Bài bào chữa vụ án Bắt giữ người trái phép và cưỡng đoạt tài sản

216

BÀI BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO PHAN CAO TRÍ TRONG VỤ ÁN CÔNG TY TÂN HOÀNG PHÁT CỦA LS. NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG

LGT: “Vụ án Công ty Tân Hoàng Phát ở cấp sơ thẩm cũng như phúc thẩm quan điểm giữa Viện kiểm sát và các luật sư hoàn toàn khác nhau. Bị cáo Phan Cao Trí không oan, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng và Luật sư Nguyễn Văn Hiệp cho rằng các bị cáo không phạm tội.

Tuy Toà Phúc thẩm Toà án Nhân dân tối cao (TANDTC) tại TP.HCM không chấp nhận hoàn toàn ý kiến của LS. Trừng và LS. Hiệp, nhưng đã giảm án đặc biệt cho bị cáo Trí và bị cáo Yến vợ của Trí: Bị cáo Trí từ 12 năm tù giam xuống còn 5 năm tù giam và bị cáo Yến từ 6 năm tù giam xuống còn 3 năm tù treo.

Bản Tin Luật Sư đăng lại nguyên văn bài bào chữa của LS.Trừng và LS. Nguyễn Văn Hiệp để các đồng nghiệp nhất là các đồng nghiệp trẻ tham khảo”.

Kính thưa Quý toà

Phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phan Cao Trí và các bị cáo khác có kháng cáo đã mở ra 2 lần: Lần thứ nhất vào ngày 4- 5/8/2011; Lần này từ ngày 8-12/12/2011.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, bản án sơ thẩm, nghe các người bị hại, nhân chứng khai tại 2 phiên tòa, tôi thấy có mấyvấn đề nổi lên, đề nghị quý tòa xem xét cho bị cáo Phan Cao Trí bị Tòa sơ thẩm xét xử 2 tội: Bắt giữ người trái phép và cưỡng đoạt tài sản”.

I/- Vần đề thứ nhất:

Về mặt pháp lý và thực tế bị cáo Phan Cao Trí có phải là người đứng sau lưng Phan Việt Hậu để điều hành Công ty Tân Hoàng Phát không? Và Phan Cao Trí có phải là người làm chủ các cơ sở massage: Công ty Kim Thu, Công ty Hoàng Thành, Công ty Newstar, Công ty Hoàng Vân III không?

Theo tôi là không.

Tại sao như vậy: Bởi vì từ tháng 6/2008, Phan Cao Trí đã chuyển cho Phan Việt Hậu đứng tên làm người đại diện pháp luật, là giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát, là người quản lý điều hành trực tiếp Công ty Tân Hoàng Phát, bị cáo Trí còn là một thành viên góp vốn.

Công ty Tân Hoàng Phát cũng như các Công ty Kim Thu, Công ty Hoàng Thành, Công ty Newstar, Công ty Hoàng Vân III đều là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.

Theo Luật Doanh nghiệp thì đối với loại hình công ty TNHH thì người quản lý điều hành là các giám đốc, các thành viên góp vốn không thể tham gia quản lý điều hành mà chỉ được hưởng kết quả kinh doanh căn cứ vào tỷ lệ góp vốn mà thôi.

Chính vì không còn giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát nữa nên người ra bản cam kết không phải là Phan Cao Trí mà là Phan Việt Hậu, vì Hậu là giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát, là người quản lý điều hành công ty mới có quyền làm việc này.

Tất cả 4 công ty còn lại đều có giám đốc riêng: giám đốc Công ty Kim Thu- Phan Quốc Cường, giám đốc Công ty Hoàng Thành- Ngô Minh Phương, giám đốc Công ty Newstar- Phan Hoàng Sang, giám đốc Công ty Hoàng Vân III -Nguyễn Phước Thiện.

Chính bị cáo Phan Cao Trí không còn là giám đốc Công ty Tân
Hoàng Phát từ tháng 6/2008 và không phải là giám đốc các công ty trên, nên Phan Cao Trí không thể xử lý kỷ luật ai và không có điều kiện để thực hiện hành vi bắt giữ người trái phép và cưỡng đoạt tài sản.

II/- Vấn đề thứ hai: Thực tế khu nhà ở của các nhân viên massage có phải là một trại giam trá hình để bị cáo Phan Cao Trí thực hiện hành vi bắt giữ người trái phép không?

Theo tôi hoàn toàn không phải. Trong phiên tòa ngày 4-5/8/2011, 2 nhân viênmassage Đinh Thị Ngoan và Lê Thị Loan đã khai rất rõ mà vị đại diện Viện kiểm sát và quý tòa đều nghe: các nhân viên ở đây không mất tự do, được tập thể dục, uống cà phê, ăn sáng, được đi tham quan, tiền do công ty bỏ ra, mỗi năm 1 lần, không ai bị nhốt vào chuồng chó, cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, thực tế thì ở đây cũng không có chuồng chó để nhốt người.

Các nhân viên massage được quý tòa thẩm vấn trong phiên toà ngày 4-5/8/2011 đều khai rằng vợ chồng Phan Cao Trí không đánh đập, ép buộc,bắt giữ hoặc buộc họ phải nộp tiền thế chân khi vế nghỉ phép, số tiềnmà vợ Trí còn giữ là tiền lương tháng cuối cùng Tân Hoàng Phát chưa thanh toán do bị bắt.

Nếu khu ở nhân viên massage là nơi có chuồng chó để nhốt người, là nhà giam trá hình để bắt giữ người trái phép, thì tại sao 2 nhân viên massage Ngoan và Loan làm việc cho Trí sau đó nghỉvề quê một thời gian quay rở lại làm việc cho bị cáo trí. Chứng tỏ ở đây không có việc bắt giữ người trái phép.

Nếu ở đây có việc giữ người trái phép thì 2 nhân viên này đã nghỉ luôn chứ không quay trở lại.

III/- Vấn đề thứ ba:

Cái gọi là tiền thế chân hay là tiền mà viện kiểm sát và tòa sơ thẩm cho là số tiền bị cưỡng đoạt thực chất là tiền gì?

Như bị cáo Trí đã khai tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm: Tiền đó là tiền dạy nghề massage, mua đồng phục và mỹ phẩm trang điểm mà công ty ứng trước cho các nhân viên massage, nếu các nhân viên massage làm việc tại công ty không đủ 6 tháng thì phải trả lại cho công ty là công bằng và phù hợp.

Hiện nay một số nhân viên massage tiền lương tháng cuối công ty chưa trả cho họ vì lúc đó vụ án xảy ra, không có điều kiện trả lại, chứ không phải vợ chồng Trí chiếm đoạt.

Từ những nội dung tôi đã trình bày trên, tôi cho rằng có đủ cơ sở thực tế và pháp lý để xác định bị cáo Trí không phạm tội.

Quan điểm pháp lý

Bào chữa cho bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường và Phan Thị Yến, về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” tại phiên tòa phúc thẩm, do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử ngày 8, 9 và 12/12/2011.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Kính thưa Vị đại diện Viện kiểm sát,

Tôi Luật sư Nguyễn Văn Hiệp, Văn phòng Luật sư Bảo Anh, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM.

Là người bào chữa cho các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường Và Phan Thị Yến.

Bào chữa cho bị cáo Phan Cao Trí còn có Luật sư Nguyễn Đăng Trừng cùng tham gia bào chữa.

Tôi xin trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo với nội dung, như sau:

+ Tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 30/2011/HSST ngày 27.1.2011 của TAND Hồ Chí Minh tuyên xử:

Áp dụng điểm a, d, đ khoản 2 Điều 123 và điểm a,d khoản 2 Điều 135, Điều 50 Bộ luật hình sự.

– Xử phạt: Phan Cao Trí 05 (năm) năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và 07 (bảy) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp, buộc Phan Cao Trí phải thụ hình chung cả 02 tội là 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 08.12.2008.

– Xử phạt Phan Việt Hậu 04 (bốn) năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và 06 (sáu) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp, buộc Phan Việt Hậu phải thụ hình chung cả 02 tội là 10 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 08.12.2008.

Áp dụng điểm a, d, đ khoản 2 Điều 123 và điểm a khoản 2 Điều 135, Điều 50 Bộ luật hình sự.

– Xử phạt: Phan Quốc Cường 04 (bốn) năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và 05 (năm) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp, buộc Phan Cuốc Cường phải thụ hình chung cả 02 tội là 9 (chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 09.12.2008.

Áp dụng điểm a, d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự

– Xử phạt: Phan Thị Yến 06 (sáu) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên buộc Phan Cao Trí và Phan Thị Yến bồi thường và trả lại cho các người bị hại 230.900.000 đồng và 03 chỉ vàng 18K…

Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo có đơn kháng cáo:

1. Ngày 30.1.2011 bị cáo Phan Cao Trí có đơn kháng cáo kêu oan. Bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Bị cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh và hình phạt.

2. Ngày 28.1.2011, bị cáo Phan Việt Hậu có đơn kháng cáo kêu oan, bị cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh và hình phạt.

3. Ngày 28.1.2011, bị cáo Phan Quốc Cường kháng cáo kêu oan. Bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Bị cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh và hình phạt.

4. Ngày 29.1.2011, bị cáo Phan Thị Yến kháng cáo kêu oan. Bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan.

Các bị cáo trình bày thừa nhận một số việc làm của mình trong công ty. Nhưng cho rằng việc làm đó không phải là hành vi phạm tội, mà đó là những việc làm bình thường để quản lý công ty. Việc cho nhân viên công ty ở trọ trong nhà riêng của các bị cáo là do các nhân viên có nhà xa nên xin ở trọ. Do ở tập thể đông người, nên nhà trọ phải có nội quy và các nhân viên phải chấp hành nội quy này. Các bị cáo không có bắt giữ họ như án sơ thẩm đã quy kết. Việc thu lại tiền đào tạo tay nghề, trang phục, son phấn mà công ty đã ứng trước cho các nhân viên khi nhân viên nghỉ việc. Đây là thực hiện theo bản thỏa thuận và cam kết giữa nhân viên với công ty. (Nhân viên sau khi được đào tạo tay nghề nếu nghỉ việc trước 06 tháng hoặc bỏ việc ngang, thì phải nộp lại số tiền đào tạo, son phấn, trang phục mà công ty đã ứng ra trước. Việc làm này của các bị cáo là nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty. Chứ không phải bắt giữ người trái pháp luật hay cưỡng đoạt tài sản của nhân viên, như cáo trạng và án sơ thẩm đã quy kết

Các bị cáo không thừa nhận có phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Các bị cáo đều kêu oan.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng vừa trình bày quan điểm, bào chữa cho bị cáo Phan Cao Trí, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm bào chữa của Luật sư Trừng.

Sau đây, tôi xin trình bày quan điểm bào chữa bổ sung cho bị cáo Phan Cao Trí, đồng thời trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường Và Phan Thị Yến, với nội dung như sau:

+ Về hình thức: Các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường Và Phan Thị Yến làm đơn kháng cáo trong hạn luật định. Kính đề nghị HĐXX xét chấp nhận các đơn kháng cáo của bị cáo là hợp lệ.

+ Về nội dung:

1/ – Tại bản kết luận điều tra số 3125/KLĐT-PC14 (Đ8) ngày 08.12.2009 kết luận đề nghị truy tố đối với các bị cáo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” gồm 02 trường hợp đối với nhân viên Nguyễn Thị Thảo và nhân viên Trần Ngọc Tình. Đề nghị truy tố các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với 26 trường hợp của 26 nhân viên.

– Tại Bản Cáo trạng số 92/CT-1A ngày 09.4.2010 của VKS nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, thì cáo trang truy tố các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường Và Phan Thị Yến phạm hai tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” là trên cơ sở cáo trạng quy kết các bị cáo có hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản của 09 (chín) người bị hại là: Trần Ngọc Tình, Thạch Thị Lin Đa, Đặng Thị Huyền Trân, Lê Thị Mỹ Nương, Hà Thị Huyền, Phạm Thị Út Nhì, Nguyễn Thị Thùy Trang, Phạm Thị Huỳnh Nga và Nguyễn Thị Thúy Hằng.

Cáo trạng còn nêu rõ: “Những trường hợp còn lại, các bị can không thừa nhận. Cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ, nhưng không đủ cơ sở kết luận hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản theo đơn tố cáo”. (Trang 8 của Cáo trạng)

Mặc dù Cáo trạng chỉ truy tố các bị cáo có hành vi phạm tội đối với 09 trường hợp của 09 người bị hại như nêu trên và khẳng định các trường hợp còn lại không đủ sơ sở kết luận có hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhưng án sơ thẩm lại quy kết và xét xử các Bị cáo phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” đối với hành vi phạm tội bắt giữ 93 trường hợp của 93 người bị hại và tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với hành vi chiếm đoạt tài sản 09 trường hợp của 09 người bị hại.

Căn cứ điều 196 Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định về “Giới hạn việc xét xử”: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.”

Căn cứ quy định của BLTTHS nêu trên, chúng tôi thấy Aùn sơ thẩm đã xét xử vượt quá giới hạn xét xử, vi phạm điều 196 BLTTHS, gây thiệt hại quyền lợi cho các bị cáo. Chúng tôi kính đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này, chỉ xét xử các bị cáo về hành vi phạm tội đối với 09 trường hợp của 09 người bị hại như Cáo trạng VKS đã truy tố.

2/ Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường và Phan Thị Yến đều khai: Các bị cáo bị cán bộ điều tra dùng nhục hình, mớm cung, ép cung, như: đánh bị cáo, chích roi điện vào người bị cáo, ghi lời khai buộc các bị cáo khai theo sự hướng dẫn của cán bộ điều tra. Vì quá sợ nên các bị cáo phải khai nhận theo sự hướng dẫn của cán bộ điều tra. Sau đó các bị cáo phản cung khai lại không nhận tội.

Các bị cáo cho rằng lời khai trong thời gian đầu lúc bị nhục hình, ép cung là không đúng sự thật, mà lời khai phản cung sau này mới là lời khai trung thực của các bị cáo.

Chúng tôi thấy rằng việc nhục hình, mớm cung, ép cung của cơ quan điều tra do các bị cáo khai nêu trên, tuy chưa có kết luận của cơ quan điều tra về vấn đề này. Chúng tôi cũng chưa có căn cứ để xác định được vấn đề nhục hình, mớm cung, ép cung của cán bộ điều tra như các bị cáo khai là có thật, hay không?

Nhưng dù sao, chúng tôi cho rằng đây cũng là sự phản ảnh của các bị cáo trong quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan điều tra. Chúng tôi kính đề nghị HĐXX xem xét để đánh giá lại lời khai của các bị cáo, lời khai nào là trung thực, chính xác, phù hợp với các chứng cứ khác, để có một phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Kính thưa HĐXX,

Aùn sơ thẩm quy kết các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Riêng Phan Thị Yến phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trên cơ sở cho rằng các bị cáo đề ra các quy định để ràng buộc nhân viên công ty bằng Bản thỏa thuận và Bản cam kết trái pháp luật để bắt giữ và chiếm đoạt tài sản của các nhân viên công ty.

Về vấn đề này tại các lời khai phản cung và lời khai tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều không thừa nhận.

Qua xem xét Bản thỏa thuận và Bản cam kết do Cơ sở Tân Hoàng Phát ký kết với các nhân viên công ty, chúng tôi thấy đây là Bản thỏa thuận và cam kết có điều kiện, cụ thể là:

– Khi vào làm việc, cơ sở Tân Hoàng Phát phải bỏ chi phí đào tạo tay nghề, lo chỗ ở, trang phục, phấn son và chi phí đi lại cho các nhân viên.

– Khi học nghề xong các nhân viên phải làm việc cho công ty trong một thời gian nhất định. Nếu làm việc chưa được 06 tháng mà nghỉ việc, hoặc nghỉ việc ngang, thì phải trả tiền học nghề 15 triệu đồng, trả tiền ăn ơ,û trang phục, phấn son, chi phí đi lại 09 triệu đồng. Tổng cộng 24 triệu đồng.

Chúng tôi thấy Bản thỏa thuận và Cam kết này là do các Nhân viên và Công ty Tân Hoàng Phát tự thỏa thuận ký kết và cam kết thực hiện, phù hợp với những điều khoản quy định trong Bộ luật lao động. Điều 24 khoản 3 Bộ luật lao động quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp nhận người vào học nghề để sử dụng thì hợp đồng học nghề phải có cam kết về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp và phải đảm bảo ký kết hợp đồng lao động sau khi học xong, nếu không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí dạy nghề.”

Thực tế thực hiện Bản thỏa thuận và cam kết này, Công ty Tân Hoàng Phát do các bị cáo phụ trách đã làm đầy đủ nghĩa vụ, như: bố trí chỗ ăn ở cho các nhân viên (nhân viên ở xa cần chổ ở), bỏ chi phí hợp đồng với trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai thuê thầy giáo đến cơ sở Tân Hoàng Phát để đào tạo nghề xoa bóp cho các nhân viên và cho các nhân viên là Tổ trưởng chỉ dạy thêm cách xoa bóp cho các nhân viên mới. Đồng thời cấp trang phục, son phấn và chi phí đi lại cho các nhân viên.

Về chổ ở, các nhân viên hầu hết ở các tỉnh xa đến xin việc làm, không có chổ ở, nên họ xin vào ở tại nhà của Công ty Tân Hoàng Phát và đồng ý thực hiện theo Bản thỏa thuận và cam kết mà hai bên đã ký kết.

Vì là nhà ở tập thể nhiều người (trên 65 người) nên Công ty Tân hoàng Phát phải có nội quy, có bảo vệ, có quy định cụ thể về việc ăn ở nơi nhà trọ, nhằm đảm bảo trật tự an toàn cho nhân viên và bảo vệ tài sản của Công ty. Chúng tôi thấy việc Công ty Tân Hoàng Phát ra nội quy quy định về trật tự an toàn nơi chỗ ở của các nhân viên là một việc làm bình thường, không có dấu hiệu “bắt giữ người trái pháp luật” như án sơ thẩm đã quy kết.

Qua xem xét các Đơn tường trình của các nhân chứng là nhân viên của Tân Hoàng Phát, cũng là người ở trọ tại nhà của Công ty Tân Hoàng Phát, họ làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát với thời gian dài. Các nhân viên này đã khai họ làm việc tại các cơ sở Tân Hoàng Phát đều được tự do đi lại, không bị ai bắt giữ, mỗi buổi sáng các nhân viên được tự do tập thể dục ngoài đường phố, không ai canh giữ, họ tự do đi ăn sáng, uống cà phê ở các tiệm cà phê bên ngoài. Hằng năm các nhân viên được nghỉ phép, được công ty tổ chức cho đi tham quan du lịch ở các tỉnh. Mỗi năm công ty đều có tổ chức phát thưởng và tổ chức sinh nhật cho nhân viên… nói chung toàn bộ nhân viên công ty Tân Hoàng Phát được sinh hoạt tự do, những người quản lý công ty không có bắt giữ và cưỡng đoạt tài sản của nhân viên, như cáo trạng và án sơ thẩm đã quy kết.

Chứng cứ chứng minh vấn đề này là:

– 42 đơn trường trình của nhân viên Công ty Tân Hoàng Phát khai trình về việc các nhân viên làm việc tại công ty đều được đi lại tự do và không bị ai bắt giữ hoặc cưỡng đoạt tài sản.

– 24 hộ dân ở khu phố 3, 4 phường Linh Chiểu, Quận Thủ Đức, ở bên cạnh khu nhà ở của nhân viên Tân Hoàng Phát xác nhận: Hàng ngày thấy nhân viên ở trọ tại khu tập thể Tân Hoàng Phát đi tập thể dục ở đường phố và uống cà phê ở các tiệm gần nhà trọ, không thấy ai canh giữ.

– Giấy xác nhận và hợp đồng thuê xe của Công ty dịch vụ lữ hành Sài Gòn Tourist và Trạm điều hành xe du lịch Út Em xác nhận: hàng năm cơ sở Tân Hoàng Phát thuê xe chở nhân viên công ty đi du lịch các tỉnh.

– Tập hình ảnh ghi hình các nhân viên Tân Hoàng Phát đi du lịch , tổ chức phát thưởng và sinh nhật…

– 59 đơn của các nhân viên Tân Hoàng Phát xin ở lại làm việc trong dịp Tết Nguyên đán để được thưởng và tăng thu nhập.

Những chứng cứ nêu trên đã chứng minh nhân viên Tân Hoàng Phát được tự do đi lại không có dấu hiệu bị bắt giữ như cáo trạng và án sơ thẩm đã quy kết. Thực tế mỗi nữ nhân viên xoa bóp của Công ty Tân Hoàng Phát thu nhập hàng tháng từ 7 đến 10 triệu đồng, có nhân viên được lãnh đến 15 triệu đồng. Cho nên họ rất cần ở lại làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát để tăng thêm thu nhập. Chứ hoàn toàn Công ty Tân Hoàng Phát không bắt giữ hay cưỡng đoạt tài sản của nhân viên như Cáo trạng và Aùn sơ thẩm đã quy kết

Ngoài ra, qua xem xét các tài liệu trong hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy Công ty Tân Hoàng Phát, Kim Thu, Hoàng Thành, New Star, và Hoàng Vân III do các bị cáo quản lý, đều có giấy phép kinh doanh do cơ quan chức năng cấp phép hoạt động hợp pháp. Các nhân viên làm việc tại các Công ty của Tân Hoàng Phát đều có ký hợp đồng lao động.

Do đặc thù của các cơ sở xoa bóp nêu trên, là một tổ chức xoa bóp phục hồi sức khỏe cho khách hàng, là hoạt động có tính chất nhạy cảm, nên các cơ sở phải đề ra nội quy chặt chẽ để đảm bảo hoạt động không vi phạm pháp luật, như: mại dâm, và nhiều tệ nạn khác. Thực tế, Công ty Tân Hoàng Phát khi phát hiện 03 trường hợp mãi dâm của nhân viên đã xử lý kỷ luật nghiêm khắc và buộc thôi việc. Theo chúng tôi, đây là những quy định có tính chất bắt buộc để đảm bảo sự hoạt động hợp pháp của Công ty, không phải là hành vi vi phạm pháp luật là “Bắt giữ người trái pháp luật” hay “Cưỡng đoạt tài sản” như Cáo trạng và Aùn sơ thẩm đã quy kết.

Tóm lại, về Bản thỏa thuận và Bản cam kết do Công ty Tân Hoàng Phát đặt ra và ký kết với các nhân viên công ty, là sự thỏa thuận có điều kiện đảm bảo quyền lợi của đôi bên, phù hợp theo quy định của điều 24 khoản 3 Bộ luật lao động. Nên mọi sự vi phạm các bản thỏa thuận và cam kết này, các bị cáo phụ trách Công ty Tân Hoàng Phát xử lý theo nội dung thỏa thuận là không có gì trái với thỏa thuận mà hai bên đã ký kết và cũng không trái với pháp luật.

Aùn sơ thẩm cho rằng các bị cáo xử lý sự vi phạm của các nhân viên theo Bản thỏa thuận và Bản cam kết là trái pháp luật, để kết tội các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường và Phan Thị Yến “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”, theo chúng tôi là không đúng pháp luật. Các bị cáo kêu oan là có căn cứ.

Đối với 93 trường hợp vi phạm mà án sơ thẩm đã quy kết các bị cáo phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” như chúng tôi đã trình bày phần trên đây là án sơ thẩm đã xét xử “vượt quá giới hạn xét xử”. Chúng tôi kính đề nghị HĐXX chỉ xem xét có 09 trường hợp vi phạm như cáo trạng đã truy tố.

Sau đây chúng tôi xin trình bày cụ thể 09 trường hợp mà Cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo, như sau:

1/ Đối với Trần Ngọc Tình:

Trần Ngọc Tình vào làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát từ tháng 12/2007. Sau khi học nghề xoa bóp xong thì được bố trí làm việc tại cơ sở Hoàng Thành. Đến tháng 09/2008, Tình điện thoại cho mẹ là bà Đặng Thị Bé Ba lên xin cho Tình nghỉ việc. Nguyễn Minh Phương là người quản lý cơ sở này, yêu cầu Tình viết đơn xin nghỉ rồi từ từ cơ sở sẽ giải quyết. Nhưng do mẹ của Tình và Tình có ý định nghỉ ngay, nên tổ chức cho Tình uống thuốc giảm đau để Tình bị nôn ói và xin đi khám bệnh để nhằm bỏ trốn và nghỉ việc. Khi Tình bị nôn, ói mửa, Nguyễn Hoài Nhanh là phó quản lý đưa Tình đến bệnh viện Hoàn Hảo (ở Dĩ An, Bình Dương) để trị bệnh.

Nhưng khi Tình vào khám bệnh tại bệnh viện thì gia đình của Tình tự ý tổ chức người đưa Tình bỏ trốn, bị cáo Nhanh thấy vậy tưởng có người bắt Tình, nên điện thoại cho các nhân viên công ty và Phan Việt Hậu chở Tình về cơ sở Tân Hoàng Phát.

Hậu đã khai Nhanh chỉ điện thoại báo Hậu đến bệnh viện Hoàn Hảo chở Tình đi khám bệnh về, chứ không có nói là Tình bỏ trốn. Vì lúc đó tài xế đi vắng nên Hậu lái xe đến bệnh viện chở Tình về nhà trọ của Tình. Hậu không thừa nhận có việc tham gia bắt giữ Tình như án sơ thẩm đã quy kết.

Chúng tôi nhận thấy: Do Tình bị bệnh, bị cáo Nhanh hoàn toàn không biết Tình và gia đình tổ chức cho Tình bỏ trốn. Nên khi thấy Tình bị một số người bắt, bị cáo Nhanh và một số người trong Công ty cho rằng Tình bị người khác bắt đi, nên kêu người của công ty đến giải thoát và đưa Tình về nơi nhà trọ của Tình. Hậu là người chỉ đưa xe đến chở Tình từ bệnh viện về nhà trọ, chứ Hậu hoàn toàn không biết Tình trốn thoát để đưa xe đến bắt giữ như án sơ thẩm đã quy kết. Còn Phan Cao Trí hoàn toàn không có tham gia trong việc bắt giữ Tình. Chúng tôi thấy án sơ thẩm quy kết bị cáo Trí và Hậu tham gia trong việc bắt giữ Trần Ngọc Tình, để quy kết Hậu và Trí phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” là không đúng.

Sau đó, gia đình Tình đến xin cho Tình nghỉ việc. Bị cáo Hậu giải quyết cho Tình nghỉ việc và yêu cầu Tình nộp số tiền 24 triệu đồng (tiền dạy nghề, trang phục, son phấn) theo Bản thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Theo chúng tôi đây là việc thực hiện hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận, không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Aùn sơ thẩm xử các bị cáo Trí và Hậu phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” về hành vi này là không đúng pháp luật. (Tại phiên tòa phúc thẩm Trí và Hậu cũng không thừa nhận có nhận 24 triệu đồng của Tình.)

2/ Thạch Thị Lin Đa:

Lin Đa vào làm việc tại cơ sở massage Kim Thu từ 12/2003, sau đó chuyển sang làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát. Đến tháng 11/2007, Lin Đa cho khách quan hệ tình dục có thai nên bị Phan Cao Trí xử lý kỷ luật, tịch thu nữ trang và phạt 20 triệu đồng, và cho Lin Đa nghỉ việc.

Chúng tôi thấy Thạch Thị Lin Đa thực hiện viện mãi dâm trong cơ sở massage là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm bản thỏa thuận và cam kết giữa Lin Đa với công ty. Phan Cao Trí xử lý kỷ luật Lin Đa là thực hiện theo đúng thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Phan Cao Trí và Phan Thị Yến không thừa nhận việc thu nữ trang và tiền của Thạch Thị Lin Đa. Thạch Thị Lin Đa đã bị công ty buộc nghỉ việc về quê từ lâu. Khi nghe tin Công ty Tân Hoàng Phát bị bắt và cơ quan công an mời Lin Đa lên làm việc. Lin Đa muốn lấy lại số tiền 25 triệu đồng, nên khai báo Phan Cao Trí và Phan Thị Yến cưỡng đoạt tài sản của Lin Đa.

Nhưng sau đó ngày 29.5.2011, Thạch Thị Lin Đa đã làm đơn trình bày sự thật là Phan Cao Trí và Phan Thị Yến không có cưỡng đoạt tài sản của Thạch Thị Lin Đa. Chúng tôi thấy án sơ thẩm quy kết Phan Cao Trí và Phan Thị Yến phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” đối với hành vi các bị cáo xử lý kỷ luật Thạch Thị Lin Đa là không đúng pháp luật.

3/ Đặng Thị Huyền Trân:

Trân làm việc tại cơ sở massage Kim Thu từ tháng 3/2007 đến tháng 8/2007, chưa hết thời hạn 6 tháng, ban đêm Trân leo của sổ bỏ trốn bị trượt chân té ngã. (không rõ lý do vì sao mà Trân leo cửa sổ bỏ trốn). Sáng hôm sau bị cáo Phan Quốc Cường cho nhân viên chở Trân đi khám bệnh và mua thuốc uống. Cường kỷ luật Trân bằng cách chuyển công việc cho làm dọn dẹp vệ sinh cơ sở. Sau đó, Cường đồng ý cho Trân nghỉ việc nhưng phải nộp 15 triệu đồng tiền đào tạo tay nghề theo bản cam kết mà hai bên đã ký kết. Cơ sở tính tiền lương của Trân còn lại 1.500.000 đồng nên Trân phải nộp thêm 13.500.000 đồng.

Do lúc ấy nhân viên đi phép nhiều, nên Cường thỏa thuận với Trân, yêu cầu Trân làm việc dọn dẹp vệ sinh thêm 05 ngày nữa, chờ nhân viên nghỉ phép vào đủ rồi Trân về. Trân đồng y,ù nên tiếp tục làm việc thêm 05 ngày nữa và sau đó ra về. Chứ Cường không có bắt giữ Trân 05 ngày như án sơ thẩm quy kết.

Chúng tôi thấy Trân làm việc chưa đủ 06 tháng mà tự ý bỏ trốn , sau đó xin nghỉ việc, nên công ty thực hiện bản thỏa thuận và cam kết buộc Trân phải trả lại số tiền 15.000.000 đồng là tiền đào tạo tay nghề là đúng với thỏa thuận do hai bên đã ký kết. Còn việc Trân ở lại làm việc thêm 05 ngày nữa là do sự thỏa thuận giữa bị cáo Cường với Trân. Chứ không phải Cường bắt giữ Trân ở lại làm việc 05 ngày. Aùn sơ thẩm quy kết Cường phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo chúng tôi là không có căn cứ.

4/ Lê Thị Mỹ Nương:

Nương vào làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát từ tháng 5/2005. Đến tháng 10/2008, Nương xin Hậu nghỉ việc, nhưng Hậu không giải quyết, Nương tiếp tục xin nghỉ việc, Trí không đồng ý, nhưng nói nếu muốn nghỉ việc phải nộp 50 triệu đồng. Nhưng sau đó Yến bớt chỉ thu một nửa số tiền là 25.000.000 đồng. Anh Nguyễn Văn Việt là bạn của Nương đem nộp cho Yến 25 triệu đồng.

Nhưng Phan Cao Trí hoàn toàn phủ nhận lời khai buộc Nương phải nộp 50 triệu đồng. Còn Yến đã hoàn trả 25 triệu đồng cho Nương. Nương có đơn bải nại. Chúng tôi nhận thấy, căn cứ vào Bản thỏa thuận nếu nhân viên tự ý nghỉ việc không có sự đồng ý của người quản lý thì phải bồi thường toàn bộ số tiền mà công ty đã bỏ ra đào tạo, trang phục, son phấn cho nhân viên. Cho nên bị cáo Hậu là người quản lý không đồng ý cho Nương nghỉ việc nhưng Nương cương quyết nghỉ thì phải bồi thường số tiền đào tạo do hai bên đã cam kết thực hiện.

Bị cáo Phan Thị Yến hoàn toàn không thừa nhận cưỡng đoạt số tiền của Lê Thị Mỹ Nương. Bị cáo Yến chỉ thừa nhận bị cáo là người giữ số tiền 25 triệu đồng do Nương nộp nhưng sau đó Yến đã trả số tiền này lại cho Nương, và Nương có làm đơn bãi nại.

Chúng tôi nhận thấy với hành vi trên đây của bị cáo Hậu, b/c Yến là không cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” như án sơ thẩm đã quy kết. Riêng bị cáo Phan Cao Trí không thừa nhận tham gia việc này. Nên án sơ thẩm quy kết Trí phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” là không đúng.

5/ Hà thị Huyền:

Huyền xin vào làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát từ 10/2007 đến tháng 11/2008, chị của Huyền là Hà Thị Lệ xin cho Huyền nghỉ việc. Hậu không đồng ý, nhưng nói nếu Huyền muốn nghỉ việc phải nộp lại tiền đào tạo 15 triệu đồng.

Chị của Huyền đã nộp đủ số tiền 15 triệu đồng cho Hậu. Hậu đưa số tiền này cho Lê Thị Thanh Nhanh (nhân viên lễ tân), Nhanh đưa cho Phan Thị Yến, sau đó Yến trả lại cho Huyền và Huyền có đơn bãi nại.

Bị cáo Hậu không thừa nhận việc thu tiền của Huyền. B/c Yến khai chỉ là người giữ tiền của Huyền nhưng sau đó trả lại chứ không có cưỡng đoạt tài sản của Huyền.

Chúng tôi nhận thấy, án sơ thẩm quy kết Hậu, Trí và Yến “Bắt giữ người trái pháp luật và “Cưỡng đoạt tài sản” của Hà Thị Huyền là không có căn cứ.

6/ Phạm Thị Út Nhì:

Út Nhì xin vào làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát từ tháng 4/2008, Út Nhì chưa làm việc đủ 06 tháng thì xin bị cáo Hậu cho về phép, Hậu yêu cầu nộp lại 15 triệu đồng Hậu cho Út Nhì về phép. Hậu đưa tiền này cho Lê Thị Thanh Nhanh (nhân viên lễ tân). Nhanh đưa tiền này cho Yến giữ. Sau đó Yến đã trả lại cho Út Nhì 15 triệu đồng này và Út Nhì đã có đơn bãi nại.

Trong vụ việc này Phan Cao Trí khai hoàn toàn Trí không có tham gia về việc cho Út Nhì về phép.

Hậu khai do Út Nhì làm chưa đủ 06 tháng, nên Út Nhì xin đi phép phải nộp số tiền đào tạo là 15 triệu đồng theo thỏa thuận và cam kết mà hai bên đã ký kết. Út Nhì đã xin đi phép 02 lần, lần đầu nộp 15 triệu đồng khi Út Nhì trở lại cơ sở làm việc, Hậu đã trả lại số tiền này cho Út Nhì. Lần thứ 2 Út Nhì xin đi phép nộp 15 triệu đồng nhưng không quay trở lại làm việc nên số tiền này bị cáo Phan Thị Yến vẫn còn giữ và sau đó trả lại cho Út Nhì.

Chúng tôi nhận thấy hành vi trên đây của bị cáo Hậu và bị cáo Yến là hoàn toàn không có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản của Út Nhì. Mà việc Út Nhì đi phép gửi lại 15 triệu đồng là thực hiện theo bản thỏa thuận và cam kết do hai bên đã ký kết. Aùn sơ thẩm quy kết Phan Thị Yến và Phan Việt Hậu phạm tội cưỡng đoạt tài sản là không có căn cứ và không đúng pháp luật.

7/ Nguyễn Thị Thùy Trang:

Trang xin vào làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát từ tháng 10/2006, khoảng 3 tháng sau Trang được điều ra làm tại cơ sở Hoàn Vân III. Đến tháng 11/2007, công ty phát hiện Trân có thai do quan hệ mãi dâm với khách. Phan Việt Hậu đưa Trang về cơ sở Tân Hoàng Phát để xử lý kỷ luật, phạt Trang 20 triệu đồng và buộc Trang thôi việc.

Sau khi bị cáo Yến tính toán tiền lương, Trang còn dư 5 triệu đồng nên buộc Trang nộp thêm 15 triệu đồng.

Chúng tôi nhận thấy, Nguyễn Thị Thùy Trang vi phạm nghiêm trọng nội quy của công ty là thực hiện hành vi mãi dâm trong lúc hành nghề massage, nên Trang bị xử lý kỷ luật phạt tiền và buộc thôi việc là đúng theo bản thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Aùn sơ thẩm quy kết bị cáo Trí, Hậu và Yến phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” là không đúng.

8/ Phạm Thị Huỳnh Nga:

Nga xin vào làm việc tại cơ sở Kim Thu từ năm 2004 đến cuối năm 2005, Nga sang làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát, đến tháng 10/2008 Nga xin nghỉ việc. Nhưng Trí không đồng ý. Theo Nga khai do Nga cương quyết xin nghỉ việc nên Trí nói nếu muốn nghỉ việc phải nộp 50 triệu đồng. Nga biết Trí cố tình không cho Nga nghỉ, nên Nga hỏi xin Yến. Thấy Nga không muốn làm nữa, nên Yến bớt cho Nga 20 triệu đồng. Nga điện thoại cho gia đình mang 30 triệu đồng lên nộp cho Trương Kim Anh (nhân viên phát lương), Kim Anh giao lại cho Yến và Nga nghỉ việc ra về. Sau đó Phan Thị Yến đã trả lại cho Nga số tiền 30 triệu đồng và Nga đã có đơn bãi nại.

Bị cáo Trí khai không thừa nhận việc bảo Nga nộp số tiền này để cho nghỉ việc.

Bị cáo Yến khai bị cáo chỉ là người giữ tiền của Nga nhưng sau đó trả lại cho Nga.

Chúng tôi nhận thấy việc nộp tiền và nghỉ việc của chị Phạm Thị Huỳnh Nga cũng là việc thực hiện theo bản thỏa thuận và cam kết do chị Nga và Công ty Tân Hoàng Phát đã ký kết.

Hành vi của các bị cáo Trí, Yến là không đủ căn cứ về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” như án sơ thẩm đã quy kết.

9/ Nguyễn Thị Thúy Hằng:

Hằng xin vào làm việc tại Công ty Tân Hoàng Phát từ tháng 9/2008. Sau khi học nghề khoảng 20 ngày thì Hằng đi làm việc. Hằng làm massage được vài ngày thấy công việc không phù hợp với mình nên Hằng muốn xin nghỉ việc. Hằng sợ nghỉ việc trước 06 tháng thì phải bồi thường cho công ty 24 triệu đồng như Bản cam kết đã ky,ù nên Hằng nói dối với Hậu là gia đình điện thoại báo ông nội của Hằng chết, nên Hằng xin về phép chịu tang. Hậu nói về phép phải nộp 15 triệu đồng. Hằng điện thoại cho cha mẹ Hằng đem 15 triệu đồng lên nộp, sau đó Hằng về phép. Hậu đưa số tiền này cho Lê Thị Thanh Nhanh (nhân viên lễ tân) nộp cho Yến, Yến đã trả số tiền này lại cho Hằng và Hằng đã có đơn bãi nại.

Về trường hợp của Nguyễn thị Thúy Hằng nộp 15 triệu đồng để về phép trong khi chưa làm việc đủ 06 tháng. Chúng tôi nhận thấy đây là việc thực hiện bản thỏa thuận và cam kết mà hai bên đã ký kết. Hành vi của Phan Việt Hậu và Phan Thị Yến nhận tiền 15 triệu đồng sau đó trả lại cho Nguyễn Thị Thúy Hằng là không cấu thành tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản” như án sơ thẩm đã quy kết.

Tóm lại, qua 09 trường hợp với chứng cứ mà chúng tôi vừa nêu trên, án sơ thẩm quy kết các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường và Phan Thị Yến phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo Điều 123 khoản 2 BLHS và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 khoản 2 BLHS là không đúng người không đúng tội và không đúng pháp luật. Các bị cáo kháng cáo kêu oan là có căn cứ. Kính đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo.

Tại phiên toà phúc thẩm Vị đại diện VKS cho rằng căn cứ lời khai nhận tội ban đầu của các bị cáo và đơn tố cáo của các nhân viên Tân Hoàng Phát là đủ căn cứ buộc tội các bị cáo phạm tội với 93 trường hợp của 93 người bị hại như Aùn sơ thẩm đã quy kết. Chúng tôi thấy lời kết luận của Vị đại diện VKS nêu trên là không có căn cứ và không đúng pháp luật. Bởi lẽ:

Căn cứ Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Lời nhận tội của bị can bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.”

Trong vụ án này các bị cáo có lời khai nhận tội lúc ban đầu (bị cáo khai là bị nhục hình, ép cung, mớm cung nên sợ phải nhận tội). Sau đó các bị cáo phản cung khai lại không nhận tội. Các bị cáo khai rằng lời khai phản cung mới là lời khai đúng sự thật. Chúng tôi thấy lời khai phản cung không nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của các nhân viên Công ty Tân Hoàng Phát và phù hợp với các chứng cứ khác có tại hồ sơ như chúng tôi đã trình bày phần trên. Cho nên kết luận của VKS dùng lời khai ban đầu của các bị cáo, mà không xem xét đến các lời khai khác của các bị cáo và các chứng cứ khác của vụ án, để quy kết tội cho các bị cáo, là không đúng pháp luật.

Về phần án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội với 93 trường hợp theo chúng tôi là không có căn cư.ù Bởi vì, cáo trạng chỉ kết luận các bị cáo phạm tội với 09 trường hợp còn các trường hợp khác không đủ căn cứ để truy tố kết tội các bị cáo. Nhưng phần kết luận sau cùng của cáo trạng thì nêu các bị cáo bắt giữ người trái pháp luật chỉ có 01 trường hợp đó là nhân viên Trần Ngọc Tình và chiếm đoạt cưỡng đoạt tài sản của 09 nhân viên khác là Trần Ngọc Tình, Thạch Thị Lin Đa, Phạm Thị Út Nhì, Đặng Thị Huyền Trân, Lê Thị Mỹ Nương, Hà Thị Huyền, Nguyễn Thị Thùy Trang, Phạm Thị Huỳnh Nga, Nguyễn Thị Thúy Hằng.

Theo chúng tôi, căn cứ vào Cáo trạng VKS nêu trên, thì chỉ có đủ căn cứ xét xử trong 09 trường hợp mà cáo trạng đã nêu, để xem xét có đủ chứng cứ quy kết tội cho các bị cáo hay không? Chứ không thể lấy 93 trường hợp như án sơ thẩm đã quy kết để xét xử quy kết tội cho các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường Và Phan Thị Yến phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” như kết luận của Vị đại diện VKS và Aùn sơ thẩm đã tuyên xử là không căn cứ và không đúng pháp luật.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Với những chứng cứ và quan điểm trình bày trên đây,

Chúng tôi kính đề nghị HĐXX

Căn cứ Điều 107 điểm 1, 2; Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo.

Tuyên xử: Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường và Phan Thị Yến không phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” và đình chỉ vụ án đối với các bị cáo.

Căn cứ Điều 227 khoản 1 Bộ luật tố tụng hình sự

Tuyên bố: Trả tự do cho bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường tại phiên tòa. Nếu họ không bị tam giam về một tội phạm khác.

Xin trân trọng cám ơn Hội đồng xét xử!

Người bào chữa cho các bị cáo

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai