Các cụ có câu “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Nhiều người hiểu câu thành ngữ này song chỉ vì tranh giành đất đai mà nhiều anh em ruột thịt lại xông vào đâm chém nhau đến đầu rơi máu chảy.
Nguồn cơn nào dẫn đến những vụ án đau lòng
Thời gian gần đây đã có không ít những vụ án đau lòng xuất phát từ mâu thuẫn tài sản; anh em ruột sẵn sàng đâm chém nhau không thương tiếc chỉ vì tranh giành đất đai hay vay mượn tiền bạc, để lại những hậu quả khôn lường, gây ám ảnh trong quần chúng nhân dân.
Cùng trao đổi về nội dung này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm:
Liên quan đến các vụ việc cho vay tiền, quy định pháp luật hiện nay rất lỏng lẻo, vô tình tạo ra các kẽ hở để người vay tiền có thể không trả nợ mà cũng không bị làm sao.
Cụ thể, có những trường hợp nếu đưa ra pháp luật cũng chỉ là vấn đề dân sự, dù có khởi kiện, thắng kiện, thi hành án thì đối tượng vay nợ cũng không còn tiền trả. Bởi lẽ họ đã cố tình tẩu tán tài sản, cho người khác đứng tên tài sản của họ. Điều này cũng xuất phát từ khâu quản lý tài sản, nguồn tiền của nhà nước yếu kém.
Dù bộ luật hình sự mới có thắt chặt hơn vấn đề này, tuy nhiên vẫn dựa khá nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng khi họ xác định đó là hình sự hay dân sự và việc điều tra của họ cũng không truy đến cùng được nguồn gốc tài sản, việc tẩu tán tài sản. Chính vì những quy định này, người vay nợ cứ trây ì, hoặc chỉ trả nhỏ giọt để vụ việc chỉ là dân sự.
Nếu pháp luật quy định cho phép chủ nợ được lựa chọn hình thức tố tụng, có quyền yêu cầu khởi tố hình sự hay không với những người vay nợ và việc làm rõ được nguồn tiền, dòng tiền khi người vay nợ vay thì có lẽ những người vay nợ sẽ phải tìm mọi cách, không dám lợi dụng pháp luật và phải trả nợ.
Tương tự, những sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai, khiếu kiện kéo dài bắt nguồn từ việc quản lý yếu kém, không dứt điểm và quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, gây bức xúc cho người dân. Trong quá trình tự người dân loay hoay xử lý, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn về đất đai không tránh được việc bức xúc hay gặp cản trở của phe đối phương.
Cộng thêm nhận thức hiểu biết pháp luật hạn chế, không có người tư vấn, hướng dẫn nên dễ dẫn đến việc hành xử thiếu sáng suốt, mất bình tĩnh, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc, không thể lấy lại.
Theo luật sư Hùng, đây cũng là những bất cập hiện nay, khiến cho rất nhiều vụ việc người dân bức xúc, mất tin tưởng pháp luật, lựa chọn giải pháp tự giải quyết bằng vũ lực. Hay nói cách khác mâu thuẫn, sự bức xúc đã ở đỉnh điểm rồi, tài sản giá trị quá lớn bị chiếm đoạt nên người dân quẫn trí, làm liều để xả bức tức, để quyết liệt đòi nợ.
Nên chăng sửa luật?
Đưa quan điểm về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, quy trình để giải quyết một vụ kiện đòi tài sản ở giai đoạn sơ thẩm tối đa là 6 tháng kể từ khi thụ lý vụ án. Nhưng để hồ sơ khởi kiện đòi tài sản được thụ lý còn phải mất nhiều thời gian trước đó.
Nghĩa là nếu theo luật, từ khi bắt đầu khởi kiện cho đến khi có Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm về việc giải quyết vụ án phải mất khoảng 7, 8 tháng. Đó là thời gian giải quyết một vụ kiện đòi tài sản theo luật. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian thường bị kéo dài hơn. Những vụ kiện thường phải 1 năm, hoặc thậm chí 2 năm, 3 năm mới giải quyết xong ở giai đoạn sơ thẩm. Điều này xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nhưng nói chung đây là tình trạng phổ biến và nhiều khi nằm ngoài mong muốn của người có thẩm quyền xét xử.
Thế rồi khi vụ án được xét xử sơ thẩm xong, một trong các bên đương sự kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm. Vậy là các đương sự lại tiếp tục hành trình theo kiện dài dằng dặc. Có những vụ án đến cả chục năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đó là chưa kể quy trình thi hành án cũng mất khá nhiều thời gian.
Luật sư Thanh phân tích:“Chính vì quá trình đòi nợ theo con đường tố tụng mất thời gian, công sức, và đôi khi là mất cả tiền bạc nhiều như vậy, nên đã khởi phát tâm lý chán nản, mệt mỏi đối với người đòi nợ. Vì thế cho nên không ít chủ nợ lựa chọn con đường khác ngoài việc khởi kiện để đòi nợ, ví dụ như thuê xã hội đen, đầu gấu đòi nợ thuê, hoặc tự mình sử dụng biện pháp vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để buộc con nợ phải trả nợ…
Việc đòi nợ theo các hình thức này tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đã có rất nhiều vụ án đau lòng xảy ra xuất phát từ nguyên nhân nợ nần không được giải quyết bằng con đường pháp luật. Chẳng hạn như con nợ bị các đối tượng đòi nợ thuê khủng bố tinh thần, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; hoặc chủ nợ gây thương tích, tước đoạt tính mạng con nợ mà vụ án xảy ra ở Thái Nguyên vừa qua là một ví dụ. Thế nhưng chính vì nếu đòi nợ bằng pháp luật sẽ gặp nhiều phiền toái nên nhiều chủ nợ vẫn chọn giải pháp đòi nợ không bằng pháp luật và đương nhiên là ít an toàn như trên”.
“Như vậy thì nếu muốn hạn chế được các nguy cơ tiềm ẩn phát sinh liên quan đến việc giải quyết nợ nần, Nhà nước cần nghiên cứu mô hình tố tụng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng hơn hiện nay. Khi người dân thấy rằng đòi nợ bằng pháp luật sẽ hiệu quả, an toàn hơn các biện pháp khác, chắc chắn họ sẽ lựa chọn giải pháp đó.
Về phía người dân, trong tình hình hiện nay khi pháp luật vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa để họ thực hiện quyền đòi nợ chính đáng của mình, thì người dân vẫn nên tạm thời chấp nhận điều đó để việc đòi nợ được thực hiện đúng pháp luật. Chủ nợ hãy hình dung những rủi ro mà bản thân sẽ gặp phải nếu không đòi nợ theo đúng trình tự, thủ tục luật định để từ chối con đường giải quyết trái luật, kẻo đến khi xảy ra chuyện thì không những không tiếp tục đòi được nợ, mà chính chủ nợ lại phải đối diện với những hậu quả pháp lý nặng nề” Luật sư Thanh nhấn mạnh.
Vị luật sư cũng cho rằng, bên cạnh đó hiện nay tại một số Tòa án trên cả nước đang thí điểm cơ chế hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Đối thoại. Không ít yêu cầu khởi kiện đòi nợ đã được giải quyết tại các Trung tâm này trong thời gian chỉ 1, 2 tháng. Không những vậy, chủ nợ còn không phải nộp các loại tiền mà trước đây nếu khởi kiện họ phải nộp như tạm ứng án phí, án phí, chi phí thẩm định, giám định, định giá… Vì thế, người dân khi có nhu cầu đòi nợ, nhất định phải nghĩ đến việc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án đầu tiên trước khi tính đến phương án khác.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai