Nguyễn Thị Giang
- Điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ
Khi xem xét, quyết định cho người phạm tội được hưởng án treo hay không thì ngoài các điều kiện về mức phạt tù, điều kiện về nhân thân người phạm tội, còn một điều kiện nữa mà tòa án phải xem xét – đó là tòa án phải đánh giá, xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi họ thực hiện tội phạm. Vậy, các tình tiết giảm nhẹ là gì?
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những dấu hiệu khách quan và chủ quan của hành vi phạm tội, không nằm trong cấu thành tội phạm và khi xuất hiện chúng làm giảm tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện và của người phạm tội.
Xuất phát từ bản chất của chế định án treo – không bắt người bị kết án cách ly ra khỏi xã hội mà để họ tự giáo dục, cải tạo nhưng để đánh giá khả năng tự giáo dục, cải tạo trong thời gian thử thách của người bị kết án thì ngoài việc đánh giá các tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đánh giá nhân thân người phạm tội thì việc đánh giá các tình tiết giảm nhẹ cũng là một điều kiện bắt buộc.
Nói cách khác để được hưởng án treo cần phải có những tình tiết giảm nhẹ trong việc thực hiện tội phạm. Theo tinh thần của Điều 60 Bộ luật Hình sự thì ít nhất phải có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên bởi những tình tiết giảm nhẹ là những dấu hiệu khách quan và chủ quan của hành vi phạm tội, nó sẽ làm giảm đi rất nhiều tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cũng như của người phạm tội, nó sẽ ít nhiều nói lên bản chất của người phạm tội, của hành vi phạm tội và từ đó mức hình phạt sẽ được giảm xuống.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tập trung các tình tiết giảm nhẹ tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 và áp dụng chung. Do đó, việc đánh giá các tình tiết giảm nhẹ khi xem xét cho hưởng án treo đòi hỏi Tòa án phải đánh giá trong mối quan hệ với các điều kiện khác và với sự diễn biến của một hành vi phạm tội trong thực tế khi xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
Điều 47 BLHS năm 1999 quy định: Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Như vậy, bên cạnh các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự nêu trên thì nhà làm luật còn dành cho tòa án quyền tự quyết định những tình tiết khác trong đời sống thực tế là tình tiết giảm nhẹ theo từng trường hợp cụ thể và phù hợp với pháp luật.
Trước hết là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm:
- a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
- b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
- c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
- d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
- e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
- g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
- i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
- k) Phạm tội do lạc hậu;
- l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
- m) Người phạm tội là người già;
- n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- o) Người phạm tội tự thú;
- p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
- r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội[1];
- s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác[2].
Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ trong luật hình sự thể hiện sự đánh giá, nhìn nhận đúng đắn và khoa học của nhà làm luật về hành vi phạm tội và bản chất của tội phạm, từ đó sẽ nhìn nhận được khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội.
Nếu như một người khi thực hiện tội phạm nhưng ngay sau đó đã nhận ra lỗi lầm mà ngăn chặn lại hoặc làm giảm bớt hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà ngay trước đấy người đó mong muốn đạt được, loại phạm tội do bị đe dọa cưỡng bức thì cũng thể hiện rằng về mặt bản chất, tâm lý người đó thực sự không muốn thực hiện tội phạm song vì bị người khác đe dọa cưỡng bức mà phải phạm tội. Như vậy, các tình tiết giảm nhẹ này nếu xuất hiện trong các hành vi phạm tội cụ thể, nó sẽ nói lên bản chất của người phạm tội là không nguy hiểm lắm và cũng sẽ làm giảm đi tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, giúp cho tòa án đánh giá được bản chất của người phạm tội. Và một lẽ được nhiên rằng người phạm tội mà có các tình tiết giảm nhẹ này thì việc áp dụng cho họ một sự khoan hồng của nhà nước sẽ là điều kiện cần thiết giúp họ quay trở lại làm người lương thiện, vì các tình tiết giảm nhẹ đặt trong mối quan hệ với các dấu hiệu tích cực sẽ nói lên được khả năng cải tạo, giáo dục. Một trong những sự khoan hồng mà nhà nước cho người phạm tội được hưởng là án treo. Việc áp dụng án treo cho những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ thu được kết quả cải tạo tốt hơn so với áp dụng các hình phạt tù có thời hạn.
Bên cạnh các tình tiết giảm nhẹ được quy định trong khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự 1999 thì cũng tại khoản 2 của Điều luật quy định: “Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.”
Quy định này thể hiện một sự nhìn nhận sâu sắc và biện chứng về hành vi phạm tội và con người phạm tội của luật hình sự nước ta. Xuất phát từ thực tế cuộc sống luôn luôn vận động, phát triển đa dạng mà luật pháp chỉ điều chỉnh những quan hệ khái quát nhất và cơ bản nhất. Vì vậy, để đánh giá đúng hành vi phạm tội, con người phạm tội thì nhà làm luật cũng dành cho tòa án quyền coi các tình tiết khác là các tình tiết giảm nhẹ. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta và cũng là để theo hợp với sự biến chuyển của quan hệ xã hội.
Việc đánh giá các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự 1999 cũng như việc tòa án có quyền coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ song không có nghĩa là tòa án tùy tiện đưa ra bất kỳ tình tiết nào và coi đấy là tình tiết giảm nhẹ mà phải xem xét, đánh giá cùng với các căn cứ khác, đối chiếu với các tình tiết của vụ án, và với mỗi loại tội phạm nhất định (ví dụ không thể coi “trình độ nghiệp vụ non kém” là tình tiết giảm nhẹ của tội hiếp dâm) và để thuận lợi cho các tòa án khi coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ thì tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định gồm các tình tiết sau:
– Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
– Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
– Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
– Người bị hại cũng có lỗi;
– Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
– Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
– Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
– Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ này đã tạo thuận lợi cho các tòa án khi vận dụng khoản khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999. Nó tạo ra một sự định hướng cho các tòa án khi đánh giá các tình tiết giảm nhẹ để rồi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc hướng dẫn trong nghị quyết này là tạo thuận lợi cho tòa án vận dụng quy định của Bộ luật Hình sự song không vì thế mà tòa án chỉ áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đã được hướng dẫn mà tòa án vẫn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, bởi vì sự hướng dẫn ở đây mới chỉ là khái quát được phần lớn, và mang tính định hướng, còn thực tế hiện tượng tội phạm diễn biến, quan hệ xã hội luôn luôn vận động và phát triển không ngừng. Vì vậy, sẽ xuất hiện các tình tiết giảm nhẹ mà luật chưa khái quát hết được. Ví dụ, A vô ý làm chết C trong khi C lại là con duy nhất của D, sau khi sự việc xảy ra A đã vô cùng hối lỗi, tích cực bồi thường đồng thời tự nguyện nhận làm con nuôi D, đi lại chăm sóc đầy đủ, lúc ốm đau cũng như khỏe mạnh, mong chuộc lại lỗi lầm của mình và làm dịu bớt nỗi đau của D. Vì vậy, việc làm con nuôi D một cách tự nguyện và đi lại chăm sóc đầy đủ cũng có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ được chứ.
Nói tóm lại, tồn tại trong luật hình sự Việt Nam có ba loại tình tiết giảm nhẹ là các tình tiết giảm nhẹ quy định trong khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999, các tình tiết giảm nhẹ được quy định trong các văn bản dưới luật như nghị quyết của tòa án nhân dân tối cao, thông tư liên ngành và các tình tiết khác do tòa án khi xét xử căn cứ vào từng vụ án cụ thể mà quyết định đó là tình tiết giảm nhẹ. Song có giá trị pháp lý cao nhất và khái quát nhất phải là các tình tiết giảm nhẹ được quy định trong khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 vì đây là các tình tiết giảm nhẹ thưc sự làm giảm đi tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Vì lẽ đó, khi xem xét cho hưởng án treo tòa án cần phải xem xét các tình tiết giảm nhẹ này và chỉ khi không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự,trong mối liên hệ và đáp ứng các điều kiện khác nữa vấn đề án treo mới được đặt ra. Còn riêng các tình tiết giảm nhẹ mà tòa án khi xét xử coi là tình tiết giảm nhẹ thì tòa án cần phải xem xét kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện với các căn cứ, tình tiết khác nữa của vụ án để đi đến một quyết định chính xác, phù hợp với tinh thần của pháp luật chứ không phải tùy tiện đặt ra các tình tiết giảm nhẹ không cần biết là có hợp lý hay không. Vi phạm điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, tạo tâm lý coi thường pháp luật và sẽ không có tác dụng giáo dục người phạm tội vì không đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
- Điều kiện về yêu cầu phòng ngừa tội phạm – xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù
Ngoài các điều kiện về mức phạt tù là không quá 3 năm, có nhân thân tốt và có các tình tiết giảm nhẹ thì khi xem xét việc cho hưởng án treo hay không, tòa án còn cần phải căn cứ vào một điều kiện thứ tư nữa đó là yêu cầu phòng ngừa tội phạm.
Như vậy, yêu cầu phòng ngừa tội phạm là một điều kiện đặt ra khi xem xét việc cho hưởng án treo và có một ý nghĩa quan trọng. Trong nhiều trường hợp, một người phạm tội đã thỏa mãn các điều diện về mức phạt tù, về nhân thân và có các tình tiết giảm nhẹ, song không thỏa mãn được yêu cầu thứ tư này thì việc cho hưởng án treo cũng không được đặt ra. Vậy nên có thể hiểu điều kiện về yêu cầu phòng ngừa tội phạm là điều kiện mang tính quy kết của cả ba điều kiện trên. Nếu như ba điều kiện trên thuộc về bản thân người phạm tội, thì điều kiện thứ tư này lại mang tính khách quan – đó là yêu cầu của xã hội trong đấu tranh với các loại tội phạm.
Do đó, để được hưởng án treo thì đương nhiên là cần phải thỏa mãn cả bốn điều kiện này và tòa án khi xem xét, đánh giá phải dựa trên sự đáp ứng đủ bốn điều kiện này thì mới quyết định cho hưởng án treo. Vậy, để được hưởng án treo, điều kiện về yêu cầu phòng ngừa tội phạm được đặt ra như thế nào đối với người phạm tội. Biểu hiện cụ thể của yêu cầu phòng ngừa tội phạm đối với người phạm tội được hiểu trên hai khía cạnh cụ thể là:
– Việc cho người phạm tội được hưởng án treo song vẫn đảm bảo khả năng họ sẽ không tiếp tục phạm tội nữa; và
– Việc cho người phạm tội được hưởng án treo không làm ảnh hưởng xấu tới công tác đấu tranh chống tội phạm ở địa phương, đồng thời được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tạo cho người dân thấy được sự nghiêm minh của pháp luật.
Ở khía cạnh thứ nhất, việc cho hưởng án treo song vẫn đảm bảo khả năng người được hưởng án treo không tiếp tục phạm tội nữa, đòi hỏi tòa án phải quyết định được một hình phạt đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trên cơ sở kết hợp với sự đánh giá về nhân thân, về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định được một hình phạt đúng. Một hình phạt đúng sẽ có một tác dụng giáo dục rất lớn, nhất là trong trường hợp cho hưởng án treo mà hình phạt tòa án tuyên cho bị cáo đúng là “không quá 03 năm” thì việc cho hưởng án treo sẽ có tác dụng giáo dục cao, người bị kết án cảm thấy hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình từ đó mà sẽ có những nhận thức đúng đắn, thấy được sự nghiêm minh của pháp luật để rồi đi đến sự thay đổi thái độ và tích cực cải tạo mong trở thành người lương thiện. Và như vậy nếu được hưởng án treo thì khả năng lại tiếp tục phạm tội nữa sẽ không xảy ra bởi vì họ đã nhận thức được lỗi lầm. Ngược lại, những trường hợp vì muốn cho hưởng án treo, mà cán bộ xét xử đáng lẽ phải tuyên một mức hình phạt tù lớn hơn 3 năm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội song lại cố ý hạ xuống 03 năm để rồi cho hưởng án treo thì đã thể hiện sự không đáp ứng yêu cầu phòng ngừa riêng đối với tội phạm và sự đảm bảo khả năng không tiếp tục phạm tội trong thời gian thử thách là con số không. Bởi vì việc quyết định hình phạt sai như vậy sẽ tạo tâm lý coi thường pháp luật cho kẻ phạm tội, không thấy được sự nghiêm minh của pháp luật và đi đến “tâm lý là cứ phạm tội đi rồi lại được hưởng án treo”. Chính sự nhận thức này sẽ nói lên khả năng phạm tội của người được hưởng án treo là rất dễ xảy ra, họ sẽ không có sự chuyển biến về mặt nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình, và vì vậy việc quyết định hình phạt sai dẫn đến việc cho hưởng án treo sai sẽ tạo ra những hậu quả pháp lý tiêu cực, không phát huy được tính tích cực, tiến bộ của chế định án treo. Hiện nay, số người được hưởng án treo tái phạm với một tỷ lệ cao một phần là do bắt nguồn từ nguyên nhân quyết định hình phạt sai.
Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định phải xem xét về nơi cư trú của bị cáo khi Tòa án xem xét cho hưởng án treo. Tính nghiêm khắc của án treo nằm ở giai đoạn thử thách, nếu người được hưởng án treo phạm tội mới trong giai đoạn thử thách thì chế tài họ phải chịu rất nghiêm khắc. Để biết được người đươc hưởng án treo chịu sự thử thách như thế nào? Luật Thi hành án hình sự đã quy định rất cụ thể về nghĩa vụ của người được hưởng án treo, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi người hưởng án treo cư trú, người được phân công theo dõi, giáo dục người được hưởng án treo. Mặt khác, một thời kỳ dài trước khi có Luật THAHS thì việc theo dõi người hưởng án treo không được quy định rõ ràng, Tòa án tuyên án xong thì việc “giao” người hưởng án treo như thế nào cũng không rõ, người được hưởng án treo bỏ đi nơi khác sinh sống cũng không có cơ quan nào biết để giám sát, giáo dục, điều này làm mất đi tính nghiêm khắc của án treo và tạo ra dư luận không tốt án treo hoặc tâm lý “chạy” để được hưởng án treo. Quy định này thực chất là nằm trong yêu cầu về phòng ngừa tội phạm và nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật thi hành án hình sự. Bởi lẽ, người được cho hưởng án treo chấp hành nghiêm túc các nghĩa của mình trong thời gian thử thách, chính quyền nơi cư trú giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ của người được hưởng án treo thì không chỉ ngăn ngừa người được hưởng án treo phạm tội mà còn có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung.
Nói tóm lại, để việc cho hưởng án treo song vẫn đảm bảo khả năng người được hưởng án treo không tiếp tục phạm tội mới thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải có một hình phạt đúng trên cơ sở sự đánh giá về tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, sự đánh giá về nhân thân, về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vì một hình phạt đúng sẽ làm thay đổi thái độ nhận thức của người phạm tội và họ sẽ tích cực cải tạo.
Yêu cầu phòng ngừa tội phạm còn thể hiện ở khía cạnh thứ hai là việc cho hưởng án treo không làm ảnh hưởng tới công tác đấu tranh chống tội phạm ở địa phương. Điều này có nghĩa là khi tòa án quyết định cho một người được hưởng án treo thì tòa án cần phải đánh giá yêu cầu của công tác đấu tranh chống tội phạm tại địa phương, nơi sẽ giao người bị kết án về và đánh giá tình hình tội phạm ở địa phương này.
Khi tòa án xem xét, đánh giá yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm của địa phương, mà thấy rằng nếu cho người phạm tội được hưởng án treo sẽ ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh chống tội phạm thì cũng không thể cho hưởng án treo. Ví dụ chúng ta đang tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy… mà khi xét xử tòa án lại cho nhiều người phạm tội này được hưởng án treo thì rõ ràng là đã không phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến công tác này, tạo ra sự coi thường pháp luật và sẽ dễ dàng dẫn đến người hưởng án treo tái phạm. Việc xem xét đến yêu cầu đấu tranh chống tội phạm khi quyết định việc ho hưởng án treo hay không có ý nghĩa rất quan trọng. Trong tình hình hiện nay, số vụ tội phạm hiếp dâm có chiều hướng gia tăng đặc biệt là các vụ hiếp dâm trẻ em chưa thành niên. Yêu cầu đặt ra là cần phải xử thật nghiêm khắc loại tội phạm này. Vì vậy, những trường hợp dù kẻ phạm tội đã đáp ứng đủ các điều kiện về mức hình phạt tù, nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ thì cũng không nên cho hưởng án treo hoặc hạn chế tới mức tối đa việc cho hưởng án treo. Điều này sẽ phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh chống loại tội phạm này vì nếu cho hưởng án treo với những kẻ phạm tội này dễ gây bất bình trong nhân dân và tạo tâm lý coi thường pháp luật, coi thường danh dự, nhân phẩm người khác của bản thân kẻ phạm tội cũng như những phần tử xấu.
Cùng với việc đánh giá yêu cầu phòng, chống tội phạm ở địa phương, nơi tòa án giao người bị kết án treo về, thì việc đánh giá tình hình tội phạm là rất cần thiết. Sự đánh giá này được thể hiện ở mối quan hệ giữa loại tội mà người phạm tội đã thực hiện với tình hình tội phạm chủ yếu ở địa phương để thấy được sự ảnh hưởng giữa chúng với nhau và liệu để người phạm tội cải tạo trong môi trường như vậy thì các phần tử xấu có làm ảnh hưởng đến người được hưởng án treo này không? Và người được hưởng án treo sẽ dễ dàng bị lôi kéo hay không? Nếu như khả năng tái phạm tội đối với người được hưởng án treo dễ xảy ra, hay tình hình tội phạm ở địa phương gây tác động xấu đến người được hưởng án treo (nếu họ được hưởng án treo) thì tòa án sẽ quyết định không cho hưởng án treo nữa vì không đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa tội phạm. Bởi vì một số loại tội phạm như mại dâm, ma túy, cờ bạc nếu để người phạm tội được hưởng án treo trong tình hình tội phạm diễn ra ở địa phương rất phức tạp, các tệ nạn xã hội phát triển thì họ sẽ dễ dàng tái phạm ngay do xuất phát từ bản chất của các loại tội này và sự lôi kéo của các phần tử xấu.
Một yêu cầu khác nữa của các điều kiện phòng ngừa tội phạm được thể hiện ở sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với bản án treo, có nghĩa là nhân dân thấy được tính nghiêm minh, đúng đắn của bản án treo, tâm lý tin tưởng vào pháp luật của nhân dân, từ đó phát huy được tính tích cực của chế định này là việc lôi kéo một tập thể người vào giáo dục, quản lý một người, tích cực tham gia công tác đấu tranh chống tội phạm.
Vậy có thể kết luận rằng, yêu cầu phòng ngừa tội phạm đặt ra là tòa án phải ra một bản án đúng từ đó giúp cho người phạm tội thấy được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội tương xứng với hình phạt từ đó có sự thay đổi nhận thức và có thái độ tích cực. Trên cơ sở đánh giá yêu cầu phòng, chống tội phạm, cũng như tình hình tội phạm mà việc cho hưởng án treo không gây tác động xấu thì có nghĩa là đã thoả mãn các điều kiện khác nữa thì không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù và việc cho hưởng án treo để họ tự giáo dục cải tạo là cần thiết và đúng đắn.
Tuy nhiên, khi xem xét yêu cầu phòng ngừa tội phạm thì cần phải chú ý tới sự hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP thì không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
– Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội;
– Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác;
– Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.
Xét điều kiện về yêu cầu phòng ngừa tội phạm đối với người phạm tội trước khi quyết định dành cho họ được hưởng án treo, tòa án cần xem xét kỹ lưỡng sự hướng dẫn của tòa án nhân dân tối cao. Nếu như tuân thủ sự hướng dẫn này sẽ đánh giá được khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội hay khả năng tiếp tục phạm tội của người bị kết án.
Một khía cạnh khác của yêu cầu phòng ngừa tội phạm về phía tòa án là cần phải tổ chức phiên tòa xét xử lưu động hay cố định phải thật sự chu đáo, thể hiện một sự nghiêm minh của pháp luật cũng như một trình độ văn hóa pháp lý. Điều này sẽ có tác dụng giáo dục rất lớn đối với người phạm tội nói riêng và đối với quần chúng nhân dân nói chung.
Tóm lại, khi tòa án xem xét cho hưởng án treo hay không cho hưởng án treo đều phải dựa trên sự đánh giá cả 04 yếu tố: (1) Điều kiện về mức phạt tù; (2) Điều kiện về nhân thân người phạm tội; (3) Điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ; (4) Điều kiện về yêu cầu phòng ngừa tội phạm – xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù. Sự đánh giá phải mang tính toàn diện, khách quan, cân bằng giữa bốn điều kiện, không thiên về điều kiện này mà coi nhẹ điều kiện kia, và thiếu dù chỉ một trong bốn điều kiện này thì kiên quyết không cho hưởng án treo. Bên cạnh đó, các tòa án cần phải tuân thủ sự hướng dẫn về đường lối xét xử của các văn bản pháp luật do tòa án nhân dân tối cao ban hành, song vẫn phải giữ nguyên tính độc lập trong hoạt động xét xử của mình.
Và tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP đã hướng dẫn như sau: “Khi xem xét, quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, cần lưu ý:
- a) Đối với trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giữ, tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù;
- b) Những trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu có đủ điều kiện để áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự thì cũng phải xử trong khung hình phạt liền kề là đã thể hiện chính sách khoan hồng đối với họ; không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng;
- c) Những trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng, nếu Viện kiểm sát không truy tố cũng phải áp dụng để xét xử đúng quy định của pháp luật; nếu còn có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Hình sự cũng phải được áp dụng đầy đủ; không được vì muốn cho hưởng án treo mà không áp dụng đầy đủ các tình tiết định khung tăng nặng và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 của Bộ luật Hình sự;
- d) Khi quyết định hình phạt phải tuân thủ nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự kết hợp với các căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 của Bộ luật Hình sự; không được cho rằng án treo là một loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù để tăng hình phạt lên cao hơn các trường hợp khác không có căn cứ và cho hưởng án treo; không được tùy tiện giảm mức hình phạt tù không có căn cứ để đủ điều kiện về mức hình phạt tù quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự và cho hưởng án treo.”
Việc thực hiện tốt các quy định này sẽ giúp cho tòa án ra những bản án nói chung và bản án cho hưởng án treo nói riêng đúng người đúng tội, hoàn toàn dựa trên các căn cứ pháp luật và phù hợp vớiluậtpháp.
[1] “Đã lập công chuộc tội” là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác… được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
[2] Là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…
Nguồn: http://moj.gov.vn (Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai