Bài bào chữa Vụ án kinh tế

74

Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…” xảy ra tại Công ty Cổ phần Vật tư Bưu điện, đã được TAND TP.HCM đưa ra xét xử trong 3 ngày 25, 26, 27/5/2011. Sau khi nghe các luật sư bào chữa và tranh luận, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ các vấn đề do luật sư nêu ra tại phiên tòa. Bản Tin Luật Sư đăng lại Bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn Trung- Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM để các đồng nghiệp tham khảo và rút kinh nghiệm.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi là Luật sư Nguyễn Văn Trung bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hòang, nguyên giám đốc Trung tâm kinh doanh 1 thuộc Cty CP Vật tư Bưu Điện, bị VKSND tối cao truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 2 Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

I/-Về mặt hành vi

Hành vi vi phạm trong việc hợp thức hóa chứng từ kế toán đối với các khoản  chi phí có thật phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) nhưng không có chứng từ quyết toán đã rõ. Tuy  nhiên, có phải Vũ Huy Hoàng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế hay không? Cần làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi này.

1/-Về chức vụ quyền hạn

Trung tâm kinh doanh 1 (cũng như tất cả các trung tâm khác trong công ty) chỉ là 1 đơn vị hạch toán phụ thuộc, giám đốc trung tâm hoàn toàn không có quyền hạn ký kết hợp đồng, tất cả các khoản chi phí đều phải do kế toán trưởng và tổng giám đốc duyệt chi. Tất cả các hợp đồng thuê xe, hóa đơn thanh toán, chứng từ chi đều do tổng giám đốc và kế toán trưởng ký và duyệt chi. Sự việc kéo dài từ năm 2003 đến 2006 và được thực hiện thống nhất trong toàn công ty chứ không riêng gì ở Trung tâm kinh doanh 1. Tại 2 bản kết luận điều tra trước đây nêu rõ: ông Nguyễn Quốc Hùng và bà Hồ Hoàng Anh khai nhận biết rõ các khoản và từng chứng kiến trong quá trình kinh doanh chi phí của các giám đốc trung tâm kinh doanh (TTKD)là có thật, mục đích phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhưng không có chứng từ quyết toán được. Như vậy, thử hỏi các TTKD phải quyết toán vào đâu nếu tổng giám đốc và kế toán trưởng không ký Hợp đồng và chứng từ duyệt chi thuê xe? Tại văn bản số 927 ngày 10-8-2009 gởi Ông Vụ Trưởng Vụ IB, Ông Đoàn Thanh Hải tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật  của Cty CP Vật tư Bưu Điện đã xác nhận: “Trong hoạt động thực tế hàng ngày của doanh nghiệp nói chung luôn phát sinh một bộ phận các chi phí có thực, phục vụ cho mục tiêu của doanh  nghiệp là mang lại hiệu quả kinh doanh nhưng không có chứng từ hợp pháp… các chi phí như vậy, trên quan điểm của người quản lý doanh nghiệp, được coi là chi phí hợp lý vì đã được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Trong sai phạm cụ thể xảy ra với các cán bộ tại công ty chúng tôi, do hiểu biết pháp luật hạn chế, họ đã không ý thức được rằng làm sai chế độ kế toán trong việc lập khống chứng từ thanh toán vi phạm pháp luật, ngay cả khi việc làm đó chỉ để thanh toán các khoản chi có thực nằm trong định mức khoán nội bộ, phục vụ cho mục tiêu mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và hoàn toàn không vì mục đích tư lợi”.

Kết luận giám định số 01/05/2009/KLGĐ-TCKT ngày 14-5-2009 của giám định tư pháp về KTTC đã nhận xet: “Các sai phạm tại 07 Trung tâm và 01 cửa hàng bán lẻ đều theo một quy trình giống nhau, có tính hệ thống từ trên xuống dưới kéo dài nhiều năm”. Rõ ràng, đây là chủ trương của cty thực hiện trong tất cả các đơn vị kinh doanh của cty. Với chức vụ, quyền hạn của mình, Vũ Huy Hoàng chỉ là người thừa hành, không có khả năng lợi dụng chức vụ quyền hạn, để cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Xin chứng minh:

– Trong số tay của nguyên Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận tại các cuộc họp giao ban:

+ Trang 190: Anh Đôn: Vận dụng vận chuyển không đủ, không đảm bảo thủ tục.

Hoàng Anh: Ba năm qua đã vận dụng rất nhiều, kế toán đã cố gắng rất nhiều, nhưng phải làm sao cho hợp lý.

+ Trang 106: Vấn đề vận chuyển Cty sẽ nghiên cúu chọn lựa và ký hợp đồng nguyên tắc với 1 vài Cty vận tải với yêu cầu rẻ hơn và đảm bảo đủ chứng từ để thực hiện VAT và thuế doanh nghiệp.

– Lời khai của ông Nguyễn Quốc Hùng- nguyên giám đốc Cty:

+ Tại các BL 3946, ngày 10-6-2009, BL3980 ngày 21-3-2008 ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận trong các cuộc giao ban các giám đốc TTKD có báo cáo những khó khăn trong chi phí có chi nhưng không có chứng từ để quyết toán, tôi có tiếp thu và họp bàn cùng với hội đồng quản trị (HĐQT) tìm cách tháo gở nhưng chưa tháo gở khó khăn cho các TTKD, nên xảy ra sự việc trách nhiệm đầu tiên thuộc về tôi, sau đó phòng kế toán và các giám đốc trung tâm.

+ Tại bản giải trình ngày 21-01-2009 (BL 3993) Ông Hùng xác nhận:

-> Biên bản họp HĐQT ngày 20-8-2008, anh Việt-nguyên Chủ tịch HĐQT có phát biểu: “bản thân tôi đôi lúc cũng không nghĩ chi phí là sai hoàn toàn. Cũng rất nhiều lần, đ/c Hòang, đ/c Đôn và cả đ/c Tâm cũng có nói với tôi là anh phải xem lại 1 số chi phí có cái chưa hợp lệ, tôi cũng đề nghị đ/c Tâm-Trưởng Ban kiểm soát tìm xem chỗ nào chưa hợp lý để xem trình HĐQT, nhưng chưa tìm được”.

->Trong quá trình hoạt động, các giám đốc trung tâm có phản ánh trong các cuộc họp giao ban, họp HĐQT về khó khăn trong kinh doanh, trong chi phí là có thật. Nhưng trong khi chưa xây dựng được quy định, quy chế nào khác, thì tôi luôn nhắc các giám đốc trung tâm các chi phí phải đúng, phải có chứng từ hợp lý hợp lệ mới giải quyết chi. Các khoản chi phí của các TTKD không có chứng từ theo quy dịnh tài chính của Cty thì không chấp nhận được. Nhưng qua giải trình của các giám đốc TTKD tôi tin là các trung tâm KD đã chi thật và nằm trong giới hạn chi phí khoán cho các TTKD.

+ Tại lời khai ngày 01-4-2009 (BL 3964), ông Hùng xác nhận nội dung ghi trong trang 202 sổ tay như sau:

->Các trung tâm tiếp khách phải báo lãnh đạo Cty trước khi tiếp khách.

->Các chi phí khuyến mãi, quà tặng, chúc Tết muốn chi phải được sự đồng ý của ban giám đốc Cty

– Ông Võ Đức Tâm-Nguyên Phó TGĐ Cty, tại lời khai ngày 09-6-2009 (BL 4060) đã xác nhận có trực tiếp tham gia và chứng kiến 02 buổi ký Hợp đồng nhập khẩu ủy thác và 01 buổi tổng kết hợp đồng dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, trung tâm KDXNK đã có chi tiền ăn, quà tặng tổng cộng 75.000.000 đồng nhưng không có chứng từ. Sau này tôi biết anh em vận dụng vào chi phí thuê xe hành khách. Khi được hỏi: Vậy anh có báo cáo HĐQT v/v này hay chưa? Ông Tâm đã trả lời: Tôi đã báo cáo HĐQT trong các cuộc họp đồng thời góp ý kiến  trong các cuộc họp Cty và đề nghị ông Nguyễn Quốc Hùng phải minh bạch các khoản chi phí và không thể tiếp tục vận dụng thuê xe nhưng đã không được HĐQT và tổng giám đốc quan tâm.

– Quy định v/v thực hiện công tác vận chuyển nội bộ Cty số 767/QĐ-TCHC ngày 23-4-2001 và số 1800B/QĐ-TH ngày 31-5-2004, quy định rõ :

+ Tất cả các đơn vị khi có nhu cầu vận chuyển đưa đón CBCNV, khách hàng đều phải có giấy đề nghị xin xe trình lãnh đạo Cty phê duyệt, chuyển Phòng TCHC (Phòng TH) thực hiện. Trường hợp không đủ phương tiện thì Phòng TCHC (Phòng TH) phải xác nhận lý do trên giấy xin xe để đơn vị tự giải quyết.

+ Phòng TC-KTTK chủ trì phối hợp phòng TCHC hướng dẫn công tác hạch toán chi phí và xuất hóa đơn vận chuyển theo quy định Nhà nước và quy chế tài chính của Cty.

Thực tế, từ năm 2003 đến giữa năm 2005 việc thuê xe được thực hiện như sau :

+ Giám đốc TTKD có văn bản đề nghị thuê xe đi công tác hàng tháng theo hợp đồng với các đơn vị có chức năng kinh doanh dịch vụ này.

+ Giám đốc Cty ký hợp đồng thuê xe du lịch khoán trọn gói hàng tháng. Nội dung hợp đồng quy định rõ: trách nhiệm bên cho thuê cung cấp hóa đơn VAT; trách nhiệm bên thuê xe thanh toán 100% tiền mặt sau 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc trọn gói đến hết ngày 31-12.

+ Căn cứ hóa đơn nói trên HTX Quyết Tâm xuất hóa đơn VAT sau mỗi 3 tháng.

+ Lập phiếu thu tiền, CB TTKD1 ký người nộp tiền.

+ TTKD lập giấy đề nghị thanh toán có chữ ký người đề xuất, GĐ TTKD, KTT Cty, giám đốc Cty.

+ Cty ra phiếu chi tiền. Trên phiếu chi người ký nhận tiền là n/v TTKD nhưng địa chỉ lại là HTX VT Quyết Tâm, có KTT Cty, giám đốc Cty ký.

 Thời gian từ giữa năm 2005 đến 2006, quy trình cũng giống như trên, chỉ có thay đổi:

-> Hợp đồng thuê xe tính theo ngày, thanh toán 100% bằng tiền mặt sau khi 2 bên có bản phụ lục thống nhất số chuyến và tiền thuê hàng tháng.

-> Giấy xin xe từng chuyến có TGĐ duyệt và phòng tổng hợp xác nhận không có xe để cấp.

Rõ ràng, quy trình thực hiện trong thực tế do tổng giám đốc phê duyệt và Phòng KTTK thanh toán hoàn toàn khác quy định do chính TGĐ ban hành. Hồ sơ chứng từ thanh tóan tại 7 Trung tâm KD đều giống nhau, mặc dù không đúng quy định đã ban hành, thậm chí người ký nhận tiền trên phiếu chi là n/v TTKD nhưng lại ghi HTX VT Quyết Tâm hoặc Cty TNHH Lê Trần Thương, vẫn được kế toán trưởng và tổng giám đốc duyệt chi, chứng minh đã có sự chấp thuận trước của tổng giám đốc và sự hướng dẫn thống nhất về chứng từ của phòng TC-KTTK. Hoàn toàn phù hợp nội dung ghi trong sổ tay và lời khai của ông  Nguyễn Quốc Hùng, lời khai của các giám đốc TTKD như đã viện dẫn, khẳng định các giám đốc TTKD nói chung và Vũ Huy Hòang nói riêng chỉ là người thực hiện theo chủ trương chung của HĐQT và ban TGĐ Cty. Đơn báo cáo gửi C37 ngày 09-8-2007 (BL 380) chính Vũ Huy Hoàng đã báo rõ: chủ trương cho phép vận dụng chi phí thuê để thuê xe phục vụ kinh doanh một cách không đúng quy định là một trong những vấn đề cần chấn chỉnh và đã được tôi (Hoàng)-anh Tâm (Bí thư Đảng ủy), anh Đôn (Trưởng ban kiểm soát) đấu tranh nhiều lần trong các cuộc họp giao ban, họp Đảng ủy, họp Công đoàn, họp HĐQT mở rộng. Điều này cũng đã được nguyên TGĐ Nguyễn Quốc Hùng xác nhận tại Bản giải trình ngày 21-01-2009 (BL3993) chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Ngoài ra, tại thư tố cáo ngày 11-8-2007 (BL 381), ông Đoàn Minh Đôn- nguyên trưởng ban kiểm soát- giám đốc TTKD 2 đã xác nhận: chủ trương của TGĐ và kế toán trưởng cho phép các đơn vị kinh doanh trực thuộc đựơc phép thuê xe đi công tác để phục vụ kinh doanh với các chứng từ hợp lý hợp lệ. Trung tâm 2 sau 2 năm 2003-2004 thực hiện chủ trương chung của TGĐ, tôi đã chủ động chấm dứt từ 2005 đến nay.

Rõ ràng, xét cho đến cùng, bản chất hành vi sai phạm của Vũ Huy Hoàng cũng như giám đốc các TTKD khác không phải họ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái, mà thực chất trong hoàn cảnh họ không thể không thực hiện chủ trương của lãnh đạo Cty, với nhận thức chỉ là thủ tục để hợp thức hóa chi phí có thật trong định mức khoán cho phép vì lợi ích của Cty. Chúng tôi nghĩ cho dù ai ở vào cương vị của các giám đốc TTKD thời điểm đó cũng không thể làm khác hơn!

II/-Về hậu quả thiệt hại

Tại văn bản số  927 ngày 10-8-2009 gởi Ông Vụ trưởng Vụ IB, tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Potmasco đã xác định: Các chi phí này là có thực và phục vụ cho mục tiêu hoạt động SXKD của Công ty nhằm mang lại doanh thu, lợi nhuận cho toàn thể cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước, tập đoàn BCVTVN (VNPT), các chi phí này đều được đánh giá là hợp lý và thực chất không gây thiệt hại cho công ty. Kết luận điều tra bổ sung số 02/C37(P8) ngày 21-3-2010 cũng đã xác nhận: Các khoản chi phí này là thực tế nhưng không có chứng từ quyết toán, không chiếm đoạt cá nhân.

Hàng năm công ty đều giao các chỉ tiêu kế hoạch cho trung tâm gồm: Doanh thu, lãi gộp và định mức khoán chi phí trên lãi gộp. Đây là các chỉ tiêu bắt buộc. Căn cứ “Bảng tổng hợp tình hình thực hiện chi phí của TTKD1 từ năm 2003-2006” đã được nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Kế toán trưởng Hồ Hoàng Anh và Tổng Giám đốc Đoàn Thanh Hải ký xác nhận, thì TTKD1 đã tiết kiệm được chi phí so định mức là 720.991.554đ  và lãi gộp thực hiện là 15.932.499.247đ .

Dấu hiệu bắt buộc của tội cố ý làm trái… là gây hậu quả nghiêm trọng. Các khoản chi phí này là có thực, phục vụ cho hoạt động SXKD của Cty, nằm trong định mức khoán cho phép chẳng những không gây thiệt hại cho Cty mà còn tiết kiệm 720.991.554 đồng và mang lợi nhuận về cho Cty 15.932.499.247đồng.

Cáo trạng truy tố Vũ Huy Hoàng về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 165 Bộ Luật Hình sự với quy kết  đã gây thiệt hại cho Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện số tiền là 596.634.000đ.

Sau khi có kết luận điều tra bổ sung, Vũ Huy Hoàng đã có Bản giải trình chi phí và cung cấp thêm các giấy xác nhận các khoản chi phí sau đây:

– Chi trả cho bà Phạm Thu Lan, chủ cơ sở cho thuê xe du lịch Hoa Lan, số 17 đường 3/2 Quận 10, chi phí thuê xe đi công tác trong thời gian 2003-2006, số tiền 19.000.000đ.

– Chi cho anh Trần Công Chất, nhân viên TTKD1, chi phí mua quà chăm sóc khách hàng  trong các ngày lễ và tết cổ truyền, số tiền 49.750.000đ.

– Chi cho anh Đỗ Đức Hiếu, nhân viên TTKD1, chi phí mua quà chăm sóc khoảng thời gian đầu năm 2005, số tiền là 45.000.000đ.

Tổng cộng 3 khoản chi trên là 113.750.000đ. Các khoản chi phí này chưa được cáo trạng ghi nhận khấu trừ. Như vậy, số tiền mà Vũ Huy Hoàng đã chi vào các hoạt động của TTKD1 như: Tiếp khách, thuê phòng trọ, hiếu, hỷ… không có chứng từ chứng minh, chỉ còn lại 482.884.000đ (= 596.634.000đ – 113.750.000đ).

Số tiền này, như trên đã chứng minh, kết luận điều tra, cáo trạng và công ty đều xác nhận là chi phí thực tế cần thiết cho họat động sản xuất kinh doanh của Cty và TTKD1, nằm trong định mức khoán cho phép được Cty chấp nhận, không gây thiệt hại cho Cty, mà còn tiết kiệm dược 720.991.554đ so với định mức khóan chi phí của Công ty. Việc sử dụng các chi phí này phục vụ SXKD của TTKD1, do Vũ Huy Hoàng làm giám đốc trong các năm từ 2003-2006, đã đem về cho Cty doanh thu 140.100.972.114 đồng và làm lợi cho Cty 15.932.499.247đ (lãi gộp)! Không gây thiệt hại 482.884.000đ mà còn tiết kiệm được 720.991.554đ chi phí và đem lợi về Cty trên 15 tỷ đồng lãi gộp, lẽ nào là hành vi phạm tội!?

Cáo trạng cho rằng Vũ Huy Hoàng đã vi phạm Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định 129/2004/NĐ-CP qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong họat động kinh doanh. Về việc này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

1/- Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 quy định:

– Không tính vào chi phí hợp lý các khoản sau: Các khoản chi không có hóa đơn chứng từ, hoặc hóa đơn chứng từ không hợp pháp (khoản 3 Điều 6).

– Quá trình kiểm tra, thanh tra kê khai quyết toán thuế nếu phát hiện thu nhập chịu thuế và các yếu tố khác do cơ sở kinh doanh xác định không hợp lý, cơ quan thuế có quyền xác định lại thu nhập chịu thuế và các yếu tố khác để đảm bảo thu đủ, thu đúng thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 30).

– Cơ sở vi phạm Luật thuế TNDN thì tùy mức độ cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính về Luật thuế (Điều 31-49).

2/- Nghị định 129/2004/NĐ-CP quy định:

Đơn vị kế toán phải sử dụng hóa đơn bán hàng theo đúng quy định; không được mua, bán tráo đổi, cho hóa đơn hoặc sử dụng hoá đơn của tổ chức, cá nhân khác, không được sử dụng hóa đơn để kê khai trốn lậu thuế (khỏan 4 Điều 10).

3/- Nghị định 185/2004/NĐ-CP ngày 04-11-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán quy định:

– Hành vi vi phạm lĩnh vực kế tóan dẫn đến trốn, lậu thuế còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế (điều 17).

– Vi phạm quy định về chứng từ kế toán: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán, thỏa thuận người khác giả mạo khai man chứng từ kế toán, bị xử phạt từ 5.000.000đ đến 20.000.000đ. (điểm a-b khỏan 3 điều 7).

4/- Nghị định 100/2004/NĐ-CP ngày 25-02-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, quy định:

– Phạt tiền từ 3-5 lần số trốn thuế đối với hành vi sử dụng hóa đơn khống, chứng từ kế toán khống nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp (điểm a khoản 3 Điều 11).

Công ty CP Vật tư Bưu điện được cổ phần hóa từ Doanh nghiệp Nhà nước (Cty Vật tư Bưu điện 2). Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật của Công ty và Kế toán trưởng mới có thẩm quyền ký, đăng ký kê khai, báo cáo và quyết tóan thuế. Hành vi của Vũ Huy Hoàng thỏa thuận với các đơn vị vận tải, ký khống hợp đồng vận chuyển và xuất hóa đơn để hợp thức hóa các khỏan chi phí thực tế nhưng không có chứng từ là thực hiện chủ trương của công ty. Từ phó tổng giám đốc, Trưởng Ban Kiểm sóat, thành viên HĐQT, Chủ tịch Công đoàn đến toàn thể CBNV 7 Trung tâm đều thực hiện một qui trình giống nhau. Do đó, nếu có vi phạm Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 và Nghị định 129/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ có công ty vi phạm và cũng chỉ làm lợi cho công ty, mà người chịu trách nhiệm trước cơ quan thuế là tổng giám đốc và kế toán trưởng. Căn cứ các quy định viện dẫn trên thì công ty cũng chỉ bị xử lý: Xuất toán các khoản chi phí đã hợp thức hóa bằng chứng từ khống, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt tiền đối với số thuế bị truy nộp theo Nghị định 100/2004/NĐ-CP, và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực kế toán theo Nghị định 185/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại kết luận giám định số 01/05/2009/KLGĐ-TCKT ngày 14-5-2009, giám định viên tư pháp về KTTC đã nhận xét: “Trách nhiệm chính thuộc về các TTKD và cửa hàng bán lẻ chủ yếu để lấy hóa đơn đỏ VAT (vì đây là hóa đơn thật do các đơn vị kinh doanh vận tải mua tại cơ quan thuế) làm cơ sở chứng từ gốc hợp pháp (nhưng không hợp lệ) để lập phiếu chi thanh toán cho các khỏan phí của đơn vị nhưng không có chứng từ chứng minh là việc làm sai nguyên tắc, các khỏan chi này không được tính chi phí hợp lý, hợp lệ, làm tăng chi phí (không hợp lý, hợp lệ) giảm phần thu nhập chịu thuế của Cty, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước”. Với nhận xét này, thì rõ ràng việc xử lí bằng biện pháp hành chính trong lĩnh vực kế tóan và thuế theo quy định tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04-11-2004 và số 100/2004/NĐ-CP ngày 25-02-2004 như chúng tôi đã phân tích trên là hòan tòan phù hợp. Đến nay, cơ quan thuế cũng chưa có kết luận về việc xử phạt này, nên cũng chưa có căn cứ xác định thất thu bao nhiêu tiền thuế cho ngân sách Nhà nước. Kết luận giám định cho rằng các giám đốc TTKD và cửa hàng bán lẻ đã gây thiệt hại cho Cty CP-VT Bưu điện từ năm 2003-2007 số tiền 4.751.967.474 đồng và buộc các đối tượng nộp lại số tiền nêu trên, kết luận này mâu thuẫn với chính nhận xét nêu trên của kết luận giám định, mâu thuẫn chính ý kiến xác nhận của ông Đòan Thanh Hải-Tổng Giám đốc Cty. Khoản 2 Điều 42 Bộ Luật Hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đọat cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi kết luận điều tra, cáo trạng, Cty và kết luận giám định đều xác nhận số tiền các giám đốc TTKD dùng chứng từ hợp pháp để hợp thức hóa là chi phí có thật trong định mức khóan phục vụ cho họat động kinh doanh mang lại hiệu quả cho Cty thì tại sao lại buộc các đương sự phải nộp lại cho Cty?

III/-Kiến nghị

Trong vụ án này, sai phạm của giám đốc 7 TTKD và một cửa hàng bán lẻ đều theo một quy trình giống  nhau, thống nhất từ trên xuống dưới, thực hiện chủ trương chung của Cty nhằm mục đích phục vụ SXKD, không ai chiếm đoạt cá nhân, chẳng những không gây thiệt hại cho Cty mà còn làm lợi cho Cty:

– Doanh thu tăng từ 250 tỷ (2003) lên 328 tỷ (năm 2006). Năm 2008 (xảy ra vụ án) giảm xuống 50,6 tỷ đồng.

– Lãi gộp tăng từ 35tỷ lên 50tỷ (2008 giảm còn 18 tỷ đồng)

– Nguồn vốn chủ sở hữu tăng từ 18 tỷ lên gần 50 tỷ.

– Đặc biệt nghĩa vụ ngân sách đối với Nhà nước thực hiện bình quân lên 70 tỷ đồng, năm 2007 lên đến 137 tỷ đồng. Năm 2008 xảy ra vụ án giảm xuống còn 33 tỷ đồng.

Trong vụ án này, một số giám đốc TTKD chỉ bị đề nghị xử lý hành chính hoặc đã được đình chỉ vụ án và miễn trách nhiệm hình sự.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và hoan nghênh việc xử lý như vậy là hết sức thấu tình đạt lý của cơ quan điều tra và VKSNDTC đối với các vị giám đốc này. Tuy nhiên, chúng tôi lại cảm thấy xót xa cho Vũ Huy Hoàng phải ra đứng trước vành móng ngựa hôm nay! Bởi lẽ Vũ Huy Hoàng cũng hội đủ các tình tiết (thậm chí còn nhiều hơn nữa) mà  các giám đốc không bị xử lý hình sự được hưởng:

– Số tiền thiệt hại quy kết cho Vũ Huy Hoàng ít hơn và cũng đã  được Hoàng nộp gần đủ theo yêu cầu cơ quan điều tra.

-Vũ Huy Hoàng là người đã nhiều lần có ý kiến v/v làm không hợp lệ trong các cuộc họp Cty. Hoàng cũng là người đã có đơn báo cáo sự việc với cơ quan điều tra (09/8/2007) trước cả đơn tố cáo của Đoàn Minh Đôn (11/8/2007).

– Về nhân thân, bản thân Vũ Huy Hoàng tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi, đã được tặng thưởng Huân chương  Giải phóng Hạng Nhì-Ba, Huy chương kháng chiến Hạng Nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, danh hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều bằng khen vì có nhiều thành tích trong họat động SXKD của Cty.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên xử:

– Tuyên bố Vũ Huy Hòang không phạm tội.

– Trả lại số tiền 310 triệu đồng Vũ Huy Hoàng đã nộp.

– Hủy bỏ lệnh kê biên tài sản số 05/KB-C37 (P8) ngày 19-6-2008 của cơ quan CSĐT-Bộ Công An đối với căn nhà số 270/40 Lý Thường Kiệt P. 14 Q. 10 Tp. HCM của vợ chồng Vũ Huy Hoàng.

Chúng tôi tin tưởng rằng sau khi nghị án Hội đồng xét xử sẽ đưa ra một phán quyết hết sức công minh, thấu tình đạt lý và đem lại sự công bằng cho Vũ Huy Hòang cũng như tất cả những người có liên quan trong vụ án.

Trân trọng cảm ơn HĐXX.

NGƯỜI BÀO CHỮA

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai