Quy định của pháp luật về trường hợp lấy tinh trùng của người bị kết án tử hình

99

Trong quá trình người bị kết án tử hình chờ thi hành án, thân nhân của họ có đơn gửi Tòa án và cơ quan Công an đề nghị được lấy tinh trùng của người bị kết án hình để lưu giữ tại cơ sở y tế nhằm mục đích duy trì nòi giống thì Tòa án có đồng ý với đề nghị của họ hay không? Quy định của pháp luật về trường hợp này như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 thì: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”. Như vậy, việc hiến, cho tinh trùng là quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 quy định.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 6 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định:

1. Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật;

  1. Việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28-01-2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định về việc cho tinh trùng, cho noãn thì:

1. Người cho tinh trùng, cho noãn được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV;

  1. Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
  2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng;
  3. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.

Về chế độ giam giữ người bị kết án tử hình: theo quy định tại Điều 57 Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tạm giam.

Tại Điều 4 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 (hiện phải lùi hiệu lực theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội) thì việc tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền; 3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; 4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan; 5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”.

Đồng thời, tại Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: người bị tạm giữ, tạm giam có quyền “được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam”.

Theo các quy định nêu trên thì pháp luật không cấm người bị kết án tử hình được hiến, cho, lưu giữ tinh trùng. Tuy nhiên, trường hợp thân nhân người bị kết án tử hình muốn lưu giữ tinh trùng của người bị kết án thì phải được họ đồng ý, đồng thời phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và các quy định về tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án tử hình. Do đó, để bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Tòa án cần có văn bản đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự, cơ sở giam giữ và các cơ quan khác có liên quan tạo điều kiện để người bị kết án tử hình thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Công ty luật Dragon – Dịch vụ luật sư bào chữa

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai