Bài bào chữa tội giết người

1227

Kính thưa Hội đồng xét xử.

Kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên giang.

Kính thưa các nạn nhân, thân nhân các nạn nhân, những người chịu đau thương nhất trong những người có mặt ở phiên toà xét xử bị cáo hôm nay

Kính thưa bà con tham dự phiên toà.

Hôm nay nghề nghiệp và trách nhiệm đã đặt trên vai tôi một cái gánh hết sức nặng nề. Tức là tôi phải đứng ra bào chữa cho một kẻ giết người, mà nào có phải là một người, lại là những ba người, thậm chí suýt bốn người. Một con số khủng khiếp. Một việc làm hết sức vô nhân đạo. Bây giờ tôi biết nói làm sao đây, chả lẻ các nạn nhân vô cùng oan khóc với những cái chết tức tưởi, hiện giờ đã mồ yên mã đẹp hết rồi, tôi lại tiếp tục dùng lời lẽ bắn thêm vào họ. Chả lẽ các gia đình nạn nhân kể cả nạn nhân còn sống sót đã đau đớn quá nhiều rồi, bây giờ tôi lại bồi tiếp sự đau đớn nữa.

Tôi sẽ bào chữa sao đây khi mà cách đây ít hôm, mở trong hồ sơ vụ án thấy bức ảnh của các nạn nhân, người mở mắt người không, nhưng ai cũng như trừng trừng nhìn thẳng vào tôi mà hỏi: “Chúng tôi chết đau thương thế này chưa đủ sao mà ông lại còn bào chữa cho hắn? Ông thử đặt địa vị vào hoàn cảnh chúng tôi hay gia đình chúng tôi xem nào”.

Kính thưa gia đình các nạn nhân: Chúng tôi rất thông cảm và thành thật chia sẽ nỗi đau trên với các gia đình, nhưng công việc không cho phép chúng tôi nói những lời khác hơn những lời nhằm tìm ra những tình tiết khách quan của vụ án hoặc những tình tiết mà bị cáo đáng được xem xét giảm nhẹ. Đây không phải là việc nhằm xoá tội hoặc chạy tội cho bị cáo mà là công việc của pháp lý, là mặt thứ hai của công tác xét xử. Nó chỉ có tác dụng làm cho công tác xét xử được xem xét từ nhiều phía, lật đi lật lại các vấn đề, để giúp Hội đồng xét xử có thêm một cái nhìn ngược lại để có thêm cơ sở mà tuyên cho bị cáo một bản án đúng người, đúng tội, đúng luật pháp và thấu tình đạt lý. Kính mong gia đình nạn nhân thông cảm cho như thế.

Sau đây là những lời bào chữa của tôi.

Kính thưa Hội đồng xét xử:

Trước hết xin được trình bày là chúng tôi hết sức tán thành lời luận tôi của vị đại diện Viện Kiểm Sát về hành vi phạm tội của bị cáo và về tội danh của bị cáo. Thực tình mà nói vụ án này tuy rất nghiêm trọng, nhưng lại hết sức đơn giản, rõ ràng. Thủ phạm của vụ án và hành vi giết người của y đã lộ rõ nguyên hình trước mắt mọi người đó chính là Huỳnh Công Vân  và chính Huỳnh Công Vân chứ không phải ai khác đã nổ súng trực tiếp bắn chết 3 người và làm bị thương 1 nạn nhân khác và như vậy việc bản cáo trạng khép bị cáo vào khung 1 điều 101 của bộ luật hình sự theo tôi là hoàn toàn chính xác.

Vậy điều gì đáng nói nhất ở vụ án này ?

Kính thưa Hội đồng xét xử: Theo tôi điều cần phải làm sáng tỏ là lý giải cho được nguyên nhân vì sao bị cáo lại giết người mà lại toàn là giết những người không thù oán, không mâu thuẩn gì với họ cả. Thông thường thì kẻ giết đều phải có mục đích. Đằng này Vân lại không có mục đích, không có động cơ đê hèn nào cả. Cướp của ư? Rõ ràng là không – Hiếp dâm ư? Cũng không – Bịt đầu mối ư? Cũng không nốt. Vậy thì tại sao? tại sao? Đây là câu hỏi khó khăn nhất và nhức nhối nhất. Một câu hỏi cần phải lý giải cho được dù có tốn công tốn sức. Với tư cách và trách nhiệm người bào chữa, tôi xin được mạnh dạn lý giải điều này.

Kính thưa Hội đồng xét xử: theo tôi bị cáo giết người vì những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

–         Một là: Bị cáo có dấu hiệu bệnh tâm thần.

–         Hai là: Đã vậy bị cáo lại bị kích động tinh thần quá mạnh về phía nạn nhân.

Kính thưa Hội đồng xét xử: Về bệnh tâm thần của bị cáo chúng tôi khẳng định là có dấu hiệu, dấu hiệu đó nhận biết được là do dựa trên những căn cứ sau đây:

–         Những bản xác nhận của những người trước đây từng làm việc với bị cáo ở trong đơn vị bộ đội, từng chứng kiến các lần bị cáo bị tai nạn giao thông tổn thương sọ não và gây ra những biến đổi tính tình sâu sắc đến nỗi cơ quan phải cho chuyển ngành.

–         Những xác nhận này chúng tôi đều có kính chuyển đến toà án cách đây đã lâu. Hôm nay vì sợ mất thời giờ nên tôi không dám đọc lại hết, chỉ xin điểm qua vài lời nhận xét sau đây.

Một là của đồng chí NGUYỄN NGỌC TIẾN, cấp bậc thiếu tá, trưởng ban tuyên huấn trường quân chính Quang Trung thuộc quân khu 9, với nội dung sau đây “Đ/c Huỳnh Công Vân năm 1963 bị té xe Honda phải điều trị một thời gian dài tại bệnh viện 121 quân khu 9 khi trở về là Đại đội trưởng của tiểu đoàn 23, sư đoàn 869 Đ/c đã bị ảnh hưởng thần kinh.

Hai là xác nhận của đồng chí NGUYỄN NGỌC HƯƠNG cấp bậc đại uý, chức vụ trợ lý tập huấn, hiện đang công tác tại huyện đội Châu Thành tỉnh Kiên Giang ghi: “ Khoảng tháng 7,8-1983 Vân mượn xe Honda chạy vào buổi tối khoảng tám giờ trên tuyến đường băng sân bay Sóc Trăng. Khi đến cuối đường băng có cua quẹo về tiểu đoàn nhưng vì chạy quá tốc độ không kịp thắng nên xe bay luôn ra ngoài đường băng, Vân bay ra khỏi xe bất tỉnh bị chấn thương ở vùng đầu…”

Ba là xác nhận của đồng chí Trương Văn Bên, cán bộ hưu trí ở ấp Long Hoà A, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cũng nói bị cáo bị té xe, bị tổn thương thần kinh và bị thay đổi tính tình.

Sau đó là xác nhậncủa đồng chí Nguyễn Lục Lượng, đại uý, Phó ban tham mưu chính trị hiện đang công tác tại trạm khách T-80 quân khu chín hoặc của đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết, y sĩ điều trị bệnh xá Sư đoàn 869, người trực tiếp băng bó và điều trị cho bị cáo cũng có nhận xét như trên.

Đó là những chứng cứ bằng giấy tờ cho phép chúng tôi nghĩ rằng bị cáo đã từng có dấu hiệu tâm thần. Ngoài ra cũng có những tình tiết khác cho phép làm căn cứ để xác định bệnh trạng của bị cáo như lời chị Mai (vợ bị cáo) người có mặt ở phiên toà hôm nay. Chị Mai kể rằng sau khi cưới được một ngày, có người ở đơn vị cũ đến nói riêng với chị rằng chồng chị bị bệnh thần kinh cố gắng mà chiều chuộng, hoặc như lời anh Bên, người cùng đơn vị với bị cáo trước đây, cách đây mấy hôm có gặp vợ bị cáo, anh cũng cam đoan rằng “Cho nó uống rượu rồi dẫn nó đến trước mặt đối thủ của nó, nó không nổi cơn thần kinh lên thì cứ đem tao ra mà tử hình”.

Ngoài những lời lẽ trên, ở đây cũng xin được Hội đồng xét xử lưu ý đến cái biệt danh mà bà con bán hàng trước cổng trường quân chính Sóc Trăng. Ở đó bà con gọi bị cáo là “Vân Pin” pin tức là điện, Vân Pin là Vân bị mát điện, Vân thần kinh, Vân tâm thần.

Kính thưa Hội đồng xét xử đó là những căn cứ cho phép chúng tôi nghĩ đến bị cáo trước khi gây án đã gặp phải những cơn bệnh tâm thần phân lập. Và chúng tôi cũng thầm nghĩ chỉ có căn cứ vào bệnh này mới lý giải được vì sao bị cáo lại có hành động giết người một cách điên khùng như vậy.

Kính thưa Hội đồng xét xử: về căn bệnh này của bị cáo chúng tôi chỉ có ý định trình bày như thế, còn phần kết luận thế nào thì hoàn toàn trong chờ vào việc giám định y học của Hội đồng xét xử. Nhưng để góp phần làm sáng tỏ thêm căn bệnh này nhằm giúp Hội đồng xét xử rộng bề phán quyết, tôi xin được có đôi nét về những tri thức chuyên môn về những căn bệnh quái ác này.

Kính thưa Hội đồng xét xử: Bệnh tâm thần là căn bệnh nan y xưa nay rất khó phát hiện bởi vì ngay cả bản thân người bệnh cũng không ai chịu thừa nhận là mình bệnh cả. Vì thế chỉ có những bác sĩ giỏi mới phát hiện ra được. Nhưng oái ăm thay bệnh này ở nước ta lại chiếm tỷ lệ rất cao. Theo thống kê gần đây của Bộ Y Tế thì ở ta người mắc bệnh này lên tới 10%. Đã thế bệnh còn biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau. Theo tạp chí kiến thức ngày nay số 57 trong bài viết của bác sĩ Đăng Thị Thêu, một Việt kiều ở Mỹ thì vừa qua tổ chức Y tế thế giới đã công bố một bản phân loại quốc tế mới nhất về bệnh tâm thần. Theo bảng này thì hiện nay có tới 300 loại bệnh. Vậy thì bị cáo Vân nếu có mắc phải thì mắc loại bệnh nào? Qua nghiên cứu chúng tôi thấy bị cáo Vân mắc bệnh gọi là “ Nhân cách bệnh”. Theo tài liệu y học thì bệnh này là “ một thể bệnh tâm thần cùng với các bệnh loạn thần kinh khác được xếp vào các bệnh gọi là “Tâm thần nhỏ học” hoặc “Tâm thần học ranh giới”. Bệnh này được biểu hiện trong 4 trạng thái gọi là bốn thể khác nhau đó là: Thể hưng phấn, thể ức chế, thể suy nhược và thể Hit-tê-ri-a. Căn bệnh của bị cáo theo dự đoán của chúng tôi nó nằm ở thể hưng phấn. Tôi xin dẫn ra đây định nghĩa của Y học về thể bệnh này “Người bị mắc bệnh tâm thần theo thể hưng phấn là người thường có tính tình cộc cằn dễ bị kích thích, cảm xúc, rất dễ nổi cơn giận dữ. Trong trạng thái này người bệnh phát sinh những bản tính độc ác, mãnh liệt, không thích hợp chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt, lúc này người bệnh không chỉ quát tháo, chửi mắng thậm tệ và sỉ nhục mọi điều với những người xung quanh mà còn chuyển ngay sang hành động tấn công như quăng lọ mực, vung ghế, đâm chém ….v…v…Sau cơn bệnh người bệnh có thể đánh giá được chuyện mình làm, vô cùng khổ sở vì hành vi của mình. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau thì lại có cơn bùng nổ khác và những lý do mới cũng không có gì đáng kể…”

Những điều trên đây là do tôi trích dẩn từ trang 258 của cuốn sách tâm thần học mà tác giả là 4 nhà tâm thần học nổi tiếng của Liên Xô là Kếch-Cốp, COOT-KINA, NAL GIA NỐP và NHE –GIƠ – NHÉP – KY do nhà xuất bản y học của ta dịch và xuất bản năm 1975.

Kính thưa Hội đồng xét xử: Đối chiếu với các hành vi của bị cáo tôi thấy nó giống y chang những điều mà tôi vừa dẫn ở sách trên. Từ những suy nghĩ đó tôi có nhận định rất có thể bị cáo Vân trước và trong khi gây án đã trãi qua một cơn sốc của bệng tâm thần, căn bệnh này nếu không phát sinh sau khi bị cáo té xe, thì nó cũng âm ỉ trong cơ thể bị cáo do có sự di truyền mà y học gọi là gien. Sỡ dĩ chúng tôi đưa ra điều này là vì trong quá trình điều tra chúng tôi được biết trong gia đình bị cáo ở thế hệ trước có ít ra là hai người bị bệnh này. Đó là bà cô của bị cáo là cô Sáu Hạnh năm nay 71 tuổi( thời trẻ bị khùng mấy năm trời) đó là bác thứ tư của bị cáo ông Huỳnh văn Thọ cũng có thời mắc bệnh trên. Sỡ dĩ tôi phải dẫn ra như thế vì theo thuyết của Phờ- Rớt nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo thì bệnh tâm thần còn có một nguyên nhân là do di truyền.

Kính thưa Hội đồng xét xử: Như vậy là tôi đã trình bày với Hội đồng xét xử  về nguyên nhân thứ nhất khiến bị cáo gây án là do mắc bệnh tâm thần mà trong công tác xét xử được coi như là một tình tiết giảm nhẹ quan trọng. Đó là chưa nói đến việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi mà ngành pháp y làm rõ căn bệnh của bị cáo.

Tôi xin trình bày sang nguyên nhân thứ hai. Đó là bị cáo bị sự kích động -tin thần quá mạnh từ phía nạn nhân: 

–    Kính thưa Hội đồng xét xử: Như trên tôi đã trình bày bị cáo mắc bệnh tâm thần phân liệt loại nhân cách bệnh, thể hưng phấn. Căn bệnh này bình thường như con rắn hổ nằm ngủ mà thôi. Con rắn độc ấy chỉ thức dậy khi có sự chọc giận, sự kích động từ phía bên ngoài. Vậy sự kích động, chọc giận ở đây là gì. Chẳng cần nói thì Hội đồng xét xử và bà con cũng đã rõ. Đó là những lời nói và cử chỉ của bà chủ quán Nguyên. Sự kích động này tôi nghĩ phải phân tích cặn kẽ mới thấy hết vai trò của nó.Theo tôi thì nó có 2 giai đoạn hay nói đúng hơn là có hai ngòi nổ khác nhau.

–         Ngòi nổ thứ nhất là: việc bị cáo không thiếu nợ mà lại bị đòi nợ.Thông thường ở đời mình thiếu nợ người khác bị người ta đòi nợ còn buồn còn tức, huống chi không nợ mà lại bị đòi nợ. Đã vậy cái nợ ấy còn bị thiên hạ cho là nợ bê tha điếm nhục: nợ tiền nhậu, nợ tiền uống bia ôm, nợ tiền chơi gái, những cái nợ này ai mắc vào nói ra cũng xấu hổ- huống chi lại bị đến đòi nợ. Đây lại là nợ khống. Không bất bình sao được! Không giận dữ sao được! Người thường còn thế huống gì người có tiềm ẩn tâm thần. Con rắn hổ trong người bị cáo ngóc đầu dậy là vậy. Kính mong Hội đồng xét xử lưu ý tình tiết tế nhị này. Ở đây trong hồ sơ ở bút lục 33,35,39 theo lời khai của các nhân chứng khẳng định bị cáo không thiếu tiền, nhân chứng tên Tùng có vợ là Loan là người nhà của chủ quán nhậu (chị Loan đã chết) cũng khẳng định như thế.

–         Ngòi nổ thứ hai là những lời lẽ lăng mạ quá đáng của bà chủ quán Nguyên. Về việc này để tránh việc bà chủ quán có thể sẽ phủ nhận thì tôi đành phải dẫn ra chính lời khai của bà trong bút lục số 29. Tại bút lục này bà chủ quán đã thừa nhận bà đã chửi Vân rằng: Mày uống …sao mà đểu thế”. Tôi không dám nhắc lại mấy chữ thô tục vì khi nói ra sẽ là khiếm nhã giảm vẻ trang nghiêm vốn có của phòng xử án.

–         Rồi chẳng riêng gì bà chủ quán, các nhân chứng đều chung một ý kiến thừa nhận như thế. Tại bút lục số 41 anh Lê Văn Thiệu khai: “Chị hai Điền dùng lời lẽ thiếu văn hoá để nói xấu Vân, nhục mạ Vân khi cơ quan đang trong giờ làm việc”, “Khi trở ra chị hai Điền vẫn đứng ngoài chửi thô tục” rồi nào là “Tôi kéo chị hai Điền về chị không về mà quay lại chửi lần hai với lời lẽ thô tục hơn”. Hôm vừa rồi gặp anh Thiệu tôi có hỏi chị Hai Điền chửi thô tục là chửi như thế nào? Anh cười trả lời: “Nói thế là đủ …nhắc lại là thêm một lần thiếu văn hoá…” Tôi thầm nghĩ nhắc lại câu nói đó cho người khác nghe mà người ta còn ngại miệng, huống chi một người thần kinh, đã bị đòi nợ khống mà lại còn bị trút lên như đạn bắn, như mưa bão, với những lời như thế thử hỏi làm sao bị cáo chịu cho nổi?

–         Kính thưa Hội đồng xét xử: Như vậy ở phần này tôi muốn trình bày rằng bị cáo gây án là do bị kích động tinh thần quá mạnh về phía nạn nhân. Qua phần lý giải trên có thể đi đến hệ quả sau: Rằng chiều hôm đó nếu không có chuyện bà chủ quán chuyên đòi nợ khống, không có những lời thô tục nặng nề thì dứt khoát vụ án sẽ không xảy ra. Song ở đây cũng có điều cần phải lý giải ấy là tại sao bị cáo lại đang tâm nổ súng vào bốn người trong lúc chỉ có bà chủ quán mới là người gây nên cơn lốc tâm lý cho bị cáo, như tôi đã phân tích ở trên, những  người bị mắc bệnh tâm thần thể hưng phấn thì chỉ cần những lý do rất nhỏ nhặt họ cũng đã có những phản ứng rất mãnh liệt. Lý do nhỏ nhặt theo tôi là cô Loan đã có nói gì đó làm bị cáo tưởng là anh ta bị cản trở công việc, là ở chổ cô Thuyết vừa là kế toán ghi sổ nợ vừa trực tiếp sang đòi tiền bị cáo, là ở chổ cô Quyên, ông Trường có cử chỉ này hoặc lời nói nọ làm cho bị cáo trong cơn điên loạn đã hiểu lầm.

–         Kính thưa Hội đồng xét xử: Như vậy là tôi đã trình bày với Hội đồng xét xử hai nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp của bị cáo, rất may mắn là hai nguyên nhân này là hai tình tiết giảm nhẹ trong điều 38 của bộ luật Hình Sự, tại khoản b: bị kích động tinh thần; tại khoản e: người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình – tức là chứng bệnh tâm thần mà tôi vừa nêu trên.

–         Ngoài hai tình tiết đáng được xem xét giảm nhẹ nêu trên, trong vụ án này tôi thấy bị cáo còn có hai tình tiết nữa cũng rất đáng được xếp vào các tình tiết giảm nhẹ. Đó là việc ngay sau khi gây án xong bị cáo đã xách súng lên đồn công an đầu thú. Điều này phù hợp điều 38 điểm H; Đó là việc bị cáo phạm tội lần đầu, trước đó bản thân bị cáo là người tốt, là Đảng viên Đảng Cộng Sản, là phó trưởng phòng ….điều này được ghi nhận trong khoản D điều 38.

–         Như vậy là nếu được Hội đồng xét xử chấp thuận thì ở vụ án này bị cáo có tới bốn tình tiết đáng được giảm nhẹ theo điều 38.

–         Kính thưa Hội đồng xét xử: Ở đây lại phải nói thêm một tình tiết nữa. Vì nếu không phân tích ra lại dễ bị coi là tình tiết tăng nặng: đó là việc bị cáo có uống rượu bia trước khi gây án. Cụ thể là trong khi gây án bị cáo có còn ở trong tình trạng say rượu hay không? Ở đây rất tiếc là khi bị cáo đầu thú, các cơ quan chức năng ngay lúc đó đã không khám nghiệm xem hàm lượng rượu trong máu bị cáo có còn hay không? Theo tôi lúc này bị cáo không còn trong cơn say rượu nữa. Vì một là thực tế thời gian từ lúc bị cáo uống rượu từ lúc 12 giờ trưa gì đó đến lúc gây án đã là 4 tiếng đồng hồ rồi. Đó là thời gian đủ cho người uống rượu giã rượu. Hai là lượng rượu bị cáo uống không nhiều, đâu như ba người mà có 5 xị. Ba là uống rượu về bị cáo vẫn còn trong tình trạng tĩnh táo. Bằng chứng là chị Mai giục bị cáo đi ngủ thì bị cáo không ngủ và bảo lên xem anh em đánh cờ. Xem đánh cờ mà không đủ tỉnh táo thì làm sao ngồi xem nổi. Vả lại  cũng còn điều này nữa, nếu đang ở trong tình trạng say rượu thì không bao giờ bị cáo lại tỉnh lại nhanh, để dừng tội ác và đi đầu thú ngay như thế được.

–         Kính thưa Hội đồng xét xử- Nói những điều trên chúng tôi muốn thưa rằng nên loại trừ khả năng gây án vì bị say rượu. Song đến đây lại có một vấn đề cần đưa ra là giả sử bữa đó trong khi gây án bị cáo còn trong tình trạng say rượu thì đây cũng không là tình tiết tăng nặng đối với một người bị thần kinh. Theo các tài liệu chuyên môn về y học  thì việc uống rượu đối với bệnh nhân tâm thần lại là một nhu cầu bệnh lý. Bệnh lý này cũng lại được pháp luật chiếu cố: “ Trạng thái say rượu thông thường thì không loại trừ chịu trách nhiệm hình sự nhưng trong trạng thái say rượu bệnh lý là một bệnh loạn thần kinh cấp tính ngắn hạn thì loại trừ năng lực chịu trách nhiệm…”

–         Vì vậy vấn đề đặt ra là cần phải xác minh xem bị cáo có bị bệnh thần kinh hay không, nếu có thì việc uống rượu của bị cáo được xem là tình tiết giảm nhẹ. Song đây là muốn trình bày cho kín nhẽ chớ thực ra tôi vẫn nghĩ rằng khi gây án bị cáo không ở trong tình trạng say rượu.

–         Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa gia đình nạn nhân và các nạn nhân, tôi đã nói quá nhiều để bào chữa cho bị cáo. Tôi vô cùng mong ước những lời nói trên đây của tôi không làm buồn phiền các nạn nhân và gia đình mà hy vọng nó là những lời giải bày, lời phân trần, lời an ủi. Nó giống như khi ta đi ra đường có cục đá chọi trúng đầu ta, ta sẽ nổi cơn giận cao độ nếu biết đó là thằng côn đồ lưu manh. Nhưng ta cũng rất dễ mím môi, nén đau khi ai đó nói với ta rằng: Thằng đó khùng đấy chấp làm gì. Tôi rất mong thấy thái độ đó của Hội đồng xét xử và gia đình nạn nhân và các nạn nhân ở vào trường hợp thứ hai.

–         Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa vị đại diện Viện Kiểm Sát, thưa gia đình nạn nhân và các nạn nhân: Việc bị cáo cùng lúc bắn chết 3 người và làm bị thương một người khác là một tội ác, một việc làm gây tác hại hết sức nghiêm trọng. Bị cáo phải chịu một mức án nghiêm khắc là đúng với hành vi của anh ta. Song ở đây chỉ có điều mức án nghiêm khắc đến mức nào? Việc làm này trong chờ hoàn toàn vào sự công minh của pháp luật, của Hội đồng xét xử. Chúng tôi chỉ có mong muốn Hội đồng xét xử xem xét kỹ lại nguyên nhân gây án của bị cáo trong đó có chứng bệnh tâm thần của anh ta. Trong vụ án này tôi nghĩ không chỉ có gia đình nạn nhân và các nạn nhân đau đớn mà bản thân bị cáo cũng đau đớn không kém. Thật tội nghiệp cho bị cáo, chỉ trong buổi chiều oan nghiệt đó, trước khi xảy ra vụ xô xát khoảng vài phút đồng hồ bị cáo đâu có ngờ rằng chỉ ít phút nữa anh sẽ nhúng tay vào máu, sẽ giết người, chỉ một lát nữa thôi anh sẽ giã từ gia đình, từ giã người vợ mới cưới được một năm trời và đứa con mới đẻ cùng bạn bè thân yêu để bước vào trại giam, cách ly hoàn toàn với cuộc sống đẹp đẽ bên ngoài. Tôi nghĩ bị cáo hoàn toàn không biết trước việc làm của mình nếu không anh đã từ giã vợ con trước rồi mới gây án chứ đâu đến nỗi gây án xong, trước khi ra tự thú anh còn lộn trở về nhà mình với hi vọng được hôn lần cuối và nói lời từ biệt với đứa con thân yêu của anh vừa mới ra đời được 5 tháng. Rõ ràng bị cáo đâu có chuẩn bị trước.

–         Ôi, nếu bà chủ quán NGUYÊN hôm ấy đừng có như thế thì đâu đến nỗi anh ta hôm nay phải đứng trước vành móng ngựa. Chính là vì có sự đột biến, sự không cố ý như thế nên tôi dám cam đoan chắc rằng hôm nay tòa án của luật pháp mới xử án anh nhưng tòa án lương tâm cũng đã xử anh ta hằng ngày, hằng giờ từ 7, 8 tháng nay rồi. Vì thế lời cuối cùng tôi mong muốn trước khi kết thúc phần phát biểu bào chữa là một lần nữa tôi tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử hãy chấp nhận ý kiến khi chúng tôi cho rằng bị cáo trước và trong khi gây án là có mắc bệnh tâm thần ở dạng nhân – cách bệnh, thể hưng – phấn. và trên cơ sở đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận 4 tình tiết giảm nhẹ theo điều 38 của Bộ luật hình sự mà chúng tôi đã đưa ra.

–         Như vậy nếu lời khẩn cầu của chúng tôi được chấp nhận thì chắc chắn bị cáo sẽ được hưởng mức án vừa phải trong cái khung hình phạt rất dài rất rộng được quy định tại khoản 1 điều 101. Vì ở khoản 3 ở điều 38, bộ luật cũng đã ghi rất rõ ràng: “Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định”. Đó là về lý, còn về tình thì bây giờ dù bị cáo có phải chết tới 10 lần cũng không cứu được mạng sống cho những người vốn không thù oán gì với bị cáo mà bị chết một cách oan uổng, những người cho đến bây giờ vẫn không biết tại sao mình phải chết, nó cũng giống như bị cáo cách đây ít lâu còn nói với tôi:”Khi đến cơ quan công an trình diện, nghe nói tôi mới biết rằng mình vừa bắn chết cô QUYÊN”. Tức là những cái chết không được chuẩn bị trước, những cái chết không phải do bị cáo cố tình cố ý tìm mọi cách gây ra.

 Xin cám ơn Hội đồng xét xử.

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

(Bào chữa viên trong đoàn bào chữa tỉnh Kiên Giang)

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai