Trong ngày 13.1, nhiều luật sư cho rằng để Huyền Như lừa đảo được là do Vietinbank buông lỏng quản lý và Huyền Như cũng là nạn nhân trong vụ án.
Huyền Như là nạn nhân?
Trong buổi sáng và buổi chiều, ba luật sư đã thực hiện xong nhiệm vụ bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như cho rằng Huyền Như không có ý thức chiếm đoạt mà ban đầu chỉ có ý thức chiếm dụng vốn để trả cho các chủ nợ cho vay ngoài với lãi suất cao nên mới có chuyện sau khi nhận được tiền của khách hàng, bị cáo có cơ hội nhưng không hề chiếm đoạt mà thanh toán trả đủ cả gốc lẫn lãi trong, lãi ngoài. Vì vậy, có rất nhiều hợp đồng đã được tất toán xong.
Bên cạnh đó, luật sư Hùng còn cho rằng Như là nạn nhân, là người bị chiếm đoạt. Những người chiếm đoạt tiền của Như chủ yếu là nhóm các bị cáo cho vay lãi nặng. Cụ thể, Nguyễn Thiên Lý thu lời bất chính đến 735 tỉ đồng chỉ trong vòng 2 năm, lợi nhuận còn cao hơn rất nhiều các tổng công ty nhà nước, Bị cáo Nguyễn Thị Lành thu lời bất chính trên 1.186 tỉ đồng, bị cáo Đào Thị Tuyết Dung thu lời bất chính trên 174 tỉ đồng, bị cáo Hùng Mỹ Phương thu lời bất chính trên 164 tỉ đồng, Phạm Văn Chí thu lời bất chính gần 6 tỉ đồng. Như vậy, tập hợp sơ bộ cho thấy riêng khoản tiền mà bị cáo Như đã chi trả cho các bị cáo bị truy tố về tội cho vay lãi nặng lên tới xấp xỉ 2.300 tỉ đồng.
“Thực chất, trong số tiền gần 4.000 tỉ đồng bị cáo chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân thì những đối tượng cho vay lãi nặng đã thu về gần 2.300 tỉ đồng. Lãnh đạo và đại diện các tổ chức bị hại cùng người môi giới hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng gần 300 tỉ đồng”, luật sư Hùng nêu.
Bên cạnh đó, luật sư Hùng còn cho rằng, nếu cáo trạng truy tố bị cáo Như về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức thì một hành vi của bị cáo đã bị truy tố đến hai lần. Vì con dấu giả, tài liệu giả chính là công cụ, phương tiện, cách thức để Như đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Tiếp lời luật sư Hùng, bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng khâu quản lý cán bộ và kiểm soát tín dụng của VietinBank quá lỏng lẻo hay nói cách khác là sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro đã tạo ra các hành vi phạm tội của Như, giúp Như lũng đoạn cả dây chuyền Vietinbank. Nhiều chứng từ giả, chữ ký giả vẫn lọt qua các cửa kiểm soát của Vietinbank một cách dễ dàng. Bởi vậy cần phải xem xét lại việc hoạt động của hệ thống Ngân hàng VietinBank và các chi nhánh.
Đáng chú ý, luật sư Thi cho rằng cơ quan điều tra vẫn chưa làm hết trách nhiệm vì sau khi chiếm đoạt tiền, Như chuyển cho ai, mục đích gì đều được nêu danh tính, địa chỉ nhưng cơ quan điều tra không đề cập đến việc thu hồi, tại sao không thu hồi. “Cơ quan điều tra chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi vật chứng ở các địa chỉ đã được xác định là chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”, luật sư Thi nói. Đặc biệt, luật sư Thi còn đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không quy trách nhiệm dân sự cho Huyền Như vì các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại không yêu cầu Huyền Như phải bồi thường mà đòi Vietinbank nên trách nhiệm dân sự của Huyền Như sẽ không xem xét trong vụ án này nếu những yêu cầu này vẫn được giữ nguyên cho đến khi HĐXX nghị án.
Võ Tuấn Anh bị giả chữ ký không thể là đồng phạm
Bào chữa cho Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Chi nhánh Vietinbank Nhà Bè bị làm giả chữ ký của lãnh đạo Vietinabnk chi nhánh Nhà Bè (trong đó có Võ Anh Tuấn) và con dấu cho thấy vai trò đồng phạm của Tuấn có phần mờ nhạt. Đối với hành vi chiếm đoạt 80 tỉ đồng của Công ty Thái Bình Dương, Võ Anh Tuấn hoàn toàn không liên quan trực tiếp… các hành vi cho thấy Tuấn chỉ là vô ý. Bào chữa cho Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc quy buộc thân chủ của mình chưa đủ chứng cứ pháp lý.
Đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Viện KSND đề nghị án nặng từ 16-18 năm tù cho bị cáo này là không thể tin được. Luật sư đề nghị HĐXX đánh giá đúng bản chất của vụ án khi xem xét xử lý Tuyết Anh. Luật sư Hoài phân tích, theo kết luận điều tra, cáo trạng truy tố và diễn biến tại tòa, Vietinbank không bị thiệt hại và không chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền Huyền Như chiếm đoạt. Do đó, luật sư Hoài khẳng định hành vi của các nhân viên phòng giao dịch thuộc Vietinbank, trong đó có Tuyết Anh không gây thiệt hại cho Vietinbank nên không phạm tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
“Sự mâu thuẫn không thể lý giải được là trong khi Vietinbank không thiệt hại mà tại sao nhân viên Vietinbank bị xử lý? Vietinbank có cả một hệ thống kiểm tra nội bộ mà không phát hiện sai phạm của Huyền Như thì các nhân viên không thể phát hiện được hành vi lừa đảo của Huyền Như. “Cho đến nay Vietinbank không bị thiệt hại, các vị lãnh đạo của Vietinbank không bị xem xét trách nhiệm hình sự và đến hôm nay Viện KSND mới đề nghị khởi tố bổ sung. Vietinbank với cơ chế nhiều ban bệ, bộ máy cũng không phát hiện ra thì làm sao buộc nhân viên phải nhận biết, phát hiện sự việc. Thậm chí khi kiểm soát nội bộ, tổ chức này còn kết luận phòng giao dịch thực hiện tốt hoạt động cho vay. Còn các bộ phận khác kiểm tra cho rằng do Huyền Như gian dối nên không phát hiện được. Như vậy, quy buộc nhân viên Tuyết Anh phải có trách nhiệm, phải nhận ra hành vi lừa đảo của Huyền Như là không thể. Cho đến khi chưa khởi tố các lãnh đạo của Vietinbank thì không thể xử lý hình sự bị cáo Tuyết Anh. Do đó, tôi đề nghị tuyên bố Tuyết Anh không phạm tội”, luật sư Hoài đề nghị.
Chị Huyền Như về bán hột vịt lộn
Luật sư Trương Thị Hòa bào chữa cho Huỳnh Mỹ Hạnh cho biết bà rất bất ngờ vì mức án đề nghị với bị cáo Hạnh là khá cao. Theo luật sư Hòa, trong vụ án này, bị cáo Hạnh không biết chuyện hồ sơ bị giả mạo con dấu, chữa ký. “Nếu VIB thực hiện đầy đủ thủ tục thì không thể có chuyện chiếm đoạt xảy ra nên cho thấy trong vụ việc có trách nhiệm của VIB. Quan trọng hơn, Như lấy tiền của VIB để trả nợ cho VIB chứ không chiếm đoạt. Hạnh không bàn bạc và không hề biết làm giả mà vì sự cả tin vào em ruột là Huyền Như chứ không phải biết mình không có tiền vẫn vay.
“Khi tôi hỏi bị cáo sẽ làm gì để nuôi ba con thì Hạnh nói: “Em sẽ quay về bán hột vịt lộn chứ không dám đi làm công ty”. Một người không hiểu biết nên bị em gái dẫn dắt vào con đường phạm tội vì quá cả tin ở tình ruột thịt, vừa là nhân viên dưới quyền Như ở Công ty Hoàng Khải nên phải lệ thuộc vào Huyền Như. Hạnh lần đầu tiên phạm tội, không tiền án tiền sự, không hưởng lợi. Mẹ, cha bị cáo là những người có đóng góp cho cách mạng. Bị cáo Hạnh đã thành khẩn khai báo. Phạm tội khi đang có thai, sinh con năm 2012. Bị cáo có ba con đều chưa thành niên. Trong cùng một vụ án có hai người trong gia đình cùng phạm tội nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, luật sư Hòa nói.
Còn luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho Nguyễn Thị Lành về tội lừa đảo cho rằng Lành chỉ đến ngân hàng ký hoàn tất thủ tục, không có động cơ, mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền, không hề biết hồ sơ làm giả. Lành không cùng ý chí, không bàn bạc gì với Như, các yếu tố chứng minh Lành đồng phạm lừa đảo chưa rõ. Đặc biệt, không chỉ Lành mà có 12 người khác trong vụ án này cũng tin tưởng Như cùng có hành vi tương tự. 12 người có cùng hành vi, không khác một dấu chấm, dấu phẩy nhưng không bị xem xét xử lý hình sự. Vì vậy tiếp tục truy tố Lành về tội này trong khi những người khác được miễn trách nhiệm hình sự hoặc không xem xét trách nhiệm hình sự thì không công bằng, không bình đẳng. Nếu không xem xét xử lý những người khác thì không thể truy tố bị cáo Lành.
Tin, ảnh: Lê Quang