Luật sư tại tp hcm: Thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên

97

Luật sư tư vấn, văn phòng luật sư tại tp hcm, công ty luật Dragon

Các quốc gia trên thế giới đều thống nhất rằng mọi người đều phải được đối xử bình đẳng và chung sống với nhau trong hòa bình và tự do. Điều này là dựa trên niềm tin rằng tất cả mọi người đều có các “quyền” bình đẳng như nhau và ai cũng phải thừa nhận và tôn trọng quyền của người khác. Tất cả trẻ em cũng đều có các quyền như vậy và những quyền này đều được thừa nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Những quyền này nhằm để đảm bảo rằng trẻ em được hưởng những gì mà các em cần để lớn lên, phát triển và học tập trong hòa bình, sức khỏe và trở thành người có ích cho xã hội. Tất cả các quyền này đều rất quan trọng và cần phải được tôn trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một trong những quyền quan trọng mà các em dễ bị xâm phạm nhất đó là “quyền được bảo vệ khỏi những khó khăn trong suốt quá trình tư pháp”. Có nghĩa là các em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm phạm và ngược đãi từ thời điểm hành vi phạm pháp bị phát hiện cho đến suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử hành vi đó.

Sau nhiều năm thực hiện NQ 08/NQ-TW của Bộ chính trị, Đảng ta đã khẳng định đó là một chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác tư pháp. Chủ trương đó được triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo và đã tạo được bước tiến đáng ghi nhận trong phát huy dân chủ, bảo đảm công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Công tác tư pháp nói chung và cải cách tư pháp (CCTP) nói riêng đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức các cấp, các ngành, của nhân dân và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, và tầm quan trọng của công tác tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta khi ban hành NQ 08/NQ-TW đã dẫn tới sự chuyển biến đồng bộ và sự đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tư pháp. Những chủ trương, định hướng đúng đắn về CCTP đã tác động trực tiếp kết quả giải quyết từng vụ việc cụ thể. Đã tạo cơ sở cho việc CCTP đồng bộ và toàn diện ở những giai đoạn tiếp theo. Việc ban hành NQ 08/NQ-TW tập trung giải quyết những công việc bức xúc, trước mắt nhưng cũng đồng thời có nhiệm vụ tạo đà, đặt nền tảng cho chủ trương cải cách sâu rộng, đồng bộ trong tầm nhìn dài hạn. Qua thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thấy nhu cầu cần phải CCTP sâu rộng, phải làm lâu dài và làm một cách cơ bản.

Do vậy, ngày 02-06-2005, Bộ chính trị đã ban hành NQ 49/NQ-TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị là sự kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới NQ 08/NQ-TW, rút ra những bài học kinh nghiệm, trao đổi, góp ý kiến về những công việc cụ thể và những công việc chính trong năm năm tiếp theo. Nghị quyết 49/NQ-TW đã đề cập cải cách toàn diện nền tư pháp nước nhà và khẳng định mục tiêu CCTP là xây dựng nền tư pháp phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN, trong sạch, vững mạnh, công lý, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; trong đó hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 49/NQ-TW đưa ra định hướng về hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, xây dựng các cơ quan tư pháp, hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bỗ trợ tư pháp, hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp…

Kể từ khi NQ 08/NQ-TW được ban hành ngày 02-01-2002 có thể nói rằng mặc dù các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 về bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo nói chung (trong đó có bị can, bị cáo là người chưa thành niên) không có sự thay đổi so với trước đây, song trên thực tế, quyền bào chữa của bị can, bị cáo dần dần được tôn trọng hơn. Thực tiễn tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam những năm qua cho thấy, kể từ khi Nghị quyết của Bộ chính trị số 08 và Nghị quyết của Bộ chính trị số 49 được ban hành, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo trong TTHS, cụ thể quyền bào chữa được mở rộng hơn và được coi trọng rất nhiều so với trước đây và ngày một đảm bảo hơn. Tuy nhiên, công tác tư pháp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, vấn đề bảo đảm quyền con người nhất là quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên (NCTN) nói riêng còn hạn chế, sai sót. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, truy tố và xét xử. Nhất là đối với bị can, bị cáo là NCTN. Pháp luật TTHS đã quy định thủ tục giải quyết những vụ án do NCTN thực hiện tương đối đầy đủ, cụ thể, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của họ. Tuy nhiên trong thực tiễn vận dụng do chưa được quan tâm nên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, còn bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế, dẫn đến việc giải quyết những vụ án này không đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, không ít cơ quan và người tiến hành tố tụng đã không tuân thủ theo những quy định của pháp luật, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN bị xâm hại, chưa đáp ứng đòi hỏi của tiến trình đổi mới tư pháp ở Việt Nam.

Với quan điểm nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, Nhà nước Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và đã thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, trong đó đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, nhất là những trường hợp NCTN phạm tội. Điều này càng thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với trẻ em. Bên cạnh những tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự với người phạm tội chưa thành niên, theo xu hướng chung hiện nay thì nội dung của chính sách hình sự liên quan đến hai lĩnh vực: lĩnh vực luật nội dung (luật hình sự) và lĩnh vực luật hình thức (luật tố tụng hình sự). Tuy nhiên, để có thể kết luận NCTN là người phạm tội thì cần phải có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Tòa án. Bản án là kết quả của một quá trình TTHS của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử NCTN. Tất cả những hoạt động này ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN khi họ tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự và đến tính khách quan, tính pháp lý của bản án. Bởi lẽ đó, chính sách hình sự còn có nội dung thứ hai là những nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo là NCTN. Vấn đề này được quy định ở Chương XXXII BLTTHS năm 2003 quy định về thủ tục TTHS đối với NCTN.

Xuất phát từ cở sở lý luận của chính sách hình sự được ghi nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1) “Do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 ghi nhận tại Điều 71 “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”

Việc tiến hành các hoạt động TTHS bao giờ cũng tiềm ẩn trong nó ít nhất hai loại nguy cơ. Nguy cơ thứ nhất là sự xung đột lợi ích giữa một bên là lợi ích của số đông mà đại diện là các cơ quan tiến hành tố tụng, và bên kia là lợi ích của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, những người bị tình nghi là đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong mối quan hệ này, đứng bên cạnh các cơ quan tiến hành tố tụng với đầy đủ những công cụ và phương tiện được pháp luật trao cho, cộng với sự ủng hộ của công chúng, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bao giờ cũng ở vào thế bất lợi hơn. Nguy cơ thứ hai là nguy cơ lạm dụng quyền lực của những cơ quan và cá nhân được pháp luật giao cho rất nhiều quyền hành và công cụ. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ những quyền con người cơ bản của các đối tượng yếu thế là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng, trao cho họ những quyền năng tố tụng để họ có thể tự bỏ vệ mình thông qua việc đòi hỏi một sự phán xét công minh từ phía Nhà nước là một vấn đề hết sức được chú trọng trong cả các văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người cũng như trong pháp luật TTHS của đa số các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, khi tiến hành điều tra đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là NCTN, điều tra viên phải nắm vững những quy định của pháp luật về những bảo đảm cơ bản trong tố tụng này.

1- Thực tiễn áp dụng các quy định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố

Pháp luật hình sự có những quy định riêng mang tính nhân đạo dành cho NCTN ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Theo luật, có hai yêu cầu cơ bản khi điều tra NCTN phạm tội là bắt buộc phải có người giám hộ và có luật sư tham gia ngay từ đầu. Trong quá trình điều tra, nhiều Điều tra viên cũng đã chú ý đến các thủ tục đặc biệt này. So với trước đây, trình độ hiểu biết của Điều tra viên về NCTN đã được nâng lên rõ rệt. Điều tra viên đã quan tâm hơn tới quy cách làm việc, đối xử với NCTN trong quá trình điều tra như đã phân biệt được cách thức hỏi cung NCTN với người thành niên, đã hiểu hơn và tôn trọng hơn các quyền của đối tượng này. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong việc xử lý những vụ án do NCTN thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS năm 2003 và BLHS hiện hành. Những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tới NCTN nói chung và NCTN phạm tội nói riêng nên nhìn chung chất lượng giải quyết các vụ án bị can, bị cáo là NCTN cũng được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, trên thực tế việc điều tra loại án này vẫn còn nhiều vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NCTN. Các cơ quan điều tra chấp hành các quy định của pháp luật còn mang nặng tính hình thức và chưa vận dụng triệt để nguyên tắc chung hướng dẫn cho các hành động có liên hệ tới trẻ em vi phạm pháp luật “Mọi trẻ em bị cáo buộc, buộc tội, hoặc bị coi là vi phạm luật hình sự đều có quyền được đối xử phù hợp với sự phát triển ý thức về nhân phẩm và phẩm chất của trẻ. Sự phát triển ý thức đó giúp tăng thêm ý thức tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản của người khác, và giúp xem xét khía cạnh lứa tuổi của trẻ và mong muốn của chúng về sự tái hòa nhập cộng đồng”(2). Nguyên tắc chung này làm kim chỉ nam cho việc tiến hành điều tra các vụ việc liên quan tới trẻ em và NCTN vi phạm luật pháp. Quyền lợi cơ bản nhất của trẻ nên là một yếu tố trong các quyết định của cảnh sát liên quan tới một cuộc điều tra.

1.1  . Một số vướng mắc, hạn chế trong hoạt động điều tra, truy tố

– Điều tra viên khi tiến hành tố tụng đối với NCTN phạm tội chưa có đầy đủ những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm NCTN;

Muốn cho hoạt động tố tụng có hiệu quả đối với những vụ án mà bị can, bị cáo là NCTN thì điều kiện cần trước tiên là những người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên) phải nắm vững được những đặc điểm tâm lý, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của NCTN. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên trách giải quyết những vụ án mà bị can, bị cáo là NCTN. Tại Điều 3 Công ước về quyền trẻ em có khẳng định mọi hành động liên quan tới trẻ em, và có bao gồm việc điều tra của cảnh sát tới trẻ em, các quyền lợi chính đáng của trẻ phải được xem xét đầu tiên. Là một bên ký kết công ước này, Việt Nam đồng ý cam kết thực hiện các luật và quy định đặc biệt áp dụng cho trẻ em vi phạm pháp luật(3). Những quy định này nhằm phản ánh các trường hợp và nhu cầu đặc biệt của trẻ, cũng như tình trạng thể chất, trình độ nhận thức, và phát triển lý trí, xã hội của chúng. Quy tắc tối thiểu quy chuẩn về Quản lý tư pháp NCTN (Điều 2.3) khẳng định nhu cầu cần lập ra các quy định và điều luật nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người vi phạm NCTN trong khi vẫn  đảm bảo các quyền cơ bản của chúng. Những điều luật này cũng có thể được lập ra nhằm hướng dẫn công tác điều tra các vụ việc liên quan tới trẻ em và NCTN. Bên cạnh đó, công ước về quyền trẻ em tại Điều 32-36 cũng đặt ra một số yêu cầu đối với Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột gây tổn hại tới các quyền lợi của chúng, các hình thức lạm dụng hoặc ngược đãi. Cuối cùng, các nguyên tắc về nhân quyền liên quan tới không phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo hoặc tín ngưỡng cũng đều liên quan tới quá trình điều tra. Điều quan trọng nhất là Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký phê chuẩn năm 1990 đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có luật pháp, thủ tục, các cơ quan và cơ sở đặc biệt để giải quyết vấn đề NCTN vi phạm pháp luật. Những quy định pháp luật và thủ tục đặc biệt này phải đảm bảo rằng mọi NCTN được đối xử phù hợp với phẩm giá của họ, củng cố thái độ tôn trọng của các em đối với quyền con người và quyền tự do căn bản của người khác, cân nhắc đến độ tuổi và nguyện vọng của NCTN cũng như mong muốn được sớm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Những công ước, hướng dẫn, nghị quyết bổ sung của Liên hợp quốc như Quy tắc tối thiểu chuẩn về quản lý tư pháp NCTN (Quy tắc Bắc Kinh)(4) và nhiều quy tắc khác, đòi hỏi các quốc gia thành viên và các cơ quan thực thi pháp luật phải tuân thủ những hướng dẫn cụ thể khi tiếp xúc với trẻ em và NCTN, trong đó có cung cấp sự bảo vệ đặc biệt để đảm bảo lợi ích tối đa nhất của các em. Những công ước, hướng dẫn và nghị quyết của Liên hợp quốc được áp dụng cho tất cả trẻ em và NCTN là nhân chứng, nạn nhân của vi phạm cũng như những em vi phạm pháp luật. Do đó, tiêu chuẩn và thủ tục điều tra là giống nhau cho đối tượng là nạn nhân, nhân chứng và trẻ em vi phạm pháp luật.

Do đó, Cảnh sát có hai nghĩa vụ: (1) nghĩa vụ điều tra hiệu quả và thành công tất cả các vụ án bóc lột và ngược đãi trẻ em, (2) nghĩa vụ tiến hành tất cả các cuộc điều tra thân thiện và nhạy cảm với trẻ em. Điều tra không nên tạo thêm gánh nặng đối với trẻ em.

Mặc dù là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn công ước về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990, nhưng cho đến hiện nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được đội ngũ những người có chuyên môn, các cơ quan, cơ sở đặc biệt để giải quyết những vụ án về NCTN. Bên cạnh đó, mặc dù đã được luật hóa một số công ước, điều ước vào hệ thống pháp luật của mình, nhưng cũng vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ hay thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ như đã cam kết trong các cam kết quốc tế. Với những nguyên nhân chủ yếu như số lượng án hình sự nói chung, án do NCTN thực hiện nói riêng mỗi năm tăng dẫn đến tình trạng thiếu người hoặc một người phải kiêm giải quyết nhiều loại việc. Do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng giải quyết những vụ án loại này còn quá chung chung cho nên trên thực tế cơ quan điều tra hầu như không phân biệt vụ án có NCTN hay không trong việc phân công Điều tra viên điều tra vụ án.

– Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết loại án do NCTN thực hiện còn hạn chế, vẫn theo thủ tục chung mà chưa chú ý đúng mức đến những thủ tục đặc biệt giành cho họ.

Do không được trang bị kiến thức đầy đủ về tâm lý, giáo dục NCTN và phải xử lý nhiều loại án khác nhau cho nên những người được phân công giải quyết loại án này thường không phân định được là đối với loại án NCTN cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có sự phối hợp tích cực. Bên cạnh đó, do BLTTHS chưa phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan điều tra hay giữa cơ quan điều tra với Viện kiểm sát nên dẫn đến nhiều trường hợp các cơ quan này cùng kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố trong cùng một vụ việc hoặc dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không cơ quan nào khởi tố dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Nhiều điều tra viên chưa chú ý đến việc điều tra về nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, điều kiện nhân thân, giáo dục của nhà trường… Vấn đề này có tính phổ biến vì cơ quan điều tra mới chỉ quan tâm đến mặt chứng cứ, xác định có việc phạm tội hay không, việc bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về điều kiện sinh sống, giáo dục của NCTN chưa được quan tâm, chú trọng. Do chưa chú trọng đến đặc điểm tâm sinh lý của NCTN nên trong quá trình hỏi cung bị can, nhiều điều tra viên vẫn còn quát mắng, đe dọa, thậm chí đánh đập gây cho các em tâm lý sợ hãi, căng thẳng. Việc giáo dục, cảm hóa NCTN phạm tội phải được thực hiện ngay trong quá trình khởi tố, điều tra. Tuy nhiên, không phải người tiến hành tố tụng nào cũng nhận thức rõ điều đó. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do họ phải giải quyết một lượng án lớn trong một thời gian nhất định nên họ chưa có sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng trong việc giáo dục, giúp đỡ tới bị can là NCTN. Mặt khác, do chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hỏi cung, thẩm vấn bị can là NCTN nên nhiều điều tra viên không có sự phân biệt giữa kỹ năng hỏi cung bị can thành niên và bị can chưa thành niên khác nhau như thế nào.

Một trong những mặt hạn chế khác không kém phần quan trọng là cơ sở vật chất để tiến hành hoạt động điều tra, cụ thể là phòng hỏi cung. Hiện nay, bị can là NCTN vẫn bị hỏi cung tại những nơi lấy cung của người thành niên. Do tuổi còn nhỏ và đặc tính dễ bị tổn thương, tâm lý sợ công an nên trẻ em rất nhạy cảm với việc ép buộc hơn người thành niên, do đó dễ dẫn đến việc cho lời khai không đúng, gây bất lợi cho mình. Khi điều tra viên vẫn sử dụng các chiến thuật hỏi cung như hỏi cung với bị can là người thành niên, lại không có đại diện gia đình của bị can chưa thành niên, sẽ gây nên sự sợ hãi, căng thẳng cho các em. Điều đó không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các em mà còn dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

–  Vi phạm chủ yếu trong giai đoạn truy tố: Viện kiểm sát với chức năng, nhiệm vụ vừa là cơ quan trực tiếp tiến hành tố tụng vừa là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng, nên Viện kiểm sát có vai trò rất lớn trong việc giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, nhất là đối với bị can là NCTN. Hiện nay, với chức năng của mình, Viện kiểm sát cũng chưa thực sự quan tâm đến nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của NCTN trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Có những trường hợp nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có địa chỉ nới cư trú rõ ràng, có sự bảo lãnh của gia đình, cha mẹ,người thân…nhưng vẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam và không xem xét cho NCTN phạm tội tại ngoại điều tra. Chính điều này đã vi phạm đến quyền của NCTN, vi phạm vào các nguyên tắc chủ đạo quốc tế “Sự bắt bớ, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em chỉ được dung đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”(5).

1.2 .Một số vướng mắc, hạn chế trong hoạt động xét xử

Cũng giống như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi xét xử sơ thẩm những vụ án mà bị cáo là NCTN thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung của BLTTHS năm 2003 còn phải đảm bảo cho các quy định đối với NCTN được thực hiện một cách đầy đủ. Mặc dù BLTTHS năm 2003 quy định về các thủ tục đặc biệt như sự tham gia của người bào chữa, của gia đình và các tổ chức xã hội, về thành phần Hội đồng xét xử, hình thức xét xử… rất cụ thể, tuy nhiên trong thực tiễn việc thực hiện những quy định này còn thể hiện nhiều sự bất cập.

– Vẫn còn nhiều thẩm phán thiếu những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với bị cáo là NCTN khi xét xử. Phần lớn thẩm phán khi tiến hành xét xử những vụ án mà bị cáo là NCTN không khác gì với xét xử người đã thành niên. Như về thái độ, vẫn la hét, thậm chí dung những lời lẻ không tâm lý đối với bị cáo là NCTN, khiến cho họ cảm thấy sợ sệt và không khai báo. Và hậu quả họ sẽ bị quy vào việc khai báo quanh co, chối tội…Có tình trạng lung túng này là do một phần lớn thẩm phán được phân công xét xử những vụ án mà bị cáo là NCTN không có những hiểu biết về tâm lý, khoa học giáo dục cũng như hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm của NCTN. Hội thẩm nhân dân cũng không có những hiểu biết về tâm lý, khoa học giáo dục đối với bị cáo là NCTN nên còn hỏi miên man, thừa thải, lập lại những gì chủ tọa phiên tòa đã hỏi hoặc hỏi không nhằm mục đích giáo dục mà thiên về hướng hạch tội, mạt sát bị cáo là NCTN. Chưa thể hiện thái độ thân thiện hòa nhã với bị cáo là NCTN.

– Ngoài ra, không khí trang nghiêm tại phòng xử án, thái độ lạnh lùng quát tháo của thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng khai báo hiệu quả và tham gia đầy đủ vào quá trình tố tụng của bị cáo là NCTN. Việc xét xử bị cáo là NCTN còn nhiều Tòa án đưa ra xét xử lưu động đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo là NCTN. Những nghiên cứu gần đây cho thấy về hình thức phiên tòa hiện chưa có bất kỳ phòng xử nào riêng biệt để tiến hành tố tụng liên quan tới NCTN. Hầu hết các phiên tòa xét xử công khai, có quần chúng nhân dân ngồi xem đã làm tăng cảm giác tâm lý sợ hãi, căng thẳng và bị kỳ thị trong các em. Việc NCTN bị đưa ra xét xử trong môi trường giống bị cáo đã thành niên hoặc trong cùng vụ án với bị cáo đã thành niên làm cho NCTN bị ảnh hưởng tiêu cực từ phía bị cáo đã thành niên. Có thể họ sẽ liều lĩnh và nguy hiểm hơn sau khi bị đưa ra xét xử.

2- Những đề xuất, kiến nghị

Cần xây dựng được hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN. Hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN là một hệ thống được thiết kế phù hợp với những đặc điểm tâm sinh lý của NCTN, chú trọng và đáp ứng được những nhu cầu đặc thù của lứa tuổi. Xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với NCTN không phải là chúng ta phủ định hệ thống hiện có của chúng ta, mà là kế thừa chủ trương bảo vệ, chăm sóc đặc biệt đối với NCTN phạm tội và trẻ em là nạn nhân của tội phạm trong hệ thống pháp luật hiện hành và tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp những quy định này sao cho bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em, đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể là:

– Cách sắp xếp, trang trí phòng điều tra đối với trẻ em, NCTN phạm tội theo hướng thân thiện hơn; Khi tiếp xúc với trẻ em, NCTN phạm tội điều tra viên nên mặc thường phục;

– Phòng xử án được trang trí đảm bảo tính thân thiện để tránh cho  NCTN bị ám ảnh quá nhiều bởi hành vi trái pháp luật của mình, bố trí các đồ đạc để các bên ngồi ngang bằng nhau xung quanh một cái bàn, bỏ “vành móng ngựa”; tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; cấm không sử dụng còng tay hoặc phương tiện hạn chế khác ở phòng xử án; cho phép NCTN ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình; yêu cầu các bên ngồi chứ không đứng khi tiến hành thẩm vấn; yêu cầu thẩm phán giải thích quy trình tố tụng cho NCTN ngay khi bắt đầu xét xử và giải thích đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo bằng ngôn ngữ đơn giản; bảo đảm rằng, tại mọi thời điểm, NCTN được hỏi, giải thích, đối đáp bằng ngôn ngữ mà người đó hiểu; bảo đảm việc giải thích thường xuyên cho NCTN trong suốt quá trình xét xử; không cho phép công chúng tham dự khi xét xử, không xử lưu động các vụ án có liên quan đến NCTN phạm tội, hoặc người bị hại… Những quy định này sẽ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về thủ tục tố tụng đối với NCTN được thể hiện trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các văn bản có liên quan mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện.

– Cần xây dựng Tòa án chuyên biệt đối với NCTN theo hướng có thẩm quyền giải quyết tất cả những vụ việc liên quan đến NCTN (NCTN vi phạm pháp luật; những vấn đề gia đình ảnh hưởng đến NCTN) sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan tư pháp, trong đó có hệ thống Tòa án cũng như đội ngũ cán bộ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, vì những quy định về thủ tục tiến hành tố tụng đối với NCTN mang tính đặc thù, nhất là trong lĩnh vực TTHS.

Trên đây là một số giải pháp, kiến nghị mà chúng tôi đưa ra nhằm từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật, thay đổi nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng khi giải quyết những vụ án do NCTN thực hiện. Tất cả những điều đó không nằm ngoài mục đích nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của NCTN, giúp họ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

________________

(1) Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 20-2-1990.

(2) Convention on the Rights of the Child. CRC, 40 (1).

(3) Convention on the Rights of the Child. CRC, 40 (3).

(4) Quy tắc Bắc Kinh là các quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên. Là một văn kiện được chia làm sáu phần bao gồm toàn bộ thủ tục tố tụng tư pháp trẻ em, trong đó có: những nguyên tắc chung; điều tra và truy tố, xét xử và quyết định; xử lý không giam giữ; xử lý có giam giữ; nghiên cứu và lập kế hoạch; đề ra chính sách đánh giá.

(5) Có một số nguyên tắc cơ bản áp dụng cho mỗi giai đoạn của hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Được gọi là các nguyên tắc chủ đạo, các nguyên tắc này được rút ra từ những văn kiện quốc tế phù hợp. Mọi cá nhân cần phải ghi nhớ các nguyên tắc này hằng ngày bất kỳ khi đưa ra một quyết định liên quan đến tư pháp người chưa thành niên.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Luật sư tp hcm, luật sư tại tp hcm, luật sư sài gòn, luật sư tại sài gòn, luat su tp hcm, luat su tai tp hcm, luat su sai gon, luat su tai sai gon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai