Áp dụng tình tiết tăng nặng Xúi giục người dưới 18 tuối phạm tội như thế nào cho đúng?

127

Tình tiết tăng nặng nêu trên đã được pháp luật hình sự nước ta quy định từ rất sớm, đầu tiên tại Điểm a, Khoản 1, Điều 39 BLHS 1985; tiếp đến là Điểm n, Khoản 1, Điều 48 BLHS 1999; hiện nay là Điểm o, Khoản 1, Điều 52 BLHS 2015 (Sửa cụm từ “chưa thành niên” thành cụm từ “dưới 18 tuổi”). Và câu hỏi “ Có áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp người xúi giục cũng là người chưa thành niên hay không? Cũng được đặt ra từ khi thi hành Bộ luật 1985, cụ thể vào năm 1988, nhiều Toà án các cấp đã có công văn gửi đến Toà án nhân dân tối cao đề nghị được giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự…trong đó có nội dung này.

Để giải đáp vướng mắc nêu trên, tại Điểm 24, Mục 1, Công văn số 16/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao đã giải đáp như sau: “Điều 57 Bộ luật hình sự quy định: “Người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này”. Trong Chương VII Phần chung Bộ luật hình sự “Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội” không có quy định nào loại trừ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự nói chung và tình tiết “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nói riêng. Tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự chỉ quy định “xúi giục người chưa thành niên phạm tội: là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người thành niên; Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội, thì khi xét xử Toà án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự đối với họ.”

Đây là văn bản được ban hành bởi cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước ta, và từ đó đến nay chưa có văn bản nào khác phủ nhận hiệu lực của văn bản này, vì vậy nội dung của nó vẫn còn được vận dụng để áp dụng trong thực tiễn xét xử. Và điều đó đã giải quyết được nội dung câu hỏi: Áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội’ như thế nào cho đúng.

Để áp dụng một tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, trước hết cần phải căn cứ vào văn bản pháp luật nào quy định tình tiết đó là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp nêu trên, nếu Kiểm sát viên không đồng tình với việc áp dụng tình tiết tăng nặng nêu trên đối với người phạm tội là người chưa thành niên và tại phiên tòa không đề nghị áp dụng, nhưng Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị hoặc Hội đồng xét xử vẫn áp dụng thì việc tranh luận để bác bỏ quan điểm của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại  hoặc Kháng nghị, kiến nghị đối với Bản án của Tòa án sẽ khó được chấp nhận.

Mặc dù hiện nay chưa có văn bản nào khác quy định về vấn đề này ngoài Công văn nêu trên của Tòa án; Bộ luật hình sự 2015 cũng không có quy định loại trừ. Tuy nhiên, tại Khoản 3, Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quy định “ Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”.

Điểm mới của Khoản 3, Điều 416 Bộ luật TTHS 2015 đã bổ sung cụm từ “đủ 18 tuổi trở lên”. Như vậy, theo quy định trên thì Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không bắt buộc phải xác định “ có hay không có người dưới 18 tuổi trở lên xúi giục”. Và quy định này đã hàm chứa nội dung sẽ không áp dụng tình tiết “xúi giục người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp người xúi giục là người dưới 18 tuổi”.

Với quy định mới này, sẽ dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật. Do vậy, liên ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn để quá trình áp dụng pháp luật được thống nhất, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN.

Thái Văn Mừng

 

 

 

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai