Sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử vào ngày 27/4/2017 ra bản án phúc thẩm số 53/2017/HSPT hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra kết luận điều tra số 36/KLĐT-HS ngày 30/06/2017. Theo đó, VKSND huyện Võ Nhai ra bản Cáo trạng số 22/KSĐT-TA ngày27/-7/2017 truy tố các bị can về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS. Vụ án hiện nay đã được TAND huyện Võ Nhai thụ lý và quyết định đưa ra xét xử vào ngày 12/10/2017. Là luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại trong vụ án này, chúng tôi nhận thấy về quá trình điều tra, truy tố lại như sau:
- Về bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên.
Trang 7 và 8 bản án phúc thẩm – Bút lục (BL) 1434 nêu:
“Tài liệu hồ sơ vụ án thể hiện, vụ việc xảy ra ngày 25/4/2016, những người phía bên Hiệp không chỉ có hành vi dùng gạch, đá, chậu trồng cây cảnh ném vào nhà anh Thưởng mà còn có cả hành vi dùng súng bắn những viên đạn ghém vào nhà anh Thưởng. Đây là hành vi có tính chất nghiêm trọng nhất trong vụ án. Tuy nhiên, trong phần kết luận của bản Cáo trạng và cả bản án sơ thẩm không có kết luận về hành vi bắn súng đạn ghém vào nhà anh Thưởng mà chỉ xác định hành vi của bọn Hiệp chỉ là “dùng gạch, đá, chậu trồng cây cảnh ném vào nhà anh Thưởng…” (trang 2 của Cáo trạng và trang 11 của bản án sơ thẩm). Như vậy, là bỏ lọt hành vi phạm tội, làm ảnh hưởng đến việc đánh giá sự thật khách quan của vụ án. Việc phía bọn Hiệp bắn súng vào nhà anh Thưởng là sự thật. Vậy, ai là người bắn súng vào nhà anh Thưởng? Tài liệu hồ sơ vụ án thể hiện:
Quá trình điều tra, tại các lời khai bắt đầu nhận tội, Đồng Văn Hiệp và tất cả các bị cáo trong vụ án đã bị truy tố, xét xử đều cho rằng họ biết người bắn phát súng đạn ghém vào nhà anh Thưởng là Bùi Anh Dũng sinh năm 1985; trú tại xóm Phố, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Tại BL 319 Hiệp còn khai thêm rằng: khoảng 5-7 ngày sau, tại nhà Thành (Đức) có tôi, Thành (Đức), Dũng (Dậu), Đức (Đông), Quân (Giải) và một số người khác ngồi uống nước tại nhà Thành, tôi nói Dũng (Dậu) bắn súng nhưng Dũng đang có án treo bây giờ mà nhận thì nặng lắm, có ai nhận thay cho nó. Tôi nói xong thì Đức (Đông) nói để em nhận cho, em chưa có tiền án, tiền sự. Sau đó, tôi nói ừ cứ thống nhất như thế nhé”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn xác định Bùi Anh Dũng là người bắn phát súng vào nhà anh Thưởng; đều khai Dũng đi cùng xe ô tô của Hiệp từ quầy cầm đồ đến nhà anh Thưởng, có sự tham gia từ đầu đến khi cả bọn bỏ đi thì Dũng cầm súng lên xe ô tô của Hiệp đi về quầy cầm đồ.
Như vậy, trong vụ án này, ngoài các bị can bị khởi tố, truy tố, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác là Bùi Anh Dũng và hành vi của Bùi Anh Dũng có liên quan chặt chẽ đến hành vi phạm tội của bị cáo Hiệp và các bị cáo khác trong cùng vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can và nếu đúng Bùi Anh Dũng là người bắn súng vào nhà anh Thưởng như các bị cáo đã khai thì Dũng là đồng phạm trong vụ án và hành vi của Dũng có tính chất mức độ chỉ sau Đồng Văn Hiệp. Trong trường hợp này, lẽ ra trong quá trình điều tra, cần phải khởi tố bị can đối với Bùi Anh Dũng, sau đó qua xác minh nếu Dũng bỏ trốn khỏi địa phương thì ra lệnh truy nã để không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Bởi lẽ, hậu quả của vụ án không chỉ là tài sản của gia đình anh Thưởng bị hư hỏng do những viên đạn ghém bắn trúng mà còn cả hậu quả anh Nông Văn Nhân bị thương tích cũng do những viên đạn ghém bắn trúng”.
Những nội dung trong bản án phúc thẩm trên cho thấy, TAND tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đó là lời khai của các bị can tại cơ quan điều tra, xét xử sơ thẩm. Đặc biệt qua phần thẩm vấn khi xét xử phúc thẩm, tất cả các bị can đều khẳng định Bùi Anh Dũng tức Dũng (Dậu) là người cầm súng từ quầy cầm đồ đến nhà anh Thưởng và trực tiếp nổ súng tại hiện trường. Cụ thể:
Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 27/4/2017 – BL 1442, Hiệp khai: “Do lúc đi về trên xe Dũng kể lại là Dũng đã bắn một phát vào đó”. BL 1444 Đặng Văn Tùng khai: “Dũng là người bắn, khi thấy tiếng súng nổ bị cáo quay lại thấy Dũng đang cầm súng”; BL 1447 Lương Văn Thăng khai: “khi thấy tiếng nổ bị cáo quay lại nhìn thấy Dũng cầm súng, sau đó Dũng cất giấu vào trong một cái áo”.
BL 1445 Đào Hồng Quân và Ngô Trí Cường đều thừa nhận: “ngoài 12 bị cáo có mặt ở đây hủy hoại tài sản nhà anh Thưởng còn có Bùi Anh Dũng”.
Như vậy, rõ ràng trong phiên tòa phúc thẩm, các bị can đều thừa nhận Dũng (Dậu) có hành vi bắn súng trực tiếp “Cố ý làm hư hỏng tài sản” vào nhà tôi. Điều đó được chứng minh qua các viên đạn ghém còn để lại dấu vết ở các đồ vật, tài sản trong gia đình như xe máy, tủ lạnh. Đặc biệt là viên đạn hiện nay còn nằm ở trong tay của anh Nông Văn Nhân. Từ những nhận định, phân tích đó mà HĐXX cấp phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên do Thẩm phán Lương Văn Hiển làm chủ tọa đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu vì có những sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố đó là bỏ lọt tội phạm đối với hành vi đồng phạm của Bùi Anh Dũng tức Dũng (Dậu).
- Về nội dung điều tra, truy tố bổ sung.
Thứ nhất: Về lời khai của các bị can trong vụ án.
Khi có quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra lại. Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lấy lời khai của các bị can nhằm làm rõ những nội dung mà trong bản án nêu. Song, thực tế tôi nhận thấy, lời khai của các bị can đều thay đổi so với giai đoạn điều tra ban đầu và thẩm vấn xét hỏi tại hai cấp xét xử. Cụ thể như sau:
Một là: Các bị can đều né tránh việc Bùi Anh Dũng tham gia trong vụ án
Tại các biên bản hỏi cung vào tháng 05/ 2017 giai đoạn sau khi có quyết định hủy bản án sơ thẩm, các bị can đều trả lời rất giống nhau rằng: “Tôi cam đoan lời khai của tôi trình bày trước Cơ quan điều tra ở giai đoạn điều tra trước cũng như lời trình bày của tôi trước các phiên tòa xét xử mà tôi tham gia là đúng sự thật, khách quan, tôi hoàn toàn tự nguyện, thành khẩn khai báo về nội dung vụ án, đến nay tôi giữ nguyên không thay đổi, không bổ sung gì thêm”.
Bản tự khai ngày 15/07/2016 –BL 688, Đặng Văn Tùng khai: “thời điểm ấy tôi nghe có tiếng súng nổ lớn ngay phía sau lưng, tôi quay lại thấy tay anh Dũng (Dậu) đang cầm 01 khẩu súng bắn đạn hoa cải nòng súng vẫn còn khói trắng bay ra”.
Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 27/4/2017 – BL 1449 Đặng Văn Tùng khai: “Dũng là người bắn, khi thấy tiếng súng nổ bị cáo quay lại thấy Dũng đang cầm súng, đầu súng có một ít khói”.
Trái lại với khẳng định như trên, bị can Đặng Văn Tùng có lời khai ngày 24/05/2017, tại BL 1502 rằng: “Tôi ngoảnh lại phía sau và thấy Dũng (Dậu) cầm một vật giống súng, đang hướng nòng súng xuống đất, cuốn chiếc áo hoặc bao tải bên ngoài, phía đầu có ít khói trắng mờ nhưng tôi kkhông nhìn thấy ai là người bắn và không biết ai bắn, sau này tôi được nghe nói Dũng (Dậu) là người bắn”.
Lời khai của Vũ Văn Tiệp tại các bản tự khai BL số 650-655 có nội dung: “Tôi thấy có người hô: bọn nó có súng đấy và tôi liền bỏ chạy khi chạy được một đoạn thì tôi có nghe một tiếng súng, tôi liền quay lại và nhìn thấy trên tay anh Dũng (Dậu) có cầm một khẩu súng dài khoảng 40-50cm bọc trong một mảnh vải. Sau đó tôi ra lấy xe chạy về hướng thị trấn Đình Cả”.
Biên bản hỏi cung bị can ngày 25/5/2017 – BL 1480 – 1481,Tiệp khai:
“Tôi thấy Dũng (Dậu) trên tay cầm một vật dài khoảng 40 – 50 cm, bên ngoài vật này được cuốn kín bằng vải, chỉ thò 01 đầu ra ngoài giống đầu nòng súng và tôi nghĩ đó là súng”.
Lời khai của Lương Văn Thăng tại các bản tự khai BL 583-592 như sau:
“Sau đó tôi nghe thấy tiếng bắn đi nhưng không xác định đuọc là ai hô chỉ biết là giọng đàn ông, lúc đó tôi thấy anh Dũng (Dậu) cầm một khẩu súng được quấn bởi một chiếc áo dài tay mầu xám cầm dí thẳng vào hướng nhà anh Thưởng”.
Bl 1449 trong Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 27/04/2017 Thăng trả lời HĐXX rằng: “bị cáo đứng cách Dũng khoảng 2 – 3 m, thấy Dũng cầm súng quấn trong một chiếc áo”.
Đến biên bản hỏi cung bị can ngày 24/5/2017- BL 1449, Thăng lại khai:
“Tôi không nhìn thấy anh Dũng và Hiệp cầm súng, không nhìn thấy hai người này bắn súng vào nhà anh Thưởng về phần Dũng tôi chỉ nhìn thấy Dũng cầm 01 vật giống súng được cuốn trong chiếc áo nên tôi cũng không giám khẳng định mà chỉ nghĩ đó là súng”.
Như vậy, qua phần trích dẫn lời khai của Tùng, Tiệp, Thăng ở 03 giai đoạn khác nhau cho thấy có sự thay đổi lời khai. Đầu tiên ở Cơ quan điều tra và Tòa án tỉnh Thái Nguyên các bị can này đều thành khẩn thừa nhận thấy Dũng (Dậu) cầm súng, khi nghe tiếng nổ vẫn còn thấy khói trắng bay ra từ nòng súng của Dũng. Tuy nhiên, sau đó hủy án sơ thẩm các bị can lại có sự bàn bạc, trao đổi với nhau nhằm mục đích né tránh sự thật và thay đổi về cách khai để không đưa Bùi Anh Dũng là đồng phạm trong vụ án. Đây là sự khai báo không trung thực, lời khai bất nhất, có mâu thuẫn nhau thể hiện sự không thành khẩn, có dấu hiệu sai phạm pháp luật về hành vi “khai báo gian dối” theo Điều 307 BLHS, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Luật sư đề nghị các Quý cơ quan xem xét vấn đề này.
Chính vì lẽ đó, mà Công an tỉnh Thái Nguyên ra Bản kết luận điều tra rằng: “Đối với hành vi của Bùi Anh Dũng: tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can Dũng về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và tội “Cố ý gây thương tích”. Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ về hành vi của Dũng, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý sau”.
Đáng lẽ trong trường hợp này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên phải bác bỏ những lời khai không xác thực trong quá trình điều tra bổ sung trên vì nó không phù hợp với lời khai ban đầu và lời khai tại hai cấp xét xử. Bởi lẽ:
Thông qua những bản tự khai của các bị can nêu trên cho thấy: Tùng, Tiệp, Thăng khai nhận rất chính xác về các tình tiết vụ án mà mình trực tiếp tham gia, chứng kiến. Do đó, nó bảo đảm về tính khách quan, xác thực. Hơn nữa, tôi cho rằng những lời khai của ba người này từ trước đến nay đều thống nhất và chính xác. Khi xem xét cần phải thừa nhận lời khai của ho tại Tòa là có giá trị nhất. Vì tại Tòa họ mới được trình bày lý lẽ, quan điểm của mình một cách công khai, mà không bị sức ép, áp lực nào. Từ đó, lời khai là nguồn chứng cứ quan trọng để đánh giá ý thức chủ quan và hành vi của từng người làm cơ sở kết luận.
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 64 về chứng cứ và khoản 2 Điều 66 về đánh giá chứng cứ của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
Điều 64. Chứng cứ
“1.Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.
Điều 66. Đánh giá chứng cứ
“2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án”.
Như vậy, lời khai ban đầu của các bị can tại Công an tỉnh Thái Nguyên và lời khai qua hai lần xét xử cũng như lời khai của các nhân chứng trong vụ án cùng vật chứng thu được là các viên đạn ghém đã được kết luận giám định là một nguồn quan trọng của chứng cứ cho thấy Dũng (Dậu) trực tiếp tham gia vụ án, là người nổ súng tại nhà tôi. Tuy nhiên, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên không xem xét, đánh giá đầy đủ mà kết luận chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can đối với Bùi Anh Dũng về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Hai là: Các bị can có sự bàn bạc nhau về cách thức thay đổi lời khai
BL 445, 446, 457 Phạm Minh Đức khai: “khoảng 3-5 ngày sau khi vụ án xảy ra, vào buổi tối tại nhà Thành (Đức) có Hiệp (Gà), tôi, Thành (Đức), Dũng (Dậu), Tiệp (Vệ), Toản (Díp), Quân (Giải), Khải (Đàn), Hương (Trố), Thăng (Đậu) và một số người khác Tại đây, Hiệp (Gà) bảo tôi nhận bắn súng thay cho Dũng (Dậu) vì tôi chưa có tiền án, tiền sự, còn Dũng đang có án treo. Tôi đã đồng ý nhận thay cho Dũng”. Hoặc tại BL 610, 627 Bùi Tiến Thành Khai: “Sau khoảng 4-5 ngày Tôi, Hiệp, Quân (Giải), Đức (Đông), Dũng (Dậu), Toản (Díp) ngồi uống nước nói chuyện tại nhà tôi ở xóm Gò Cao, xã Hóa Thượng, Hiệp nói Dũng có tiền án, tiền sự, đang có án treo là nặng tội đấy thì Đức (Đông) nói em không có tiền án tiền sự để em nhận tội thay cũng được, Hiệp nói: ừ thống nhất thế nhé”.
Dẫn chứng lời khai trên của Đức, Thành cho thấy các bị can có sự bàn bạc, trao đổi rất kỹ lưỡng với nhau sau khi gây án. Từ việc cắt cử người ra nhận tội thay cho Dũng (Dậu) đến giai đoạn sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu vì có nhiều dấu hiệu sai phạm về tố tụng và bỏ lọt tội phạm đối với Bùi Anh Dũng. Các bị can lại thay đổi lời khai né tránh việc Dũng (Dậu) tham gia với vai trò đồng phạm để gỡ tội cho đối tượng này. Đây cũng là một dấu hiệu có tính tổ chức, bàn bạc, phân công nhiệm vụ nhau rõ nét.
Thứ hai: Về Cáo trạng truy tố của VKS huyện Võ Nhai
Một là: VKSND huyện Võ Nhai không khởi tố, truy tố đối với Dũng (Dậu)
Trên cơ sở của bản Kết luận điều tra số 36/KLĐT-HS ngày 30/06/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên. VKSND huyện Võ Nhai ra bản Cáo trạng số 22/KSĐT-TA ngày27/-7/2017 truy tố các bị can về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS. Tại trang 05 Cáo trạng – BL số 1539 nhận định: “Do đó, chưa đủ căn cứ khởi tố Dũng về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” với vai trò đồng phạm và tội “Tàng trữ vũ khí quân dụng”, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh nếu đủ căn cứ sẽ xử lý sau”.
Như vậy, về mặt quan điểm, VKSND huyện Võ Nhai đồng tình với kết luận điều tra vụ án của Công an tỉnh Thái Nguyên có dấu hiệu cũng bỏ lọt hành vi phạm tội của Bùi Anh Dũng mà bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên đã đánh giá vai trò của Dũng (Dậu) trong vụ án này chỉ đứng sau Hiệp (Gà). Vì thế, bản Cáo trạng này sai phạm tố tụng vì VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động điều tra, xét xử. Nếu thấy kết quả điều tra không toàn diện, đầy đủ VKSND huyện Võ Nhai phải trả hồ sơ đề nghị làm rõ những nội dung bản án phúc thẩm nêu hoặc tự điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 109, khoản 1, khoản 2 Điều 112 Luật Tố tụng hình sự năm 2003. Song, Cơ quan này không làm thế mà vẫn ra Cáo trạng như cũ truy tố đối với 12 bị can không khởi tố với Dũng (Dậu) về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” là sai phạm nghiêm trọng.
Hai là: Về căn cứ pháp luật mà bản Cáo trạng áp dụng
Tại trang 15 bản Cáo trạng số 22/KSĐT-TA ngày 27/07/2017- BL 1544 của VKSND huyện Võ Nhai viện dẫn như sau:
“Căn cứ Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội quy định kể từ ngày 01/7/2016 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 100/2015/QH13”
Tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 quy định: “Điều luật…quy định một hình phạt nhẹ hơn…và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành”.
Nội dung Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
- Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Kính thưa các Quý Cơ quan!
Tôi không hoàn toàn không đồng tình với những viện dẫn các văn bản luật nêu trên có trong bản Cáo trạng của VKSND huyện Võ Nhai bởi những lý do sau đây:
1/. Bản Cáo trạng số 22/KSĐT-TA ngày 27/07/2017 của VKSND huyện Võ Nhai viện dẫn và áp dụng các Nghị quyết số 109/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội là không đúng và không phù hợp với thực tiễn vì: Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc Hội tại Điều 4 có nêu:
[“Điều 4. Hiệu lực thi hành
- Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2017.
- Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, theo Điều 4 của Nghị quyết số 41/2017 thì Nghị quyết số 109/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội khóa 13 đã hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết 41/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2017. Bởi thế, Cáo trạng của VKSND huyện Võ Nhai ra ngày 27/07/2017 vẫn áp dụng hai văn bản trên là không còn phù hợp với thực tiễn. Trong trường hợp này, VKSND huyện Võ Nhai phải áp dụng các quy định tại Nghị quyết số 41/2017 mới đúng thực tế và có giá trị pháp lý.
2/. Việc áp dụng BLHS năm 2015 của VKSND huyện Võ Nhai chưa đúng.
Một là: Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội khóa 14 thì:
“1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:
- a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018”.
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017 nêu trên cho thấy việc VKSND huyện Võ Nhai viện dẫn nội dung Điều 178 BLHS năm 2015 là không đúng vì Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 đã nêu rất rõ tất cả các Điều khoản của BLHS năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử với thực hiện hành vi phạm tội từ 01/01/2018. Điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 cũng nêu:
“b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích”.
Theo quy định trên đối chiếu với vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” mà VKSND huyện Võ Nhai đang truy tố các bị can theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì rõ ràng viện dẫn trong Cáo trạng là không hợp lý vì về hình phạt tại 02 Điều luật về cơ bản vẫn giống nhau không có gì thay đổi. Do đó, chỉ có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mới và các điểm có lợi trong BLHS năm 2015.