Ngày 27/06/2017, TAND huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xét xử và ra bản án số 08/2017/HSST, tuyên bị cáo Ma Công Độ 07 tháng tù, phạt tiền 1.000.000 VND (một triệu đồng); bị cáo Nguyễn Văn Hồng 10 tháng tù, phạt tiền 1,5 triệu đồng. Chúng tôi nhận thấy mức án mà bản án sơ thẩm tuyên án đối với hai bị cáo là quá nặng và quá nghiêm khắc. Đặc biệt, Tòa sơ thẩm đánh giá vai trò của Hồng trong vụ án này là người chủ mưu là không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Cụ thể như sau:
Biên bản hỏi cung bị can ngày 17/2/2017 – BL 443 Triệu Hữu Phúc khai là: “khi tôi đến xới bạc thì tôi thấy anh Tuân là người xóc cái. Tôi không biết ai là người tổ chức xới bạc, tôi cũng không biết ai là người thu tiền hồ, ai trông coi cảnh giới, ai cho vay mượn tiền cầm cố tài sản để đánh bạc”.
Lời khai trên của Phúc phù hợp với lời khai của Quan Văn Học ngày 12/2/2017 – BL 453 có nội dung: “Việc đánh bạc tôi không rõ ai là người tổ chức, không có ai rủ rê tôi đánh bạc, bản thân tôi tự tham gia đánh bạc cùng với mọi người. Trong quá trình đánh bạc anh Sư là người sóc cái, được một lúc thì có anh Ma Đức Tuân nhà ở thôn Tống Pu- Bình An xóc cái đến khi bị công an huyện Lâm Bình bắt quả tang”.
Tại BL 506 – 507, trong Biên bản hỏi cung bị can ngày 21/2/2017 Nguyễn Văn Hồng khai rằng: “Chúng tôi đi vào nhà anh Phùng Thừa Chí cách nhà anh Phúc khoảng 100m để đánh bạc. Đến nơi tôi soi gương ở trước hiên nhà chính thì thấy anh Sư (người Bình An) chuẩn bị bát đĩa còn bản thân tôi cắt quân đem ra bãi đất trống cạnh nhà bếp có rải sẵn bạt rồi chúng tôi đánh bạc”.
Biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can của Ma Công Sư ở các BL 558-559 và 570 – 571 đều khẳng định:
“Tôi là người trực tiếp đến chạm bát nhà anh Chí và lấy 01 cái bát xứ, loại bát ăn cơm màu trắng, 01 cái đĩa xứ màu trắng. sau đó cầm ra phía góc nhà mọi người đã ngồi trên tấm bạt đợ sẵn. Tôi thấy anh Hồng dùng dao làm 04 quân bạc bằng mảnh tre.
Tôi sóc cái được khoảng 4-5 lượt thì Ma Đức Tuân vào thay tôi sóc cái, chúng tôi đánh bạc được một lúc thì lực lượng công an đến nên tôi và nhiều khác bỏ chạy”.
Lời khai của Ma Đức Tuân ngày 21/2/2017 – BL 596-598 như sau:
“Khi tôi tham gia đánh bạc thì tôi thấy anh Ma Công Sư là người sóc cái đầu tiên và đặt cửa cá cược. Anh Sư sóc cái được 1-2 lần thì tôi bảo anh Sư cho tôi là người sóc cái. Người chuẩn bị quân bạc là anh Hồng làm ở nhà anh Phúc. Anh Hoàng Văn Phẩy là người đưa ra 05 quân bài tú lơ khơ làm bảng vị”.
Từ những viện dẫn và căn cứ nêu trên cho thấy, trong vụ án này có 3 người trực tiếp chuẩn bị các công cụ phương tiện phạm tội đó là: Ma Công sư lấy bát đĩa, Hoàng văn Phẩy lấy tú lơ khơ làm bảng vị, còn Nguyễn Văn Hồng chỉ cắt quân bạc, còn người cầm cái chủ yếu là Ma Công Sư và Ma Đức Tuân. Trong khi đó, chơi cờ bạc bằng hình thức sóc đĩa vai trò của người cầm cái là quan trọng nhất. Như vậy, trong vụ án này có tính chất đồng phạm, việc Hồng cắt 04 quân bạc và tham gia chơi chỉ là người thực hành tích cực.
Các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Lâm Bình căn cứ vào lời khai của Ma Đức Tuân trao đổi với Nguyễn Văn Hồng để đánh giá Hồng và Tuân là người chủ mưu, khởi xướng là không chính xác bởi lẽ: giữa hai người này chỉ nói chuyện bình thường với nhau, chứ không có việc thực hiện ngay hành vi chơi bạc. Điều đó được chứng minh trong các bản tự khai, Biên bản hỏi cung bị can của Ma Đức Tuân ngày 18, ngày 21/2/2017 và ngày 31/3/2017 – BL 600-604 như sau: “Lúc đó nhà anh Phúc vừa ăn cơm xong, tôi thấy anh Nguyễn Văn Hồng nhà ở thôn Nà Mèn, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình có nói: tìm chỗ làm tý. Ý tôi hiểu anh Hồng nói là rủ mọi người đi đánh bạc, tôi bảo có, anh Hồng bảo mỗi người ra 2 triệu đồng để đánh bạc. Tôi bỏ ra 02 triệu đồng, anh Hồng vào nhà bếp nhà anh Phúc để cắt quân sóc đĩa thì tôi không chơi. Khi đó tôi đi ra ruộng để bừa ruộng lạc để bừa đất cho xong. Sau khoảng 20 phút tôi quay lên thấy tại góc nhà anh Phùng Thừa Chí có nhiều người ngồi nên tôi biết là đang đánh bạc”.
Căn cứ nêu trên cho thấy câu chuyện giữa Hồng và Tuân chỉ mang tính chất chêu đùa, không phải rủ rê, lôi kéo nhau và những người khác tham gia chơi bạc. Vì việc đánh bạc là do ý trí và quyết định của mỗi người. Ngay sau khi Hồng nói tế nhị với Tuân như thế, thì Tuân đã không chơi mà vẫn có ý thức đi làm công việc cày ruộng. Đến khi hoàn thành anh mới quay lại và thấy đông người thì góp vui.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 27/06/2017, Hồng có lời khai trong biên bản phiên tòa – BL số 795 như sau: “chủ tọa Hỏi: ai là người khởi xướng việc đánh bạc hôm đó. Hồng đáp: Tuân nói trước với tôi câu trưng ra 2 triệu để đánh”.
Như vậy, rõ ràng Hồng không phải là người khởi xướng việc đánh bạc. Bởi thế, bản án sơ thẩm nhận định tại trang 10 rằng: “xét về vai trò, mức độ thực hiện tội phạm của từng bị cáo thấy rằng: các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Bị cáo Ma Đức Tuân, Nguyễn Văn Hồng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người chủ mưu, đề xuất việc đánh bạc..”. Chúng tôi không đồng tình và hoàn toàn bác bỏ với lập luận trên của Tòa án huyện Lâm Bình bởi lẽ: những câu nói của Hồng và Tuân chỉ thể hiện sự tự phát, thiếu nhận thức, không có ý đồ gì với nhau, cho nên không có sự tiếp nhận ý trí của nhau. Do đó, Tòa án sơ thẩm huyện Lâm Bình nhận định vai trò của Hồng là người chủ mưu là không đúng với thực tế khách quan vụ án và đúng quy định tại Điều 20 BLHS.
Trong vụ án này, có rất nhiều người tham gia chơi đánh bạc. Vụ án có tới 14 bị can. Căn cứ vào khái niệm Đồng phạm quy định tại Điều 20 BLHS:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.
Đối chiếu về ý thức chủ quan, hành vi của hai thân chủ tôi trong vụ án, luật sư nhận thấy: Ma Công Độ, Nguyễn Văn Hồng chỉ với vai trò thực hành, là người tham gia chơi sóc đĩa cùng nhiều người khác. Trong phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều khai nhận, khẳng định Tuân và Sư là hai người cầm cái sóc đĩa.Vì thế, Ma Đức Tuân, Ma Công Sư là người có vai trò chính trong vụ án. Như vậy, căn cứ vào mục 4 Công văn số 01/2017/GĐ – TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC, Độ, Hồng chỉ là người phạm tội có vai trò, vị trí thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.
Ma Công Độ chưa từng bị xử lý về hành vi đánh bạc chơi lô đề
Trong hồ sơ vụ án tại các BL 240 – 241 và 749 thể hiện Ma Công Độ là người bị xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định số 04/QĐ-XPVPHC ngày 13/01/2016 của Công an huyện Lâm Bình về hành vi “Đánh bạc trái phép” (Mua các số lô, số đề). Song, thực tế Độ chưa bao giờ mắc sai phạm và bị xử lý về việc này. Hơn nữa, trong “BIÊN LAI THU” ngày 13/01/2016, ở phần “Người nộp tiền” và phần NGƯỜI HOẶC ĐẠI DIỆN TÔ CHỨC VI PHẠM trong “Biên bản vi phạm hành chính” ngày 12/11/2016, Độ khẳng định chữ ký “Độ” và chữ viết “Ma Công Độ” không phải là của mình. Chúng tôi so sánh với chữ viết, chữ ký trong các bản tự khai của Ma Công Độ với các biên bản liên quan đến việc Độ bị xử lý hành chính thấy hoàn toàn khác nhau. Đây chính là lý do khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện Lâm Bình nhận định đánh giá Độ là người có nhân thân xấu nên xử 07 (bảy) tháng tù giam không cho hưởng án treo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, danh dự của thân chủ chúng tôi.
Như vậy, với việc Độ khẳng định chưa từng bị xử phạt hành chính về chơi lô đề và cũng chưa bao giờ nộp phạt. Vậy tại sao có văn bản xử phạt vi phạm hành chính số 04/QĐ – XPVPHC là điều rất vô lý. Phải chăng Công an huyện Lâm Bình đang cố tình lập biên bản khống?. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét điều này để ra quyết định đúng đắn, chính xác không làm xấu hơn về tình trạng nhân thân của Ma Công Độ.
Về số tiền Hồng và Độ tham gia chơi bạc
Tại phiên tòa sơ thẩm, Ma Công Độ thừa nhận số tiền tham gia đánh bạc là 450.000 đồng. Hồng khai nhận số tiền bị cáo dùng đánh bạc ngày 08/02/2017 là 1,7 triệu đồng. lúc đầu Hồng có 700.000 đồng, khi đánh bị thua bị cáo vay của Triệu Hữu Hà 1triệu đồng để đánh. Thực tế trên cho thấy số tiền Hồng và Độ chơi bạc là không lớn chỉ nằm trong tổng số tiền các 14 bị can và những người liên quan khác sử dụng đánh bạc là 6.988.000 VND. Trường hợp này các bị cáo phạm tội thuộc dạng ít nghiêm trọng.
Các tình tiết giảm nhẹ Tòa sơ thẩm đã áp dụng với Hồng và Độ
Nguyễn Văn Hồng và Ma Công Độ vì một chút nông nổi ham vui không kiểm soát được bản thân nên đều nhận thức thấy hành vi đánh bạc là sai phạm. Sau khi bị bắt tại Cơ quan điều tra cả hai đã thành khẩn khai báo, biết được lỗi của mình là vi phạm pháp luật, tỏ thái độ rất ăn năn hối hận về việc này. Cả hai phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Hơn nữa, Hồng, Độ đều là người dân tộc thiểu số (người Tày) sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên được Tòa án sơ thẩm cho hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm p, điểm h khoản 1 Điều 46 và khoản 2 Điều 46 BLHS. Luật sư đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm cho hai thân chủ của chúng tôi tiếp tục được hưởng các tình tiết giảm nhẹ đó.
Về nhân thân và hoàn cảnh gia đình của Ma Công Độ
Ma Công độ sinh ra trong một gia đình đông anh chi em (tám người), bản thân bị cáo đã có gia đình, vợ là Hà Thị Lệ, sinh năm 1987, nghề nghiệp làm ruộng, con là Ma Công Trường sinh năm 2007 còn nhỏ đang ăn học. Bởi thế, Độ làm trụ cột và là người lao động chính trong gia đình. Mọi thu nhập chính chủ yếu dựa vào đồng lương của Độ làm nhân viên bưu điện xã. Về nhân thân, Ma Công là nhân viên bưu điện xã Bình An được Giám đốc bưu điện tỉnh Tuyên Quang tặng hai giấy khen vào ngày 06/10/2011 và ngày 13/11/2011. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các lý do trên cho Độ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46.
Bên cạnh đó, Ma Công Độ có Bố đẻ là ông Ma Công Tạch, sinh năm 1948 đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Như vậy, theo “Pháp lệnh về người có công” Độ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm X khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Về nhân thân, hoàn cảnh gia đình Nguyễn Văn Hồng
Bị cáo Hồng chưa từng có tiền án, tiền sự, sinh ra trong gia đình có 05 anh chị em. Hồng đã có vợ là Ma Thị Đoàn sinh năm 1993. Cả hai vợ chồng đều làm ruộng. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Về quy định của pháp luật: Khoản 2, khoản 3 Điều 3 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý hình sự như sau :
“2. Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
- Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục”.
Theo Điều 60 BLHS và tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo :
“ Điều 2. Việc xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị xử phạt tù không quá 03 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;
- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội lần này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác, không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.
Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau:
b9) Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm”
Đối chiếu các quy định và những phân tích trên, Nguyễn Văn Hồng, Ma Công Độ đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 và Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.
Luật sư bào chữa: Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai