Nữ Chủ tịch công ty bật khóc khi tự bào chữa

47

“Tôi không biết mình có lỗi gì trong việc này. Là doanh nghiệp, tôi có quyền đầu tư, được thuê, giao đất để kinh doanh…” – bà Lê Thị Thanh Thúy – Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm – trình bày.

Ngày 30/11, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài – cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Trong phiên làm việc hôm qua, đại diện Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) bác kháng cáo kêu oan của bà Lê Thị Thanh Thúy – Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm, vì cho rằng không có căn cứ; bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của ông Tài và các bị cáo khác.

Hồi tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Tài 8 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Với vai trò đồng phạm, bà Thúy lĩnh 5 năm tù; các bị cáo khác nhận từ 3 đến 5 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài tự bào chữa.

Bào chữa cho ông Tài, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng thân chủ của mình chỉ thừa kế, thực hiện những chủ trương đã có của lãnh đạo UBND TPHCM. Toàn bộ những chỉ đạo của ông Tài đều căn cứ vào sự phê chuẩn của Chủ tịch UBND TP thời điểm đó. Trong suốt quá trình này, ông Tài đều báo cáo cho Ban chỉ đạo 09 và được đồng thuận.

Luật sư cho rằng công văn giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư, được huy động vốn bằng liên doanh, liên kết do ông Tài ký thay Chủ tịch, chứ không phải là công văn của ông Tài. Luật sư cho rằng trong vụ án này, tài sản Nhà nước đã được thu hồi nên không có thiệt hại.

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Thành Tài khẳng định không có quan hệ tình cảm, không gặp gỡ bàn bạc với bà Thúy. Tất cả những việc làm của ông đều được báo cáo đầy đủ và không hưởng lợi từ vụ việc.

Tới lượt mình bào chữa, bị cáo Thúy đề nghị HĐXX xem xét công bằng, chấp nhận kháng cáo, tuyên bà không phạm tội và hủy quyết định thu hồi số tiền gần 190 tỷ đồng đã góp vốn thực hiện dự án tại 8-12 Lê Duẩn.

Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy.

Bản án sơ thẩm xác định, bà Thúy tác động bị cáo Nguyễn Thành Tài để cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM giao và cho thuê khu đất 5.000 m2 số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) sai pháp luật.

Sau khi cho bà Thúy góp vốn 30% (190 tỷ đồng) tham gia thực hiện dự án khách sạn 5 sao và trở thành Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Lavenue, ông Tài chỉ định áp dụng hai hình thức giao và cho thuê đất cho công ty này, hoàn thành chuyển dịch quyền sở hữu khu nhà đất từ Nhà nước sang tư nhân.

Tòa đã tuyên buộc thu hồi số tiền vốn góp này với lý do đây “là tiền thực hiện hành vi phạm tội”.

“Tôi là công dân sống tuân thủ pháp luật. Số tiền tôi góp vốn để đầu tư dự án khách sạn 5 sao là tiền hợp pháp của gia đình. Tòa sơ thẩm tuyên như vậy rất vô lý”, bị cáo Thúy trình bày.

Theo bà Thúy, quy trình góp vốn đầu tư vào dự án nếu có sai thì thuộc các cơ quan Nhà nước chứ không phải do mình. Bị cáo không tác động, tạo sức ép gì nên việc tòa sơ thẩm cáo buộc bà có vai trò đồng phạm với ông Tài là không đúng.

“Tôi không biết mình có lỗi gì trong việc này. Là doanh nghiệp, tôi có quyền đầu tư, được thuê, giao đất để kinh doanh. Suốt 10 năm qua, số vốn chúng tôi góp đã nộp cho Nhà nước sử dụng, trong khi dự án chưa thể thực hiện. Vậy ai mới là người hưởng lợi” – bà Thúy khóc khi trình bày.

Luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Thúy.

Bào chữa cho bà Thúy, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, cho rằng không có chứng cứ vật chất chứng minh thân chủ thành lập Công ty Hoa Tháng Năm với mục đích giành quyền đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn, là phương thức thực hiện hành vi phạm tội như nhận định của cấp sơ thẩm.

Theo luật sư, cấp sơ thẩm nhận định năng lực tài chính của nhà đầu tư căn cứ vào vốn điều lệ, vốn đã góp, so với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là không phù hợp với thực tế.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo còn lại trong vụ án, trình bày các tình tiết xin giảm nhẹ hình phạt.

Xuân Duy (dantri)

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

   Theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau:

   “1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

   2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

   a) Vì vụ lợi;

    b) Có tổ chức;

    c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

   d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

    3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Tội phạm này có các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản sau:

   Chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).

   Khách thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị). Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.

    Mặt chủ quan của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Có nghĩa là, người thực hiện hành vi vi phạm, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

   Mặt khách quan của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản.

Hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

– Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

– Dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Hậu quả của hành vi: gây thiệt hại về tài sản.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai