Cho hỏi theo quy định hiện nay thì trên đất nông nghiệp sẽ được xây dựng những loại công trình nào? Câu hỏi của chị Khánh Ly đến từ Lạng Sơn.
Có thể xây dựng những công trình nào trên đất nông nghiệp?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Phân loại đất
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất rừng sản xuất;
d) Đất rừng phòng hộ;
đ) Đất rừng đặc dụng;
e) Đất nuôi trồng thủy sản;
g) Đất làm muối;
h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;
Theo như quy định trên thì đất nông nghiệp là đất dùng để trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, làm muốn, đất dùng để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất.
Tổ chức, cá nhân có thể xây dựng nhà kính và xác loại nhà khác nhưng phải dùng cho mục đích trồng trọt, xây dựng chuồn trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp khác.
Như vậy, tổ chức, cá nhân vẫn sẽ được xây dựng một số công trình xây dựng trên nhóm đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, những công trình xây dựng này phải phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi.
Được xây dựng những công trình nào trên đất nông nghiệp? Chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất nông nghiệp được thực hiện thế nào?
Thể hiện thông tin chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp như thế nào?
Căn cứ vào khoản 9 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định như sau:
Thể hiện thông tin trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất nông nghiệp
1. Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu công trình trên đất nông nghiệp:
a) Trường hợp chủ sở hữu công trình đồng thời là người sử dụng đất thì thể hiện thông tin trên trang 1 của Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư này;
b) Trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất thì thể hiện thông tin về chủ sở hữu công trình trên trang 1 của Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư này, tiếp theo ghi “Sở hữu công trình trên thửa đất thuê của … (ghi tên tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê đất)” hoặc “Sở hữu công trình trên thửa đất thuê lại của … (ghi tên tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê lại đất)” hoặc “Sở hữu công trình trên thửa đất nhận góp vốn của … (ghi tên tổ chức, hộ gia đình, cá nhân góp vốn)”.
Trường hợp trên trang 1 của Giấy chứng nhận không thể hiện hết thì toàn bộ tên của người cho thuê đất, cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được lập ở trang phụ của Giấy chứng nhân theo Phụ lục số 01b kèm theo Thông tư này. Dòng tiếp theo thông tin của chủ sở hữu công trình ghi “Sở hữu công trình trên đất của người khác theo trang phụ kèm theo Giấy chứng nhận này, gồm… trang”.
Trang phụ là thành phần của Giấy chứng nhận. Khi sử dụng trang phụ phải ghi số thứ tự của phụ lục và đóng dấu giáp lai với trang 4 của Giấy chứng nhận (dấu của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận).
2. Thông tin về thửa đất:
Thông tin về thửa đất được thể hiện theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này; trường hợp sử dụng nhiều thửa đất thì phải thực hiện việc trích lục, trích đo địa chính theo quy định cho toàn bộ diện tích sử dụng; thông tin về thửa đất được xác định theo thông tin của bản trích lục, trích đo địa chính.
Trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất thì tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận được ghi “Thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của người khác được ghi trên trang 1”.
Công trình xây dựng gắn liền với đất nông nghiệp được thể hiện trên Giấy chứng nhận là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc công trình đã hình thành trên thực tế tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận và thuộc quyền sở hữu của người đề nghị cấp Giấy chứng nhận, trong đó:
– Hạng mục công trình: ghi theo tên các hạng mục trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, giấy phép xây dựng.
– Diện tích xây dựng: ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của công trình tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao công trình, bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông (m2), được làm tròn số đến một chữ số thập phân;
– Diện tích sàn: chỉ thể hiện đối với công trình dạng nhà và ghi theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 của Thông tư này; các trường hợp còn lại không xác định và ghi bằng dấu “-/-”;
– Kết cấu chủ yếu: ghi loại vật liệu xây dựng (gạch, bê tông, gỗ…), các kết cấu chủ yếu là tường, khung, sàn, mái (ví dụ: Tường, khung thép, sàn bằng bê tông cốt thép);
– Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với hạng mục công trình thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp hạng mục công trình thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp hạng mục công trình có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt “Sở hữu riêng”, “Sở hữu chung” ở các dòng dưới kế tiếp; đồng thời ghi diện tích thuộc sở hữu riêng và diện tích thuộc sở hữu chung vào các dòng tương ứng ở các cột “Diện tích xây dựng”, “Diện tích sàn”;
– Cấp công trình: ghi theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Trường hợp công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được quy định trong phân loại về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế quyết định các loại công trình được đăng ký quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận.
– Thời hạn sở hữu công trình được ghi theo quy định như sau:
+ Ghi ngày tháng năm kết thúc thời hạn sử dụng công trình nếu xác định được thời hạn sử dụng của công trình, đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác thì thời hạn sở hữu công trình không vượt quá thời hạn thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; ghi bằng dấu “-/-” nếu không xác định được thời hạn sử dụng của công trình.
+ Trường hợp mua bán công trình có thời hạn thì ghi ngày tháng năm kết thúc theo hợp đồng mua bán công trình.
Theo đó, thông tin của công trình xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ gồm nhưng thông tin như hạng mục công trình, diện tích xây dựng, diện tích sàn, kết cấu chủ yếu, hình thức sở hữu, cấp công trình và thời hạn sử dụng.
Nguyên tắc sử dụng đất nông nghiệp như thế nào?
Căn cứ vào Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Nguyên tắc sử dụng đất
1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, việc sử dụng đất phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất.
Do đó, đối với đất nông nghiệp thì tổ chức, cá nhân phải sử dụng đất đúng vào mục đích nông nghiệp của từng loại đất. Không được xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, chỉ được xây dựng những công trình phục vụ hoạt động nông nghiệp trên nhóm đất nông nghiệp khác.