Khái niệm tiền án
Mặc dù thuật ngữ “tiền án” được đề cập và ghi nhận trong các văn bản tố tụng như lý lịch cá nhân, lý lịch bị can, cáo trạng, bản án, tuy nhiên, trong các văn bản pháp lý hiện hành không có quy định nào giải thích cụ thể thế nào là “tiền án”. Từ điển tiếng Việt tiếp cận “tiền án” dưới góc độ là một danh từ, được hiểu là: “Án đã xử trước đó”. Theo từ điển Luật học thì khái niệm “tiền án” rõ ràng hơn: “Án mà trước đây Tòa án đã tuyên bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật đối với người đã phạm tội nhưng chưa được xóa án. Tiền án là khái niệm để chỉ hậu quả pháp lý đối với người phạm tội sau khi bị Tòa án kết án và xử phạt bằng một hình phạt. Tiền án là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm hình sự. Tiền án phát sinh từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và triệt tiêu khi người bị kết án được xóa án. Người có tiền án có thể bị một số hạn chế về quyền lợi”. Mặc dù vậy, khái niệm trên vẫn chưa cho thấy cách xác định thế nào là “tiền án”.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có các quy định tại Chương X về xoá án tích và các cấu thành tội phạm sử dụng khái niệm “tiền án” trong các dấu hiệu định tội (Ví dụ: Tội “Trộm cắp tài sản”, tội “Sử dụng trái phép tài sản”…) đã cung cấp cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng xác định một người hiện đang có tiền án hay không? Nói cách khác, một người hoặc pháp nhân được xác định là có tiền án nếu đã bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý hoặc các tội do lỗi cố ý và không thuộc trường hợp được miễn hình phạt, đang trong thời gian được xác định là có án tích. Như vậy, để xác định một người hoặc pháp nhân có tiền án hay không cần làm rõ các nội dung sau:
Thứ nhất, thu thập các tài liệu xác định người đó hoặc pháp nhân đó từ trước đến nay đã bị xét xử bằng bản án có hiệu lực của Tòa án hay chưa? Nếu có, xác định thời gian kết án.
Thứ hai, xác định người hoặc pháp nhân đã bị kết án trong bản án đó đã thi hành bản án chưa? Thi hành hết hay mới thi hành một phần bản án. Nếu chưa thi hành bản án thì đã hết thời hiệu thi hành bản án chưa?
Thứ ba, xác định thời gian sau khi đã thi hành xong bản án hoặc sau khi hết thời hiệu thi hành bản án của người hoặc pháp nhân phạm tội theo quy định tại Chương X, Điều 89 BLHS năm 2015. Việc xác định thời gian để xoá án tích theo quy định của BLHS hiện hành được tính theo hướng có lợi hơn cho bị can, bị cáo so với quy định của BLHS cũ. Theo đó, thời điểm để tính đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, còn hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, tuy nhiên phải trước ngày phạm tội mới.
Vướng trong việc xác định tiền án
Xác định bản án đã được thi hành xong
Bản án được xác định đã thi hành xong hay chưa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định tiền án của người phạm tội. Trong bản án hình sự, phần quyết định giải quyết các vấn đề như: Hình phạt, bồi thường thiệt hại, án phí… Thông thường, việc xác định bản án đã được thi hành hay chưa thì đã rõ ràng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào các tài liệu thể hiện việc chấp hành hình phạt của bị án để xác định như: Giấy chấp hành xong hình phạt, thời gian thử thách án treo… Đối với việc chưa thi hành phần án phí và bồi thường thiệt hại, trong một số trường hợp vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau:
– Về án phí trong bản án hình sự: Bản án tuyên bị cáo chịu án phí nhưng cơ quan Thi hành án dân sự vì lý do nào đó không ra quyết định thi hành án (không nhận được bản án vì Tòa án không gửi; “quên” ra quyết định…). Do đó, mặc dù đã chấp hành xong hình phạt vượt quá thời gian thử thách để xoá án tích nhưng phần án phí vẫn chưa thi hành. Ví dụ: Nguyễn Văn A bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản ngày 04/5/2020. Quá trình điều tra xác minh, ngày 25/9/1998, Nguyễn Văn A bị Toà án nhân dân thị xã M xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, thi hành án tại trại giam BĐ; ra trại ngày 05/6/1999 và đã thi hành các khoản bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, phần án phí chưa được thi hành do bị cáo không nhận được quyết định thi hành án. Sau khi ra trại, A sinh sống tại địa phương, đến ngày 04/5/2020 thì thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã nêu trên. Đối với việc xác định Nguyễn Văn A đến nay còn tiền án hay không vẫn có các ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, A chỉ thuộc trường hợp nhân thân xấu, tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” đã được xóa, bởi lẽ, việc không nộp án phí không thuộc về lỗi của A mà xuất phát từ việc cơ quan có thẩm quyền không gửi quyết định thi hành án, dẫn đến phần án phí không được thi hành, thì phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo; đối với bản án về tội “Trộm cắp tài sản”, A đã thi hành xong phần hình phạt, cũng đã bồi thường đầy đủ thiệt hại, trong thời gian từ ngày ra trại đến khi phạm tội mới là hơn 20 năm. Việc A không thi hành phần án phí là do không nhận được quyết định thi hành án. Đây là lỗi của cơ quan nhà nước, không phải do người bị kết án chây ì, không nộp án phí. Mặt khác, trong bản án hình sự cũng không có nội dung giải thích về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án hình sự như trong bản án dân sự, do đó, A có thể không tiếp cận được thông tin trên để chủ động thi hành án.
Ý kiến thứ hai xác định, trong trường hợp này, Nguyễn Văn A vẫn còn 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. Vì Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Ngoài ra, nội dung này cũng đã được hướng dẫn rõ tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính. Theo đó, người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 BLHS năm 2015 nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai: Đối với việc xác định án tích của Nguyễn Văn A và những trường hợp tương tự thì khi bị can, bị cáo đã bị kết án bằng một bản án trước đó, dù đã thi hành xong các phần khác của bản án nhưng chưa nộp án phí hình sự thì vẫn bị xác định là còn tiền án. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự hiện hành, khoản án phí trong bản án hình sự thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự, và đây là khoản thi hành án chủ động, không áp dụng thời hiệu thi hành án. Bị án nếu không thuộc trường hợp được miễn, giảm việc thu nộp vào ngân sách nhà nước với khoản án phí này thì buộc phải thi hành. Pháp luật không quy định về khoảng thời gian mà nếu bị án không nộp thì sẽ không phải nộp khoản án phí đó. Do đó, nếu chưa thi hành phần án phí trong bản án hình sự trước đó, nhưng lại phạm tội mới thì người phạm tội được xác định là đang có án tích, không phụ thuộc vào việc cơ quan Thi hành án dân sự có ra quyết định thi hành án hay không.
Về thi hành phần bồi thường thiệt hại trong bản án hình sự: Số lượng bản án hình sự có nội dung quyết định về bồi thường thiệt hại dân sự tương đối nhiều, đặc biệt các bản án về nhóm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ… Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thống nhất trong việc xác định tiền án của bị can, bị cáo trong trường hợp trước đó bị can, bị cáo đã bị xử lý bằng một bản án hình sự nhưng chưa thi hành phần bồi thường thiệt hại mặc dù đã quá 05 năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người có quyền yêu cầu không yêu cầu. Ví dụ: Ngày 31/7/2020, Đỗ Quang T thực hiện hành vi cướp giật tài sản, sau đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Quá trình xác minh lý lịch nhân thân của bị can phát hiện, ngày 15/9/2010, Đỗ Quang T bị Toà án nhân dân thành phố Đ xử phạt 05 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị. T chấp hành án tại Trại giam Đ, ra trại ngày 11/5/2013; đã thi hành phần án phí, riêng phần trách nhiệm dân sự, người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án. Đỗ Quang T sinh sống tại địa phương, đến ngày 31/7/2020 thì thực hiện hành vi phạm tội mới. Đối với việc xác định tiền án của Đỗ Quang T hiện nay vẫn tồn tại hai ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể:
Ý kiến thứ nhất xác định Đỗ Quang T vẫn còn tiền án. Bởi theo khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015: “Người bị kết án đương nhiên được xoá án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới…”. Theo đó, phần bồi thường thiệt hại được xác định là phần “các quyết định khác của bản án”. Chính vì vậy, khi chưa thi hành xong phần bồi thường thiệt hại thì không được coi là đã thi hành xong bản án. Đồng thời, quan điểm này cũng căn cứ theo hướng dẫn tại mục 7, Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự, tố tụng hành chính: “Trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự”.
Ý kiến thứ hai xác định, trường hợp này Đỗ Quang T đương nhiên đã được xoá án tích và không còn tiền án. Bởi vì, người bị kết án, nếu phạm tội mới sau khi đã chấp hành xong các phần khác của bản án, trừ phần bồi thường thiệt hại, sau khi hết thời gian thử thách không thực hiện hành vi phạm tội mới theo khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015, nếu đã hết 05 năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật mà người có quyền yêu cầu thi hành án không yêu cầu thì bị can, bị cáo đó được xác định đã thi hành xong bản án và không có án tích.
Về vấn đề này, tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai bởi các lý do sau:
Thứ nhất, trong bản án hình sự, phần bồi thường thiệt hại dân sự được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, về bản chất là giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Do đó, việc thi hành phần bồi thường thiệt hại theo bản án hình sự và bản án dân sự tương tự nhau, được xác định là thi hành án theo yêu cầu, do cơ quan Thi hành án quyết định và áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án như nhau. Tại khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án dân sự hiện hành quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”. Như vậy, khi hết thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, nếu người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án, không thuộc trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan thì xác định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án – tức là người được thi hành án hết quyền yêu cầu thi hành án và người phải thi hành án không phải thi hành khoản bồi thường thiệt hại đó nữa.
Thứ hai, tại khoản 3 Điều 70 BLHS năm 2015 quy định rõ: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này”. Như vậy, BLHS năm 2015 có đề cập đến quy định về áp dụng thời hiệu thi hành án trong khi thi hành bản án hình sự, trong đó có phần bồi thường thiệt hại. Áp dụng theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP về quy định thời hiệu thi hành bản án theo BLHS năm 1999 thì đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản, việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, Luật thi hành án dân sự xác định thời hiệu thi hành phần bồi thường thiệt hại là thi hành án theo yêu cầu và thời hiệu để người được thi hành án yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.
Thứ ba, mặc dù tại mục 7, Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính trả lời như dẫn chiếu trong quan điểm thứ nhất, tuy nhiên, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó hiệu lực pháp lý không mang tính bao quát, chỉ mang tính hướng dẫn trong nội bộ ngành Toà án nhân dân. Vì vậy, không thể viện dẫn lời giải đáp trên để giải quyết vụ án hình sự.
Bị can, bị cáo khi thi hành án được tổng hợp hình phạt từ nhiều bản án
Trong thực tiễn, có rất nhiều trường hợp, người phạm tội trước đó đã bị xét xử bằng nhiều bản án khác nhau và được tổng hợp thành một bản án để thi hành, ví dụ như đang thi hành bản án thì bị xét xử về hành vi phạm tội trước đó; hoặc ngược lại, đang thi hành bản án này thì phạm tội mới nên bị xét xử và tổng hợp hình phạt. Vấn đề đặt ra là sau khi thi hành xong bản án tổng hợp trên, nếu người đó lại tiếp tục phạm tội thì được xác định còn bao nhiêu tiền án (trường hợp chưa hết thời hạn được xóa án tích hoặc chưa thi hành xong bản án).
Ví dụ: Ngày 15/8/2018, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 20/11/2018, Tòa án nhân dân huyện X xử phạt A 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng. Quá trình chấp hành án, ngày 10/01/2019, Nguyễn Văn A tiếp tục trộm cắp tài sản và bị Tòa án nhân dân huyện X xử phạt 10 tháng tù, tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 16 tháng tù (tính từ ngày bị bắt tạm giam là 10/01/2019). Đến ngày 10/5/2020, A chấp hành xong hình phạt tù. Sau khi ra tù, A lại tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 09/6/2020 và bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hiện việc xác định tiền án của A vẫn tồn tại hai ý kiến khác nhau như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối với trường hợp này, người phạm tội chỉ phải chịu 01 tiền án vì bản án trước đó đã được tổng hợp vào bản án sau, vì vậy, về bản chất người phạm tội trước đó chỉ có một bản án. Tức là A chỉ có 01 tiền án đã tuyên phải chấp hành là 16 tháng tù. Việc xóa án tích của A sẽ dựa vào hình phạt tuyên ở bản án tổng hợp để xác định là 16 tháng tù.
Ý kiến thứ hai cho rằng, trong trường hợp này, người phạm tội vẫn bị xác định số tiền án theo số bản án đã tuyên, không phụ thuộc vào việc các bản án đó đã được tổng hợp hay không. Tức là A sẽ được xác định có 02 tiền án về hành vi “trộm cắp tài sản”.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:
Thứ nhất, việc Tòa án tổng hợp các bản án có hiệu lực với nhau là để đảm bảo việc thi hành án, do đó về bản chất việc người đó bị xét xử bao nhiêu lần không bị thay đổi.
Thứ hai, trong thực tiễn, không phải bất kỳ trường hợp nào, một người bị xét xử bởi nhiều bản án có hiệu lực pháp luật cũng được tổng hợp để thi hành án. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau; tuy nhiên, nếu theo cách hiểu của ý kiến thứ nhất sẽ dẫn đến việc xác định số tiền án của các đối tượng phụ thuộc vào việc tổng hợp hình phạt. Cụ thể, trường hợp Nguyễn Văn A được tổng hợp hình phạt trong bản án sau thì sẽ được xác định là có 01 tiền án; tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó, bản án trước không được tổng hợp A sẽ bị xác định có 02 tiền án. Điều này dẫn đến việc xác định tiền án thiếu thống nhất trong thực tiễn.
Trên đây là một số vướng mắc trong việc xác định tiền án của người phạm tội, cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về vấn đề này để thống nhất áp dụng./.
Ths. Phạm Thị Thanh Huyền