Điều 192. Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Tái phạm tội này.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Văn bản hướng dẫn
Nghị quyết 02/HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 hướng dẫn áp dụng một số qui định của BLHS (Phần tội phạm) (sd 2010)
[MỤC II. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ] Điểm 2. Trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm về ma tuý trong một số trường hợp cụ thể a. Người nào biết người khác đi mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma tuý để sử dụng và sau khi mua được chất ma tuý người đi mua bị bắt giữ, thì việc xác định trọng lượng chất ma tuý để xem xét trách nhiệm đối với từng người như sau: – Người nhờ mua hộ chỉ phải chịu trách nhiệm về trọng lượng chất ma tuý mà họ nhờ mua hộ. – Người đi mua phải chịu trách nhiệm về tổng trọng lượng chất ma tuý đã mua được (cho bản thân và mua hộ). b. Người nào biết người khác mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma tuý và bị bắt giữ nếu xét thấy trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý. c. Trong trường hợp nhiều người nghiện ma tuý cùng góp tiền mua chất ma tuý để sử dụng trái phép và bị bắt giữ nếu tổng trọng lượng chất ma tuý mua được đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì họ cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý; nếu trọng lượng chất ma tuý chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, thì đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý. d. Người nào nghiện ma tuý có chất ma tuý hoặc bỏ tiền mua chất ma tuý cho những người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng và bị bắt giữ nếu trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý; nếu trọng lượng chất ma tuý chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, thì đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý. đ. Người nào nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý. e. Người nào bán trái phép chất ma tuý cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để họ sử dụng trái phép chất ma tuý, thì ngoài tội mua bán trái phép chất ma tuý, người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý. g. Người nào nghiện ma tuý rủ người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc cùng đi mua chất ma tuý để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuỳ từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý. [MỤC II. VỀ CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ] Điểm 1. Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192). 1.1. “Các loại cây khác có chứa chất ma túy” là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa. 1.2. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 192 của BLHS là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy). 1.3. Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. a) “Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính. b) “Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy. c) “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện. (Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì có hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền). 1.4. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này. 1.5. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm. Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng (chất ma túy) quy định tại Điều 194 của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS. Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT DRAGON Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979 Website: www.vanphongluatsu.com.vn Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội. Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. |