Bài bào chữa vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế

91

Bài bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Vụ án đã được khởi tố ngày 19-6-2008 đến nay đã hơn 4 năm. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã 2 lần có công văn chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), kết quả là đã thay đổi tội danh từ tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội danh “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, giảm phần thiệt hại từ 4.751.967.474 đồng xuống còn 4.463.446.868 đồng và đã miễn trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Thị Thu Liên và Trần Văn Dũng.

Căn cứ kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên toà trong các ngày 25-26-27/5/2011, Toà án Nhân dân TP. HCM đã “xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được” nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra những vấn đề sau đây:

– Cần làm rõ thiệt hại do nhóm các bị cáo bị truy tố về hành vi cố ý làm trái gây ra cho Công ty CP Vật tư Bưu điện trong thời kỳ 2003-2007 là bao nhiêu.

– Cần làm rõ những chi phí thực tế do các bị cáo phụ trách các trung tâm trực thuộc Công ty Cổ phần Vật tư Bưu điện (nhóm bị truy tố) với những người phụ trách trung tâm trong thời gian này nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì theo trình bày của những người này thì những chi phí trên là cần thiết, có tác dụng thúc đẩy đơn vị kinh doanh có hiệu quả.

– Trong hồ sơ có các công văn 945/TH, 946/TH cùng ngày 14-8-2009 của tập thể HĐQT Công ty CP vật tư Bưu điện nhiệm kỳ 2003-2007 xác định thời kỳ này việc kinh doanh của công ty có hiệu quả tăng trưởng cao. Tại toà, đại diện nguyên đơn dân sự cũng không xác định được thiệt hại (hậu quả) của vụ án”.

Tại kết luận điều tra bổ sung số 06/C48 (P8) ngày 17-8-2011, cơ quan CSĐT-Bộ Công an đã xác định: Căn cứ Công văn số 213/C48 (P8) ngày 29-6-2010 của Cơ quan CSĐT- Bộ Công an gởi Vụ 1B-VKSNDTC đến nay không thay đổi… giữ nguyên như nội dung kết luận điều tra bổ sung số 01/C37 (P8) ngày 15-10-2009, số 02/C37 ngày 21-3-2010 của cơ quan CSĐT-Bộ Công An. Căn cứ kết luận điều tra này, nội dung Cáo trạng số 09/VKSTC-V1B ngày 17-11-2011 của VKSNDTC đối với bị cáo Vũ Huy Hoàng và các giám đốc trung tâm kinh doanh khác không có gì thay đổi. Như vậy, những yêu cầu của vụ án đã không được cơ quan CSĐT thực hiện. “Những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được” đã không được cơ quan CSĐT bổ sung làm rõ. Qua xét hỏi tại phiên toà cũng không bổ sung được gì mới. Chúng tôi thực sự lo lắng không biết quý toà sẽ phán xét thế nào đây?!. Vì vậy, để tránh mất thời gian quý toà, tôi xin phép không lặp lại toàn bộ nội dung bài bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng mà tôi đã phát biểu và nộp cho quý toà trong phiên xử sơ thẩm các ngày 25-26-27/7/2012. Tôi chỉ xin nêu một số ý chính sau đây, với hy vọng giúp Hội đồng xét xử (HĐXX) làm sáng tỏ những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà cơ quan CSĐT đã không làm rõ theo yêu cầu của Quý toà.

I. Về mặt hành vi: Cáo trạng cho rằng Vũ Huy Hoàng đã vi phạm Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định 129/2004/NĐ-CP qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh. Về việc này, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

1. Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 quy định:

– Không tính vào chi phí hợp lý các khoản sau: Các khoản chi không có hoá đơn chứng từ, hoặc hoá đơn chứng từ không hợp pháp (khoản 3 Điều 6).

– Quá trình kiểm tra, thanh tra kê khai quyết toán thuế nếu phát hiện thu nhập chịu thuế và các yếu tố khác do cơ sở kinh doanh xác định không hợp lý, cơ quan thuế có quyền xác định lại thu nhập chịu thuế và các yếu tố khác để đảm bảo thu đủ, thu đúng thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 30).

– Cơ sở vi phạm Luật thuế TNDN thì tuỳ mức độ cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính về Luật thuế (Điều 31-49).

2. Nghị định 129/2004/NĐ-CP quy định:

Đơn vị kế toán phải sử dụng hoá đơn bán hàng theo đúng quy định; không được mua, bán tráo đổi, cho hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn của tổ chức, cá nhân khác, không được sử dụng hoá đơn để kê khai trốn lậu thuế (khoản 4 Điều 10).

3. Nghị định 185/2004/NĐ-CP ngày 04-11-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán quy định:

– Hành vi vi phạm lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn, lậu thuế còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế (Điều 17).

– Vi phạm quy định về chứng từ kế toán : Giả mạo, khai man chứng từ kế toán, thoả thuận người khác giả mạo khai man chứng từ kế toán, bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. (điểm a-b khoản 3 Điều 7).

4. Nghị định 100/2004/NĐ-CP ngày 25-02-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, quy định:

– Phạt tiền từ 3-5 lần số trốn thuế đối với hành vi sử dụng hoá đơn khống, chứng từ kế toán khống nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp (điểm a khoản 3 Điều 11).

Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật của công ty và kế toán trưởng mới có thẩm quyền ký, đăng ký kê khai, báo cáo và quyết toán thuế. Hành vi của Vũ Huy Hoàng thoả thuận với các đơn vị vận tải, ký khống hợp đồng vận chuyển và xuất hóa đơn để hợp thức hóa các khoản chi phí thực tế nhưng không có chứng từ là thực hiện chủ trương của công ty. Từ phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, thành viên HĐQT, chủ tịch công đoàn đến toàn thể CBNV 7 trung tâm đều thực hiện một qui trình giống nhau kéo dài từ 2003 đến 2007. Do đó, nếu có vi phạm Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 và Nghị định 129/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ có công ty vi phạm và cũng chỉ làm lợi cho công ty, mà người chịu trách nhiệm trước cơ quan thuế là tổng giám đốc và kế toán trưởng. Căn cứ các quy định viện dẫn trên thì công ty cũng chỉ bị xử lý: Xuất toán các khoản chi phí đã hợp thức hóa bằng chứng từ khống, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt tiền đối với số thuế bị truy nộp theo Nghị định 100/2004/NĐ-CP, và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực kế toán theo Nghị định 185/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại kết luận giám định số 01/05/2009/KLGĐ-TCKT ngày 14-5-2009, giám định viên tư pháp về KTTC đã nhận xét: “Trách nhiệm chính thuộc về các TTKD và cửa hàng bán lẻ chủ yếu để lấy hoá đơn đỏ VAT (vì đây là hóa đơn thật do các đơn vị kinh doanh vận tải mua tại cơ quan thuế) làm cơ sở chứng từ gốc hợp pháp (nhưng không hợp lệ) để lập phiếu chi thanh toán cho các chi phí của đơn vị nhưng không có chứng từ chứng minh là việc làm sai nguyên tắc, các khoản chi này không được tính chi phí hợp lý, hợp lệ, làm tăng chi phí (không hợp lý, hợp lệ) giảm phần thu nhập chịu thuế của Cty, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước”. Công ty Cổ phần Vật tư Bưu điện là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, đăng ký kinh doanh ngày 23-12-2003. Theo quy định tại Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 của Chính phủ về cổ phần hóa thì Công ty Cổ phần Vật tư Bưu Điện được miễn thuế TNDN 2 năm 2004-2005 và giảm 50% thuế TNDN cho 3 năm tiếp theo (2006-2007-2008). Đến nay, cơ quan thuế cũng chưa có kết luận về việc xử phạt này, nên cũng chưa có căn cứ xác định thất thu bao nhiêu tiền thuế cho ngân sách Nhà nước. Kết luận giám định cho rằng các giám đốc TTKD và cửa hàng bán lẻ đã gây thiệt hại cho Cty CP-VT Bưu Điện từ năm 2003-2007 số tiền 4.751.967.474 đồng và buộc các đối tượng nộp lại số tiền nêu trên, kết luận này mâu thuẫn với chính nhận xét nêu trên của kết luận giám định, mâu thuẫn chính ý kiến xác nhận của ông Đoàn Thanh Hải-Tổng Giám đốc Cty trước đây và ý kiến của đại diện Cty tại cả 2 lần xét xử sơ thẩm!

II.Về hậu quả thiệt hại:

Tại văn bản số 927 ngày 10-8-2009 gởi Ông Vụ trưởng Vu IB, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Potmasco đã xác định: Các chi phí này là có thực và phục vụ cho mục tiêu hoạt động SXKD của công ty nhằm mang lại doanh thu, lợi nhuận cho toàn thể cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà Nước, Tập đoàn BCVTVN (VNPT), các chi phí này đều được đánh giá là hợp lý và thực chất không gây thiệt hại cho Công ty. Kết luận điều tra bổ sung và cáo trạng cũng đã xác nhận: Các khoản chi phí này là thực tế nhưng không có chứng từ quyết toán, không chiếm đoạt cá nhân.

Hàng năm công ty đều giao các chỉ tiêu kế hoạch cho trung tâm gồm: Doanh thu, lãi gộp và định mức khoán chi phí trên lãi gộp. Đây là các chỉ tiêu bắt buộc. Căn cứ “ Bảng tổng hợp tình hình thực hiện chi phí của TTKD1 từ năm 2003-2006” đã được nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Kế toán trưởng Hồ Hoàng Anh và Tổng Giám đốc Đoàn Thanh Hải ký xác nhận, thì Trung tâm KD1 đã tiết kiệm được chi phí so định mức là 720.991.554 đồng và lãi gộp thực hiện là 15.932.499.247 đồng.

Dấu hiệu bắt buộc của tội cố ý làm trái… là gây hậu quả nghiêm trọng. Các khoản chi phí này là có thực, phục vụ cho hoạt động SXKD của Cty, nằm trong định mức khoán cho phép chẳng những không gây thiệt hại cho Cty mà còn tiết kiệm 720.991.554 đồng và mang lợi nhuận về cho Cty 15.932.499.247 đồng.

Cáo trạng truy tố Vũ Huy Hoàng về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 165 Bộ Luật Hình sự với quy kết đã gây thiệt hại cho Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện số tiền là 596.643.000 đồng.

Số tiền này, như trên đã chứng minh, cáo trạng và công ty đều xác nhận là chi phí thực tế cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty và TTKD1, nằm trong định mức khoán cho phép được Cty chấp nhận, không gây thiệt hại cho Cty, mà còn tiết kiệm được 720.991.554 đồng so với định mức khoán chi phí của Công ty. Việc sử dụng các chi phí này phục vụ SXKD của TTKD1, do Vũ Huy Hoàng làm Giám đốc trong các năm từ 2003-2006, đã đem về cho Cty doanh thu 140.100.972.114 đồng và làm lợi cho Cty 15.932.499.247 đồng (lãi gộp)! Không gây thiệt hại 596.643.000 đồng mà còn tiết kiệm được 720.991.554 đồng chi phí và đem lợi về Cty trên 15 tỷ đồng lãi gộp, lẽ nào là hành vi phạm tội!?

Tại Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Quý toà cũng đã ghi nhận: “Trong hồ sơ có các công văn số 945/TH; 946/TH cùng ngày 14-8-2009 của tập thể HĐQT Công ty Cổ phần Vật tư Bưu điện nhiệm ký 2003-2007 xác định thời kỳ này việc kinh doanh của công ty có hiệu quả tăng trưởng cao. Tại toà đại diện nguyên đơn dân sự cũng không xác định được thiệt hại (hậu quả) của vụ án”. Tại phiên toà sơ thẩm lần này, đại diện Công ty CP VTBĐ cũng xác nhận từ khi khởi tố đến nay công ty không có yêu cầu bồi thường và cũng không xác định được thiệt hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ Luật tố tụng hình sự thì “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Như vậy, rõ ràng Công ty CP VTBĐ không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Mặt khác, theo tài liệu có trong hồ sơ cũng như phát biểu của đại diện Cty CP VT Bưu Điện tại toà đã xác nhận thời gian 2003-2007 các bị cáo đã nỗlực hoạt động mang lại hiệu quả rất lớn cho Cty. Nhưng kể từ năm 2008 sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cty hoạt động sa sút hẳn. Rõ ràng, việc làm sai nguyên tắc kế toán của các bị cáo gắn liền với hiệu quả hoạt động Cty, chẳng những không gây thiệt hại mà còn mang lại lợi nhuận cho Cty và nộp ngân sách Nhà nước. Do đó, không thể tách hành vi sai quy định kế toán tài chính của các bị cáo ra khỏi hiệu quả mà các bị cáo mang lại cho Cty để xử lý! Vì như vậy sẽ không phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tại Điều 10 về xác định sự thật của vụ án và khoản 2 Điều 66 về đánh giá chứng cứ, mà căn cứ quy định này Quý toà đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung!

Chính ngay tại cáo trạng số 09/VKSTC-V1B ngày 17-11-2011, VKSNDTC cũng đã xác nhận:

– “Hành vi vi phạm của Giám đốc các TTKD xuất phát từ việc quy định về các khoản chi phí của đơn vị còn có nhiều điểm bất hợp lý, nên TTKD1 cũng như các TTKD khác có một số khoản chi không quyết toán được như: khoản chi tiếp khách, chăm sóc khách hàng, quảng cáo, chi phí đi công tác.v.v… mặc dù các khoản chi đó đều nằm trong mức khoán chi 45% lãi gộp của đơn vị nhưng không quyết toán được… Các TTKD đã báo cáo TGĐ và dược ông Nguyễn Quốc Hùng trả lời : “Nếu có chứng từ hợp lý, hợp lệ sẽ cho quyết toán”. Từ đó các Giám đốc TTKD đã liên hệ với các đơn vị vận tải để nhờ xuất hóa đơn khống về thanh toán.” (đoạn đầu trang 5 và đoạn cuối trang 12 Cáo trạng).

– “Hồ Hoàng Anh biết trong hoạt động kinh doanh, các TTKD có nhiều khoản chi không quyết toán được, nhưng Hồ Hoàng Anh chưa tham mưu giúp HĐQT và TGĐ chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tài chính-kế toán theo quy định của pháp luật kế toán”(đoạn cuối trang 13 Cáo trạng).

Từ các nhận định trên, cáo trạng đã kết luận: “Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2006, để bù đắp số tiền chăm sóc khách hàng, kinh doanh của đơn vị nhưng không có chứng từ hoá đơn, không được thanh toán nên các giám đốc TTKD đã ký hợp đồng vận chuyển khống để được Cty thanh toán” (đoạn đầu trang 17 Cáo trạng). Nhận định và kết luận như vậy làm sao có thể quy kết bị cáo Hoàng và các Giám đốc TTKD khác đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho Cty?

III. Về trách nhiệm hình sự:

Cáo trạng cho rằng : “Quá trình điều tra, Nguyễn Quốc Hùng nguyên TGĐ và Võ Đức Tâm nguyên Phó TGĐ đều xác nhận bản giải trình chi phí của Liên trước đây là có thật và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho Liên. Xét thấy: Hành vi vi phạm của Hoàng Thị Thu Liên đã phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tuy nhiên xét tính chất mức độ phạm tội có giới hạn, quá trình điều tra đã khai báo thành khẩn. Khi bị phát hiện Liên cùng các nhân viên trung tâm đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chi để khắc phục hậu quả. Ngày 13-8-2010 VKSNDTC đã ra Quyết định số 13/VKSTC-V1B đình chỉ vụ án miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can Hoàng Thị Thu Liên theo Điều 25 Bộ Luật Hình sự” (đoạn đầu trang 11 Cáo trạng).

Khoản 1 Điều 25 Bộ Luật Hình sự quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng cũng có đầy đủ các tình tiết mà cáo trạng nêu đối với Hoàng Thị Thu Liên. Nếu căn cứ Điều 25 để cho rằng do chuyển biến tình hình nên hành vi của Liên không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì chẳng lẽ hành vi của Bị cáo Hoàng cũng y chang như vậy lại vẫn tiếp tục còn nguy hiểm cho xã hội?! Vì vậy, căn cứ Điều 5 và Điều 10 của Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định : Bảo đảm quyến bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và toà án phải xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tôi đề nghị Hội đồng xét xử quyết định miễn trách nhiệm hình sự Vũ Huy Hoàng, như VKSNDTC đã áp dụng đối với Hoàng Thị Thu Liên.

IV. Về trách nhiệm dân sự:

Khoản 2 Điều 42 Bộ Luật Hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi cáo trạng, đại diện hợp pháp của Cty trong quá trình điều tra và tại cả 2 phiên tòa sơ thẩm, kể cả kết luận giám định đều xác nhận số tiền bị cáo Hoàng dùng chứng từ hợp pháp để hợp thức hóa là chi phí có thật trong định mức khoán phục vụ cho hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cho Cty, đại diện Cty xác nhận không thiệt hại, không yêu cầu bồi thường, báo cáo tài chính của Cty các năm 2003-2006 đã được kiểm toán xác nhận và cơ quan Thuế quyết toán, thì tại sao lại buộc các đương sự phải nộp lại cho Cty? Nếu buộc bị cáo phải nộp số tiền cáo trạng quy kết cho Cty thì Cty sẽ hạch toán số tiền này vào “tài khoản thu nhập bất thường” của Cty hiện nay, làm tăng lợi nhuận chia cổ tức cho các cổ đông hiện nay của Cty thì hết sức bất hợp lý! Bởi lẽ như trên đã phân tích, trong thời gian 2003-2006 bị cáo Hoàng đã nỗ lực tiết kiệm chi phí cho Cty 720.991.554 đồng và đem lại cho Cty trên 15 tỷ đồng lãi gộp, nay bị cáo lại phải móc tiền túi ra 596.643.000 đồng để trả lợi nhuận cho các cổ đông hiện nay của Cty. Chúng tôi nghĩ vì lương tâm và đạo lý không cổ đông nào đành lòng nhận số tiền cổ tức này!

Bị cáo Hoàng không chiếm đoạt tiền của Cty, Cty cũng không bị thiệt hại và cũng không có yêu cầu bồi thường. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử quyết định trả lại số tiền 310.000.000 đồng đã tạm nộp cho cơ quan CSĐT và hủy bỏ lệnh kê biên tài sản số 05/KB-C37(P8) ngày 19-6-2008 của Cơ quan CSĐT-Bộ Công an đối với căn nhà số 270/40 Lý thường Kiệt P.14, Quận 10 TP.HCM của gia đình Vũ Huy Hoàng.

Kính thưa Hội Đồng xét xử,

Trong quá trình điều tra, tại phiên toà sơ thẩm lần đầu và phiên tòa sơ thẩm hôm nay, cổ đông, HĐQT và đại diện theo pháp luật của Cty CPVTBĐ đều biểu dương thành tích, nỗ lực của các bị cáo nguyên là Giám đốc các TTKD của Cty, đã đóng góp vào hiệu quả hoạt động nổi bật của Cty, bằng các số liệu cụ thể về doanh thu, lợi nhuận và thu nộp ngân sách trong thời gian 2003-2007. Đặc biệt tại phiên tòa hôm nay, đại diện Cty đã đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo được tiếp tục phục vụ Cty! Đại diện Cty cũng xác nhận từ năm 2008 sau khi khởi tố vụ án, hiệu quả kinh doanh của Công ty giảm sút nghiêm trọng. Rõ ràng, sau khi bị mất số cán bộ lãnh đạo, quản lý đang đứng trước vành móng ngựa hôm nay, Công ty mới thực sự biệt thiệt hại nghiêm trọng. Hậu quả thiệt hại này của Cty ai sẽ là người chịu trách nhiệm?!

Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, hàng vạn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Đầu năm 2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo anh sinh xã hội. Ngày 10-5-2012 Chính phủ đã ra tiếp Nghị quyết số 13/NQCP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tham gia vụ án này, chúng tôi hết sức xót xa trước sự sa sút hoạt động kinh doanh của Cty CPVTBĐ, trong đó có cuộc sống của hàng trăm người lao động; trước số phận nghiệt ngã của các bị cáo, mà hệ quả là cả gia đình cha mẹ, vợ con phải gánh chịu.

Để kết thúc bài bào chữa này, tôi xin mạn phép đọc 5 câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du :

“Gẫm hay muôn sự tại Trời. Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Có đâu thiên vị người nào.” Có thiên vị hay không, bắt phong trần hay được thanh cao, chúng tôi chỉ còn biết đặt niềm tin và trông đợi vào phán xét công minh, thấu tình đạt lý của Hội đồng xét xử.

Trân trọng cảm ơn.

NGƯỜI BÀO CHỮA

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG- Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai