Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên đã xử sơ thẩm một vụ án hình sự mà bị cáo H. bị truy tố ở khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình. Vì bị cáo không mời luật sư nên tòa đã yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên chỉ định luật sư bào chữa. Theo yêu cầu của tòa, đoàn luật sư tỉnh đã chỉ định luật sư NHQ tham gia tố tụng để bảo vệ bị cáo.Tuy nhiên, khi phiên tòa được diễn ra thì ngay tại phần thủ tục khai mạc phiên tòa, khi được hỏi có đồng ý để luật sư Q. bào chữa không thì bị cáo H. dõng dạc trả lời ngay: “Tôi xin từ chối không cần luật sư nào cả. Tôi tự bào chữa được”. Nghe vậy, luật sư Q. cũng đứng lên phát biểu: “Bị cáo từ chối tôi thì tôi cũng từ chối bào chữa cho bị cáo”.
Trước tình huống bất ngờ này, HĐXX đã phải vào hội ý. Một lúc sau, chủ tọa ra tuyên bố không chấp nhận ý kiến “từ chối nhau” của cả bị cáo lẫn luật sư. Theo tòa, luật sư Q. vẫn phải tiếp tục tham gia phiên xử, nếu bị cáo từ chối luật sư bào chữa thì luật sư “không phát biểu về chứng cứ, tội danh mà nói về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng của vụ án”.
Sau khi Tòa án đưa ra phương án như vậy, luật sư Q. chấp hành, ngồi xuống tiếp tục làm nhiệm vụ, bị cáo H. cũng không có ý kiến gì thêm. Trong quá trình xét hỏi sau đó, luật sư Q. chỉ ngồi theo dõi, ghi chép. Đến phần tranh luận, vị luật sư này cũng làm theo đúng “chỉ đạo” của tòa là không trình bày lời bào chữa cho bị cáo về nội dung vụ án mà chỉ phát biểu nhận xét về mặt thủ tục tố tụng. Cuối cùng, tòa đã tuyên phạt bị cáo H. 15 năm tù.
Trường hợp nào phải có luật sư chỉ định?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì những trường hợp sau đây sẽ phải chỉ định người bào chữa:
“Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.”
Bị cáo có quyền từ chối luật sư bào chữa?
Theo quy định tại Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa. Như vậy, việc nhờ luật sư hay không nhờ luật sư phụ thuộc vào ý chí của bị cáo. Vì đó là quyền lợi của bị cáo chứ không phải là nghĩa vụ. Do đó, bị cáo có quyền nhờ hoặc từ chối luật sư. Tuy nhiên, đây là trường hợp pháp luật quy định về việc bị cáo tự mình hoặc có thể thông qua người khác nhờ luật sư bào chữa cho mình còn đối với trường hợp từ chối luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo trong trường hợp nêu trên thì chưa được pháp luật quy định cụ thể.
Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 còn hiệu lực thi hành có quy định về trường hợp từ chối luật sư chỉ định đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không quy định việc từ chối luật sư chỉ định trong các trường hợp phải có luật sư chỉ định khác. Tuy nhiên, với tinh thần của điều luật trên thì rõ ràng cần phải tôn trọng ý chí của bị cáo, dù bị cáo là đối tượng nào.
Luật sư bào chữa có quyền từ chối bị cáo?
Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa có nghĩa vụ: “Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan”. Như vậy, nếu không chứng minh được vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan thì luật sư buộc phải bào chữa cho người mà luật sư đã đảm nhận bào chữa. Trong trường hợp này khi được Đoàn luật sư phân công bào chữa cho bị cáo thì đây là nghĩa vụ của luật sư và luật sư phải đảm nhận trách nhiệm đó. Hơn nữa, tại Quy tắc 21 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cũng đã quy định Luật sư phải có trách nhiệm: “Bào chữa chỉ định khi được Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phân công trong các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng”.
Như vậy rõ ràng việc luật sư Q từ chối bào chữa cho bị cáo trong trường hợp trên là hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Phương án giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên có thỏa đáng?
Là thỏa đáng khi Hội đồng xét xử không đồng ý với việc Luật sư bào chữa từ chối bào chữa cho bị can. Vì như phân tích nêu trên thì Luật sư bào chữa không được từ chối bào chữa chỉ định cho bị cáo khi được Đoàn luật sư phân công theo yêu cầu của Tòa án. Tuy nhiên, là không thỏa đáng khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đưa ra phương án giải quyết mang tính chất “nửa vời” đối với đề nghị không cần luật sư bào chữa của bị cáo. Thay vì việc đưa ra phương án giải quyết nêu trên thì Hội đồng xét xử nên phân tích cho bị cáo hiểu được quy định của pháp luật về luật sư chỉ định và quyền lợi của mình khi có luật sư bào chữa.
Nếu sau khi nghe xong phân tích của Chủ tọa phiên Tòa mà bị cáo vẫn tiếp tục từ chối luật sư bào chữa thì lúc đó Hội đồng xét xử nên tôn trọng quyết định của bị cáo. Bởi lẽ, điều này là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số: 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và phù hợp với những quy định của pháp luật được phân tích nêu trên.
Tìm thuê luật sư giỏi bào chữa tại Hà Nội
Tổng đài tư vấn luật sư bào chữa online 1900 599 979
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai