So với quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988, thì đối tượng có thể bị tạm giữ được quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 rộng hơn, bao gồm: Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; người phạm tội tự thú, đầu thú; người bị bắt theo quyết định truy nã.
Thẩm quyền ra lệnh tạm giữ quy định tại khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
Thủ tục tạm giữ bao gồm: Quyết định tạm giữ; các công việc mà người thi hành quyết định tạm giữ phải thực hiện trước hoặc sau khi tạm giữ người. Quyết định của người có thẩm quyền phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải được giao cho người bị tạm giữ một bản. Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích cho người bị tạm giữ các quyền và nghĩa vụ của họ. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ được quy định tại Điều 48 Bộ luật Tố tụng Hình sự gồm các quyền: Được biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ theo quy định của pháp luật. Quy định về tạm giữ được quy định tại Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7 năm 11 năm 1998, bao gồm: Quy định về việc quản lý nhà tạm giữ, người bị tạm giữ; Quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ.
Để bảo đảm cho công tác kiểm sát giam giữ, tránh vi phạm quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, tại khoản 3 Điều 86 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã quy định: Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Khi ra quyết định tạm giữ, nếu người bị tạm giữ có con chưa thành niên dưới 14 tuổi và thân nhân là người tàn tật, già yếu không có người chăm sóc, thì cơ quan ra lệnh tạm giữ phải giao những người đó cho người thân thích hoặc cho chính quyền địa phương chăm sóc. Trong trường hợp người bị tạm giữ có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom, thì cơ quan ra lệnh tạm giữ phải áp dụng những biện pháp bảo quản thích đáng. Cơ quan ra lệnh tạm giữ phải thông báo cho người bị tạm giữ những biện pháp đã được áp dụng để chăm sóc con nhỏ, người thân già yếu, tàn tật và bảo quản nhà cửa, tài sản của người bị tạm giữ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Việc Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định thời hạn tạm giữ là số ngày cụ thể (không quá ba ngày đêm), theo chúng tôi là chưa chính xác vì không phải mọi trường hợp người bị bắt đều có thể được giải ngay đến Cơ quan điều tra. Ví dụ: Bắt người ở trên máy bay, ở đồn biên phòng trên biên giới, ở ngoài hải đảo.v.v. Vậy thời hạn tạm giữ theo lệnh của người chỉ huy đơn vị bộ đội độc lập cấp Trung đoàn và tương đương, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng là bao nhiêu? Thời hạn tạm giữ trong các trường hợp này chưa được luật quy định. Nên chăng, trong những trường hợp này thời hạn tạm giữ phải được tính bằng một cách đặc biệt nào đó cho phù hợp. Trong những trường hợp này, việc đặt cố định cho thời hạn tạm giữ là không hợp lý vì các hoàn cảnh đặc biệt của việc bắt giữ.
Việc gia hạn tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo quy định trên, chỉ có thể gia hạn tạm giữ hai lần, thời hạn gia hạn không quá ba ngày. Tổng thời hạn có thể tạm giữ một người theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự không quá chín ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Không phải trường hợp nào cũng được gia hạn tạm giữ mà chỉ trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ một lần và trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ mới có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai. Luật không giải thích khái niệm thế nào là trường hợp cần thiết và trường hợp đặc biệt. Theo chúng tôi căn cứ để gia hạn tạm giữ có thể là: Sự cần thiết phải có thêm thời gian để xác minh căn cước, lai lịch của người bị tạm giữ; hành vi phạm tội nghiêm trọng, phức tạp; khi xét cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội trốn. Nếu không gia hạn tạm giữ, người đó sẽ trốn hoặc có hành động cản trở việc điều tra làm rõ sự việc.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ. Tức là việc tạm giữ không nhất thiết phải kéo dài cho đến ngày hết hạn tạm giữ mà có thể trả tự do cho người bị tạm giữ trước ngày hết hạn tạm giữ. Đây là một quy định mới so với quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 (khi hết thời hạn tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ). Việc thay đổi này xuất phát từ các lý do: Nhà nước đã chú ý hơn đến việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân; quy định chặt chẽ hơn việc tạm giữ người; hạn chế việc phải bồi thường thiệt hại cho người bị bắt oan.
Thời hạn tạm giữ đối với người phạm tội được áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 2 Điều 322 Bộ luật Tố tụng Hình sự là không được quá ba ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Những vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn là những vụ án do Viện kiểm sát quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo đề nghị của Cơ quan điều tra khi có đủ các điều kiện sau đây: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng và người phạm tội có lai lịch rõ ràng.
2. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì: Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ. Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 6 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết. Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.
Những người có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ bao gồm người đứng đầu của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp những người nêu trên vắng mặt thì cấp Phó được uỷ quyền có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Như vậy, so với tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự có một số điểm khác nhau sau đây:
Một là, đối tượng có thể bị tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Còn đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ theo thủ tục hành chính là những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính.
Hai là, mục đích áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự là: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm và để bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Mục đích áp dụng biện pháp tạm giữ (theo thủ tục tố tụng hình sự) nói riêng là để xác định căn cứ khởi tố bị can đối với người bị bắt hoặc giao người bị truy nã cho cơ quan đã ra lệnh truy nã. Còn mục đích tạm giữ người theo thủ tục hành chính là ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc để thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Ba là, những người sau đây có quyền ra lệnh tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp Trung đoàn và tương đương; Người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển. Ngoài Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, người chỉ huy tàu bay, tàu biển, thì còn rất nhiều người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Như vậy, thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự hạn chế hơn thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Bốn là, về thủ tục thì cả tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự và tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định tạm giữ của người có thẩm quyền. Nhưng sau khi ra quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự, thì người có thẩm quyền phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ. Viện kiểm sát có quyền xem xét và nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ, thì huỷ bỏ quyết định tạm giữ; khi đó người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Còn quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính không phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Người bị tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự bị tạm giữ ở nhà tạm giữ, hoặc buồng tạm giữ của trại tạm giam. Còn người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính không bị giữ ở nhà tạm giữ, hoặc buồng tạm giữ của trại tạm giam.
Năm là, thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là ba ngày và có thể gia hạn hai lần mỗi lần không quá ba ngày. Còn thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính là 12 giờ và có thể kéo dài đến 24 giờ; đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Việc gia hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Còn việc kéo dài thời tạm giữ theo thủ tục hành chính không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
Thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự được trừ vào thời hạn tạm giam, cứ một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Nếu sau đó người đã bị tạm giữ bị kết án và phạt tù có thời hạn, thì thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù (Điều 33 Bộ luật Hình sự). Còn thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính không được trừ vào thời hạn tạm giam và do vậy cũng không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt. Nhưng hiện nay, trong thực tiễn xét xử vẫn còn một số trường hợp Toà án trừ thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính vào thời hạn chấp hành hình phạt. Cho nên, khi tính toán và trừ thời hạn tạm giữ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù cần chú ý một số trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp công dân bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và giải ngay đến Uỷ ban nhân dân. Uỷ ban nhân dân tiến hành việc giữ người bị bắt, lập biên bản nhận người và giải người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Công việc này chiếm một thời hạn nhất định nhưng không được tính thời hạn này là thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự bởi vì việc tạm giữ ở đây là tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Thứ hai, trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú tại Uỷ ban nhân dân. Uỷ ban nhân dân cũng tiến hành việc giữ người bị bắt, lập biên bản nhận người và giải người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Và công việc này cũng chiếm một thời hạn nhất định nhưng không được tính thời hạn này vào thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự bởi vì việc tạm giữ ở đây là tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Thứ ba, theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm” là dấu hiệu thuộc mặt khách quan của một số tội phạm như: Tội buôn lậu (điểm a và c khoản 1 Điều 153); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (điểm a và c khoản 1 Điều 154); tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (khoản 1 Điều 155); tội sản xuất, buôn bán hàng giả (khoản 1 Điều 156); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (khoản 1 Điều 158); tội kinh doanh trái phép (khoản 1 Điều 159)… Cho nên, sẽ xảy ra một số trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm hành chính bị tạm giữ, sau đó Cơ quan ra lệnh tạm giữ người xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo quy định tại Điều 62 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Sau khi thụ lý vụ án cơ quan tiến hành tố tụng đã ra lệnh tạm giam thì thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính cũng không được trừ vào thời hạn tạm giam.
Trong các trường hợp nêu trên, nếu người đã bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bị kết án và bị phạt tù, thì không được trừ thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù./.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai