Điều 165, tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể quy định như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
PHÂN TÍCH MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NHÓM TỘI DANH XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Mới đây, TAND Tối cao đã tổng kết rút kinh nghiệm toàn ngành về việc xét xử nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Theo tòa, loại án này tương đối phổ biến và có số lượng lớn nhưng trong thực tiễn xét xử vẫn còn một số sai lầm.
Định tội danh sai
Theo các cán bộ tố tụng đầu ngành, có một số vụ án người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả. Người phạm tội có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội vận chuyển hàng cấm qua biên giới bán kiếm lời thì lại bị kết án về tội buôn bán hàng cấm chứ không phải là tội buôn lậu…
Điển hình là vụ án Lý Kông Sinh phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 285 BLHS). Tòa sơ thẩm xử phạt Sinh 9 tháng tù. Bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm đã có sai lầm trong việc định tội danh nên đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Bởi lẽ hành vi phạm tội của Sinh có dấu hiệu của tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật hình sự). Với chức vụ là phó chủ tịch UBND xã kiêm chủ tịch Hội đồng Đăng ký quyền sử dụng đất của xã, Lý Kông Sinh phải biết rõ về điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất vườn, về quỹ đất của xã, cũng như tình trạng biến động đất đai tại địa phương. Song Sinh vẫn trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp không đủ điều kiện và không đúng đối tượng (trong số các trường hợp này thì hầu hết là đất chiếm dụng của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đất lâm nghiệp, đất ao, đất trồng lúa, đất trồng chè, đất được giao không đúng thẩm quyền và đất chuyển nhượng trái pháp luật).
Hay như vụ Trần Quang Chiêu và đồng phạm bị xét xử về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả. Chiêu là giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau. Do nguồn nguyên liệu thu mua từ các đại lý không có hóa đơn giá trị gia tăng nhiều nên Chiêu và đồng bọn đã mua hóa đơn giá trị gia tăng của cơ sở kinh doanh và của công ty khác. Số tiền thuế VAT 5% trên hóa đơn được hoàn thuế, Chiêu nhận 3,5%, để lại xí nghiệp 1,5% trả cho người bán nguyên liệu không có hóa đơn. Toàn bộ số tiền thuế VAT đó được công ty lập thủ tục xin khấu trừ hoàn thuế và được Cục Thuế tỉnh Cà Mau hoàn thuế với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
VKSND tỉnh Cà Mau đã truy tố các bị cáo về tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả theo khoản 2 Điều 181 Bộ luật hình sự. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo từ một năm án treo đến ba năm án treo. Án phúc thẩm giữ y án sơ thẩm dù có quyết định kháng nghị đề nghị tăng án của VKS.
Sau đó, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra lại theo thủ tục chung. Lý do: Hành vi của các bị cáo lập hồ sơ hoàn thuế VAT khống có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả.
Xác định sai tài sản chiếm đoạt
Các chuyên gia còn cho rằng khi xét xử, nhiều cấp tòa còn sai lầm trong xác định giá trị tài sản chiếm đoạt dẫn đến án bị hủy, xử tới xử lui.
Vụ án vợ chồng Trần Minh Huệ và Nguyễn Thị Ngọc Thiên bị xử phạt về tội trốn thuế là một ví dụ. Hai bị cáo là chủ cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên, Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng Huệ đã mua vào và bán ra gần 920 xe máy các loại nhưng chỉ kê khai nộp thuế 250 xe máy với chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng là hơn 116 triệu đồng. Còn lại 666 xe máy đã bán, vợ chồng Huệ để ngoài sổ sách và không kê khai với mục đích trốn thuế.
Xử sơ thẩm, tòa tuyên phạt Thiên và Huệ mỗi bị cáo 3 năm án treo về tội trốn thuế, đồng thời buộc hai bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế hơn 710 triệu đồng. Xử phúc thẩm, HĐXX tỉnh đã sửa bản án sơ thẩm về hình phạt tiền và số tiền truy thu thuế. Cho rằng bản án sơ thẩm chưa trừ đi số thuế của 30 xe bị tịch thu, tòa này buộc hai bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế gần 690 triệu đồng.
Hai bản án này đều bị giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại. Nguyên nhân: Cục Thuế khi xác định số tiền trốn thuế của cơ sở trong việc để ngoài sổ sách kế toán 666 xe máy đã vi phạm nguyên tắc “một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần”.
Sai lầm trong trách nhiệm bồi thường
Trong các vụ án về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự cũng gặp phải những vướng mắc nhất định. Vụ án Hà Hữu Hiển và đồng phạm trốn thuế là ví dụ.
Hiển là Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng đã ký với bà Hà Thị Nội ở Hà Nội hợp đồng liên doanh nội dung thỏa thuận công ty đại diện đứng tên làm hồ sơ trình cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản cát, sỏi tại lòng sông Lô với tỷ lệ góp vốn mỗi bên là 50%. Lợi nhuận thu được, Công ty Việt Thắng được hưởng 10%, số còn lại chia đều cho hai bên là 50/50…
Trong vụ án, Hiển là đại diện Công ty TNHH Việt Thắng, phải có trách nhiệm nộp các loại thuế và phí theo quy định của Nhà nước nhưng đã có hành vi trốn thuế. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty Việt Thắng phải nộp số tiền thuế hơn 3,3 tỷ đồng là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định truy thu số tiền trốn thuế và phí của công ty để nộp ngân sách Nhà nước với số tiền như trên nhưng đồng thời buộc các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm về số tiền trên là không đúng với quy định của pháp luật. (Nguồn tòa án nhân dân tối cao)
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979
Website: www.vanphongluatsu.com.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon
Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.