình sự từ Viện kiểm sát chuyển sang, thì bộ phận nhận hồ sơ và thụ lý vụ án cấp huyện và cấp tỉnh là thư ký thường trực Tòa hình sự, cần kiểm tra danh mục tài liệu có trong hồ sơ, đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ, xem có đầy đủ các bút lục như đã được liệt kê hay không. Các lệnh tạm giam có còn hay đã hết thời hạn tạm giam, các thủ tục tố tụng như biên bản giao nhận Kết luận điều tra, biên bản giao nhận Cáo trạng đã có hay chưa? Có biên bản giao nhận vật chứng hay không?

  1. Thụ lý vụ án hình sự
VBQPPL:

–     BLTTHS (khoản 1 Điều 38)

–     Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP (tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I)

Tại điểm B tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP quy định:

“ 1.1. Nhận hồ sơ vụ án và thụ lý vụ án.

Khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê tài liệu và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem đã đầy đủ hay chưa; kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 166 BLTTHS hay chưa và xử lý như sau:

  1. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ so với bản kê tài liệu và bản cáo trạng đã được giao cho bị can, thì nhận và vào ngay sổ thụ lý hồ sơ vụ án. Sau khi hồ sơ vụ án đã được thụ lý, Chánh án Tòa án phân công ngay Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa”.

– Theo đó, ngay sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thư ký phải ghi vào sổ thụ lý hồ sơ gồm số thụ lý, ngày, tháng, năm thụ lý… theo mẫu sổ thụ lý hồ sơ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Tiến hành lập bìa hồ sơ theo mẫu quy định sau đó chuyển hồ sơ cho Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy quyền phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.

Nếu các thủ tục này đã được thực hiện đầy đủ thì vào sổ thụ lý, ghi đầy đủ số thụ lý, ngày thụ lý, tên các bị cáo, số ký hiệu, ngày của Cáo trạng truy tố. Sau khi đã thụ lý hồ sơ thì báo cáo chuyển hồ sơ cho Chánh án hoặc Phó chánh án được Chánh án ủy quyền để phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa[1].

  1. Giải quyết những tình huống phát sinh khi thụ lý hồ sơ vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 166 BLTTHS thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ban hành Cáo trạng, Viện kiểm sát phải thông báo và giao cho bị can, người bào chữa bản Cáo trạng truy tố bị can ra trước Tòa án… do vậy, khi hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển sang, nếu chưa có biên bản giao nhận Cáo trạng thì không nhận hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp khi hồ sơ vụ án chuyển sang cho Tòa án nhưng chưa có biên bản giao nhận Cáo trạng, biên bản giao nhận vật chứng. Trong trường hợp này, Tòa án vẫn nhận hồ sơ vụ án nhưng chưa vào sổ thụ lý mà chỉ vào sổ để theo dõi và cần thông báo cho Viện kiểm sát biết trong thời hạn bao nhiêu ngày thì Viện kiểm sát phải hoàn thành việc giao bản Cáo trạng cho bị can, nếu hết thời hạn đã định mà Viện kiểm sát vẫn chưa chuyển biên bản giao nhận Cáo trạng thì trả lại hồ sơ[2]. Nếu khi chuyển hồ sơ sang Tòa án mà lệnh tạm giam của Viện kiểm sát đã hết và biên bản giao nhận Cáo trạng chưa có thì kiên quyết không nhận mà yêu cầu Viện kiểm sát phải ra lệnh tạm giam tiếp theo.

Đối với việc giao nhận vật chứng hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, tại điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS cũng chỉ quy định “… Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan Thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án”.

Tuy nhiên, thực tế khi hồ sơ vụ án hình sự được chuyển sang Tòa án thì thường chưa có biên bản giao, nhận vật chứng. Bởi lẽ, tại điểm a mục 3 Thông tư số 06/2003/TT-BCA ngày 12/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn là: “Sau khi vụ án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án đang được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan Công an phải được chuyển sang kho vật chứng của cơ quan Thi hành án…”. Do vậy, chỉ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án thì cơ quan Công an mới chuyển vật chứng của vụ án sang cơ quan Thi hành án theo như quy định của BLTTHS. Hướng dẫn như vậy là không hợp lý vì Thông tư 06/2003/TT-BCA chỉ có giá trị trong ngành Công an chứ không thể buộc Viện kiểm sát và Tòa án phải tuân thủ theo, song hiện cũng chưa có hướng dẫn nào khác. Đây là tình trạng chung của Tòa án các tỉnh trong cả nước về vấn đề giao nhận vật chứng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay mà chưa có cách giải quyết thống nhất. Ví dụ như tại tỉnh Bắc Ninh đã có sự thống nhất tạm thời giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tỉnh Bắc Ninh là: khi có quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử thì Viện kiểm sát sẽ có Công văn yêu cầu cơ quan Điều tra chuyển vật chứng sang cơ quan Thi hành án và sẽ giao lại cho Tòa án biên bản giao, nhận vật chứng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp xử lý tạm thời, về nguyên tắc phải kiên quyết yêu cầu Viện kiểm sát khi chuyển hồ sơ phải có đầy đủ cả biên bản giao, nhận vật chứng. Vì thực tế quá trình nghiên cứu hồ sơ có những trường hợp phải xem xét cả vật chứng mà không có biên bản giao, nhận thì không thể xem xét được, không bảo đảm quy định khi phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Bởi lẽ, nếu đợi có quyết định đưa vụ án ra xét xử mới chuyển biên bản giao, nhận vật chứng, thì lại phải khai mạc phiên tòa rồi làm thủ tục hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, như vậy rất mất thời gian và không đúng trình tự tố tụng.

Nếu khi nhận hồ sơ vụ án mà trong hồ sơ thiếu một hoặc nhiều bút lục hoặc bút lục đánh số nhảy cóc mà trong bản thống kê tài liệu lưu trong hồ sơ vụ án không thể hiện điều này, thì cần phải thông báo cho Viện kiểm sát biết để Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan Điều tra làm công văn giải trình về việc thiếu bút lục hoặc bút lục đánh nhảy cóc.

  1. KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ
  2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

1.1. Mục đích, yêu cầu, nội dung nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

– Mục đích: Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự nhằm giúp cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nắm vững được nội dung vụ án, để từ đó có hướng giải quyết vụ án hình sự một cách đúng đắn và chính xác nhất, trong đó người Thẩm phán phải xác định được:

+ Vụ án đã đủ điều kiện để đưa ra xét xử hay chưa;

+ Có đúng thẩm quyền xét xử không;

+ Có cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;

+ Có căn cứ để áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không;

+ Có căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án hay không?

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự cũng là cơ sở để Thẩm phán lên kế hoạch xét hỏi một cách chủ động nhất, chủ động giải quyết các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, định hình được nội dung của bản án cũng như làm các công việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.

– Yêu cầu: Trong hoạt động tố tụng hình sự thì các tình tiết trong vụ án luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để nắm được nội dung vụ án một cách chắc chắn cũng như chủ động trong quá trình xét xử đòi hỏi người Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có hệ thống và khoa học nhất toàn bộ các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra đã có trong hồ sơ. Trước hết, Thẩm phán cần nghiên cứu từng tài liệu riêng lẻ kết hợp so sánh chúng với các tài liệu, chứng cứ khác để tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Từ đó, tổng hợp lại để phát hiện sự hợp lý hoặc những điểm mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ nhằm đánh giá sự tin cậy của các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập. Đây chính là cơ sở để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể ra một trong các quyết định được quy định tại Điều 176 BLTTHS như: đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

– Nội dung nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự: Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự phải làm sáng tỏ những vấn đề sau:

+ Vụ án có thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp mình xét xử hay không?

+ Các thủ tục trong điều tra, truy tố đã đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật hay không?

+ Có cần thiết áp dụng, thay đổi, hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo (các bị cáo) hay không?

+ Hành vi của bị cáo (các bị cáo) có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm không; tội danh và điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp không?

+ Có cần xử lý vật chứng hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm việc bồi thường thiệt hại trước khi xét xử không?

+ Có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không?

1.2. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Có nhiều phương pháp để nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn của từng Thẩm phán. Thông thường hiện có hai phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự phổ biến nhất đó là:

Phương pháp thứ nhất: Nghiên cứu hồ sơ vụ án theo trình tự tố tụng tức là bắt đầu nghiên cứu từ các tài liệu tố tụng gồm:

+ Quyết định khởi tố vụ án;

+ Quyết định khởi tố bị can;

+ Các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát;

+ Các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn;

+ Kết luận điều tra;

+ Bản Cáo trạng…

Nghiên cứu theo phương pháp này có ưu điểm là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thái độ khách quan hơn, không bị chi phối và phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan Điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát, song lại có nhược điểm mất nhiều thời gian mới nắm vững được các tình tiết của vụ án cũng như quan điểm của cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát.

Phương pháp thứ hai: Là nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng, bắt đầu từ bản Cáo trạng rồi đến các tài liệu khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án theo trình tự ngược lại về mặt thời gian để kiểm tra tính xác thực và đúng đắn của quyết định truy tố. Phương pháp này có ưu điểm về mặt thời gian song cũng có nhược điểm là nếu không cẩn thận Thẩm phán dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của cơ quan Điều tra cũng như quan điểm truy tố của Viện kiểm sát dẫn đến có định kiến và hay áp đặt ý thức chủ quan vào việc giải quyết vụ án, kể cả việc định tội danh và quyết định hình phạt.

  1. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Sau khi nhận hồ sơ vụ án hình sự, Thẩm phán được phân công xét xử vụ án hình sự và các Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử cần phải kiểm tra xem hồ sơ đã đảm bảo về thủ tục tố tụng và đủ số lượng bút lục theo danh mục thống kê tài liệu có trong hồ sơ không, nếu phát hiện thiếu tài liệu nào thì phải kiểm tra để giải quyết ngay.

Khi nghiên cứu bất cứ tài liệu, chứng cứ nào có trong hồ sơ cũng phải kiểm tra để đánh giá về tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của chúng. Việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ về vụ án chỉ được tiến hành sau khi đã nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Thông thường khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự theo phương pháp nghiên cứu thứ hai cần tiến hành theo trình tự các nhóm tài liệu sau:

2.1. Nghiên cứu Cáo trạng

Như chúng ta đã biết Cáo trạng là cơ sở pháp lý để Tòa án xét xử vụ án. Vì vậy, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các Hội thẩm nhân dân cần nghiên cứu kỹ bản Cáo trạng để nắm vững nội dung vụ án và xác định rõ giới hạn xét xử cụ thể là:

+ Các hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định trong Cáo trạng (kể cả hành vi không truy tố).

+ Các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội.

+ Tội danh và điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố các bị can.

+ Những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can.

+ Mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể về bồi thường thiệt hại (nếu có).

2.2. Nghiên cứu kết luận điều tra

Sau khi nghiên cứu cáo trạng, cần nghiên cứu kết luận điều tra. Việc nghiên cứu kết luận điều tra và đối chiếu, so sánh với Cáo trạng giúp Thẩm phán nắm được diễn biến của hành vi phạm tội, các chứng cứ mà Cơ quan điều tra sử dụng để chứng minh tội phạm và người phạm tội, kết luận và đề nghị của cơ quan điều tra về hướng giải quyết vụ án. Cần so sánh những điểm khác nhau giữa Kết luận điều tra và bản Cáo trạng (về các hành vi phạm tội, diện truy tố, các tội danh, điều khoản áp dụng của Bộ luật hình sự, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đề nghị áp dụng đối với từng bị can và lý do của sự khác nhau đó trong các vụ án có đồng phạm) để có hướng giải quyết các mâu thuẫn khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu khác.

2.3. Nghiên cứu các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng

Sau khi nghiên cứu Cáo trạng và Kết luận điều tra, chúng ta nghiên cứu đến các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng như: Biên bản ghi lời khai của người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người đại diện hợp pháp của bị can, người bị hại (nếu có), biên bản đối chất và các tài liệu khác.

Lưu ý, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đối với các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của một người nào đó, chúng ta cần phải chứng minh rõ những vấn đề quy định tại Điều 63 BLTTHS đó là:

Một là: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

Hai là: Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

Ba là: Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

Bốn là: Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Theo quy định tại Điều 64 BLTTHS thì: chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo một trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Chứng cứ được xác định bằng vật chứng; lời khai của những người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Chính vì vậy khi nghiên cứu các chứng cứ này chúng ta cần phải nghiên cứu hết sức cẩn thận, theo một trình tự nhất định như sau:

Cần xác định lời khai của bị can là một trong những chứng cứ trực tiếp để xác định sự thật về vụ án. Việc nghiên cứu lời khai, bản tường trình của các bị can cần tiến hành theo trình tự thời gian lấy lời khai và cần xác định rõ những hành vi phạm tội nào nêu trong Cáo trạng mà bị can thừa nhận, hành vi nào mà bị can không thừa nhận và lý do của việc thừa nhận hay không thừa nhận hoặc thay đổi lời khai là gì; động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội; mức độ ăn năn hối hận và thái độ khai báo của bị can trong quá trình điều tra. Các lý lẽ, chứng cứ mà bị can đưa ra để bào chữa cho mình cũng như những điểm mâu thuẫn trong các lời khai của bị can.

2.4. Về giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can

Trong quá trình nghiên cứu lời khai của bị can, cần kiểm tra việc tuân thủ tố tụng của cơ quan điều tra khi lấy lời khai để bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ như: Bị can có được giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 BLTTHS hay không (đặc biệt là quyền bào chữa của bị can trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội hoặc người phạm tội bị truy tố theo khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS)? Việc ký xác nhận của bị can có đúng quy định không? Việc sửa chữa, tẩy xóa biên bản hỏi cung bị can có chữ ký xác nhận của bị can hay không?

Ví dụ: Nghiên cứu và tham khảo luật của Mỹ thì thấy theo quy định tại Tu chính án thứ 5 trong Hiến pháp Mỹ đã khẳng định: Không người nào bị bắt buộc phải làm nhân chứng chống lại chính mình trong bất cứ vụ án hình sự nào. Người ta gọi nội dung trên là quy tắc Miranda. Theo quy tắc này thì trước khi thẩm vấn, nhân viên điều tra “Cảnh sát” phải đọc và giải thích cho bị can biết quyền lợi của họ bằng những câu sau:

  1. Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời. Anh có hiểu không?
  2. Bất cứ những gì anh nói đều có thể được sử dụng để chống lại anh trước tòa. Anh có hiểu không?
  3. Anh có quyền trao đổi với Luật sư trước khi trả lời cho cảnh sát và có quyền có Luật sư hiện diện trong quá trình thẩm vấn ngay từ bây giờ và sau này. Anh có hiểu không?
  4. Nếu anh không có khả năng thuê Luật sư thì anh sẽ được quyền yêu cầu tòa chỉ định Luật sư cho mình trước khi thẩm vấn. Anh có hiểu không?
  5. Nếu anh quyết định trả lời bây giờ mà không cần có Luật sư hiện diện thì anh có quyền ngừng trả lời vào bất cứ lúc nào cho tới lúc anh được nói chuyện với Luật sư. Anh có hiểu không?
  6. Bây giờ anh đã biết và hiểu được quyền lợi của anh như tôi đã giải thích cho anh, anh có sẵn sàng trả lời câu hỏi của tôi mà không có Luật sư hiện diện không?

Nếu Điều tra viên không đặt ra những câu hỏi nêu trên và không có biên bản ghi lại có chữ ký của người bị xét hỏi, là vi phạm và những lời khai của bị can cho dù đó là lời khai tự nguyện cũng bị Tòa án bác bỏ.

So sánh với quyền của bị can, bị cáo được quy định tại Điều 49, 50 BLTTHS thì thấy:

Qua thực tiễn xét xử nhận thấy, trong các biên bản ghi lời khai, có ghi việc giải thích quyền cho bị can biết theo Điều 49, nhưng thực chất việc giải thích của Điều tra viên như thế nào, có đầy đủ, để cho bị can hiểu và thực hiện quyền của mình hay không thì không thấy có văn bản nào thể hiện. Vậy việc ghi vài dòng tại biên bản ghi lời khai như vậy có bảo đảm tính khách quan hay không? Do đó, để bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, BLTTHS cần phải có quy định rằng việc giải thích quyền và nghĩa vụ của họ phải được lập thành biên bản và nêu đầy đủ nội dung quyền và nghĩa vụ.

2.5. Nghiên cứu lời khai của người làm chứng

Cần tiến hành nghiên cứu theo trình tự thời gian để xác định:

– Độ tin cậy, tính chính xác trong lời khai của người làm chứng và cần xác định họ khai về những tình tiết cụ thể nào trong vụ án và tại sao họ biết;

– Họ trực tiếp chứng kiến sự việc hay gián tiếp biết về vụ việc thông qua nguồn tin nào khác;

– Mối quan hệ giữa người làm chứng với người phạm tội và người bị hại;

– Điều kiện khách quan (không gian, thời gian, địa điểm) và điều kiện chủ quan (tinh thần, tuổi tác, nghề nghiệp, khả năng tiếp thu thông tin và nhận thức…) của người làm chứng khi tiếp nhận thông tin. Các điểm mâu thuẫn giữa các lời khai trước và lời khai sau của người làm chứng (để đối chiếu với các chứng cứ khác có trong vụ án). Nếu cần thiết, phải cho đối chất giữa người làm chứng và bị can, bị cáo hoặc thực nghiệm điều tra.

Ví dụ: Trong thực tiễn có nhiều vụ tai nạn giao thông, khi khám nghiệm hiện trường chữ ký trong biên bản không phải là của người có mặt từ đầu khi xảy ra tai nạn mà chỉ là những người ra sau, nhìn thấy hiện trường như vậy chứ không phải là người chứng kiến việc va chạm dẫn đến tai nạn, do vậy việc trình bày của họ với cơ quan Điều tra chỉ là theo cảm tính.

2.6. Nghiên cứu biên bản đối chất

Biên bản đối chất giữa các bị can với nhau, giữa bị can và người bị hại, giữa bị can và người làm chứng, giữa người bị hại và người làm chứng cũng hết sức quan trọng, giúp cho Thẩm phán có thêm cơ sở để đánh giá độ tin cậy trong các lời khai còn mâu thuẫn để từ đó xác định được chứng cứ nào là khách quan, chứng cứ nào là không khách quan. Trên cơ sở đó rút ra được những điểm đã thống nhất giữa những người đối chất và những điểm còn mâu thuẫn cần tiếp tục khắc phục bằng các chứng cứ tài liệu khác.

2.7. Nghiên cứu lời khai của người bị hại

Trong các vụ án hình sự, đa số người bị hại là người trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội. Do vậy, việc nghiên cứu lời khai của họ sẽ giúp cho Thẩm phán nắm vững được diễn biến của vụ án cũng như các hành vi phạm tội mà bị can đã thực hiện, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và yêu cầu bồi thường của họ. Khi nghiên cứu lời khai của người bị hại, Thẩm phán cần nghiên cứu theo trình tự thời gian mà họ trình bày, xem có sự mâu thuẫn hay không, thái độ tâm lý, mối quan hệ của họ đối với người phạm tội như thế nào để có hướng giải quyết đúng đắn vụ án, tránh để lọt tội phạm hoặc gây oan sai.

2.8. Nghiên cứu lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp của bị can, bị hại.

Việc nghiên cứu lời khai của những người tham gia tố tụng này cũng tương tự như nghiên cứu lời khai của người bị hại, song Thẩm phán cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ trong vụ án, các chứng cứ để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của họ, để có cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bồi thường trách nhiệm dân sự trong vụ án.

2.9. Nghiên cứu về tài liệu về nhân thân bị can

– Lý lịch bị can;

– Thông báo kết quả tra cứu (tàng thư);

– Các tài liệu về tiền án, tiền sự, giấy ra trại (nếu có);

– Bản sao giấy khai sinh hoặc tài liệu xác minh độ tuổi nếu bị can là người chưa thành niên;

– Giấy khai sinh của đứa trẻ hoặc giấy chứng nhận tình trạng thai nghén do cơ quan y tế cấp (nếu bị can là phụ nữ đang trong thời kỳ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi).

Nhân thân của bị can, người bị hại là một trong những căn cứ để xác định khung hình phạt và quyết định hình phạt. Do vậy, trong từng vụ án cụ thể, nếu trong hồ sơ không có đủ các tài liệu này hoặc không có tài liệu phản ánh kết quả xác minh của cơ quan điều tra về những đặc điểm nhân thân của bị can, bị hại thì cần yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ.

Ví dụ 1: Bị can là người chưa thành niên, Luật hình sự nước nào cũng đều có quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng không phải nước nào cũng giống nhau mà phải tùy thuộc vào sự phát triển về sinh học của con người ở mỗi quốc gia khác nhau như ở Anh Quốc là 08 tuổi, Hoa Kỳ là 07 tuổi, Thụy Điển là 15 tuổi, Nga là 14 tuổi, Cộng hòa Pháp 13 tuổi,… Ở Việt Nam là từ đủ 14 tuổi (Điều 12 BLHS). Việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là hết sức quan trọng vì liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự, do vậy khi tính tuổi phải tính theo tuổi tròn.

Ví dụ 2: Một người sinh ngày 1/1/1990 thì tới ngày 1/1/2004 mới đủ 14 tuổi và tới 1/1/2006 mới đủ 16 tuổi. Trong trường hợp, không có đủ điều kiện xác định chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh. Ví dụ chỉ biết sinh tháng 5/1990 mà không biết ngày thì lấy ngày 31/5/1990. Nếu không xác định được chính xác tháng sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng làm ngày, tháng, năm sinh. Ví dụ chỉ biết sinh năm 1990 thì lấy ngày 31/12/1990.

2.10. Nghiên cứu các tài liệu về nhân thân người bị hại

– Giấy khai sinh hoặc tài liệu chứng minh về độ tuổi của người bị hại chưa thành niên;

– Giấy chứng nhận của cơ quan y tế về tình trạng thai nghén nếu người bị hại là phụ nữ có thai.

Ví dụ: Xác định độ tuổi người bị hại trong vụ án hiếp dâm, cũng phải tính tròn như cách tính tuổi của bị cáo, nếu trường hợp không xác định được chính xác ngày sinh của họ thì phải lấy ngày đầu tiên của tháng để tính. Nếu xác định tháng 2/1990 thì lấy ngày 1/2/1990 để tính, nếu không xác định được cả tháng sinh mà chỉ xác định được năm sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm. Ví dụ chỉ xác định được năm 1990 thì lấy ngày 1/1/1990 để tính tuổi.

2.11. Nghiên cứu các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can

– Tài liệu nguồn tin về tội phạm (tố giác của công dân, tin báo của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội). Biên bản tự thú của người có hành vi phạm tội, các biên bản xác minh của cơ quan điều tra;

– Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can;

– Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can (nếu có) các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát;

– Quyết định tách, nhập vụ án (nếu có).

2.12. Nghiên cứu các văn bản về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn như:

Biên bản bắt người phạm tội quả tang; lệnh tạm giữ, gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam, các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát, quyết định truy nã, quyết định đình nã, công văn đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm giam,…

2.13. Nghiên cứu các tài liệu về kết quả điều tra như

– Lệnh khám xét; các biên bản khám xét, thu giữ vật chứng, bản giao vật chứng, khám nghiệm hiện trường, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;

– Sơ đồ hiện trường;

– Lệnh kê biên và các biên bản kê biên tài sản, niêm phong và mở niêm phong lấy mẫu giám định;

– Biên bản bàn giao mẫu giám định, quyết định trưng cầu giám định;

– Kết luận giám định;

– Quyết định trả lại tài sản;

– Biên bản giao nhận tài sản;

– Bản ảnh hiện trường;

– Sơ đồ hiện trường.

Đối với các tài liệu này, trước hết cần phải kiểm tra việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về trình tự, thủ tục lập biên bản và tiến hành các hoạt động tố tụng này của cơ quan điều tra như: thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, việc ký xác nhận vào biên bản.

Ví dụ 1: Khám nghiệm hiện trường vụ án tai nạn giao thông thì những người chứng kiến ký vào biên bản có phải là những người có mặt chứng kiến từ đầu vụ tai nạn hay không? Những người, ảnh hoặc đồ vật được đưa ra nhận dạng, bị thu giữ, niêm phong…. Đối với các vật chứng được thu giữ thì cần chú ý nơi và cách thức tìm ra vật chứng (do khám xét, khám nghiệm hiện trường, bị can khai ra nơi cất giữ hay do người nào mang đến nộp). Các đặc điểm riêng của vật chứng: cần so sánh vật chứng với các chứng cứ khác để xác định sự thật của vụ án.

Ví dụ 2: Tại hiện trường thu được một chiếc gậy bằng gỗ lim và theo kết luận của cơ quan điều tra thì bị can đã dùng chiếc gậy này đập nhiều nhát vào mặt nạn nhân, nhưng dấu vết trên mặt nạn nhận theo kết luận giám định thì chỉ là sây sát ở mặt do va chạm nhẹ, răng vẫn còn nguyên vẹn… và như vậy rõ ràng chiếc gậy không thể là hung khí để gây án như kết luận của cơ quan điều tra được.

2.14. Nghiên cứu kết luận giám định

– Trước hết cần kiểm tra các tài liệu, đồ vật (số lượng, chất lượng các đồ vật, tài liệu Cơ quan điều tra gửi đi) mà cơ quan giám định đã xem xét để đưa ra kết luận giám định;

– Thẩm quyền của tổ chức (Hội đồng) giám định và tính hợp pháp của kết luận giám định. Cần so sánh kết luận giám định với các nội dung yêu cầu giám định và chứng cứ, tài liệu khác của vụ án để xác định độ chính xác, khách quan của kết luận giám định. Trong trường hợp cần thiết phải quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Trong các vụ án gây thương tích thì phải xem chứng thương của bệnh viện mô tả thương tích của người bị hại khi vào viện như thế nào để xác định được cơ chế hình thành vết thương có phù hợp với hung khí gây án không? Kết luận giám định đã giám định đầy đủ các vết thương trên người nạn nhân chưa.

Bên cạnh việc nghiên cứu những tài liệu chính liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự, Thẩm phán cũng cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc các nhóm tài liệu khác như:

+ Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra;

+ Quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần;

+ Quyết định truy nã;

+ Tài liệu về việc điều trị của bị can;

+ Quyết định tạm đình chỉ vụ án (trường hợp bị can trốn hoặc bị bắt buộc chữa bệnh);

+ Quyết định tách vụ án (trường hợp bị can bỏ trốn trong quá trình điều tra);

+ Quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án (đối với bị can trong vụ án có đồng phạm);

+ Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

+ Quyết định phục hồi điều tra (trong trường hợp hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra).

Cùng các tài liệu kết thúc điều tra như:

+ Kết luận điều tra vụ án;

+ Biên bản giao nhận kết luận điều tra cho bị can;

+ Thông báo kết quả điều tra cho đương sự; thống kê tài liệu có trong hồ sơ và biên bản giao nhận hồ sơ giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Các tài liệu về truy tố như:

+ Các tài liệu bổ sung của Viện kiểm sát (các biên bản phúc cung…);

+ Quyết định thay đổi, bổ sung khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có);

+ Cáo trạng, biên bản giao nhận Cáo trạng;

+ Biên bản giao nhận hồ sơ giữa Viện kiểm sát và Tòa án.

Ngoài ra, trong trường hợp Tòa án cấp trên hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử lại thì hồ sơ vụ án bao gồm toàn bộ hồ sơ vụ án đã xét xử lần 1; các tài liệu phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm (như kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại, bản án, biên bản phiên tòa của cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm).

  1. Những tình huống thường gặp khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

3.1. Về thẩm quyền giải quyết

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa được giao nhiệm vụ xét xử vụ án đó xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử thì phải báo cáo Chánh án để chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử theo quy định tại Điều 174 BLTTHS:

Khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử. Việc chuyển vụ án cho Tòa án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định. Chỉ được chuyển vụ án cho Tòa án khác khi vụ án chưa được xét xử. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Chánh án Tòa án quyết định. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự hoặc Tòa án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Hội đồng xét xử quyết định. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Tòa án phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, báo cho bị cáo và những người có liên quan trong vụ án”.

Còn lại các trường hợp xác định thẩm quyền khác đều phải căn cứ vào quy định tại các Điều từ 170 đến 173 của BLTTHS.

3.2. Về vấn đề trả hồ sơ điều tra bổ sung

Thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp Viện kiểm sát không hề muốn Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung kể cả trường hợp Tòa án trả hồ sơ là hoàn toàn đúng và có căn cứ. Để khắc phục vấn đề này, theo quan điểm của tôi khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Thẩm phán cần tuân thủ các trường hợp quy định tại Điều 179 BLTTHS để trả hồ sơ, tránh trường hợp chuyển hồ sơ đi, chuyển hồ sơ lại mà kết quả là không điều tra thêm được gì, thậm chí còn gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp khi phát hiện ra những vi phạm theo Điều 179 BLTTHS quy định thì nhất thiết phải trả hồ sơ và nêu rõ những nội dung cần điều tra bổ sung, nếu Viện kiểm sát không làm theo những nội dung mà Tòa án yêu cầu thì chúng ta vẫn đưa ra xét xử. Trong trường hợp này nếu cấp phúc thẩm có hủy án yêu cầu điều tra lại thì cũng không phải là lỗi của Thẩm phán, nếu vì lý do khác mà chúng ta không trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà bản án bị hủy thì đó là lỗi chủ quan của Thẩm phán. Do giới hạn của việc xét xử theo quy định tại Điều 196 BLTTHS có những trường hợp Thẩm phán vẫn phải xử theo Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, rồi sau đó lại phải kiến nghị ngay trong bản án đề nghị cấp phúc thẩm hủy chính bản án của mình. Đây chính là những bất cập, đang có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Điều 196 BLTTHS.

3.3. Trích tiểu hồ sơ và lập kế hoạch xét hỏi

Lập kế hoạch xét hỏi là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với những vụ án đồng phạm lớn, có nhiều bị cáo hoặc những vụ án kinh tế lớn phải xét xử nhiều ngày. Việc Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa và các vị Hội thẩm nhân dân có chủ động được trong việc điều hành phiên tòa và giải quyết tốt các tình huống phát sinh tại phiên tòa hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc nghiên cứu hồ sơ, trích tiểu hồ sơ và lập kế hoạch xét hỏi. Do vậy, sau khi nghiên cứu hồ sơ xong, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa cũng như các vị Hội thẩm nhân dân cần trích một tiểu hồ sơ phục vụ cho công tác thẩm vấn tại phiên tòa. Trong tiểu hồ sơ cần thể hiện rõ:

– Tóm tắt nội dung vụ án, tội danh và điều luật mà Cáo trạng đã truy tố, những mâu thuẫn trong lời khai với cáo trạng của Viện kiểm sát.

– Tóm tắt lời khai của từng bị cáo phù hợp với nội dung của Cáo trạng và diễn biến của vụ án, được sử dụng như là những chứng cứ buộc tội có các bút lục cụ thể, dùng để đấu tranh kịp thời với bị cáo tại phiên tòa, có thể dùng ngay lời khai của bị cáo này để đấu tranh với các bị cáo khác, nếu vì lý do nào đó mà bị cáo lại chối bỏ lời khai của mình như đã trình bày tại cơ quan điều tra.

– Tóm tắt các bút lục chứa đựng các chứng cứ buộc tội như biên bản giám định, giấy chứng thương, sổ sách, chứng từ…

– Tóm tắt các bút lục ghi lời khai của người bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bao gồm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

Khi lập kế hoạch xét hỏi, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa và các vị Hội thẩm nhân dân thông qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, phải phân loại các bị cáo và cần lưu ý các tình huống có thể xảy ra, kể cả trong trường hợp hồ sơ thể hiện các bị cáo khai rất thành khẩn, cần xác định các tình huống như:

– Các bị cáo có thể sẽ phản cung, tại cơ quan điều tra các bị cáo đã khai báo thành khẩn nhưng ra tới phiên tòa khi nhìn thấy tên cầm đầu của bọn chúng lại chối bỏ lời khai của mình nên các bị cáo khác cũng theo đó mà chối bỏ lời khai của mình.

– Cần phân loại và đánh giá xem bị cáo nào khi ra Tòa sẽ khai thành khẩn thì hỏi trước, đôi khi không nên hỏi bị cáo đầu vụ mà có kế hoạch hỏi tất cả các bị cáo có vai trò thứ yếu trước rồi mới có kế hoạch xét hỏi bị cáo đầu vụ sau.

– Cần phải có những câu hỏi trọng tâm, gợi mở để bị cáo tự khai ra những hành vi phạm tội của mình.

– Khi đặt câu hỏi cũng cần có kế hoạch đưa ra các tài liệu, chứng cứ ra để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nếu bị cáo cố tình ngoan cố không chịu khai báo thành khẩn.

Tóm lại để hoàn thiện hơn các kỹ năng trong việc nhận, thụ lý, nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự thì đòi hỏi mỗi cán bộ Tòa án, Thẩm phán một mặt phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn để áp dụng triệt để vào công việc và nhiệm vụ được giao như nhận, thụ lý, nghiên cứu và tiến tới nhằm mục đích xét xử, giải quyết vụ án được chính xác và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Mặt khác yêu cầu mỗi cán bộ Tòa án, Thẩm phán phải luôn luôn cải tiến phong cách làm việc, không nhừng học tập kinh nghiệm của những người đi trước cùng với việc nắm rõ nội dung quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Bên cạnh đó các Tòa án cần thường xuyên tổ chức những buổi trao đổi kinh nghiệm về việc nhận, thụ lý, nghiên cứu vụ án hình sự; để tránh việc hiểu và áp dụng khác nhau của mỗi địa phương, của Tòa án các cấp trong tỉnh nên cần kiến nghị lên Tòa án nhân dân tối cao mở những lớp tuận huấn nâng cao nghiệp vụ về nội dung này để tạo nên sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc về kỹ năng nhận, thụ lý và nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự được đúng đắn, chính xác, đảm bảo tuân theo những quy định của pháp luật hiện hành, tiến tới đáp ứng với tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

 

BÀI 2:

KỸ NĂNG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

                                                                                                                

Trong lộ trình của cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 08/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, thì Tòa án được xác định là trung tâm của cải cách tư pháp, hoạt động xét xử là trọng tâm. Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự thì cần “bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Hoạt động của Tòa án tại phiên tòa là để xem xét các chứng cứ và căn cứ vào pháp luật, xử lý vụ án bằng việc ra bản án và các quyết định của Tòa án. Xét xử là một dạng đặc biệt của hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước, do Tòa án, mà cụ thể là Hội đồng xét xử tiến hành công khai.

Chính vì vậy, một phiên tòa hình sự có bảo đảm tính chất tranh tụng hay không phụ thuộc nhiều vào yếu tố, trong đó vai trò của chủ tọa phiên tòa có thể nói là quan trọng nhất. Kết quả của phiên tòa như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử hiện nay, một số Thẩm phán vẫn chưa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 08, nên đã có không ít phiên tòa chưa thể hiện tinh thần tranh tụng, phán quyết của Tòa án chưa căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Việc vẫn còn những tình trạng này cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về các Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa chưa nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và tinh thần của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, thì Chủ tọa phiên tòa vừa là người tiến hành tố tụng, vừa là người điều khiển toàn bộ hoạt động tố tụng tại phiên tòa của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Chính vì vậy, để việc tổ chức và điều khiển tốt phiên tòa theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì chủ tọa phải thực hiện nhiều việc ngoài những công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần chú ý, thực hiện tốt những công việc cụ thể như:

  1. Những công việc chuẩn bị để Hội đồng xét xử vào phòng xử án

– Đối với các vụ án phức tạp, đông bị cáo Thẩm phán chủ toạ cần có sự trao đổi thống nhất nội dung thẩm vấn với Hội thẩm về kế hoạch thẩm vấn. Thẩm phán có thể phân công từng Hội thẩm phụ trách một phần thẩm vấn cụ thể hoặc người tham gia tố tụng cụ thể để tránh việc câu hỏi lặp đi lặp lại, không đúng trọng tâm giữa Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các Hội thẩm nhân dân.

– Yêu cầu Thư ký kiểm tra sự có mặt của Kiểm sát viên, bị cáo, những người tham gia tố tụng được triệu tập, phổ biến nội quy phiên toà rồi mời Hội đồng xét xử vào phòng xử án.

  1. Thủ tục bắt đầu đầu phiên toà

2.1. Khai mạc phiên toà

– Khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, Thư ký yêu cầu tất cả mọi người có mặt trong phòng xử án đứng dậy. Lưu ý, về tác phong Thẩm phán chủ tọa phiên toà nên có động tác quan sát toàn bộ phòng xử án rồi mới khai mạc phiên tòa, sau đó mời mọi người ngồi xuống. Tránh trường hợp Thẩm phán chủ tọa vào chưa nhìn ai cả đã khai mạc rồi mời mọi người ngồi xuống, như vậy mất đi tính uy nghiêm của phiên toà.

– Thay mặt Hội đồng xét xử Thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố Quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử. Khi đọc quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử Chủ toạ nên đọc to, dõng dạc, chậm rãi để tăng tính trang nghiêm của phiên toà.

Lưu ý, khi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử Chủ tọa phiên toà nên yêu cầu bị cáo đứng vào vành móng ngựa và những người tham gia tố tụng có giấy triệu tập của Toà án phải đứng dậy để nghe quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử, không nên để như hiện nay nhiều phiên tòa khi công bố quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử Chủ tọa vẫn để tất cả mọi người ngồi nghe là không bảo đảm tính uy nghiêm của phiên tòa.

Sau khi công bố quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Thư ký phiên tòa báo cáo sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa cần căn cứ vào đề cương điều khiển phiên tòa để thực hiện các thủ tục cần thiết. Cần lưu ý, phần mở đầu phiên tòa là rất quan trọng, nếu diễn ra suôn sẻ thì các phần sau sẽ rất thuận lợi và giúp cho Thẩm phán chủ tạo phiên tòa tự tin và chủ động hơn trong việc điều khiển phiên tòa.

2.2. Kiểm tra căn cước những người được triệu tập đến phiên toà

  1. Đối với bị cáo

Chủ tọa phiên tòa cần hỏi kỹ về tên, tuổi, thành phần xã hội, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú, nơi làm việc, trình độ học vấn, họ tên cha, mẹ, hoàn cảnh gia đình. Kiểm tra nhân thân của bị cáo đã bị kết án lần nào chưa? Nếu có thì bị kết án về tội gì, Tòa án nào xử, thời gian xử, tù giam hay án treo, đã chấp hành hình phạt xong chưa, trong vụ án này có bị tạm giam, tạm giữ không, thời gian bao lâu hoặc có bị xử lý hành chính không, nếu có thì bị xử lý về hành vi gì, thời gian xử lý? Để có cơ sở xác định về tiền án, tiền sự làm cơ sở cho việc định tội, định khung hình phạt hoặc tổng hợp hình phạt. Khi hỏi, Chủ tọa cần đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem có giống nhau không, nếu khác nhau thì phải làm rõ vì sao khác nhau.

Lưu ý, nếu trước đó bị cáo được hưởng án treo, thì cần hỏi xem tại bản án trước đó bị cáo có bị tạm giam, tạm giữ ngày nào không và thời gian bao lâu để trừ cho bị cáo nếu vụ án phải tổng hợp hình phạt của hai bản án. Đây là trường hợp rất dễ quên và nhầm lẫn.

Hỏi bị cáo đã nhận được bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa. Nếu bị cáo chưa nhận được hoặc đã nhận được nhưng dưới 10 ngày và yêu cầu hoãn xử thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử thì mới được xét xử và cần phải có biên bản ghi lại sự tự nguyện đó.

  1. Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện hợp pháp của bị cáo, bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Chủ toạ chỉ cần hỏi về tên tuổi, nghề nghiệp và nơi ở của họ.

Lưu ý, đối với người đại diện hợp pháp của người bị hại, khi nghiên cứu hồ sơ thấy, đối với người bị hại bị chết mà có thể có nhiều người có tư cách để là người đại diện hợp pháp, như đã phân tích ở phần trên, thì tại phiên tòa chủ tọa cần hỏi xem họ có được những người khác uỷ quyền hay không? Nếu không, mà tại phiên toà những người khác có đến thì cần hỏi luôn tại phiên toà xem họ có đồng ý để người đó làm người đại diện hợp pháp hay không? Đặc biệt là các vụ án người bị hại chết thì thường có sự tranh chấp về tư cách tham gia tố tụng có thể là cha, mẹ, vợ, anh chị em ruột…

2.3. Giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác

Về vấn đề này, hiện cũng có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng khi phổ biến quyền và nghĩa vụ thì Chủ tọa phải phổ biến quyền và nghĩa vụ cho từng người tham gia tố tụng một.

Quan điểm thứ hai cho rằng nên phổ biến gộp theo nhóm những người tham gia tố tụng có chung quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên toà.

Hiện tại, vấn đề này đã có quy định của Bộ luật tố tụng hình sự do vậy, khi phổ biến quyền và nghĩa vụ thì nên căn cứ vào quy định tại các Điều 50, 51, 52, 53, 54, 55, 58, 59, 60, 61 để phổ biến đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Song để việc điều hành phiên tòa được khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu, Thẩm phán nên phổ biến theo nhóm quyền hoặc nghĩa vụ mà những người tham gia tố tụng được hưởng hoặc phải chấp hành.

Ví dụ: Ngoài những quyền và nghĩa vụ riêng thì những người tham gia tố tụng có những quyền chung như quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu bao gồm bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người đại diện hợp pháp của bị cáo, bị hại; người bào chữa; người có quyền liên quan. Quyền thay đổi người tiến hành tố tụng thì chỉ có người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người giám định, phiên dịch là không có quyền này, còn lại đều có quyền xin thay đổi người tiến hành tố tụng…

Khi phổ biến, phải giải thích các quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng hiểu. Đối với một số quyền, khi phổ biến có thể hỏi ngay việc thực hiện quyền đó. Ví dụ: Quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, nếu bị cáo đã nhờ người bào chữa thì phải hỏi xem tại phiên toà bị cáo có đồng ý để Luật sư bị cáo mời bào chữa cho mình không, nếu bị cáo không mời người bào chữa thì giải thích cho bị cáo quyền tự bào chữa, hoặc nếu Toà án chỉ định người bào chữa trong những trường hợp bắt buộc thì cũng hỏi xem bị cáo có đồng ý không…

2.4. Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, Thư ký Tòa án

Đây là tình huống hay xảy ra, đòi hỏi Chủ toạ phiên tòa phải hết sức bình tĩnh để xử lý. Cụ thể, sau khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố các thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký, nếu có người giám định, phiên dịch thì chủ tọa cũng cần giới thiệu tên, chức vụ của những người đó và phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền xin thay đổi người tiến hành tố tụng, xem có ai xin thay đổi người tiến hành tố tụng hay không? Nếu có người xin thay đổi thì yêu cầu họ nói rõ lý do họ xin thay đổi. Sau khi nghe họ nêu lý do xin thay đổi, có thể là họ xin thay đổi chính chủ tọa phiên tòa vì cho rằng chủ tọa phiên tòa sẽ không khách quan, vô tư khi xét xử, nhưng không đưa ra được lý do, thì cũng không vì thế mà chủ tọa phiên tòa nổi nóng, có những lời lẽ gay gắt, hay lời lẽ mang tính giáo dục, răn đe mà phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, phân tích những căn cứ của việc xin thay đổi người tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Trong mọi trường hợp nếu có người tham gia tố tụng xin thay đổi người tiến hành tố tụng tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử cũng phải tuyên bố tạm dừng phiên toà để vào phòng nghị án để thảo luận. Giải quyết vấn đề này, có thể xảy ra hai trường hợp đó là:

– Trường hợp thứ nhất, sau khi người bị yêu cầu thay đổi là thành viên của Hội đồng xét xử trình bày ý kiến về việc bị xin thay đổi, sau đó Hội đồng xét xử biểu quyết và quyết định theo đa số. Nếu quyết định không chấp nhận đề nghị thay đổi thì Hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử và tuyên bố không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu xin thay đổi thành phần Hội đồng xét xử của người tham gia tố tụng.

– Trường hợp thứ hai: Nếu quyết định chấp nhận đề nghị thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử theo yêu cầu của người tham gia tố tụng, thì phải xem xét xem có người thay thế không. Nếu không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.

Lưu ý: Nếu người bị thay đổi là Chủ tọa, Hội thẩm, Kiểm sát viên mà không có người thay thế thì phải hoãn, nếu có Chủ tọa, Hội thẩm, Kiểm sát viên dự khuyết thì những người này phải được nghiên cứu hồ sơ vụ án rồi và có mặt từ đầu tại phiên tòa thì  mới được thay thế. Nếu là Thư ký Tòa án thì Chánh án hoặc Phó chánh án Tòa án sẽ cử người khác thay thế và phiên tòa sẽ xét xử bình thường. Nếu người bị yêu cầu thay thế là người giám định, phiên dịch thì ngoài việc yêu cầu người đề nghị thay thế phải trình bày lý do xin thay thế và người bị đề nghị thay đổi phải trình bày ý kiến của mình về việc bị xin thay đổi, sau đó Hội đồng xét xử sẽ vào phòng nghị án để thảo luận và quyết định.

2.5. Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên toà khi có người vắng mặt

Tại phiên tòa sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng xong, Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, đưa thêm tài liệu, vật chứng ra xem xét tại phiên tòa hay không?

Nếu có người yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, đưa thêm vật chứng ra xem xét thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định tại phòng xử án. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì Hội đồng xét xử chủ động hoặc theo yêu cầu của Kiểm sát viên và yêu cầu của những người tham gia tố tụng quyết định có hoãn phiên tòa hay không. Tuỳ theo trường hợp Hội đồng xét xử xem xét và quyết định như sau:

– Nếu vắng mặt bị cáo mà có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa, nếu bị cáo vắng mặt theo quy định tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự đó là:

Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;

Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên toà;

Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

Lưu ý: Trong trường hợp thứ nhất cần áp dụng đúng theo thông tư liên ngành số 03/TT/BNV (C11) ngày 11/4/1997 của Bộ Nội vụ “hướng dẫn việc truy nã người bị phạt tù và bị cáo đang được tại ngoại bỏ trốn”. Đó là nếu bị cáo trốn tránh Tòa án hoặc Hội đồng xét xử phải ra quyết định bắt tạm giam gửi cho Cơ quan Công an và yêu cầu phải báo lại cho Tòa án kết quả bắt tạm giam. Nếu không bắt được bị cáo thì Tòa án phải làm Công văn yêu cầu Cơ quan Công an ra lệnh truy nã đối với bị cáo đồng thời tạm đình chỉ nếu thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết. Sau một tháng, kể từ khi có lệnh truy nã mà vẫn chưa bắt được, cơ quan Công an phải báo cáo lại và Tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị cáo.

Trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của bị cáo trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì phải hoãn phiên tòa. Nếu người chưa thành niên không khai báo về địa chỉ, Cơ quan điều tra đã xác minh làm hết trách nhiệm, nhưng bị cáo cố tình giấu địa chỉ, không xác minh được người đại diện hợp pháp hoặc các tổ chức tham gia phiên tòa thì không cần phải có người đại diện hợp pháp theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 03 ngày 20/06/1992 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

– Vắng mặt người bào chữa: Trong những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo khoản 2 Điều 57 thì phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, trong trường hợp bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo không nhờ người bào chữa và đều từ chối việc Đoàn luật sư cử người bào chữa thì vẫn xét xử. Cần chú ý thực hiện theo đúng hướng dẫn tại điều 2 mục II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003” đó là:

“a. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền được lựa chọn người bào chữa;

  1. Đối với bị can, bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên không có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thì chỉ họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa; do đó, trong trường hợp người thân thích của họ hoặc người khác lựa chọn (mời) người bào chữa cho họ thì cần phân biệt như sau:

b1. Nếu việc lựa chọn (mời) người bào chữa đã có sự đồng ý (hoặc có sự ủy quyền của bị can, bị cáo thì Tòa án cấp giấy chứng nhận bào chữa để họ thực hiện bào chữa;

b2. Nếu việc lựa chọn (mời) người bào chữa chưa có sự đồng ý (hoặc chưa có sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì Tòa án yêu cầu người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người khác thực hiện việc lựa chọn người bào chữa phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo đang bị tạm giam biết việc người thân thích của họ hoặc người khác đã lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ và hỏi họ có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa để người bào chữa thực hiện việc bào chữa”.

Tại Điều 3 có quy định như sau:

a.“…Trường hợp khi phạm tội, người phạm tội là người chưa thành niên, nhưng khi khởi tố, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi thì họ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự.”

d2. Trường hợp yêu cầu từ chối người bào chữa (kể cả trường hợp đã có yêu cầu từ chối người bào chữa trước khi mở phiên tòa), thì Hội đồng xét xử cần phải giải thích cho họ biết người bào chữa sẽ giúp cho bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo và chi phí cho người bào chữa do Tòa án thanh toán.

Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần và thể chất mà cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến từ chối người bào chữa thì cần phải ghi vào biên bản phiên tòa và tiến hành xét xử theo thủ tục chung mà không có sự tham gia của người bào chữa đã được cử. Nếu chỉ có bị cáo từ chối người bào chữa, còn người đại diện hợp pháp của bị cáo không từ chối người bào chữa hoặc chỉ có người đại diện hợp pháp của bị cáo từ chối người bào chữa còn bị cáo không từ chối người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử”.

Còn nếu vắng mặt người bào chữa trong các trường hợp khác thì tuỳ trường hợp cụ thể Tòa án có thể vẫn xét xử hoặc hoãn phiên tòa, tuy nhiên các Thẩm phán cần nghiên cứu và nắm chắc các quy định tại các Điều 56, 57, 58 và 190 Bộ luật tố tụng hình sự. Đặc biệt, cần lưu ý quy định bổ sung tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng hình sự về việc nếu người bào chữa vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử, trừ trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự. Thông thường trong các trường hợp vụ án nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp; hồ sơ vụ án có những điểm chưa thật rõ ràng; việc buộc tội bị cáo có những ý kiến khác nhau… và bị cáo yêu cầu mà người bào chữa vắng mặt có lý do chính đáng thì Toà án hoãn phiên toà.

 Lưu ý, việc bào chữa của luật sư do bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo mời thì nghĩa vụ của luật sư phải có mặt tại phiên tòa, song Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng cần chú ý tới việc gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho người bào chữa chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa theo đúng quy định tại Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự, tránh trường hợp người bào chữa lấy lý do không nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử để xin hoãn phiên tòa.

– Trường hợp vắng mặt người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ.

Trong trường hợp, cần phải có lời khai của những người này tại phiên toà mới giải quyết đúng đắn vụ án hình sự thì Hội đồng xét xử cần phải hoãn phiên toà.

Nếu người bị hại, nguyên đơn đân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã có lời khai tại Cơ quan điều tra và các chứng cứ của vụ án đã rõ ràng, đầy đủ, sự vắng mặt của họ không trở ngại gì cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.

Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự (khoản 2 Điều 191 Bộ luật tố tụng hình sự).

– Trường hợp vắng mặt người làm chứng:

Trong những vụ án mang tính điều tra truy xét mà cần phải có những lời khai của người làm chứng tại phiên tòa, mới làm sáng tỏ được những tình tiết quan trọng của vụ án mà người làm chứng vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.

Lưu ý, những trường hợp muốn áp dụng biện pháp dẫn giải người làm chứng theo quy định tại Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự thì cần phải có các căn cứ sau:

+ Người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ có giấy giao giấy triệu tập lưu trong hồ sơ;

+ Trong giấy triệu tập đã thông báo rõ là nếu cố ý không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải, mà họ vẫn cố tình không đến phiên toà theo giấy triệu tập;

+ Phải thuộc trường hợp nếu vắng mặt người làm chứng sẽ gây trở ngại cho việc xét xử hoặc phải hoãn phiên toà.

– Trường hợp vắng mặt người giám định: Nếu trong trường hợp kết luận giám định đã rõ ràng, không có mâu thuẫn với các chứng cứ khác thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người giám định.

Nếu vụ án có tính chất phức tạp, kết luận giám định còn có những điểm chưa rõ, cần phải hỏi thêm người giám định tại phiên toà thì phải hoãn phiên toà.

  1. Xét hỏi tại phiên toà hình sự sơ thẩm

Xét hỏi tại phiên tòa, hay như nhiều người thường gọi là “thẩm vấn”, chính là một phần của quá trình xét xử, trong đó Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải kiểm tra các chứng cứ, kết luận điều tra, bản Cáo trạng một cách công khai về những tình tiết của vụ án, cũng như phải trực tiếp xét hỏi bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, nghe kết luận của người giám định, xem xét các vật chứng, đọc biên bản, công bố lời khai, công bố các tài liệu, xem xét tại chỗ… Xét hỏi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật của vụ án, cũng như là những căn cứ để xác định tội danh và quyết định hình phạt. Tuy những câu hỏi và trả lời tại phiên tòa, không khác nhiều so với những câu hỏi và trả lời trong quá trình điều tra, nhưng nó lại có ý nghĩa quan trọng vì việc hỏi và trả lời tại phiên tòa được diễn ra một cách công khai, là hình thức kiểm nghiệm kết quả điều tra của cơ quan Điều tra.

Xét hỏi tại phiên tòa là một hoạt động tố tụng rất quan trọng, được quy định từ Điều 206 đến Điều 216 Bộ luật tố tụng hình sự. Đây là thủ tục có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với việc chứng minh vụ án vì ở thủ tục này mọi chứng cứ đều được xem xét, thẩm tra công khai, những mâu thuẫn giữa các lời khai, giữa lời khai với vật chứng… được làm sáng tỏ để khẳng định giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Đây cũng chính là cơ sở của hoạt động tranh tụng như tinh thần của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Ở Việt Nam, tranh tụng tại phiên tòa chỉ là một trong những hoạt động tố tụng chứ không bao trùm lên toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Đây là điều hoàn toàn khác với “tố tụng tranh tụng” của nhiều nước trên thế giới. Tranh tụng tại phiên tòa nhưng vẫn giữ được bản chất của tố tụng xét hỏi, trên cơ sở kết quả điều tra và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Tuy là Tố tụng xét hỏi, nhưng tính chất tranh tụng tại phiên tòa vẫn là sự tranh luận giữa những người có quyền và lợi ích đối lập nhau như Kiểm sát viên với bị cáo và người bào chữa, giữa người bị hại với bị cáo và người bào chữa, trong một s� trường hợp còn có giữa Kiểm sát viên với người bị hại, giữa những người tham gia tố tụng khác với nhau. Hội đồng xét xử  không phải là những người tham gia tranh tụng, nhưng lại giữ vai trò vô cùng quan trọng đó là vai trò tổ chức, điều khiển việc tranh tụng tại phiên tòa giữa những người có quyền và lợi ích đối lập nhau. Với vai trò quan trọng của Hội đồng xét xử trong hoạt động xét hỏi và tổ chức, điều khiển tranh tụng tại phiên tòa, và để phiên tòa đúng với yêu cầu của cải cách tư pháp thì cần phải chú ý những vấn đề sau:

3.1. Thủ tục xét hỏi chung

Sau khi Chủ tọa phiên tòa đã làm xong phần thủ tục, Chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc phần thủ tục phiên toà, chuyển sang phần xét hỏi, yêu cầu đại diện Viện kiểm sát công bố bản Cáo trạng. Theo quy định tại Điều 206 BLTTHS thì trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày những ý kiến bổ sung nếu có. Khi kiểm sát viên trình bày ý kiến bổ sung vào bản cáo trạng, về nguyên tắc, kiểm sát viên phải đọc nguyên văn bản cáo trạng đă được giao cho bị cáo. Tuy nhiên, Điều 206 BLTTHS lại quy định kiểm sát viên sau khi đọc bản cáo trạng có thể “trình bày ý kiến bổ sung, nếu có”. Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể nào về quy định này nên đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng Điều 206 BLTTHS quy định Kiểm sát viên có quyền trình bày ý kiến bổ sung sau khi đọc bản cáo trạng là không phù hợp. Vì bất kỳ sự bổ sung nào vào bản cáo trạng trước khi bắt đầu phiên tòa đều phải được giao cho bị cáo và nếu Viện kiểm sát không giao cho bị cáo thì nhất thiết phải hoãn phiên tòa.

Quan điểm khác lại cho rằng “điều luật nói đến ý kiến bổ sung về bản cáo trạng, chứ không phải là bổ sung cáo trạng. Vì vậy, ý kiến bổ sung của viện kiểm sát là nhằm để làm rõ hơn nội dung cáo trạng chứ không thay đổi, bổ sung cáo trạng”.

Lưu ý, như quan điểm trên thì trong khi trình bày bản Cáo trạng, Kiểm sát viên có thể trình bày ý kiến bổ sung về bản Cáo trạng, nếu có trường hợp này thì phải hiểu Kiểm sát viên chỉ trình bày ý kiến bổ sung về bản Cáo trạng, chứ không phải bổ sung Cáo trạng. Tức là, Kiểm sát viên chỉ trình bày làm rõ thêm nội dung của bản Cáo trạng chứ không phải thêm hoặc bớt nội dung của bản Cáo trạng (nếu có việc thêm hoặc bớt nội dung của bản Cáo trạng là vi phạm, nhất là trong trường hợp gây bất lợi cho bị cáo). Việc rút quyết định truy tố tại phiên toà chỉ được thực hiện trong lời luận tội của Kiểm sát viên theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự.

– Để việc xét hỏi đạt kết quả tốt, Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của bị cáo bằng cách đặt câu hỏi và nghe ý kiến trình bày của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác, đặc biệt là ý kiến của người làm chứng trong các vụ án có tính điều tra truy xét, ý kiến của người giám định đối với vụ án hình sự mà kết luận giám định có chỗ chưa rõ ràng hoặc có sự thắc mắc của những người tham gia tố tụng.

Nếu cần thiết cần phải xem xét vật chứng và các tài liệu khác và phải xem xét tại chỗ. Mọi chứng cứ làm cơ sở cho Hội đồng xét xử kết luận đều phải được xem xét tại phiên tòa theo nguyên tắc “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa” theo đúng quy định tại Điều 184 Bộ luật tố tụng hình sự.

– Việc xem xét vật chứng hoặc công bố các tài liệu có trong hồ sơ có thể sử dụng bất cứ lúc nào trong quá trình xét hỏi, để chứng minh các tình tiết của vụ án một cách đúng đắn nhất. Ví dụ: Đối với các vụ án Cố ý gây thương tích, khi xét hỏi về hành vi và hậu quả xảy ra, nếu có mâu thuẫn thì Hội đồng xét xử có thể công bố ngày kết luận giám định pháp y, chứng thương của Bệnh viện về nguyên nhân và cơ chế hình thành vết thương, tỷ lệ thương tích mà bị cáo gây ra cho người bị hại.

Đối với vật chứng cần xem xét tại chỗ, cần yêu cầu người có liên quan đến vật chứng, bị cáo phải trình bày, mô tả vật chứng trước rồi mới đưa vật chứng ra. Ví dụ: Yêu cầu bị cáo mô tả con dao đã dùng để gây án như kích thước, hình dáng, màu sắc… sau đó đưa vật chứng ra và đặt câu hỏi làm rõ các đặc tính khách quan và hợp pháp của vật chứng, làm rõ những vấn đề liên quan đến vật chứng, đối với những vật chứng không thể đưa ra phiên tòa được thì cần công bố ảnh của vật chứng và biên bản thu giữ.

– Xem xét tại chỗ: Trường hợp cần xem xét địa điểm xảy ra tội phạm cũng như các địa điểm khác có liên quan đến vụ án hoặc cần xem xét vật chứng cồng kềnh không thể đưa đến phiên tòa được thì Hội đồng xét xử quyết định xem xét tại chỗ. Tùy thuộc vào địa điểm cần xem xét, Chủ tọa quyết định thành phần những người tham gia xem xét tại chỗ. Thông thường thành phần gồm: Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa và người có liên quan đến vật chứng hoặc địa điểm cần xem xét. Quá trình xem xét Hội đồng xét xử có thể đặt câu hỏi để làm rõ những thắc mắc liên quan đến vật chứng, địa điểm cần xem xét.

Trong thực tế xét xử, trường hợp này ít xảy ra tại phiên toà vì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu thấy cần thiết phải xem xét tại chỗ hiện trường nơi xảy ra tội phạm thì Hội đồng xét xử đã cùng với Kiểm sát viên tiến hành xem xét. Tuy vậy, cũng có trường hợp tại phiên toà sau khi công bố biên bản về hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng, bị cáo, người bị hại, người làm chứng hoặc người có liên quan mới phát hiện ra những điểm mô tả trong biên bản không đúng với thực tế thì Hội đồng xét xử vẫn cần phải quyết định xem xét tại chỗ. Ví dụ: như vụ Dâm ô tại Từ Sơn, Hội đồng xét xử cũng phải xuống tận hiện trường để xem xét tại chỗ.

3.2. Về trình tự xét hỏi đối với từng người

Bộ luật tố tụng hình sự không quy định phải hỏi ai trước, ai sau. Tuỳ thuộc vào vụ án hình sự cụ thể, khi nghiên cứu hồ sơ Chủ tọa phiên tòa có kế hoạch xét hỏi sao cho hợp lý. Thứ tự xét hỏi hợp lý không phải là thứ tự bất biến, phù hợp với tất cả các vụ án mà là thứ tự được xác định một cách hợp lý trên cơ sở nội dung từng vụ án cụ thể cũng như thái độ khai báo của những người tham gia tố tụng trong vụ án đó. Xác định thứ tự xét hỏi hợp lý thực sự là công việc không đơn giản, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, kĩ năng của người xét hỏi. Về nguyên tắc chung, theo chúng tôi, việc xác định thứ tự xét hỏi phải xuất phát từ nội dung xét hỏi (các vấn đề cần được làm rõ) trong từng vụ án, từ đặc điểm của những người tham gia tố tụng và phải đảm bảo nguyên tắc xác định sự thật vụ án. Về nội dung xét hỏi, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa cần lập kế hoạch xét hỏi trong đó nêu rõ những vấn đề cần làm sáng tỏ bao gồm các tình tiết định tội; các tình tiết định khung hình phạt; các tình tiết có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt như tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các đặc điểm về nhân thân của bị cáo; các tình tiết liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự, xử lý vật chứng, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trên cơ sở những vấn đề cơ bản đó, tùy từng vụ án cụ thể, thẩm phán cần xác định được một cách chính xác những điểm mấu chốt cần làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Từ nội dung các vấn đề cần xét hỏi, thẩm phán xác định thứ tự xét hỏi đối với từng vấn đề một. Cách thức xét hỏi theo vấn đề như vậy sẽ giúp quá trình xét hỏi được mạch lạc, rõ ràng, tránh sự trùng lặp, hỏi đi hỏi lại về cùng một vấn đề.

Khi hỏi bị cáo, đối với vụ án đồng phạm thì cần phải hỏi riêng từng bị cáo, nếu thấy lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì cần cách ly các bị cáo. Bị cáo bị cách ly, được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước. Đối với vụ án có đồng phạm, Hội đồng xét xử thường chọn bị cáo chính để hỏi trước, bị cáo khác hỏi sau hoặc hỏi bị cáo khai nhận tội rõ ràng trước với hi vọng bị cáo này sẽ cung cấp những tài liệu, chứng cứ quan trọng làm sáng tỏ ngay từ đầu hành vi phạm tội của bị cáo chính. Thứ tự xét hỏi này không vi phạm quy định của BLTTHS và trên thực tế đã phát huy tác dụng, giúp việc xét hỏi không bị kéo dài mà vẫn làm rõ được nội dung vụ án. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc xét hỏi bị cáo trước (nhất là bị cáo nhận tội) dễ tạo cảm giác không khách quan, khiến người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa cho rằng mọi việc xét hỏi sau đó chỉ nhằm củng cố lời nhận tội của bị cáo; bản thân hội đồng xét xử cũng khó tránh khỏi định kiến là bị cáo đã có tội và chỉ cần củng cố chứng cứ để kết tội.

Ví dụ: Trong vụ án đồng phạm, nếu bị cáo có vai trò đầu vụ mà thái độ khai báo thành khẩn thì hỏi trước, nếu bị cáo đầu vụ có thái độ khai báo thiếu thành khẩn hoặc có khả năng sẽ phản cung trước phiên tòa thì không nên hỏi trước mà hỏi các bị cáo có vai trò thứ yếu, quá trình hỏi nên dùng ngay lời khai của các bị cáo này để đấu tranh với bị cáo đầu vụ làm sáng tỏ ngay từ đầu hành vi phạm tội của bị cáo chính.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự, thì trước khi hỏi bị cáo, phải để bị cáo trình bày ý kiến của họ về bản Cáo trạng và những tình tiết của vụ án, sau đó mới hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc còn mâu thuẫn.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo. Đây là quy định mới và rất quan trọng đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, do đó tại phiên tòa nếu có những lời khai mâu thuẫn hoặc các bị cáo không thừa nhận bản Cáo trạng thì Kiểm sát viên phải có trách nhiệm chứng minh để bảo vệ bản Cáo trạng của mình, trong bản luận tội của Kiểm sát viên không phải chỉ nêu các tình tiết, chứng cứ buộc tội bị cáo mà còn phải nêu đầy đủ cả các tình tiết, chứng cứ gỡ tội cho bị cáo (nếu có). Nếu thông qua phần xét hỏi mà chứng minh bị cáo không phạm tội thì Kiểm sát viên còn phải rút quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ vụ án.

Trong vụ án có nhiều hành vi phạm tội hay có nhiều tội bị truy tố, Chủ tọa phiên tòa nên lựa chọn những hành vi cụ thể rõ ràng để hỏi trước. Tùy theo từng trường hợp cụ thể Hội đồng xét xử quyết định trình tự xét hỏi đối với từng người, đối với từng hành vi hoặc từng tội. Đối với hành vi hoặc tội phạm này thì hỏi bị cáo là người thực hành trước; nhưng đối với hành vi hoặc tội phạm khác thì có thể hỏi người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục trước…

Tuy Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định về trình tự xét hỏi. Song thực tế, việc xét hỏi đa phần do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa hỏi là chính và để xác định sự thật khách quan của vụ án có thể phải xét hỏi nhiều lần, cùng một lúc có thể xét hỏi nhiều người để kiểm tra tính xác thực của vụ án.

Ví dụ: Trong khi xét hỏi bị cáo, chủ tọa có thể yêu cầu người làm chứng, người bị hại hoặc các bị cáo khác trong cùng vụ án, khai báo để kiểm tra, đối chứng ngay tính khách quan, đúng đắn trong các câu trả lời của bị cáo. Điều này, giúp cho người xét hỏi xác định sự thật khách quan của vụ án toàn diện hơn.

Lưu ý, chỉ được công bố lời khai của người bị xét hỏi tại cơ quan điều tra, trong các trường hợp sau:

+ Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa có mâu thuẫn với lời khai của họ tại cơ quan điều tra.

+ Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa (từ chối khai báo tại tòa).

+ Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

Khi công bố lời khai của họ, Chủ tọa phiên tòa cần hỏi xem họ có còn nhớ lời khai của họ tại cơ quan điều tra hay không, rồi mới công bố lời khai, sau khi công bố lời khai cần yêu cầu họ khẳng định lời khai của họ. Nếu họ chối bỏ cần cho họ xem và xác nhận chữ ký của họ tại biên bản hỏi cung bị can hoặc biên bản ghi lời khai.

* Mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc đặt câu hỏi.

Việc đặt câu hỏi, có vai trò rất quan trọng trong quá trình xét hỏi, xác định sự thật của vụ án. Câu hỏi được đưa ra phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Thứ nhất: Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng về nội dung và xác định được đối tượng cần được làm rõ. Tránh trường hợp đặt câu hỏi dài dòng, vòng vo làm cho người được xét hỏi khó nắm bắt để trả lời. Trong quá trình đặt câu hỏi, có thể đặt ra các câu hỏi không trực tiếp liên quan đến đối tượng nhằm kiểm tra các chứng cứ, lời khai. Tuyệt đối không được đưa ra các câu hỏi mang tính đánh đố hoặc “mớm” cho người được xét hỏi  trả lời theo hướng đã định sẵn.

Thứ hai: Không nên đặt câu hỏi và yêu cầu người được xét hỏi chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Với tâm lý sợ hãi, mất bình tĩnh của người được xét hỏi tại phiên toà, nhất là các bị cáo thì việc đặt câu hỏi như vậy rất thiếu khách quan.

Ví dụ: Có vụ án về tội giết người xảy ra vào hồi 21h ngày 25/9/2009 tại nhà nghỉ A và bị cáo bị truy tố về tội giết người với vai trò là người thực hành. Để kiểm tra xem bị cáo có chứng cứ ngoại phạm không thì không được đặt câu hỏi “vào 21h ngày 25/9/2009 bị cáo có mặt ở nhà nghỉ A phải không?” để bị cáo trả lời “có” hoặc “không”; mà phải đặt câu hỏi “vào 21h ngày 25/9/2009, bị cáo đang ở đâu và làm gì?”. Hỏi như vậy để bị cáo nhớ lại và trả lời khi đó bị cáo đang ở đâu và làm gì. Câu trả lời của bị cáo đối với câu hỏi sẽ bảo đảm tính khách quan hơn vì đã huy động được tư duy khách quan của bị cáo.

Trong quá trình xét hỏi tránh trường hợp đôi co với người được xét hỏi. Trong vụ án có đồng phạm, cần xác định hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau, làm sao cho việc xét hỏi được thuận lợi nhất và làm sáng tỏ được sự thật khách quan của vụ án. Đôi khi không nhất thiết phải buộc các bị cáo đều phải trình bày lại các tình tiết của vụ án, khi hỏi bị cáo đầu tiên về các tình tiết của vụ án, nên kết hợp việc dùng các bị cáo khác, xác định lời khai của bị cáo đang được xét hỏi, khẳng định về các tình tiết của vụ án. Nếu có sự mâu thuẫn giữa lời khai của các bị cáo, cần tiến hành đối chất ngay tại phiên toà.

Lưu ý một số tình huống thường gặp khi xét hỏi:

– Đối với trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, mà có khó khăn trong việc khai báo thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu cha mẹ, người giám hộ của họ giúp đỡ để hỏi bị cáo. Nếu thấy có mặt của những người này làm cho bị cáo không dám khai, thì mời họ tạm rời khỏi phòng xử án. Sau khi bị cáo đã khai thì lại mời họ vào phòng xử án và nhắc lại nội dung mà bị cáo vừa khai báo để họ được biết.

– Đối với những trường hợp bị cáo nhận tội:

Trong trường hợp bị cáo nhận tội thành khẩn, thì Chủ tọa phiên tòa cũng không được chủ quan tin vào lời khai của bị cáo ngay, mà cần cho bị cáo trình bày đầy đủ các hành vi phạm tội và tình tiết của vụ án. Các tình tiết này phải thể hiện rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, cần dùng các chứng cứ khác để kiểm tra, chứng minh lời nhận tội của bị cáo là đúng. Cần xác định động cơ nhận tội của bị cáo để có phương án giải quyết vụ án thích hợp. Động cơ nhận tội của bị cáo có thể bao gồm:

Nhận tội do thực sự thành khẩn;

Nhận tội nhẹ để che giấu một tội khác nặng hơn;

Nhận tội thay người khác;

Nhận tội do bức xúc hay bất cần vì quá mệt mỏi trong quá trình điều tra và bị giam giữ lâu ngày nên nhận bừa cho xong;

Tại cơ quan Điều tra bị cáo không nhận tội, nhưng tại phiên toà lại nhận tội để mong được giảm nhẹ.

Vì việc nhận tội của bị cáo có thể do nhiều động cơ khác nhau, do vậy chỉ có thể kết luận bị cáo phạm tội khi lời nhận tội của họ phù hợp với các chứng cứ khác có trong vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội (Điều 72 BLTTHS).

– Đối với trường hợp bị cáo đổ lỗi cho người khác, chỉ nhận một phần về mình.

Trong trường hợp này, Chủ tọa phiên tòa phải hỏi những người tham gia tố tụng khác, kết hợp xem xét vật chứng, tài liệu khác có trong hồ sơ, kết hợp với xét hỏi các bị cáo khác, người làm chứng, bị hại, tiến hành đối chất, yêu cầu bị cáo giải thích… để xác định sự thật khách quan của vụ án, tìm những mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo và trong lời khai của bị cáo với những lời khai của những người tham gia tố tụng khác. Đặc biệt là đối với người mà bị cáo đổ lỗi sang cho họ. Nếu bị cáo khai có người khác cùng phạm tội với bị cáo mà chưa bị truy tố, Hội đồng xét xử cần xem xét kỹ lưỡng nếu lời khai của bị cáo có cơ sở thì tuỳ theo từng trường hợp có thể hoãn phiên toà để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc vẫn xét xử và kiển nghị Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án mới.

– Trường hợp bị cáo không nhận tội hoặc không khai báo: Bị cáo không nhận tội, do nhiều nguyên nhân, động cơ khác nhau. Trong mọi trường hợp thì Hội đồng xét xử vẫn phải xét hỏi đầy đủ, khách quan, toàn diện về vụ án. Khi gặp trường hợp này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hết sức bình tĩnh, song vẫn phải cứng rắn thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật, không để bị cáo lợi dụng sự dân chủ ở phiên tòa để đổ lỗi cho cơ quan Điều tra. Đồng thời, người xét hỏi cũng không được dụ cung, bức cung hoặc lợi dụng sự hiểu biết pháp luật hạn chế của bị cáo để buộc bị cáo khai báo không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

Trong trường hợp này Hội đồng xét xử, phải sử dụng phương pháp xét hỏi hợp lý để xác định sự thật của vụ án như xét hỏi xen kẽ, xem xét vật chứng, công bố tài liệu, đối chất. Đặc biệt, cần tập trung làm sáng tỏ lý do mà bị cáo không nhận tội. Hội đồng xét xử cần chú ý, khai báo không phải là nghĩa vụ của bị cáo, vì vậy không nên có thái độ khó chịu, bức xúc nóng nảy khi bị cáo không khai báo.

– Trường hợp bị cáo phản cung:

Trường hợp bị cáo phản cung là trường hợp bị cáo khai ngược hẳn lại với nội dung đã khai báo tại cơ quan Điều tra. Hội đồng xét xử phải tuỳ trường hợp (phản cung nhận tội hay chối tội) để thực hiện việc xét hỏi cho hợp lý. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử cần làm rõ động cơ phản cung của bị cáo, để từ đó tiến hành xét hỏi. Trong mọi trường hợp, Hội đồng xét xử vẫn phải chú trọng đến việc xét hỏi bị cáo và người tham gia tố tụng khác, công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, yêu cầu bị cáo trả lời lý do tại sao lại khai báo khác với lời khai tại cơ quan Điều tra. Tránh trường hợp khi bị cáo phản cung theo hướng nhận tội tại phiên toà thì Hội đồng xét xử cho rằng như vậy là bị cáo thật thà khai báo mà không xét hỏi gì thêm; còn phản cung chối tội thì cho rằng bị cáo ngoan cố, không thật thà khai báo để truy bức, ép cung. Bởi vì như vậy, nguy cơ xét xử oan người vô tội là rất cao. Trong mọi trường hợp, đặc biệt khi bị cáo chối tội, không khai báo hay phản cung chối tội thì Chủ tọa phiên tòa cần yêu cầu đại diện Viện kiểm sát thực hiện việc xét hỏi để bảo vệ bản Cáo trạng, bởi vì Tòa án, không phải là cơ quan có chức năng buộc tội mà chỉ làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án tại phiên tòa. Việc buộc tội là chức năng của Viện kiểm sát. Cho nên, trong trường hợp bị cáo không khai báo, không nhận tội bị truy tố, phản cung khai báo khác với nội dung đã nêu thì đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa có trách nhiệm xét hỏi để bảo vệ Cáo trạng.

Sau khi xét hỏi bị cáo xong, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi những người tham gia tố tụng khác như: người làm chứng, người bị hại, người giám định… tuỳ theo từng vụ án và diễn biến của phiên toà mà đặt câu hỏi cho hợp lý.

Những tình huống cần xử lý khi xét hỏi những người tham gia tố tụng:

– Có những trường hợp vì quá bực tức, xúc động, người bị hại yêu cầu “máu phải trả bằng máu” (các vụ án giết người), mà không khai về bồi thường thiệt hại. Hoặc có trường hợp họ xỉ vả, mắng nhiếc bị cáo, trách móc gia đình bị cáo gây nên không khí căng thẳng ở phiên tòa. Trong những trường hợp này Chủ tọa phiên tòa cần giải thích pháp luật cho người bị hại hiểu và nhắc nhở họ tôn trọng nội quy phiên tòa với thái độ mềm mỏng, không nên nóng nảy cắt lời khai của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại. Trường hợp người bị hại khai không đúng về mức độ thiệt hại để được bồi thường nhiều, Chủ tọa phiên tòa cần hỏi kỹ người bị hại về sự thiệt hại và việc chi phí nhằm chỉ rõ những điểm không hợp lý trong lời khai và yêu cầu của họ.

– Trong khi xét hỏi các nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị hại. Có thể các đương sự đã thoả thuận việc bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa; cũng có thể các đương sự thể hiện mong muốn thoả thuận bồi thường tại phiên tòa… Trong các trường hợp đó Chủ tọa phiên tòa cần chấp nhận cho họ tự thoả thuận với nhau và công bố kết quả thoả thuận của các đương sự để họ xác nhận công khai. Trường hợp các đương sự đã tự thoả thuận bồi thường trước khi mở phiên toà thì cần công bố bản thoả thuận để họ xác nhận và thể hiện ý chí tại phiên toà.

3.3. Kết thúc xét hỏi                    

Sau khi Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư… đã xét hỏi xong vụ án theo trình tự luật định, nếu thấy cần thiết phải làm sáng tỏ thêm một số tình tiết của vụ án làm cơ sở cho việc quyết định của Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa có thể tiếp tục xét hỏi thêm. Bởi vì, thông qua việc xét hỏi có thể mang tính để buộc tội hoặc gỡ tội của Kiểm sát viên, xét hỏi mang tính buộc tội hoặc gỡ tội của người bào chữa… có thể xuất hiện thêm các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án mà Hội đồng xét xử chưa lường hết được trong phần xét hỏi của mình.

Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì Chủ tọa phiên toà yêu cầu người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội. Chúng ta phải hiểu là người bị hại chỉ trình bày lời buộc tội chứ không phải là luận tội. Do vậy, khi phát biểu họ chỉ đề nghị Hội đồng xét xử kết tội bị cáo hoặc không kết tội bị cáo, nếu kết tội thì là tội gì và hình phạt như thế nào là đủ, mà không yêu cầu họ phải phân tích chứng cứ, pháp luật áp dụng như trong lời luận tội của Kiểm sát viên được.

Nếu nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xét hỏi đầy đủ và không ai đề nghị xét hỏi thêm Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc thủ tục xét hỏi tại phiên tòa chuyển sang phần tranh luận.

  1. Kỹ năng điều khiển phần tranh luận tại phiên tòa

4.1. Kỹ năng điều khiển trình tự phát biểu khi tranh luận

– Kiểm sát viên trình bày lời luận tội.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày lời luận tội.

Trong phần này cần lưu ý:

Chủ tọa phiên tòa không hạn chế thời gian luận tội của Kiểm sát viên. Trong quá trình Kiểm sát viên luận tội, Hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe và ghi chép để nắm được nội dung luận tội thể hiện quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát làm cơ sở cho việc điểu khiển tranh luận tiếp theo và thảo luận khi nghị án.

Nếu Kiểm sát viên, đề nghị kết tội bị cáo theo nội dung bản Cáo trạng hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử cần nắm được các căn cứ xác định bị cáo có tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự của bị cáo và các đề nghị của Kiểm sát viên về hình phạt, giải quyết bồi thường, xử lý vật chứng của vụ án.

Nếu Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên tòa trình bày ý kiến của họ về việc rút truy tố đó (khoản 2 Điều 221 BLTTHS). Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Thẩm phán phải ghi lại các căn cứ mà Kiểm sát viên xác định bị cáo không phạm tội, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội; nếu thấy việc rút truy tố không có căn cứ thì ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (khoản 2 Điều 222 BLTTHS).

Trường hợp Tòa án quyết định xét xử bị cáo theo khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt Viện kiểm sát truy tố và trong lời luận tội Kiểm sát viên chưa đề cập đến khung hình phạt nặng hơn đó, thì Chủ tọa phiên tòa cần đề nghị Kiểm sát viên tỏ thái độ về việc xử lý bị cáo theo khung hình phạt nặng hơn đó hay không.

Nếu quá trình Kiểm sát viên luận tội, Hội đồng xét xử không tập trung lắng nghe sẽ không nắm được đầy đủ chính xác nội dung lời luận tội, sẽ khó có thể ra một bản án đúng đắn. Thậm chí, không xác định được những tình tiết quan trọng của vụ án mà Kiểm sát viên chưa đề cập đến trong phần luận tội để yêu cầu Kiểm sát viên bổ sung những điểm thiếu trong phần luận tội.

– Những người tham gia tố tụng phát biểu khi tranh luận.

Sau khi phần luận tội của Kiểm sát viên xong, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo trình bày lời báo chữa nếu bị cáo không có Luật sư, nếu bị cáo có luật sư thì yêu cầu Luật sư của bị cáo trình bày bài báo chữa trước, bị cáo bổ sung sau.

Lưu ý, trong vụ án đồng phạm có nhiều bị cáo, nhiều Luật sư thì Chủ tọa phiên tòa nên yêu cầu người bào chữa cho bị cáo có vai trò chính bào chữa trước, sau đó đến những người bào chữa cho các bị cáo đồng phạm khác theo thứ tự vai trò của các bị cáo trong vụ án.

Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào nội dung từng vụ án, có thể có một số vụ án, một số bị cáo cùng thực hiện một hành vi phạm tội, thì Chủ tọa để những người bào chữa cho các bị cáo cùng thực hiện một tội phạm bào chữa xong mới yêu cầu người bào chữa cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội khác bào chữa. Ví dụ: Trong vụ án ma tuý có những bị cáo làm nhiệm vụ vận chuyển, có những bị cáo làm nhiệm vụ mua bán…

Chủ tọa phiên tòa nên hướng người bào chữa, bào chữa đúng trọng tâm mà họ nhận bào chữa, nếu họ bào chữa cả những vấn đề không liên quan đến bị cáo mà mình nhận bào chữa thì Chủ tọa phiên tòa có quyền cắt ý kiến của người bào chữa.

Hội đồng xét xử cần lưu ý những vấn đề người bào chữa đưa ra như:

Người bào chữa khẳng định, phủ định những vấn đề gì;

Người bào chữa đề nghị những vấn đề gì;

Các chứng cứ và căn cứ pháp lý mà người bào chữa đưa ra để bào chữa cho bị cáo.

Trong trường hợp bị cáo không có người bào chữa và tự bào chữa, nhưng do áp lực về tâm lý, do nhận thức pháp luật hạn chế mà không xác định được nội dung bào chữa thì Chủ tọa phiên tòa cần gợi ý cho bị cáo thể hiện quan điểm về tội danh, về hình phạt mà Viện kiểm sát đã đề nghị.

Sau phần bào chữa của bị cáo thì Chủ tọa yêu cầu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trình bày ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho họ. Chủ tọa lưu ý họ chỉ trình bày những ý chính, tránh để họ trình bày lan man, không liên quan đến vụ án hoặc quyền lợi của họ.

4.2. Điều khiển trong phần đối đáp

Chủ tọa phiên tòa điều khiển phần đối đáp theo trình tự yêu cầu Kiểm sát viên đáp lại ý kiến của người bào chữa, và những người tham gia tố tụng khác và phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến, phải có quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận các quan điểm của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Nếu Kiểm sát viên, không trả lời hoặc trả lời không đầy đủ thì Chủ tọa phiên tòa cần nhắc Kiểm sát viên phải trả lời đầy đủ những ý kiến của những người tham gia tố tụng. Sau khi Kiểm sát viên, đối đáp xong thì Chủ tọa phiên toà, yêu cầu người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trình bày những ý kiến đáp lại.

Lưu ý, tất cả những người tham gia tranh luận đều có quyền đáp lại ý kiến của người khác và Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận.

4.3. Giải quyết việc trở lại xét hỏi

Qua tranh luận, nếu thấy có những vấn đề chưa rõ, cần phải xem xét thêm mới có thể kết luận được thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại phần xét hỏi, khi đã hỏi rõ những vấn đề cần hỏi thêm, Chủ tọa phiên tòa tiếp tục cho tranh luận theo trình tự chung.

4.4. Bị cáo nói lời sau cùng

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Chủ tọa hỏi xem có ai có ý kiến gì thêm không. Nếu không có ai cần trình bày thêm, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần Nghị án. Chủ tọa phiên tòa cho bị cáo nói lời sau cùng.

Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian trình bày của bị cáo khi nói lời sau cùng. Hội đồng xét xử cần chú ý lắng nghe để nắm bắt được những điểm quan trọng nhất, không được đặt câu hỏi để yêu cầu bị cáo trả lời.

 Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án mà chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại xét hỏi để xác định cho rõ.

Sau khi bị cáo đã trình bày xong lời nói sau cùng, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố nghỉ nghị án. Nếu dự kiến việc nghị án kéo dài sang ngày khác thì Chủ tọa cần tuyên bố rõ thời gian tuyên án.

Lưu ý, trong thực tiễn có vụ án trong biên bản phiên tòa không thể hiện phần bị cáo được nói lời sau cùng do vậy Luật sư cho rằng đó là vi phạm nghiêm trọng tố tụng và vụ án đã bị huỷ. Ví dụ như vụ “Nguyễn Đăng Khoa Cố ý gây thương tích”.

  1. Nghị án và tuyên án:

5.1. Nghị án

Không ai được vào phòng nghị án khi Hội đồng xét xử đang nghị án. Khi bắt đầu, Chủ tọa phiên tòa, phải phổ biến nội dung nghị án với đầy đủ các nội dung cần nghị án thông qua diễn biến của phiên tòa. Khi nghị án, chủ tọa phiên tòa cần nêu rõ từng vấn đề nghị án như:

– Tội danh;

– Điều khoản áp dụng;

– Các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng;

– Hình phạt, vấn đề bồi thường thiệt hại;

– Xử lý vật chứng của vụ án;

– Án phí và quyền kháng cáo bản án.

Lưu ý, đối với mỗi vấn đề, Chủ tọa nêu nội dung cần thảo luận. Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định Thẩm phán biểu quyết sau cùng, chứ không quy định Chủ tọa phiên tòa phát biểu thảo luận sau cùng. Vì vậy, Chủ tọa phiên tòa có thể nêu quan điểm của mình trước hoặc sau khi Hội thẩm có ý kiến. Khi có vấn đề thảo luận chưa thống nhất, thì cần thẳng thắn trao đổi, Chủ tọa phải có trách nhiệm giải thích các quy định của pháp luật đối với các hội thẩm.

Cùng với việc chuẩn bị nội dung và chương trình nghị án, Chủ tọa cần chuẩn bị các văn bản pháp luật cần thiết có liên quan đến nội dung vụ án, để nếu cần thiết thì có thể tra cứu ngay phục vụ cho việc nghị án.

Một số tình huống có thể gặp khi nghị án:

– Nếu qua xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra, thì Hội đồng xét xử phải thảo luận về việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (nếu căn cứ khởi tố đã rõ) hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án (nếu căn cứ khởi tố vụ án chưa rõ, cần xác minh thêm). Nếu ra quyết định khởi tố vụ án, về hình thức phải ghi là quyết định khởi tố vụ án, nhưng trong quyết định có thể ghi là để điều tra về hành vi phạm tội cụ thể của một người nào đó.

– Giải quyết việc Viện kiểm sát rút quyết định truy tố tại phiên tòa: Sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn, Hội đồng xét xử vẫn thảo luận toàn bộ vụ án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận một phần việc rút truy tố đó. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố hoặc quyết định truy tố về tội danh nhẹ hơn thường thể hiện ở một số trường hợp sau:

+ Vụ án có một bị cáo và một hành vi phạm tội, tại phiên tòa Viện kiểm sát kết luận về tội danh nhẹ hơn;

+ Một bị cáo có nhiều hành vi phạm một tội, Viện kiểm sát rút bớt các hành vi bị truy tố;

+ Một bị cáo phạm nhiều tội, Viện kiểm sát rút truy tố về một tội;

+ Vụ án có nhiều bị cáo, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố đối với một vài bị cáo;

+ Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố, tức là rút toàn bộ Cáo trạng trước khi nghị án.

Trong những trường hợp trên, đặc biệt là trong trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng (người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…) trình bày ý kiến của mình về việc rút quyết định truy tố của đại diện Viện kiểm sát. Khi nghị án Hội đồng xét xử vẫn phải giải quyết tất cả những vấn đề của vụ án. Nếu việc rút một phần bản Cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát là có cơ sở thì Hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát. Nếu việc rút toàn bộ quyết định truy tố là có cơ sở thì Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nếu việc rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố là không có cơ sở thì Hội đồng xét xử cần quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên để xem xét việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát cấp dưới. Nếu Viện kiểm sát cấp trên vẫn đồng ý với việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát cấp dưới thì Viện kiểm sát cấp trên sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu Viện kiểm sát  cấp trên đồng ý với kiến nghị của Toà án thì sẽ ra quyết định huỷ bỏ quyết định rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố của Viện kiểm sát  cấp dưới và chuyển lại hồ sơ cho Toà án đã tạm đình chỉ vụ án. Toà án thụ lý và xét xử trong thời hạn 30 ngày theo thủ tục chung.

– Giải quyết trường hợp hoãn phiên tòa để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

+ Khi cần xem xét những chứng cứ quan trọng mà không thể bổ sung tại phiên toà được. Ví dụ: Tại phiên tòa, người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại xuất trình các chứng cứ, tài liệu chưa được cơ quan Điều tra thu thập, các chứng cứ này có thể làm thay đổi nội dung cơ bản của vụ án nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận, Hội đồng xét xử phải thảo luận và quyết định hoãn phiên tòa để yêu cầu điều tra bổ sung.

+ Khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác nặng hơn hoặc có đồng phạm khác:

 Theo Điều 196 Bộ luật hình sự, thì Tòa án không được xét xử về tội nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát  đã  truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Cho nên, thông qua việc xét hỏi tại phiên toà, có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác nặng hơn hoặc phát hiện đồng phạm khác trong một số trường hợp cần phải truy tố trong cùng một vụ án thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa và yêu cầu điều tra bổ sung.

+ Khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:

Đây là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố. Ví dụ: Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện kiểm sát để truy tố, Viện kiểm sát đã khởi tố thêm tội và truy tố luôn. Trong trường hợp này lẽ ra Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ lại cơ quan Điều tra để điều tra và kết luận điều tra bổ sung về hành vi bị khởi tố thêm sau đó hồ sơ mới được chuyển lại Viện kiểm sát để làm Cáo trạng truy tố. Đây là những vấn đề bắt buộc mà các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện thì coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong các trường hợp nêu trên, Hội đồng xét xử quyết định yêu cầu điều tra bổ sung. Hồ sơ được chuyển cho Viện kiểm sát để quyết định việc điều tra bổ sung. Việc yêu cầu điều tra bổ sung phải được lập biên bản tại phòng nghị án như biên bản nghị án. Nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án mình mà thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự hoặc Tòa án cấp trên thì Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án, quyết định chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

– Các tình tiết liên quan đến việc quyết định hình phạt:

Hội đồng xét xử cần thảo luận xem xét trong vụ án các bị cáo có những tình tiết tăng nặng ngoài các tình tiết định khung hình phạt hay không và gồm những tình tiết nào? Cần lưu ý theo quy định tại khoản 2 Điều 48 BLHS thì “những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt”.

Đối với các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử cũng cần xem xét kỹ càng bảo đảm nguyên tắc “có lợi cho bị cáo”, ngoài những tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 thì cũng cần xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ khác như quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS, nhưng phải được ghi nhận cụ thể trong bản án. Cũng cần lưu ý theo quy định tại khoản 3 Điều 46 “Những tình tiết giảm nhẹ được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt”.

– Việc quyết định hình phạt:

Việc quyết định hình phạt, cần phải căn cứ vào các quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự đó là: căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân vị cáo, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nếu bị cáo phạm nhiều tội hoặc ngoài tội phạm bị xét xử đối với bị cáo còn có bản án khác có hiệu lực pháp luật thì Hội đồng xét xử thảo luận và biểu quyết hình phạt của từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án theo quy định chung. Nếu vụ án có nhiều bị cáo, Hội đồng xét xử phải thảo luận và biểu quyết hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.

Cần chú ý quy định tại Điều 53 “Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm” là:

“Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”

Việc quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự, phải có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự. Nếu cho bị cáo hưởng án treo, cũng cần xem xét thoả mãn các quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.

Sau khi quyết định hình phạt tù, Hội đồng xét xử phải tính thời hạn chấp hành hình phạt tù. Nếu bị cáo đang bị tạm giam thì quyết định tiếp tục giam để bảo đảm thi hành án. Nếu bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách, khi tổng hợp hình phạt cần lưu ý xem bị cáo có bị tạm giam ở vụ án trước hay không để trừ thời gian tạm giam ở vụ án trước cho bị cáo. Nếu bị cáo được hưởng án treo cần lưu ý tính thời gian thử thách đối với bị cáo đã bị tạm giam thì phải áp dụng như hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và công văn số 99 ngày 01/07/2009 của TAND tối cao. Ví dụ: Bị cáo đã bị tạm giam sáu tháng. Tòa án xử phạt bị cáo hai năm tù và xét thấy có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 60 BLHS để cho hưởng án treo. Khi ấn định thời gian thử thách trong trường hợp này là ba năm [(02 năm – 06 tháng) x 2]. Khi quyết định, Tòa án ghi: “… xử phạt bị cáo hai năm tù, cho hưởng án treo; thời gian thử thách là ba năm, kể từ ngày…”. Nếu bị cáo đang tại ngoại mà cần phải bắt giam bị cáo thì Hội đồng xét xử quyết định bắt tạm giam bị cáo theo quy định tại Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự và được ghi trong biên bản nghị án và thực hiện bằng một quyết định riêng. Nếu trả tự do cho bị cáo cần tuân thủ đúng các quy định tại Điều 227 Bộ luật tó tụng hình sự.

Ngoài ra Hội đồng xét xử cần xem xét các vấn đề bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, án phí, tuyên quyền kháng cáo theo đúng các quy định của pháp luật.

– Lập biên bản nghị án:

Sau khi đã thảo luận Hội đồng xét xử quyết định bằng cách biểu quyết từng vấn đề như:

+ Tội danh;

+ Điều luật áp dụng;

+ Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự;

+ Hình phạt;

+ Vấn đề bồi thường thiệt hại;

+ Xử lý vật chứng, án phí…

 Về nguyên tắc khi biểu quyết Hội thẩm biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng và các vấn đề được quyết định theo đa số. Nếu thành viên nào có ý kiến thiểu số thì ý kiến đó được đưa ghi vào biên bản nghị án hoặc người đó có thể trình bày bằng văn bản lưu trong hồ sơ.

Biên bản nghị án phải ghi rõ:

+ Tên vụ án, tội danh Viện kiểm sát truy tố, theo điều khoản, điều nào của Bộ luật hình sự;

+ Ghi rõ họ tên của thành phần Hội đồng xét xử theo thứ tự Chủ tọa, Hội thẩm. Phải ghi rõ đầy đủ kết quả biểu quyết về từng vấn đề như:

+ Tội danh, điểm, khoản, điều luật áp dụng;

+ Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

+ Nếu bị cáo không phạm tội thì ghi rõ ý kiến thảo luận về chứng cứ xác định bị cáo không phạm tội và khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo;

+ Hình phạt áp dụng, cách tính thời hạn tù, việc bắt giam hay trả tự do cho bị cáo ngay sau khi tuyên án;

+ Vấn đề bồi thường thiệt hại;

+ Xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo và các đương sự. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải ký đầy đủ vào biên bản nghị án.

Lưu ý, việc ghi đầy đủ nội dung trong biên bản nghị án có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì các quyết định trong bản án thực chất là sao chép lại của quyết định nghị án. Do vậy, nếu trong Biên bản nghị án không ghi đầy đủ mà phần quyết định của bản án có sai sót thì không thể khắc phục sửa chữa được. Nếu thiếu một trong các chữ ký của thành viên Hội đồng xét xử thì bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong trường hợp thông qua nghị án, Hội đồng xét xử phải ra bản án theo ý kiến đa số của Hội đồng xét xử, nếu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đã làm hết trách nhiệm mà đa số Hội thẩm vẫn quyết định mà Thẩm phán cho là không đúng pháp luật không thuyết phục được… thì cũng phải ghi rõ trong biên bản nghị án hoặc bằng văn bản riêng đưa vào hồ sơ vụ án. Ngay sau khi tuyên án xong, phải báo cáo ngay với Chánh án để trao đổi với Viện kiểm sát để kháng nghị. Nếu Viện kiểm sát cùng cấp không kháng nghị thì Toà án hoặc Thẩm phán xử vụ án đó phải báo cáo lên Tòa án cấp trên, Viện kiểm sát cấp trên để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm để khắc phục sai lầm đó.

5.2. Tuyên án

Việc tuyên án là nhằm công bố bản án và các quyết định khác của Hội đồng xét xử một cách công khai trước phiên toà. Qua đó bị cáo và những người tham gia tố tụng khác biết được bản án hoặc những quyết định khác của Hội đồng xét xử về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trên cơ sở đó họ có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Khi tuyên án Chủ tọa hoặc có thể một thành viên của Hội đồng xét xử tuyên đọc nguyên văn bản án. Nếu bản án dài có thể các thành viên Hội đồng xét xử thay nhau đọc. Về nguyên tắc mọi người có mặt trong phòng xử án phải đứng dậy nghe tuyên đọc bản án, nếu bản án dài thì sau phần mở đầu Hội đồng xét xử có thể cho mọi người ngồi để nghe bản án, riêng các bị cáo vẫn phải đứng nghe tuyên toàn bộ bản án.

Lưu ý, khi tuyên án, người đọc bản án phải thể hiện sự đàng hoàng, trang nghiêm, đọc bản án cần dõng dạc, dứt khoát, phản ánh chính xác nội dung của bản án và các quyết định của Hội đồng xét xử. Sau khi tuyên án xong, Chủ tọa phiên tòa nên giải thích cho bị cáo và những người tham gia tố tụng biết quyền kháng cáo, thể thức kháng cáo, việc chấp hành bản án, giải thích về chế định án treo, nghĩa vụ của người được hưởng án treo trong thời gian thử thách… Nếu Hội đồng xét xử ra quyết định bắt giam bị cáo hay trả tự do cho bị cáo ngay sau khi tuyên án, Chủ tọa phiên tòa cũng phải công bố và cho thi hành ngay những quyết định đó đối với bị cáo.

Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phiên tòa, yêu cầu Công an dẫn giải các bị cáo về trại giam nếu bị cáo bị tạm giam hoặc bị bắt tạm giam tại phiên tòa. Nếu bị cáo được trả tự do ngay thì cần giải thích họ phải quay lại trại giam để làm các thủ tục cần thiết và nhận lại tài sản lưu ký nếu có.

Để thống nhất trong quá trình điều khiển phiên tòa, cũng như cách viết bản án hình sự sơ thẩm, qua nghiên cứu các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng như tham khảo ý kiến của một số tác giả có kinh nghiệm trong công tác xét xử, chúng tôi nêu nội dung Đề cương điều khiển phiên tòa như sau:

Về đề cương điều khiển phiên tòa:

1- Phần thủ tục bắt đầu xét xử

– Thư ký bấm chuông hoặc mời Hội đồng xét xử vào phòng xử án.

– Hội đồng xét xử vào phòng xử án (nên nhắc Kiểm sát viên phải vào trước chứ không vào cùng Hội đồng xét xử).

– Thư ký phiên tòa yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy.

– Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và mời mọi người trong hội trường xét xử ngồi xuống.

– Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử (khi đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu các bị cáo đứng dậy). Nếu vụ án có các phóng viên, báo đài đến dự và đưa tin phiên tòa thì Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cử đi công tác và phải hoạt động theo Luật báo chí, Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho các phóng viên tác nghiệp nhưng phải tôn trọng nội quy của phiên tòa.

– Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Thư ký phiên tòa, báo cáo danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa, cùng sự vắng mặt và có mặt của họ, lý do của sự vắng mặt.

– Chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước, lý lịch của bị cáo cùng những người tham gia tố tụng khác được triệu tập đến phiên tòa.

*Giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng.

+ Đối với bị cáo, theo Điều 50 và 188 BLTTHS thì bị cáo có quyền và nghĩa vụ sau:

Về quyền bao gồm các quyền:

– Được nhận bản kết luận điều tra, bản Cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập của Tòa án. (Các quyền này, các bị cáo phải được nhận trong giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử). Khi giới thiệu phần này cần hỏi luôn bị cáo xem họ đã nhận được các văn bản, quyết định trên hay chưa?;

– Được tham gia phiên tòa;

– Được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

– Được đưa ra các tài liệu, đồ vật, yêu cầu liên quan đến vụ án để bảo vệ quyền lợi của chính mình;

– Tự bào chữa, hoặc nhờ người bào chữa (Trong trường hợp có người bào chữa thì bị cáo (các bị cáo) vẫn  có quyền bổ sung hoặc từ chối nội dung mà  người bào chữa  đã bào chữa cho mình);

– Giới thiệu người bào chữa cho bị cáo biết và hỏi bị cáo xem có tiếp tục nhờ người bào chữa cho mình do Tòa án chỉ định hoặc do bị cáo hay gia đình bị cáo đã mời;

– Trình bày ý kiến tranh luận tại phiên tòa;

– Được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án;

– Kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật;

– Được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Về nghĩa vụ của bị cáo tại phiên tòa xét xử:

– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án;

– Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa;

– Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án;

– Bị cáo phải tôn trọng nội quy của phiên tòa;

– Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

* Đối với những người tham gia tố tụng khác:

– Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử và danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa, chủ tọa phiên tòa lần lượt giải thích quyền và nghĩa vụ của họ theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự như: Người bị hại (Điều 51); Nguyên đơn dân sự (Điều 52); Bị đơn dân sự (Điều 53); Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 54); Người làm chứng (Điều 55) (Lưu ý đối với người làm chứng bao giờ cũng yêu cầu họ có lời cam đoan trước phiên tòa về lời khai của mình); Người giám định (Điều 60); Người phiên dịch (điều 61).

* Hết phần giải thích quyền và nghĩa vụ, Chủ tọa phiên tòa  giới thiệu thành phần của Hội đồng xét xử (nếu có Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết thì giới thiệu và quy định chỗ ngồi của họ vì họ cần phải có mặt trong suốt thời gian xét xử);

– Giới thiệu Kiểm sát viên tham gia phiên tòa (nếu có Kiểm sát viên dự khuyết thì giới thiệu và quy định chỗ ngồi của họ, vì họ cũng cần phải có mặt trong suốt thời gian xét xử);

– Giới thiệu Thư ký Tòa án;

– Sau khi giới thiệu xong cần hỏi các bị cáo, và những người tham gia phiên tòa được triệu tập, xem có ai xin thay đổi Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa hay không? Nếu có thì hỏi rõ lý do xin thay đổi (Lưu ý không phải người tham gia tố tụng nào cũng được quyền xin thay đổi thành phần Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa. Theo quy định của BLTTHS chỉ có Người bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền lợi của đương sự);

– Hỏi Kiểm sát viên, người bào chữa có đề nghị thay đổi ai trong những người tiến hành tố tụng không?

– Hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra để xem xét hay không?

– Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt, thì Chủ tọa phiên tòa cũng phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

Nếu trường hợp có người xin thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký hoặc xin hoãn phiên tòa, thì Hội đồng phải vào hội ý, yêu cầu người bị xin thay đổi trình bày quan điểm của mình về việc bị đề nghị thay đổi, nếu thấy lý do xin thay đổi và xin hoãn phiên tòa không có căn cứ  thì Hội đồng xét xử vào công bố việc không chấp nhận lý do xin thay đổi người tiến hành tố tụng hay việc xin hoãn phiên tòa, và phiên tòa vẫn tiếp tục thì Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chuyển sang phần xét hỏi. Nếu chấp nhận yêu cầu xin thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu xin hoãn phiên tòa thì phải tuyên bố hoãn phiên tòa. Thời gian hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 194 BLTTHS là không quá 30 ngày.

2- Phần xét hỏi tại phiên tòa

– Đề nghị Kiểm sát viên đọc bản Cáo trạng;

– Tiến hành xét hỏi (theo đề cương xét hỏi đã chuẩn bị);

– Nếu việc xét hỏi đã đầy đủ thì Chủ tọa phiên tòa vẫn cần phải hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác xem họ có cần hỏi thêm vấn đề gì nữa không. Nếu có người đề nghị mà Hội đồng xét xử thấy việc xét hỏi thêm là cần thiết thì Chủ tọa phiên tòa cho xét hỏi tiếp. Nếu không có ai đề nghị xét hỏi thêm thì Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận.

3- Tranh luận tại phiên tòa

– Đề nghị Kiểm sát viên trình bày lời luận tội;

– Đề nghị người bào chữa trình bày lời bào chữa. Nếu có nhiều luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo thì thường họ có sự phân công ai bào chữa trước, ai bào chữa sau, Hội đồng xét xử nên chấp nhận sự phân công của họ. Nếu vụ án có nhiều bị cáo, có nhiều luật sư thì việc yêu cầu ai bào chữa trước, ai bào chữa sau, do Chủ tọa phiên tòa quyết định. Nên để cho tất cả người bào chữa trình bày hết lời bào chữa cho tất cả các bị cáo, sau đó Chủ tọa phiên tòa hỏi từng bị cáo xem họ có bổ sung gì thêm không.

– Bị cáo không có người bào chữa thì tự mình trình bày lời bào chữa;

– Những người tham gia tố tụng khác được triệu tập đến phiên tòa, nếu có người bảo vệ quyền lợi của cho họ thì người này được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích cho họ, còn họ có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.

* Đối đáp:

– Đề nghị Kiểm sát viên đáp lại ý kiến bào chữa của người bào chữa, của bị cáo. Nếu Kiểm sát viên từ chối đáp lại ý kiến bào chữa thì Chủ tọa phiên tòa phải nhắc và yêu cầu Kiểm sát viên thực hiện theo đúng quy định tại Điều 218 BLHS và theo tinh thần tranh tụng như Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã yêu cầu, không được hạn chế thời gian tranh tụng.

– Người bào chữa đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên;

– Những người tham gia tố tụng khác được triệu tập đến phiên tòa hoặc người đại diện hợp pháp của họ đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

– Sau khi Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, thì Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận.

Tuy nhiên, trong trường hợp qua tranh luận, mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.

* Bị cáo nói lời sau cùng. Chủ tọa không hạn chế thời gian, nhưng cần nhắc bị cáo nói ngắn gọn, đúng trọng tâm. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng trong việc xét xử vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại phần xét hỏi.

4- Nghị án

Hội đồng xét xử phải tuyên bố thời gian nghị án, ngày giờ tuyên án để những người tham gia phiên tòa biết (Nội dung của nghị án đã được phân tích tại phần trên).

5- Tuyên án

Cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự là:

“Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết”.

 

BÀI 3:

KỸ NĂNG ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

                                                                                                                     

  1. I. ĐỊNH TỘI DANH

1.1. Khái niệm định tội danh

Trong lý luận hình sự, việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự được hiểu là một quá trình đa dạng và phức tạp được tiến hành qua các giai đoạn nhất định như: giải thích pháp luật hình sự, xác định hiệu lực của văn bản pháp luật về không gian và thời gian, định tội danh, quyết định hình phạt… Trong đó, định tội danh là một trong những giai đoạn cơ bản, một trong những nội dung của quá trình áp dụng pháp luật. Định tội danh còn là tiền đề, cơ sở cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự khác và pháp luật tố tụng hình sự.

Nếu chúng ta hiểu rằng BLHS đánh giá về mặt pháp lý của Nhà nước đối những hành vi nguy hiểm cho xã hội, việc thực hiện tội phạm là thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã bị pháp luật hình sự cấm, thì định tội danh chính là xác định sự phù hợp của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm tương ứng được quy định trong pháp luật hình sự. Như vậy, định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với cấu thành tội phạm đã được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự.

Có nhiều dạng định tội danh khác nhau: chính thức và không chính thức; trong khoa học và trong hoạt động thực tiễn; định tội danh của những người thực hiện chức năng tố tụng khác nhau. Tuy nhiên, định tội danh của người có chức năng pháp lý, làm phát sinh hậu quả pháp lý nhất định đối với cá nhân hoặc tổ chức là quan trọng nhất. Vì vậy, trong trường hợp này, định tội phải được thực hiện trong phạm vi và giới hạn do luật quy định.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng định tội danh là hoạt động nhận thức, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự được thể hiện trên cơ sở xác định đầy đủ, chính xác, khách quan các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội được thực hiện, nhận thức đúng nội dung quy phạm pháp luật hình sự quy định cấu thành tội phạm tương ứng và xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm nhất định với các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội bằng các phương pháp và thông qua các giai đoạn do pháp luật quy định.

Từ khái niệm định tội danh trên, có thể xác định việc định tội danh bao gồm ba quá trình sau:

1- Xác định đầy đủ, chính xác, khách quan các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội được thực hiện trên thực tế. Quá trình này bao gồm các hoạt động chứng minh và thực hiện các biện pháp tố tụng khác theo quy định của BLTTHS;

2- Nhận thức đúng đắn quy định của BLHS về cấu thành tội phạm tương ứng bao gồm cả các yếu tố khách quan và chủ quan của tội phạm. Để thực hiện được tốt hơn quá trình này, chủ thể định tội danh phải được đào tạo, bồi dưỡng về mặt pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và nhận thức xã hội sâu sắc;

3- Xác định sự phù hợp giữa hành vi phạm tội cụ thể được thực hiện và cấu thành tội phạm tương ứng.

Ba quá trình trên được phân tích độc lập với nhau về mặt lý thuyết; nhưng trong thực tế nó liên quan chặt chẽ với nhau, quan hệ qua lại và hòa quyện với nhau thành một quá trình thống nhất được đồng thời thực hiện trong cả quá trình định tội danh mà không tách rời nhau.

1.2. Nội dung định tội danh

Áp dụng pháp luật là một quá trình gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Trong áp dụng pháp luật hình sự, định tội danh và quyết định hình phạt là các giai đoạn quan trọng, cơ bản của quá trình đó. Vậy việc định tội danh bao gồm những nội dung gì là một câu hỏi cần được xác định cụ thể.

Việc thực hiện đồng thời cả ba quá trình trong việc định tội danh nhằm đi đến những quyết định sau đây:

– Hành vi được thực hiện có cấu thành tội phạm hay không. Hay nói cách khác, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự có phạm tội hay không. Để trả lời câu hỏi này, ngoài các yếu tố khác, chủ thể định tội danh phải căn cứ vào khái niệm chung của tội phạm cũng như các quy phạm cụ thể quy định về tội phạm. Thông thường trong các trường hợp này, cần phải căn cứ vào đường lối xử lý (Điều 3); các trường hợp hành vi có tính nguy hiểm không đáng kể (khoản 3 Điều 8 BLHS); quy định về miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25, Điều 69 BLHS)…

– Xác định tội danh đối với hành vi phạm tội. Hay nói cách khác, xác định xem người bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạm tội gì, điều luật nào của BLHS  quy định về tội đó.

Thông thường, một hành vi cấu thành một tội phạm nhưng cũng có trường hợp một hành vi cấu thành nhiều tội phạm. Cũng có những trường hợp có sự tranh chấp về các cấu thành khác nhau về hành vi phạm tội thì chủ thể định tội danh cần xác định cụ thể cấu thành tội phạm nào phù hợp nhất với hành vi phạm tội được thực hiện để xác định tội danh cho chính xác. Trong lý luận về Luật Hình sự, thông thường sự tranh chấp về tội danh được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

+ Nếu đó là quan hệ giữa cấu thành chung và cấu thành riêng thì xác định tội danh theo cấu thành riêng. Ví dụ: hành vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây chết người (Điều 202) là trường hợp riêng của hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính (Điều 90). Hành vi này được định tội danh theo cấu thành riêng, tức tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ;

+ Nếu có sự tranh chấp giữa các cấu thành riêng với nhau cùng có dấu hiệu tăng nặng (hoặc cùng có dấu hiệu giảm nhẹ) đặc biệt thì xác định tội danh theo cấu thành nặng nhất (hoặc nhẹ nhất). Ví dụ: hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95) trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96) thì xác định hành vi cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

+ Nếu có sự tranh chấp giữa cấu thành riêng với nhau vừa có dấu hiệu tăng nặng đặc biệt, vừa có dấu hiệu giảm nhẹ đặc biệt thì xác định tội danh theo cấu thành giảm nhẹ hơn. Ví dụ: hành vi giết trẻ em (điểm e khoản 1 Điều 93) trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95) cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95) v.v…

Đồng thời với việc xác định tội danh, chủ thể xác định điều luật nào của BLHS quy định về trường hợp phạm tội đó. Thông thường tội phạm do các điều luật tương ứng của phần các tội phạm quy định. Nhưng cũng có những trường hợp còn do các quy định ở phần chung quy định như chuẩn bị phạm tội (Điều 17), phạm tội chưa đạt (Điều 18), đồng phạm (Điều 20) v.v…

– Xác định khung hình phạt: sau khi xác định tội danh, tức là xác định tội phạm được thực hiện được điều luật nào của BLHS quy định, chủ thể định tội danh tiếp tục xác định khung hình phạt cần áp dụng đối với người phạm tội. Để xác định khung hình phạt tăng nặng hay giảm nhẹ, trước hết hành vi của người phạm tội phải thoả mãn các dấu hiệu đặc trưng của cấu thành cơ bản được quy định trong điều luật. Thông thường các cấu thành cơ bản được quy định trong khung 1 của điều luật. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Ví dụ: cấu thành cơ bản của tội giết người được quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS, còn khung tăng nặng được quy định tại khoản 1 điều luật đó; cấu thành một số tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Một điều cần chú ý là khi xác định khung hình phạt, việc định tội danh bao gồm cả việc xác định các điểm cụ thể được nhà làm luật quy định trong khung đó hình phạt đó.

1.3. Ý nghĩa của việc định tội danh

Định tội danh là một giai đoạn cơ bản của việc áp dụng pháp luật hình sự. Việc định tội danh đúng có ý nghĩa  chính trị – xã hội, đạo đức và pháp lý rất lớn.

– Đạo luật hình sự thể hiện ý chí về mặt Nhà nước của nhân dân ta đối với vấn đề đấu tranh với tình hình phạm tội. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh đạo luật hình sự trong khi định tội danh là điều kiện cần thiết và quan trọng của việc thực hiện chính sách của Nhà nước trong phòng chống tội phạm.

Do vậy, việc định tội danh đúng là biểu hiện của việc thực hiện đúng biện pháp chính trị, thực thi đúng chính trị, thực thi đúng ý chí của dân đã được thể hiện trong luật, bảo vệ có hiệu quả các lợi ích của xã hội, của Nhà nước và công dân.

Định tội danh thể hiện việc đánh giá chính trị – xã hội và pháp lý đối với những hành vi nhất định. Định tội danh đúng sẽ loại trừ việc kết án vô căn cứ những người có hành vi không nguy hiểm cho xã hội, không trái pháp luật hình sự và tạo tiền đề pháp lý cho việc quyết định hình phạt công bằng đối với những người phạm tội.

– Hậu quả của việc định tội danh rất phức tạp. Nhưng  hậu quả cơ bản nhất trong số đó là việc áp dụng hình phạt hoặc những biện pháp tác động khác do luật quy định. Do đó, việc định tội danh ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc định tội danh sai không chỉ làm cho việc quyết định hình phạt không đúng, không công bằng, mà còn áp dụng không có căn cứ, hoặc không áp dụng một loạt các hạn chế pháp lý khác (quyết định hình phạt bổ sung), áp dụng hoặc không áp dụng đặc xá, miễn trách nhiệm hình sự, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tính toán không đúng thời hiệu, án tích… Cần phải lưu ý rằng nếu do sai lầm trong việc định tội danh và sai lầm đó làm cho việc quyết định hình phạt không phù hợp với hành vi đã thực hiện, làm cho bị cáo phải gánh chịu, nếu có việc định tội danh đúng, thì sai lầm đó đã vi phạm một cách thô bạo các lợi ích hợp pháp của người bị kết án.

Cũng không kém phần nguy hại trong những trường hợp ngược lại, khi hành vi của người có lỗi cấu thành tội phạm nghiêm trọng hơn nhưng lại định tội danh theo tội nhẹ hơn. Trong trường hợp đó người có lỗi chịu hình phạt ít nghiêm khắc hơn hình phạt đáng lẽ người đó phải chịu theo luật, còn tội phạm lại được đánh giá nhẹ về đạo đức, chính trị và pháp lý một cách thiếu cơ sở. Điều đó làm giảm nhẹ hiệu quả của công tác đấu tranh với tình hình tội phạm và cùng lúc gây ra sự căm phẫn hợp pháp của nhân dân, làm nảy sinh những quan niệm không đúng về thực trạng và các biện pháp đấu tranh với tội phạm, làm giảm uy tín của các cơ quan tư pháp. Rõ ràng đó là những vi phạm nghiêm trọng các đòi hỏi của nguyên tắc công bằng, pháp chế.

– Việc định tội danh đúng cũng có ý nghĩa tố tụng hình sự quan trọng. Định tội danh đúng làm cơ sở cho việc kết thúc điều tra, truy tố có cơ sở; là cơ sở để xác định các loại thẩm quyền; áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng (biện pháp ngăn chặn); áp dụng các thời hạn tố tụng… giúp cho các hoạt động tố tụng được thực hiện đúng đắn, bảo đảm lợi ích công dân.

– Từ góc độ tội phạm học, định tội danh đúng giúp cho việc thống kê, xác định chính xác tình hình tội phạm để trên cơ sở đó đánh giá chính xác tình hình tội phạm và có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

1.4. Cơ sở pháp lý của việc định tội danh

1.4.1. Bộ luật hình sự

Pháp luật hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình định tội danh. Trước hết, pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý của việc định tội danh. Bởi vì bản chất của quá trình định tội danh là quá trình tìm sự giống nhau giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được xác định với các dấu hiệu tương ứng của cấu thành tội phạm do BLHS quy định. Như vậy, pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý của việc xác định một hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trong thực tế là tội phạm; hay nói cách khác, pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý của việc định tội vì pháp luật hình sự quy định cấu thành tội phạm  mà nhờ đó ta xác định được sự phù hợp của các dấu hiệu của một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể được coi là cơ sở thực tế của việc định tội danh.

Với ý nghĩa là cơ sở pháp lý của việc định tội danh, pháp luật hình sự quy định, liệt kê tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội được đánh giá là hành vi phạm tội trong BLHS. Đó là sự liệt kê đầy đủ, thể hiện nguyên tắc “Chỉ người nào phạm tội đã được Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều đó loại trừ khả năng cho phép bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào được phép mở rộng, thu hẹp hay có bất cứ hành vi sửa đổi nào theo ý chí của cơ quan, tổ chức hay cá nhân đó.

Nói tóm lại, cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS là cơ sở pháp lý duy nhất của việc định tội danh. Khi định tội, chủ thể chỉ việc lấy các quy định của BLHS làm căn cứ duy nhất để so sánh với hành vi phạm tội đã được thực hiện trên thực tế.

1.4.2. Các quy định pháp luật hình sự được áp dụng khi định tội danh

Kết quả của việc định tội danh là rút ra kết luận rằng hành vi nguy hiểm cho xã hội đang xử lý được quy phạm nào của BLHS quy định. Kết quả của việc định tội danh cần phải có sự viện dẫn điều khoản cụ thể của BLHS .

BLHS nước ta gồm hai phần là quy phạm pháp luật phần chung và quy phạm pháp luật phần riêng. Trong đó phần chung nêu nhiệm vụ, nguyên tắc, chế định cơ bản của Luật Hình sự Việt Nam. Các quy định ở phần chung không nêu dấu hiệu cụ thể của bất kỳ hành vi phạm tội nào.

Phần các tội phạm nêu mô hình cụ thể của tội phạm và chế tài tương ứng đối với mỗi tội phạm được quy định đó. Phần chung và phần các tội phạm của BLHS có mối liên hệ mật thiết với nhau. Việc áp dụng phần các tội phạm phải dựa trên các luận điểm chung và nguyên tắc được quy định ở phần chung của BLHS. Tình tiết đó phải được cân nhắc khi tiến hành định tội danh đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội. Định tội danh có mục đích là trên cơ sở pháp lý cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một con người về hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện. Trong lĩnh vực pháp luật, định tội danh có nghĩa là lựa chọn một quy phạm pháp luật mà nó đề cập tới trường hợp cụ thể nào đó. Quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm quy định trách nhiệm hình sự đối với mỗi hành vi phạm tội. Nhưng những quy định này phải dựa trên những nguyên tắc, điều kiện được nêu ra trong các quy phạm phần chung. Còn bản thân quy phạm pháp luật phần chung lại không có ý nghĩa nếu thiếu quy phạm pháp luật phần riêng. Quy phạm pháp luật phần chung và quy phạm pháp luật phần riêng có mối quan hệ chặt chẽ, không thể thiếu trong định tội danh với ý nghĩa là cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Như vậy, khi tiến hành định tội danh đối với mỗi hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải căn cứ vào cả quy định phần chung và quy định phần các tội phạm của BLHS, đồng thời phải viện dẫn một cách chính xác và đầy đủ điều, khoản, điểm hay một số điều luật liên quan, bao quát được toàn bộ hành vi nguy hiểm cho xã hội được nêu trong phần các tội phạm của BLHS.

Khi áp dụng quy phạm pháp luật cần đặc biệt chú ý tới hiệu lực của điều khoản được viện dẫn về không gian và thời gian, trong đó có quy định về hiệu lực hồi tố của BLHS. Có vậy thì việc định tội mới đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đó.

1.4.3. Cấu thành tội phạm – mô hình pháp lý của việc định tội danh

Định nghĩa về tội phạm cụ thể được nêu trong quy phạm pháp luật BLHS tồn tại như một mô hình về tội phạm làm cơ sở pháp lý cho việc định tội danh. Mô hình đó thể hiện dưới dạng một cấu thành cụ thể. Và sự đánh giá tội phạm về phương diện pháp lý của Nhà nước được thể hiện dưới dạng cấu thành tội phạm đó.

Cấu thành tội phạm bao gồm những dấu hiệu cần và đủ. Nó gồm những dấu hiệu cần vì nếu thiếu một trong các dấu hiệu đó thì cấu thành tội phạm không được xác định. Đồng thời đó cũng là những dấu hiệu đủ cho một cấu thành tội phạm vì không cần thêm một dấu hiệu nào cho bất cứ một cấu thành tội phạm nào vì nó đã được xác định và có đủ cơ sở để phân biệt với một cấu thành tội phạm cụ thể này với cấu thành tội phạm khác. Điều đó không loại trừ việc xác định các tình tiết thực tế khác nhau nhằm mục đích cá thể hoá hình phạt.

Cấu thành tội phạm là một sự trừu tượng mang tính khoa học, là mô hình chung nhất cho tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng loại. Bởi vậy, cấu thành tội phạm không đề cập tới tất cả các dấu hiệu, đặc điểm của tội phạm ấy, mà nó chỉ đề cập tới tất cả các dấu hiệu điển hình nhất, cần và đủ trong các hành vi tội phạm cùng loại đó và thể hiện bản chất của tội phạm đó. Đó là những dấu hiệu tối cần thiết cho những hành vi mà người làm luật dự trù cho mô hình tội phạm trong điều luật. Trong điều kiện đó, mô hình tội phạm phải đảm bảo tính dễ hiểu không chỉ đối với cán bộ pháp lý, mà còn đối với mọi công dân khác nhằm thực hiện nhiệm vụ của BLHS trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Điều đó cho chúng ta hiểu quan hệ giữa định nghĩa về một loại tội phạm với một loại tội phạm là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái đơn nhất.

Như vậy làm rõ định nghĩa về cấu thành tội phạm cho chúng ta hiểu trong một vụ án việc xác định các dấu hiệu của cấu thành tội phạm là cần và đủ cho việc định tội danh. Bên cạnh đó, để giải quyết vụ án cụ thể còn có nhiều các tình tiết khác có ý nghĩa pháp lý như cá thể hoá hình phạt, xác định nguyên nhân điều kiện phạm tội… Nhưng trong một vụ án việc xác định các dấu hiệu của cấu thành tội phạm là đủ cho việc định tội đối với một hành vi phạm tội cụ thể; việc làm sáng tỏ tình tiết khác sẽ nằm ngoài giai đoạn định tội danh.

Cấu thành tội phạm là mô hình pháp luật của các tội phạm thuộc một loại tội nhất định, vì nó bao gồm những dấu hiệu cần thiết điển hình và cơ bản nhất của tội phạm. Ở đây cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý duy nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự; còn cơ sở thực tế để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người là việc thực hiện hành vi chứa dựng các yếu tố cấu thành tội phạm. Điều đó loại trừ nguyên tắc tương tự trong pháp luật hình sự, đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong pháp luật hình sự, đảm bảo cho việc xét xử được tiến hành trên cơ sở pháp luật, ý thức pháp luật, cho phép Toà án được xem xét đầy đủ các tình tiết của vụ án.

Như vậy, cấu thành tội phạm là cơ sở duy nhất của việc định tội danh, là mô hình pháp lý có các dấu hiệu cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, từ góc độ lập pháp, người làm luật cần quy định chính xác, cụ thể, xác định rõ ràng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm để có thể chứng minh được trong thực tế và phân biệt với các cấu thành khác; từ góc độ áp dụng pháp luật, người định tội danh cần nhận thức chính xác, đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

1.5. Định tội danh theo các yếu tố của cấu thành tội phạm

Tội phạm là một thể thống nhất gồm bốn yếu tố: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan. Các yếu tố này quan hệ chặt chẽ với nhau, thế nhưng mỗi yếu tố lại có ý nghĩa riêng và có thể tách ra nghiên cứu một cách độc lập tương đối trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Vì vậy, trong khoa học pháp lý hình sự khi nghiên cứu quá trình định tội danh người ta tách riêng xem xét việc định tội danh theo từng nhóm dấu hiệu nêu trên của tội phạm.

Theo truyền thống, việc định tội danh được tiến hành theo các nhóm yếu tố đặc trưng của cấu thành tội phạm. Định tội danh theo các nhóm yếu tố khách quan của tội phạm (khách thể và mặt khách quan) và định tội danh theo các nhóm yếu tố chủ quan của tội phạm (chủ thể và mặt chủ quan).

1.5.1. Định tội danh theo khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm có vai trò rất lớn trong quá trình định tội danh qua việc xác định khách thể chung, khách thể loại, khách thể trực tiếp. Nó cho ta định hướng tìm trong hệ thống pháp luật hình sự một quy phạm cần thiết.

– Khách thể chung của tội phạm là toàn bộ quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của hành vi phạm tội. Các thành phần cơ bản của khách thể chung của tội phạm được quy định trong Điều 8 BLHS. Đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ Nhà nước, chế độ kinh tế và sở hữu xã hội chủ nghĩa, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Ý nghĩa pháp lý của khách thể chung đối với việc định tội danh thể hiện ở chỗ: căn cứ vào khách thể chung người định tội xác định người thực hiện hành vi có phạm tội hay không.

– Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm phạm của một nhóm tội phạm. Nó được xác định qua tên gọi của chương trong BLHS. Mỗi chương có thể là một khách thể cùng loại hay một số khách thể cùng loại. Ngoài tên gọi của chương, khách thể loại còn có thể được xác định qua việc chỉ dẫn các mục hoặc các quy định trong các điều luật cụ thể. Người làm luật của nước ta đã căn cứ vào khách thể loại để phân các tội phạm thành các chương trong phần các tội phạm.

Ý nghĩa pháp lý của khách thể loại đối với việc định tội thể hiện ở chỗ: căn cứ vào khách thể loại, người định tội danh xác định hành vi phạm tội được quy định ở chương nào của BLHS để làm cơ sở xác định cấu thành cụ thể ở bước tiếp theo. Trên thực tế, một hành vi phạm tội thường xâm phạm nhiều khách thể loại khác nhau và người làm luật cũng có cách xử lý khác nhau đối với trường hợp đó. Ví dụ rõ nhất là tội cướp tài sản: hành vi cướp cùng một lúc xâm hại hai khách thể loại tính mạng, sức khoẻ của con người và quan hệ sở hữu. Thế nên hành vi đó có thể phạm hai tội cướp tài sản và giết người (nếu là lỗi cố ý đối với cái chết hoặc hậu quả chỉ là gây thương tích, gây thiệt hại cho sức khoẻ). Vì vậy trong quá trình định tội danh việc xác định khách thể loại, khách thể nào là quan trọng, chủ yếu, thứ yếu để xác định nhóm tội phạm là cực kỳ quan trọng trong bước thứ hai của việc định tội theo khách thể của tội phạm.

– Khách thể trực tiếp là quan hệ xã hội cụ thể do hành vi phạm tội trực tiếp xâm phạm được Luật Hình sự bảo vệ. Căn cứ vào khách thể trực tiếp, người định tội xác định được cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với hành vi phạm tội của người phạm tội.

Như vậy, từ góc độ định tội danh theo khách thể của tội phạm, quá trình xác định khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp của tội phạm là quá trình tìm câu trả lời cho các câu hỏi người thực hiện hành vi có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm loại tội nào, cụ thể là tội gì và từ đó tìm ra điều luật cụ thể cần áp dụng đối với người phạm tội.

Khi định tội cần phân biệt khách thể tội phạm với đối tượng của sự xâm hại của hành vi phạm tội. Đối tượng của tội phạm là những vật thể cụ thể thuộc thế giới vật chất mà hành vi nguy hiểm cho xã hội của kẻ phạm tội tác động đến. Đối tượng của tội phạm thường được quy định trong phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự. Trong nhiều trường hợp việc liệt kê đầy đủ, chính xác đối tượng của sự xâm hại được dùng làm cơ sở để phân biệt cấu thành tội phạm này với cấu thành tội phạm khác. Theo quy định của pháp luật hình sự, đối tượng của tội phạm có ý nghĩa pháp lý khác nhau được thể hiện ở ba cấp độ trong xử lý tội phạm.

Thứ nhất, đối tượng tác động của tội phạm là yếu tố có ý nghĩa định tội.

Thứ hai, một số trường hợp đối tượng phạm tội là tình tiết định khung của tội phạm.

Thứ ba, trong các trường hợp, nếu không phải là yếu tố định tội danh, định khung hình phạt, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

1.5.2. Định tội danh theo mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan là mặt bên ngoài của hành vi phạm tội do Luật Hình sự quy định. Theo quan điểm truyền thống, mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả nguy hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác nhau của đặc trưng cho mặt khách quan của tội phạm, đó là hoàn cảnh, thời gian, công cụ, phương tiện phạm tội…

– Xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội trong quá trình định tội danh.

Hành vi phạm tội là hoạt động khách quan bên ngoài của người phạm tội. Hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động. Trong hành động, người phạm tội thực hiện những động tác cơ học của cơ thể mà luật cấm. Trong không hành động, người phạm tội không thực hiện những động tác mà mình có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được.

Để định đúng tội danh việc xác định, phân loại được cấu thành tội phạm (cấu thành nào hành vi chỉ là hành động, cấu thành nào hành vi chỉ là không hành động, cấu thành nào là có cả hành động và không hành động) có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong quá trình định tội danh, người tiến hành định tội danh phải chú ý, hành động tội phạm có thể là một động tác xảy ra một lần trong thời gian ngắn (như cướp giật tài sản của người khác trong khi đi đường) hoặc là tổng hợp các động tác như ở đa số các tội phạm. Nó có thể lặp đi lặp lại một thời gian kéo dài, hoặc cũng có thể là tác động trực tiếp của con người vào đối tượng của tội phạm, cũng có thể là tác động gián tiếp thông qua phương tiện kỹ thuật, máy móc, súc vật hay xử sự của người khác. Hành động có thể thể hiện qua lời nói hoặc việc làm.

– Xác định hậu quả của tội phạm trong quá trình định tội danh.

Hậu quả của tội phạm là những thay đổi trong thế giới khách quan do hành vi phạm tội gây ra đối với các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ. Hậu quả của tội phạm có thể ở dạng vật chất tức là con người biết được bằng giác quan của mình như thiệt hại về tài sản, về tình trạng sức khoẻ… Hậu quả cũng ở dạng phi vật chất, con người có thể nhận thức được bằng con đường tư duy, như làm thiệt hại đến các quyền tự do công dân, gây mất trật tự, an ninh, làm ảnh hưởng đến an ninh…

Trong lý luận hình sự Việt Nam người ta căn cứ vào ý nghĩa của hậu quả phạm tội đối với việc định tội danh và hình thức cấu tạo của quy phạm pháp luật để phân chia thành các loại cấu thành tội phạm khác nhau:

Cấu thành vật chất, là cấu thành mà mặt khách quan bao gồm cả hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Để xác định là tội phạm hoàn thành khi định tội danh phải xác định tất cả các tình tiết đó.

Cấu thành hình thức là cấu thành có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Còn hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với việc định tội danh, tức là để định tội danh chỉ cần xác định hành vi là đủ.

Trong luật hình sự người ta phân biệt 3 hậu quả của tội phạm:

Thứ nhất: Hậu quả được quy định với tính cách là một yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả tội phạm trong trường hợp này có ý nghĩa định tội. Để định tội danh đúng bắt buộc phải xác định hậu quả của tội phạm.

Thứ hai: Hậu quả của tội phạm tuy không có ý nghĩa định tội danh nhưng lại có ý nghĩa định khung.

Thứ ba: Hậu quả không được luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và không có ý nghĩa định khung tăng nặng cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quyết định hình phạt.

Từ cách phân chia đó, chúng ta thấy rằng để định tội danh người áp dụng luật chỉ cần xác định hậu quả thứ nhất và thứ hai. Thế nhưng để giải quyết đúng đắn toàn diện vụ án cần phải xác định mọi hậu quả của tội phạm. Bởi vì nếu không có ý nghĩa định tội danh thì ít nhất hậu quả của tội phạm cũng có ý nghĩa trong quyết định hình phạt, trong quyết định bồi thường thiệt hại.

– Xác định quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm trong quá trình định tội danh.

Để xác định quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả nguy hiểm xảy ra cần phải xác định được các dấu hiệu sau:

– Nguyên nhân bao giờ cũng có trước, hậu quả có sau. Không thể có nguyên nhân xảy ra sau hoặc đồng thời với hậu quả. Dấu hiệu này tuy không giữ vai trò quyết định, nhưng là dấu hiệu nhận biết đầu tiên cho việc kiểm tra sự tồn tại của quan hệ nhân quả. Nếu xác định dấu hiệu này không thoả mãn thì có thể loại trừ được sự tồn tại quan hệ nhân quả. Đây chính là ý nghĩa thực tiễn của việc xác định dấu hiệu về thời gian.

– Hành vi trái pháp luật độc lập hoặc tổng hợp với một hoặc nhiều hiện tượng khác đã làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Được coi là quan hệ có tính chất nội tại khi hậu quả nằm ngay trong hành vi, hành vi mang trong bản thân nó mầm mống sinh ra hậu quả. Chính hành vi, bằng sự vận động nội tại của nó trong những điều kiện nhất định sinh ra hậu quả.

Được coi là quan hệ có tính tất nhiên khi một hành vi, trong những điều kiện nhất định sẽ làm phát sinh hậu quả chứ không thể có hậu quả khác được. Toà án nhân dân tối cao qua việc tổng kết kinh nghiệm xét xử, đã hướng dẫn chỉ khi nào hành vi có nhiều khả năng đưa lại hậu quả, thì hậu quả ấy mới có tính tất nhiên, và giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra mới coi là có quan hệ nhân quả.

Hay nói cách khác, hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế nói trên của hành vi trái pháp luật. Trong cùng điều kiện như những điều kiện của trường hợp cụ thể mà hậu quả đã xảy ra, khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả trở thành hiện thực là tất nhiên, không tránh khỏi. Trong thực tiễn xét xử, đôi khi dễ quên dấu hiệu thứ ba này. Việc xét đến dấu hiệu thứ ba này rất quan trọng vì thực tế có thể có trường hợp hành vi của một người tuy có khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng khả năng đó chưa phát huy, thì hành vi trái pháp luật của người khác đã xen vào và gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

– Hoàn cảnh, thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội và việc định tội danh.

Hành vi phạm tội nào cũng được thực hiện trong một địa điểm, thời gian, hoàn cảnh nhất định, bằng những phương tiện, công cụ này hoặc công cụ khác. Các yếu tố này đều thuộc mặt khách quan của tội phạm nhưng ý nghĩa pháp lý của chúng về mặt định tội danh có khác nhau với những dấu hiệu đã trình bày ở trên.

1.5.3. Định tội danh theo chủ thể của tội phạm

– Xác định trường hợp một người không có năng lực trách nhiệm hình sự

Xác định một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự gồm:

+ Người đó đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác;

+ Mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Người không có năng lực trách nhiệm hình sự phải có cả hai yếu tố trên. Thiếu một trong hai yếu tố thì người thực hiện hành vi nguy hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Xác định tuổi của người phạm tội trong quá trình định tội danh.

Pháp luật hình sự nước ta quy định lứa tuổi tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện. BLHS quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (khoản 1 Điều 12). Đây là một nguyên tắc chung. Như vậy, theo nguyên tắc này, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về bất kỳ một hành vi phạm tội nào được quy định trong BLHS.

Tuy nhiên, về thực tế trách nhiệm hình sự về một số tội phạm chỉ xuất hiện khi người phạm tội ở vào lứa tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, thí dụ về tội trốn nghĩa vụ quân sự (Điều 259), tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp (Điều 252) và một số các tội khác pháp luật hình sự quy định một ngoại lệ trong nguyên tắc chung về lứa tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Định tội danh đối với các tội phạm do chủ thể đặc biệt thực hiện.

Ngoài những đặc điểm đã nêu ở trên, trong quá trình định tội danh các hành vi nguy hiểm cho xã hội có một số đặc điểm cá nhân của người phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn định tội danh các hành vi nguy hiểm cho xã hội của một người theo các điều luật về các tội phạm về chức vụ, các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân và một số tội phạm khác, ngoài đặc điểm có năng lực chịu trách nhiệm, lứa tuổi tối thiểu, chủ thể phải có một số những đặc điểm khác. Những đặc điểm này là cơ sở để coi bị cáo là một chủ thể đặc biệt của tội phạm. Như vậy, trong quá trình định tội danh các hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phân biệt những dấu hiệu đặc biệt chỉ có ở chủ thể của một số dạng tội phạm riêng biệt.

Trong pháp luật hình sự ở nước ta không có định nghĩa chung về chủ thể đặc biệt của tội phạm. Trong BLHS chỉ có những định nghĩa cụ thể về hai loại chủ thể đặc biệt của tội phạm: khái niệm người có chức vụ (Điều 277 BLHS) và khái niệm về những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân (Điều 315 BLHS).

Trong các trường hợp khác, ở phần quy định của các điều luật thuộc phần các tội phạm của BLHS chỉ đề cập tới những dấu hiệu riêng biệt có tính chất điển hình của chủ thể đặc biệt này hay chủ thể đặc biệt khác.

Khi không có các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt của tội phạm thì xuất hiện một nguyên tắc khác: Trong một số trường hợp khi không có các dấu hiệu đó thì hoàn toàn loại trừ trách nhiệm hình sự; còn trong trường hợp khác lại chỉ thay đổi việc định tội danh.

1.5.4. Định tội danh theo mặt chủ quan của tội phạm

– Xác định hình thức lỗi trong quá trình định tội danh.

Nội dung của mặt chủ quan của tội phạm là quan hệ tâm lý của bị cáo đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà y thực hiện. Trong mặt chủ quan của tội phạm có lỗi (cố ý hoặc vô ý), động cơ và mục đích phạm tội. Mặt chủ quan phản ánh mối liên hệ giữa ý thức và ý chí của kẻ phạm tội với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà y thực hiện.

Hình thức lỗi cố ý hay vô ý là sự kết hợp giữa nhận thức và ý chí đối với hành vi phạm tội và hậu quả của tội phạm. Khi định tội danh theo mặt chủ quan cần xác định nội dung yếu tố lý trí và ý chí đối với loại hành vi phạm tội cụ thể.

Khi xây dựng cấu thành tội phạm loại này hay loại khác, người làm luật đưa vào trong nội dung mặt chủ quan của tội phạm quan hệ tâm lý của bị cáo đối với tất cả các tình tiết thực tế mà những tình tiết ấy cũng được người làm luật nêu trong nội dung của khách thể và mặt khách quan của tội phạm. Nếu khi định tội danh không có sự trùng hợp trên cơ sở ấy giữa các tình tiết thực tế của hành vi nguy hiểm cho xã hội với các dấu hiệu nói về mặt chủ quan của tội phạm thì không được định tội danh hành vi đó như một tội phạm thuộc dạng trên.

Nội dung của mặt chủ quan như một thành phần của tội phạm, hoàn toàn được quyết định bởi nội dung của khách thể và mặt khách quan của tội phạm. Tất cả những gì được nêu trong cơ cấu của khách thể và mặt khách quan tội phạm cần được phản ánh trong nội dung chủ quan của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm được xác định thông qua yếu tố khách quan.

– Xác định động cơ và mục đích phạm tội trong quá trình định tội danh.

Mỗi một loại hành vi của con người trong xã hội đều do những động cơ hoặc mục đích nào đó quyết định. Là những dấu hiệu bắt buộc của một hành động có ý chí, động cơ và mục đích phạm tội là những yếu tố nằm trong nội dung của mặt chủ quan của tội phạm.

Động cơ, mục đích có ý nghĩa pháp lý khác nhau trong định tội danh. Đó có thể là dấu hiệu của tội phạm; cũng có thể chỉ là dấu hiệu định khung hay có ý nghĩa quyết định hình phạt. Vì vậy, dù thế nào thì xác định động cơ, mục đích phạm tội cũng có ý nghĩa pháp lý quan trọng.

1.6. Những sai sót thường gặp trong thực tiễn định tội danh ở các Tòa án

Nghiên cứu thực tiễn xét xử, ta thường thấy những sai sót phổ biến sau đây khi định tội danh:

– Một là, xác định không đúng hành vi phạm tội trên thực tế (do sai sót do chứng minh):

+ Thu thập chứng cứ không đầy đủ, thiếu khách quan, toàn diện;

+ Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong thu thập chứng cứ;

+ Đánh giá chứng cứ thiếu chính xác, thiếu khách quan, toàn diện;

+ Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong thu thập chứng cứ.

– Hai là, nhận thức không đúng hoặc không đầy đủ quy định pháp luật:

+ Nhận thức không đúng cấu thành tội phạm;

+ Nhận thức không chính xác các tình tiết cụ thể của cấu thành tội phạm.

– Ba là, so sánh không đúng sự tương quan giữa hành vi được xác định và các quy định của pháp luật về cấu thành tội phạm. Nhận định và kết luận thiếu thống nhất…

– Định tội danh sai quy trình: định tội, định khung nhẹ hơn để quyết định hình phạt nhẹ đối với bị cáo.

  1. II. QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

2.1. Khái niệm quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là giai đoạn cuối cùng của áp dụng pháp luật hình sự, được Tòa án (với nghĩa là Hội đồng xét xử) thực hiện ngay sau việc định tội danh, định khung hình phạt. Quyết định hình phạt tức là việc Tòa án lựa chọn biện pháp trách nhiệm hình sự cụ thể để áp dụng đối với người phạm tội trên cơ sở các căn cứ pháp luật quy định nhằm đạt được mục đích quy định.

Quyết định hình phạt có những đặc điểm sau đây:

– Quyết định hình phạt là giai đoạn áp dụng pháp luật sau cùng, liền ngay sau khi định tội, định khung hình phạt. Do đó, định tội đúng là điều kiện rất quan trọng để quyết định hình phạt đúng;

– Tòa án là cơ quan có thẩm quyền duy nhất được quyết định hình phạt. Ngoài Tòa án, không ai có thể quyết định hình phạt đối với người phạm tội;

– Quyết định hình phạt được thực hiện trên cơ sở các căn cứ pháp luật quy định;

– Quyết định hình phạt mang tính tùy nghi cao: tùy nghi trong áp dụng (đối với hình phạt không bắt buộc); tùy nghi trong lựa chọn loại hình phạt áp dụng; tùy nghi trong quyết định mức hình phạt cụ thể; tùy nghi trong quyết định biện pháp chấp hành hình phạt…

2.2. Nội dung quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt bao gồm các nội dung (các bước) sau:

– Có áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội hay hay miễn trách nhiệm hình sự theo các căn cứ quy định tại Điều 25, Điều 69 BLHS? Trong thực tiễn thường có nhận thức sai lầm khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi chưa thực hiện việc định tội danh;

– Nếu quyết định người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, thì quyết định người đó có phải chịu hình phạt hay miễn hình phạt đối với người đó theo quy định tại Điều 69 BLHS…;

– Lựa chọn loại và mức hình phạt theo chế tài quy phạm pháp luật quy định về tội phạm (các căn cứ quyết định hình phạt, các quy định đặc biệt bổ sung chế tài như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, đồng phạm, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội…);

– Quyết định biện pháp chấp hành hình phạt (án treo, giao cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người bị kết án…).

Bốn giai đoạn trên là một quy trình hoàn chỉnh quyết định hình phạt. Tuy nhiên, tùy theo trường hợp phạm tội cụ thể mà quy trình đó có thể cắt giảm. Ví dụ: khi đã xác định trường phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì nhìn chung không thể có các giai đoạn đầu; khi quyết định hình phạt tù trên 3 năm thì đương nhiên không có giai đoạn tiếp theo là quyết định biện pháp chấp hành hình phạt (án treo).

2.3. Các căn cứ quyết định hình phạt

Việc quyết định hình phạt phải được thực hiện theo các căn cứ được quy định trong BLHS. Những căn cứ đó bao gồm:

– Chế tài quy phạm pháp luật quy định về tội phạm. Trong đó chú ý: Chế tài lựa chọn và không lựa chọn (loại hình phạt); chế tài tùy nghi (tùy nghi áp dụng hay không, tùy nghi quyết định mức hình phạt trong khung…);

– Các căn cứ được quy định tại Điều 37 BLHS: tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân người phạm tội.

– Các căn cứ đặc biệt: đường lối xử lý (Điều 3 BLHS), miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25 BLHS); miễn hình phạt (Điều 57 BLHS); chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 52 BLHS); đồng phạm (Điều 53 BLHS); quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên (Điều 69, Điều 74 BLHS); quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (Điều 47 BLHS)…

Khi quyết định hình phạt, các căn cứ quyết định hình phạt phải được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng một cách đầy đủ, toàn diện và biện chứng (trong từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể), không được bỏ sót hoặc đánh giá thiếu chính xác. Cần chú ý rằng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ quan trọng nhất của việc quyết định hình phạt; nhân thân người phạm tội cũng rất quan trọng.

2.4. Kỹ năng quyết định hình phạt

2.4.1. Quyết định hình phạt theo quy định chung

Cũng như định tội danh, để quyết định hình phạt, Tòa án cần thực hiện hai quy trình:

– Xác định các tình tiết của vụ án mà Tòa làm căn cứ quyết định hình phạt. Các tình tiết đó bao gồm các tình tiết liên quan đến tội phạm (cả các yếu tố khách quan và cả yếu tố chủ quan); liên quan đến nhân thân người phạm tội (thể hiện mức độ nguy hiểm cũng như khả năng cải tạo, giáo dục của họ);

– Nhận thức đúng đắn các quy định của pháp luật liên quan đến quyết định hình phạt như đã đề cập ở phần trên.

Tuy nhiên, việc thực hiện tốt hai quy trình trên chưa thể đảm bảo cho việc quyết định hình phạt đúng đắn, phù hợp. Để hình phạt được áp dụng đạt được các mục đích quy định, đòi hỏi người áp dụng có nhận thức tổng hợp về trường hợp phạm tội, về nhu cầu xã hội, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương… Ngoài nguyên tắc pháp chế, cần tuân thủ các nguyên tắc quyết định hình phạt khác như cá thể hóa hình phạt, nhân đạo, tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của con người…

2.4.2. Quyết định hình phạt trong các trường hợp đặc biệt

– Trường hợp đồng phạm (Điều 53 BLHS): Điều luật không quy định giới hạn cứng, mà chỉ quy định nguyên tắc chung cho việc quyết định hình phạt; trong đó có nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự theo hai căn cứ riêng, đặc thù. Đó là: 1- Tính chất của đồng phạm (có tổ chức, đồng phạm thường, đồng phạm giản đơn, đồng phạm phức tạp…); 2- Mức độ tham gia phạm tội (vai trò tổ chức, chủ mưu, thực hành, xúi dục, giúp sức… của bị cáo trong vụ án).

Vì vậy, khi quyết định hình phạt, cần áp dụng các căn cứ chung và căn cứ riêng để quyết định cho phù hợp, hài hòa và hiệu quả.

– Trường hợp chuẩn bị phạm tội (khoản 1, 2 Điều 52 BLHS): Điều luật quy định mức hình phạt cao nhất đối với chuẩn bị phạm tội là 20 năm tù (nếu chế tài có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình) mà không quy định giới hạn tối thiểu hoặc bằng 1/2 mức phạt tù quy định (cả mức tối đa và tối thiểu, nếu là tù có thời hạn). Đây là giới hạn cao nhất mà luật định. Còn khi quyết định hình phạt Tòa án phải căn cứ cả vào các căn cứ chung, bao gồm cả quyết định hình phạt dưới khung.

Đề nghị lưu ý cân nhắc giới hạn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 17 BLHS (chỉ người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự) và chế tài các quy phạm quy định về từng tội phạm cụ thể để quyết định hình phạt cho phù hợp với chính sách hình sự nước ta.

– Trường hợp phạm tội chưa đạt (khoản 1, 3 Điều 52 BLHS): BLHS hình sự không loại trừ hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội chưa đạt, nhưng giới hạn ở những trường hợp đặc biệt. Ví dụ: định giết nhiều người nhưng chỉ chết một người hoặc rất nhiều người bị thương tích rất nặng.

Đối với trường hợp BLHS quy định chế tài là tù có thời hạn, thì mức hình phạt đối với phạm tội chưa đạt (cả mức tối đa và mức tối thiểu) là không quá 3/4 mức phạt mà điều luật quy định.

Khi quyết định hình phạt đối với từng trường hợp cụ thể, cần cân nhắc mức độ phạm tội chưa đạt (chưa đạt chưa hoàn thành, chưa đạt hoàn thành), nguyên nhân dẫn đến phạm tội chưa đạt. Ngoài ra cũng cần xem xét các căn cứ chung theo luật định.

2.4.3. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Do nguyên tắc quyết định hình phạt quy định trong BLHS nước ta là cộng toàn bộ các hình phạt mà không có thu hút (toàn bộ hay một phần). Cho nên, khi quyết định hình phạt, Tòa án cần chú ý cân nhắc các trường hợp cụ thể khác nhau để quyết định hình phạt đối với từng tội trước khi quyết định hình phạt chung.

Có thể phân biệt ba trường hợp như sau:

– Bị cáo thực hiện các hành vi phạm tội cấu thành các tội phạm khác nhau. Trường hợp này, việc quyết định hình phạt được thực hiện theo quy định chung;

– Bị cáo thực hiện một hành vi phạm tội cấu thành hai tội (ví dụ giết người để chiếm đoạt tài sản): cần cân nhắc quyết định hình phạt thông thường đối với tội nặng hơn; còn tội phạm đi kèm có thể cân nhắc để giảm nhẹ hơn;

– Thủ đoạn phạm tội đồng thời cấu thành một tội phạm khác. Ví dụ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng giết người cấu thành hai tội: tội giết người và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Trong một số trường hợp, thậm chí thủ đoạn phạm tội còn đồng thời là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, trong trường hợp này cũng cần cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với tội phạm do thủ đoạn phạm tội cấu thành nên trước khi tổng hợp hình phạt chung để hình phạt thực chất phù hợp với tính chất, mức độ của tội phạm được thực hiện và nhân thân người phạm tội, đáp ứng nguyên tắc nhân đạo, nhầm đạt được mục đích hình phạt.

2.5. Những sai sót phổ biến trong quyết định hình phạt

Thực tiễn xét xử của các Tòa án quân sự cho thấy, trong quyết định hình phạt thường có những sai sót phổ biến sau đây:

– Quyết định hình phạt không phù hợp do đánh giá sai tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm;

– Quyết định hình phạt không phù hợp do đánh giá không đúng các yếu tố nhân thân người phạm tội; nhiều khi coi đặc điểm nhân thân là yếu tố quyết định, quan trọng hơn tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm;

– Quyết định hình phạt không phù hợp do nhận thức không chính xác quy định về chế tài, nhất là trong các trường hợp đặc biệt; có trường hợp máy móc khi áp dụng các tình tiết này;

– Quyết định hình phạt không phù hợp do bỏ sót tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng không đúng các tình tiết đó;

– Quyết định hình phạt không phù hợp do xác định hoặc đánh giá sai các tình tiết khách quan của vụ án liên quan đến quyết định hình phạt.

 

BÀI 4:

KỸ NĂNG XÉT XỬ PHÚC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay thì Tòa án có một vai trò hết sức quan trọng mà ở đó hoạt động của Tòa án biểu hiện rõ nhất quyền lực Nhà nước thông qua việc xét xử các loại vụ án: Dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các nhiệm vụ khác mà pháp luật quy định. Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự chúng ta nhận thấy: quá trình giải quyết vụ án trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó hoạt động xét xử các vụ án hình sự là hoạt động rất khó khăn và phức tạp; có quan hệ trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và là một vấn đề nhạy cảm, được dư luận, xã hội quan tâm.

Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định trình tự và các bước xét xử vụ án hình sự kể cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Trong đó đã quy định rõ về thẩm quyền của Tòa án các cấp và các bước giải quyết vụ án hình sự. Muốn giải quyết đúng đắn vụ án hình sự đòi hỏi các Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cũng như các Hội thẩm nhân dân phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng như các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để có thể đưa ra một phán quyết công bằng và đúng pháp luật trên cơ sở nghiên cứu khách quan, toàn diện từng vụ án cụ thể. Để giúp các đồng chí hiểu rõ hơn về quy trình và các vấn đề liên quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trong phạm vi bài giảng này tôi muốn giới thiệu đến các đồng chí nội dung: “Kỹ năng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự”.

  1. NHẬN, THỤ LÝ VÀ CHUẨN BỊ XÉT XỬ PHÚC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ.
  2. Nhận đơn kháng cáo; hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị.
VBQPPL:

– BLTTHS năm 2003 (các điều 231, 232, 234, 239)

– Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Phần I).

Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Tòa án cấp phúc thẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 mục 3 Phần I của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP như sau:

“3.2. Việc nhận đơn kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Tòa án cấp phúc thẩm.

a, Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) thì Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các công việc theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 này.

b, Trong trường hợp người kháng cáo đến Tòa án cấp phúc thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm giải thích cho họ biết là họ chỉ có quyền trình bày trực tiếp về việc kháng cáo với Tòa án cấp sơ thẩm”.

Trước hết, cán bộ thường trực Tòa hình sự – Tòa án cấp tỉnh khi nhận đơn kháng cáo cần nghiên cứu đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị để xác định xem kháng cáo, kháng nghị có hợp lệ không; chủ thể kháng cáo, kháng nghị có đúng không; thời gian kháng cáo, kháng nghị có đảm bảo không; lý do và yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Những công việc cần làm, kỹ năng thực hiện trong giai đoạn này như sau:

– Theo đó, trước tiên cần xác định chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn kháng cáo của mỗi loại chủ thể đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Để xác định đúng cần căn cứ vào Điều 231 BLTTHS; hướng dẫn tại mục 1 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP:

 “1. Về Điều 231 của BLTTHS

Chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn kháng cáo của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau:

1.1. Bị cáo, người đại diện hợp pháp (đại diện hợp pháp theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

1.2. Người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo.

1.3. Người bị hại, người đại diện hợp pháp (hoặc đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.

1.8. Người được Tòa án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do của bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.”

– Tiếp theo xác định chủ thể có quyền kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 232 BLTTHS. Về nguyên tắc chung Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Kháng nghị của Viện kiểm sát phải làm bằng văn bản, có nêu rõ lý do và được gửi đến Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án (khoản 2 Điều 233 của BLTTHS). Thời hạn kháng nghị đối với các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định (khoản 1 Điều 239 của BLTTHS). Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án (khoản 1 Điều 234 BLTTHS).

Tuy nhiên, cần phân biệt kháng nghị đối với quyết định nào của Tòa án cấp sơ thẩm mới được xem xét ở Tòa án cấp phúc thẩm. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 05/2005 như sau:

“…

2.1. Trường hợp kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, thì Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

2.2. Trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thì căn cứ vào khoản 2 Điều 316 của BLTTHS, việc kháng nghị và xét kháng nghị được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm.

2.3. Trường hợp kháng nghị đối với các quyết định khác, thì Tòa án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan quy định về thẩm quyền và thủ tục kháng nghị, giải quyết kháng nghị cụ thể đó”.

– Kiểm tra thủ tục kháng cáo đã hợp lệ hay chưa.

– Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo chủ yếu được thực hiện tại Tòa án cấp sơ thẩm. Cần nghiên cứu hướng dẫn tại mục 3 Phần I Nghị quyết số 05/2005 để kiểm tra việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm đã đúng và đầy đủ hay chưa để có quyết định tương ứng phù hợp.

– Khi Tòa án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo và các tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có) thì phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các công việc theo thủ tục chung.

– Kiểm tra kháng cáo, kháng nghị có làm đúng trong thời hạn quy định tại Điều 234 và Điều 239 BLTTHS hay không? Để kết luận đúng, cần phải xác định đúng thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị và ngày kháng cáo theo hướng dẫn tại mục 4 Phần I Nghị quyết số 05/2005:

“4. Về Điều 234 của BLTTHS

4.1.Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị

a, Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Tòa án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên tòa hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa.

b, Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

4.2. Xác định ngày kháng cáo

“…

c, Trong trường hợp người kháng cáo đến nộp đơn kháng cáo tại Tòa án hoặc trong trường hợp họ đến Tòa án cấp sơ thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn hoặc là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo”.

– Xem xét kháng cáo quá hạn: Thư ký Tòa án được phân công nhận hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị cần kiểm tra có kháng cáo quá hạn hay không, nếu có thì báo cáo lãnh đạo Tòa án để xem xét kháng cáo quá hạn.

+ Khi có kháng cáo quá hạn, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Việc xét lý do kháng cáo quá hạn phải được thực hiện trước khi mở phiên tòa;

+ Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng, tức là trong trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định. Ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, bị tai nạn phải nằm viện điều trị…

+ Để xét kháng cáo quá hạn đúng quy định tại điều 235 BLTTHS cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 5 Phần I Nghị quyết số 05/2005;

+ Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn phải làm đúng theo mẫu số 01c và Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn phải làm đúng theo mẫu số 01d (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

   – Kiểm tra Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ việc thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị hay chưa? Để kết luận đúng phải căn cứ vào Điều 236 BLTTHS và hướng dẫn trong mục 6 Phần I Nghị quyết số 05/2005.

– Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị phải làm đúng theo mẫu số 01đ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

– Xử lý việc bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị, việc rút kháng cáo, kháng nghị và để xử lý đúng việc rút kháng cáo, kháng nghị, ngoài việc căn cứ vào Điều 238 BLTTHS, cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 7 Phần I Nghị quyết số 05/2005.

– Cuối cùng là xem xét thông báo việc rút kháng cáo, kháng nghị có đúng theo mẫu số 01e (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

  1. Thụ lý vụ án

Sau khi xem xét đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đơn kháng cáo, hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị đã hợp lệ thì Thư ký Tòa án được phân công tiến hành thụ lý vụ án. Việc thụ lý vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm được thực hiện tương tự như tại Tòa án cấp sơ thẩm.

VBQPPL:

– BLTTHS (các điều 176, 238, 243)

– Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP (các mục 1, 2 Phần I)

– Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP (mục 2 Phần II, Phần III).

– Ngay sau khi nhận hồ sơ vụ án, phải vào sổ thụ lý và ghi số, ngày, tháng năm thụ lý hồ sơ vụ án vào bìa hồ sơ.

+ Nên ghi ở góc trên, bên trái của bìa hồ sơ vụ án. Nếu sau khi kết thúc việc nhận hồ sơ, đã hết giờ làm việc trong ngày thì việc vào sổ thụ lý mới được để chậm lại sang ngày làm việc tiếp theo.

+ Nội dung sổ thụ lý phải ghi đầy đủ các cột theo mẫu, chữ viết phải ngay ngắn, rõ ràng.

  

 

  1. Gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm nghiên cứu
VBQPPL:

– Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (Phần III).

   Việc gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm phải được thực hiện trong thời hạn và trình tự được hướng dẫn tại Phần III Nghị quyết số 05/2005:

   “2. Ngay sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra tính hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị và xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu. Khi chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, Tòa án cấp phúc thẩm cần yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp chuyển cho Tòa án cấp phúc thẩm chứng cứ mà Viện kiểm sát mới thu thập được và danh sách những người cần triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm (nếu có)…”.

Hết thời hạn mười ngày nghiên cứu, Viện kiểm sát hoàn trả lại hồ sơ cho Tòa án. Cán bộ Tòa án báo cáo Chánh án về việc Viện kiểm sát hoàn trả hồ sơ đã nghiên cứu để Chánh án hoặc Phó chánh án phụ trách phân công Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa trực tiếp xét xử, giải quyết vụ án đó.

  1. Xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn
VBQPPL:

– BLTTHS năm 2003 (Điều 243)

–  Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (mục 2 Phần II).

Sau khi nhận hồ sơ Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét có căn cứ áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hay không? Để quyết định đúng cần căn cứ vào quy định tại Điều 243 BLTTHS và hướng dẫn tại mục 2 Phần II Nghị quyết số 05/2005.

Khi kiểm tra thấy cần thiết phải áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thì cần phải dự thảo ngay các loại quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp với từng hồ sơ vụ án để trình người có thẩm quyền ký.

  1. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
  2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án
VBQPPL:

–  BLTTHS năm 2003 (các Điều 207, 247)

– Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (mẫu số 02a).

   Cũng như việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm, thì việc nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn phúc thẩm theo phương pháp nào phụ thuộc vào năng lực, sở trường và kinh nghiệm của từng Thẩm phán. Thể hiện qua hai phương pháp sau:

   *Phương pháp thứ nhất: Qua thực tiễn cho thấy, nếu hành vi phạm tội của bị cáo và vai trò của từng bị cáo đã rõ ràng thì nghiên cứu theo trình tự tố tụng (thời gian từ thời điểm ban đầu xây dựng hồ sơ đến khi kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm) là hợp lý vì nghiên cứu theo trình tự thời gian như vậy thì có thể tránh được định kiến của mình dựa trên kết luận của cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm nhưng sự chú ý lại dễ bị phân tán, việc ghi chép trích dẫn nhiều khi lại phải quay lại phần đã đọc, rất mất thời gian mới nắm vững được các tình tiết của vụ án cũng như quan điểm của cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm.

*Phương pháp thứ hai: Thông thường phương pháp nghiên cứu theo trình tự ngược lại” được áp dụng nhiều hơn, cụ thể như sau:

– Trước tiên, Thẩm phán cần nghiên cứu bản án sơ thẩm để biết nội dung vụ án, phần nhận định, kết luận và quyết định của bản án hình sự sơ thẩm. Khi nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm cần chú ý đến tính hợp pháp và có căn cứ. Tính hợp pháp thể hiện ở chỗ bản án hình sự sơ thẩm phải phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự trong việc định tội danh, định khung hình phạt, quyết định hình phạt và phải phù hợp với các quy định của BLTTHS. Tính có căn cứ thể hiện ở các chứng cứ dùng để chứng minh vụ án phải phù hợp với những sự kiện (tình tiết) thực tế của vụ án đã xảy ra.

– Sau đó, Thẩm phán nghiên cứu biên bản phiên tòa để nắm được nội dung diễn biến của phiên tòa, đối chiếu xem phần nhận định và quyết định của bản án hình sự sơ thẩm có dựa trên diễn biến và kết quả tranh tụng tại phiên tòa hay không? Xem xét phần thủ tục tố tụng như thành phần Hội đồng xét xử có đúng quy định của pháp luật không? Ví dụ: Trường hợp bị cáo là người chưa thành niên. Sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án tại phiên tòa không? Ví dụ: Như vắng mặt luật sư trong các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, bị cáo bị truy tố theo khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định tại khoản 2 Điều 57. Các chứng cứ của vụ án có được thẩm tra đầy đủ tại phiên tòa sơ phẩm hay không.

– Tiếp theo, Thẩm phán nghiên cứu, xem xét đánh giá các tài liệu có trong hồ sơ, đối chiếu với nội dung bản án sơ thẩm để xác định: các chứng cứ trong hồ sơ đã đầy đủ chưa; sự việc, tình tiết nào có căn cứ; sự việc tình tiết nào chưa rõ, còn mâu thuẫn để từ đó kết luận bản án sơ thẩm có căn cứ và hợp lý chưa. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm cần lưu ý:

+ Phải ghi chép tóm tắt nội dung vụ án, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

+ Đối với trường hợp bị cáo kháng cáo chối tội (kêu oan), thì Thẩm phán cần ghi rõ các tình tiết để chứng minh (căn cứ vào lời khai, các tài liệu khác thể hiện tại các bút lục trong hồ sơ), để tránh bị động lúng túng tại phiên tòa, đồng thời là cơ sở cho việc lập kế hoạch xét hỏi.

   Trong trường hợp hồ sơ dày, tính chất vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo thì Thẩm phán cần nghiên cứu những tình tiết chính, trọng tâm và bị cáo có vai trò chính trước, sau đó nghiên cứu những bị cáo khác. Nếu vụ án có nhiều bị cáo mà bị xét xử về nhiều tội khác nhau thì có thể nghiên cứu theo từng nhóm bị cáo phạm cùng một tội. Khi nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy chứng cứ chưa đầy đủ mà Tòa án không thể tự mình bổ sung được thì Tòa án có thể yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ.

   – Về nguyên tắc chung cần phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án cả về thủ tục tố tụng và nội dung sự việc. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy không cần thiết xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, thì chỉ lập kế hoạch xét hỏi hợp lý đối với nội dung kháng cáo, kháng nghị (căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 207 và Điều 247 BLTTHS).

   – Nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, người kháng cáo và Viện kiểm sát kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm phải làm đúng theo mẫu số 02a (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

  1. Kết hợp đồng thời việc nghiên cứu hồ sơ với việc nhận và xem xét chứng cứ được bổ sung tại Tòa án cấp phúc thẩm

   – Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ mới.

   – Khi Viện kiểm sát tự mình bổ sung chứng cứ mới; người kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền bổ sung tài liệu, đồ vật. Việc giao nhận chứng cứ mới; giao nhận tài liệu, đồ vật do đương sự bổ sung phải được lập thành văn bản. Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận và được lưu trong hồ sơ vụ án.

   – Chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét, nghiên cứu cùng chứng cứ cũ, tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án.

  1. Lên lịch xét xử và gửi cho các cơ quan liên quan

   Trên cơ sở quyết định phân công xét xử vụ án hình sự, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa lên lịch xét xử giao cho bộ phận thường trực để thông báo thời gian, địa điểm xét xử cho các đơn vị liên quan như: Viện kiểm sát cùng cấp, Công an, Trại giam, Đoàn luật sư,… (lịch xét xử phải được thông báo chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên tòa).

  1. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa
VBQPPL:

–       BLTTHS năm 2003 (Điều 245)

–       Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (mục 3 Phần II)

   Căn cứ vào Điều 245 BLTTHS và hướng dẫn tại mục 3 Phần II Nghị quyết số 05/2005 để xác định những người tham gia phiên tòa phúc thẩm. Trên cơ sở đó triệu tập những người tham gia đến phiên tòa phúc thẩm bằng văn bản và tùy vào từng đối tượng cụ thể mà có hình thức văn bản phù hợp (nếu đã có mẫu văn bản thì phải làm đúng theo mẫu đã được ban hành).

  1. Lập kế hoạch xét hỏi

Kế hoạch xét hỏi để xét xử phúc thẩm vụ án hình sự được lập trên cơ sở chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị. Dự kiến những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa như bị cáo chỉ nhận tội một phần thì khi xét hỏi phải kết hợp giữa xét hỏi với việc xem xét vật chứng (nếu cần), hoặc triệu tập những người tham gia tố tụng khác để có kế hoạch thẩm vấn nếu cần. Trường hợp bị cáo kêu oan thì Thẩm phán cần xem xét kỹ hồ sơ và có kế hoạch xét hỏi thẩm tra mọi tình tiết của vụ án để xem xét bị cáo kêu oan có cơ sở hay không….

  1.  Chuẩn bị cho việc quyết định bắt và tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án
VBQPPL:

–       BLTTHS năm 2003 (Điều 261)

–       Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II)

   Trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy có đủ các điều kiện (có căn cứ để xử phạt tù bị cáo; bị cáo không thuộc trường hợp có thể cho hưởng án treo; bị cáo không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 261 BLHS) và xét thấy cần ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, thì phải thực hiện các công việc được hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II Nghị quyết số 05/2005.

  1. Cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự

   Căn cứ vào các Điều 56, 57 BLTTHS và hướng dẫn tại các mục 1, 2 và 3 phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP; trên cơ sở đề nghị và xem xét các giấy tờ cần thiết của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và tùy vào từng đối tượng cụ thể mà có hình thức văn bản phù hợp.

   Lãnh đạo Tòa án cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự (đối với vụ án chưa phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa); Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

  1. Về thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm

   Về nguyên tắc chung Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm. Thực tiễn xét xử phúc thẩm trong những năm qua cho thấy trong các trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ gồm ba Thẩm phán. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét thấy vụ án phức tạp hoặc vụ án đối với người chưa thành niên phạm tội cần có thêm ý kiến của Hội thẩm thì báo cáo Chánh án hoặc người được Chánh án ủy quyền quyết định thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và hai Hội thẩm. Cần lưu ý là trường hợp này không thực hiện đối với các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương vì ở Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương không có Hội thẩm.

  1. Thư ký phiên tòa kiểm tra điều kiện vật chất cho việc xét xử

– Thư ký kiểm tra phòng xử án xem đã đảm bảo cho việc xét xử chưa như: Bàn, ghế ngồi của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bị cáo; vành móng ngựa, biển hiệu đã đầy đủ và đúng vị trí chưa; hệ thống âm thanh, ánh sáng,… Bên cạnh đó, Thư ký phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để Hội đồng xét xử giải quyết khi có tình huống xảy ra như: Lệnh trích xuất, Lệnh bắt tạm giam, Quyết định tạm giam, Quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa, trích lục bản án,…

  1. KỸ NĂNG ĐIỀU KHIỂN PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

Những quy định chung về thủ tục phiên tòa phúc thẩm:

VBQPPL:

–       BLTTHS năm 2003 (Điều 247, các Chương XVIII, XIX, XX, XXI và XXII)

–       Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 04/2004) (các Phần II, III, IV)

–          Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (mục 4 Phần II)

Căn cứ vào Điều 247 BLTTHS, phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm. Do đó, về nguyên tắc chung căn cứ vào quy định tại các Chương XVIII, XIX, XX, XXI và XXII BLTTHS; hướng dẫn tại các phần II, III, IV Nghị quyết số 04/2004; hướng dẫn tại mục 4 Phần II Nghị quyết số 05/2005 để tiến hành thủ tục phiên tòa phúc thẩm đúng quy định. Quy trình điều khiển phiên tòa phúc thẩm trải qua những thủ tục sau:

  1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
VBQPPL:

–       BLTTHS năm 2003 (Điều 198, 245)

–       Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (mục 3, tiểu mục 4.2 mục 4 Phần II)

– Trước khi bắt đầu phiên tòa yêu cầu Thư ký Tòa án phổ biến nội quy phiên tòa, những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa quy định tại Điều 198 BLTTHS; Kiểm tra những người được triệu tập tham gia phiên tòa và nếu có người vắng mặt cần làm rõ lý do để báo cáo với Hội đồng xét xử.

– Do Tòa án cấp phúc thẩm không có quyết định đưa vụ án ra xét xử, cho nên sau khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, thay cho việc đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tuyên bố khai mạc phiên tòa (Lời khai mạc phiên tòa cần theo đúng hướng dẫn tại tiểu mục 4.2 mục 4 Phần II Nghị quyết số 05/2005). Khi Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa cần yêu cầu mọi người đứng dậy như khi tuyên án.

– Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa yêu cầu Thư ký Tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm đã có mặt; nếu có người vắng mặt đề nghị báo cáo lý do của sự vắng mặt.

– Các công việc tiếp theo như: kiểm tra căn cước của những người được triệu tập đến phiên tòa đã có mặt, giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ, v.v… Chỉ xác định căn cước của các bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng nghị (về tư cách tham gia tố tụng của các bị cáo không có kháng cáo hoặc không bị kháng nghị, cần xác định tư cách của họ là người làm chứng).

– Khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa cần giải thích thêm quyền bổ sung, thay đổi, giữ nguyên, rút một phần hay toàn bộ kháng cáo, kháng nghị (nhưng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo). Nếu người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị và không còn ai kháng cáo thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

– Cần chú ý là trong trường hợp người được triệu tập tham gia phiên tòa vắng mặt tại phiên tòa cần căn cứ vào khoản 2 Điều 245 BLTTHS và nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 3 Phần II Nghị quyết số 05/2005 để quyết định trường hợp nào phải hoãn phiên tòa và trường hợp nào vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

– Giải quyết yêu cầu, đề nghị về hoãn phiên tòa (trong trường hợp người được triệu tập vắng mặt; bị cáo chưa nhận được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị hoặc thông báo về thời gian mở phiên tòa phúc thẩm…). Việc thảo luận và thông qua quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử vụ án được thực hiện tại phòng nghị án, không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

  1. Kỹ năng xét hỏi và điều khiển quá trình xét hỏi tại phiên tòa

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa cần xem xét, xác định phạm vi xét xử phúc thẩm (theo quy định tại Điều 241 BLTTHS năm 2003). Về nguyên tắc chung Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án. Trong trường hợp này cần triệu tập những người tham gia tố tụng có liên quan đến phần không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét. Tại Điều 241 BLTTHS quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”.

Cũng như ở cấp sơ thẩm, xét hỏi tại giai đoạn phúc thẩm cũng là việc điều tra công khai nhằm kiểm tra, đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như các chứng cứ, tài liệu được bổ sung tại phiên tòa làm căn cứ cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị.

Trình tự xét hỏi ở cấp phúc thẩm cũng như ở cấp sơ thẩm, chỉ khác với cấp sơ thẩm là trước khi xét hỏi thường là Chủ tọa phiên tòa trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị. Chủ tọa cần có phương pháp xét hỏi hợp lý tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất và bảo đảm tuân thủ các quy định của BLTTHS.

Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo có thái độ khai báo quanh co, chối tội, thì Thẩm phán nên bắt đầu hỏi các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn trước; trong quá trình xét hỏi nên sử dụng lời khai của bị cáo này để đấu tranh với bị cáo kia và trích lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra để buộc bị cáo phải chứng minh lời khai của mình là đúng hay không đúng và có liên quan đến nội dung kháng cáo hay không?

Trường hợp có nhiều bị cáo mà lời khai của họ tại cấp sơ thẩm không thống nhất, khác với lời khai tại giai đoạn điều tra, Thẩm phán phải cân nhắc xét hỏi bị cáo nào trước để thuận lợi cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Thông thường trong trường hợp này nên bắt đầu từ bị cáo nhận tội hoặc có lời khai tương đối trung thực hơn so với bị cáo khác. Nếu xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể cho đối chất tại phiên tòa. Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm, cần hỏi kỹ những người tham gia tố tụng như người bị hại, nhân chứng,… để có cơ sở xem xét đến kháng cáo hoặc kháng nghị.

  1. Kỹ năng điều khiển phần tranh luận tại phiên tòa

Phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm cũng tương tự như ở cấp sơ thẩm, có một s lưu ý là: Mở đầu phần tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, trên cơ sở kiểm tra các chứng cứ cũ và mới (nếu có) để kết luận về tính hợp pháp của bản án sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo hoặc kháng nghị. Tiếp theo, người bào chữa trình bày và nêu lên quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến kháng cáo, kháng nghị (nếu không có người bào chữa thì bị cáo tự mình bào chữa) sau đó đến những người tham gia tố tụng khác.

Sau khi các bên đã trình bày xong quan điểm của mình, Chủ tọa phiên tòa điều khiển phần đối đáp cũng như tại phiên tòa sơ thẩm. Sau khi phân đối đáp đã đầy đủ Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần tranh luận, cho các bị cáo nói lời sau cùng và chuyển sang phần nghị án.

  1. Nghị án và tuyên án khi xét xử phúc thẩm hình sự
VBQPPL:

–       Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 04/2004)

–       Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005)

Việc nghị án và lập biên bản nghị án cũng tiến hành như ở cấp sơ thẩm. Mặc dù cấp phúc thẩm chỉ xét những phần của bản án có kháng cáo, kháng nghị. Song theo nguyên tắc cần phải xem xét toàn diện vụ án, do vậy nếu cần thiết Hội đồng xét xử vẫn xem xét đến những vấn đề không có kháng cáo, kháng nghị để giải quyết (nếu điều đó không làm xấu đi tình trạng của bị cáo). Trước khi tuyên án, Hội đồng xét xử phải xem xét kỹ lưỡng bản án và thủ tục tuyên án cũng như ở cấp sơ thẩm, một thành viên của Hội đồng xét xử đọc bản án. Cần chú ý một số điểm sau đây:

+ Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Hội đồng xét xử phải làm đúng theo mẫu số 02b (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

+ Biên bản nghị án phải làm đúng theo mẫu số 02c (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

+ Biên bản phiên tòa hình sự phúc thẩm phải làm đúng theo mẫu số 02d (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

+ Bản án hình sự phúc thẩm phải làm đúng theo mẫu số 02đ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).

  1. Công việc sau phiên tòa phúc thẩm hình sự

Sau phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiến hành một số việc cụ thể như:

– Kiểm tra và ký biên bản phiên tòa;

– Kiểm tra việc giao bản án (quyết định) phúc thẩm của Thư ký Tòa án cho những người tham gia tố tụng (nếu họ có yêu cầu), cho cấp sơ thẩm,… có đúng theo quy định của pháp luật hay không;

– Cấp trích lục hoặc bản sao bản án cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ (nếu họ có yêu cầu);

– Cấp trích lục hoặc bản sao bản án cho những người tham gia tố tụng xem biên bản phiên tòa (nếu họ có yêu cầu).

Cần lưu ý: Các Thẩm phán xét xử phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị việc xét xử đúng thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng; không được hoãn phiên tòa vì những lý do không chính đáng; không tăng hoặc giảm án không đáng kể, không có căn cứ; không được hủy án một cách tùy tiện mà không nêu được lý do cụ thể và thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 250 BLTTHS; việc giao bản án và quyết định phúc thẩm phải bảo đảm trong thời hạn quy định của pháp luật tố tụng. Nếu thấy có vướng mắc trong việc giải quyết vụ án thì phải báo cáo lãnh đạo trực tiếp phụ trách để tổ chức phiên họp trao đổi về việc giải quyết các vụ án, đặc biệt đối với các trường hợp sau:

+ Vụ án thuộc trường hợp phải báo cáo cấp ủy theo Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc các vụ án điểm của địa phương;

+ Các vụ án mà quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán cấp tỉnh hủy bản án sơ thẩm mà Thẩm phán thấy có thể xử khác với định hướng của quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;

+ Vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã báo cáo trao đổi với Tòa án tỉnh, nhưng Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử thấy có thể xét xử khác với quyết định của bản án sơ thẩm (sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm)… (Công văn số 260/TANDTC ngày 22/10/2010).

  1. Thẩm quyền và phạm vi quyết định của cấp phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 248 BLTTHS thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền quyết định:

 “a. Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

  1. Sửa bản án sơ thẩm;
  2. Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
  3. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Các quyết định trên bao gồm cả quyết định có lợi cho bị cáo và không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, khi quyết định theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng thì cấp phúc thẩm cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Về tăng hình phạt đối với bị cáo:

Tăng hình phạt đối với bị cáo là việc cấp phúc thẩm quyết định một hình phạt nặng hơn so với hình phạt mà cấp sơ thẩm đã quyết định đối với bị cáo. Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm chưa quyết định hình phạt đối với bị cáo thì cho dù có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại thì cấp phúc thẩm cũng không được áp dụng hình phạt đối với bị cáo, vì như vậy sẽ không phải là tăng hình phạt mà lại là quyết định hình phạt đối với bị cáo. Ví dụ: Cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự.

 Nếu kháng nghị của Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đối với bị cáo bị kháng nghị, nhưng chỉ được tăng mức hình phạt chứ không được chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm phạt bị cáo một năm cải tạo không giam giữ, nếu kháng nghị của Viện kiểm sát yêu cầu tăng hình phạt thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt cải tạo không giam giữ lên trên một năm, chứ không được chuyển sang loại hình phạt tù.

– Áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn:

Đây là trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản của BLHS mà điều khoản đó so với điều khoản mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng là nặng hơn. Đó là trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về khoản 2 Điều 138 BLHS nhưng Tòa án cấp phúc thẩm kết án bị cáo theo khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 138 BLHS. Đa phần trong các trường hợp này, khi Tòa án cấp phúc thẩm đã áp dụng điều khoản về tội nặng hơn thì đều tăng hình phạt theo hướng bất lợi cho bị cáo, cũng có những trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản về tội nặng hơn xong vẫn giữ nguyên mức hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Cần lưu ý: Khi có kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm cần xem xét kỹ nội dung của kháng cáo, kháng nghị để bảo đảm xét xử đúng phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Có những trường hợp, nội dung của kháng cáo, kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét cả về điều khoản của cấp sơ thẩm đã áp dụng, đồng thời đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, nhưng cũng có những trường hợp kháng cáo, kháng nghị chỉ yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét việc áp dụng điều, khoản mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng nhưng không yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo.

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể áp dụng điều khoản về tội nặng hơn, nếu điều khoản đó vẫn thuộc thẩm quyền của cấp sơ thẩm cũng như theo giới hạn của Điều 196 BLTTHS. Nếu việc áp dụng điều khoản về tội nặng hơn mà vượt quá thẩm quyền của cấp sơ thẩm thì bản án hình sự sơ thẩm sẽ bị hủy.

Đối với kháng cáo, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện, thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án trong trường hợp thấy hành vi của bị cáo phải xét xử theo một tội danh nặng hơn, hoặc khung hình phạt nặng hơn mà không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.

– Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại:

Về vấn đề này, qua thực tiễn xét xử thấy rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 250 BLTTHS thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong những trường hợp:

+ Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định; hoặc

+ Có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng như: Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong trường hợp thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục đã được quy định tại Điều 42, Điều 307 BLTTHS….

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại trong trường hợp “người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội”Đây là quy định mới tại điểm b khoản 2 Điều 250 BLTTHS năm 2003. Trước đây, theo quy định tại BLTTHS năm 1988 và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì: nếu tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội và bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm thấy có đủ căn cứ để cho rằng bị cáo phạm tội cũng không được hủy bản án sơ thẩm và vẫn y án sơ thẩm đồng thời kiến nghị cấp giám đốc thẩm xét lại vụ án. Vì nếu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo có tội, như có thời gian trước đây chúng ta đã áp dụng thì sẽ không bảo đảm quyền bào chữa và quyền kháng cáo của bị cáo. Nhưng nếu Tòa án cấp phúc thẩm cứ phải tuyên y án rồi kiến nghị lên cấp giám đốc thẩm xét lại thì rất mất thời gian và vụ án bị kéo dài gây dư luận không tốt. Do vậy, BLTTHS năm 2003 đã bổ sung vào Điều 250 BLTTHS cho phép Tòa án cấp phúc thẩm được hủy án trong trường hợp này.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn có thể hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp chứng cứ của vụ án được thu thập không đầy đủ, không thể khắc phục tại cấp phúc thẩm.

Tóm lại để xét xử phúc thẩm một vụ án hình sự được chính xác, đúng đắn và tuân thủ theo những quy định của pháp luật thì đòi hỏi Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa cũng như các vị Hội thẩm nhân dân cần phải nắm rõ được quy trình giải quyết vụ án hình sự và thực hiện tốt các công việc trong giai đoạn xét xử phúc thẩm như: chuẩn bị xét xử, kỹ năng điều khiển phiên tòa phúc thẩm và các công việc sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm. Bên cạnh đó yêu cầu mỗi Thẩm phán (hoặc Hội thẩm nhân dân nếu có) phải nắm rõ nội dung quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cùng với việc không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm phục vụ cho công tác xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự để đáp ứng với tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

 

BÀI 5:

KỸ NĂNG SOẠN THẢO CÁC LOẠI VĂN BẢN

PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

 

  1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÁC LOẠI VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
  2. Các loại văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự

Văn bản pháp luật có ba loại: đó là Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống.

Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành trên cơ sở những quy phạm pháp luật, nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể cụ thể hoặc xác định những biện pháp trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

Văn bản hành chính là văn bản được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước để điều hành hoặc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cấp dưới và để đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới thực hiện nhiệm vụ được giao; hoặc dùng để truyền đạt những thông tin quan trọng trong trường hợp khẩn cấp; hoặc dùng để truyền đạt ý kiến, kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc thông tin về những sự kiện pháp lý khác phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước tới các đối tượng có liên quan.

Hiểu theo nghĩa này thì các loại văn bản được ban hành trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự bao gồm hai loại văn bản là văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính. Trong đó chủ yếu là văn bản áp dụng pháp luật.

Các loại văn bản được ban hành trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự là văn bản pháp luật vì:

– Trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ban hành những văn bản nhất định để tác động, điều chỉnh tới những con người cụ thể hoặc những cá nhân, tổ chức liên quan và những văn bản này đều có giá trị bắt buộc thi hành ở những mức độ khác nhau với các đối tượng có liên quan và đều được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước.

– Việc ban hành các loại văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự không phải là tuỳ tiện, thích thì ban hành, và ban hành như thế nào cũng được. Văn bản được ban hành phải có giá trị sử dụng, hiệu quả tác động. Vì vậy pháp luật mà ở đây trực tiếp là Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật khác có liên quan quy định cụ thể về các trường hợp được sử dụng, hình thức văn bản, thẩm quyền bàn hành văn bản, thủ tục ban hành văn bản cũng như một số vấn đề khác liên quan như thời hạn, thời hiệu, trách nhiệm thi hành, đối tượng thi hành….

  1. Đặc điểm của các loại văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự
  2. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được xác lập bằng ngôn ngữ viết.

Ngôn ngữ viết giúp chủ thể ban hành văn bản trình bày đầy đủ, mạch lạc ý chí của mình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, giúp đối tượng phải thi hành văn bản nắm bắt được để thực hiện.

  1. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định.

Hiện nay chủ thể có thẩm quyền ban hành các loại văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự do Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật tố tụng hình sự quy định. Ví dụ đối với các Lệnh tạm giam bị cáo do Chánh án hoặc phó Chánh án phụ trách lĩnh vực hình sự được quyền ra lệnh. Các quyết định tạm giam do Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm ban hành.

Chỉ những chủ thể do Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự quy định mới có quyền ban hành văn bản pháp luật. Nếu văn bản được ban hành bởi một cá nhân hay tổ chức mà pháp luật không quy định về thẩm quyền ban hành thì văn bản đó không có hiệu lực pháp luật.

Ví dụ: Thẩm phán ra Lệnh tạm giam bị cáo trong quá trình chuẩn bị xét xử. Thì Lệnh tạm giam này không có giá trị pháp lý.

  1. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự có nội dung là ý chí của chủ thể ban hành nhằm đạt được mục tiêu giải quyết các vụ án hình sự.

Nội dung văn bản là ý chí của chủ thể ban hành. Ý chí đó được xác lập trên cơ sở của pháp luật tố tụng hình sự và nhận thức của từng chủ thể tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử về những tình tiết khách quan của từng vụ án cụ thể phù hợp với mục tiêu giải quyết vụ án.

  1. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự có hình thức do pháp luật quy định.

Hình thức văn bản bao gồm hai yếu tố cấu thành là tên gọi và thể thức của văn bản.

Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và các văn bản có liên quan quy định có nhiều loại văn bản khác nhau được ban hành trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử như lệnh, quyết định, kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, công văn, thông báo… Những quy định đó có ý nghĩa quan trọng trong việc phân biệt các văn bản khác trong trong cùng hoạt động, phân biệt văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự với văn bản trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính, kinh tế cũng như xác định vai trò của từng loại văn bản trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó pháp luật còn quy định về thể thức văn bản, tức là quy định về cách thức trình bày văn bản theo một kết cấu, khuôn mẫu nhất định, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa hình thức với nội dung của văn bản, đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của ba cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Toà án trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự.

  1. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định.

Thủ tục ban hành văn bản pháp luật trong tố tụng hình sự được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự: Như các thông tư liên tịch, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán- Toà án nhân dân tối cao….

  1. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

Để đảm bảo thực hiện được các văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự, trên thực tế Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó biện pháp cưỡng chế được sử dụng là chủ yếu. Nếu các cá nhân, tổ chức có liên quan không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng các nội dung trong văn bản thì phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước.

Tóm lại, văn bản pháp luật được ban hành trong hoạt động tố tụng hình sự là hình thức thể hiện ý chí của chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản, dưới dạng ngôn ngữ viết, được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật nhằm đạt được những mục tiêu trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử người phạm tội.

Văn bản pháp luật được ban hành trong hoạt động tố tụng hình sự thường được thể hiện ở hai dạng là văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính, trong đó chủ yếu là văn bản áp dụng pháp luật.

  1. Các yêu cầu đối với văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự

3.1. Yêu cầu về nội dung của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự.

  1. Nội dung trong văn bản phải phù hợp với đường lối của Đảng.

Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự phải phản ánh kịp thời đường lối, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực, kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng cụ thể của các cơ quan Nhà nước.

  1. Nội dung trong văn bản phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân lao động.

Nội dung phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thực chất đây chính là sự đảm bảo yếu tố phù hợp giữa nhu cầu của xã hội và chủ trương xây dựng pháp luật của Nhà nước. Hiệu quả tác động của các văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các bên liên quan, vào việc Nhà nước có thể hiện và đáp ứng được những lợi ích của các giai tầng trong xã hội hay không. Vì vậy khi ban hành văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự cần cân nhắc, lựa chọn cách thức điều chỉnh để đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích của các nhóm đối tượng có liên quan, đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, của toàn xã hội, của các nhóm xã hội khác nhau, của mỗi cá nhân hay tổ chức.

  1. Nội dung phải hợp pháp

Khi soạn thảo văn bản cần đối chiếu các nội dung của văn bản đang soạn thảo với nội dung của những văn bản có liên quan để đánh giá về sự phù hợp và thống nhất về nội dung của chúng.

Sự phù hợp ở đây được thể hiện các mệnh lệnh được đưa ra phải phù hợp với các quy phạm pháp luật hiện hành về nội dung và mục đích điều chỉnh. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự là sự cụ thể hoá các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự và các quy phạm pháp luật hình sự vào từng vấn đề để giải quyết những vụ án cụ thể. Ví dụ: Bản án hình sự có nội dung hợp pháp khi các mệnh lệnh cá biệt trong bản án phù hợp với những quy phạm pháp luật của Bộ luật hình sự, bộ luật dân sự và những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới vụ án được đưa ra xét xử.

Đối với văn bản hành chính thì các nội dung trong văn bản phải phù hợp với nội dung của của các văn bản áp dụng pháp luật có liên quan trực tiếp tới văn bản hành chính đó.

  1. Nội dung phải có tính khả thi

Tính khả thi được thể hiện ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn văn bản đó được ban hành và được triển khai thực hiện. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn…

Tính khả thi còn thể hiện các quy định, mệnh lệnh trong văn bản được ban hành phải chi tiết, cụ thể để dễ dàng triển khai thực hiện trong thực tiễn, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản và phù hợp với trình độ nhận thức của các đối tượng có liên quan.

Các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa, cách diễn đạt, trình bày nội dung văn bản phải cô đọng, khoa học dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đông đảo nhân dân để tạo ra sự thuận lợi trong việc thực hiện văn bản pháp luật trên thực tế.

3.2. Yêu cầu về hình thức của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự

Hình thức của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm tên gọi và thể thức của văn bản:

Tên gọi của văn bản: Do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Quy định này phản ánh giới hạn về quyền lực của chủ thể ban hành văn bản. Nghĩa là khi cơ quan tiến h�nh tố tụng hình sự quyết định các vấn đề để giải quyết vụ án cụ thể thì chỉ có quyền ban hành văn bản cụ thể theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ví dụ: Để thực hiện việc bắt bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án thì Chánh án hoặc Phó chánh án ra Lệnh bắt và tạm giam bị cáo.

Việc soạn thảo các văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự, thì sử dụng hình thức văn bản nào không hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn chủ quan của người soạn thảo mà  tuỳ thuộc vào từng vấn đề  phát sinh trong vụ án cụ thể cần giải quyết.

Thể thức văn bản: là kết cấu về hình thức của văn bản theo quy định của pháp luật.

Thể thức của văn bản trước hết phải trình bày theo đúng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 55/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng chính phủ ngày 06/5/2005 hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 19/01/2011, thể thức của văn bản pháp luật bao gồm một số đề mục được trình bày ở những vị trí xác định. Do vậy người soạn thảo văn bản cần nắm vững được những quy định tại các thông tư này để soạn thảo văn bản được chính xác, khoa học.

3.3. Yêu cầu về ngôn ngữ của văn bản

Thứ nhất: Ngôn ngữ của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự là ngôn ngữ viết.

Thứ hai: Ngôn ngữ văn bản pháp luật trong tố tụng hình sự là tiếng việt.

Thứ ba: Là ngôn ngữ được Nhà nước sử dụng chính thức.

3.4. Yêu cầu đối với hoạt động xây dựng văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự

Thứ nhất: Soạn thảo văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự phải đúng thẩm quyền.

Thẩm quyền về nội dung: Tức là xác định đúng về thẩm quyền giải quyết công việc phát sinh trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án được ban hành những loại văn bản gì trong hoạt động tố tụng của mình. Ví dụ cần tiếp tục tạm giam bị cáo 45 ngày để đảm bảo cho việc thi hành án  thì Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền ra quyết định tạm giam.

Thẩm quyền về hình thức: Là thẩm quyền của các chủ thể trong việc ban hành những hình thức văn bản nhất định phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự. Mỗi chủ thể có thẩm quyền chỉ được ban hành một số loại văn bản nhất định.

Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát, chánh án, phó chánh án, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được quyền ban hành những loại văn bản nào cần được làm rõ. Bởi nếu xác định sai thẩm quyền về nội dung hay hình thức thì văn bản được ban hành đều không có giá trị pháp lý. Ví dụ: Để tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án trước khi mở phiên toà thì hình thức văn bản cần được ban hành là Lệnh tạm giam do Chánh án hoặc phó chánh án ban hành, nhưng tạm giam bị cáo sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì hình thức văn bản là quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Vấn đề xác định đúng thẩm quyền khi ban hành văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự là một vấn đề hết sức phức tạp. Nếu văn bản được ban hành trái thẩm quyền thì sẽ không có hiệu lực pháp luật và sẽ bị cấp có thẩm quyền bãi bỏ.

Vì vậy để văn bản pháp luật phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự được ban hành đúng thẩm quyền thì người soạn thảo cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ pháp luật hiện hành để xác định chủ thể ban hành và hình thức văn bản cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Thứ hai: Phải được tiến hành đúng thủ tục do pháp luật quy định và phải đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và hướng dẫn khá rõ ràng cụ thể về hình thức của các loại văn bản.

Ví dụ: Điều 104 (quyết định khởi tố vụ án án hình sự); Điều 108 (quyết định không khởi tố vụ án hình sự); điều 224 (bản án), các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao còn ban hành các mẫu văn bản cụ thể để thống nhất áp dụng thực hiện trong toàn ngành.

Soạn thảo văn bản pháp luật: Khi soạn thảo cần xuất phát từ tính chất của mỗi vụ việc cụ thể để xác định phạm vi những vấn đề được đề cập và đối tượng tác động của văn bản.

Trong văn bản cần giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan tới nội dung chính mà không được bỏ sót những nội dung phụ, trường hợp phức tạp không thể giải quyết cùng lúc và nếu được pháp luật cho phép thì cần nói rõ nội dung nào được tách ra để giải quyết sau. Ví dụ: Trong bản án hình sự, cần giải quyết cả vấn đề dân sự như bồi thường thiệt hại, xử lý tài sản bị tạm giữ, vấn đề cấp dưỡng, án phí… nhưng trong trường hợp pháp luật quy định thì có thể tách một phần dân sự liên quan đến vụ án để giải quyết trong vụ án khác (khi đó phải nói rõ trong bản án hình sự).

Thông qua văn bản pháp luật:

Việc thông qua văn bản pháp luật cũng được tiến hành theo những thủ tục do pháp luật quy định, có thể do cá nhân quyết định, cũng có thể do tập thể biểu quyết. Ví dụ, trước khi mở phiên toà, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại phiên toà thì Hội đồng xét xử thông qua quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ban hành văn bản pháp luật:

Sau khi văn bản được ban hành thì gửi tới những cá nhân, tổ chức có liên quan để thực hiện. Việc giao nhận có thể gửi trực tiếp hoặc thông qua đường công văn tới từng đối tượng tiếp nhận tuỳ theo tính chất và yêu cầu của vụ việc cụ thể.

  1. KỸ NĂNG SOẠN THẢO VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
  2. Soạn thảo một số đề mục chung, bắt buộc phải có trong tất các các loại văn bản
  3. Quốc hiệu

Về nội dung phần Quốc hiệu được hợp thành bởi tên nước, chế độ chính trị và mục tiêu chính trị của Nhà nước ta. Phần này được trình bày ở bên phải, phía trên cùng của văn bản gồm hai dòng; dòng trên viết chữ in hoa; dòng dưới viết chữ thường có các gạch nối ở giữa các từ. Phía dưới cùng có đường gạch ngang, nét liền kéo dài đến hết dòng chữ:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

  1. Tên cơ quan ban hành văn bản

Trình bày ngang hàng với quốc hiệu, về phía trái văn bản

Vì các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự có vị trí tương đối  độc lập với cơ quan cấp trên trực tiếp nên chỉ ghi tên cơ quan ban hành văn bản mà không phải ghi cơ quan cấp trên (dòng trên) và cơ quan ban hành văn bản (dòng dưới).

Ví dụ: đối với bản án do Toà án nhân dân huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ban hành thì chỉ cần ghi:

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA BÌNH

Mà không cần ghi:

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA BÌNH

  1. Số, kí hiệu của văn bản

Số, ký hiệu của văn bản được đặt dưới tên cơ quan ban hành văn bản.

Số của văn bản là số thứ tự được ghi liên tục theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 01 tính từ ngày 01 tháng 01 hàng năm và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 của năm.

Hiện nay thường sử dụng hai cách đánh số văn bản sau:

Cách thứ nhất: Đánh số chung cho tất cả các loại văn bản, ví dụ các công văn, thông báo, quyết định, lệnh… đều sử dụng một số thứ tự chung, thống nhất.

Cách thứ hai: Đánh số cho từng loại văn bản. Cách này được sử dụng chung và phổ biến trong hoạt động tố tụng hình sự. Bởi lẽ, trong một năm công tác, số lượng văn bản mà cơ quan tiến hành tố tụng ban hành là rất lớn, bao gồm nhiều loại văn bản khác nhau như lệnh, quyết định, thông báo, bản án. Trong số các lệnh lại có lệnh bắt và tạm giam, lệnh tạm giữ, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, hay các bản án thì có bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm, các quyết định có quyết định tạm giam, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung…. Vì vậy, việc đánh số thứ tự theo từng loại văn bản, tương ứng với từng loại việc cụ thể được áp dụng phổ biến và tiện dụng hơn cả.

Ví dụ: Trong hoạt động tố tụng của Toà án. Việc đánh số văn bản Lệnh tạm giam, lệnh trích xuất; số quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả tự do cho bị cáo, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung được theo dõi riêng theo từng loại sổ….

Đối với văn bản áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự thì sau phần số của văn bản là năm ban hành văn bản. Năm ban hành văn bản được ghi đầy đủ cả bốn chữ số và phân cách với các phần khác bởi dấu gạch chéo.

Ví dụ: Số     /2013/…

Đối với văn bản hành chính thì sau phần số của văn bản không ghi năm ban hành văn bản mà sau phần số của văn bản là ký hiệu của văn bản. Phần số của văn bản được phân cách với phần ký hiệu của văn bản bởi dấu gạch chéo. Ví dụ: Số   /TB- TA.

Kí hiệu của văn bản được trình bày sau phần năm ban hành văn bản (Đối với văn bản áp dụng pháp luật) và sau phần số (Đối với văn bản hành chính).

Thông thường đối với văn bản áp dụng pháp luật thì ký hiệu của văn bản là chữ viết tắt tên của cấp xử lý công việc và chữ viết tắt của tên loại việc mà văn bản giải quyết, chữ viết tắt của ký hiệu văn bản được phân định với nhau bởi dấu gạch ngang. Ví dụ: Số 15/2013/HSST- QĐ (Số 15/2013/ hình sự sơ thẩm/ quyết định).

Đối với văn bản hành chính, ký hiệu của văn bản bao gồm chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản và chữ viết tắt của tên đơn vị soạn thảo văn bản. Ví dụ công văn, hoặc thông báo của Toà án do Toà hình sự soạn thảo: Số:…../TA-THS

Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản và chữ viết tắt của tên đơn vị soạn thảo văn bản phải được quy định cụ thể, đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu.

  1. Địa danh và thời gian ban hành văn bản

Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương là tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tên của thành phố thuộc tỉnh (nếu có) nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở;

Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp tỉnh là tên của thành phố trực thuộc trung ương hoặc là tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc của huyện nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở.

Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp huyện là tên của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trong trường hợp tên tỉnh khác với tên tỉnh lị, tên huyện khác với tên huyện lị thì trong văn bản pháp luật của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện ghi tên tỉnh lị hoặc huyện lị để tránh sự trùng lặp giữa các để mục trong hình thức văn bản.

Ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam có tỉnh lị là thành phố Phủ Lý thì trong Quyết định tạm giam của Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam ghi là: Phủ Lý, ngày…. tháng… năm…..

Địa danh được đặt dưới Quốc hiệu, về bên phải của văn bản.

Ví dụ:      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                 Phủ Lý, ngày….tháng….năm……

Thời gian ban hành văn bản: được ghi đầy đủ theo thứ tự ngày, tháng năm bằng số ả rập. Để đảm bảo sự chặt chẽ, chính xác những số chỉ ngày dưới 10, chỉ tháng dưới 3 phải viết số 0 ở trước. Ví dụ: Bắc Ninh, ngày 01 tháng 02 năm 2013.

Hiện nay do chưa có các quy định cụ thể nên việc xác định thời gian của văn bản chưa thống nhất và chưa rõ ràng. Trong khi đó, thời điểm ban hành văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản, xác định việc phát sinh hoặc chấm dứt các quan hệ pháp lý, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các đối tượng có liên quan.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt ngày, tháng, năm văn bản pháp luật được ban hành với ngày mà nó có hiệu lực.

Thông thường đối với những văn bản áp dụng pháp luật thì ngày tháng năm văn bản được ban hành là ngày có hiệu lực của văn bản. Ví dụ: Quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử, Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định. Nhưng đôi khi ngày tháng năm ban hành văn bản không phải là ngày có hiệu lực của văn bản, đó là những trường hợp nội dung của văn bản liên quan trực tiếp tới vấn đề thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định, như thời hạn tạm giam, tạm giữ. Ví dụ: Trong Lệnh tam giam ban hành vào ngày 06/5/2013, nhưng hiệu lực của Lệnh tạm giam bắt đầu từ ngày 10/5/2013.

  1. Tên gọi của văn bản pháp luật

Các văn bản pháp luật đều có tên gọi riêng. Thông thường tên gọi của văn bản pháp luật được trình bày bằng kiểu chữ in hoa, khổ lớn và đậm; được trình bày ở vị trí giữa văn bản, phía dưới quốc hiệu và tên cơ quan ban hành văn bản.

Tên gọi của văn bản là tên loại văn bản, ví dụ như Lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn… Tuy nhiên, cần lưu ý đối với Công văn và bản án khi trình bày thì không ghi tên văn bản.

Tên gọi của văn bản được xác lập bằng ba cách:

Một là ghép tên văn bản với từng loại chủ đề văn bản;

Hai là dùng tên loại văn bản làm tên của dự thảo, sử dụng trích yếu xác định chủ đề văn bản;

Ba là sử dụng tên loại văn bản chung cho mọi văn bản áp dụng pháp luật cụ thể.

Khi lựa chọn cách thức trình bày tên gọi và trích yếu của văn bản áp dụng pháp luật cần lưu ý tới nét đặc thù của một số loại văn bản đã mang tính phổ biến và ổn định trong hoạt động thực tiễn. Ví dụ: Bản án, cáo trạng, bản kết luận điều tra chỉ có tên gọi mà không có trích yếu.

Các Lệnh và Quyết định thường được ghép với tên chủ đề. Ví dụ: Lệnh truy nã, Lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định trả tự do, quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn…

  1. Trích yếu của văn bản

Trích yếu là phần ghi tóm tắt một cách chính xác nội dung của văn bản. Phần trích yếu được trình bày phía dưới tên gọi của văn bản, trừ công văn là văn bản không có tên gọi nên trích yếu được trình bày dưới phần số và ký hiệu của văn bản. Tên gọi và trích yếu của văn bản hợp thành một thể thống nhất, xác định chủ đề của văn bản. Trích yếu thường được trình bày ngắn gọn, rõ ràng trong một câu. Trích yếu giúp người soạn thảo văn bản xác định đúng trọng tâm của nội dung văn bản. Đối với người tiếp nhận văn bản, trích yếu có tác dụng giúp cho việc vào sổ, tra tìm văn bản được thuận lợi. Ngoài ra cùng với các đề mục khác trong thể thức văn bản như số, ký hiệu văn bản, tên cơ quan ban hành văn bản, thời gian ban hành văn bản…, trích yếu có tác dụng cá biệt hoá văn bản, giúp cho việc phân biệt văn bản này với văn bản khác.

Cũng cần lưu ý không phải các văn bản pháp luật phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự đều phải có trích yếu, mà tuỳ từng loại văn bản để xác định có trích yếu hay không. Ví dụ bản án hình sự không có trích yếu, hiện nay vẫn có một số Toà án địa phương ghi trích yếu bản án dưới phần số và ký hiệu của bản án là không chuẩn xác.

Ví dụ:         TOÀ ÁN DÂN DÂN HUYỆN YÊN PHONG

                                   Bản án số:      /2013/HSST

               Vụ Nguyễn Văn Hoàng phạm tội Trộm cắp tài sản

Công văn luôn có phần trích yếu. Đa phần các thông báo của cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự cũng có phần trích yếu. Ví dụ: Thông báo về việc tiếp tục giải quyết vụ án. Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị…

  1. Xác lập cơ sở của văn bản

Xác lập cơ sở pháp lý của văn bản:

Cơ sở pháp lý của văn bản là Bộ luật tố tụng hình sự. Trong một số trường hợp ngoài việc viện dẫn các điều khoản của Bộ luật tố tụng hình sự cần phải viện dẫn những văn bản đã ban hành trước đó để minh chứng cho sự đúng đắn về thủ tục giải quyết công việc phát sinh. Ví dụ: Quyết định khởi tố bị can chỉ được ban hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, vì vậy khi ban hành quyết định khởi tố bị can phải căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án. Hay trong cáo trạng của Viện kiểm sát, phải căn cứ vào hàng loạt các quyết định ban hành trước đó, như quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định chuyển vụ án, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can…

Trong trường hợp chỉ có một điều luât hoặc một văn bản áp dụng pháp luật là cơ sở pháp lý của dự thảo thì vấn đề lựa chọn không được đặt ra. Tuy nhiên, khi cùng lúc có nhiều điều luật liên quan đến dự thảo thì nên lựa chọn những điều luật thực sự có ý nghĩa đối với dự thảo.

Nếu liên quan tới dự thảo là những điều luật có cùng hiệu lực pháp luật và cùng có quy định về vấn đề liên quan tới dự thảo (có điều luật quy định gián tiếp, có điều luật quy định trực tiếp) thì lựa chọn văn bản quy định trực tiếp về vấn đề được để cập trong dự thảo.

Nếu có nhiều điều luật quy độc lập với nhau và đều liên quan tới nội dung cần được minh chứng về sự đúng đắn thì cần viện dẫn tất cả các điều luật.

Nếu đó là những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật khác nhau, trong đó văn bản có hiệu lực thấp giữ vai trò giải thích, hướng dẫn thi hành đối với văn bản có hiệu lực cao hơn thì chỉ viện dẫn văn bản được giải thích mà không viện dẫn văn bản giải thích như: Trong bản án chỉ viện dẫn Bộ luật hình sự mà không viện dẫn Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán.

Cơ sở pháp lý vủa văn bản pháp luật chỉ là văn bản đang có hiệu lực pháp luật vào thời điểm văn bản đó được ban hành.

Xác lập cơ sở thực tiễn của văn bản:

Thông thường cơ sở thực tiễn của văn bản được bắt đầu bằng các từ như “xét”, “để” và được thể hiện bằng các câu do người soạn thảo lựa chọn mà không theo mẫu câu cố định.

Ví dụ: trong quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, thường có các câu như: Xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng khác cho việc giải quyết vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được; Xét thấy trong vụ án còn có người đồng phạm khác…

  1. Phần ký trong văn bản

Các văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự do người có thẩm quyền ký. Phần ký được trình bày ở góc phải, cuối văn bản. Chức vụ của người ký phải được ghi trước chữ ký và được trình bày theo các thể thức nhất định, phù hợp với thủ tục thông qua và thẩm quyền của người ký văn bản.

Theo quy định của pháp luật, thể thức ký có thể là TM (thay mặt), KT (ký thay), TL (thừa lệnh), TUQ (thừa uỷ quyền), Q (quyền).

Thể thức thay mặt được sử dụng khi văn bản pháp luật được thông qua theo nguyên tắc biểu quyết tập thể và quyết định theo đa số. Khi đó, người ký chỉ xác nhận việc văn bản pháp luật đã được thông quan theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Ví dụ: TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

THẨM PHÁN – CHỦ TOẠ PHIÊN TOÀ

Nếu là văn bản do cá nhân điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được quyền ban hành thì thể thức ký chỉ ghi chức vụ của người ký mà không ghi thay mặt.

Ví dụ: TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

                              THẨM PHÁN

Đối với văn bản do cấp phó ký khi được cấp trưởng uỷ quyền thì phải ghi KT trước chức vụ của cấp trưởng.

Ví dụ: KT. CHÁNH ÁN

          PHÓ CHÁNH ÁN

Trong một số trường hợp, thủ trưởng cơ quan có thể uỷ quyền cho một người khác là cấp dưới ký văn bản về một số việc nhất định. Trường hợp này có hai cách ký:

Cách thứ nhất: Uỷ quyền cho một người giữ chức vụ hành chính là cấp dưới trực tiếp trong thời gian không hạn chế (uỷ quyền thường xuyên) thì khi người được uỷ quyền ký phải ghi TL và chức vụ của người được uỷ quyền.

Cách thứ hai: Uỷ quyền cho người giữ chức vụ Nhà nước với sự hạn chế về thời gian hoặc nội dung công việc được uỷ quyền. Trong trường hợp này, người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại. Khi ký, người được uỷ quyền phải ghi TUQ và chức vụ của người được uỷ quyền.

Ví dụ:

Trường hợp người đứng đầu cơ quan được bổ nhiệm là quyền cấp trưởng thì khi ký cần ghi là Quyền trưởng, ví dụ: Quyền Chánh án.

Người có thẩm quyền phải ký trực tiếp, không được ký bằng bút chì, bút mực màu đỏ hoặc bằng các vật liệu dễ phai mờ, phải viết rõ họ tên người ký bằng chữ thường, cách chức vụ của người ký 30 mm.

Thông thường các văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự chỉ có một chữ ký, nhưng cũng có trường hợp văn bản có nhiều chữ ký như: Bản án, biên bản nghị án.

  1. Dấu trong văn bản pháp luật

Sau khi văn bản pháp luật đã được người có thẩm quyền ký đúng thể thức, văn bản phải được đóng dấu. Dấu phải được đóng đúng chiều, rõ ràng và trùm lên từ ¼ đến 1/3 về bên trái chữ ký. Không được đóng dấu khi chưa có chữ ký. Chữ ký và dấu có vai trò đảm bảo tính hợp pháp của văn bản pháp luật.

  1. Nơi nhận

Phần nơi nhận được trình bày ở góc trái, cuối văn bản, ngang phần chữ ký.

Để trình bày phần này, người ký phải căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng việc và theo đúng những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác mà quyết định việc gửi văn bản. Thông thường, văn bản được gửi tới các cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan ban hành văn bản; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc thực hiện văn bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành văn bản và bộ phận có trách nhiệm lưu văn bản.

  1. Soạn thảo nội dung của văn bản

Xác lập đối tượng tác động của văn bản. Thông thường đối với những văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự, thì đối tượng tác động của văn bản là cá nhân. Để cá biệt hóa những dấu hiệu nhân thân của cá nhân, trước hết ghi họ tên theo chứng minh thư nhân dân hoặc các giấy tờ có trị pháp lý khác. Trường hợp một người có nhiều tên khác nhau (tên khai sinh, tên thường gọi, biệt danh) thì trong văn bản sử dụng tên chính thức còn các tên khác có thể coi như những dấu hiệu có tác dụng cá biệt hóa đối tượng tác động của văn bản.

Thông thường để cá biệt hóa đối tượng tác động của văn bản có thể sử dụng một số dấu hiệu nhân thân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, chức vụ và nơi công tác. Trong bản kết luận điều tra, cáo trạng hay bản án còn thể hiện một số dấu hiệu nhân thân như giới tính, dân tộc, quốc tịch, trình độ văn hóa, cha mẹ, vợ con của bị can, bị cáo, tiền án, tiền sự… của đối tượng tác động để cá biệt hóa đối tượng đồng thời để góp phần tạo nên sự đánh giá đúng đắn, toàn diện về những vấn đề có liên quan tới đối tượng, giúp cho việc giải quyết công việc được đúng đắn, tránh được sự phiến diện, lệch lạc.

Xác lập các mệnh lệnh cụ thể trong văn bản. Trên cơ sở của pháp luật hiện hành, người soạn thảo cần đưa ra những phán quyết phù hợp với mỗi trường hợp cụ thể để áp dụng đối với từng đối tượng tác động. Tuy nhiên, ngoài việc căn cứ vào pháp luật, người soạn thảo còn phải xem xét những sự kiện pháp lý phát sinh trên thực tiễn để xác định việc có ban hành văn bản hay không và nội dung của văn bản được ban hành. Chỉ khi nào đã có sự kiện pháp lý liên quan, trực tiếp làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của đối tượng tác động thì mới ban hành văn bản để áp dụng pháp luật với đối tượng đó.

Việc xác lập hành vi; xác lập các phán quyết về hành vi; xác lập cách thức thực hiện mệnh lệnh cá biệt thì tùy theo từng văn bản mà lựa chọn các thức xác lập phù hợp đảm bảo tính khoa học, lô gic, chính xác.

Xác lập hiệu lực pháp luật theo thời gian của văn bản.

Thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc hiệu lực của văn bản được xác lập theo hướng xác định rõ ngày, tháng, năm cụ thể hoặc gắn với mốc là hoạt động ký hay giao nhận văn bản.

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản thường được bố trí ở điều cuối cùng của văn bản.

Đối với những văn bản mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định có hiệu lực thi hành ngay như bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì người soạn thảo không được quy định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản áp dụng pháp luật theo hướng khác.

Trong trường hợp pháp luật không quy định hoặc quy định tuỳ nghi về thời điểm có hiệu lực của văn bản thì người soạn thảo sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định vấn đề này theo hướng khác nhau: Có hiệu lực ngay, hay có hiệu lực vào thời điểm sau khi ban hành.

Quy định về thời điểm kết thúc hiệu lực của văn bản:

Thông thường quy định về thời điểm kết thúc hiệu lực của văn bản không được xác lập trong văn bản nhưng nếu cần thiết thì người soạn thảo có thể quy định về thời điểm kết thúc hiệu lực của những nội dung cụ thể trong văn bản.

Cũng như vậy, quy định về việc làm mất hiệu lực của văn bản khác cũng ít khi được sử dụng khi ban hành văn bản pháp luật phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự.

Xác lập nghĩa vụ tổ chức thực hiện văn bản:

Việc xác định những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản thường được viết bằng một câu, đặt ở điều khoản cuối của văn bản (Có thể bố trí cùng, đặt trước hoặc đặt sau nội dung quy định về thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản). Ví dụ trong Lệnh tạm giam của Toà án, điều khoản cuối cùng thường có câu: Trại tạm giam công an tỉnh X có trách nhiệm thi hành lệnh này.

  1. Một số loại văn bản pháp luật đuợc ban hành trong hoạt động tố tụng hình sự

Lệnh: Lệnh tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt và tạm giam, lệnh truy nã…

Quyết định: Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn…

Bản án: Được Toà án nhân dân cấp sơ thẩm và phúc thẩm ban hành để đưa ra những phán quyết về một vụ án hình sự cụ thể.

Yêu cầu: Được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án ban hành trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự để buộc các đối tượng có liên quan thực hiện những hành vi cần thiết cho quá trình giải quyết vụ án.

Ví dụ: Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra thay đổi điều tra viên; Toà án nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ vụ án đã có hiệu lực pháp luật để xem xét, quyết định việc kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thông báo: Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị; Thông báo chuyển ngày xét xử…..

  1. Một số mẫu văn bản thường được sử dụng trong hoạt động tố tụng của Toà án

   Các mẫu văn bản tố tụng này được ban hành kèm theo nghị quyết số 03 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, gồm:

2.1. Các mẫu văn bản tố tụng dùng cho Tòa án cấp sơ thẩm:

  1. a) Lệnh tạm giam (Mẫu số 01a: dùng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án để áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam).
  2. b) Lệnh tạm giam (Mẫu số 01b: dùng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án để áp dụng biện pháp tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo đang bị tạm giam).
  3. c) Lệnh bắt và tạm giam (Mẫu số 01c: dùng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án để áp dụng biện pháp bắt và tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với bị can, bị cáo đang được tại ngoại).
  4. d) Quyết định tạm giam (Mẫu số 01d: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm để áp dụng biện pháp tạm giam khi kết thúc phiên tòa đối với bị cáo dang bị tạm giam).

đ) Quyết định bắt và tạm giam (Mẫu số 01đ: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm để áp dụng biện pháp tạm giam khi kết thúc phiên tòa đối với bị cáo đang được tại ngoại).

2.2. Các mẫu văn bản tố tụng dùng cho Tòa án cấp phúc thẩm:

  1. a) Lệnh tạm giam (Mẫu số 02a: dùng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án hoặc Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với bị cáo đang bị tạm giam).
  2. b) Lệnh tạm giam (Mẫu số 02b: dùng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án hoặc Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để áp dụng biện pháp tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa đối với bị cáo đang bị tạm giam)…
  3. c) Lệnh bắt và tạm giam (Mẫu số 02c: dùng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án hoặc Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để áp dụng biện pháp bắt và tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với bị cáo đang được tại ngoại).
  4. d) Quyết định tạm giam (Mẫu số 02d: dùng cho Hội đồng xét xử phúc thẩm để áp dụng biện pháp tạm giam khi kết thúc phiên tòa đối với bị cáo đang bị tạm giam).

đ) Quyết định bắt và tạm giam (Mẫu số 02đ: dùng cho Hội đồng xét xử phúc thẩm để áp dụng biện pháp tạm giam khi kết thúc phiên tòa đối với bị cáo đang được tại ngoại).

2.3. Các mẫu văn bản tố tụng dùng chung cho Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm:

  1. a) Giấy chứng nhận người bào chữa (Mẫu số 03a).
  2. b) Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận người bào chữa (Mẫu số 03b).

 

BÀI 6:

KỸ NĂNG SOẠN THẢO BẢN ÁN HÌNH SỰ

 

  1. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA BẢN ÁN HÌNH SỰ

Hoạt động tố tụng hình sự được nhiều cơ quan thực hiện, trong đó hoạt động xét xử của Tòa án giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó quyết định đến sinh mệnh chính trị, quyền con người cũng như lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp đặc biệt, nó còn quyết định đến quyền được sống của con người. Trong đó, Bản án hình sự là một văn bản tố tụng hình sự ghi nhận các kết luận và quyết định của Hội đồng xét xử, cao hơn nữa đó là sự đánh giá của Nhà nước đối với một hành vi, một con người cụ thể khi hành vi đó, con người đó, bị truy tố trước Tòa án. Bản án hình sự đánh dấu sự kết thúc của quá trình điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy bản án phải phản ánh trung thực diễn biến của vụ án và phải xác định rõ sự thật khách quan, đó là:

Có sự việc phạm tội xảy ra không? Thời gian, địa điểm phạm tội. Ai là người đã thực hiện các hành vi phạm tội và hành vi đó có cấu thành tội phạm không? Nếu là tội phạm thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự? Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện của tội phạm đó…

Căn cứ vào các kết luận, các phân tích, đánh giá nêu trên thông qua cuộc thẩm vấn công khai tại phiên tòa, kết quả tranh luận giữa người bào chữa và đại diện Viện kiểm sát, giữa bị cáo và những người tham gia khác tại phiên tòa với bản Cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát, để Hội đồng xét xử Quyết định hình phạt cho tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Nếu không có tội thì Hội đồng xét xử phải xác định những căn cứ để tuyên bố bị cáo không phạm tội và giải quyết việc phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Bản án hình sự là một loại văn bản tố tụng hình sự khi được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì những quyết định trong bản án sẽ đưa đến các hậu quả pháp lý rất lớn và rất quan trọng mang tính Hiến định thể hiện tại Điều 72 Hiến pháp năm 1992 là “Một người chỉ được coi là có tội và phải chịu hình phạt khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (Nguyên tắc suy đoán vô tội) – Điều 9 BLHS năm 2003.

Điều 136 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các bản án, quyết định của tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi người dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Do đó, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật là sự thể hiện quyền lực của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hoạt động xét xử, mà kết quả là việc Hội đồng xét xử ra bản án để xác định một người có tội hay không có tội, phải chịu hình phạt hay không phải chịu hình phạt có ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc và trước hết trực tiếp ảnh hưởng tới người bị đưa ra xét xử. Bản án hình sự tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không chỉ có ý nghĩa về mặt đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa được thực hiện nghiêm minh mà còn mang tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội, đồng thời tạo ra niềm tin của nhân dân vào công lý. Với ý nghĩa pháp lý nêu trên, bản án hình sự cần phải có nội dung mang tính khoa học pháp lý, văn phong chuẩn xác, thống nhất theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

  1. VIỆC SOẠN THẢO BẢN ÁN HÌNH SỰ CỦA THẨM PHÁN KHI CHƯA CÓ HƯỚNG DẪN CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN VÀ VIỆC VẬN DỤNG CUỐN SỔ TAY VIẾT BẢN ÁN

2.1. Đánh giá việc soạn thảo bản án hình sự của Thẩm phán thời kỳ trước năm 2004

Mặc dù bản án hình sự có ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, nhưng có thể thấy rằng, trong một thời gian dài khi chưa có Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và cuốn sổ tay viết bản án xuất bản năm 2009 thì cách viết bản án hình sự của các Thẩm phán còn mang tính tùy tiện, cấu trúc, hình thức thể hiện bản án mỗi nơi một khác. Nhiều Thẩm phán chủ tọa phiên tòa viết theo thói quen, không tuân thủ quy định ban hành mà tự mình còn “sáng tác” theo ý riêng của mình như có bản án ghi: “Hôm nay, ngày… tháng… năm… tại trụ sở tòa án… xét xử công khai về hình sự với bị cáo…”. Có bản án lại ghi rằng: “họp phiên tòa công khai ngày…” hay “mở phiên tòa công khai ngày…”. Còn một cách khác là: “Tiến hành xét xử sơ thẩm công khai ngày…”.

Trong phần lý lịch bị cáo, đa số các bản án đều viết nghề nghiệp trước, rồi trình độ văn hóa. Nhưng có trường hợp lại trình bày ngược lại. Về phần tên bố mẹ bị cáo, tại các bản án cũng đa dạng về cách thể hiện. Chẳng hạn như viết: “bố là…”; “mẹ là…”; hay “con ông…”; “con bà…”; hoặc “bố…; mẹ…”… Đa phần các  bản án lại không phản ánh đầy đủ diễn biến quá trình xét xử mà trong phần nhận thấy, các Thẩm phán thường có thói quen viết lại toàn bộ nội dung của bản Cáo trạng, còn diễn biến phiên tòa chỉ nói chung chung rằng tại phiên tòa bị cáo nhận tội, không nêu người bị hại khai thế nào, Viện kiểm sát đề nghị xử lý vụ án ra sao, dẫn đến bản án khi tuyên đọc không có kết cấu chặt chẽ, không có sự logic giữa các phần trong bản án hình sự, thường có sự mâu thuẫn giữa phần xét thấy với phần nhận thấy hoặc mâu thuẫn giữa phần xét thấy với phần quyết định như: Khi đánh giá vai trò của các bị cáo hoặc đánh giá tính chất nguy hiểm do hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm song phần quyết định lại cho hưởng án treo hoặc bị cáo có vai trò thấp lại có mức án cao hơn bị cáo có vai trò chính… Để xảy ra tình trạng không thống nhất về hình thức bản án như trên là do 2 nguyên nhân.

Trước hết, trách nhiệm thuộc về Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa – người được giao viết bản án. Các thẩm phán viết theo thói quen, tùy tiện, ngẫu hứng không theo hướng dẫn. Họ chưa nhận thức đầy đủ được trách nhiệm, cũng như tầm quan trọng của việc ra bản án nhân danh nhà nước. Nguyên nhân thứ hai là do quá lâu không có hướng dẫn mới về cách viết bản án của các cấp có thẩm quyền. Trước năm 1985, TAND tối cao ra hướng dẫn cách viết bản án hình sự và đã có mẫu bản án. Nhưng gần 20 năm qua vẫn chưa có hướng dẫn bổ sung để phù hợp với tình hình hiện tại. Hơn nữa, quy định nội dung bản án tại Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 trước đây và tại Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành lại quá ngắn gọn, đơn giản.

Những hạn chế trên, chỉ được khắc phục khi có Nghị quyết số 04/2004 và cuốn sổ tay viết bản án do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức biên soạn với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của Jica. Có thể khẳng định từ năm 2009 đến nay, qua nghiên cứu, khảo sát các Thẩm phán trong toàn quốc nói chung đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng viết bản án từ bố cục đến nội dung trình bày. Các lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả đều được khắc phục, hạn chế, đúng văn phạm pháp lý.

Đa phần các bản án đã đáp ứng được cả về nội dung và hình thức của một bản án hình sự như:

– Về nội dung: Bản án đã giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề của vụ án trên cơ sở của Luật nội dung và Luật tố tụng. Các quyết định của bản án khi viện dẫn đa phần đều chính xác điểm, khoản, Điều của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

– Về mặt hình thức: Văn phong trong bản án đều trong sáng, rõ ràng, đúng chính tả. Bản án thể hiện được không gian, thời gian, địa điểm xét xử, tên Tòa án xét xử, thành phần Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng khác như Viện kiểm sát, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng. Việc phân tích, đánh giá trong các phần của bản án đảm bảo tính thống nhất, không mâu thuẫn, có kết cấu chặt chẽ.

Việc phân tích, chứng minh, kết luận của bản án đã tuân thủ yêu cầu là phải dựa trên các chứng cứ mà các chứng cứ này đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử không áp đặt ý kiến chủ quan hoặc sử dụng những chứng cứ chưa được thẩm tra tại phiên tòa, các kết luận của bản án đã phần phù hợp với sự thật khách quan của vụ án. Các Bản án đã xác định đúng sự việc phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… từ đó áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự.

 Khi kết luận bị cáo phạm tội, Hội đồng xét xử đã viện dẫn các căn cứ buộc tội bị cáo, dựa vào các căn cứ đó để Hội đồng xét xử áp dụng xử phạt bị cáo với những mức hình phạt tương ứng. Ngược lại, nếu tuyên bố bị cáo không phạm tội, thì các bản án cũng đã  đưa ra các chứng cứ, các căn cứ để không chấp nhận việc truy tố của Viện kiểm sát.

Đây chính là những tác động tích cực mà sổ tay viết bản án và các hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giúp cho các Thẩm phán khi ban hành các bản án nói chung và bản án hình sự nói riêng.

2.2. Thực tiễn hoạt động của Thẩm phán khi viết bản án hình sự

Mặc dù đa phần các Thẩm phán đều nghiên cứu và vận dụng đầy đủ và đúng các hướng dẫn của Nghị quyết số 04/2004 và cuốn sổ tay viết bản án. Song qua nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi vẫn thấy các Thẩm phán khi viết bản án vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất trong cách trình bày cả về hình thức và nội dung như:

Về phần mở đầu của Bản án vẫn có sự không thống nhất về phần lý lịch của bị cáo như phân tích ở phần trên, ngoài ra vẫn còn có Thẩm phán chưa áp dụng đúng như hướng dẫn của cuốn sổ tay dẫn đến có mâu thuẫn trong việc ghi nhân thân của bị cáo. Như hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004 có hướng dẫn:

 “…Đối với tiền sự thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị xử lý đó tính đến ngày phạm tội chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật. Đối với tiền án thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị kết án đó tính đến ngày phạm tội chưa được xóa án…”. Song hiện nay, thực tế áp dụng cũng có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp tiền sự đó đã hết thời hạn bị coi là bị xử lý hành chính hoặc đã thuộc trường hợp đương nhiên xóa án thì phần tiền án, tiền sự sẽ ghi là không. Có quan điểm lại cho rằng mặc dù đã hết thời hạn bị coi là xử lý hành chính hoặc đã được xóa án tích thì không ghi là tiền án hay tiền sự nhưng vẫn phải ghi trong phần đầu Bản án là “về nhân thân” và liệt kê những lần họ bị xử lý hành chính hay bị kết án trước đó. Vấn đề này hiện nay không được thống nhất đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn chỉ đạo để các Thẩm phán trình bày một cách thống nhất khi soạn thảo bản án hình sự.

Trong phần nhận thấy của Bản án, cũng có nhiều cách trình bày khác nhau. Có Thẩm phán trình bày tóm tắt nội dung của bản Cáo trạng, có Thẩm phán vẫn đưa nguyên văn nội dung của bản Cáo trạng vào trong phần nhận thấy, thậm chí ghi cả những hành vi mà bản Cáo trạng có mô tả, song không truy tố, hoặc những vấn đề xử lý vật chứng, của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra và truy tố cũng ghi cả vào trong phần nhận thấy, dẫn đến trong phần xét thấy, khi đánh giá về vấn đề xử lý các vật chứng của vụ án, các Thẩm phán lại nêu lại làm Bản án rất dài và thừa. Về diễn biến phiên tòa, có Thẩm phán ghi tóm tắt lời khai của bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, có Thẩm phán lại không ghi mà chỉ ghi “Tại phiên tòa hôm nay bị cáo (các bị cáo) nhận tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã quy kết”. Có Thẩm phán ghi ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, có Thẩm phán không ghi ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên. Đặc biệt ý kiến của người bào chữa, bị cáo và của những người tham gia tố tụng khác khi tranh luận với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát cũng như về phần đối đáp thì đa số các Thẩm phán đều không thể hiện trong bản án…

Trong phần xét thấy của Bản án, cũng có nhiều quan điểm khác nhau như: Có Thẩm phán ghi tóm tắt lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa rồi đi vào phân tích đánh giá những vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, xác định các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đánh giá bị cáo có phạm tội không và phạm tội gì, theo điều khoản nào của BLHS, phân tích mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đánh giá vai trò nhân thân của bị cáo (từng bị cáo), xác định thiệt hại, xử lý vật chứng…

Có Thẩm phán lại đi thẳng vào phân tích đánh giá những vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, xác định các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đánh giá bị cáo có phạm tội không và phạm tội gì, theo điều khoản nào của BLHS, phân tích mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đánh giá vai trò nhân thân của bị cáo (từng bị cáo), xác định thiệt hại, xử lý vật chứng… chứ không ghi lại lời trình bày của bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hoặc ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên.

Trong phần quyết định của Bản án, cũng có nhiều quan điểm khác nhau, có Thẩm phán ghi mức hình phạt với từng bị cáo và thời gian chấp hành hình phạt mà không ghi cụ thể tội danh, có Thẩm phán lại ghi cụ thể về tội danh, trong vụ án có nhiều bị cáo thì có Thẩm phán liệt kê các điều luật của nhiều bị cáo giống nhau để ghi mức hình phạt, có thẩm phán lại liệt kê các điều luật áp dụng cho từng bị cáo để ghi mức hình phạt…

Chính sự vận dụng không thống nhất hiện nay của các Thẩm phán dẫn đến nhiều bản án không có tính thuyết phục, không thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, không nâng cao được vai trò và vị thế của Thẩm phán trong tiến trình của Cải cách tư pháp mà Tòa án là trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm như yêu cầu của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Nhận xét về thực trạng không thống nhất trong cách trình bày bản án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã từng nhận xét: “Đọc các bản án của Tòa, từ tối cao đến cấp huyện, tôi thấy còn rất nhiều vấn đề chưa thống nhất. Cách trình bày, căn cứ xét xử, lập luận của các bên, phần quyết định bản án mỗi nơi một khác”.

Để khắc phục những hạn chế trên, cần phải có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất để các Thẩm phán khi ban hành một Bản án phải làm sao đảm bảo chính xác và có tính thuyết phục. Tính chính xác của bản án được thể hiện ở chỗ Bản án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tức là việc áp dụng pháp luật đúng đắn, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, được dư luận đồng tình và đó cũng là tính thuyết phục cao của bản án. Tính thuyết phục của bản án còn thể hiện ở việc bản án phân tích sâu sắc, đầy đủ, hoàn thiện diễn biến và nội dung của vụ án, đánh giá đúng tính chất, mức độ, áp dụng đúng pháp luật để có quyết định hình phạt chính xác, đảm bảo nguyên tắc giáo dục và trừng trị.

Theo yêu cầu hiện nay, Bản án khi tuyên đọc là công khai và không chỉ giới hạn tại phiên tòa xét xử mà Bản án còn được đăng tải để mọi người dân đều có thể cập nhật nghiên cứu và cũng là một nguồn tài liệu quan trọng không chỉ trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân mà còn có tác dụng răn đe đối với những người có những ý định vi phạm hoặc coi thường các quy định của pháp luật.

Để đạt được mục đích đó, đòi hỏi các Bản án của Tòa án nói chung và Bản án hình sự nói riêng cần phải được thể hiện một cách trung thực, rõ ràng các diễn biến của phiên tòa công khai, thông qua hoạt động thẩm vấn tại phiên tòa, những ý kiến tranh luận và kết quả tranh luận của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đối với Cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát. Các chứng cứ được xử dụng của Hội đồng xét xử để buộc tội hoặc phản bác ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa thậm chí Hội đồng xét xử còn có quyền phản bác cả ý kiến của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa cần phải được phân tích đánh giá một cách chính xác và đầy đủ để khẳng định việc tuyên bố bị cáo phạm tội của Hội đồng xét xử là chặt chẽ, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Trong vấn đề quyết định hình phạt, cũng cần có những đánh giá nhận xét chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tầm quan trọng của các khách thể mà hành vi phạm tội đã xâm phạm, vai trò của từng bị cáo trong các vụ án đồng phạm có nhiều người tham gia, nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tuyên mức án phù hợp và có tính thuyết phục. Có như vậy, thì tất cả mọi người dân tham dự phiên tòa đều nhận thức được tính trung thực, công khai minh bạch của Hội đồng xét xử cũng như những người dân không dự phiên tòa khi đọc được Bản án hình sự của Tòa án có thể nắm bắt được nội dung của vụ án cũng như hiểu được chính sách hình sự của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay và nhận thấy việc xét xử và quyết định hình phạt của Tòa án là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo được niềm tin của nhân dân đối với pháp luật của nhà nước hiện nay.

2.3. Một số kiến nghị

Để đạt được mục đích trên, theo chúng tôi, hiệu quả của các hướng dẫn trong cuốn sổ tay viết Bản án đã được ghi nhận tích cực trong thời gian qua song để đảm bảo Bản án khi ban hành phải chính xác và có tính thuyết phục hơn nữa thì cũng cần phải có hướng dẫn phù hợp, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 08/NQ/TW Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư­ pháp trong thời gian tới đó là bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”. Và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến l­ược cải cách tư­ pháp đến năm 2020 mà Tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp và hoạt động xét xử là trọng tâm”. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thống nhất kỹ năng viết bản án nói chung và bản án hình sự nói riêng, qua tổng hợp các ý kiến tại các cuộc Hội thảo do Vụ hợp tác quốc tế phối hợp cùng các chuyên gia của tổ chức Jica tổ chức tại các tỉnh Quảng Ninh, Bình Định, Kiên Giang vừa qua, chúng tôi có một số đề xuất về kỹ năng viết bản án hình sự theo mẫu được xây dựng như sau:

TÒA ÁN (1)…       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bản án số   (2)…/…/HSST

Ngày (3)….

NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TOÀ ÁN (4)………………………………….

Với  Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có (5):

Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà: Ông (Bà)………………………..

Thẩm phán: Ông (Bà)…………………………………………………….

Các Hội thẩm:(6)

Ông (Bà):…………………………………………………………………….

Nghề nghiệp:……………………………………………………………….

Nơi công tác:………………………………………………………………..

Ông (Bà):……………………………………………………………………..

Nghề nghiệp:…………………………………………………………………

Nơi công tác:…………………………………………………………………

 Ông (Bà):……………………………………………………………………..

Nghề nghiệp:………………………………………………………………….

Nơi công tác:………………………………………………………………….

Những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa.    

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Ông (Bà)……………(7)

Đại diện Viện kiểm sát (8)………………….. Tham gia phiên toà:

   Ông (Bà)…………………………………………………Kiểm sát viên.

   Ông (Bà)…………………………………………………Kiểm sát viên.

Trong các ngày….. Tháng….. Năm….. (9) tại……………………….

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số (10)…../…../HSST ngày….. Tháng….. Năm….. Đối với các bị cáo:

  1. …………………… Sinh ngày….. Tháng….. Năm….. Nam (nữ)

Quê quán, Trú tại…………………………;

Dân tộc…….; Quốc tịch……; Tôn giáo…..; Đoàn thể….

Nghề nghiệp…………………..; Trình độ học vấn…….;

Con ông………………………. Và bà……………………… ;

Gia đình có….. anh em, bản thân là thứ ….

có vợ (chồng)…. và…… Con, lớn sinh… nhỏ sinh…;

tiền sự…………; Tiền án (11)………….;

Bị bắt tạm giam ngày (12).

2……………………………………………………………………………

Người đại diện hợp pháp của bị cáo: (13)

Ông (Bà)…………………….. Sinh năm (hoặc tuổi)……..;

Trú tại………; Nghề nghiệp………….

Là: (14)…………………………………………………………………..

Người bào chữa cho bị cáo: (15)………………………………………..

Ông (Bà)……………………………………………………………………….

Người bị hại: (16)   …………………………………………………….

Người đại diện hợp pháp của người bị hại: (17)……………………

Nguyên đơn dân sự: (18)……………………………………………..

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: (19)…………

Bị đơn dân sự: (20)…………………………………………………………..

Người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự: (21)…………………

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: (22)……….

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án(23):……………………………………………………………

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự,…)(24)

Ông (Bà)…………………………………………………………………

TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN (25)

– Bị cáo (các bị cáo) bị Viện kiểm sát……………………… Truy tố về hành vi (các hành vi) phạm tội như sau:

(Trình bày việc phạm tội, các hành vi phạm tội của bị cáo (các bị cáo) mà Viện kiểm sát truy tố theo nội dung của cáo trạng).

– Tại bản cáo trạng số….. Ngày….. Tháng….. Năm….. Viện kiểm sát…………. Đã truy tố.

(Ghi phần quyết định truy tố của cáo trạng đối với từng bị cáo về tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng).

Ghi tóm tắt lời khai của bị cáo (các bị cáo), lời khai của những người tham gia tố tụng khác, ý kiến của đại diện VKS, người bào chữa tại phiên tòa. Sau đó ghi

 Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa (nếu có) và những người tham gia tố tụng khác,

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ XÉT THẤY(26)

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH (27)

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

Hướng dẫn sử dụng mẫu bản án hình sự sơ thẩm nêu trên:

Mẫu bản án hình sự sơ thẩm như trình bày ở trên theo chúng tôi, vẫn bảo đảm được theo tinh thần quy định tại các điều 185, 224 và 307 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Mẫu bản án hình sự sơ thẩm kèm theo hướng dẫn này được sử dụng cho tất cả các Toà án khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Sau đây là những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng mẫu bản án hình sự sơ thẩm như đã nêu, trên cơ sở sửa đổi và bổ sung một số thuật ngữ cho phù hợp:

(1) Nếu là Toà án quân sự khu vực, thì ghi Toà án quân sự khu vực mấy Quân khu nào (ví dụ: Toà án quân sự khu vực 1 quân khu 4); nếu là Toà án quân sự quân khu thì ghi Toà án quân sự quân khu nào (ví dụ: Toà án quân sự Quân khu Thủ đô); nếu là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi Toà án nhân dân quận (huyện, thị xã, thành phố) gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); nếu là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số bản án, ô thứ hai ghi năm ra bản án theo đúng tinh thần hướng dẫn của Chính phủ về cách ghi số văn bản (ví dụ: Bản án số 250/2004/HSST).

(3) Ghi ngày, tháng, năm tuyên án không phân biệt vụ án được xét xử sơ thẩm và kết thúc trong một ngày hay được xét xử sơ thẩm trong nhiều ngày.

(4) Ghi như hướng dẫn tại điểm (1).

(5) Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người, thì chỉ ghi họ và tên của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán…”, Đối với Hội thẩm chỉ ghi họ và tên của hai Hội thẩm; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ và tên của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, họ và tên của Thẩm phán, họ và tên của cả ba Hội thẩm. Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, thì nhất thiết phải ghi nghề nghiệp và nơi công tác của Hội thẩm. Trong trường hợp bị cáo là người đã thành niên thì không cần phải ghi nghề nghiệp và nơi công tác của Hội thẩm.

Chúng tôi kiến nghị nên bỏ chữ “thành phần” và  chỉ cần ghi “Với Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có” thêm cụm từ “những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa”, sau khi đã ghi tên Hội đồng xét xử. Vì nếu để hai chữ “thành phần” thì dẫn đến sự hiểu lầm của người dân đến dự phiên tòa cho rằng, Hội đồng xét xử bao gồm cả Thư ký phiên tòa và đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. việc sửa đổi và bổ sung như vậy, tránh sự hiểu lầm của người dân tham dự phiên tòa và cũng phân định rõ đâu là Hội đồng xét xử, đâu là những người tiến hành tố tụng. Đối với Hội thẩm nhân dân thì trong mọi trường hợp, đều phải ghi đầy đủ nghề nghiệp và nơi công tác của Hội thẩm, chứ không chỉ đối với trường hợp bị cáo là người chưa thành niên.

(6) Nếu Toà án nhân dân, thì ghi Hội thẩm nhân dân; nếu Toà án quân sự, thì ghi Hội thẩm quân nhân. Không nên để số 1, 2 vào phần ghi các Hội thẩm dễ xảy ra việc hiểu lầm là có sự phân biệt giữa các Hội thẩm là Hội thẩm số 1 quan trọng hơn Hội thẩm số 2.

(7) Theo chúng tôi, chỉ cần ghi “Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: ông Nguyễn Văn A hoặc bà Nguyễn Thị B” là đủ chứ không cần ghi “Cán bộ Tòa án nhân dân…” nơi xét xử như mẫu cũ, vì Thư ký là chức danh tố tụng được quy định tại Điều 41 BLTTHS và chỉ có Thư ký mới được tham gia và ghi biên bản phiên tòa. Nếu là cán bộ thì không thể tham gia phiên tòa để ghi biên bản được và không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Hơn nữa phần trên đã ghi rõ Tòa án nào xử nên không cần phải ghi lại nữa là phù hợp.

(8) Ghi như hướng dẫn tại điểm (1), song đổi các chữ “Tòa án nhân dân” thành “Viện kiểm sát nhân dân” và “Tòa án quân sự” thành “Viện kiểm sát quân sự”; nếu chỉ có một Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì chỉ ghi họ và tên của Kiểm sát viên đó; nếu có hai Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì phải ghi đầy đủ họ và tên của cả hai Kiểm sát viên đó. Song chúng tôi cũng kiến nghị không nên để số 1, 2 như mẫu cũ để tránh sự so sánh như phần ghi các Hội thẩm.

(9) Trong trường hợp vụ án được xét xử và kết thúc trong một ngày, thì bỏ hai chữ “Trong các” (ví dụ: Ngày 12 tháng 4 năm 2004…).

Trong trường hợp vụ án được xét xử trong hai ngày trở lên, nếu số ngày tương đối ít thì có thể ghi đủ số ngày (ví dụ: Trong các ngày 3, 4 và 5 tháng 7…); Nếu số ngày nhiều liền nhau thì ghi từ ngày đến ngày (ví dụ: Trong các ngày từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 7 năm…); Nếu khác tháng mà xét xử liên tục thì ghi từ ngày… Tháng… Đến ngày… Tháng… (ví dụ: Trong các ngày từ ngày 30-7 đến ngày 04-8 năm…), Nếu không xét xử liên tục thì ghi các ngày của từng tháng (ví dụ: trong các ngày 29, 30, 31 tháng 7 và các ngày 03, 04 tháng 8 năm…

(10) Ô thứ nhất ghi số thụ lý sơ thẩm vụ án, ô thứ hai ghi năm thụ lý vụ án theo đúng tinh thần hướng dẫn của Chính phủ về cách ghi số văn bản và sau đó ghi ngày, tháng, năm thụ lý vụ án (ví dụ: Vụ án hình sự thụ lý số 175/2004/HSST ngày 20 tháng 4 năm 2004).

(11) Ghi họ và tên bị cáo và các bí danh, tên thường gọi khác (nếu có).

Phần này, chúng tôi kiến nghị trong mọi trường hợp đều nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh, chứ không phụ thuộc vào tuổi của bị cáo như hướng dẫn, việc ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh còn thuận lợi cho việc thi hành án sau này. Thực tế có nhiều vụ án các bị cáo trùng cả họ và tên cũng như tên đệm, trùng cả năm sinh nhưng chỉ khác nhau về ngày, tháng. Nếu chúng ta không ghi rõ rất dễ nhầm lẫn khi ra quyết định  thi hành án. Cần bổ sung về phần giới tính, Quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, đoàn thể để bản án được rõ ràng và thuận lợi cho công tác thống kê sau này. Thực tế có những bị cáo cha mẹ đặt tên khi đọc nên không thể phân biệt được là nam hay nữ, chỉ khi nhìn mặt thì mới biết là nam hay nữ. Thông thường nếu là nữ thì hay có chữ “Thị” để phân biệt nhưng hiện nay rất nhiều người là nữ nhưng khai sinh lại không có chữ “Thị”.  Cũng cần phải ghi đầy đủ cả quê quán, nơi đang ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở khi bị cáo phạm tội, vì có những bị cáo quê quán một nơi, lại đăng ký hộ khẩu một nơi, tạm trú một nơi… Nếu không ghi đầy đủ rất khó xác minh thi hành án sau này.  Cần thống nhất về phần trình độ là “trình độ học vấn” như vậy sẽ cụ thể hơn. Còn như mẫu hiện nay là “trình độ văn hóa” theo chúng tôi là không chính xác vì khái niệm văn hóa là khái niệm rất rộng không thể phiên ngang như trình độ học vấn được. Thực tế văn hóa bao trùm trong suốt cuộc đời con người từ ứng xử, ăn, nói, đi, đứng cũng như gắn với mọi hoạt động của con người từ khi con người sinh ra đến khi con người mất đi. Thực tế, có những người có học vấn cao nhưng cánh ứng xử lại thô lỗ không bằng người có học vấn thấp nên không thể có tiêu chí cụ thể nào để phân định về  trình độ văn hóa được.

 Đối với tiền sự thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị xử lý đó tính đến ngày phạm tội chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật. Đối với tiền án thì chỉ ghi khi đã xác định đúng theo quy định của pháp luật lần bị kết án đó tính đến ngày phạm tội chưa được xoá án.

Chúng tôi thấy, hướng dẫn về ghi phần tiền án, tiền sự như vậy là rõ ràng. Song hiện nay rất nhiều bản án khi xác định về tiền án, tiền sự mặc dù đến ngày phạm tội họ đã hết thời hạn bị coi là xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật hoặc đã được xóa án tích nhưng trong bản án vẫn ghi là “về nhân thân” và liệt kê những lần vi phạm đó ra. Theo chúng tôi như vậy là không phù hợp, dễ để Thẩm phán có ấn tượng với họ dẫn đến việc quyết định hình phạt không được chính xác và vô tình chúng ta đã phủ nhận quyết tâm hướng thiện của họ, dẫn đến trường hợp hành vi của họ đáng được hưởng án treo nhưng lại không được hưởng. Ví dụ có người bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc đã quá một năm hoặc phạm tội đã được xóa án nhưng lại phạm tội ít nghiêm trọng hoặc do vô ý như “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Nhưng trong bản án vẫn nhận định họ có nhân thân xấu là không phù hợp trái với quy định tại Điều 63 là “…Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án…”.

(12) Ghi ngày bị cáo bị bắt tạm giam; nếu trước đó bị cáo đã bị tạm giữ, bị bắt tạm giam, thì ghi ngày bị tạm giữ, ngày bị tạm giam và ngày được cho tại ngoại; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(13) Nếu bị cáo nào có người đại diện hợp pháp thì ghi họ và tên của bị cáo đó (ví dụ: Người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn A).

(14) Sau chữ “là” ghi quan hệ như thế nào với bị cáo (ví dụ: là bố của bị cáo); nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(15) Nếu bị cáo nào có người bào chữa thì ghi họ và tên của bị cáo đó; sau chữ Ông (Bà) ghi họ và tên của người bào chữa; nếu người bào chữa là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào (ví dụ: Ông Trần B, Luật sư Văn phòng luật sư Vạn Xuân thuộc Đoàn luật sư tỉnh H); nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bào chữa (ví dụ: Bà Lê Thị M, bào chữa viên nhân dân công tác tại Hội luật gia tỉnh M); nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) Nếu có người nào tham gia tố tụng thì ghi họ và tên, tuổi, nơi cư trú của người đó. Trong trường hợp người bị hại là người bị xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và là người chưa thành niên, thì nhất thiết phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của người bị hại; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(24) Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có người bảo vệ quyền lợi cho họ, thì ghi họ và tên của họ theo thứ tự; sau chữ Ông (Bà) ghi họ và tên; nếu người bảo vệ quyền lợi của đương sự là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào; nếu không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự; nếu có mặt tại phiên toà thì ghi “có mặt” và nếu vắng mặt tại phiên toà thì ghi “vắng mặt”.

(25) Trong phần này, cần chú ý chỉ ghi các hành vi phạm tội của các bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố trong nội dung của cáo trạng, những hành vi khác tuy có được mô tả trong cáo trạng, nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không ghi.

Chúng tôi kiến nghị về phần này như sau: Hiện mẫu viết bản án đang để cụm từ “Nhận thấy”. Theo chúng tôi, để như vậy vừa không rõ nghĩa và không thoát ý, do vậy cần đổi là “Tóm tắt nội dụng vụ án” sẽ cụ thể và rõ nghĩa hơn. Đây chỉ là phần mô tả hành vi phạm tội của bị cáo theo như nội dung của bản cáo trạng, nên cần ghi hết sức tóm tắt, có thể chỉ cần ghi phần kết luận trong bản Cáo trạng, sau đó bổ sung thêm một số ý làm sao phản ánh được về thời gian, địa điểm vụ án xảy ra, con người phạm tội cụ thể, những hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra… Từ đó, mới đến phần Cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, những phần khác như về tang vật của vụ án, hoặc những người khác có tham gia nhưng không bị truy tố thì cũng không cần ghi ở phần này mà để phân tích ở phần nhận định để tránh phải ghi lại nhiều lần dẫn đến bản án dài không cần thiết. Song cần bắt buộc phần này phải ghi tóm tắt được lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, ý kiến luận tội của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của người bào chữa, kết quả đối đáp của đại diện Viện kiểm sát với ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

Có như vậy khi chúng ta bắt vào đoạn “Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa (nếu có) và những người tham gia tố tụng khác” để chuyển sang phần “xét thấy” mới logic và chặt chẽ.

(26) Trong phần này chỉ ghi sự phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử bao gồm:

– Phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà;

– Phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội;

– Đánh giá bị cáo có phạm tội không và nếu bị cáo có phạm tội, thì phạm tội gì, theo khoản nào, điều nào của Bộ luật hình sự;

– Đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo;

– Đánh giá thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có);

– Hướng giải quyết về xử lý vật chứng (nếu có). Chúng tôi hoàn toàn đồng ý như hướng dẫn song để cụm từ “Xét thấy” như hiện nay là không phù hợp, về ngữ pháp là thiếu chủ ngữ vì ai xét thấy? Do vậy theo chúng tôi cần bổ sung là “Hội đồng xét xử xét thấy” là đầy đủ và đúng ngữ pháp hơn.

(27) Trong phần này ghi các quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án như sau:

  1. Trường hợp bị cáo có phạm tội:

– Tuyên bố bị cáo (các bị cáo)… Phạm tội (các tội)… (bị cáo nào phạm tội nào thì ghi tội đó);

– Áp dụng điểm… Khoản… Điều… Của Bộ luật hình sự; nếu có nhiều bị cáo phạm các tội khác nhau, thì ghi áp dụng điểm… Khoản… Điều… Của Bộ luật hình sự đối với bị cáo (các bị cáo)… Và áp dụng điểm… Khoản… Điều… Của Bộ luật hình sự đối với bị cáo (các bị cáo)…;

– Xử phạt bị cáo… (ghi tên từng bị cáo và mức hình phạt). Tiếp đó ghi thời điểm để tính thời hạn chấp hành hình phạt; nếu cho bị cáo được hưởng án treo thì cần giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Trong trường hợp cần tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành hình phạt tử hình thì ghi: “tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án”. Nếu vụ án có một bị cáo hoặc nhiều bị cáo nhưng phạm một tội thì chúng ta chỉ cần ghi mức hình phạt, chứ không cần nhắc lại tên tội danh. Trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội thì chúng ta mới phải ghi mức hình phạt của từng tội danh cụ thể để tổng hợp cho rõ ràng.

– Việc bồi thường thiệt hại: Cần thiết phải ghi: áp dụng khoản… Điều… (tương ứng) của Bộ luật dân sự buộc…; cần phải tuyên rõ ràng, cụ thể từng phần của các bị cáo phải bồi thường nhất là trong trường hợp các bị cáo phải liên đới bồi thường. Để thực hiện đúng theo các quy định của Luật thi hành án dân sự, đối với các vụ án có quyết định vấn đề bồi thường thì phần quyết định cũng cần ghi: “Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

– Việc xử lý vật chứng (nếu có) cần theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

– Về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm;

– Quyền kháng cáo đối với bản án. Đối với bị cáo bị xử phạt tử hình thì cần ghi thêm: “nếu họ không kháng cáo, thì họ có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo”.

  1. Trong trường hợp bị cáo không phạm tội:

Căn cứ vào khoản… Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự;

– Tuyên bố bị cáo không phạm tội;

– Giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

– Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có);

– Việc xử lý vật chứng (nếu có);

– Về án phí (nếu có);

– Quyền kháng cáo đối với bản án.

  1. Nếu bị cáo bị tuyên hình phạt trục xuất, thì Hội đồng xét xử cũng phải tuyên cả thời gian bị cáo phải rời khỏi Việt Nam.
Nơi nhận:

(Ghi những nơi mà Toà án cấp sơ thẩm phải giao bản án theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật tố tụng hình sự và những nơi cần lưu bản án chính)

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM

Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà

Ký tên và đóng dấu của Toà án

(Họ và tên)

Phần cuối cùng của bản án, nếu là bản án gốc được thông qua tại phòng nghị án thì cần phải có đầy đủ chữ ký, họ và tên của các thành viên Hội đồng xét xử; nếu là bản án chính thì cần ghi như sau:

BÀI 7:

KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT PHẦN BỒI THƯỜNG DÂN SỰ

TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

 

Giải quyết bồi thường dân sự là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự. Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự”.

 Như vậy, khi giải quyết vụ án hình sự, ngoài phần xem xét, quyết định về trách nhiệm hình sự như xem xét, đánh giá tính chất nghiêm trọng của vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; nhân thân của bị cáo; đối chiếu với quy định của pháp luật về tội danh, điều luật áp dụng để quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Tòa án còn phải giải quyết một nội dung quan trọng khác, đó là: buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt; sửa chữa hoặc bồi thường vật chất đối với những thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra; trong trường hợp người phạm tội gây thiệt hại về tinh thần thì còn phải bồi thường bằng vật chất và công khai xin lỗi người bị hại như quy định tại Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

Trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự là việc Tòa án buộc người phạm tội (bị cáo) phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đối với những thiệt hại do hành vi mà người phạm tội đã gây ra. Đây là những thiệt hại mà giữa người phạm tội (bị cáo) và người bị hại không có hợp đồng hay thỏa thuận gì trước nên pháp luật quy định đây là thiệt hại ngoài hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên trong một số trường hợp có sự thỏa thuận trước giữa bị cáo với người bị hại như thỏa thuận vay, mượn tiền, tài sản, thỏa thuận hợp đồng mua bán… nhưng sau đó do người đã nhận tiền, tài sản không thực hiện đúng nghĩa vụ như đã cam kết ban đầu dẫn đến phải chịu trách nhiệm hình sự, thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại (nếu có) ngoài trách nhiệm dân sự như nội dung thỏa thuận ban đầu, đó là trường hợp phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

Để giải quyết phần bồi thường dân sự trong vụ án hình sự có căn cứ, đúng pháp luật, đòi hỏi khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cần chú ý làm rõ người phạm tội đã gây thiệt hại mức độ như thế nào? Trong vụ án có đồng phạm thì mức độ gây thiệt hại của mỗi đồng phạm ra sao? Người bị thiệt hại là ai, ở đâu và người bị thiệt hại này có ý kiến, đề nghị thế nào? Ngoài lời khai người bị hại đã khai báo với cơ quan Điều tra thì người bị hại có văn bản đề nghị cụ thể như thế nào? Trong quá trình điều tra, người phạm tội đã tự nguyện hay thông qua người thân của mình bồi thường được bao nhiêu đối với người bị thiệt hại. Đây không chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi lượng hình mà còn là một nội dung nếu có sẽ được trừ vào phần nghĩa vụ bồi thường cho người phạm tội.

Việc Tòa án buộc người phạm tội (bị cáo) phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại do hành vi của người phạm tội gây ra, phải căn cứ vào quy định tại các Điều luật tương ứng của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết, phải đảm bảo các quy định về cơ sở của trách nhiệm dân sự; nguyên tắc bồi thường; về tư cách, năng lực bồi thường và các quy định khác của pháp luật.

  1. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG DÂN SỰ
  2. Cơ sở của trách nhiệm bồi thườngdân sự

Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

  1. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”.

Theo quy định của Điều luật nói trên thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

1.1. Phải có thiệt hại xảy ra

Thiệt hại là những tổn thất về người; mất mát, hư hỏng về của cải vật chất hoặc tinh thần. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

  1. a) Thiệt hại về vật chất bao gồm:

   – Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS;

   – Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS;

– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS;

– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.

  1. b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… nên cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

   – Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

1.2. Phải có hành vi trái pháp luật

Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật (hành vi bị pháp luật cấm). Hành vi này chính là hành vi phạm tội mà người phạm tội đã gây ra.

   1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật

Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Có nghĩa là hành vi của người phạm tội (bị cáo) là nguyên nhân, thiệt hại của người bị hại là hậu quả. Hành vi phạm tội của bị cáo tất yếu gây ra hậu quả đối với người bị hại.

 Ví dụ: Bị cáo có hành vi châm lửa đốt xe ô tô của người bị hại thì tất yếu dẫn đến hậu quả là ô tô bị cháy nếu không được cứu chữa kịp thời hoặc hành vi của bị cáo dùng dao quắm chém nhiều nhát vào người bị hại, tất yếu dẫn đến thương tích hoặc có thể gây tổn hại tính mạng người bị hại.

1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại

Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả hành vi phạm tội được thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý.

  1. a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốnthiệt hại xảy rahoặc không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Ví dụ: Biết là dùng dao bầu đâm vào vị trí nguy hiểm sẽ gây chết người nhưng vì thù tức và muốn giết A nên B vẫn đâm A, hậu quả là A bị tử vong.

  1. b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù pháp luật buộc phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

 Ví dụ: C điều khiển xe ô tô chở khách, biết là phóng nhanh vượt ẩu có thể gây tai nạn nhưng để đón được nhiều khách, C đã phóng nhanh, giành đường đón khách dẫn đến xe ô tô do C điều khiển đã đâm vào người điều khiển xe máy đi đúng phần đường quy định, hậu quả làm người điều khiển xe máy bị thương nặng, xe máy bị hỏng.

   Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó (Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra).

Ví dụ: thực hiện hợp đồng đổ đất san nền để làm sân vận động, xe ô tô tải của công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Thắng đã gây tai nạn làm chết người thì công ty TNHH Toàn Thắng có nghĩa vụ (thay cho lái xe) phải bồi thường thiệt hại người chết.

  1. Vềnguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự:

   “1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

  1. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
  2. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

* Với quy định của Điều luật như trên thì:

2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, phải thực hiện đúng nguyên tắc là bồi thường toàn bộ và kịp thời; phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần chú ý:

  1. a) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là thiệt hại tới đâu, bồi thường tới đó. Khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật dân sự quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.
  2. b) Để người bị thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định cụ thể là quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 176 về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; Điều 242 về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự) cũng như quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 179 về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và Điều 258 về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự).

 Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo kịp thời quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người bị hại, tùy từng giai đoạn, cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho người phạm tội hoặc thân nhân của người phạm tội thực hiện bồi thường trước cho người bị hại. Ví dụ: Trong vụ án bị cáo phạm tội cố ý gây tổn hại sức khỏe người khác, tại giai đoạn điều tra, người có hành vi cố ý gây tổn hại sức khỏe đã bồi thường người bị hại một khoản tiền để người bị hại chi phí tiền viện phí, cấp cứu và bồi dưỡng sức khỏe.

Hoặc để tránh việc người phạm tội tẩu tán tài sản khó khăn cho công tác thi hành án sau này thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

   Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, kịp thời của người bị hại, pháp luật cũng quy định chặt chẽ thời hạn Tòa án phải giải quyết vụ án, cụ thể Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

  1.   Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
  2. a) Đối với tranh chấp dân sự (Điều 25 BLTTDS), tranh chấp Hôn nhân – gia đình (Điều 27 BLTTDS) thời hạn là 04 (bốn) tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
  3. b) Đối với tranh chấp về kinh doanh – thương mại (Điều 29 BLTTDS), tranh chấp lao động (Điều 31 BLTTDS) thời hạn là 02 (hai) tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

 Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định ra hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 02 (hai) tháng đối với vụ án quy định tại điểm a và 01 (một) tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b nêu trên.

  1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử nói trên, Tòa án phải ra một trong những quyết định sau: Công nhận sự thỏa thuận của đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
  2. Trong thời hạn 01 (một) tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 (hai) tháng.

* Điều 258 BLTTDS, về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:

  1. Trong thời hạn 02 (hai) tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau:
  2. a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
  3. b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
  4. c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Đối với vụ án có tính chất phức tạp do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 (một) tháng.
  5. Trong thời hạn 01 (một) tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 (hai) tháng.
  6.  c) Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

   – Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

   – Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

  1. d) Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…

 Ví dụ A bị xét xử về tội giết người. Ngoài hình phạt tù, A còn phải cấp dưỡng nuôi con của người bị hại mỗi tháng 100.000 đồng, do biến động của giá cả thị trường, đồng tiền mất giá nên đại diện người bị hại đã yêu cầu Tòa án buộc A phải tăng khoản tiền cấp dưỡng nuôi con người bị hại lên 550.000 đồng/tháng.

  1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là trường hợp người chưa thành niên phạm tội nên khi xét xử, ngoài áp dụng đúng chính sách pháp luật về hình sự, cần nắm chắc Điều 606 Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 để xác định trách nhiệm bồi thường cho phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

3.1. Cần xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp như sau:

– Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự (người đủ 18 tuổi);

– Trong trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự (người dưới 15 tuổi);

– Trong trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi);

– Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 606 BLDS thì cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự (người chưa thành niên).

3.2. Việc quyết định về bồi thường (lấy tài sản để bồi thường) phải cụ thể và theo đúng quy định tại Điều 606 BLDS.

Như vậy, vấn đề bồi thường dân sự trong vụ án hình sự thì: đối với bị cáo đã đủ 18 tuổi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về bị cáo; trường hợp bị cáo dưới 15 tuổi thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cha mẹ của bị cáo; trường hợp bị cáo đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì bị cáo phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình, nếu bị cáo không đủ tài sản để bồi thường thì bố mẹ bị cáo phải bồi thường thay cho bị cáo phần còn thiếu; trường hợp bị cáo là người chưa thành niên thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường; trường hợp có đồng phạm thì các đồng phạm phải liên đới bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại mà mình đã gây ra trên cơ sở mức độ thiệt hại và mức độ lỗi mà mỗi đồng phạm đã gây ra.

  1. Xác địnhchi phí hợp lý

 Chi phí hợp lý là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.

Xác định đúng chi phí hợp lý là xác định đúng thiệt hại có ý nghĩa rất quan trọng, giúp việc ra quyết định bồi thường đúng đắn, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị hại cũng không làm thiệt hại đến quyền lợi của người phải bồi thường.

   Bộ luật dân sự quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 609 (thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm); điểm b và điểm c khoản 1 Điều 610 (thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm) và điểm a khoản 1 Điều 611 (thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm) đều quy định về các khoản chi phí hợp lý.

Các khoản cụ thể sẽ được đề cập chi tiết trong từng loại bồi thường đề cập ở phần sau.

  1. Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự

Nghĩa vụ chứng minh được quy định tại Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự:

  1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
  2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.
  3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
  4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

Nghị quyết 03/2006/HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về nghĩa vụ chứng minh của đương sự như sau:

  1. a) Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
  2. b) Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
  3. c) Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
  4. d) Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trong tố tụng dân sự nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, có nghĩa là người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ nơi cư trú (nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú) của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu mình đưa ra là có căn cứ. Ngược lại bị đơn hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan nếu có ý kiến không chấp nhận hoặc phản bác yêu cầu của người khởi kiện thì có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu và chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra là không có căn cứ đồng thời có nghĩa vụ chứng minh cho ý kiến và yêu cầu mà mình đưa ra. Nếu đương sự nào không đưa ra được chứng cứ để chứng minh thì ý kiến, yêu cầu của đương sự đó không được chấp nhận mà còn có thể phải chấp nhận chứng cứ do bên kia đưa ra (nếu có căn cứ).

Trong vụ án hình sự, cơ quan Điều tra chứng minh người phạm tội cũng đồng nghĩa với chứng minh người có hành vi gây thiệt hại và xác minh, thu thập chứng cứ về người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan một cách tương đối đầy đủ. Tuy nhiên khi xét xử, để giải quyết đúng pháp luật phần trách nhiệm dân sự, Tòa án vẫn phải thận trọng kiểm tra để nếu đương sự nào có sự thay đổi (thay đổi về yêu cầu, thay đổi về địa chỉ, thay đổi về tư cách trong quá trình tham gia tố tụng…) thì Tòa án có điều chỉnh chính xác và kịp thời, tránh được những sai sót, tránh được khó khăn cho công tác thi hành án sau này; đồng thời Tòa án cũng cần kiểm tra về yêu cầu của đương sự trước khi quyết định về vụ án vì trong tố tụng dân sự, đương sự có quyền tự định đoạt.

Trong quá trình giải quyết vụ án, khi người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đưa ra yêu cầu đề nghị Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho mình thì Tòa án phải kiểm tra tài liệu, chứng cứ xem trong giai đoạn điều tra, cơ quan Điều tra đã thu thập đầy đủ chưa, nếu còn thiếu thì yêu cầu đương sự nộp bổ sung chứng cứ, tài liệu để chứng minh về thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra. Trường hợp đương sự không thể bổ sung vì những tài liệu chứng cứ đó chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới thu thập được thì phải dừng phiên tòa, trả hồ sơ cho cơ quan Điều tra để điều tra bổ sung (đối với phiên tòa sơ thẩm); ở Tòa án cấp phúc thẩm mà thiếu những chứng cứ tài liệu đó thì có thể bị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Trong một số trường hợp như chưa xác định được người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc đã xác định được nhưng khi xét xử không biết họ ở đâu hoặc tuy đã xác định được người bị hại, nguyên đơn dân sự nhưng họ chưa có yêu cầu trả lại những vật, tiền bạc đã bị người phạm tội chiếm đoạt, chưa có yêu cầu phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, chưa chứng minh được đầy đủ thiệt hại do tội phạm gây ra thì có thể tách phần bồi thường thiệt hại đó để giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi những người này có yêu cầu. Đối với trường hợp này, Tòa án chỉ thụ lý để giải quyết phần dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa, người bị hại có yêu cầu xuất trình tài liệu, chứng cứ. Đó có thể là hóa đơn, chứng từ, hoặc giấy xác nhận chi phí về cấp cứu, điều trị ở bệnh viện, chi phí bồi dưỡng sức khỏe, chi phí tìm kiếm, sửa chữa tài sản, thu nhập bị mất, bị giảm sút; đối với trường hợp chết người thì đại diện người bị hại chứng minh về chi phí mai táng… còn phía bị cáo có nghĩa vụ chứng minh nếu không chấp nhận yêu cầu và chứng cứ tài liệu mà người bị hại đưa ra.

  1. MỘT SỐ KỸ NĂNG CỤ THỂ VỀ GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG DÂN SỰ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Điều 42 Bộ luật hình sự quy định:

  1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
  2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.

Theo quy định trên thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở đây gồm thiệt hại về tài sản; thiệt hại về sức khỏe; tính mạng; danh dự, nhân phẩm, uy tín và thiệt hại về tinh thần.

  1. Kỹ năng giải quyết bồi thường thiệt hại về tài sản

Tài sản bị xâm phạm được xác định là thiệt hại gồm:

1.1. Tài sản bị mất. Ví dụ trong vụ án bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích, do bị cáo tấn công, người bị hại bỏ chạy, trong lúc chạy thì chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 5.000.000 đồng văng ra rơi xuống sông, không tìm thấy được. Trong trường hợp này ngoài trách nhiệm bồi thường thương tích, bị cáo còn phải bồi thường tài sản bị mất là trị giá chiếc đồng hồ nói trên cho người bị hại.

1.2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Ví dụ do có mâu thuẫn từ trước, bị cáo đã  bật lửa đốt cháy chiếc xe gắn máy trị giá 7.000.000 đồng của người bị hại. Trong trường hợp này, bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là trị giá chiếc xe gắn máy đó.

1.3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; Ví dụ bị cáo phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác, bị cáo đã đánh đuổi cả gia đình chủ sở hữu và những người đang ở trong nhà ra khỏi nhà, trong số đó có 2 người đang ở thuê khiến chủ nhà không thu được tiền thuê nhà. Trường hợp này, bị cáo phải bồi thường khoản tiền thuê nhà bị thất thu cho chủ sở hữu nhà.

1.4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Ví dụ trong vụ án hủy hoại tài sản (đốt nhà) do nhà bị kẻ phạm tội đốt cháy, chủ nhà phải dỡ một phần nhà (01 gian) của gia đình mình để đám cháy không cháy lan sang cả dãy nhà của các chủ nhà khác.

Như vậy khi giải quyết bồi thường thiệt hại về tài sản phải xem xét, giải quyết một trong số những dạng thiệt hại  đã được đề cập nêu trên.

  1. Kỹ năng giải quyết bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Điều 609 Bộ luật dân sự quy định:

 “1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

  1. a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  2. b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  3. c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  4. Người xâm phạm sức khỏe người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

 Căn cứ vào quy định của Điều luật nói trên, để giải quyết đúng nội dung bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm thì cần xác định đúng thiệt hại đã xảy ra, cụ thể là:

Một làChi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại gồm:

– Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế;

– Tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ;

– Tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ;

– Các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

   Hai làThu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị, do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

  1. a)Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

– Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

– Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề. Nếu chưa đủ 6 tháng thì lấy thu nhập bình quân của tất cả các tháng trước khi sức khoẻ bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

– Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

– Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường về thu nhập thực tế bị mất.

  1. b)Xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sútcủa người bị thiệt hại được thực hiện như sau:

Bước một: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng số thu nhập là bao nhiêu.

Bước hai: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng được xác định theo hướng dẫn tại điểm (a) nêu trên. Nếu không có khoản thu nhập thực tế nào của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất; nếu thấp hơn thì khoản chênh lệch đó là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất.

Ví dụ 1: A làm nghề sửa xe máy tự do. Thu nhập thực tế của A trước khi sức khoẻ bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 5.000.000 đồng. Do sức khoẻ bị xâm phạm, A phải điều trị nên không có khoản thu nhập nào. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của A bị mất là 05 triệu đồng.

Ví dụ 2: B làm công cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Thu nhập thực tế của B trước khi sức khoẻ bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 6.000.000 đồng. Do sức khoẻ bị xâm phạm, B phải điều trị và trong thời gian điều trị công ty trả cho B 50% tiền lương là 3.000.000 đồng. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của B mỗi tháng bị giảm sút 3.000.000 đồng.

Ví dụ 3: C là công chức có thu nhập hàng tháng ổn định 5.000.000 đồng. Do sức khoẻ bị xâm phạm, C phải điều trị và trong thời gian điều trị cơ quan vẫn trả đủ các khoản thu nhập cho C. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của C không bị mất.

Ba làChi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

  1. a)Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.
  2. b)Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trịđược xác định như sau:

– Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

– Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

– Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

– Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

Bốn làTrường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

  1. a)Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.
  2. b)Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hạiđược tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

Năm làKhoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.

  1. a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.
  2. b) Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…
  3. c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
  4. 3. Kỹ năng giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

   Điều 610 Bộ luật dân sự quy định:

  1.   Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
  2. a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
  3. b) chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  4. c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải cấp dưỡng;
  5. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồithường thiệt hại theo khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

 Để giải quyết đúng nội dung bồi thường thiệt hại về tính mạng thì cũng cần xác định rõ thiệt hại đã xảy ra, cụ thể gồm:

   3.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại bao gồm:

3.1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:

– Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế;

– Tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ;

– Tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ;

– Các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

   3.1.2. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

  1. a) Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm:

– Chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại;

– Chi phí hợp lý hàng tháng cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

  1. b) Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hạiđược tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

3.2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…

   3.3. Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết

  1. a) Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.
  2. b) Thời điểm cấp dưỡng: được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.
  3. c) Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng:

– Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

   – Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

   – Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

   – Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

   – Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

   – Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

   – Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

   – Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

   – Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

   3.4. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm

  1. a) Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.
  2. b) Trường hợp không có những người được hướng dẫn tại điểm anêu trên, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.
  3. c) Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người thân thích) của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…
  4. d) Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.
  5. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do sức khoẻ, tính mạng bị xâm phạm (Điều 612 BLDS)
  6. a) Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động, thì người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền bồi thường được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.4 mục 1 Phần IINghị quyết 03/2006/HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,cho đến khi chết (chi phí nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại).
  7. b) Đối với việc cấp dưỡngcho các đối tượng được hưởng tiền cấp dưỡngchấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 61: Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động;
  2. Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình;
  3. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
  4. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi người được cấp dưỡng;
  5. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
  6. Các bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác;
  7. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
  8. 4.Kỹ năng giải quyết bồi thườngthiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Điều 611 Bộ luật dân sự quy định:

  1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
  2. a)Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  3. b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  4. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

 Hành vi gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể xâm hại đến cá nhân có thể xâm hại đến tổ chức.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì:

  1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm:
  2. a) Chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại;
  3. b) Chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng;
  4. c) Chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
  5. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  6. a) Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
  7. b) Việc xác định thu nhập thực tế của người bị xâm phạm và việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này(Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm).
  8. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
  9. a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm.
  10. b) Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…) hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…
  11. c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

III. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra được quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự:

  1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

  1. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  2. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
  3. a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
  4. b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  5. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

 Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Để giải quyết chính xác, đúng pháp luật về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cần xác định đúng thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ; trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc trách nhiệm của người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà gây thiệt hại.

  1. Kỹ năngxác định nguồn nguy hiểm cao độ

Theo liệt kê tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm:

– Phương tiện giao thông vận tải cơ giới;

– Hệ thống tải điện;

– Nhà máy công nghiệp đang hoạt động;

– Vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ;

– Thú dữ;

– Các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Nghị quyết 03/2006/HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn xác định nguồn nguy hiểm cao độ như sau:

  1. a) Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật, chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại để có căn cứ áp dụng các khoản 2, 3 và 4 Điều 623 Bộ luật dân sựxác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.
  2. b) Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó.

Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.

  1. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
  2. a) Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.

Ví dụ: Bị cáo là chủ sở hữu chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi, hàng ngày bị cáo sử dụng xe ô tô đó đi chở khách thuê, trên đường đi chở khách, do bất cẩn đã gây tai nạn chết người đi đường. Trong trường hợp này, bị cáo là chủ sở hữu chiếc xe, trực tiếp sử dụng xe và cũng là người gây tai nạn chết người nên bị cáo phải bồi thường cho đại diện người bị hại.

  1. b) Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.

Ví dụ: Các thoả thuận sau đây là không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường:

– Thoả thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

– Thoả thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường;

– Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước.

Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: Chủ sở hữu (A) biết (B) là người không có bằng lái xe ô tô vận tải nhưng vẫn giao B điều khiển xe ô tô đi chở hàng, trên đường đi, B đã gây tai nạn chết người. Trong trường hợp này A là người phải chịu trách nhiệm bồi thường  thiệt hại do B gây ra.

  1. c) Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

– Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu và người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.

– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

  1. d) Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).

Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

đ) Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô của mình cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:

– Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng do đó, A phải bồi thường thiệt hại.

– Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại.

Bồi thường dân sự trong vụ án hình sự là chế định pháp lý quan trọng, là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị thiệt hại, đó cũng thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước ta là luôn luôn coi trọng và ra sức bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức trong xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển.

BÀI 8:

GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO THỦ TỤC RÚT GỌN

TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

 

  1. Lịch sử phát triển và những quy định hiện hành về thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

Thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt, được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, qua nghiên cứu lịch sử lập pháp của Nhà nước ta, khẳng định rằng thủ tục này không phải là vấn đề mới, mà đã được quy định ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 33c/SL ngày 13/9/1945, thành lập Tòa án quân sự ở các địa phận khác nhau trong phạm vi cả nước nhằm bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng. Thủ tục rút gọn được quy định tại Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 về thẩm quyền của các Tòa án quân sự và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa án. Cụ thể Sắc lệnh 51 đã quy định, Tòa án sơ cấp có quyền chung thẩm một số vụ án hình sự có tính chất vi cảnh như: “Những án phạt bạc từ 0,5đ đến 9đ”; “Những án xử bồi thường từ 150đ trở xuống do nguyên cáo bị thiệt hại trong một vụ vi cảnh thỉnh cầu trong đơn khiếu, hay chậm nhất lúc việc vi cảnh đem ra phiên xử”. Sắc lệnh 51 còn quy định cho phép giản lược một số thủ tục đối với những vụ án tiểu hình nhất định thuộc thẩm quyền của Tòa án đệ nhị cấp trong giai đoạn điều tra, truy tố như: “Ông biện lý có thể cho trát gọi thẳng bị can ra xét xử tại một phiên tòa tiểu hình gần nhất”; trong trường hợp là một vụ tiểu hình phạm pháp quả tang thì “Ông biện lý phải hỏi cung ngay bị can và có thể hạ trát tống giam rồi đưa bị can ra xét xử tại một phiên tòa gần nhất”…  Tại Điều 23, Sắc lệnh 51 – SL quy định “Nếu việc phạm pháp quả tang có thể xử phạt từ 05 năm tù trở xuống thì viện công tố có thể đưa ngay vụ án ra phiên tòa, không cần có cáo trạng…”. Tiếp đến trong giai đoạn từ năm 1954 đến khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã ban hành nhiều văn bản dưới luật, quy định về thủ tục rút gọn như: Thông tư số 139 ngày 28/5/1974 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phạm pháp quả tang. Thông tư này quy định: Đối với các vụ án phạm tội quả tang không thuộc loại trọng án có đủ chứng cứ, bị can nhận tội, thì cơ quan Công an lập biên bản đưa sang Viện kiểm sát nhân dân để quyết định chuyển thẳng sang Tòa án để xét xử. Thông tư số 10 – TATC ngày 08/07/1974 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử  một số vụ án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng. Tiếp đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 01-TT ngày 28/2/1975 hướng dẫn về nội dung hoạt động của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng.

Như vậy: Thủ tục rút gọn đã được pháp luật Tố tụng hình sự nước ta quy định và áp dụng từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Tuy nhiên, trước đây những thủ tục này chỉ là thủ tục rút ngắn về thời gian tiến hành tố tụng mà chưa đơn giản hóa các thủ tục tố tụng. Nghị quyết số 08 – NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã nêu rõ: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục tố tụng rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng”. Thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003  đã xây dựng một chương mới (chương XXXIV) gồm 7 điều, từ Điều 318 đến Điều 324 quy định về thủ tục rút gọn, đánh dấu bước phát triển mới của tố tụng hình sự Việt Nam.

1.1. Khái niệm về thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, được rút ngắn về thời gian tố tụng, giản lược một số thủ tục nhất định nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng đối với những vụ án nhất định.

Từ khái niệm trên có thể hiểu: Hoạt động tố tụng được rút gọn cũng chỉ có thể là các hoạt động tố tụng ở ba giai đoạn này, chỉ giản lược được một số thủ tục mang tính hình thức tố tụng: Quyết định đề nghị truy tố thay cho bản kết luận điều tra, quyết định truy tố thay cho bản cáo trạng. Thủ tục phiên tòa về cơ bản là theo trình tự chung nhưng vì không có cáo trạng nên trước khi vào phần thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát thay vì đọc bản cáo trạng sẽ đọc quyết định truy tố bị can ngắn gọn.

Quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong Tố tụng hình sự. So với các quy định về thủ tục rút gọn trong các văn bản trước năm 1988, phạm vi này đã được thu hẹp, như tại thông tư số 16/TATC ngày 12/10/1974 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, song theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thủ tục rút gọn lại chỉ được áp dụng giải quyết ở giai đoạn sơ thẩm, đối với giai đoạn phúc thẩm thì vẫn theo thủ tục chung. Hiện trên thế giới và khu vực, một số quốc gia có những quy định tương tự về việc mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn cả trong giai đoạn xét xử phúc thẩm như Hàn Quốc, Nhật Bản.

1.2. Ý nghĩa của thủ tục rút gọn trong  giải quyết các vụ án hình sự

Có thể khẳng định, thủ tục rút gọn có ý nghĩa pháp lý và xã hội sâu sắc trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, thủ tục này là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng, có tính chất quả tang, đơn giản, rõ ràng; đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm kịp thời, góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài và các vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn hiện đang có xu hướng gia tăng; khắc phục tình trạng quá tải trong các trại tạm giam và trại cải tạo, cũng như khắc phục được phần nào những khó khăn trong tổ chức tạm giữ, tạm giam và cải tạo, giáo dục. Việc giải quyết vụ án nhanh chóng sẽ tạo điều kiện để những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhanh chóng được khắc phục kịp thời, góp phần đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Thủ tục rút gọn còn tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức trong việc giải quyết vụ án những vụ án đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng, tập trung vào việc giải quyết những vụ án nghiêm trọng, phức tạp hơn; đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và chi phí cho những người tham gia tố tụng và giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và tham gia vào các quan hệ pháp luật khác. Thủ tục này cũng có ý nghĩa trong việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự và đáp ứng yêu cầu của nhân dân về việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, xử lý kịp thời, nhanh chóng, chính xác các hành vi phạm tội và người phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Qua đó nhanh chóng phát huy tác dụng giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân thông qua hoạt động xét xử, góp phần vào việc phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của thủ tục rút gọn chỉ thực sự đạt được nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn không phải tiếp tục áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì sẽ không rút ngắn được về thời gian, không đơn giản được về thủ tục, thậm chí còn làm cho trình tự tố tụng kéo dài và phức tạp hơn nếu chỉ áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Vì vậy, cần phải có những biện pháp hạn chế những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết vụ án trước đó đã áp dụng thủ tục rút gọn.

   Thủ tục rút gọn, được quy định tại chương XXXIV bao gồm các quy định từ Điều 318 đến 324, quy định về phạm vi áp dụng, các điều kiện áp dụng, thời hạn tiến hành tố tụng và xét xử sơ thẩm hình sự theo trình tự rút gọn. Việc quy định thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự là hết sức cần thiết và tiến bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiết kiệm được thời gian, chi phí tiền của cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng như đã phân tích. Song thực tiễn áp dụng các quy định tiến bộ của thủ tục rút gọn hiện nay vẫn chưa được áp dụng triệt để và thường xuyên, nhiều địa phương thì thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự hầu như đã bị bỏ quên. Năm 2004, khi Bộ luật tố tụng hình sự được triến khai thi hành, thủ tục rút gọn đã được áp dụng như để thử nghiệm đối với một vài vụ án, sau đó cho đến nay, thủ tục này không được áp dụng mặc dù không ít vụ án có đủ điều kiện để áp dụng. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Theo chúng tôi, sở dĩ các cơ quan tiến hành tố tụng không mặn mà trong việc áp dụng thủ tục rút gọn một phần là do các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục này còn chưa hợp lý, mang tính chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là về mối quan hệ giữa các quy định của thủ tục rút gọn và các thủ tục tố tụng chung bắt buộc phải thực hiện, một phần là do lãnh đạo các cơ quan tư pháp ở địa phương thiếu quan tâm, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện.

  1. Nội dung của áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án hình sự

2.1. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 318 BLTTHS thì:

“Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố và  xét xử sơ thẩm được áp dụng theo quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của chương này”.

Như vậy, thủ tục rút gọn chỉ áp dụng giới hạn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm còn không áp dụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Nếu sau khi xét xử sơ thẩm, có kháng cáo hoặc kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì vẫn phải áp dụng theo thủ tục chung mà theo quy định tại Điều 242 về thời hạn xét xử phúc thẩm thì “Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày…” . Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Toà án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Trong những trường hợp này, những điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn không còn đầy đủ, tính chất của vụ án đã trở nên phức tạp, vì vậy cần áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Để hạn chế những trường hợp phải chuyển sang áp dụng thủ tục chung để giải quyết đối với những vụ án trước đó đã áp dụng thủ tục rút gọn thực chất là cần hạn chế những trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, về thời hạn theo thủ tục rút gọn thì cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là 30 ngày, trong khi giai đoạn phúc thẩm là 60 ngày, đây là điều không hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của thủ tục rút gọn. Theo chúng tôi sẽ hợp lý và phù hợp hơn khi chúng ta cần có thêm quy định về thủ tục rút gọn đối với cả xét xử phúc thẩm trong chương XXXIV Bộ luật tố tụng hình sự.

   2.2. Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

   Theo quy định tại Điều 319 Bộ luật tố tụng hình sự thì thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

   “1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

  1.    Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
  2.    Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
  3.    Người phạm tội có căn cước lai lịch rõ ràng.”

   Như vậy, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi thỏa mãn bốn điều kiện nêu trên mà ở đó:

   Thứ nhất: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang, theo quy định tại Điều 82 BLTTHS thì phạm tội quả tang là trường hợp người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Khoản 1 điều 82 BLTTHS năm 2003 quy định: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kì người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và gửi ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Như vậy, điều Luật quy định ba trường hợp phạm tội quả tang đó là:

– Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện: Ở trường hợp này được hiểu là người đang thực hiện những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể theo BLHS nhưng chưa hoàn thành tội phạm đã bị phát hiện. Đang thực hiện tội phạm có thể là: Đang thực hiện những hành vi làm cơ sở tiền đề liền trước hành vi phạm tội, những hành vi này không phải là hành vi chuẩn bị phạm tội mà đây là những hành vi rất gần, không thể tách ra được với hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm nên được coi là hành vi thực hiện tội phạm. Ví dụ: Hành vi giơ dao định gây thương tích cho người khác, nhặt một vật nặng chuẩn bị ném, hoặc người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan của tội phạm nhưng chưa thực hiện được hết các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm, hoặc mới thực hiện được một trong số những hành vi quy định trong cấu thành tội phạm. Ví dụ: Đang có hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác với mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ…

 – Người thực hiện hành vi phạm tội ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện. Trường hợp này là các hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm đã được thực hiện hết, các dấu hiệu pháp lý của tội phạm đã thỏa mãn đầy đủ, tội phạm cũng vừa được hoàn thành nhưng người thực hiện hành vi chưa kịp xóa dấu vết của tội phạm hoặc đang cất giấu công cụ, phương tiện phạm tội thì bị phát hiện và bắt giữ. Trong trường hợp có người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm phát hiện ngay thì mặc dù không có vật chứng để lại cũng là phạm tội quả tang.

– Người thực hiện hành vi phạm tội đang bị đuổi bắt. Trường hợp này, người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện nên đã chạy trốn và bị đuổi bắt. Trường hợp này khác với bắt trong trường hợp khẩn cấp ở chỗ là việc thực hiện tội phạm, chạy trốn và bị đuổi bắt có sự liên tục, không bị gián đoạn về thời gian và về diễn biến sự việc. Địa điểm bắt không phải là hiện trường vụ án. Đặc điểm của vụ án mà người phạm tội bị bắt quả tang là hành vi phạm tội đã cụ thể, rõ ràng, chứng cứ, tang vật của vụ án được thu giữ đầy đủ, nhân chứng, người bị hại được xác định. Do khi đó, chứng cứ phạm tội đã đầy đủ nên người phạm tội buộc phải nhận tội ngay, tội phạm nhanh chóng được xác định. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 84 BLTTHS, việc bắt quả tang phải được lập thành văn bản. Sau khi bị bắt hoặc nhận người phạm tội quả tang, “cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24h phải đưa ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt” (Khoản 1 Điều 83 BLTTHS). Điều kiện “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang” là điều kiện đầu tiên rất quan trọng để xác định vụ án có được đưa ra xét xử hay không theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn hay không. Điều kiện này có ý nghĩa quan trọng để quyết định vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn vì đặc điểm của phạm tội quả tang sẽ đảm bảo cho thời gian tố tụng sau này được nhanh chóng, mặt khác yếu tố này có ý nghĩa để xác định cho điều kiện tiếp theo “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng”.

Thứ hai: Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng

Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng là vụ án không có các tình tiết phải mất thời gian điều tra, xác minh, bị cáo đã nhận tội và trong vụ án chỉ có một hoặc hai bị cáo… (Thông tư số 10/TATC năm 1974). Có thể hiểu phạm tội đơn giản là những vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp, dễ xác định, vụ án ít bị cáo, các chứng cứ đã được thu thập tương đối đầy đủ từ đầu, trong đó:

 – Sự việc phạm tội đơn giản: Căn cứ vào thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, có thể hiểu điều kiện này như sau: Sự việc phạm tội đơn giản là những vụ án không có những tình tiết phải mất nhiều thời gian để điều tra, xác minh theo quy định tại Điều 63 BLTTHS. Việc xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm được thực hiện khá dễ dàng, nhanh chóng, tội phạm đã được thực hiện không có đồng phạm, cụ thể:

+ Hành vi phạm tội thường do một người thực hiện, trong trường hợp có đồng phạm thì số đồng phạm cũng không nhiều người và sự câu kết giữa những người này không chặt chẽ chỉ là mang tính đồng phạm giản đơn. Tội phạm được thực hiện tại một địa điểm nhất định và không có liên quan đến các địa điểm khác.

+ Mục đích của tội phạm thường là lợi ích vật chất, động cơ phạm tội mang tính vụ lợi, nhất thời nên dễ dàng xác định được.

 + Sự việc phạm tội không liên quan đến những vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, tôn giáo, phong tục tập quán, hoặc những vấn đề khác có tính chất phức tạp. Việc giải quyết vụ án cũng không đòi hỏi những hoạt động điều tra phức tạp.

– Sự việc phạm tội có chứng cứ rõ ràng: Chứng cứ rõ ràng là chứng cứ đã được thu thập tương đối đầy đủ ngay từ đầu, thông qua biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai của người bị hại, người trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội, các tang vật thu ở hiện trường. Chứng cứ và quá trình thu thập, bảo quản chứng cứ đều hợp pháp, có độ tin cậy cao. Chứng cứ phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà BLTTHS quy định. Các chứng cứ có giá trị chứng minh trực tiếp, khách quan và hợp pháp. Do người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang khi đang thực hiện tội phạm nên chứng cứ ở đây chủ yếu là lời khai của người trực tiếp chứng kiến và người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt giữ, lời khai của người bị hại, biên bản bắt người phạm tội quả tang có giá trị chứng minh cao và không phải mất nhiều thời gian điều tra, xác minh.

Đây chính là điều kiện thể hiện về tính chất của hành vi phạm tội cụ thể, là dấu hiệu thể hiện rõ bản chất của vụ việc có thuộc loại tội phạm được đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn hay không, đồng thời cũng là một trong những điều kiện cần thiết để có thể giải quyết vụ án nhanh chóng, thuận lợi và chính xác theo yêu cầu của thủ tục rút gọn. Bởi lẽ, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng của vụ án phải luôn được bảo đảm. Nếu thủ tục rút gọn đã được áp dụng mà sau đó phát hiện vụ án có những tình tiết phức tạp phải điều tra bổ sung, cần thời gian xác minh thêm thì thủ tục rút gọn bị hủy bỏ, vụ án phải chuyển về thủ tục thông thường để giải quyết.

   Thứ ba: Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng: Đó là loại tội phạm tính nguy hiểm cho xã hội không lớn mà theo quy định tại Điều 8 BLHS thì “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy  là đến ba năm tù…”

Về mặt lý luận và thực tiễn, thì việc đặt ra điều kiện về loại tội phạm để áp dụng thủ tục rút gọn là điều cần thiết. Điều này một mặt sẽ khoanh vùng rõ ràng các loại tội phạm có thể được áp dụng thủ tục rút gọn giúp cho cơ quan, người tiến hành tố tụng có căn cứ nhận định ngay được loại án cần tiến hành theo thủ tục nào, mặt khác cũng tránh được khả năng tùy tiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS năm 2009, để xác định tội phạm ít nghiêm trọng phải dựa trên hai dấu hiệu: Dấu hiệu về mặt nội dung chính trị xã hội và dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lý. Dấu hiệu về mặt nội dung chính trị xã hội là tính nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội. Dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lý là tính chịu hình phạt. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến 3 năm tù. Do hậu quả mà tội phạm gây ra cho xã hội và hậu quả pháp lý mà người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng có thể phải gánh chịu là không lớn nên việc xử lý có thể nhanh chóng, dễ dàng hơn và nếu trong trường hợp việc xử lý có sai sót thì hậu quả cũng không đến mức nghiêm trọng so với trường hợp thực hiên tội phạm khác và việc khắc phục hậu quả cũng dễ dàng hơn.

   Thứ tư: Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng

Vấn đề căn cước, lai lịch của bị can, bị cáo là một trong những vấn đề cần chứng minh của vụ án hình sự theo quy định tại Điều 63 BLTTHS năm 2003, vấn đề này có ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án: Lý lịch của bị can, bị cáo cũng chiếm một vai trò trong giải quyết các vụ án hình sự nói chung và giải quyết theo thủ tục rút gọn nói riêng, vì vấn đề này liên quan đến năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, liên quan đến việc quyết định hình phạt. Căn cước lai lịch của người phạm tội đã rõ ràng thì thời gian điều tra, xác minh có thể được rút ngắn và từ đó mới bảo đảm thời gian hoạt động tố tụng. Đặc điểm về căn cước, lai lịch của người phạm tội được hiểu một cách chung nhất là đặc điểm về nhân thân của người phạm tội. Nhân thân của người phạm tội bao gồm các đặc điểm về giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, quá trình hoạt động chính trị, xã hội, tiền án tiền sự. Khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án hình sự, việc xác định căn cước, lai lịch của bị can rõ ràng hay không có thể dựa vào lời khai ban đầu của bị can về lý lịch của họ. Đối với vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn thì không những lý lịch của bị can, bị cáo phải rõ ràng, có giấy tờ chứng minh hợp pháp, những thông tin về vấn đề này cụ thể, độ tin cậy cao mà còn đòi hỏi việc xác minh căn cước, lai lịch của người phạm tội dễ dàng, nhanh chóng, không ảnh hưởng tới thời hạn áp dụng. Căn cước, lai lịch rõ ràng giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thể làm rõ được các yếu tố về nhân thân, gia đình, mối quan hệ xã hội… của người phạm tội một cách nhanh nhất, tạo điều kiện rút ngắn thời gian trong hoạt động tố tụng.

Bốn điều kiện trên đây một mặt độc lập với nhau, mặt khác lại có mối quan hệ bổ trợ nhau. Vì thế khi xem xét áp dụng thủ tục rút gọn cần phân tích đánh giá từng điều kiện trong mối liên hệ tổng thể với các điều kiện khác và chỉ quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi cả 4 tiêu chí trên đều đảm bảo. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án theo thủ tục rút gọn nếu 1 trong các điều kiện này mất đi thì vụ án phải chuyển về thủ tục thông thường để giải quyết.

2.3. Về thời hạn hoạt động tố tụng trong việc áp dụng thủ tục rút gọn

– Thời hạn trong tố tụng hình sự được hiểu là khoảng thời gian tối đa mà BLTTHS cho phép tiến hành tố tụng đối với vụ án. Theo quy định tại các Điều 321, 323, 324 thì thời hạn hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng kể từ khi khởi tố vụ án tới khi xét xử là 30 ngày. Trong đó, thời hạn điều tra là 12 ngày, thời hạn truy tố là 4 ngày, thời hạn xét xử là 14 ngày.

2.3.1. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

Theo quy định tại Điều 328 thì “1. Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

  1. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
  2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại”.

Theo quy định tại Điều 320 của BLTTHS thì, cơ quan điều tra chỉ có quyền đề nghị viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn chứ không có quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Việc có áp dụng thủ tục rút gọn hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào Viện kiểm sát.

Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện Kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

2.3.2. Thủ tục điều tra

Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật tố tụng hình sự thì “1. Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là mười hai ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

  1. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát”.

   – Thủ tục điều tra được tiến hành như sau: Lập bản phạm pháp quả tang; khởi tố vụ án, bị can; tiến hành xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có). Ra văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, Viện Kiểm sát gửi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cho Cơ quan điều tra hoặc bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong 24 giờ, kể từ ngày ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Trong trường hợp cần thiết thì tiến hành thêm một số hoạt động điều tra nhằm thu thập và củng cố chứng cứ như: Hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, trưng cầu giám định.v.v.. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố ngắn gọn đề nghị Viện Kiểm sát truy tố bị can về tội danh cũng như  theo các điều, khoản của Bộ luật Hình sự.

   2.3.3. Tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố

   Tại Điều 322 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định:

 “1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.

  1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
  2. Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá mười sáu ngày”.

– Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn:

Thứ nhất, về biện pháp tạm giữ: Thủ tục rút gọn được áp dụng đối với các vụ án phạm tội quả tang nên trong thực tế tạm giữ sẽ là biện pháp được áp dụng phổ biến đối với các vụ án. Các quy định về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ trong thủ tục rút gọn cũng được tiến hành theo thủ tục chung. Thời hạn tạm giữ tối đa không quá 03 ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; không được gia hạn tạm giữ.

Thứ hai, về tạm giam: Trong việc áp dụng thủ tục rút gọn, biện pháp tạm giam cũng phải tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền như trường hợp tạm giam thông thường. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. BLTTHS năm 2003 quy định thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn là 30 ngày; trong đó điều tra 12 ngày, truy tố 04 ngày; xét xử 14 ngày. Do đó, thời hạn tạm giam tối đa là 30 ngày.

2.3.4. Quyết định việc truy tố

Tại Điều 323 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định:

“1. Trong thời hạn bốn ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

  1. a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố;
  2. b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
  3. c) Tạm đình chỉ vụ án;
  4. d) Đình chỉ vụ án.
  5. Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này, thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung”.

– Thủ tục trong giai đoạn truy tố: Trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau: Truy tố bị can trước toà bằng quyết định truy tố (không cần có bản cáo trạng); trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì vụ án tiến hành tố tụng theo thủ tục chung.

2.3.5. Xét xử

Tại Điều 324 Bộ luật hình sự có quy định:

“1. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

  1. a) Đưa vụ án ra xét xử;
  2. b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
  3. c) Tạm đình chỉ vụ án;
  4. d) Đình chỉ vụ án.
  5. Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.
  6. Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.
  7. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc xét xử. Thời hạn tạm giam không được quá mười bốn ngày.
  8. Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung”.

– Thủ tục trong giai đoạn xét xử sơ thẩm: Trong thời gian 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Hoặc đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung. Hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp này Tòa án sẽ chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung; hay đình chỉ vụ án khi có căn cứ đình chỉ điều tra.

Thực tế xét xử cho thấy, Thủ tục rút gọn quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành là những quy định hết sức tiến bộ và có ý nghĩa như đã phân tích ở trên. Song hiện nay, thủ tục này rất ít khi được áp dụng là do các quy định về thủ tục rút gọn vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự. Chính vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng thường ngại khi áp dụng thủ tục rút gọn, để các học viên nắm bắt được những vướng mắc, bất cập của thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, trong chuyên đề này, tôi sẽ nêu những vướng mắc, bất cập của các quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, để các học viên nắm bắt được và có hướng khắc phục, không bị lúng túng khi giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn. Những vướng mắc, bất cập từ chính các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục rút gọn thể hiện như sau:

  1. Một số vướng mắc cần lưu ý khi áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự khi giải quyết các vụ án hình sự

Như đã phân tích thì, thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng hình sự rút ngắn, trong đó có rút ngắn về thời hạn thực hiện các thủ tục tố tụng, giảm bớt một số thủ tục không cần thiết nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc chung của tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Thủ tục rút gọn chỉ có thể được áp dụng đối với những vụ án có hành vi phạm tội đơn giản, người phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng.

Bộ luật TTHS năm 1988 không quy định về thủ tục rút gọn, tuy nhiên, trong quá trình cải cách tư pháp, chế định về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự lại được đặt ra. Thủ tục rút gọn được Bộ luật TTHS năm 2003 quy định tại chương XXXIV gồm 7 điều, trong đó xác định rõ về phạm vi, thẩm quyền, điều kiện, thủ tục diều tra, truy tố, xét xử và việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án hình sự theo quy định hiện hành cho thấy còn có một số bất cập trong các quy định về thủ tục rút gọn trong Bộ luật TTHS hiện hành như sau:

3.1. Về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 319, Điều 320 BLTTHS là chỉ áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm, không mở rộng sang các giai đoạn xét xử phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì sẽ được giải quyết theo thủ tục chung. Về thời hạn theo thủ tục rút gọn thì cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là 30 ngày, trong khi giai đoạn phúc thẩm là 60 ngày. Đây là điều không hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của thủ tục rút gọn. Theo chúng tôi sẽ hợp lý và phù hợp hơn khi chúng ta cần có thêm quy định về thủ tục rút gọn đối với cả xét xử phúc thẩm trong chương XXXIV Bộ luật tố tụng hình sự, mà theo đó các vụ án được cấp sơ thẩm xét xử theo thủ tục rút gọn có kháng cáo thì cấp phúc thẩm cũng cần phải xét xử với thời gian sớm nhất chứ không phải theo thủ tục chung, quy định như hiện nay.

3.2. Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 319 BLTTHS

 Những quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như đã phân tích ở trên, theo chúng tôi là chưa đầy đủ, còn nhiều vướng mắc, chưa tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng triệt để thủ tục tiến bộ này trong hoạt động tố tụng hình sự, dẫn đến nhiều địa phương bỏ quên không áp dụng thủ tục này trong hoạt động tố tụng hình sự. Những vướng mắc đó thể hiện như sau:

   Như trên đã phân tích, chỉ các vụ án hình sự thỏa mãn bốn điều kiện đã nêu thì mới được áp dụng thủ tục rút gọn, song điều kiện thứ nhất quy định bắt buộc người phạm tội bị bắt quả tang là chưa hợp lý, hạn chế tới việc áp dụng thủ tục rút gọn trong thực tiễn hiện nay bởi lẽ:

   Có rất nhiều vụ án tuy không phải thuộc trường hợp phạm tội quả tang, song sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, căn cước người phạm tội rõ ràng, song lại không được áp dụng thủ tục rút gọn vì không phải là trường hợp phạm tội quả tang.

Ví dụ: A trộm cắp của B một chiếc xe máy, hai hôm sau trên đường A đi tiêu thụ thì bị B phát hiện báo Công an bắt giữ A, A thừa nhận hành vi trộm cắp xe máy của B, tang vật được thu hồi trả lại ngay cho B.

   Hoặc có những trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình mà hành vi phạm tội đó cũng rất đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm được thực hiện cũng là tội phạm ít nghiêm trọng, lai lịch, căn cước rõ ràng, nhưng vì không phải là trường hợp phạm tội quả tang nên cũng không được áp dụng thủ tục rút gọn.

Ví dụ: Trước đó 6 tháng, A tới nhà B trộm cắp của B 01 điện thoại di động trị giá 7 triệu đồng mang về giấu ở nhà với mục đích sau này sẽ đem ra sử dụng, sau khi mất điện thoại, B đã có đơn trình báo ra cơ quan Công an. Trong lúc cơ quan Công an chưa xác định được ai là người lấy trộm điện thoại của B thì A đã tới Công an tự thú hành vi phạm tội của mình đồng thời mang nộp chiếc điện thoại mà mình đã trộm cắp cho cơ quan Công an…

   Ngoài ra, qua thực tiễn xét xử chúng tôi thấy, có rất nhiều vụ án phạm tội nghiêm trọng, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện 1, 2, 4 quy định tại Điều 319, song không thể áp dụng được thủ tục rút gọn vì không thỏa mãn với điều kiện thứ ba là “Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng”. Như vậy, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Điều 319 BLTTHS hiện hành chỉ được áp dụng trong trường hợp phạm tội quả tang, đối với tội phạm ít nghiêm trọng, là không phù hợp với thực tiễn, bỏ sót rất nhiều vụ án có thể áp dụng được thủ tục rút gọn, nhưng lại không được áp dụng, làm mất nhiều thời gian, không hạn chế được lượng án tồn đọng, tốn kém về chi phí vật chất, gây thiệt hại cho các chủ thể tham gia tố tụng hình sự, đôi khi còn vi phạm cả về thời hạn tạm giữ, tạm giam, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

   Theo chúng tôi, để khắc phục tình trạng trên cần bỏ điều kiện thứ nhất quy định tại Điều 319 BLTTHS, chỉ cần những vụ án mà sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, người phạm tội có căn cước lai lịch rõ ràng thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét để quyết định có hay không việc áp dụng thủ tục rút gọn, chứ không nên quy định đóng khung như hiện nay. Có như vậy, thì những quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự mới được áp dụng rộng rãi hơn, đúng với ý nghĩa của thủ tục rút gọn là đơn giản hóa quá trình tố tụng, rút ngắn thời hạn tiến hành tố tụng nhằm giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giải quyết nhanh chóng vụ án.

3.3. Về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 320 BLHS

   Khoản 1 Điều 320 BLTTHS quy định: “Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”. Như vậy có thể nói vụ án có điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chứ không phụ thuộc vào Toà án. Điều này không những không giản lược được thủ tục mà còn phức tạp thêm. Do vậy, theo chúng tôi cần quy định theo hướng để cơ quan điều tra có quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, khi vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Mặt khác, BLTTHS lại quy định: Khi có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định thì Viện kiểm sát cũng không bắt buộc phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc không ra quyết định. Quy định này dẫn đến tình trạng có nhiều vụ án đủ điều kiện để điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng vẫn được tiến hành theo thủ tục thông thường.

   3.4. Về thời hạn áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết các vụ án hình sự

Theo chúng tôi quy định về thời hạn như vậy là không phù hợp và chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng ngại áp dụng thủ tục này vì sợ vi phạm về thời hạn. Nếu so sánh thời hạn hoạt động tố tụng hình sự của thủ tục rút gọn với thủ tục tố tụng hình sự thông thường thì thời hạn quy định cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo thủ tục rút gọn là quá ít. Bởi lẽ, đối với vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thời hạn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là 5 tháng 15 ngày, trong khi đó thời hạn của thủ tục rút gọn chỉ là 30 ngày.

Với quy định về thời hạn như vậy, có rất nhiều vụ án trên thực tế mặc dù đã có quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn, nhưng sau đó lại phải hủy bỏ thủ tục rút gọn để áp dụng theo thủ tục tố tụng thông thường vì vi phạm thời hiệu. Những vướng mắc đó, thể hiện ngay trong quy định tại Điều 320 BLTTHS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 320 thì chỉ cần có quyết định khởi tố vụ án và có đề nghị của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà chưa cần có quyết định khởi tố bị can. Nhưng tại khoản 2 Điều 320 lại quy định “Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24h, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”. Nếu quy định như vậy, thì thời hạn để Viện kiểm sát xem xét ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn là bao lâu? Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định tố tụng vào thời điểm nào? Giả thiết, việc khởi tố bị can được tiến hành sau khi  có quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng thủ tục rút gọn, thì trong vòng 24h Cơ quan điều tra phải xác minh, ra quyết định khởi tố bị can, gửi cho Viện kiểm sát phê chuẩn, giao các quyết định tố tụng cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật, với khoảng thời gian như vậy liệu có đủ để Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng hay không? Theo chúng tôi, quy định như vậy là chưa hợp lý vì luật cũng không quy định cụ thể Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát phải gửi cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ, nên dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đối với trường hợp người phạm tội không bị tạm giữ lại càng khó thực hiện hơn.

Một vấn đề nữa cũng gây khó khăn cho Cơ quan điều tra, đó là quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 3 Điều 320, Theo quy định tại khoản 3 Điều 320 thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại gửi cho Viện kiểm sát, Viện kiểm sát phải giải quyết khiếu nại đó trong vòng ba ngày.

Như vậy, nếu theo đúng trình tự quy định tại Điều 320 BLTTHS thì thời gian từ khi khởi tố, ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, gửi cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ, tiếp nhận khiếu nại và giải quyết khiếu nại (nếu có) thì thời gian tối đa là 6 ngày. Vậy Cơ quan điều tra, chỉ còn có 4 ngày để tiến hành điều tra. Với thời gian như vậy liệu Cơ quan điều tra có bảo đảm được đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra để bảo đảm được việc điều tra đúng người, đúng tội đúng pháp luật hay không?

Một vấn đề bất cập nữa chúng tôi muốn nêu ra là: Trong toàn bộ các quy định tại chương XXXIV BLTTHS về thủ tục rút gọn không có điều luật nào đề cập đến vấn đề bào chữa, nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu mời luật sư bào chữa thì chúng ta giải quyết thế nào? Thời hạn là bao nhiêu? Ví dụ: Trong giai đoạn xét xử tại Điều 324 quy định:

 “1. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

a/ Đưa vụ án ra xét xử;

b/ Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c/ Tạm đình chỉ vụ án;

d/ Đình chỉ vụ án.

  1. Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.”

Quy định như vậy, nếu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tới ngày thứ sáu hoặc tại phiên tòa bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu mời luật sư thì giải quyết thế nào? Thời hạn là bao nhiêu, vì theo quy định thì khi áp dụng thủ tục rút gọn không được gia hạn. Nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu mời luật sư vì cho rằng vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì sẽ vi phạm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bởi lẽ, tại Điều 11 Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị cam, bị cáo đã quy định:

“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”.

 Nếu chấp nhận thì vi phạm về thời hạn. Theo quy định tại Điều 11 như đã nêu, thì quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải được bảo đảm và họ có quyền yêu cầu có người bào chữa ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, song các quy định về thủ tục rút gọn quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự lại không có quy định, nên khi gặp trường hợp người phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ yêu cầu được mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không biết giải quyết như thế nào. Đây cũng chính là một trong những vướng mắc và là nguyên nhân dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ngại áp dụng thủ tục rút gọn hoặc có áp dụng rồi lại phải ra quyết định hủy bỏ.

Chính vì vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn, ngoài việc rút ngắn thời hạn tiến hành tố tụng nhằm giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giải quyết nhanh chóng vụ án thì cũng cần có những quy định sửa đổi bảo đảm về thời gian phù hợp để bị can, bị cáo bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhất là bảo đảm quyền bào chữa quy định tại Điều 11 BLTTHS. Quy định về thời hạn như hiện nay, theo chúng tôi là quá ngắn dẫn đến có sự không tin tưởng của bị can, bị cáo vào năng lực, trình độ chuyên môn của người tiến hành tố tụng hay các quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm như khi áp dụng các thủ tục tố tụng hình sự thông thường.

  1. Một số kiến nghị

Từ những vướng mắc, bất cập của các quy định về áp dụng thủ tục rút gọn như đã phân tích ở trên, theo chúng tôi để thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, cần có hướng nghiên cứu, sửa đổi về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cũng như về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sao cho phù hợp hơn, để thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự được áp dụng nhiều hơn, góp phần hạn chế lượng án tồn đọng như hiên nay, tiết kiệm được về thời gian và các chi phí tố tụng, bảo đảm được quyền lợi ích của công dân nói chung và bị can, bị cáo nói riêng cũng như bảo đảm được quyền bào chữa của bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trên cơ sở nghiên cứu cũng như thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn hiện nay, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung vào các quy định về áp dụng thủ tục rút gọn hiện hành như sau:

Điều 318. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn (bổ sung)

Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, Phúc thẩm được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này.

Điều 319. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn (chỉ cần quy định ba điều kiện có sự bổ sung thêm)

Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
  2. Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng,nghiêm trọng;
  3. Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Điều 320. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (bổ sung)

1…. (giữ nguyên)

  1. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24h, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.Cơ quan điều tra phải giải thích cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ biết rõ về thủ tục rút gọn cũng như quyền và nghĩa vụ của họ theo thủ tục rút gọn. Việc giải thích phải được thể hiện bằng văn bản.

3….(giữ nguyên)

Điều 321. Điều tra (bổ sung)

1.Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là mười tám ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

2…. (giữ nguyên).

Điều 322. Tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố (bổ sung).

1….(giữ ngyên)

2….(giữ nguyên)

  1. Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không đượcquá 25 ngày.

Điều 323. Quyết định việc truy tố (bổ sung).

  1. Trong thời hạnbảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a/ Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố;

b/ Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c/ Tạm đình chỉ vụ án;

d/ Đình chỉ vụ án.

2…. (giữ nguyên).

Điều 324. Xét xử (bổ sung)

1.Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

a/ Đưa vụ án ra xét xử;

b/ Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c/ Tạm đình chỉ vụ án;

d/ Đình chỉ vụ án.

  1. Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì trong thời hạn10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.

3….(giữ nguyên)

  1. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc xét xử. Thời hạn tạm giam không được quáhai mươi ngày.

Điều 324 a. Xét xử phúc thẩm (bổ sung).

  1. Trong thời hạn mười năm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Việc xét xử phúc thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.
  2. Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

Trên đây là một số kiến nghị của chúng tôi, nhằm để thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, được áp dụng rộng rãi góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án, tiết kiệm được kinh phí, lực lượng và thời gian trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử vô tư, khách quan. Đồng thời còn bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật.

BÀI 9:

MIỄN, GIẢM HÌNH PHẠT TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

           

Miễn, giảm hình phạt trong thi hành án hình sự là chế định pháp luật quan trọng được quy định tại chương VIII, X Bộ luật hình sự (Điều 57, 58, 59, 60, 76); Chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 268, 269); Luật thi hành án (Điều 33, 34, 66, 77, 78; 79, 86, 95) và được hướng dẫn tại các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và gần đây là hướng dẫn liên ngành ở các Thông tư liên tịch sau:

Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân;

+ Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 hướng dẫn về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại;

+ Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

+ Thông tư liên tích số 10/2010/TTLT ngày 25/5/2010 của Bộ tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước.

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự thì trong hệ thống hình phạt quy định tại Điều 28 Bộ luật hình sự, có 04 loại hình phạt chính có thể được giảm theo trình tự thông thường (do các cơ quan tiến hành tố tụng và cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan tiến hành) đó là hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân; 01 hình phạt có thể được giảm theo thủ tục đặc biệt đó là hình phạt tử hình thì chỉ có Chủ tịch nước có quyền ân giảm xuống hình phạt tù chung thân. Đối với hình phạt bổ sung thì cũng có 3/7 hình phạt có thể được giảm, đó là hình phạt cấm cư trú, quản chế, phạt tiền (khi không phải là hình phạt chính). Các hình phạt Cảnh cáo; trục xuất (hình phạt chính); cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính (hình phạt bổ sung) không được miễn, giảm.

Như vậy, miễn hoặc giảm hình phạt trong thi hành án hình sự bao gồm: miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; miễn thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại; rút ngắn thời hạn thử thách của án treo; miễn chấp hành hình phạt tiền còn lại.

  1. MIỄN THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
  2. Khái niệm

 Miễn chấp hành hình phạt tù: Là việc người bị kết án phạt tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt, đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt (đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng) mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét quyết định (Điều 57 Bộ luật hình sự; Điều 34 luật thi hành án hình sự).

  1. Đối tượng được miễn chấp hành hình phạt tù

Là người bị kết án phạt tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt, đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt (đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng).

  1. Điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt tù:lập công, lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và họ không còn nguy hiểm cho xã hội.
  2. a)Lập công là trường hợp người chấp hành án có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
  3.  b) Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
  4. c) Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong.
  5. d) Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là trường hợp người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua của địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án.
  6. Thẩm quyền đề nghị miễn và thẩm quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù

 – Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc đề nghị miễn chấp hành hình phạt tù đối với người có đủ điều kiện miễn.

  – Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu xét quyết định việc miễn chấp hành hình phạt.

  1. Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù

Được hướng dẫn tại Điều 34 Luật thi hành án, cụ thể như sau:

5.1. Viện kiểm sát có thẩm quyền (Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu) nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Hồ sơ gồm có:

  1. a) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật;
  2. b) Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát có thẩm quyền;
  3. c) Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người chấp hành án;
  4. d) Bản tường trình của người bị kết án về việc lập công hoặc lập công lớn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với người bị kết án đã lập công, lập công lớn hoặc kết luận của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án đối với người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo.

   5.2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét miễn và thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp và VKS phải cử KSV tham gia phiên họp. Trường hợp hồ sơ cần phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

   5.3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định miễn chấp hành án phạt tù, Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án phạt tù có trách nhiệm gửi quyết định này cho người được miễn chấp hành án, VKS đề nghị, VKS cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội quản lý người đó, Sở tư pháp nơi có Tòa án ra quyết định.

   5.4. Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án phạt tù và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên.

Hội đồng xét quyết định miễn chấp hành án phạt tù gồm 03 thẩm phán và có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp đã đề nghị miễn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án.

Thẩm quyền của Hội đồng xét miễn chấp hành hình phạt tù: có thể chấp nhận có thể không chấp nhận đề nghị miễn hình phạt tù cho người bị kết án. Quyết định miễn hình phạt được thể hiện bằng văn bản, trường hợp không chấp nhận miễn theo đề nghị của viện kiểm sát thì phải ghi rõ lý do.

  1. GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
  2. Những quy định chung về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

1.1. Đối tượng được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù: phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an và trại giam, trại tạm giam do Bộ quốc phòng quản lý.

1.2. Nguyên tắc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù: Gồm các nguyên tắc sau đây:

  1. a) Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ.
  2. b) Phải căn cứ vào kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù, tính chất và mức độ, độ tuổi và các đặc điểm nhân thân khác của phạm nhân.

– Những phạm nhân phạm tội lần đầu, cải tạo tốt, lập công chuộc tội được xét, đề nghị và quyết định mức giảm cao hơn những phạm nhân khác.

– Những phạm nhân bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân, phạm nhân có nhiều tiền án, nhân thân xấu, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm thì phải có nhiều thời gian thử thách hơn và phải xem xét rất chặt chẽ với mức giảm thấp hơn so với phạm nhân khác.

  1. c) Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo đúng danh sách và mức giảm đã được Hội đồng thẩm định của Cơ quan thi hành án Công an cấp tỉnh, cấp quân khu, Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng duyệt.

1.3. Thời điểm xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

1.3.1- Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 03 (ba) đợt, vào các dịp: Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) và tết Nguyên đán. Đối với các Trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vào dịp thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày quốc phòng toàn dân (22/12) thay cho dịp tết Nguyên đán.

1.3.2- Đối với những trường hợp đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù mà trong năm đó lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì việc đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

1.4. Về điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư đã viện dẫn trên (Thông tư 02/2013/TTLT), cụ thể như sau:

1.4.1- Phạm nhân có đủ các điều kiện sau đây thì được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù:

  1. a) Đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc 12 năm đối với tù chung thân;
  2. b) Có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau:

– Phạm nhân bị phạt tù chung thân phải có ít nhất 04 năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân phải có ít nhất 05 năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên;

– Phạm nhân bị phạt tù trên 20 năm đến 30 năm phải có ít nhất 03 năm 06 tháng liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên;

– Phạm nhân bị phạt tù trên 15 năm đến 20 năm phải có ít nhất 03 năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ loại khá trở lên;

– Phạm nhân bị phạt tù trên 10 năm đến 15 năm phải có ít nhất 02 năm liên tục liền kề hoặc 08 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá trở lên;

– Phạm nhân bị phạt tù trên 05 năm đến 10 năm phải có ít nhất 01 năm hoặc 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp từ loại khá trở lên;

– Phạm nhân bị phạt tù trên 03 năm đến 05 năm phải có ít nhất 06 tháng hoặc 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên;

– Phạm nhân bị phạt tù 03 năm trở xuống phải có ít nhất 01 quý gần nhất được xếp loại từ khá trở lên.

1.4.2- Phạm nhân được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt hoặc người chưa thành niên phạm tội so với quy định tại điểm b khoản 1 Điều này còn thiếu một năm đầu tiên xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên của thời gian liền kề thời điểm xét giảm (đối với phạm nhân bị phạt tù trên 15 năm trở lên), thiếu 01 kỳ 06 đầu tiên xếp loại từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm), thiếu 01 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm) hoặc chưa được xếp loại chấp hành án phạt tù (đối với phạm nhân bị phạt tù từ 03 năm trở xuống) nhưng thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc ở trại giam được nhận xét là chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và có đủ các điều kiện khác thì vẫn có thể được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

1.4.3- Phạm nhân có đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, phạm nhân thuộc trường hợp đặc biệt hoặc người chưa thành niên phạm tội có số kỳ được xếp loại bằng hoặc nhiều hơn so với quy định tại điểm b khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng không liên tục, vẫn có thể được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu có ít nhất 02 kỳ 06 tháng liên tục liền kề với thời điểm đề nghị xét giảm được xếp loại từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù trên 10 năm) hoặc 02 quý liên tục được xếp loại từ khá trở lên (đối với phạm nhân bị phạt tù từ 10 năm trở xuống).

1.4.4- Phạm nhân có tiền án phải có thời gian thử thách nhiều hơn và có số kỳ xếp loại từ khá trở lên nhiều hơn so với những phạm nhân chưa có tiền án, ứng với mỗi tiền án là 01 kỳ 06 tháng xếp loại từ khá trở lên. Đối với phạm nhân bị phạt tù từ 03 năm trở xuống, ứng với mỗi tiền án là 01 quý xếp loại từ khá trở lên.

1.4.5- Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải liên tục được xếp loại từ khá trở lên mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn đúng đợt. Trường hợp không đủ điều kiện để được xét giảm đúng đợt thì được xem xét, đề nghị giảm thời hạn khi có đủ 04 quý xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên (trong đó phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm).

1.4.6- Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ bị xử lý kỷ luật, sau khi được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện công nhận đã cải tạo tiến bộ và có đủ 04 quý liền kề (đối với phạm nhân bị kỷ luật khiển trách 02 lần trong kỳ xếp loại hoặc kỷ luật cảnh cáo) hoặc 05 quý liền kề (đối với phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật) được xếp loại chấp hành án phạt tù từ loại khá trở lên thì mới được tiếp tục xem xét, đề nghi giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

1.4.7- Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải chấp hành được ít nhất 2/3 mức hình phạt chung hoặc 20 năm nếu là tù chung thân và phải có đủ điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

1.4.8- Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc đang được áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc được bảo lưu kết quả chấp hành án phạt tù và được tính liên tục liền kề với thời gian sau khi trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án. Khi những người này trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, nếu có đủ điều kiện quy định ở các khoản nêu trên của Điều này và trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, được chính quyền địa phương nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù về cư trú hoặc cơ sở y tế điều trị cho người được áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc xác nhận thì mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

1.5. Về mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

1.5.1- Phạm nhân bị phạt tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm.

1.5.2- Phạm nhân bị phạt tù từ 30 năm trở xuống, mỗi lần có thể được giảm từ 01 tháng đến 03 năm. Trường hợp được giảm 03 năm phải là những phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và lập công hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, học tập, cải tạo.

1.5.3- Mỗi năm một phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 01 lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là 01 năm. Trường hợp đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ 01 năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được giảm 01 lần.

Trường hợp sau khi đã được giảm thời hạn mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm thêm nhưng không được quá 02 lần trong một năm.

Mỗi phạm nhân có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành án được 1/2 mức hình phạt tù có thời hạn đã tuyên hoặc 20 năm tù đối với tù chung thân.

1.6. Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt

1.6.1- Phạm nhân đã chấp hành được ít nhất 1/4 mức hình phạt đã tuyên đối với án phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc 10 năm đối với tù chung thân và có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư liên tịch này, có thể được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Phạm nhân đã lập công. Mỗi lần lập công chỉ được xem xét, đề nghị giảm thời hạn 01 lần.
  2. b) Phạm nhân đã quá già yếu;
  3. c) Phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

1.6.2- Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này là 04 năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án phạt tù ít nhất là 2/5 mức hình phạt đã tuyên hoặc 15 năm đối với hình phạt tù chung thân.

1.6.3- Trong trường hợp đặc biệt, khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phạm nhân có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức giảm cao hơn so với quy định ở khoản 1, khoản 2 Điều này.

1.7. Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội

1.7.1- Phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội nếu đã chấp hành được ít nhất 1/4 mức hình phạt đã tuyên và có đủ điều kiện quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư này thì có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

1.7.2- Phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội đã lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm ngay mà không cần điều kiện đã chấp hành được ít nhất 1/4 mức hình phạt đã tuyên.

1.7.3- Mức giảm mỗi lần cao nhất đối với phạm nhân là người chưa thành niên phạm tội là 04 năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án ít nhất là 2/5 mức hình phạt đã tuyên.

1.7.4- Phạm nhân là người chưa thành niên, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại không quá 01 năm thì có thể được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại.

  1. Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Về trình tự, thủ tục lập hồ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được quy định rất chặt chẽ, rất tỷ mỷ, cụ thể đảm bảo các cơ quan đề nghị, cơ quan xét duyệt đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đều trên cơ sở quy định của pháp luật và không bỏ lọt phạm nhân nào có đủ điều kiện mà không được đề nghị giảm. Cụ thể như sau:

2.1. Về Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

2.1.1- Các Trại giam thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục, hồ sơ làm Ủy viên thường trực, Đội trưởng Giáo dục và hồ sơ làm ủy viên thư ký và các ủy viên gồm: Các Phó Giám thị; các Trưởng phân trại; Đội trưởng các đội: Tham mưu, Cảnh sát quản giáo, trinh sát, Cảnh sát bảo vệ – cơ động, kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề – xây dựng, Hậu cần, tài vụ, Y tế và bảo vệ môi trường.

Trại giam có từ 02 phân trại trở lên thì thành lập Tiểu ban xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của phân trại do Phó Giám thị phụ trách phân trại làm Trưởng tiểu ban, cán bộ giáo dục phân trại làm Ủy viên thư ký và các ủy viên khác gồm: Trưởng phân trại, tổ trưởng Cảnh sát quản giáo, cán bộ trinh sát, y tế và Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ của phân trại.

2.1.2- Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó giám thị phụ trách Phân trại quản lý phạm nhân làm ủy viên thường trực, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Đội trưởng Đội Quản giáo, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ trinh sát, giáo dục, y tế của Phân trại quản lý phạm nhân làm Ủy viên, Đội trưởng đội tham mưu làm Ủy viên thư ký.

2.1.3- Công an cấp huyện thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực, cán bộ quản giáo, y tế là ủy viên và cán bộ tổng hợp của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện là Ủy viên thư ký.

2.1.4- Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoặc thuộc quân khu thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị làm Ủy viên thường trực, trợ lý giam giữ làm thư ký và các ủy viên gồm: Chính trị viên, Đội trưởng Quản giáo, Đội trưởng vệ binh, Quân y, Văn thư.

2.2. Về Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

2.2.1- Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an. Thành phần gồm có:

– Cục trưởng Cục giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm Chủ tịch;

– Phó Cục trưởng Cục giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng phụ trách công tác giảm thời hạn chấp hành án phạt tù làm Ủy viên thường trực;

– Trưởng phòng công tác đặc xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thuộc Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng làm Ủy viên thư ký;

– Phó trưởng Phòng công tác đặc xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thuộc Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng;

– Đại diện lãnh đạo cấp phòng của Cục Quản lý phạm nhân, trại viên làm ủy viên.

2.2.2- Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thành lập và làm chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại tạm giam Công an tỉnh và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Các thành viên Hội đồng gồm có:

– Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực;

– Phó trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, phụ trách công tác thi hành án hình sự là Ủy viên thư ký;

– Và các ủy viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Công an cấp tỉnh, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan an ninh điều tra.

2.2.3- Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thành lập và làm chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu.

 

2.3. Thủ tục Lập hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

2.3.1- Trước thời điểm xét giảm quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, ít nhất là 20 (hai mươi) ngày, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí cán bộ quản giáo tổ chức họp đội phạm nhân để bình xét, giới thiệu, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho những người có đủ điều kiện và biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Cuộc họp phải được lập biên bản, có chữ ký của cán bộ quản giáo và phạm nhân ghi biên bản.

Trên cơ sở kết quả họp đội phạm nhân, cán bộ quản giáo lập danh sách và đề xuất mức giảm cho từng phạm nhân để báo cáo trước Tiểu ban của Phân trại (đối với trại giam có thành lập tiểu ban) hoặc báo cáo Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có ít phạm nhân thì cán bộ quản giáo không tổ chức họp mà kiểm tra, rà soát, lập danh sách phạm nhân có đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, báo cáo Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

2.3.2- Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự của Công an cấp huyện họp nghe báo cáo kết quả, xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các tiểu ban (đối với các trại giam có thành lập tiểu ban) hoặc của cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân và xét duyệt, đề nghị giảm thời hạn cho từng phạm nhân, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách do Chủ tịch Hội đồng ký.

2.3.3- Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam thuộc quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến Hội đồng thẩm định có thẩm quyền để thẩm định.

2.3.4- Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 33 Luật thi hành án hình sự.

2.4. Về Thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

2.4.1- Trại giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đến Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để xét duyệt, sau đó chuyển cho Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thẩm định.

 Hội đồng thẩm định tổ chức họp để thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến. Đối với trường hợp người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là phạm nhân phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Hội đồng thẩm định phải mời đại diện cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an dự họp hoặc gửi văn bản đề nghị cho ý kiến trước khi Hội đồng họp. Sau khi th�m định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam, Hội đồng tổng hợp kết quả và báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt.

Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoàn thành hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định, đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

2.4.2- Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Hội đồng thẩm định của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng, Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh phối hợp với trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trình Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hiện chức năng kiểm sát.

2.4.3- Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để thẩm định. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt.

 Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ QP hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án Quân sự cấp quân khu nơi trại giam, trại tạm giam đóng xem xét, quyết định; đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

2.4.4- Trại giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh sách đề nghi xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, kiểm tra của Hội đồng, Giám thị trại giam thuộc quân khu có văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách cho Viện kiểm sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

2.4.5- Trại tạm giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, kiểm tra của Hội đồng, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với trại tạm giam hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định; đồng thời gửi một bộ hồ sơ đến viện kiểm sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

2.5. Giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước khi có quyết định xét giảm của Tòa án

Trường hợp phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ  hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước khi có quyết định giảm của Tòa án, thì Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải báo cáo kịp thời với Thủ trưởng cơ quan thẩm định quy định tại Điều 13 của Thông tư này, Tòa án có thẩm quyền xét giảm và Viện kiểm sát cùng cấp với tòa án để loại phạm nhân đó ra khỏi danh sách xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

  1. Xét giảm và thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

3.1. Xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 

Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bằng Hội đồng gồm 03 Thẩm phán, có sự tham gia của Kiểm sát viên cùng cấp.

Hội đồng có thể họp tại trụ sở Tòa án hoặc trại giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.

3.2. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện như sau

– Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu gửi đến;

– Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến;

– Hội đồng thảo luận và xem xét, quyết định.

3.3. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng quyết định

  1. a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
  2. b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Hội đồng không được quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ quốc phòng, trại giam thuộc quân khu hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá 01 (một) tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.

3.4. Kháng nghị và phúc thẩm quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Việc phúc thẩm quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại Điều 253 của Bộ luật tố tụng hình sự.

(Điều 253 BLTTHS. 1. Đối với những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng nghị hoặc kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên tòa, nhưng nếu xét cần thì có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết để nghe ý kiến của họ trước khi tòa án ra quyết định. 2. Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. 3. Khi xét những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm có những quyền hạn quy định tại Điều 248 của Bộ luật này. 4. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định).

3.5. Thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

3.5.1. Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp thời gian được giảm bằng thời hạn tù còn lại phải chấp hành thì quyết định của Tòa án được thi hành ngay.

3.5.2. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức công bố công khai quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho toàn thể phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ biết và làm thủ tục trừ thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để lưu hồ sơ phạm nhân.

3.5.3. Sau khi công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổng hợp tình hình, kết quả cụ thể báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để theo dõi, chỉ đạo.

III. GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

  1. Đối tượng áp dụng

Đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú và quản chế; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.

  1. Nguyên tắc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ
  2. a) Tuân thủ quy định của pháp luật.
  3. b) Bảo đảm chính sách khoan hồng, nhân đạo xã hội chủ nghĩa và bình đẳng trước pháp luật.
  4. c) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
  5. d) Khuyến khích người chấp hành án tự giác phấn đấu, tích cực học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định thi hành án và nghĩa vụ của người chấp hành án.
  6. Thẩm quyền xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Tòa án có thẩm quyền xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực nơi người phải chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 77 luật thi hành án hình sự và Điều 6 Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT ngày 16/8/2012).

  1.   Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
  2. a) Đã chấp hành được 1/3 thời hạn án phạt; đối với người chưa thành niên là 1/4 thời hạn án phạt.
  3. b) Có nhiều tiến bộ.

Có nhiều tiến bộ là việc người chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều thành tích trong việc chấp hành án và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cư trú, làm việc.

  1. Mức giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

   5.1. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ mỗi năm được xét giảm thời hạn một lần từ 03 tháng đến 09 tháng. Trường hợp trong năm đó, sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công mới hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng tối đa là 02 lần trong 01 năm (lập công, mắc bệnh hiểm nghèo cũng giống như quy định ở phần miễn, giảm chấp hành hình phạt tù).

   5.2. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có thể được giảm nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là 1/2 mức án; đối với người phải chấp hành án là người chưa thành niên thì phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành là 2/5 mức án.

  1. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp đặc biệt

   6.1. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đã lập công, đã quá già yếu hoặc bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt thì có thể xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao hơn là 01 năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là 2/5 mức án.

   6.2. Người chưa thành niên chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được 2/5 mức án mà sau khi xét giảm, thời hạn chấp hành án còn lại không quá 01 năm thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.

   (Lập công, lập công lớn, đã quá già yếu giống như quy định ở phần miễn, giảm hình phạt chấp hành hình phạt tù).

  1. Thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

   7.1. Khi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có đủ điều kiện được hướng dẫn tại Điều 6 hoặc Điều 8 thông tư liên tịch này thì Trưởng công an cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân xã tổ chức cuộc họp hoặc Thủ trưởng đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phải tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ làm việc để xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho họ.

   7.2. Cuộc họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch chủ trì với thành phần tham gia gồm: Đại diện Mặt trận tổ quốc; Công an; Tư pháp cấp xã; Người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án.

    Cuộc họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong quân đội do Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng đơn vị quân đội chủ trì. Thành phần tham gia gồm đại diện các tổ chức đoàn thể trong đơn vị quân đội và người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án.

   7.3. Hồ sơ đề nghị xem xét, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội gồm có:

  1. a) Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét giảm lần thứ hai trở đi thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án;
  2. b) Quyết định giảm thời hạn chấp hành án (nếu người phải chấp hành án đã được giảm);
  3. c) Văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội;
  4. d) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (nếu có);

   đ) Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật (nếu người chấp hành án bị bệnh hiểm nghèo). Trường hợp người quá già yếu thì phải có xác nhận của y tế cấp xã trở lên hoặc quân y của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;

  1. e) Đơn xin giảm án của người chấp hành án cải tạo không giam giữ (nếu họ có đơn đề nghị).

   7.4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 77 của luật thi hành án hình sự và có văn bản đề nghị giảm thời hạn cải tạo không giam giữ gửi Tòa án nhân dân cùng cấp hoặc Tòa án quân sự khu vực để xem xét, quyết định. Đồng thời sao gửi 01 bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

  1. Thủ tục xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

   8.1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề ghị giảm thời hạn ch�p hành án cải tạo không giam giữ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án cải tạo không giam giữ cư trú hoặc Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án cải tạo không giam giữ làm việc phải thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

   Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ ràng thì thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.

    8.2. Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm 03 Thẩm phán hoặc 02 Thẩm phán và 01 Hội thẩm (đối với Tòa không có đủ 03 Thẩm phán), có sự tham gia của kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

8.3. Trình tự, thủ tục xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:

  1. a) Một thành viên Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị;
  2. b) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu;
  3. c) Hội đồng thảo luận và quyết định.

8.4. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quyết định:

  1. a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án.

   Trường hợp chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, mà thời hạn chấp hành án còn lại dưới 01 tháng thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn còn lại.

  1. b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án.

8.5. Nội dung quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:

  1. a) Ngày, tháng năm ra quyết định;
  2. b) Tên Tòa án ra quyết định;

c)Thành phần Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án;

  1. d) Họ và tên người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, nơi chấp hành án;

đ) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

  1. MIỄN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ
  2. 1. Điều kiện miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Người bị phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án (huyện) hoặc Tòa án quân sự (khu vực) miễn chấp hành án phạt khi có đủ điều kiện sau:

  1. a) Đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
  2. b) Không còn nguy hiểm cho xã hội.

  (Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là trường hợp người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua của địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án).

  1. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

   2.1. Trường hợp người cải tạo không giam giữ đã có quyết định thi hành án, nhưng chưa chấp hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư này thì VKSND cấp huyện hoặc VKSQS khu vực nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành án.

   2.2. Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đang chấp hành án nếu có đủ các điều kiện nêu trên (đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; Không còn nguy hiểm cho xã hội) và có đơn xin miễn chấp hành án thì Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ giúp UBND cấp xã tổ chức cuộc họp hoặc Thủ trưởng đơn vị quân đội phải tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án cư trú, làm việc xem xét đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho họ.

    Thành phần, nội dung cuộc họp xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cũng giống như cuộc họp đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

2.3. Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm:

  1. a) Bản sao bản án đã có hiệu lực;
  2. b) Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật;
  3. c) Văn bản đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội;
  4. d) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp lập công (nếu có);

đ) Văn bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo (nếu có).

2.4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (do Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội lập), cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm xem xét, đề nghị bằng văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội chuyển đến, gửi Viện kiểm sát cấp huyện hoặc Viện kiểm sát quân sự khu vực xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật thi hành án hình sự đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định.

 (Văn bản đề nghị và hồ sơ cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự quân khu gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hoặc Viện kiểm sát quân sự cấp khu vực là điểm khác về thủ tục giữa miễn và giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ).

2.5. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Về trình tự, thủ tục xét, thành phần Hội đồng, thẩm quyền quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cũng giống như thủ tục xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

(Trong hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án phải thành lập Hội đồng xét miễn, phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ; trong hạn 05 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý, Thẩm phán phải ấn định ngày mở phiên họp và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp; trường hợp phải bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ bổ sung hoặc văn bản phúc đáp yêu cầu bổ sung hồ sơ. Phiên họp xét quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm 03 thẩm phán hoặc 02 Thẩm phán và 01 Hội thẩm nhân dân và đại diện Viện kiểm sát cùng cấp; Tại phiên họp một thành viên Hội đồng trình bày về hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ do UBND xã hoặc đơn vị quân đội nơi người chấp hành án lập và đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, đề nghị của Viện kiểm sát; sau đó nghe ý kiến của kiểm sát viên thay mặt Viện kiểm sát phát biểu quan điểm, đề nghị; Hội đồng căn cứ vào hồ sơ, văn bản đề nghị và căn cứ quy định của pháp luật, bàn bạc, thảo luận và quyết định chấp nhận đề nghị miễn hay không chấp nhận hay chỉ chấp nhận một phần. Hội đồng quyết định bằng văn bản trong đó có nêu quan điểm đánh giá của Hội đồng về việc miễn hoặc không miễn hoặc miễn một phần đối với đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự và Viện kiểm sát.

  1. MIỄN CHẤP HÀNH THỜI HẠN CẤM CƯ TRÚ, QUẢN CHẾ CÒN LẠI
  2. Điều kiện miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại

Người chấp hành án phạt cấm cư trú, quản chế có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Đã chấp hành được 1/2 án phạt.
  2. b) Cải tạo tiến bộ.

 (Cải tạo tiến bộ là việc người chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều thành tích trong việc chấp hành án và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cư trú, làm việc).

  1. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại

2.1. Người chấp hành án phạt cấm cư trú, quản chế có đủ các điều kiện theo quy định (đã chấp hành được 1/2 án phạt, Cải tạo tiến bộ) và có đơn xin miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, thì Trưởng Công an cấp xã nơi người bị phạt cấm cư trú, quản chế chấp hành án có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn  lại cho họ.

2.2. Hồ sơ đề nghị xem xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại (khoản 1 Điều 86 và khoản 1 Điều 95 luật thi hành án hình sự) bao gồm:

  1. a) Bản sao bản án; bản sao quyết định thi hành án;
  2. b) Văn bản đề nghị miễn thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại của Ủy ban nhân dân cấp xã;
  3. c) Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cấm cư trú hoặc quản chế;
  4. d) Tài liệu liên quan khác (nếu có).

2.3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của UBND cấp xã, nếu thấy việc miễn chấp hành thời hạn án phạt cấm cư trú, quản chế còn lại cho người chấp hành án không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm văn bản đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại kèm theo hồ sơ mà Ủy ban nhân nhân xã đã lập gửi Tòa án cùng cấp nơi người chấp hành án cư trú xem xét, quyết định. Đồng thời, sao gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

  1. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại

Về trình tự, thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại cũng giống như thủ tục xét quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Cụ thể:

3.1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành thời hạn cấm cư trú phải thành lập Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị. Trường hợp cần phải bổ sung hồ sơ hoặc hồ sơ chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.

3.2. Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại gồm 03 Thẩm phán hoặc 02 Thẩm phán và 01 Hội thẩm (đối với Tòa án cấp huyện không có đủ 03 Thẩm phán), có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

3.3. Trình tự xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại: Tại phiên họp:

  1. a) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị;
  2. b) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu;
  3. c) Hội đồng thảo luận và quyết định.

3.4. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại quyết định:

  1. a) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn án phạt còn lại;
  2. b) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn án phạt còn lại.

   3.5. Nội dung quyết định miễn hoặc không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại:

  1. a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  2. b) Tên Tòa án ra quyết định;
  3. c) Thành phần Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại;
  4. d) Họ và tên người được đề nghị xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế;

đ) Nhận định của Tòa án và các căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại, trường hợp quyết định không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

  1. Gửi quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án

4.1. Quyết định của Tòa án về giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được gửi các cơ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 77 và khoản 3 Điều 78 của Luật thi hành án hình sự.

4.2. Quyết định của Tòa án về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại được gửi các cơ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 86 và khoản 3 Điều 95 của Luật thi hành án hình sự.

Có nghĩa là trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải gửi quyết định cho người được miễn, giảm; cơ quan đề nghị miễn, giảm; Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; Tòa án đã ra quyết định thi hành án và Sở tư pháp nơi Tòa án có trụ sở.

  1. Kháng nghị và phúc thẩm quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt

5.1. Quyết định của Tòa án về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

5.2. Quyết định của Tòa án về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

  1. THỦ TỤC RÚT NGẮN THỜI GIAN THỬ THÁCH CỦA ÁN TREO

Về rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại khoản 4 Điều 60 Bộ luật hình sự; Điều 66 Luật Thi hành án hình sự; khoản 2 Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT ngày 14/8/2012 của liên ngành Bộ Công an- Bộ Quốc phòng- Tòa án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung cụ thể như sau:

  1. Đối tượng được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo

 Người bị phạt tù nhưng được hưởng án treo và trong thời gian thử thách.

  1. Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo
  2. a) Đã chấp hành được ½ thời gian thử thách của án treo;
  3. b) Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời hạn thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm, thi hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án.
  4. c) Được UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
  5. Mức giảm

Mỗi năm, người được hưởng án treo được rút ngắn (giảm) thời hạn thử thách 01 lần từ 01 tháng đến 12 tháng. Một người có thể được giảm nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là ¾ thời gian thử thách mà án đã tuyên.

Lưu ý: Người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu sau đó có tiến bộ mới thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời hạn thử thách cho họ.

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện về rút ngắn thời hạn thử thách thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

 Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những sáng kiến có giá trị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.

 Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị  bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

  1. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị rút ngắn thử thách của án treo

4.1. Người được hưởng án treo có đủ điều kiện pháp luật quy định (đã chấp hành được ½ thời hạn thử thách, cải tạo có nhiều tiến bộ) thì Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo; Thủ trưởng đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án treo tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hưởng án treo làm việc để xem xét việc rút ngắn thời thử thách cho người được hưởng án treo.

4.2. Cuộc họp xét, đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo của Ủy ban nhân dân cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì với thành phần gồm đại diện lãnh đạo Công an, Mặt trận tổ quốc, Tư pháp cấp xã, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Cuộc họp xét, đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo của đơn vị quân đội do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng đơn vị quân đội chủ trì với thành phần gồm đại diện các tổ chức đoàn thể trong đơn vị quân đội, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

4.3. Hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội gồm có:

  1. a) Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai trở đi thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo;
  2. b) Văn bản đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo (trong đó phải ghi rõ họ, tên, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; tội danh, thời hạn tù, thời gian thử thách; số bản án hình sự, số quyết định thi hành án; thời gian thử thách đã chấp hành, thời gian thử thách còn lại; tóm tắt quá trình phạm tội của người được hưởng án treo, mối quan hệ gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con), nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội về việc chấp hành nghĩa vụ của người được hưởng án treo; đề nghị mức rút ngắn thời gian thử thách);
  3. c) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người được hưởng án treo lập công (nếu người được hưởng án treo đã được khen thưởng hoặc lập công);
  4. d) Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật (nếu người được hưởng án treo bị mắc bệnh hiểm nghèo);

đ) Đơn xin rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo (nếu họ có đơn đề nghị);

  1. e) Bản sao quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo (nếu đã được rút ngắn thời gian thử thách của án treo).

4.4. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án hình sự, văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của cơ quan thi hành án và chuyển hồ sơ, văn bản đề nghị cho Tòa án cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú, Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo làm việc xem xét, quyết định. Đồng thời sao gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nội dung sau: Căn cứ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo; họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; tội danh, thời hạn phạt tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách; số bản án hình sự, số quyết định thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo; thời gian thử thách đã chấp hành, thời gian thử thách còn lại; tóm tắt quá trình phạm tội của người được hưởng án treo, mối quan hệ gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con), nhận xét của cơ quan thi hành án hình sự về việc chấp hành nghĩa vụ của người được hưởng án treo; đề nghị mức rút ngắn thời gian thử thách.

  1. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách

5.1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo làm việc phải thành lập Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không vượt quá mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.

5.2. Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo gồm ba Thẩm phán hoặc hai Thẩm phán và một Hội thẩm (đối với Tòa án cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực không có đủ ba Thẩm phán), có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

5.3. Trình tự, thủ tục xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo tiến hành như sau:

  1. a) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị;
  2. b) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến;
  3. c) Hội đồng thảo luận và quyết định.

5.4. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo có quyền:

  1. a) Chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo mà thời gian thử thách còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại;
  2. b) Chấp nhận một phần đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
  3. c) Không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

5.5. Hội đồng ra quyết định về việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo với các nội dung sau:

  1. a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  2. b) Tên Tòa án ra quyết định;
  3. c) Thành phần của Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
  4. d) Họ tên, nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo được đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo;

đ) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo;

  1. e) Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp Tòa án quyết định không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

5.6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người được rút ngắn thời gian thử thách, cơ quan đề nghị rút ngắn thời hạn thử thách, VKS cùng cấp, VKS cấp trên trực tiếp, Tòa án đã quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, Sở tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.

5.7. Quyết định về việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo của Tòa án có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên là mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Việc phúc thẩm quyết định của Tòa án về rút ngắn thời gian thử thách của án treo được thực hiện theo quy định tại Điều 253 của Bộ luật tố tụng hình sự.

5.8 Quyết định của Tòa án về việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

VII. GIẢM, MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TIỀN

  1. Khái niệm những thuật ngữ được sử dụng trong chế định giảm, miễn chấp hành hình phạt tiền

1.1. “Khoản thu nộp ngân sách Nhà nước” là các khoản tiền thu được phải nộp vào Ngân sách Nhà nước gồm: tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, tịch thu sung quỹ Nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Toà án.

1.2. “Miễn thi hành án” là trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp một khoản tiền, tài sản để thu nộp ngân sách Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà có đủ các điều kiện do pháp luật quy định và hướng dẫn của Thông tư liên tịch này nên được Toà án có thẩm quyền quyết định miễn thi hành toàn bộ các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước còn lại.

1.3. “Giảm thi hành án” là trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp một khoản tiền, tài sản để thu nộp ngân sách nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà có đủ các điều kiện do pháp luật quy định và hướng dẫn của Thông tư liên tịch này nên được Toà án có thẩm quyền quyết định giảm thi hành một phần các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước.

1.4. “Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án” là người không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ chi phí thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc tài sản không bán được, không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân họ và gia đình.

1.5.“Người phải thi hành án lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài” là người bị mất toàn bộ hoặc phần lớn tài sản, mất hoặc giảm thu nhập, không đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo được tối thiểu cuộc sống cho bản thân người đó và gia đình kể từ thời điểm bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, đau ốm đến thời điểm xét miễn, giảm thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án tự gây ra tai nạn, ốm đau cho bản thân nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

1.6. “Người phải thi hành án lập công lớn” là người đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế, hoặc sáng kiến có giá trị; được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

  1. Các khoảntiền phạtthuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án

2.1. Phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự.

2.2. Phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 3 Điều 76 của Bộ luật Hình sự.

2.3. Các khoản truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, tịch thu sung quỹ Nhà nước và các khoản tiền phạt khác được xác định trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Như vậy là các khoản tiền bồi thường thiệt hại không thuộc diện được miễn, giảm thi hành án.

  1. Nguyên tắc xét miễn, giảm thi hành án

3.1. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt tiền mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Toà án chỉ xét  giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được 2/3 mức hình phạt tiền.

3.2. Người được xét miễn, giảm thi hành án không phải nộp các chi phí liên quan đến việc xét miễn, giảm. Chi phí cho việc xét miễn, giảm thi hành án được lấy từ kinh phí trong hoạt động của các cơ quan liên quan đến việc xét miễn, giảm.

  1. Thẩm quyền đề nghị xét miễn, giảm thi hành án

4.1. Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu xét thấy người phải thi hành án có các điều kiện quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự; khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 76 của Bộ luật Hình sự thì Chấp hành viên được giao thi hành vụ việc tiến hành xác minh, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án và báo cáo Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp, người phải thi hành án có đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, thì trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được đơn, Chấp hành viên được giao thi hành vụ việc phải xác minh, nếu đủ điều kiện để xét miễn, giảm thì lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án theo quy định. Trường hợp chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án biết.

Điều 61. (Luật thi hành án dân sự) Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân Nhà nước. 1. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được miễn nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn sau: a) 05 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch; b) 10 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5.000.000 (Năm triệu) đồng. 2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách Nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây: a) 05 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại dưới 5.000.000 (năm triệu) đồng; b) 10 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại dưới 10.000.000 (mười triệu) đồng. 3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây: a) 05 năm kể từ ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 (mười triệu) đồng đến 100.000.000 (một trăm triệu) đồng; 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ có giá trị còn lại có giá trị trên 100.000.000 (một trăm triệu) đồng. 4. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được tiến hành thường xuyên nhưng mỗi người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm. Trường hợp một người phải thi hành nhiều khoản nộp ngân sách Nhà nước trong nhiều bản án, quyết định khác nhau thì đối với mỗi bản án, quyết định, người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm.

4.2. Đối với phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; khoản tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự, căn cứ hồ sơ thi hành án do Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn, giảm thi hành án.

4.3. Đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước do Thi hành án quân khu và tương đương thụ lý thi hành thì cơ quan đó trực tiếp đề nghị Toà án quân sự khu vực nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc xét miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; khoản tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự do Thi hành án quân khu và tương đương thụ lý thi hành, nếu xét thấy hồ sơ có đủ các điều kiện xét miễn, giảm thi hành án, thì Viện kiểm sát quân khu và tương đương uỷ quyền cho Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn, giảm thi hành án và thông báo cho đương sự biết.

  1. Thẩmquyền xét miễn, giảm thi hành án

5.1. Thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước là Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực (khoản 1 Điều 63 Luật thi hành án dân sự).

5.2. Thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án đối với phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật hình sự; khoản tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật hình sự được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự.

  1. Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án

6.1. Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Thi hành án dân sự: Cơ quan thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, miễn giảm nghĩa vụ thi hành án. Hồ sơ gồm các tài liệu sau: 1. Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt; 2. Bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm; 4. Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án, nếu có; 5. Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

6.2. Kiểm tra xác minh điều kiện thi hành án.

 – Biên bản xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên, cán bộ Cơ quan thi hành án dân sự lập cần xác định rõ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc nguồn thu nhập để thi hành án, biên bản phải có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố (thôn, ấp), Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh.

  – Đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, ngoài biên bản xác minh của Chấp hành viên về điều kiện thi hành án tại nơi cư trú, làm việc của người phải thi hành án, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự gửi phiếu đề nghị Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù xác nhận trong quá trình chấp hành hình phạt tù phạm nhân là người phải thi hành án có: lập công lớn; bị bệnh nặng; có tài sản gửi ở bộ phận lưu ký tại trại giam, trại tạm giam; kết quả thi hành khoản thu nộp ngân sách Nhà nước do trại giam, trại tạm giam thu (nếu có).

 – Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù khi nhận được phiếu đề nghị kiểm tra, xác nhận điều kiện thi hành án của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận và chuyển phiếu xác nhận đó cho Cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu.

6.3. Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm thi hành án của người phải thi hành án gồm:

  1. a) Chứng từ thu – chi tiền thi hành án (nếu có);
  2. b) Giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người phải thi hành án cư trú đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án; trường hợp người phải thi hành án đang làm việc tại cơ quan, tổ chức thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc;
  3. c) Giấy tờ xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên trong trường hợp người phải thi hành án bị tai nạn, đau ốm kéo dài;
  4. d) Giấy tờ xác nhận của cơ quan phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị hỏa hoạn;

đ) Giấy tờ xác nhận của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Trại giam, Trại tạm giam nơi người phải thi hành án bị giam, giữ trong trường hợp người phải thi hành án đã lập công lớn hoặc lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài;

  1. e) Các tài liệu chứng minh khác.
  2. Kiểm sát hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án

7.1. Vào tháng đầu của mỗi quý, Cơ quan thi hành án dân sự quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch này có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm được lập trong quý trước cho Viện kiểm sát cấp huyện nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc để thực hiện việc kiểm sát.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển hồ sơ cho Toà án kèm theo văn bản nêu rõ ý kiến của Viện kiểm sát về các hồ sơ đề nghị miễn, giảm hoặc văn bản đề nghị miễn, giảm thi hành án và thông báo cho Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý hồ sơ xét miễn, giảm biết.

7.2. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc bổ sung những giấy tờ cần thiết. Trường hợp có căn cứ xác định rõ người phải thi hành án có đủ điều kiện để được xét miễn, giảm thi hành án nhưng Cơ quan Thi hành án dân sự không lập hồ sơ, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án.

  1. Thủ tục xét miễn, giảm thi hành án

8.1. Trong thời hạn (05) năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, Chánh án Toà án có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án chỉ định một Thẩm phán thụ lý hồ sơ và giải quyết việc xét miễn, giảm thi hành án. Thẩm phán được chỉ định có quyền yêu cầu Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc bổ sung các giấy tờ cần thiết trong thời hạn (05) năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Quá thời hạn đó mà cơ quan được yêu cầu không bổ sung các giấy tờ cần thiết, thì Thẩm phán trả lại hồ sơ cho cơ quan đã đề nghị.

8.2. Tổ chức phiên họp xét miễn, giảm thi hành án:

 Phiên họp xét miễn, giảm thi hành án được tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật thi hành án dân sự. (Do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và cán bộ cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm).

Thẩm phán chủ trì phiên họp xét miễn, giảm thi hành án có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm phiên họp xét miễn, giảm tới đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm. Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày đề nghị xét miễn giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm thi hành án.

Quyết định của Thẩm phán phải có các nội dung chính sau:

  1. a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  2. b) Tên Toà án ra quyết định;
  3. c) Họ, tên Thẩm phán và đại diện các cơ quan tham gia phiên họp;
  4. d) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi đang chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án (nếu có) và khoản nộp ngân sách Nhà nước phải thi hành;

đ) Nhận định của Toà án và những căn cứ để chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện kiểm sát hoặc Cơ quan thi hành án;

  1. e) Quyết định của Toà án cho miễn thi hành án khoản nộp ngân sách nhà nước, số tiền được miễn; quyết định cho giảm một phần khoản nộp ngân sách Nhà nước, số tiền được giảm, số tiền còn phải thi hành và hiệu lực thi hành sau bảy ngày kể từ ngày ký.
  2. Kháng nghị quyết định của Toà án vềmiễn, giảm thi hành án

9.1. Kháng nghị quyết định của Toà án về miễn, giảm thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật Thi hành án dân sự: 1. Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Tòa án có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. 2.Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị, Tòa án đã ra quyết định phải chuyển hồ sơ và quyết định kháng nghị lên Tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kháng nghị. Tòa án cấp trên trực tiếp phải mở phiên họp để xét kháng nghị.

Phiên họp xét kháng nghị do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm tham dự. Thẩm phán chủ trì phiên họp ra quyết định giải quyết kháng nghị. Quyết định của Tòa án về giải quyết kháng nghị việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án có hiệu lực thi hành. 4. Trường hợp viện kiểm sát rút quyết định kháng nghị trước hoặc trong phiên họp xét kháng nghị thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét kháng nghị. Quyết định xét giảm, miễn thi hành án bị kháng nghị có hiệu lực thi hành. 5. Trường hợp sau khi quyết định cho miễn, giảm thi hành án có hiệu lực mà phát hiện người phải thi hành án có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản để xin miễn, giảm, trốn tránh thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát đã đề nghị xét miễn, giảm có trách nhiệm đề nghị chánh án Tòa án, viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự xem xét việc kháng nghị quyết định miễn, giảm thi hành án theo thủ tục tái thẩm.

Thẩm phán chủ trì phiên họp xét kháng nghị miễn, giảm thi hành án có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm phiên họp xét kháng nghị tới đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp Toà án yêu cầu đại diện cơ quan thi hành án dân sự đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tham dự.

9.2. Quyết định giải quyết kháng nghị của Thẩm phán phải có các nội dung chính sau:

  1. a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  2. b) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi đang chấp hành hình phạt tù (nếu có) của người phải thi hành án và khoản tiền phạt, án phí phải thi hành;
  3. c) Tên Toà án đã xét miễn, giảm và nội dung quyết định miễn, giảm bị kháng nghị;
  4. d) Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát;

đ) Nhận định của Toà án cấp phúc thẩm và các căn cứ để Toà án ra quyết định;

  1. e) Quyết định giữ nguyên, sửa đổi một phần hoặc huỷ toàn bộ quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án.
  2. Thi hành quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án

10.1. Căn cứ quyết định có hiệu lực của Toà án về việc miễn thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự đã lập hồ sơ phải ra quyết định đình chỉ thi hành phần nghĩa vụ thi hành án được miễn.

Trường hợp Toà án quyết định cho giảm một phần nghĩa vụ thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự đã lập hồ sơ phải ra quyết định đình chỉ thi hành phần nghĩa vụ thi hành án được giảm và tiếp tục thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước còn lại.

10.2. Đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước không được Toà án quyết định cho miễn, giảm, Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi hành án. Trường hợp hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm bị Toà án trả lại do thực hiện không đúng thủ tục, Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ để chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét trong kỳ xét miễn, giảm gần nhất.

  1. Xử lý vi phạm về việc xét miễn, giảm thi hành án

Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên xem xét, quyết định việc xử phạt hành chính theo quy định tại Chương VII Luật thi hành án dân sự; Viện kiểm sát xem xét việc truy cứu trách nhiệm đối với người phải thi hành án cố tình cất giấu, tẩu tán tài sản để xin miễn, giảm trốn tránh việc thi hành án.

Trong quá trình người bị kết án chấp hành án, Nhà nước không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho họ cải tạo mà còn có chính sách khuyến khích, động viên, khơi dậy tính tự giác, tích cực phấn đấu học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định thi hành án và nội quy, quy chế trại giam để họ có thể được hưởng chính sách giảm án tha tù hàng năm hoặc được miễn chấp hành hình phạt, được đặc xá nhờ đó người bị kết án sớm hoàn lương, sớm tái hòa nhập cộng đồng hoặc họ sớm ổn định cuộc sống sau khi được giảm, miễn chấp hành án phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú hoặc quản chế… và có cơ hội với tư cách một công dân lương thiện tham gia cống hiến vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là thể hiện bản chất nhân đạo và tính ưu việt của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

BÀI 10:

HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG

XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

 

Trong xu thế hiện nay, mối quan hệ giữa nước ta với các quốc gia khác trên thế giới ngày càng được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và cùng với các quốc gia khác, chúng ta đang kiếm tìm tiếng nói chung trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng tội phạm ở nước ta và trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, tình  trạng  người Việt Nam phạm tội ở trong nước bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc phạm tội ở nước ngoài bỏ trốn về Việt Nam; người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài trốn sang Việt Nam, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam bỏ trốn về nước, các băng nhóm tội phạm ở trong nước câu kết với các tổ chức tội phạm mước ngoài mua bán phụ nữ, trẻ em, các tội phạm quốc tế như khủng bố, không tặc, truyền thanh bất hợp pháp, các tội xâm phạm sự phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của các quốc gia như huỷ hoại môi trường sống, trộm cắp, phá huỷ di sản văn hoá dân tộc và nhân loại, buôn lậu, di cư bất hợp pháp, buôn bán các chất ma tuý, làm tiền giả và hàng giả, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển và tẩy rửa tiền, tội phạm về công nghệ thông tin vv.. đang có chiều hướng gia tăng ở tất cả các quốc gia, các khu vực trên thế giới cả về mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, hàng vạn người Việt Nam ra nước ngoài công tác, lao động, du lịch vv… cũng như rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư, hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch vv…

Trước tình hình đó, vấn đề đấu tranh với tội phạm do người nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia khác, cũng như các vấn đề có liên quan đến quyền tài phán thuộc lãnh thổ quốc gia khác đang là vấn đề được các quốc gia quan tâm. Cuộc đấu tranh với tội phạm này, đòi hỏi phải có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các quốc gia trong quá trình xử lý các vụ án hình sự đã xảy ra.

Về nguyên tắc, các cơ quan tiến hành tố tụng của quốc gia này chỉ có thể thực hiện các hoạt động tố tụng theo thẩm quyền (tống đạt giấy giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; thu thập chứng cứ…) trong phạm vi lãnh thổ tài phán quốc gia của nước đó. Muốn thực hiện các hoạt động tố tụng này ở nước ngoài, cơ quan tư pháp đó phải nhận được sự chấp thuận cụ thể của nước nơi các hoạt động đó sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp trên cơ sở các hiệp định, điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên hoặc trên cơ sở thực hiện nguyên tắc “Có đi có lại”.

Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự là một hoạt động trợ giúp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề đó.

  1. KHÁI NIỆM VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC HÌNH SỰ
  2. Khái niệm

Hiện nay, cũng còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Trên cơ sở phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp thuộc lĩnh vực hình sự mà Việt Nam đã tham gia ký kết tại các hiệp định quốc tế (đa phương và song phương), từ công tác thực tiễn hợp tác pháp luật về hình sự giữa nước ta với các nước trên thế giới cũng như những chế định về tương trợ tư pháp hình sự được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Luật tương trợ tư pháp năm 2007 thì nội hàm về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hiểu một cách đầy đủ toàn diện bao gồm 03 lĩnh vực, đó là tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Hiểu theo nghĩa hẹp, khái niệm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự được hiểu là việc các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia khác nhau giúp đỡ, hỗ trợ, phối với hợp nhau thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trên cơ sở điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà các bên tham gia ký kết hoặc theo nguyên tắc có đi có lại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân các liên quan, thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Hiểu theo nghĩa rộng, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự còn bao gồm hoạt động trợ giúp cho nhau trong việc đảm bảo được hưởng quy chế bảo hộ pháp lý công bằng, giải quyết xung đột pháp luật và xung đột quyền tài phán, trao đổi thông tin pháp luật trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

  1. Đặc điểm

Để làm rõ hơn về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, từ khái niệm nêu trên có thể rút ra một số một số đặc điểm của tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự như sau:

Thứ nhất, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự là hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nhau của của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một hoặc một số hành vi tố tụng hình sự; dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật được áp dụng hoặc điều ước quốc tế, thông thường bao gồm các hành vi tố tụng hình sự riêng biệt do các bên thỏa thuân, trợ giúp cho nhau như: tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; thu thập chứng cứ còn thiếu trong một vụ án cụ thể; dẫn độ người phạm tội ra làm chứng cho một phiên tòa vv.. chứ không phải thực hiện toàn bộ quy trình tố tụng hình sự.

Thứ hai, cơ sở pháp lý để thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự dựa trên các điều ước quốc tế  mà Việt Nam đã tham gia ký kết, pháp luật của Việt Nam và nước có liên quan quy định về tương trợ tư pháp hoặc nguyên tắc “có đi có lại” lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên  quy định trái với pháp luật Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế cụ thể đó. Áp dụng pháp luật của nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế cụ thể mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Thứ ba, Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự do mỗi quốc gia quy định tại nội luật của quốc gia đó. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ quan thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự bao gồm: Bộ Công an và các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và một số cơ quan có liên quan khác.

Thứ tư, mục đích của tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật của quốc gia này không thể thực hiện được do không thể vượt quá thẩm quyền tài phán quốc gia. Ngoài ra, hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự còn góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các các quốc gia trên thế giới.

  1. TỔNG QUAN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC HÌNH SỰ
  2. Sơ lược quy định của pháp luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự

Vấn đề hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp chỉ được hình thành từ những năm 1950 trở đi khi các nước xã hội chủ nghĩa thiết lập ngoại giao với nước ta, tuy nhiên vấn đề tương trợ tư pháp nói chung và trong lĩnh vực hình sự nói riêng chưa được đặt ra. Về pháp luật trong nước, ngoài các văn bản hướng dẫn về đường lối xét xử của Tòa án nhân dân tối cao đối với một số vụ án có yếu tố nước ngoài, nước ta chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng các vấn đề về tương trợ tư pháp.

 Đến những năm 1970, quan hệ giữa Việt Nam với các nước được mở rộng trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, nhu cầu về tương trợ tư pháp được đặt ra. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên văn bản pháp luật thời kỳ này chỉ có Thông tư số 11/TATC ngày 12/7/1974 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, trong đó có vấn đề ủy thác tư pháp nhưng còn hạn hẹp và chủ yếu là vấn đề hôn nhân. Thực tiễn giải quyết đối với các vụ án cụ thể có yêu cầu tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp nước ta giải quyết trên cơ sở pháp luật Việt Nam kết hợp với yếu tố ngoại giao.

Sau khi hòa bình, thống nhất, những năm 1980 nước ta bắt đầu ký các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước cùng chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và một số điều ước quốc tế đa phương như: hiệp định tương trợ tư pháp với Liên Xô ngày 10/12/1981, Tiệp Khắc ngày 12/10/1982 (hiện nay Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlovakia kế thừa), Cu Ba ngày 22/3/1993, Hunggari ngày 18/01/1985, Bugari ngày 03/10/1986 vv…

Ngay từ giai đoạn này, cùng với việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, xác định tương trợ tư pháp là công tác quan trọng nên Nhà nước ta có sự quan tâm, các cơ quan có thẩm quyền có liên quan đã ban hành Thông tư liên ngành số 139/TTLN ngày 12/3/1984 giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao về việc thi hành các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Các văn bản và các quy định tại các hiệp định tương trợ tư pháp nêu trên dần được pháp điển hóa và đến Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, lần đầu tiên đã dành riêng Phần thứ tám gồm 02 chương (chương XXXVI và XXXVII) quy định về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự bao gồm các quy định về các nguyên tắc hợp tác, thực hiện uỷ thác tư pháp, dẫn độ và chuyển giao hồ sơ, tài liệu và vật chứng của vụ án, thể hiện ở các điều luật: Điều 340, 341, 342, 343, 344, 345 và Điều 346.

Tuy nhiên, có thể nói các quy định tương trợ tư pháp về hình sự trong Thông tư 139/TTLN và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không nhiều, mới chỉ mang tính nguyên tắc, mà chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các yêu cầu về tương trợ tư pháp; chưa có quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong xử lý, giải quyết những vấn đề thuộc các lĩnh vực về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, đặc biệt chưa có các quy định về phần tương trợ tư pháp liên quan đến chuyển giao người bị kết án tù giữa Việt Nam và các nước cho nên trong thời gian qua, việc thực hiện một số hoạt động tương trợ tư pháp đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp từ Việt Nam gửi ra nước ngoài cũng như từ nước ngoài gửi đến các cơ quan trong nước rất chậm được giải quyết do phải đi qua nhiều khâu, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể. Việc dịch hồ sơ uỷ thác cũng gặp không ít khó khăn do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm dịch thuật và kinh phí.

Mặt khác, hệ thống các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Việt Nam đang xem xét tham gia liên quan đến tương trợ tư pháp thường khá phức tạp, lại dựa trên các thông lệ quốc tế hoặc các Hiệp định, Luật mẫu của Liên hợp quốc. Do đó việc dẫn chiếu để áp dụng pháp luật trong nước giải quyết các vấn đề cụ thể gặp nhiều khó khăn.Thực tiễn giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp như ủy thác tư pháp về hình sự, các yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù chủ yếu dựa trên các Hiệp định về tương trợ tư pháp song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Tuy nhiên, số lượng Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với các nước hiện nay còn rất hạn chế. Thủ tục giải quyết các yêu cầu về tương trợ tư pháp đối với các nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam được thực hiện trên cơ sở các quy định trong Hiệp định, tuy nhiên, để tiến hành đàm phán, ký kết với từng nước là cả một quá trình mất rất nhiều thời gian và tài chính, mặt khác nhiều nước chưa muốn ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ngày càng đòi hỏi pháp luật phải có những điều chỉnh phù hợp, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp, ngày 21/12/2007 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI đã thông qua Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008 gồm 7 chương với 72 điều, trong đó các quy định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự được quy định trên cơ sở kế thừa những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, đồng thời có bổ sung, phát triển, quy định trên cả 03 lĩnh vực là tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (Bộ luật tố tụng hình sự chưa có chế định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù).

Sự ra đời của Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Nghị định số 92/2008/NP ngày 22/8/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tương trợ tư pháp đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới và khu vực, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực hợp tác hình sự nói riêng, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Triển khai hướng dẫn thi hành luật tương trợ tư pháp nói chung và trong lĩnh vực hình sự nói riêng, các bộ ngành có liên quan đã ban hành được một số văn bản hướng dẫn về tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự; về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác tương trợ tư pháp, cụ thể:

– Thông tư số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22 tháng 02 năm 2013 về hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù.

– Thông tư số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16 tháng 08 năm 2013 hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Thông tư số 44/2012/BTC ngày 04/9/2012 quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác tương trợ tư pháp.

   Trên bình diện pháp lý, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng, nâng cao hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

  1. Một số nội dung cơ bản của Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự

Luật tương trợ tư pháp gồm 7 chương với 72 điều và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, trong lĩnh vực hình sự gồm các nội dung cụ thể như sau:

  1. Về phạm vi điều chỉnh,Điều 1 Luật tương trợ tư pháp quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp.

   b.Về đối tượng áp dụng của Luật, Điều 2 quy định đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp với Việt Nam.

  1. Nguyên tắc tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự

Với tính chất là một bộ phận của chính sách đối ngoại, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự luôn tuân thủ các nguyên tắc quan hệ quốc tế mang tính chất chung của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế theo khuôn khổ Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữu các quốc gia.

Ở Việt Nam, cụ thể hóa các nguyên tắc trên, thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại vì hòa bình, hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa, Đảng ta khẳng định “Mở rộng quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ… theo nguyên tắc tôn trọng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bình đẳng và cùng có lợi”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, các nguyên tắc này đã được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại Điều 340 “Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự”.

Luật tương trợ tư pháp năm 2007 ra đời, tiếp tục kế thừa toàn bộ nội dung các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự, quy định tại Điều 4 Luật tương trợ tư pháp, bao gồm:

– Nguyên tắc tôn trọng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc của nhau;

– Nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi;

– Nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam.

  1. Xác định ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự

Điều 5 Luật tương trợ tư pháp quy định ngôn ngữ sử dụng để lập hồ sơ trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự được xác định như sau:

– Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp là ngôn ngữ được quy định trong điều ước quốc tế đó.

– Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hồ sơ phải kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ của nước được yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác mà nước được yêu cầu chấp nhận.

Với việc quy định cả ba lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn pháp luật Việt Nam và các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam tham gia ký kết. Về từng lĩnh vực cụ thể, Luật tương trợ tư pháp đã quy định về trình tự, thủ tục thực hiện theo từng chương riêng như: Tương trợ tư pháp về hình sự tại Chương III; dẫn độ tại Chương IV; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Chương V.

Về tương trợ tư pháp về hình sự, chương này quy định về phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; hồ sơ uỷ thác tư pháp về hình sự; văn bản uỷ thác tư pháp về hình sự; yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự; từ chối hoặc hoãn thực hiện uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài; thủ tục uỷ thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài; thủ tục tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp về hình sự của nước ngoài; tống đạt giấy triệu tập người làm chứng, người giám định; dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù để cung cấp chứng cứ; cung cấp thông tin; việc sử dụng thông tin, chứng cứ trong tương trợ tư pháp về hình sự; yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự, giao nộp hồ sơ, vật chứng của vụ án cho nước ngoài; xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam; thực hiện uỷ thác tư pháp của nước ngoài về điều tra đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam; chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.

Điều 17 của Luật tương trợ tư pháp quy định về phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự bao gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; truy cứu trách nhiệm hình sự; trao đổi thông tin; các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự. Thông qua hoạt động ủy thác tư pháp về hình sự, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ có đầy đủ chứng cứ, tài liệu cũng như thông tin đầy đủ hơn khi giải quyết một vụ án hình sự mà phạm vi thẩm quyền tài phán vượt khỏi quốc gia Việt Nam.

Tương trợ tư pháp về hình sự thuộc phạm vi điều chỉnh của công pháp quốc tế cho nên luật quy định nguyên tắc duy nhất là chi phí việc thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nguyên tắc này đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với các nước cũng như thông lệ quốc tế.

   Về hồ sơ, văn bản ủy thác tư pháp về hình sự, trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự được quy định cụ thể tại các Điều 18, 19, 20, 22, 23, 24, 25, 26, 28, 29 và Điều 30 của Luật tương trợ tư pháp.

Ngoài ra Luật cũng quy định một số trường hợp từ chối yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp tại Điều 21 nếu các yêu cầu đó không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam; yêu cầu đó gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia; liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án, được tuyên không có tội hoặc được đại xá, đặc xá tại Việt Nam; liên quan đến hành vi phạm tội đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam; liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.  Ủy thác tư pháp về hình sự có thể bị hoãn thực hiện tại Việt Nam nếu việc thực hiện ủy thác tư pháp cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tại Việt Nam.

   Về vấn đề dẫn độ, chương này quy định các vấn đề về dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án; trường hợp bị dẫn độ; không truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ cho nước thứ ba; từ chối dẫn độ cho nước ngoài; hồ sơ yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo; tiếp nhận yêu cầu dẫn độ; xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người; quyết định dẫn độ; các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ; thi hành quyết định dẫn độ; áp giải người bị dẫn độ; hoãn thi hành quyết định dẫn độ và dẫn độ tạm thời; dẫn độ lại; chuyển giao đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án; quá cảnh; chi phí về dẫn độ.

Điều 32 Luật tương trợ tư pháp quy định Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án. Như vậy, dẫn độ là nhằm đảm bảo quốc gia yêu cầu dẫn độ thực hiện quyền tài phán của mình đối với người có hành vi phạm tội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hình sự của nước yêu cầu. Luật cũng chỉ rõ các trường hợp bị dẫn độ quy định tại Điều 33 như: Người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng. Các hành vi phạm tội nêu trên không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước yêu cầu. Đối với trường hợp hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội. Việc Luật tương trợ tư pháp quy định về thời hạn phạt tù từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất là sáu tháng là hoàn toàn phù hợp với Luật mẫu về dẫn độ của Liên hợp quốc cũng như thông lệ quốc tế.

   Về vấn đề chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, chương này quy định về các vấn đề như: Căn cứ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; từ chối chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và tài liệu kèm theo; tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho người nước ngoài; thẩm quyền quyết định tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; tiếp tục chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam; áp giải người bị chuyển giao; chi phí về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Điều 49 Luật Tương trợ tư pháp quy định: Người đang chấp hành hình phạt tù có thể được chuyển giao đến nước mà người đó mang quốc tịch hoặc đến nước khác đồng ý tiếp nhận chuyển giao để tiếp tục chấp hành hình phạt tù mà nước chuyển giao đã tuyên với người đó. Việc chuyển giao được thực hiện căn cứ vào điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế liên quan đến việc chuyển giao thì việc chuyển giao được thực hiện theo thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước liên quan trên cơ sở quy định của Luật tương trợ tư pháp và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Thực hiện chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù về bản chất nhằm thực hiện mục đích nhân đạo, do vậy, Luật cũng quy định một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù phải có sự đồng ý của ba bên gồm: sự đồng ý của nước chuyển giao, sự đồng ý của nước tiếp nhận và đặc biệt là phải có sự đồng ý của người được chuyển giao (Điều 50). Luật tương trợ tư pháp cũng đưa ra một số ngoại lệ về từ chối chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam khi có căn cứ cho rằng người bị chuyển giao có thể bị tra tấn, trả thù hoặc truy bức tại nước tiếp nhận chuyển giao hoặc việc chuyển giao có thể gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam. Việc quy định này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và hành hạ năm 1984 mà Việt Nam đang xem xét để gia nhập.

III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN VỀ HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC HÌNH SỰ

  1. Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự

1.1. Chức năng, nhiệm vụ tương trợ tư pháp hình sự

Luật tương trợ tư pháp ra đời và có hiệu lực có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động tương trợ tư pháp của các cơ quan nhà nước Việt Nam trên cả 03 lĩnh vực về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; đồng thời cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan trong thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của Tòa án nhân dân, xác định cụ thể thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong thực hoạt động hiện tương trợ tư pháp; xem xét, quyết định các vụ việc về dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Đồng thời cũng xác định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động tương trợ tư pháp;

Điều 68 Luật tương trợ tư pháp quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

– Thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định của Luật này.

– Xem xét, quyết định dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù hoặc từ chối dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của Luật này.

– Tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp khác theo thẩm quyền.

– Báo cáo kết quả thực hiện tương trợ tư pháp cho Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 63 Luật tương trợ tư pháp xác định Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm:

– Hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tương trợ tư pháp.

– Xem xét, quyết định các vụ việc về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo thẩm quyền.

– Định kỳ sáu tháng và hằng năm thông báo với Bộ Tư pháp tình hình thực hiện tương trợ tư pháp thuộc thẩm quyền.

Trách nhiệm, thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao cũng được quy định cụ thể hóa tại Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 về hướng dẫn chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và một số cơ quan hữu quan khác trong một số hoạt động như: xây dựng pháp luật trong nước và hoạt động đàm phán, ký kết thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp; tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật trong nước, điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tương trợ tư pháp cho các cán bộ thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp vv…

2.2. Công tác phối hợp thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự

– Công tác phối hợp đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp: Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan chủ trì tiến hành xây dựng, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp. Đến năm 2012, đã tham gia 05 đoàn đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; 08 đoàn đàm phán, ký kết hiệp định về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

– Công tác phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp: Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Luật tương trợ tư pháp về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và chuyển giao tài liệu, chứng cứ để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội hình sự. Trong năm 2013 Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia phối hợp ký ban hành 02 văn bản hướng dẫn về hai lĩnh vực gồm:

Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 “Hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành hình phạt tù”.

Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16/8/2013 “Hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự”.

 Ngoài ra, còn phối hợp với Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng các Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của Luật tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.

            – Về thực hiện công tác sơ kết, tổng kết trong hoạt động quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp: Tòa án nhân dân tối cao cũng phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành sơ kết 03 năm thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007; xây dựng Báo cáo công tác tương trợ tư pháp của Chính phủ trình Quốc Hội tại Kỳ họp Thứ tư Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2012).

– Công tác tổ chức nhân sự: Tại Tòa án nhân dân tối cao Viện khoa học xét xử được giao là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động về xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật tương trợ tư pháp trong nước; tham gia đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ và tham gia các hoạt động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Năm 2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập Phòng nghiên cứu pháp luật quốc tế trực thuộc Viện khoa học xét xử. Phòng  được giao nhiệm vụ chuẩn bị các dự thảo văn bản của Tòa án nhân dân tối cao về hoạt động tương trợ tư pháp; đề xuất và tham gia các hoạt động phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và tham gia một số đoàn đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.

            Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay vẫn chưa được phép thành lập Phòng chuyên trách để thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp, mà chủ vẫn được giao cho cán bộ Tòa án thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm.

  1. Thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Tòa án nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Từ trước đến nay, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phát sinh chưa đáng kể yêu cầu cũng như được yêu cầu thực hiện việc ủy thác tư pháp về hình sự; xem xét, quyết định dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Thực tiễn, trong giai đoạn hiện nay hoạt động tương trợ tư pháp của các Tòa án nhân dân chủ yếu chỉ phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

Đối với hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự chủ yếu do Bộ Công an và các cơ quan điều tra là cơ quan trực tiếp thực hiện phần lớn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự;

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao về kết quả thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của ngành Tòa án nhân dân thực hiện từ năm 2008 kể từ khi Luật tương trợ tư pháp có hiệu lực đến hết tháng 7/2013 (Công văn số 113/TANDTC – HTQT ngày 18/7/2011 và Thông báo số 202/TANDTC-KHXX ngày 18/9/2013 của Tòa án nhân dân tối cao) thì hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại các Tòa án nhân dân chưa phát sinh hoặc phát sinh không đáng kể. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự không có bất kỳ Tòa án cấp tỉnh nào trong số 63 tỉnh, thành có yêu cầu ủy thác tư pháp về hình sự ra nước ngoài; đồng thời các Tòa án này cũng không nhận được yêu cầu nào về dẫn độ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ.

Riêng vấn đề chuyển giao, tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù thì chỉ có 03 Tòa án cấp tỉnh thụ lý giải quyết, cụ thể:

– 01 trường hợp do Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam thụ lý giải quyết yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị quyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam về nước yêu cầu;

– 01 trường hợp do Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La thụ lý giải quyết yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là công dân Việt nam đang chấp hành hình phạt tù tại Cộng hòa nhân dân Lào về Việt Nam để tiếp tục thi hành án.

– 01 trường hợp Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng ra quyết định tiếp nhận 04 người bị kết án tù tại Vương quốc Anh về Việt Nam tiếp tục chấp hành hình phạt tù theo quy định của hiệp định giữa nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai – len về chuyển giao người bị kết án phạt tù.

  1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân và trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự

Tùy từng lĩnh vực mà Luật tương trợ tư pháp quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án nhân dân cho từng lĩnh vực: tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình hình phạt tù.

2.1. Tương trợ tư pháp về hình sự

Luật tương trợ tư pháp quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự. Khoản 1 Điều 68 quy định: Tòa án nhân dân cấp tỉnh “Thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định của Luật này”.

Tương trợ tư pháp về hình sự được hiểu là hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nước ta với các cơ quan tương ứng của nước ngoài nhằm thực hiện yêu cầu trong giải quyết vụ án hình sự.

Tương trợ tư pháp về hình sự được thực hiện dưới hình thức “ủy thác tư pháp” về hình sự.

  1. Các vụ án hình sự cần thực hiện ủy thác tư pháp(ủy thác tư pháp ra)

Như trên đã nêu, trong giai đoạn hiện nay hoạt động ủy thác tư pháp của các Tòa án nhân dân chủ yếu chỉ phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, các Tòa án nhân dân chưa phát sinh yêu cầu cũng như được yêu cầu thực hiện việc ủy thác tư pháp về hình sự;

Khi phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử thì các Tòa án có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp theo quy định tại Điều 20 Luật tương trợ tư pháp như sau:

Cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:

– Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang cư trú ở nước được yêu cầu;

– Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;

– Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam;

– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đang ở nước mà người đó mang quốc tịch;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Khi thực hiện ủy thác tư pháp, Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tương trợ tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Trường hợp có mâu thuẫn giữa quy định của điều ước quốc tế có liên quan với quy định của pháp luật trong nước thì thực hiện theo quy định của định của điều ước quốc tế đó.

  1. Trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự

Theo quy định tại Điều 22 Luật tương trợ tư pháp thì cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam khi có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 18 và gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lại cho cơ quan đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự.

Hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự phải có các văn bản theo đúng quy định tại khoản 1 Điều Điều 18 Luật tương trợ tư pháp, bao gồm:

– Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự;

– Văn bản ủy thác tư pháp về hình sự quy định tại Điều 19 của Luật này.

Hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự được lập thành ba bộ theo quy định của Luật này và phù hợp với pháp luật của nước được yêu cầu.

Văn bản ủy thác tư pháp về hình sự phải có các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật tương trợ tư pháp, bao gồm:

– Ngày, tháng, năm và địa điểm lập văn bản;

– Tên, địa chỉ cơ quan ủy thác tư pháp;

– Tên, địa chỉ hoặc văn phòng chính của cơ quan được ủy thác tư pháp;

– Họ, tên, địa chỉ nơi thường trú hoặc nơi làm việc của cá nhân; tên đầy đủ, địa chỉ hoặc văn phòng chính của cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp về hình sự;

– Nội dung công việc được ủy thác tư pháp về hình sự phải nêu rõ mục đích ủy thác; tóm tắt nội dung vụ án, các tình tiết liên quan, trích dẫn điều luật và hình phạt có thể được áp dụng; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; thời hạn thực hiện ủy thác.

Ngoài những nội dung nêu trên, khoản 2 Điều 19 quy định tuỳ từng trường hợp cụ thể, theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài, văn bản ủy thác tư pháp về hình sự có thể có các nội dung sau đây:

– Đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi ở của đối tượng trong vụ án hình sự hoặc những người có thông tin liên quan đến vụ án đó;

– Vấn đề cần thẩm vấn, câu hỏi đặt ra, tài liệu, hồ sơ hoặc vật chứng được đưa ra và nếu có thể thì mô tả đặc điểm, hình dạng người được yêu cầu xuất trình tài liệu, hồ sơ, vật chứng đối với ủy thác thu thập chứng cứ;

– Nội dung công việc, câu hỏi, yêu cầu đối với người làm chứng, người giám định được triệu tập;

– Mô tả về tài sản và nơi có tài sản cần tìm; căn cứ để xác định tài sản do phạm tội mà có đang có tại nước yêu cầu và có thể thuộc quyền tài phán của nước yêu cầu; việc thực hiện bản án, quyết định của Tòa án đối với ủy thác về khám xét, thu giữ hoặc truy tìm, tịch thu tài sản do phạm tội mà có;

– Biện pháp cần áp dụng đối với ủy thác tư pháp về hình sự có thể dẫn đến việc phát hiện hoặc thu hồi tài sản do phạm tội mà có;

– Yêu cầu hoặc thủ tục của nước yêu cầu để bảo đảm thực hiện có hiệu quả ủy thác tư pháp, cách thức hoặc hình thức cung cấp thông tin, chứng cứ, tài liệu, đồ vật;

– Yêu cầu về bảo mật ủy thác tư pháp;

– Mục đích, dự định thời gian và lịch trình chuyến đi trong trường hợp người có thẩm quyền của nước yêu cầu cần phải đến lãnh thổ của nước được yêu cầu vì mục đích liên quan đến ủy thác tư pháp;

– Bản án, quyết định hình sự của Tòa án và tài liệu, chứng cứ hoặc thông tin khác cần thiết cho việc thực hiện ủy thác tư pháp.

Trường hợp thông tin nêu trong văn bản ủy thác tư pháp về hình sự không đủ để thực hiện ủy thác thì cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu còn có thể đề nghị bằng văn bản với nước yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung và ấn định thời hạn cụ thể trả lời kết quả bổ sung.

Như vậy, trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy trình sau:

– Trường hợp có điều ước quốc tế tương trợ tư pháp về hình sự:

Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam –  Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam –   Cơ quan trung ương của nước được yêu cầu theo quy định của hiệp định (điều ước quốc tế)     Cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu thực hiện

– Trường hợp không có điều ước quốc tế tương trợ tư pháp về hình sự:

Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam    Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam      Bộ Ngoại giao Việt Nam        Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài      Bộ Ngoại giao nước được yêu cầu     Cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu thực hiện.

Nhìn chung, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành được văn bản hướng phần tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền có liên quan, vì vậy thực tiễn công tác ủy thác tư pháp về hình sự thời gian qua có những vướng mắc, các yêu cầu gửi ra nước ngoài cũng như từ nước ngoài gửi đến các cơ quan trong nước rất chậm và phải đi qua nhiều khâu, chưa có cơ chế phối hợp.

2.2. Dẫn độ

Luật tương trợ tư pháp quy định giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù thực hiện xem xét, quyết định dẫn độ.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp thì: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

– Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Mục đích của việc dẫn độ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó

  1. Các trường hợp dẫn độ

Điều 33 Luật tương trợ tư pháp quy định cụ thể các trường hợp bị dẫn độ, như sau:

– Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

– Hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

– Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Như vậy, điều kiện để một người bị dẫn độ phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

+ Có hành vi phạm tội được Bộ luật hình sự Việt Nam quy định và pháp luật hình sự của nước yêu cầu.

+ Loại tội được quy định tại Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu phải có thời hạn của hình phạt từ 01 năm tù trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

Luật cũng quy định việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ cho nước thứ ba (Điều 34) và các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam từ chối yêu cầu dẫn độ (Điều 35).

  1. Trình tự, thủ tục xem xét quyết định dẫn độ của Tòa án nhân dân

   Bộ Công an là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận yêu cầu về dẫn độ.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo, Bộ Công an vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra hồ sơ theo quy định tại Điều 36 của Luật này. Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ cung cấp thông tin bổ sung hồ sơ. Sau sáu mươi ngày, kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước yêu cầu dẫn độ và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hai bộ hồ sơ để xem xét, quyết định.

Trong trường hợp Bộ Công an nhận được văn bản của hai hoặc nhiều nước yêu cầu dẫn độ một người về cùng một tội phạm hoặc nhiều tội phạm khác nhau thì Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các nước yêu cầu và chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định dẫn độ. Khi xem xét yêu cầu dẫn độ trong trường hợp này, ngoài các quy định của pháp luật, còn phải xem xét các yếu tố liên quan sau đây: Quốc tịch hữu hiệu và nơi thường trú cuối cùng của người bị yêu cầu dẫn độ; Tính hợp pháp và mức độ phù hợp của yêu cầu dẫn độ; Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm; Lợi ích riêng của các nước yêu cầu; Mức độ nghiêm trọng của tội phạm; Quốc tịch của người bị hại; Khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các nước yêu cầu dẫn độ; Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ; Các yếu tố khác có liên quan.

Thụ lý và xem xét yêu cầu dẫn độ: Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ do Bộ Công an chuyển đến, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong thời hạn chuẩn bị xem xét yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài làm rõ những điểm chưa rõ trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ.

Lưu ý: Tòa án nhân dân cấp tỉnh không được giao thẩm quyền trực tiếp gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để yêu cầu làm rõ những điểm chưa rõ trong hồ sơ, mà phải gửi thông qua Bộ Công an.

Ra quyết định: Trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày thụ lý, tuỳ từng trường hợp mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau đây:

– Xem xét yêu cầu dẫn độ khi có đủ các điều kiện theo quy định của Luật này;

– Đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ và trả hồ sơ cho Bộ Công an trong trường hợp không thuộc thẩm quyền hoặc bên nước ngoài rút yêu cầu dẫn độ hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đã rời khỏi Việt Nam hoặc vì lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được.

Trường hợp Tòa án ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ thì Tòa án xem xét trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Việc xem xét yêu cầu dẫn độ được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng gồm ba thẩm phán trong đó có một thẩm phán làm chủ tọa và có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Hội đồng xem xét yêu cầu dẫn độ làm việc theo trình tự sau đây:

– Một thành viên của Hội đồng trình bày nội dung hồ sơ của nước yêu cầu dẫn độ và nêu ý kiến về cơ sở pháp lý của việc dẫn độ;

– Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc dẫn độ;

– Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người bị yêu cầu dẫn độ trình bày ý kiến, nếu có;

– Người bị yêu cầu dẫn độ trình bày ý kiến;

– Căn cứ vào các quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ.

Chậm nhất là mười ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho người bị yêu cầu dẫn độ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh Người bị yêu cầu dẫn độ có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

   Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Trình tự xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 40.

Quyết định dẫn độ có hiệu lực pháp luật bao gồm:

– Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị;

– Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

Thi hành quyết định dẫn độ; dẫn độ lại

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày quyết định của Tòa án nhân dân về dẫn độ có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ. Quyết định thi hành quyết định dẫn độ phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an, nước yêu cầu dẫn độ và người bị dẫn độ để thi hành.

Trường hợp người đã bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt ở nước ngoài và quay trở lại Việt Nam thì nước yêu cầu dẫn độ có thể đưa ra yêu cầu dẫn độ lại người đó kèm theo các tài liệu quy định tại Điều 36 và Điều 37; trong trường hợp này, Tòa án nhân dân cấp tỉnh không tiến hành lại thủ tục quyết định dẫn độ theo quy định tại Điều 40 của Luật này; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã quyết định dẫn độ trước đây quyết định dẫn độ lại đối với người đó. Việc áp giải người bị dẫn độ lại được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật này.

2.3. Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

Luật tương trợ tư pháp đã giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của người đang chấp hành hình phạt tù ở nước chuyên giao hoặc nơi người nước ngoài đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam (khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2013/BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù).

Theo quy định của Luật tương trợ tư pháp thì Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được hiểu là việc một quốc gia thực hiện chuyển giao người nước ngoài phạm tội đã bị Toà án của quốc gia đó kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật về nước mà người bị kết án là công dân hoặc một nước khác đồng ý tiếp nhận để tiếp tục thi hành bản án để tiếp tục thi hành án.

Thông thường, mục đích của việc chuyển giao xuất phát từ yếu tố nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án được chấp hành hình phạt tù tại nước mà người đó là công dân với sự thuận lợi về tập quán, văn hóa, ngôn ngữ… Các vấn đề về vật chất và tinh thần như môi trường xã hội, điều kiện sống, điều kiện thăm nom, động viên của người thân và bạn bè,… làm cho họ tích cực cải tạo, sửa chữa sai lầm.

Cần phân biệt giữa chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với trường hợp dẫn độ. Việc chuyển giao người chấp hành hình phạt tù chủ yếu xuất phát từ mục đích nhân đạo và điều kiện bắt buộc phải có sự nhất trí của cả ba bên là người đang chấp hành hình phạt tù, nước có yêu cầu và nước tiếp nhận; còn dẫn độ thể hiện chủ quyền quốc gia và không đặt ra yêu cầu phải có sự đồng ý của người đang chấp hành hình phạt tù.

Cơ sở pháp lý của việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi có yêu cầu của người đang chấp hành hình phạt tù hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận.

Trường hợp chưa có điều ước quốc tế liên quan đến việc chuyển giao thì việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo thoả thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước liên quan trên cơ sở quy định của Luật tương trợ tư pháp và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế (theo nguyên tắc có đi có lại). Trình tự, thủ tục thực hiện nguyên tắc có đi có lại theo đúng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2013/BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013.

  1. Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

Điều 50 Luật Tương trợ tư pháp và Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2013/BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù đã quy định cụ thể về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao theo hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhấtNgười đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận về Việt Nam để tiếp tục thi hành hình phạt tù khi có đủ các điều kiện sau:

– Là công dân Việt Nam;

– Có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam;

– Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Vào thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là 01 (một) năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này còn ít nhất là 06 (sáu) tháng;

– Bản án đối với người được đề nghị chuyển giao về Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao;

– Nước chuyển giao và người bị kết án đều đồng ý với việc chuyển giao. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó;

– Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam có quyết định đồng ý tiếp nhận đã có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp thứ hai: Người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam có thể chuyển giao cho nước ngoài để thi hành hình phạt tù  khi có đủ các điều kiện sau đây:

 – Là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao;

– Có đủ các điều kiện quy định tại các điểm c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp và đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án;

– Có sự đồng ý của nước tiếp nhận chuyển giao.

  1. Trình tự, thủ tục xem xét quyết định tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhân dân

b1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận

Trình tự, thủ tục tiếp nhận công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài về Việt Nam phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 54, 55 Luật tương trợ tư pháp và Điều 9 tư liên tịch số 01/2013/BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 như sau:

Công dân Việt Nam phạm tội và bị kết án phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn tại nước ngoài có nguyện vọng được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại thì có thể làm đơn (hoặc thông qua người đại diện hợp pháp) trình bày nguyện vọng đó với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được đơn xin được chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù, Cơ quan đại diện Việt Nam chuyển đơn, hồ sơ cho Bộ Công an để vào sổ hồ sơ.

Hồ sơ được lập theo đúng quy định tại Điều 52, 53 Luật tương trợ tư pháp

Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an vào sổ hồ sơ và kiểm tra hồ sơ theo quy định tại các điều 52 và 53 Luật tương trợ tư pháp. Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao cung cấp thông tin bổ sung vào hồ sơ. Sau 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước chuyển giao và nêu rõ lý do, đồng thời gửi cho người đang chấp hành án phạt tù có yêu cầu tiếp nhận về Việt Nam (hoặc người đại diện hợp pháp của người đó) biết. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền 02 (hai) bộ hồ sơ để xem xét, quyết định có tiếp nhận chuyển giao về Việt Nam hay không.

Thụ lý và xem xét

Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu tiếp nhận do Bộ Công an chuyển đến, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người được đề nghị chuyển giao về Việt Nam có nơi cứ trú cuối cùng phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong thời hạn chuẩn bị xem xét yêu cầu tiếp nhận, Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài làm rõ những điểm chưa rõ trong hồ sơ yêu cầu tiếp nhận. Văn bản yêu cầu và văn bản trả lời được gửi thông qua Bộ Công an.

Được coi là đủ hồ sơ khi có đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định tại Điều 52 và 53 Luật tương trợ tư pháp.

Ra quyết định

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau:

– Xem xét yêu cầu tiếp nhận khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 50 Luật tuơng trợ tư pháp và Điều 6 liên tịch số 01/2013/BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013;

– Đình chỉ việc xem xét yêu cầu tiếp nhận và trả hồ sơ cho Bộ Công an trong trường hợp không thuộc thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc người yêu cầu rút yêu cầu chuyển giao hoặc vì các lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu tiếp nhận, Tòa án có thẩm quyền xem xét yêu cầu tiếp nhận và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Việc xem xét yêu cầu tiếp nhận đuợc tiến hành tại phiên họp do Hội đồng gồm 03 (ba) thẩm phán trong đó có 01 (một) thẩm phán làm chủ tọa và có sự tham gia của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Hội đồng xem xét yêu cầu tiếp nhận làm việc theo trình tự quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật tương trợ tư pháp.

Chậm nhất là 10 (mười) ngày, kể từ ngày ra quyết định tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để xem xét việc có kháng nghị hay không; đồng thời gửi cho Bộ Công an để thông báo cho phía nước ngoài biết.

Thi hành quyết định

Trường hợp quyết định đồng ý tiếp nhận, trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tiếp nhận có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã ra quyết định sơ thẩm ra các quyết định sau đây:

– Quyết định thi hành quyết định tiếp nhận;

– Quyết định tiếp tục thi hành án phạt tù tại Việt Nam;

– Quyết định chuyển đổi hình phạt theo quy định tại Điều 19 Thông tư Thông tư số 01/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 trong trường hợp tính chất và thời hạn của hình phạt nước chuyển giao đã tuyên không tương thích với quy định của pháp luật Việt Nam.

Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

 Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu tiếp nhận và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận. Trình tự xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như trình tự sơ thẩm theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật tương trợ tư pháp.

b2. Chuyển giao người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù trên lãnh thổ Việt Nam ra nước ngoài

Nhằm đảm bảo quyền được yêu cầu chuyển giao của người nước ngoài đang chấp hành hình phạt tù trên lãnh thổ Việt Nam, Điều 12 Thông tư số 01/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 đã quy định trách nhiệm cụ thể của Tòa án nhân dân khi tuyên án và của Bộ Công an trong công tác quản lý các cơ sở giam giữ về việc thông báo cho cho bị cáo, người đang chấp hành hình phạt tù là các đối tượng là người nước ngoài biết về quyền được yêu cầu chuyển giao như sau:

Khi tuyên bản án và hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có trách nhiệm thông báo cho bị cáo là các đối tượng nêu tại điểm a Khoản 2 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp biết về quyền được yêu cầu chuyển giao.

Hàng năm, Bộ Công an thực hiện việc thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù là người nước ngoài đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý biết về quyền được yêu cầu chuyển giao.

Hồ sơ yêu cầu chuyển giao và tài liệu kèm theo được quy định tại các điều 52 và 53 của Luật tương trợ tư pháp và các quy định trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam và phía nước ngoài là thành viên.

Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định chuyển giao, từ chối chuyển giao cho phía nước ngoài thực hiện theo quy định tại các điều 50, 51 và 55 Luật tương trợ tư pháp và các quy định khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên và quy định tại Thông tư số 01/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013.

  1. Một số hạn chế và tồn tại

– Thời gian thực hiện các ủy thác tư pháp trong cả 03 lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người chấp hành hình phạt tù còn dài (nhiều trường hợp kéo dài hàng năm) không đáp ứng yêu cầu về thời gian xét xử trong nước, làm ảnh hưởng đến quá trình tố tụng. Kết quả ủy thác tư pháp về các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự còn hạn chế đã dẫn đến các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội.

– Quy định pháp luật hiện hành trong nước về tương trợ tư pháp cũng vẫn còn những khoảng trống, chưa đồng bộ làm cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan còn gặp lúng túng trong quá trình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp. Pháp luật Tố tụng hình sự chưa tính hết yếu tố đặc thù của các vụ việc có yếu tố nước ngoài cần ủy thác tư pháp, nên hiện nay quy trình, thời hạn tố tụng vẫn được áp dụng chung như với các vụ việc trong nước trong khi yêu cầu tương trợ tư pháp thường làm thời gian tố tụng kéo dài hơn.

– Các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ viện dẫn chung là áp dụng các quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp trong khi đó Luật tương trợ tư pháp lại chưa có các quy định về những nội dung đặc thù cho hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực này hoặc quy định của pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp còn một số khoảng trống so với yêu cầu thực tế nên dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý, gây khó khăn cho thực tế áp dụng giải quyết các vụ việc cụ thể.

– Sự khác nhau trong quy định pháp luật của các nước về tương trợ tư pháp cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp trong cả 3 lĩnh vực (cụ thể như pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định hình phạt tử hình trong khi đó một số quốc gia không quy định hình phạt tử hình. Vì vậy, trong thực tiễn khi tiến hành tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.

– Các Tòa án nhân dân phát sinh chưa đáng kể yêu cầu và được yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự; xem xét quyết định dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nên hiện nay trong cơ cấu bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa Phúc thẩm chưa có  bộ phận chuyên trách để giúp Tòa án thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Công tác hỗ trợ Thẩm phán trong việc chuẩn bị tài liệu, giấy tờ cho hoạt động thực hiện  chủ yếu được giao cho Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án kiêm nhiệm thực hiện.

– Ngoài ra, kể từ khi Luật tương trợ tư pháp có hiệu lực đến nay Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn các Tòa án địa phương xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác tương trợ tư pháp nói chung và trong lĩnh vực hình sự nói riêng.

Phụ lục 1:

DANH MỤC CÁC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC HÌNH SỰ GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC

(Tính đến tháng 8/2012)

 

DANH MỤC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

Tên nước Tên điều ước Ngày ký Ngày có hiệu lực
Ấn Độ Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự 8/10/2007 11/17/2008
An-giê-ri Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự 14/4/2010 Chưa có hiệu lực
Anh
(EN – VN)
Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự 13/1/2009 30/9/2009
Ba Lan Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 22/3/1993 18/1/1995
Bê-la-rút
(RU – VN)
Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự 14/9/2000 18/10/2001
Bun-ga-ri Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 3/10/1986 Đang có hiệu lực
Cu Ba Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự 30/11/1984 Đang có hiệu lực
Hàn Quốc Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự 15/9/2003 19/4/2005
Hung ga ri Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 18/1/1985 Đang có hiệu lực
Lào Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự 6/7/1998 19/2/2000
Liên Xô (Liên bang Nga thừa kế) Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 10/12/1981 10/10/1982
Mông Cổ Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 17/4/2000 13/6/2002
Nga

(RU – VN)

Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự 25/8/1998 27/8/2012
Nga Nghị định thư bổ sung Hiệp định tương trợ tư pháp về và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự 23/4/2003 27/7/2012
Tiệp Khắc

(Séc và Xlô-va-ki-a kế thừa)

Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự 12/10/1982 16/4/1984
Triều Tiên Hiệp định về tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự và hình sự 4/5/2002 24/2/2004
Trung Quốc Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự 19/10/1998 25/12/1999
Ucraina Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự 6/4/2000 19/8/2002
ASEAN Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự 29/11/2004 20/9/2005 (chỉ có hiệu lực giữa các nước đã phê chuẩn)

DANH MỤC HIỆP ĐỊNH DẪN ĐỘ

Tên nước Tên điều ước Ngày ký Ngày có hiệu lực
An-giê-ri Hiệp định về dẫn độ 14/4/2010 Chưa có hiệu lực
Hàn Quốc
(EN – VN)
Hiệp định về dẫn độ 15/9/2003 19/4/2005

 

DANH MỤC HIỆP ĐỊNH CHUYỂN GIAO

NGƯỜI BỊ KẾT ÁN

Tên nước Tên điều ước Ngày ký Ngày có hiệu lực
Hàn Quốc
(EN – VN)
Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù 29/5/2009 30/8/2010
Ô-xtơ-rây-li-a
(EN – VN)
Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù 13/10/2008 11/12/2009
Thái Lan
(EN – VN)
Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự 3/3/2010 19/7/2010
Anh Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù 12/9/2008 20/09/2009

Nguồn: Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt nam

Phụ lục 2:

TÌNH HÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC HÌNH SỰ

Stt Tên văn bản Cơ quan chủ trì Cơ quan phối hợp Thời gian có hiệu lực
1 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tương trợ tư pháp Bộ Công an Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Năm 2008
2 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC về hướng việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành hình phạt tù Bộ Công an Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao 15/4/2013
3 Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của Luật tương trợ tư pháp về dẫn độ Bộ Công an Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Đang soạn thảo
4 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT–VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ vật chứng của các vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao 01/11/2013
5 Thông tư 144/2012/TT-BTC ngày 04/9/2012 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác tương trợ tư pháp Bộ Tài chính Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an 20/10/2012
6 Thông tư quy định về việc đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân Bộ Công an Đã hoàn thành
7 Thông tư quy định về quan hệ phối hợp trong lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù Bộ Công an Đã hoàn thành

Nguồn: Bộ Tư pháp Việt Nam

PHẦN 2: PHẦN CHUYÊN SÂU

—————

 

BÀI 11:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI

XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA          

 

  1. KHÁI QUÁT VỀ CHƯƠNG CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XÉT XỬ LOẠI TỘI NÀY

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XI – Chương đầu tiên ở phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS), gồm 14 điều, từ Điều 78 đến Điều 91 quy định về 14 tội phạm cụ thể và Điều 92 về hình phạt bổ sung cho tất cả các tội phạm trong chương này.

  1. Về cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm an ninh quốc gia
  2. a) Do tầm quan trọng của khách thể và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này gây ra thường rất lớn (nếu xảy ra) và khó xác định, nên về cấu thành tội phạm cơ bản của các tội phạm trong chương này phần lớn chỉ quy định về một dấu hiệu của mặt khách quan của tội phạm, đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tức là tội phạm đó có cấu thành hình thức.

– Các tội có cấu thành hình thức trong chương này gồm: tội Phản bội Tổ quốc, Điều 78; tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 79; tội Gián điệp, Điều 80; tội Xâm phạm an ninh lãnh thổ, Điều 81; tội Bạo loạn, Điều 82; tội Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, Điều 86; tội Phá hoại chính sách đoàn kết, Điều 87; tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Điều 88; tội Phá rối an ninh, Điều 89; tội Chống phá trại giam, Điều 90; tội Trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, Điều 91.

– Có 3 tội có cấu thành vật chất, gồm: tội Hoạt động phỉ, Điều 83; tội Khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 84; tội Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Điều 85;

  1. b)Nhiềucấu thành tội phạm không cấu trúc riêng thành cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng, cấu thành giảm nhẹ như ở nhiều cấu thành tội phạm thông thường khác trong BLHS:

– Có 8 cấu thành tội phạm không cấu trúc cấu thành tăng nặng thành một cấu thành riêng mà đồng thời vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng, đó là các tội:

* Tội Phản bội Tổ quốc, Điều 78: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Gián điệp, Điều 80: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 và khoản 3 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 84: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 và khoản 3 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Điều 85: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, Điều 86: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Phá hoại chính sách đoàn kết, Điều 87: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Phá rối an ninh, Điều 89: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 là cấu thành giảm nhẹ.

* Tội Chống phá trại giam, Điều 90: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành tăng nặng; khoản 2 là cấu thành giảm nhẹ.

– Có 2 tội có cấu thành cơ bản đồng thời là cấu thành giảm nhẹ và cấu thành tăng nặng, không cấu trúc cấu thành giảm nhẹ thành một khoản riêng:

* Tội Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam, Điều 88: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành giảm nhẹ; khoản 2 là cấu thành tăng nặng.

* Tội Trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, Điều 91: khoản 1 vừa là cấu thành cơ bản, vừa là cấu thành giảm nhẹ; khoản 2 và khoản 3 là cấu thành tăng nặng;

– Có 4 tội trong cấu thành cơ bản chỉ quy định về hành vi, không quy định chế tài, đó là các tội: tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, Điều 79; tội Xâm phạm an ninh lãnh thổ, Điều 81; tội Bạo loạn, Điều 82; tội Hoạt động phỉ, Điều 83;

  1. c)Về khách thể:

– Khách thể chung của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân; khách thể này có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội khác (xem Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb CAND năm 2004, trang 258).

– Trong từng tội phạm cụ thể, khách thể trực tiếp có những đặc tính khác nhau, nhưng vẫn thuộc nội hàm của khách thể chung.

  1. d)Về mặt chủ quan:

– Trong tất cả các cấu thành của các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ý thức của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân, mong muốn lật đổ chính quyền hoặc làm suy yếu chính quyền, đây là dấu hiệu bắt buộc.

– Động cơ của người phạm tội có thể do vụ lợi, bất mãn chế độ, bất đồng quan điểm chính trị, hận thù giai cấp… Tuy nhiên, động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của các tội này.

– Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp, không có lỗi cố ý gián tiếp.

  1. Thực tiễn xét xử loại tội phạm nàycó một số ý kiến khác nhau về việc có áp dụng hay không một số chế định làm giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình phạt đối với bị cáo; trong đó có ý kiến cho rằng khi xét xử các tội có cấu thành hình thức, nhất là với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thì không áp dụng các chế định “Chuẩn bị phạm tội”, “Phạm tội chưa đạt” hoặc “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”;

Về ý kiến này, tác giả thấy như sau:

  1. a) Chế định Chuẩn bị phạm tội:

– Điều 17 BLHS quy định:

“Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm.

Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.”

Chế định “Chuẩn bị phạm tội” liên quan đến khái niệm về “Tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng”. Theo quy định tại Điều 8 BLHS về “Khái niệm tội phạm” thì mức hình phạt cao nhất của một khung hình phạt trong một điều luật quy định về một tội phạm sẽ là căn cứ giới hạn để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội:

* Nếu người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất đến ba năm tù thì xác định họ phạm một tội “ít nghiêm trọng”;

* Nếu người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất đến bẩy năm tù thì xác định họ phạm một tội “nghiêm trọng”;

* Nếu người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất đến mười lăm năm tù thì xác định họ phạm một tội “rất nghiêm trọng”;

* Nếu người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là trên mười lăm năm tù, tù chung thân, tử hình thì xác định họ phạm một tội “đặc biệt nghiêm trọng”;

– Tất cả 14 tội xâm phạm an ninh quốc gia đều là những tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng bởi vì cấu thành cơ bản của các tội này đều quy định mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; cấu thành giảm nhẹ của nhiều tội phạm cũng có mức cao nhất của khung hình phạt từ 10, 12 đến 15 năm tù, đều là loại tội rất nghiêm trọng. Do đó, tất cả những hành vi ở giai đoạn Chuẩn bị phạm tội đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương ứng.

– Khi xét xử loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, cần nắm chắc cấu thành tội phạm của từng tội phạm cụ thể, chú ý phân tích để xác định hành vi của chủ thể thuộc giai đoạn nào trong quá trình diễn biến của tội phạm, nếu hành vi của chủ thể chỉ dừng lại ở giai đoạn Chuẩn bị phạm tội thì phải áp dụng chế định này với họ để áp dụng mức hình phạt phù hợp.

– Cần lưu ý: trong chương này có 4 tội danh có cấu thành tội phạm giảm nhẹ với khung hình phạt có mức hình phạt tù cao nhất đến 7 năm, là loại tội phạm nghiêm trọng, gồm các tội: tội khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, khoản 3 Điều 84; tội Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, khoản 2 Điều 86; tội Phá hoại chính sách đoàn kết, khoản 2 Điều 87; tội Phá rối an ninh: khoản 2 Điều 89. Nếu hành vi của người phạm tội dừng lại ở giai đoạn Chuẩn bị phạm tội thì họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt giảm nhẹ của 1 trong 4 tội này mà họ định phạm.

  1. b) Chế định Phạm tội chưa đạt:

– Điều 18 BLHS quy định:

“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những  nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”

* Khi đã xác định có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm cụ thể thì việc xem xét tội phạm đó qua từng giai đoạn thực hiện phải được tuân theo các quy định của BLHS, trong đó có các quy định về “Chuẩn bị phạm tội”, “Phạm tội chưa đạt”, “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” và các chế định khác. Về lý thuyết và theo các quy định tại Phần chung của BLHS thì không có quy định nào về vấn đề “đối với các tội phạm có cấu thành hình thức thì không áp dụng chế định Chuẩn bị phạm tội, Phạm tội chưa đạt …” Hay nói cách khác, các chế định về Chuẩn bị phạm tội, Phạm tội chưa đạt, Tự ý nửa chừng… không chỉ để áp dụng cho các tội phạm có cấu thành vật chất.

* Khi xét xử các loại tội phạm có cấu thành hình thức nói chung và các tội xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng, các Thẩm phán có xu hướng chỉ dừng lại ở nhận thức là đối với các tội này không cần phải có hậu quả xẩy ra, tội phạm cũng đã hoàn thành, xét xử các bị cáo về tội phạm đó là không oan, thế là đạt yêu cầu! Về nguyên tắc thì vẫn phải xem xét tội phạm theo từng giai đoạn thực hiện, từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn tội phạm kết thúc, có như vậy mới định tội được chính xác và lượng hình phạt được phù hợp. Trong trường hợp vụ án có nhiều người tham gia, mỗi người tham gia ở các giai đoạn khác nhau, với ý thức chủ quan khác nhau, nếu không xem xét cụ thể về hành vi khách quan, ý thức chủ quan của những người này khi họ tham gia vào vụ án ở những thời điểm khác nhau thì có thể sẽ mắc sai lầm khi xác định vụ án có đồng phạm hay không, dẫn đến làm oan hoặc bỏ lọt người phạm tội.

– Ví dụ: (giả thiết) một người có hành vi liên lạc với cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài với nội dung đề nghị được giúp đỡ để tiến hành các hoạt động nhằm làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền nhân dân ở trong nước; tuy nhiên, lời đề nghị của người này không được phía nước ngoài trả lời hoặc trả lời không chấp nhận. Trong trường hợp này cần xác định chủ thể đã thực hiện hành vi khách quan của tội Phản bội Tổ quốc quy định tại khoản 1 Điều 78 BLHS đó là “Câu kết với nước ngoài”, việc phía nước ngoài không đáp ứng yêu cầu là ngoài sự mong muốn của người này, do đó họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Phản bội Tổ quốc và thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt” theo quy định tại Điều 18 BLHS; trường hợp người này có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 78 BLHS mà thôi.

  1. c) Chế định Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:

– Điều 19 BLHS quy định:

“Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”

– “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” chỉ được xác nhận khi hành vi của chủ thể dừng lại ở giai đoạn Chuẩn bị phạm tội và Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

– Trên thực tế, hành vi Chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội ở giai đoạn Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành đối với các tội phạm có cấu thành hình thức nói chung và các tội xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng thường khó bị phát hiện, ranh giới giữa hai chế định này rất mỏng manh. Do đó, khi một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể áp dụng chế định “Chuẩn bị phạm tội”, “Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành” để truy cứu trách nhiệm hình sự với họ nhằm trừng trị, răn đe, xử lý nghiêm khắc người phạm tội hoặc có thể áp dụng chế định “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” để miễn trách nhiệm hình sự cho họ nếu trong trường hợp cần thiết phải thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng để kêu gọi, vận động, thuyết phục, giáo dục chung.

  1. d) Về tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần”:

Không như cấu thành tăng nặng của một số tội phạm khác, tình tiết “Phạm tội nhiều lần” không được sử dụng làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia; tại sao lại như vậy, cho đến nay chưa có giải thích nào hoặc kết quả nghiên cứu nào được phổ biến.

 Hầu hết các tội xâm phạm an ninh quốc gia phải có quá trình chuẩn bị công phu, mất nhiều thời gian, với nhiều hành vi riêng lẻ, hành vi trước là tiền đề cho hành vi sau, mọi hành vi đều bị chi phối bởi ý định xâm phạm an ninh quốc gia. Hành vi khách quan trong cấu thành của nhiều tội xâm phạm an ninh quốc gia thường là những hành vi diễn ra liên tục, trong thời gian dài mới có thể đạt được mục đích phạm tội; thuộc loại “Tội liên tục – Là tội phạm có hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, xâm hại cùng khách thể và đều bị chi phối bởi ý định phạm tội cụ thể thống nhất” (xem Giáo trình trên, trang 79-80); nếu tách những hành vi khách quan của các tội phạm này ra thì có thể có những hành vi chưa cấu thành tội phạm. Khác với “Phạm tội nhiều lần”, mỗi hành vi đều thỏa mãn đầy đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Do đó, cũng tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng hay không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với bị cáo theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

đ) Về tình tiết “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”; “Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định trong cấu thành của các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

– Tình tiết phạm tội “gây hậu quả nghiêm trọng”: tình tiết này được quy định trong cấu thành tăng nặng ở 4 tội danh: tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, khoản 1 Điều 79; tội Xâm phạm an ninh lãnh thổ, khoản 1 Điều 81; tội Bạo loạn, khoản 2 Điều 82; tội Hoạt động phỉ, khoản 1 Điều 83.

– Trường hợp phạm tội “Đặc biệt nghiêm trọng”: tình tiết này được quy định trong cấu thành tăng nặng ở 2 tội danh: tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, khoản 2 Điều 88; tội Trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, khoản 3 Điều 91.

– Trường hợp “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng”: tình tiết này được quy định trong cấu thành giảm nhẹ ở 5 tội danh: tội Gián điệp, khoản 2 Điều 80; tội Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, khoản 2 Điều 85; tội Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, khoản 2 Điều 86; tội Phá hoại chính sách đoàn kết, khoản 2 Điều 87; tội Chống phá trại giam, khoản 2 Điều 90.

Tất cả những khái niệm trên, cho đến nay chưa có giải thích của cơ quan có thẩm quyền, chưa có hướng dẫn của TAND Tối cao và Liên ngành; do đó, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể mà đánh giá, xác định cho đúng các tình tiết này.

  1. VỀ CẤU THÀNH TỘI PHẠM CỦA MỘT SỐ TỘI
  2. Tội Phản bội Tổ quốc

Điều 76 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 ghi rõ:

Công dân phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.”. Có lẽ theo đó mà tội phạm đầu tiên được quy định trong BLHS là “Tội phản bội Tổ quốc” tại Điều 78:

“1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

  1. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”

Trong số 14 tội xâm phạm an ninh quốc gia, chỉ có tội Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất, thể hiện ở khung hình phạt giảm nhẹ có mức hình phạt thấp nhất là 7 năm tù, cao hơn mức thấp nhất của tất cả các khung hình phạt giảm nhẹ của các tội xâm phạm an ninh quốc gia khác trong chương này.

  1. a) Về khách thể:

– “Khách thể của tội phản bội tổ quốc là quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt. Đó là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (xem Giáo trình trên, trang 260).

– Ta thấy phạm vi của khách thể rất rộng, đây cũng chính là khách thể chung của tất cả các cấu thành tội phạm khác trong chương này; lưu ý ở đây là tại sao lại quy định “lực lượng quốc phòng” cũng là khách thể – Điều này dễ hiểu bởi lẽ chức năng của lực lượng quốc phòng là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, bảo vệ chế độ chính trị, chế độ kinh tế, bảo vệ Nhà nước. Mọi hành động nhằm làm suy yếu lực lượng quốc phòng cũng là làm suy yếu chế độ, nguy hại tới sự bền vững của quốc gia.

  1. b) Mặt khách quan:

– Về cấu trúc của tội phạm thì đây là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần người phạm tội có hành vi “Câu kết với nước ngoài” nhằm mục đích chống lại Nhà nước là tội phạm đã hoàn thành, không cần phải có hậu quả xẩy ra.

– Tội phạm hoàn thành từ kể từ thời điểm chủ thể có hành vi câu kết với nước ngoài.

– Theo quy định tại khoản 1 của điều luật thì mặt khách quan của cấu thành tội phạm này là hành vi “Câu kết với nước ngoài”, cần hiểu “Câu kết” là sự “quan hệ qua lại chặt chẽ giữa người phạm tội với người nước ngoài” (theo Giáo trình trên; còn theo Từ điển Tiếng Việt của Nxb KHXH – Trung tâm từ điển, 1994, trang 121 thì Câu kết là “Hợp thành phe cánh để cùng thực hiện âm mưu xấu xa”). Do đó, nếu người phạm tội không có hành vi “Câu kết với nước ngoài” thì không phạm tội này, hay nói cách khác: tội Phản bội Tổ quốc phải có sự liên quan đến yếu tố nước ngoài (“Nước ngoài” ở đây có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước của nước ngoài).

– Các hành vi “Câu kết với nước ngoài” cụ thể là:

* Bàn bạc với nước ngoài về mưu đồ chống phá Tổ quốc Việt Nam;

* Nhận sự giúp đỡ của nước ngoài: nhận tiền, vũ khí, phương tiện kỹ thuật… để phục vụ cho các hoạt động nhằm chống lại chính quyền nhân dân;

* Hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho nước ngoài hoạt động chống lại Tổ quốc;

Người phạm tội chỉ thực hiện một trong các hành vi nêu trên là tội phạm đã hoàn thành, không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các hành vi này.

  1. c) Mặt chủ quan:

– Theo quy định tại Điều 9 BLHS về “Cố ý phạm tội” thì: “Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

  1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
  2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Theo quy định tại khoản 1 của điều luật trên, đối chiếu với cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, không có lỗi cố ý gián tiếp ở loại tội phạm này.

* Mục đích của người phạm tội là nhằm chống lại chính quyền nhân dân, mong muốn làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế của đất nước. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này (không chỉ với tội Phản bội Tổ quốc mà đối với tất cả các tội thuộc chương này, mục đích là dấu hiệu bắt buộc…)

* Động cơ phạm tội có thể là: vụ lợi, bất mãn với chế độ, nguy hiểm hơn nữa có thể là hận thù giai cấp. Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành tội này.

  1. d) Về chủ thể:

– Chỉ có thể là công dân Việt Nam, tức là người mang quốc tịch Việt Nam (xem Luật Quốc tịch). Người nước ngoài không phải là chủ thể của tội phạm này như đối với một số tội phạm khác trong chương này; nếu có người nước ngoài tham gia thì người nước ngoài sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền với vai trò đồng phạm như tổ chức, xúi giục, giúp sức hoặc bị truy cứu về tội gián điệp.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam cũng thuộc chủ thể của tội phạm này.

– Về độ tuổi: tất cả công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đều có thể là chủ thể của tội này. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên, bởi lẽ ở độ tuổi này nhận thức của họ còn non nớt, ý thức chính trị không rõ ràng, khi truy cứu trách nhiệm hình sự với họ về tội phạm này (và các tội phạm khác thuộc chương này) cần phải xem xét kỹ về ý thức chủ quan của họ; thực tế chưa gặp trường hợp nào truy tố, xét xử người ở độ tuổi từ đủ 14 đến 16 tuổi về tội này, kể cả trường hợp từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cũng rất ít (nếu không nói là chưa…).

  1. Tộihoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Điều 79 BLHS quy định:

“Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

  1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
  2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Điều luật trên có cấu trúc khá đặc biệt:

– Cấu thành cơ bản của tội phạm được quy định ngay đoạn đầu của điều luật, là cấu thành hình thức, tức là chỉ quy định về hành vi khách quan của tội phạm; không quy định chế tài xử phạt. Nhưng cần chú ý hành vi khách quan trên không phải là hành vi trực tiếp tác động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, mà chỉ là những “hoạt động” để thành lập tổ chức phản động hoặc tham gia tổ chức này với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân thì người đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; còn tổ chức này sau đó có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền hay không, người này hoạt động như thế nào trong tổ chức đó kể từ khi tham gia,… không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này (xem Giáo trình trên, trang 49 về Cấu thành tội phạm cắt xén).

– Khoản 1 của điều luật là cấu thành tăng nặng, áp dụng đối với người đứng ra thành lập một đảng phái, một tổ chức phản động nào đó để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; người xúi giục người khác tham gia tổ chức, đảng phái này hoặc người hoạt động tích cực, đắc lực trong tổ chức, đảng phái này.

– Khoản 2 của điều luật là cấu thành giảm nhẹ, áp dụng đối với người đồng phạm, đó là những người bị rủ rê, lôi kéo, xúi giục tham gia tổ chức, đảng phái phản động để hoạt động cho tổ chức, đảng phái đó nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đối với những người này, chỉ cần họ đồng ý gia nhập tổ chức, đảng phái có cương chỉ, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, không cần phải có “Quyết định kết nạp” của tổ chức, đảng phái đó đối với họ; bản thân những người này chưa có hoạt động cụ thể gì cho tổ chức, đảng phái đó cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều này.

  1. a) Khách thể:

– Khách thể bị tội phạm xâm hại là sự tồn tại của chính quyền nhân dân, từ cấp địa phương đến cấp trung ương. Không nhất thiết tội phạm phải tác động cùng một lúc tới tất cả các cấp chính quyền trong phạm vi toàn quốc, chỉ cần các chủ thể của tội phạm có mục đích lật đổ chính quyền ở một cấp, ở một địa phương thì khách thể của tội phạm đã bị xâm hại.

– Đối tượng tác động của tội phạm (khách thể trực tiếp) là “Chính quyền nhân dân”. Vậy “Chính quyền nhân dân” ghi trong điều luật này gồm những cơ quan nào? Có ý kiến cho rằng “Chính quyền nhân dân” ở đây chỉ bao gồm Uỷ ban nhân dân các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, Quốc hội mới là đối tượng tác động của tội phạm này. Vậy các hành vi tấn công vào các cơ quan nhà nước chuyên ngành như Kho bạc nhà nước, Bưu điện, Đài phát thanh, trường học, bệnh viện… và các cơ quan trong hệ thống chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… có phải là hành vi khách quan của cấu thành tội phạm này không?

Vấn đề này, theo tác giả thì:

Theo Từ điển Tiếng Việt (nêu trên, trang 157), danh từ “Chính quyền” được hiểu theo 2 nghĩa: 1) Quyền điều khiển bộ máy nhà nước. 2) Bộ máy điều khiển, quản lý công việc của nhà nước; theo cả hai nghĩa này thì “Chính quyền nhân dân” ở đây cần được hiểu là Bộ máy Nhà nước, bao gồm các cơ quan đảng, các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị. Do đó, mọi hành vi xâm hại, tấn công vào một trong các cơ quan này với mục đích lật đổ chính quyền nhân dân đều là hành vi khách quan trong cấu thành của tội phạm này.

  1. b) Mặt khách quan:

– Trong cấu thành cơ bản của tội này quy định một người thực hiện một trong hai hành vi sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

* Hành vi “hoạt động thành lập” tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: người “hoạt động thành lập” có thể là người đề xướng ra chủ trương, đường lối hoạt động, tuyên truyền lôi kéo, tập hợp người vào tổ chức chống chính quyền nhân dân. Chủ trương, đường lối hoạt động của tổ chức chống chính quyền nhân dân có thể được cụ thể hóa bằng các tài liệu như chính cương, điều lệ, chương trình hành động, tài liệu huấn luyện, lời kêu gọi… Nhưng cũng có thể chỉ là những lời lẽ tuyên truyền, rủ rê người khác cùng đứng ra thành lập tổ chức hay tham gia tổ chức chống chính quyền nhân dân. “Hoạt động thành lập” tổ chức có thể là chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức hoặc là đã thành lập được tổ chức. Được coi là hoạt động thành lập tổ chức chống chính quyền nhân dân và tội phạm hoàn thành từ thời điểm một người đề xướng ra chủ trương, đường lối chống chính quyền nhân dân cho người thứ hai biết, dù người thứ hai có thể đồng ý hoặc không đồng ý.

* Hành vi “tham gia” tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân: một người, trên cơ sở nhận thức được mục đích của tổ chức là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng vẫn tán thành và tự nguyện đứng vào hàng ngũ của tổ chức để hoạt động cho tổ chức. Được coi là tham gia tổ chức chống chính quyền nhân dân và tội phạm hoàn thành từ thời điểm biểu thị sự đồng tình gia nhập tổ chức, kể cả trường hợp tổ chức đó chưa được thành lập, không nhất thiết phải được tổ chức làm thủ tục kết nạp, công nhận, không đòi hỏi phải có ít nhiều hoạt động thực tế trong tổ chức.

  1. c) Mặt chủ quan: (xem mục c.1.II về tội Phản bội Tổ quốc)

– Thực tế xét xử có một số trường hợp người tham gia tổ chức chống chính quyền nhân dân để được ra nước ngoài, được học vi tính, học tiếng Anh và đi du lịch không mất tiền… Vấn đề chính quyền có bị lật đổ hay suy yếu, họ không quan tâm. Khi gặp những trường hợp này, một số Hội đồng xét xử thường đánh giá vai trò các bị cáo này hạn chế, phạm tội do cơ hội, động cơ vụ lợi cá nhân, không mang tính chống đối quyết liệt, thù địch gay gắt… tức là đã đánh giá lỗi của bị cáo là lỗi cố ý gián tiếp? Như nói ở phần trên, không có lỗi cố ý gián tiếp trong cấu thành các tội này, vậy có gì là mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tiễn về vấn đề này? Về nội dung này có lẽ cần phải có nhiều nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử mới có thể hoàn thiện được lý luận về cấu thành tội phạm nói chung và mặt chủ quan nói riêng trong cấu thành các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

– Qua một số vụ án, có tổ chức hoặc một nhóm người hoạt động không nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân mà xuất phát từ chỗ nhằm vào những yếu kém, sai sót, khuyết điểm của cá nhân hoặc tập thể lãnh đạo chính quyền nhân dân, lôi kéo nhiều người tham gia khiếu kiện, biểu tình yêu cầu phải cách chức, kỷ luật, thậm chí tấn công những người này, đập phá trụ sở… nhằm bôi nhọ hoặc làm suy giảm uy tín của cá nhân người lãnh đạo chính quyền nhân dân thì cần xem xét kỹ về ý thức chủ quan để định tội cho chính xác; nếu không đủ căn cứ khẳng định mục đích của họ là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì có thể truy cứu những người này về tội bạo loạn hoặc tội khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

  1. d) Về chủ thể: (xem mục d.1.II về chủ thể của tội Phản bội Tổ quốc)

– Chủ thể của tội phạm này không bị hạn chế với người nước ngoài như ở tội Phản bội Tổ quốc, là bất kì ai có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

– Ở một số vụ án, số bị cáo trong độ tuổi từ 20 đến 35 chiếm tỷ lệ cao; những người này thường là những sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhiều người đã tốt nghiệp 2 – 3 trường đại học, có những người là giám đốc công ty, chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp, nhiều người có học vị cao, hiểu biết nhiều về chính trị, pháp luật…

– Có vụ án, tất cả các bị cáo đều theo đạo Thiên chúa giáo, quá trình hoạt động phạm tội của họ thường gắn với sinh hoạt tôn giáo nhà thờ, đằng sau họ có một thủ lĩnh tinh thần là Giám mục, Linh mục, Mục sư nào đó…

Nắm chắc đặc điểm, trình độ của bị cáo trước khi xét xử giúp Thẩm phán chủ tọa chủ động chuẩn bị nội dung xét hỏi, đấu lý với bị cáo một cách vững vàng tại phiên tòa công khai là điều rất cần thiết, nhất là những phiên tòa xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

  1. Tội gián điệp

– Điều 80 BLHS quy định như sau:

“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

  1. a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  2. b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
  3. c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  4. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
  5. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự”.

– Tội gián điệp là tội có cấu thành hình thức; tội phạm hoàn thành từ thời điểm chủ thể nhận làm gián điệp hoặc từ thời điểm chủ thể xâm nhập biên giới; trong cả hai trường hợp, dù chủ thể chưa thực hiện một trong các hoạt động tình báo, hoạt động phá hoại, hoạt động gây cơ sở, hoạt động thám báo thì tội phạm cũng đã hoàn thành.

– So với tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, về chế tài xử phạt thì hai tội như nhau, quy định tại khoản 1 và khoản 2 của mỗi điều; nhưng ở tội Gián điệp thì có khác là nếu người đã nhận lời làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú thì được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3); còn ở tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền thì chỉ cần đã nhận lời tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền, dù chưa được kết nạp vào tổ chức, chưa hoạt động gì cho tổ chức đó và tự thú thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– So sánh với tội Phản bội Tổ quốc thì tội Gián điệp cũng có dấu hiệu quan hệ với nước ngoài, nhưng khác ở chỗ: trong tội Phản bội Tổ quốc, sự quan hệ đó chặt chẽ hơn, đạt đến mức độ “câu kết”; trong tội Gián điệp, sự quan hệ với nước ngoài không chặt chẽ bằng, chỉ là “sự chỉ đạo của nước ngoài”; tội Phản bội Tổ quốc nhằm mục đích thay đổi chế độ chinh trị, kinh tế – xã hội, lật đổ chính quyền nhân dân; tội Gián điệp chỉ nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân nói chung. Nếu hành vi gián điệp có cấu kết với nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì hành vi đó cấu thành tội Phản bội Tổ quốc.

  1. a) Khách thể:

– Gián điệp là một trong những hành vi xâm phạm an ninh đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, đến khả năng phòng thủ đất nước.

  1. b) Mặt khách quan:

– Tội gián điệp được thể hiện bởi các hành vi quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 điều 80 BLHS:

* Hoạt động tình báo thể hiện ở những hành vi của người nước ngoài và người không có quốc tịch tiến hành điều tra, thu thập tin tức, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc không thuộc bí mật nhà nước để sử dụng chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Người Việt Nam có những hành vi này để cung cấp cho nước ngoài để họ sử dụng các tài liệu này chống nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là hoạt động tình báo, phạm tội gián điệp.

* Phá hoại là hành vi làm cho đối tượng của tội phạm (các công trình, phương tiện, tài sản…) hoàn toàn mất hẳn, không khôi phục được, mất hẳn hoặc mất một phần giá trị sử dụng; cũng được coi là phá hoại đối với các hành vi phá hoại hoặc cản trở việc thực hiện các chính sách kimh tế – xã hội của Nhà nước. Đối tượng tác động của hành vi phá hoại có thể là vật chất, có thể là các chính sách kinh tế – xã hội.

* Gây cơ sở là hoạt động tìm kiếm người, rủ rê, dụ dỗ, mua chuộc họ để được giúp đỡ, che giấu cho những hoạt động tình báo, phá hoại.

* Hoạt động thám báo nói ở khoản 1 điểm b là những hành vi hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới, vừa có tính chất thu thập tin tức, tình hình quân sự, vừa mang tính chất biệt kích vũ trang xâm nhập vào nội địa, phục kích, tập kích, bắt cóc, bắn giết cán bộ, bộ đội.

  1. c) Mặt chủ quan:

 – Cũng như nhiều tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp;

– Mục đích là chống chính quyền nhân dân, là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm; nếu làm gián điệp với mục đích lật đổ chính quyền thì cấu thành tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 88 BLHS.

– Động cơ phạm tội có thể là vụ lợi, bất mãn chế độ, hận thù giai cấp… Động cơ phạm tội không có ý nghĩa trong việc định tội, chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt.

  1. d) Chủ thể:

– Chủ thể của tội phạm có thể là người nước ngoài, thực hiện hành vi khách quan của tội gián điệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 80 BLHS.

– Công dân Việt Nam có thể là người đang ở trong nước hoặc từ nước ngoài trở về Việt Nam, nhận nhiệm vụ, thực hiện sự chỉ đạo của tổ chức gián điệp nước ngoài hoặc của người nước ngoài; hành vi khách quan của chủ thể là công dân Việt Nam được quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 80 BLHS.

  1. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

– Điều 88 BLHS quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
  2. a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
  3. b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
  4. c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  5. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.

Nghiên cứu nội dung điều luật ta thấy:

– Khoản 1 là cấu thành cơ bản, quy định 3 loại hành vi ở các điểm a, b, c.

– Khoản 2 là cấu thành tăng nặng, dành cho các trường hợp “đặc biệt nghiêm trọng” với khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù; nhẹ hơn so với ba tội trên và một số tội khác trong chương này.

– Tội phạm có cấu trúc cấu thành hình thức, chỉ cần chủ thể thực hiện một trong ba hành vi nêu ở các điểm a, b, c khoản 1 của điều luật là tội phạm đã hoàn thành.

  1. a) Khách thể:

Tội phạm này xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội, gây nghi ngờ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ XHCN với Đảng và Nhà nước, qua đó đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ.

  1. b) Mặt khách quan:

– Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các hành vi quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 điều này, tức là bằng những lời nói, việc làm như:

* Cho xem, cho đọc, cho nghe, in ấn, vẽ, chép lại, ghi băng, tàng trữ sách, báo, phim, tranh ảnh, bản nhạc và mọi tài liệu, văn hóa phẩm… nhằm lưu hành, truyền bá cho người khác những suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm có nội dung phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách, gieo rắc những tư tưởng nghi ngờ, bất mãn với chế độ XHCN; kích động tư tưởng chống đối, oán ghét, căm thù chính quyền nhân dân, kêu gọi, vận động nhiều người tham gia biểu tình, tập trung khiếu kiện đông người… nhằm làm suy yếu chính quyền nhân dân, suy yếu chế độ XHCN.

* Tuyên truyền những thông tin bịa đặt, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.

* Đồng thời can phạm còn ca ngợi, tô hồng, suy tôn các giá trị tinh thần theo lối sống ích kỷ cá nhân, tôn thờ vật chất, xã hội dân chủ tự do của các thế lực phản động, vẽ ra viễn cảnh từ phía nước ngoài, so sánh vật chất tầm thường…

– Can phạm có thể thực hiện những hành vi trên một cách công khai hoặc tinh vi sảo quyệt, nói bóng gió, lập lờ hai mặt… Chúng thường nhằm vào các đối tượng có thái độ bất mãn chính trị, chán ghét chế độ, thích hưởng thụ, nhân danh đổi mới… để làm quen rồi rủ rê, lôi kéo họ, tỏ vẻ sốt sắng quan tâm giúp đỡ vật chất rồi tiến tới khống chế, sử dụng những người này hoạt động cho chúng; sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, kêu gọi trên phạm vi rộng cả trong nước và nước ngoài.

– Lợi dụng các sinh hoạt tập thể, cộng đồng như biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, lễ hội, cầu nguyện ở nhà thờ hoặc tham gia hoạt động tại các hội như hội từ thiện, hội nghề nghiệp… để vận động, tuyên truyền, lôi kéo, xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước.

  1. c) Mặt chủ quan:

– Cũng là lỗi cố ý trực tiếp; mục đích là nhằm chống lại Nhà nước ở mức độ làm suy yếu Nhà nước, suy yếu chế độ là dấu hiệu bắt buộc.

– Nếu hành vi tuyên truyền chống chế độ, chống Nhà nước với mục đích thay đổi chế độ chính trị, đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ nhà nước XHCN… thì cần phải xem xét hành vi của chủ thể về tội nặng hơn đó là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ngược lại, nếu các chủ thể có hành vi như ghi ở các điểm a, b, c khoản 1 nhưng không có hoặc không rõ là có mục đích làm suy yếu chính quyền nhân dân thì có thể chỉ bị truy cứu trách nhiện hình sự về những tội khác nhẹ hơn không thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia như tội cản trở thực hiện nghĩa vụ quân sự khi họ phao tin, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, hoặc là tội xúc phạm quốc kì, quốc huy khi họ có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xúc phạm quốc kì, quốc huy.

  1. d) Chủ thể: xem ở tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

III. MỘT SỐ VỤ ÁN CỤ THỂ

  1. Vụ án Hồ Đức Hòa và đồng phạm ở Nghệ An phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”

Vụ án này có 14 bị cáo bị truy tố, xét xử sơ thẩm, gồm: Hồ Đức Hòa, sinh năm 1974; Lê Văn Sơn, sinh năm 1985; Đặng Xuân Diệu, sinh năm 1979; Nguyễn Đặng Minh Mẫn, sinh năm 1985; Nguyễn Văn Duyệt, sinh năm 1980; Nguyễn Đình Cương, sinh năm 1981; Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1985; Thái Văn Dung, sinh năm 1988; Trần Minh Nhật, sinh năm 1988; Hồ Văn Oanh, sinh năm 1985; Nguyễn Văn Oai, sinh năm 1981; Nông Hùng Anh, sinh năm 1983; Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, sinh năm 1980; Đặng Ngọc Minh, sinh năm 1957 (mẹ đẻ của 2 bị cáo Phúc và Mẫn) Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

  1. a)Sơ lược thông tin về tổ chứcphản động “Việt Tân”:

Ngày 10/9/1982, tại vùng rừng núi Ubon, Thái Lan, Hoàng Cơ Minh (Tướng quân đội Việt Nam cộng hòa trước năm 1975) đã lập ra tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” gọi tắt là “Việt Tân” là cơ quan đầu não, chỉ huy mọi hoạt động của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”; trong cương lĩnh, điều lệ của “Việt Tân” có ghi rõ mục đích là “Chấm dứt chế độ độc tài đảng trị Việt Nam”. Sau khi được thành lập, tổ chức Việt Tân đã tổ chức huấn luyện vũ trang, khủng bố như hướng dẫn cách sử dụng các loại vũ khí quân dụng, cách đánh phá cầu đường, cách bắt cóc cán bộ Việt Nam… cho các thành viên. Từ năm 1982 – 1989, “Việt Tân” đã tiến hành các chiến dịch “Đông tiến 1”, “Đông tiến 2”, “Đông tiến 3” đưa các toán vũ trang từ Thái Lan xâm nhập qua đường Lào, Campuchia về Việt Nam để lập “mật cứ”, tiến hành các hoạt động bạo loạn, khủng bố với mục đích xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thiết lập chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam. Hiện nay, “Việt Tân” có trụ sở chính tại San Jose, Mỹ.

Thời gian gần đây, “Việt Tân” thay đổi về phương thức hoạt động, từ vũ trang bạo động sang đấu tranh bất bạo động; nhưng bản chất, “Việt Tân” vẫn là một tổ chức phản động, hoạt động với mục đích nêu trên. Thực hiện phương thức hoạt động mới, “Việt Tân” đẩy mạnh tuyên truyền, móc nối, tuyển lựa phát triển lực lượng trong nước, tập trung vào giới sinh viên, trí thức, thanh niên công giáo có thái độ bất mãn chính trị… Các đối tượng cầm đầu, cốt cán của “Việt Tân” đã tiến hành liên lạc với một số đối tượng ở trong nước qua mạng Internet, trong đó có các bị cáo trong vụ án này, tổ chức lôi kéo, đưa những người này từ trong nước đến một số nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia để kết nạp, huấn luyện, phục vụ ý đồ “chuyển lửa về quê hương” và “công khai hóa Việt Tân” ở trong nước; tổ chức các hoạt động biểu tình, gây sức ép với Đảng và Nhà nước, chờ thời cơ lật đổ chính quyền nhân dân.

  1. b)Tóm tắt hành vi phạm tội của các bị cáo:

Hoặc là tự tìm hiểu trên các trang mạng, hoặc là được người khác giới thiệu, rủ rê; 14 bị cáo trên đã tham gia các khóa huấn luyện của “Việt Tân” tại các nước Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia về các nội dung: Cương lĩnh, mục đích hoạt động của “Việt Tân”; phương pháp đấu tranh bất bạo động; kỹ năng sử dụng máy tính, vượt tường lửa, an ninh mạng; cách đối phó với công an Việt Nam khi bị tình nghi, phát hiện; cách thức tiếp cận, lôi kéo, tuyển chọn người tham gia tổ chức; cách thức gây sức ép với chính quyền các cấp ở Việt Nam… Được “Việt Tân” trang bị một số phương tiện như máy ảnh, máy tính, camera và cấp tiền để hoạt động theo chỉ đạo của “Việt Tân”.

Trong vụ án có 4 bị cáo, gồm: Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị truy tố, xét xử sơ thẩm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1 Điều 79 BLHS bởi 4 bị cáo này có hành vi vận động, rủ rê một số người khác (là các bị cáo khác trong vụ án này) tham gia “Việt Tân”; người rủ rê, xúi giục được nhiều người tham gia “Việt Tân” là bị cáo Hồ Đức Hòa, lôi kéo được 9 người, đồng thời là người phụ trách nhóm ở trong nước, là người đứng đầu vụ án này; Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị quy kết về hành vi xúi giục anh trai mình là Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc tham gia “Việt Tân”; Đặng Xuân Diệu bị quy kết về hành vi xúi giục hai người tham gia “Việt Tân” là Trần Minh Nhật và Nguyễn Xuân Kim (Kim trốn, không có lời khai); Lê Văn Sơn bị truy tố về hành vi xúi giục một người là Nông Hùng Anh tham gia “Việt Tân”.

Còn 10 bị cáo khác bị truy tố, xét xử về cùng tội danh nhưng ở khung hình phạt nhẹ hơn theo khoản 2 cùng điều luật bởi hành vi tham gia tổ chức này. Hành vi của những bị cáo này là tự nguyện tham gia các khóa huấn luyện của “Việt Tân” mở ở nước ngoài; người tham gia huấn luyện nhiều lần nhất là 5 lần; người tham gia ít nhất là 1 lần.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2013/HSST ngày 09/01/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên bố các bị cáo: Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Văn Oai, Nông Hùng Anh phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và xử phạt các bị cáo như sau:

– Áp dụng khoản 1 Điều 79; Điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt Hồ Đức Hòa 13 năm tù; Nguyễn Đặng Minh Mẫn 8 năm tù. Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo với hai bị cáo Lê Văn Sơn và Đặng Xuân Diệu, xử phạt mỗi bị cáo 13 năm tù.

– Áp dụng khoản 2 Điều 79; Điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 47 BLHS, xử phạt 10 bị cáo còn lại từ 3-4 năm tù; trong đó có bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc được hưởng án treo.

– Tòa án cấp sơ thẩm còn áp dụng Điều 92 BLHS, phạt bổ sung tất cả 14 bị cáo trong vụ án này là “Phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú… sau khi chấp hành xong hình phạt tù” với mỗi bị cáo từ 3 đến 5 năm; riêng với bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc thì bị phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời hạn 02 năm “kể từ ngày chấp hành xong thời gian thử thách của án treo”.

Có 08/14 bị cáo kháng cáo, gồm: Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung. Trong đó có bị cáo kháng cáo cho rằng mình bị kết án oan; có bị cáo nhận tội nhưng cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không đúng với hành vi khách quan mà bị cáo đã thực hiện; có bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt; có bị cáo đề nghị được xét xử công bằng, bình đẳng hơn và hợp với giá trị nhân đạo của pháp luật…

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận hành vi của mình như tóm tắt ở phần trên. Tuy nhiên, có một số bị cáo vẫn cho rằng bản thân không có ý thức chống lại chính quyền như các bị cáo Hồ Đức Hòa, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương,… Một số bị cáo khác tuy không thẳng thắn thừa nhận mình có ý thức chống lại chính quyền, nhưng cũng nhận thức được hành vi của mình là thực hiện mục đích của “Việt Tân”, chống lại Nhà nước.

Ý kiến của các luật sư tập trung vào các nội dung sau:

  1. Việc Cơ quan điều tra bắt một số đối tượng trên không đúng thủ tục tố tụng; không cho các bị cáo đối chất khi có những nội dung khai báo mâu thuẫn nhau là vi phạm thủ tục tố tụng.
  2. Nhà nước không công bố danh mục các đảng phái phản động trong đó có “Việt Tân” nên khi các bị cáo tham gia vào tổ chức này không thể biết được đó là một tổ chức phản động nên không có căn cứ để quy kết các bị cáo về hành vi tham gia tổ chức phản động!
  3. Hành vi của các bị cáo không gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án không có người bị hại, nên không thể kết tội các bị cáo!
  4. Có Luật sư còn viện dẫn lí luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin về vấn đề bạo lực là tất yếu để giành chính quyền, vì “Việt Tân” không chủ trương dùng bạo lực, nên các bị cáo không phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt!

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 294 ngày 23/5/2013, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận xét về nội dung kháng cáo của các bị cáo và ý kiến của các luật sư như sau:

I. Một số vấn đề về thủ tục tố tụng theo ý kiến của các Luật sư nêu trên:

  1. Trong vụ án này, các bị cáo có hành vi thực hiện một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng… Do đó, Cơ quan điều tra thực hiện việc bắt khẩn cấp với các đối tượng này là đúng quy định tại Điều 81 BLTTHS về“Bắt người trong trường hợp khẩn cấp: 1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;…”.

Kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử thấy Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thực hiện đúng quy định trên.

  1. Trong giai đoạn điều tra, một số bị can có lời khai mâu thuẫn nhau về cùng một nội dung liên quan đến việc xác định khung hình phạt của Lê Văn Sơn như lời khai của các bị cáo Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Nông Hùng Anh; Cơ quan điều tra đã tiến hành cho các bị can này đối chất theo đúng quy định tại Điều 138 BLTTHS (Đối chất giữa Lê Văn Sơn với Nguyễn Xuân Anh, Lê Văn Sơn với Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn với Nguyễn Văn Oai, Lê Văn Sơn với Hồ Đức Hòa vào ngày 06/6/2012, từ bút lục số 2325 – 2330). Các Luật sư không nêu ra được những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo khác với nhau để phải tiến hành đối chất, Hội đồng xét xử thấy ý kiến của các Luật sư về vấn đề này là không đúng.
  2. Về nội dung:
  3. Đánh giá về ý thức chủ quan của các bị cáo:

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử khẳng định tổ chức “Việt Tân” là một tổ chức phản động; bởi vì, mục đích hoạt động của tổ chức này là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và đối với toàn xã hội; nhằm thiết lập một chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân từ trung ương đến địa phương… Mục đích này của “Việt Tân” là trái Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Các bị cáo trong vụ án này đều đã tìm hiểu và biết về cương lĩnh, mục đích của “Việt Tân” như nêu ở trên nên buộc các bị cáo phải biết khi tham gia vào tổ chức “Việt Tân” là chống lại Đảng, chống lại Nhà nước, chống lại Nhân dân. Các Luật sư và một số bị cáo cho rằng Nhà nước không công khai danh mục các tổ chức, đảng phái phản động trong đó có “Việt Tân” nên không có căn cứ để đánh giá các bị cáo đã tham gia vào một tổ chức phản động! Tại bản cung ngày 27/9/2011, bị can Nguyễn Văn Duyệt đã khai: “Trước khi tham gia tổ chức Việt Tân, qua các phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước, tôi đã nghe nói đến một số tổ chức phản động, trong đó có tổ chức Việt Tân” (bút lục số 2579-2580). Chính lời khai nhận này của bị cáo Duyệt đã bác bỏ ý kiến của các Luật sư. Hội đồng xét xử nhấn mạnh: Một người khi đã biết một tổ chức, đảng phái nào đó có mục đích chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam, chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mà vẫn tiếp nhận, tham gia, hoạt động cho tổ chức đó nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm hại đến an ninh quốc gia là phạm một trong các tội Xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI BLHS.

An ninh quốc gia là một khách thể đặc biệt quan trọng, trong đó sự tồn tại của chính quyền nhân dân là yếu tố quyết định cho sự toàn vẹn về lãnh thổ quốc gia, bảo đảm về an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Hậu quả đối với loại tội phạm này gây ra là khôn lường; do đó, mọi hành vi nhằm lật đổ chính quyền nhân dân phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn không để dẫn đến hậu quả. Điều 79 BLHS không quy định hậu quả là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này; các Luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo trong vụ án này không gây hậu quả, vụ án không có người bị hại, nên không thể kết tội các bị cáo là cố ý nhận thức sai nội dung của Điều luật, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Luật sư còn viện dẫn Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về vấn đề bạo lực… (như nêu ở phần trên). Lập luận của Luật sư là cắt ghép, đánh tráo các khái niệm, đánh lừa dư luận quan tâm đến vụ án này. Bạo lực theo Chủ nghĩa Mác – Lê Nin là Bạo lực cách mạng để đập tan Bạo lực phản cách mạng của các thế lực phản động, giành chính quyền về tay Nhân dân chứ không phải Bạo lực như Luật sư nói đến. Bản chất của “Việt Tân” là dùng bạo lực vũ trang, nay chuyển sang bất bạo động… nhưng đều nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Hội đồng xét xử bác bỏ lập luận của Luật sư về vấn đề này.

 Với phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến của các Luật sư và một số bị cáo; khẳng định các bị cáo tham gia tổ chức “Việt Tân” nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân; ý thức chủ quan của các bị cáo được thể hiện phù hợp với hành vi khách quan của các bị cáo như tóm tắt ở phần trên; có đủ căn cứ kết luận tất cả các bị cáo trong vụ án này đều phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79 BLHS, Điều luật quy định:…

Tòa án cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của 4 bị cáo Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đình Cương, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, giữ nguyên hình phạt đối với 4 bị cáo này bởi cả 4 bị cáo không tỏ ra ăn năn hối cải. Chấp nhận kháng cáo của 4 bị cáo Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, giảm nhẹ hình phạt vì các bị cáo này thể hiện sự ăn năn hối cải; trong đó bị cáo Lê Văn Sơn được giảm từ 13 năm tù xuống còn 4 năm tù vì được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn; bị cáo Nguyễn Xuân Anh �ược giảm 12 tháng tù, bị cáo Nguyễn Văn Duyệt và bị cáo Hồ Văn Oanh mỗi bị cáo được giảm 6 tháng tù.

Một số vấn đề rút ra từ vụ án này:

  1. Việc Tòa án cấp phúc thẩm chuyển khung hình phạt, giảm nhẹ hình phạt đáng kể (giảm 9 năm tù) cho bị cáo Lê Văn Sơn:

– Bị cáo Lê Văn Sơn bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về hành vi xúi giục bị cáo Nông Hùng Anh tham gia tổ chức “Việt Tân” theo khoản 1 Điều 79 BLHS. Sau khi TAND tỉnh Nghệ An thụ lý vụ án, lúc này Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mới nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Văn Triều với nội dung ông đã cùng Lê Văn Sơn tham gia khóa huấn luyện của “Việt Tân” tại Thái Lan; Cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành ghi lời khai của ông Triều về việc này, rồi chuyển tất cả đơn, biên bản ghi lời khai của ông Triều sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển ngay những tài liệu này về Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An, rồi những tài liệu này được chuyển cho Tòa án. Viện kiểm sát không truy tố Lê Văn Sơn về hành vi xúi giục ông Nguyễn Văn Triều tham gia “Việt Tân”.

– Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ phân tích và quy kết bị cáo Lê Văn Sơn về hành vi lôi kéo, xúi giục ông Nguyễn văn Triều tham gia tổ chức phản động “Việt Tân”, lấy đó làm căn cứ áp dụng khoản 1 Điều 79 BLHS, xử phạt bị cáo Lê Văn Sơn như nêu trên. Như vậy, hành vi của bị cáo Sơn xúi giục Nông Hùng Anh tham gia “Việt Tân” đã bị Viện kiểm sát truy tố thì không được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử; còn hành vi rủ rê ông Triều không bị truy tố thì Tòa án cấp sơ thẩm lại quy kết bị cáo Sơn về hành vi này để áp dụng khung hình phạt tăng nặng đối với bị cáo Sơn.

– Tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã phân tích: “Với chứng minh và phân tích ở trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ để kết luận Lê Văn Sơn có hành vi tham gia một khóa huấn luyện của tổ chức “Việt Tân”, hành vi này của bị cáo cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 BLHS. Hội đồng xét xử sẽ xét xử luôn hành vi phạm tội của bị cáo Sơn tại phiên tòa phúc thẩm theo khoản nhẹ hơn của điều luật, không cần phải hủy một phần bản án sơ thẩm đối với riêng bị cáo Sơn để điều tra, xét xử lại với lý do chưa đủ căn cứ quy kết Lê Văn Sơn về hành vi xúi giục Nông Hùng Anh hoặc/và Nguyễn Văn Triều tham gia “Việt Tân” theo khoản 1 Điều 79 BLHS và lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm về giới hạn xét xử theo quy định tại Điều 196 BLTTHS….

  1. Tòa án cấp sơ thẩm nhận thức pháp luật và áp dụng điều luật sai, Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa lại; tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã viết:

Về một số sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử vụ án này:

  1. Tất cả 14 bị cáo đều bị Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 92 BLHS, phạt bổ sung là “Phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo… năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù”, như vậy là vừa bị phạt quản chế, vừa bị “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Điều 92 BLHS quy định như sau:“Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, Điều luật này không có hình phạt bổ sung là “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Trong BLHS không có điều luật nào quy định về hình phạt bổ sung là “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; khái niệm này được quy định tại khoản 1 Điều 91 BLTTHS:“Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án”. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm phạt bổ sung cấm các bị cáo đi khỏi nơi cư trú là không đúng, Hội đồng xét xử sẽ sửa nội dung này, đồng thời sẽ áp dụng thêm Điều 38 BLHS quy định về “Quản chế” đối với các bị cáo.
  2. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 37 tháng 14 ngày tính từ ngày tuyên án sơ thẩm đồng thời còn phạt bổ sung đối với bị cáo này là “Phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo hai năm kể từ ngày chấp hành xong thời gian thử thách của án treo”. Quyết định như vậy là sai; bởi vì, thứ nhất, như nói ở trên, không có hình phạt “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, thứ hai, “Quản chế” chỉ được áp dụng đối với người bị án phạt tù sau khi mãn hạn tù theo quy định tại Điều 38 BLHS. Do đó, Hội đồng xét xử sẽ sửa lại phần này cho đúng quy định của BLHS.
  3. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng hình phạt bổ sung “Tước một số quyền công dân” đối với 14 bị cáo theo quy định tại Điều 92 và Điều 39 BLHS là thiếu. Điều 39 BLHS quy định về “Tước một số quyền công dân” như sau:“1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây: a) Quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước;b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân”. 2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.”

Vì không có kháng nghị của Viện kiểm sát nên Hội đồng xét xử không thể áp dụng hình phạt bổ sung này đối với các bị cáo theo trình tự xét xử phúc thẩm, cần nêu ra để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm”.

Với nhận xét này, Tòa án cấp phúc thẩm đã phải sửa bản án sơ thẩm, theo đó bỏ “hình phạt bổ sung” mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng là “Cấm đi khỏi nơi cư trú…” đối với 13 bị cáo bị phạt tù giam, kể cả các bị cáo không kháng cáo; riêng với bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc thì Tòa án cấp phúc thẩm còn sửa án sơ thẩm, không áp dụng hình phạt bổ sung là “phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc sau khi chấp hành xong thời gian thử thách của án treo.

Không cần bình luận gì hơn, việc hủy một phần bản án sơ thẩm để xét xử lại với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại Điều 196 BLTTHS là hoàn toàn đúng quy định. Nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không hủy phần này của bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại là có cách nhìn nhận toàn diện, có lợi về nhiều mặt.

  1. Vụ gián điệp ở Lạng Sơn

Vụ án có một bị cáo là Hoàng Minh Thuận, sinh năm 1986; nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Quá trình buôn bán thuốc lá từ Lạng Sơn sang Bằng Tường, Trung Quốc, bị cáo Hoàng Minh Thuận đã quen với một số người Trung Quốc, trong đó có người tên là Lương. Hai bên cho nhau số điện thoại và thỉnh thoảng liên lạc với nhau. Khi biết Thuận có bố đẻ là phó chỉ huy đồn biên phòng Hữu Nghị mới nghỉ hưu thì tên Lương tìm cách lợi dụng Thuận. Để mua chuộc Thuận, mỗi lần Thuận sang Bằng Tường đều được Lương mời ăn uống, gửi Thuận mang quà về cho bố… Tên Lương còn xin cho Thuận vào học tiếng Trung tại trường Hoa Kiều ở Nam Ninh; trong thời gian học, hàng tháng, Thuận được tên Lương cho 800 tệ (tương đương 1.920.000 đồng) để chi tiêu, ngoài ra vào những ngày lễ như 1/5, 30/4, Trung Thu… Thuận còn được Lương cho mỗi lần từ 200 đến 300 tệ. Trong thời gian học tại trường Hoa Kiều, Thuận còn quan hệ thân thiết với một phụ nữ tên là Nông Xuân Thu, người Việt Nam, quốc tịch Trung Quốc. Học từ tháng 3/2007, đến tháng 11/2007 thì Thuận bị nhà trường đuổi học vì đánh nhau với một học sinh ở cùng trường. Trước khi về Việt Nam, Thuận gặp Lương thông báo việc bị đuổi học.

Ngày 10/3/2008, Hoàng Minh Thuận nhận điện thoại của Nông Xuân Thu hẹn gặp nhau tại Bằng Tường. Khi gặp, Thu bảo Thuận muốn có nhiều tiền thì về tìm bảng lương của cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Lạng Sơn giao cho Thu. Ngày 12/3/2008, Lương gọi điện hẹn gặp Thuận ở Bằng Tường; khi gặp, Lương hỏi Thuận là Nông Xuân Thu đã nói gì với Thuận chưa, Thuận hiểu là việc lấy bảng lương. Tên Lương động viên Thuận cố gắng tranh thủ thời cơ, tận dụng khả năng quan hệ của bố Thuận để lấy tài liệu.

Cũng trong tháng 3/2008, Thuận lại sang Bằng Tường gặp Lương. Lần này, Lương đưa cho Thuận một máy ảnh kĩ thuật số, hướng dẫn sử dụng và yêu cầu Thuận về tìm chụp bảng lương nói trên.

Về Việt Nam, Thuận tìm gặp anh Dương Anh Đức và chị Đàm Cúc Quỳnh (bạn học cùng trường cấp 3) là cán bộ công an tỉnh Lạng Sơn, Thuận nhờ anh Đức lấy hộ bảng lương và mượn thẻ công an của Đức để phô tô; Thuận cho Quỳnh xem những tài liệu mà Thuận đã thu thập gửi cho phía Trung Quốc và đề nghị chị Quỳnh lấy những tài liệu mật cho Thuận, nhưng anh Đức và chị Quỳnh không đồng ý.

Tháng 5/2008, Thuận chụp tài liệu “Quyết định phân bổ ngân sách xã 2007” của anh Hoàng Minh Thành  là anh trai của bị cáo, kế toán Ủy ban nhân dân xã Văn Long); hôm sau Thuận mang thẻ nhớ sang Bằng Tường đưa cho Lương, Lương chê tài liệu không có giá trị, nhưng Lương vẫn trả Thuận 2000 nhân dân tệ (tương đương 4.800.000 đồng) để khích lệ, động viên Thuận và yêu cầu Thuận gặp anh Đức lấy bảng tiền lương của công an tỉnh Lạng Sơn, nếu được sẽ trả 20.000.000 đồng.

Ngày 31/7/2008, Thuận lại chụp tài liệu “Bảng thu chi ngân sách xã năm 2007” của anh trai mình, rồi mang sang Bằng Tường giao cho Lương, Lương chê tài liệu không có giá trị nhưng vẫn cho Thuận 500 tệ (tương đương 1.200.000 đồng). Lần này Lương có cho Thuận xem một tài liệu để làm mẫu là “Quyết định phê duyệt xây dựng phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải phòng – Quảng Ninh” và chụp tài liệu này vào thẻ nhớ đưa cho Thuận.

Thuận còn chụp tài liệu học tập Nghị quyết lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa X Đảng Cộng sản Việt Nam do bố Thuận quản lý, trong đó Thuận chụp riêng phần “Định hướng chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 ” rồi mang sang Bằng Tường đưa cho Lương, Lương nói đây chỉ là tài liệu học tập… Lương vẫn quan tâm đến bảng lương của công an tỉnh. Lần này, Lương cho Thuận 5000 tệ (tương đương 12.000.000 đồng).

Ngày 15/9/2008, tại một quán internet, Thuận lấy được một tài liệu là Quyết định của Bộ trưởng Bộ công an “Quy định mức độ mật trong ngành thủy sản” và lưu tài liệu này vào thẻ nhớ của mình.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 73/HSST ngày 29/9/2009, TAND tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng điểm c khoản 1 điều 80; điều 38; điểm a, b khoản 1, khoản 2 điều 41; khoản 2 điều 46; điều 92 BLHS, xử phạt bị cáo Hoàng Minh Thuận 15 năm tù về tội Gián điệp; quản chế bị cáo trong thời hạn 5 năm tại nơi cư trú sau khi mãn hạn tù; truy thu số tiền bị cáo Thuận nhận từ cơ quan tình báo nước ngoài, quy đổi thành tiền Việt Nam là 37.200.000 đồng sung công quỹ.

Ngày 06/10/2009, bị cáo Hoàng Minh Thuận kháng cáo cho rằng đã bị xử không công bằng và bị phạt quá nặng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi của mình, xin được giảm nhẹ hình phạt. Các luật sư bào chữa cho bị cáo xác định Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội gián điệp là đúng, bị cáo phạm tội do vụ lợi; thành khẩn khai báo, hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây thiệt hại, bị cáo có bố đẻ được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Về số tiền 8000 tệ (tương đương 19.200.000 đồng) các luật sư cho rằng Toà án cấp sơ thẩm truy thu sung công của bị cáo là không đúng vì đó là quan hệ dân sự, tặng cho nhau giữa người Trung Quốc và bị cáo.

   Tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chứng minh, phân tích và kết luận bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội như sau:

– Bị cáo đã nhận lời thu thập tài liệu để chuyển giao cho cơ quan tình báo nước ngoài, được trang bị máy ảnh và hướng dẫn sử dụng để chụp tài liệu; các tài liệu Thuận đã chuyển giao được là: Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển thể dục thể thao ở cấp xã, phường, thị trấn đến năm 2010”, quyết định này đã được đăng công báo số 12, tháng 5/2005, có hiệu lực ngày 01/6/2005; Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng chính phủ “Về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007”, quyết định này đăng công báo, có hiệu lực ngày 20/7/2006; Tài liệu học tập Nghị quyết lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá X, nội dung tóm tắt của Nghị quyết được Tạp chí Cộng sản điện tử thông báo ngày 07/02/2007. Bị cáo đã được phía nước ngoài trả 7.500 tệ cho ba tài liệu trên, cùng với 8000 tệ được nhận trong thời gian học tại Nam Ninh, tổng cộng là 15.500 tệ, tương đương 37.200.000 đồng.

– Bị cáo đã vận động anh Đức và chị Quỳnh lấy bảng lương của cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Lạng Sơn, lấy các tài liệu mật theo yêu cầu của phía nước ngoài nhưng không được.

Bị cáo khai rằng không có ý thức chống lại chính quyền. Về vấn đề này, Hội đồng xét xử đánh giá: bị cáo là người đã trưởng thành, sinh trưởng trong một gia đình có bố là đảng viên, đã từng là cán bộ chỉ huy đơn vị bảo vệ biên giới, có anh trai làm cán bộ nghiệp vụ tại Ủy ban nhân dân xã; bị cáo đã được học tập về chính trị, nghiệp vụ tại trường trung cấp thương mại Trung ương 4 Thái Nguyên, do đó bị cáo phải nhận thức được việc làm của mình là giúp cho các thế lực thù địch nước ngoài chống phá lại Nhà nước ta, hành vi của bị cáo là cố ý, thể hiện ý thức chủ quan của bị cáo là để nước ngoài chống phá nhà nước ta. Theo Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Nghị định số 33 ngày 28/3/2002 của Chính phủ và Thông tư số 12 ngày 13/9/2002 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này thì ở thời điểm bị cáo thu thập, cung cấp tài liệu cho nước ngoài các tài liệu đó không phải là tài liệu mật, thuộc các loại tài liệu khác; do đó hành vi này của bị cáo cần được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn so với trường hợp chuyển giao tài liệu mật… Bị cáo phạm tội do bị mua chuộc và ép buộc của nước ngoài, động cơ phạm tội không phải từ vấn đề chính trị như hận thù giai cấp, bất mãn chế độ… mà do ham lợi vật chất. Tổng hợp các tình tiết này, Hội đồng xét xử xác định bị cáo “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 điều 80 BLHS với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 15 năm, là khoản nhẹ hơn, trên cơ sở đó xem xét về hình phạt đối với bị cáo.

Bị cáo đã 3 lần chuyển giao tài liệu cho người nước ngoài, như vậy là phạm tội nhiều lần, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với bị cáo… Về số tiền 8000 tệ mà bị cáo đã nhận của tên Lương, đây là số tiền phía nước ngoài bỏ ra mua chuộc bị cáo làm gián điệp chứ không thuần túy là việc tặng cho, do đó phải truy thu số tiền này là đúng.

Với chứng minh và phân tích ở trên, Hội đồng xét xử đã áp dụng khoản 2 Điều 80; Điều 92; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1 Điều 41 BLHS, sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Hoàng Minh Thuận 08 năm tù về tội gián điệp; quản chế bị cáo 5 năm tại nơi cư trú sau khi mãn hạn tù, giao bị cáo cho UBND xã nơi bị cáo cư trú quản lý, giám sát, giáo dục trong thời gian quản chế; truy thu của bị cáo 37.200.000 đồng sung công quỹ.

Có thể nhận thấy, căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo là do Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá ở thời điểm bị cáo thu thập, chuyển giao cho nước ngoài các tài liệu trên thì các tài liệu đó đã được công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông, không còn là tài liệu mật theo quy định của pháp luật, nên hành vi chuyển giao các tài liệu này của bị cáo không có ý nghĩa gì đối với nước ngoài trong việc chống phá ta; ngoài ra, bị cáo là người có nhân thân tốt, sinh trưởng trong gia đình có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động cơ phạm tội đơn thuần do hám lợi vật chất. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo được Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá là  “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 80 BLHS là khoản nhẹ hơn so với khoản 1 mà tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng, theo đó giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là đánh giá đúng bản chất của vụ án, có căn cứ pháp luật.

Có ý kiến cho rằng về thủ tục tố tụng, bị cáo không bị kháng nghị tăng nặng nên Tòa án cấp phúc thẩm không thể áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” đối với bị cáo vì như vậy là làm “xấu đi tình trạng của bị cáo”. Về vấn đề này, tác giả thấy:

* Điều 238 BLTTHS về “Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị” quy định: “1. Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo;…”. Quy định này chỉ dành cho người có quyền kháng cáo, kháng nghị khi thực hiện quyền bổ sung hoặc thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm; không áp dụng đối với Tòa án cấp phúc thẩm khi ra bản án phúc thẩm.

* Điều 245 BLTTHS về “Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm” quy định: “1…. 2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. …”. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi đối với người kháng cáo vắng mặt; trong vụ án này bị cáo Hoàng Minh Thuận có mặt tại phiên tòa.

* Theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành Điều 245 của BLTTHS, tại mục a phần 3.3 đã giải thích như thế nào là “Bản án hoặc quyết định được coi là không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt tại phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Đối với bị cáo, nếu Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt; chuyển khung hình phạt nặng hơn; áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; không cho hưởng án treo đối với bị cáo được Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo; tăng mức bồi thường thiệt hại; áp dụng thêm hình phạt bổ sung; áp dụng thêm biện pháp tư pháp so với bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.

Theo quy định và hướng dẫn trên thì ở vụ án này, Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với bị cáo Hoàng Minh Thuận là đúng.

  1. Vụ tuyên truyền chống Nhà nước ở Nghệ An

Vụ án có nhiều người tham gia, cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can, nhưng các bị can Nguyễn Xuân Kim, Trịnh Văn Thương, Đặng Xuân Tương, Hoàng Đức Ái đã bỏ trốn, chỉ có 4 bị cáo bị truy tố, gồm: bị cáo Đậu Văn Dương, sinh năm 1988; bị cáo Trần Hữu Đức, sinh năm 1988; bị cáo Chu Mạnh Sơn, sinh năm 1989; bị cáo Hoàng Phong, sinh năm 1987;

Tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Sau khi liên lạc với đối tượng Nguyễn Văn Lý trên điện thoại, khoảng tháng 3/2011, Đậu Văn Dương, Nguyễn Xuân Kim, Trần Hữu Đức gặp Nguyễn Văn Lý tại thành phố Huế (Nguyễn Văn Lý nguyên là linh mục thuộc giáo phật Huế, đang trong thời gian được Tòa án tạm đình chỉ thi hành án phạt tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước để chữa bệnh). Khi gặp nhau, Dương, Kim, Đức được Nguyễn Văn Lý gợi ý việc rải truyền đơn kêu gọi nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII ngày 22/5/2011 và Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nguyễn Văn Lý hứa sẽ cung cấp kinh phí, gửi nội dung truyền đơn cho nhóm của Dương thực hiện việc này. Chi phí cho chuyến đi này của nhóm Dương được Nguyễn Văn Lý chi trả, Lý còn gửi cho mẹ của Dương 200 USD.

Ngày 04/5/2011, Nguyễn Văn Lý gửi cho Dương 8.160.000 đồng, Dương dùng tiền này mua máy in và chi phí phục vụ cho việc in, rải truyền đơn sau này.

Ngày 17/5/2011, Nguyễn Văn Lý gửi hai mẫu truyền đơn cho Dương theo địa chỉ hộp thư điện tử, nội dung truyền đơn là: “Dân là chủ- Đất nước của nhân dân; Dân là chủ- không đi bầu cử Quốc hội do Cộng sản độc diễn; Dân chủ phải có đa nguyên đa đảng, đa nguyên đa đảng là vững bền; không tín nhiệm Quốc hội một đảng…”.

Chiều 19/5/2011, Dương, Kim, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức gặp nhau ở thành phố Vinh. Tại đây, Dương lấy trong máy tính của mình ra 2 mẫu truyền đơn của Lý gửi, đưa cho Kim; chưa vừa ý về hình thức, Kim đã sửa lại trên máy, giữ nguyên nội dung nhưng bố trí trên một tờ A4 có 4 tờ truyền đơn nhỏ có nội dung trên để sau khi in sẽ cắt làm 4 tờ truyền đơn nhỏ. Dương đưa cho Kim và Sơn 600.000 đồng để in truyền đơn. Kim và Sơn đến một cửa hàng photocopy thuê in khoảng hơn 1000 tờ khổ giấy A4. Khoảng 22 giờ cùng ngày 19/5/2011, tại nơi ở của Trịnh Văn Thương; Đậu Văn Dương, Nguyễn Xuân Kim, Trịnh Văn Thương, Chu Mạnh Sơn, Hoàng Phong, Đặng Xuân Tương, Hoàng Đức Ái, Trần Hữu Đức tập trung cắt truyền đơn, đóng thàng từng gói, đến khoảng 01 giờ ngày 20/5/2011 thì chuẩn bị xong. Ngay sau đó, các đối tượng chia thành 3 nhóm, mang truyền đơn rải tại một số điểm thường có đông người qua lại như trước cổng trụ sở Ủy ban nhân dân huyện, xã, thị trấn, trường học, nhà thờ, bệnh viện, chợ tại 4 huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành thuộc tỉnh Nghệ An. Các nhóm rải đến gần sáng 20/5/2011 thì hết số truyền đơn mang theo. Trong quá trình rải, các đối tượng còn dùng máy ảnh chụp lại cảnh rải truyền đơn, giao cho Dương và Kim để gửi cho Nguyễn Văn Lý báo cáo kết quả.

Ngày 20 và 21/5/2011, nhân dân, chính quyền, công an các địa phương đã thu lượm được số truyền đơn do các đối tượng trên rải, báo cáo về công an các huyện. Theo báo cáo của Công an các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành thì tổng số thu được 5350 tờ truyền đơn mỗi tờ có kích thước bằng ¼ tờ giấy khổ A4, có nội dung ghi như nêu trên.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 4 đối tượng trên, thu giữ các phương tiện dùng vào việc in, rải truyền đơn, gồm nhiều máy tính xách tay, thẻ nhớ, máy ảnh, máy in, điện thoại di động, xe mô tô. Kiểm tra ổ cứng máy tính, Cơ quan điều tra còn thu giữ một số tài liệu, gồm 2 mẫu truyền đơn ở trên và các tài liệu kêu gọi tẩy chay bầu cử, đa nguyên đa đảng…

Cơ quan điều tra đã ghi lời khai của Nguyễn Văn Lý, Lý thừa nhận đã phát lên mạng nội dung ghi trong truyền đơn nhưng không nhận có quan hệ, chỉ đạo, cung cấp tiền cho nhóm của Dương hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã truy tố các bị cáo Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn, Hoàng Phong về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo điểm c khoản 1 Điều 88 BLHS.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2012/HSST ngày 24/5/2012, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bố các bị cáo Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn, Hoàng Phong phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, xử phạt các bị cáo như sau:

– Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 88; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 92 BLHS, xử phạt bị cáo Đậu Văn Dương 42 tháng tù, Trần Hữu Đức 39 tháng tù, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù; áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế với ba bị cáo này từ 12 đến 18 tháng sau khi mãn hạn tù. Riêng bị cáo Hoàng Phong do vai trò thấp hơn các bị cáo khác và có thêm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS nên Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng.

Các bị cáo Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn kháng cáo cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

– Các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xét lại hai nội dung: Cơ quan điều tra không giải thích quyền của các bị can được mời Luật sư; các bị cáo không có ý thức chống Nhà nước, hành vi của các bị cáo không phạm tội Tuyên truyền chống Nhà nước.

– Cả ba Luật sư bào chữa đều cho rằng Cơ quan điều tra đã vi phạm thủ tục tố tụng hình sự như việc bắt giữ người, triệu tập người làm chứng, về giải thích quyền của bị can, trong đó có quyền mời luật sư ngay từ khi bị bắt giữ; các Luật sư còn tập trung phân tích về cấu thành tội phạm, cho rằng các bị cáo không có ý thức chống lại Nhà nước hoặc làm suy yếu Nhà nước, ngược lại các bị cáo mong muốn cho Nhà nước mạnh lên; do đó, hành vi của các bị cáo không cấu thành tội phạm này, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, truy tố lại; có Luật sư đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội, trả tự do ngay cho các bị cáo tại phiên tòa. Có Luật sư cho rằng việc các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đánh giá Nguyễn Văn Lý là kẻ chủ mưu nhưng Nguyễn Văn Lý không bị truy tố, không có người chủ mưu thì làm sao có người đồng phạm? Có Luật sư còn sử dụng Từ điển tiếng Việt, cho rằng nội hàm của động từ “Tuyên truyền” không bao gồm hành vi “rải truyền đơn” nên không thể căn cứ vào hành vi “rải truyền đơn” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội Tuyên truyền chống nhà nước. Có Luật sư cho rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; việc các bị cáo rải truyền đơn có nội dung như trên cũng chỉ là thực hiện quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp, không thể coi đó là hành vi phạm tội.

Hội đồng xét xử đã nhận xét về vụ án, đánh giá về nội dung kháng cáo của các bị cáo và nội dung bào chữa các Luật sư thể hiện tại bản án phúc thẩm như sau:

1. Về thủ tục tố tụng:

– Về việc không có luật sư tham gia các lần hỏi cung bị can trong giai đoạn điều tra, Hội đồng xét xử thấy:

Thứ nhất: Đây là loại tội không thuộc trường hợp bắt buộc các cơ quan tiền hành tố tụng phải yêu cầu Luật sư bào chữa cho bị cáo theo quy định tại khoản 2 điều 57 BLTTHS vì các bị cáo là người trên 18 tuổi, đầy đủ năng lực hành vi; tội phạm các bị cáo bị khởi tố không có hình phạt đến tử hình.

Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 BLTTHS thì “… Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”

Do đó việc Cơ quan điều tra không yêu cầu Luật sư tham gia tố tụng ở gia đoạn điều tra vụ án này là có căn cứ pháp luật, không sai.

– Ý kiến của một Luật sư về nội dung khi tiến hành bắt giữ Chu Mạnh Sơn, Cơ quan điều tra đã mời người làm chứng nhưng người này không phải là người địa phương nên không thể làm chứng, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử thấy: khi tiến hành bắt giữ Chu Mạnh Sơn, Cơ quan điều tra có mời bà Hồ Thị Thanh với mục đích là người chứng kiến việc Cơ quan điều tra bắt người; bà Thanh không biết gì về việc rải truyền đơn của các bị cáo nên bà Thanh không phải là người làm chứng trong vụ án này theo quy định tại Điều 55 BLTTHS, Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến này của Luật sư.

– Ý kiến của một Luật sư về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự Nguyễn Văn Lý là người chủ mưu thì không thể có người đồng phạm là các bị cáo trong vụ án này; Hội đồng xét xử thấy: lời khai của bị cáo Đậu Văn Dương và bị cáo Trần Hữu Đức tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm cơ bản có sự nhất quán và phù hợp với nhau về nội dung các bị cáo đã gặp Nguyễn Văn Lý, được Lý hướng dẫn rải truyền đơn bằng cách thả bóng bay, được Lý gửi nội dung truyền đơn theo hộp thư điện tử của Dương, được Lý cung cấp tiền mua máy in để in truyền đơn, mua máy ảnh để chụp cảnh rải truyền đơn; sau khi nhóm của Dương rải truyền đơn xong thì Dương đã gửi ảnh cho Lý để báo cáo kết quả, được Lý khen là làm rất tốt… Nguyễn Văn Lý thừa nhận có đưa nội dung truyền đơn lên mạng internet, nội dung này giống với nội dung truyền đơn do cơ quan điều tra thu giữ được trong máy tính của Dương và các tờ truyền đơn thu giữ được tại hiện trường; mặc dù không nhận chỉ đạo, xúi giục, cung cấp tiền cho nhóm của Dương nhưng Nguyễn Văn Lý vẫn khai rằng “nếu tôi có chỉ đạo, xúi giục… thì cũng không bao giờ khai ra” (bút lục số 253-254 có trong hồ sơ vụ án). Tổng hợp những yếu tố này thì có đủ căn cứ để truy tố Nguyễn Văn Lý trong cùng vụ án; vì giới hạn của việc xét xử theo quy định tại điều 196 BLTTHS nên Tòa án không thể xét xử Nguyễn Văn Lý cùng các bị cáo này, nhưng không thể vì thế mà cho rằng không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo Dương, Đức, Sơn, Phong như ý kiến của Luật sư.

– Ý kiến của Luật sư về quyền tự do ngôn luận, Hội đồng xét xử thấy Luật sư nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này, theo quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992 thì “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”. Theo quy định Điều 2 Luật Báo chí về Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thì: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí… Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân…”

Truyền đơn không phải là loại hình báo chí quy định trong Luật báo chí, việc các bị cáo lén lút rải truyền đơn trong đêm không thể coi là việc công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mình, chính các bị cáo hiểu rõ hành vi rải truyền đơn của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý vi phạm pháp luật.

  1. Về tội danh:

Các bị cáo đều thừa nhận đã thực hiện hành vi như nêu trên, lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm có nội dung nhất quán, có đủ căn cứ kết luận các bị cáo đã có hành vi in, cắt, rải tới hơn 5000 tờ truyền đơn có nội dung phản đối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi đa nguyên đa đảng, kêu gọi nhân dân tẩy chay, không đi bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tại một số địa điểm thuộc các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Các bị cáo là những người được đào tạo kiến thức về chuyên môn, chính trị tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp, có hiểu biết nhất định về chính trị, pháp luật, xã hội. Hành vi mà các bị cáo thực hiện là những hành vi khách quan trong cấu thành tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 BLHS, đó là: “c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”. Nội dung nào cũng thông qua hình thức mà thể hiện, hành vi khách quan nêu trên của các bị cáo thể hiện tư tưởng, ý thức chủ quan của các bị cáo là chống Nhà nước, kêu gọi mọi người chống Nhà nước như chính các bị cáo đã khai nhận tại cơ quan điều tra mà Hội đồng xét xử đã dẫn ra ở trên. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội qua đó đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân… Hành vi khách quan do các bị cáo đã thực hiện phản ánh ý thức chủ quan của các bị cáo là nhằm chống lại chính quyền nhân dân, hành vi đó cấu thành tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 BLHS …

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án đồng phạm và vận dụng chính sách khoan hồng đối với người phạm tội nhưng đã ăn năn hối cải, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Chu Mạnh Sơn, bản án phúc thẩm có đoạn viết: “… sau khi nghe Hội đồng xét xử phân tích, giáo dục, bị cáo Chu Mạnh Sơn đã nhận rõ tội phạm của mình, thể hiện thái độ ăn năn hối cải, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, đây là một trong hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS… vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Hội đồng xét xử sẽ giảm cho bị cáo một phần hình phạt, thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội nhưng đã ăn năn hối cải. Hội đồng xét xử không giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo Đậu Văn Dương và Trần Hữu Đức vì các bị cáo này không ăn năn hối cải.”

Với nhận xét trên, Hội đồng xét xử đã y án sơ thẩm đối với các bị cáo Đậu Văn Dương và Trần Văn Đức; giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Chu Mạnh Sơn từ 36 tháng xuống còn 30 tháng tù. Theo chúng tôi đánh giá, Tòa án hai cấp đã xét xử tốt vụ án này.

  1. KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ; CHUẨN BỊ MỞ PHIÊN TÒA; ĐIỀU KHIỂN PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA

Ngay sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án tỉnh, thành phố hoặc Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao cần giao cho Thẩm phán có kiến thức nghiệp vụ chắc chắn, lý luận chính trị vững vàng, nhiều kinh nghiệm trong xét xử làm chủ tọa phiên tòa, đồng thời lựa chọn, phân công các thành viên trong Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa, đảm bảo có một Hội đồng xét xử vững để xét xử vụ án một cách tốt nhất.

  1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án xâm phạm an ninh quốc gia

Kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án là một trong những yếu tố quyết định sự thành công việc xét xử vụ án đó tại phiên tòa công khai. Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc nghiên cứu một hồ sơ vụ án nói chung và vụ án xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng, nhằm mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu hồ sơ là: kiểm tra xem hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra và cơ quan truy tố đã tuân thủ đúng các quy định của BLTTHS hay chưa, với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì đã làm rõ cấu thành tội phạm mà bị cáo bị truy tố chưa… Có nhiều cách tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ vụ án khác nhau, sau đây có thể là một trong những cách nghiên cứu tốt:

  1. a) Sắp xếp lại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án:

Thẩm phán không nên có tác phong cứ nhận hồ sơ là đọc ngay, mà cần sắp xếp cc tài liệu có trong hồ sơ để việc nghiên cứu được thuận lợi; nếu cơ quan điều tra và cơ quan truy tố đã sắp xếp khoa học, phù hợp với việc nghiên cứu của mình rồi thì có thể không cần phải sắp xếp lại; nếu thấy cần phải sắp xếp lại thì có thể thực hiện như sau:

– Các tài liệu về tin báo tội phạm, về phạm pháp quả tang và các tài liệu liên quan đến nội dung này (nếu có);

– Các tài liệu về bắt tạm giữ, tạm giam và các tài liệu liên quan;

– Các tài liệu phản ánh việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các tài liệu liên quan đến việc này;

– Lời khai của người bị tạm giữ, bản cung của bị can: cần được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ đầu khi bị bắt giữ đến khi kết thúc điều tra, truy tố. Sắp xếp theo cách này, khi nghiên cứu, Thẩm phán có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý của bị can, từ đó chủ động khi xét hỏi tại phiên tòa công khai. Có nhiều trường hợp, trong giai đoạn điều tra, bị can khai nhận tội, nhưng đến khi nhận bản cáo trạng, thì bị cáo lại phản cung, cho rằng mình bị ép cung…, thể hiện tại biên bản giao nhận cáo trạng, tức là kêu oan, nếu Thẩm phán không đọc đến biên bản này thì cứ nghĩ rằng bị cáo đã nhận tội, không có phương án chứng minh tội phạm tại phiên tòa khi bị cáo kêu oan.

– Các biên bản đối chất giữa các bị can với nhau; giữa bị can với nhân chứng; giữa bị can với người bị hại; giữa bị can với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng cần được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ trước về sau.

– Lời khai của người bị hại (nếu có), của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, của người làm chứng,…

– Các tài liệu giám định: gặp trường hợp có nhiều kết luận giám định về cùng một nội dung có kết quả khác nhau thì các tài liệu này cũng cần được sắp xếp lại theo thứ tự thời gian.

– Các tài liệu xác minh liên quan đến nhân thân người phạm tội như quá trình học tập, làm việc, sinh hoạt…

– Đặc biệt lưu ý: không lưu hồ sơ vụ án các tài liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng họp trù bị, các báo cáo của các cơ quan này với cấp ủy cùng cấp và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi kiểm tra hồ sơ vụ án để thụ lý theo quy định, nếu thấy những tài liệu này, Thư ký phải lấy ra, báo cáo ngay với Thẩm phán hoặc lãnh đạo Tòa án để giải quyết, nguyên tắc là không được lưu hồ sơ vụ án những tài liệu này.

Việc sắp xếp lại hồ sơ vụ án theo hướng trên giúp Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án thuận lợi và hiệu quả hơn, tuy nhiên phải đầu tư thời gian, công sức, nhất là đối với vụ án có nhiều bị cáo, nhiều hành vi, nhiều tài liệu. Để giải quyết việc này, Thẩm phán có thể giao nhiệm vụ, yêu cầu Thư ký thực hiện.

  1. b) Nghiên cứu hồ sơ vụ án:

Trên cơ sở hồ sơ đã được sắp xếp như trên, Thẩm phán cần có kế hoạch nghiên cứu hồ sơ một cách khoa học, đảm bảo sao cho trong một thời gian ngắn nhất (có thể) ra được quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (đối với Tòa án cấp sơ thẩm) hoặc ấn định ngày mở phiên tòa phúc thẩm (đồi với Tòa án cấp phúc thẩm). Vậy nghiên cứu tài liệu nào trước, nghiên cứu như thế nào?

– Trước hết cần kiểm tra các tài liệu về bắt tạm giữ, tạm giam đối với từng bị cáo để xác định thời hạn tạm giam của mỗi bị cáo còn bao nhiêu ngày; thông thường, chỉ cần kiểm tra biên bản bắt và lệnh tạm giam cuối cùng của Viện kiểm sát là xác định được bị cáo đã bị bắt tạm giam bao nhiêu ngày, từ đó làm lệnh tạm giam đúng thời hạn; nếu gặp trường hợp phải thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác thì phải kiểm tra các tài liệu là căn cứ chứng minh cho việc quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn. Dù là ra quyết định tạm giam hay thay đổi biện pháp ngăn chặn thì Thẩm phán phải trình Chánh án (hoặc Chánh tòa phúc thẩm TAND Tối cao, nếu xét xử phúc thẩm) ký theo đúng quy định của BLTTHS. Thực tế xét xử loại tội phạm này cho thấy ít trường hợp bị cáo được tại ngoại, do đó Tòa án cần phải chặt chẽ, hạn chế việc thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác.

– Tiếp đó là xem các tài liệu phản ánh việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để biết Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội gì, khởi tố từ ngày tháng năm nào. Việc xác định ngày khởi tố vụ án, khởi tố bị can là một trong những căn cứ để khi xét xử, Tòa án có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là tự thú ra hành vi phạm tội của mình hoặc xác định hành vi của bị cáo là “chuẩn bị phạm tội”, “phạm tội chưa đạt”, hay “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”.

– Đọc bản Kết luận điều tra để nắm nội dung của vụ án, biết được Cơ quan điều tra đã kết luận các bị can phạm tội gì.

– Đọc Bản cáo trạng để biết bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về những hành vi nào, về tội danh gì, theo điểm, khoản nào của điều luật tương ứng. Nếu gặp trường hợp Viện kiểm sát truy tố không giống như quan điểm của Cơ quan điều tra tại Bản kết luận điều tra thì Thẩm phán cần phải chú trọng hơn nữa khi đọc các tài liệu liên quan khác để đánh giá quan điểm của Cơ quan điều tra đúng hay truy tố của Viện kiểm sát đúng.

– Đọc lời khai, bản cung của từng bị can:

* Là một việc làm bắt buộc với các Thẩm phán, nhất là với loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, bởi lẽ các bị cáo thường không bao giờ tự nhận mình có ý thức chống lại chính quyền nhân dân mà chỉ nhận là do nhận thức pháp luật hạn chế, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ham lợi vật chất nên đã nghe theo kẻ xấu, bị rủ rê, lôi kéo… Đọc các tài liệu này không chỉ để xác định hành vi khách quan mà qua đó để đánh giá ý thức chủ quan của bị cáo, làm căn cứ chứng minh tội phạm.

* Đọc thứ tự từ lời khai đầu tiên đến bản cung cuối cùng; khi đọc cần đặc biệt chú ý những nội dung, tình tiết phản ánh về nhận thức, thái độ, quan điểm chính trị, động cơ, mục đích của việc thực hiện hành vi… qua đó làm căn cứ để đánh giá, kết luận về ý thức chủ quan của bị cáo có hay không có ý thức chống chính quyền nhân dân, từ đó mới có căn cứ kết tội bị cáo theo như truy tố hoặc về một tội phạm khác nhẹ hơn, hoặc về một tội phạm không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia. Sự nhất quán hoặc không nhất quán trong quá trình khai báo của bị cáo ở giai đoạn điều tra là một trong những yếu tố để củng cố niềm tin của Thẩm phán khi chứng minh tội phạm.

Trường hợp bị cáo không khai nhận từ giai đoạn điều tra thì việc khai thác các lời khai của các bị can khác trong vụ án để chứng minh tội phạm đối với bị cáo đó phải được chú trọng vì đây là những chứng cứ có giá trị; thậm chí có những trường hợp đó là chứng cứ duy nhất để kết tội hoặc gỡ tội.

– Đọc các tài liệu khác:

Thẩm phán cần phải dành thời gian thích hợp để nghiên cứu, ghi chép nội dung chính của các tài liệu này vì đây là những chứng cứ có tính chất bổ trợ, gián tiếp chứng minh tội phạm. Có những trường hợp chứng cứ trực tiếp không đủ để chứng minh tội phạm, thì trong trường hợp khai thác được những tài liệu này sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc giải quyết vụ án.

 Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án mà cốt lõi là đọc lời khai, bản cung của các bị cáo và các tài liệu cần thiết khác trong hồ sơ vụ án chỉ có hiệu quả khi Thẩm phán chịu khó ghi chép, trích nội dung các lời khai đó vào tiểu hồ sơ của mình. Vấn đề ở chỗ ghi chép những gì; điều này ngoài tính cần cù, phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức chuyên môn của Thẩm phán, chứ không phải cái gì cũng chép lại. Như nói ở trên, sau khi đã sơ bộ định dạng được tội danh, đến khi đọc các lời khai, bản cung của bị can, căn cứ vào cấu thành tội phạm của tội phạm đó, Thẩm phán phải biết những tình tiết, dấu hiệu nào được thể hiện trong các lời khai, bản cung và trong các tài liệu khác là chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội để ghi chép, trích ra; đây cũng chính là một phần trong bản án của Hội đồng xét xử sau này.

  1. Chuẩn bị mở phiên tòa

Chuẩn bị đưa một vụ án xâm phạm an ninh quốc gia ra xét xử là một việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử tại phiên tòa công khai. Ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, triệu tập phiên tòa còn nhiều việc cần chú ý thực hiện trong giai đoạn này:

  1. a) Tòa án cần phối hợp với Cơ quan điều tra và Trại tạm giam làm tốt việc giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, lập biên bản của việc giao nhận; trong biên bản này, ngoài nội dung giao nhận, Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án cần hỏi bị cáo về việc mời luật sư, từ chối hoặc thay đổi luật sư, thông báo cho bị cáo biết việc Tòa án đã yêu cầu Đoàn luật sư phân công luật sư bào chữa cho bị cáo… Tất cả những nội dung này cần được ghi vào biên bản;
  2. b) Phân công Thư ký Tòa án quản lý hồ sơ vụ án trong thời gian luật sư nghiên cứu hồ sơ.Hồ sơ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia là tài liệu tối mật, do đó các luật sư chỉ được đọc và ghi chép, không được phô tô, chụp nguyên bản bất cứ tài liệu nào có trong hồ sơ(Theo Quyết định số 01/2004/QĐ-TTg ngày 05/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành Tòa án nhân dân và Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tòa án nhân dân được ban hành kèm theo Quyết định số 12/2004/QĐ-TANDTC ngày 12/8/2004 của Chánh án TAND Tối cao).
  3. c) Giải quyết yêu cầu của các cơ quan truyền thông trong nước, các tổ chức nước ngoài về việc đưa tin, tham dự phiên tòa:

Việc đưa tin xét xử vụ án xâm phạm an ninh quốc gia trên các phương tiện thông tin cần thận trọng, Tòa án không thể tự mình cho cơ quan truyền thông, tổ chức quốc tế nào được tham dự phiên tòa để đưa tin mà phải báo cáo lãnh đạo cấp ủy địa phương và Ban cán sự đảng TAND Tối cao (theo quy định thì phải báo cáo toàn diện vụ án) để được chỉ đạo.

  1. d) Lãnh đạo Tòa án tổ chức họp trù bị theo quy định để các cơ quan chức năng triển khai nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Tòa án đảm bảo cho phiên tòa diễn ra được an toàn, đúng pháp luật.

đ) Phối hợp với Cơ quan công an lên kế hoạch bảo vệ phiên tòa, trích xuất, dẫn giải, cách ly bị cáo (nếu cần).

  1. Xét xử vụ án xâm phạm an ninh quốc gia tại phiên tòa công khai

Bất kì một vụ án nào về tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng đều được các Tòa án chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng để việc xét xử tại phiên tòa công khai đạt kết quả cao nhất. Xét xử vụ án tại phiên tòa công khai còn tập trung rất nhiều công sức của các cơ quan chức năng khác. Nếu việc xét xử của Tòa án tại phiên tòa công khai không tốt, trước tiên sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến vị thế của Tòa án nói riêng, sau đó ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, đến tình hình chính trị nói chung.

  1. a) Thủ tục khai mạc phiên tòa:

Về thủ tục bắt đầu phiên tòa được quy định tại Điều 201 BLTTHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại mục 1 phần III Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004.

– Phần này phụ thuộc hoàn toàn vào vai trò của Thẩm phán chủ tọa và Thư ký phiên tòa, cần chú ý như sau:

* Thư ký phiên tòa kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng theo lệnh trích xuất bị cáo, theo giấy triệu tập; phổ biến nội quy phiên tòa. Tác phong, giọng điệu, sự tự tin của Thư ký phiên tòa ngay từ phút đầu tiên của phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đem lại sự trang nghiêm, nghiêm túc của phiên tòa. Cần chọn các Thư ký có năng lực, kinh nghiệm khi xét xử những vụ án này. Nếu có người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Thư ký phiên tòa phải báo cáo ngay với Thẩm phán chủ tọa trước khi Hội đồng xét xử ra phòng xử án để Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên chủ động phương án xử lý tình huống này.

* Khi Hội đồng xét xử ra phòng xét xử, chờ cho mọi người có mặt trong phòng xử án đứng nghiêm, trật tự thì Thẩm phán chủ tọa mới cho mọi người ngồi. Tiếp đó Thẩm phán chủ tọa thực hiện những việc làm được quy định tại Điều 201 BLTTHS. Chú ý ở phần phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, Thẩm phán chủ tọa tránh nhầm lẫn, phổ biến thiếu, thừa (ví dụ: quyền nói lời sau cùng chỉ dành cho các bị cáo, không dành cho người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; người có quyền, nghĩa vụ liên quan chỉ được kháng cáo về phần bản án sơ thẩm có liên quan đến đến chính người đó, không có quyền kháng cáo về tội danh và hình phạt đối với bị cáo…). Khi thực hiện những nội dung này, Thẩm phán chủ tọa cần phải mạch lạc, dứt khoát, tạo sự tập trung chú ý theo dõi của những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa ngay từ đầu.

– Khi kiểm tra căn cước của bị cáo, Thẩm phán chủ tọa không hỏi về tín ngưỡng tôn giáo của bị cáo. Thực tế giải quyết loại án xâm phạm an ninh quốc gia, có nhiều vụ án tập trung hầu hết các bị cáo tham gia đạo Thiên chúa, đây là vấn đề nhạy cảm… Trong quá trình thẩm vấn cũng không nên đụng chạm đến vấn đề này; trong bản án không được ghi nội dung bị cáo có tín ngưỡng tôn giáo ở phần căn cước của bị cáo.

  1. b) Giải quyết tình huống bị cáo, Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa:

Một trong những quan tâm, lo lắng nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng là xảy ra tình huống phải hoãn phiên tòa xét xử một vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Việc hoãn phiên tòa không chỉ gây tốn kém về vật chất, hơn thế nữa còn gây ảnh hưởng về dư luận, nhất là đối với những vụ án có liên quan đến nước ngoài, các thế lực chống đối ta luôn tìm mọi cách xuyên tạc nội dung vụ án, gây sức ép về dư luận chính trị… Phương châm là không để việc hoãn phiên tòa xảy ra do những sơ suất, sơ hở của Tòa án trong việc triệu tập phiên tòa; đồng thời khai thác tối đa những quy định của BLTTHS để không hoãn phiên tòa một cách “dễ dãi”. Tại phiên tòa, thường gặp các trường hợp bị cáo hoặc luật sư của bị cáo xin hoãn phiên tòa là: từ chối luật sư đã có mặt để mời luật sư khác; vắng người làm chứng; kêu ốm tại phiên tòa không thể khai báo được; xin thay đổi người tiến hành tố tụng;

– Tình huống bị cáo xin hoãn phiên tòa với lý do thay đổi luật sư:

* Thông thường, ở giai đoạn điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, vì cần giữ bí mật điều tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không cho luật sư tham gia từ khi khởi tố bị can cho đến khi kết thúc điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 58 BLTTHS. Nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử ở khung hình phạt đến mức tử hình, có ý kiến cho rằng nếu không cho luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra thì quy định tại khoản 1 Điều 58 BLTTHS là mâu thuẫn với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 57 Bộ luật này. Tuy nhiên, có một số vụ án, sau khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, Viện kiểm sát tiến hành hỏi cung bị can trước khi ra bản cáo trạng, lúc này Viện kiểm sát mới yêu cầu Đoàn luật sư cử Luật sư tham gia tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa của bị can.

* Khi xét xử, việc Tòa án có yêu cầu Đoàn Luật sư cử Luật sư bào chữa cho bị cáo hay không phải căn cứ vào khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố, nếu khung hình phạt đến tử hình thì phải có Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa theo đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 BLTTHS. Trường hợp bị cáo bị truy tố, xét xử theo tội danh không có hình phạt đến tử hình (như tội Tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 BLHS, hình phạt cao nhất là 20 năm) thì Tòa án vẫn phải chủ động yêu cầu Luật sư bào chữa cho bị cáo, đề phòng ra phiên tòa bị cáo yêu cầu có luật sư bào chữa thì Tòa án đã chủ động chuẩn bị, không phải hoãn phiên tòa.

* Trong mọi trường hợp, người bào chữa do bị cáo mời hoặc do Tòa án yêu cầu thì Tòa án cần trao đổi trước, yêu cầu người bào chữa có nghĩa vụ tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật, không được tùy tiện vắng mặt, dẫn đến phải hoãn phiên tòa.

* Tại phiên tòa, khi bị cáo đề nghị thay đổi người bào chữa, Hội đồng xét xử có quyền xem xét và quyết định chấp nhận hay không chấp nhận (Xem mục 3 phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao). Nếu Tòa án đã làm đầy đủ những việc trên và người bào chữa đã có mặt tại phiên tòa (kể cả người bào chữa do bị cáo mời hoặc do Tòa án yêu cầu), thì không chấp nhận đề nghị của bị cáo về việc thay đổi người bào chữa, không hoãn phiên tòa.

– Tình huống bị cáo, luật sư của bị cáo xin hoãn phiên tòa vì vắng mặt người làm chứng:

* Người làm chứng trong vụ án, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định tại Điều 55 BLTTHS.

* Khi quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phải xác định được những người cần triệu tập đến phiên tòa, trong đó có người làm chứng. Thông thường, trước khi triệu tập phiên tòa, Tòa án và Cơ quan điều tra trao đổi để có sự phối hợp trong việc giao giấy triệu tập và đôn đốc, động viên, tạo mọi điều kiện để người được triệu tập có mặt tại phiên tòa; nhiều trường hợp cơ quan điều tra phải trực tiếp đưa họ đến phiên tòa để đảm bảo phiên tòa không bị hoãn vì lý do vắng mặt người làm chứng.

* Trường hợp vụ án có nhiều người làm chứng, việc triệu tập người làm chứng nào cần có sự lựa ch��n, không nên triệu tập tràn lan; chú ý triệu tập người làm chứng trực tiếp, người có lời khai nhất quán tại cơ quan điều tra; không nhất thiết phải triệu tập nhiều người làm chứng về cùng một sự việc, chọn người nào có lời khai rõ ràng, đầy đủ nhất mà triệu tập.

* Nếu Tòa án đã phối hợp với Cơ quan điều tra làm tốt những việc trên, người làm chứng đã nhận giấy triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa hoặc có người đến, có người không đến thì cũng không vì thế mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa; đối với người làm chứng vắng mặt, trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử sẽ công bố các lời khai của họ tại cơ quan điều tra.

– Khi gặp tình huống bị cáo kêu ốm không thể khai báo được:

* Đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, án xâm phạm an ninh quốc gia, cơ quan công an rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho bị cáo để phiên tòa không bị hoãn vì lý do bị cáo ốm đau, bệnh tật. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, cơ quan công an cũng thường xuyên thông báo cho Tòa án về tình trạng sức khỏe của bị cáo. Tại phiên tòa, cơ quan công an hoặc Tòa án luôn chủ động bố trí lực lượng y tế để có thể xử lý các tình huống bệnh tật thông thường cho bị cáo.

* Khi có căn cứ xác định bị cáo giả vờ ốm đau, đau ít thành đau nhiều… không thể khai báo được để nhằm trì hoãn việc xét xử thì Hội đồng xét xử căn cứ vào kết quả kiểm tra sức khỏe của bác sỹ tại phiên tòa, theo đó không chấp nhận đề nghị của bị cáo, tiếp tục xét xử; có thể cho bị cáo ngồi trong quá trình xét hỏi. Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định bị cáo đau yếu thật, không thể khai báo được tại phiên tòa, nếu tiếp tục xét xử có thể không đạt yêu cầu và nguy hiểm đến sức khỏe của bị cáo thì cần phải quyết định hoãn phiên tòa, đây là sự kiện bất khả kháng.

  1. c) Xét hỏi tại phiên tòa:

Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là đặc biệt quan trọng, hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng, khó xác định; có lẽ vì thế, đa số các tội phạm này có cấu thành hình thức; trong loại án này, các bị cáo thường bào chữa rằng họ không có ý thức chống lại chính quyền nhân dân, vì vậy việc chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo phải thông qua hành vi khách quan mà bị cáo đã thực hiện. Lúc này, tại phiên tòa công khai, những ghi chép của Thẩm phán trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ án về hành vi của bị cáo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chứng minh ý thức chủ quan và mục đích phạm tội của bị cáo. Do đó, khi xét hỏi, Hội đồng xét xử cần chú ý:

– Trước hết hỏi về hành vi mà bị cáo đã thực hiện và bị truy tố; làm rõ diễn biến của từng hành vi và sự liên quan giữa các hành vi đó;

– Hỏi về động cơ của việc thực hiện hành vi: vì vụ lợi, vì bất đồng chính trị, vì nhận thức pháp luật…

– Hỏi các bị cáo khác, hỏi người làm chứng để chứng minh hành vi của bị cáo đang được xét hỏi;

– Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu kết quả xét hỏi về hành vi khách quan của từng bị cáo đã rõ ràng, chắc chắn để kết luận về ý thức chủ quan của bị cáo thì Thẩm phán chủ tọa có thể khẳng định luôn ý thức chủ quan của bị cáo công khai tại phiên tòa là nhằm chống chính quyền nhân dân (hoặc không). Tuy nhiên, Thẩm phán chủ tọa cũng không nhất thiết phải khẳng định ngay ý thức chủ quan của bị cáo ở phần xét hỏi, nhất là đối với những trường hợp chưa rõ, cần phải phân tích kỹ hơn khi Hội đồng xét xử nghị án.

– Một thực tế khi xét xử các vụ án này, cấp ủy và chính quyền địa phương (kể cả Trung ương) và nhất là Cơ quan công an muốn phiên tòa kết thúc càng nhanh càng tốt. Nhưng, quy định về trình tự phiên tòa, nhất là khi chúng ta đang thực hiện cải cách tư pháp không cho phép Tòa án (Hội đồng xét xử) kết thúc phiên tòa một cách vội vã, dẫn đến vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, để phiên tòa kết thúc trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được chất lượng xét xử, Thẩm phán chủ tọa cần điều hành phiên tòa một cách khoa học, nhất là ở phần xét hỏi, như:

* Hỏi dứt điểm về từng hành vi của từng bị cáo: hỏi bị cáo đó xong, hỏi người làm chứng (nếu có) và hỏi các bị cáo đồng phạm về hành vi của bị cáo đang được xét hỏi. Trường hợp bị cáo ngoan cố chối tội thì Thẩm phán chủ tọa và Hội đồng xét xử cần tập trung làm rõ, không nên dừng xét hỏi lúc này.

* Thẩm phán chủ tọa hỏi xong, yêu cầu các thành viên trong Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư (theo thứ thự xét hỏi quy định Điều 207 BLTTHS) cần hỏi gì với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác như người làm chứng, người liên quan… về những nội dung mà Thẩm phán chủ tọa chưa hỏi tới, yêu cầu không hỏi lặp lại những nội dung mà Chủ tọa đã hỏi, muốn vậy thì Chủ tọa phải hỏi đầy đủ, sâu kỹ trước đó.

– Điều hành phần tranh luận tại phiên tòa:

* Trường hợp nhiều luật sư bào chữa cho một bị cáo: Chủ tọa đề nghị một luật sư đại diện cho các luật sư trình bày nội dung bào chữa, tham gia tranh luận, các luật sư khác bổ sung những nội dung mà luật sư đại diện chưa nêu ra, tránh sự trùng lắp gây mất thời gian;

* Khi bị cáo bổ sung nội dung bào chữa và tranh luận của luật sư, Chủ tọa phiên tòa cũng yêu cầu bị cáo không trình bày lặp lại những nội dung đã được các luật sư đề cập tới.

* Khi các ý kiến tranh luận hoặc là không liên quan đến vụ án, hoặc là trùng lắp thì Chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu người trình bày dừng lại.

* Có những trường hợp Kiểm sát viên không đối đáp, nếu thấy cần thiết, Chủ tọa phiên tòa có thể đề nghị Kiểm sát viên phải thực hiện việc đối đáp với Luật sư về những nội dung mà Luật sư đã nêu ra ở phần tranh luận (theo quy định tại khoản 3 Điều 218 BLTTHS). Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa cần có sự nhạy cảm, lưu ý đến khả năng “chắc thắng” ở nội dung sẽ đối đáp của Kiểm sát viên thì hãy yêu cầu, nếu không chắc chắn thì thôi, tránh tình huống “gây khó” cho Kiểm sát viên.

– Phần các bị cáo nói lời sau cùng:

* Lời nói sau cùng của các bị cáo thường ngắn gọn, Chủ tọa cần giải thích lại cho các bị cáo trước khi vào phần này. Nhiều trường hợp, lời nói sau cùng của bị cáo được coi là sự thành khẩn, ăn năn hối cải, ngược lại có không ít trường hợp lời nói sau cùng của bị cáo lại là tình tiết làm mất đi sự ăn năn hối cải của bị cáo tại phiên tòa ở phần xét hỏi trước đó;

* Tránh tình trạng vội vã vào nghị án để sớm kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử nên chú ý lắng nghe lời nói sau cùng của bị cáo để có đánh giá toàn diện với từng bị cáo khi nghị án. Đến giai đoạn này, phần xét hỏi kết thúc, gặp trường hợp thấy cần phải hỏi thêm thì Hội đồng xét xử cũng không thể đặt câu hỏi đối với bị cáo; tuy nhiên có thể yêu cầu bị cáo nói rõ hơn lời nói sau cùng để có thêm những thông tin mới, nhất là những nội dung có ý nghĩa buộc tội hoặc gỡ tội cho bị cáo; nếu thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi (theo quy định tại Điều 220 BLTTHS), và đương nhiên phải tiến hành tranh luận lại rồi mới chuyển sang phần bị cáo nói lời sau cùng theo đúng trình tự.

  1. d) Tuyên án:

– Kết quả của phiên tòa tập trung vào nội dung bản án được công bố tại phiên tòa; chắc chắn rằng mọi người sẽ tập trung theo dõi. Do đó, nội dung bản án cần phải được Thẩm phán chủ tọa hoàn thiện cơ bản trong thời gian nghị án. Mọi nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử phải được rà soát lại, bổ sung thêm những tình tiết diễn biến tại phiên tòa, sao cho phù hợp, đầy đủ, chặt chẽ, chính xác và nhất quán. Đối với bản án về tội xâm phạm an ninh quốc gia chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm, nhất là các cơ quan ngoại giao, cơ quan tư tưởng – văn hóa, cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam… Nên phải rất chú trọng về cả hình thức và nội dung của bản án; không thể tùy tiện tuyên án theo kiểu gạch đầu dòng, tuyên vo; ngược lại, cũng không thể thụ động, cứng nhắc giữ nguyên như đã chuẩn bị trước đó, tránh tình trạng “án bỏ túi”… Để có được một bản án tốt, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng viết, vốn từ và cách sử dụng từ ngữ, ngữ pháp của Thẩm phán chủ tọa; điều này giải thích vì sao ngay từ khi thụ lý hồ sơ vụ án (thậm chí là ngay từ khi kết thúc điều tra) lãnh đạo Tòa án đã phải lựa chọn, phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.

– Đọc bản án: khả năng diễn đạt bản án là rất quan trọng để truyền tải nội dung bản án tại phiên tòa công khai; do đó, Hội đồng xét xử cũng phải chú ý đến phần việc cuối cùng này. Thông thường thì Thẩm phán chủ tọa đọc bản án, tuy nhiên nếu vì lý do nào đó (tình trạng sức khỏe, tâm lý do phiên tòa căng thẳng kéo dài, và có thể là khả năng diễn đạt…) Thẩm phán chủ tọa không thể diễn đạt tốt nội dung bản án thì Hội đồng xét xử có thể chọn một thành viên khác đọc án.

Tóm lại, để giải quyết tốt loại án này, đạt được yêu cầu vừa trừng trị, giáo dục đối với người phạm tội vừa răn đe, phòng ngừa, thuyết phục đối với những người có xu hướng phạm loại tội này qua xét xử là một vấn đề không dễ, thường khó hơn việc xét xử các loại tội phạm khác. Do đó, đòi hỏi Thẩm phán phải có kiến thức chuyên môn khá, giỏi; phải thuần thục về thủ tục tố tụng hình sự, có kinh nghiệm điều khiển phiên tòa. Đồng thời Thẩm phán cần phải nắm chắc các nội dung về thể chế chính trị, về quyền lực nhà nước và cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về dân chủ và tập trung, về dân chủ và thực hiện dân chủ, về tín ngưỡng tôn giáo, nắm chắc các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, của hệ thống chính trị… Tức là, Thẩm phán xét xử loại án này phải là những Thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, vững vàng về lý luận chính trị; không máy móc, pháp lý đơn thuần; không  kinh viện, lý thuyết chung chung.

 

BÀI 12:

KỸ NĂNG XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM

TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI

 

  1. KỸ NĂNG XÉT XỬCÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Chương XII – Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người bao gồm: 18 tội danh từ Điều 93 đến Điều 110. Ngoài ra, còn một số tội phạm khác xâm phạm danh dự nhân phẩm của con người cũng có thể gây hậu quả làm chết người hoặc gây tổn hại về sức khỏe được quy định tại các Điều từ Điều 111 đến Điều 122 cùng chương XII – Bộ luật hình sự như các tội: “Hiếp dâm; Hiếp dâm trẻ em; Cưỡng dâm; Mua bán người”.v.v…

Để đạt được mục đích xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không làm oan người vô tội; không bỏ lọt người và hành vi phạm tội; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại; góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm; đối với người Thẩm phán cũng như Hội thẩm nhân dân phải nắm vững các yếu tố cấu thành các tội phạm cụ thể xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người mà Bộ luật hình sự đã quy định; cũng như nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để tiến hành giải quyết các vụ án đúng trình tự pháp luật quy định.

  1. Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi, gây tổn hại (tước đoạt sinh mạng, gây thương tích…) hoặc đe dọa đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.

  1. Dấu hiệu pháp lý (các yếu tố cấu thành tội phạm) của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

2.1. Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Các tội phạm này xâm phạm đến quyền sống, quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe của con người.

Cuộc sống của con người được xác định từ thời điểm sinh ra cho đến khi người đó chết.

Sức khỏe của con người là tình trạng sức khỏe của con người đang sống trong điều kiện bình thường (bao gồm trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động bình thường của cơ thể về thần kinh và cơ bắp, tạo ra khả năng chống lại bệnh tật, bảo vệ bản thân, hạn chế tác động không có lợi cho sức khỏe của môi trường sống).

Hành vi xâm phạm sức khỏe của người là hành vi dùng ngoại lực tác động trực tiếp đến thân thể con người, hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó (tổn hại cơ thể về khả năng nhận thức, học tập, lao động của người bị hại).

2.2. Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người

Mặt khách quan của các tội này thể hiện ở các hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của con người.

Hầu hết những hành vi nguy hiểm nêu trên được thực hiện bằng hành động (có thể sử dụng những công cụ, phương tiện khác nhau tạo nên sự tác động vật chất vào thân thể của con người có thể làm người đó bị chết, bị thương tật hoặc tổn hại về sức khỏe).

Một số tội phạm mặt khách quan được thể hiện bằng việc không hành động (tức là không làm một việc theo trách nhiệm phải làm, đã gây ra tổn hại nhất định cho người bị hại).

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội ở các tội phạm này là những tổn hại về thể chất như: làm chết người, gây tổn hại về sức khỏe.

Đa số các tội phạm có cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả xảy ra thì tội phạm mới được coi là hoàn thành. Do vậy, khi buộc một người nào đó phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội này cần làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra do chính hành vi phạm tội của người đó gây ra.

2.3. Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Chủ thể của nhóm tội này cũng như các tội phạm khác mà Bộ luật hình sự đã quy định phải là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đạt độ tuổi theo luật định.

Tuy nhiên, đối với một số tội phạm thì ngoài dấu hiệu chung của tội phạm, cần có các dấu hiệu đặc biệt (chủ thể đặc biệt) như: người đang thi hành công vụ (Điều 97, Điều 107); người có chức vụ, quyền hạn hoặc có quan hệ nhất định với người bị hại (Điều 100, Điều 110).

2.4. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người

Đa phần các tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp (như tội: Giết người; tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác). Một số tội phạm thuộc nhóm này còn được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp. Song, cũng có tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý (như tội: Vô ý làm chết người; Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác).

Mặt khác, một số tội thì mục đích, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm (Điều 96, Điều 106); hoặc là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tăng nặng ở một số cấu thành tăng nặng, ví dụ: điểm d, g, h, q khoản 1 Điều 93; điểm b, d khoản 2 Điều 103.

Một số tội thì hậu quả là dấu hiệu của cấu thành tăng nặng, ví dụ: điểm a khoản 1 Điều 93; khoản 2 Điều 95, 96, 97, 98 v.v…

  1. Các yếu tố cấu thành một số tội phạm cụ thể thuộc nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng,sức khỏe con người

3.1. Về tội “Giết người”

Điều 93 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

  1. a)Giết nhiều người;
  2. b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
  3. c) Giết trẻ em;
  4. d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

  1. e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
  2. g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
  3. h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
  4. i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
  5. k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
  6. l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
  7. m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
  8. n) Có tính chất côn đồ;
  9. o) Có tổ chức;
  10. p) Tái phạm nguy hiểm;
  11. q) Vì động cơ đê hèn;
  12. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
  13. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
  14. a) Khách thể của tội phạm:

Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Cuộc sống của mỗi con người bắt đầu từ khi họ được sinh ra đến khi họ chết. Người chết là người mà tim ngừng đập, thần kinh ngừng hoạt động. Cần phân biệt người chết với người ốm đang chết dần từng bộ phận, chỉ còn một số bộ phận hoạt động thì vẫn coi là người còn sống.

Tội giết người trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội giết người là thân thể con người đang sống.

b)Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội giết người được thể hiện ở hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn và phương tiện khác nhau gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hành vi phạm tội có thể là hành động hoặc không hành động. Các phương tiện thường sử dụng như súng, dao, gậy, tay, chân, thuốc độc v.v… Hành vi tước bỏ quyền sống của người khác thường được thực hiện bằng các phương thức như bắn, chém, đâm, treo cổ, bóp cổ, đầu độc, đấm đá v.v…

Tuy nhiên, hành vi nêu trên phải là trái pháp luật mới cấu thành tội giết người. Vì vậy, không coi là phạm tội giết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thi hành bản án tử hình. Ngoài hai trường hợp này thì tất cả những hành vi tước bỏ quyền sống của người khác, kể cả được sự đồng ý của nạn nhân cũng đều bị coi là trái pháp luật.

Hậu quả trực tiếp của tội này thông thường là làm chết người trong trường hợp tội phạm hoàn thành. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Nhưng cũng có trường hợp nạn nhân chỉ bị thương, bị cố tật hoặc nạn nhân không ảnh hưởng gì trong trường hợp giết người chưa đạt như: nạn nhân bị bắn nhưng không trúng, đầu độc nạn nhân nhưng được cấp cứu kịp thời nên không chết v.v… Đó là trường hợp giết người chưa đạt đã hoàn thành.

Một số trường hợp phạm tội sau đây thể hiện mức độ và tính nguy hiểm cao của tội phạm:

  1. a) Giết nhiều người là trường hợp giết từ hai người trở lên;
  2. b) Giết phụ nữ mà biết là có thai: nạn nhân bị giết là người đang có thai mà người phạm tội đã biết rõ điều đó (có thể tự nhận biết hoặc nghe thông tin từ người khác). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn;
  3. c) Giết trẻ em là trường hợp mà nạn nhân bị giết chưa đủ 16 tuổi. Căn cứ để xác định tuổi của nạn nhân là giấy khai sinh. Nếu nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên thì không thuộc trường hợp này;
  4. d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

Giết người đang thi hành công vụ là trường hợp giết người mà nạn nhân là người đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như: thầy giáo đang giảng bài hoặc coi thi, cán bộ Thuế đang thu thuế, cán bộ Kiểm lâm đang bảo vệ rừng v.v…

Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội, nên thủ phạm đã chủ động giết nạn nhân, có thể hành vi phạm tội xảy ra trước hoặc sau khi thực thi công vụ. Người phạm tội với động cơ có thể để nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ hoặc có thể để trả thù nạn nhân vì nạn nhân đã thi hành công vụ đó;

  1. d) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình:

– Ông, bà gồm ông, bà nội (người sinh ra bố của thủ phạm), ông, bà ngoại (người sinh ra mẹ của thủ phạm);

– Cha, mẹ được hiểu là cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ nuôi. Cha, mẹ đẻ là người đã sinh ra người phạm tội. Cha, mẹ nuôi là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận;

– Người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý, giáo dục người phạm tội như vai trò của bố, mẹ mình;

– Thầy giáo, cô giáo của mình là người trực tiếp giảng dạy mình về văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp v.v…

  1. e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng phải đi liền trước hoặc ngay sau khi giết người xét về mặt thời gian.

  1. g) Giết người để thực hiện hoặc che giấu một tội phạm khác gồmhai trường hợp:Một là, giết người để thực hiện một tội phạm khác, thể hiện mục đích của người phạm tội muốn thực hiện một tội phạm khác nhưng có người gây cản trở, khó khăn nên phải giết họ thì mới có điều kiện thực hiện tội phạm khác. Như vậy, việc giết người được thực hiện trước khi tiến hành tội phạm khác. Ví dụ: giết người bảo vệ để vào kho lấy tài sản, giết cán bộ kiểm lâm để vào rừng khai thác gỗ v.v… Hai là, giết người để che giấu một tội phạm khác là người phạm tội sau khi phạm một tội nào đó nhưng sợ bị phát hiện, bị tố cáo nên đã giết người. Như vậy, việc giết người được thực hiện sau khi đã phạm một tội khác như: người phạm tội sau khi hiếp dâm, sợ nạn nhân tố cáo nên đã giết nạn nhân v.v…
  2. h) Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, như: tim, gan, thận, v.v… Hành vi giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân với bất kỳ mục đích nào như nghiên cứu khoa học hay lấy một bộ phận của cơ thể cho người khác nhằm cứu sống một người khác v.v… đều là phạm tội;
  3. i) Thực hiện tội phạm giết người một cách man rợ là trường hợp giết người một cách dã man, tàn ác mà người phạm tội được coi là không còn tính người, như giết người sau đó chặt nạn nhân ra từng khúc, móc mắt, moi gan v.v… hoặc trước khi giết người, đã gây cho nạn nhân đau đớn như chặt chân, chặt tay v.v…
  4. k) Giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp là trường hợp người phạm tội đã sử dụng khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để giết người, như thầy thuốc lợi dụng việc chữa bệnh đã tiêm thuốc hoặc cho nạn nhân uống thuốc gây chết người, người lái đò giả làm đắm đò để giết nạn nhân;
  5. l) Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp: người phạm tội sử dụng các thủ đoạn nguy hiểm cũng như dùng các loại công cụ, phương tiện có khả năng gây ra cái chết cho nhiều người cùng một thời gian như: ném lựu đạn vào chợ, vào rạp hát hoặc cho thuốc độc vào bể nước của gia đình v.v… Các hành động này có khả năng làm chết nhiều người mặc dù hậu quả có thể chưa xảy ra;
  6. m) Thuê giết người hoặc giết người thuê:

Thuê giết người là trường hợp thủ phạm không trực tiếp hành động, mà giấu mặt, dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để yêu cầu người khác thực hiện hành vi phạm tội giết người.

Giết người thuê là hành vi của một người nào đó trong ý thức ban đầu không muốn giết người nhưng vì được người khác thuê, nếu thực hiện hành vi giết người theo yêu cầu của người thuê, thì sẽ nhận được những lợi ích nhất định nên đã thực hiện hành vi giết người.

  1. n) Giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người có tính hung hãn cao độ, coi thường tính mạng của người khác; giết người không có nguyên cớ hoặc giết người vì lý do nhỏ nhen; giết người một cách hung hăng, tàn bạo, coi thường mọi người v.v…
  2. o) Có tổ chức là trường hợp từ hai người trở lên thực hiện tội phạm giết người có sự bàn bạc, câu kết chặt chẽ từ trước;
  3. p) Tái phạm nguy hiểm: giết người trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là người phạm tội trước đây đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội giết người. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội giết người;
  4. q) Giết người vì động cơ đê hèn là trường hợp giết người có tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc v.v… với những người quen hoặc những người thân trong gia đình, họ hàng như: giết người để cướp vợ, để cướp chồng của nạn nhân; giết người tình của mình để trốn tránh trách nhiệm, hôn nhân; giết người đã giúp đỡ mình, cho vay tiền, cho mượn đồ đạc trong những lúc khó khăn để khỏi phải trả ơn, trả nợ v.v…
  5. c) Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội giết người có thể là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong một số trường hợp chủ thể của tội phạm chỉ có thể là con, cháu, người có trách nhiệm nuôi dưỡng người khác, học trò (điểm đ khoản 1 Điều 93); người có nghề nghiệp nhất định (điểm k khoản 1 Điều 93);

  1. d) Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội giết người được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong một số trường hợp (như: vì động cơ đê hèn, để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác v.v…), động cơ, mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm;

Về hình phạt, tội giết người được xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Điều 93 quy định hai khung hình phạt:

Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong trường hợp có tình tiết tăng nặng quy định ở khoản 1;

Khung 2: quy định hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng;

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Cấm đảm nhiệm chức vụ là không cho ngư�i bị truy cứu trách nhiệm hình sự giữ những chức vụ nhất định trong các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. Cấm làm những nghề hoặc công việc nhất định là không cho người bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm những nghề, công việc nhất định trong lĩnh vực cụ thể có điều kiện để phạm tội hoặc vì họ có hành vi phạm tội đó cho nên nếu tiếp tục cho làm những nghề hoặc công việc đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chung như: nghề thu thuế, kiểm lâm, công tác bảo vệ v.v…

Quản chế là buộc người bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật hình sự hiện hành và bị cấm hành nghề hoặc công việc nhất định.

3.2. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Điều 95 Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

  1. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.”
  2. a) Khách thể của tội phạm:

Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi của một người không tự kiềm chế được mình trước hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính mình hoặc đối với người thân thích của mình nên đã giết chết nạn nhân. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh xâm phạm quyền sống của con người.

  1. b) Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội này cũng thể hiện tương tự như các hành vi trong tội giết người (Điều 93) như: đâm, chém, bắn, đấm, đá, bóp cổ, dìm xuống nước v.v…

Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội đã không thể tự chủ, tự kiềm chế hành vi phạm tội của mình. Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội phải do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra đối với người phạm tội. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng là hành vi trái pháp luật nói chung (không chỉ riêng trái pháp luật hình sự) và phải ở mức độ nghiêm trọng, xảy ra một cách tức thời. Cũng có trường hợp hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức nặng nề, đến một thời điểm nhất định lại bùng lên thì người phạm tội vẫn được coi là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Giết nhiều người là trường hợp giết từ hai người trở lên.

  1. c) Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

  1. d) Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Về hình phạt, Điều luật quy định hai khung hình phạt:

– Khung 1: quy định hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

– Khung 2: quy định hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp giết nhiều người (từ hai người trở lên).

Lưu ý, tội phạm này thực chất là trường hợp giảm nhẹ đặc biệt của tội giết người. Trạng thái tinh thần bị kích động phải đủ mạnh, nếu chỉ là những va chạm, xung đột thông thường trong đời sống mà họ đã có hành vi giết người thì không phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95) mà phạm tội giết người (Điều 93) với tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự hiện hành. Nạn nhân bị giết phải là người thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Nếu người phạm tội lại không giết người thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với mình hoặc đối với người thân thích của mình, mà giết vợ, con hoặc người thân thiết của người này thì họ không phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95) mà phạm tội giết người (Điều 93).

3.3. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác – Điều 104 Bộ luật hình sự quy định

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

  1. a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
  2. b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
  3. c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
  4. d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đâu hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

  1. e) Có tổ chức;
  2. g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
  3. h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
  4. i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
  5. k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
  6. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
  7. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
  8. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
  9. a) Khách thể của tội phạm:

Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe.

Tội phạm xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.

  1. b) Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương hoặc bị tổn hại sức khỏe. Các hành vi rất đa dạng như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, cho chó cắn v.v… Có trường hợp người phạm tội bắt buộc người bị hại tự làm tổn hại cho sức khỏe của mình như: tự chọc vào mắt mình, uống thuốc phá thai, chặt ngón tay v.v… Hành vi tự gây thiệt hại cho sức khỏe của chính mình không cấu thành tội phạm này mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nhiệm vụ (Điều 326).

Hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì vẫn cấu thành tội phạm này:

– Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người. Hung khí nguy hiểm có thể là các dụng cụ như: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn v.v…; vật mà người phạm tội chế tạo ra như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ v.v… hoặc là vật có sẵn trong tự nhiên như: gạch, đá, đoạn gậy cứng, thanh sắt v.v… Dùng thủ đoạn có thể gây nguy hại cho nhiều người như: đốt nhà lúc đêm khuya khi mọi người đang ngủ làm nhiều người bị bỏng v.v…

– Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân: cố tật là những tật để lại trên cơ thể con người sau khi đã chữa khỏi vết thương. Đó là tình trạng cơ thể bị thay đổi do bị tội phạm xâm hại và sự thay đổi này theo suốt cả cuộc đời họ, như: sau khi bị thương, chân đi cà nhắc. Cố tật nhẹ là những tật để lại không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể sự hoạt động bình thường của nạn nhân so với trước khi người phạm tội gây thương tích. Ví dụ: sau khi bị đánh gẫy tay, đã được bó bột nhưng tay vẫn không được thẳng như bình thường và có một ngón tay không co duỗi được v.v…

– Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người phạm tội nhiều lần đối với cùng một người là từ hai lần trở lên mà những lần phạm tội trước đó chưa bị xử lý; phạm tội đối với nhiều người là từ hai người trở lên trong cùng một lần phạm tội;

– Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ: trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi căn cứ vào giấy khai sinh. Phụ nữ đang có thai có thể do người phạm tội nhận biết được hoặc nghe người khác nói. Việc xác định có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của bác sĩ. Người già yếu là người từ 60 tuổi trở lên, sinh hoạt, đi lại khó khăn v.v… Người ốm đau là người đang bị bệnh tật, có thể điều trị ở bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân hoặc tại nhà riêng của họ. Người không có khả năng tự vệ có thể hiểu người tuy tuổi không nhiều nhưng vóc dáng bé nhỏ, tính cách nhút nhát, sợ sệt, người bị tật nguyền; phụ nữ đi ở khu vực vắng trong đêm tối một mình v.v…

– Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình: ông, bà gồm ông bà nội (người sinh ra người bố); ông, bà ngoại (người sinh ra người mẹ); cha, mẹ là người đã sinh ra người phạm tội. Cha, mẹ nuôi là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận. Người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý, giáo dục như vai trò của bố mẹ mình. Thầy giáo, cô giáo của mình là người trực tiếp giảng dạy mình về văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp v.v…

– Có tổ chức là phạm tội có từ hai người trở lên, khi thực hiện tội phạm giữa họ có sự phân công trách nhiệm và câu kết chặt chẽ với nhau.

– Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục: để xác định thời gian này cần căn cứ vào quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

– Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê: thuê gây thương tích cho nạn nhân là thủ phạm không trực tiếp hành động mà giấu mặt, dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để yêu cầu người khác thực hiện hành vi phạm tội. Gây thương tích thuê là hành vi của một người nào đó trong ý thức ban đầu không muốn gây thương tích hoặc tổn thương cho nạn nhân nhưng vì được người khác thuê, nếu thực hiện theo yêu cầu của người thuê thì sẽ nhận được những lợi ích nhất định nên họ đã thực hiện hành vi phạm tội.

– Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm: phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp thực hiện tội phạm có tính hung hãn cao độ, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác; gây thương tích không có nguyên cớ hoặc phạm tội vì lý do nhỏ nhen; đâm, đánh người dã man v.v…. Tái phạm nguy hiểm là phạm tội trong trường hợp người phạm tội trước đây đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội này.

– Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: gây thương tích cho người thi hành công vụ là trường hợp mà nạn nhân là người đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như: thầy giáo đang giảng bài, cán bộ đang coi thi, cán bộ thuế đang thu thuế, cán bộ kiểm lâm đang bảo vệ rừng v.v… Gây thương tích vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên thủ phạm đã chủ động gây thương tích cho nạn nhân. Hành vi phạm tội có thể xảy ra trước hoặc sau khi nạn nhân thực thi công vụ.

Người phạm tội với động cơ nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ hoặc có thể là để trả thù nạn nhân vì nạn nhân đã thi hành công vụ đó.

Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích là kết quả giám định pháp y và Bản quy định tiêu chuẩn thương tật ban hành kèm theo Thông tư liên bộ số 12/TTLB của Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội ngày 26/7/1995 quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới.

– Trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là người phạm tội về mặt chủ quan chỉ muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người đó chứ không mong muốn nạn nhân chết.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là cấu thành vật chất nên phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra.

  1. c) Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 1, 2 Điều 104 Bộ luật hình sự hiện hành) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 3 và khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự hiện hành) có năng lực trách nhiệm hình sự.

  1. d) Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Về hình phạt, Điều 104 quy định bốn khung hình phạt:

Khung 1: quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp phạm tội như phân tích trên.

Khung 2: quy định hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp gây thương tích, cố tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong mười trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 104.

Khung 3: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp mức độ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104.

Phạm tội dẫn đến chết người là trường hợp ý thức chủ quan của người phạm tội chỉ muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân chết, việc nạn nhân chết là ngoài ý muốn của người phạm tội. Phải xác định vì bị thương nặng nên nạn nhân chết chứ không phải nguyên nhân nào khác, ở đây cần phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả chết người với những thương tích của nạn nhân do người phạm tội gây ra.

Khung 4: quy định hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.

Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác là gây thương tích nặng hoặc tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên (thương tật từ 61% trở lên); gây thương tích cho rất nhiều người; phạm tội vì động cơ đê hèn v.v…

Lưu ý, để phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, cần căn cứ vào hành vi phạm tội và công cụ thực hiện tội phạm. Phải xem xét tính nguy hiểm của công cụ, phương tiện được sử dụng; vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân; cường độ tấn công; thời gian, không gian thực hiện tội phạm. Đặc biệt là phải xem xét nhận thức chủ quan của người phạm tội đối với những yếu tố tạo nên khả năng gây ra hậu quả chết người và thái độ của họ đối với hậu quả đó.

  1. Một số đặc điểm chung của nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người

1- Do đối tượng tác động của các tội phạm trong nhóm này là con người và tầm quan trọng của các quan hệ xã hội cần bảo vệ, nên chính sách hình sự và đường lối xử lý của Nhà nước ta đối với các tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe con người là rất nghiêm khắc, có thể bị phạt mức hình phạt cao từ đến 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Hậu quả của tội phạm, nhất là hậu quả vật chất có ý nghĩa rất quan trọng việc định tội, định khung hình phạt, cũng như việc quyết định hình phạt.

3- Phần nhiều hành vi phạm tội là hậu quả từ mối quan hệ giữa cá nhân người phạm tội và người bị hại (hay nguyên nhân dẫn tới việc phạm tội).

4- Một số tội phạm thuộc nhóm tội này có nhiều trường hợp rất khó phân biệt về mặt chủ quan của tội phạm trong quá trình định tội. Thực tiễn xét xử một số Tòa án thường có sai sót; cụ thể nhầm lẫn trong việc định tội danh giữa tội “Giết người” Điều 93 với tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự; tội “Giết người chưa đạt” với tội “Cố ý gây thương tích”, hoặc giữa tội “Giết người” với tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và với tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. v.v…

* Cần chú ý các hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 các Điều 104, 106, 108 và Điều 109 Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại:

– Việc rút yêu cầu khởi tố của người bị hại trong giai đoạn điều tra và truy tố:

Tại mục 7.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2009 giữa Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ quốc phòng đã thống nhất việc thực hiện việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại tại khoản 1 thuộc 11 Điều luật của Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

Những vụ án về các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122 và 171 của Bộ luật hình sự, chỉ được khởi tố vụ án khi đã có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu người bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án.

Nếu ngay sau khi khởi tố vụ án hình sự mà người bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố thì Cơ quan điều tra ra Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp; nếu đang điều tra hoặc đã kết thúc điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra; nếu đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp xét thấy việc rút yêu cầu khởi tố của người bị hại trái với ý muốn của họ, bị ép buộc, cưỡng ép thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS;

– Việc rút yêu cầu khởi tố của người bị hại trước khi mở phiên tòa:

Khoản 2 Điều 105 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã có yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người yêu cầu khởi tố đã rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”

 – Việc rút yêu cầu khởi tố của người bị hại tại phiên tòa:

Quy định hiện tại của BLTTHS tại Phần thứ ba về xét xử sơ thẩm gồm các Chương từ XXI đến Chương XXII không có điều luật nào quy định người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa sơ thẩm.

Thực tiễn có Tòa án linh hoạt vận dụng việc hoãn phiên tòa để người bị hại có thời gian suy nghĩ về việc rút yêu cầu khởi tố. Sau đó, họ gửi đơn xin rút yêu cầu khởi tố đến Tòa án thì lúc này được xem là trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa, vì vậy Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, xét đến cùng các quy định của BLTTHS hiện hành không có quy định lý do hoãn phiên tòa để người bị hại xem xét, suy nghĩ kỹ viết đơn xin rút yêu cầu gửi cho Tòa án xử lý bằng cách nêu trên.

Ngoài ra, còn có quan điểm vẫn xét xử bình thường, nếu thấy họ hoàn toàn tự nguyện thì đến phần nghị án, Hội đồng xét xử thảo luận và căn cứ khoản 2 Điều 199 BLTTHS ra Quyết định đình chỉ vụ án bằng bản án; hoặc hoãn phiên tòa trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, tạo điều kiện cho người bị hại rút yêu cầu khởi tố trong thời gian này và lại được là xin rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án v.v…

Tóm lại, việc rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa BLTTHS chưa quy định rõ; các cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản nào chính thức hướng dẫn áp dụng.

Đây là một vướng mắc thực tế cần nghiên cứu kỹ để đề nghị sửa đổi quy định của BLTTHS cho rõ ràng, cụ thể quyền của người bị hại rút yêu cầu khởi tố như thế nào ở các giai đoạn tố tụng khác nhau hoặc cần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng như Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các bộ ngành có liên quan.

  1. Việc giám định đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người

5.1. Giám định đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người

Theo qui định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự thì đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, việc trưng cầu giám định là bắt buộc. Cụ thể điểm a khoản 3 Điều luật này qui định:

Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

  1. a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động”.

Kết luận giám định phải đảm bảo những nội dung như Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, cụ thể: “Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể”.

5.2. Giám định bổ sung, giám định lại

Sau khi có kết luận giám định, để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu giám định có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại; Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Việc giám định bổ sung hoặc giám định lại được thực hiện khi có căn cứ qui định tại khoản 1, 2 Điều 159 Bộ luật tố tụng hình sự: “1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó.

  1. Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.”

Việc giám định bổ sung, giám định lại được quy định cụ thể tại Điều 29 Luật giám định tư pháp như sau:

Điều 29. Giám định bổ sung, giám định lại

  1. Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.
  2. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này.
  3. Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

5.3. Giám định lại lần thứ hai

Trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định, theo qui định tại Điều 30 Luật giám định tư pháp thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu quyết định. Trong trường hợp này, Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện. Điều 30 Luật giám định tư pháp qui định về Hội đồng giám định như sau: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai. Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này”.

5.4. Giám định sau khi có kết luận của Hội đồng giám định

Trong trường hợp đặc biệt, vẫn có nghi ngờ về kết quả giám định của Hội đồng giám định thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định.

  1. Kỹ năng xét xử các vụ án cụ thể về xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người

Từ những đặc điểm chung nêu trên, khi xét xử các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cần chú ý một số điểm có tính chất đặc thù sau đây:

6.1. Công tác chuẩn bị xét xử

6.1.1. Kiểm tra hồ sơ khi thụ lý vụ án

Cũng như việc giải quyết bất kỳ một vụ án hình sự nào việc đầu tiên khi thụ lý vụ án cần kiểm tra xem hồ sơ vụ án đã có đầy đủ các thủ tục về tố tụng hay chưa? Phải kiểm tra các tài liệu trong hồ sơ có đầy đủ theo danh mục tài liệu có trong hồ sơ hay không?

Ngoài các tài liệu về thủ tục tố tụng chung, các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người bắt buộc phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ sau đây:

* Đối với các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng cần kiểm tra các tài liệu:

– Đã có Biên bản khám nghiệm hiện trường; Biên bản khám nghiệm tử thi; Kết luận giám định pháp y và kết luận nguyên nhân chết của nạn nhân hay chưa?

– Trong một số vụ án do không phát hiện quả tang cần kiểm tra thêm các tài liệu, chứng cứ khác như: Biên bản, Kết quả nhận dạng qua bản ảnh; hoặc Biên bản thực nghiệm hiện trường.

* Đối với các tội phạm xâm hại về sức khỏe cần phải kiểm tra các tài liệu chứng cứ sau:

– Có Bệnh án điều trị vết thương hay không?

– Có Kết luận giám định về mức độ tổn hại sức khỏe (giám định thương tích) của người bị hại chưa?

– Có yêu cầu của người bị hại yêu cầu khởi tố vụ án đối với các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hay chưa?

Tất cả các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người đều cần phải kiểm tra các tài liệu để xác định rõ độ tuổi của người phạm tội và người bị hại; đặc biệt là đối với người chưa thành niên. Bởi lẽ, việc xác định chính xác độ tuổi của bị cáo, bị hại có liên quan đến việc xác định bị cáo phạm tội hay không phạm tội; xác định khung hình phạt đối với bị cáo, cũng như việc quyết định bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Đối với các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là tử hình hoặc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên phải chú ý về việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo và người bị hại.

6.1.2. Nghiên cứu hồ sơ

Việc nghiên cứu hồ sơ cũng được tiến hành như các vụ án khác về hình sự; nhưng cần đặc biệt chú ý xem xét các chứng cứ sau:

– Các chứng cứ để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội (xem các lời khai bị can tự nhận thực hiện tội phạm do cố ý, hoặc vô ý; các lời khai, các chứng cứ về một khách quan có thể chứng minh lỗi của bị can);

– Nghiên cứu kỹ các Biên bản khám nghiệm hiện trường; Biên bản khám nghiệm tử thi; Kết luận giám định pháp y (các dấu vết trên thân thể, thương tích, nguyên nhân dẫn đến hoặc quyết định cái chết của nạn nhân);

– Xác định các công cụ, phương tiện bị can, bị cáo sử dụng để thực hiện tội phạm;

– Chứng cứ xác định mức độ hậu quả nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra; chứng cứ chứng minh về thiệt hại của người bị hại, người liên quan làm cơ sở giải quyết việc bồi thường thiệt hại v.v…

– Trên cơ sở đã nghiên cứu đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ; căn cứ vào quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

  1. Đưa vụ án ra xét xử;
  2. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
  3. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

* Thẩm phán ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo các quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự tại Mục 4 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004.

Thực tiễn xét xử, Tòa án thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số trường hợp cụ thể sau:

– Thiếu Kết luận giám định trong các vụ án xâm phạm về tính mạng, sức khỏe;

– Trường hợp chưa đủ căn cứ xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo hoặc người bị hại để xác định người đó là trẻ em hay người chưa thành niên;

– Trường hợp không có người bào chữa tham gia trong quá trình lấy lời khai đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng v.v… khi họ là người chưa thành niên;

– Không có Kết luận giám định về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo khi có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; hoặc có nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn của người làm chứng, người bị hại đối với những tình tiết của vụ án;

– Kết luận giám định về tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại khi không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của các tài liệu đó (Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự);

– Thẩm phán cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời gian chuẩn bị xét xử đối với trường hợp khởi tố bắt buộc phải có yêu cầu của người bị hại mà hồ sơ không thể hiện có yêu cầu của người bị hại;

– Thẩm phán quyết định trả hồ sơ trong trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo, các bị cáo chưa đúng khung khoản về một tội danh cụ thể hoặc có căn cứ xác định bị cáo, các bị cáo phạm tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn.

* Thẩm phán ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự;

Lưu ý, trường hợp người bị hại bị ép buộc rút yêu cầu khởi kiện thì vẫn tiến hành xét xử bình thường theo thủ tục chung (Mục 7, Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/VKSNDTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).

6.1.3. Lập kế hoạch xét hỏi

Qua nghiên cứu hồ sơ và sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải lập kế hoạch xét hỏi.

Việc xét hỏi tại phiên tòa nhằm kiểm tra các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà Thẩm phán cho là đã rõ qua nghiên cứu hồ sơ; mặt khác nhằm xác định làm rõ thêm các tình tiết của vụ án, mà chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ chưa chứng minh được một cách rõ ràng, chính xác.

Cũng như việc giải quyết các vụ án hình sự khác. Việc xét hỏi tại phiên tòa phải tập trung làm rõ tất cả các vấn đề cần giải quyết trong vụ án.

Do vậy, kế hoạch xét hỏi các tội phạm nhóm xâm phạm tính mạng, sức khỏe cần tập trung làm rõ một số vấn đề sau:

– Làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội nhằm xác định hình thức lỗi của người phạm tội;

– Làm rõ các chi tiết thuộc hành vi phạm tội: thủ đoạn phạm tội, công cụ, cách thức thực hiện tội phạm v.v…

– Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; căn cứ của việc khắc phục hậu quả;

– Làm rõ các mâu thuẫn về chứng cứ có trong hồ sơ vụ án;

– Dự kiến đối chất trực tiếp tại phiên tòa;

– Dự kiến việc cách ly bị cáo, người làm chứng trong một số trường hợp cần thiết khi có các lời khai mâu thuẫn nhau;

– Chuẩn bị các tài liệu cần công bố tại phiên tòa (như Kết luận giám định, Biên bản khám nghiệm, xem xét vật chứng tại phiên tòa v.v…).

6.2. Phiên tòa

Tại phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải điều hành phiên tòa đúng trình tự mà Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định.

Để đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định yêu cầu phải đạt là: “Nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án, của Viện kiểm sát tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…

Khi xét xử Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc xét xử của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo…”.

Do vậy, tại phiên tòa cần chú ý một số vấn đề sau:

6.2.1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa

– Khi thẩm tra căn cước, lý lịch của người tham gia tố tụng, Thẩm phán đặt câu hỏi để họ tự khai nhằm kiểm tra lại chính xác lý lịch tư pháp của họ, tránh trường hợp Chủ tọa công bố và hỏi để bị cáo xác nhận.

– Phải giải thích và nhấn mạnh việc Hội đồng xét xử sẽ xử lý những người vi phạm nội quy phiên tòa để nhắc nhở, ngăn chặn trước nhằm bảo đảm trật tự phiên tòa vì thường có sự bức xúc từ phía người bị hại hoặc người thân của họ và ngược lại.

6.2.2. Phần xét hỏi

– Xét hỏi tại phiên tòa cơ bản được thực hiện như kế hoạch xét hỏi đã chuẩn bị. Tuy nhiên, thực tế có những vấn đề mới phát sinh do bị cáo, bị hại, người làm chứng, người liên quan v.v… khai báo thêm tại phiên tòa cần xét hỏi làm rõ;

– Cần chú ý làm rõ thêm một số vấn đề sau:

+ Làm rõ cách thức, phương tiện, công cụ, thủ đoạn mà bị can, bị cáo đã sử dụng để thực hiện tội phạm;

+ Làm sáng tỏ các mâu thuẫn của các chứng cứ có trong hồ sơ và tại phiên tòa; mâu thuẫn giữa các lời khai với vật chứng, giữa lời khai với kết quả giám định v.v…

+ Yêu cầu bị cáo, người bị hại, người làm chứng giải thích rõ sự mâu thuẫn về lời khai của mình đối với một sự việc, một tình tiết cụ thể nào đó của vụ án; cần thiết cho họ đối chất ngay với nhau tại phiên tòa sau khi đã xét hỏi họ về vấn đề đó;

+ Đối với vụ án có người đồng phạm thì việc xét hỏi phải làm rõ được vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của từng người khi thực hiện tội phạm (chủ mưu, cầm đầu, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, người tham gia giúp sức ở các mức độ cụ thể khác nhau;

+ Làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của việc phạm tội;

+ Làm rõ hậu quả do tội phạm gây ra;

+ Làm rõ các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc khắc phục hậu quả.

Đặc biệt chú ý việc khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra có thể hướng dẫn cho người phạm tội với người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ thỏa thuận tự nguyện với nhau để Hội đồng xét xử ghi nhận; kể cả trường hợp họ tự nguyện bồi thường nhiều hơn so với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ tất cả các yêu cầu của việc bồi thường thiệt hại (trường hợp nạn nhân chết phải làm rõ các khoản: chi phí cấp cứu, chi phí mai táng, tổn thất về tinh thần. Trường hợp bị tổn hại về sức khỏe phải làm rõ: chi phí chữa trị thương tích, thu nhập bị giảm sút, chi phí cho người phục vụ nạn nhân v.v…) và việc cấp dưỡng (nếu có); đồng thời phải làm rõ ai là người đã chi phí khắc phục một phần hậu quả do hành vi phạm tội đã gây ra để quyết định chính xác người được nhận bồi thường, đúng đối tượng, đúng mức quy định của pháp luật; tránh việc phải hủy Quyết định về phần này khi xét xử phúc thẩm vì không điều tra làm rõ ngay được tại phiên tòa.

– Đặc biệt Chủ tọa phiên tòa cần nhẹ nhàng, mềm mỏng, nhưng kiên quyết trong việc điều khiển việc xét hỏi theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

6.2.3. Tranh luận tại phiên tòa

Việc tranh luận cũng phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đối với các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe thường xảy ra sự bức xúc, cẳng thẳng, thiếu thiện chí, nhân văn giữa bị hại và bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Do vậy, khi điều khiển tranh luận, Chủ tọa phiên tòa phải bình tĩnh, thể hiện thái độ thông cảm với nỗi đau của người bị hại, nhưng cũng kiên quyết buộc họ phải tuân thủ nội quy phiên tòa, bảo đảm được trình tự phiên tòa, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và danh dự của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng v.v…

Cụ thể: không cần thiết phải cắt ngang những lời tranh luận dài dòng, những lời trình bày về các tình tiết không thật sự liên quan đến vụ án của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ, tránh sự hiểu lầm Tòa án “bênh vực” bị cáo rất dễ gây mất trật tự phiên tòa và ảnh hưởng đến hiệu quả của việc xét xử.

Không nên buộc người thân của người bị hại ra khỏi phòng xét xử khi họ mới vi phạm nội quy phiên tòa lần đầu. Chỉ buộc họ phải rời khỏi phòng xét xử khi vi phạm đã nhắc nhở nhiều lần.

6.2.4. Nghị án, viết bản án và tuyên án

– Nghị án: Tuân theo quy định tại Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Mục 1 Phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004;

– Viết bản án: Viết theo quy định tại Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Mục 2 Phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004;

– Tuyên án: Tuyên án theo quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Mục 3 Phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004.

Lưu ý, như đã phân tích ở phần trên về mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại hoặc về những người thân của họ thường rất căng thẳng; có nhiều vụ án lại được dư luận chú ý. Do vậy, khi xét xử các tội phạm thuộc nhóm này, Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử cần đặc biệt chú ý liên hệ với Cảnh sát bảo vệ phiên tòa nhằm bảo đảm trật tự phiên tòa, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, kể cả bị cáo, người bị hại trước, trong và sau khi kết thúc phiên tòa.

Ngoài ra, cũng cần chú ý trong việc tạo điều kiện cho phóng viên báo chí hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng kiên quyết xử lý những người không tuân thủ nội quy phiên tòa và sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa thể hiện sự nghiêm minh, dân chủ tại phiên tòa.

  1. MỘT SỐ SAI SÓT THƯỜNG GẶP KHI XÉT XỬ NHÓM TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Ví dụ 1:  Vụ án Phạm Văn Yêng bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội Giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Theo hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Phạm Văn Minh sống chung với bố mẹ là Phạm Văn Yêng và bà Nguyễn Thị Tiếng. Trong quá trình chung sống giữa Minh và bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân là do Minh không chịu làm ăn, hay đi uống rượu về gây sự và đánh chửi bố mẹ. Đến khoảng 21 giờ ngày 26/01/2010 trong khi đang ngồi uống nước tại nhà xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau giữa Minh và Phạm Văn Yêng. Minh đã vào trong buồng lấy 1 lưỡi lê dài 28cm, bản rộng nhất 2,1cm; mũi nhọn chạy đến chỗ Yêng; vừa chạy Minh vừa nói: “nay tao cho mày về đất đen”. Thấy Minh tay cầm lưỡi lê chạy đến, Phạm Văn Yêng bỏ chạy thì Minh đuổi theo, ra đến hiên nhà Minh bị trượt chân ngã ở tư thế ngồi. Yên giằng được lưỡi lê, cầm ở tay phải và đâm Minh một nhát vào ngực trái, Yêng cầm lưỡi lê định đi ra cổng, Minh tiếp tục đuổi theo thì bị Yêng quay lại dùng lê đấm tiếp 3 nhát nữa vào người Minh, hậu quả Phạm Văn Minh chết tại chỗ.

Kết luận giám định pháp y thấy: vết thương vùng ngực trái đi theo hướng từ trước ra sau, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, qua khoang liên sườn VI xuyên thấu qua mỏm tim…. Các thương tích rách thủng da khác gây tụ máu lan tỏa tổ chức dưới da xung quanh miệng vết thương, không làm đứt các mạch máu lớn. Kết luận: thương tích vùng ngực trái (2 vết), vùng cánh tay trái (2 vết) có đặc điểm hình thành do vật sắc nhọn nhờ tác động (phù hợp với hung khí là chiếc lưỡi lê đã thu được từ ông Phạm Văn Yêng). Các thương tích còn lại (ở ngực trên nền 1/3 giữa xương ức và mu bàn tay trái) do vật này tác động. Nguyên nhân chết của nạn nhân: sốc mất máu cấp do vết thương vùng ngực trái xuyên thấu tim vùng mỏm; nguyên nhân phối hợp: suy hô hấp cấp.

Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Phạm Văn Yêng 9 năm tù về tội “Giết người”, thời hạn tù tính từ ngày 17/01/2010.

Tuy nhiên căn cứ vào hồ sơ vụ án, có đủ  căn cứ xác định: vào buổi tối ngày 26/01/2010 khi con trai của bị cáo là Phạm Văn Minh cầm lưỡi lê đuổi đánh và đe dọa giết bị cáo thì bị trượt chân ngã. Bị cáo đã giằng được lê đâm Minh dẫn đến Minh tử vong. Trong vụ án này, bị hại là con của bị cáo hư hỏng, thường xuyên rượu chè về nhà đánh chửi bố, mẹ vợ con. Thậm chí vợ con bị cáo đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống, chứng tỏ bị cáo bị nhiều dồn nén và bị ức chế với thời gian dài nên đã có hành vi phạm tội, Tòa án cấp cấp sơ thẩm không xem xét đánh giá toàn diện những tình tiết trên, xét xử bị cáo về tội Giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự là chưa chính xác. Bị cáo chỉ phạm vào tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự.

Ví dụ 2: Vụ án Phùng Thị Huyền Trang và các bị các bị cáo khác phạm tội Giết người.

Theo hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong tháng 7/2011, Phùng Thị Huyền Trang, Bùi Linh Trang và Đinh Thị Luyến bị lừa bán sang Trung Quốc. Khi bị bán sang Trung Quốc, Phùng Thị Huyền Trang đang có thai. Tại Trung Quốc, cả 03 người đều do Nguyễn Thị Đạt đã sang Trung Quốc sống và làm nghề mại dâm nhiều năm mua về để hành nghề mại dâm. Nguyễn Thị Đạt đã thuê 01 phòng số 202 thuộc ký túc xá Công ty vận tải hàng không, tại đường Lệ Giang, thị trấn Thái Bình, khu Giang Châu, thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc làm nơi ở cho Đạt và gái bán dâm. Đạt là người nghiện ma túy, hàng ngày Đạt bắt Phùng Thị Huyền Trang, Bùi Linh Trang, Đinh Thị Luyến đi bán dâm ở các địa điểm có khách yêu cầu để Đạt thu tiền. Đạt bắt Phùng Thị Huyền Trang phải phá thai và đã đưa đến một số bệnh viện Trung Quốc, nhưng do thai đã 06 tháng tuổi nên không phá được. Nguyễn Thị Đạt nói với Loan là người Việt Nam giúp việc cho Đạt là nếu không phá được thai thì bán Phùng Thị Huyền Trang đi xa. Biết được ý định của Đạt, ngày 02/8/2011 Phùng Thị Huyền Trang, Bùi Linh Trang và Đinh Thị Luyến bàn nhau hợp sức để đánh ngất Đạt rồi trốn về Việt Nam. Loan nói nếu đánh ngất thì khi Đạt tỉnh dậy sẽ tìm bắt lại, không thoát được đâu, chỉ có đánh chết thì mới trốn thoát được.

Khoảng 07 giờ ngày 03/8/2011 Nguyễn Thị Đạt yêu cầu cả ba người Huyền Trang, Linh Trang và Luyến thay quần áo để đi bán dâm, lúc đó có cả Loan. Lúc này Đạt chỉ mặc quần áo lót và đang lấy ma túy ra sử dụng. Trong lúc Đạt đang cúi người xuống tìm quần áo trong tủ, Huyền Trang thấy cơ hội, tay phải liền cầm lấy con dao nhọn màu trắng để trên bàn, tiến đến đâm một phát vào sau lưng Đạt, rồi vứt con dao xuống sàn nhà và chạy vào nhà vệ sinh. Đạt nhặt con dao đuổi theo Huyền Trang, hai người giằng co nhau thì Bùi Linh Trang, Đinh Thị Luyến liền cầm vỏ chai bia, đập liên tiếp vào đầu, lưng của Đạt làm Đạt rơi dao. Luyến nhặt lấy con dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào lưng Đạt. Sau đó Luyến đưa dao cho Bùi Linh Trang tiếp tục đâm Đạt. Bùi Linh Trang sau khi bị máu ra tay trơn, dao trượt cứa vào tay, liền bỏ dao. Thấy Đạt còn giãy dụa cả ba người lại dùng ghế gỗ và vỏ chai bia tiếp tục đánh lên người Đạt, cho đến khi thấy Đạt nằm im mới thôi. Thấy Đạt đã chết cả ba người khống chế Loan, cùng đi ra bến xe Sùng Tả để đi taxi ra Ái Điểm để về Việt Nam. Khi taxi đến thì Loan không về cùng mà ở lại.

Sau khi nhận được tin báo vụ giết người, Công an huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc đã tiến hành khám nghiệm, điều tra. Xác định bị hại và người gây án đều là công dân Việt Nam, đã phối hợp với Cơ quan điều tra Việt Nam để cùng giải quyết và giao hồ sơ để phía Việt Nam thụ lý giải quyết.

Ngày 16 và 18/8/2011 cả ba đối tượng trên đã đến cơ quan công an đầu thú.

Kết luận giám định xác định: nguyên nhân chết của Nguyễn Thị Đạt: do phía dưới phổi phải bị đâm thủng dẫn đến khoang ngực có số lượng máu tụ mà gây nên tử vong.

Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Phùng Thị Huyền Trang, Bùi Linh Trang, Đinh Thị Luyến phạm tội “Giết người”; Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm đ, p, i khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 41; 42; 47 và Điều 53 Bộ luật hình sự; Áp dụng thêm cho bị cáo Phùng Thị Huyền Trang điểm 1 khoản 1 Điều 46 và khoản 1 Điều 74 của Bộ luật hình sự, phạt: Bị cáo Phùng Thị Huyền Trang 04 năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù; Bị cáo Bùi Linh Trang 05 năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù; Bị cáo Đinh Thị Luyến 05 năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.

Trong vụ án này, có căn cứ xác định: Phùng Thị Huyền Trang, Đinh Thị Luyến, Bùi Linh Trang đều bị lừa sang Trung Quốc bán cho Nguyễn Thị Đạt và bị Đạt ép bán dâm; khi biết Phùng Thị Huyền Trang có thai, Đạt đã ép Trang phá thai, do thai nhi đã lớn, không phá được, Đạt có ý định bán Phùng Thị Huyền Trang đi xa. Các bị cáo Phùng Thị Huyền Trang, Bùi Linh Trang, Đinh Thị Luyến đã bàn nhau giết Nguyễn Thị Đạt để trốn về Việt Nam. Hành vi nêu trên của các bị cáo Phùng Thị Huyền Trang, Bùi Linh Trang, Đinh Thị Luyến đã phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án này, bị cáo Phùng Thị Huyền Trang là người có hành vi dùng dao nhọn tấn công Nguyễn Thị Đạt trước tiên, sau đó đã cùng với Bùi Linh Trang, Đinh Thị Luyến tiếp tục dùng vỏ chai bia, ghế gỗ và dao nhọn tấn công Nguyễn Thị Đạt cho đến chết. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Phùng Thị Huyền Trang giữ vai trò chính trong vụ án đúng. Các bị cáo Bùi Linh Trang và Đinh Thị Luyến khi thấy Phùng Thị Huyền Trang đâm Nguyễn Thị Đạt thì cũng xông vào dùng vỏ chai bia, ghế gỗ đánh, sau đó thay nhau dùng dao nhọn đâm liên tiếp vào lưng Nguyễn Thị Đạt cho đến chết. Do vậy, cả hai bị cáo này cũng là người trực tiếp thực hiện tội phạm và có vai trò ngang nhau trong vụ án.

Các bị cáo Phùng Thị Huyền Trang, Đinh Thị Luyến, Bùi Linh Trang đều là người chưa có tiền án, tiền sự; đều là nạn nhân của hành vi mua bán người và mua bán dâm; phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, cụ thể là hành vi giữ người trái pháp luật và mua bán dâm (đây là tình tiết định tội). Hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo về tội Giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự là không chính xác. Trong vụ án này, sau khi phạm tội, các bị cáo đã tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; riêng đối với bị cáo Phùng Thị Huyền Trang khi phạm tội còn đang ở độ tuổi chưa thành niên và là phụ nữ có thai; sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo Phùng Thị Huyền Trang đã tự giác nộp 7.000.000 đồng tiền bồi thường và tiền án phí theo quyết định của bản án sơ thẩm; bị cáo Đinh Thị Luyến cũng tự giác nộp 7.000.000 đồng tiền bồi thường thiệt hại. Tòa áp cấp phúc thẩm đã quyết định thay đổi tội danh nhẹ hơn đối với tất cả các bị cáo.

Ví dụ 3: Vụ án Triệu Văn Ngoan bị tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội Cố ý gây thương tích.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 10 giờ ngày 22/8/2011, Triệu Văn Ngoan lên nương tìm vợ là chị Mồng Thị Thủy về nấu cơm. Khi về đến nhà, thấy Ngoan gọi điện thoại thì chị Thủy nói “Ở nhà không nấu cơm, suốt ngày cầm điện thoại di động gọi cho gái”, Ngoan bực tức tát vào mặt Thủy 2 cái, chị Thủy khóc và nói “đánh chết tao đi mà lấy vợ khác”, Ngoan đá nhiều phát vào người chị Thủy làm chị ngã xuống sàn nhà. Chị Thủy vùng dậy lao vào túm và giằng co làm túi quần của Ngoan bị rách, Ngoan đá và đẩy chị Thủy xuống sàn nhà. Sau đó Ngoan vào bếp lấy một đoạn “cây vầu khô” dài khoảng hơn một mét, đường kính khoảng 4cm đánh 2 phát vào người chị Thủy làm “cây vầu” bị gẫy giập phần đầu. Chị Thủy ngồi khuỵu xuống nền nhà, Ngoan cầm đoạn cây vầu còn lại đánh tiếp 2 phát vào 2 bên đầu chị Thủy, sau đó Ngoan vứt đoạn cây vầu vào bếp. Chị Thủy ôm đầu khóc và tỏ thái độ phản ứng bằng cách định đổ bao gạo ra sàn nhà, Ngoan lại đá vào bụng và hông chị Thủy, rồi Ngoan tiếp tục bắt chị Thủy đi nấu cơm, còn Ngoan đi hái rau về nấu; chị Thủy nấu cạn nồi cơm thì lên giường nằm, Ngoan ăn một mình, đang ăn thì các con của Ngoan là Dũng và Tươi về, có 2 cháu là Đường và Hoàng đều sinh năm 2004 cùng đến nhà chơi, cháu Tươi gọi mẹ nhưng không thấy mẹ trả lời; các cháu xin phép Ngoan lên đồi cách nhà khoảng 200 mét ăn quả mác miều. Ăn cơm xong, Ngoan đi sang xã Đoàn Kết, còn chị Thủy thì dậy cầm theo dao lên rừng chặt cây mác miều để các con ăn. Chị Thủy khóc và nói với Dũng và Tươi là “mẹ bị bố đánh cả ngày đau hết cả đầu rồi, bố đánh vào đầu, đá vào người hiện mẹ rất đau đầu”. Sau đó các cháu Hoàng và Đường về thì Dũng và Tươi cũng về theo rồi ăn cơm tối và ngủ ở nhà cháu Đường. Chị Thủy tự đi về nhà.

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, có anh Lương Văn Tiến cùng làng đi chăn trâu qua rẽ vào nhà chị Thủy chơi, thấy anh Tiến vào, chị Thủy dậy kể cho Tiến nghe việc bị Ngoan đánh vào hông, bụng, đầu và nhờ Tiến làm chứng và báo cho công an nếu Thủy chết, sau đó anh Tiến đi chăn trâu.

Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, Ngoan về nhà thấy chị Thủy đã chết, Ngoan bế chị Thủy xuống đặt ở đường đi ngay phía dưới sàn phơi, rồi Ngoan đi báo cho chị Mồng Thị Nháy là chị của chị Thủy rằng Thủy đã tự ngã mà chết. Sau đó, việc mai táng chị Thủy được tiến hành. Ngày 29/10/2011, Triệu Văn Ngoan đến Công an đầu thú về hành vi đánh chết vợ.

Cơ quan điều tra đã tiến hành khai quật và khám nghiệm tử thi vào ngày 01/11/2011. Kết quả khám nghiệm như sau: “kiểm tra vùng đầu phát hiện có vết thương vùng thái dương đỉnh trái kích thước 4 x 2,5cm. Vết cách đỉnh tai trái 10cm, vết lõm biến dạng, diện lõm 0,3cm. Tử thi đang trong tình trạng phân hủy nặng không thấy dấu vết gì trên thân thể. Kiểm tra vùng ngực, hệ xương vùng ngực, khung xương chậu, xương chân tay không vỡ, không gẫy. Rạch da cơ vùng đầu từ đỉnh tai trái qua đỉnh đầu tới đỉnh tai phải, lật da đầu về phía trán và phía chẩm kiểm tra thấy vỡ xương hộp sọ vùng trán đỉnh trái, diện vỡ dài 4cm (vết 1). Kiểm tra phát hiện thấy vỡ lún xương hộp sọ vùng đỉnh chẩm trái diện 2 x 1cm, diện lún 0,3cm (vết 2). Mở lồng ngực kiểm tra nội tạng toàn bộ phân hủy nặng. Kiểm tra cung sườn hai bên: cung sườn bình thường không có dấu vết tổn thương, xương sườn hai bên không gẫy. Ngoài ra không phát hiện tổn thương gì”

Kết luận giám định pháp y xác định: Nguyên nhân chết đa chấn thương vùng đầu, chấn thương sọ não kín, vỡ lún xương hộp sọ vùng trán đỉnh trái, vỡ lún xương hộp sọ vùng đỉnh chẩm trái do tương tác với vật tày cứng.

Bị cáo Triệu Văn Ngoan bị truy tố về tội Giết người theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS; Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định:

Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm o, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Triệu Văn Ngoan 08 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định: Khi tự thú, Triệu Văn Ngoan đã khai nhận hành vi đánh vợ bằng “cây vầu khô” dài hơn 1 mét, đường kính khoảng 4cm, đánh liên tiếp, khi vợ bị đau ngồi xuống “thì tôi đứng phía trước đập hai phát từ trên xuống dưới vào đầu vợ tôi…Đến 23 giờ cùng ngày, tôi từ Đoàn Kết về đến nhà thì thấy vợ tôi chết dưới sàn phơi của nhà tôi. Tôi nghĩ là tôi đánh vợ tôi dẫn đến chết… Bản thân vợ tôi không bị ốm đau hay bệnh tật gì trước khi tôi đánh vợ tôi chết…” (Biên bản người phạm tội tự thú, bút lục số 04-05)

Tại cơ quan điều tra, Triệu Văn Ngoan đã khai: “Khi về đến nhà, tôi nghĩ do tôi đánh vợ tôi mới chết, sợ để Thủy vẫn nằm trên giường mà đi báo cho mọi người thì sẽ bị lộ nên tôi đã bê Thủy ra đường đặt cho mọi người khỏi nghi ngờ tôi đánh chết Thủy…”

Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai nhận như đã khai tại cơ quan điều tra; các lời khai của bị cáo có sự nhất quán, phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi và kết luận giám định pháp y về nguyên nhân chết của chị Thủy như đã nêu ở trên.

Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của anh Lương Văn Tiến về việc chị Thủy nói với anh là bị chồng đánh đau, anh Tiến còn khai rõ: “khi nói chuyện thì chị Thủy dặn tôi là đừng nói với ai về việc đó vì sợ nếu Ngoan biết là Ngoan sẽ đánh, nếu chị Thủy chết thì tôi mới được nói. Tôi muốn đi gọi mọi người đưa chị Thủy đi khám nhưng do tôi sợ bị Ngoan đánh nên không dám và tôi thấy chị Thủy không bị chảy máu nên tôi nghĩ chị Thủy không sao”; phù hợp với lời khai của cháu Mồng Thị Tươi: “…Cháu, anh Dũng, bạn Đường, bạn Hoàng lên rừng hái quả một lúc thì thấy mẹ cháu một mình cầm theo dao đến chỗ bọn cháu, hái quả cho bọn cháu ăn, mẹ cháu dùng dao chặt cành cây có quả mắc miều cho bọn cháu ăn. Cháu thấy mẹ khóc rồi nói với cháu là: mẹ bị bố đánh cả ngày đau hết đầu rồi…bố đánh vào đầu, còn dùng chân đá cho thêm”, cháu thấy mẹ khóc lâu. Ăn quả xong thì bọn cháu đi về trước, mẹ cháu đi về sau. Đấy là lần cuối cùng cháu gặp mẹ. Tối hôm đó cháu và anh Dũng đều ngủ ở nhà bạn Đường, không về nhà, hôm sau cháu về thì mẹ chết rồi.”

Tổng hợp các chứng cứ nêu trên, có cơ sở kết luận: Triệu Văn Ngoan đã dùng một vật cứng và tày (cơ quan điều tra không thu giữ được vật này) đánh hai phát vào đầu chị Mồng Thị Thủy, làm chị Thủy bị vỡ lún xương hộp sọ rồi chết cùng ngày tại nhà của vợ chồng bị cáo, để che giấu hành vi của mình, bị cáo đã tạo ra hiện trường giả, làm cho mọi người trong gia đình và chính quyền địa phương tưởng rằng chị Thủy bị ngã mà chết.

Bị cáo đứng đối diện chị Thủy, dùng đoạn vầu đánh hai phát vào đầu chị Thủy khi chị ngồi ở dưới sàn nhà là hành vi rất nguy hiểm, hậu quả chết người có thể xảy ra; và thực tế, chị Thủy bị chết do hai vết vỡ xương hộp sọ, phù hợp với mô tả của chính bị cáo về hành vi của mình. Bị cáo hoàn toàn nhận thức được hành vi của bị cáo có thể làm chị Thủy bị nguy hiểm đến tính mạng, nhưng  bị cáo vẫn bỏ mặc, điều này được thể hiện khi bị cáo về nhà, thấy chị Thủy chết, bị cáo nghĩ ngay là mình đã đánh chết chị Thủy.

Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng giữa bị cáo và chị Thủy “đang chung sống bình thường, không có mâu thuẫn trầm trọng, chỉ có va chạm nhỏ trong sinh hoạt… không có căn cứ nào xác định bị cáo có động cơ mục đích giết vợ… Bị cáo đánh vợ gây ra thương tích nặng ở đầu mà không biết hậu quả sẽ xảy ra và chị Thủy không có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng nên không đưa chị Thủy đi cấp cứu, để chị ở nhà một mình từ lúc bị đánh lúc giữa trưa đến nửa đêm thì tử vong. Vì vậy định tội giết người là chưa đủ căn cứ”. Nhận xét như vậy là không đúng. Trong trường hợp cụ thể này, hành vi của bị cáo là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của chị Thủy, với hai vết vỡ lún xương sọ thì chị Thủy bị chết là điều khó tránh khỏi, không thể cho rằng bị cáo không có động cơ mục đích giết vợ để xét xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích như Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định. Hành vi của bị cáo cấu thành tội giết người, thuộc trường hợp có tính chất côn đồ, đúng như truy tố của VKS cấp sơ thẩm. Bị cáo phải chịu hình phạt theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS, với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;

Về trách nhiệm dân sự:

– Trong vụ án này, người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Mồng Văn Tấu đã ủy quyền cho chị Mồng Thị Nháy tham gia phiên tòa sơ thẩm, nội dung ủy quyền như sau: “Bản thân tôi yêu cầu: Triệu Văn Ngoan bồi thường mạng con gái tôi là 50.000.000 đồng. Bản thân tôi yêu cầu xử án phạt tử hình đối với Triệu Văn Ngoan. Bản thân tôi đề nghị tòa án yêu cầu mẹ đẻ của Triệu Văn Ngoan phải hỗ trợ tiền nuôi cho 2 con đẻ của Ngoan cho đến khi 18 tuổi”. Như vậy, nội dung ủy quyền của ông Tấu gồm 3 phần, trong đó có hai phần là bồi thường tổn thất về tinh thần và cấp dưỡng nuôi hai con chưa thành niên của người bị hại.

Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Nháy khai: “Tôi không yêu cầu bồi thường nữa, tôi yêu cầu mạng đền mạng cho em gái tôi”. Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích cho chị Nháy biết quy định của pháp luật là chị chỉ có quyền không yêu cầu bị cáo phải bồi thường hơn 13 triệu đồng do chị đã bỏ ra để mai táng cho em gái mình. Riêng khoản bồi thường tổn thất về tinh thần thì bố mẹ và các con chị Thủy (thông qua người giám hộ) mới là người có quyền từ chối, chị không có quyền từ chối phần này trong khi người có quyền là ông Tấu đã ủy quyền cho chị như nêu trên. Cho dù bị cáo không có khả năng bồi thường như chị Nháy đã khai tại phiên tòa sơ thẩm, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm nhận thức rằng chị Nháy không yêu cầu nên Tòa án không phải giải quyết là không đúng.

Ví dụ 4: Vụ án Lò Anh Tuấn, sinh ngày 07/10/1995 bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội hiếp dâm trẻ em.

Theo hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 14 giờ ngày 07/10/2009, Lò Anh Tuấn sinh ngày 07/10/1995 cùng Nguyễn Anh Tú sinh năm 2003, Nguyễn Văn Đức sinh năm 2002, Lê Văn Khánh sinh năm 2005, Lê Kim Huệ sinh ngày 12/5/2005 đều ở bản Nghĩa Hưng, chơi ở bãi đất để vật liệu của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông thuộc địa phận bản Nghĩa Hưng. Lò Anh Tuấn nói với cả bọn là đưa Huệ vào trong khoanh cống bê tông ở gần đó để giao cấu. Đức, Tú, Khánh lần lượt trèo vào trong cống, do Huệ còn nhỏ không tự trèo vào trong cống được nên Tuấn bế Huệ vào. Sau đó, Tuấn cởi quần Huệ xuống đến đầu gối. Tú, Đức, Khánh cũng tự tụt quần mình xuống đến đầu gối  rồi lần lượt đến ôm Huệ trong tư thế đứng, rồi đến Tuấn kéo khóa quần, đưa dương vật chạm vào âm hộ Huệ. Sau đó, Tuấn bảo Huệ nằm xuống và kéo quần Huệ xuống đến cổ chân. Lần lượt Tú, Đức, Khánh nằm đè lên người Huệ, cho dương vật không cương cứng chạm vào âm hộ Huệ. Tiếp đến, Tuấn nằm đè lên người Huệ và thực hiện hành vi giao cấu với Huệ. Huệ kêu đau nên Tuấn đứng dậy, Tuấn nói với mọi người là về nhà không được nói với bố, mẹ biết sự việc trên. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, anh Lê Văn Hưởng (bố của Huệ) tắm cho Huệ thì Huệ kêu đau, khi chị Nguyễn Thị Quyên (mẹ của Huệ) hỏi thì Huệ nói bị Tuấn giao cấu ở trong khoanh cống của công trường giao thông. Đến ngày 09/10/2009 anh Lê Văn Hưởng có đơn đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết.

Tại biên bản khám phụ khoa ngày 09/10/2009 của bệnh viện đa khoa đối với Lê Kim Huệ sinh ngày 12/5/2005 đã xác định: âm hộ bình thường, không nề, không bầm tím, không có vết xây xước, âm đạo điểm 6h có vết xước nhỏ 02 cm, màng trinh hình tròn không có điểm rách.

Kết luận giám định pháp y về tình dục kết luận về tổn thương bộ phận sinh dục của cháu Lê Kim Huệ: tầng sinh môn xước da do tác động của vật sắc, mặt trong môi bé xung huyết do tác động của vật tày. Màng trinh hình vành khăn không có điểm rách.

Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 4 Điều 112; điểm p khoản 1 Điều 46; khoản 3 Điều 52; Điều 68; Điều 69; khoản 2 Điều 74 Bộ luật hình sự xử phạt Lò Anh Tuấn 05 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em.

Buộc bị cáo Lò Anh Tuấn bồi thường tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho bị hại Lê Kim Huệ 6.000.000 đồng (sáu triệu đồng). Do bị cáo là người chưa thành niên nên người đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Lò Văn Toàn (bố đẻ của Tuấn) có trách nhiệm bồi thường thay cho bị cáo Tuấn.

Ngày 16/3/2010, người đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Lò Văn Toàn và bà Lương Thị Hoan kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lò Anh Tuấn và xin đưa bị cáo vào trường giáo dưỡng với lí do: đến ngày phạm tội bị cáo Lò Anh Tuấn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo Tuấn sinh vào 19 giờ ngày 07/10/1995, khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (vào lúc 14h30’ ngày 07/10/2009) thì bị cáo còn thiếu 4 giờ 30 phút nữa mới tròn 14 tuổi là tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý theo Điều 12 Bộ luật hình sự.

Ngày 16/3/2010, bị cáo Lò Anh Tuấn và người bào chữa cho bị cáo là luật sư Đinh Xuân Mỹ kháng cáo với nội dung: lúc phạm tội Lò Anh Tuấn chưa đủ 14 tuổi, việc xử phạt bị cáo 05 năm tù là trái với các qui định tại chương X Bộ luật hình sự. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn và đưa Lò Anh Tuấn vào trường giáo dưỡng. Đề nghị Tòa buộc người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của các cháu Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Văn Đức, Lê Văn Khánh phải bồi thường thiệt hại cùng ông Lò Văn Toàn (bố bị cáo Tuấn) cho cháu Lê Kim Huệ.

Tại phiên tòa, bị cáo Lò Anh Tuấn cũng khai nhận vào chiều ngày 07/10/2009, Tuấn cùng Nguyễn Anh Tú sinh ngày 17/3/2003, Nguyễn Văn Đức sinh ngày 06/02/2002 và Lê Văn Khánh sinh ngày 20/9/2002 thực hiện hành vi giao cấu với cháu Lê Kim Huệ tại khoanh cống hình tròn nơi để vật liệu xây dựng của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông thuộc địa phận bản Nghĩa Hưng.

Căn cứ vào giấy khai sinh thì Lò Anh Tuấn sinh ngày 07/10/1995 và thời gian Tuấn thực hiện hành vi phạm tội cũng là ngày 07/10/2009. Người đại diện hợp pháp của bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại thời điểm sinh của bị cáo Tuấn. Do vậy, cần điều tra xác minh lại độ tuổi của Lò Anh Tuấn, xem bị cáo đã đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo qui định của Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự hay không?

Mặt khác, các đối tượng Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Văn Đức, Lê Văn Khánh đều có hành vi tương tự như Lò Anh Tuấn với cháu Lê Kim Huệ nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc người đại diện hợp pháp của Lò Anh Tuấn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và danh dự, nhân phẩm cho cháu Lê Kim Huệ là cũng không chính xác.

Vì thế, Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án hình sự sơ thẩm số 41/2010/HSST ngày 10/3/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.

BÀI 13:

KỸ NĂNG XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU

 

Xét xử là một nghề đặc biệt, làm ra sản phẩm đặc biệt, đó là những Bản án. Để có được những Bản án đúng pháp luật, có lý có tình, đòi hỏi Thẩm phán phải có kĩ năng xét xử tốt, trong đó kiến thức chuyên ngành của mỗi Thẩm phán luôn là một trong những yếu tố quyết định. Do đó, việc thường xuyên củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức chuyên môn cho Thẩm phán là rất cần thiết và phải được coi trọng, đầu tư.

Để có thể giải quyết tốt nhất một vụ án hình sự nói chung, một vụ án xâm phạm quyền sở hữu nói riêng, Thẩm phán cần phải nắm chắc các quy định tại phần chung và phần các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” quy định tại chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và nhiều quy định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, các Thông tư Liên tịch của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương và các cơ quan chức năng. Đồng thời, đòi hỏi Thẩm phán phải có một phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án và điều hành phiên tòa một cách khoa học, hiệu quả nhất, đúng quy định của pháp luật, kết thúc một quá trình giải quyết một vụ án. Cần nhận thức rằng kĩ năng xét xử của Thẩm phán đối với một vụ án không chỉ ở phiên tòa công khai, mà nó bắt đầu từ khi Thẩm phán Chủ tọa nhận hồ sơ vụ án cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc vụ án được chuyển đến cấp xét xử cao hơn.

  1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN CẦN NẮM VỮNG KHI GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN CỤ THỂ
  2. Một số nội dung thuộc phần chung của Bộ luật Hình sự

1.1. Về chủ thể

Chủ thể của các tội phạm trong chương này là chủ thể bình thường, chỉ có một trường hợp chủ thể đặc biệt trong cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại Điều 144, trong trường hợp này, người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Lưu ý các trường hợp các bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm mà khung hình phạt cao nhất từ 7 năm tù trở xuống. Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự” theo đó: “2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.” Điều 8 Bộ luật Hình sự là “Khái niệm tội phạm”, tại khoản 3 của Điều này quy định:“Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Ví dụ 1: Về một vụ án cụ thể về việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt tù một bị cáo khi bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình:

Bị cáo Phạm Trung Kiên và các bị cáo đồng phạm có hành vi cướp xe mô tô của người đang đi đường, cướp giật túi của người đang tham gia giao thông, lừa đảo chiếm đoạt xe mô tô bị TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm, trong đó có bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh bị xử phạt về hai tội Cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo; theo đó giữ nguyên tội danh Cướp tài sản đối bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (vì tội cướp tài sản là tội rất nghiêm trọng, mặc dù bị cáo Mạnh chưa đủ 16 tuổi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 8, Điều 12 Bộ luật Hình sự viện dẫn ở trên). Đồng thời tuyên bố bị cáo Mạnh không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì khi phạm tội Mạnh mới 15 tuổi 57 ngày (Mạnh cùng bạn mượn một xe mô tô SH 150, trị giá xe 80 triệu đồng, mang đi cắm được 40 triệu đồng; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm quy kết trách nhiệm hình sự về hành vi này của các bị cáo theo điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù, là tội nghiêm trọng; người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng).

1.2. Về khách thể trực tiếp

Như tên gọi của Chương XIV là “Các tội xâm phạm sở hữu”, khách thể trực tiếp bị xâm hại là quan hệ sở hữu, chỉ cần một trong ba quyền bị xâm phạm là quyền sở hữu đã bị xâm phạm.

Người không phải là chủ sở hữu tài sản có thể có các quyền sử dụng, chiếm hữu tài sản, có nghĩa là người không phải chủ sở hữu tài sản cũng sẽ là người bị tội phạm tác động chứ không chỉ có người chủ sở hữu tài sản mới là người bị tội phạm tác động. Do đó người phạm tội chỉ cần có hành vi xâm phạm một trong các quyền này đã có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo một trong những tội phạm quy định ở chương này. Nhận thức đúng nội dung này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, đó là có trường hợp người sở hữu tài sản bị chiếm đoạt không phải là người bị hại trong vụ án, và ngược lại có trường hợp người không phải là chủ sở hữu tài sản bị chiếm đoạt vẫn là người bị hại trong vụ án để từ đó xác lập đúng quyền của người bị hại trong Tố tụng hình sự.

Ví dụ 2: Chị B mượn xe mô tô của anh A cùng cơ quan; chị B gửi xe vào siêu thị. Bị cáo C làm giả vé trông giữ xe, lấy được xe của chị B gửi. Bị cáo C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong trường hợp này, anh A, chị B không phải là người bị hại trong vụ án mà người trông giữ xe mới là người bị hại (hoặc là nguyên đơn dân sự) trong vụ án Lừa đảo.

Khách thể trực tiếp của một số tội phạm trong chương này còn là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân thân của người sở hữu, người quản lý, người chiếm hữu tài sản như trong các tội Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung tặng nặng khi tính mạng, sức khỏe của những người này bị xâm hại.

 Trên thực tế xét xử ít gặp trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về một tội chiếm đoạt với tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là gây thương tích hoặc dẫn đến chết người như Cướp tài sản theo điểm đ, khoản 2; điểm a, khoản 3; điểm a, khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự mà thường gặp các trường hợp bị cáo bị truy tố và xét xử về hai tội là tội Giết người “để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 93 và tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự nếu không có các tình tiết định khung tăng nặng khác. Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết từng vụ án cụ thể, Thẩm phán cần tránh xu hướng cứ mặc nhiên chấp nhận kết quả điều tra, truy tố để xét xử bị cáo về hai tội, một tội xâm phạm quyền sở hữu và một tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, mà thực ra nếu làm kĩ, làm đúng, có khi bị cáo chỉ phạm một tội xâm phạm quyền sở hữu với tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người quản lý tài sản.

Đối tượng tác động của tội phạm trong chương này, đó là tài sản. Theo điều 172 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Theo Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

Các trường hợp chiếm đoạt tài sản là vật có thực gồm các động sản, tiền, vàng… thì đã rõ, không cần phân tích gì hơn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý những trường hợp khác, như: sử dụng điện không qua công tơ, sử dụng điện thoại liên lạc trốn phí, chiếm đoạt đồ cổ trong các đền chùa, chiếm đoạt sừng tê giác, ngà voi, cây cảnh, cây gỗ sưa… Khi tính giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các trường hợp này cần phải căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự để định tội và định khung hình phạt cho đúng.

Lưu ý các trường hợp tài sản của các Công ty cổ phần, Công ty liên doanh… bị chiếm đoạt, trong đó có phần thuộc sở hữu Nhà nước để định tội và áp dụng tình tiết tăng nặng cho đúng, nếu phạm tội chiếm đoạt tài sản trong các trường hợp này thì cần phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự là “xâm phạm tài sản của Nhà nước”. Theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì “Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của TAND tối cao và thực tiễn xét xử thì chỉ cần có tỷ lệ phần trăm tài sản của Nhà nước trong đó, người phạm tội đã bị coi là có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước, không cần phải tỷ lệ trên 50% như quy định tại Luật Doanh Nghiệp.

Lưu ý, trong các trường hợp tài sản bị chiếm đoạt là các loại “giấy tờ có giá”, đây cũng là đối tượng tác động của một số tội phạm trong chương này. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giấy tờ có giá bao gồm:

* Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

* Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

* Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công năm 2009;

* Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Chứng khoán;

* Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp;

Trên thực tế thường gặp các trường hợp can phạm chiếm đoạt Sổ tiết kiệm, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà trên đất, Đăng kí xe ô tô, mô tô… Theo các quy định trên, thì các loại giấy tờ này không phải là giấy tờ có giá. Do đó, những hành vi chiếm đoạt một trong các loại giấy tờ này không cấu thành tội phạm quy định trong chương tội “Xâm phạm quyền sở hữu” nếu không có các yếu tố khác để định tội. Tuy nhiên, nếu sau khi chiếm đoạt được giấy tờ này, người chiếm đoạt tiếp tục có hành vi sử dụng giấy tờ này bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi của họ vẫn cấu thành một trong các tội phạm quy định tại chương này.

Ví dụ 3: Một người (chưa bị xử lý hành chính, chưa bị kết án về hành vi chiếm đoạt) trộm cắp được một cái túi xách của người đi đường, trong túi có một sổ tiết kiệm 100 triệu đồng, cùng một số tài sản khác có giá trị 1,8 triệu đồng, ngay sau đó bị bắt giữ. Có ý kiến cho rằng phải truy tố, xét xử người này về tội Trộm cắp tài sản với giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 101,8 triệu đồng theo quy định tại điểm 2, khoản 2, Điều 138 Bộ luật Hình sự và áp dụng tình tiết giảm nhẹ là Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự. Nhận thức như vậy là không đúng, trong trường hợp này chỉ có thể xử lý hành chính mà thôi; nếu người này dùng thủ đoạn để rút được số tiền tiết kiệm thì hành vi chiếm đoạt số tiền này có thể là hành vi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tổ chức tín dụng chứ không phải của người có sổ tiết kiệm. Thực tế xét xử, rất nhiều vụ án người phạm tội có được giấy chứng nhật quyền sử dụng đất của người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, từ đó mạo ra các hợp đồng, giấy ủy quyền… của người này để vay tiền của các tổ chức tín dụng, không trả được đều bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền mà họ nhận được từ tổ chức tín dụng chứ không phải giá trị quyền sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất là tài sản bị chiếm đoạt; trường hợp này tổ chức tín dụng là Nguyên đơn dân sự trong vụ án lừa đảo; người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là người bị hại trong vụ án này.

Ví dụ 4: Hai người A và B là bạn, cùng mang xe mô tô của B đến hiệu cầm đồ để cắm lấy 10 triệu đồng cho A vay. Không có khả năng trả nợ, A đã giết B, lục túi lấy được hợp đồng cầm cố và giấy đăng kí xe mô tô của B; A mang giấy tờ quay lại hiệu cầm đồ, nói với người cầm đồ là B xin vay thêm 10 triệu đồng nữa; người cầm đồ tin là thật nên đã đưa cho A 10 triệu đồng. Viện kiểm sát truy tố A phạm hai tội Giết người và tội Cướp tài sản theo khoản 1 Điều 93 và khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Tội Giết người đã rõ, nhưng tội Cướp tài sản thì không đúng vì như nói trên, Giấy đăng kí xe mô tô không phải là giấy tờ có giá; trong trường hợp này, hành vi của A còn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người cầm đồ.

Riêng về “Quyền tài sản”: Gồm nhiều quyền như: quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, quyền hưởng thừa kế, quyền tác giả, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa… Như nói ở trên, đối tượng tác động của tội phạm trong chương này phải là những vật cụ thể, sờ thấy, nhìn thấy. Còn “Quyền tài sản” với tư cách là một khái niệm pháp lý thì không thể trở thành đối tượng bị tác động bởi các hành vi khách quan của các tội phạm trong chương này. Nếu có hành vi xâm phạm các quyền này thì sẽ được giải quyết bởi những quy định pháp luật khác, như tranh chấp về Quyền tác giả, về Bản quyền, về Nhãn hiệu hàng hóa… hoặc nếu xử lý về hình sự thì với các tội danh khác chứ không phải các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” mà chúng ta đang nghiên cứu.

1.3. Khái niệm về chiếm đoạt

  1. a) Khái niệm:

Chiếm đoạt được định nghĩa “Là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình” (Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2004, Nxb Công an nhân dân, trang 368). Trên thực tế, rất nhiều trường hợp Chủ tài sản không phải là người đang quản lý tài sản; theo chúng tôi, khái niệm trên chưa phù hợp với nội hàm của động từ “Chiếm đoạt” quy định trong chương này; chúng tôi thấy khái niệm Chiếm đoạt ghi trong Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội – Trung tâm từ điển, năm 1994, trang 151 có nghĩa sát hợp hơn: “Chiếm của người làm của mình bằng cách dựa vào vũ lực, quyền thế”, có như vậy mới giải thích được vì sao những hành vi sau đây vẫn bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội thuộc Chương này.

  1. b) Một số hành vi “Chiếm đoạt” cần lưu ý:

– Hành vi cướp tiền tại một đám bạc: đã có nhiều vụ án người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc thủ đoạn khác để chiếm đoạt tiền, tài sản của những người đang đánh bạc, tất cả những hành vi này đều bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản hoặc Công nhiên chiếm đoạt tài sản, tùy theo hành vi khách quan. Tất nhiên, toàn bộ tài sản đó không thể trả lại cho những người bị hại – những con bạc, mà phải tịch thu vì đó là tiền, tài sản do đánh bạc mà có hoặc là phương tiện dùng để đánh bạc.

– Hành vi dùng vũ lực, thủ đoạn khác… để lấy tiền, tài sản đang thuộc quyền quản lý của con nợ để trả nợ cho chủ nợ (bắt nợ, bắt nợ thuê) cũng đều bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản, tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội Cưỡng đoạt tài sản hoặc tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, tùy theo hành vi khách quan. Trong trường hợp này, nếu các bên thỏa thuận được với nhau về giải quyết nợ thì ngoài việc xử phạt người có hành vi phạm tội; trên thực tế, Tòa án cũng giải quyết luôn cả phần tài sản, trả cho chủ nợ nếu sự thỏa thuận của các bên là hợp pháp.

Có thể nêu một vụ án ở Thái Nguyên đối với bị cáo Nguyễn Văn Phước và các bị cáo đồng phạm bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố, kết luận điều tra về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Bản Kết luận điều tra số 07 ngày 23/01/2013) nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ truy tố các bị cáo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo điểm a khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự (Cáo trạng số 21 ngày 18/4/2013).

1.4. Khái niệm về cấu thành tội phạm hình thức và cấu thành tội phạm vật chất

Theo khái niệm về Cấu thành tội phạm hình thức:“Cấu thành tội phạm trong đó không có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội. Các tội phạm được xây dựng Cấu thành tội phạm là Cấu thành tội phạm hình thức là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm của tội phạm đó hoặc dấu hiệu nguy hiểm của tội phạm đó khó xác định” (Giáo trình Luật Hình sự nêu trên), thì trong chương các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” có 3 tội có cấu thành cơ bản là cấu thành hình thức, gồm các tội Cướp tài sản, tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 1 của các điều 133, 134, 135 Bộ luật Hình sự; các khoản còn lại của các điều này là những cấu thành tăng nặng. Cũng theo Giáo trình nêu trên (trang 57) thì:“Mỗi loại tội phạm có một Cấu thành tội phạm cơ bản, ngoài ra có thể có một hoặc nhiều Cấu thành tội phạm tăng nặng hay giảm nhẹ”.

Trên thực tế nhiều vụ án Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội không chiếm đoạt được tài sản bởi những lý do khách quan khác nhau, từ đó có những ý kiến cho rằng bị cáo phạm tội chưa đạt, có ý kiến cho rằng bị cáo phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn, dẫn đến áp dụng pháp luật khác nhau, không nhất quán khi giải quyết từng vụ án cụ thể.

Còn lại 10 tội phạm khác trong chương này đều là những tội phạm có Cấu thành tội phạm vật chất, tức là “Cấu thành tội phạm trong đó có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội. Những tội phạm được xây dựng có Cấu thành tội phạm là Cấu thành tội phạm vật chất là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm đó mà đòi hỏi phải có cả dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội.”

Tuy không có nhiều ý kiến khác nhau như những trường hợp tội phạm có Cấu thành hình thức nhưng cũng cần lưu ý một số trường hợp người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản, liên quan đến lý thuyết về Chuẩn bị phạm tội và Phạm tội chưa đạt.

1.5. Áp dụng quy định về Chuẩn bị phạm tội, Phạm tội chưa đạt đối với các tội “Xâm phạm quyền sở hữu”

  1. a) Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định:“Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”.

Với quy định trên thì hành vi chuẩn bị phạm tội đã được liệt kê trong Điều luật, người nào đã thực hiện một hoặc tất cả những hành vi trên nhưng dừng lại không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa vì bất cứ lý do chủ quan hay khách quan thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, nhưng chỉ giới hạn đối với những tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, tức là nếu người đó vẫn tiếp tục thực hiện tội phạm thì hành vi phạm tội của người đó cũng chỉ bị xử phạt theo khung hình phạt có mức cao nhất đến 7 năm tù.

Như vậy, trong Chương này chỉ có một tội Cướp tài sản là tội phạm có thể có trường hợp người phạm tội mới thực hiện những hành vi chuẩn bị phạm tội đã bị truy tố, xét xử nếu xác định được người đó đang chuẩn bị kế hoạch, chuẩn bị phương tiện để cướp tài sản, áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự vì khoản 1 điều này có mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù (trên 7 năm tù, là tội rất nghiêm trọng) còn ở các tội khác quy định từ Điều 134 đến Điều 145 Bộ luật Hình sự thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người có hành vi chuẩn bị phạm tội.

  1. b) Điều 18 Bộ luật Hình sự quy định:“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”. Khác vớichuẩn bị phạm tội,phạm tội chưa đạt phải có đủ ba dấu hiệu:

– Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội đã thực hiện tội phạm;

– Dấu hiệu thứ hai: Người phạm tội phải dừng lại khi hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm;

– Dấu hiệu thứ ba: Người phạm tội phải dừng lại là vì nguyên nhân khách quan.

Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử các loại tội phạm này còn có vướng mắc, nhận thức chưa thống nhất về khái niệm phạm tội chưa đạt.

 Ví dụ 5: Có 4 vụ án về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” để minh họa như sau:

 * Án số 20/2012/HSST ngày 18/4/2012 của TAND tỉnh Nghệ An, áp dụng kiểm b khoản 4 Điều 134; Điều 19 Bộ luật Hình sự (Tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm) đối với các bị cáo Lê Hồng Quang, Hồ Văn Bình, Lương Văn An, Quách Thị Em, Lê Tuấn Anh; người bị hại là cháu Phạm Văn Phương, sinh 1996. Tại bản án phúc thẩm hình sự số 396/2012/HSPT ngày 24/7/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 (Phạm tội đối với trẻ em) và áp dụng Điều 18 Bộ luật Hình sự (phạm tội chưa đạt).

* Án số 22/2012/HSST ngày 24/4/2012 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 134 (Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 đến dưới 500 triệu đồng). Tại bản án phúc thẩm hình sự số 412/2012/HSST ngày 27/7/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã y án sơ thẩm.

* Án số 22/2012/HSST ngày 28/6/2012 của TAND tỉnh Hải Dương, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự với các bị cáo Nguyễn Thị Thúy, Phạm Văn Thế, Lê Văn Sang, Trần Mạnh Khuê (bắt giữ người bị hại, ép phải viết giấy nhận nợ 227 triệu đồng, vợ người bị hại hứa sẽ trả nên các bị cáo thả bị hại ra, sau đó vợ chồng người bị hại trả các bị cáo được 40 triệu đồng, viết lại giấy nhận nợ 187 triệu đồng). Tại bản án phúc thẩm hình sự số 592/2012/HSPT ngày 01/11/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự với các bị cáo với phân tích số tiền các bị cáo chiếm đoạt được chỉ là 40 triệu đồng.

* Án số 61/2012/HSST ngày 29/11/2012 của TAND tỉnh Cao Bằng, áp dụng khoản 1 Điều 133; điểm b khoản 4 Điều 134, xử phạt bị cáo Hoàng Văn Khương 03 năm tù về tội Cướp tài sản, 16 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tại bản án phúc thẩm hình sự số 131/2013/PTHS ngày 25/3/2013 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm: áp dụng Khoản 1 Điều 133; các điểm o, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 17; khoản 2 Điều 52; Điều 47 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Khương 02 năm tù về tội Cướp tài sản. Áp dụng điểm b khoản 4 Điều 134; Điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 18; khoản 3 Điều 52; Điều 47 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Khương 12 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt cả hai tội là 14 năm

Ví dụ 6: Về tội Cướp tài sản – Vụ Cướp xe taxi ở Hà Nội: hai bị cáo bàn bạc, cùng thuê xe taxi đi từ Cổ Nhuế đến đại lộ Thăng Long thì các bị cáo dùng dao khống chế, làm người lái xe bị thương tích 10%, dùng dây trói người lái xe đưa xuống ghế sau, một bị cáo lái xe đi tiếp, đến Đường Lâm, chúng định cho người lái xe xuống rồi đánh xe đi Hải Phòng tiêu thụ, sau đó một bị cáo sợ sẽ bị phát hiện, nên cả hai bị cáo đã bỏ lại xe ô tô, trên xe có người lái bị trói, bịt miệng, chúng lấy của người lái xe 2 chiếc điện thoại di động trị giá 800.000 đồng và 80.000 đồng tiền mặt, rồi cả hai bỏ trốn. Vụ án bị phát hiện, các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 133 BLHS vì giá trị của chiếc xe ô tô được định giá 250 triệu đồng; TAND thành phố Hà Nội đã phạt một bị cáo 14 năm tù, một bị cáo 13 năm tù. Khi giải quyết vụ án này ở Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, có một số vấn đề được đưa ra thảo luận:

* Luật sư có ý kiến rằng mặc dù không bị ngăn cản gì nhưng các bị cáo vẫn từ bỏ ý định lấy xe ô tô, như vậy các bị cáo đã “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự, Điều luật quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. Luật sư còn phân tích nếu không thuộc trường hợp bị cáo Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp Phạm tội chưa đạt; theo đó, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt đáng kể cho các bị cáo.

* Hội đồng xét xử đánh giá các bị cáo đã thực hiện xong hành vi khách quan của tội cướp tài sản là dùng vũ lực với người quản lý tài sản, các bị cáo đã chiếm đoạt được xe ô tô kể từ thời điểm người lái xe bị trói đưa xuống ghế sau, xe ô tô do một bị cáo điều khiển theo ý định của các bị cáo nên không chấp nhận ý kiến của Luật sư về “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” hoặc “Phạm tội chưa đạt” mà áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “… thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự vì người bị hại chỉ bị thương tích 10% và bị mất tài sản trị giá 880.000 đồng, theo đó giảm cho mỗi bị cáo một phần hình phạt.

1.6. Về đồng phạm

Khái niệm đồng phạm được quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự, theo đó nhiều người có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Được coi là cùng thực hiện khi tham gia vào tội phạm với một trong bốn loại hành vi: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm và hành vi giúp sức thực hiện tội phạm. Tương ứng với bốn loại hành vi tham gia này là bốn loại người đồng phạm: người thực hành, người xúi giục, người tổ chức và người giúp sức. Những người đồng phạm đều cố ý cũng như biết và mong muốn sự cố ý của người khác khi cùng thực hiện tội phạm.

Trên thực tế, nhiều trường hợp xác định vụ án có đồng phạm hay không rất phức tạp; để có thể xác định đúng, trước hết phải làm rõ hành vi của mỗi người đồng phạm theo từng giai đoạn diễn biến của vụ án. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải phân tích các giai đoạn thực hiện tội phạm, từ khi chuẩn bị phạm tội đến khi thực hiện tội phạm, khi nào thì tội phạm hoàn thành (về mặt pháp lý) khi nào thì tội phạm kết thúc (trên thực tế); người nào có hành vi tham gia từ đầu đến cuối, người nào tham gia vào từng giai đoạn… Thường có nhầm lẫn khi xác định người đồng phạm giúp sức trong các trường hợp tội phạm đã hoàn thành nhưng chưa kết thúc, do đó tùy trường hợp cụ thể để xác định có đồng phạm hay không.

Về nguyên tắc, khi tội phạm đã hoàn thành về mặt pháp lý thì không có đồng phạm, hành vi của những người tham gia sau thời điểm tội phạm đã hoàn thành thường là cấu thành một tội độc lập như tội Che giấu tội phạm, tội Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy cũng tùy từng trường hợp cụ thể để xác định cho phù hợp. Sau đây là một vụ án cụ thể:

Ví dụ 7: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi bị cáo T có 2 hành vi phạm tội.

* Hành vi thứ nhất: do cần tiền kinh doanh, bị cáo T thuê của D một xe ô tô Innova tự lái nói rằng để phục vụ việc đi lại trong kinh doanh. Ngay sau khi nhận được xe, T mang đến cắm cho P để vay 200.000 đồng; hết thời hạn thuê 1 tháng, D không thấy T trả xe, liên lạc không được, D đã đi tìm và phát hiện xe của mình đang ở nhà P; D báo công an phường đến nhà P, lập biên bản, thông báo cho P biết xe đó là xe của D, công an phường giao xe cho P tiếp tục quản lý, không được di chuyển, chờ Cơ quan điều tra xử lý; trong khi chờ giải quyết thì P bán xe được 150 triệu đồng (xe được định giá 516 triệu, sau này không thu hồi được xe).

* Hành vi thứ hai: cùng thời gian này, T vay của V 520 triệu đồng, hẹn 10 ngày trả, đến hạn không trả được, T thay số điện thoại, bỏ trốn khỏi địa phương.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự với T ở hai hành vi trên về cùng một tội là Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 140 Bộ luật Hình sự, buộc T phải bồi thường cho D và V. Bị cáo P bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt tù cho hưởng án treo. Bị cáo T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; người bị hại D kháng cáo phải xét xử P về tội đồng phạm với T và buộc P phải bồi thường toàn bộ xe ô tô; người bị hại V kháng cáo tăng hình phạt với T.

Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá việc Tòa án cấp sơ thẩm kết tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với T ở hành vi thứ hai là đúng, nhưng với hành vi thứ nhất là không đúng, bởi vì: T có ý thức gian dối ngay từ khi chưa nhận được xe ô tô của D, nhận được xe, T mang cắm ngay cho P, đến thời điểm này hành vi của T đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ở thời điểm P nhận xe và giao tiền cho T thì P tin rằng xe ô tô không phải do T phạm tội mà có. Đến thời điểm D tìm được xe của mình đang do P quản lý, đưa công an đến, lập biên bản thì P mới biết xe ô tô mà mình đang quản lý là do T lừa của D mang đi cắm lấy tiền; P không chấp hành yêu cầu của cơ quan công an, vẫn mang xe đi bán mặc d� biết rõ đó là xe của D. Về lý thuyết, tội phạm Lừa đảo của T đã hoàn thành từ thời điểm T mang xe đi cắm, nhưng trên thực tế thì chưa kết thúc; hơn thế nữa, D đã tìm được xe của mình, chính P mới là người chiếm đoạt toàn bộ xe ô tô của D. Như vậy, thiệt hại xảy ra đối với D là do hành vi của cả T và P, cùng là cố ý, cho nên phải xác định T và P cùng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của D. Và theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Lưu ý, trường hợp vụ án có đồng phạm, trong đó có người đồng phạm có hành vi vượt quá, nếu hành vi vượt quá cấu thành một tội độc lập hoặc là tình tiết tăng nặng định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự, thì chỉ người có hành vi vượt quá phải chịu, không bắt các đồng phạm khác cùng chịu theo. Thực tế xét xử cho thấy việc xác định người đồng phạm có hành vi vượt quá thường rất phức tạp, dễ nhầm lẫn, cần phải khai thác kĩ về ý thức chủ quan của những người đồng phạm.

1.7. Xác định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

  1. a) Về phạm tội nhiều lần:

– Trong chương này chỉ có một tội “Sử dụng trái phép tài sản” quy định tại Điều 142 có tình tiết định khung tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” theo điểm a khoản 2 của điều luật. Cần hiểu rằng “Phạm tội nhiều lần” ở đây là nhiều lần sử dụng trái phép tài sản, mỗi lần phải thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 của điều luật này, những lần vi phạm đó chưa bị xử lý và còn thời hiệu xử lý.

– Các tội còn lại trong chương không có tình tiết định khung tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” nhưng vẫn có thể có trường hợp phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: người phạm tội thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt cùng loại, trong đó phải có ít nhất từ 2 lần trở lên và mỗi lần chiếm đoạt phải đạt cấu thành cơ bản của tội phạm đó. Ngược lại, nếu người có hành vi chiếm đoạt cùng loại, nhiều lần, mỗi lần không đủ cấu thành cơ bản thì họ không phải chịu tình tiết này, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản mà họ đã chiếm đoạt qua các lần.

Ví dụ 8: Người A thực hiện 5 lần trộm cắp, trong đó có 2 lần mỗi lần trộm được 2 triệu, ba lần còn lại mỗi lần trộm được 1 triệu, người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự với tổng số tiền chiếm đoạt là 7 triệu đồng và phải chịu thêm tình tiết tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cả 5 lần trộm cắp, mỗi lần được 1 triệu đồng hoặc một lần trộm cắp được 2 triệu, 4 lần khác trộm cắp mỗi lần 1 triệu thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự, không phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” vì không có từ hai lần trở lên chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên theo như quy định tại khoản 1 của điều luật.

  1. b) Về tái phạm, tái phạm nguy hiểm:

– Cần chú ý trường hợp bị cáo đã từng bị Tòa án quy kết trách nhiệm hình sự về tội phạm do bị cáo đã thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi, nay người này lại phạm tội mới thì không coi người này phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm (xem Điều 69 Bộ luật Hình sự).

– Có 11/13 tội phạm quy định ở chương này quy định tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 của các điều luật là “Tái phạm nguy hiểm”, khi áp dụng tình tiết định khung này cần nắm hai vấn đề:

Thứ nhất, hành vi mà họ đã thực hiện phải cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng (cấu thành cơ bản);

Thứ hai, các lần phạm tội trước của người này không nhất thiết phải là phạm các tội chiếm đoạt mà chỉ cần thỏa mãn quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm là đủ.

Thẩm phán cần nắm chắc quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 để định tội và xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm cho đúng; đây là nội dung phức tạp, dễ nhầm lẫn.

Ví dụ 9: tháng 4/2009 bị cáo A bị Tòa án xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, trị giá 600.000 đồng; ngày 31/12/2009 ra tù theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội nêu trên; tháng 6/2010, A lại trộm cắp tài sản trị giá 2 triệu đồng, Tòa án xử phạt A theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, nhưng không được coi A phạm tội lần này là tái phạm vì A đã đương nhiên được xóa án tích kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi có hiệu lực ngày 01/01/2010 (tuy nhiên vẫn còn tranh luận…). Mở rộng trường hợp này, nếu A chỉ chiếm đoạt 1 triệu đồng thì A có phạm tội trộm cắp tài sản không? Hiện nay còn có nhận thức khác nhau, chờ hướng dẫn của TAND Tối cao và Liên ngành.

Ngoài ra, Thẩm phán phải nắm chắc quy định về xóa án tích từ Điều 63 đến Điều 64, Chương IX Bộ luật Hình sự để xác định bị cáo đã được xóa án tích chưa, đã chấp hành xong bản án chưa… Có như vậy mới xác định chính xác bị cáo phạm tội có thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không.

  1. c) Về tình tiết tăng nặng phạm tội đối với người quản lý tài sản là người già, trẻ em: chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, không áp dụng đối với các tội chiếm đoạt có cấu thành vật chất quy định trong chương này. Tuy nhiên, vẫn phải áp dụng đối với các tội như Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản vì hành vi khách quan của các tội này cũng xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ là sự an toàn tính mạng, sức khỏe của người quản lý tài sản…(Xem mục 26 Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TAND Tối cao).
  2. d) Về tình tiết giảm nhẹ“Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự:

Đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ hình phạt đáng kể cho các bị cáo phạm tội chiếm đoạt. Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cũng rất khác nhau bởi hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra được khắc phục, sửa chữa, bồi thường bằng nhiều cách khác nhau.

Trường hợp người thân của bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại nhưng bị can, bị cáo không biết việc này thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, không được áp dụng điểm b khoản 1 Điều này theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2000/HĐTP ngày 04/8/2000.

Trường hợp người thân của bị can, bị cáo thực hiện bồi thường cho người bị hại theo yêu cầu của bị can, bị cáo thì bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006.

Hướng dẫn áp dụng pháp luật như trên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chúng tôi thấy vẫn chưa phù hợp, vì ý nghĩa của các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự là rất khác nhau, tác động đáng kể đến việc quyết định hình phạt. Điều 47 Bộ luật Hình sự chỉ quy định khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 thì Tòa án có thể xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà không quy định trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác không thuộc khoản 1 của điều này thì cũng có thể được xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt… Bị cáo làm sao biết được quy định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao như vậy để chủ động tìm cách nhắn từ trong buồng giam ra ngoài cho gia đình bồi thường thay cho mình.

Theo chúng tôi, vấn đề chính là ở chỗ: Hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là thiệt hại cho người bị hại được bồi thường, khắc phục kịp thời, đầy đủ là vấn đề cần được quan tâm hơn; không nên phân biệt nguồn bồi thường có từ đâu, ai là người bồi thường. Trong điều kiện bị tạm giam, bị can rất khó để thực hiện việc bồi thường, cần xuất phát từ lợi ích hợp pháp của người bị hại đã được giải quyết trước khi xét xử (cho dù là ai bồi thường giúp cho bị can) thì Tòa án nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; tuy nhiên, trong khi chờ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn bổ sung, về nguyên tắc các Thẩm phán vẫn phải theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2000 và Nghị quyết số 01/2006.

  1. Xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giải quyết trách nhiệm dân sự, xử lý phương tiện phạm tội

2.1. Về định giá tài sản

Định giá tài sản không chỉ là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường, mà trước hết là căn cứ pháp lý để Tòa án xác định đã cấu thành tội phạm chưa, có cấu thành tăng nặng hay không. Hiện nay cơ sở pháp lý của việc định giá tài sản là Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về “Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự” và Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2005.

Theo các văn bản quy phạm pháp luật trên thì Cơ quan định giá được thành lập ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương; Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản quy định tại Nghị định này là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự. Như vậy, Kết luận định giá của Hội đồng định giá là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ vụ án.

Việc định giá tài sản trong trường hợp tài sản không thu hồi được cũng là rất nhạy cảm: nếu định giá thấp thì có thể sẽ xảy ra tình huống để lọt tội, lọt người phạm tội hoặc người phạm tội chỉ phải chịu khung hình phạt nhẹ mà đúng ra họ phải chịu khung hình phạt nặng hơn; ngược lại, nếu định giá cao thì có thể dẫn đến kết tội oan hoặc áp khung hình phạt nặng, bất lợi cho bị cáo. Về nguyên tắc, phải theo kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng ở thời điểm tài sản bị chiếm đoạt; việc định giá đúng, sai trách nhiệm thuộc về Hội đồng định giá, trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả định giá thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể yêu cầu định giá lại.

Định giá đối với những tài sản ít gặp như: đồ cổ, ngà voi, sừng tê giác…, về nguyên tắc vẫn phải theo kết quả định giá của Hội đồng định giá, trong những trường hợp này, Hội đồng định giá sẽ có thành viên là những chuyên gia trong các lĩnh vực đó tham gia.

2.2. Giải quyết trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản bị chiếm đoạt

Về nguyên tắc, phần trách nhiệm dân sự phải được giải quyết ngay trong vụ án hình sự; Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 không quy định): “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Trên thực tế, các Tòa án ít khi phải tách phần trách nhiệm dân sự để giải quyết sau, bởi lẽ các tội phạm trong chương này đa số có cấu thành vật chất, việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, trước hết làm căn cứ cho việc định tội, định khung hình phạt, đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của bị cáo cho người bị hại.

Tuy nhiên, qua một số trường hợp Tòa án tách phần trách nhiệm dân sự để giải quyết sau bằng một vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự thì có những nhận thức khác nhau, vướng mắc khi áp dụng pháp luật tố tụng, đó là:

– Khi Tòa án cấp sơ thẩm tách phần trách nhiệm dân sự để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự, khi đó người bị hại trong vụ án hình sự lúc này trở thành nguyên đơn trong vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, họ phải có đơn khởi kiện, có thể họ phải nộp tạm ứng án phí mà lẽ ra trong vụ án hình sự họ không phải nộp; việc tiến hành tố tụng của Tòa án lúc này theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, vậy trường hợp nguyên đơn chứng minh được thiệt hại của mình do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra hoặc là nhiều hơn hoặc là ít hơn (đáng kể) liên quan đến việc xác định tội danh hoặc hình phạt mà Tòa án đã xử phạt bị cáo trước đó thì giải quyết thế nào? Bản án hình sự có bị xem xét lại không? Do đó, cần hết sức tránh trường hợp tách phần trách nhiệm dân sự để giải quyết sau theo thủ tục tố tụng dân sự, đỡ rắc rối.

– Khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy phần trách nhiệm dân sự trong bản án sơ thẩm hình sự để điều tra lại, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn tại phần II, mục 5 Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 về việc thực hiện Điều 252 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm về phần quyết định dân sự để điều tra lại hoặc xét xử lại thì việc điều tra lại hoặc xét xử lại được tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự. Nếu cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để giải quyết được đúng đắn khi xét xử sơ thẩm lại thì việc tiến hành các việc đó được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm về phần quyết định dân sự để giải quyết trong một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu, thì việc thụ lý, giải quyết vụ án dân sự khác đó khi có yêu cầu được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự”. Chúng tôi thấy hướng dẫn này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhiều Tòa án và Viện kiểm sát cấp sơ thẩm còn lúng túng khi tiến hành giải quyết lại phần này: nếu để điều tra lại theo thủ tục tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải tiến hành điều tra, kết luận rồi mới chuyển cho Tòa án xét xử; vậy Cơ quan điều tra có phải ra Kết luận vụ án, Viện kiểm sát có phải ra Cáo trạng nữa hay không? “Nếu cần …” thì lại được thực hiện theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự, tức là nghĩa vụ chứng minh lúc này thuộc về nguyên đơn (người bị hại), ngược hẳn với tố tụng hình sự – nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo chúng tôi, cần phải nghiên cứu lại vấn đề này, bắt đầu từ quy định về tách phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ biện chứng giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án hình sự. Trước mắt, cần hạn chế việc tách và hủy phần trách nhiệm dân sự, nếu có thể giải quyết luôn trong cùng một vụ án hình sự thì giải quyết luôn, không vì thời gian giải quyết vụ án hình sự kéo dài mà tách, hủy để giải quyết sau, giải quyết lại có khi còn mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn và chưa hẳn là kết quả giải quyết đã đúng đắn…

Tài sản do bị cáo chiếm đoạt, đã được thu giữ phải trả lại cho người bị hại, bất kì ở thời điểm thu giữ tài sản đó đang do ai quản lý (trừ trường hợp cướp tiền tại đám bạc như đã nêu ở trên hoặc một số trường hợp đặc biệt khác như tài sản đó đang là tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án khác…). Nếu tài sản đó đang do người thứ ba quản lý mà người này không biết do bị cáo phạm tội mà có (như nhận gửi giữ, cầm cố, thế chấp, đổi chác…) có thể là không hợp pháp nhưng ngay tình, thì buộc bị cáo phải có nghĩa vụ hoàn trả tiền bạc, vật chất cho những người này nếu họ không có thỏa thuận khác, đồng thời không buộc bị cáo phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng để tịch thu với lập luận rằng do phạm tội mà có (thường là tiền bán, cầm cố tài sản chiếm đoạt được) (Xem Công văn số 105/KHXX ngày 17/9/1997 của TAND Tối cao, trang 80 Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và Tố tụng, năm 1998).

Đối với trường hợp không thu giữ được tài sản: trường hợp này buộc bị cáo phải bồi thường ít nhất là toàn bộ giá trị của tài sản theo giá của Hội đồng định giá. Trong trường hợp người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường cả phần lãi (tiền do người bị hại vay chịu lãi, bị chiếm đoạt…), lợi ích thu được từ việc khai thác sử dụng tài sản (xe ô tô cho thuê…) hoặc chi phí cho việc tìm tài sản… nếu người bị hại chứng minh được.

Lưu ý, phần lãi, lợi tức này không được cộng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt để xác định khung hình phạt hoặc tăng hình phạt với bị cáo, chỉ là trách nhiệm dân sự của bị cáo với người bị hại, nguyên đơn dân sự mà thôi.

Tòa án không được buộc bị cáo hoặc người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu chi phí định giá tài sản. Theo Điều 22 Nghị định viện dẫn trên về “Chi phí định giá tài sản: 1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm trả chi phí định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản. Chi phí định giá tài sản được lấy từ ngân sách nhà nước, theo dự toán hàng năm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”

  1. Xác định và xử lý phương tiện phạm tội

Phương tiện phạm tội có thể là hòn gạch, con dao, cái gậy… nhưng có trường hợp là những tài sản có giá trị như ô tô, mô tô… thuộc sở hữu của riêng bị cáo thì bắt buộc phải tịch thu. Nếu thuộc sở hữu chung của bị cáo với vợ (chồng), hoặc đồng sở hữu với người khác thì chỉ tịch thu phần thuộc sở hữu của bị cáo, còn giá trị tài sản của các đồng sở hữu phải được trả lại nếu họ không đồng phạm tội với bị cáo và không có căn cứ xác định nguồn gốc phương tiện (tài sản) đó do phạm tội mà có. Đối với phương tiện mà bị cáo mượn của người khác, những người này không biết mục đích bị cáo sử dụng phạm tội thì phải trả lại cho họ.

Phương tiện phạm tội là vũ khí, chất nổ hoặc các loại tài sản đặc biệt khác thì phải giao cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý như cơ quan quân sự… Chứ không được tuyên tịch thu cho hủy bỏ như những phương tiện thông thường khác (dao, gậy…).

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỐ TỤNG
  2. Xác định những người tham gia tố tụng và quyền của họ

Thực tiễn xét xử loại án này cho thấy nhiều trường hợp do nhầm lẫn hoặc do nắm không chắc những khái niệm về người tham gia tố tụng, dẫn đến quyết định sai về phần trách nhiệm dân sự, sai về quyền kháng cáo. Sau đây là một số nội dung cần lưu ý:

1.1. Người bị hại

Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “1. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra…” Theo đó, người bị hại có 6 quyền quy định tại khoản 2 của điều luật này, trong đó khác biệt nhất so với quyền của những người tham gia tố tụng khác (trừ bị cáo) đó là quyền kháng cáo về hình phạt đối với bị cáo. Cần lưu ý là người bị hại ở đây chỉ là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đó; không bao gồm tổ chức, cơ quan bị thiệt hại.

Trường hợp trong vụ án chỉ có một người bị hại thì việc kháng cáo của người bị hại về hình phạt đối với bị cáo là vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án có nhiều người bị hại, nhưng chỉ có một hoặc vài người bị hại kháng cáo về hình phạt thì cần xác định phần quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo là chưa có hiệu lực pháp luật, và theo đó cần phải chấp nhận kháng cáo của một (một vài) người bị hại để xem xét lại toàn bộ phần hình phạt của Tòa án cấp sơ thẩm đối với bị cáo bị kháng cáo.

Trong trường hợp vụ án có bị cáo bị xử phạt về nhiều tội như vừa bị xử phạt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vừa bị xử phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người bị hại ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản kháng cáo về hình phạt, người bị hại ở tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không kháng cáo; trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét về hình phạt đối với bị cáo ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không xem xét lại hình phạt đối với bị cáo ở tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo hướng tăng nặng.

1.2. Nguyên đơn dân sự

Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định“Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại…”. Theo đó, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền như quyền của người bị hại, trong đó có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nhưng chỉ được kháng cáo về phần bồi thường, không có quyền kháng cáo về phần hình phạt đối với bị cáo.

Thực tiễn xét xử có những trường hợp Thẩm phán xác định sai giữa Người bị hại với Nguyên đơn dân sự, làm ảnh hưởng tới quyền kháng cáo về hình phạt đối với bị cáo.

1.3. Bị đơn dân sự

Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…” Bị đơn dân sự cũng có các quyền như nguyên đơn dân sự, chỉ khác là bên phải bồi thường.

Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp bị cáo là người chưa thành niên thì bố, mẹ của bị cáo phải bồi thường thay theo quy định tại Điều 606 Bộ luật Dân sự; trong những trường hợp này, Tòa án cần xác định họ là bị đơn dân sự, theo đó buộc họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và đương nhiên họ có quyền kháng cáo về phần này.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp Tòa án chỉ xác định bố, mẹ của bị cáo chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự mà không chú ý rằng trong Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về người đại diện hợp pháp của bị cáo. Theo quy định tại Điều 50 (về bị cáo và quyền của bị cáo) và từ Điều 301 đến Điều 310 của Bộ luật Tố tụng hình sự (về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội) không quy định người đại diện hợp pháp của bị cáo nói chung và người đại diện của bị cáo chưa thành niên nói riêng có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nhưng vẫn chấp nhận đơn kháng cáo của bố, mẹ bị cáo về hình phạt. Trong trường hợp này, Luật sư bào chữa cho bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự mới là người có quyền kháng cáo bản án, quyền này quy định tại điểm k khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự; tuy nhiên, thực tiễn xét xử phúc thẩm cho thấy rất ít trường hợp Luật sư bào chữa cho bị cáo chưa thành niên kháng cáo, thường chỉ có kháng cáo của bị cáo và/hoặc của bố, mẹ bị cáo.

1.4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự không có khái niệm về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” mà chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của những người này, dễ nhầm lẫn với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng… Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định cho đúng những người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ, hoặc vừa có quyền lợi vừa có nghĩa vụ tham gia tố tụng.

Ví dụ: Người A là chủ sở hữu một xe mô tô, cho người B mượn, người B vào chợ nên gửi xe ở nơi trông giữ xe do người C trực tiếp trông giữ. Bị cáo D dùng vé gửi xe giả lấy được xe ra, chiếm đoạt. Bị cáo bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tòa án xác định người A là người bị hại vì cho rằng A là chủ sở hữu, quyền sở hữu của A đã bị tội phạm xâm hại, như vậy là sai. Trong trường hợp này phải xác định người trông giữ C là người bị hại (nếu C là cá nhân) hoặc là nguyên đơn dân sự (nếu C là một pháp nhân) vì bị cáo thực hiện hành vi gian dối với C chứ không phải với A hoặc B; A và B chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

1.5. Về người bào chữa

Trong chương này chỉ còn 1 tội Cướp tài sản có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, trên thực tế ít gặp trường hợp xét xử bị cáo theo khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự, nên việc Tòa án yêu cầu Luật sư tham gia phiên tòa theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự không có gì phức tạp.

Đối với các trường hợp bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì Tòa án phải yêu cầu Luật sư bào chữa cho bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu Luật sư vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, không chấp nhận việc Luật sư gửi bài bào chữa cho bị cáo, rồi thư ký đọc tại phiên tòa. Thực tế có nhiều trường hợp Tòa án chấp nhận cho Luật sư được gửi bài bào chữa, vắng mặt tại phiên tòa, như vậy là vi phạm thủ tục tố tụng quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (Điều 165 BLTTHS năm 1988).

  1. Về giới hạn xét xử

2.1. Về tách, nhập vụ án

Chế định tách, nhập vụ án có tác động trực tiếp đến giới hạn xét xử của Tòa án. Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về “Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra”. Trên thực tế gặp nhiều trường hợp tách, nhập vụ án không đúng, dễ dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội, làm lợi không chính đáng cho bị cáo; ngược lại có nhiều trường hợp làm bất lợi cho bị cáo vì phải tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Thường thì Tòa án cấp sơ thẩm chỉ trả lại hồ sơ để nhập vụ án, yêu cầu làm rõ, truy tố thêm hành vi, thêm bị cáo. Thực tế, có nhiều trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để bổ sung không được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chấp nhận, nên vẫn phải xử như truy tố của Viện kiểm sát bởi quy định về giới hạn xét xử tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự; còn Tòa phúc thẩm thì cũng ít khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại với hướng nhập vụ án với lập luận rằng truy tố đến đâu xử đến đấy. Vai trò của Tòa án cấp sơ thẩm đối với việc tách, nhập vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có ý nghĩa rất quan trọng, hạn chế việc bỏ lọt tội, lọt hành vi; đồng thời đảm bảo quyền hợp pháp của bị cáo, không bị “án chồng lên án” về cùng một loại tội phạm.

2.2. Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm

Tất cả các Tòa án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án cấp huyện) có thẩm quyền xét xử các loại tội theo khung hình phạt có mức cao nhất đến 15 năm tù; theo đó các Tòa án cấp huyện được quyền xét xử đến khoản 3 của các Điều 135, 136, 137, 138, 139, 140, 143, 144; đến khoản 2 của các Điều 133, 134; và các toàn bộ các tội còn lại quy định tại các Điều  141, 142, 145 của BLHS.

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Tòa án cấp huyện được quyền xét xử bị cáo về cùng tội danh theo khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt mà Viện kiểm sát đã truy tố nếu có căn cứ và mức cao nhất của khung hình phạt không quá 15 năm tù; trong trường hợp này khi ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử cần ghi rõ là bị cáo có thể bị xét xử theo khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Cũng theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tòa án chỉ được quyền xét xử bị cáo về tội bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Việc so sánh tội nào nặng hơn, tội nào nhẹ hơn đã được quy định tại Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội về việc thi hành BLHS và Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 05/7/2000 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn thi hành Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Mục 2 Nghị quyết số 32 vừa nêu trên.

2.3. Ở giai đoạn xét xử phúc thẩm

Thẩm quyền xét xử phúc thẩm hình sự được quy định tại chương XXIV Bộ luật Tố tụng hình sự, từ Điều 241 đến Điều 254. Căn cứ để xét xử phúc thẩm là kháng cáo của người tham gia tố tụng và/hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát. Khi xét xử phúc thẩm cần chú ý các trường hợp sau:

  1. a) Trường hợp chỉ có kháng cáo, kháng nghị theo hướng giảm nhẹ hình phạt, giảm nhẹ trách nhiệm dân sự thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể giảm nhẹ theo nội dung kháng cáo, kháng nghị hoặc giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Nếu có căn cứ cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định về hình phạt quá nhẹ (thậm chí sai cả tội danh), trách nhiệm dân sự quá thấp… thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không được sửa bản án sơ thẩm tăng nặng hình phạt, tăng mức bồi thường, mà phải giữ nguyên bản án sơ thẩm, báo cáo cấp Giám đốc thẩm giải quyết theo trình tự Giám đốc thẩm.
  2. b) Trường hợp có kháng cáo hoặc/và kháng nghị theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự thì cần chú ý ba trường hợp sau:

– Trường hợp Viện kiểm sát cấp sơ thẩm truy tố bị cáo về một tội danh nặng hơn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo về một tội danh nhẹ hơn thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xét xử chuyển sang tội danh nặng hơn như Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã truy tố ban đầu, nếu có căn cứ.

– Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội danh đúng như truy tố của Viện kiểm sát, người bị hại kháng cáo (thậm chí Viện kiểm sát kháng nghị) phải xử bị cáo về một tội danh nặng hơn (ví dụ Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo như truy tố của Viện kiểm sát, người bị hại kháng cáo đề nghị xử phạt bị cáo về tội Cướp tài sản, mặc dù có đủ căn cứ kết luận hành vi của bị cáo phải bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản mới đúng, thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không được tuyên bố bị cáo phạm tội Cướp tài sản ngay tại phiên tòa phúc thẩm mà phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì bị cáo chưa bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản.

– Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo hướng có tội; tại phiên tòa phúc thẩm có đủ căn cứ xác định hành vi của bị cáo cấu thành tội phạm như Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã truy tố thì Tòa án cấp phúc thẩm không được tuyên án ngay đối với bị cáo về tội phạm đó mà phải hủy bản án sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỒ SƠ

Hoạt động tố tụng của Tòa án, thực chất là kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra và Cơ quan truy tố, đối chiếu với các quy định của pháp luật để đưa ra một phán quyết. Về nguyên tắc, khi chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán phải đọc tất cả các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; kết quả xét xử phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả đọc hồ sơ. Đọc hồ sơ như thế nào để có hiệu quả nhất tùy thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp của mỗi người. Không có quy định riêng cho việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, mỗi người có cách nghiên cứu riêng; tuy nhiên đối với các vụ án xâm phạm quyền sở hữu trong chương XIV Bộ luật Hình sự, để việc nghiên cứu đạt hiệu quả cao, chúng ta có thể tiến hành theo cách sau đây:

1- Khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán phải kiểm tra ngay bị cáo có bị tạm giam không, thời hạn giam còn hay hết… Làm thủ tục ra lệnh tạm giam để người có thẩm quyền (Chánh án, Phó chánh án; Chánh tòa, Phó chánh Tòa phúc thẩm TAND Tối cao) kí theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc này, ở các Tòa án thường do Thư ký hoặc Thẩm tra viên chủ động thực hiện, ở một số Tòa án thì do Thẩm phán được phân công làm chủ tọa tự mình thực hiện.

2- Đọc bản Cáo trạng để biết bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội gì (với Tòa cấp phúc thẩm thì đọc Bản án sơ thẩm để biết bị cáo bị xử phạt bao nhiêu năm tù, về tội gì; kiểm tra thời hạn và nội dung kháng cáo, kháng nghị…).

3- Lên kế hoạch triệu tập phiên tòa:

  1. a) Cần xác định triệu tập những người tham gia tố tụng sao cho đúng và đủ, không để phải hoãn phiên tòa do triệu tập không đủ, không đúng người tham gia tố tụng, phải hoãn phiên tòa, gây tốn kém… Nhiều phiên tòa không thấy Thẩm phán hỏi người làm chứng, người liên quan mặc dù họ được triệu tập và có mặt tại phiên tòa.
  2. b) Đối với Tòa án cấp phúc thẩm, việc triệu tập phiên tòa đơn giản hơn cấp sơ thẩm, thường chỉ triệu tập những người kháng cáo, bị kháng cáo, liên quan đến kháng cáo; trong trường hợp bị cáo không nhận tội, kêu oan (xem Biên bản giao cáo trạng hoặc đơn kháng cáo) thì cần triệu tập người làm chứng (việc triệu tập người làm chứng nào cũng phải được xem xét, nên tập trung vào những người làm chứng trực tiếp).
  3. c) Lưu ý trường hợp bị cáo là người nước ngoài, người dân tộc ít người không nói được tiếng phổ thông, người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan lãnh sự của nước mà bị cáo mang quốc tịch biết, triệu tập người phiên dịch; yêu cầu đoàn luật sư cử luật sư bào chữa cho bị cáo chưa thành niên, thông báo cho người đại diện hợp pháp của họ tham gia phiên tòa. Việc có triệu tập giám định viên, người phiên dịch hay không tùy từng vụ án cụ thể để triệu tập cho phù hợp… (Cần chú ý: Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự không quy định người phiên dịch được đọc hồ sơ vụ án, nhưng vẫn có một số trường hợp Tòa án cho người phiên dịch đọc toàn bộ hồ sơ vụ án là không đúng; tuy nhiên để người phiên dịch làm việc tốt ở phiên tòa thì Tòa án có thể pho to cho họ bản cáo trạng hoặc bản án sơ thẩm và đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị để họ nghiên cứu trước, chuẩn bị cho việc dịch ở phiên tòa được tốt hơn).

4- Đọc lời khai của những người tham gia tố tụng, gồm: lời khai của bị cáo; người bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng. Khi đọc phải có ghi chép, nhất là những vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều hành vi, nhiều tội; vụ án có nhiều người bị hại; nhiều người làm chứng.. nên số lượng lời khai nhiều.

Thực tiễn xét xử cho thấy cách đọc lời khai của những người tham gia tố tụng cần theo thứ tự thời gian, từ lời khai ban đầu đến lời khai cuối cùng, qua đó để đánh giá quá trình khai báo của họ có trung thực, nhất quán, khách quan hay không. Người đọc luôn phải có phương pháp khách quan, tránh kiểu chỉ đọc những lời khai buộc tội hoặc ngược lại chỉ đọc những lời khai gỡ tội. Muốn vậy, việc sắp xếp lại các lời khai của những người tham gia tố tụng theo thứ tự thời gian rồi mới đọc là việc nên làm. Nhiều vụ án phức tạp, bị cáo kêu oan, người bị hại khai báo không nhất quán, người làm chứng khai báo không trung thực, chất lượng điều tra, truy tố không tốt… Rất khó khăn cho việc kết tội hoặc gỡ tội cho bị cáo, đòi hỏi người đọc vừa phải có năng lực, vừa phải có trách nhiệm mới có thể tìm ra sự thật khách quan trong hồ sơ vụ án. Đối với việc xét xử phúc thẩm thì Biên bản phiên tòa sơ thẩm cũng là một tài liệu quan trọng phải đọc. Thực tế có không ít trường hợp Thẩm phán xử phúc thẩm chỉ đọc bản án sơ thẩm, biên bản phiên tòa sơ thẩm, đơn kháng cáo là xử xong một vụ án! (Tất nhiên chỉ là những vụ án đơn giản…).

Theo mẫu Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành theo các Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 và Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 có một câu ghi ở ngay sau phần NHẬN THẤY là “Theo Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân… thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:…” hoặc “Theo Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân… và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân … thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau…” Chúng tôi thấy không đầy đủ, nên ghi là “Theo các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau…” bởi lẽ, để có được một bản án tốt thì Thẩm phán phải đọc nhiều tài liệu trong hồ sơ chứ không thể chỉ căn cứ vào nội dung bản cáo trạng và bản án sơ thẩm.

5- Đọc các tài liệu về việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giám định mức độ tổn thất, qua đó kiểm tra việc truy tố hoặc xét xử sơ thẩm có đúng khung hình phạt hay không trong trường hợp bị cáo bị truy tố, xét xử sơ thẩm định khung hình phạt cao do giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn; đọc các tài liệu về xử lý tài sản thu giữ được và các tài liệu về bồi thường thiệt hại nếu có.

6- Đọc các tài liệu phản ánh về nhân thân của bị cáo để áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định của Bộ luật Hình sự; nhiều trường hợp do sơ sài nên Thẩm phán đã áp dụng không đúng các tình tiết tăng nặng, phổ biến là tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Các tài liệu như giấy khai sinh, hồ sơ bệnh án, kết luận giám định pháp y tâm thần… cần được kiểm tra trong các trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất;

Các loại Huân, huy chương, Bằng khen… cần được kiểm tra để có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Trong trường hợp người bị hại còn bị xâm hại đến sức khỏe thì các tài liệu về chứng thương, điều trị, mất thu nhập… cũng phải được kiểm tra để làm căn cứ cho việc định khung hình phạt hoặc quy kết trách nhiệm dân sự của bị cáo.

7- Trong nhiều vụ án, cơ quan điều tra phải khám nghiệm hiện trường; xác minh các cuộc điện thoại… Các tài liệu này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, nhất là các trường hợp bị cáo ngoan cố, xảo quyệt, nên phải được nghiên cứu hết, không thể bỏ qua.

8- Qua đọc hồ sơ vụ án, Thẩm phán phải dự đoán được những tình huống có thể xẩy ra tại phiên tòa, từ đó chủ động phương án xử lý kịp thời, chính xác, không bị lúng túng (Người tham gia tố tụng đề nghị thay đổi những người tiến hành tố tụng; bị cáo, người bị hại mời Luật sư, từ chối Luật sư; Luật sư vắng mặt tại phiên tòa; bị cáo xin hoãn phiên tòa vì lí do sức khỏe; bị cáo không chịu khai báo hoặc thay đổi lời khai, thay đổi nội dung kháng cáo; Viện kiểm sát thay đổi Cáo trạng; bị cáo tại ngoại, người bị hại, người làm chứng, người liên quan, người giám định, người phiên dịch vắng mặt tại phiên tòa…).

  1. KỸ NĂNG ĐIỀU KHIỂN PHIÊN TÒA

Kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, triệu tập phiên tòa của Thẩm phán được thể hiện tại phiên tòa công khai. Việc chuẩn bị cho một phiên tòa có chu đáo, tốt đến bao nhiêu nhưng kĩ năng điều khiển phiên tòa kém thì chất lượng xét xử sẽ hạn chế, thậm chí bị những người tham dự phiên tòa, báo chí, dư luận phê phán, chỉ trích… Khả năng điều khiển một phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa mỗi người mỗi khác, nhưng yêu cầu ít nhất cũng phải đảm bảo được những nội dung sau:

  1. Về hình thức phiên tòa

Hình thức chuyển tải nội dung, nội dung được thể hiện qua hình thức, do đó cần chú trọng đến hình thức phiên tòa, gồm:

  1. a) Phòng xử án;
  2. b) Lực lượng bảo vệ phiên tòa;
  3. c) Trang phục, tác phong của những người tiến hành tố tụng;
  4. d) Cách xếp đặt hồ sơ, tài liệu trên bàn Hội đồng xét xử.
  5. Khai mạc

Về thủ tục khai mạc phiên tòa, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, xử lí một số tình huống như nêu ở mục 8 phần III.

  1. Xét hỏi

Trình tự xét hỏi đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng chất lượng xét hỏi tại phiên tòa hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, năng lực, kinh nghiệm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các thành viên trong Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên và của cả Luật sư. Điều khiển phiên tòa và xét hỏi tại phiên tòa là “Nghệ thuật”. Ít nhất, cần chú trọng những nội dung sau:

  1. a) Chủ tọa phiên tòa phải là người hỏi nhiều nhất, nội dung hỏi tốt nhất trong Hội đồng xét xử vì Thẩm phán chủ tọa là người đọc hồ sơ kĩ nhất. Chất lượng xét hỏi của Thẩm phán phụ thuộc vào năng lực và kết quả chuẩn bị xét xử của Thẩm phán.
  2. b) Theo nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh thuộc Hội đồng xét xử, bị cáo có quyền chứng minh vô tội; do đó, tại phiên tòa công khai phải làm rõ từng nội dung, từng vấn đề một cách công khai, minh bạch, sòng phẳng. Trong vụ án có nhiều bị cáo đồng phạm, nhiều hành vi, nhiều tội danh, nhiều người làm chứng… việc hỏi ai trước ai sau, hỏi hành vi nào trước cũng cần được tính toán hợp lý. Thư ký phiên tòa có ghi chép được đầy đủ, trung thực diễn biến tại phiên tòa hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách hỏi của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên. Những người tham gia tố tụng trả lời tốt hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào nội dung câu hỏi và cách hỏi của Thẩm phán.
  3. c) Tình trạng xét hỏi sơ sài về những nội dung chính, nội dung quan trọng; ngược lại hỏi quá nhiều về những nội dung phụ; tình trạng áp đặt ý thức chủ quan, quan điểm cá nhân của Thẩm phán đối với ý kiến của những người tham gia tố tụng ngay tại phiên tòa công khai… đều là những yếu tố làm hạn chế kết quả phiên tòa.
  4. d) Xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa: Việc này phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, năng lực của Thẩm phán. Kiến thức càng sâu, rộng thì phản xạ càng nhanh và đúng, làm tăng thêm vị thế của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử, của Tòa án.
  5. Nghị án, tuyên án và bế mạc phiên tòa

– Chú ý về Biên bản nghị án;

– Cách diễn đạt bản án; khắc phục tình trạng tuyên án “vo”.

  1. NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM SAU KHI KẾT THÚC PHIÊN TÒA

Bao gồm những công việc sau:

1– Kiểm tra việc trả tự do cho bị cáo bị tạm giam được án treo, tuyên bố không phạm tội, nếu có.

2– Kiểm tra Biên bản phiên tòa; giải quyết yêu cầu xem Biên bản phiên tòa, nếu có yêu cầu.

3– Hoàn chỉnh bản án; giao bản án theo quy định.

4– Giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị.

5– Đính chính, sửa chữa bản án.

6– Kiểm tra việc sắp xếp lại hồ sơ, đánh số bút lục; gửi hồ sơ đi hoặc lưu trữ.

7– Giải quyết việc trả lại một số tài liệu gốc cho người tham gia tố tụng nếu họ có yêu cầu, như Sổ đỏ, Thẻ Thương binh, sổ Hộ khẩu, đăng kí xe…

Loại tội “Xâm phạm quyền sở hữu” chiếm tỷ lệ không nhỏ về số vụ án và số bị cáo trong tổng số án hình sự và số lượng các bị cáo do các Tòa án giải quyết, nhất là đối với các Tòa án cấp quận, huyện. Do đó, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết loại tội phạm này có ý nghĩa góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự của các Tòa án.

Nhìn chung, so sánh với các loại tội khác thì loại tội phạm này không quá phức tạp, số vụ án khó về đánh giá chứng cứ không nhiều, nhưng các Thẩm phán vẫn còn mắc sai sót như nêu ở phần trên. Phần do chất lượng điều tra, truy tố có nhiều vụ còn kém, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là trình độ nghiệp vụ của Thẩm phán còn hạn chế, trách nhiệm của Thẩm phán chưa cao.

Việc tổng kết thực tiễn, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; việc phối hợp với các cơ quan chức năng để ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật trong thời gian qua chưa được kịp thời, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Thẩm phán.

Suy cho cùng, Thẩm phán là người có vai trò quyết định khi xét xử. Thẩm phán phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tự trọng nghề nghiệp, có trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Nhân dân mới đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của Cải cách Tư pháp trong tình hình hiện nay, do đó Thẩm phán phải thường xuyên học tập, rèn luyện.

BÀI 14:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM

VỀ MÔI TRƯỜNG

 

  1. QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TỘIPHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
  2. Khái niệm các tội phạm về môi trường

Tội phạm về môi trường là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do những người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả xấu đối với môi trường sinh thái.

  1. Một số đặc điểm chung trong các cấu thành tội phạm về môi trường

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm: các tội phạm về môi trường xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái cũng như cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của con người.

Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm: hành vi khách quan của các tội phạm về môi trường rất đa dạng. Hành vi đó có thể được thực hiện thông qua việc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường; gây dịch bệnh cho con người và động vật; huỷ hoại tài nguyên môi trường hoặc vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường. Hầu hết các hành vi phạm tội đều được thực hiện dưới dạng hành động (làm một việc pháp luật không cho phép làm) như gây ô nhiễm không khí; gây ô nhiễm nguồn nước; nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản…

Thời điểm được coi là tội phạm hoàn thành đối với các tội phạm về môi trường được áp dụng như sau:

– Đối với các tội quy định tại điều 182, 182a và 182b, gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội phạm. Hậu quả nghiêm trọng do các tội phạm này gây ra có thể là hậu quả về con người (tính mạng, sức khoẻ); hậu quả về tài sản (bao gồm thiệt hại thực tế và chi phí khắc phục hậu quả); hậu quả về môi trường (diện tích đất, nước, khu vực không khí bị ô nhiễm, sự biến đổi khí hậu…). Thời điểm hoàn thành của tội phạm được xác định từ thời điểm làm môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác. Riêng đối với tội quy định tại Điều 182, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm xác định các chất thải vào môi trường; bức xạ, phóng xạ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng.

– Đối với các tội quy định tại điều 187, 188 và 189, hành vi vi phạm chỉ cấu thành tội phạm, nếu trước đó người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm pháp luật về môi trường cùng loại (ví dụ: một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thải vào nguồn nước dầu mỡ hóa chất độc hại…), chưa hết thời hạn một năm nay lại tiếp tục vi phạm.

– Đối với các tội quy định tại điều 185, 191 và 191a, gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả này có thể là hậu quả về người (tính mạng, sức khỏe); về tài sản (bao gồm thiệt hại thực tế và chi phí khắc phục hậu quả); hậu quả về môi trường (diện tích rừng, khu vực bảo tồn thiên nhiên bị ô nhiễm; diện tích lớn về đất, nước bị các loài ngoại lai xâm hại; các loài thực vật, thủy sản bị tiêu diệt…). Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn về các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” trong các tội phạm về môi trường, tuy nhiên căn cứ vào các quy định của các văn bản pháp luật về phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm cùng loại như Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, các văn bản hướng dẫn các tình tiết này ở các tội phạm khác như Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS… chúng tôi đưa một số các giới hạn định lượng của các tình tiết này để làm căn cứ xét xử các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, để làm căn cứ thống nhất áp dụng trong toàn ngành Tòa án cũng cần phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể, đầy đủ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Đối với các tội quy định tại các Điều 186 và 190, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành ngay từ thời điểm thực hiện hành vi mô tả trong điều luật (săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó).

Thứ ba, về chủ thể của tội phạm: chủ thể của các tội phạm về môi trường nói chung là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong một số tội, chủ thể còn có thể là cả những người có chức vụ, quyền hạn như: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải (Điều 182a), Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 182b); Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186); Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187). BLHS sửa đổi, bổ sung 2009 chưa đặt ra vấn đề truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Đây có thể coi là một hạn chế của pháp luật mà hiện tại vẫn chưa thể khắc phục được. Theo thống kê, trong tổng số vụ vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ môi trường, thì chủ thể vi phạm chiếm một phần lớn là các pháp nhân, bao gồm cả các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất…Việc không quy định TNHS đối với các chủ thể này theo chúng tôi là không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm môi trường đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, về chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường: nhìn chung, các hình phạt quy định đối với các tội phạm về môi trường thể hiện chính sách xử lý của Nhà nước ta chủ yếu là áp dụng biện pháp giáo dục và chỉ xử lý bằng biện pháp hình sự đối với những trường hợp hành vi có tính nguy hiểm cao đối với xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Để hỗ trợ cho các biện pháp bảo vệ môi trường, căn cứ vào tính chất của các hành vi vi phạm cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự, Bộ luật hình sự đã quy định ba loại hình phạt chính đối với các tội phạm về môi trường: phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn và hai hình phạt bổ sung: phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính) và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Trong các loại hình phạt trên, hình phạt tiền (với tư cách là hình phạt chính) được quy định trong các điều luật ở Chương này mức phạt tối thiểu là năm mươi triệu đồng, tối đa đến một tỷ đồng, được áp dụng đối với 10/11 tội (trừ Điều 186). Hình phạt cải tạo không giam giữ cũng được áp dụng phổ biến với mức tối đa là ba năm. Chỉ áp dụng hình phạt tù như một biện pháp cuối cùng khi xét thấy cần phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội thì mới đạt được mục đích giáo dục và cải tạo đối với họ; mức phạt tù được quy định tối thiểu là sáu tháng, tối đa là mười hai năm. Ngoài hình phạt chính, người phạm các tội ở chương này còn có thể bị áp dụng một trong các hình phạt bổ sung: phạt tiền (mức tối thiểu là mười triệu đồng và tối đa đến năm trăm triệu); cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ mộ năm đến năm năm.

  1. Một số điểm đáng lưu ý trong các quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm về môi trường

Các tội phạm về môi trường được quy định tại Chương XVII, gồm có 11 điều luật quy định về 11 tội danh khác nhau. Các điều luật trong Chương đã được sắp xếp theo bốn nhóm hành vi xâm hại đến môi trường là:

– Các hành vi gây ô nhiễm môi trường (Điều 182, Điều 182a, Điều 182b và Điều 185);

– Các hành vi gây dịch bệnh cho con người và động vật (Điều 186, Điều 187);

– Các hành vi huỷ hoại tài nguyên môi trường (Điều 188, Điều 189);

– Các hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường (Điều 190, Điều 191 và Điều 191a).

3.1. Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 BLHS)

– Các văn bản pháp luật cần nghiên cứu:

+ Luật bảo vệ môi trường năm 2005;

+ Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16-11-2009 quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường;

+ Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

+ Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

+ Danh mục chất thải nguy hại được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14-4-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 Ô nhiễm môi trường theo Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.

– Chất gây ô nhiễm môi trường quy định trong điều luật theo Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là chất hoặc yếu tố vật lý khi xuất hiện trong môi trường (không khí, nguồn nước, đất) sẽ làm cho môi trường đó bị ô nhiễm.

Hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc ba trường hợp sau:

Trường hợp 1: Thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải có chứa chất nguy hại gấp từ 4 lần hoặc chứa chất phóng xạ gấp từ 2,5 lần mức cao nhất quy định bị xử phạt vi phạm hành chính trở lên theo Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mức nghiêm trọng của hành vi này được xác định trên cơ sở các quy định về “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia” về môi trường tại Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT này 16-11-2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp 2: Hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng tức là trường hợp thải các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ gây ra một trong các hậu quả sau:

+ Gây suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật (như gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, không khí); gây sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng (như gây nhiễm độc các nguồn nước; gây ngộ độc khu dân cư hay hàng loạt động vật tại một khu vực nào đó); gây nhiễm xạ…

+ Gây nhiễm độc nghiêm trọng các dòng sông lớn, nguồn nước ngầm dùng để sản xuất, sinh hoạt, gây ô nhiễm biển trên một diện tích lớn…

+ Gây ô nhiễm đất từ 5000m2 trở lên (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc gây ô nhiễm đất từ 2000m2 trở lên (đối với đất khu dân cư)…

Việc xác định môi trường có bị ô nhiễm nghiêm trọng trong các trường hợp phải căn cứ vào các quy định về “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia” về môi trường do Nhà nước ban hành và phải có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp 3: Hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ gây hậu quả nghiêm trọng khác. Hậu quả nghiêm trọng khác ví dụ:

+ Gây chết từ 1 (một) đến 2 (hai) người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 5 (năm) đến 10 (mười) người mà tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 61%, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 1 (một) đến 5 (năm) người mà tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản (như gia súc, thủy sản, thú rừng… bị chết) hoặc chi phí để khắc phục môi trường bị ô nhiễm hoặc sự cố môi trường từ năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc;

+ Làm diện tích cây rừng bị chết do ô nhiễm môi trường từ 30.000m2 đến 45.000m2 cây trồng chưa thành rừng, từ 5.000m2 đến 7.500m2 rừng sản xuất, từ 3.000m2 đến 4.500m2 rừng phòng hộ, từ 1.000m2 đến 7.500m2 rừng đặc dụng (Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) v.v…

Chú ý: Tội gây ô nhiễm môi trường đã loại bỏ dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, đây là một rào cản trong việc truy cứu TNHS đối với hành vi vi phạm trong thời gian trước khi Bộ luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Hàng loạt các Công ty xả nước thải, chôn lấp hóa chất vào lòng đất gây ô nhiễm môi trường nước, đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị người dân phát hiện, tố cáo nhưng các cơ quan tố tụng không thể xử lý hình sự được vì quy định trên của Bộ luật hình sự. Ví dụ: Công ty Vedan thải vào sông Thị vải làm ô nhiễm môi trường nước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng không bị truy cứu TNHS vì BLHS quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Xanh chôn lấp 4.600 mchất thải và cát nhiễm dầu xuống lòng đất nhưng do công ty vẫn chưa “ bị xử phạt hành chính…” lần nào do vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn là không thể.

Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn thuốc độc hóa học, gây thiệt hại nặng nề đến sức khỏe và đời sống người dân ở hai huyện Cẩm Thủy, Yên Định – Thanh Hóa. Cho đến nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm vụ việc này.

* Về tình tiết làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng có thể là các trường hợp như: Gây suy thoái môi trường; gây ô nhiễm hay nhiễm độc nguồn nước, không khí; gây nhiễm xạ ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng; gây ngộ độc khu dân cư hay hàng loạt động vật tại một khu vực rộng lớn; gây ô nhiễm biển trên diện tích rất lớn, .v.v..

* Về tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng khác và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác quy định trong cấu thành tội phạm tăng nặng tội gây ô nhiễm môi trường được hiểu như sau:

– Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác như các trường hợp: làm chết từ 3 (ba) đến 5 (năm) người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 11 (mười một) đến 15 (mười năm) người mà tỉ lệ thương tật mỗi người từ 31% đến 61%  hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 6 (sáu) đến 10 (mười) người mà tỉ lệ thương tật mỗi người từ 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản (như gia súc, thủy sản, thú rừng, v.v. bị chết) hoặc chi phí để khắc phục môi trường bị ô nhiễm hoặc sự cố môi trường từ một tỷ đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng hoặc diện tích cây rừng bị chết do ô nhiễm môi trường từ 45.000m2 đến dưới 60.000m2 cây trồng chưa thành rừng, từ 7.500m2 đến dưới 10.000m2 rừng sản xuất, từ 4.500m2 đến dưới 6.000m2 rừng phòng hộ, từ 1.500m2 đến dưới 2.000m2 rừng đặc dụng v.v…

– Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác như các trường hợp: gây thiệt hại làm chết trên 5 (năm) người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe trên 15 (mười năm) người mà tỉ lệ thương tật mỗi người từ 31% đến 61% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe trên 10 (mười) người mà tỉ lệ thương tật mỗi người từ 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản (như gia súc, thủy sản, thú rừng v.v. bị chết) hoặc chi phí để khắc phục môi trường bị ô nhiễm hoặc sự cố môi trường từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên; diện tích cây rừng bị chết do ô nhiễm môi trường từ 60.000m2 cây chưa thành rừng, từ 10.000m2 rừng sản xuất, từ 6.000m2 rừng phòng hộ, từ 2.000m2 rừng đặc dụng trở lên v.v…

3.2. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182a)

– Hành vi tội phạm này được thể hiện ở hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy chủ thể của tội này là những người có trách nhiệm trong việc quản lý các chất thải nguy hại.

– Chất thải nguy hại là những chất thải có tên trong Danh mục chất thải nguy hại được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14-4-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chất thải nguy hại gồm hai loại:

+ Chất thải nguy hại trong mọi trường hợp (Có ký hiệu ** trong Danh mục chất thải nguy hại);

+ Chất thải có khả năng là chất thải nguy hại (Có ký hiệu * trong Danh mục chất thải nguy hại) là chất thải có ít nhất một tính chất nguy hại (tính dễ bắt cháy – nhiệt độ chớp cháy ≤ 60 độ C; tính kiềm pH ≥ 12,5; tính axit pH ≤ 2,0) hoặc có một thành phần nguy hại (có chứa kim loại nặng và hợp chất vô cơ như Antimon (Antimony), Asen (Arsenic), Bari (Barium), Muối florua (Fluoride) hoặc thành phần nguy hại hữu cơ (như o-Cresol – CH­­3C6H4OH, m-Cresol – CH­­3C6H4OH, p-Cresol – CH­­3C6H4OH…) vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn này. Ngưỡng chất thải nguy hại là giới hạn định lượng tính chất nguy hại hoặc thành phần nguy hại của một chất thải làm cơ sở để phân định, phân loại và quản lý chất thải nguy hại.

– Hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại chỉ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 182a, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật hình sự.

3.3. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 182b Bộ luật hình sự)

– Sự cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Sự cố môi trường có thể xảy ra do các nguyên nhân khác nhau như: Bão, lũ lụt, động đất, sụt lở đất, núi lửa, biến đổi khí hậu… hoặc các thiên tai khác; Hỏa hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kinh doanh…; Sự cố trong tìm kiếm, khai thác, vận chuyển, vận chuyển khoáng sản, sập hầm lò, tràn dầu, đắm tàu…; Sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử, sản xuất chế tạo nhiên liệu hạn nhân, kho chứa phóng xạ.

– Hành vi phạm tội được thực hiện bởi lỗi cố ý, thể hiện ở một trong hai nhóm hành vi như sau:

+ Vi phạm các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, hành vi này chỉ cấu thành tội phạm quy định tại Điều 182b nếu để xảy ra sự cố môi trường. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi xảy ra sự cố môi trường;

+ Vi phạm các quy định về ứng phó sự cố môi trường, hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác (xem Điều 182). Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm xảy ra hậu quả: sự cố môi trường, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.

– Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người có trách nhiệm trong việc phòng ngừa sự cố môi trường hoặc ứng phó sự cố môi trường.

3.4. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185 BLHS)

– Đưa chất thải nguy hại hoặc chất thải khác thông qua con đường nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các phế phẩm sinh học, chế phẩm hóa học khác hoặc thủ đoạn khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội vì đây là những nguồn gây ô nhiễm môi trường. Bộ luật hình sự quy định tội phạm này nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng nhập khẩu hoặc bằng thủ đoạn khác để đưa chất thải vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường.

– Chất thải nguy hại là những chất thải có tên trong Danh mục chất thải nguy hại được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14-4-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.

– Đối tượng của tội phạm này bao gồm: Máy móc, thiết bị, phương tiện nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch; Nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa trong danh mục nhà nước cấm nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường; Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ; Hợp chất làm suy giảm tầng ôzôn.v.v..

– Hành vi tội phạm được thể hiện ở một trong ba nhóm hành vi sau:

+ Nhập khẩu là hành vi đưa hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức nhập khẩu trực tiếp hoặc nhập khẩu gián tiếp qua người được ủy thác; Ví dụ:

Vụ việc Hải quan Hải phòng phát hiện 3.278 container chứa 56.618 tấn ắc quy chì phế thải và hàng hóa khác thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua cảng biển Hải Phòng. Trong quá trình tạm nhập, các doanh nghiệp nhập khẩu đã tháo rời ắc-quy nên a-xít bị rò rỉ ra môi trường, gây ô nhiễm, rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người

Ngày 19/9/2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với cơ quan giám định và Công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã phát hiện Công ty cổ phần Thương mại Nga Huy Hà, có địa chỉ tại số 508 đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng nhập khẩu 2 container phế liệu, trong chứa ôtô cũ ép bẹp, cùng các phụ tùng ôtô cũ, máy móc tàu thủy, máy trao đổi nhiệt công nghiệp là các phế thải của nước ngoài. Những mặt hàng trên đều nằm trong danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật và có nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường.

+ Cho phép nhập khẩu là hành vi của người có thẩm quyền phê chuẩn cho phép đưa các đối tượng hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam;

+ Thủ đoạn khác đưa vào lãnh thổ Việt Nam chất thải nguy hại… có thể là hành vi đưa hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam bằng các con đường công khai chính thức (như qua đường tiểu ngạch, quà biếu…).

Hành vi đưa hàng hóa là chất thải khác vào Việt Nam chỉ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 185 BLHS nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Chất thải nguy hại bao gồm phế liệu có chứa tạp chất nguy hại hoặc có chất phóng xạ (xem Điều 182);

+ Chất thải khác với số lượng lớn. Chất thải khác là các phế liệu không thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Số lượng lớn là trường hợp đưa các chất thải khác vào Việt Nam với số lượng từ 10.000 kg đến 30.000 kg.

Để xác định hàng hóa đưa vào Việt Nam là chất thải nguy hại hoặc chất thải khác phải căn cứ vào các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

+ Quy định Quy chuẩn Quốc gia về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16-11-2009;

+ Thông tư liên bộ số 2880/KCM-TM ngày 19-12-1996 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Bộ Thương mại quy định tạm thời đối với việc nhập khẩu;

+ Quyết định số 2019/1997/QĐ-BKHCNMT ngày 01-12-1997 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định những yêu cầu chung về kỹ thuật đối với việc nhập khẩu các thiệt bị đã qua sử dụng; phế liệu…

– Chủ thể của tội phạm gồm: Người nhập khẩu, người cho phép nhập khẩu, người thuê nhập khẩu bằng các dịch vụ trọn gói, những người cùng thực hiện hành vi phạm tội mang tính chất đồng phạm khác…

* Chú ý: BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung Điều 185 Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, cụ thể đã loại bỏ dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Vì qua thực tiễn 10 năm thi hành BLHS 1999 cho thấy quy định tình tiết này là một rào cản trong việc truy cứu TNHS đối với hành vi vi phạm.

– Tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 1 Điều 185 BLHS được hiểu là những thiệt hại về vật chất do hành vi đưa chất thải vào Việt Nam gây ra. Hậu quả này có thể là tính mạng, sức khỏe của người khác (do tiếp xúc với các chất độc hại trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, cất trữ hoặc sử dụng hoặc do hậu quả của việc vận hành các dây chuyền công nghệ hoặc gây ô nhiễm gây ra) hoặc về tài sản, kể cả các chi phí để tiêu hủy chất thải nguy hại, khắc phục môi trường bị ô nhiễm (như làm chết từ 1 (một) đến 2 (hai) người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 3 (ba) đến 5 (năm) người mà mức tổn hại thương tật mỗi người từ 31% trở lên; gây thiệt hại tài sản từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, .v.v..).

– Tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 185 được hiểu là những thiệt hại về vật chất do hành vi đưa chất thải vào Việt Nam gây ra. Hậu quả này có thể là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe từ 6 (sáu) đến 10 (mười) người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 61%; Gây tổn hại cho sức khỏe từ 2 (hai) người đến 5 (năm) người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Hoặc làm chết từ 3 (ba) đến 4 (bốn) người hoặc gây thiệt hại về tài sản (như chi phí để tiêu hủy chất thải, khắc phục môi trường ô nhiễm) trên năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng v.v…

– Tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 185 được hiểu là những thiệt hại về vật chất do hành vi đưa chất thải vào Việt Nam gây ra. Hậu quả này có thể là gây tổn hại cho sức khỏe trên 10 (mười) người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên đến 61%; gây tổn hại cho sức khỏe từ 6 (sáu) người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; gây chết từ 5 (năm) người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản (như chi phí để tiêu hủy chất thải, khắc phục môi trường bị ô nhiễm) trên 1 (một) tỷ đồng trở lên v.v…

3.5. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186 BLHS)

– “Dịch bệnh nguy hiểm” là những loại bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tổn hại nặng đến sức khoẻ hoặc tính mạng của người bị lây nhiễm, dễ lây nhiễm, dễ lan rộng và nhanh chóng từ người này sang người khác (như: virus H1N1, H5N1, H7N9, dịch tả, đậu mùa, thương hàn, bệnh than…) Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho tính mạng, sức khoẻ của con người cũng như cho môi trường sinh thái.

– Hành vi phạm tội có thể là một trong bốn nhóm hành vi cụ thể sau đây:

+ Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Do dịch bệnh thường phát sinh từ những vùng, những khu vực nhất định nên khi phát hiện dịch bệnh, ngành Y tế cùng các cơ quan có liên quan phải tổ chức khoanh vùng có dịch để xử lý và hạn chế sự lây lan. Hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác (như các dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật, vật liệu, bao bì đóng gói, lưu thông vận chuyển động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh) có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người là góp phần làm cho dịch bệnh lây lan ra khỏi vùng có dịch bệnh, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khoẻ của con người trong những vùng chưa bị lây nhiễm nên bị coi là hành vi phạm tội.

+ Đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người: Đây là hành vi thông qua việc nhập khẩu bằng các con đường khác nhau để đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người.

+ Cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt, cấp phép cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người.

+ Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người: đây có thể là những hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho người (như: cố tình không tiêm phòng vắc-xin phòng dịch cho nhân dân; không tổ chức kịp thời việc khoanh vùng, tẩy uế khu vực có dịch bệnh để dịch bệnh có điều kiện lây lan thêm; người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các phương pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác v.v…). Những hành vi này cũng góp phần làm cho bệnh tật nguy hiểm lây lan, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khoẻ của con người, do đó cũng bị coi là hành vi phạm tội.

– Tội phạm được coi là hoàn thành khi người thực hiện một trong các hành vi nói trên đã làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Nói cách khác thì người thực hiện những hành vi nói trên nhưng không hoặc chưa làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì chưa bị coi là phạm tội.

– Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Riêng đối với hành vi “cho phép đưa vào Việt Nam…” thì chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt, chấp thuận, cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật nhưng những động vật, thực vật hoặc sản phẩm này bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

– Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, có thể làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nhưng vẫn thực hiện. Động cơ và mục đích của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

– Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định trong khoản 2 Điều 186 được hiểu là: trường hợp làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm từ 10 (mười) người đến dưới 50 (năm mươi) người; có thể làm chết từ 2 (hai) người đến 5 (năm) người hoặc gây thiệt hại tài sản từ ba trăm triệu đến dưới năm trăm triệu đồng (chi phí cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả)…

– Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể là trường hợp làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 50 (năm mươi) người trở lên; làm chết người từ 6 (sáu) người trở lên; gây thiệt hại tài sản từ năm trăm triệu đồng trở lên (chi phí cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả); làm lan truyền dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian có chiến tranh, thiên tai hoặc làm lan truyền dịch bệnh nguy hiểm cho lực lượng vũ trang trong thời chiến…

3.6. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187 BLHS)

– Dịch bệnh nguy hiểm đối với động vật, thực vật là những loại dịch bệnh truyền nhiễm của động vật, thực vật có thể lây lan thành dịch (Một số loại dịch bệnh nguy hiểm thường thấy ở động vật, thực vật là dịch long móng, lở mồm ở bò; dịch bò điên, dịch chó dại, mèo dại, dịch đóng dấu, tai xanh ở lợn; dịch cúm ở gà, vịt…; Một số loại dịch bệnh nguy hiểm thường thấy ở thực vật như bệnh rầy nâu, bệnh sâu cuốn lá…) thuộc danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và trong nhiều trường hợp cho cả tính mạng, sức khoẻ của con người khi sử dụng những sản phẩm làm ra từ động vật, thực vật bị nhiễm bệnh.

– Hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật có thể là một trong những hành vi cụ thể sau đây:

+ Đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh: khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác là khu vực mà Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố là có dịch.

+ Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch: đối tượng kiểm dịch bao gồm động vật, thực vật và sản phẩm động vật; thức ăn chăn nuôi; các dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật, vật liệu, bao bì đóng gói chứa đựng, lưu thông vận chuyển động vật, thực vật.

+ Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật: đây có thể là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về thú y và kiểm dịch thực vật (như: cố tình không tiêm phòng vắc-xin hoặc áp dụng các phương pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc khác để tránh gây nguy hại cho người và phòng bệnh nguy hiểm cho động vật; bán, giết mổ hoặc vứt xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường…).

– Những hành vi nói trên chỉ cấu thành tội phạm khi thoả mãn một trong hai dấu hiệu sau đây:

+ Gây hậu quả nghiêm trọng: hậu quả nghiêm trọng do một trong những hành vi nói trên gây ra có thể là gây thiệt hại về tài sản từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng (bao gồm tiền bị thiệt hại do vật nuôi, cây trồng bị chết, tiền chi cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả).

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: Người có hành vi vi phạm hành chính trong việc làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật, trước đó đã bị xử phạt hành chính về chính hành vi này, chưa hết thời hạn một năm[1], nay lại tiếp tục vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi người thực hiện một trong các hành vi nói trên đã làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Nói cách khác thì người thực hiện những hành vi nói trên nhưng không hoặc chưa làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật thì chưa bị coi là phạm tội.

– Chủ thể của tội phạm này bao gồm hai loại: đối với hành vi “đưa ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông…”, “đưa vào Việt Nam…” hoặc các “hành vi khác” thì chủ thể có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Riêng đối với hành vi “cho phép đưa vào Việt Nam… ” thì chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt, chấp thuận, cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật nhưng những sản phẩm này bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật ở trong nước.

– Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. Động cơ và mục đích của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

– Người có thẩm quyền do khinh suất hoặc thiếu trách nhiệm trong việc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch không phải là chủ thể của tội phạm này. Tùy từng trường hợp cụ thể, người đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong theo quy định Điều 285 BLHS.

– Hậu quả rất nghiêm trọng có thể là những trường hợp gây thiệt hại tài sản từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng (bao gồm tiền bị thiệt hại do vật nuôi, cây trồng bị chết, tiền chi cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả)…

– Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể là những trường hợp gây thiệt hại đến sức khoẻ của người khi sử dụng những sản phẩm động vật hoặc thực vật làm từ động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc thiệt hại về tài sản trên năm trăm triệu đồng (bao gồm tiền bị thiệt hại do vật nuôi, cây trồng bị chết, tiền chi cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả)…

3.7. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 188 BLHS)

– Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản có thể biểu hiện dưới một trong những hành vi cụ thể sau đây: Sử dụng chất độc, chất nổ, các loại hoá chất, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm; khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ; phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ hoặc vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Những hành vi nói trên chỉ cấu thành tội phạm khi thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:

– Gây hậu quả nghiêm trọng: hậu quả nghiêm trọng của tội phạm có thể là một trong những trường hợp sau đây: làm chết một người hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tổn hại thương tật từ 31% trở lên (do sử dụng chất nổ); gây thiệt hại cho các loài thuỷ sản với mức từ ba mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; làm giảm đa dạng sinh học hoặc làm mất đi một số loài thuỷ sản quý hiếm trong khu vực đã khai thác trái phép; gây ô nhiễm môi trường do sử dụng các loại chất nổ hoặc hoá chất độc hại để khai thác thuỷ sản, kể cả việc làm cho các loài thuỷ sản quý hiếm phải rời đi cư trú nơi khác… Đây thường là trường hợp một người lần đầu thực hiện hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản nhưng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: Người có hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa hết thời hạn một năm lại tiếp tục vi phạm[2].

– Đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm: Người có hành vi phạm tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã bị kết án về tội phạm này, chưa được xoá án tích[3], nay lại tiếp tục tái phạm.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi hậu quả xảy ra (đối với người phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng) hoặc khi một trong các hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 188 được thực hiện (đối với người phạm tội thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm).

Tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định trong điều luật có thể là việc làm chết từ hai người đến năm người; gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai người đến năm người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61%; gây thiệt hại cho các loài thuỷ sản giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; gây suy thoái môi trường v.v…

Tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể là việc làm chết từ sáu người trở lên; gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai mươi người trở lên mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61%; gây thiệt hại tài sản từ một tỷ đồng trở lên; gây sự cố môi trường như dùng chất nổ khai thác gây cháy nổ tàu thuyền, dàn khoan dẫn đến sự cố tràn dầu v.v..

3.8. Tội hủy hại rừng (Điều 189 BLHS)

– Tội huỷ hoại rừng được quy định để phòng ngừa và đấu tranh với những hành vi huỷ hoại rừng, gây thiệt hại rất lớn đến môi trường sinh thái. Tội phạm này xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái.

– Tội huỷ hoại rừng có thể biểu hiện dưới một số hành vi cụ thể như: Chặt cây phá rừng; đào bới, san ủi, nổ mìn, đào, đắp ngăn nước, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng không thực hiện đúng quy định cho phép[4].

– Đối tượng tác động của tội phạm này bao gồm: rừng trồng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và thực vật rừng nguy cấp quý hiếm nhóm IA. Hành vi huỷ hoại rừng chỉ cấu thành tội phạm, nếu thuộc vào một trong ba trường hợp sau đây:

+ Gây hậu quả nghiêm trọng nếu hành vi xâm phạm thực vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IA, IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 03-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm[5];

+ Gây hậu quả vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính về hành vi phá rừng trái pháp luật, cụ thể: từ trên 30.000m2 đến 60.000 m2 (đối với cây trồng chưa thành rừng); từ trên 5.000 m2 đến 10.000 m2 (đối với rừng sản xuất); từ trên 3.000 m2 đến 6.000 m2 (đối với rừng phòng hộ); từ trên 1.000 m2 đến 2.000 m2 (đối với rừng đặc dụng)[6];

+ Gây thiệt hại nhiều loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) tuy diện tích bị thiệt hại đối với mỗi loại rừng không vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tổng diện tích bị thiệt hại của các loại rừng vượt quá mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với loại rừng bị thiệt hại có khung tối đa xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02-11-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản[7];

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trường hợp người có hành vi huỷ hoại rừng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa hết thời hạn một năm lại tiếp tục vi phạm mặc dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng.

– Hủy hoại diện tích rừng rất lớn là các trường hợp như: Xâm phạm từ 5 đến 10 cá thể thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm nhóm IA, IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm; diện tích rừng bị phá trái pháp luật từ trên 60.000m đến 120.000 m(đối với cây trồng chưa thành rừng); từ trên 10.000 m2 đến 20.000 m2 (đối với rừng sản xuất); từ trên 6.000 m2 đến 12.000 m2 (đối với rừng phòng hộ); từ trên 2.000 m2 đến 4.000 m2 (đối với rừng đặc dụng); gây thiệt hại nhiều loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) tuy diện tích bị thiệt hại đối với mỗi loại rừng không vượt quá mức gây hậu quả, nhưng tổng diện tích bị thiệt hại của các loại rừng vượt quá mức tối đa quy định đối với loại rừng bị thiệt hại có mức tối đa thấp nhất được hướng dẫn ở khoản 1 Điều 189.

– Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn là các trường hợp như: Xâm phạm từ 10 cá thể thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm nhóm IA, IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm; diện tích rừng bị phá trái pháp luật từ 120.000 m(đối với cây trồng chưa thành rừng); từ trên 10.000 m2 đến 20.000 m2 (đối với rừng sản xuất); từ 12.000 m2 (đối với rừng phòng hộ); từ 4.000 m2 (đối với rừng đặc dụng) trở lên.

– Gây hậu quả rất nghiêm trọng có thể là trường hợp gây thiệt hại cho các loài thực vật, thú sinh sống trong rừng từ trên ba trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng; làm giảm đa dạng sinh học hoặc làm tuyệt chủng một số loại cây, thú quý, hiếm trong khu vực;.v.v…

– Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe hoặc làm chết người do việc phá rừng; gây thiệt hại về tài sản từ năm trăm triệu đồng trở lên, v.v…

* Lưu ý: người có hành vi khai thác rừng, săn bắt chim, thú rừng trái phép thì không phạm vào tội huỷ hoại rừng vì hành vi khai thác, săn bắt chim, thú rừng trái phép phạm vào tội vi phạm các quy định về quản lý rừng quy định tại Điều 175. Điều 189 chỉ quy định về hành vi huỷ hoại rừng như đốt, phá,… rừng.

3.9. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190 BLHS)

BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã sửa đổi về tên gọi của điều luật này, cho thấy sự phù hợp, thống nhất giữa các quy định của BLHS với các  ngành luật khác như: Luật Bảo vệ môi trường 2005; Luật đa dạng sinh học năm 2008, tránh gây sự hiểu lầm trong cách hiểu giữa hai khái niệm “động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” và “động vật hoang dã, quý, hiếm”. Khoản 20 Điều 3 Luật đa dạng sinh học năm 2008 quy định: “Loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ là loài hoang dã, giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa – lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng”.

– Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định để phòng ngừa và đấu tranh với những hành vi xâm hại động vật hoang dã quý hiếm, gây thiệt hại cho môi trường sinh thái. Tội phạm này xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái.

– Hành vi tội phạm thể hiện ở một trong các hành vi như:

+ Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm (như Voi, Tê giác, Hổ, Báo hoa mai, Báo gấm, Bò tót, Bò xám, Trâu rừng, Chồn mực, Beo lửa, Mèo gấm, Sói lửa,…) thuộc Nhóm I “Thực vật rừng, động vật rừng bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại” trong Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèo theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-2-2006 của Chính phủ) hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của các động vật đó (thịt, da, ngà, sừng, lông, v.v…, dù dưới dạng tươi sống hay đã qua sơ chế hoặc tinh chế) không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy tỉnh Kom Tum đã đưa ra xét xử và xử phạt về hình sự Hà Văn Tú (38 tuổi ở huyện Krông Păk, Đắk Lắk) 24 tháng tù, Hà Văn Quế (38 tuổi, Gia Lai) 28 tháng tù và Bùi Văn Hùng (36 tuổi, Thanh Hóa) 12 tháng tù về hành vi dùng súng kíp săn, bắn chết 02 cá thể Voọc chà vá chân xám (là loài động vật quý hiếm) sau đó đem bán cho Nguyễn Văn Quang và hai chiến sĩ thuộc Quân đoàn 3. Vụ án bị phát hiện khi Quang cùng hai chiến sỹ đã tung ảnh hành hạ, giết thịt voọc lên mạng Internet khoe chiến tích gây phẫn nộ dư luận. Liên quan đến vụ việc, bản thân Quang và 2 chiến sĩ khác cùng tiểu đoàn đã bị triệu tập điều tra, trong đó Quang bị tước quân tịch, trả về địa phương.

Riêng đối với động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, thì hành vi nuôi, nhốt trái pháp luật chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu số lượng từ 15 cá thể trở lên[8].

+ Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm: công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm là những công cụ, phương tiện có thể săn bắt hàng loạt động vật hoang dã quý hiếm, gây nguy hại cho con người và môi trường sinh thái như các loại vũ khí quân dụng, chất nổ, chất độc, chất cháy, hơi cay, hơi ngạt, lưới điện v.v…;

+ Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm (khu vực bị cấm là những khu vực được bảo vệ theo chế độ đặc biệt như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, vùng phục hồi sinh thái, khu di tích lịch sử, khu quân sự v.v… do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định mà ở đó các hành vi săn bắt động vật sống bị nghiêm cấm; thời gian bị cấm là thời gian mà việc săn bắt có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì hay phát triển số lượng của các loài động vật hoang dã quý hiếm tại một khu vực nào đó như mùa sinh sản, kể cả việc làm tổ và sinh con hay đẻ, ấp trứng hoặc thời gian di cư đến của một loài hay một số loài động vật hoang dã quý hiếm…). Chỉ áp dụng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 190 đối với hành vi săn bắt mà không áp dụng đối với hành vi giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý, hiếm;

– Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể là trường hợp săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm như: Voi, Tê giác, Hổ, Báo hoa mai, Báo gấm, Gấu, Bò tót, Bò xám, Trâu rừng, …; gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loại động vật hoang dã, quý hiếm; gây dư luận xấu trong nước và quốc tế,.v.v…

3.10. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191 BLHS)

Theo khái niệm của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 1994: Khu bảo tồn thiên nhiên là vùng đất hay vùng biển đặc biệt được dành để bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với việc bảo vệ các tài nguyên văn hóa và được quản lý bằng pháp luật hoặc các phương thức hữu hiệu khác. Khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm: Khu dự trữ thiên nhiên tuyệt đối hoặc khu bảo vệ vùng hoang dã; vườn quốc gia; công trình thiên nhiên; khu quản lý sinh cảnh hoặc các loài; khu bảo vệ phong cảnh đất liền hoặc biển; khu bảo vệ tài nguyên.

Theo Điều 3 Luật đa dạng sinh học năm 2008: Khu bảo tồn thiên nhiên là khu vực địa lý được xác lập danh giới và phân khu chức năng để bảo tồn sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; BVMT sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan, môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài theo mẫu vật di truyền.

– Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên được quy định để phòng ngừa và đấu tranh với những hành vi xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên, gây thiệt hại cho môi trường sinh thái. Tội phạm này xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái.

– Khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt là các khu được thành lập theo các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được bảo vệ theo các quy chế, nội quy khai thác, sử dụng và bảo vệ riêng của từng khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác. Đây là các rừng đặc dụng[9] được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gien thực vật, động vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi và du lịch.

– Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên có thể biểu hiện dưới một số hành vi cụ thể như khai thác, sử dụng, lấn chiếm, đánh bắt bừa bãi động vật trong khu bảo tồn…

* Chú ý: Người có hành vi săn bắt động vật hoang dã quý hiếm trong khu bảo tồn thiên nhiên thì không áp dụng Điều luật này để xử lý vì hành vi của người đó cấu thành tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 190.

+ Hậu quả rất nghiêm trọng có thể là làm hư hỏng cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; ảnh hưởng đến việc phục vụ nghỉ ngơi, giải trí tham quan, du lịch; gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước do phải chi để khắc phục hậu quả từ ba trăm triệu đồng trở lên đến dưới năm trăm triệu đồng…;

+ Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể là làm hư hỏng nặng cảnh quan môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước do phải chi để khắc phục hậu quả từ năm trăm triệu đồng trở lên…

3.11. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 191a BLHS)

Theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật đa dạng sinh học 2008: “Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển”.

Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách như bằng con đường tự nhiên hoặc hoạt động của con người. Việc kiểm soát sự du nhập của chúng là rất khó, đặc biệt là đối với các trường hợp du nhập một cách vô thức, tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chúng thành 4 nhóm: cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn và nơi sống; ăn thịt các loài khác; phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống và truyền bệnh, kí sinh trùng.

Ví dụ: Trường hợp ốc biêu vàng được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước đây. Loài ốc này đã nhanh chóng lan tràn từ Đồng bằng sông Cửu Long ra các tỉnh Miền Trung và Miền Bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương này. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để ngăn ngừa và khắc phục. Ngoài ra, còn có các loài ngoại lai xâm hại khác tiêu biểu ở Việt Nam như: cây mai dương, ốc sên, lục bình, chuột hải ly, rùa tai đỏ, bọ ăn lá hại dừa, sâu róm thông. Một tác động khác tuy không kém phần nghiêm trọng nhưng cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức là các loài ngoại lai xâm hại góp phần làm xuất hiện các bệnh dịch mới hoặc tái xuất hiện các bệnh dịch cũ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

– Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại được quy định nhằm đấu tranh phòng, chống những hành vi nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại có thể gây thiệt hại cho môi trường sinh thái. Tội phạm này xâm hại sự bền vững và ổn định của môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường sinh thái.

– Hành vi phạm tội được thể hiện ở một trong các nhóm hành vi:

+ Nhập khẩu  các loài ngoại lai xâm hại là hành vi đưa vào lãnh thổ Việt Nam đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ còn sống thuộc Danh mục các loài thực vật, động vật cấm nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Phát tán các loài ngoại lai xâm hại là hành vi lan truyền (như vận chuyển, mua bán, trao đổi, cho tặng…) các loài động vật, thực vật ngoại lai có hại giữa các vùng, địa phương trong lãnh thổ Việt Nam.

– Hành vi nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại chỉ bị coi là tội phạm nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chi phí để khắc phục hậu quả từ ba trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng…

– Gây hậu quả rất nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chi phí để khắc phục hậu quả từ năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chi phí để khắc phục hậu quả từ một tỷ đồng trở lên…

  1. KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ, ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ, LẬP KẾ HOẠCH XÉT HỎI, ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI VỤ ÁN VỀ CÁC TỘIPHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
  2. Các văn bản pháp luật về môi trường cần thiết khi nghiên cứu hồ sơ xét xử các vụ án về môi trường

– Bộ luật hình sự năm 1999; BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

– Luật xử lý vi phạm hành chính;

– Luật tài nguyên nước ngày 20-5-1998;

– Luật đất đai năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2009;

– Luật đất đai năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2013;

– Luật thủy sản năm 2003;

– Quyết định ngày 02-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

– Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

– Luật khoáng sản năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2005;

– Luật bảo vệ môi trường năm 2005;

– Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09-8-2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

– Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

– Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

– Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16-11-2009 quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường;

– Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14-4-2011 của Bộ Tài nguyên Môi trường Quy định về quản lý chất thải nguy hại;

– Các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự;…

Việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, lập kế hoạch xét hỏi, định tội danh và quyết định hình phạt đối với vụ án vụ án về các tội phạm về môi trường cũng được thực hiện như đối với các vụ án hình sự khác và có một số điểm đáng lưu ý sau đây:

  1. Kiểm tra hồ sơ vụ án

* Kiểm tra hồ sơ vụ án đã có đầy đủ các thủ tục về tố tụng chưa? Kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ có đầy đủ theo danh mục tài liệu không?

* Nghiên cứu việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can. Thẩm phán phải kiểm tra xem bị can đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào chưa? Đối với các tội phạm về môi trường thì bị can, bị cáo thường bị áp dụng biện pháp như: Cấm đi khỏi nơi cư trú; Bảo lĩnh; hoặc Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

* Đối với các vụ án về các tội phạm có hành vi gây ô nhiễm môi trường (Điều 182, Điều 182a, Điều 182b và Điều 185) cần kiểm tra các tài liệu sau:

– Có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng môi trường bị ô nhiễm không? Mức độ ô nhiễm như thế nào?

– Nếu có thiệt hại về tài sản thì đã có Biên bản giám định tài sản bị thiệt hại chưa?

– Nếu có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì đã có kết luận giám định pháp y và kết luận cái chết của người bị hại chưa? Đã có kết luận giám định mức độ tổn hại sức khỏe của người bị hại không?

– Nếu là tội phạm bị bắt quả tang thì kiểm tra Biên bản bắt người phạm tội quả tang…

* Đối với các vụ án về các tội phạm có hành vi gây dịch bệnh cho con người và động vật (Điều 186, Điều 187) cần kiểm tra các tài liệu sau:

– Các tài liệu chứng minh có hành vi phạm tội;

– Các tài liệu chứng minh có dịch bệnh cho người, động vật hoặc thực vật xảy ra do hành vi phạm tội gây ra;

– Các tài liệu chứng minh người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây ra dịch bệnh nguy hiểm cho động vật hoặc thực vật hoặc tài liệu chứng minh hậu quả gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (Đối với tội phạm quy định tại Điều 187);…

* Đối với các vụ án về tội phạm có các hành vi huỷ hoại tài nguyên môi trường (Điều 188, Điều 189) cần kiểm tra các tài liệu sau:

– Các tài liệu chứng minh hành vi phạm tội;

– Các tài liệu chứng minh công cụ, phương tiện phạm tội, thủ đoạn phạm tội (Điều 189 BLHS);

– Các tài liệu chứng minh thời gian, địa điểm phạm tội (các tài liệu cần thiết chứng minh tội phạm điểm a, b, d khoản 1 Điều 188);

– Các tài liệu chứng minh người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây ra dịch bệnh nguy hiểm cho động vật hoặc thực vật hoặc tài liệu chứng minh hậu quả gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;…

* Đối với các vụ án về tội phạm có hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường (Điều 190, Điều 191 và Điều 191a) cần kiểm tra các loại tài liệu sau:

– Các tài liệu chứng minh hành vi phạm tội;

– Các tài liệu chứng minh đối tượng phạm tội thuộc chế độ bảo vệ đặc biệt của Nhà nước; hoặc tài liệu chứng minh đối tượng là các loài ngoại lai xâm hại…

  1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án

3.1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội

Đối với vụ án về tội phạm về môi trường, việc kiểm tra các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, chứng cứ chứng minh hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra là vô cùng quan trọng.

Đối với các tội phạm: Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186); Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190) thì việc xác định có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội là yếu tố quyết định để chứng minh tội phạm. Còn các tội phạm khác về môi trường thì việc xác định các tình tiết này chỉ là điều kiện cần để xác định tội phạm, ngoài ra còn phải xác định các vấn đề quan trọng khác nữa như: hậu quả của tội phạm, các thiệt hại cụ thể do tội phạm gây ra…

Lưu ý: Đối với các tội: Gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, chúng ta căn cứ vào Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và 8 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm có làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hay không và phải có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Đối với tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, chỉ truy cứu TNHS về tội này khi hành vi phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường. Hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường được thực hiện bởi ba nhóm hành vi sau: Thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; Hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và nhóm hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ gây hậu quả nghiêm trọng khác. Các hành vi này được thực hiện bởi lỗi cố ý của bị can, bị cáo; Hành vi phạm tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được thực hiện bởi lỗi vô ý.

– Đối với các tội phạm quy định tại các điểm b, d Khoản 1 Điều 188; Điều 191 chúng ta phải làm rõ được không gian, thời gian, địa điểm phạm tội, đó là những khu vực bị cấm khai thác, thời điểm cấm khai thác, thời điểm vào mùa sinh sản của các loài thủy sản, khu vực cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm, khu bảo tồn thiên nhiên, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt…; Đối với các tội quy định Điều 190, Điều 191 chúng ta phải xác định đối tượng tác động của phạm tội đó là những đối tượng đặc biệt như: động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được Nhà nước ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Đối tượng tác động của tội phạm là các khu vực bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác trong môi trường sinh thái được Nhà nước bảo vệ đặc biệt (Điều 191);

3.2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội

Chú ý: Với những tội phạm quy định tại Điều 182a, Điều 182b; và đối với nhóm hành vi phạm tội cho phép nhập khẩu vào Việt Nam quy định tại các Điều Điều 185; Điều 186; Điều 187 chủ thể của tội phạm những người có chức vụ quyền hạn.

– Trong các tội phạm về môi trường, có hai tội: Vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại và tội vi phạm các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường là các tội phạm được thực hiện bởi lỗi vô ý còn các tội phạm khác về môi trường chúng ta phải chứng minh được tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý của người phạm tội.

– Các tội phạm về môi trường không bắt buộc phải chứng minh mục đích, động cơ phạm tội, dấu hiệu này chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt và lượng hình;

3.3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo

– Các tội phạm về môi trường thì cần chú ý các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức; tái phạm, tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức để phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ như: Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Các tình tiết liên quan đến nhân thân người phạm tội như: Tiền án, tiền sự, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm lây lan dịch bệnh cho động vật, thực vật; hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hành vi hủy hoại rừng hay chưa?

– Đối với các tội quy định tại Điều 187; Điều 188; Điều 189 xác định bị can, bị cáo đã bị xử phạt hành chính về hành vi cùng loại chưa? Nếu đã bị xử phạt hành chính thì xác định tính đến ngày vi phạm này đã hết thời hạn một năm kể từ ngày có quyết định xử phạt hành chính chưa? Đây là 3/11 tội phạm còn quy định tình tiết “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là yếu tố cấu thành tội phạm. Căn cứ vào Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 02-11-2009 về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Cơ quan kiểm lâm các cấp: Kiểm lâm viên, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm; Hạt trưởng hạt kiểm lâm; Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm; Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm; Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp…

– Đối với tội phạm quy định tại Điều 188, xác định bị can, bị cáo đã bị kết án về tội này chưa? Nếu đã bị kết án về tội này thì xác định xem tính đến ngày vi phạm này bị can, bị cáo đã được xóa án tích chưa? Cách tính thời hạn xóa án tích căn cứ vào các điều từ Điều 63 đến Điều 67 BLHS và Mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày tháng năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS.

3.4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; vấn đề bồi thường thiệt hại

Cơ sở pháp lý của việc định giá tài sản bị thiệt hại là Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về “Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP.

Việc giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người được thực hiện theo Điều 155, 157, 159 Bộ luật tố tụng hình sự; việc giám định bổ sung, giám định lại được thực hiện theo quy định tại Điều 29, Điều 30 Luật giám định tư pháp năm 2012.

Việc xác định thiệt hại xảy ra do hành vi phạm tội về môi trường gây ra là vô cùng quan trọng, vì: Thứ nhất, 9/11 tội phạm về môi trường quy định trong BLHS hiện hành có cấu thành tội phạm vật chất, chỉ trừ hai tội: Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186) và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là tội phạm có cấu thành hình thức. Điều này có nghĩa, các cơ quan tố tụng trước đó nếu không chứng minh được thiệt hại gây ra bởi hành vi vi phạm của bị can, bị cáo thì sẽ không chứng minh được tội phạm; Thứ hai, việc xác định thiệt hại do tội phạm gây ra có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt, 11/11 điều luật quy định các tội phạm về môi trường đều quy định tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” hoặc tình tiết “Gây thiệt hại lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt.

– Vật chứng trong vụ án là những cái gì? Đã xử lý hay chưa bằng hình thức nào?

  1. Kết thúc nghiên cứu hồ sơ vụ án

4.1. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán phải nắm chắc các vấn đề sau:

Thứ nhất, nội dung vụ án và hành vi phạm tội; Bị can, bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội gì?

Thứ hai, những vấn đề cần làm rõ trong hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 63 BLTTHS, thì Thẩm phán phải làm rõ các vấn đề theo Mục 3 Phần 2 nêu trên.

Thứ ba, Thẩm phán nắm chắc các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, bao gồm:

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu TNHS;

– Miễn trách nhiệm hình sự;

– Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội…

4.2. Kết thúc giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán có đủ chứng cứ để ra một trong bốn quyết định quy định tại Khoản 2 Điều 176 BLTTHS

Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo các quy định của Điều 179 BLTTHS và Mục 4 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Điều 179. Chú ý:

– Đối với các vụ án về tội phạm môi trường, Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Điểm a Khoản 1 Điều 179 BLTTHS trong các trường hợp sau:

+ Thiếu Kết luận giám định mức độ ô nhiễm môi trường đối với các tội quy định tại Điều 182, Điều 182a, Điều 182b và Điều 185;

+ Thiếu Biên bản giám định tài sản bị thiệt hại của Hội đồng định giá tài sản đối với các tội phạm cần xác định mức độ thiệt hại để làm căn cứ xác định cấu thành tội phạm hoặc định khung tăng nặng hình phạt;

+ Thiếu Kết luận của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng lây lan dịch bịnh nguy hiểm cho người, động vật hoặc thực vật đối với các tội quy định tại các Điều 186; 187;

+ Thiếu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bản án kết tội của Tòa án đối với các tội quy định tại các Điều 187, 188, 189 BLHS;…

  1. Lập kế hoạch xét hỏi và viết dự thảo bản án

Nếu ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì làm công tác chuẩn bị cho việc mở phiên toà: đề nghị thành lập Hội đồng xét xử; Lập kế hoạch xét hỏi và viết bản án…

5.1. Việc lập kế hoạch xét hỏi cũng như các vụ án khác, đối với các tội phạm về môi trường chú ý làm rõ một số vấn đề sau:

– Làm rõ các chi tiết của hành vi phạm tội: thủ đoạn phạm tội, công cụ phương tiện, cách thức thực hiện tội phạm, thời gian, địa điểm phạm tội…

– Làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội nhằm xác định hình thức lỗi của người phạm tội;

– Xác định hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; chú ý xác định hậu quả trực tiếp và các hậu quả (thiệt hại gián tiếp) do tội phạm gây ra; chú ý việc khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra, có thể hướng dẫn cho bị cáo và người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại thỏa thuận tự nguyện với nhau để Hội đồng xét xử ghi nhận. Tuy nhiên, cần phải làm rõ tất cả các yêu cầu của việc bồi thường thiệt hại: thiệt hại về tài sản như diện tích rừng bị phá hủy, diện tích cây hoa màu bị chết, gia xúc, thủy sản, thú rừng, bị chết do ô nhiễm môi trường gây ra, nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại do hành vi phạm tội gây ra, .v.v…

5.2. Viết dự thảo bản án trên cơ sở đã đánh giá chứng cứ trong sổ công tác cá nhân của mình theo mẫu Bản án do Toà án nhân dân tối cao ban hành.

  1. Đối với phiên tòa xét xử

Nếu ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì làm công tác chuẩn bị cho việc mở phiên toà, trong đó cần chú ý:

6.1. Công tác chuẩn bị phiên tòa

* Xác định đủ và đúng thành phần cần triệu tập tới phiên tòa, liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm những người cần có mặt tại phiên tòa sẽ có mặt để không phải hoãn phiên tòa, gây lãng phí về thời gian cũng như vật chất.

Cần triệu tập người phiên dịch đối với trường hợp bị cáo là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số; yêu cầu Đoàn Luật sư cử người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên, người bị đưa ra xét xử về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân đến tử hình. Trong một số trường hợp, để người phiên dịch làm tốt công việc của mình, Tòa án có thể tạo điều kiện cho họ đọc trước Bản Cáo trạng, Dự thảo bản án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị…

* Nếu quyết định xét xử lưu động thì cần liên hệ trước với cơ quan liên quan nơi dự kiến xét xử để làm công tác đảm bảo;

* Hoàn thiện đầy đủ thủ tục triệu tập người tham gia phiên tòa, quyết định thành lập Hội đồng xét xử, tống đạt và gửi cho cá nhân, cơ quan có liên quan.

6.2. Điều hành phiên tòa

Cần nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phiên tòa (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) để điều hành phiên tòa đúng pháp luật và xử lý tốt các tình huống tại phiên tòa. Trong đó, cần lưu ý:

* Đối với phần giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng:

Thực tiễn xét xử, các Thẩm phán thường chỉ đọc nguyên văn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mà không có sự giải thích cho đương sự hiểu rõ thêm. Đối với người tham gia tố tụng là người có trình độ học vấn thấp, người vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, người chưa thành niên, người mắc bệnh nào đó hạn chế đến khả năng nhận thức thì cần giải thích cho họ hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ. Trong một số trường hợp, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác.

* Đối với phần xét hỏi:

Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung, nhưng thực tế cho thấy, việc xét hỏi cần có sự đổi mới mà vẫn không vi phạm thủ tục tố tụng. Sau khi đại diện Viện kiểm sát đọc xong bản Cáo trạng, Hội đồng xét xử chỉ nên hỏi những vấn đề về thủ tục tố tụng và những vấn đề chung, sau đó, đề nghị Kiểm sát viên hỏi để làm rõ tính có căn cứ của những vấn đề được nêu ra trong bản Cáo trạng. Hội đồng xét xử chỉ hỏi những vấn đề mà Kiểm sát viên chưa hỏi hoặc vấn đề khác mà mình thấy cần thiết.

Trong quá trình xét hỏi, cần tạo điều kiện cho bị cáo, người bị hại, người làm chứng nêu vấn đề cần hỏi để hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa có điều kiện làm rõ hơn các tình tiết của vụ án.

Cần tránh hỏi những câu mang tính áp đặt, mớm cung, dụ cung, ép cung. Đối với các vấn đề cần miêu tả, tường thuật thì không nên hỏi những câu hỏi mang tính khẳng định, phủ định đúng sai mà phải hỏi để người tham gia tố tụng kể lại sự kiện, sự việc đó. Chỉ công bố tài liệu thu thập được tại các giai đoạn tố tụng trước khi cần đối chiếu với lời khai tại phiên tòa hoặc khi người tham gia tố tụng không chịu khai tại phiên tòa.

* Đối với phần tranh luận:

Khi điều khiển phần tranh luận, Thẩm phán phải tạo điều kiện (hoặc mang tính bắt buộc) để Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại và những người có quyền khác được tranh luận về tất cả những vấn đề mà Tòa án cần quan tâm xem xét. Cần điều khiển phần tranh luận theo hướng giải quyết các vấn đề mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định chứ không được lệ thuộc vào ý  muốn của Kiểm sát viên hay của người tham gia tố tụng khác.

* Đối với phần nghị án:

Chủ tọa phiên tòa điều khiển phần nghị án và có trách nhiệm đưa ra những vấn đề để Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định. Chủ tọa cần phân công một thành viên Hội đồng xét xử ghi biên bản phiên họp nghị án. Thông thường, chủ tọa là người phát biểu cuối cùng, nhưng cũng có trường hợp, chủ tọa cần giải thích về pháp luật, về chứng cứ để Hội đồng xét xử thảo luận đúng hướng.

* Đối với bản án:

Để có một bản án hợp pháp, có căn cứ và mang tính thuyết phục, cần chú ý một số vấn đề sau:

+ Đối với phần mở đầu:

Cần tuân thủ triệt để hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về viết bản án. Qua theo dõi các bản án thời gian qua cho thấy, Thẩm phán ít khi tuân thủ hướng dẫn này nên hình thức của bản án lộn xộn, không thống nhất.

 + Đối với phần nhận thấy:

Mô tả sự việc phạm tội, các hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố tại bản cáo trạng. Trong phần này, chỉ nên mô tả những vấn đề liên quan trực tiếp đến vụ án, không nên chép nguyên văn bản cáo trạng.

Ngoài ra, cần tóm lược các vấn đề chính về diễn biến tại phiên tòa qua phần xét hỏi, tranh luận.

+ Đối với phần xét thấy:

Thể hiện những phân tích, đánh giá của Hội đồng xét xử về những vấn đề xung quanh vụ án, trong đó đặc biệt chú trọng đến:

– Các chứng cứ xác định có sự việc phạm tội không? có cấu thành tội phạm không? người thực hiện hành vi phạm tội (xác định có tội hoặc không có tội);

– Nếu có tội thì cần áp dụng điểm, khoản, điều naà của Bộ luật hình sự. Nếu bị cáo không phạm tội thì áp dụng điều nào của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

– Nếu bị cáo phạm tội thì các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trong đó cần thiết phải xác định rõ nhân thân, điều kiện, động cơ, mục đích… để đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

– Đánh giá thiệt hại, hậu quả của vụ án và xác định trách nhiệm dân sự (nếu có).

– Giải quyết các vấn đề về vật chứng (nếu có).

– Giải quyết vấn đề án phí hình sự, dân sự.

Ở phần này, cần nêu rõ căn cứ thực tế, căn cứ pháp luật, quan điểm của những người tham gia tố tụng, quan điểm của Hội đồng xét xử về từng vấn đề cụ thể. Cần có lập luận cụ thể về từng vấn đề: vì sao chập nhận quan điểm này, vì sao không chấp nhận quan điểm kia, vì sao Hội đồng xét xử thấy cần quyết định như thế này…

+ Đối với Phần quyết định:

Phần quyết định của bản án hình sự phải ghi đầy đủ, rõ ràng về các căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Các căn cứ này là các điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự hoặc văn bản pháp luật khác. Quyết định trong bản án phải cụ thể, dứt khoát, không nửa vời, nước đôi, không có sự hiểu lầm nhằm đảm bảo tính hiệu lực, tính trang nghiêm của bản án, đảm bảo cho việc thi hành án thuận lợi.

6.3. Công việc sau khi kết thúc phiên tòa

* Kiểm tra việc trả tự do cho bị cáo bị tạm giam đưởng hưởng án treo, tuyên bố không phạm tội, hoặc việc tạm giam bị cáo đang tại ngoại;

* Hoàn thiện bản án, giao bản án, gửi bản án theo quy định;

* Kiểm tra Biên bản phiên tòa, giải quyết yêu cầu xem biên bản phiên tòa và chỉnh sửa biên bản của người có quyền;

* Giải quyết việc trả lại một số giấy tờ, tài liệu, đồ vật cho người tham gia tố tụng: chứng minh nhân dân, đăng ký xe, giấy phép lái xe…

* Giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị;

* Kiểm tra hồ sơ, đánh số bút lục, gửi đi hoặc lưu kho.

BÀI 15:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY

  

  1. KHÁI NIỆM VỀ CHẤT MA TÚY VÀ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY

1.1. Khái niệm về chất ma túy

1.1.1. Các quan điểm khác nhau về chất ma túy

   Ma túy là gì và có từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất mà chỉ có thể khẳng định rằng – Từ xa xưa, do trình độ nhận thức của con người còn thấp, nền y học chưa phát triển, việc chữa bệnh của con người phần lớn là sử dụng các loại cây cỏ, trong đó có những loại cây cỏ có tính đặc trị một số bệnh và được lưu truyền cho tới nay, trong những loại cây chữa bệnh có cả cây thuốc phiện, cây cần sa và cây côca. Trong quá trình sử dụng, bên cạnh tác dụng của những loại cây này trong việc chữa một số bệnh, thì người ta cũng phát hiện ra tác hại của nó. Tuy được coi là dược phẩm, song vấn đề là phải sản xuất, quản lý hợp lý và sử dụng chính đáng, nếu sử dụng không chính đáng hoặc lạm dụng, thì các chất được gọi là “dược phẩm” đó sẽ mất đi hàm ý và tác dụng về mặt y học, dần dần bị người ta coi là “chất độc”, nó làm cho con người mê mẩn, ngây ngất, túy lúy, không làm chủ được hành vi, có nhiều hành xử lệch chuẩn với đạo đức, bị xã hội lên án. Đứng trên quan điểm pháp luật mà xét thì ma túy được lý giải là một chất đặc biệt có hại nghiêm trọng đến con người và xã hội, thuộc chất bị cấm, là loại hàng hóa bị pháp luật quản lý nghiêm ngặt và khống chế sử dụng.

   Cho đến nay, trên thế giới cũng không có một khái niệm thống nhất về “ma túy” hay “chất ma túy”. Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (gọi tắt là Công ước 1961), không đưa ra khái niệm “chất ma túy” mà sử dụng phương pháp liệt kê để xác định danh mục các chất ma túy bị kiểm soát, mang tính kế thừa kinh nghiệm của các Điều ước quốc tế về kiểm soát ma túy trước đó, đặc biệt là Công ước về hạn chế việc sản xuất, phân phối chất ma túy năm 1931 (gọi tắt là Công ước 1931). Mặc dù trong quá trình soạn thảo Công ước 1931, một nhóm các chuyên gia quốc tế được yêu cầu đề xuất khái niệm “chất ma túy” để sử dụng trong Công ước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, thì các chuyên gia này đã kết luận rằng không thể đưa ra một khái niệm chung về “chất ma túy”, mà chỉ có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau để mô tả các chất được Công ước 1931 kiểm soát. Kết luận của các chuyên gia cũng có cơ sở bởi lẽ : Ngoài các sản phẩm của cây thuốc phiện, cây cần sa, cây côca… thì còn các chất khác được tổng hợp trong phòng thí nghiệm cũng có tính chất gây nghiện. Một số chuyên gia đưa ra định nghĩa về ma túy như: “Ma túy là chất tự nhiên hoặc chất hóa học hợp thành, khi hấp thụ vào con người thì gây nguy hại cho con người”. Cũng có chuyên gia dứt khoát gọi ma túy là chất độc và dược phẩm tinh thần có thể làm cho con người trở lên nghiện v.v. Từ những quan điểm trên có thể thấy: Ma túy là một khái niệm khó định nghĩa. Song bất cứ nhận thức từ góc độ y học hay nhìn nhận từ góc độ pháp luật hoặc góc độ xã hội, ma túy đều là một khái niệm tương đối và ma túy trước hết là một loại “dược phẩm” nhưng có tác dụng phụ độc rất mạnh. Bên cạnh đó cũng có định nghĩa khác như : “Ma túy là chỉ thuốc phiện, Hêroin, Morphine, Marijuana (đại ma), Cocaine và những dược phẩm ma túy và dược phẩm tinh thần có thể gây nghiện cho con người”(1). Nhiều quan điểm cho rằng: Định nghĩa này đơn giản dể hiểu, đã phản ánh được bản chất của chất độc mà mọi người trong xã hội ngày nay có thể hiểu được. Tuy quan niệm và định nghĩa về chất ma túy ở các quốc gia có sự khác nhau, song có một điểm chung đó là về việc ban hành luật kiểm soát ma túy của các nước đều đề cập và khẳng định: Ma túy bao gồm các chất gây nghiện và các chất hướng thần.

          1.1.2. Khái niệm chất ma túy theo pháp luật  Việt nam

    Trong luật pháp Việt Nam cụm từ “chất ma túy” xuất hiện khá muộn, mãi sau khi thống nhất đất nước thì cũng chỉ thuốc phiên là được đặt dưới sự kiểm soát, các chất ma túy khác như cần sa, côca vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh. Cụm từ “chất ma túy” chính thức được quy định lần đầu tiên tại Điều 203 Bộ luật hình sự  năm 1995 “Tội tổ chức dùng chất ma túy”, Điều luật này được thay bằng Điều 185i “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 10 tháng 5 năm 1997.

   Những năm tiếp theo, cụm từ “chất ma túy” tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong các văn bản pháp luật khác như Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1999, Nghị định số 141/HĐBT năm 1991 về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên các văn bản pháp luật này cụm từ “chất ma túy” được sử dụng song không được định nghĩa cụ thể.

   Theo tác giả Đặng Ngọc Hùng : “Các chất ma túy là những chất độc có tính chất gây nghiện, có khả năng bị lạm dụng, sự nghiện ngập chính là biểu hiện của trạng thái bị ngộ độc mãn tính do các chất ma túy gây nên cho người sử dụng chúng”1)

   Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997, tiếp theo là Bộ luật hình sự năm 1999  đã quy định chất ma túy, tội phạm về ma túy. Theo đó ma túy bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca; lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây côca; quả thuốc phiện khô; quả thuốc phiện tươi; hêroin, côcain; các chất ma túy khác ở thể lỏng; các chất ma túy khác ở thể rắn.

Để việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất, tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2 tháng 1 năm 1998 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã nêu rõ: Chất ma túy là những chất đã được xác định và có tên gọi riêng trong khoa học. Danh mục các chất ma túy, tiền chất và các chất hóa học dùng để điều chế các chất ma túy (bao gồm danh mục của công ước quốc tế 1969, 1971,1988) gồm 225 chất ma túy và 22 tiền chất. Để xác định có phải là chất ma túy hay tiền chất ma túy hay không cần phải trưng cầu giám định.

   Tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 cũng đã có quy định:

   “1. Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

  1. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, để gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
  2. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gaay ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng”.

   Theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2001, ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất, thì hiện nay các chất ma túy gồm 227 chất chia làm ba danh mục và 22 hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế chất ma túy cần kiểm soát. Như vậy, trong pháp luật Việt Nam, cụm từ chất ma túy được định nghĩa và giải thích gián tiếp qua các khái niệm “chất gây nghiện” và “chất hướng thần” .

   Tại Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 cũng đã nêu một số khái niệm như:

   “Chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

   “Tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong các danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.

   Từ những phân tích trên cho thấy: Các nhà làm luật ở Việt Nam có cách tiếp cận khác với các nhà làm luật quốc tế và cũng đã nêu được khái niệm về chất ma túy cũng như liệt kê chúng tại các danh mục. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm ma túy, song qua nghiên cứu chúng tôi đồng tình với quan niệm cho rằng: Ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người, nó có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma túy, con người sẽ lệ thuộc vào nó, khi đó gây tổn thương nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng (1).

Chúng tôi cho rằng khái niệm ma túy nêu trên là tương đối hợp lý và đầy đủ cần được chấp nhận vì nội hàm của nó đã thể hiện rõ ma túy có tác dụng lên thần kinh trung ương gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn hay cảm giác dễ chịu… mà khi dùng nhiều lần thì sẽ phải sử dụng lại nó nếu không sẽ rất khó chịu (tức là nghiện).

1.2. Khái niệm các tội phạm về ma túy

So với các loại tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, thì tội phạm về ma túy là loại tội phạm phát sinh muộn hơn so với một số tội phạm khác. Nhưng tội phạm về ma túy, lại phát triển nhanh cả về số lượng cũng như tính chất và mức độ nguy hiểm. Có thể khẳng định, Tội phạm về ma túy là một loại tội phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, không những gây ra những thiệt hại to lớn cho lợi ích của Nhà nước và xã hội, của công dân mà còn làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người cũng như ảnh hưởng tới việc phát triển giống nòi, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Các tội phạm ma túy được hiểu như sau: Các tội phạm về ma túy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự, thực hiện, có lỗi, xâm phạm đến chế độ quản lý, sử dụng các chất ma túy của Nhà nước, từ đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân, gây mất trật tự an toàn xã hội.

1.3. Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm ma túy

Căn cứ vào các nhóm quan hệ xã hội khác nhau được luật hình sự bảo vệ mà BLHS đã phân tội phạm thành các nhóm, quy định tại các chương của BLHS với các cấu thành tội phạm cụ thể. Trong đó cấu thành tội phạm của các tội phạm về ma túy được quy định như sau:

Khách thể của các tội phạm về ma tuý:

 Ma túy là loại độc dược gây nghiện cho người sử dụng các chất ma túy. Con người chỉ cần sử dụng một vài lần chất ma túy hoặc chất hướng thần sẽ bị mắc nghiện, có nhu cầu đòi hỏi thường xuyên với liều lượng ngày một nhiều hơn. Nếu không có ma túy đáp ứng kịp thời thì họ sẽ lên cơn vật vã, đau đớn về thể xác dẫn đến tình trạng mất ý chí và lý chí, có thể làm bất cứ  thứ gì kể cả gây tội ác miễn là thoả mãn được cơn nghiện của họ. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải độc quyền quản lý, nghiêm cấm việc trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Nghiêm cấm các hoạt động sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chiếm đoạt các chất ma túy, cũng như các tiền chất ma túy dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Do xác định được tác hại nguy hiểm của ma túy nên tại Điều 61 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định “… Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma túy khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm”. Quyết định số 113/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc quản lý thống nhất xuất, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc chữa cho người bệnh, tại Điều 2 đã quy định: “… Việc xuất, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc có chất độc, có chất gây nghiện, thuốc gây mê và thuốc tâm thần do Bộ Y tế chọn đơn vị, tổ chức để giao nhiệm vụ”. Nghị quyết số 06/CP ngày 26/1/1993 của Chính phủ cũng quy định: Bộ Y tế có trách nhiệm xác định các loại thuốc và phương pháp cai nghiện, quản lý việc sử dụng thuốc phiện và các chất ma túy khác vào sản xuất dược phẩm và nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước.

Do vậy, khách thể mà các tội phạm về ma túy đã xâm phạm tới chính là chế độ độc quyền quản lý của Nhà nước ở tất cả các khâu của quá trình quản lý các chất ma túy và trật tự an toàn xã hội. Các tội phạm về ma túy có đối tượng là các chất ma túy và các vật dụng phục vụ sản xuất và sử dụng trái phép chất ma túy. Các chất ma túy là đối tượng của các tội phạm về ma túy là bao gồm các chất ma túy; các tiền chất ma túy; các cây trồng hoặc nguyên liệu thực vật có chứa chất ma túy. Hiện chúng ta xác định các chất ma túy, các chất hướng thần và các tiền chất ma túy dựa trên cơ sở tham khảo các bảng quy định về các chất ma túy và các chất hướng thần của ba Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy.

Mặt khách quan của các tội phạm về ma tuý:

Hành vi khách quan của các tội phạm về ma túy tuy cũng có khác nhau về các hình thức thể hiện cụ thể như về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Song các hành vi này giống nhau ở chỗ đều là những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về chế độ độc quyền quản lý các chất ma túy. Đó có thể là những hành vi thực hiện những điều mà Nhà nước cấm các cá nhân làm hoặc có thể là những hành vi của những người có trách nhiệm được Nhà nước giao đã không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc làm những việc ngoài phạm vi những quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy.

Căn cứ vào hành vi thực hiện của các tội phạm về ma túy thì mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở sáu nhóm hành vi sau:

– Hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192).

– Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 193, 194).

– Các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm các Điều (197, 198, 199, 200).

– Các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 195).

– Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 196).

– Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 201).

Đối tượng tác động của tội phạm là các chất ma túy như thuốc phiện, Hêrôin, côcain… và các tiền chất để sản xuất ra chất ma tuý (Bảng quy định về chất ma túy). Theo quy định của BLHS năm 1999 thì thấy hầu hết các tội phạm về ma túy đều được quy định là những tội có cấu thành hình thức. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan.

 Chủ thể của các tội phạm về ma túy:

Trong 09 điều luật quy định các tội phạm về ma túy thì chỉ có tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192), thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, do vậy theo quy định tại Điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì chủ thể của hai tội phạm này có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Còn tám điều luật quy định các tội phạm về ma túy còn lại đều là các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, do vậy nếu người phạm tội bị truy tố theo khoản 2 của các tội này thì chủ thể của tội phạm có thể là những người có từ đủ 14 tuổi trở lên. Riêng Điều 201 “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác” thì chủ thể của tội phạm còn có dấu hiệu quy định là người có trách nhiệm trong công tác này (chủ thể đặc biệt).

Mặt chủ quan của tội phạm:

Các tội phạm về ma túy tất cả đều phạm tội theo lỗi cố ý trực tiếp. Trong đó lỗi của người phạm vào các tội quy định tại Điều 198, 201 có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Về hình phạt:

Các tội phạm về ma túy là nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao, là những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, do vậy hình phạt quy định với loại tội này là rất nghiêm khắc, điều đó thể hiện trong 09 điều luật quy định các tội về ma túy thì có hai điều luật có quy định mức hành phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình, bốn điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là từ hai mươi năm hoặc tù chung thân, một điều luật có mức hình phạt quy định cao nhất là đến mười lăm năm, hai điều luật còn lại có mức hình phạt quy định nhẹ hơn là từ ba tháng đến 15 năm. Bên cạnh những hình phạt chính rất nghiêm khắc, đối với các tội phạm về ma túy, Luật hình sự còn quy định hình phạt bổ sung như phạt tiền với mức thấp nhất là một triệu đồng và cao nhất là tới 500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. So với BLHS năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về ma túy là bắt buộc song theo quy định của BLHS năm 1999 thì hình phạt bổ sung được quy định không phải là bắt buộc, mà có thể áp dụng hoặc không áp dụng tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

1.4. Về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999. Thì khi xét xử các vụ án về ma túy, cần chú ý khi xác định một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt như sau:

  1. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196 và 198 của BLHS, được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.
  2. Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195 và 196 của BLHS được hiểu là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc công tác để thực hiện hành vi phạm tội.
  3. Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt.

Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.

  1. Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197,198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).

đ. Tình tiết “có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm i khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 193 hoặc điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 194 của BLHS được xác định như sau:

– Trường hợp các chất ma túy đó đều có trọng lượng dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 2 (tức thuộc khoản 1) Điều 193 hoặc khoản 2 Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây:

Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất ma túy đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 193 hoặc khoản 2 Điều 194 của BLHS.

Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau.

Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 hoặc khoản 1 Điều 194 của BLHS, nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy từ 100% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm i khoản 2 Điều 193 hoặc điểm o khoản 2 Điều 194 của BLHS.

Ví dụ 1: Một người sản xuất hai trăm gam nhựa thuốc phiện và hai gam hêrôin (đều thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai trăm gam so với năm trăm gam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai gam so với năm gam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 40% + 40% = 80% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 của BLHS.

Ví dụ 2: Một người mua bán bốn trăm gam nhựa thuốc phiện và ba gam hêrôin (đều thuộc khoản 1 Điều 194 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm g khoản 2 Điều 194 của BLHS là 80% (bốn trăm gam so với năm trăm gam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm h khoản 2 Điều 194 của BLHS là 60% (ba gam so với năm gam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 60% = 140% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 2 Điều 194 của BLHS.

– Trường hợp các chất ma túy đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 193 hoặc trong cùng một điểm của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 194 của BLHS thì cộng trọng lượng của các chất ma túy đó lại với nhau và so sánh với quy định về trọng lượng trong điều luật tương ứng để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản nào phù hợp của điều luật đó.

Ví dụ: một người sản xuất 300 gam nhựa thuốc phiện và 300 gam nhựa cần sa. Do nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa được quy định trong cùng điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 193 của BLHS, cho nên chỉ cần cộng trọng lượng nhựa thuốc phiện và nhựa cần sa là 300g + 300g = 600g. Đối chiếu với quy định về trọng lượng trong Điều 193 của BLHS, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS.

– Trường hợp các chất ma túy đó có trọng lượng tại các điểm khác nhau của cùng khoản 2 (khoản 3) Điều 193 hoặc khoản 2 (khoản 3) Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây:

Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất ma túy đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 hoặc khoản 3 (khoản 4) Điều 194 của BLHS.

Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau.

Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 (khoản 3) Điều 193 hoặc khoản 2 (khoản 3) Điều 194 của BLHS; nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy từ 100% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm e khoản 3 (điểm đ khoản 4) Điều 193 hoặc điểm h khoản 3 (điểm h khoản 4) Điều 194 của BLHS.

Ví dụ 1: Một người sản xuất sáu trăm gam nhựa thuốc phiện và chín gam hêrôin (đều thuộc khoản 2 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS là 60% (sáu trăm gam so với một kilôgam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm c khoản 3 Điều 193 của BLHS là 30% (chín gam so với ba mươi gam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 60% + 30% = 90% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản 2 Điều 193 của BLHS.

Ví dụ 2: Một người mua bán bốn kilôgam nhựa thuốc phiện và ba mươi gam côcain (đều thuộc khoản 3 Điều 194 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 194 của BLHS là 80% (bốn kilôgam so với năm kilôgam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của côcain so với mức tối thiểu đối với côcain quy định tại điểm b khoản 4 Điều 194 của BLHS là 30% (ba mươi gam so với một trăm gam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và côcain là 80% + 30% = 110% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 4 Điều 194 của BLHS.

– Trường hợp trong các chất ma túy đó, có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 1, có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 2 (hoặc khoản 3), hoặc có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 2, có chất ma túy có trọng lượng quy định tại khoản 3 Điều 193 hoặc Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây:

Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 hoặc khoản 3 (khoản 4) Điều 194 của BLHS theo nguyên tắc chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất thuộc khoản 2 thì so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 3; chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất thuộc khoản 3 thì so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 4.

Bước 2: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của chất ma túy khác so với mức tối thiểu đối với chất ma túy đó quy định tại khoản 3 (khoản 4) Điều 193 hoặc khoản 3 (khoản 4) Điều 194 của BLHS theo nguyên tắc mức tối thiểu đối với chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất ở khoản nào thì mức tối thiểu của các chất ma túy khác lấy ở khoản đó.

Bước 3: Cộng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau và xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy là từ 100% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ 2 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm e khoản 3 (điểm đ khoản 4) Điều 193; tại điểm h khoản 3 (điểm h khoản 4) Điều 194 của BLHS (khoản tương ứng của điều luật có quy định mức tối thiểu đối với chất ma túy có trọng lượng nhiều nhất).

Ví dụ 1: Một người sản xuất bốn trăm gam nhựa thuốc phiện và hai mươi bốn gam hêrôin. Trong trường hợp này hêrôin có trọng lượng thuộc điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS, còn nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS; do đó, hêrôin có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 3 Điều 193 của BLHS là 80% (hai mươi bốn gam so với ba mươi gam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS là 40% (bốn trăm gam so với một kilôgam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 40% = 120% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 3 Điều 193 của BLHS.

Ví dụ 2: Một người mua bán bốn phẩy năm kilôgam nhựa thuốc phiện và bốn gam hêrôin. Trong trường hợp này nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc điểm a khoản 3 Điều 194 của BLHS, còn hêrôin có trọng lượng thuộc khoản 1 Điều 194 của BLHS; do đó, nhựa thuốc phiện có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 194 của BLHS là 90% (bốn phẩy năm kilôgam so với năm kilôgam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm b khoản 4 Điều 194 của BLHS là 4% (bốn gam so với một trăm gam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 90% + 4% = 94% (dưới 100%), cho nên người phạm tội vẫn chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 194 của BLHS.

Ví dụ 3: Một người sản xuất bốn kilôgam nhựa thuốc phiện và hai mươi gam hêrôin. Trong trường hợp này nhựa thuốc phiện có trọng lượng thuộc điểm b khoản 3 Điều 193 của BLHS, còn hêrôin có trọng lượng thuộc điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS; do đó, nhựa thuốc phiện có trọng lượng nhiều nhất. Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 193 của BLHS là 80% (bốn kilôgam so với năm kilôgam).

– Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm b khoản 4 Điều 193 của BLHS là 20% (hai mươi gam so với một trăm gam).

– Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 80% + 20% = 100% (thuộc trường hợp từ 100% trở lên), cho nên người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 4 Điều 193 của BLHS.

1.5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội

  1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó không bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội theo điều luật có quy định tội nặng hơn.

Ví dụ: một người trồng cây thuốc phiện (đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này), sau đó lại tiến hành sản xuất trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 193 của BLHS (tội sản xuất trái phép chất ma túy nặng hơn tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy).

  1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 192 đến Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội được thực hiện đầu tiên theo tội danh tương ứng.

Đối với người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 193 BLHS.

  1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều từ Điều 192 đến Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập theo điều luật tương ứng.

Ví dụ một người mua bán trái phép hêrôin bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn có hành vi sản xuất thuốc phiện. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS và tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 193 của BLHS.

  1. Việc xác định các tội bằng nhau, nặng hơn hoặc nhẹ hơn được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2, mục 2, phần II Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

đ. Trường hợp một người thực hiện một hoặc nhiều hành vi phạm tội quy định trong một điều luật (Điều 194, Điều 195 và Điều 196 của BLHS) thì cần phân biệt như sau:

– Trường hợp một người chỉ thực hiện một trong các hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh về hành vi phạm tội đã thực hiện theo điều luật tương ứng.

Ví dụ: một người chỉ mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 195 của BLHS.

– Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng và chỉ phải chịu một hình phạt.

Ví dụ: một người mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy rồi vận chuyển đến một địa điểm mới và tàng trữ tiền chất đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh là mua bán, vận chuyển tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 195 của BLHS và chỉ phải chịu một hình phạt.

– Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của BLHS mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người ấy đã thực hiện. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 của BLHS để quyết định hình phạt chung.

Ví dụ: một người mua bán một loại tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn tàng trữ một loại tiền chất khác nhưng không nhằm mục đích để mua bán. Trong trường hợp này, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 195 của BLHS. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người đó bị xử phạt mức hình phạt tương ứng đối với từng tội và sau đó quyết định hình phạt chung cho cả hai tội theo quy định tại Điều 50 của BLHS.

  1. CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ, CẤU THÀNH CƠ BẢN VÀ CẤU THÀNH TĂNG NẶNG

Đối với nhóm tội phạm về ma túy cũng quy định các cấu thành cơ bản để phân biệt giữa tội này với tội khác, quy định những tình tiết của cấu thành tội phạm tăng nặng để định khung hình phạt. Qua sự mô tả tại các cấu thành cơ bản cũng như các đặc điểm về hành vi khách quan và khách thể của tội phạm thì thấy: Các tội phạm về ma túy được thể hiện ở sáu nhóm hành vi như đã nêu. Có những nhóm hành vi phạm tội được quy định trong nhiều điều luật khác nhau, song lại có chung những đặc điểm về hành vi phạm tội, đều hướng tới xâm phạm chung một khách thể được luật hình sự bảo vệ, có những đặc trưng chung nhất về cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, có nhóm hành vi chỉ quy định trong một điều luật, nhưng nếu tách rời từng hành vi thì mỗi hành vi đều có thể cấu thành một tội độc lập. Do vậy cấu thành tội phạm đối với các tội phạm về ma túy thể hiện trong các nhóm hành vi như sau:

          2.1. Nhóm hành vi thứ nhất: là hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192 – BLHS – 1999). Cần chú ý những vấn đề sau:

2.1.1. “Các loại cây khác có chứa chất ma túy” là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa.

2.1.2. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 192 của BLHS là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).

2.1.3. Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Cụ thể như sau:

  1. a) “Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.
  2. b) “Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy.
  3. c) “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện. (Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì có hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền).

2.1.4. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này.

2.1.5. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.

Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng (chất ma túy) quy định tại Điều 194 của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS.

Tóm lại: hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi đó có kèm theo ba điều kiện như đã phân tích ở trên. Đây chính là điều thể hiện chính sách của Nhà nước ta kiên quyết loại trừ tận gốc tệ nạn ma tuý. Song vẫn phải xem xét chiếu cố đến tình hình thực tế để chính sách cấm trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý đạt kết quả cao nhất, góp phần đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma tuý đạt kết quả cao.

2.2. Nhóm hành vi thứ hai : bao gồm các hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 193) ; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194)

– Đối với tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193:)

Bao gồm các hành vi sau đây :

*“Sản xuất trái phép chất ma túy” là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trong đó:

Chiết xuất ma túy: Là việc chiết xuất từ quả thuốc phiện để thu nhựa thuốc phiện, tách tinh chất từ lá, hoa, quả của cây cần sa để lấy nhựa cần sa, tinh dầu cần sa, tách tinh chất từ là côca và từ các chất này điều chế thành các chất ma túy.

Điều chế chất ma tuý: Là quá trình áp dụng các công thức hoá học, sử dụng các tiền chất để tạo ra các chất ma túy có hàm lượng cao như điều chế từ thuốc phiện thành moocphin, từ moocphin thành hêrôin hoặc quá trình điều chế từ các tiền chất và các hóa chất thành các chất ma túy tổng hợp như Hêroin, côcain, methamphetamin…

Pha chế: Là hành vi trộn lẫn các chất để tạo thành hỗn hợp ở thể rắn hay lỏng có chứa ma túy. Ví dụ: Sản xuất thành các viên nén, viên con nhộng, đóng thành bánh, đóng chai, lọ, ống thuốc tiêm… có chứa chất ma túy.

Cần lưu ý rằng nhựa thuốc phiện bao gồm: Nhựa thuốc phiện lấy từ cây thuốc phiện, nhựa thuốc phiện đã được cô đặc thành dạng keo, viên thành bi… Đối với dung dịch thuốc phiện để tiêm, chích thì không được coi là chất ma túy ở thể lỏng, mà cần xác định hàm lượng thuốc phiện trong dung dịch để tính trọng lượng thuốc phiện (tỷ lệ morphin) trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện.

Đối với các hành vi nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma túy đã có sẵn như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền hêrôin từ bánh thành bột để hít… thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.

* Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 là trường hợp người phạm tội có đầy đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy từ năm lần trở lên không phân biệt đã bị xét xử hay chưa bị xét xử, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
  2. b) Người phạm tội lấy hành vi sản xuất trái phép chất ma túy làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy làm nguồn sống chính.

– Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194). Bao gồm các hành vi và được hiểu như sau:

  1. “Tàng trữ trái phép chất ma túy”là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
  2. “Vận chuyển trái phép chất ma túy”là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.

Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.

  1. “Mua bán trái phép chất ma túy”là một trong các hành vi sau đây:
  2. a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
  3. b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
  4. c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
  5. d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);

đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;

  1. e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
  2. g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 Thông tư 17 đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.

  1. “Chiếm đoạt chất ma túy”là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác. Trường hợp người có hành vi chiếm đoạt chất ma túy nhằm mục đích bán lại chất ma túy đó cho người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với hành vi đã thực hiện theo Điều 194 BLHS và chỉ phải chịu một hình phạt.
  2. Chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là để chữa bệnh (chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy) và được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế. Người nào không thuộc đối tượng quy định tại Điều 201 BLHS mà vi phạm trong việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhằm mục đích kinh doanh thuốc chữa bệnh hoặc để chữa bệnh thì bị xử lý hành chính hoặc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác không phải là tội phạm về ma túy (ví dụ: tội kinh doanh trái phép, tội buôn lậu…). Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái phép nhằm thỏa mãn nhu cầu về sử dụng trái phép chất ma túy cho mình hoặc cho người khác thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật).
  3. Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với số lượng sau đây không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy khác thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS, theo đó không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính:
  4. a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;
  5. b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;
  6. c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng dưới một kilôgam;
  7. d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilôgam;

  1. e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;
  2. g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ mười mililít trở xuống.
  3. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt:
  4. a) Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma túy có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 tại Thông tư 17, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 194 BLHS. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 194 của BLHS.
  5. b) Người nào bán trái phép chất ma túy cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để sử dụng trái phép chất ma túy thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm h�nh sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 BLHS, người đó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 198 BLHS;
  6. c) Người nào biết người khác đi mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma túy để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma túy đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ.
  7. d) Người nào biết người khác mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma túy và bị bắt giữ nếu số lượng chất ma túy đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại Điều 194 BLHS.

đ) Người nào tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép một trong các chất ma túy có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 mục 3 phần II Thông tư 17 mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy khác, nhưng chứng minh được là nhằm mục đích sử dụng trái phép chất ma túy, tuy đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 199 của BLHS.

* Một số vấn đề cần lưu ý:

– Nếu tội phạm làm giả chất ma túy để buôn bán, trao đổi thì xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự. Nếu giám định mà có hàm lượng chất ma túy thì dù tỷ lệ ma túy thấp vẫn xử lý đối tượng theo điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

Thực tiễn xét xử từ trước đến nay cho thấy tội danh mua bán trái phép chất ma túy được áp dụng đối với các hành vi mua bán trái phép chất ma túy đều không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy từ đâu mà có, không phụ thuộc vào chất ma túy đó là thật hay giả, có hàm lượng cao hay thấp.

– Trong trường hợp người phạm tội vừa có hành vi mua bán trái phép chất ma túy và kèm theo các hành vi khác như tàng trữ, vận chuyển, hoặc chiếm đoạt chất ma túy thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà định tội là “tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy” hay “vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” hoặc với tội danh đầy đủ là “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy”. Nếu sau khi bán ma túy cho người nghiện, họ lên cơn nghiện và mượn luôn địa điểm của người bán để hút, chích ma túy mà dụng cụ là của người nghiện mang theo thì ngoài việc truy tố người bán về tội mua bán trái phép chất ma túy thì người bán ma túy còn phải bị truy tố thêm về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo điều 198 BLHS. Nếu hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì hành vi đó sẽ bị truy tố về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

2.3. Nhóm hành vi thứ ba: Bao gồm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự.

Các hành vi trên được hiểu như sau :

2.3.1. “Tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp tiền chất ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, hoặc cho vào thùng xăng xe…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

2.3.2. “Vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tiền chất từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, quần, nuốt vào bụng…; có thể để trong hành lý như vali, túi xách…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

2.3.3. “Mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Bán tiền chất cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
  2. b) Mua tiền chất nhằm bán cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
  3. c) Xin tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
  4. d) Dùng tiền chất để trao đổi, thanh toán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;

đ) Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy tiền chất nhằm bán lại cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;

  1. e) Tàng trữ tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
  2. g) Vận chuyển tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy.

2.3.4. “Chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt… tiền chất của người khác để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

2.3.5. Người tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 195 của BLHS khi các hành vi đó được thực hiện nhằm mục đích để sản xuất trái phép chất ma túy hoặc nhằm bán lại cho người khác để họ sản xuất trái phép chất ma túy. Trường hợp không chứng minh được mục đích nhằm sản xuất trái phép chất ma túy hoặc mục đích nhằm bán lại cho người khác để họ sản xuất trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 195 của BLHS mà tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác theo quy định của BLHS.

Trong trường hợp tiền chất có trọng lượng dưới 50 gam (đối với tiền chất ở thể rắn) hoặc dưới 75 mililít (đối với tiền chất ở thể lỏng) thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính.

* Một số vấn đề cần lưu ý:

Tiền chất là những chất có trong tự nhiên hoặc tổng hợp, nó được dùng rộng rãi trong y học, nghiên cứu khoa học, trong công nghiệp… Vì vậy, những hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt các chất này chỉ phạm tội khi nhằm mục đích để sản xuất trái phép chất ma túy. Nếu không chứng minh được mục đích nhằm sản xuất trái phép chất ma túy thì không phạm tội hoặc phạm tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự.

2.4. Nhóm hành vi thứ tư: Bao gồm các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy Điều 196 BLHS. Cụ thể như sau:

2.4.1. “Sản xuất các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là làm ra các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 (có thể bằng phương pháp thủ công hoặc áp dụng khoa học kỹ thuật) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

2.4.2. “Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi cất giữ các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 ở bất kỳ địa điểm nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali hoặc cho vào thùng xăng xe…) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

2.4.3“Vận chuyển các phương tiện dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi dịch chuyển các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, quần…; có thể để trong hành lý như vali, túi xách…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

2.4.4. “Mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Bán các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
  2. b) Mua các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 nhằm bán cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
  3. c) Xin các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
  4. d) Dùng các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 để trao đổi, thanh toán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

đ) Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 nhằm bán lại trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

  1. e) Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
  2. g) Vận chuyển các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư 17 nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

2.4.5. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

  1. a) Chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ là nhằm để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
  2. b) Người lần đầu sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy và chỉ dùng các phương tiện, dụng cụ này để cho bản thân họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Trường hợp đã bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  3. c) Đối với trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ năm bộ dụng cụ, phương tiện (có thể cùng loại, có thể khác loại) trở xuống thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để không truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử lý hành chính.
  4. d) “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại khoản 2 Điều 196 của BLHS là trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ hai mươi bộ phương tiện, dụng cụ (có thể cùng loại, có thể khác loại) trở lên.

2.5. Nhóm hành vi thứ năm: Bao gồm các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198); cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200) Bộ luật hình sự.

2.5.1. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197) bao gồm các hành vi sau đây :

  1. a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
  2. b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

 Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

  1. a) Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy;
  2. b) Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của BLHS, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của BLHS, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của BLHS.

 Về một số tình tiết là yếu tố định khung quy định tại Điều 197 của BLHS.

  1. a)“Đối với người đang cai nghiện”quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 197 của BLHS là trường hợp phạm tội đối với người mà người đó đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc tại cộng đồng dân cư.
  2. b)“Gây bệnh nguy hiểm cho người khác”quy định tại điểm g khoản 2 Điều 197 của BLHS là trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người sử dụng chất ma túy như HIV/AIDS, viêm gan B, lao…

Trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 197 của BLHS, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 117 của BLHS hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 118 của BLHS.

  1. c)“Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người”quy định tại điểm b khoản 3 Điều 197 của BLHS là gây bệnh nguy hiểm cho từ hai người trở lên.
  2. d)“Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%”quy định tại điểm b khoản 3 Điều 197 của BLHS là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%.

đ) “Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật 61% trở lên” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 197 của BLHS là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên.

Cần lưu ý là người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có thể là người nghiện hoặc không phải là người nghiện ma túy. Vì vậy khi truy cứu trách nhiệm hình sự cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải xác định rõ có đúng là bản chất của việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hay chỉ là một số người nghiện tụ tập nhau, rồi cùng nhau sử dụng trái phép chất ma túy, để việc sử lý được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tránh oan sai.

2.5.2. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198) bao gồm các hành vi như sau:

  1. “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
  2. “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.

 Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

  1. a) Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 197 của BLHS.
  2. b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS.

2.5.3. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200) bao gồm các hành vi sau:

  1. “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy”là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.
  2. “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy.

 Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 200 của BLHS:

  1. “Vì động cơ đê hèn”quy định tại điểm c khoản 2 Điều 200 của BLHS là vì động cơ trả thù hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác;
  2. “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác”quy định tại điểm i khoản 2 Điều 200 của BLHS là trường hợp người phạm tội (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra cho người bị cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy một số bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan B, lao…

Trường hợp người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 200 của BLHS, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 117 của BLHS hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 118 của BLHS.

  1. “Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người”quy định tại điểm b khoản 3 Điều 200 của BLHS là gây bệnh nguy hiểm cho từ hai người trở lên.
  2. “Gây chết nhiều người”quy định tại khoản 4 Điều 200 của BLHS là trường hợp việc cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đã gây ra cái chết của từ hai người trở lên.
  3. “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác”quy định tại khoản 4 Điều 200 của BLHS là gây hậu quả chết một người đồng thời gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người hoặc gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, xã hội (như gây khó khăn, cản trở việc cai nghiện ma túy, gây dư luận bất bình, làm quần chúng hoang mang, lo sợ v.v…).

2.6. Nhóm hành vi thứ sáu: Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 201).

“Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác” quy định tại khoản 1 Điều 201 của BLHS được hiểu là hành vi của người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, mua bán, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, phân phối, cấp phát, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác đã không làm đúng quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng các chất đó (như không thực hiện đúng với giấy phép quy định về số lượng, chất lượng, chủng loại, sai với các quy trình hoạt động hoặc phân phối hoặc cấp phát không đúng đối tượng.

Ví dụ, bán thuốc gây nghiện cho người khác mà không có đơn của thầy thuốc có thẩm quyền hoặc thiếu trách nhiệm trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, để xảy ra mất mát, hư hỏng, sai số lượng, chất lượng, chủng loại…).

III. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC KHI XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY

Để hướng dẫn áp dụng thống nhất Điều 194 Bộ luật hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Điều 194 Bộ luật hình sự; Liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó hướng dẫn cách thức, phương pháp tính, quy đổi định lượng ma túy, định lượng xác định cấu thành tội phạm đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết vụ án về ma túy. Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, hướng dẫn chi tiết về định lượng, tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy, là căn cứ để xác định khung hình phạt áp dụng và mức hình phạt tương ứng với trọng lượng do hành vi phạm tội của người phạm tội gây ra giúp cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng dễ dàng áp dụng, tránh được sự tùy tiện khi áp dụng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17 về xét xử đối với các tội phạm về ma túy cũng còn nhiều vướng mắc trong quá trình vận dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể như sau:

  1. Về việc giám định hàm lượng chất ma túy

Theo quy định của pháp luật, trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma tuý, tiền chất, nhưng phần lớn các vụ án về ma túy không được giám định hàm lượng moocphin vì chỉ có Viện khoa học hình sự – Bộ Công an – mới làm được việc này. Chính vì vậy mà trong các kết luận giám định của cơ quan giám định ở địa phương việc xác định định lượng ma túy nêu chưa rõ ràng, thông thường chỉ kết luận: “Mẫu vật gửi giám định có chế phẩm heroin…”, trong khi đó chưa có sự hướng dẫn thống nhất về cách hiểu thuật ngữ “chế phẩm Heroin” hoặc “Heroin” trong giám định tư pháp. Trong trường hợp kết quả giám định ghi là chế phẩm Hêrôin thì trọng lượng chế phẩm Hêrôin có bằng trọng lượng Hêrôin không? Nếu là chế phẩm Heroin thì phải xác định hàm lượng heroin là bao nhiêu % Heroin, còn lại bao nhiêu % là chất hóa học nào khác? Thực tế cho thấy, nếu hàm lượng Heroin càng cao thì giá trị càng lớn và các đối tượng phạm tội về ma túy càng có điều kiện để pha trộn thêm các chất khác để bán cho những người nghiện nhằm thu lợi nhuận cao và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng ma túy.

Việc giám định hàm lượng chất ma túy đối với ma túy tổng hợp ở thể rắn, thể lỏng, các chất ma túy mới như “ma túy đá”, “nước biển” hay giám định hàm lượng chất ma túy chứa trong thuốc tân dược (như tranxene, valium…), thuốc gây nghiện tại nhiều địa phương chưa có sự thống nhất và phải chờ kết quả phân tích, giám định của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, việc giám định hàm lượng chất ma túy còn gặp khó khăn do chưa có đủ trang thiết bị kỹ thuật để giám định dẫn đến việc khởi tố, truy tố và xét xử một số vụ án về ma túy chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan, quá trình điều tra các vụ án ma túy bị kéo dài.

Mặt khác, đối với dung dịch có chứa thuốc phiện, xái thuốc phiện thì việc xác định công thức quy đổi ra trọng lượng thuốc phiện ban đầu rất khó bởi không rõ loại thuốc phiện đó trong thành phần của nó chứa bao nhiêu % moocphin. Chính vì vậy, một số cơ quan tiến hành tố tụng đã không bóc tách hàm lượng chất ma túy trong các loại thuốc độc gây nghiện hay thuốc hướng tâm thần mà quy đồng trọng lượng của các viên thuốc lắc, thuốc chứa chất độc nghiện, thuốc hướng tâm thần thành trọng lượng chất ma túy làm căn cứ để xác định khung hình phạt, dẫn đến việc đánh giá tính chất, mức độ phạm tội trong các vụ án khác nhau còn chưa chính xác. Nếu trong cùng 1 vụ án có từ 2 chất ma túy trở lên thì việc quy về tổng trọng lượng 1 chất để áp dụng khung hình phạt quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự càng khó khăn.

  1. Về việc tính trọng lượng ma túy

Việc tính trọng lượng ma túy trong một số vụ án hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng khi tính trọng lượng ma túy để xử lý đều  căn cứ trọng lượng thực tế (gồm tinh chất và tạp chất) thu giữ được để xem xét trách nhiệm hình sự, dẫn đến việc đánh giá tính chất, mức độ phạm tội trong các vụ án không bảo đảm công bằng và khách quan, nhiều trường hợp tạp chất nhiều hơn tinh chất song các bị cáo vẫn phải chịu hình phạt cao nhất.

Xét về hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm thì hành vi tàng trữ và vận chuyển trái phép chất ma túy không nguy hiểm bằng hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trong khi đó Điều 194 Bộ luật hình sự lại quy định định lượng chất ma túy và hình phạt đối với các hành vi của người vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt chất ma túy với hành vi của người buôn bán chất ma túy là như nhau nên thực tiễn còn khó khăn cho việc xác định tội danh, áp dụng hình phạt. Thông tư liên tịch số 17 cũng chỉ quy định chi tiết về định lượng tối thiểu xác định cấu thành tội phạm đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không quy định định lượng tối thiểu đối với hành vi mua bán. Do đó cần quy định định lượng tối thiểu chất ma túy được mua bán để xác định cấu thành tội phạm. Mặt khác, mức hình phạt đối với người tàng trữ, vận chuyển ma túy thuê cũng áp dụng như mức hình phạt của người mua bán, thậm chí là người thuê là không phù hợp vì đều căn cứ vào trọng lượng.

Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt chủ yếu căn cứ vào trọng lượng ma túy mà người phạm tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển chiếm đoạt nhưng đến nay Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao mới chỉ hướng dẫn đường lối  xử lý đối với khoản 4 Điều 194 BLHS, còn khoản 2 và khoản 3 chưa được hướng dẫn cụ thể nên trong thực tế một số vụ án xét xử còn áp dụng thiếu thống nhất.

Trong vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, nếu bị cáo phạm tội trong một vụ án đơn lẻ, với vai trò độc lập có thể phải chịu hình phạt là tử hình hoặc tù chung thân, nhưng cũng với lượng ma tuý như vậy, thậm chí nhiều hơn, nếu bị cáo phạm tội trong một vụ án có tổ chức, có đông bị cáo tham gia và vai trò của bị cáo thấp hơn so với những bị cáo khác thì có thể không bị áp dụng hình phạt trên. Như vậy là cùng một loại hành vi, tính chất, mức độ phạm tội nhưng trách nhiệm hình sự lại khác nhau, trong khi hành vi phạm tội có tổ chức bao giờ cũng nguy hiểm hơn hành vi phạm tội đơn lẻ.

Bộ luật hình sự quy định trọng lượng chất ma túy được xác định bằng đơn vị gram, kilogram. Trong thực tế có vụ án ma túy không thu giữ được tang vật mà chỉ dựa trên lời khai của các đối tượng xác định trọng lượng chất ma túy bằng đơn vị bánh, cây, chỉ, phân rồi từ đó quy ra trọng lượng là gam, kilogam là không chính xác. Bởi lẽ, Heroin không phải là hàng hóa được phép lưu thông, do vậy cũng không có đơn vị đo lường nào để đánh giá một bánh Heroin là bao nhiêu gam để quy đổi, dẫn đến việc quy đổi thành trọng lượng các chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với họ là không phù hợp. Thực tế xét xử hiện nay cho thấy, trọng lượng một bánh Heroin nỗi vụ án cũng có sự khác nhau không thống nhất, nên cũng cần xem xét lại vấn đề này

  1. Về phạm tội nhiều lần

Hiện nay phần lớn các vụ án về ma túy là phạm tội quả tang, hàm lượng ma túy được xác định dựa trên kết quả giám định tang vật của vụ án. Do vậy việc xác định hàm lượng ma túy trong trường hợp phạm tội nhiều lần (do bị cáo tự khai) là hết sức khó khăn, không có cơ sở để xác định định lượng, khi cân nhắc hình phạt chỉ xem xét hình phạt đối với định lượng khi bắt quả tang.

Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 của BLHS mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) thì có vụ án áp dụng phần I của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” thì xử lý bị cáo với tội danh đầy đủ các hành vi mà bị cáo đã thực hiện, có vụ án áp dụng phần II của Thông tư thì chỉ xử lý bị cáo về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Do nhận thức về Thông tư liên tịch số 17 giữa Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng có khác nhau như trên nên việc giải quyết các vụ án về ma túy ở các Tòa án có khác nhau, còn lúng túng trong việc điều tra, truy tố, xét xử.

  1. Về tình tiết là yếu tố định khung hình phạt

Việc áp dụng tình tiết định khung nhiều lần quy định tại điểm b khoản 2 điều 194 còn khó khăn. Đối với các trường hợp mua, bán nhiều lần thường là các đối tượng nghiện ma tuý vừa sử dụng, vừa bán lẻ, khi bị bắt và chứng minh có việc mua bán 2 lần mỗi lần chỉ 0,1gam Hêrôin thì bị truy tố, xét xử ở khoản 2 Điều 194 BLHS. Như vậy so với định lượng được quy định tại các khoản khác của Điều 194 BLHS thì hành vi mua, bán nhiều lần như trên là quá nghiêm khắc, không phù hợp. Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng định khung cao hơn quy định của Luật. Do vậy, gây khó khăn cho Hội đồng xét xử trong việc quyết định hình phạt đối với các bị cáo, đặc biệt là đối với các vụ án đồng phạm có nhiều bị cáo tham gia mà vai trò chỉ là người giúp sức, bị rủ rê lôi kéo…

Qua thực tiễn xét xử cho thấy việc quy định, áp dụng hình phạt tiền trong một số trường hợp đối với Tội tàng trữ, mua bán chất ma túy là không phù hợp. Ví dụ: trường hợp con nghiện mua thuốc phiện về tàng trữ để sử dụng hoặc mua bán quay vòng, lấy lãi để sử dụng thì những trường hợp này phạt tiền bị cáo sẽ không có tính khả thi.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 194 BLHS quy định áp dụng hình phạt bổ sung, nhưng trong quá trình điều tra cơ quan điều tra không thu thập chứng minh tài sản hiện có của những người phạm tội nên không có cơ sở để áp dụng hình phạt bổ sung về phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

Ngoài những vướng mắc nêu trên, thì việc Tòa án áp dụng điểm p khoản 1 điều 46 BLHS về tình tiết giảm nhẹ, thật thà khai báo cho các bị cáo vẫn còn bất cập do quá trình khai báo, nếu bị cáo khai ra càng nhiều thì bị áp dụng khung hình phạt nặng hơn hoặc khai những lần phạm tội khác ngoài lần cơ quan điều tra phát hiện thì trọng lượng ma túy sẽ nặng hơn và sẽ bị xử lý nặng theo khoản 2 Điều 194,  còn khi đối tượng ngoan cố không khai nhận chỉ bị xử lý theo khoản 1 Điều 194, dẫn đến các đối tượng phạm tội về ma túy thường hết sức ngoan cố không chịu khai báo khi bị bắt.

  1. Xác định như thế nào là “người nghiện ma tuý” để loại trừ trách nhiệm hình sự trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

Tại điểm a Mục 6.2 Thông tư 17 quy định: “Người nghiện ma tuý (không phân biệt nguồn gốc ma tuý do đâu mà có) cho người nghiện ma tuý khác chất ma tuý để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mà tuỳ từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý”.

 Hiện nay về trình tự thủ tục, thẩm quyền để xác định một người có nghiện ma tuý hay không đã được quy định tại Chương III Thông tư liên tịch số 03 ngày 10/02/2012 của Bộ lao động TB và XH – Bộ Y tế – Bộ Công an. Vậy về mặt tài liệu, chứng cứ cần phải có những căn cứ gì để xác định một đối tượng là người nghiện ma tuý để tránh truy tố oan hay bỏ lọt trong các trường hợp tổ chức hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

BÀI 16:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM

TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ

 

  1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
  2. Tình hình chung

Đất nước ta đang từng bước chuyển nhanh sang cơ chế thị trường và trong cơ chế thị trường, tội phạm kinh tế có một môi trường hoạt động mới và mang một mầu sắc mới cả về cơ cấu tội phạm, tính chất của tội phạm, hình thức thể hiện của tội phạm, quy mô của tội phạm… Từ ăm 2000 đến nay, trên phạm vi cả nước các Cơ quan bảo vệ pháp luật đã khám phá điều tra mỗi năm trên 10.000 vụ. Toà án các cấp đã xét xử sơ thẩm hàng năm cũng xấp xỉ 10.000 vụ các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (TTQLKT). Không dừng ở con số thống kê hàng nghìn vụ với hàng vạn bị cáo, diễn biến của tình hình các tội xâm phạm TTQLKT ngày càng phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tội phạm diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: tài chính – ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, lâm nghiệp, xuất nhập khẩu, xây dựng cơ bản… Nhiều tội phạm  đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, mang tính chất khu vực, quốc tế… Nổi lên là tội phạm buôn lậu, trốn lậu thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả… trong những năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có vai trò tích cực đấu tranh, ngăn chặn các tội xâm phạm TTQLKT, nhưng việc phát hiện,  điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này còn chậm, nhiều trường hợp xử lý thiếu chính xác.

Đứng trước tình trạng trên, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý kinh tế đã không ngừng được thể chể hóa bằng pháp luật, trong đó có Pháp luật hình sự. Sau 10 năm áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói riêng thì Bộ luật hình sự năm 1999 cũng đã bộc lộ những nội dung bất cập, một số điều luật không còn phù hợp với một số tội phạm nói chung và một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói riêng và đặc biệt hiện nay nhiều quy định đã không còn phù hợp  với sự phát triển về mọi mặt của đất nước trong thời kỳ mở cửa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 5 ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999. Trong đó, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định tại Chương XVI đã được bổ sung thêm 06 điều luật mới gồm 35 điều (từ Điều 153 đến Điều 181c).

Việc sửa đổi này tại chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhằm đấu tranh với các hành vi phạm tội bảo vệ các quan hệ kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới.

  1. Khái niệm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước.

  1. CÁC DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ

2.1. Khách thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xâm hại đến các quan hệ xã hội đó là chế độ quản lý, điều hành nền kinh tế Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, của các  tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng…

2.2. Mặt khách quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Mặt khách quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thể hiện ở các hành vi cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước bằng nhiều loại hành vi khác nhau với những mức độ khác nhau vì mục đích và động cơ vụ lợi. Các hành vi phạm tội này có thể được biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động song đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân hoặc cho từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực kinh tế nhất định. Hậu quả xảy ra cũng ở nhiều mức độ khác nhau (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) thể hiện như: Làm rối loạn thị trường, mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất hàng hóa trong xã hội ta. Trong nhiều trường hợp còn gây cho người tiêu dùng thiệt hại không chỉ về vật chất mà còn gây cả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Đối với một số tội phạm thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

2.3. Chủ thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Người thực hiện các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có thể là bất kỳ ai đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 và 13 Bộ luật hình sự. Trong đó cũng có một số tội thì là chủ thể đặc biệt chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong các cơ quan, tổ chức kinh tế (các điều 165, 166, 167, 169, 170, 174, 176, 177, 178, 179)…

2.4. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Tức là khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội và mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc với ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội chủ yếu là vụ lợi hoặc động cơ các nhận khác.

2.5. Chính sách hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Căn cứ vào tính chất quan trọng của khách thể, trong Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Bộ luật hình sự, cũng đã có những sự phân định rõ ràng để theo đó các Thẩm phán áp dụng một cách chính xác và thống nhất trong việc định tội và quyết định hình phạt như mức độ nào của hành vi vi phạm là tội phạm và ở mức độ nào thì hành vi vi phạm chỉ bị xử lý hành chính hoặc xử lý bằng các biện pháp khác. Đồng thời, từ sự phân định đó cũng là là căn cứ để phân loại tộ phạm thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tooiij phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự. Theo quy định tại Chương XVI thì mức hình phạt cao nhất là tới tử hình (Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh Điều 157), mức hình phạt tù chung thân đối với hai tội là (tội buôn lậu Điều 153 và tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả Điều 180). Tù có thời hạn tới hai mươi năm đối với các tội (Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng Điều 165, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác Điều 181). Bên cạnh đó chính sách hình sự của Nhà nước ta cũng có sự phân hóa đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng thì mức hình phạt có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn từ sáu tháng đến ba năm. Tùy theo từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn phải bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

III. Một số tội phạm cụ thể

  1. Tội buôn lậu (Điều 153)

+ Dấu hiệu pháp lý:

  1. Các dấu hiệu về khách thểcủa tội phạm: là sự xâm phạm chính sách quản lý Nội thương và Ngoại thương. Hay nói theo cách đầy đủ thì buôn lậu chính là hành vi xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử.
  2. Các dấu hiệu về mặt khách quancủa tội phạm:được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

 Hành vi khách quan, là hành vi buôn bán hàng hoá qua biên giới quốc gia trái phép bao gồm: Các loại hàng hóa, tiền việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm một cách trái pháp luật qua biên giới như: Vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu mà không khai báo hoặc khai báo hàng hóa một cách gian dối hoặc giấu giếm hàng hóa, tiền tệ… hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả mạo của cơ quan có thẩm quyền; vận chuyển hàng hóa lén lút, bí mật qua cửa khẩu để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan có thấm quyền như Hải Quan, Bộ đội Biên phòng. Hành vi này có thể thực hiện bằng đường bộ, đường không, đường thủy.

Hành vi khách quan của tội buôn lậu, không bao gồm nhiều hành vi , nhưng thủ đoạn lại rất da dạng như:

– Lợi dụng những kẽ hở của Hợp đồng mua bán để buôn lậu ví dụ, Hợp đồng nhập khẩu là khung gầm xe ô tô, nhưng các đối tượng lại mua xe nguyên chiếc rồi tháo rời các linh kiện để nhập khung gầm, còn linh kiện nhập sau về lại lắp ráp thành xe nguyên chiếc.

– Dùng thủ đoạn móc ngoặc, hối lộ với Hải quan cửa khẩu để nhập hàng không đúng với giáy phép như vụ án Tân Trường Sanh…

– Lợi dụng sự quản lý yếu kém của Cơ quan Nhà nước và sự thiếu kinh nghiệm, kém hiểu biết của cán bộ các ngành đã móc ngoặc ngay trong việc xin cấp giấy phép nhập hàng hóa, khi bị phát hiện thì rất khó quy kết có phải là buôn lậu hay không buôn lậu. Ví dụ, những trường hợp mua lại các giấy phép của Bộ Công thương cấp cho các doanh nghiệp được nhập khẩu xe qua sử dụng, rồi lợi dụng giấy phép đã ra nước ngoài mua xe mới rồi làm cũ vài chi tiết để hợp lý rồi về Việt Nam bán theo giá xe mới thuế chước bạ đóng theo xe mới. (vụ Nguyễn Thị Mỹ Phượng)…

 – Rồi các hình thức buôn lậu núp dưới hình thức tạm nhập, tái xuất. Nhưng khi nhập hàng hàng về lại tiêu thụ ngay không xuất đi.

Tội phạm hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi vận chuyển các loại hàng hóa nêu trên qua biên giới. Trường hợp khi hàng hóa đã vận chuyển vào nội địa mới bị phát hiện, thì hành vi vẫn cấu thành tội buôn lậu

 Địa điểm phạm tội qua Biên giới quốc gia là dấu hiệu bắt buộc.

Thuật ngữ Biên giới cần được hiểu là: Biên giới là đường phân cách giữa quốc gia này với quốc gia khác. Bao gồm Biên giới đường bộ, đường thủy, đường không.

Vấn đề cần lưu ý ở đây là: Thế nào là qua Biên giới quốc gia? Có quan điểm cho rằng để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi buôn lậu thì hàng hóa phải được đưa qua đường biên. Nếu theo quan điểm này thì không bao giờ xử được tội buôn lậu. Vì hàng hóa đã được đưa qua Biên giới thì các Cơ quan pháp luật của Việt Nam làm sao có thể vượt qua Biên giới để bắt đối tượng buôn lậu trên lãnh thổ một quốc gia khác được. Hơn nữa còn phải xem Luật pháp của quốc gia đó có cấm đoán các hành vi này hay không?

Chính vì vậy, khi xác định hành vi buôn bán trái phép hàng hóa đã qua biên giới hay chưa, không phải là căn cứ vào hàng hóa đó đã qua biên giới hay chưa, mà phải căn cứ vào hàng hóa đó đã thoát khỏi sự kiểm soát của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xuất, nhập khẩu hàng hóa đó (Cơ quan Hải Quan). Tức là phải căn cứ vào đại điểm mà cơ quan kiểm soát hàng hóa qua biên giới như: Hải quan sân bay, Hải quan các cửa khẩu, có khi địa điểm lại nằm sâu trong lãnh thổ nhưng hành vi buôn lậu vẫn xảy ra.

Về vấn đề này, hiện nhiều quan điểm khác nhau, chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng qua thực tiễn xét xử, chúng ta vẫn  áp dụng theo quan điểm như đã phân tích trên về việc “hàng hóa đó đã thoát khỏi sự kiểm soát của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xuất, nhập khẩu hàng hóa hay chưa?”

 Đối tượng tác động , vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm của tội phạm thuộc 3 nhóm sau:

  – Hàng cấm phải có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về 1 trong các hành vi từ Điều 153 đến Điều 161, hoặc đã bị kết án về 1 trong những tội này nhưng chưa được xoá án tích.

Chú ý: Hàng cấm là đối tượng tác động của Điều 153 trừ các mặt hàng cấm đã quy định thành các tội độc lập như ma tuý, vũ khí quân dụng… vì các loại tài sản này đã được quy định thành các tội danh độc lập.

– Vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hoá.

– Hàng hoá khác phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 100 triệu đồng thì phải thoả mãn 1 trong 2 điều kiện:

Đã bị xử phạt hành chính về 1 trong những hành vi được quy định từ Điều 153 đến Điều 161.

Đã bị kết án về một trong những tội này nhưng chưa được xoá án tích.

Cần chú ý một số thuật ngữ sau:

– Hàng hóa, là vật phẩm được làm ra trong quá trình sản xuất, có giá trị và được đem ra trao đổi ở thị trường.

– Tiền Việt Nam, là tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

– Kim khí quý, là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các chế phẩm làm từ kim khí quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Vàng, bạc, bạch kim..

Đá quý, là các loại đá tự nhiên và các thành phẩm từ đá quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Kim cương, Ru bi, Saphia… và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.

– Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa do Nhà nước quy định.

– Hàng cấm, là hàng hóa mà Nhà nước cấm buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam và cấm nhập khẩu như:

– Các hiện vật thuộc di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng;

– Các sản phẩm văn hóa đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách;

– Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài;

– Các loại pháo;

– Các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phep sử dụng tại Việt Nam;

– Thực động vật hoang dã thuộc danh mục Công ước quốc tế quy định mà Việt Nam tham gia ký kết và các loại động vật quý hiếm khác cần được bảo vệ;

– Một số đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Để tránh sự nhầm lẫn về tội danh buuon lậu với các tội khác thì: Khi xác định các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm buôn bán hay không, các Thẩm phán cần căn cứ vào các quy định của Nhà nước về hàng hóa cấm buôn bán, đối chiếu với BLHS xem loại hàng hóa đó đã là đối tượng của tội phạm nào chưa. Nếu hàng cấm đã là đối tượng của tội phạm khác rồi thì không còn là đối tượng của tội buôn lậu nữa.

Cần lưu ý: Trường hợp buôn bán trái phép qua biên giới động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục Công ước quốc tế quy định mà Việt Nam tham gia ký kết và các loài động vật quý hiếm khác cần được bảo vệ ở trong nước thì đều bị truy cứu trách nhiệm về tội buôn lậu, còn lại thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190 tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Hậu quả do hành vi buôn lậu mang lại chính là việc Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa xuất, nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hóa.

  1. Các dấu hiệu về chủ thểcủa tội phạm:là bất kỳ ai có năng lực TNHS đạt độ tuổi nhất định, song người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật mà họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 3 và khoản 4 của điều luật là những trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.
  2. Các dấu hiệu về mặt chủ quancủa tội phạm:lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích buôn bán kiếm lời là dấu hiệu đặc trưng cho tội buôn lậu và là căn cứ để phân biệt tội buôn lậu qua biên giới với tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Về hình phạt đối với tội buôn lậu tại Điều 153 quy định mức tối thiểu là phạt tiền là hình phạt chính tới 10.000.000đ và cao nhất tới tù chung thân đối với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Những vướng mắc hiện nay khi áp dụng các tình tiết định khung hình phạt để quyết định hình phạt

Hiện tại khi xét xử tội buôn lậu, một số tình tiết định khung hình phạt vẫm còn những cách hiểu khác nhau chưa thống nhất  như sau:

Thứ nhất, về vấn đề định lượng trong định khung hình phạt quy định tại điểm d khoản 2 “vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”; điểm a khoảng 3 “vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới môt tỷ đồng”  và điểm a khoản 4 “vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên”.

Đối với những trường hợp xác định về định lượng thì không khó, chúng ta chỉ cần căn cứ vào giá trị thật của hàng hóa theo giá thị trường nơi xảy ra tội phạm; trường hợp khó xác định giá trị thật trên thị trường thì phải trưng cầu giám định, yêu cầu xác định cụ thể về giá trị hàng hóa.

Song đối với những trường hợp hàng phạm pháp vừa là hàng hóa được lưu thông, vừa là vật phẩm thuộc di tích lịch sử vừa là hàng cấm thì xác định thế nào, trong khi theo quy định tại Điều 153 thì hàng phạm pháp bao gồm cả ba loại trên?

Đây quả là vấn đề phức tạp, vì  hàng hóa là vật phẩm thuộc di tích lịch sử thì không được lưu thông trên thị trường và không thể áp bất cứ loại giá nào được đây là lợi ích phi vật chất. Tương tự như vậy, hàng hóa cấm lưu thông trên thị trường thì cũng không thể quy định một mức giá nhất định, mà việc mua bán hai loại hàng hóa trên, dựa vào ý thích hoặc nhu cầu mang tính cảm tính của một số người mà thôi. Thực tiễn những năm qua, không ít vụ án buôn lậu liên quan đến loại hàng hóa này dẫn đến có các quan điểm khác nhau, song cũng chưa có giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể, nhà làm luật cũng chưa dự liệu hết các trường hợp thực tiễn đặt ra nên rất khó cho chúng ta khi giải quyết các vụ án trong thực tiễn.

Thứ hai, về “số lượng hàng cấm rất lớn” quy định tại điểm đ khoản 2; “hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 153 BLHS.

Về vấn đề này đôi khi quy định cũng mang tính chưa cụ thể và chung chung. Vấn đề xá định hàng cấm có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn căn cứ vào đâu? Căn cứ vào số lượng hàng hóa bao nhiêu thứ, bao nhiêu loại để tính hay căn cứ vào giá trị của hàng hóa để tính? Có những loại số lượng rất ít nhưng giá trị lại rất cao như Đá quý, Kim cương… Vấn đề này hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên khó khăn nhất là những trường hợp hàng cấm là loại không thuộc loại có thể tính ra bằng tiền như hàng hóa là vật phẩm thuộc di tích lịch sử; hàng hóa cấm lưu thông trên thị trường hoặc hàng hóa là các loại động vật hoang dã thì sao? Đôi khi số lượng rất ít mà giá trị lại rất cao ví dụ, như một bức tượng đồng đen thời cổ; một cá thể hổ… vấn đề này cần phải có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Tư pháp Trung ương.

Thứ ba, Về tình tiết “thu lợi bất chính lớn” quy định tại điểm e khoản 2; “thu lợi bất chính rất lớn” quy định tại điểm c khoản 3; “Thu lợi bất chính đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 153 BLHS.

Về vấn đề này, hiện đã có những quan điểm cho rằng nhà làm luật quy định tình tiết thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn là không thực tế và không bao giờ chính xác bởi lẽ: có những loại hoàng hóa vốn bỏ ra ít những thu lợi lại cao và ngược lại. Thực chất các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó tính toán để kết luận họ thu lợi được bao nhiêu, vì buôn lậu thì không bao giờ có hóa đơn để chứng minh đầu vào đầu ra, chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội mà họ thì không bao giờ nói thật, thậm chí họ còn khai là bị lỗ. Rồi bao nhiêu thì là thu lợi lớn, rất lớn, đặc biệt lớn? Vấn đề này cũng không có văn bản hướng dẫn nào để áp dụng thống nhất.

Theo chúng tôi, chúng ta có thể áp dụng tương tự như hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011 ngày 30/11/2011 của BCA BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC là:

“Thu lợi bất chính lớn” là thu lợi bất chính từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

 “Thu lợi bất chính rất lớn” là thu lợi bất chính từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng.

“Thu lợi bất chính đặc biệt lớn” là thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên.

  1. Tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154) BLHS

Khái niệm: Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là hành vi chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới với bất cứ hình thức và thủ đoạn nào.

Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm:

  1. a. Những dấu hiệu về chủ thể của tội phạm:là bất kỳ ai có năng lực TNHS đạt độ tuổi nhất định, song người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật mà họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 3 của điều luật là những trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý. Ngoài ra còn những dấu hiệu khác đã được quy định cụ thể tại cấu thành cơ bản của điều luật.
  2. Những dấu hiệu về khách thể của tội phạm: là những hành vi nguy hiểm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong việc vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, kim khí, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa và hàng cấm.

Lưu ý: Khi xác định đối tượng tác động, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định (xem phân tích về đối tượng tác động của tội buôn lậu).

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.

Thứ nhất: Hành vi khách quan, là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ với các thủ đoạn và phương pháp khác nhau qua đường bộ, đường hàng không, đường thủy hoặc qua bưu chính viễn thông để qua biên giới quốc gia.

Khác với tội buôn lậu, thì ở tội này người phạm tội không phải là chủ hàng mà chỉ là người vận chuyển thuê cho chủ hàng để lấy tiền công hoặc không lấy tiền công. Nếu người vận chuyển trái phép… là người đồng phạm trọng vụ án buôn lậu thì hành vi vận chuyển trái phép… bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153 về tội buôn lậu.

Thứ hai: Hậu quả của hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, là những thiệt hại đến tính mạng, tài sản và những thiệt hại khác do hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới gây ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng không phải là yếu tố định khung hình phạt của tội phạm này.

Thứ ba: Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm.

Ngoài những dấu hiệu khách quan như đã nêu, thì đối với tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, nhà làm luật cũng quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: giá trị hàng hóa phạm pháp; số lượng hàng phạm pháp, địa điểm phạm tội. Nếu thiếu các dấu hiệu này thì dù một người có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa cũng không thể cấu thành tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” được.

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.

Người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là hành vi do lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Nếu người phạm tội biết rõ hàng hóa, tiền tệ mà mình vận chuyển là hàng do người khác buôn lậu, nhưng vẫn vận chuyển thuê hoặc vận chuyển hộ, thì hành vi vận chuyển trái phép này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu với vai trò đồng phạm. Động cơ mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, những  việc xác định mục đích của người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, nếu một người vì lợi nhuận mà vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, thì tính nguy hiểm sẽ cao hơn đối với người vì nể nang mà vận chuyển hộ. Vì lợi nhuận thì có thể họ sẽ có những hành vi chống đối lại cơ quan chức năng để bảo vệ lợi nhuận của họ.

 Về một số vấn đề cần lưu ý như về định lượng vật phạm pháp, số lượng hàng cấm lớn (tham khảo thêm phần phân tích ở tội buôn lậu).

  1. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS).

Khái niệm: Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, mua bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh.

Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm:

  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.

Là bất kỳ ai có năng lực TNHS đạt độ tuổi nhất định, song người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 của điều luật mà họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 2 và khoản 3 của điều luật là những trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm.

Hành vi phạm tội quy định tại Điều 155 BLHS đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển buôn bán hàng cấm mà Nhà nước độc quyền quản lý đối với một số hàng hóa do pháp luật quy định.

Đối tượng tác động của tội phạm này, chính là các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, theo như quy định tại Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/03/1999 của Chính phủ thì những loại hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh đã là đối tượng của các tội khác quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196 (các tội phạm về ma túy) Điều 230 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” Điều  232 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” Điều 233 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ”.

Cụ thể hiện Nhà nước Việt Nam đang cấm tư nhân kinh doanh các mặt hàng như:

Các hiện vật thuộc di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng;

Các sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan, hoặc có hại tới giáo dục nhân cách;

Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài;

Các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;

Thực, động vật hoang dã thuộc danh mục Công ước quốc tế quy định mà Việt Nam tham gia ký kết và các loại động vật, thực vật quý hiếm khác cần được bảo vệ;

Một số đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh và trật ựt an toàn xã hội.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:

Bao gồm các hành sau:

– Sản xuất hàng cấm, là làm ra những hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh như đã phân tích ở trên. ở đây hành vi sản xuất hàng cấm có thể là làm mới hoàn toàn, cúng có thể là lắp ráp từ những bộ phận của hàng hóa, theo tính năng tác dụng của hàng hóa đó. Người phạm tội có thể tham gia đầy đủ các công đoạn, cũng có thể chỉ tham gia một công đoạn nào đó trong quá trình sản xuất hàng cấm.

– Tàng trữ hàng cấm, là hành vi cất giữ bất hợp pháp hàng cấm ở bất cứ chỗ nào có thể là nơi làm việc, nơi ở, mang theo người, cất lẫn trong hành lý, trên phương tiện giao thông. Thời gian tàng trữ dài hay ngăn không có ý nghĩa với việc định tội.

– Vận chuyển hàng cấm, là hành vi chuyển dịch hàng cấm từ nơi này sang nơi khác, từ người này sang người khác bằng bất kỳ phương thức nào có thể là bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường sắt, đương bưu điện.

Buôn bán hàng cấm, là hành vi mua đi bán lại hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu lợi nhuận như mua bán thông thường, đổi hàng, thanh toán công nợ bằng hàng cấm.

Hậu quả: của các hành vi sản  xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm gây ra những thiệt hại cả về vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Ngoài ra còn những dấu hiệu khác đã được quy định cụ thể traong cấu thành cơ bản.

Những vấn đề cần lưu ý về mặt khách quan của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là:

Điều 155 là tội ghép bao gồm bốn hành vi độc lập tương ứng với bốn tội danh độc lập. Nếu người phạm tội thực hiện một trong những hành vi trên thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội cụ thể đó với những tội danh độc lập có thể là sản xuất hàng cấm; tàng trữ hàng cấm, vận chuyển hàng cấm, mua bán hàng cấm. Nếu những hành vi này lại liên quan chặt chẽ với nhau, kế tiếp nhau về mặt thới gian, hành vi này là tiền đề là điều kiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi kia thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ về các hành vi mà họ đã thực hiện.

Còn về tình tiết hàng cấm có số lượng lớn và thu lợi bất chính lớn cần nghiên cứu thêm phân tích ở tội buôn lậu.

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.

Người thực hiện các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là do lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Động cơ mục đích tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng cũng có ý nghĩa trong quyết định hình phạt.

  1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS)

Khái niệm: Sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi làm ra, mua bán hàng hóa không phải là hàng thật. Hàng giả có thể là giả cả về nội dung và hình thức, hoặc chỉ giả về hình thức như nhãn mác giả, bao gói của sản phẩm giả, hoặc chỉ giả về nội dung, chất lượng và công dụng không đạt những tiêu chuẩn ký thuật tối thiểu cần phải có so với hàng thật..

Các dấu hiệu pháp lý  đặc trưng:

  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.

Là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi nhất định, song người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 của điều luật mà họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 2 và khoản 3 của điều luật là những trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm.

Theo quy định của pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm tới quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa và lợi ích của người tiêu dùng.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hóa được sản xuất, buôn bán không phải là hàng thật. Hiện nay, việc xác định thế nào là hàng giả cần căn cứ vào Nghị định số 140//HĐBT ngày 25/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:

Căn cứ vào Điều 3 của Nghị định trên, thì hàng giả là những sản phẩm, hàng hóa được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống như hàng hóa thật được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường; hoặc những sản phẩm, hàng hóa không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.

Căn cứ vào Điều 4 của Nghị định trên, thì sản phẩm, hàng hóa có một trong những dấu hiệu dưới đây được coi là hàng giả:

  1. Sản phẩm, hàng hóa (kể cả nhập khẩu) có nhãn sản phẩm giả mạo hoặc nhãn sản phẩm của một cơ sở sản xuất khác mà không được chủ nhân đồng ý;
  2. Sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Cục sáng chế), hoặc đã được bảo hộ theo Diều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết;
  3. Sản phẩm, hàng hóa mang nhãn không đúng với sản phẩm đã đăng ký với cơ quan Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng;
  4. Sản phẩm, hàng hóa ghi dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam khi chưa được cấp giấy chứng nhận và dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam;
  5. Sản phẩm, hàng hóa đã được đăng ký hoặc chưa đăng ký chất lượng với cơ quan Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng mà có mức chất lượng thấp hơn mức tối thiểu cho phép;
  6. Sản phẩm, hàng hóa có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.

Căn cứ vào tính chất giả tạo của hàng giả có thể chia hàng giả thành các loại: Hàng giả về chất lượng hoặc công dụng; hàng giả về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả về nhãn hàng hóa và các ấn phẩm đã in sử dụng vào việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:
  2. Hành vi khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện bởi các hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả. Đây cũng là một tội ghép của hai tội độc lập, được quy định trong một điều luật. Vì vậy, khi định tội tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi nào thì định tội theo hành vi đó. Ví dụ, một người có hành vi sản xuất hàng giả thì chỉ định tội “sản xuất hàng giả”, nếu có hành vi buôn bán hàng giả thì định tội “buôn bán hàng giả. Nếu họ thực hiện cả hai hành vi sản xuất rồi lại mang bán ra thì trường thì định tội đầy đủ là “sản xuất, buôn bán hàng giả”.
  3. Hậu quả: hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: Tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả.
  4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.

Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là do lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Động cơ mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà chỉ có ý nghĩa trong quyết định hình phạt.

Chú ý: Hiện các tình tiết định khung quy định tại các khoản 2, khoản 3 Điều 156 BLHS như Thu lợi bất chính lớn tại điểm g khoản 2 và thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn quy định tại điểm g khoản 3 Điều 156 và tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm h khoản 2  và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại định tại điểm c khoản 3 Điều 156 BLHS, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, khi xét xử hiện có nhiều quan điểm khác nhau có thể tham khảo tại Thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001. Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

  1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS)

Khái niệm: Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là hành vi làm ra, mua bán lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không phải là thật.

Thực chất, đây là tội phạm được tách ra từ tình tiết là yếu tố ddonhj khung hình phạt ở tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả quy định tại Điều 167 BLHS năm 1985. Nên các dấu hiệu pháp lý đặc trưng cũng giống như tội sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 156 BLHS.

Tuy nhiên, cần chú ý một số vấn đề sau:

Đối tượng tác động của tội phạm này, quy định cụ thể là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không phải là hàng thật. Đây là dấu hiệu đặc trưng cơ bản để phân biệt giữa tội phạm này với tội sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 156 và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều 158  BLHS.

Đối tượng tác động của tội phạm này có nhiều loại hàng hóa khác nhau, đó là: Lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả. Vì vậy khi định tội danh cần chú ý:

– Nếu người phạm tội sản xuất, buôn bán loại hàng nào thì định tội theo loại hàng hóa đó. Ví dụ: Sản xuất thuốc chữa bệnh giả thì định tội “sản xuất thuốc chữa bệnh giả”.

– Nếu người phạm tội thực hiện hai hành vi khác nhau đối với hai đối tượng khác nhau thì định tội như sau:

Ví dụ: Một người sản xuất 500kg bột mỳ giả và buôn bán 20.000 viên thuốc chữa bệnh giả thì phải bị truy cứu trách nhiệm về hai tội danh là “sản xuất lương thực giả” và “buôn bán thuốc chữa bệnh giả”. Tòa án quyết định hình phạt của từng tội và áp dụng Điều 50 để tổng hợp hình phạt.

Do hậu quả của hành vi phạm tội quy định tại Điều 157 có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao nên hình phạt của tội này cũng rất nghiêm khắc tới tử hình.

  1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng đểchăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 158 BLHS)

Các dấu hiệu pháp lý đặc trương của tội này tương tự như dấu hiệu pháp lý của tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 157 BLHS. Chỉ khác nhau về đối tượng tác động của tội phạm.

  1. Tội kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS)

Khái niệm: Kinh doanh trái phép là kinh doanh không có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký kinh doanh.

Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng:

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm.

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc kinh doanh.

Đối tượng tác động của tội phạm này rất đa dạng, bao gồm các loại hàng hóa, vật phẩm thông thương trên thị trường.

  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.

Chỉ là người từ đủ 16 tuổi trở nên có năng lực TNHS.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.

Bao gồm hai hành vi là:

– Kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, là trường hợp kinh doanh không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, ngw[ì kinh doanh không đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền, tránh sự kiểm soát của Nhà nước về hoạt động kinh doanh nhằm thu lợi nhuận cao thậm chí trốn nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước.

– Kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký, là trường hợp hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký (bao gồm cả trường hợp có giấy phép hoặc không giấy phép). Ví dụ, đăng ký kinh doanh một số mặt hàng cụ thể như quần áo, nhưng lại kinh doanh vật liệu xây dựng…

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.

Người thực hiện hành vi kinh doanh trái phép với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc giám tiếp). Động cơ mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng có ý nghĩa về quyết định hình phạt.

  1. Tội đầu cơ (Điều 160 BLHS)

Khái niệm: Đầu cơ là lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hóa nhằm bán lại kiểm lời.

Thực chất, hành vi đầu cơ rất ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định hành vi đầu cơ là hành vi phạm tội. Song do điều kiện ở nước ta, tình hình kinh tế, xã hội còn ẩn chứa những diễn biến phức tạp, thiên tai luôn hoành hành gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và hành vi đầu cơ vẫn bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần phải xử lý bằng hình sự.

Đối với tội này cần chú ý:

Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi những hành vi đầu cơ trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và phải đầu cơ với lượng hàng hóa lớn và hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị coi là tội phạm.

Xét về mặt khách quan cần chú ý chỉ cấu thành tội đầu cơ khi thỏa mãn các dấu hiệu sau:

– Hành vi đầu cơ phải trong tình trạng khan hiếm hàng hóa thật hoặc tuy không khan hiếm thật nhưng người phạm tội cố tình tạo ra tình trạng khan hiếm để mọi người tưởng lầm là khan hiếm hàng hóa thật.

– Địa điểm xảy ra hành vi mua vét hàng hóa để đầu cơ phải là nới đang ở trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh, hoặc chiến tranh có thể ở một địa bán nào đó trong nước.

– Hàng hóa mà người phạm tội mua vét phải có số lượng lớn.

Một số vướng mắc đối với tội phạm này là hiện nay các dấu hiệu số lượng hàng mua vét có số lượng hàng đầu cơ lớn, rất lớn hoặc gây hậu quả rất nguy hiểm rất khó xác định và chưa có hướng dẫn cụ thể nên rất khó khăn khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đầu cơ. Về vấn đề này, hiện chỉ có thể tham khảo được tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu.

  1. Tội trốn thuế (Điều 161 BLHS)

Khái niệm: Trốn thuế là hành vi không nộp thuế cho Nhà nước theo quy định đối với các Công ty, cá nhân có đăng ký kinh doanh những không nộp thuế cho Nhà nước.

Tội trốn thuế là tội phạm đã được quy định từ sớm vì hành vi trốn thuế là hành vi xâm phạm đến ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chính sách thuế cũng tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước và chính sách hình sự cũng phụ thuộc vào chính sách đó.

Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng:

  1. a)Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt song không phải ai cũng là chủ thể của tội trốn thuế, mà chỉ những người theo quy định của pháp luật phải nộp thuế mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Chủ thể của tội phạm phụ thuộc đối tượng phải nộp các loại thuế cho Nhà nước. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng, thuế đất, thuế nông nghiệp… Nếu trốn thuế xuất nhập khẩu nhằm buôn bán hàng hóa qua biên giới thì thuộc trường hợp phạm tội buôn lậu. Chủ thể của tội phạm chỉ là những người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

  1. b)Các dấu hiệu về mặt khách thể

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý  việc thu thuế nộp ngân sách Nhà nước.

  1. c)Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

Chính là hành vi trổn nộp thuế, thông qua các thủ đoạn gian dối như khai man hàng hóa, gian lận trong việc hạch toán hoặc có những thủ đoạn gian dối khác để không phải nộp số tiền thuế mà theo pháp luật họ phải nộp.

  1. d)Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.

Người thực hiện hành vi trốn thuế là do lỗi cố ý.

Thực chất, việc định tội trốn thuế không khó vì chỉ cần căn cứ vào định lượng đã được quy định cụ thể trong điều luật. Nhưng dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu khó xác định, hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, chỉ có thể tham khảo tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu.

  1. Tội lừa dối khách hàng (Điều 162 BLHS)

Khái niệm: Lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác khi thực hiện hợp đồng mua bán.

Thực chất, tội này rất ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì khó xác định mặc dù nó xảy ra phổ biến trong thực tế. Tội phạm này giống với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện đang có ý kiến, hành vi lừa dối khách hàng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xét về mặt bản chất là một, nên không cần thiết phải quy định thành một tội độc lập mà chỉ cần truy tố theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là được. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi lừa dối khách hàng rất khó xác định dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng và thu lợi bất chính lớn. Hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

  1. Tội cho vay nặng lãi (Điều 163 BLHS)

Khái niệm: Hành vi cho vay nặng lãi là hành vi lợi dụng sự  khó khăn về vốn hoặc vì bất kỳ lý do gì để cho người khác vay tiền với mức lãi xuất cao hơn mức lãi xuất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chuyên bóc lột.

Cho tới nay hầu như rất ít có trường hợp nào cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì những quy định của điều luật không rõ ràng, rất khó chứng minh dấu hiệu “mức lãi xuất cao hơn mức lãi xuất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên và có tính chuyên bóc lột”. Việc quy định như vạy rất khó cho việc định tội vì chứng minh “mức lãi xuất cao hơn mức lãi xuất cao nhất mà pháp luạt quy định từ mười lần trở lên” là rất khó chứng minh, còn chứng minh dấu hiệu “và có tính chuyên bóc lột” thì lại càng khó khăn hơn. Hiện đang có quan điểm cần bỏ dấu hiệu “và có tính chuyên bóc lột” ở cấu thành tội này thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nặng lãi được, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng “tín dụng đen hiện nay”.

  1. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 164a)

Trước đây, hành vi phạm tội đối với các loại hóa đơn giá trị gia tăng mà đã viết nội dung đều bị coi là giấy tờ có giá giả và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 BLHS “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy có giá giả khác. Sau khi có Công văn số 9136 ngày 9/7/2012 của Bộ tái chính xác định “Hóa đơn GTGT đã ghi đầy đủ nội dung được mua bán giữa các Công ty không phải là “giấy tờ có giá” mà chỉ là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, dịch vụ…”. Thì những hành vi đó mới bị xử theo quy định tại Điều 264a.

Đối với tội này cần chú ý theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2013 ngày 26/6/2013 của liên bộ Từ pháp, Công an, TANDTC, VKSNDTC, Bộ tài chính, hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán đó là:

“…1. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

  1. a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hoá đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm, …và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;
  2. b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.
  3. Chủ thể phạm tội này bao gồm:
  4. a) Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
  5. b) Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;
  6. c) Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.
  7. Các hành vi qui định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau:
  8. a) In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo qui định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;
  9. b)Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng qui định;
  10. c) Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:

c.1) Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định;

c.2) Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo;

c.3) Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;

 c.4) Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.

  1. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn được hiểu như sau:
  2. a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
  3. b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
  4. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.
  5. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên…”

13.Tội vi phạm về quản lý bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 164b BLHS)

Đối với tội này cần chú ý dấu hiệu thể hiện ở các hành vi là: Người có trách nhiệm bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước đã không thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc quản lý các loại chứng từ, hóa đơn tài chính, các loại hóa đơn thu, chi tiền tệ của Nhà nước. Hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hạu quả nghiêm trọng là gây khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý, bảo quản hóa đơn, chứng từ hoặc để cho các đối tượng khác sử dụng các loại hóa đơn, chứng từ thực hiện các hành vi trốn thuế, lừa đảo… Khi xét xử tội này cần chủ ý hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10 là:

“…Điều 3. Về tội vi phạm qui định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 164b BLHS)

  1. Chủ thể của tội phạm này là:
  2. a) Người mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;
  3. b) Người có trách nhiệm của tổ chức mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;
  4. c) Người có trách nhiệm của tổ chức đặt in hoặc nhận in hóa đơn.
  5. Hành vi vi phạm qui định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước bao gồm:
  6. a) Lưu trữ, bảo quản hóa đơn không đúng qui định;
  7. b) Không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác tình hình sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng hóa đơn;
  8. c) Làm hư hỏng, mất hóa đơn;
  9. d) Thực hiện hủy hóa đơn không theo đúng qui định của pháp luật;

đ) Xử lý việc mất, cháy, hỏng hóa đơn không theo đúng qui định của pháp luật.

  1. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
  2. Gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là trường hợpgây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên…”
  3. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS)

Khái niệm: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng:

  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ quyền hạn mới là chủ thể của tội phạm này. Các dấu hiệu chức vụ, quyền hạn cũng giống như khái niệm về chức vụ, quyền hạn quy định  tại Điều 277 Chương XXI Các tội phạm về chức vụ.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm.

Là hành vi xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.

Hành vi khách quan ở đây, chính là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Làm trái ở đây là không làm hoặc không làm đầy đủ hoặc làm khác với quy định về quản lý kinh tế.

Cần lưu ý: Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng không làm trái các quy định về quản lý kinh tế mà lại làm trái các quy định khác về quản lý hành chính, quản lý cán bộ, quản lý xã hội trong phạm vi công vụ được giao thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 165 BLHS mà có thể thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 281 BLHS “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

  1. d)Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.

Tội phạm được thực hiện hoàn toàn do lỗi cố ý.

  1. Tội lập quỹ trái phép (Điều 166 BLHS)

Khái niệm: Lập quỹ trái phép là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã xử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lập quỹ trái với quy định của Nhà nước và đã xử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ: Bùi Đức K là Giám đốc Công ty Q (Công ty có vốn Nhà nước) đã chỉ đạo kế toán để ngoài sổ sách kế toán của Công ty số tiền trên 1 tỷ và sử dụng số tiền đó chi cho nhân viên công ty trong các dịp lễ tết cũng như tiếp các đối tác của công ty.

Hành vi lập quỹ trái phép có thể nói là khá phổ biến nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc xử lý hành vi này bằng hình sự là rất hiếm vì rất khó phát hiện trong điều kiện hiện nay.

Cần chú ý: Quỹ trái phép phải là quỹ tiền mặt hoặc các loại quỹ hàng hóa khác được thành lập không được phép của cấp trên có thẩm quyền, trái với nguyên tắc tài chính, kế toán. Do vậy, quỹ đó không chịu sự kiểm soát của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Việc lập quỹ trái phép chỉ bị coi là tội phạm khi quỹ trái phép có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên.

Đã sử dụng quỹ trái phép là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Nếu chỉ mới lập quỹ trái phép nhưng chưa sử dụng thì không phải là tội phạm.

  1. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (Điều 173)

Khái niệm: Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai là hành vi lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng đất đai.

Một số vấn đề cần chú ý khi xét xử đối với tội này là:

 Về đối tượng tác động của tội phạm này là đất đai.

Về hành vi khách quan bao gồm các hành vi sau:

– Lấn chiếm đất: Lấn chiếm là từ ghép chỉ hành động “lán” và “chiếm”. Lấn là lấy thêm đất liền kề với đất của mình nhằm mở rộng diện tích, còn chiếm là dùng thủ đoạn chiếm lấy đất của người khác làm đất của mình mà trước đó họ không hề có.

– Chuyển quyền sử dụng đất: Là việc chuyển quyền sử dụng đất trái với quy định của Nhà nước, bán đất cho người khác không đúng với quy định của Nhà nước như: Bán đất nông nghiệp cho người khác để làm nhà, trang trại…

– Sử dụng đất trái phép: Là việc sử dụng đất trái với quy định của Nhà nước, người được giao đất đã sử dụng đất không đúng mục đích được giao như để đất hoang hóa, giao đất để trồng rừng nhưng lại dùng để làm nhà hàng kinh doanh, giao đất để làm nông nghiệp nhưng lại làm nhà cho thuê…

  1. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174 BLHS)

Khái niệm: Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Khi xét xử đối với tội này cần phân biệt và lưu ý một số vấn đề sau:

Về chủ thể:

Chỉ là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mới có thể là chủ thể của tội này, còn những người khác thì chỉ có thể là đồng phạm giúp sức.

Về hành vi khách quan:

–  Lợi dụng chức vụ quyền hạn, là trường hợp người phạm tội có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giao đất, thu hòi đất, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đai trái pháp luật.

– Lạm dụng chức vụ quyền hạn, là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã vượt quá quyền hạn được giao để giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đai trái pháp luật. Ví dụ, Chủ tịch tịch có thẩm quyền giao 01 ha đất nhưng đã giao tới 03 ha để sử dụng vào các mục đích khác nhau kể cả đúng mục đích hoặc không đúng mục đích sử dụng.

Hiện nay vướng mắc ở loại tội này chính là các dấu hiệu: Diện tích đất lớn, rất lớn, đặc biệt lớn không có hướng dẫn cụ thể thế nào là lớn, rất lớn và đặc biệt lớn vì thực tế có những diện tích đất rất lớn nhưng giá trị quy ra tiền lại thấp, có những diện tích đất không lớn nhưng giá trị quy ra tiền lại rất lớn, rồi dấu hiệu gay hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cũng vậy rất khó để xác định, dẫn đến việc xét xử không thống nhất về các tình tiết định khung hình phạt và quyết định hình phạt.

  1. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180 BLHS)

Khái niệm: Làm giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả là hành vi làm ra, cất giữ, vận chuyển, sử dụng, trao đổi, mua bán các loại tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.

Đối với tội này, khi xét xử cần chú ý:

– Đối tượng tác động của tội phạm này chỉ có thể là tiền, ngân phiếu, công trái bị làm giả.

– Đây là tội ghép gồm bốn hành vi khác nhau, nên khi định tội cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội chính xác theo từng hành vi. Nếu trường hợp người có hành vi vừa làm giả, vừa tàng trữ, vừa lưu hành, vừa vận chuyển kế tiếp nhau về mặt thời gian, hành vi này là tiền đề cho hành vi kia thì phải bị xử theo một tội danh đầy đủ quy định của điều luật.

– Để xác định thế nào là tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả bắt buộc phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

Về vấn đề định lượng đã được quy định cụ thể tại điểm 3 mục 1 Nghị quyết số 02/2003/NQHĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.

  1. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác (Điều 181 BLHS)

Thực chất, tội phạm này được tách ra từ tội làm tiền giả, các dấu hiệu pháp lý đặc trưng cũng giống như quy định tại Điều 180 BLHS. Chỉ khác đối tượng tác động của tội phạm chính là các séc giả, các giấy tờ có giá giả khác.

Khi xét xử hành vi phạm tội quy định tại cần tham khảo hướng dẫn tại Công văn số 9136 ngày 9/7/2012 của Bộ tài chính để xác định thế nào là giấy tờ có giá. Và thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2013 ngày 26/6/2013 của liên bộ Từ pháp, Công an, TANDTC, VKSNDTC, Bộ tài chính, hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán.

Về một số tội phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoản cần chú ý như sau:

  1. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a BLHS)

20.1. Giải thích từ ngữ:

  1. a) Chào bán chứng khoán qui định tại Điều 181a của BLHS bao gồm  chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán dưới các phương thức: thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet; chào bán chứng khoán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định;

Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet;

  1. b)Niêm yết chứng khoánlà việc �ưa các chứng khoán có đủ điều kiện vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán;
  2. c) Lưu ký chứng khoán làviệc nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng, giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến sở hữu chứng khoán;
  3. d) Đăng ký chứng khoán là việc ghi nhận quyền sở hữu và các quyền khác của người sở hữu chứng khoán.

đ) Bù trừ và thanh toán là bước thực hiện cuối cùng để hoàn tất quá trình giao dịch chứng khoán.

20.2. Hành vi qui định tại khoản 1 Điều 181a của BLHS được hiểu như sau:

  1. a) Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán là việc người phạm tội đã công bố thông tin sai sự thật liên quan đến hoạt động của công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán công bố thông tin không đúng với các thông tin trong hồ sơ chào bán chứng khoán, hồ sơ đăng ký niêm yết, giao dịch chứng khoán, hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, hồ sơ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán;
  2. b) Che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoánlà việc người phạm tội không công bố hoặc cố ý công bố không đầy đủ các thông tin trong hồ sơ chào bán chứng khoán, hồ sơ đăng ký niêm yết, giao dịch chứng khoán, hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán; hồ sơ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.

20.3. Chủ thể của tội phạm này là một trong các đối tượng sau:

  1. a) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính hoặc Kế toán trưởng của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán;
  2. b) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, những người trực tiếp thực hiện tư vấn phát hành, niêm yết bảo lãnh phát hành, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, người được ủy quyền công bố thông tin;
  3. c) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức đăng ký, lưu ký chứng khoán;
  4. d) Những người khác có thể là đồng phạm của tội này.

20.4. Một số tình tiết là yếu tố định khung tăng nặng hình phạt quy định tại Điều 181a của BLHS được hiểu như sau:

  1. a) Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng;
  2. b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư từ 03 tỷ đồng trở lên.

Ngoài việc gây hậu quả là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của thị trường chứng khoán.

Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

  1. c) Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.
  2. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b BLHS)

21.1. Giải thích từ ngữ:

  1. a) Thông tin nội bộqui định tại Điều 181b của BLHS là những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của Công ty đại chúng hoặc Quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của Công ty đại chúng hoặc Quỹ đại chúng đó.
  2. b) Công ty đại chúnglà công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau: công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.
  3. c) Quỹ đại chúnglà quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

21.2. Hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bao gồm:

  1. a) Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình;
  2. b) Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho người khác;
  3. c) Tiết lộ thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

21.3. Chủ thể của tội phạm này là một trong các đối tượng sau:

  1. a) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng của công ty đại chúng; thành viên Ban đại diện Quỹ đại chúng;
  2. b) Cổ đông lớn của Công ty đại chúng, Quỹ đại chúng;
  3. c) Người kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty đại chúng, Quỹ đại chúng;
  4. d) Người hành nghề chứng khoán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
  5. e) Người của tổ chức hoặc cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với Công ty đại chúng, Quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó;
  6. g) Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin nội bộ từ những đối tượng được hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ và e của khoản này.

21.4. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt quy định tại Điều 181b của BLHS được hiểu như sau:

  1. a) Thu lợi bất chính lớn là thu được một khoản lợi có trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên;
  2. b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên;
  3. c) Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên;

Ngoài việc gây hậu quả là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của thị trường chứng khoán.

Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

  1. Về tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c BLHS)
  2. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 181c của BLHS là trường hợp gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng;
  3. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 181c của BLHS là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 03 tỷ đồng trở lên.

Ngoài việc gây hậu quả là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của thị trường chứng khoán.

Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

  1. Thu lợi bất chính lớn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 181c của BLHS là trường hợp thu được một khoản lợi có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội này.

Ngoài ra còn một số tội quy định tại các Điều 164, 167, 168, 169, 170, 170a, 171, 172, 175, 176, 177, 178, 179, thực tiễn cũng rất ít truy cứu trách nhiệm hình sự và hiện cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể.

BÀI 17:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

                                                                                                  

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG, AN TOÀN CÔNG CỘNG THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
  2. Về chủ thể của tội phạm

Đa số các tội phạm trong chương này có chủ thể thường, chỉ có một số tội có chủ thể đặc biệt.

1.1. Đối với các tội có thủ thể thường

Mặc dù là chủ thể thường nhưng chủ thể các tội trong chương này vẫn có tính chất khá “đặc biệt”. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ, chỉ những người tham gia những hoạt động nhất định trong giao thông thì mới phạm tội. Ví dụ, chỉ người điều khiển giao phương tiện giao thông đường bộ mới có thể phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…

1.2. Đối với các tội có chủ thể đặc biệt

  1. a) Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn (Điều 204 BLHS)

Chỉ những người chịu trách nhiệm về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội phạm.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường bộ là người có chức vụ, quyền hạn hoặc người tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông đường bộ.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ là người theo pháp luật họ có trách nhiệm về kiểm tra tình trạng kỹ thuật các phương tiện giao thông đường bộ như: Cán bộ, nhân viên kiểm định kỹ thuật phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

  1. b) Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ

Người phạm tội này có thể là chủ thể đặc biệt hoặc chủ thể thường.

Chủ thể đặc biệt là người chịu trách nhiệm về việc điều động người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ như: Giám đốc xí nghiệp vận tải, Giám đốc xí nghiệp xe khách, Chủ các doanh nghiệp vận tải.

Chủ thể thường là người không có trách nhiệm điều động người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhưng họ là chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện giao thông đường bộ như: Chủ sở hữu xe mô tô giao cho người khác không có bằng lái xe mô tô điều khiển xe mô tô của mình hoặc một lái xe đã giao xe cho phụ xe mà người phụ xe không có bằng lái xe.

  1. c) Tội vi phạm quy định về điềukhiển phương tiện giao thông đường sắt

Không như ở tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, chủ thể của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt bao gồm người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt và người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Do đặc thù của ngành đường sắt Việt Nam nên chỉ có những người nhất định mới có quyền chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.

Người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt bao gồm: Trưởng tàu; Nhân viên điều độ chạy tàu; Trực ban chạy tàu ga; Trưởng đồn; Nhân viên gác ghi; Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; Nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

 Người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường sắt.

  1. d) Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không đảm bảo an toàn

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường sắt mới là chủ thể của tội phạm này.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường sắt là người có chức vụ, quyền hạn và do có chức vụ, quyền hạn nên có quyền điều động phương tiện giao thông đường sắt hoặc tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông đường sắt như: Thủ trưởng các đơn vị quản lý, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, sử dụng phương tiện giao thông đường sắt hoặc những người được uỷ quyền, hoặc do nghề nghiệp mà có quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn.

đ) Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có trách nhiệm trong việc điều động người khác điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mới có thể là chủ thể của tội phạm này như: Giám đốc xí nghiệp vận tải đường sắt điều động người không có bằng lái, lái tàu hoả; Lái tầu hoả có bằng lái giao tay lái cho người không có bằng lái tàu hoả điều khiển tàu hoả.

  1. e) Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường thủy mới là chủ thể của tội phạm này.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường thủy là người có chức vụ, quyền hạn và do có chức vụ, quyền hạn nên có quyền điều động phương tiện giao thông đường thủy hoặc tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông đường thủy như: Thuyền trưởng, Thuỷ thủ, Thuyền viên, Thủ trưởng các đơn vị quản lý, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, sử dụng phương tiện giao thông đường thủy hoặc những người được uỷ quyền, hoặc do nghề nghiệp mà có quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn.

  1. f) Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt vừa là chủ thể thường.

Chủ thể đặc biệt: những người có trách nhiệm trong việc điều động người khác điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mới có thể là chủ thể của tội phạm này như: Giám đốc xí nghiệp vận tải đường thuỷ điều động người không có bằng lái, lái tàu thuỷ…

Chủ thể thường: chủ phương tiện giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, để người này điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây ra thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đén sức khoẻ, tài sản của người khác.

  1. g) Tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay; Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hành không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chỉ những người chỉ huy hoặc điều khiển tầu bay mới là chủ thể của tội phạm này.

Người điều khiển tàu bay quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật hình sự là thành viên tổ lái, gồm: lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.

Người chỉ huy tàu bay quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật hình sự là thành viên tổ lái được người khai thác tàu bay chỉ định cho một chuyến bay; đối với hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì do chủ sở hữu tàu bay chỉ định.

  1. h) Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông hàng không không đảm bảo an toàn

Những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường không là chủ thể của tội phạm này.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường không là người có chức vụ, quyền hạn hoặc tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông đường không như: Thủ trưởng các đơn vị điều hành bay hoặc người có trách nhiệm được phân công điều hành bay…

Người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật là người có chức vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường không như: Thủ trưởng các đơn vị quản lý, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, sử dụng phương tiện giao thông đường không hoặc những người được uỷ quyền, hoặc do nghề nghiệp mà có quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường không không bảo đảm an toàn.

  1. i) Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường không

Chỉ có những người có trách nhiệm trong việc điều động người khác điều khiển phương tiện giao thông đường không mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

  1. k) Tội vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông

Chỉ những người có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

  1. Về khách thể của tội phạm

Khách thể chung của các các tội phạm trong chương này là trật tự công cộng, an toàn công cộng. Có tội phạm xâm phạm một hoặc một số khách thể trực tiếp như tính mạng, sức khỏe, quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức; có tội phạm xâm phạm cả trật tự công cộng lẫn an toàn công cộng; có tội phạm xâm phạm đến an ninh vùng trời, an ninh lãnh thổ trên không, trên biển.

  1. Về mặt khách quan của tội phạm

3.1. Về hành vi không có giấy phép hoặc bằng lái

Không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn quy định tại điểm a khoản 2 các điều 202, 208, 212; khoản 1 các điều 205, 211, 215, 219 Bộ luật hình sự là một trong những trường hợp sau đây:

  1. a) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
  2. b) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
  3. c) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm chỉ huy, điều khiển phương tiện đó.

* Cần chú ý khi áp dụng tình tiết không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn:

– Thời hạn sử dụng của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp được tính từ ngày cấp phép đến khi hết hạn ghi trên giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó (hoặc theo quy định của pháp luật về thời hạn của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó).

– Trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đã bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn mà cần tiếp tục chỉ huy, điều khiển phương tiện nốt hành trình còn lại thì trên hành trình đó không bị coi là không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

3.2. Về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt

3.2.1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Làm chết một người;
  2. b) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
  3. c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
  4. d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

  1. e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

3.2.2. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 3 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Làm chết hai người;
  2. b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
  3. c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
  4. d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

  1. e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

3.2.3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Làm chết từ ba người trở lên;
  2. b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
  3. c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
  4. d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;

  1. e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
  2. g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
  3. Về một số tình tiết ở các tội phạm cụ thể

4.1. Đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự)

4.1.1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

   Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thoả mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự.

4.1.2. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:

  1. a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;
  2. b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
  3. c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

4.2. Đối với tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203 Bộ luật hình sự)

– Các thiết bị an toàn giao thông đường bộ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự bao gồm đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, tường bảo vệ, đảo giao thông, dải phân cách, gương cầu và các thiết bị phụ trợ khác nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

– Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự là hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

– Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự là hành vi sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

– Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự là hành vi không đặt biển báo, rào chắn hoặc đặt biển báo, rào chắn không đúng quy định khi thi công trên đường bộ; không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.

 – Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự là hành vi đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ hoặc di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; phá hoại hệ thống thoát nước thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; căng dây ngang đường và các hành vi tương tự khác.

4.3. Đối với tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không

–  Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 205, Điều 211, Điều 215, Điều 219 Bộ luật hình sự là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;

– Trường hợp người được điều động biết mình không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông mà vẫn thực hiện theo sự điều động thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông theo điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do họ gây ra.

4.4. Đối với tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 206 Bộ luật hình sự)

– Người tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy cuộc đua xe trái phép. Người tổ chức có thể tham gia hoặc không tham gia cuộc đua xe trái phép.

– Tổ chức đua xe có quy mô lớn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tổ chức cuộc đua xe trái phép có từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 2 cuộc đua xe trở lên.

– Tổ chức cá cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tổ chức cho người khác đánh cuộc thắng thua bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả của cuộc đua xe trái phép.

– Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép quy định tại điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là hành vi của người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, vạch kế hoạch, kêu gọi, rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép.

–  Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư quy định tại điểm d khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tổ chức đua xe trái phép ở những đường có mật độ đông người tham gia giao thông, ở khu vực có nhiều người sinh sống, ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, ở nơi đang diễn ra các sự kiện (như lễ hội, mít tinh, hội nghị, thi đấu thể thao…).

– Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tháo dỡ phanh hãm xe, đèn chiếu sáng hoặc các thiết bị an toàn khác của xe dùng để đua trái phép.

– Khi áp dụng điều luật này cần chú ý: Thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác được hiểu là cuộc đua xe trái phép do người phạm tội tổ chức đã dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bất kỳ người nào, kể cả người đua xe trái phép.

4.5. Đối với tội đua xe trái phép (Điều 207 Bộ luật hình sự)

4.5.1. Gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự là một trong những trường hợp sau đây:

  1. a) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;
  2. b) Gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%;
  3. c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng.

4.5.2. Tham gia cá cược quy định tại điểm c khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự là đánh cuộc thắng thua bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả của cuộc đua xe trái phép.

4.5.3. Đua xe nơi tập trung đông dân cư quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự là đua xe trái phép ở những nơi có mật độ đông người tham gia giao thông, ở khu vực có nhiều người sinh sống, ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, ở nơi đang diễn ra các sự kiện (như lễ hội, mít tinh, hội nghị, thi đấu thể thao…).

4.5.4. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua quy định tại điểm e khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự là tháo dỡ phanh hãm xe, đèn chiếu sáng hoặc các thiết bị an toàn khác của xe dùng để đua trái phép.

4.5.5. Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý:

  1. a) Thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác được hiểu là người đua xe trái phép gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bất kỳ người nào, kể cả người tham gia đua xe trái phép cùng người đó.
  2. b) Người phạm tội đua xe trái phép gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự mà không phải chịu trách nhiệm hình sự thêm về “tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự. Trường hợp người đua xe trái phép gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác với lỗi cố ý thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207 Bộ luật hình sự thì còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng(Điều 93, Điều 104, Điều 143) của Bộ luật hình sự.
  3. c) Đối với người sau khi ngồi lên xe vẫn không biết người điều khiển xe sẽ thực hiện việc đua xe, nhưng trên đường đi người điều khiển xe đã thực hiện việc đua mà người ngồi sau xe buộc phải ngồi lại trên xe, không có hành vi cổ vũ, reo hò và các hành vi khác hưởng ứng việc đua xe thì họ không bị coi là người đua xe trái phép.

4.6. Đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208 Bộ luật hình sự)

– Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường sắt quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật hình sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

– Trong tình trạng dùng rượu bia quá nồng độ quy định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 208 Bộ luật hình sự là trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở.

– Say do dùng các chất kích thích mạnh khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 208 Bộ luật hình sự là trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.

4.7Đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ (Điều 212 Bộ luật hình sự)

– Người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật hình sự là người có quan hệ trực tiếp (thuyền trưởng, thuyền phó, hoa tiêu, người lái phương tiện) đến việc bảo đảm an toàn của phương tiện giao thông đường thủy.

– Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật hình sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy (vi phạm quy tắc giao thông đường thủy; vi phạm quy định về tín hiệu của phương tiện; vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; vi phạm quy định về vận chuyển hành khách; vi phạm quy định về xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện; vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện; vi phạm quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm; vi phạm quy định về hoa tiêu) và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

– Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 212 Bộ luật hình sự là trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở.

– Say do dùng các chất kích thích mạnh khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 212 Bộ luật hình sự là trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.

4.9. Đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay (Điều 216 Bộ luật hình sự)

Hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật hình sự là hành vi điều khiển tàu bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay; bay vào, bay ra hoặc bay trong vùng trời thuộc lãnh thổ Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; bay vào khu vực cấm hoặc hạn chế khi không được phép; hạ cánh ngoài các nơi quy định; sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; điều khiển tàu bay bay trên khu vực đông dân không đúng quy định; xả, thả trái phép nhiên liệu, hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay xuống; bay không đúng đường bay, độ cao quy định; sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép; thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình theo quy định ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không.

4.10. Đối với tội cản trở giao thông đường không (Điều 217 Bộ luật hình sự)

 Hành vi khác cản trở giao thông đường không quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật hình sự là hành vi như không đặt, sơn, gắn các dấu hiệu tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay theo quy định; vận chuyển hàng hoá có tính từ cao, có chất phóng xạ, có chất ăn mòn hay làm gỉ kim loại mà không được phép hoặc không thực hiện các biện pháp bảo đảm cần thiết; nuôi thả gia súc, gia cầm trong khu vực cảng hàng không hoặc thả diều, vật thể bay trong và ngoài cảng hàng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bay; sử dụng đài trạm thông tin liên lạc hoặc thiết bị khác gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đài, trạm vô tuyến điện hàng không.

4.11. Đối với tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông (Điều 220 Bộ luật hình sự)

 Hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau:

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;

– Không xử lý kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;

– Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;

– Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;

– Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông như không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong và các hành vi tương tự khác.

4.12. Đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (Điều 221 Bộ luật hình sự)

– Các thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật hình sự như lén lút, lừa dối, lợi dụng lòng tin, cưỡng ép, gây sức ép, uy hiếp tinh thần, đánh thuốc mê nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ.

– Vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); các công cụ, dụng cụ nguy hiểm như búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt); vật mà người phạm tội chế tạo ra (như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ) hoặc vật có sẵn trong tự nhiên (như gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt) mà việc sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại điểm c khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự được hiểu là gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;
  2. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%.

– Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự được hiểu là gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
  2. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của từ hai người khác trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
  3. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại điểm a, b khoản 3 Điều này và còngây thiệt hại v� tài sản của người khác với giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
  4. d) Gây thiệt hại về tài sản của người khác có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

4.13. Về tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 222 Bộ luật hình sự)

Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý: Cấu thành tội phạm điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự cơ bản giống cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, khách thể của tội phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự ngoài xâm phạm vào những quy định về an toàn giao thông đường không còn đe dọa xâm phạm đến an ninh quốc gia.

4.14. Về tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 223 Bộ luật hình sự)

Vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 223 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những hành vi sau đây:

– Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nư­ớc cảng biển, chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, trật tự – vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện hàng hải gây ra;

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải;

– Phương tiện giao thông hàng hải không có hoặc không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định; không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng;

– Các vi phạm khác về an toàn giao thông hàng hải Việt Nam.

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý VỀ TỐ TỤNG
  2. Chuẩn bị xét xử

1.1. Kiểm tra hồ sơ khi thụ lý hồ sơ vụ án

* Kiểm tra hồ sơ xem có đủ các tài liệu theo Danh mục tài liệu có trong hồ sơ khi bàn giao;

* Kiểm tra thủ tục tố tụng thuộc giao đoạn điều tra xem đã đầy đủ theo Bộ luật tố tụng hình sự hay chưa;

* Kiểm tra việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo (nếu có). Trường hợp có bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn thì phải xem cụ thể đó là biện pháp gì, do cơ quan nào áp dụng, thời hạn còn bao lâu, lúc nào thì Tòa án cần áp dụng tiếp hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam đó, ai là người có thẩm quyền ký theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Đối với các vụ án xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng, đa số bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, trừ một số tội rất nhiêm trọng hoặc bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở quá trình điều tra, truy tố.

Các công việc trên đây chủ yếu do Thư ký thực hiện, Thẩm phán thường thực hiện công việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và các vấn đề khác.

* Đối với các vụ án xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng, nhất là các tội có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cần chú ý kiểm tra các loại tài liệu sau đây:

– Sơ đồ hiện trường, Biên bản khám nghiệm hiện trường; Bản ảnh;

– Biên bản khám nghiệm tử thi, Biên bản xem xét thân thể;

– Kết luận giám định pháp y; Kết luận giám định mức độ tổn hại về sức khỏe (giám định thương tích); Kết luận giám định về phương tiện, tài sản;

– Bệnh án điều trị;

– Kết luận giám định về tốc độ; Kết luận giám định về điểm va chạm đầu tiên, cơ chế hình thành dấu vết trên mặt đường;…

Đối với từng vụ án khác nhau, hồ sơ cần có những tài liệu bắt buộc mà nếu thiếu thì không thể đưa vụ án ra xét xử. Ví dụ, vụ án có thiệt hại về tình mạng thì phải có Biên bản khám nghiệm pháp y tử thi, Bản kết luận giám định phá y và kết luận nguyên nhân cái chết; đối với vụ án có hành vi vi phạm về tốc độ thì phải có bản ảnh đo tốc độ hoặc Kết luận giám định về vết phanh trên đường… Trong trường hợp thiếu tài liệu nói trên thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục để bổ sung chứng cứ.

1.2. Nghiên cứu hồ sơ

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ có thể đi theo các nguyên tắc khác nhau, tùy theo thói quen của  mỗi Thẩm phán hoặc tùy theo yêu cầu của từng vụ án cụ thể. Có người nghiên cứu hồ sơ theo trình tự thời gian; có người nghiên cứu hồ sơ theo từng nhóm người tham gia tố tụng; có người nghiên cứu hồ sơ theo những vấn đề cần giải quyết của vụ án… Tuy nhiên, dù nghiên cứu theo cách nào thì khi nghiên cứu cũng cần lập tiểu hồ sơ vụ án, và việc nghiên cứu phải bảo đảm làm sáng tỏ những vấn đề sau đây:

  1. a) Có hành vi phạm tội hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội:

– Hành vi phạm tội là hành vi được miêu tả trong cấu thành tội phạm của từng tội cụ thể. Đối với các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng, hành vi khách quan được thể hiện thông qua việc bị can, bị cáo thực hiện hay không thực hiện một hành động mà pháp luật chuyên ngành điều chỉnh về lĩnh vực đó quy định;

– Địa điểm phạm tội là vấn đề cần hết sức lưu ý đối với các tội này, vì hành vi phạm các tội này chỉ xảy ra ở những địa điểm nhất định, nếu nằm ngoài địa điểm đó thì sẽ không có hành vi phạm tội hoặc phạm tội khác. Ví dụ, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt chỉ được thực hiện trên đường sắt; tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ xảy ra trên đường bộ…

– Thời gian xảy ra tội phạm có ý nghĩa trong việc đối chiếu với thời gian tham gia các hoạt động khác của bị can, bị cáo hoặc để xác định về ánh sáng, tầm nhìn, mật độ người tham gia giao thông…

  1. b) Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không;

– Trong một số trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội cần được xác định hết sức chi tiết về nhân thân, chức vụ, quyền hạn… thì mới xác định được họ có phạm tội hay không. Ví dụ, đối với các tội có chủ thể đặc biệt;

– Đa số tội trong chương này được thực hiện với lỗi vô ý, nhưng có những tội được thực hiện với lỗi cố ý, như tội tổ chức đua xe trái phép, tội đua xe trái phép, tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; có tội được thực hiện với cả lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý: tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Về năng lực trách nhiệm hình sự: đa số các tội phạm tại chương này đòi hỏi người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên, các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thường lại là tội có chủ thể đặc biệt. Một số tội đòi hỏi phải xem xét nhân thân của người phạm tội xem họ đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi đó mà chưa được xóa án tích thì mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

  1. c) Tính chất và mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra:

Việc xác định tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội căn cứ vào tổng thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra, bao gồm cả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; căn cứ vào hành vi bị coi là tình tiết định khung tặng nặng hình phạt. Vấn đề này đã được Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BAC-BQP-BT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn rõ ràng. Cần lưu ý là khi dùng thiệt hại để định kkhung hình phạt, chỉ tính những thiệt hại do hành vi phạm tội trực tiếp gây ra, còn những thiệt hại gián tiếp không tính là thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Ví dụ, A vượt đèn đỏ nên đâm vào B làm B bị thương gãy 1 chân, 1 tay, tổn hại 43% sức khỏe, hỏng hoàn toàn xe mô tô SH trị giá 60 triệu đồng và phải thanh toán viện phí hết 60 triệu, mua 01 chân giả hết 40 triệu. Trường hợp này, chỉ dùng tỉ lệ tổn hại 43% sức khỏe và thiệt hại xe SH 60 triệu đồng để xác định trách nhiệm hình sự; còn tiền viện phí và chân tay giả chỉ tính để bồi thường thiệt hại.

Phạm tội trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 202 là trường hợp đặc biệt được quy định trong Bộ luật hình sự. Có ý kiến cho rằng, đây là cấu thành hình thức, vì không cần hậu quả xảy ra thì tội phạm đã hoàn thành. Chúng tôi cho rằng, đây vẫn là cấu thành vật chất, hậu quả chưa xảy ra là do được ngăn chặn kịp thời còn nếu đã xảy ra thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt cao hơn.

  1. d) Làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách  nhiệm hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc định khung, quyết định hình phạt, biện pháp chấp hành hình phạt. Cần chú ý phân tích các sự kiện hành vi, tài liệu…để làm rõ đâu là tình tiết có ý nghĩa định khung, đâu là tình tiết có ý nghĩa trong quyết định hình phạt.

  1. e) Xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự:

Xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự là điều thường gặp trong các vụ án xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng, và trong nhiều trường hợp khá khó khăn.

Vấn đề đầu tiên là phải xác định đủ và đúng tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng để thực hiện đúng thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định cũng như bảm đảm được quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ. Do đặc thù về quyền sở hữu phương tiện, quyền điều động, giao phương tiện, do việc cho mượn phương tiện… nên cần phân tích rõ từng mối quan hệ để xác định đúng người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, người có nghĩa vụ bồi hoàn. Trong trường hợp người bị hại chết, việc xác định người đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền thừa kế quyền của người bị hại… trong một số trường hợp cũng xảy ra mâu thuẫn.

  1. f) Xử lý vật chứng, đồ vật do các cơ quan tố tụng thu được trong vụ án:

Cần nghiên cứu kỹ danh mục tài liệu có trong hồ sơ vụ án để biết có những vật chứng, đồ vật gì được các cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ. Đa số vật chứng trong các vụ án thuộc chương này là các phương tiện giao thông to lớn, cồng kềnh không thể đưa ra phiên tòa. Nếu cơ quan điều tra đã thực hiện việc xem xét phương tiện, giám định dấu vết… thì có thể sớm trao trả các phương tiện này cho đương sự để tránh hư hỏng và để đảm bảo giá trị sử dụng, khai thác của chúng. Xử lý vật chứng cần tuân thủ đúng quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

1.3. Đánh giá Kết luận giám định trong trường hợp có nhiều Kết luận giám định khách nhau về cùng một đối tượng

Có nhiều vụ án bắt buộc phái có kết luận giám định, như giám định pháp y về nguyên nhân cái chết, giám định tỉ lệ thương tật (tỉ lệ tổn hại cho sức khỏe), giám định tốc độ của phương tiện… Thực tiễn xét xử cho thấy, có những vụ án có nhiều kết luận giám định của nhiều cơ quan giám định ở các cấp khác nhau về cùng một đối tượng giám định nhưng cho các kết quả khác nhau. Trong trường hợp này, việc đánh giá kết luận cần tiến hành thận trọng, tỉ mỉ, khoa học; thậm chí, cần áp dụng các biện pháp tố tụng hoặc biện pháp nghiệp vụ khác để xác định giá trị của các kết luận giám định thì mới đảm bảo sử dụng được đúng kết luận giám định, làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Là một nguồn chứng cứ được sử dụng là phương tiện chứng minh trong quá trình tố tụng, việc đánh giá kết luận giám định trước hết trước hết không nằm ngoài các nguyên tắc, phương pháp đánh giá chứng cứ và các quy tắc logic nói chung. Người đánh giá vừa phải xem xét cụ thể các thông tin trong kết luận giám định đó để kết luận về độ tin cậy và giá trị chứng minh của những thông tin ấy (chứng minh được tình tiết nào của vụ việc, chứng minh ở mức độ nào?), vừa đặt kết luận giám định trong một hệ thống có mối quan hệ chặt chẽ với các chứng cứ khác để xác định giá trị chứng minh của các thông tin trong đó đối việc làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ việc.

Vai trò chứng minh, cách sử dụng kết luận giám định đã được Tòa án nhân dân tối cao đề cập đến tại Công văn số 98-NCPL ngày 02/3/1974 như sau: “Nếu trong một vụ án có vấn đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật, liên quan đến hoạt động của ngành chuyên môn mà Tòa án không nắm được, thì cần trưng cầu giám định nhằm bảo đảm việc xét xử được chính xác và có căn cứ. Kết luận của giám định viên rất quan trọng, vì nó giúp cho Tòa án xem xét vật chứng dựa vào khoa học, kỹ thuật. Kết hợp với các chứng cứ khác, kết luận giám định giúp Tòa án nhận định được chính xác nội dung của vụ việc. Tuy nhiên, Tòa án không bắt buộc phải kết luận theo giám định viên, vì có thể có trường hợp kết luận của giám định viên không chính xác hoặc không phù hợp với các chứng cứ khác”[10].

Khi đánh giá kết luận giám định, cần thực hiện những nội dung sau đây:

– Đánh giá sự tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình chuẩn bị, ra quyết định trưng cầu giám định; Đánh giá sự tuân thủ pháp luật tố tụng, pháp luật chuyên ngành trong quá trình thực hiện giám định. Trong trường hợp có sự vi phạm thì phải phân tích hậu quả do vi phạm ấy gây ra;

– Đánh giá về sự phù hợp của các thông tin được đưa ra trong kết luận giám định với yêu cầu giám định;

– Đánh giá về sự phù hợp của yêu cầu giám định đối với đối tượng (mẫu vật) giám định, sự phù hợp của yêu cầu giám định đối với nội dung vụ việc;

– Đánh giá về tính khách quan của người giám định;

– Đánh giá cơ sở khoa học của các thông tin được đưa ra trong kết luận giám định;

– Đánh giá tổng hợp các thông tin trong kết luận giám định để xác định các thuộc tính của chứng cứ cũng như giá trị, mức độ chứng minh của các thông tin đó đối với tình tiết cụ thể và đối với toàn bộ vụ án. Trong trường hợp có nhận thấy nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định thì có thể trưng cầu giám định bổ sung; nếu có sự nghi ngờ về kết quả giám định thì cần trưng cầu giám định lại.

Khi có nhiều kết luận giám định có các kết quả khác nhau về cùng  một đối tương (mẫu vật) giám định, có thể thực hiện một hoặc  một số biện pháp sau:

Tiến hành trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại theo quy định tại Điều 29 Luật giám định tư pháp và quy định liên quan của pháp luật tố tụng;

Giám định lại là biện pháp sử dụng cái thứ 3 để kiểm tra các kết quả giám định trước. Trong tố tụng, có những vụ việc có đến hàng chục lần giám định nhưng đều cho các kết quả không thống nhất, thậm chí kể cả việc trưng cầu giám định viên ở các nước có nền khoa học giám định tư pháp phát triển hơn. Bộ máy tổ chức giám định nước ta được tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương, nhưng không vì thế mà có thể đánh giá giá trị của kết luận giám định theo thứ bậc của tổ chức thực hiện giám định. Đa số ý kiến cho rằng, bản chất của giám định tư pháp là  ý kiến của chuyên gia mang tính khoa học nên không thể phân theo cấp hành chính trên, dưới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, theo tiêu chuẩn bổ nhiệm, kinh nghiệm công tác cũng như điều kiện về trang thiết bị…, kết luận giám định ở cơ quan giám định cấp trung ương thường đảm bảo tính khoa học hơn. Ngoài ra, việc giám định lại nhiều lần cũng gặp vấn đề về bảo đảm thuộc tính của mẫu vật được dùng để giám định. Tùy tính chất sinh, hóa, lý, y học mà có thể gặp phải việc thay đổi thuộc tính của mẫu vật được giám định. Có những kết quả giám định lại tổng hợp, kết thừa và khắc phục được sai sót của kết quả giám định trước, nhưng cũng có kết luận giám định lại không đảm bảo được tính khoa học bởi mẫu vật đã bị biến đổi theo thời gian. Do đó, cần cân nhắc kỹ về phương pháp giám định và độ chính xác được nêu trong Kết luận giám định để lựa chọn.

Trưng cầu ý kiến chuyên gia để xem xét về tính khoa học của quá trình giám định và kết luận giám định;

Không phải người có thẩm quyền đánh giá kết luận giám định nào cũng hiểu rõ về giám định tư pháp và kiến thức chuyên môn của ngành được trưng cầu giám định. Do đó, khi có sự nghi ngờ về tính khoa học của quá trình giám định, cần thiết hỏi ý kiến chuyên gia về phương pháp giám định, cơ sở khoa học của việc giám định và ban hành kết luận giám định đó. Đây là điều cần thiết để củng cố niềm tin của người đánh giá kết luận giám định.

 Xem xét từng kết luận giám định theo yêu cầu của vụ việc và tiêu chuẩn chuyên môn.

Mỗi vụ việc khác nhau sẽ có yêu cầu giám định khác nhau phù hợp với tính chất vụ việc và yêu cầu chứng minh theo quy định của pháp luật. Do đó, phải xem xét kết luận giám định về sự phù hợp của yêu cầu giám định đối với tính chất của vụ việc, sự phù hợp của kết luận giám định đối với yêu cầu giám định và với tiêu chuẩn chuyên môn của ngành được trưng cầu giám định. Không thể sử dụng kết luận giám định khi cơ quan trưng cầu giám định về các dấu vết trên 2 phương tiện trong vụ tai nạn giao thông để xác định điểm va chạm đầu tiên nhưng kết luận giám định lại kết luận về vị trí va chạm của hai phương tiện trên mặt đường! Mặt khác, cần có sự đánh giá kết luận giám định theo yêu cầu của vụ việc để lựa chọn kết luận phù hợp. Trong vụ án có thiệt hại về sức khỏe có thể có hai kết luận giám định cho tỉ lệ thương tích khác nhau và có thể sử dụng cả hai. Việc định tội danh và khung hình phạt thì phải sử dụng kết luận giám định về tỉ lệ thương tích tạm thời, nhưng việc bồi thường, cấp dưỡng thì phải sử dụng kết luận giám định về tỉ lệ thương tật hoặc tổn hại vĩnh viễn…

Sử dụng các nguyên tắc logic để lựa chọn kết luận giám định trong mối quan hệ phù hợp với hệ thống chứng cứ của vụ việc.

Các quy luật và hình thức của tư duy mà logic học nghiên cứu là sự phản ánh cái khách quan vào trong ý thức của con người đã được khẳng định về tính khoa học nên có giá trị rất cao đối với việc loại trừ tất cả những gì không thể chấp nhận được ra khỏi tư duy hợp lý của con người. Trong đánh giá chứng cứ nói chung, các quy luật đồng nhất, quy luật mâu thuẫn, quy luật loại trừ cái thứ 3, quy luật lí do đầy đủ rất hay được áp dụng. Ngoài ra, các biện pháp logic khác như phân tích, so sánh, đối chiếu kết luận giám định với các tiêu chuẩn chuyên môn, với các chứng cứ khác để lựa chọn kết luận phù hợp nhất, chính xác nhất, thể hiện rõ nhất nội dung vụ việc…

 1.4. Kết thúc nghiên cứu hồ sơ vụ án

* Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán phải nắm chắc các vấn đề sau:

Thứ nhất, nội dung vụ án và hành vi phạm tội; Bị can, bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội gì?

Thứ hai, những vấn đề cần làm rõ trong hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 63 BLTTHS, thì Thẩm phán phải làm rõ các vấn đề theo phần trên.

Thứ ba, Thẩm phán nắm chắc các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, bao gồm:

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu TNHS;

– Miễn trách nhiệm hình sự;

– Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội…

* Kết thúc giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán có đủ chứng cứ và niềm tin để ra một trong bốn quyết định quy định tại Khoản 2 Điều 176 BLTTHS.

Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo các quy định của Điều 179 BLTTHS và Mục 4 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung.

  1. Một số vấn đề cần lưu ý trong giai đoạn xét xử

Nếu ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì làm công tác chuẩn bị cho việc mở phiên toà, trong đó cần chú ý:

2.1. Công tác chuẩn bị phiên tòa

* Xác định đủ và đúng thành phần cần triệu tập tới phiên tòa, liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm những người cần có mặt tại phiên tòa sẽ có mặt để không phải hoãn phiên tòa, gây lãng phí về thời gian cũng như vật chất.

Cần triệu tập người phiên dịch đối với trường hợp bị cáo là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số; yêu cầu Đoàn Luật sư cử người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên, người bị đưa ra xét xử về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân đến tử hình. Trong một số trường hợp, để người phiên dịch làm tốt công việc của mình, Tòa án có thể tạo điều kiện cho họ đọc trước Bản Cáo trạng, Dự thảo bản án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị…

* Nếu quyết định xét xử lưu động thì cần liên hệ trước với cơ quan liên quan nơi dự kiến xét xử để làm công tác đảm bảo;

* Hoàn thiện đầy đủ thủ tục triệu tập người tham gia phiên tòa, quyết định thành lập Hội đồng xét xử, tống đạt và gửi cho cá nhân, cơ quan có liên quan;

* Lập kế hoạch xét hỏi cụ thể, tỉ mỉ; phân công rõ nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng xét xử; dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và các xử lý;

* Viết dự thảo bản án trên cơ sở đã đánh giá chứng cứ trong sổ công tác cá nhân của mình theo mẫu Bản án do Toà án nhân dân tối cao ban hành.

2.2. Điều hành phiên tòa

Cần nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phiên tòa (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) để điêu hành phiên tòa đúng pháp luật và xử lý tốt các tình huống tại phiên tòa. Trong đó, cần lưu ý:

* Đối với phần giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng:

Thực tiễn xét xử, các Thẩm phán thường chỉ đọc nguyên văn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mà không có sự giải thích cho đương sự hiểu rõ thêm. Đối với người tham gia tố tụng là người có trình độ học vấn thấp, người vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, người chưa thành niên, người mắc bệnh nào đó hạn chế đến khả năng nhận thức thì cần giải thích cho họ hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ. Trong một số trường hợp, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác.

* Đối với phần xét hỏi:

Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung, nhưng thực tế cho thấy, việc xét hỏi cần có sự đổi mới mà vẫn không vi phạm thủ tục tố tụng. Sau khi đại diện Viện kiểm sát đọc xong bản Cáo trạng, Hội đồng xét xử chỉ nên hỏi những vấn đề về thủ tục tố tụng và những vấn đề chung, sau đó, đề nghị Kiểm sát viên hỏi để làm rõ tính có căn cứ của những vấn đề được nêu ra trong bản Cáo trạng. Hội đồng xét xử chỉ hỏi những vấn đề mà Kiểm sát viên chưa hỏi hoặc vấn đề khác mà mình thấy cần thiết.

Trong quá trình xét hỏi, cần tạo điều kiện cho bị cáo, người bị hại, người làm chứng nêu vấn đề cần hỏi để hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa có điều kiện làm rõ hơn các tình tiết của vụ án.

Cần tránh hỏi những câu mang tính áp đặt, mớm cung, dụ cung, ép cung. Đối với các vấn đề cần miêu tả, tường thuật thì không nên hỏi những câu hỏi mang tính khẳng định, phủ định đúng sai mà phải hỏi để người tham gia tố tụng kể lại sự kiện, sự việc đó. Chỉ công bố tài liệu thu thập được tại các giai đoạn tố tụng trước khi cần đối chiếu với lời khai tại phiên tòa hoặc khi người tham gia tố tụng không chịu khai tại phiên tòa.

* Đối với phần tranh luận:

Khi điều khiển phần tranh luận, Thẩm phán phải tạo điều kiện (hoặc mang tính bắt buộc) để Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại và những người có quyền khác được tranh luận về tất cả những vấn đề mà Tòa án cần quan tâm xem xét. Cần điều khiển phần tranh luận theo hướng giải quyết các vấn đề mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định chứ không được lệ thuộc vào ý  muốn của Kiểm sát viên hay của người tham gia tố tụng khác.

* Đối với phần nghị án:

Chủ tọa phiên tòa điều khiển phần nghị án và có trách nhiệm đưa ra những vấn đề để Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định. Chủ tọa cần phân công một thành viên Hội đồng xét xử ghi biên bản phiên họp nghị án. Thông thường, chủ tọa là người phát biểu cuối cùng, nhưng cũng có trường hợp, chủ tọa cần giải thích về pháp luật, về chứng cứ để Hội đồng xét xử thảo luận đúng hướng.

* Đối với bản án:

Để có một bản án hợp pháp, có căn cứ và mang tính thuyết phục, cần chú ý một số vấn đề sau:

+ Đối với phần mở đầu:

Cần tuân thủ triệt để hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về viết bản án. Qua theo dõi các bản án thời gian qua cho thấy, Thẩm phán ít khi tuân thủ hướng dẫn này nên hình thức của bản án lộn xộn, không thống nhất.

 + Đối với phần nhận thấy:

Mô tả sự việc phạm tội, các hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố tại bản cáo trạng. Trong phần này, chỉ nên mô tả những vấn đề liên quan trực tiếp đến vụ án, không nên chép nguyên văn bản cáo trạng.

Ngoài ra, cần tóm lược các vấn đề chính về diễn biến tại phiên tòa qua phần xét hỏi, tranh luận.

+ Đối với phần xét thấy:

Thể hiện những phân tích, đánh giá của Hội đồng xét xử về những vấn đề xung quanh vụ án, trong đó đặc biệt chú trọng đến:

– Các chứng cứ xác định có sự việc phạm tội không? có cấu thành tội phạm không? người thực hiện hành vi phạm tội (xác định có tội hoặc không có tội);

– Nếu có tội thì cần áp dụng điểm, khoản, điều naà của Bộ luật hình sự. Nếu bị cáo không phạm tội thì áp dụng điều nào của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

– Nếu bị cáo phạm tội thì các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trong đó cần thiết phải xác định rõ nhân thân, điều kiện, động cơ, mục đích… để đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

– Đánh giá thiệt hại, hậu quả của vụ án và xác định trách nhiệm dân sự (nếu có).

– Giải quyết các vấn đề về vật chứng (nếu có).

– Giải quyết vấn đề án phí hình sự, dân sự.

Ở phẩn này, cần nêu rõ căn cứ thực tế, căn cứ pháp luật, quan điểm của những người tham gia tố tụng, quan điểm của Hội đồng xét xử về từng vấn đề cụ thể. Cần có lập luận cụ thể về từng vấn đề: vì sao chập nhận quan điểm này, vì sao không chấp nhận quan điểm kia, vì sao Hội đồng xét xử thấy cần quyết định như thế này…

+ Đối với Phần quyết định:

Phần quyết định của bản án hình sự phải ghi đầy đủ, rõ ràng về các căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Các căn cứ này là các điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự hoặc văn bản pháp luật khác. Quyết định trong bản án phải cụ thể, dứt khoát, không nửa vời, nước đôi, không có sự hiểu lầm nhằm đảm bảo tính hiệu lực, tính trang nghiêm của bản án, đảm bảo cho việc thi hành án thuận lợi.

  1. Một số vấn đề cần lưu ý sau khi kết thúc phiên tòa

* Kiểm tra việc trả tự do cho bị cáo bị tạm giam đưởng hưởng án treo, tuyên bố không phạm tội, hoặc việc tạm giam bị cáo đang tại ngoại;

* Hoàn thiện bản án, giao bản án, gửi bản án theo quy định;

* Kiểm tra Biên bản phiên tòa, giải quyết yêu cầu xem biên bản phiên tòa và chỉnh sửa biên bản của người có quyền;

* Giải quyết việc trả lại một số giấy tờ, tài liệu, đồ vật cho người tham gia tố tụng: chứng minh nhân dân, đăng ký xe, giấy phép lái xe…

* Giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị;

* Kiểm tra hồ sơ, đánh số bút lục, gửi đi hoặc lưu kho./.

BÀI 18:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM

VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

  1. KHÁI QUÁT CHUNG CÁC TỘI PHẠM VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 Bộ Luật Hình sự  năm 1999 của nước ta đã có 3 điều luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin (điều 224, 225, 226). Tuy nhiên, Tội phạm công nghệ cao lại chỉ xuất hiện “rầm rộ” khoảng 3,4 năm trở lại đây và ngày càng có chiều hướng gia tăng,  nếu như năm 2011 ngành Công an phát hiện và điều tra xử lý 128 vụ việc, gây thiệt hại 58 tỷ đồng, hơn 1 triệu đô la Mỹ, đã thu giữ 12 tỷ đồng và 235.000 đôla Mỹ thì trong 6 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện và xử lý 111 vụ, 232 đối tượng. Tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này chính là mối đe dọa của an ninh chính trị. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã phát hiện nhiều thông tin mật, nhạy cảm đã bị đánh cắp và nhiều hệ thống thông tin trọng yếu đã bị tấn công hủy diệt, bởi những tác nhân bên ngoài và bị sử dụng để tấn công phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu có liên quan.

   Trước sự gia tăng của loại tội phạm này, mà các quy định tại ba điều luật trên lại không bao quát hết mọi hành vi phạm tội thực hiện thông qua sử dụng công nghệ thông tin, nhất là các hành vi phạm tội công nghệ cao đang xảy ra một cách phổ biến mà  hành lang pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn còn thiếu cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều cơ quan tố tụng phải lúng túng khi xử lý những vụ việc này. Để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, trên cơ sở dự báo các hành vi phạm tội liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua vào ngày 19-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010  đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện các quy định tại các Điều 224, 225, 226 và bổ sung thêm 2 tội mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đó là:

Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a) và Tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b). Có thể thấy đây chính là những cố gắng của các cơ quan chức năng nhằm tạo ra hành lang pháp lý ngăn chặn các nguy cơ cao từ lĩnh vực tội phạm công nghệ thông tin. Đặc biệt Điều 224, 225 và 226 cũng có sửa đổi cơ bản về tên gọi cũng như những hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm của những điều luật này. Trong thời gian gần đây, liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ thông tin và truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10-9-2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

  1. Khái niệm các tội phạm công nghệ thông tin

Thực tiễn hiện nay, trên thế giới cũng có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm các tội phạm về công nghệ thông tin và truyền thông. Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghệ thông tin mới chỉ hình thành và phát triển vài chục năm, nhưng đã khiến cho nhiều ngành kinh tế, xã hội và văn hoá phụ thuộc vào các công nghệ mới của nó, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của máy tính điện tử và internet. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, cũng làm biến đổi diện mạo của thế giới, hình thành một thế hệ mới, khác so với thế hệ cách họ chỉ vài chục năm, nếu trước đây nhiều quốc gia chậm phát triển còn xa lạ với công nghệ thông tin thì nay các quốc gia này cũng đã phụ thuộc vào công nghệ thông tin, coi máy tính, internet, email, điện thoại di động, máy ảnh số, máy nghe nhạc số… là những công cụ không thể thiếu trong cuộc sống. Cuộc cách mạng về công nghệ thông tin cũng phát triển những khái niệm, những từ ngữ mới và mới cách đây vài chục năm chưa được nhắc đến như nhưng nay đã trở lên quen thuộc trong đời sống xã hội như: thư điện tử (email), mạng thông tin toàn cầu (internet), thông tin di động (mobile phone), thương mại điện tử, công nghệ số (digital technology)  công nghệ không dây (wifi, Bluetooth), trò chuyện trên mạng (chatting), trò chơi trên mạng (game online) .v.v.

Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông và  khi mà các thành tựu của công nghệ thông tin ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội thì càng dễ bị con người lợi dụng, sử dụng hoặc là mục tiêu của giới tội phạm, hình thành nên một loại tội phạm mới đó là tội phạm về công nghệ thông tin và truyền thông. Chính việc tên gọi của loại tội phạm này hiện cũng có nhiều cách gọi khác nhau như: Tội phạm mạng, tội phạm tin học, tội phạm máy tính, dẫn đến việc xây dựng khái niệm về tội phạm này cũng gặp nhiều khó khăn và chưa có sự thống nhất, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề trên và quan điểm nào cũng có những khiếm khuyết nhất định, nên hiện nay cũng chưa thể có một khái niệm hoàn chỉnh được mọi người nhất trí cao.

Tại cuộc họp lần thứ 10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về ngăn chặn và xử lý tội phạm được tổ chức tại thành phố Viên (áo) từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 10 năm 2000, một cuộc hội thảo đã được tổ chức để bàn về vấn đề tội phạm công nghệ thông tin, việc định nghĩa tội phạm này đã được chia ra thành hai dạng tội phạm:

– Thứ nhất, tội phạm công nghệ thông tin theo nghĩa hẹp: được định nghĩa là các hành vi phạm tội sử dụng máy tính và mạng máy tính với mục đích xâm phạm đến an toàn của hệ thống máy tính và quy trình lưu trữ dữ liệu của hệ thống đó. Loại tội phạm theo định nghĩa này có thể được hiểu là loại tội phạm mới có quan hệ trực tiếp đến máy tính, mạng máy tính, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người sử dụng.

– Thứ hai, tội phạm công nghệ thông tin được hiểu theo nghĩa rộng: được định nghĩa là các hành vi phạm tội sử dụng máy tính hoặc các phương pháp khác có liên quan đến máy tính, mạng máy tính, bao gồm các loại tội phạm như chiếm giữ bất hợp pháp và đe doạ hoặc làm sai lệnh thông tin bằng phương pháp  sử dụng mạng máy tính. Loại tội phạm theo định nghĩa này là rất rộng, bao gồm nhiều loại hành vi của tội phạm truyền thống được thực hiện với sự trợ giúp của công cụ máy tính mà phổ biến hiện nay như các hành vi lừa đảo, trốn lậu cước viễn thông, mạo danh…

Định nghĩa này tuy chưa phải là một định nghĩa hoàn chỉnh, còn hết sức chung chung và sơ sài tuy nhiên nó có ý nghĩa quan trọng ở chỗ lần đầu tiên khái niệm thế nào là tội phạm công nghệ thông tin (hay tội phạm mạng) đã được các nước trên thế giới thảo luận và đi tới nhất trí. Tội phạm công nghệ thông tin, theo định nghĩa nêu trên, là những tội phạm liên quan đến máy tính và cách mạng thông tin. Định nghĩa thừa nhận tội phạm công nghệ thông tin bao gồm cả các tội phạm mới hình thành trong môi trường của công nghệ thông tin và cả những tội phạm truyền thống nhưng được thực hiện với sự giúp đỡ của các công nghệ thông tin mới. Để làm rõ hơn khái niệm về loại tội phạm công nghệ thông tin từ đó đưa ra những điểm khác biệt với tội phạm truyền thống khác, trước tiên chúng ta phân tích các đặc điểm của tội phạm công nghệ thông tin trên 4 dấu hiệu đặc trưng của tội phạm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm.

  1. Các đặc điểm chung nhất của tội phạm công nghệ thông tin

2.1.Khách thể của tội phạm

Trên cơ sở khái niệm về tội phạm công nghệ thông tin được nêu ở phần trên, chúng ta có thể chia khách thể của tội phạm này thành 2 loại:

Thứ nhất, tội phạm công nghệ thông tin xâm phạm, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống máy tính, mạng máy tính và thiết bị liên quan. Sự xâm phạm ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là từ các việc làm hỏng hóc, chiếm đoạt, làm sai lệnh thông tin của máy tính, mạng máy tính, các thiết bị liên quan cũng như các thông tin trong hệ thống máy tính và mạng máy tính. Các khách thể này rất đa dạng, từ chiếc máy tính đơn nhất, các thiết bị của mạng máy tính… đến các chương trình máy tính, các thông tin chứa đựng trong hệ thống máy tính và hệ thống mạng. Đây là nhóm khách thể của 03 tội danh về tin học trong Bộ luật hình sự 1999 của nước ta.

Thứ hai, tội phạm công nghệ thông tin sử dụng máy tính và mạng máy tính như là công cụ để xâm phạm đến lợi ích chính đáng của cá nhân, pháp nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Đây là khách thể rất rộng và liên quan đến các tội phạm truyền thống những đã sử dụng các thành tựu của công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội. Với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật mới, các tội phạm này có thể gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về nhiều mặt cho hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và đời sống xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Các hành vi  của tội phạm công nghệ thông tin thường rất đa dạng và phức tạp. Các hành vi này cũng phát triển, thay đổi không ngừng cùng với sự phát triển của các công nghệ mới.

Hiện nay, theo Bộ luật hình sự 1999 của nước ta thì có 3 nhóm hành vi chính, đó là:

– Nhóm hành vi tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút qua mạng máy tính hoặc bằng các phương thức khác. Tạo ra các chương trình vi-rút là hành vi sản xuất ra các chương trình vi-rút tin học. lan truyền các chương trình vi-rút là hành vi truyền đi các chương trình vi-rút tin học thông qua hệ thống (mạng) máy tính trong nước hoặc quốc tế (internet). Phát tán các chương trình vi-rút là hành vi truyền các chương trình vi-rút tin học không thông qua hệ thống mạng máy tính mà bằng các sản phẩm phần mềm máy tính (Điều 224).

– Nhóm hành vi vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử trái với các quy định của Nhà nước. Vận hành mạng máy tính điện tử là hành vi khởi động, truy cập vào hệ thống mạng máy tính điện tử. Khai thác mạng máy tính điện tử là hành vi tìm kiếm nhằm rút ra hoặc ghi lại các thông tin cần thiết cho nhu cầu của mình từ các dữ liệu trong mạng máy tính điện tử. Sử dụng mạng máy tính điện tử là hành vi phát huy tính năng, công dụng của mạng máy tính điện tử nhằm khai thác các thông tin có  trong các dữ liệu của máy tính (Điều 225).

– Nhóm hành vi sử dụng thông tin trên mạng và trong máy tính hoặc đưa vào mạng máy tính các thông tin trái với các quy định của Nhà nước. Sử dụng trái phép thông tin trong các dữ liệu của máy tính không được phép của cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền. Đưa trái phép vào mạng máy tính các thông tin là hành vi đưa các thông tin vào trong các dữ liệu của máy tính không được phép của các cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền (Điều 226).

Thông thường, các hành vi phạm tội của nhóm tội phạm về công nghệ thông tin cần phải gây ra hậu quả thiệt hại nhất định thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 224 Bộ luật hình sự 1999 quy định nếu chỉ tạo ra các chương trình vi-rút nhưng không lan truyền hoặc phát tán chúng, không gây ra hậu quả thiệt hại thì không cấu thành tội phạm.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Cũng giống như các tội phạm truyền thống khác, chủ thể của tội phạm công nghệ thông tin là những cá nhân ở độ tuổi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự 1999 nước ta quy định là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với các tội phạm công nghệ thông tin, các chủ thể này thường là những người có hiểu biết về công nghệ máy tính, công nghệ mạng và đã lợi dụng những hiểu biết này để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chủ thể là những người không hiểu biết đầy đủ về các quy định liên quan đến vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử dẫn đến những thiệt hại (ví dụ Điều 225 Bộ luật hình sự 1999 về tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử). Một vấn đề nữa đáng lưu ý hiện nay đối với chủ thể của nhóm tội phạm này là tình trạng ngày càng “trẻ hoá” của các hacker. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và các chương trình phần mềm, giới trẻ luôn là thế hệ nhận biết nhanh nhạy những công nghệ mới, cộng với tính cách còn bồng bột, thích thể hiện mình nên rất dễ dẫn đến việc rơi vào con đường phạm tội với những động cơ và mục đích hết sức đơn giản, ngây thơ, chẳng hạn tạo ra và phát tán virus tin học gây hại chỉ để đùa vui,  hoặc thâm nhập các trang thông tin chỉ để thể hiện khả năng của bản thân.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Đối với các tội phạm về công nghệ thông tin, thông thường được thực hiện do lỗi cố ý. Trong 3 tội danh có liên quan đến tội phạm tin học trong Bộ luật hình sự 1999 có một tội danh được thực hiện do lỗi vô ý do cẩu thả hoặc quá tự tin là tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử (Điều 225). Tuy nhiên, trong trường hợp lỗi vô ý, thì thường là những hành vi gây ra hậu quả thiệt hại nghiêm trọng. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm xảy ra các thiệt hại. Trong trường hợp tuy hành vi phạm chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

Các yếu tố về động cơ, mục đích phạm tội của nhóm các tội phạm công nghệ thông tin thường không phải là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này mà quan trọng nhất để xác định tội phạm là hành vi phạm tội và hậu quả thiệt hại. Sở dĩ như vậy vì chúng ta có thể thấy động cơ, mục đích của nhóm tội về công nghệ thông tin rất đa dạng và đôi khi động cơ, mục đích rất đơn giản nhưng lại gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, đối với nhóm tội phạm này, chúng ta không thể coi động cơ, mục đích là dấu hiệu bắt buộc mà chỉ nên coi chúng nhưng là những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ có liên quan mà thôi.

  1. CÁC QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ ĐỐI VỚI TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ VIỄN THÔNG
  2. Các quy định mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự trong các Điều 224, 225, 226

Thứ nhất: Về tên gọi của điều luật. Đối với ba tội danh đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật năm 2009 đã bổ xung một số hành vi vào các Điều luật này thể hiện như sau:

– Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học (Điều 224) được sửa tên điều luật thành “Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”.

– Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử (Điều 225) được sửa tên điều luật thành “Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”.

– Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính (Điều 226) được sửa tên điều luật thành “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”.

Thứ hai: Một số quy định bổ sung vào các điều luật trên.

Việc sửa đổi ba điều luật nêu trên đều theo hướng thiết kế điều luật cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đưa thêm một số hành vi vào ngay tên gọi của các điều luật như: Theo Điều 224 “Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học”   chỉ có quy định hành vi tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học một cách chung nhất, thì Luật sửa đổi đã bổ sung thêm một cách cụ thể và quy định rõ về “tính năng gây hại” cho cả mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Điều 225 quy định về các hành vi vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi và thay bằng các thuật ngữ theo hướng cụ thể và mở rộng hơn đó là thay thế cụm từ “khai thác”, “sử dụng” bằng cụm từ “cản trở” hoặc “gây rối” không chỉ đối với mạng máy tính mà còn cả đối với cả mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Tương tự như vậy, tại Điều 226 cũng được bổ sung thêm hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet.

 Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung cũng đưa thêm vào cấu thành tăng nặng một số tình tiết định khung như “có tổ chức”, “tái phạm nguy hiểm”, “đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng” (khoản 2 và 3 Điều 224);

– “Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”“Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ an ninh quốc phòng”, “Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng, hệ thống thông tin điều khiển giao thông”. (khoản 2 và 3 Điều 225);

– “Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”. “Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên” (Điều 226).

Cả ba điều luật này đều được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt tiền từ “năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng” lên từ “hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng” (khoản 1 Điều 224, và 225) và từ “năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng” lên “từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng” (khoản 1 Điều 226).

Hình phạt tiền là hình phạt bổ sung của Điều 224 và 225 không có sự sửa đổi so với luật cũ, nhưng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung của Điều 226 đã nâng từ “ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng” lên “từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng”.

   Thứ ba: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 đã tội phạm hóa một số hành vi thành các tội độc lập quy định tại Điều 226a và 226b cụ thể:

– Điều 226a. Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.

1.Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

  1. a) Có tổ chức;
  2. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  3. c) Thu lợi bất chính lớn;
  4. d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

  1. a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng;
  2. b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
  3. c) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
  4. d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

– Điều 226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

1.Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:

  1. a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
  2. b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
  3. c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  4. d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
  6. a) Có tổ chức;
  7. b) Phạm tội nhiều lần;
  8. c) Có tính chất chuyên nghiệp;
  9. d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;

  1. e) Tái phạm nguy hiểm.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

  1. a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
  2. b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
  4. a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
  5. b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
  6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
  7. Văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông

 Để áp dụng một cách thống nhất các quy định bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009 đối với các tội phạm về công nghệ thông tin, đặc biệt là đối với các hành vi mới được tội phạm hóa thành hai tội độc lập quy định tại Điều 226a và 226b, Liên bộ Bộ Công an – Bộ quốc phòng – Bộ Tư Pháp – Bộ Thông tin và truyền thông – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao  đã ban hành Thông tư liên tịch số 10//2012/ TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/09/2012 Hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, Thông tư liên tịch đã giải thích cụ thể các từ ngữ liên quan đến tội phạm công nghệ thông tin đó là:

  1. Chương trình tin học có tính năng gây hạilà chương trình tự động hóa xử lý thông tin, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số.
  2. Dữ liệu thiết bị sốlà hệ điều hành, phần mềm ứng dụng, thông tin chứa trong thiết bị số.
  3. Mạng máy tínhlà tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau.
  4. Thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhânlà những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ.
  5. Thương mại điện tửlà việc tiến hành một khâu hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử.
  6. Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành thẻ cấp cho khách hàng sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa ngân hàng phát hành thẻ và chủ thẻ.
  7. Cảnh báolà thông báo không cho phép người không có thẩm quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu.
  8. Mã truy cậplà điều kiện bắt buộc đáp ứng một tiêu chí chuẩn nhất định trước khi sử dụng, truy cập tới thiết bị, nội dung dữ liệu được bảo vệ.
  9. Tường lửalà tập hợp các thành phần hoặc một hệ thống các trang thiết bị, phần mềm hoặc phần cứng được đặt giữa hai hoặc nhiều mạng, nhằm kiểm soát tất cả các kết nối từ bên trong ra bên ngoài mạng và ngược lại, đồng thời ngăn chặn việc xâm nhập, kết nối trái phép.
  10. Quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internetlà quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của cá nhân, tổ chức.
  11. Hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nướclà hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức quản lý có chứa những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nưóc không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
  12. Hệ thống thông tin phục vụ an ninhlà hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức chứa đựng những dữ liệu có liên quan đến việc bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
  13. Hệ thống thông tin phục vụ quốc phònglà hệ thống thông tin của tổ chức, cơ quan nhà nước chứa đựng những dữ liệu có liên quan đến việc bảo vệ đất nước.
  14. Hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gialà hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình điện của quốc gia để truyền tải năng lượng điện từ nơi sản xuất điện đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện.
  15. Hệ thống thông tin điều khiển giao thônglà hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình giao thông nhằm bảo đảm hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn.
  16. Hệ thống thông tin tài chính, ngân hànglà hệ thống thông tin chứa đựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho một hoặc nhiều hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ tài chính, ngân hàng.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn áp dụng các quy định về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt bao gồm các tình tiết: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, thế nào là thiệt hại về tài sản và việc xác định người bị hại trong các vụ án về công nghệ thông tin, quy trình thu thập dữ liệu…

Đặc biệt thông tư cũng đã quy định và mô tả rất cụ thể về các hành vi khách quan, các tình tiết, mức độ định lượng trong cấu thành cơ bản và cấu thành tăng nặng của các Điều 224, 225, 226, Điều 226a và 226b Bộ luật hình sự cụ thể như:

Về tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (Điều 224 Bộ luật hình sự)

  1. Cố ý phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số được hiểu là hành vi cố ý lan truyền chương trình vi rút, chương trình tin học nhằm gây rối loạn hoạt động, phong tỏa, sao chép, làm biến dạng, huỷ hoại các dữ liệu của máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị số.
  2. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 224 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
  3. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 224 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
  4. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 3 Điều Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

 Về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (Điều 225 Bộ luật hình sự)

  1. Tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số quy định tại điểm a khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự là hành vi cố ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số mà không được sự đồng ý của chủ thể quản lý phần mềm, dữ liệu kỹ thuật số đó.
  2. Ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số quy định tại điểm b khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự là hành vi trái pháp luật cố ý làm cho việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số bị gián đoạn hoặc không thực hiện được.
  3. Hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số quy định tại điểm c khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự là hành vi cố ý của người không có quyền quản lý, vận hành, khai thác mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số bằng việc đưa vào, truyền tải làm hư hỏng, xóa, làm suy giảm, thay thế hoặc nén dữ liệu máy tính, thiết bị viễn thông hoặc thiết bị số.
  4. Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet quy định tại điểm b khoản 2 Điều 225 Bộ luật hình sự là người phạm tội đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của mình để thực hiện hành vi phạm tội.
  5. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
  6. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 225 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
  7. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 225 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

 Về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Điều 226 Bộ luật hình sự)

  1. Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet quy định tại điểm b khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự được hiểu là người phạm tội đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của mình để thực hiện hành vi phạm tội.
  2. Cần lưu ý, trường hợp xác định hậu quả phi vật chất có thể dựa vào cách đánh giá về ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này phải tùy vào từng điều kiện cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
  3. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự thuộc một trong những trường hợp sau:
  4. a) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
  5. b) Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến gây rối loạn và làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức;
  6. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự (tuy tính chất, mức độ hành vi khác nhau nhưng có cùng khung hình phạt) thuộc một trong những trường hợp sau:
  7. a) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên;
  8. b) Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến việc cơ quan, tổ chức bị xâm phạm giải thể hoặc phá sản.

 Về tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a Bộ luật hình sự)

  1. Sử dụng quyền quản trị của người khác được hiểu là người phạm tội đã sử dụng bất hợp pháp quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số để thực hiện hành vi phạm tội.
  2. Thu lợi bất chính lớn quy định tại điểm c khoản 2 Điều 226a Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính có giá trị từ hai mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng.
  3. Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn quy định tại điểm c khoản 3 Điều 226a Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên.
  4. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 226a Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
  5. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm d khoản 3 Điều 226a Bộ luật hình sự (tuy tính chất, mức độ hành vi khác nhau nhưng có cùng khung hình phạt) là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên.

 Về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b Bộ luật hình sự)

  1. Làm giả thẻ ngân hàng là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống như thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành).
  2. Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản là hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người khác mà không được sự cho phép của người đó để truy cập vào tài khoản không phải của mình.
  3. Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng là sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó.
  4. Hành vi khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 226b Bộ luật hình sự bao gồm các hành vi: Gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự.
  5. Phạm tội nhiều lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản trở lên mà chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
  6. Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự cần chú ý:
  7. a) Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các tình tiết:

– Có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

– Người phạm tội lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm các tội đó mà có làm nguồn sống chính.

  1. b) Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là: “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
  2. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
  3. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 226b Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
  4. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 226b Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

III. CÁC DẤU HIỆU PHÁP LÝ ĐẶC TRƯNG CỦA CÁC TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10//2012/ TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/09/2012 Hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, thì chúng ta có thể thấy các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông thể hiện như sau:

  1. Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (Điều 224)
  2. Khách thể của tội phạm:

   Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số trực tiếp xâm phạm an toàn trong hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số và có thể gây những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về nhiều mặt đối với hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức và đời sống xã hội.

   So với BLHS chưa sửa đổi thì đối tượng bị xâm hại của tội phạm này được mở rộng hơn, bao gồm không chỉ mạng máy tính mà cả mạng viễn thông, mạng Internet và thiết bị số.

– Mạng máy tính: Là hệ thống các máy tính được kết nối với nhau qua đường truyền tin để có thể trao đổi thông tin và dùng chung cơ sở dữ liệu.

– Mạng viễn thông: Là hệ thống các thiết bị viễn thông (cả phần cứng và phần mềm bao gồm: thiết bị truyền dẫn, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị xử lý thông tin khác) và các thiết bị mạng được dùng để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.

 – Mạng Internet: Là hệ thống gồm các mạng máy tính được kết nối với nhau trên phạm vi toàn thế giới để thực hiện các dịch vụ truyền thông tin dữ liệu (tìm đọc thông tin từ xa, truyền các tệp tin, thư tín điện tử và các nhóm thông tin).

– Thiết bị số: Là thiết bị điện tử, máy tính, viễn thông, truyền dẫn, thu phát sóng vô tuyến điện và thiết bị tích hợp khác được sử dụng để sản xuất, truyền đưa, thu thập xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.([1])

  1.   Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể thực hiện tội phạm là chủ thể thường, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 1 và 2) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 3) và có năng lực trách nhiệm hình sự.

  1.  Mặt khách quan của tội phạm:

   Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở việc phát tán (cố ý lan truyền) vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại (gây rối loạn hoạt động, phong tỏa, sao chép, làm biến dạng, huỷ hoại các dữ liệu cho mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số. (Điều 224 BLHS và Điều 6 Thông tư).

   Phát tán chương trình tin học có tính năng gây hại là hành vi lan truyền vi rút máy tính từ các chương trình tin học thông qua các sản phầm phần mềm, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số.

   Tội phạm có cấu thành vật chất khi đòi hòi phải gây thiệt hại nghiêm trọng (gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng  thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hậu quả nghiêm trọng thể hiện như: gây tắc nghẽn, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số, làm mất tác dụng các phần mềm bảo đảm án toàn, an ninh thông tin…) Tội phạm hoàn thành từ thới điểm có hậu quả xảy ra.

  1.  Mặt chủ quan của tội phạm:

   Điều luật quy định “Người nào cố ý phát tán vi rút…”, do đó lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Đông cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc.

   đ. Hình phạt:

Điều 224 Bộ luật hình sự quy định có ba khung hình phạt:

   Khung 1: Quy định mức hình phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, trong trường hợp gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng

   Khung 2: Quy định hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm tương ứng với một số tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm, trong đó đáng chú ý là gây hậu quả rất nghiêm trọng (gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng đồng đến dưới năm trăm triệu đồng)[2] sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 224 BLHS.

   Khung 3: Quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười hai năm đối với các tình tiết định khung tăng nặng.

   Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 224 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.[3]

   Khung 4: Hình phạt bổ sung quy định mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

  1. Tội cản trở hoặc gây rối hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (Điều 225)
  2. Khách thể của tội phạm:

   Cũng giống như Điều 224, khách thể của tội phạm quy định tại Điều 225 BLHS cũng là xâm phạm đến hoạt động an toàn của hệ thống máy tính và viễn thông.

  1. Chủ thể của tội phạm:

   Chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 225 BLHS là chủ thể thường, tương tự như chủ thể của tội phạm tại Điều 224 BLHS.

  1. Mặt khách quan của tội phạm:

   Các dạng hành vi phạm tội có thể thuộc một trong các trường hợp sau:

   – Tự ý (được hiểu là thực hiện hành vi một cách cố ý khi không có sự đồng ý của chủ thể quản lý phần mềm, dữ liệu kỹ thuật số) xoá, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số.

   – Ngăn chặn trái phép (được hiểu là hành vi trái pháp luật được thực hiện một cách cố ý làm gián đoạn hoặc làm cho không thực hiện được )việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số.

   – Hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Ở đây nhà làm luật đã xây dựng một quy định mở, theo đó các dạng hành vi khác (không liệt kê) nếu sau này phát sinh trên thực tế mà chưa được dự liệu trước ở thời điểm sửa đổi, bổ sung BLHS 2009 làm cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số sẽ có thế xem xét xử lý theo nhóm hành vi này. Thông tư có hướng dẫn bằng cách liệt kê một số ví dụ của “hành vi khác” ở đây có thể là đưa vào, truyền tải làm hư hỏng, xóa, làm suy giảm, thay thế hoặc nén dữ liệu máy tính, thiết bị viễn thông hay thiết bị số. Cản trở hoặc gây rối loạn được hiểu là hành vi cố ý trái pháp luật của người không có thẩm quyền (trong khai thác, quản lý, vận hành) làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số.[4]

  1. Mặt chủ quan của tội phạm:

   Lỗi của người phạm tội có thể là cố ý.

   đ. Hình phạt: Điều 225 quy định ba khung hình phạt:

   Khung 1: Quy định hình phạt tiền từ hai mươi triệu đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm

Tội phạm có cấu thành vật chất, đòi hỏi phải có hậu quả nghiêm trọng (gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng) nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 BLHS hay Điều 226a BLHS.

   Khung 2: Quy định hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm tương ứng với một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó đáng chú ý là điểm b khoản 2 Điều 225 BLHS “Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”. Trong đó quyền quản trị mạng được hiểu là quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.[5] Tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản này là thiệt hại vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

Khung 3: Quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười hai năm tương ứng với một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự,  Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 225 BLHS là thiệt hại vật chất có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.[6]

Hình phạt bổ sung: Quy định như Điều 224 BLHS.

  1. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Điều 226)
  2. Khách thể của tội phạm:

   Cũng giống như tội phạm Điều 224, Điều 225 BLHS, tội phạm quy định tại Điều 226 cũng xâm phạm khách thể là sự an toàn của hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

  1. Chủ thể của tội phạm:

   Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường.

  1. Mặt khách quan của tội phạm:

   Hành vi phạm tội được thể hiện ở một trong các dạng sau:

   – Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (gọi chung là mạng) những thông tin trái pháp luật, thông tin trái pháp luật ở đây được hiểu là những thông tin vi phạm các điều cấm của pháp luật (như thông tin bôi xấu danh dự, nhân phẩm của người khác, các thông tin phản khoa học gây hoang mang và bức xúc trong dư luận…), hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.

   – Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Đây được hiểu là quy định mang tính chất bảo vệ quyền công dân, quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền bí mật đời tư, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005. Đây là quyền của cá nhân, tổ chức trong việc định đoạt các thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, các thông tin riêng của tổ chức mà họ là chủ sở hữu các thông tin đó. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây là những thông tin riêng hợp pháp thì chủ sở hữu của những thông tin đó mới được pháp luật bảo vệ. Theo cách hiểu thông thường thì đây là những dạng thông tin riêng của cá nhân, tổ chức phù hợp với quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức và thuần phong mĩ tục.

   – Các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng. Đây là một quy định mở để truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp người không có thẩm quyền quản lý, sử dụng, khai thác thông tin trên mạng nhưng vẫn sử dụng những thông tin đó.

   Hậu quả pháp lý bắt buộc là phải gây thiệt hại nghiêm trọng, thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, có cân nhắc đến các thiệt hại phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các chính sách, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động các cơ quan, tổ chức.[7]

  1. Mặt chủ quan của tội phạm:

   Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

   đ. Hình phạt: Điều 226 quy định hai khung hình phạt.

   Khung 1: Quy định mức phạt tiền từ mười triệu đến một trăm triệu đồng cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đên ba năm.

   Khung 2:  Điều 226 BLHS quy định về một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, đáng chú ý là tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, đã được hướng dẫn định lượng cụ thể như sau: gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên; hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến việc cơ quan, tổ chức bị xâm phạm giải thể hoặc phá sản.

   Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, các quy định khác giống như Điều 225.

  1. Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a)
  2. Khách thể của tội phạm:

   Tội phạm xâm phạm đến sự an toàn trong hoạt động của lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

  1. Chủ thể của tội phạm:

   Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường.

  1. Mặt khách quan của tội phạm:

   Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở các dạng sau:

   – Truy nhập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển. Thủ đoạn là vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc phương thức khác. Lợi dụng quyền quản trị mạng của người khác được hiểu là sử dụng trái phép quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định của hệ thống mạng và thiết bị số để thực hiện hành vi phạm tội.

   – Can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số.

   – Lấy cắp, thay đổi hoặc hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép dịch vụ.

   Tội phạm có cấu thành hình thức vì không yêu cầu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Hậu quả có thể được xem xét là tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2, khoản 3 Điều 226a BLHS. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 226a Bộ luật hình sự là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm d khoản 3 Điều 226a Bộ luật hình sự (tuy tính chất, mức độ hành vi khác nhau nhưng có cùng khung hình phạt) là gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên.[8]

   Đáng lưu ý là trong tội danh này, thu lợi bất chính có thể được coi là tình tiết định khung tăng nặng. Thu lợi bất chính lớn quy định tại điểm c khoản 2 Điều 226a Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính có giá trị từ hai mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng.Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn quy định tại điểm c khoản 3 Điều 226a Bộ luật hình sự là thu lợi bất chính có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên.[9]

  1. Mặt chủ quan của tội phạm:

   Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

  1. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b)
  2. Khách thể của tội phạm:

   Tội phạm xâm phạm hoạt động bình thường trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

  1. Chủ thể của tội phạm:

   Chủ thể phạm tội là chủ thể thường.

  1. Mặt khách quan của tội phạm:

   Mục đích của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số như là công cụ phạm tội. Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong những dạng sau:

   – Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ. Trong đó, làm giả thẻ ngân hàng là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống như thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành).

   – Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là việc cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người khác mà không được sự cho phép của người đó để truy cập vào tài khoản không phải của mình để chiếm đoạt tài sản.

   – Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi lừa đảo ở đây thể hiện ở việc sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó.

   – Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi khác ở đây có thể là gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự.

   Một số tình tiết là định khung tăng nặng của điều luật như phạm tội nhiều lần, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được hướng dẫn cụ thể tại các khoản 5, 6, 7, 8, 9  Điều 10 Thông tư hướng dẫn. Cần chú ý là khi xem xét dấu hiệu hậu quả là tình tiết định khung tăng nặng thì không được căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt mà phải xác định đó là thiệt hại xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt (Điều 3 Thông tư hướng dẫn).

  1. Mặt chủ quan của tội phạm:

   Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

  1. Một số vướng mắc cần lưu ý trong việc giải quyết các vụ án về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông

   Mặc dù Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định ba điều luật về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin là Điều 224, 225, 226 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 đã tội phạm hóa một số hành vi thành các tội độc lập, quy định tại Điều 226a và 226b. Song thực tiễn các vụ án trong lĩnh vực công nghệ thông tin được đưa ra xét xử rất ít. Như năm 2009 trở về trước, theo thống kê các vụ án hình sự xét xử trên phạm vi cả nước thì tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin không có vụ án nào, năm 2010 có 1 vụ với 1 bị cáo, năm 2011 có 4 vụ với 12 bị cáo.[10]

   Số lượng các vụ án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin không được đưa ra xét xử nhiều là do nhiều nguyên nhân cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan như:

   Thứ nhất: Về vấn đề thu thập, bảo quản và đánh giá chứng cứ.

   Trong các vụ án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin thì các dấu vết được thu thập thường thể hiện là các chứng cứ điện tử.[11] Do đó việc thu thập, bảo quản và xử lý các chứng cứ này để chứng minh tội phạm đòi hỏi phải tuân theo chu trình nghiêm ngặt, nếu không rất dễ làm mất các dấu vết không khôi phục được. Lý do là loại chứng cứ điện tử nếu không được lưu giữ giám sát theo quy trình được pháp luật quy định thì sẽ không bảo toàn được tính chính xác toàn vẹn so với nguyên gốc vì đặc điểm của loại tài liệu này rất dễ có thể bị sửa chữa, xóa bớt hay chèn thêm thông tin.[12] Trong thực tiễn, những dữ liệu máy tính thể hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm công nghệ cao cho đến nay chưa được coi là chứng cứ nếu không xử lý tốt bằng các biện pháp tố tụng, chuyển hóa. Ngoài ra, giữa các cơ quan tố tụng còn có những nhận thức chưa thống nhất về thủ đoạn phạm tội cũng như cách thức vận dụng pháp luật để giải quyết án. Chính vì vậy, việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm là hết sức khó khăn.

   Thứ hai: Về trình độ của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán  và trang thiết bị của các cơ quan pháp luật còn chưa được trang bị đầy đủ và phù hợp.

   Đây là một loại tội phạm mới xuất hiện ở Việt Nam, là lĩnh vực rất phức tạp, các hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này thường rất khó phát hiện, để đấu tranh với loại tội phạm này đòi hỏi cần phải có đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chuyên nghiệp có kiến thức chuyên ngành về công nghệ thông tin. Song thực tế hiện nay, lực lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán thực thi nhiệm vụ trong lĩnh vực này còn mỏng, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. nên kinh nghiệm điều tra, truy tố cũng chưa nhiều. Các quy định trong Bộ luật hình sự về loại tội phạm này ban hành từ năm 1999 cho đến năm 2009 có bổ sung thêm một số tội danh mới,  nhưng đến mới đây năm 2012 mới có văn bản hướng dẫn thi hành. Như vậy, ngoài yếu tố nhận thức và hiểu biết về kiến thức chuyên ngành công nghệ thông tin của các cán bộ tiến hành tố tụng còn hạn chế, thì một trong những khó khăn trong việc ứng phó với loại tội phạm này là các quy định của Bộ luật hình sự còn quá chung chung, mang tính nguyên tắc, sau khoảng thời gian dài kể từ khi ban hành đến nay mới có văn bản hướng dẫn, nên có thể dẫn tới việc hiểu điều luật chưa thống nhất và bỏ lọt tội phạm. Theo dự báo  thì tình hình tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông sẽ có chiều hướng gia tăng với tốc độ nhanh, và ngày càng tinh vi phức tạp liên ngành Trung ương cần có các hội nghị tập huấn và các văn bản hướng dẫn cụ thể và thường xuyên để việc xử lý và áp dụng pháp luật được thống nhất và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, cần trao quyền cho cơ quan điều tra được sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt để thu thập chứng cứ ví dụ sử dụng kỹ thuật công nghệ máy tính để phục hồi lại các dữ liệu đã bị xóa… cũng như quyền hạn ở phạm vi rộng hơn liên quan đến hoạt động thu thập các chứng cứ ở dạng dữ liệu điện tử (như quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp thông tin, quyền truy cập máy tính và lấy dữ liệu), cần coi những hành vi cố tình truy cập trái phép vào  hệ thống mạng các lĩnh vực quan trọng mang tính bí mật của nhà nước như của Chính phủ, Quân đội, Công an Chỉ… là hành vi phạm tội, không cần phải chứng minh rõ về mục đích hay động cơ phạm tội. Có thực hiện được những điều này thì chúng ta mới có thể xử lý một cách có hiệu quả đối với loại hình tội phạm mới này.

BÀI 19:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ CÁC TỘI PHẠM

VỀ THAM NHŨNG

  

  1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÁC TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG

   Mặc dù, Bộ luật Hình đã được Quốc hội nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng trong quá trình áp dụng thực hiện trong thực tiễn vẫn còn nhiều điều luật vướng mắc, bất cập nhưng chưa được các ngành Tư pháp Trung ương hướng dẫn cụ thể để thực hiện, từ đó dẫn đến tình trạng nhận thức và áp dụng một số điều trong Bộ luật Hình sự, đặc biệt là đối với các tội phạm về tham nhũng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được thống nhất, làm hạn chế đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; gây không ít khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trong quá trình áp dụng  thực hiện.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định ở Việt Nam tồn tại 5 thành phần kinh tế, đó là: Kinh tế Nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân (Gồm kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân); kinh tế tư bản Nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong những năm qua, các thành phần kinh tế trên phạm vi cả nước có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội cần phải quan tâm giải quyết, trong đó có tình hình vi phạm và tội phạm, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tham nhũng quy định tại Chương XXI Các tội phạm về chức vụ. Trong quá trình giải quyết nhóm tội này xuất hiện nhiều vấn đề mới, bất cập mà Bộ luật Hình sự và các văn bản dưới luật chưa kịp điều chỉnh và hướng dẫn. Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng triệt để kẽ hở của pháp luật và những hạn chế trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Nhà nước để thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi; gây ra hậu quả rất lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước, nhưng không dễ phát hiện, xử lý. Nếu có phát hiện, thì việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp cả về quy mô, tính chất của vụ án; ý thức chống đối pháp luật của người phạm tội và mối quan hệ của họ; việc áp dụng pháp luật giữa các ngành tố tụng có nhiều vụ cũng không  được thống nhất, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vụ án trong các nhóm tội này.

Do vậy, để vận dụng đúng các quy định để xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi tham nhũng trong xã hội hiện nay, đòi hỏi mỗi Thẩm phán đều phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức pháp luật cần thiết cũng như cập nhật đầy đủ các văn bản hướng dẫn dưới luật để đảm bảo việc xét xử kịp thời, nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Để xét xử tốt các tội phạm về tham nhũng, chúng ta cần nắm vững những kiến thức cơ bản sau:

  1. Khái niệm các tội phạm về tham nhũng

Các tội phạm về tham nhũng được quy định từ Điều 278 đến Điều 284 thuộc Chương các tội phạm về chức vụ. Theo Bộ luật hình sự năm 1999 thì khái niệm người có chức vụ được hiểu như sau:

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. (Điều 277).

Trong đó khái niệm tội phạm về chức vụ là: Tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ (Điều 277). Các tội phạm về chức vụ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Từ khái niệm trên có thể hiểu Tham nhũng cũng chính là những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Trong luật hình sự Việt Nam, nhiều hành vi tham nhũng cụ thể như hành vi tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công việc… đã được quy định tương đối sớm. Tuy nhiên, khái niệm tham nhũng nói chung cũng như khái niệm về các tội phạm về tham nhũng nói riêng chỉ được quy định trong luật hình sự Việt Nam kể từ khi có Bộ luật hình sự năm 1999.

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, thì hành vi tham nhũng chỉ có thể do người có chức vụ, quyền hạn gây ra. Những người này bao gồm:

– Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân;

– Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp Nhà nước;

– Cán bộ xã, phường, thị trấn;

– Những người khác được giao nhiệm vụ công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Những người có chức vụ quyền, hạn có thể thực hiện các hành vi tham  nhũng sau:

– Tham ô tài sản;

– Nhận hối lộ;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng tài sản để đưa hối lộ;

– Lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước và công dân;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;

– Lạm quyền trong khi thi hành công vụ;

– Giả mạo trong công tác để vụ lợi.

Những hành vi tham nhũng này bị coi là tội phạm khi có tính nguy hiểm đáng kể. Tiêu chí chủ yếu để xác định tính nguy hiểm đáng kể của hành vi tham nhũng là mức độ hậu quả và nhân thân người phạm tội.

  1. Các dấu hiệu pháp lý của các tội phạm tham nhũng

Khách thể của các tội phạm tham nhũng:

Các tội phạm tham nhũng trực tiếp xâm hại sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Xâm hại đến quan hệ sở hữu Nhà nước và xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản của công dân.

Mặt khách quan của các tội phạm về tham nhũng:

Hành vi khách quan của các tội phạm tham nhũng, được thể hiện ở hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành công vụ, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Cần lưu ý ở đây là, việc thực hiện các hành vi này của người có chức vụ, quyền hạn phải liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà người phạm tội được cơ quan, tổ chức giao cho. Nếu thiếu dấu hiệu này, thì hành vi vi phạm pháp luật do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không cấu thành các tội về tham nhũng.

Hành vi khách quan được biểu hiện cả dưới dạng hành động và không hành động. Dạng hành động thể hiện ở việc người có chức vụ, quyền hạn có thể trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội hoặc lợi dụng địa vị, uy tín, mối quan hệ trong công tác để thúc đẩy, bắt ép người khác cũng có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép (ngoài phạm vi thẩm quyền).

Hành vi phạm tội biểu hiện dưới dạng không hành động là: Người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc không làm một việc phải làm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với các tội phạm quy định tại các Điều 279, 283, 284 thì hậu quả không phải là bắt buộc của cấu thành tội phạm. Còn đối với các tội phạm quy định tại các Điều 278, 280, 281, 282 thì hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm. Hậu quả ở đây có thể là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm này cần phải xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn và hậu quả xảy ra.

Chủ thể của các tội phạm tham nhũng:

Đối với các tội phạm tham nhũng thì chủ thể của tội phạm luôn phải là người có chức vụ quyền hạn. Đối với các tội phạm khác về chức vụ thì chủ thể của tội phạm có thể là người có chức vụ có thể không phải là người có chức vụ.

Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự có thể chia chủ thể của các tội phạm tham nhũng dựa theo các đặc trưng cơ bản sau :

  1. a) Chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn đại diện cho quyền lực Nhà nước.

Đây là những người có chức vụ, quyền hạn đặc biệt. Ngoài những dấu hiệu chung của người có chức vụ, quyền hạn, loại người này còn có một số dấu hiệu đặc thù biểu hiện như sau: Họ được giao chức năng đại diện cho quyền lực Nhà nước; họ có quyền tự cá nhân mình hoặc qua tập thể ra những quyết định mang tính chất mệnh lệnh, bắt buộc đối với người khác; trong khi thực hiện chức năng đại diện quyền lực Nhà nước họ không bị hạn chế trong những lĩnh vực được giao nhất định. Những người có chức vụ, quyền hạn đại diện quyền lực Nhà nước là một khái niệm tương đối rộng bao gồm cả những người đại diện cho chính quyền như:

Những người dân quân, tự vệ được giao nhiệm vụ như tuần tra, canh gác, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng được coi là người đại diện chính quyền. Và cả những người không phải là cán bộ các cơ quan Nhà nước nhưng khi được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn trị an, an ninh xã hội như thanh niên cờ đỏ, dân phòng, dân phố cũng được coi là người đại diện chính quyền vì trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao họ có quyền ra những quyết định mang tính chất bắt buộc đối với người khác.

  1. Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức điều hành, quản lý hành chính trong các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội.

Loại chủ thể này cũng rất đa dạng, nhưng để coi những người đó là người có chức vụ, quyền hạn cần có các điều kiện sau:

– Phải dựa trên cơ sở của các văn bản pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền hay thủ trưởng cấp trên giao cho họ thường xuyên hay tạm thời giữ những chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội.

– Họ được pháp luật giao cho giữ chức vụ, quyền hạn để thực hiện chức năng tổ chức điều hành, quản lý trong các cơ quan hoặc tổ chức đó.

Những chủ thể này, chính là những người thực hiện chức năng có liên quan trực tiếp đến việc điều khiển, quản lý con người; lãnh đạo; chỉ đạo; kiểm tra công việc của người khác; liên quan đến việc tuyển chọn, đòa tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và sa thải cán bộ và nhân viên Nhà nước, liên quan đến việc tổ chức công việc chung, liên quan đến kế hoạch hóa, lãnh đạo và thực hiện việc thực hiện kế hoạch công tác và những vấn đề khác như khen thưởng, thi hành kỷ luật… Ví dụ, các trưởng, phó các phòng, ban, vụ, viện trong các cơ quan Nhà nước, các trưởng, phó của các tổ chức xã hội, lãnh đạo các trường thuộc khối giáo dục…

  1. Chủ thể là những người giữ chức vụ, quyền hạn thực hiện chức năng tổ chức sản xuất – kinh doanh trong các cơ quan và tổ chức kinh tế.

Đây là những người thực hiện chức năng liên quan trực tiếp đến việc tổ chức sản xuất, phân phối, điều hành, quản lý tài sản, tổ chức xuất, nhập tài sản, kiểm tra những công việc liên quan đến việc mua bán hàng hóa, giữ gìn, bảo quản tài sản, thu nhận, cấp phát tiền và những hóa đơn, chứng từ khác liên quan đến tiền tệ. Ví dụ, như kế toán trưởng, những người được giao chức năng điều hành phân phối tài sản và cung ứng, các trưởng kho…

Còn theo quy định tại khoản 3, Điều 1, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:

Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Nhìn chung, nhóm đối tượng này có đặc điểm đặc thù so với các nhóm đối tượng khác như: Họ thường là những người có quá trình công tác và cống hiến nên có nhiều kinh nghiệm; được đào tạo có hệ thống, là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau; là những người có quan hệ rộng và có uy tín xã hội nhất định và thậm chí có thế mạnh về kinh tế. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng.

Việc chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao được thể hiện như sau :

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi cũng là một đặc trưng của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Mặt chủ quan của các tội phạm về tham nhũng bao gồm:

– Về hình thức lỗi: tất cả các tội phạm về tham nhũng đều được thực hiện với hình thức lỗi cố ý.

– Về động cơ phạm tội: Một số tội phạm về tham nhũng động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc như Điều 281, Điều 282.

   – Về mục đích phạm tội: Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không phải bất cứ trường hợp nào cũng bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích mang tính tư lợi.

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ. Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt; ví dụ như: việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần…

   Đối với khu vực tư, khi có vụ việc tham nhũng xảy ra, pháp luật đã có những sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư cấu kết, móc nối với những người thoái hoá, biến chất trong khu vực công hoặc lợi dụng ảnh hưởng của những người này để trục lợi. Trong trường hợp đó, họ trở thành đồng phạm khi người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ, CÁC CẤU THÀNH CƠ BẢN VÀ CẤU THÀNH TĂNG NẶNG
  2. Tội tham ô tài sản (Điều 278)

Văn bản hướng dẫn:

Thông tư số 02/2001/TTLN TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Nghị quyết số 01/2001/HĐTPTANDTC. Ban hành ngày 15/3/2001.
a. Các dấu hiệu pháp lý:

Khách thể của tội phạm. Tội tham ô tài sản trực tiếp xâm hại 2 quan hệ xã hội, đó là:

+ Xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội.

+ Xâm phạm quan hệ sở hữu.

Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn do chức trách, nhiệm vụ, công tác được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện không đúng chức trách của mình hoặc làm trái các quy định về chế độ quản lý tài sản thuộc lĩnh vực công tác mà mình phụ trách hoặc quản lý  để biến tài sản của Nhà nước thành tài sản của mình.

+ Sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản như: Kế toán tự động thu tiền thay cho thủ quỹ rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó…

+ Hành vi chiếm đoạt tài sản có thể thực hiện một cách công khai có thể bí mật. Thông thường là để che giấu hành vi chiếm đoạt can phạm thường có hành vi sửa chữa sổ sách, chứng từ, lập chứng từ giả, tạo hiện trường giả, tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ, đốt kho chứa tài sản… Các thủ đoạn này có thể được thực hiện trước, trong hoặc sau khi chiếm đoạt được tài sản.

 Đối tượng tác động của tội phạm phải thoả mãn 2 điều kiện, đó là:

–  Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Được coi là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý tức là người phạm tội có quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản.

– Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện:

  1. Gây hậu quả nghiêm trọng.
  2. Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
  3. Đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng nhưng chưa được xoá án tích.

Các điều kiện này đã được giải thích trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu.

Chủ thể của tội phạm phải thoả mãn đầy đủ 2 điều kiện, đó là:

Người phạm tội phải là người có chức vụ quyền hạn và là người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Trên thực tế chủ thể của tội tham ô tài sản thuộc 3 nhóm sau:

* Nhóm 1: Là người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Ví dụ: Thủ trưởng cơ quan, Chánh văn phòng, trưởng phòng tài vụ, kế toán.

* Nhóm 2: Những người đảm nhiệm công tác nghiệp vụ quản lý kinh tế tài chính.

Ví dụ: Kế toán, thủ quỹ, thủ kho.

* Nhóm 3: Những người đảm nhiệm những công việc mang tính độc lập nhưng có khả năng trực tiếp tiếp cận với tài sản.

Ví dụ: Người bảo vệ được quyền tiếp cận với tài sản, người lái xe chở hàng không có người áp tải.

Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.

* Một số vấn đề cần lưu ý khi xét xử tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 BLHS:

Tội tham ô tài sản là tội phạm tham nhũng được quy định tại Điều 278 mục A Chương XXI Bộ luật Hình sự. Khách thể của tội tham ô tài sản xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản và hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Thực tiễn điều tra các vụ án tham ô tài sản ở Công an các địa phương trong thời gian qua cho thấy có một vấn đề vướng mắc trong việc xác định tội danh đó là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong các Doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ vốn nhất định (dưới 50% hoặc trên 50% nhưng Nhà nước không giữ quyền chi phối) thì có phạm tội tham ô tài sản không. Đây là vấn đề mới và cũng là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau về khách thể của tội tham ô tài sản hiện nay. Cụ thể như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, dù Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 hay Luật doanh nghiệp năm 1999 mà ở đó có tỷ lệ góp vốn của Nhà nước, không kể nhiều hay ít thì ở đó vẫn có thể có tội tham ô tài sản xảy ra nếu người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Ý kiến thứ hai cho rằng, tội tham ô tài sản chỉ có thể xảy ra trong các doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003, còn đối với các doanh nghiệp khác tuy Nhà nước có một phần vốn góp nhưng dưới 50% thì ở đó không có tội tham ô tài sản xảy ra.

Ý kiến thứ 3 cho rằng, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của Nhà nước thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội tham ô tài sản đối với phần vốn góp của Nhà nước và tội phạm tương ứng (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đối với phần vốn không phải của Nhà nước. Chẳng hạn: Trần Văn B là thủ quỹ của Công ty M đã chiếm đoạt 01 tỷ đồng; Công ty M có 30% vốn Nhà nước. Như vậy trong trường hợp này, phải truy cứu trách nhiệm hình sự B về hai tội: Tội tham ô tài sản với số tiền 300 triệu đồng và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền là 700 triệu đồng.

Như vậy, trên cơ sở có nhiều ý kiến khác nhau về khách thể của tội tham ô tài sản như đã nêu trên, để đảm bảo tính thống nhất cho việc xác định tội danh trong trường hợp này, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao có quan điểm hướng dẫn như sau:

Đối với các doanh nghiệp không có vốn góp của Nhà nước thì dứt khoát không có tội tham ô ở đó, mặc dù người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, mà tùy trường hợp cụ thể xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội trộm cắp tài sản.

Đối với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% trở xuống và Nhà nước không giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó cũng không có tội tham ô tài sản, chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vối trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghi�p đó; đồng thời người thực hiện hành vi chiếm đoạt là người thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể của tội tham ô thì ở đó mới có tội tham ô tài sản.

Tóm lại, tài sản là đối tượng tác động của tội tham ô tài sản bao gồm:

Tài sản thuộc “công sản”, kinh phí hoạt động và các tài sản khác được giao cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quản lý là đối tượng tác động của tội tham ô tài sản.

Tài sản trong các Công ty thuộc doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 bao gồm: Vốn do Nhà nước đầu tư tại công ty, vốn do công ty tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật; vốn ngân sách Nhà nước và vốn tự tích lũy được bổ sung vào vốn Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất được tính vào vốn của công ty theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản cố định và tài sản lưu động.

  1. Tội nhận hối lộ (Điều 279)

Khách thể của tội phạm:

Tội nhận hối lộ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện việc nhận hối lộ.

+ Hành vi khách quan của tội phạm được thực hiện bởi 2 loại hành vi:

  1. Hành vi nhận tiền, của hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hoặc qua trung gian.
  2. Làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ, nhận hối lộ để không lập biên bản về việc xây dựng trái phép, vi phạm giao thông, nhận tiền để tiếp tay cho buôn lậu của Hải quan…

Trong 2 loại hành vi khách quan này thì hành vi (1) có thể thực hiện trước hành vi (2) hay nói cách khác là nhận của hối lộ rồi làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa. Nhưng hành vi (2) cũng có thể thực hiện trước hành vi (1) hay nói cách khác là làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa rồi sau đó nhận của hối lộ.

Nếu người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa rồi sau đó nhận của hối lộ thì phải thoả mãn điều kiện là có sự thoả thuận trước mới cấu thành tội nhận hối lộ.

Nếu người phạm tội làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa mà cấu thành một tội độc lập thì ngoài tội nhận hối lộ họ còn bị truy tố thêm tội đã cấu thành.

Ví dụ: A là Điều tra viên được giao nhiệm vụ xử lý vụ tai nạn giao thông do B gây ra, A đã nhận của B 10 triệu đồng sau đó không đề nghị ra quyết định khởi tố vụ án. Trường hợp này A bị truy tố về Tội nhận hối lộ và Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

+ Phương tiện phạm tội. Của hối lộ phải trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, nếu dưới 2.000.000 đồng phải thoả mãn 1 trong 3 điều kiện.

  1. Gây hậu quả nghiêm trọng.
  2. Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
  3. Đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng nhưng chưa được xoá án tích.

Chủ thể của tội phạm : là người có chức vụ quyền hạn.

Mặt chủ quan của tội phạm. Tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp

* Một số vấn đề cần lưu ý khi xét xử tội nhận hối lộ.

Thứ nhất : Tội nhận hối lộ hoàn thành khi nào ?

Về vấn đề này hiện cũng có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Một số người cho rằng, tội nhận hối lộ được coi là hoàn thành từ thời điểm người nhận hối lộ và người đưa hối lộ thỏa thuận xong việc người người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ, còn việc đã nhận tài sản hay chưa nhận tài sản không có ý nghĩa đối với việc quyết định thời điểm hoàn thành của tội phạm đó.

Những người theo quan điểm này, dựa trên cơ sở coi dấu hiệu thỏa thuận là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội nhận hối lộ, và họ còn biện minh rằng cần quan niệm như vậy để áp dụng vào thực tế điều tra, truy tố và xét xử tội nhận hối lộ mới đáp ứng được yêu cầu và đấu tranh với tệ nạn nhận hối lộ hiện nay.

Quan điểm thứ hai: Một số người lại cho rằng, tội nhận hối lộ có hai thời điểm hoàn thành đó là, trong một số trường hợp tội nhận hối lộ được coi là hoàn thành thừ thời điểm nhận của hối lộ và trong một số trường hợp khác, tội nhận hối lộ được coi là hoàn thành từ thời điểm khi người có chức vụ, quyền hạn đồng ý nhận hối lộ.

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, các quan điểm trên là không phù hợp và cũng chưa xét xử trường hợp nào như hai quan điểm trên. Theo chúng tôi, để đánh giá tội nhận hối lộ được hoàn thành vào thời điểm nào thì phải căn cứ vào việc người có chức vụ, quyền hạn đã nhận được tài sản. Thực tiễn hiện nay, chứng minh người có chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ là rất khó khăn, phần lớn các vụ án nhận hối lộ được đưa ra xét xử là do bắt quả tang hoặc phải có những chắng cứ xác thực như ghi âm, chụp ảnh, có người làm chứng… Vậy chứng minh họ chỉ thỏa thuận hoặc mới đồng ý nhận hối lộ để kết tội thì sẽ không chứng minh được và cũng dễ xảy ra tình trạng oan sai.

Bên cạnh đó, việc chứng minh dấu hiệu thỏa thuận trước trong cấu thành tội nhận hối lộ có quan trọng và có ý nghĩa trong việc định tội danh hay không ?

Theo chúng tôi việc chứng minh dấu hiệu thỏa thuận trước là hết sức quan trọng, cần coi đây là dấu hiệu bắt buộc của tội nhận hối lộ bởi lẽ :

Dấu hiệu thỏa thuận ở đây thể hiện ở hai khía cạnh khác nhau và mỗi khía cạnh đều có ý nghĩa khác nhau đối với việc định tội danh giữa tội nhận hối lộ với những tội danh khác, mà ở đó dấu hiệu thỏa thuận có thể thể hiện :

a/ Ở việc thỏa thuận về việc người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc cụ thể nào đó;

b/ Thỏa thuận về của hối lộ. Đây chính là những khái niệm hoàn toàn có nội dung khác nhau và ý nghĩa khác nhau đối với tội nhận hối lộ.

Dấu hiệu thỏa thuận là bắt buộc trong cấu thành của tội nhận hối lộ, nó phản ánh ý thức chủ quan của người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc cụ thể nào đó. Nói cách khác, thì đây là sự thỏa thuận giữa người có việc và người có chức vụ, quyền hạn về việc người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc cụ thể nào đó theo yêu cầu của người có việc. Sự thỏa thuận này có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Bằng lời nói, bằng ra hiệu, bằng giấy tờ trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc thỏa thuận ngầm hay bàn bạc một cách cụ thể. Nhưng cho dù bằng hình thức nào thì việc thỏa thuận đó cũng phải cụ thể tức là sẽ làm hay không làm một công việc cụ thể dựa trên yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Tóm lại, người có chức vụ, quyền hạn có thể thực hiện bất cứ hành vi nào đó nhưng phải nhằm giải quyết vấn đề cụ thể do đôi bên đã thỏa thuận và khi làm hoặc không làm một việc nào đó phải có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Từ những phân tích trên, thì cần phải khẳng định: Trong những trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhận quà bình thường và không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm một việc theo yêu cầu của người đưa quà và cũng không có một sự thỏa thuận nào khác, thì hành vi nhận quà đó không cấu thành tội nhận hối lộ.

Còn việc thỏa thuận về của hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội nhận hối lộ và không có ý nghĩa đối với việc định tội danh, trừ trường hợp của hối lộ chưa thỏa mãn yếu tố định lượng trong cấu thành cơ bản của điều luật.

Một vấn đề nữa cần xác định cho chính xác đó là cụm từ “Tiền, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp khác” để xác định của hối lộ. Về vấn đề này cần hiểu rõ như sau:

Tiền bao gồm: Tiền, các vật trang sức bằng vàng, kim loại quý hiếm, các giấy tờ có giá trị bằng tiền…

Tài sản bao gồm: Các đồ dùng, bàn ghế, tủ lạnh, ti vi, nhà đất, các giấy tờ có giá trị bằng tiền…

Lợi ích vật chất khác bao gồm: Cấp giấy phân nhà không đúng đối tượng, các tiêu chuẩn đi du lịch nước ngoài, đi nghỉ dưỡng chữa bệnh…

Tóm lại, tiền, tài sản hoặc lợi ích vaath chất khác rất phong phú, có thể là của riêng người phạm tội và gia đình, cũng có thể là của tập thể, của Nhà nước và phải là giá trị vật chất thì mới có thể là của hối lộ được. Những gì không có giá trị vật chất, tức là những gì chỉ thuần túy có giá trị tinh thần thì không thể làm của hối lộ được. Ví dụ, Một người phụ nữ, hoặc bất cứ ai đó dùng phụ nữ làm thỏa mãn yêu cầu sinh lý của người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc gì đó theo yêu cầu của người phụ nữ hoặc người đã nhờ người phụ nữ đó, thì không được coi vấn đề thỏa mãn sinh lý là “của hối lộ”

  1. Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280)

Khách thể của tội phạm. Tội phạm trực tiếp xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội và quyền sở hữu của cơ quan, tổ chức hoặc của công dân.

Chủ thể của tội phạm: Chỉ có thể là người có chức vụ quyền hạn, tức là người có những quyền hạn nhất định đối với người khác về mặt tổ chức, hành chính hoặc liên quan đến những quyền lợi khác của công dân.

Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, mục đích phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác và động cơ phạm tội là tư lợi.

Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện để làm một việc vượt quá phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao của mình để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản có thể biểu hiện dưới các dạng khác nhau như :

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp về mặt tinh thần đối với chủ tài sản buộc họ phải đưa tài sản. Về mặt hình thức, trường hợp này gần giống như tội cưỡng đoạt tài sản, nhưng khác ở chỗ người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm phương tiện để đe dọa, uy hiếp tinh thần đối với chủ tài sản làm cho chủ tài sản do sợ uy quyền của người có chức vụ, quyền hạn mà để cho họ chiếm đoạt tài sản.

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản. Về hình thức, trường hợp này tương tự như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng khác với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng khác với tội lừa đảo ở chỗ người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm phương tiện để thực hiện hành vi gian dối, làm cho chủ tài sản tin là thật và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội mà không biết. Nhờ có chức vụ, quyền hạn được giao mà người phạm tội đã thực hiện được hành vi gian dối và chiếm đoạt được tài sản của người khác.

– Lạm dụng tín nhiệm của chủ tài sản đối với mình để chiếm đoạt tài sản của họ. Về hình thức, hành vi này cũng tương tự như hành vi ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng khác ở chỗ do có chức vụ, quyền hạn nên người phạm tội được chủ tài sản tin và giao tài sản. Sau khi có tài sản trong tay, người phạm tội đã chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản.

+ Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản.

+ Giá trị tài sản chiếm đoạt giống tội tham ô tài sản.

Ví dụ: cán bộ địa chính xã khi làm giấy tờ quyền sử dụng đất cho dân đã thu các khoản thuế và chiếm đoạt.

* Khi nghiên cứu hồ sơ xét xử tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản cần lưu ý:

   Hiện nay tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 280 thuộc chương các tội phạm về chức vụ của BLHS năm 1999. Nghiên cứu quy định của điều luật cho thấy, về phạm vi trách nhiệm hình sự của tội phạm này được áp dụng rộng hơn và được thể hiện ở chỗ không chỉ xác định đối tượng tác động chỉ là tài sản công dân như BLHS 1985 mà bao gồm cả tài sản Nhà nước, tài sản của tổ chức hoặc tài sản của công dân. Dựa trên cơ sở mở rộng về phạm vi trách nhiệm hình sự và việc xác định lại chính xác khách thể bị xâm hại của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội phạm này đã được tách ra khỏi chương các tội xâm phạm sở hữu và quy định trong chương các tội phạm về chức vụ như BLHS hiện hành là hoàn toàn hợp lý.

Song thực tế xét xử hiện nay, chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề là trong những trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà đều có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” thì khi nào thuộc về tình tiết định khung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và khi nào thuộc về dấu hiệu định tội quy định tại Điều 280 – BLHS (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản). Trong trường hợp này dưới góc độ lý luận chúng ta có thể dễ dàng để phân biệt được, nếu dựa trên cơ sở tiếp cận ngữ nghĩa của các gốc từ “lợi dụng” hoặc “lạm dụng” và trên cơ sở phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm. Song dưới góc độ thực tiễn, nhất là khi vận dụng tình tiết định khung và dấu hiệu định tội nêu trên để giải quyết trong từng vụ án cụ thể lại gặp rất nhiều khó khăn. Đó là việc vận dụng và áp dụng không thống nhất và thậm chí là có sự “mâu thuẫn” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương khác nhau. Thực tiễn này cho thấy nếu không có sự “phân định” rạch ròi thì sẽ dẫn đến một tình trạng là đối với một vụ án về cơ bản là giống nhau, nhưng ở các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau thì việc vận dụng các tình tiết định khung và định tội khác nhau để xử lý. Chúng tôi xin được đưa ra ví dụ sau đây để làm rõ cho vấn đề đã nêu ở trên:

 Trường hợp 1: Thẩm phán A đang trực tiếp nghiên cứu và sẽ ngồi chủ tọa xét xử vụ án cướp giật tài sản mà B là thủ phạm. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ Thẩm phán A đã lợi dụng vị trí công tác của mình để gặp gỡ thân nhân của B và hứa giúp đỡ B được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì lý do đó nên A đã nhận được từ gia đình B số tiền là 50.000.000đồng, nhưng thực chất A không giúp gì cả. Khi thấy B vẫn bị xử lý hình sự, gia đình B đã làm đơn tố cáo về hành vi của A và A bị bắt. Tại cơ quan điều tra A đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Trường hợp 2: Các tình tiết vụ án hoàn toàn giống như ở trường hợp một ở trên và chỉ có một điểm khác cơ bản so với trường hợp một là: A là Thẩm phán trong Tòa án đó, nhưng A không phải là người đang trực tiếp thụ lý xét xử vụ án của B.

 Khi gặp các trường hợp này trong thực tiễn chúng ta xác định cả hai trường hợp này chỉ phạm vào một tội là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tình tiết định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” hoặc hai trường hợp này phạm vào hai tội danh khác nhau. Trong trường hợp thứ nhất A phạm vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và ở trường hợp thứ hai A phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong các dẫn chứng nêu trên, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải phân biệt chính xác về tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn là thuộc về dấu hiệu định tội của Điều 280  BLHS hoặc thuộc về tình tiết định khung của Điều 139 BLHS và đây là cơ sở quan trọng nhất để định tội danh và vận dụng đúng đắn pháp luật Hình sự, đây cũng là một vấn đề gặp không ít khó khăn trong thực tiễn. Theo chúng tôi, cả hai trường hợp nêu trên chỉ nên xác định phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139  BLHS thì mới đảm bảo được tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự.

Xuất phát từ những lập luận đã trao đổi trên đây và để nhằm góp phần vận dụng chính xác tình tiết định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139  BLHS trong thực tiễn, chúng tôi thấy cần  có một số ý kiến như sau:

– Một là, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết về tình tiết định khung thuộc điểm d khoản 2 Điều 139  BLHS.

– Hai là, đối với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và được thể hiện bằng các dạng hành vi cụ thể là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Còn đối với trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện tội phạm thì nên coi đây là một trường hợp phạm tội thuộc điểm d khoản 2 Điều 139  BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là lợi dụng chức vụ, quyền hạn).

  1. Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281)

Khách thể của tội phạm. Tội phạm trực tiếp xâm phạm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước và cũng có trường hợp xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của công dân.

Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn tức là có những quyền hạn nhất định và họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để làm trái với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Mặt chủ quan của tội phạm đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:

+ Lỗi cố ý trực tiếp.

+ Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.

Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

+ Thủ đoạn phạm tội. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để làm trái công vụ tức là không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Ví dụ: Cán bộ hải quan không bắt người thân vận chuyển hàng lậu. Điển hình là vụ án xảy ra ở cửa khẩu Mộc Bài- Tây Ninh vào năm 2002 của cán bộ Hải quan.

+ Hành vi phạm tội phải gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của Nhà nước, của xã hội hoặc lợi ích hợp pháp của công dân

+ Phải có mối quan hệ nhân quả giữa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn vè thiệt hại do hành vi đó gây ra

Một số vấn đề cần chú ý khi xét xử tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 281 BLHS:

Thứ nhất: Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Thứ hai: Thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước có thể là vật chất (mất mát, hư hao tài sản..) hoặc phi vật chất như ( làm giảm uy tín của Chính quyền, các Cơ quan nhà nước…).

Thư ba: Về động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội này cần phải hiểu: Động cơ vụ lợi được hiểu ở đây là thu được những lợi ích vật chất nhất định như sử dụng tài sản của Nhà nước cho người khác vay mượn để thu lợi; cố tình làm trái các quy định của Nhà nước, pháp luật gây thất thoát cho tài sản của Nhà nước như không thực hiện định giá đất theo quy định…

Khái niệm động cơ các nhân khác bao gồm: Những động cơ cá nhân trái với lợi ích của Nhà nước, của xã hội, với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như hám danh vọng, địa vị, ghen tuông, trả thù, gia đình chủ nghĩa…

Thứ tư: Về vấn đề có nhiều tranh cãi hiện nay là có coi hành vi làm trái công vụ được giao hoặc làm trái các quy định của Nhà nước vì lợi ích cục bộ của địa phương, của tập thể trái với lợi ích của Nhà nước, của xã hội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác để định tội danh với tội này hay không?

Hiện đa phần các nhà khoa học cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án về “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, được hướng dẫn tại Nghị quyết số 04 ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán đều hướng dẫn và cho rằng những cán bộ, có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái với công vụ vì những lợi ích cục bộ của địa phương, của tập thể cũng được coi là động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác và là dấu hiệu để định tội. Bởi lẽ, mọi việc làm của người có chức vụ, quyền hạn phải nhằm thỏa mãn những nhu cầu và lợi ích hài hòa của xã hội, của tập thể và cá nhân. Coi thường và vi phạm ba loại lợi ích đó tức là vi phạm nghiêm trọng nguy tắc kết hợp hài hòa các loại lợi ích trong xã hội ta. Và thực chất phải hiểu, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm những việc vì cái gọi là lợi ích của địa phương, của cơ quan mình nhưng thực chất cũng chính là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác của người có chức vụ, quyền hạn.

  1. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282)

Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm giống Điều 281, chỉ khác Điều 281 ở thủ đoạn phạm tội là người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ tức là làm một việc vượt quá giới hạn quyền năng của mình.

Những vấn đề cần phân biệt và lưu ý là các hình thức lạm quyền thường thể hiện như sau:

– Làm một việc thuộc chức năng, quyền hạn của người có chức vụ, quyền hạn cấp trên như: Giám đốc một công ty lại ra các quyết định thuộc thẩm quyền của Giám đốc tổng công ty…

– Làm một việc thuộc chức năng, quyền hạn của người có chức vụ, quyền hạn của ngành khác như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra lệnh bắt người…

– Làm một việc thuộc chức năng, thẩm quyền của tập thể như: Chủ tịch hội đồng quản trị mang tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đi bán mà không thông qua ý kiến của Hội đồng quản trị…

  1. Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283)

Khách thể, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm giống Điều 281.

Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 2 loại hành vi sau:

  1. Hành vi nhận tiền hoặc tài sản của người khác. Giá trị tài sản giống tội nhận hối lộ.
  2. Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm liên quan trực tiếp đến công việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Cần lưu ý: Trong trường hợp này thì người có chức vụ, quyền hạn bị gây ảnh hưởng phải không biết gì về việc người tác động thúc đẩy đã nhận tiền, tài sản của người khác và không có một chút lợi ích vật chất nào trong việc giải quyết công việc của họ. Còn nếu họ biết, thì tùy theo mức độ họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội tương ứng.

  1. Tội giả mạo trong công tác (Điều 284)

Về mặt khách thể, khách quan và chủ quan cũng giống như Điều 281

Về mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở một trong các hành vi sau đây:

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu (như tẩy xóa, thêm bớt nội dung trong giấy tờ tài liệu đó). Sửa chữa giấy tờ, tài liệu thể hiện ở việc ghi thêm một số từ, một số câu, ghi thêm số liệu, tẩy xóa rồi ghi số liệu vào, sửa chữa ngày, tháng, số thứ tự, v.v… Việc sửa chữa này không làm sai lệch hoàn toàn nội dung giấy tờ, tài liệu mà chỉ làm sai lệch một phần, còn hình thức của giấy tờ, tài liệu vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.

 Ví dụ, như sửa chữa ngày, tháng, năm sinh để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ; sửa chữa ngày tháng để cấp giấy chứng nhận thương tật…

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giấy tờ giả cho người có yêu cầu sử dụng tức là làm và cấp giấy tờ có nội dung không phù hợp với thực tế như bằng đại học có nội dung không đúng, giấy khai sinh có nội dung không đúng…

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền ký như: Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc xét cấp xuất, nhập khẩu, giấy phép đăng ký kinh doanh…

Cần lưu ý: Hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm và cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn chỉ cấu thành tội phạm trong trường hợp chủ thể đang thực hiện nhiệm vụ được giao, tức là phải có yếu tố lợi dụng, chức vụ, quyền hạn. Nếu chủ thể có những hành vi nói trên, nhưng không phải trong khi thực hiện nhiệm vụ thì không cấu thành tội phạm này mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 266 (tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của các cơ quan, tổ chức).

BÀI 20:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÉT XỬ VỤ ÁN MÀ BỊ CAN,

BỊ CÁO, NGƯỜI BỊ HẠI, NGƯỜI LÀM CHỨNG

LÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

 

  1. NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀ NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TUỔI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
  2. Khái niệm người chưa thành niên và tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS

1.1. Khái niệm

Người chưa thành niên là người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách, chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân theo quy định của pháp luật. Pháp luật ở mỗi quốc gia quy định độ tuổi cụ thể của người chưa thành niên.

Hiện nay, kể cả luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về người chưa thành niên. Trong nhiều văn bản pháp luật Quốc tế về người chưa thành niên và quyền trẻ em như Quy tắc của Liên Hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Quy tắc Bắc Kinh (1985), Hướng dẫn Riat (1990), Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 18), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004… đều chỉ định nghĩa người chưa thành niên theo độ tuổi, cụ thể: “người chưa thành niên là những người dưới 18 tuổiTại các văn bản này, khái niệm người chưa thành niên bao gồm cả khái niệm trẻ em.

Ở nước ta, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến Pháp năm 1992, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đó, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi và có những chế định pháp luật riêng đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tóm lại, khái niệm người chưa thành niên được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người và được cụ thể hoá bằng giới hạn độ tuổi trong các văn bản pháp luật của từng quốc gia. Theo đó, quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người chưa thành niên.

Vậy: Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên.

1.2. Đặc điểm

Người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý và nhân cách sống. Người ở độ tuổi này chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần, nhân cách; có sự hạn chế về kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật, xã hội, dễ bị tác động, chi phối bởi điều kiện sống; chưa thể nhận thức đầy đủ về hành vi mà mình thực hiện, khả năng tự kiềm chế chưa tốt. Trong tư duy của người ở độ tuổi này bắt đầu hình thành ý thức độc lập trong việc quyết định cuộc sống riêng của mình, bắt đầu tự độc lập trong hành động, suy nghĩ, ứng xử và thiết lập các mối quan hệ riêng biệt, không muốn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, thích khám phá, tò mò và muốn khẳng định bản thân nên dễ bị người khác kích động, dụ dỗ, lôi kéo vào việc thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS:

BLHS 1999 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; 2. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” (điều 12 BLHS).

 “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự” (điều 68 BLHS).

Như vậy, người chưa thành niên có thể trở thành chủ thể tội phạm, tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, bị hại hay người làm chứng trong vụ án hình sự.

Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011, khái niệm người chưa thành niên được hiểu: “là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp lu��t khi tham gia tố tụng hình sự”.

Tại Việt Nam, theo Điều 1 Luật bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em của Việt Nam năm 2004 thì “trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Như vậy độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người thành niên được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người; trình độ phát triển về nhận thức xã hội; điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia trong từng thời kỳ. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự hiện nay có nhiều chênh lệch giữa các quốc gia.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của một số quốc gia trên thế giới:

Bangladesh 7 Liên bang Nga 14
Ấn Độ 7 Hàn Quốc 12
Thái Lan 7 Đức 14
Indonesia 8 Pháp 13
Trung Quốc 14 Myanmar 7
Nhật Bản 14 Nam Phi 7

 

  1. Nguyên tắc xác định tuổi người chưa thành niên

2.1. Xác định tuổi của bị can, bị cáo

   Việc xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng xem người đó đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa; nếu đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì khi phạm tội họ bao nhiêu tuổi và khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi hay chưa, để thực hiện đúng các quy định của BLHS đối với họ cũng như áp dụng đúng quy định của BLTTHS đối với người chưa thành niên phạm tội.

Vấn đề xác định tuổi của bị can, bị cáo phạm tội do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thực hiện. Thông thường, tuổi của bị can, bị cáo được xác định căn cứ vào lý lịch tư pháp dựa trên các loại giấy tờ như giấy khai sinh, chứng minh thư,… Trường hợp bị can, bị cáo không có các loại giấy tờ trên thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành điều tra, xác minh. Trong trường hợp đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh thì việc xác định tuổi của bị can, bị cáo được xác định như sau:

Căn cứ Thông tư số 01/2011/TTLT/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH  ngày 12-7-2011 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì tuổi của bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng xác định theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:

– Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày thì trong tháng đó lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.

– Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;

– Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;

– Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.

– Trường hợp không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

   Ngoài ra, cũng cần phải xem xét đến trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội để có căn cứ xác định tuổi của họ.

2.2. Xác định tuổi của người bị hại, người làm chứng

   Việc xác định tuổi của người bị hại là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì tuổi của họ được xác định như sau:

– Trường hợp xác định tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh;

– Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh;

– Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;

– Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh.

– Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

   Đối với người làm chứng: tuổi của người làm chứng BLHS, BLTTHS và Thông tư số 01 chưa có quy định. Vì vậy tuổi của người làm chứng được xác định căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự.

  1. PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
  2. Chính sách Hình sự của Nhà nước

               Với quan điểm nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, Nhà nước Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và đã thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, trong đó đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, nhất là những trường hợp người chưa thành niên phạm tội.

               Bên cạnh những tư tưởng chỉ đạo, quan điểm nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự với người phạm tội chưa thành niên, theo xu hướng chung hiện nay thì nội dung của chính sách hình sự liên quan đến cả hai lĩnh vực: Lĩnh vực luật nội dung (luật Hình sự) và lĩnh vực luật hình thức (luật Tố tụng hình sự).

               Chính sách hình sự  là những nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án có người chưa thành niên phạm tội. Bộ luật Hình sự hiện hành xây dựng một chương riêng quy định đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, chương X Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có một chương riêng quy định về trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, chương XXXII.

   Xuất phát từ đặc điểm tâm – sinh lý của người chưa thành niên, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, và trên cơ sở niềm tin vào khả năng cải tạo, giáo dục người chưa thành niên phạm tội giúp họ tích cực cải tạo, sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội, các nhà làm luật Việt Nam không coi người chưa thành niên phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự như người đã thành niên phạm tội và có chính sách hình sự riêng đối với đối tượng này, lấy việc vận động, giáo dục người chưa thành niên làm nền tảng. Chính sách đó được thể hiện rõ nét và tập trung nhất tại Điều 69 Bộ luật Hình sự, đó là:

1 – Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Đây là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội. Đây cũng là sự cụ thể hóa nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, thể hiện mục đích cao nhất của pháp luật là các biện pháp áp dụng với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục họ thấy được tính chất của tội phạm, sự nghiêm minh của pháp luật. Trong điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Có như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng mới xác định được chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và có biện pháp cũng như hình phạt phù hợp đối với người chưa thành niên phạm tội. Ngoài ra, việc làm rõ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm cũng giúp cho các cơ quan chức năng có phương pháp, cách thức giáo dục hiệu quả người chưa thành niên, giúp họ nhận thức được lỗi của mình và sửa chữa để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai; đồng thời việc hiểu rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội còn giúp cho Nhà nước có biện pháp loại trừ, phòng ngừa người chưa thành niên khác phạm tội.

2 – Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Việc Nhà nước quy định nguyên tắc người chưa thành niên có thể được miễn TNHS khi có đủ những điều kiện luật định càng thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta, đồng thời thế hiện rõ nét đường lối xử lý về hình sự, đó là: bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội khác để cải tạo, giáo dục người phạm tội, bằng cách đó hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự.

Miễn TNHS cho người chưa thành niên phạm tội là trường hợp miễn trách nhiệm có tính chất lựa chọn. Do đó, khi xét xử, Thẩm phán có quyền áp dụng hay không áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, để áp dụng đúng chế định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Thẩm phán cần căn cứ vào tình hình thực tế vụ án, vào yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, vào khả năng cải tạo, giáo dục người chưa thành niên phạm tội trong môi trường xã hội bình thường với sự giáo dục, giám sát của gia đình hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tương ứng, nhân thân của chính người chưa thành niên phạm tội đó, cũng như xem xét đầy đủ các điều kiện có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật, bao gồm bốn điều kiện sau:

– Đối tượng áp dụng: là người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

­- Tội phạm được thực hiện: tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện phải là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, gây hại không lớn. Gây hại không lớn ở đây cần phải được hiểu là gây thiệt hại (gây ra hậu quả) không lớn, vì đã là tội phạm nghiêm trọng thì không thể nói là gây hại không lớn.

– Người chưa thành niên phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hiểu là có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên. Các tình tiết này có thể được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS hoặc trong các văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS hoặc có thể là tình tiết do Tòa án cân nhắc, xem xét trong từng trường hợp cụ thể và ghi rõ trong bản án.

– Người chưa thành niên được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức xã hội nhận giám sát, giáo dục. Như trên đã trình bày, người chưa thành niên có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý, là người đang ở độ tuổi phát triển nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống; do đó khi cho người chưa thành niên phạm tội được miễn TNHS thì Thẩm phán phải bảo đảm cho người chưa thành niên được sống trong môi trường có giáo dục để họ có thể nhận thức sai lầm, sửa chữa và hoàn thiện mình; do đó chỉ có thể cho người chưa thành niên được miễn TNHS nếu họ được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức xã hội nhận giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, khi xem xét việc gia đình, tổ chức nhận giám sát, giáo dục người chưa thành niên thì Thẩm phán cần xem xét, đánh giá kỹ môi trường sống trong gia đình, tổ chức đó có tốt đẹp và bảo đảm sự giáo dục đối với người chưa thành niên hay không.

Có thể nói, với quy định này thì Nhà Nước đã xã hội hóa được việc giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, việc áp dụng chế định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội hiện nay vẫn còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà một trong số những nguyên nhân đó là các cơ quan tư pháp trung ương chưa tuyên truyền chủ trương và chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nên nhiều Thẩm phán chưa mạnh dạn áp dụng chế định miễn TNHS cho người chưa thành niên phạm tội.

3 – Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Đây là nguyên tắc phù hợp với pháp luật quốc tế về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng và đường lối giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo nguyên tắc này thì không phải mọi trường hợp người chưa thành niên phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi nó thật sự cần thiết và xuất phát từ yêu cầu phòng ngừa tội phạm. Ngay kể cả khi người chưa thành niên phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ vẫn có khả năng không bị áp dụng hình phạt.

4 – Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự.

Với tư tưởng mọi biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đều nhằm giáo dục, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội, do đó nếu hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên mà ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng và sự phát triển nhân cách, trong khi chỉ cần áp dụng các biện pháp tư pháp như giáo dục tại xã phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng cũng đủ sức răn đe và giáo dục người chưa thành niên phạm tội thì Thẩm phán nên áp dụng các biện pháp tư pháp này đối với họ như một biện pháp thay thế hình phạt.

– Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội: Nhà nước có chính sách như sau:

+) Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

 Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, do đó hành vi phạm tội của họ được cho là một phần do môi trường sống, ảnh hưởng từ môi trường sống; không phải lỗi hoàn toàn do bản thân người chưa thành niên. Nhiều nhà khoa học đã cho rằng khi não bộ họ chưa phát triển đầy đủ thì họ không phải chịu hoàn toàn về hành vi của mình và họ là những con người có thể cải thiện, giáo dục được, do đó Nhà nước Việt Nam có đường lối rõ ràng: không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn qua vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Hiện nay, có quan điểm cho rằng Nhà nước cần sửa đổi Luật theo hướng vẫn có thể áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn trong xã hội mà người chưa thành niên phạm tội là người mà được xác định là không còn khả năng cải tạo và việc áp dụng hình phạt tử hình đối với họ sẽ được thực hiện theo một cơ chế đặc biệt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và nhân dân, theo một trình tự đặc biệt, có như vậy mới bảo đảm được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm vị thành niên.

+) Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Quy tắc 19 của Quy tắc Bắc Kinh (Những Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với chưa thành niên phạm tội) cũng đã đưa ra nguyên tắc cơ bản là: “Việc đưa trẻ em vào trại giam là phương pháp giải quyết cuối cùng và trong thời hạn cần thiết tối thiểu“. Chúng ta phải dựa trên một báo cáo về hoàn cảnh sống của người phạm tội, hoàn cảnh tội phạm được thực hiện và các nhân tố khác để đi đến quyết định áp dụng hình phạt tù đối với họ. Tòa án chỉ đưa ra hạn chế tự do cá nhân đối với người phạm tội, khi người chưa thành niên bị xét xử về hành vi rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có dùng bạo lực để chống lại người khác hay ngoan cố gây ra những hành vi nghiêm trọng khác mà chúng ta không còn hướng giải quyết nào.

Phù hợp với nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội pháp luật quốc tế, pháp luật hình sự Việt Nam cũng đã nêu rõ tại Điều 69 BLHS chủ trương, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước là: khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

6 – Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Để tạo điều kiện để người chưa thành niên có thể tái hòa nhập cộng đồng, phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, cũng như tránh những mặc cảm tội lỗi của bản thân người chưa thành niên và cái nhìn thiếu thiện cảm, dị nghị của xã hội đối với họ sau này khi đã trở thành người thành niên, Nhà nước quy định án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Các quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên có những điểm khác biệt so với thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với người thành niên phạm tội. Chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện tái hòa nhập cuộc sống. Với lý do này pháp luật hình sự nước ta có những quy định về thủ tục tố tụng riêng dành cho người chưa thành niên khi họ là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự. Chính sách đối với người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự chủ yếu liên quan đến năng lực chịu TNHS, mục đích áp dụng TNHS nặng về giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để họ trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội chứ không nặng về trừng phạt. Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Ngoài những quy định trong BLHS và BLTTHS, đối với người chưa thành niên phải chấp hành hình phạt thì nhà nước cũng có những chính sách riêng cho những phạm nhân này (Điều 50 – 53 Luật Thi hành án hình sự).

  1. Quy định của pháp luật Hình sự đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có tới 15 điều luật có quy định liên quan đến người chưa thành niên (bao gồmĐiều 57 (khoản 2); Điều 58 (khoản 2), Điều 59 (khoản 3); Điều 105 (khoản 1); Điều 211 (khoản 3); từ Điều 301 đến Điều 310 (chương 32, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên)); Bộ luật Hình sự năm 1999 có tới 25 điều luật có quy định liên quan đến người chưa thành niên (bao gồm Điều 34, Điều 35, từ Điều 68 đến Điều 77 (chương 10, những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội), các Điều 111, 113, 117, 118, 197, 200, 252, 253, 254, 255, 256, 313)). Tại các điều luật này, ngoài việc quy định trong Phần các tội phạm về tình tiết phạm tội đối với người chưa thành niên là tình tiết tăng nặng định khung của nhiều tội phạm, thì nhà làm luật còn quy định rõ quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, việc điều tra, truy tố và thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, cũng như chính sách pháp luật, hình phạt, các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong phạm vi chuyên đề này, tập trung nghiên cứu quy định về xét xử án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

2.1. Vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên

2.1.1. Quy định về thủ tục tố tụng đặc biệt khi xét xử vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động Thương binh – Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, chúng ta có thể rút ra những yêu cầu cơ bản khi xét xử vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội như sau:

 – Thẩm phán xét xử vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên.

 – Khi xét xử án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thì sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà là bắt buộc. Nếu người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên toà. Trong trường hợp người bào chữa vắng mặt, nhưng đã gửi trước bản bào chữa thì phiên toà vẫn được tiến hành nếu Toà án thấy rằng việc vắng mặt người bào chữa không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án tại phiên toà.

 – Tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức. Đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức tham gia phiên tòa có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.

Trường hợp cần thiết hoặc khi người chưa thành niên có yêu cầu, Tòa án có thể mời đại diện cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia phiên tòa để hỗ trợ cho họ.

– Khi tiến hành xét xử, Tòa án có thể sắp xếp lại vị trí của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trong phòng xử án nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với người chưa thành niên phạm tội. Không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác trong quá trình xét xử tại Tòa án, trừ trường hợp họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý hoặc có việc làm tiêu cực hoặc có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa.

– Khi xét xử đối với bị cáo là người chưa thành niên, cần phải xác định rõ: tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người thành niên xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

– Số lượng Thẩm phán và Hội thẩm trong Hội đồng xét xử vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được thực hiện theo quy định chung tại các Điều 185 và 244 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể: Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp hoặc bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm; Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm.

Do tính chất đặc thù của bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, nên Bộ luật tố Tụng hình sự (Điều 307) quy định trong thành phần Hội đồng xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

– Việc thẩm vấn, xét hỏi bị cáo là người chưa thành niên tại phiên tòa phải theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự và phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của bị cáo. Những lời giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa cần đơn giản, rõ ràng để đảm bảo cho người chưa thành niên và đại diện gia đình của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi. Hội đồng xét xử phải cho phép người chưa thành niên bày tỏ ý kiến, quan điểm, nguyện vọng của mình và phải cân nhắc, xem xét các ý kiến, quan điểm, nguyện vọng đó trước khi ra bản án, quyết định.

– Ngoài các trường hợp quy định tại Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án có thể quyết định xét xử kín vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ.

Không tiến hành xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.

2.1.2. Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Đặc điểm của hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội (Điều 26). Khi quy định hình phạt trong Bộ luật hình sự, các nhà làm luật nước ta cũng xác định mục đích áp dụng hình phạt, theo đó hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (Điều 27 Bộ luật Hình sự).

Đối với người chưa thành niên phạm tội – chủ thể có nét đặc trưng riêng về tâm – sinh lý (mà các nhà khoa học đã xác định người ở độ tuổi chưa thành niên thì não bộ vẫn còn đang trong quá trình phát triển và còn có thể cải tạo được) nên hình phạt đối với họ trước hết nhằm mục đích giáo dục, cải tạo, sau đó mới mang tính chất trừng trị. Xuất phát từ cơ sở khoa học về tâm lý học, sinh học, xã hội học, Nhà nước ta có quan điểm đường lối rõ ràng đối với người chưa thành niên phạm tội là nên áp dụng đối với họ những hình phạt ít nghiêm khắc hơn so với người đã thành niên phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải được cân nhắc cẩn thận để vừa bảo đảm được mục đích giáo dục, răn đe những hành vi sai lệch, lệch chuẩn, mà còn làm cho họ thấy rõ được sai phạm và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội. Điều này có nghĩa, mục đích giáo dục của hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội còn được thể hiện qua việc quy định về điều kiện áp dụng hình phạt, mức tối đa của hình phạt luôn thấp hơn so với người đã thành niên khác để bảo đảm cho họ có thể nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội. Đặc biệt, các hình phạt bổ sung, hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình không được áp dụng với người phạm tội ở độ tuổi chưa thành niên. Do đó, theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 1999, các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và hình phạt tù có thời hạn.

Tóm lại, xuất phát từ khái niệm hình phạt (Điều 26), mục đích của hình phạt (Điều 27), các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (các Điều 71-74 và các điều tương ứng về các hình phạt quy định tại các Điều 29-31, 33 Bộ luật Hình sự), cũng như thực tiễn áp dụng hình phạt đối với đối tượng này, thì hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được khái niệm như sau:

Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là những biện pháp cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước do Tòa án áp dụng nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người chưa thành niên phạm tội, thông qua đó giáo dục, cải tạo, giúp họ sửa chữa sai lầm, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

– Những đặc điểm cơ bản của các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:

+) Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội cũng là một dạng của trách nhiệm hình sự và chỉ áp dụng khi có sự việc phạm tội do người chưa thành niên thực hiện.

Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là những biện pháp cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất và tạo ra hậu quả pháp lý đối với người chưa thành niên phạm tội là bị tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền và lợi ích, đồng thời họ bị coi là có án tích.

Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có mức độ trấn áp nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội.

Cơ quan duy nhất có thẩm quyền áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là Tòa án.

Mục đích trước nhất của việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội.

Các hình phạt này chỉ mang tính chất cá nhân. Hay nói cách khác, các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ áp dụng đối với bản thân người chưa thành niên đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm

* Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội:

Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Hình sự thì người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong bốn hình phạt sau đây:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền;

– Cải tạo không giam giữ;

– Tù có thời hạn.

Hình phạt cảnh cáo

Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”.

Điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:

– Tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện là tội ít nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù);

– Người chưa thành niên được áp dụng hình phạt cảnh cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, vì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

– Người phạm tội được áp dụng hình phạt cảnh cáo là người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt. Nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hiểu là phải có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và các tình tiết giảm nhẹ này phải được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự hoặc được quy định tại một văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Do những điều kiện và phạm vi loại tội, độ tuổi có thể được áp dụng hình phạt này mà Bộ luật Hình sự đã quy định, nên trong thực tiễn rất ít trường hợp áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội.

 Hình phạt tiền

Phạt tiền là việc Tòa án buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định theo quy định của pháp luật để sung công quỹ Nhà nước.

Phạt tiền là hình thức trừng phạt về kinh tế đối với người phạm tội. Tuy nhiên không phải người phạm tội nào cũng bị áp dụng hình phạt này. Với mục tiêu xây dựng pháp luật phải có cơ sở thực thi trên thực tế, nhà làm luật quy định không áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, vì ở độ tuổi này, người phạm tội là người chưa thành niên đang ở độ tuổi đi học, chưa có thu nhập hay tài sản riêng; nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế về hình sự có tính chất kinh tế sẽ đem lại gánh nặng cho gia đình họ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện, sửa chữa sai lầm, không bảo đảm được mục đích của hình phạt, không có tính khả thi trong thực tiễn. Mặt khác, Điều 30 Bộ luật Hình sự quy định chung về hình phạt tiền thì phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng mà những người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên hiện nay nhiều người đã có thu nhập và tài sản riêng do tài năng, do hoạt động kinh doanh… nên việc quy định hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 16 đến 18 tuổi là phù hợp; nó mở rộng thêm khả năng không áp dụng hình phạt tước tự do (tù có thời hạn) đối với nhóm chủ thể này, tạo điều kiện cho họ sửa chữa sai lầm và tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.

Qua nghiên cứu quy định tại Điều 30 và Điều 72 Bộ luật Hình sự, chúng ta có thể đưa ra các điều kiện để áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội như sau:

– Người chưa thành niên phạm tội là những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

– Người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tiền phải là người đã có thu nhập hoặc có tài sản riêng;

– Tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Khi quyết định mức phạt tiền đối người chưa thành niên phạm tội cần căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tình hình tài sản của người chưa thành niên phạm tội, sự biến động của giá cả, và mức cao nhất không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật đó quy định và không được thấp dưới một triệu đồng. Tiền phạt có thể nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án.

 Hình phạt cải tạo không giam giữ

Hình phạt cải tạo không giam giữ là không buộc người phạm tội phải cách ly khỏi xã hội, họ vẫn được chung sống với gia đình, xã hội nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nơi người đó làm việc, thường trú. Đây là hình phạt có tính khả thi cao và là hình phạt thể hiện rõ mục đích giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội, tạo điều kiện cho họ sửa chữa sai lầm, tự tái hòa nhập cộng đồng tự cải tạo phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho gia đình và cho xã hội.

Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại các Điều 31 và 73 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ có thể được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Tội phạm mà người chưa thành niên đã thực hiện thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;

– Người chưa thành niên phạm tội được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; vì như đã trên đã phân tích người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên không phải là đối tượng được áp dụng hình phạt này;

– Bị cáo (là người chưa thành niên) đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng. Thông thường, người chưa thành niên phạm tội được áp dụng loại hình phạt này theo tiêu chí có nơi thường trú rõ ràng vì ở lứa tuổi mà sự tham gia làm việc, lao động còn hạn chế, nên rất ít người đang có nơi làm việc ổn định;

– Việc không cách ly người chưa thành niên phạm tội khỏi xã hội vẫn bảo đảm đạt được mục đích giáo dục, phòng ngừa.

Đối với người chưa thành niên phạm tội thì thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định đối với người phạm tội nói chung, có nghĩa thời hạn cải tạo không giam giữ áp dụng đối với người chưa thành niên tối đa là mười tám tháng và tối thiểu là sáu tháng. Trong trường hợp người chưa thành niên bị tạm giam, tạm giữ thì thời hạn tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giam, tạm giữ bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

Tuy vậy, cũng cần chú ý rằng, trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội, thì không áp dụng việc khấu trừ thu nhập đối với họ vì trên thực tế, những người ở độ tuổi chưa thành niên, đa số trong số họ vẫn sống phải phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Do đó, nếu khấu trừ thu nhập của người này sẽ dẫn đến không có tính khả thi và tất yếu dẫn đến hệ quả là không đạt được mục đích của hình phạt đã đặt ra.

 Hình phạt tù có thời hạn

Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt trong trại giam trong một thời hạn nhất định. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với chưa thành niên phạm tội, vì nó tước tự do của người chưa thành niên bị kết án trong một khoảng thời gian nhất định, buộc họ phải cách ly khỏi xã hội, phải lao động, học tập trong trại giam, trại cải tạo theo chế độ giam giữ, cải tạo rất chặt chẽ.

Hình phạt tù có thời hạn được quy định tại Điều 33 và Điều 74 BLHS.  Đối với người chưa thành niên phạm tội, khi xử phạt tù có thời hạn đối với họ thì mức phạt tù tối thiểu phải là 3 tháng và phải tuân theo quy định riêng, áp dụng mức hình phạt thấp hơn mức hình phạt mà người đã thành niên phạm tội tương ứng, cụ thể:

– Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định;

– Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

* Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội “là một bộ phận của chính sách pháp luật, bởi vì đó là những định hướng, những chủ trương trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội gồm hai loại: các biện pháp tư pháp chung (quy định tại các Điều 41, 42 và 43 Bộ luật Hình sự) và các biện pháp tư pháp riêng (quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự).

Việc Nhà nước quy định các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt áp dụng đối với họ, giúp Nhà nước xử lý tội phạm được triệt để và toàn diện hơn, phát huy hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; giúp cho các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền vận dụng linh hoạt, mềm dẻo và đúng đắn chính sách hình sự của Nhà nước ta. Điều này còn phản ánh việc áp dụng hình phạt không phải là phương tiện duy nhất trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm ở tuổi vị thành niên.

Các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa áp dụng chung

Đây là các biện pháp tư pháp chung, không những áp dụng đối với người đã thành niên, mà còn áp dụng đối với cả người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Bộ luật hình sự, bao gồm bốn biện pháp – tịch thu, sung quỹ Nhà nước đối với vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 41), trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi (Điều 42) và bắt buộc chữa bệnh (Điều 43 Bộ luật Hình sự). Căn cứ vào từng vụ án cụ thể, nếu thấy cần thiết, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sẽ áp dụng một trong các biện pháp tư pháp đó đối với người chưa thành niên phạm tội.

Các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội

Các biện pháp tư­ pháp (riêng) áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là những biện pháp cư­ỡng chế về hình sự của Nhà n­ước ít nghiêm khắc hơn hình phạt, do Bộ luật Hình sự quy định và đ­ược Tòa án áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội khi căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người chưa thành niên và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm mà thấy rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên.

Các biện pháp tư pháp riêng áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự với ý nghĩa thay thế cho hình phạt, bao gồm 02 biện pháp: 1) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; và 2) Đưa vào trường giáo dưỡng.

Các biện pháp tư pháp này là những biện pháp tư pháp cưỡng chế hình sự có tính chất giáo dục, phòng ngừa, thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là giúp đỡ họ có điều kiện sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình và cho xã hội.

Các biện pháp tư pháp (riêng) áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có những đặc điểm như sau:

 Các biện pháp tư­ pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là những biện pháp cư­ỡng chế về hình sự của Nhà n­ước ít nghiêm khắc hơn hình phạt, do Bộ luật hình sự quy định;

– Các biện pháp tư pháp riêng chỉ được một cơ quan duy nhất có thẩm quyền áp dụng, đó là Tòa án;

– Đối tượng bị áp dụng là người chưa thành niên phạm tội.

– Các biện pháp tư pháp riêng là một dạng của trách nhiệm hình sự  và chỉ có thể xuất hiện khi có sự việc phạm tội do người chưa thành niên thực hiện;

– Mục đích áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội là nhằm thay thế cho hình phạt, khi xét thấy việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên là không cần thiết, mà việc áp dụng biện pháp tư pháp là đủ sức giáo dục, cải tạo và phòng ngừa tội phạm, cũng như căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người chưa thành niên và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm;

– Các biện pháp tư pháp riêng được áp dụng một cách độc lập đối với người chưa thành niên phạm tội mà không cần thiết phải áp dụng kèm theo bất kỳ một hình phạt nào;

– Các biện pháp tư pháp áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội không để lại hậu quả là án tích cho người chưa thành niên phạm tội.

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp tư pháp thay thế hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Như vậy, các điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm:

– Đối tượng áp dụng: người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

– Tội phạm mà người chưa thành niên phạm tội là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng;

– Khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên mà vẫn bảo đảm đạt được mục đích giáo dục, phòng ngừa chung và riêng.

Khi xem xét việc có áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên hay không, Thẩm phán cần căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; nhân thân người chưa thành niên phạm tội; và thái độ ăn năn, hối cải; đồng thời cũng phải xem xét môi trường sống của họ có thuận lợi cho việc giáo dục và cải tạo hay không.

Việc áp dụng biện pháp này đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tạo điều kiện cho người đó lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, tổ chức xã hội và gia đình.

Thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ một năm đến hai năm do Tòa án quyết định. Trong thời gian chấp hành biện pháp này, người chưa thành niên phạm tội không bị cách ly khỏi cuộc sống xã hội, nhưng người bị giáo dục phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ được quy định tại Nghị định số 10/2012/NĐ-CP ngày 17/02/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Bên cạnh đó, về phía Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người chưa thành niên phạm tội cư trú và tổ chức xã hội được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục và gia đình người chưa thành niên phạm tội phải có trách nhiệm tạo điều kiện, giúp đỡ họ hoàn thành việc giáo dục tại xã, phường và đôn đốc họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người bị giáo dục.

Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn giúp người chưa thành niên có nề nếp kỷ luật tốt trong lao động và học tập, có thói quen lao động, tôn trọng những quy tắc chung của xã hội, qua đó giúp đỡ họ nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, phát triển lành mạnh, không phạm tội mới.

Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp này có thể được Tòa án, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tổ chức xã hội chịu trách nhiệm giám sát giáo dục, quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu tính từ ngày quyết định buộc phải chịu biện pháp này có hiệu lực thi hành họ đã chấp hành được 1/2 thời hạn do Tòa án quyết định và tỏ ra có sự tiến bộ thể hiện ở việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nêu tại Nghị định số 10/2012/NĐ-CP ngày 17/02/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội. (khoản 4 Điều 70 Bộ luật hình sự).

 Đưa vào trường giáo dưỡng

Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội buộc họ phải cách ly khỏi gia đình hoặc môi trường sống hiện tại để vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng là biện pháp tư pháp thay thế hình phạt, có tính chất nghiêm khắc hơn so với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ, tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ mà ở đó họ phải chấp hành đầy đủ nội quy, kỷ luật, học tập, rèn luyện dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ chức chuyên trách là trường giáo dưỡng trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, việc sống trong môi trường giáo dục tập trung, phần nào ảnh hưởng đến sự mặc cảm của họ, do đó, Tòa án cần cân nhắc tới những điều kiện nhất định, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không đủ hiệu lực để giáo dục, cải tạo thì Tòa án mới áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Về thời hạn học tập, rèn luyện ở trường giáo dưỡng, theo khoản 3 Điều 70 Bộ luật hình sự quy định ‘từ một năm đến hai năm“. Việc quyết định thời hạn cụ thể bao nhiêu do Tòa án ấn định tùy từng trường hợp. Về cách tính thời gian, Bộ luật hình sự không ghi cụ thể thời gian giáo dưỡng được tính từ ngày nào. Hiện nay, theo Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ thì thời gian ở trường giáo dưỡng được tính từ ngày người phải chấp hành biện pháp giáo dưỡng được tiếp nhận vào trường giáo dưỡng.

Trước đây, pháp luật hình sự chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Hiện nay, vấn đề này đã được quy định từ Điều 124 – 140 mục 4 Luật thi hành án hình sự năm 2011.

*Các quy định khác:

 Tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, trong trường hợp phạm nhiều tội.

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự thì: đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau  khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

– Tội nặng nhất được thực hiện khi người đó  chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này;

– Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.

 Giảm mức hình phạt đã tuyên

Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự thì việc giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên được thực hiện như sau:

– Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Toà án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến bốn năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.

– Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

– Người chưa thành niên bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

 Xóa án tích

Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Hình sự thì thời hạn để xoá án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 64 của Bộ luật này. Người chưa thành niên phạm tội, nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật Hình sự, thì không bị coi là có án tích.

2.2. Vụ án có bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên

Người bị hại là một trong những người tham gia tố tụng theo quy định của BLTTHS. Việc tham gia tố tụng của người bị hại không chỉ nhằm bảo vệ, khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã bị xâm hại mà còn góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Người bị hại là người tham gia tố tụng và có mặt trong hầu hết các vụ án hình sự, “là người thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra” (khoản 1, Điều 51 BLTTHS).

   Để bảo vệ quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự, tất cả những hoạt động tố tụng liên quan đến nhóm người này phải được tiến hành một cách thân thiện và trong môi trường phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức và đặc điểm tâm lý. Bộ Luật TTHS hiện nay dành hẳn một chương quy định về thủ tục tố tụng đặc biệt với người chưa thành niên phạm tội, song nhìn chung chưa toàn diện, trong quá trình thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, thiếu những thủ tục tố tụng áp dụng đối với người bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên. Trước xu hướng hiện nay, tình trạng trẻ em bị lợi dụng, xâm hại, bóc lột gia tăng nhanh chóng. Điều này sẽ không đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm người này trong quá trình tham gia tố tụng. Thực tiễn áp dụng pháp luật có nhiều tồn tại, vướng mắc.

   Thông tư liên tịch số 01/2011/TT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên bổ sung một số quy định về thủ tục tố tụng liên quan đến người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên.

   Thủ tục tố tụng hình sự đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên được quy định tại chương III, từ Điều 12 đến điều 16 TT 01. Thông tư 01 quy định một số vấn đề như: xác định tuổi của người bị hại, giám hộ và trợ giúp đối với người bị hại, việc tham gia của người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, vấn đề lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, xét xử vụ án có bị hại là người chưa thành niên.

Giám hộ và trợ giúp pháp lý

Vấn đề giám hộ và trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 13 TT số 01/2011:

Khi xác định được người bị hại là người chưa thành niên thì cơ quan tiến hành tố tụng cần thông báo ngay cho cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên để họ có thể gặp gỡ và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng.

Ngoài các cá nhân tham gia tố tụng với tư cách là người giám hộ, người đại diện hợp pháp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị đại diện cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở nơi tiến hành tố tụng hoặc cán bộ hỗ trợ khác trợ giúp cho người bị hại là người chưa thành niên, đặc biệt là những người không có gia đình, lang thang cơ nhỡ, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em bị buôn bán, đánh tráo, chiếm đoạt khi họ hoặc gia đình họ có yêu cầu hỗ trợ về chỗ ở, tham vấn, chăm sóc y tế, sức khỏe, trợ giúp về mặt pháp lý, tâm lý trong quá trình tố tụng hoặc khi xét thấy cần thiết.

Đối với người bị hại là trẻ em không nơi nương tựa, cơ quan tiến hành tố tụng phải đề nghị Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp pháp lý cho họ. Cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể đề nghị Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp pháp lý cho người bị hại là người chưa thành niên khác.

Khi cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị cử cán bộ tham gia tố tụng để hỗ trợ cho người bị hại là người chưa thành niên, cơ quan hoặc tổ chức được đề nghị cần cử ngay cán bộ và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng biết để tạo điều kiện cho cán bộ hỗ trợ tiếp xúc, gặp gỡ người bị hại là người chưa thành niên.

Cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp và cán bộ hỗ trợ đã nhận trách nhiệm trợ giúp cho người bị hại là người chưa thành niên có thể tham gia trong các giai đoạn tố tụng của vụ án.

Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải:

Đảm bảo cung cấp những thông tin cần thiết về quá trình tố tụng cho người bị hại là người chưa thành niên cũng như cho cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp, cán bộ hỗ trợ của họ;

Đảm bảo sự có mặt của cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp, cán bộ hỗ trợ để họ có thể hỗ trợ, động viên người bị hại là người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng;

Đảm bảo người bị hại là người chưa thành niên, nhất là trẻ em nhận được sự trợ giúp chuyên môn về mặt y tế, sức khỏe, pháp lý, tâm lý phù hợp khi họ cần.

Việc tham gia của người bảo vệ quyền lợi của người bị hại:

Cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị hại là người chưa thành niên hoặc cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của họ về quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là người chưa thành niên.

Trường hợp người bị hại là người chưa thành niên hoặc cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại thì theo yêu cầu hoặc đề nghị của họ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án cần yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử luật sư hoặc cơ quan, tổ chức có người bị hại là thành viên cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền lợi cho họ.

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là người chưa thành niên có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của BLTTHS.

Lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng

Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên cần được bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái.

Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ.

Khi lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng là trẻ em, cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cha mẹ, người đỡ đầu, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của người đó tham dự.

Theo yêu cầu của người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời đại diện cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho họ.

Cơ quan tiến hành tố tụng cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ. Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

Việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai người bị hại là người chưa thành niên, bao gồm cả việc kiểm tra dấu vết trên người, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình phải theo đúng quy định của BLTTHS và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ.

Khi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng có thể ghi âm, ghi hình và phải ghi vào biên bản về việc này để khi tiến hành xét xử vụ án, Hội đồng xét xử có thể sử dụng băng ghi âm, ghi hình đó bổ trợ cho các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra.

 Cơ quan tiến hành tố tụng phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa người bị hại là người chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em với bị can, bị cáo để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt trẻ em thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Xét xử vụ án có người bị hại là người chưa thành niên

Khi tiến hành xét xử vụ án có người bị hại là người chưa thành niên, để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ, Tòa án cần tạo điều kiện để thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân hoặc đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn Thanh niên như trong trường hợp xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên.

Khi tiến hành xét xử, Tòa án có thể sắp xếp lại đồ vật và vị trí của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trong phòng xử án nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên.

Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa cần đơn giản, rõ ràng để giúp cho người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên và đại diện gia đình của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi.

Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi người làm chứng là người chưa thành niên.

Để bảo vệ quyền riêng tư và danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người chưa thành niên và làm giảm cảm giác sợ hãi của họ, trước khi tiến hành xét xử, Tòa án cần xem xét, cân nhắc các tình tiết liên quan đến vụ án để quyết định có xét xử kín hay không, đặc biệt là những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em.

Đối với vụ án có người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, đặc biệt là trong vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, Tòa án cần căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án để quyết định việc xét xử vụ án khi người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên vắng mặt, hạn chế việc hoãn phiên tòa.

Khi cần yêu cầu người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trình bày lời khai của mình tại phiên tòa trong điều kiện cho phép, Hội đồng xét xử có thể cho phép họ đứng sau màn chắn, bình phong để không nhìn thấy bị cáo hoặc làm chứng trực tiếp tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera.

Để người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên có thể hiểu biết rõ hơn về Tòa án, khi họ hoặc người đại diện hợp pháp, người bào chữa hoặc cha mẹ của họ có yêu cầu, Tòa án có thể cho họ đến phòng xử án trước khi mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến họ

III. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN XÉT XỬ VỤ ÁN MÀ BỊ CAN, BỊ CÁO, NGƯỜI BỊ HẠI, NGƯỜI LÀM CHỨNG LÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

  1. Vài nét về thực tiễn xét xử và những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Trong những năm qua, tình hình xét xử án hình sự đối với những bị cáo là người chưa thành niên đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Thẩm phán được phân công xét xử đa số đều là những người có hiểu biết nhất định về tâm sinh lý của người chưa thành niên, cũng như hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên. Hoạt động xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên nhìn chung đúng quy định pháp luật, bảo đảm về mặt tố tụng. Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn còn những tồn tại sau đây:

– Về việc áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự quy định một căn cứ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là “nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội” nhưng Điều luật không quy định rõ tiêu chí để đánh giá tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội nên đôi khi Thẩm phán còn lúng túng và áp dụng chưa đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, Bộ luật Hình sự quy định việc đưa vào trường giáo dưỡng được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, do Tòa án quyết định trong thời hạn từ một đến hai năm. Như vậy, trường hợp khi xét xử, người chưa thành niên gần 18 tuổi mà Tòa án quyết định đưa vào trường giáo dưỡng thì khi chưa hết thời hạn trong trường giáo dưỡng, họ đã trở thành người đã thành niên (đủ mười tám tuổi hoặc hơn mười tám tuổi), thì thực tế Cơ quan tư pháp lúng túng không biết xử lý thế nào khi chức năng của trường giáo dưỡng là chỉ thực hiện việc giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; nếu đưa họ ra khỏi trường giáo dưỡng thì bản án không được thi hành nghiêm minh. Do đó, nếu người chưa thành niên từ trên 17 tuổi đến dưới 18 tuổi thì không nên áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng vì thời hạn tối thiểu học tập, giáo dục tại trường giáo dưỡng là 01 năm.

– Khoản 5 Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là “khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà Thẩm phán chủ yếu là áp dụng hình phạt tù, trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì vẫn áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo là người chưa thành niên và cho họ được hưởng án treo; hạn chế áp dụng các hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ.

– Các đơn vị Tòa án nhân dân còn ít áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội theo Điều 70 Bộ luật Hình sự với tư cách là biện pháp hỗ trợ hay thay thế cho hình phạt.

– Vấn đề quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đôi khi vẫn còn thiếu sót, có trường hợp thì áp dụng hình phạt quá nặng, có trường hợp lại áp dụng hình phạt quá nhẹ đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều này làm giảm đi hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện nói riêng; đồng thời không bảo đảm được tính răn đe cần thiết trong quá trình thực hiện việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội.

­- Có Tòa án còn áp dụng chưa đúng quy định về hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội. Như trên đã phân tích, một trong những điều kiện để áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội là họ phải có thu nhập hoặc có tài sản riêng, nhưng đôi khi Tòa án lại áp dụng hình phạt tiền đối với cả những bị cáo là người chưa thành niên không có thu nhập và không có tài sản riêng. Ví dụ như vụ án Nguyễn T. Đ ở thành phố Hà Nội, bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị cáo Nguyễn T. Đ. bị phạt 3 triệu đồng về tội “gây rối trật tự công cộng”, trong khi bị cáo vừa đã thôi việc phụ hồ cho một đơn vị thi công và hiện đang chưa có công việc và cũng không có tài sản riêng, mới 17 tuổi 02 tháng.

  1. Một số vướng mắc trong thực tiễn và hướng giải quyết

Hiện nay, tình hình tội phạm vị thành niên diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Công cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm vị thành niên trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp và ổn định trật tự xã hội tại Việt Nam. Xét xử của Tòa án là một trong những hoạt động quan trọng góp phần thực hiện công cuộc đấu tranh phòng, chống, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Tòa án xét xử đúng pháp luật, đúng chính sách hình sự của Nhà nước sẽ ảnh hưởng rất tốt đến hiệu quả của cuộc đấu tranh này.

Nhận thức được tầm ảnh hưởng của hoạt động xét xử đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm vị thành niên, các đơn vị Tòa án đã chú trọng hơn đối với công tác xét xử người chưa thành niên phạm tội, đa số Thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử đều cố gắng hết mình trong việc trau dồi kiến thức về tâm sinh lý người chưa thành niên, đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để có thể áp dụng đúng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên, cụ thể được chính sách hình sự của Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi năm 2009) vẫn còn nhiều quy định đối với người chưa thành niên phạm tội  một cách chung chung, chưa rõ và khó áp dụng, trong khi đó các cơ quan tư pháp trung ương mới chỉ có Thông tư số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động Thương binh- Xã hội ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên; hiện nay Bộ Tư pháp đang có chương trình soạn thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng khoản 2 Điều 69 (miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội).

2.1. Về việc bắt buộc phải có mặt đại diện gia đình bị cáo là người chưa thành niên tại phiên tòa xét xử

Theo quy định tại khoản 3 Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH thì: Tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng…. Trong thực tiễn, có trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, nhưng mồ côi cha mẹ (bố mẹ mới mất vì tai nạn giao thông), không có họ hàng; bị cáo vẫn được đi học và sống nhờ vào tài sản thừa kế mà bố mẹ để lại, tại phiên tòa xét xử chỉ có đại diện của nhà trường nơi bị cáo học tập tham gia, vậy Tòa �n có thể tiến hành xét xử được hay không và việc xét xử có phải là vi phạm tố tụng?

Đối với trường hợp bị cáo mồ côi bố mẹ và không có họ hàng: mặc dù việc vắng mặt gia đình bị cáo tại phiên tòa cũng không thuộc trường hợp “gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng”. Đây là trường hợp mà luật tố tụng chưa điều chỉnh đến, tuy nhiên Tòa án vẫn có thể xét xử bị cáo trong trường hợp này, nếu tại phiên tòa đã có đại diện của nhà trường nơi bị cáo học tập tham gia; và Tòa án có thể mời thêm đại diện của một trong các cơ quan là Cơ quan Lao động Thương binh- Xã hội, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia phiên tòa để hỗ trợ cho bị cáo là người chưa thành niên, để bảo đảm quyền lợi của bị cáo là người chưa thành niên, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như việc giải quyết đúng đắn vụ án, nhanh chóng và hiệu quả.

2.2. Về việc áp dụng quy định bắt buộc có người bào chữa đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Căn cứ vào Điều 57, Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH thì: Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Tuy nhiên, có trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, không phải là thành viên của các tổ chức trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ quan điều tra đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho bị cáo trong quá trình điều tra. Nhiều Thẩm phán lúng túng không biết liệu Tòa án thụ lý vụ án để xét xử thì có được chấp nhận việc yêu cầu người bào chữa của Cơ quan điều tra hay không?

Như đã trình bày ở phần trên, trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra , Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, trừ trường hợp người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối.

Nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên và không phải là thành viên của các tổ chức trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì Tòa án không được chấp nhận việc yêu cầu người bào chữa trong trường hợp này của Cơ quan điều tra, vì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ có quyền cử người bào chữa để bào chữa cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

2.3. Về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự: “Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận trách nhiệm giám sát, giáo dục”

Thực tiễn rất ít trường hợp người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quy định này ít có tính khả thi trong thực tiễn, trong đó có nguyên nhân từ ý thức chủ quan, cách xử lý của Thẩm phán (vì Điều luật chỉ quy định là “có thể” cho miễn trách nhiệm hình sự nên nếu xét thấy bị cáo là người chưa thành niên chỉ phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì Thẩm phán thường chọn giải pháp là xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo); nguyên nhân từ việc chưa có hướng dẫn cụ thể; và một nguyên nhân cũng khá quan trọng đó là sự mâu thuẫn trong chính Điều luật, cụ thể như sau:

Việc khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi họ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn… , trong khi đó khoản 3 Điều 8 BLHS quy định “tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù”. Như vậy, Thẩm phán sẽ khó khăn trong việc xác định bị cáo là người chưa thành niên “phạm tội nghiêm trọng thì có gây hại không lớn hay không”?. Hơn nữa, đã là tội phạm, dù ít dù nhiều đều gây hại cho xã hội, không bao giờ có tội phạm nghiêm trọng lại gây hại không lớn, có chăng chỉ là tội phạm nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, hoặc tội phạm nghiêm trọng gây thiệt hại hoặc hậu quả không lớn mà thôi.

Mặt khác, khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định một trong các điều kiện để người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự là họ phải có “nhiều tình tiết giảm nhẹ”, nhưng không quy định rõ các tình tiết giảm nhẹ đó có phải là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự hay không? Quy định chưa rõ ràng như vậy cũng tạo nên sự thiếu thống nhất trong xét xử.

Trong khi chưa sửa đổi Bộ luật Hình sự và chưa có hướng dẫn của Cơ quan tư pháp trung ương, việc áp dụng quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cần có nhận thức thống nhất như sau:

Người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

 Tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện là: tội phạm ít nghiêm trọng; hoặc tội phạm nghiêm trọng nhưng gây thiệt hại không lớn (thiệt hại không lớn là những trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật dưới 31% hoặc gây tổn hại về tài sản của người khác dưới 50 triệu đồng).

–  Người chưa thành niên phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 46 BLHS (có từ hai tình tiết giảm nhẹ TNHS  trở lên, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này phải được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 46 BLHS)

–  Người chưa thành niên phạm tội được Cơ quan, tổ chức hoặc gia đình nhận giám sát, giáo dục.

– Việc cho người chưa thành niên phạm tội được miễn TNHS vẫn bảo đảm đạt được mục đích giáo dục họ trở thành người tốt và không làm ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm vị thành niên.

2.4. Vấn đề áp dụng bắt buộc quy định có mặt người giám hộ, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại

Hiện nay, Thông tư liên tịch số 01 đã quy định bổ sung một số vấn đề trong quá trình tố tụng trong vụ án có người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên như: sự có mặt của người giám hộ, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại. Tuy nhiên, quy định trên chưa thể hiện rõ tính bắt buộc hay không. Hiện nay có quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề này. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất pháp luật.

2.5. Vấn đề xác định tuổi chưa có quy định đối với người làm chứng là người chưa thành niên

Tóm lại, việc xét xử án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi người Thẩm phán phải có kiến thức, kỹ năng và hiểu biết tâm sinh lý của từng độ tuổi của đối tượng này. Ngoài việc nắm vững quy định pháp luật để có một bản án công bằng đối với người chưa thành niên, Thẩm phán còn phải có tâm huyết trong việc giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Xét xử tốt các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên cũng là thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm vị thành niên. Do vậy, Thẩm phán xét xử án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình không chỉ thực hiện việc xét xử với vai trò Thẩm phán nhân danh Nhà nước, mà còn với vai trò là người thầy giáo dục thế hệ trẻ đi đúng con đường tốt đẹp trong lai.

BÀI 21:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ SAI SÓT PHỔ BIẾN TRONG CÔNG TÁC XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

 

Năm 2012, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp đã thụ lý 83.116 vụ án hình sự với 146.968 bị cáo, tăng 6.222 vụ với 15.540 bị cáo so với cùng kỳ năm trước, đã giải quyết, xét xử được 81.643 vụ án với 144.448 bị cáo (đạt 98% số vụ và số bị cáo), tăng 6.629 vụ với 17.241 bị cáo, cụ thể:

– Giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 67.369 vụ với 122.960 bị cáo (trong đó có 27 vụ án với 68 bị cáo về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, 321 vụ án với 733 bị cáo với các tội tham nhũng, 15.285 vụ án với 19.260 bị cáo về các tội ma túy, 11.637 vụ án mới với 19.674 bị cáo về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, 26.617 vụ án với 45.866 bị cáo về các tội xâm phạm sở hữu, còn lại là các tội phạm khác). Các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân đối với 530 bị cáo; xử phạt tù có thời hạn 81.843 bị cáo; xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 25.458 bị cáo, bằng 22% (trong đó có 155 bị cáo phạm các tội về tham nhũng), còn lại là các hình phạt khác.

– Giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm 14.119 vụ với 21.239 bị cáo và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 155 vụ với 249 bị cáo.

Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, các Tòa án quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48 ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, đặc biệt là đối với các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm.

Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự thấy rằng Tòa án các cấp vẫn còn để xảy ra tình trạng xét xử một số vụ án không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ năm 2012 giải quyết xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 155 vụ với 249 bị cáo. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,5% (do nguyên nhân chủ quan 0,3% và do nguyên nhân khách quan 0,2%); bị sửa là 4,9% (do nguyên nhân chủ quan 0,3% và do nguyên nhân khách quan 4,6%). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,2%. Sau đây là những sai sót phổ biến trong công tác xét xử vụ án hình sự.

  1. Sai sót về tố tụng-việc xác định người bị hại là không đúng; sai sót về tội danh

Ví dụ:  Khoảng 22 giờ ngày 30-04-2009, Tổ công tác của Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Giang do anh Lê Hồng Truyền-Phó trưởng phòng chỉ huy triển khai lực lượng đi làm nhiệm vụ kiểm tra việc khai thác trái phép cát sỏi trên tuyến sông Thương và giao các anh Hoàng Văn Hải, Tống Đức Tuấn (do anh Hải là Tổ trưởng) đi trước làm nhiệm vụ trinh sát. Khoảng 02 giờ 30 ngày 01-5-2009, khi nhận được tin anh Hải báo cáo là trên sông Thương đoạn gần bến đò Mom thuộc địa phận xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có 03 tàu đang hút cát trái phép, anh Lê Hồng Truyền đã cử các anh Tôn Văn An, Nguyễn Văn Hoan đi tăng cường cho anh Hải và anh Tuấn kiểm tra, xử lý vi phạm, Anh Hải và anh Hoan lên hai tàu hút cát còn lại. Khi lên tàu của Đoài, anh Hải và anh Hoan tự giới thiệu là Công an lên tàu để làm nhiệm vụ rồi yêu cầu những người trên tàu tắt máy hút cát và tập trung tại mũi tàu để làm việc. Khi Nguyễn Văn Đoài, Thân Văn Tin, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Tưởng, Nguyễn Văn Hoa tập trung đầy đủ tại mũi tàu, anh Hải hỏi chủ tàu, thì Đoài nhảy xuống chiếc thuyền con buộc ở mũi tàu, anh Hải hỏi Đoài “Đi đâu”, Đoài trả lời là “Đi gọi chủ tàu” rồi bơi thuyền đến buồng máy, trèo vào buồng máy và hô “Nổ máy chạy đi”. Thắng chạy vào buồng máy nổ máy, Tưởng cầm đèn pin đi theo soi cho Thắng, còn Hoa cởi dây neo ở mũi tàu. Anh Hải đến mạn phải gần buồng lái yêu cầu không được lái tàu chạy, nhưng Đoài cùng các đối tượng trên tàu không chấp hành, anh Hải liền bắn một phát đạn lên trời để cảnh cáo, sau đó bắn hai phát đạn hơi cay vào buồng máy. Nghe tiếng súng nổ, Đoài vừa lái tàu chạy vừa hô “Thằng nào vào buồng máy thì đánh chết” và cầm dao rựa giơ lên, anh Hải lùi lại bị vướng vào vòi hút cát nên ngã xuống sông. Đoài đưa dao rựa cho Tin để cắt dây neo mũi tàu. Khi đến mũi tàu, thấy Hoa đã cởi được dây neo tàu Tin quay về phía bên trái buồng lái thì thấy Thắng đang cầm búa tạ khua về phía anh Hoan. Tin chạy đến gạt Thắng sang một bên và nói “Mày dẹp ra” rồi giơ dao rựa nói với anh Hoan “Mày muốn chết không”, anh Hoan lùi về đuôi tàu, Tin tiến lại dung tay trái túm vai phải anh Hoan, anh Hoan tiếp tục lùi và bị hụt chân ngã xuống sông. Khi ngã, anh Hoan túm lấy Tin làm Tin cùng ngã theo.

Sau khi bị ngã, anh Hải bơi được vào bờ và không bị thương tích gì, còn anh Hoan bị chết ở dưới sông.

Tại Bản giám định pháp y số 955/09/GĐPY ngày 01-5-2009, Phòng giám định pháp y Bệnh viên đa khoa tỉnh Bắc Giang kết luận: anh Nguyễn Văn Hoan chết do ngạt nước.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Hoan cung cấp cho Tòa án Bản giám định pháp y số 56/GĐPY-HS ngày 17-11-2009 của Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế (do gia đình đề nghị giám định trên cơ sở các tài liệu gia đình cung cấp). Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế kết luận: anh Nguyễn Văn Hoan chết do ngạt nước trên người có chấn thương sọ não.

Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung; tại Bản giám định pháp y số 3021 ngày 28-12-2009, Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: anh Nguyễn Văn Hoan chết do ngạt nước; vết xây xát loa tai phải do vật cứng diện tiếp xúc hẹp tác động với lực nhẹ gây ra; không thấy tổn thương khác do ngoại lực tác động.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 07/2011/HSST ngày 25-01-2011, Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang áp dụng điểm d (riêng đối với Nguyễn Văn Đoài áp dụng thêm điểm c) khoản 2 Điều 257; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Văn Đoài 07 năm tù, Thân Văn Tin và Nguyễn Văn Thắng mỗi bị cáo 06 năm tù đều về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Đoài, Thân Văn Tin kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 29-01-2011, ông Nguyễn Đức Quyên (là người được gia đình anh Hoan ủy quyền) kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 164/2011/HSPT ngày 13-9-2011, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Đoài, Nguyễn Văn Thắng và Thân Văn Tin.

Sai sót: Về tố tụng ở vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án các bị cáo về tội chống người thi hành công vụ, đây là tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính cho nên Tòa án các cấp xác định các anh Hoàng Văn Hải, Nguyễn Văn Hoan là người bị hại của vụ án là không đúng pháp luật.

Về nội dung, trong hồ sơ vụ án có 03 bản giám định pháp y, trong đó Bản giám định pháp y của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang và bản trưng cầu giám định theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đã thống nhất kết luận: anh Nguyễn Văn Hoan chết do ngạt nước. Còn Bản giám định pháp y của Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế do gia đình anh Hoan yêu cầu giám định thì kết luận: anh Nguyễn Văn Hoan chết do ngạt nước trên người có chấn thương sọ não.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi ngày 01-5-2009 thì tại mặt trước hõm tai bên phải của nạn nhân có vết rách da dài 0,2 cm có máu rỉ ra; ngoài ra trên cơ thể nạn nhân không có thương tích nào khác.

Như vậy, kết luận của các cơ quan y tế đã tiến hành giám định về nguyên nhân chết anh Nguyễn Văn Hoan là không thống nhất, mà vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định tội danh đối với Nguyễn Văn Đoài, Thân Văn Tin, Nguyễn Văn Thắng; vì theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì sau khi Nguyễn Văn Đoài hô “Thằng nào vào buồng máy thì đánh chết”, Tin và Thắng đã có hành vi dùng búa, dao rựa đe dọa, tấn công anh Nguyễn Văn Hoan làm anh Hoan ngã xuống sông và bị chết.

Do vụ án có những sai sót như đã nêu trên nên tại Quyết định Kháng nghị số 06 ngày 10-09-2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị, đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm như đã nêu trên đây để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 24 ngày 18 tháng 12 năm 2012, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang để điều tra lại.

2. Việc tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại là không đúng vì đơn xin bãi nại của người bị hại đã được sử dụng trong phiên tòa sơ thẩm; Đại diện hợp pháp cho các bị cáo có đơn xin rút kháng cáo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không đình chỉ xét xử vụ án đối với kháng cáo đã xin rút, mà lại đưa vụ án ra xét xử (lại còn xử vắng mặt bị cáo), hủy án sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Ví dụ: Ngày 02/8/2010, Tống Thành Trung điều khiển xe môtô biển kiểm soát 79X1-0786 (của chị gái là Tống Ly Trang) chở Phan Nguyễn Hoàng Phương, Trần Ngọc Thạch điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 79N1-3645 (của ông Phan Bính là bố của Phương). Khi đến ngã ba đường Phạm Văn Đồng – Tôn Thất Tùng, thấy chị Trần Thị Thanh Nga đi xe môtô cùng chiều có để túi xác ở baga xe. Trung điều khiển xe môtô của mình ép sát vào xe môtô của chị Nga để Phương ngồi sau giật túi xách. Khi bị giật túi, chị Nga tri hô và đuổi theo thì Thạch điều khiển xe vượt lên phía trước xe của chị Nga để cản đường rồi cả bọn đi xe về khu vực Đồng Nhơn, kiểm tra trong túi có 66.000 đồng, 01 điện thoại di động Samsung E250 cùng một số giấy tờ khác của chị Nga. Sau khi Trung và đồng bọn cướp giật được tài sản, anh Nguyễn Văn Quốc (là chồng của chị Nga) điện thoại vào số máy của chị Nga xin chuộc lại giấy tờ, Thạch và Phương yêu cầu phải đưa 300.000 đồng để chuộc lại, anh Quốc đồng ý. Ngày 04/8/2010, khi chuẩn bị nhận tiền thì Thạch, Phương và Trung bị bắt.

Tại biên bản định giá tài sản số 134/TC-KH ngày 27/08/2010, Hội đồng định giá tài sản thành phố Nha Trang xác định: điện thoại di động Samsung E250 trị giá 1.161.000 (một triệu một trăm sáu mốt nghìn đồng).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 81/2011/HSST ngày 20/04/2011, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang áp dụng điểm d khoản 2 Điều 136; các điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69 và Điều 74 Bộ luật hình sự (riêng Phan Nguyễn Hoàng Phương được áp dụng thêm điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự); xử phạt: Tống Thành Trung, Trần Ngọc Thạch và Phan Nguyễn Hoàng Phương mỗi bị cáo 30 (ba mươi) tháng tù, đều về tội “Cướp giật tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày 04/8/2010.

Ngày 25/4/2011, Phan Nguyễn Hoàng Phương kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 28/4/2011, ông Trần Thiệt và ông Phan Bính (là người đại diện hợp pháp của Thạch và Phương) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Thạch và Phương (nộp kèm theo bản photo “đơn xin bãi nại” của chị Trần Thị Thanh Nga ký ngày 20/04/2011, có xác nhận của Trưởng Công an xã Vĩnh Phương ngày 25/04/2011).

Ngày 14/6/2011, Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên tòa, với lý do: người bị hại kháng cáo nhưng vắng mặt không có lý do (biên bản hội ý ngày 14/6/2011, xác định chị Trần Thị Thanh Nga kháng cáo).

Ngày 16/06/2011, chị Trần Thị Thanh Nga có đơn xin xử vắng mặt.

Ngày 26/06/2011, ông Trần Thiệt và ông Phan Bính rút đơn kháng cáo.

Ngày 27/06/2011, Phan Nguyễn Hoàng Phương và Trần Ngọc Thạch rút đơn kháng cáo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 107/2011/HSPT ngày 28/06/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa áp dụng điểm c khoản 2 Điều 248 và khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự hủy bản án hình sự sơ thẩm số 81/2011/HSST ngày 20/04/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang để điều tra lại, với lý do:

Người bị hại có “đơn xin bãi nại” và được Công an xã Vĩnh Phương xác nhận ngày 25/4/2011 (sau ngày xét xử sơ thẩm) nên được coi là đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang lấy lời khai sau khi xét xử sơ thẩm là không đúng tố tụng.

Sai sót: Hành vi của các bị cáo là lợi dụng sơ hở của chủ tài sản, nhanh chóng tiếp cận để chiếm đoạt và khi chủ sở hữu tài sản xin chuộc lại giấy tờ các bị cáo đồng ý cho chuộc lại với số tiền 300.000 đồng. Các bị cáo không đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản, do đó Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo về tội “Cướp giật tài sản” là có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hành và yêu cầu người bị hại nộp tiền để chuộc lại giấy tờ, có đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” để hủy án sơ thẩm để điều tra lại là không đúng. Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm có những vi phạm về tố tụng như sau:

 + Đối với kháng cáo của người bị hại:

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: người bị hại có “đơn xin bãi nại” và được Công an xã Vĩnh Phương xác nhận ngày 25/04/2011 (sau ngày xét xử sơ thẩm) nên được coi là đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tuy nhiên, “đơn xin bãi nại” do chị Nga ký ngày 20/04/2011 (không có xác nhận của Công an xã) và “đơn xin bãi nại” cũng do chị Nga ký ngày 20/04/2011 (có xác nhận của Công an xã ngày 25/04/2011) có nội dung như nhau, không sai một câu từ và trong đơn đều xin giảm án cho cả ba bị cáo. Đồng thời, tại biên bản ghi lời khai ngày 21/06/2011 (bút lục số 173,174), chị Trần Thị Thanh Nga khẳng định: “trước ngày Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang xét xử sơ thẩm, ông Trần Thiệt bảo chị ký vào “đơn xin bãi nại” đề ngày 20/04/2011 và chị chỉ ký duy nhất tờ đơn này, đối với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang chị đồng ý, không kháng cáo”; ngoài ra, tại biên bản xác minh  ngày 20/06/2011, Trưởng Công an xã Vĩnh Phương xác nhận: ngày 25/04/2011, ông Phan Bính (là bố của Phan Nguyễn Hoàng Phương) đến Công an xã xin xác nhận vào “đơn xin bãi nại” của chị Nga, Công an xã đã liên hệ với chị Nga và chị Nga cho biết có ký đơn xin bãi nại đề ngày 20/04/2011, do đó Công an xã Vĩnh Phương xác nhận: chị Trần Thị Thanh Nga hiện ở tại địa phương.

Như vậy, “đơn xin bãi nại” của chị Nga ký ngày 20/04/2011 (không có xác nhận của Công an xã) đã được sử dụng trong phiên tòa sơ thẩm ngày 20/4/2011 và “đơn xin bãi nại” của chị Nga ký ngày 20/04/2011 (có xác nhận của Công an xã ngày 25/04/2011) do gia đình bị cáo nộp kèm đơn kháng cáo là một. Do đó, có cơ sở khẳng định chị Trần Thị Thanh Nga không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo như Tòa án cấp phúc thẩm nhận định.

+ Đối với kháng cáo của bị cáo và người đại diện hợp pháp của các bị cáo:

Ngày 25/04/2011, bị cáo Phương kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 28/04/2011, ông Phan Bính (là người đại diện hợp pháp cho bị cáo Phương), ông Trần Thiệt (là người đại diện hợp pháp cho bị cáo Thạch) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Ngày 26/06/2011, ông Trần Thiệt và ông Phan Bính rút đơn kháng cáo; ngày 27/06/2011, các bị cáo Thạch và Phương rút đơn kháng cáo. Như vậy, căn cứ Điều 238 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm phải đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên ngày 28/06/2011, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử (vắng mặt bị cáo Trung) và hủy bản án hình sự sơ thẩm số 81/2011/HSST ngày 20/04/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang để điều tra lại vì bỏ lọt tội “Cưỡng đoạt tài sản” là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Với những sai sót như đã nêu trên, tại Kháng nghị số 13 ngày 09/10/2012 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm nêu trên đề nghị Tòa hình sự hủy xét xử giám đốc thẩm để hủy bản án hình sự phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa để giải quyết lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 26 ngày 19 tháng 12 năm 2012, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với nội dung như đã nêu trên.

  1. Sai sót: Tòa án phúc thẩm áp dụng hình phạt quá nhẹ không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo

Ví dụ: Ngày 29/10/2009, do nghi ngờ chồng là Trần Văn Ban lấy 10.000.000 đồng cho “gái” nên chị Trần Thị Hiếu và Ban cãi nhau, Ban lấy ghế gỗ dánh chị Hiếu, nhưng được anh Trần Văn Đại (là em trai chị Hiếu) can ngăn. Ngày hôm sau, giữa Ban và chị Hiếu vẫn tiếp tục cãi nhau và đến khoảng 02 giờ ngày 02/11/2009, chị Hiếu ngồi làm lòng lợn, Ban nấu nước sôi để cạo lông lợn thì chị Hiếu chửi Ban về việc lấy tiền. Do tức giận, Ban lấy một cây gỗ dài khoảng 80cm, đường kính khoảng 10cm đứng phía sau lưng chị Hiếu làm chị Hiếu gục xuống, Ban tiếp tục đánh hai, ba cái vào đầu chị Hiếu. Thấy chị Hiếu nằm bất động, Ban lấy hai con dao (một dao dùng để chặt thịt, một dao dùng để cạo lông lợn) chặt người chị Hiếu ra làm nhiều khúc rồi bỏ xuống hầm rút (qua lỗ thông hơi có đường kính 10cm) ở gần lò mổ lợn trong nhà Ban. Với những bộ phận cơ thể của chị Hiếu không bỏ qua được lỗ thông hơi thì Ban dùng dao chặt nhỏ và dóc thịt rồi bỏ xuống hầm rút. Sau khi giết và phi tang xác chị Hiếu, Ban lấy quần áo, dép của chị Hiếu và cây gỗ dùng để đánh  chị Hiếu bỏ vào lò lửa đang nấu nước sôi để đốt. Sau đó, Ban tháo điện thoại di động của chị Hiếu, lấy sim cất giữ rồi ném máy điện thoại xuống hầm rút. Khoảng 3 giờ cùng ngày, Ban lên gác gọi và nói với con trai là Trần Văn Tuấn (sinh năm 1995) là mẹ đã bỏ nhà đi và bảo Tuấn đến trông em là Trần Khánh Linh (sinh năm 2008). Đến 9 giờ ngày 02/11/2009, Ban lấy sim điện thoại của chị Hiếu lắp vào máy điện thoại của mình rồi nhắn tin cho chị Nguyễn Thị Lệ Hồng (là bạn chị Hiếu) với nội “Hiếu lấy của Ban 350.000.000 đồng và trốn đi cùng người yêu qua Canada”, sau đó bẻ đôi sim điện thoại của chị Hiếu ném xuống suối sau qua nhà Ban.

Ngày 09/11/2009, Ban đến Công an xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang trình báo về việc chị Hiếu mất tích, nhờ cháu ruột là Trần Văn chúng đến trông nhà, chăm sóc các con của Ban và nhờ chị Hồ Thị Phương Viên (là bạn của Ban) đưa cho các con của Ban 4.500.000 đồng, cho chị Viên vay 10.000.000 đồng rồi bỏ trốn. Ngày 15/12/2009, biết tin con trai là Trần Văn Phong (sinh năm 1993) bị suy hô hấp phải điều trị tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, Ban điện thoại bảo Chung lấy xi măng xây bít lỗ thông hơi hầm rút. Do nghi ngờ Ban giết chị Hiếu giấu xác trong nhà, nên ngày 29/12/2009 anh Trần Văn Đại và anh Trần Văn Thắng (đều là em chị Hiếu) đi tìm trong nhà Ban thì phát hiện thấy dấu xi măng bịt ống thông hơi của hầm rút, hai anh phá hầm rút và tìm thấy một số đoạn xương, nghi là xương người nên các anh đã báo Công an. Ngày 02/01/2010, biết tin Cơ quan điều tra đã tìm thấy bộ xương, Ban nhờ anh ruột là Trần Văn Nhung đưa đến Công an thành phố Nha Trang đầu thú.

Tại bản giám định pháp y về tử thi số 46/PYHS/2010 ngày 12/01/2010, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa kết luận: Các phần xương và tổ chức phần mềm được phát hiện là của người, chưa xác định được giới tính độ tuổi; trên các phần xương người đã bị cắt rời thành nhiều mảnh, phát hiện các dấu vết sắc gọn, làm đứt lìa cấu trúc giải phẫu xương; các tổn thương phát hiện trên xương là do công cụ có lưỡi sắc, có trọng lượng tạo ra.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 13/2010/HSST ngày 23/6/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa áp dụng các điểm i và n khoản 1 Điều 93; các điểm b và p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phát Trần Văn Bản tử hình về tội “Giết người”.

Ngày 30/06/2010, Trần Văn Ban kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 352/2010/HSPT ngày 20/09/2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b và p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm o khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Văn ban tù chung thân về tội “Giết người”.

Sai sót: Trong vụ án này hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong quan hệ vợ chồng mà bị cáo đã dùng cây gỗ đánh lien tiếp vào đầu chị Hiếu cho đến khi chị ấy bất tỉnh. Sau đó bị cáo dùng 2 con dao chặt xác, dóc thịt, chặt nhỏ xương Chị Hiếu làm nhiều đoạn rồi bỏ xuống hầm. Hành vi phạm tội của bị cáo là thực hiện tội phạm một cách man rợ và có tính chất côn đồ, đây là các tình tiết định khung hình phạt được quy định tại các điểm i và n Điều 93 Bộ luật hình sự. Sau khi phạm tội bị cáo còn có hành vi lấy quần áo, dép của chị Hiếu và hung khí gây án cho vào lò lửa đốt để phi tang, dùng sim điện thoại của chị Hiếu nhắn tin cho bạn của chị Hiếu, đến công an xã giả báo tin chị Hiếu bỏ nhà đi, chỉ đạo cháu ruột dùng xi măng bịt lỗ thông hơi hầm để đánh lạc hướng và che dấu tội phạm của mình. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm i và n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự xử phạt tử hình đối với bị cáo là đúng pháp luật, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng sau khi giết chị Hiếu, bị cáo chặt xác, dóc thịt cho xuống hầm để phi tang không phải là hành vi “thực hiện tội phạm một cách man rợ” được quy định tại điểm I khoản 1 Điều 93 mà chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự “có hành động xảo quyệt nhằm che dấu tội phạm” để giảm hình phạt xuống tù chung thân cho bị cáo là áp dụng không đúng pháp luật và đánh giá không đúng tính chất mức độ đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội của bị cáo. Ngoài ra khi xét xử Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập người đại diện hợp pháp của người bị hại tham gia phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Do có sai sót như đã phân tích trên đây nên bản án phúc thẩm đã bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị. Và tại Quyết định giám đốc thẩm số 05 ngày 26 tháng 3 năm 2012, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo ban để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

  1. Tòa án cấp sơ thẩm xử quá nhẹ, Tòa án cấp phúc thẩm lại xử quá nặng

Ví dụ: Trần Thanh Lan và anh Nguyễn Văn Khanh là vợ chồng, làm nghề mua bán lúa gạo. Trong thời gian trước ngày xảy ra vụ án, giữa vợ chồng thường xuyên xảy ra xô xát do anh Khanh hay đi uống rượu và không lo phụ giúp gia đình.

Sau khi đi uống rượu về, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 29-8-2009 anh Khanh gọi điện hỏi Lan ở đâu thì Lan nói là đang ở nhà máy xay lúa. Khoảng 5 phút sau anh Khanh đi xe mô tô tới chửi mắng và dùng dụng cụ xúc gạo đuổi đánh Lan. Lan bỏ chạy vào nhà chủ nhà máy xay lúa, nên anh Khanh đi về.

Khoảng 17 giờ cùng ngày (sau khi bốc lúa ở nhà máy xay lúa xong) Lan về nhà thì bị anh Khanh dùng tay đánh vào mặt làm rách da chảy máu, được anh Nguyễn Tuấn Sinh (lái xe tải thuê cho vợ chồng Lan) can ngăn, nên anh Khanh bỏ đi uống rượu tiếp. Sau đó Lan nhớ đến việc chiếc xe máy của Lan đã hết xăng hiện đang gửi ở nhà máy xay lúa, nên Lan đưa 20.000 đồng cho con trai là Nguyễn Gia Tuấn đi mua xăng về để sang hôm sau đem đến đổ vào xe máy. Sau khi cháu Tuấn đi mua xăng về, Lan cất chai xăng trong tủ sắt. Theo Lan khai thì khoảng 21 giờ 30 phút, sau khi anh Khanh đi uống về, thấy Lan đang nằm xem truyền hình thì anh Khanh tắt truyền hình thì anh Khanh tắt truyền hình không cho Lan xem, lấy giấy kết hôn ra đốt, đòi ly dị với Lan, chửi và đuổi Lan ra khỏi nhà, nên Lan mới nảy sinh ý định dùng xăng đốt anh Khanh. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, anh Khanh đang nằm ngủ (đắp mền từ chân tới bụng) Lan lấy chai xăng do con trai Lan mua về trước đó ra đổ vào cái ấm nhôm rồi đổ lên cái mền anh Khanh đang đắp, dùng giấy mồi lửa từ bếp ga đốt anh Khanh. Anh Khanh bị cháy nên tri hô, được mọi người đưa đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện đến ngày 03-10-2009 thì tử vong.

Tại Bản kết luận giám định số 339/09/GĐPY ngày 14-10-2009, Khoa giải phẫu bệnh – pháp y Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “anh Nguyễn Văn Khanh tử vong do choáng nhiễm trùng, nhiễm độc sau bỏng toàn thân, có diện tích rộng và sâu”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm 02/2010/HSST ngày 20-01-2010, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh áp dụng khoản 2 Điều 93; các điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Thanh Lan 04 năm tù về tội “Giết người” (Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết phần trách nhiệm dân sự do người đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu).

Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ/KNPT-P1A ngày 01-02-2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 02/2010/HSST ngày 20-10-2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cáo tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và tăng hình phạt đối với Trần Thanh Lan.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 202/2010/HSPT ngày 15-4-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Thanh Lan 12 năm tù về tội “Giết người”.

Nhận xét:

*Về việc áp dụng pháp luật

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì nguyên nhân xảy ra vụ án có một phần lỗi của người bị hại là anh Nguyễn Văn Khanh đã nhiều lần gây gổ, chửi và đánh bị cáo. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự để kết án đối với bị cáo là có căn cứ, vì giữa bị cáo và người bị hại có quan hệ vợ chồng đã có mâu thuẫn với nhau trong thời gian dài; trong ngày xảy ra vụ án người bị hại đã liên tiếp thực hiện nhiều hành vi xúc phạm danh sự, nhân phẩm của bị cáo làm bị cáo bị ức chế nên mới dùng xăng (mua về trước đó mục đích là để đổ vào xe máy đã hết xăng) đốt người bị hại. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo dùng xăng đốt anh Khanh trong lúc anh Khanh đang ngủ, không thể tự vệ được thuộc trường hợp quy định tại điểm n (giết người có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là không đúng.

*Về việc quyết định hình phạt

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc các điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự (như tự nguyện bồi thường thiệt hại; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra; thành khẩn khai báo) nên đã áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo dưới mức khởi điểm của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, mức hình phạt 04 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo phạm tội có tính chất cồn đồ là không đúng và không áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nên đã quyết định mức hình phạt 12  năm tù đối với bị cáo là nặng.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 03/2012/HS-GĐT ngày 13-02-2012, Hội đồng thẩm phán đã quyết định hủy bán án hình sự phúc thẩm số 202/2010/HSPT ngày 15-04-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

5. Sai sót về trách nhiệm hình sự, về trách nhiệm dân sự và về án phí

Ví dụ: Tăng Ngọc Lợi là nhân viên lái xe của Công ty dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu (là Công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu). Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19-8-2009, trên đường đi vận chuyển tiền cho Ngân hàng Á Châu, Tăng Ngọc Lợi điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 65M-2105 đi từ Thốt Nốt về Ô Môn. Khi đến đoạn km24, quốc lộ 91, khi vực Thới Hưng, phường Thới Long, quận Ô Môn, Lợi điều khiển xe lấn trái đường vượt xe ô tô tải cùng chiều không đảm bảo an toàn nên va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 65H1-5955 do ông Nguyễn Lê Thanh Sĩ điều khiển chạy ngược chiều, gây tai nạn, làm ông Sĩ bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 44%.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 18/2010/HSST ngày 20-04-2010, Tòa án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ áp dụng khoản 1 Điều 202; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Tăng Ngọc Lợi 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, thời gian thử thách là 03 năm. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 604, 608, 609 Bộ luật dân sự chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại về việc buộc bị cáo Tăng Ngọc Lợi về việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe và thiệt hại về tài sản cho ông Nguyễn Lê Thanh Sĩ với số tiền là 60.000.000 đồng nhưng được khấu trừ số tiền 20.000.000 đồng mà ông Sĩ đã nhận và khấu trừ số tiền 20.000.000 đồng mà bị cáo đã tạm nộp tại Cơ quan điều tra; bác yêu cầu của ông Nguyễn Lê Thanh Sĩ đòi bị cáo Lợi bồi thường số tiền 80.000.000 đồng (tiền phẫu thuật đợt 2 và tiền thưởng tật do tai nạn gây ra). Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Tăng Ngọc Lợi phải nộp số tiền 1.000.000 đồng; ông Nguyễn Lê Thanh Sĩ phải nộp số tiền 4.000.000 đồng.

Ngày 04-5-2010, ông Nguyễn Lê Thanh Sĩ kháng cáo yêu cầu bị cáo cùng Ngân hàng Á Châu và Công ty dịch vụ bảo vệ Á Châu liên đới bồi thường cho ông tổng số tiền 118.620.000 đồng, nhưng khấu trừ số tiền mà ông đã nhận từ bị cáo 20.000.000 đồng.

Sai sót:

*Về trách nhiệm hình sự

Tăng Ngọc Lợi đã có hành vi điều khiển xe ô tô lấn phần đường bên trái, vượt xe ô tô tải đang chạy cùng chiều không đảm bảo an toàn nên đã đâm vào xe mô tô do ông Nguyễn Lê Thanh Sĩ điều khiển đang chạy ngược chiều đúng phần đường, gây tai nạn làm ông Sĩ bị thương tích với tỉ lệ 44%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Tăng Ngọc Lợi về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là có căn cứ.

*Về trách nhiệm dân sự

Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định tư cách người tham gia tố tụng. Theo quy định tại Điều 618 của Bộ luật dân sự thì trong vụ án này Công ty dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu là pháp nhân giao nhiệm vụ cho người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, do đó họ phải tham gia tố tụng với tư cách “Bị đơn dân sự” theo quy định tại Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định Công ty này là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” như vậy là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện sai sót này của cấp sơ thẩm và cũng không xác định họ tham gia tố tụng với tư cách gì. Bản án phúc thẩm chỉ ghi: “Đại diện Công ty dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu” như vậy là không rõ ràng.

Từ việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng của Công ty dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu nên việc quyết định về bồi thường dân sự cũng không đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo tự nguyện bồi thường cho người bị hại tổng số tiền 60.000.000 đồng (cao hơn mức bồi thường mà Tòa án cấp sơ thẩm xác định), tuy chưa có sự thỏa thuận của người bị hại và của Công ty dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu nhưng Tòa án vẫn chấp nhận sự tự nguyện của bị cáo như vậy là không đúng quy định của pháp luật, vi phạm quyền của Công ty dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu.

*Về án phí

Theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm được miễn nộp toàn bộ án phí. Tuy vậy, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn buộc người bị hại phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là thực hiện không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại.

Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét kháng cáo của người bị hại về phần dân sự trong vụ án hình sự và đã quyết định sửa về phần này nhưng không xem xét về án phí dân sự sơ thẩm là thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án nêu trên quy định: Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 27 của Pháp lệnh này. Như vậy, việc xem xét và xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm là trách nhiệm bắt buộc đối vơi Tòa án cấp phúc thẩm.

Do vụ án có những sai sót như đã nêu trên nên, tại Quyết định kháng nghị số 18 ngày 24 tháng 12 năm 2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bán án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 18/2010/HSST ngày 20-04-2010 của Tòa án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ về phần dân sự; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 14 ngày 22 tháng 04 năm 2013, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với các nội dung đã nêu trên.

6. Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo không đúng tội danh, dẫn đến việc áp dụng hình phạt quá nhẹ đối với bị cáo

Ví dụ: Hoàng Thanh Tùng là cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (sau đây gọi tắt là Chi nhánh Trùng Khánh), được giao nhiệm vụ trực tiếp giao dịch với khách hàng (cá nhân, tổ chức vay vốn) trên địa bàn phụ trách, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ vay vốn, nếu đủ điều kiện cho vay thì đề xuất với lãnh đạo Phòng Kế hoạch kinh doanh và lãnh đạo Chi nhánh Trùng Khánh  phê duyệt, rồi rút tiền từ quỹ chính của Ngân hàng về quầy giao dịch của cán bộ tín dụng để giao cho khách hàng; mặt khác, Tùng còn có nhiệm vụ trực tiếp thu tiền trả nợ gốc và tiền lãi của khách hàng, nộp về Chi nhánh Trùng Khánh.

Từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 7 năm 2010, Hoàng Thanh Tùng đã thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng, đề xuất cho vay và được lãnh đạo Chi nhánh Trùng Khánh chấp thuận, cho giải ngân với tổng số tiền là 488.000.000 đồng. Tùng đã rút số tiền này từ quỹ chính của Ngân hàng về quầy giao dịch của cán bộ tín dụng, nhưng không giao tiền cho các khách hàng trên.

Cũng trong thời gian trên, Hoàng Thanh Tùng đã thu nợ 197.057.376 đồng mà các khách hàng trả nợ Ngân hàng, nhưng không nộp vào quỹ của Chi nhánh Trùng Khánh, không hạch toán trên máy tính theo quy định để giảm trừ khoản vay cho khách hàng, nên Ngân hàng không biết việc khách hàng đã nộp tiền và vẫn tính lãi suất trên số tiền vay của khách hàng.

Ngoài ra, ngày 21-7-2010 Hoàng Thanh Tùng còn mạo danh anh Hoàng Văn Tọa sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Tọa lập 01 bộ hồ sơ khống vay 10.000.000 đồng của Chi nhánh, thời hạn vay 36 tháng.

Hoàng Thanh Tùng khai đã sử dụng các khoản tiền trên vào việc đánh bạc, mua xe mô tô, làm nhà; sau khi bị phát hiện đến trước khi khởi tố vụ án, Tùng đã cùng gia đình bồi thường toàn bộ số tiền trên và tiền lãi phát sinh cho Chi nhánh Trùng Khánh.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 68/2011/HSST ngày 30-11-2011, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng áp dụng điểm b khoản 2, khoản 5 Điều 281; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Hoàng Thanh Tùng 30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng; cấm Tùng đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong thời hạn 02 năm.

Sai sót:

*Đối với hành vi liên quan đến số tiền 685.057.376 đồng

Từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 7 năm 2010, với cương vị là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Trùng Khánh, Hoàng Thanh Tùng đã nhận 488.000.000 được lãnh đạo Ngân hàng chấp thuận cho vay và giải ngân, nhưng Tùng không giao có các khách hàng vay vốn; Tùng còn thu nợ 197.057.376 đồng mà các khách hàng trả nợ cho Ngân hàng nhưng không nộp vào Chi nhánh Trùng Khánh. Theo quy định của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Việt Nam thì sau khi nhận tiền, Tùng có trách nhiệm quản lý các khoản tiền trên để giao cho khách hàng (đối với khoản tiền giải ngân) hoặc nộp vào Ngân hàng (đối với khoản tiền thu nợ của khách hàng).

Như vậy, Hoàng Thanh Tùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chiếm đoạt tài sản của Chi nhánh Trùng Khánh mà mình có trách nhiệm quản lý với tổng số tiền là 685.057.376 đồng; chỉ sau khi bị phát hiện Tùng mới bồi thường số tiền này cho Ngân hàng và theo lời khai của Tùng thì phần lớn số tiền trên được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (đánh bạc). Vì thế, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Hoàng Thanh Tùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” là không chính xác, mà hành vi trên của Hoàng Thanh Tùng có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự.

*Đối với hành vi liên quan đến số tiền 10.000.000 đồng

Về việc Hoàng Thanh Tùng mạo danh anh Hoàng Văn Tọa, sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Tọa lập 01 bộ hồ sơ khống vay 10.000.000 đồng của Chi nhánh Trùng Khánh; xét thấy, khi bị phát hiện (ngày 27-08-2010) thì hợp đồng này mới thực hiện được khoảng trên 01 tháng, chưa hết thời hạn vay và sau khi bị phát hiện Tùng đã bồi thường toàn bộ tiền gốc, tiền lãi phát sinh của khoản vay này cho Chi nhánh Trùng Khánh, nên không có căn cứ kết luận Hoàng Thanh Tùng chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng đối với khoản tiền này.

Từ sai lầm trong việc xác định tội danh đối với hành vi phạm tội của Hoàng Thanh Tùng liên quan đến số tiền 695.057.376 đồng, dẫn đến việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt Hoàng Thanh Tùng 30 tháng tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo; lại cho Tùng được hưởng án treo là áp dụng không đúng quy định của Bộ luật hình sự về chế định án treo.

Do phải xem xét lại trách nhiệm hình sự cuả Hoàng Thanh Tùng về tội “Tham ô tài sản” là tội nặng hơn so với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nên cần hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Chính vì những sai sót nêu trên, tại Quyết định kháng nghị số 17 ngày 24 tháng 12 năm 2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dấn tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 03 ngày 13 tháng 03 năm 2013, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với các nội dung đã nêu trên.

7. Sai sót cả về hình sự và dân sự trong cùng một vụ án

Ví dụ: Đầu năm 2011, thông qua chị Đỗ Thị Vân Anh, Lộc Thị Huệ quen biết với chị Hoàng Thị Nghĩa, cùng làm nghề đổi tiền Việt Nam sang tiền ngoại tệ. Qua chị Nghĩa, Huệ quen với chị Vũ Thị Tuyết làm nghề buôn bán dưa hấu từ các tỉnh phía Nam qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn xuất khẩu sang Pò Chài, Bằng Tường, Trung Quốc.

Từ tháng 3/2011 khi chủ hàng phía Trung Quốc thanh toán tiền  Nhân dân tệ thì chị Tuyết mang đến đổi cho Huệ và chị Nghĩa để lấy tiền Việt Nam và nhờ Huệ và chị Nghĩa chuyển tiền trả cho khách hàng của chị Tuyết theo số tài khoản của anh Phạm Ngọc Hải (là chống của chị Vũ Thị Tuyết). Thời gian đầu thì việc chuyển đổi giữa ba người sòng phẳng, nhưng đến đầu tháng 4/2011 thì chị Tuyết đổi tiền nhân dân tệ với Huệ và chị Nghĩa ít hơn trước, nhưng Huệ và chị Nghĩa lại chuyển tiền Việt Nam cho khách hàng của chị Tuyết nhiều hơn số tiền mà chị Tuyết đổi, nhằm tính lãi suất theo thỏa thuận.

Ngày 11/5/2011, qua đối chiếu sổ sách thì chị Tuyết còn nợ Huệ là 265.000.000 đồng, nợ của chị Nghĩa là 426.405.000 đồng. Theo thỏa thuận thì ngày 11/05/2011 chị Tuyết sẽ có trách nhiệm trả hết tiền nợ cho Huệ và chị Nghĩa, nhưng sau nhiều lần đòi và khất nợ giữa hai bên, chị Tuyết vẫn không trả được tiền cho Huệ và chị Nghĩa theo cam kết.

Khoảng 14 giờ ngày 12/05/2011, chị Tuyết và chị Nghĩa đang ở nhà F39 Lò Chài, Bằng Tường, Trung Quốc thì Huệ gọi điện thoại cho chị Tuyết đòi nợ, chị Tuyết nói bị người khác lừa hết tiền rồi không còn khả năng thanh toán cho Huệ nữa. Do đó, Huệ đã đến nhà F39 để gặp chị Tuyết. Tại đây chị Tuyết đã viết giấy nợ với Huệ số tiền 265.000.000 đồng, hẹn đến ngày 16/4/2011 sẽ trả. Sau khi biết chị Tuyết ở lại Trung Quốc không cho về Việt Nam và ép chị Tuyết viết thư về cho chồng (là anh Hải) đi vay mượn tiền để trả cho Huệ, khi nào trả được tiền thì Huệ mới cho chị Tuyết về Việt Nam. Huệ đã giữ của chị Tuyết 01 giấy thông hành, 01 điện thoại di động và 1.700.000 đồng nhằm mục đích không cho chị Tuyết về Việt Nam. Huệ đã gọi điện thoại cho A Sinh (là người Trung Quốc quen với Huệ) đến giữ chị Tuyết.

Khoảng 15 giờ ngày 12/5/2011, A Sinh đi cùng hai thanh người thanh niên đến nhà F39 gặp Huệ và đưa chị Tuyết đi đến giữ tại ngôi nhà bỏ hoang cạnh đường Pò Chài, không cho chị Tuyết ra ngoài cũng không cho tiếp xúc với người bên ngoài. Khoảng 22 giờ ngày 13/5/2011, A Sinh lại đưa chị Tuyết đến một ngôi nhà khác đang xây dựng dở ở Bằng Tường và canh giữ cận thẩn. Đến 20 giờ ngày 14/5/2011, chị Nghĩa đến nơi chị Tuyết bị giữ bảo chị Tuyết viết thư về cho chồng với nội dung: Tuyết nợ tiền của Huệ và chị Nghĩa, số tiền đó hiện đã bị người ta lừa mất, không có khả năng trả được, nhờ chồng ở nhà vay mượn để trả thì mới được về Việt Nam. Sau đó chị Nghĩa cầm thư mà chị Tuyết viết mang về Việt Nam đưa cho chồng chị Tuyết.

Khi biết vợ mình bị bắt giữ tại Trung Quốc, ngày 13/05/2011 anh Phạm Ngọc Hải đã viết đơn trình báo với Công an huyện Văn Lãng. Ngày 14/05/2011, Công an huyện Văn Lãng đã có lệnh bắt khẩn cấp với Lộc Thị Huệ về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Sáng ngày 15/5/2011, chị Tuyết được A Sinh đưa đến nhà F39 Pò Chài, sau đó thì được chị Nghĩa đưa về Việt Nam.

* Sai sót về hình sự

Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, cũng như đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; nhân thân không có tiền án, tiền sự… để cho bị cáo được án treo là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên: “xử phạt bị cáo Lộc Thị Huệ 12 tháng tù cho hưởng án treo, được trừ thời gian đã bị tạm giam là 03 tháng 16 ngày còn thi hành tiếp 08 tháng 14 ngày. Thời gian thử thách 16 tháng được tính từ ngày xét xử sơ thẩm…” Việc tuyên án như trên của Tòa án cấp sơ thẩm là áp dụng không đúng pháp luật và không đúng hướng dẫn tại điểm b tiết 6.4 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Mục 1 của Công văn số 99/TANDTC-KHXX ngày 01/07/2009 của Tòa án nhân dân tối cao. Hậu quả pháp lý của việc tuyên án như trên là sẽ không xác định được mức hình phạt của bản án này (12 tháng hay 08 tháng 14 ngày) để tổng hợp với hình phạt của bản án mới trong trường hợp bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách của án treo theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp này, sau khi quyết định mức hình phạt tù 12 tháng và cho bị cáo được hưởng án treo thì việc ấn định thời gian thử thách của án treo phải được tính như sau: 12 tháng – 3 tháng 16 ngày (đã bị tạm giam) = 8 tháng 14 ngày tù còn lại phải chấp hành, rồi lấy 8 tháng 14 ngày tù  x  2 = 16 tháng 28 ngày để xác định thời gian thử thách (có thể quyết định thời gian thử thách là 17 tháng). Do đó, việc tuyên án phải là: “Xử phạt Lộc Thị Huệ 12 tháng tù, cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 17 tháng, kể từ ngày…”

Về dân sự, trong vụ án này, quan hệ vay nợ giữa Lộc Thị Huệ và chị Vũ Thị Tuyết là một quan hệ dân sự không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, do đó không phải là vấn đề dân sự phải giải quyết trong vụ án hình sự. Nếu Lộc Thị Huệ có khởi kiện thì sẽ được thụ lý giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các Điều 305, 473, 474, 476 của Bộ luật dân sự chấp nhận việc đòi nợ của bị cáo tại phiên tòa để buộc chị Tuyết, anh Hải phải trả cho bị cáo số tiền 265.000.000 đồng đã vay của bị cáo là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự và Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy vậy, vì chị Tuyết có vay tiền của bị cáo Huệ, không chịu trả làm cho bị cáo Huệ bức xúc, nên đã bắt giữ chị Tuyết với mong muốn chị Tuyết trả nợ cho Huệ, cho nên được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS.

Bởi những sai sót trên, tại Quyết định kháng nghị số 12 ngày 03 tháng 10 năm 2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 25 ngày 19 tháng 12 năm 2012, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với các nội dung đã nêu trên.

8. Sai sót của cả 2 cấp xét xử: Kẻ cầm đầu vụ án thì xử nhẹ; Kẻ đồng phạm thứ yếu thì xử nặng là không đúng chính sách pháp luật hình sự

Ví dụ: Tháng 07-2000 Ngô Quang Chướng và ông Đặng Xuân Sỹ cùng hùn vốn mở Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải (sau đây gọi tắt là Công ty Hoàng Hải) tại số 32/11 ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh (Chướng là Giám đốc, ông Sỹ liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo Ngô Quang Chướng có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ đền bù khống và bán đất chưa được đền bù tại dự án khu Dân cư xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Từ đó, mâu thuẫn giữa Chướng và ông Sỹ ngày càng gay gắt và Chướng có ý định tổ chức đánh ông Sỹ.

Để thực hiện ý định đó, thông qua một người tên là Minh Cám, Ngô Quang Chướng quen với Vũ Văn Luân. Tháng 7-2009, sau khi đến nhà Luân ăn đám giỗ, Chướng chủ động cho vợ chồng Vũ Văn Luân và Vũ Thị Bích Ngọc một lô đất 100m2 trong khu quy hoạch dự án của Công ty Hoàng Hải. Từ đó, Luân mang ơn Chướng. Khoảng tháng 8-2009, ông Sỹ gửi đơn kiện Chướng đến Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn và phòng PC 15 Công an thành phố. Do tức giận, Chướng điện thoại gọi Luân đến Công ty Hoàng Hải và nói rõ mâu thuẫn của Chướng với ông Sỹ  cho Luân biết và yêu cầu Luân dằn mặt ông Sỹ. Luân đồng ý nên Chướng đưa hình ảnh, địa chỉ nơi ông Sỹ ở để Luân với Nguyễn Thế Việt (đàn em của Luân) thực hiện.

Khoảng 21 giờ ngày 01-9-2009, Việt cùng 3 tên đàn em của Việt (chưa xác định được lai lịch) đến nhà ông Sỹ tại Chung cư H3 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Khi gặp ông Sỹ, Việt và đồng bọn dí dao vào người ông Sỹ không được thưa kiện nữa, nếu thưa kiện đừng có trách. Sau đó, Việt điện thoại báo cho Chướng biết đã đến nhà cảnh báo ông Sỹ.

Ngày 18-09-2009, ông Sỹ tiếp tục gửi đơn đến Sở kế hoạch đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tố cáo những hành vi gian dối của Chướng. Ngày 08-10-2009, Phòng đăng kí kinh doanh Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh có giấy mời Ngô Quang Chướng cùng toàn thể Ban giám đốc Công ty Hoàng Hải trong đó có ông Sỹ đến Phòng đăng ký kinh doanh vào lúc 08 giờ ngày 15-10-2009 để làm việc.

Sau khi nhận được giấy mời, tối ngày 13-10-2009, Chướng điện thoại cho Vũ Văn Luân yêu cầu cho đàn em đánh dăng mặt ông Sỹ khi ông Sỹ đang điều khiển xe mô tô trên đường về ngay sau buổi họp ngày 15-10-2009. Chướng dặn Luân là đâm cảnh cáo vào mông ông Sỹ, hai là lấy cây đánh vào chân ông Sỹ, làm sao dàn cảnh va chạm quẹt xe, đừng để ông Sỹ nghi ngờ. Luân đồng ý. Sau đó, Luân điện thoại cho Nguyễn Thế Việt nói rõ yêu cầu của Chướng và ra lệnh cho Việt chuẩn bị kế hoạch đánh ông Sỹ. Việt điện cho Trần Văn Khoa yêu cầu cung cấp cho Việt hai tên đàn em điều khiển xe máy giỏi. Khoa chọn Bùi Quốc huy và Ngô Chí Huấn. Khoảng 6 giờ sang ngày 15-10-2009, Việt đưa ảnh của ông Sỹ cho Bùi Quốc Huy, Ngô Chí Huấn và hai đàn em của Việt là Chương và Tấn nhận dạng ông Sỹ trước khi hành động. Việt phân công Huẩn điều khiển xe máy của Chương chở Chương ngồi sau cầm dao đâm trực tiếp ông Sỹ; còn Huy điều khiển xe máy chở Tấn ngồi sau cầm dao,  có nhiệm vụ cản đường nếu ông Sỹ hoặc người đi đường đuổi theo. Việt nói xong nhiệm vụ sẽ trả cho mỗi người 1.500.000 đồng. Việt cũng chuẩn bị sẵn 2 con dao bằng kim loại giống nhau dài khoảng 30 cm, mũi dao nhọn, cán dao bằng gỗ dưa cho Tấn và Chương, Việt và Khoa đi Taxi. Tất cả đi đến Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hồ Chí Minh để chờ lệnh của Chướng. Đến 11 giờ 10 phút, Chướng nhắn tin cho Việt với nội dung “Đã họp xong”. Sau khi nhân được lệnh của Chướng qua tin nhắn, Khoa và Việt thấy ông Đặng Xuân Sỹ điều khiển xe gắn máy hiệu Future màu đỏ từ trong Sở Kế hoạch và đầu tư chạy ra ngoài đường. Khoa, Việt chỉ ông Sỹ và bảo Huy, Huẩn chạy bám theo chiếc xe sau. Ông Sỹ rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng. Khi đến trước nhà số 88 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 (hướng từ ngã tư Nguyễn Du đến ngã tư Lê Duẩn) thì Chương bảo Huẩn chạy lên ép sát vào xe ông Sỹ, Chương cầm dao đâm liên tiếp hia nhát vào vùng thắt lưng trái và mông trái của ông Sỹ, ông Sỹ truy hô “Cướp, cướp” thì Huẩn tăng ga tẩu thoát. Cùng lúc Huy chở Tấn lao lên chặn đầu xe của ông Sỹ nhưng đã va chạm với một chiếc Taxi đang lưu thông ngược lại, làm Huy và Tấn cùng bị ngã. Cả hai bỏ xe chạy bộ, Huy bị quần chúng bắt giữ, còn Tấn chạy thoát. Trong lúc đó, Khoa và Việt ngồi trên xe Taxi chạy phía sau, nhìn thấy nhiều người tụ lại rất đông, Việt kêu xe Taxi tiếp tục chạy về đường Nguyễn Trãi, quận 1 thì nhận được điện thoại của Tấn báo cho biết Huy đã bị bắt. Việt kêu xe Taxi dừng lại chờ Tấn đến cùng lên xe đi về đến đường Bà Hạt, quận 10 thì Việt xuống xe vào bảo Khoa, Tấn về quận 12 trước, còn Việt quay trở lại hiện trường xem tình hình của Huy. Đến 14 giờ cùng ngày, Việt gọi điện bảo Khoa và Huẩn trốn đi ngay. Khoa và Huẩn liền bỏ trốn sang Lái Thiêu, Bình Dương sống lang thang đến ngày 21-10-2009 thì cùng nhau trốn ra Bắc Ninh, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc.

Ngày 28-10-2009, Khoa điện cho Luân nói đang lẩn trốn và không còn tiền tiêu xài. Luân bảo Khoa về Khách sạn Ngọc Lan ở số 35 Trần Quang Diệu, Hà Nội ở cùng Luân. Cùng ngày Khoa và Huẩn đến khách sạn Ngọc Lan gặp Luân, tối ngày 29-10-2009 cả ba cùng bị bắt giữ.

Sau khi bị đâm, ông Sỹ được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện nhân dân Gia Định, đến ngày 17-10-2009 thì chết. Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 942/09/GĐPY ngày 21-10-2009 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh, kết luận: ông Đặng Xuân Sỹ chết do vết thương đâm đứt niệu quản trái, thủng ruột non, thủng đứt mạc treo đại tràng trái và đứt tĩnh mạch đại tràng trái.

Ngày 18-11-2009, Cơ quan điều tra bắt giữ Ngô Quang Chướng. Đối với Nguyễn Thế Việt sau khi gây án đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định truy nã, đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ lai lịch của “Chương” và Tấn để điều tra, xử lý sau.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 283/2011/HSST ngày 09-9-2011, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm q (vì động cơ đê hèn) khoản 1 Điều 93; các điểm b và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Ngô Quang Chướng tù chung thân về tội “Giết người”. Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 610 Bộ luật dân sự giao 750.000.000 (bảy trăm năm mươi triệu đồng) gia đình Chướng đã tự nguyện nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh cho gia đình người bị hại.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt Vũ Văn Luân tử hình về tội “Giết người”, 02 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, 05 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt chung là tử hình, Trần Văn Khoa, Ngô Chí Huấn mỗi bị cáo 20 năm tù, Bùi Quốc Huy 14 năm tù đều về tội “Giết người”, Đỗ Quang Lợi 02 năm 06 tháng tù, Nguyễn Thế Mạnh, Lều Ngọc Hà, Đỗ Hoàng Sơn mỗi bị cáo 02 năm tù về các tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, “Cưỡng đoạt tài sản”; quyết định về biện pháp xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo luật định.

Sai sót:

Xét thấy do mâu thuẫn với ông Đặng Xuân Sỹ nên Ngô Quang Chướng đã chủ động cho vợ chồng Vũ Văn Luân 100 mđất rồi sau đó nhờ Vũ Văn Luân đánh dằn mặt ông Sỹ. Luân chỉ đạo đàn em là Nguyễn Thế Việt đánh ông Sỹ và dàn cảnh tai nạn giao thông. Hậu quả ông Sỹ đã bị đồng bọn của Việt đâm chết. Trong vụ án này, Ngô Quang Chướng là người chủ mưu, cầm đầu nên phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người do hành vi của đồng phạm gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Vũ Văn Luân mức hình phạt cao nhất là tử hình, trong khi chỉ xử phạt Ngô Quang Chướng tù chung thân là không tương xứng với vai trò chủ mưu của Chướng.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị và gia đình người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Ngô Quang Chướng. Tòa án cấp phúc thẩm không đánh giá đúng tính chất nguy hiểm, mức độ phạm tội và vai trò chủ mưu của Chướng, mà nhấn mạnh đến việc Chướng đã bồi thường cho gia đình người bị hại, có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, nên đã bác kháng nghị và kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về hình phạt đối với Ngô Quang Chướng là không đúng.

Tại Quyết định kháng nghị số 07 ngày 18 tháng 9 năm 2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần hình phạt đối với Ngô Quang Chướng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định số 06 ngày 14-03-2013, Hội đồng thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao với nội dung như đã nêu trên.

Việc các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán phần nhiều nguyên nhân là do một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp. Một số trường hợp Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kĩ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, áp dụng pháp luật chưa chính xác.

Để nâng cao chất lượng giải quyết tốt các vụ án hình sự, bên cạnh việc chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ Thẩm phán phải dũng cảm, kiên quyết không chịu sức ép của cá nhân, cơ quan, tổ chức nào, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Thẩm phán phải luôn luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện bằng được phương châm “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” mà Bác Hồ đã dạy.

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai