Hai bên đương sự có được quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp kinh tế không?
1/ Công ty A và công ty B ký hợp đồng vay vốn tín dụng. Trong hợp đồng kinh tế này không có điều khoản nếu có tranh chấp không tự giải quyết được thì hai bên sẽ cùng nhau đưa ra tòa án nơi nào giải quyết. Khi tranh chấp xảy ra, 2 bên thống nhất chọn Tòa án tỉnh Q giải quyết, tuy nhiên vụ án này lại thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện B. Như vậy, tòa án tỉnh Q thụ lý giải quyết có đúng thẩm quyền không?
2/ Tranh chấp kinh tế: Tòa án tỉnh A thụ lý không đúng thẩm quyền. Sau chuyển cho Tòa án tỉnh B thụ lý lại. Vậy Tòa án tỉnh B có phải làm lại tất cả các thủ tục mà Tòa án A đã làm rồi không? (Ví dụ như hòa giải…)
Gửi bởi: Nguyễn Hàn My
Trả lời (Có tính chất tham khảo)
Về câu hỏi thứ nhất, tôi xin được tư vấn như sau:
Do thông tin bạn cung cấp rất chung chung, tôi không được rõ toà án tỉnh Q mà hai bên thoả thuận có liên quan như thế nào với hai bên tranh chấp, cụ thể: là nơi một trong hai bên đặt trụ sở? nơi thực hiện hợp đồng?… nên tôi xin được tư vấn như sau để bạn tuỳ theo tình huống thực tế mà xem xét.
Về tranh chấp kinh tế, việc thoả thuận chọn nơi giải quyết tranh chấp chỉ có ý nghĩa trong việc chọn Trọng tài thương mại (theo Luật Trọng tài thương mại), chứ không có ý nghĩa trong việc chọn Toà án giải quyết. Vì vậy, việc trong hợp đồng có thoả thuận hay không, và thoả thuận vào thời điểm nào không có ý nghĩa pháp lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không được chọn Toà án giải quyết vụ việc, nhưng việc chọn Toà án không được tự do như lựa chọn Trọng tài thương mại do Toà án là một cơ quan nhà nước nên việc lựa chọn phải đáp ứng các yêu cầu luật định và quyền lựa chọn chỉ thuộc về quyền của bên nguyên đơn (trong trường hợp bạn hỏi, sự thoả thuận của hai bên cũng có giá trị như sự lựa chọn của nguyên đơn). Pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này như sau:
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011, Điều 36 quy định về thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu, như sau:
1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp bạn hỏi, nếu toà án tỉnh Q là nơi hợp đồng giữa A và B được thực hiện thì Toà án tỉnh Q có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Về câu hỏi thứ hai, tôi xin trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định về vấn đề Chuyển vụ việc dân sự cho Toà án khác, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền như sau:
1. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án đã thụ lý thì Toà án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Toà án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan có quyền khiếu nại quyết định này trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Toà án đã ra quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại.
Theo đó, mục 6, phần I Thẩm quyền của Toà án, Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định cụ thể như sau:
Khi xét thấy vụ việc dân sự đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp, thì Toà án đã thụ lý vụ việc dân sự ra quyết định chuyền hồ sơ vụ việc dân sự cho Toà án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Trong trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Toà án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự không phải trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự mà tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý khi Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự ký tên và đóng dấu của Toà án. Quyết định này phải được gửi ngay cho đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Toà án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ việc dân sự và hồ sơ vụ việc dân sự phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ việc đó theo quy định chung.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trong trường hợp Toà án A thụ lý vụ việc không đúng thẩm quyền, chuyển hồ sơ vụ việc cho Toà án B, thì Toà án B chỉ tiếp tục giải quyết vụ việc chứ không thực hiện lại các thủ tục mà toà án A đã thực hiện.
Nguồn BỘ TƯ PHÁP