Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Một số quy định của Bộ luật tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung, nhưng chưa đầy đủ. Do vậy, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) so với BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng.
Nền kinh tế thị trường ở nước ta đã có những bước phát triển quan trọng, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã mang lại những lợi ích to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, do vậy, chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố tích cực của kinh tế thị trường phát triển một cách lành mạnh.
Một số quy định của Bộ luật tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Mặt khác, nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, tội phạm trong lĩnh vực môi trường,…
Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện BLHS để góp phần bảo vệ và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Do vậy, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) so với BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng.
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định tại Chương XVIII BLHS 2015 gồm 47 điều (từ Điều 188 đến Điều 234), chia 03 mục: Mục 1- Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; Mục 2 – Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Mục 3 – Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Các điểm mới cụ thể như sau:
– Phi tội phạm hóa đối với 03 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999: tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; thay thế hành vi phạm tội của tội kinh doanh trái phép trong một số cấu thành cụ thể, trên cơ sở đó bỏ tên tội kinh doanh trái phép.
– Bổ sung 15 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế để đáp ứng thực tiễn cuộc sống và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
– Thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999). Trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, đồng thời rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong Chương XVIII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (gồm 38 điều), Ban soạn thỏa đã thay thế Điều 165 BLHS năm 1999 bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất, quy định cụ thể tại các Điều: 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224 và Điều 230 của BLHS năm 2015.
– Tách một số tội phạm ghép thành các tội phạm độc lập, riêng rẽ: tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hành cấm quy định tại Điều 155 BLHS năm 1999 được tách thành 02 tội danh độc lập tại BLHS năm 2015, đó là tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190) và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 157 BLHS năm 1999 được tách thành 02 tội danh độc lập là tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 193) và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh (Điều 194).
– Quy định cụ thể các tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
– Quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 22 tội danh trong chương này: thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lưu thông hành hóa; thuế, chứng khoán, bảo hiểm và các lĩnh vực kinh tế khác.
– Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính: đối với hầu hết các tội phạm ở chương này đều bổ sung quy định hình phạt tiền là hình phạt chính (33/47 tội danh), việc bổ sung quy định mở rộng áp dụng hình phạt tiền như vậy để phù hợp với Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2015 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
– Bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm.
– Bổ sung tội vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a).
Nhìn một cách tổng quát, quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Nguyễn Mậu Linh