Gọi bạn đến đâm chết chủ nợ sau khi bị đòi nợ

100

Tại Tòa, hai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, xin lỗi gia đình bị hại và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Vừa qua, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giết người quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS đối hai bị cáo Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Dương Khang. Sau nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Huỳnh Đức (SN 1998, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) mức án chung thân và bị cáo Nguyễn Dương Khang mức án 15 năm tù cùng về tội giết người.

Do có quen biết, Phan Thành Long (SN 2002, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho Khang vay 5 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng. Sau khi vay được tiền, Khang đóng lãi được 2 tháng thì ngưng, không trả tiền lãi và tiền gốc nên giữa hai người xảy ra mâu thuẫn.

Bị cáo Nguyễn Dương Khang và Lê Huỳnh Đức (áo hồng)

Khoảng 1h30’ ngày 28/9/2020, Phan Thành Long, Lê Bảo Phong và nhóm bạn tổ chức nhậu tại một quán ăn trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Ninh Kiều). Đến khoảng 3h cùng ngày, Long thấy Khang đến quán mua mồi về nhà nhậu nên ra đòi nợ. Sau đó cãi nhau, Long dùng tay đánh Khang, được mọi người can ngăn, Long quay trở lại quán và tiếp tục nhậu.

Sau khi bị đánh, Khang chạy khỏi quán khoảng 50m thì dừng lại, gọi điện báo tin mình bị Long đánh cho Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Hùng nghe. Khi cả ba gặp nhau, do có quen biết với Long nên Hùng khuyên Khang bỏ qua chuyện, nhưng Đức không đồng ý rồi kêu Khang lên xe của mình, sau đó Đức chở Khang đến nơi Long đang nhậu để nói chuyện.

Đến quán, Đức lớn tiếng hỏi Long “sao mày đánh nó?”, khi thấy Long vừa bước đến, Đức liền lấy cây dao từ trong túi đeo trước ngực, xong tới đâm nhiều nhát vào Long. Cùng lúc, Khang cũng dùng ghế nhựa của quán đánh bị hại. Trong lúc chống trả, Long dùng ly bia đánh trúng vào mặt của Đức.

Thấy vậy, anh Lê Bảo Phong và nhiều người khác đến can ngăn, Đức liền quay sang cầm dao đâm trúng vào vùng lưng của anh Phong. Gây án xong, Đức và Khang lên xe rời khỏi quán, Đức đưa dao cho Khang ném bỏ xuống sông, sau đó nhờ bạn chở vào bệnh viện cấp cứu, do vết thương vùng mặt bị Long dùng ly đánh trúng chảy nhiều máu.

Hai nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng Long đã tử vong trước khi đến bệnh viện, còn Phong điều trị đến ngày 5/10/2020 thì xuất viện. Kết quả giám định tỷ lệ thương tật của Phong là 4%.

Quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị cáo Đức đã bồi thường số tiền 200 triệu đồng cho gia đình anh Long và 35 triệu cho gia đình anh Phong; riêng gia đình bị cáo Khang đã bồi thường cho gia đình anh Long số tiền 20 triệu đồng.

Gia đình bị hại Long đã có đơn xin bãi nại và giảm nhẹ hình phạt cho cả hai bị cáo, anh Phong có đơn không yêu cầu khởi tố đối bị cáo Đức.

Sau khi căn cứ các tình tiết, HĐXX đã tuyên phạt 2 bị cáo mức án như trên với tội danh giết người, riêng bị cáo Nguyễn Dương Khang, vào ngày 17/1/2020 đã bị Tòa án quận Cái Răng kết án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản (chưa chấp hành án) nên HĐXX tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Khang là 18 năm tù.

Tham khảo điều lệ:

Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

” 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

II. Các yếu tố cấu thành tội phạm

1.  Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau đây:
a) Có hành vi làm chết người khác: Được thể hiện qua hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống.
–  Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức sau:
+ Hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã chủ động thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép như: dùng dao đâm,dùng súng bắn, dùng cây đánh … nhằm giết người khác.
+ Không hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã không thực hiện nghĩa vụ phải làm ( phải hành động) để đảm bảo sự an toàn tính mạng của người khác … nhằm giết người khác. Thông thường tội phạm được thực hiện trong trường hợp (bằng cách) lợi dụng nghề nghiệp
–  Có hoặc không sử dụng vũ khí, hung khí khác, cụ thể là:
+ Không sử dụng vũ khĩ hoặc hung khí: Trường hợp này người phạm tội chủ yếu sử dụng sức mạnh cơ thể của mình tác động lên cơ thể của nạn nhân hoặc đẩy nạn nhân vào điều kiện không thể sống được như đấm, đá, bóp cổ… hoặc dùng các thủ đoạn khác như đẩy xuống sông …
+ Có sử dụng vũ khí, hung khí hoặc các tác nhân gây chết người khác. Trường hợp này người phạm tội có sử dụng các công cụ phạm tội như: Súng, lựu đạn, bom, mìn, dao, búa, gậy gộc, … hoặc các tác nhân gây chết khác như thuốc độc, điện …
–  Hành vi giết người được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực, cụ thể là:
+ Dùng vũ lực: Được hiểu là trường hợp người phạm tội đã sử dụng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội ) tác động lên thân thể nạn nhân.
Việc dùng vũ lực có thể được thể hiện bằng các hình thức sau:
Thực hiện trực tiếp như dùng tay, chân để đánh đá, bóp cổ, …
Thực hiện gián tiếp thông qua phương tiện vật chất (có công cụ, phương tiện phạm tội) như: Dùng dao để đâm, chém, dùng súng bắn, …
+ Không dùng vũ lực: Nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất để tác động lên cơ thể nạn nhân như: Dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nạn nhân vướng vào…
b) Về hậu quả: Các hành vi nêu trên thông thường gây hậu quả trực tiếp là làm người khác chết (tức là chấm dứt sự sống của người khác). Tuy nhiên chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác (hay làm cho người khác chết) thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không.
Tuy nhiên một số truờng hợp việc dùng vũ lực không gây ra hậu quả trực tiếp làm nạn nhân chết mà chỉ có tác dụng đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và tử vong (như xổ nạn nhân xuống sông và bỏ mặc cho đến chết hoặc đạp nạn nhân ra ngoài đường đang có nhiều xe oto chạy dẫn đến bị xe cán chết …) theo chúng tôi vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đó có mục đích giết người. Đây có thể xem là hậu qua gián tiếp.
2.  Khách thể 
Hành vi nêu trên đã xâm phạm đến tính mạng của người khác (quyền được bảo vệ về tính mạng)
Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống). Ghi chú: Thai nhi không được xem là một con người đang sống cho đến khi được sinh ra và còn sống. Cho nên việc “giết” một bào thai không được xem là hành vi giết người mà chỉ được xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc là tình tiết tăng nặng trong trường hợp giết người là phụ nữ mà biết là ngươi đó đang mang thai.
3.  Mặt chủ quan
Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (được thể hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Lưu ý:
Mặc dù giết người không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc nhưng trong một số trường hợp vẫn được xem xét như một dấu hiệu bắt buộc của mặt chủ quan để làm căn cứ phân biệt với một số trường hợp sau:
–   Gây thương tích dẫn đến giết người. Trong trường hợp này người phạm tội không có mục đích giết người.
–   Nạn nhân bị tấn công bằng các hoá chất có độc tính mạnh (như axit, thuốc chuột) hoặc bằng các hung khí nguy hiểm (như dao nhọn, lưỡi lê, …) vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nhưng chỉ bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ (không chết) hoặc không bị thương tích, trường hợp này cần xác định mục đích tấn công là gì , nếu có mục đích nhằm giết người khác thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng thuộc trường hợp phạm tôi chưa đạt. Tuy nhiên nếu không có mục đích giết người thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tôi cố ý gây thương tích (nếu có).
–  Nạn nhân bị vướng bẫy điện dẫn đến tử vong. Trường hợp này cần phân biệt là: nếu dùng bẫy điện với mục đích để chống trộm (tức đối tượng bị tác động được nhắm tới là con người) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người; nếu dùng bẫy điện với mục đích là để diệt chuột (tức là đối tượng bị tác động nhắm tới không phải là con người thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.
4. Chủ thể
Chủ thể này bất kỳ là người nào có năng lực trách nhiệm hình sự
Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
5.  Một số vấn đề cần lưu ý
Trên thực tế, tội giết người có những biểu hiện gần giống với tội phạm khác có yếu tố dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây chết người. do đó, cần có sự phân biệt.
–   Phân biệt giữa tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (hậu quả chết người chưa xảy ra nằm ngoài ý muốn của người phạm tội) với tội cố ý gây thương tích cho người khác nhưng dẫn đến hậu quả chết người. Hai trường hợp phạm tội này có điểm giống nhau là cùng gây thương tích cho người khác.
Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ
–  Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 có phân biệt trường hợp người phạm tội nhận thực được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội giết người.
–  Phân biệt giữa tội giết người đã hoàn thành (hậu quả chết người đã xảy ra) với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại của người khác dẫn đến chết người
Hai trường hợp trên có điểm giống nhau là cùng gây ra hậu quả chết người. Điểm khác nhau giữa chúng là đối với hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người phạm tội chỉ mong muốn hậu quả thương tích xảy ra chứ không mong muốn làm chết người và cũng không có ý thức bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra.
Còn đối với tội giết người, người phạm tội biết rõ hành vi của mình là tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật và hậu quả chết người xảy ra. Điểm khác nhau về ý thức chủ quan nêu trên được xác định qua các tình tiết biểu hiện ra bên ngoài như phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm, vị trí tác động, trình độ nhận thức, tính cách, mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại…
Thực tiễn, phải định tội giết người nếu trong khi hành động, người phạm tội có những hành động cố ý, và hành động có khả năng làm chết người như dùng vật nhọn, sắc, cứng, chém hoặc đâm, đánh mạnh vào những chỗ hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân như đầu, ngực, bụng, … hoặc cố ý đánh cho nạn nhân thương tích nặng để rồi sau đó bệnh chết.
–  Hành vi phá thai không gọi là giết người. Nếu giết phụ nữ biết là có thai thì không phải là giết nhiều người mà là tình tiết định khung tăng nặng.
–  Người bị giết trước khi đó phải là con người tự nhiên, sinh học, còn sống. Nếu “giết” một người đã chết hoặc người máy thì hành vi đó không phải là hành vi phạm tội giết người, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng của con người. Tuy nhiên, nếu tưởng nhầm xác chết là người đang còn sống (người phạm tội sai lầm về đối tượng mà có hành vi phạm tội giết người thì vẫn coi là phạm tội. trong trường hợp nạn nhân dù sắp chết mà có hành vi giết họ thì cũng coi là phạm tội giết người)
========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai