Luật sư Sài Gòn: Tăng cước 3G đột biến là phạm luật

46

Hôm nay, 16-10, ba nhà mạng di động Vinaphone, Mobifone và Viettel đồng loạt tăng cước 3G và được sự đồng ý của Bộ Thông tin Truyền thông. Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn cho rằng, việc tăng cước 3G đột biến như thế là trái với pháp luật hiện hành.

TBKTSG Online: Vì sao ông cho rằng việc tăng cước 3G của các nhà mạng là trái với các quy định của pháp luật?

Luật sư Lê Thành Kính: Như ta biết, Vinaphone, Mobifone và Viettel là ba nhà mạng di động đang nắm giữ 97% thị trường. Theo Điều 11, Luật Cạnh tranh, đây là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (có tổng thị phần từ 65% trở lên). Mobifone và Viettel, mỗi doanh nghiệp đều có thị phần trên 30% nên được xem là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường .

Việc Bộ Thông tin Truyền thông cho phép các gói cước 3G của 3 nhà mạng di động có thị phần khống chế như trên tăng đột biến như thế (tăng trung bình khoảng 20% và có gói cước tăng đến 40%) đã vi phạm Luật Cạnh tranh (2005).

Cụ thể, Luật Cạnh tranh quy định – trong trường hợp này – như thế nào, thưa ông?

– Theo Điều 13.2, Luật Cạnh tranh, các hành vi sau đây của nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm: “Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng;… Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới”.

Nghị định 116/2005/NĐCP, ngày 15/09/2005 quy định chi tiết về hướng dẫn chi tiết luật kinh doanh cũng quy định rõ thêm về việc áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng (điều 27.2): “Hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ được coi là bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng nếu cầu về hàng hoá, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp và thỏa mãn hai điều kiện sau đây: (a) Giá bán lẻ trung bình tại cùng thị trường liên quan trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp được đặt ra tăng một lần vượt quá 5%; hoặc tăng nhiều lần với tổng mức tăng vượt quá 5% so với giá đã bán trước khoảng thời gian tối thiểu đó; (b) Không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hóa, dịch vụ cho thuê máy chủ  đó vượt quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi bắt đầu tăng giá”.

Như vậy trong cùng một thời điểm 3 doanh nghiệp nêu trên đồng loạt tăng giá cước 3G lên đến 40%, trong khi nhu cầu dịch vụ không tăng đột biến, không vượt mức cung và tăng quá cao so với 5% theo quy định của Nghị định 116 là đã vi phạm Luật Cạnh tranh và gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhưng theo Điều 55 Luật Viễn thông thì căn cứ xác định giá cước được dựa trên cơ sở giá thành, quan hệ cung – cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới?

– Tôi khẳng định việc tăng cước 3G của các nhà mạng di động là đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Xin cảm ơn ông!

Theo TBKTSG Online

Luật sư bào chữa Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai