Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

49

BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản điều 178 bộ luật hình sự có nhiều điểm mới về tình tiết định tội, định khung hình phạt cũng như về chế tài xử phạt so với quy định của BLHS năm 1999.

Quy định của pháp luật về điều 178 bộ luật hình sự

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm điều 178 bộ luật hình sự

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

+ Người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

+ Người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì ghen tuông… nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

  • Chủ thể của tội phạm:

 Chủ thể của tội phạm là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật. Người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều luật.

  • Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi khách quan:

Làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn như lúc ban đầu. “Làm hư hỏng tài sản” là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).

Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hoá chất hoặc lợi dụng thiên tai để huỷ hoại tài sản…

+ Hậu quả:

Hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này, nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.Hậu quả nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra là những thiệt hại về thể chất, tinh thần, nếu là thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại này không phải là thiệt hại về tài sản do hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng trực tiếp gây ra.

 Văn bản hướng dẫn điều 178 bộ luật hình sự

– Hướng dẫn điểm d khoản 2 “Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”

Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

  1. Về tình tiết “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác” hoặc “dùng thủ đoạn nguy hiểm”.

5.1. “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản…

5.2. “Thủ đoạn nguy hiểm khác” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị bắt làm con tin hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân hoặc đầu độc người bị bắt làm con tin để việc thực hiện bắt cóc được dễ dàng; nhốt người bị bắt làm con tin vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ…, cũng có thể đầu độc những người khác để họ không thể cản trở được việc bắt làm con tin…

Những điểm mới về tình tiết định tội và định khung hình phạt điều 178 bộ luật hình sự

Tại khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 quy định tình tiết định tội danh đối với loại tội phạm này là: hành vi phạm tội phải gây thiệt hại cho tài sản giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2.000.000 đồng thì hành vi đó phải “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Điều luật mới đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và bổ sung thêm ba tình tiết: “…c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật”.

Như vậy, với tài sản bị xâm hại có giá trị dưới 2 triệu đồng mà hành vi đó làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn công cộng, làm náo động một địa bàn nhất định, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân và hậu quả này là hậu quả trực tiếp mà nguyên nhân từ hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra (do cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định, đánh giá); hành vi đó làm hủy hoại hoặc làm hư hỏng phương tiện kiếm sống, mưu sinh chính của người bị hại mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình sẽ bị lâm vào tình trạng khó khăn

VD: hủy hoại máy làm nước mía của người sinh sống chính bằng nghề bán nước mía; hủy hoại thuyền, lưới đánh cá của ngư dân… có trị giá dưới 2 triệu đồng; hành vi đó làm mất giá trị hoặc giảm giá trị của tài sản là di vật, cổ vật ( tài sản thuộc loại này phải được giám định, kết luận bởi cơ quan chuyên môn theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cụ thể hậu quả như thế nào, ở mức độ nào thì được coi là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội? thế nào thì coi tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người sở hữu tài sản hoặc là phương tiện kiếm sống chính của gia đình họ? cách nhận định và thu thập vật chứng là tài sản bị xâm phạm là di vật, cổ vật khi chưa có kết luận giám định?… các tình tiết này cần có hướng dẫn cụ thể hơn để thống nhất áp dụng trong thực tiễn, tránh sự đánh giá, áp dụng tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng khi có tình huống thực tế phát sinh.

Về tình tiết định khung hình phạt, trong khoản 2 điều 178 BLHS năm 2015 quy định thêm điểm c.“Tài sản là bảo vật quốc gia”. Theo quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”.

Bảo vật quốc gia là những vật đặc định, được công nhận bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, khi hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý xâm phạm tài sản là cổ vật quốc gia chỉ cần căn cứ vào Quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đang có hiệu lực mà không cần qua thủ tục giám định như đối với di vật, cổ vật.

Cũng trong khoản 2 điều 178 BLHS năm 2015, điểm d đã sửa đổi cụm từ “dùng chất nổ, chất cháy” thành cụm từ “dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ”. Ý nghĩa của việc sửa đổi này là nhằm tháo gỡ vướng mắc khi xuất hiện một số tình huống thực tiễn phát sinh khi đối tượng phạm tội sử dụng các chất nguy hiểm dễ xẩy ra cháy nổ để hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như xăng, dầu, cồn, benzen…

Quy định này phù hợp với Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành: “Chất nguy hiểm về cháy nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hóa, vật tư dễ xảy ra cháy nổ”.

BLHS năm 2015 đã bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định ở các khoản từ 1,2,3 và 4 Điều 143 BLHS năm 1999. Theo đó, điều luật mới cụ thể hóa thiệt hại về tài sản (hậu quả xảy ra) bằng chính giá trị tài sản bị thiệt hại để làm tình tiết định khung hình phạt.

Bởi lẽ, xét về mặt bản chất, mức độ thiệt hại về tài sản chính là định lượng duy nhất trong quan hệ này. Quy định này nhằm khắc phục sự không phù hợp khi vừa áp dụng tình tiết định khung dựa trên giá trị tài sản bị thiệt hại, vừa áp dụng tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được định lượng bằng mức độ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của con người).

Trong trường hợp hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng con người thì bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà hành vi đó còn có thể cấu thành thêm tội phạm độc lập khác và được điều chỉnh bởi các điều luật thuộc nhóm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng của con người được quy định tại Chương XIV BLHS năm 2015.

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với mục đích nhằm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người thì đó được coi là thủ đoạn để người phạm tội thực hiện hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Những điểm mới trong quy định loại hình phạt chính và mức hình phạt điều 178 bộ luật hình sự

Khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 chỉ quy định 2 loại hình phạt chính là “cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015, ngoài hai loại hình phạt trên, đã bổ sung thêm hình phạt tiền đối với loại tội phạm này “từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng”.

Như vậy, trong khung hình phạt áp dụng với loại tội phạm ít nghiêm trọng xâm phạm sở hữu thì hình phạt tiền là hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này cũng như khách thể xâm hại của nó.

Nếu như khoản 2 điều 178 BLHS năm 2015 không có quy định khác về hình phạt so với quy định tại khoản 2 Điều 143 BLHS năm 1999 thì tại khoản 3, khoản 4 Điều 178 BLHS năm 2015 lại có những thay đổi đáng kể.

Khoản 3 Điều luật mới quy định mức hình phạt “từ 5 năm đến 10 năm” trong khi điều luật cũ quy định mức hình phạt cao hơn: “từ 7 năm đến 15 năm”; Khoản 4 Điều 178 BLHS 2015 bỏ hình phạt “tù chung thân”, quy định hình phạt tù tối đa 20 năm trong khi luật cũ quy định mức hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này là tù chung thân.

Vụ án tưới xăng phóng hỏa tiệm game đang có 38 người, đối diện tội danh gì?

Liên quan vụ “Tiệm game ở TPHCM bị tưới xăng phóng hỏa, bên trong có 38 người”, nhiều bạn đọc thắc mắc, kẻ tưới xăng phóng hỏa đối diện tội danh gì và có thể bị xử lý ra sao?

Trao đổi với Dân trí, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, khi cơ quan điều tra làm rõ động cơ, mục đích, hậu quả thì mới xác định chính xác người tưới xăng phóng hỏa tiệm game có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, mức độ ra sao. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí, clip đăng tải, có thể nhận định người tưới xăng phóng hỏa có dấu hiệu rõ về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Ngoài ra theo lời kể chủ tiệm game, người phóng hỏa đã đổ nhiều xăng châm lửa đốt ở nơi gần những xe máy bén lửa, phía trong nhà có hàng chục người, thậm chí đã gây bỏng chân nữ chủ tiệm game… Từ đó có thể xem xét dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người.

Cũng nêu ý kiến về vụ việc, luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TPHCM) nhận định qua nội dung báo chí nêu, hành vi của nam thanh niên là đặc biệt nghiêm trọng; sau một lúc chửi bới, người này bất ngờ đổ xăng ra nền nhà rồi châm lửa đốt khiến ngọn lửa bùng phát, hành vi này là cố ý đốt tiệm game.

Như vậy, nam thanh niên có thể bị cơ quan công an điều tra, xác minh, nếu đủ cơ sở pháp lý cấu thành tội danh sẽ xử lý hình sự và khởi tố vụ án về dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật hình sự).

Theo đó, mức hình phạt cao nhất cho tội danh này lên tới 20 năm tù, người phạm tội phải bồi thường các thiệt hại phát sinh theo quy định tại Điều 584 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Điều 589 về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm của Bộ luật dân sự.

Trong quá trình điều tra tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nếu cơ quan điều tra xác định người có hành vi phạm tội hủy hoại tài sản nhằm mục đích khác như cố ý gây thương tích hoặc giết người, còn việc hủy hoại tài sản, làm hư hỏng tài sản chỉ là thủ đoạn để đạt được mục đích trên, thì người phạm tội đồng thời có thể bị điều tra và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự) hoặc Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự).

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai