Luật sư bào chữa vụ án giao thông tại Bắc Giang

86

Luật sư Nguyễn Minh Long, luật sư Nguyễn Hồng Đức – Công ty Luật dragon, đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Được sự chấp thuận của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Lưu Văn Sâm trong vụ án “ Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009 xảy ra vào hồi 13 giờ ngày 18/01/2017 tại thôn Hạ Long, xã giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa ngày hôm nay, chúng tôi có quan điểm bào chữa cho anh Lưu Văn Sâm như sau: Chúng tôi không đồng ý với bản án sơ thẩm số 66/2018/HSST ngày 31/08/2018 và quan điểm của đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, bởi lẽ:

Thứ nhất HĐXX chưa xác định chính xác lỗi trong vụ án là lỗi gì và căn cứ vào lời khai không khách quan, kết luận giám định không rõ ràng để nhận định và buộc tội bị cáo:

Căn cứ vào lời khai của bị hại Trần Văn Tâm, người làm chứng Hoàng văn Phú, Kết luận giám định số 1460/KL-PC54 ngày 28/09/2017 của phòng hình sự công an tỉnh Bắc Giang. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Lưu Văn Sâm là người chưa có giấy phép lái xe mô tô theo quy định…..Do vi phạm quy định về điềukhiển phương tiện giao thông đường bộ dẫn đến va chạm với xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter….hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “ Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”(phần đầu trang 10 bản án sơ thẩm). Chúng tôi cho rằng nhận định này của HĐXX sơ thẩm thiếu khách quan, không xem xét toàn diện hồ sơ và các chứng cứ vì:

  1. Bản kết luận giám định chưa đầy đủ:

Chúng tôi cho rằng kết luận giám định số 1460/KL – PC54 ngày 28/09/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Giang chưa xem xét và tiến hành giám định “Tốc độ” của hai phương tiện theo Quyết định trưng cầu giám định số: 203 ngày 05/09/2017 (BL95) với nội dung yêu cầu giám định: “ 1. Chiều hướng va chạm và tốc độ xe mô tô 98 E1 – 202.08 và xe mô tô 98 E1 – 451.18; vị trí va chạm trên mặt đường của xe mô tô biển số 98 E1 – 202.08 với xe mô tô 98 E1 – 451.18”. Tuy nhiên, trong bản Kết Luận Giám Định số 1460/KL – PC54 ngày 28/09/2017 (BL96) chỉ đưa ra kết luận các nội dung về các dấu vết, chiều hướng dấu vết va chạm và vị trí va chạm chứ không hề căn cứ vào hiện trường và các vị trí va chạm biến dạng của 02 xe để tiến hành giám định về tốc độ và dấu vết trên đường.

Trong khi đó Bị Hại là anh Trần Văn Tâm điều khiển phương tiện chở 2 người quá quy định, khi va chạm không hề có vết phanh, chưa xác định rõ tốc độ của xe bị Hại đi là bao nhiêu km trong đường đông dân cư, không đội mũ bảo hiểm, như vậy khi tiếp xúc va chạm thì có ảnh hưởng đến tải trọngquán tính của xe, như vậy HĐXX đang bỏ qua lỗi của bị Hại.  Hoặc chí ít cũng phải Lỗi hỗn hợp ?

  1. Lời khai một phía thiếu khách quan.

Ngoài Kết luận số 1460/KL – PC54 ngày 28/09/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Giang chưa đầy đủ Hội đồng xét xử sơ thẩm còn căn cứ vào lời khai của anh Trần Văn Tâm tức Bị Hại và 2 người ngồi sau xe bị hại là Hoàng Văn Phú(bị tâm thần) và Vũ Văn Duy(có nhân thân xấu, chơi bời nêu nổng) là không khách quan và cố tình xử dụng lời khai của những người này để buộc tội cho bị cáo Sâm là không chính xác.

Đối với Vũ Văn Duy trước khi xảy ra vụ tai nạn là một thanh niên thường xuyên chơi bời, tụ tập và đã từng vi phạm pháp luật, bị tuyên án nhưng đang bỏ trốn do xa ngã vào tệ nạn cờ bạc năm 2011 và bị truy tố, xét xử nên sau một thời gian bỏ trốn anh Duy trở về thụ lý án tù (BL287) “Quá trình điều tra vụ án, Vũ Văn Duy, sinh năm 1989, trú tại thôn Lường, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là người có liên quan đến vụ án bị Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xét xử về tôi Đánh Bạc. Hiện nay, Vũ Văn Duy đang chấp hành án tại Trại giam Tâm Lập –Bộ Công an..

          Tại biên bản xác minh ngày 08/11/2018 anh Hoàng Văn Đông – anh trai Hoàng Văn Phú xác nhận: “Khi ra ngoài làm ăn tôi được biết Vũ Văn Duy chơi bời và tham gia đánh bạc bị công an Lục Ngạn bắt khởi tố, lúc xét xử có hành vi chống người thi hành công vụ rồi bỏ trốn một thời gian

 Trong khi anh Hoàng Văn Phú là người bị hạn chế về nhận thức, không kiểm soát được hành vi buộc gia đình phải đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Giang? Tại Biên bản xác minh ngày 06/11/2018 bố của Hoàng Văn Phú – ông Hoàng Thái Sơn xác nhận : “ kể từ cuối năm 2016 đầu năm 2017 cháu Hoàng Văn Phú bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và gia đình đã phải đưa cháu xuống bệnh viện tâm thần Bắc Giang điều trị từ tháng 08 năm 2017….Tôi khẳng định cháu Hoàng Văn Phú bị ảnh hưởng nhận thức rơi vào tình trạng không biết gì, không nhớ gì là tháng 06 năm 2017 khi dsdó cháu hnhư bị ma nhập, điên dở”.

Theo nội dung buổi làm việc ngày 08/11/2018 anh trai của Hoàng Văn Phú – Hoàng Văn Đông xác nhận: “ Đầu năm 2017 Hoàng Văn Phú ra quân về địa phương sinh hoạt, kể từ khi ra quan Phú đã có biểu hiện, có dấu hiệu bị hạn chế về nhận thức có nhiều lúc không kiểm soát được hành của bản thân, gia đình phát hiện và theo dõi để khuyên bản Phú điều chỉnh hành, nhận thức của mình nhưng từ khi ra quân đến tháng 06 tình hình ngày càng xấu đi nên bắt buộc gia đình phải nhờ thầy lễ, bái giúp xem có khỏi không nhưng cũng không khỏi sau đó gia đình phải đưa Phú xuống bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Ginag để điều trị” .

Tại sao HĐXX lại chỉ căn cứ vào kết luận chưa đầy đủ và lời khai 1 vế không khách quan của những người vi phạm giao thông như Trần Văn Tâm, người có nhân thân xấu như Vũ Văn Duy và Hoàng Văn Phú là người có vấn đề về tâm thần để buộc tội bị cáo? Trong khi lời khai của nhân chứng khách quan nhất là anh Nguyễn Thế Công thì HĐXX lại không xem xét, đánh giá khi giải quyết vụ án. Mặt khác, Bản ảnh hiện trường khi va chạm không hề có có vết phanh xử lý khi gặp sự cố Điều này chứng tỏ Trần Văn Tâm lái xe rất nhanh và không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm đã dẫn đến tai nạn

Thứ hai: HĐXX Xác định nguyên nhân chính dẫn đến va chạm thiếu chính xác

HĐXX nhận định : “ Bị cáo Sâm đã vi phạm các quy định tại khoản 23 điều 8, khoản 2 điều 15, khoản 2 điều 59 Luật giao thông đường bộ năm 2008 và nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của chính phủ . HĐXX xét thấy đây là nguyên nhân chính dẫn đến va chạm giao thông giữa bị cáo và anh Tâm (phần cuối trang 10 Bản án sơ thẩm)

Điều 15. Chuyển hướng xe

  1. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện kháclà không khách quan, không phản ánh đúng bản chất của vụ án.

Chúng tôi cho rằng trong vụ án này Lưu Văn Sâm chỉ có lỗi là không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông theo khoản 2 điều 59  Luật giao thông đường bộ năm 2008. HĐXX cho rằng Lưu Văn Sâm vi phạm quy định tại khoản 2 điều 15 Luật giao thông đường bộ là không chính xác bởi lẽ

Anh Nguyễn Văn Lương là người ngồi sau xe của anh Sâm đã xác nhận(BL399): Khi 2 xe va chạm thì xe của Sâm đã dừng xe, tắt máy, không còn chuyển động….Lúc đó tôi đang xuống xe, 1 chân trên xe, 1 chân dưới đường” và tại BL400 – trang 15 Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 05/07/2018): “do xe của anh Tâm đi nhanh đâm vào xe của Sâm đang đỗ ở rìa đường….Tôi đang bước xuống xe”. Lời khai này của người làm chứng phù hợp với lời khai của anh Sâm trong suốt quá trình điều tra đều khai là đi chậm bật xi nhan sang đường, trước mặt quan sát kỹ không nhìn thấy ai đi ngược chiều nên mới cho xe rẽ sang đường và đỗ bên lề đường đất thì bất ngờ bị xe mô tô do anh Tâm điều khiển lao vào đâm rất mạnh vào bên phải xe, làm anh Sâm bị gãy tay và gây thương tích nặng cho chính anh Tâm, lực va chạm mạnh khiến cho xe máy bị văng ra mép đường. Tại BL550 Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 30/08/2018(trang 11)  anh Sâm khai: “Bị cáo có bật xi nhan xin đường và quan sát các phương tiện tham gia giao thông khác thấy không có gì nguy hiểm thì bị cáo sang đường

Chúng tôi cho rằng trong vụ án này hành vi của Lưu Văn Sâm chỉ có lỗi là không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông. Thiết nghĩ đây chỉ đơn thuần là lỗi hành vi do nhận thức pháp luật của anh Sâm còn hạn chế, là người dân tộc thiểu số(dân tộc Sán Dìu) gia đình thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn nên áp dụng hình phạt xử lý hành chính theo quy định tại khoản 5 điều 21 nghị định 46/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của chính phủ đối với anh Sâm là phù hợp:

Thứ ba: HĐXX không xem xét , đánh giá và sử dụng Lời khai của nhân chứng Nguyễn Thế Công khi giải quyết là không khách quan:

Trong quá trình xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, mặc dù người Làm Chứng  đã được chủ tọa Nguyễn An Ninh và những người tham gia tố tụng hỏi rất nhiều những gì anh Công biết, chứng kiến nhưng trong bản án sơ thẩm không hề ghi nhận phần lời khai của nhân chứng .

Tại Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 05/07/2018 (BL400 – trang 15): “Tôi thấy 2 xe va chạm nhau, do xe của anh Tâm đã lao vào xe của anh Sâm…..Tôi thấy người ngồi sau xe Sâm đang bước xuống xe, còn Sâm vẫn ngồi trên xe…Tôi thấy xe của Sâm đã đỗ lại bên đường gần quán nước nhà Kính Hà”. Thấy xe của Sâm dừng bên đường, khoảng cách từ chỗ anh Công  đến vị trí va chạm là: 15m và tầm nhìn rõ trong điều kiện thời tiết bình thường khi chứng kiến tận mắt việc anhTâm lao xe đâm vào xe của anh Sâm. Thấy vậy, anh Công đã chạy sang và nhận ra người quen là anh Hoàng Văn Phú nên anh Công đã đưa anh Phú và bị hại vào viện cấp cứu. Phát hiện những người này say xỉn và anh Tâm(người lái xe) nôn đầy phòng toàn mùi rượu nên bệnh xá quân đội đã yêu cầu chuyển ngay lên bệnh viện đa khoa huyện Lục Ngạn mà không tiến hành vào sổ tiếp nhận bệnh nhân. Tại BL548(trang 9 biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 30/08/2018) anh Công khai: “Tôi thấy xe chở 3 người , 1 người bị thương nặng sau này tôi mới biết người này là anh Tâm còn 2 người kia trong tình trạng say say như say rượu bia” và “ anh Phú có nói trước khi xảy ra tai nạn thì anh Phú cùng anh Tâm, Duy có đi uống rượu ở phố Kép xong 3 người định kèm nhau lên Tâm Hoa để hát Karaoke cùng bạn bè” Tại BL549 (phần đầu – trang 10 Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 30/08/2018) anh Công khai: “ Tôi đưa 3 người xuống bệnh viện quân y để cấp cứu lcs đó Tâm chảy nhiều máu, bị thương nặng không nhận biết được gì do bị say rượu nên ra nhiều máu và thức ăn tại phòng khám quân y….còn 2 người kia bị thương nhẹ nhưng cũng trong tình trạng say rượu” .Sau này cả anh Tâm và gia đình đều thừa nhận người đã đưa anh Tâm đi cấp cứu là anh Công. Như vậy, Lời khai của anh Công rất khách quan tại sao HĐXX lại bỏ qua nhân chứng sống này.

Thứ tư. Đối với đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Luật sư bào chữa

HĐXX nhận định : “Đối với đề nghị thực hiện việc giám định tốc độ và nồng độ cồn , HĐXX nhận thấy căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 18/01/2017 đều không xác định được tốc độ xe mô tô do bị cáo Sâm điều khiển và xe mô tô do anh Tâm điều khiển trước khi xảy ra tai nạn. Đối với đề nghị giám định nồng độ cồn đối với anh Trần văn Tâm thì thấy, căn cứ lời khai của bị hại Trần văn Tâm, lời khai của người làm chứng anh Hoàng Văn Phú đều xác định anh Trần văn Tâm không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… HĐXX xét thấy đề nghị này của người bào chữa cho bị cáo không căn cứ để xem xét:” (phần giữa trang 11 bản án sơ thẩm)Theo khoản 5 điều 3 thông tư liên tịch Số: 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22 tháng 12 năm 2017

“Điều 3. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

  1. Không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này nhưng vẫn truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được chứng cứ đó.Chúng tôi cho rằng nhận định này của HĐXX toà sơ thẩm là không khách quan trong quá trình giải quyết, bởi lẽ :

 Người làm chứng Nguyễn Thế Công đã xác nhận tại phiên toà sơ thẩm ngày 05/07/2018 (BL400 – trang 15) và biên bản xác minh ngày 31/07/2018 là khi chở bị hại Trần Văn Tâm và Phú đi cấp cứu trong tình trạng người toàn mùi bia rượu. Chúng tôi cho rằng việc xác định tốc độ xe và nồng độ cồn của bị hại cơ quan tiến hành giám định hoàn toàn có thể tiến hành được và kết quả giám định tốc độ, nồng độ cồn có ảnh hưởng trực tiếp và là căn cứ quan trọng để HĐXX xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và bản anh hiện trường đều không có sự chứng kiến của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Hiện trường vụ án, nơi xảy ra va chạm hướng từ Bắc Giang đi Lục Ngạn với đà lên dốc, tầm nhìn bị che khuất và không xử lý phanh giảm tốc độ khi xuống dốc đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Nhìn từ hướng Lục Ngạn đi Bắc Giang thì tầm nhìn sẽ rất rõ không bị che khuất (từ dưới lên đỉnh dốc)– Điều này phù hợp với lời khai của anh Sâm và người làm chứng anh Nguyễn Văn Lương, cho rằng khi xi nhan sang đường đã quan sát rất kỹ không thấy xe ngược chiều mới sang đường.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn có địa hình lên dốc theo hướng từ Sơn Động về Bắc Giang nên khi anh Sâm điều khiển xe từ uỷ ban nhân dân xã Giáp Sơn về ngã ba thôn Hạ Long thì rất dễ quan sát xe đi ngược chiều theo hướng từ Bắc Giang về Sơn Động. Mặt khác nếu người điều khiển xe đi từ hướng Bắc Giang về Sơn Động sẽ bị che khuất tầm nhìn và xuống dốc nên tốc độ xe sẽ nhanh hơn bình thường. Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này anh Tâm điều khiển xe xuống dốc và không hề xử lý(hiện trường không có dấu vết phanh xe) thì xe sẽ có tốc độ nhanh hơn và là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Lục Ngạn đã yêu cầu Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Giang tiến hành giám định tốc độ của 2 xe mô tô (BL95) để có căn cứ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành giám định đã không tiến hành giám định tốc độ của 2 xe theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan cảnh sát điều tra(BL96) khiến cho việc đánh giá và xác định lỗi trong vụ án này không khách quan.

Vì vậy, Việc HĐXX không chấp nhận đề nghị của chúng tôi và chỉ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ chưa đầy đủ trong hồ sơ để xét xử và tuyên bản án 3 năm tù giam đối với bị cáo Lưu Văn Sâm là không khách quan khiến cho mọi người đều bức xúc gây uất ức cho anh Sâm

Thứ năm: Tòa án chỉ xử phạt hành chính đối với Trần Văn Tâm là không đúng.

Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn đã xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của anh Trần Văn Tâm nhưng lại không khởi tố bị can đối với anh Trần Văn Tâm về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” mà chỉ khởi tố anh Sâm do không có giấy phép lái xe là việc làm thiếu trách nhiệm, không tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Trần Văn Tâm trong vụ án này là người đã mắc rất nhiều lỗi trong khi tham gia giao thông như:

  • Chở quá số người quy định là vi phạm an toàn kỹ thuật. Chiếc xe máy được thiết kế để chở 2 người với trọng lượng tối đa là 150kg khi tham gia giao thông với điều kiện bình thường sẽ đảm bảo các thông số an toàn kỹ thuật của xe. Anh Tâm chở 3 người đã vượt quá 150kg theo thiết kế của xe nên dẫn đến việc không thể xử lý an toàn khi gặp sự cố trên đường và đã xảy ra tai nạn gây thương tích cho anh Sâm và bản thân anh Tâm.
  • Điều khiển xe với tốc độ vượt quá tốc độ cho phép là vi phạm an toàn chủ động. Với quy định đối với tuyến đường quốc lộ không có dải phân cách, không có vạch phân cách như quốc Lộ 31 thì vận tốc cho phép tối đa là 40km/h nhưng bị hại đã điều khiển xe vượt quá tốc độ cho phép (theo lời khai của nhân chứng Công) nên đã không xử lý kịp thời và gây ra tai nạn.
  • Hành vi không đội mũ bảo hiểm theo quy định là vi phạm an toàn về con người. Trong trường hợp này nếu bị hại chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì chúng tôi tin rằng bị hại sẽ được bảo vệ và thương tích sẽ không nghiêm trọng như vậy.

Chúng tôi cho rằng bản thân bị hại đã nhận thức rất rõ những hậu quả có thể xảy ra nhưng lại không hề có biện pháp phòng ngừa và để mặc cho hậu quả xảy ra dẫn đến tai nạn và gây hậu quả cho người khác là anh Sâm 12% và chính bản thân mình là 73%.

Thiết nghĩ với hành vi tham gia giao thông của bị hại như trên cần phải được cơ quan điều tra tiến hành xác minh, thu thập, điều tra một cách công tâm, khách quan và đầy đủ để đánh giá mức độ, hành vi và lỗi của bị hại để HĐXX nhận định toàn diện bản chất vụ án. Việc HĐXX chỉ xử phạt hành chính đối với bị hại là không khách quan.

Thứ sáu: HĐXX do chủ tạo Nguyễn An Ninh tuyên phạt bị cáo Lưu Văn Sâm 3 năm tù giam là quá nặng và không có tính dăn đe, giáo dục, bởi lẽ: Ngay cả khi anh Sâm có hành vi vi phạm như nhận định của HĐXX thì Hội đồng xét xử khi tiến hành xét xử cần thiết phải xem xét mức độ hành vi, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, trình độ nhận thức của anh Sâm và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với anh Sâm và với mức án 03 năm anh Sâm có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 điều 51 BLHS năm 2015 thì HĐXX hoàn toàn có thể cho anh Sâm được hưởng án treo theo quy định tại điều 1, khoản 1 điều 2 của nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo sự nghiêm minh, tính khoan hồng có tính dăn đe, giáo dục đối với anh Sâm. cụ thể

  • Lưu Văn Sâm có nhân thân tốt, gia đình anh Sâm là hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số(dân tộc Sán Dìu)
  • Anh Sâm đã chủ động nhờ gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả và bồi thường cho bị hại số tiền 35.000.000 đồng
  • Đây là lần đầu tiên anh Sâm sai phạm và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng
  • Bị hại đã có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho anh Sâm
  • Anh Sâm sống trong vùng có trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế.
  • Khi được tại ngoại trong quá trình điều tra anh Sâm do nhận thức còn hạn chế nên đã tự ý đi Lạng Sơn tìm việc, khi biết mình bị truy nã anh Sâm đã về đầu thú, trình diện hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
  • Tại Phiên tòa ngày hôm nay, anh Sâm đã nhận thức được hành vi của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Theo điểm b, điểm i, điểm l, điểm s điều 51 BLHS năm 2015 quy định:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

  1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
  2. b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
  3. i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng
  4. l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra

s)Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải

  1. Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiêt khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”

Theo điều 1 và khoản 1 điều 2 nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc áp dụng điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015

Điều 1. Án treo

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”

Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Bị xử phạt tù không quá 3 năm

2.Có nhân thân tốt

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách pháp luật và thưacj hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc

  1. có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên
  2. Có nơi cư trú rõ ràng
  3. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả bnăng tự cải tạo và việc cho hộ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Chúng tôi đề nghị HĐXX Căn cứ vào điểm b,điểm i, điểm l, điểm s khoản 1 và khoản 2 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và điều 1, điều 2 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 tuyên sửa bản án sơ thẩm số 66/2018/HSST ngày 31/08/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn theo hướng giảm nhẹ hình phạt và cho anh Sâm được hưởng án treo để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, chính sách khoan hồng, thể hiện có tính dăn đe và giáo dục của pháp luật đối với anh Sâm.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang sẽ xem xét và nhận định chính xác hồ sơ vụ án để tuyên bản án thấu tình đạt lý.

Trân trọng cảm ơn./.    

 * Tên nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo quyền thông tin cá nhân.

 

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai