Chúng tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho anh Phan Thành Lập bị truy tố, xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay. Chúng tôi xin trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:
- Về tố tụng
- Nhận định của bản án sơ thẩm
Tại phần nhận định của bản án sơ thẩm số 31/2018/HSST ngày 22/6/2018 (trang 07 – Bl 1840) của TAND huyện An Phú nêu:
Về thủ tục: hành vi, quyết định tố tụng của CQĐT Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang, ĐTV, VKSND huyện An Phú, tỉnh An Giang, KSV trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của BL TTHS. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều đúng quy định”.
Chúng tôi đánh giá cho rằng, nhận định trên là hoàn toàn không đúng thực tế, vì:
Thứ nhất: các bị cáo đều là những người không làm chuyên môn về thực hành pháp luật nên có nhận thức và hiểu biết pháp luật hạn chế. Do đó, đã không có khiếu nại, kiến nghị gì với các hoạt động tiến hành tố tụng, cũng như văn bản kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện An Phú liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai: Ngày 10/4/2018, TAND huyện An Phú có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 18/2018/HSST- QĐ. Theo đó, ngày 12/4/2018, VKSND huyện An Phú ra văn bản số 01/QĐ – VKS quyết định trả hồ sơ yêu cầu CQCSĐT Công an huyện An Phú thực hiện quyết định này theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong Báo cáo số 102/BC ngày 03/5/2018, Công an huyện An Phú lại kết luận: “qua kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh thêm tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án, nên CQĐT – Công an huyện An Phú vẫn giữ nguyên Bản KLĐT số 07 ngày 19/12/2017”.
Bởi vậy, VKSND huyện An Phú có văn bản ngày 10/5/2018 gửi TAND huyện An Phú cho rằng: “Việc bị cáo Lộc không chiếm đoạt tiền 27.600.000 đồng là không có cơ sở. Bởi các lẽ trên, vẫn giữ nguyên cáo trạng số 06/VKS-HS ngày 12/2/2018 truy tố các bị can Phan Thành Lập, Hồ Phú Lộc, Hồ Chí Hải về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Chúng tôi nhận thấy, những nội dung kết luận trên của Công an, VKS huyện An Phú là không đúng với bản chất sự việc, không khách quan. Điều đó được chứng minh qua thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa ngày 22/6/2018. Đại diện VKSND huyện An Phú là ông Hứa Thoại Khương đã phải “Rút lại nội dung truy tố đối với bị cáo Hồ Phú Lộc, tổng số tiền chiếm đoạt theo cáo trạng là 57.304.827 đồng, trừ đi số tiền 27.600.000 đồng, tiền bảo hiểm 2.056.000 đồng; 4. 940.000 đồng, tiền máy lạnh 13.330.000 đồng, tổng cộng số tiền bị cáo chiếm đoạt là 9.408.827đồng”.
Như vậy, đây là những thiếu xót, sai phạm rất lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện An Phú. Cho nên, phần nhận định trong bản án sơ thẩm cho rằng các hành vi, quyết định tố tụng của Công an, VKS huyện An Phú trong quá trình điều tra, truy tố đều đúng theo quy định là cố ý bao che cho những khuyết điểm, sai phạm của các cơ quan đồng cấp.
- Về Cáo trạng
Thứ nhất: Như trên đã phân tích, chúng tôi nhận thấy với việc giữ nguyên bản Cáo trạng số 06/VKS-HS ngày 12/2/2018, VKSND huyện An Phú rất bảo thủ trong tư duy pháp lý khi thực hành quyền công tố, cố tình buộc tội các bị cáo. Đáng lẽ, trong trường hợp này, VKSND huyện An Phú phải ra bản cáo trạng mới thay đổi nội dung truy tố với Hồ Phú Lộc, theo quy định tại Điều 246 BLTTHS năm 2015 quy định như sau:
“Điều 246. Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án
Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, rõ ràng VKSND huyện An Phú đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự.
Thứ hai: Tại thời điểm truy tố ngày 12/02/2018, thì Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực nhưng VKSND huyện An Phú không áp dụng, viện dẫn điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41 của Quốc Hội trong Cáo trạng để áp dụng điểm c Điều 355 BLHS năm 2015 truy tố theo hướng có lợi cho các bị cáo. Hơn nữa, tại trang 07 bản án cũng nêu quan điểm đại diện VKSND An Phú trong việc áp dụng khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 02/2018 của HĐTPTAND tối cao hướng dẫn những trường hợp không cho hưởng án treo. Song, thực chất tại Điều 12 của Nghị quyết này nêu:
“Điều 12. Hiệu lực thi hành
- Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 15 tháng 5 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018”.
Như vậy, vào thời điểm xét xử vụ án thì Nghị quyết số 02 chưa có hiệu lực, bởi thế Nghị quyết số 01/2013 của HĐTP TANDTC vẫn còn áp dụng. Những dẫn chứng trên cho thấy nhận thức và sai lầm trong việc áp dụng pháp luật của VKSND huyện An Phú.
- Về đối chất:
Trong vụ án này, có rất nhiều lời khai mâu thuẫn, nhưng CQĐT Công an huyện An Phú chưa tiến hành đối chất giữa Phan Thành Lập với các ông Phan Văn Om, Hồ Chí Thanh, Hồ Minh Tuấn. Bởi, theo lời khai của bị cáo Lập trong quá trình điều tra, xét xử đều cho rằng:“chủ tịch UBND xã là Hồ Phú Thanh, Hồ Minh Tuấn chỉ đạo giữ nguồn tiền BHXH, BHYT lại để chi cho kinh phí thường xuyên và phí ngoài dự toán. Khi nào có kinh phí hoạt động thường xuyên thì đắp trả lại nguồn tiền trên cho cơ quan bảo hiểm” (trích Bl 111, 113, 115).
Tuy nhiên, tại lời khai của ông Hồ Minh Tuấn tại Bl 180, Hồ Chí Thanh Bl 203 là: “Thời gian tôi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch thì tôi không có chỉ đạo kế toán và thủ quỹ lấy nguồn tiền thu BHXH, BHYT của cán bộ, công chức chuyên trách để chi cho hoạt động thường xuyên hay phí ngoài dự toán”.
Như vậy, lời khai của hai bên có sự mâu thuẫn nhau, trong trường hợp này, CQĐT phải tiến hành đối chất giữa các bên với nhau để làm sáng tỏ. Hơn nữa, trong các phiên tòa sơ thẩm vào các ngày 28/3/2018, 10/4/2018, 22/6/2018, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Phong Phi của TAND huyện An Phú làm chủ tọa cũng không thực hiện đối chất, xét hỏi làm rõ những vấn đề trên. Điều này, cho thấy thiếu xót, sai phạm về đối chất quy định tại Điều 189 BLTTHS 2015.
- Về kết luận giám định
Chúng tôi không đồng tình với kết luận tại trang 05 của bản án sơ thẩm nêu: “về yêu cầu giám định chữ ký thì kết quả giám định không phải chữ ký của bị cáo Hải nên bị cáo Lộc phải chịu trách nhiệm”. Bởi lẽ: nếu so sánh mẫu chữ ký trong biên bản thu mẫu chữ ký của Công an huyện An Phú ngày 19/4/2018 để gửi đi giám định với chữ ký trong hai giấy biên nhận ngày 8/2/2018 của Hải là rất giống nhau, do cùng một người ký/viết ra nhưng lại không được đưa đi giám định..Mặt khác, chữ ký có thể khác nhau do người ký cố tình tạo ra sự khác biệt trong các giao dịch, quan hệ dân sự vì mục đích riêng.
- Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ, chúng tôi cho rằng Công an huyện An Phú đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua một người có liên quan đến vụ án. Bởi, theo lời khai của các bị cáo Phan Thành Lập, Hồ Phú Lộc, người liên quan là các ông Phan Văn Om, Hồ Chí Thanh, Hồ Minh Tuấn thì giai đoạn từ tháng 5/2009 đến tháng 3/2010 người làm thủ quỹ của UBND xã Vĩnh Hậu là Phan Thành Sơn. Tại biên bản hỏi cung ngày 25/01/2017 – Bl 119 bị cáo Lập khai:
“Từ tháng 01/2007 đến tháng 3/2010 thì người trực tiếp đi rút lương là thủ quỹ Phan Thành Sơn. Sau đó về giao lại cho ông Phan Văn Om là nhân viên hợp đồng với UBND xã Vĩnh Hậu, cấp phát lương cho cán bộ, công chức của đơn vị đồng thời trực tiếp trích thu tiền BHXH, BHYT của cán bộ, công chức cho tôi để nộp cho cơ quan bảo hiểm”.
Qua lời khai các lời khai trên, luật sư nhận thấy: trong hồ sơ từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng huyện An Phú không hề triệu tập lấy lời khai đối với Phan Thành Sơn với tư cách là người liên quan trong vụ án. Đây là một nhân vật và mắt xích rất quan trọng trong vụ án. Vì nó liên quan đến hoạt động thu chi tiền ngân sách, tiền BHXH của UBND xã Vĩnh Hậu. Hơn nữa, theo lời khai của ông Phan Thành Lập tại Bl 116 là:
“khi tôi nhận quyết định phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu thì tôi bàn giao công việc tài chính kế toán cho ông Phan Thành Sơn lúc đó là Chánh văn phòng UBND xã Vĩnh Hậu”.
Như vậy, việc bỏ qua vai trò, vị trí của Phan Thành Sơn trong vụ án này, luật sư nhận thấy khoảng thời gian mà ông Sơn làm thủ quỹ phụ trách thu chi các khoản tài chính của UBND xã Vĩnh Hậu không được làm rõ. Bên cạnh đó, trong kết luận điều tra, Cáo trạng của Công an, VKS huyện An Phú không tách riêng phần trách nhiệm quản lý, chi tiêu tài chính, nộp BHXH, BHYT của cán bộ công chức xã Vĩnh Hậu đối với ông Sơn giai đoạn phụ trách, đảm nhận cương vị thủ quỹ từ tháng 5/2009 đến tháng 03/2010 mà cố tình gộp vào để đổ hết trách nhiệm sai phạm cho bị cáo Phan Thành Lập, Hồ Phú Lộc. Đây là một sự thiếu minh bạch, công bằng trong hoạt động tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện An Phú.
Cụ thể, tại Bl số 1653 trang 01 và 02 Cáo trạng số 06 nêu như sau: (1) giai đoạn phan Thành Lập làm kế toán từ tháng 01/2007 đến tháng 03/2010; (2) giai đoạn Hồ Phú Lộc làm thủ quỹ từ tháng 04/2010 đến tháng 03/2012.
- Về nội dung
1.Về tội danh
Thứ nhất: Về chủ thể
Theo lời khai của bị cáo Hồ Phú Lộc tại Bl 51 như sau: “Tháng 6/2010, là cán bộ văn phòng UBND xã Vĩnh Hậu kiêm nhiệm chức vụ thống kê, thủ quỹ đến tháng 3/2013 không có quyết định phân công giữ chức vụ thủ quỹ”.
Tại Bl 116 Phan Thành Lập khai:“Tôi công tác tại UBND xã Vĩnh Hậu từ ngày 01/6/1988. Khi công tác tôi giữ chức vụ cán bộ thu thuế của xã Vĩnh Hậu. Tháng 01/2007, nhận nhiệm vụ công tác cán bộ tài chính – kế toán xã Vĩnh Hậu”.
Như vậy, các bị cáo trong vụ án này đều là những người kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khi làm việc ở UBND xã. Thời kỳ bị cáo Lập làm kế toán lúc đó là cán bộ hợp đồng. Theo quy định của Luật cán bộ công chức năm 2008 quy định tại khoản 3 Điều 4 và nghị định 92/2009/NĐ – CP quy định tại Điều 3 thì trường hợp của bị cáo Phan Thành Lập và Hồ Phú Lộc không phải là cán bộ/công chức mà thuộc đối tượng “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”. Vì thế, không có chức vụ, quyền hạn, không phải là chủ thể trong tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Cho nên, việc đã khởi tố, truy tố, xét xử bị cáo Phan Thành Lập, Hồ Phú Lộc về tội danh này là không chính xác, không đúng người, đúng tội. Luật sư đề ngị HĐXX xem xét lại vấn đề này.
Thứ hai: Về ý thức chủ quan
Các bị cáo thực hiện hành vi với lỗi vô ý, không có mục đích chiếm đoạt hay vụ lợi mà hoàn toàn làm theo sự chỉ đạo của cấp trên là lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hậu. Như trường hợp của bị cáo Lập, khi xin nghỉ việc tại UBND xã Vĩnh Hậu rồi, thì năm 2016 có Thanh Tra của huyện An Phú về việc đóng BHXH ở các xã trên địa bàn huyện, phát hiện ra sai phạm mới biết mình có tên trong danh sách và đã khắc phục toàn bộ hậu quả số tiền theo trách nhiệm. Trước đó, bị cáo Lập còn được UBND xã Vĩnh Hậu tặng bằng khen trong quá trình công tác về nhiệm vụ kế toán của mình.
Thứ ba: Về hành vi khách quan
Bl 113, Phan Thành Lập khai: “nguồn tiền giữ lại thật sự lãnh đạo chỉ đạo chi cho mục đích khác, chứ tôi không có chiếm dụng cá nhân. Khi CQĐT mời làm việc để đối chiếu số tiền nợ BHXH huyện, tôi có đến đơn vị trích lục chứng từ quyết toán, nhưng đơn vị không còn lưu chứng từ quyết toán”.
Bl 42, 44 – Hồ Phú Lộc khai: “việc chủ tịch UBND xã chỉ đạo giữ nguồn tiền trên lại để chi cho hoạt động thường xuyên và phí ngoài dự toán thì chỉ bằng miệng chứ không có văn bản”
Như vậy, lời khai trên của hai bị cáo Lập và Lộc là phù hợp với nhau. Điều đó cho thấy hành vi của hai người này đều chịu ảnh hưởng, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hậu.
Thứ tư: Về khách thể:
Các bị cáo đã tự nguyện khắc phục xong toàn bộ hậu quả. Điều này đã được ghi nhận trong bản án sơ thẩm (tại trang 9 -10) BL 1858 như sau:
“Bị cáo Phan Thành Lập đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho BHXH và đã quyết toán xong. Đối với sô tiền BHXH mà bị cáo Lập đã thu dư, bị cáo đã nộp khắc phục lại theo biên lai thu tiền số 007125 ngày 27/12/2017 của chi cục thi hành án dân sự huyện An Phú, đại diện UBND xã Vĩnh Hậu cũng không có yêu cầu số tiền này đối với bị cáo nên bị cáo đồng ý chuyển nộp ngân sách Nhà nước
Bị cáo Hồ Phú Lộc đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền là 57.304.827 đồng..còn lại số tiền bị cáo nộp còn dư tổng cộng 11.440.792 đồng. Do đó, đề nghị BHXH huyện An Phú trả lại cho bị cáo Hồ Phú Lộc số tiền đã nộp dư”
Như vậy, về mặt hệ quả đã không để lại ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến hoạt động BHXH đối với các tổ chức, cá nhân. Quyền, lợi ích hợp pháp của mọi người và các cơ quan vẫn bảo đảm được thực hiện.
- Về quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2007, năm 2012 như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc xử lý tham nhũng
- Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bộ Luật hình sự năm 2015, cũng quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 29 là:
Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
- a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Đối chiếu với những quy định nêu trên với trường hợp của bị cáo Phan Thành Lập và Hồ Chí Lộc, luật sư nhận thấy: đáng lẽ khi đã nộp xong toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả về trách nhiệm trong thời kỳ đảm nhận nhiệm vụ của hai bị cáo, hậu quả đã được khắc phục xong toàn bộ, hành vi của các bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nên đã có sự chuyển biến tích cực. Do vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện An Phú có thể vận dụng các quy định trên thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, pháp luật miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Đặc biệt, đối với bị cáo Phan Thành Lập mắc bệnh hiểm nghèo LAO PHỔI từ tháng 01/2018, hiện nay còn bị bệnh tăng huyết áp, ruột thừa có hồ sơ bệnh án số 18001022 năm 2014 thuộc trường hợp đáp ứng đầy đủ cả hai yếu tố đó là: khi tiến hành xét xử người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và mắc bệnh hiểm nghèo
- Lỗi của cơ quan BHXH huyện An Phú
Thứa nhất: Cơ quan BHXH huyện An Phú đã không làm rõ số tiền phải đóng BHXH đối với các cá nhân đó là: một phần cá nhân phải đóng, một phần được Nhà nước hỗ trợ là như nào. Hơn nữa, cơ quan này còn không hướng dẫn cụ thể các đơn vị cấp xã trong huyện phải điều chỉnh lại mức đóng BHXH khi các cán bộ công chức xã được tăng hệ số lương.
Bl 123, Phan Thành Lập khai: “nguyên nhân thu cao hơn là do có một số cán bộ tăng hệ số lương nên tôi căn cứ thu theo mức mới, còn BHXH huyện không điều chỉnh lại hệ số tăng mà thu theo mức thu cũ”.
Thứ hai: Trong Bản KLĐT số 07/KLĐT ngày 19/12/2017 của Công an huyện An Phú – Bl 1644 tại trang 16 có nêu:
“Đối với ông Phan Ngọc Thạch và ông Nguyễn Văn Pháp được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi việc phải nộp BHXH của các đơn vị trong đó có UBND xã Vĩnh Hậu, đã thiếu kiểm tra và không kịp thời báo cáp cấp có thẩm quyền việc đơn vị UBND xã Vĩnh Hậu nộp BHXH theo quy định dẫn đến tạo điều kiện cho Lập, Lộc, Hải chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT của cán bộ, công viên chức xã Vĩnh Hậu gây thất thu cho Nhà nước và ảnh hưởng đến chế độ chính sách của người lao động. việc thiếu kiểm tra, giám sát quản lý của Phan Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Pháp dẫn đến hậu quả trên xét thấy cần thiết kiến nghị cấp có thẩm quyền để xem xét xử lý trách nhiệm để kịp thời chấn chỉnh, nhằm nâng cao cho vai trò trách nhiệm trong thời gian tới”.
Qua những dẫn chứng nêu trên cho thấy: để xảy ra sự việc mà các bị cáo Phan Thành Lập, Hồ Chí Lộc, Hồ Chí Hải phải vướng vòng lao lý trong đó có thiếu xót về tinh thần trách nhiệm rất lớn của Bảo hiểm xã hội huyện An Phú, có dấu hiệu sai phạm quy định tại khoản 2 Điều 136, khoản 2 Điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Đồng thời đủ yếu tố cấu thành tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 BLHS 2015. Luật sư kiến nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 358 hủy bản án sơ thẩm để khởi tố đối với các cá nhân của BHXH huyện An Phú có liên quan để xảy ra hậu quả trên.
- Đề nghị của luật sư
Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: Trong vụ án này có sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng khi tiến hành điều tra, truy tố, thể hiện ở việc áp dụng pháp luật không đúng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Vì vậy, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ nội dung vụ án một khách quan, toàn diện cùng những phân tích, đánh giá trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Yêu cầu của chúng tôi cụ thể như sau:
Đề nghị HĐXX áp dụng: điểm c khoản 1 Điều 355; điểm a, c khoản 1 Điều 358: hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại.
Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!
Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!
Luật sư bào chữa: Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai